Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Thị Minh Ngọc. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Thị Minh Ngọc. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2023

Nguyễn Thị Minh Ngọc: Gội nước thời gian

Nhà văn-biên kịch-đạo diễn
sân khấu Nguyễn Thị Minh Ngọc

@ Hai năm Covid ít tiếp xúc ai, nhiều người không nhuộm tóc nữa, trong đó có tôi. Ở Mỹ, nhiều người tưởng tôi tóc bạch kim, chào hỏi bằng tiếng Anh; về đến Việt Nam, các thanh niên trên dưới hai chục tuổi, khen: “Bà ơi, tóc bà đẹp quá” cứ làm tôi nhớ đến câu chuyện Cô Bé Choàng Khăn Đỏ và câu thơ trong bài Chợ Tết của Đoàn Văn Cừ “Nước thời gian gội tóc trắng bạc phau phau

@ Cách đây hơn 20 năm, tôi định soạn một vở dài hai tiếng tặng Thành Lộc, bạn tôi, khi chứng kiến cái kiểu diễn cứ trút sức vào trên mức cần thiết cho các vai diễn của Lộc. Nhiều người chỉ dùng 50% sức, Lộc thì nhiều khi phải 110, 120 % mới chịu. Trong vở đó, nhân vật chính được thông báo chỉ còn được sống 120 phút nữa, bèn chia ra: 30’ thực hiện các lời hứa dở dang với học trò, công việc; 30’ cho ân oán bạn bè, người thân; 30’ dành cho mẹ và 30’ cho những mơ ước của mình. Thực tế cho thấy ba phần đầu lấn hết giờ dành riêng cho mình, nên thần chết tặng thêm cho nhân vật chính sống thêm một khúc, và khúc đó dài ngắn tùy theo khán giả của đêm đó. Chẳng nhà sản xuất nào hào hứng với ý tưởng nầy. Ngay lúc đó, tôi đã nhận là chính mình cũng mãi làm theo yêu cầu của người khác bên sân khấu và điện ảnh mà không để giờ viết những điều tôi thích rồi “đặt hàng” cho chính mình. Ngày má tôi mất, tôi đã tự hứa sẽ viết một cái gì đó, coi như để thay hương hoa cúng bà. Rồi hơn mười năm qua, má tôi đi trước, má Lộc mới đi đây, vẫn chỉ là những bản thảo bôi xóa tạm gác vì những deadline khác. 


Thứ Ba, 6 tháng 12, 2022

Nguyễn Thị Minh Ngọc: Đám cưới

Nhà văn, nhà biên kịch
Nguyễn Thị Minh Ngọc.
Photo: Trần Đức Lân
Ở thành phố có một số con đường lớn có những khu phố mặt tiền sang trọng, hào nhoáng. Ngay sau lưng những dãy phố đó đôi khi là những cảnh quang tương phản hẳn, của những đời sống khác.

Phía cuối đường X., nơi có ngôi trường dành cho trẻ con nhà giàu trước 1975 bởi chuyên dạy tiếng Pháp, từ hẻm 567 bước vô, đập trước mắt mọi người là tấm bảng ghi “Khu vực dễ cháy”. Bắt từ đó, hẻm luồn chảy như khe nước nhỏ, nó lách vào được những chỗ có những căn nhà đối diện cách nhau đâu độ vài gang tay. Có chỗ nó chạy bao quanh một cụm nhà như một cù lao, đôi khi hào phóng phình ra để người trong xóm có thể bày các loại hàng ra bán; có những khúc đột ngột thắt lại nhỏ xíu chỉ đủ cho một người hay cao lắm thêm một xe hai bánh nữa đi qua, ngó thấy đầu kia có người thì coi như có một đèn đỏ ở đâu đó, lui ra cho bên kia qua trước không thì không lách qua nhau được. Lại có những đoạn mà hốt nhiên có cả một căn gác treo lơ lửng sà ngay trước mặt bạn làm bằng những thứ đơn giản như trẻ chơi bài chòi quơ quào ghép thùng giấy cứng lại làm thành, khi cúi người đi qua đó phải hết sức nhẹ chân bởi một chấn động âm thanh cũng dễ làm cái khối gọi là gác ấy rơi đè ngay bạn.