Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Thị Khánh Minh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Thị Khánh Minh. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 11 tháng 4, 2023

Nguyễn Thị Khánh Minh: Đặng Mai Lan – Thời gian mộng ảo Một Tuần Một Đời

Bìa sách “Một Tuần Một Đời”

Không gian của Một Tuần Một Đời là một cõi mù sương, không có một con đường nào có tên rõ rệt để dẫn tới một nơi chốn được định vị trên địa lý. Vô phương. Có đến được, hẳn bạn cũng bị ngẩn ngơ, vì tới nơi sẽ chẳng còn ngôi nhà bạn muốn tìm, người bạn muốn gặp. Một không gian không phải là cái được thấy được nhìn. Vì chính người chỉ đường cho bạn cũng cảm thấy như đang chìm trong mê mị, cảnh vật thì chuếnh choáng trong ảo ảnh. Tất cả êm ả. Tất cả chộn rộn. Như thể cuộc sống đang diễn ra, đang như vậy. 


Tôi tự hỏi, đây là hiện tại chăng,

Chợ trưa thưa vắng, con đường không một bóng cây. Nắng hừng hực như bốc hơi, nhập nhòe trên con phố xô bồ san sát nhà cửa, quán xá. Những ngôi nhà chuếnh choáng trong một thứ ảo ảnh vật vờ, xiêu đổ. Quán im thinh, âm thanh rù rì mỏi mệt của những cánh quạt quay đều từ chiếc quạt điện máng trên cao như từ một cõi nào xa vắng vọng về. Luồng gió nhân tạo chưa đủ hong khô những giọt mồ hôi rịn trong lưng áo, lại mang đến cho tôi một thứ cảm giác lạnh lẽo rờn rợn thịt da. Thứ cảm giác từ đâu đến vây bủa, mơ hồ, lạ lùng tôi không thể nào hiểu được. Và chừng như tôi cũng đang chìm trong mê mị…


Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2023

Thơ lục bát Nguyễn Thị Khánh Minh

 ƠN QUÊ HƯƠNG 


Sơn hà cương vực đã chia*

Sao máu lệ mãi đầm đìa bao phen

Tiệt nhiên định phận… 

Phận hèn

Sách trời** mưa khóc ướt nhèm sử xanh


Ơn quê hương. Một giống nòi

Từ sinh ra đã chia đôi con đường 


Ơn thân cò lội. Đêm sương

Ơn tàu lá chuối rách bươm. Gió mùa


Gói xôi mẹ ủ. Nắng mưa

Thảo thơm hơi ấm gắp lùa đắng cay


Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Tin Sách: "Tháng Năm là mộng đang đi”, Nguyễn Thị Khánh Minh

Văn Học Press

22 Agostino, Irvine, CA 92614 USA  
vmail: +1-949-981-3978
Facebook: Van Hoc Press


Trân trọng giới thiệu:

tháng năm là mộng đang đi


Thơ

NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH

VĂN HỌC PRESS xuất bản, 2023




Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2020

Nguyễn Thị Khánh Minh: Ngô Thế Vinh, Vết Thương Chưa Thực Sự Lành*

Bài viết nhân dịp tập truyện song ngữ “Mặt Trận Ở Sài Gòn / The Battle of Saigon” tái bản, tháng 10/2020


Khi chỉ mới đọc truyện đầu tiên, truyện mang tên của tựa đề cuốn sách, Mặt Trận Ở Sài Gòn của Ngô Thế Vinh, tôi đã có ước muốn, được hỏi ngay, những anh hùng mà ông đề cập đến trong truyện này, hiện giờ họ ở đâu, họ ra sao, và tôi muốn gửi đến họ, rất muộn, lòng ngưỡng mộ, tri ân và cả nỗi sầu buồn. Và tôi cũng muốn nói ngay với tác giả, khi đọc tới đoạn này, tôi đồng tình với chủ trương của các nhân vật trong truyện:

 

… “Diều Hâu” là biệt danh ông bác sĩ đặt cho tính hiếu chiến của tôi. Xem ra ai cũng có vẻ bực bội về những tin tức xáo trộn ở Sài Gòn. Ông tiếp:

- Tụi sinh viên có đứa nào bất mãn, Diều Hâu cứ việc hốt hết đem lên căn cứ 7 giao cho tôi.

… Cầm lấy ly rượu như muốn bóp vỡ trong tay, thiếu tá Bính giọng gay gắt hơn:

- Cứ để tôi thì khỏi cần tốn phi tiễn với lựu đạn cay. Chỉ cần mấy cỗ đại liên trí mấy đầu phố.

Xem ra chính trị đã làm phân hóa giữa chúng tôi. Rồi ông quay sang hỏi ông Bác sĩ:

- Sao Docteur Zhivago, ông nghĩ sao về tụi sinh viên tối ngày chỉ biết có biểu tình phá rối ấy? (Mặt Trận Ở Sài Gòn, tr. 27-28)

Nếu ngược về năm 1971-1972, đọc đoạn trên thì tôi sẽ rất bất mãn với thái độ của mấy ông quân nhân này. Dạo đó tôi đang là sinh viên năm thứ hai Luật, và là cảm tình viên của phong trào sinh viên phản chiến. Hồi đó chúng tôi rất không ưa, hơn nữa còn gọi là -đám lính cảnh sát đàn áp- biểu tình. Ngày ấy, với bọn chúng tôi, dường như hình ảnh sống có lý tưởng, là phản chiến, là hô hào bãi khóa, xuống đường, chống chế độ, và… nghe nhạc phản chiến. Ai đã dựng nên hình ảnh ấy và đã-thành-công trong việc hướng dẫn cái nhìn của lớp trẻ một thời? Và cứ thế, chỉ biết phản chiến, lên án chiến tranh và gần như coi nhẹ số phận đau đớn, bi thảm của người lính hy sinh mạng sống cho một cuộc chiến đang bị phản đối khắp nơi! Quá tiếc là ngày đó đã không được đọc tác phẩm này, mà nghĩ ra đó là lỗi của thông tin, dân vận của Việt Nam Cộng Hòa đã đánh giá sai tác phẩm này để đưa đến cấm đoán và truy tố tác giả. Thực sự nếu người ta được đọc nó nhiều hơn ngay lúc đó thì đã không có cảnh phân hóa giữa quân dân như vậy, hơn nữa nó sẽ là chiếc cầu nối tình cảm rất hữu hiệu giữa tiền tuyến hậu phương, và như thế sẽ có một khối sức mạnh của sự đồng lòng. Đáng tiếc. Đứng về phía miền Nam thì, nếu hồi đó họ ý thức được như Phúc: Hoàng gốc phản chiến nhưng lại luôn luôn lên án một phía; Phúc không kìm hãm được nói: - Nguyền rủa chiến tranh một bên có giải quyết được gì không hay chỉ làm nản lòng những người đang chiến đấu! (Chiến Trường Tạm Yên Tĩnh, tr. 76). Họ đã khôngnhận thức đúng để vừa chống mặt phi nhân tàn ác của chiến tranh, đồng thời, có được lập trường sáng tỏ rằng, đó là cuộc chiến bảo vệ cho sự sống còn của miền Nam Việt Nam. Trong khi đó ở miền Bắc thì họ có một khối gắn bó giữa quân

Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2018

Nguyễn thị khánh minh: ĐÊM. NHỚ CHA

Cha và con gái. Hình Internet

1.
Đêm. Con nhìn lên trời
Những vì sao rất nhỏ…
Những vì sao rất xa…
Xin một vì sao tỏ
Thắp mừng sinh nhật cha

Đêm. Con nhìn lên trời
Trời quen mà thăm thẳm
Muốn quay về, một nơi
Bên lòng cha đầm ấm…

Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2018

Nguyễn Thị Khánh Minh: mùa xuân. mưa



Dường như nắng chưa biết mùa xuân về.

Trời xám cùng những dự báo về một cơn bão lớn, về một trận động đất, về một ngày tận thế, có thể. Tôi thảng thốt. Như tiếng chim vừa vỡ trong mưa. Không thể bắt đầu mùa xuân như thế.

Có tiếng khóc của ai đó vừa cất lên chào ngày thứ nhất. Nắng một ngày nõn xuân, tiên đoán cuộc đời sẽ mãi là những ngày nắng đẹp, nên người yêu mầu xanh, yêu thanh bình, yêu những đơn sơ. Người đến em từ giấc mơ. Mùa xuân phương Nam rực rỡ nắng.

Tại sao bắt đầu mùa xuân bằng những trận mưa và gió. Gió Santa Ana. Ngọn gió có gai. Phía bên kia đại dương trời đất chập chùng tin dữ. Mùa yên bình, gần đây thôi, mà như đã thành truyện cổ. Nỗi sợ đồng hóa hết mọi thứ. Thiên tai mong manh hóa hết mọi điều. Tại gió, tại mưa không nhớ hạn kỳ? Tại đất tại trời xô lệch?

Những ngày vắng vẻ tin nắng. Hoảng hốt nỗi sợ về một điều không kịp trong đời. Phải nói đi thôi kẻo hỗn độn đất trời. Phải nói đi thôi kẻo ta bay tro bụi. Phải nói đi thôi tiếng của hôm nay, kẻo mai kia ta phải đi lại từ đầu. Em sợ con đường dài thương khó đi tới những chữ tên gọi tình yêu.

Chiều bay theo gió. Lá khô chạy cuống quít trên đường. Lá khô mang mầu đỏ. Lá nước mắt biến mầu dưới cơn gió chướng.


Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2012

Nguyễn Thị Khánh Minh - Những bóng


Nguyễn Thị Khánh Minh

Biển ơi!
Bóng em áo màu trăng huyễn ảo
Hạt lệ ngân thành tiếng sóng
Tiếng sóng đêm đêm rợn tiếng khóc
Tiếng khóc đêm đêm vỡ những giấc mơ
Cát đêm rất mặn
Những mảnh thuyền dao cắt
Những con ma nhìn em cúi mặt
Những con ma ăn thịt người tanh mùi quỉ dữ
Nhờ nhờ dưới màu nguyên sơ ánh mắt em
Tha Sala em ơi biển động về hư không [1]
Bóng em bản thông điệp máu thời mạt pháp
Bóng em áo màu trăng ngây thơ
Bóng em mảnh ván thuyền vĩnh quyết
Bóng em biển một thời cuồng phong
Bóng em thời gian miên viễn
Đêm nay, em nghe, tôi nghe, người nghe
Tiếng chuông những trái tim
Bồng em biển người bay về cố quận
Một dải biển thơm mùi khói hương ruột thịt
Đón em về.
Bước em xanh ngát biển khoan dung
Tha Sala em ơi biển động về mỗi trái tim

"Illusion of Time #5”. Ann Phong. 2009. Mixed media, 24x72 inches.
Bóng mẹ ngồi khung xương cong
Bóng thịt bóng da
Bóng đập phập phồng trái tim mẹ
Biển vời vợi xa
Biển không theo con về với khoang cá đầy
Nuôi vợ nuôi con nuôi mẹ nuôi dân chài những đời rất nhỏ
Biển theo con đi vào hàm cá mập
Hàm cá mập thời hải lý răng cưa chiếc vòi bạch tuộc
Bóng mẹ khô
Ôi con không về nữa

Bóng vợ lô xô cát mặn
Nón trắng xếp hàng như nón tang
Bóng vợ nhấp nhô đêm
Xa khơi đèn biển lập lòe mắt mộng
Biển chở về những con sóng lạnh
Âm âm tiếng đàn ông reo tiếng cá
Trôi đi đâu những con thuyền bé miệng
Bóng vợ oằn như sâu
Máu nóng đau chờ, đá kia cũng sợ
Ôi chồng không về đâu

Biển từ thuở Em bắt đầu viết trên sóng đường đi đẫm máu
Biển từ thuở hòa lệ mẹ
đến giờ biển không còn mặn nổi
đến giờ biển không còn biết khóc
Biển của Người biển ơi…

Sông ơi!

Bóng bé thơ bay trên những dòng sông
Bắc những cây cầu
Để,
Sớm mai em đi học
Buổi chiều em đi về
Bình an trên dòng nước lũ
Bóng bé thơ bay trong giấc mơ
Chiếc cầu, bóng cũng như em

Bóng bé thơ bay đàn bướm trắng [2]
Trên dòng sông hôm qua nuốt con đò,
Con đò làm từ giấy bạc lòng tham nên sinh mạng các em rất nhẹ
Sông dạt về những bóng xác lạnh
Bóng các em không còn trong lớp học
Bóng các em thôi ấm bếp lửa nhà sàn
Bóng các em nằm trên dòng sông,
Nhấp nhô bóng những con đò vỡ
Mẹ chờ, đá kia nghe đã mỏi
Mẹ bản nghèo xưa nay lầm lũi rẫy nương
Mẹ chiều nay hóa bóng bên bờ sông lặng lẽ
Bóng bé thơ bay đàn bướm trắng,
Rừng bản dập dềnh bướm trắng
Em bay về đâu…
Khách có về bên bờ sông
Thấy chiếc đò chở các em đi học
Đó là chiếc thuyền rất chắc chắn
Đàn bướm kết trong giấc mộng
Đưa em sang sông và lành lặn trở về

Biển cúng
Sông cúng
Biển khóc
Sông khóc
Đất ngập nước mắt
Trời mờ khói hương
Lệ tôi đêm nay cũng khói
Theo từng con bóng bay lên

Nguyễn thị Khánh Minh
Tháng 7, 2012