Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Tường Thiết. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Tường Thiết. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 7 tháng 7, 2023

Nguyễn Tường Thiết: Giòng Sông Thanh Thủy, một chúc thư văn học của Nhất Linh

Nhà văn Nhất Linh-Nguyễn Tường Tam (19061963)

Cuốn truyện dài Giòng Sông Thanh Thủy của Nhất Linh được khởi đăng từng kỳ vào ngày 14 tháng 10 năm 2022, mỗi tuần đăng một Chương vào ngày thứ Sáu, trên báo mạng Diễn Đàn Thế Kỷ. Tác phẩm này gồm cả thẩy 38 chương. Thật tình cờ hôm nay thứ Sáu mồng 7 tháng 7 năm 2023, Diễn Đàn Thế Kỷ cho đăng chương chót thứ 38, và như vậy kết thúc tác phẩm vào đúng ngày giỗ thứ 60 của nhà văn Nhất Linh (7/7/1963 – 7/7/2023).


Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2022

Nguyễn Tường Thiết: Một chút tri kỷ muộn màng

“Truyện của Nguyễn Tường Thiết rất gần gũi với tôi. Khi đọc chúng tôi thấy cảm động một cách tin cậy và có nhiều mối đồng cảm với tác giả. Có thể chúng tôi có nhiều mẫu số chung với nhau trong thời trẻ tuổi của chúng tôi, mặc dù anh Thiết và tôi mãi đến... tuổi già mới quen nhau ở Hoa Kỳ. Một trong các mẫu số chung đó có thể là Tự Lực Văn Đoàn và nhà văn Nhất Linh, có thể là tình hình chính trị tại Việt Nam khi chúng tôi vừa bước vào tuổi thanh niên. Đó là những chuyện đã xa lắm rồi. Bây giờ chúng tôi bắt đầu bước vào tuổi già, anh Thiết lại bắt đầu viết hăng, tôi chỉ biết gửi gắm đôi nét của lòng mình vào tác phẩm của anh, gọi là đánh dấu một chút tri kỷ muộn màng...”

Trên đây là đoạn kết Bài Tựa của Phạm Phú Minh viết cho tập truyện Mùa Hạ Năm Ấy của tôi xuất bản năm 2008.

*


Anh Phạm Phú  Minh ơi, câu kết của anh “đánh dấu một chút tri kỷ muộn màng” cũng là nội dung bài viết tôi dành riêng cho anh hôm nay đây. 


Như anh Minh nói chúng tôi quen biết nhau khá muộn khi cả hai chúng tôi đều đã bước qua tuổi 60. Do duyên văn nghệ chúng tôi quen nhau đúng 20 năm trước. Năm 2002, anh Minh lúc ấy là chủ bút tờ Thế Kỷ 21 thực hiện ở Nam California một số báo Tưởng Niệm Nhất Linh nhân ngày 7 tháng 7. Cùng thời gian ấy ở Seattle tôi đánh máy sửa soạn tái bản tác phẩm Xóm Cầu Mới của thân phụ tôi. Để lần tái bản này thêm trang trọng tôi gửi bản sao một số trang bản thảo của ông Cụ tôi cho nhà văn Võ Phiến để nhờ anh viết Lời Bạt cho cuốn sách này. Anh Võ Phiến gửi tôi bài viết “Đọc bản thảo của Nhất Linh”. Cùng lúc ấy anh Phạm Phú Minh cũng xin anh Võ Phiến một bài để đi trong số Tưởng Niệm. Anh Võ Phiến cho anh Minh hay anh vừa viết xong một bài mới về Nhất Linh nhưng đã gửi bài ấy cho tôi rồi, nay nếu anh Minh muốn đăng bài ấy trên Thế Kỷ 21 thì anh nên “thương lượng với anh Thiết”. Thế là do môi giới của nhà văn Võ Phiến anh Minh và tôi quen nhau từ đó.


Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2022

Nguyễn Tường Thiết: Đội Mưa Mà Đi

Vua Lý Thái Tổ nhìn xuống Hồ Gươm. Từ trên tầm cao 10 mét mắt ngài chiếu thẳng Tháp Rùa. Trước mặt ngài không phải cố đô Thăng Long mà là thủ đô Hà Nội một nghìn năm sau. 

Ngài uy nghiêm đứng giữa vườn hoa Chí Linh. Trước mặt ngài là phố Đinh Tiên Hoàng, tả hữu có hai phố Lê Thạch, Lê Lai, sau lưng có con phố mang tên ngài, Lý Thái Tổ. Nhà vua đảo mắt nhìn phía dưới chân. Ngài khó chịu thấy mình đang bị quan sát. Một thanh niên bận chiếc áo khoác có nhiều túi cúi xuống lôi trong bọc một vật gì màu đen rồi giơ vật ấy về phía ngài.

Quang nhìn lên ngắm nghía pho tượng đồng cao. Anh tự hỏi lần về Hà Nội mấy năm trước không thấy bức tượng này đặt ở đây. Nếu có chắc chắn là phải hiện trong bộ phim ảnh của anh vì lần nào về Hà Nội anh cũng chụp mấy bức ảnh Hồ Gươm và Tháp Rùa đứng từ phía vườn hoa Chí Linh. Quang giơ chiếc máy ảnh về phía tượng và điều chỉnh ống kính. Anh đi tới đi lui. Rồi anh quỳ xuống ngước máy lên để chụp toàn bộ bức tượng có hàng chữ ở dưới bệ: Vua Lý Thái Tổ (974-1028).

Nhà vua không nhìn thanh niên, ngó sang một thiếu nữ đứng cách đó chục thước mặc chiếc áo đỏ đội chiếc mũ trắng tay cầm một vật gì giống hệt như vật trong tay thanh niên và hướng nó về phía hai người đứng trước, hai người ấy trông như hai mẹ con.

– Chị muốn chụp phông nào? Lấy vua hay lấy hồ. 

Vi hỏi người đàn bà. Người ấy nhìn chung quanh nói:

– Tượng vua cao thế kia có lấy được hết không?

 Vi nói:

– Được!

Cô chạy lại gần con bé, bẻ lại cổ áo, vuốt lại tóc nó. Rồi cô khen con bé:

– Xinh nhất đấy! 

Con bé vênh mặt lên khi thiếu nữ quỳ xuống ngửa ống kính chụp hai mẹ con, cái phông tượng ở sau.

Vua Lý Thái Tổ nghĩ thầm: “Đám người kia chiêm ngưỡng ta.” 

Dưới kia không phải là thần dân của ngài. Thần dân ngài đâu có ăn mặc dị hợm và có những hành động kỳ khôi như thế. Trên đường Đinh Tiên Hoàng những cỗ xe chạy như mắc cửi. Xe hai bánh chạy chen giữa những xe bốn bánh, phát tiếng động chói tai. Ngay sát dưới chân ngài, trên một khoảng rộng hình tròn lát đá, những cỗ xe bốn bánh bé tí teo có những đứa bé ngồi. Xe chạy lòng vòng, đâm nhau loạn xạ. Chung quanh có đám đông đứng xem. Trong số có mấy người mặt trắng cao to dị thường. Nhà vua nghĩ thầm: “Bọn bạch quỷ này chắc ở đâu đến. Chúng đến càng ngày càng đông.”


Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2022

Nguyễn Tường Thiết: Viết, trong bóng rợp của người cha

Nhất Linh thời còn trẻ
“Một lần. Buổi trưa. Lâu rồi. Mẹ tôi ngồi nhặt cau trên sập gụ. Tôi nằm ngửa bên cạnh bà, hai tay cầm giơ trước mặt cuốn truyện Đoạn Tuyệt của Nhất Linh. Đọc đến đoạn cảnh mẹ chồng ác nghiệt với con dâu, tôi nhỏm dậy hỏi mẹ tôi: “Mợ này, mợ có phải chịu cảnh mẹ chồng nàng dâu như cậu tả trong truyện không?”. Mẹ tôi ngửng lên nhìn tôi nói: “Đấy là cậu viết tiểu thuyết... Bà nội con có khó tính thật nhưng đâu đến nỗi khắc nghiệt thế...”. Rồi mẹ tôi tiếp tục nhặt cau.”

Trên đây là phần đầu của hồi ký nhan đề “Bà Cẩm Lợi” tôi viết về mẹ tôi, bà Nhất Linh. Tôi rất tâm đắc bài viết này, đặc biệt là câu mở đầu “Một lần. Buổi trưa. Lâu rồi” mà tôi cho là một lối hành văn mới mẻ. Viết xong, vì muốn khoe bà chị, tôi in bản thảo gửi ngay cho chị Thoa ở bên Pháp đọc trước khi đăng trên tạp chí. Ít lâu sau tôi nhận được điện thoại của chị. Chị chê tôi: “Em không biết viết văn. Câu văn thì phải có chủ từ, phải có động từ; em không thể viết hai chữ “Một lần” rồi chấm ngang xương được. Chị có quen một bà bạn dậy Việt văn, chị đề nghị để bạn chị sửa lại bài ấy trước khi em cho đăng báo.” Rồi chị nói thêm: “Em phải học lối viết của cậu thì văn mới hay được.”

Chị tôi nói thế nhưng tôi không giận chị. Trái lại tôi yêu chị Thoa của tôi hơn vì câu nói thể hiện cái tính thật thà chơn chất nó làm nên con người chị.

Chị Thoa bây giờ không còn nữa. Có thể chị đã được gặp lại cha tôi ở bên kia thế giới như chị từng mong ước khi chị còn sống. Và có thể chị đã thuật lại quãng đời sau này của chúng tôi cho cha tôi nghe. Ông nghĩ sao khi được biết, qua lời chị kể, nửa thế kỷ sau khi ông mất, tôi đã trở thành “một nhà văn không biết viết văn”.

Thứ Sáu, 1 tháng 10, 2021

Nguyễn Tường Thiết: Mưa đêm cuối năm

1975 - Năm đó tôi gặp lại anh thật bất ngờ. Đúng vào cái buổi sáng đầu tiên tôi đặt chân lên đất Mỹ. Chiều hôm trước chúng tôi được chuyển đến một trong bốn trung tâm tiếp cư cho nguời tỵ nạn, trại Indiantown Gap thuộc tiểu bang Pennsylvania. Sáng sau tôi đến Processing Center lập thủ tục nhập trại. Chúng tôi ở barrack số 8. Từ đó đến khu Trung Tâm tôi phải cuốc bộ khá xa, trên một con đường có hàng cây phong thâm thấp trồng rất thẳng hàng. Bên trái là dẫy mess halls một tầng nền xi-măng nhô cao mái màu xanh lá cây dùng làm phòng ăn cho dân tỵ nạn. Bên phải là bãi cỏ trống rất rộng hình như là sân banh của trại lính. Tuy là tháng sáu mùa hè nhưng sáng hôm đó trời cũng lành lạnh như đã vào thu. Khi đi qua cánh đồng cỏ trống tôi hít thở không khí của nước Mỹ và cảm thấy không khí nhẹ tênh. Một con sóc từ trên đùm lá phong thoăn thoắt đổ dọc thân cây, chạy băng mặt đường. Một con khác đứng cạnh thùng rác của barrack, nó đứng thẳng trên hai chân sau đang gậm nhấm thức ăn bằng hai chân trước, đôi mắt lơ láo nhìn tôi thách đố. Hồi đó tôi không quen thấy cái dạn dĩ của những con thú hoang nên rất đỗi ngạc nhiên.

Từ trái: Thế Uyên, Nguyễn Tường Thiết, ông và bà Võ Phiến

Làm xong thủ tục tôi đi lơ ngơ trong khu Trung Tâm nơi được xem là downtown của trại Indiantown Gap. Ở đây người tỵ nạn đông vô kể. Đông nhưng lại không ồn. Cố nhiên. Vui nhộn sao được những ngày tan tác ấy. Từng đám từng đám thầm lặng đứng xếp hàng. Đâu đâu cũng thấy xếp hàng. Tôi cũng tấp vào một đám đứng xếp không cần biết cái hàng này nó dẫn mình đến đâu. Nửa giờ sau khi đã lọt vào trong phòng tôi mới biết đó là nơi phát chẩn quần áo cũ. Mỗi người được chọn hai bộ. Tôi bước vào cái kho tôi tối dành cho đàn ông. Quần áo được móc tươm tất trên những giá cao đặt song song, giữa là lối hẹp người đi phải lách vai để tránh nhau. Tôi chọn cái sơ-mi ướm thử vào người. Không chắc ăn tôi lại đưa thẳng hai cánh tay ra trước căng cái áo ra ngắm nghía, vô tình tôi bước thụt lùi đụng mạnh vào đít một người đàn ông, chắc cũng đang lui cui thử áo như tôi. Tôi quay hẳn người lại tính nói xin lỗi. Bỗng tôi kêu lên sửng sốt: “Trời! Anh Võ Phiến...”.

Thứ Bảy, 7 tháng 8, 2021

Nguyễn Tường Thiết: Vài Kỷ Niệm Với Anh Phạm Hậu (Trích đoạn từ bài Rải Tro Theo Gió)

Đèo Hải vân, Hình minh hoạ Dragfyre

… Trưa hôm nay tôi lái xe đến thăm anh Phạm Hậu. Nhà anh Hậu ở Bothell, cách Shoreline chỗ chúng tôi ở khoảng 20 phút lái xe. Từ mấy năm nay chúng tôi có một giao ước. Cứ cách khoảng hai tháng là hai đứa phải ới cho nhau một tiếng, hẹn nhau tại một quán ăn, ăn trưa rồi ngồi hàn huyên. Luân phiên chúng tôi trả tiền. Nhưng dạo này anh hơi lẫn, ngại lái xe, nên tôi thường đến nhà anh chở anh đi.

Từ trong nhà bước ra anh nói ngay:
– Tôi quên mất rồi. Không biết lần này ai trả tiền, ông hay tôi?
– Tôi cũng không nhớ. Nhưng nhầm nhò gì. Để tôi trả cho. Anh cứ “vô tư” đi cho tôi nhờ!
– Này này! Ông đừng có lợi dụng cái bệnh Alzheimer của tôi nhé! Cái gì cũng phải cho nó sòng phẳng…

Trong lúc lái xe tôi nghĩ đến sự tình cờ hi hữu đã khiến chúng tôi gặp lại nhau và ở gần nhau trên nước Mỹ. Bốn mươi năm trước chúng tôi có một thời gian cùng phục vụ tại Khối Kế Hoạch/Tổng Cục CTCT. Anh Hậu lúc ấy là Thiếu tá nhưng anh chỉ tạm trú ở Tổng Cục vài tháng trước khi chờ biệt phái sang Phủ Tổng Thống. Hồi đó tôi nghe đồn anh có “gốc” lớn lắm. Sau này kể anh chuyện ấy anh cười nói: “Gốc mẹ gì! Toàn là đồn nhảm không à!”. Tôi cũng nhớ là sau khi biết tôi là con của ông cụ, anh Hậu, tác giả tập thơ Chuyện Chúng Mình, có đọc cho tôi ngay câu thơ mà anh đã làm trước đó mười năm: “Yêu Nhất Linh tôi chọn tên Nhất Tuấn”. Cùng sang Mỹ năm 1975 và cùng chọn tiểu bang miền Tây Bắc nước Mỹ để định cư, chúng tôi đã có dịp gặp nhau thường xuyên từ hơn ba mươi năm nay.

Thứ Bảy, 17 tháng 7, 2021

Nguyễn Tường Thiết: Đèn khuya vụt tắt

Tin chị Trần Mộng Tú báo cho chúng tôi biết chị Bùi Bích Hà bị bất tỉnh thình lình tại nhà và được đưa vào bệnh viện trong tình trạng hết sức nguy kịch đến với tôi ngay giữa lúc tôi đang đọc tác phẩm Đèn Khuya của tác giả Bùi Bích Hà.

Lúc ấy tôi đang ở nhà anh Việt, ông anh cả tôi, tại tiểu bang Virginia. Đầu tháng Bẩy chúng tôi rời Seattle bay qua miền Đông và ở đó hai tuần lễ, nhân dịp giỗ thứ 58 của thân phụ chúng tôi, nhà văn Nhất Linh. Trên giá tủ sách nhà anh Việt có hai quyển sách dầy, bìa màu đen, chính giữa khung đen nổi lên một khoảng sáng nhỏ của một ngọn nến với hai chữ Đèn Khuya cắt ngang. Tôi biết chị Hà đã cho xuất bản tác phẩm sau cùng này của chị vào năm 2018 nhưng tôi chưa có dịp đọc. Bây giờ là thời gian nhàn nhã lý tưởng để nghiền ngẫm tác phẩm này, nhưng khi tôi đang đọc gần hết tập I thì tin chị phải vào bệnh viện làm tôi không có tâm đâu để đọc tiếp. Chúng tôi email cho nhau và cùng cầu nguyện cho chị thoát cơn hiểm nghèo. Nhưng buổi sáng ngày 14 tháng Bẩy, trong lúc ngồi chờ máy bay ở phi trường Charlottesville để trở về Seattle, tôi giở email và được tin chị Tú cho biết chị Hà vừa qua đời. Ngọn đèn khuya vụt tắt. Chị chọn ra đi đúng vào ngày “Quatorze Juillet” là ngày lễ lớn của Pháp có lẽ vì chị Hà hồi nhỏ học trường Tây, chị thấm nhuần văn hoá Pháp, những ngọn pháo bông sáng rực bầu trời Paris rồi lịm đi trong bóng đêm như chào đón và tiễn đưa chị qua bờ một thế giới khác.

Đối với riêng cá nhân tôi cũng như đối với đại gia đình chúng tôi chị Bùi Bích Hà không những được xem như một người thân lâu năm, mà còn được xem như “người nhà”. Tôi không rõ bắt đầu từ khi nào chị đi vào gia đình Nguyễn Tường chúng tôi như một người thân quen, có lẽ bằng con đường văn của chị. Trong bài “Tưởng nhớ Nhất Linh Nguyễn Tường Tam”, tác giả Bùi Bích Hà viết: “Năm tôi mười bẩy tuổi, do nhà văn Duy Lam Nguyễn Kim Tuấn (lúc bấy giờ đang đóng quân ở Huế) khuyến khích, tôi có gửi vài truyện ngắn ký bút hiệu Chi Hương, được Nhất Linh cho đăng ở Văn Hoá Ngày Nay, bộ mới, với lời khen ngợi qua một thư ngắn viết tay cho tôi mà tự dạng về sau tôi có dịp so sánh, rất giống với nét chữ của những nhà văn khác thế hệ thứ hai của dòng họ Nguyễn Tường, mỏng, nhỏ, ngoằn ngoèo, gẫy vỡ, chông chênh nhiều khoảng trống xung quanh”.

Thứ Tư, 7 tháng 7, 2021

Nguyễn Tường Thiết: Xóm Cầu Mới, một hoài bão lớn của Nhất Linh

Cha tôi, nhà văn Nhất Linh, cho ra đời hơn mười tác phẩm. Mẹ tôi sinh đẻ hơn mười người con. Bà thường nói đùa với chúng tôi: “Cứ mỗi lần Mợ có mang thì Cậu lại thai nghén một quyển truyện”. Những đứa con của mẹ tôi khi chào đời thường song hành với một tác phẩm mới của cha tôi được xuất bản. Chẳng hạn như anh Thạch tôi sinh năm 1935 ứng với năm tác phẩm Đoạn Tuyệt ra đời. Nhưng khi cha tôi bắt đầu thai nghén và khởi viết Xóm Cầu Mới vào năm 1940, trong khi mẹ tôi cuối năm đó sinh đẻ ra tôi, thì tác phẩm này vẫn chưa chịu ra đời. Lần này khi khởi viết Xóm Cầu Mới Nhất Linh mang hoài bão quá lớn, “cái thai” quá to, nên tác phẩm không chịu xuất hiện trên đời cho mãi đến ba mươi ba năm sau. Kỳ diệu thay chính tôi lại là người “đỡ đẻ” cho tác phẩm ra đời khi tôi cho xuất bản cuốn Xóm Cầu Mới lần đầu tiên vào năm 1973.

Hoài bão của Nhất Linh khi khởi viết Xóm Cầu Mới vào năm 1940 là mong muốn thực hiện một bộ trường giang tiểu thuyết đồ sộ dài gần mười ngàn trang mà theo ông mới đủ để diễn tả cuộc đời muôn vẻ, muôn mặt. Trải dài suốt 17 năm sau đó, với cả thẩy 5 lần viết đi viết lại, ông đã khai bút viết lại lần cuối, bên dòng suối Đa Mê vào ngày 23 tháng 10 năm 1957. Qua ống kính của nhiếp ảnh gia Lê Văn Kiểm, một người bạn thân của ông, hậu thế chúng ta ngày nay được nhìn ngắm bức ảnh Nhất Linh, trong tư thế nửa nằm nửa ngồi trên một chiếc võng, vầng trán cao, cặp kính gọng đen, chiếc pipe trễ trên miệng, cúi xuống viết trên một tập sách dầy, phía trên võng là cánh rừng thâm u của làng Fim Nôm, dưới chân võng là dòng suối róc rách chẩy. Bên dưới tấm ảnh đó Nhất Linh viết những hàng chữ sau: “Kỷ niệm ngày khai bút Xóm Cầu Mới bên giòng suối Đa Mê, ngày 23-10-57”.

Hoài bão thực hiện cuốn trường giang tiểu thuyết đó, giống như chính cuộc đời ông, bỗng dưng đứt đoạn khi ông đột ngột qua đời sáu năm sau ở tuổi 57. Cho tới khi nhắm mắt Nhất Linh hoàn toàn không hay biết Xóm Cầu Mới có mặt trên thế gian. Ông không biết là tác phẩm mang hoài bão lớn nhất của mình hiện hữu trên cõi đời. Trái lại ông ra đi trong niềm tin rằng tác phẩm của mình sẽ tan biến theo mây khói, tan biến cùng với những giấc mộng lớn không thành trong đời ông.

Chủ Nhật, 21 tháng 3, 2021

Nguyễn Tường Thiết: Tưởng nhớ anh Nguyễn Huy Thiệp

Tin nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời khiến tôi sững sờ. Tuần trước chúng tôi mới nhắc đến tên anh thì tuần sau có tin anh ra đi.

Tôi quen biết nhà văn Nguyễn Huy Thiệp do duyên văn nghệ. Vào những năm cuối của thế kỷ trước tôi đọc nhiều truyện của anh và tôi rất thích. Theo tôi anh là nhà văn xuất sắc nhất của Việt Nam trong thời kỳ “đổi mới”. Vì vậy năm 2006 khi tôi xuất bản ở Hoa Kỳ cuốn sách “Nhất Linh Cha Tôi” vào dịp 100 năm ngày sinh của ông Cụ tôi (25/7/2006) tôi mang một số sách về Hà Nội với chủ đích tìm gặp anh để tặng sách. Trong lần về nước này không những tôi được gặp anh Thiệp mà tôi còn có dịp tiếp xúc với những nhà văn khác cùng một số người trong giới trí thức Hà Nội và tôi có ghi lại những cuộc gặp gỡ đó trong hồi ký mang tên “Một Trăm Ngọn Nến”.

Mới tháng trước đây vào dịp Tết Tân Sửu cuốn sách thứ hai của tôi “Căn Nhà An Đông của Mẹ Tôi” được ấn hành ở Việt Nam. Trong sách đó có bài “Một Trăm Ngọn Nến” ghi lại cuộc gặp gỡ của tôi với anh và các nhà văn khác ở Hà Nội. Tuần lễ trước tôi còn hy vọng anh đã đọc bài đó, nhưng bây giờ thì tôi biết chắc là anh chưa đọc. Bởi vì qua báo mạng tôi mới được biết anh bị đột quỵ từ tháng 3 năm 2020, từ đó anh chỉ nằm trên giường hoặc ngồi dựa, tất cả tùy thuộc vào vợ con; nhưng từ khi vợ anh qua đời cuối năm ngoái thì tinh thần anh suy sụp hẳn.

Để tưởng nhớ anh tôi xin trích một đoạn trong bài “Một Trăm Ngọn Nến”.


Tôi nhìn ra hồ Tây phía xa. Trong rặng cây xanh bên kia bờ nổi bật mái đỏ của hai gian nhà lớn hai từng. Thấy tôi nhìn phía bên kia hồ cụ Từ chỉ tay về phía ấy nói:

– Bên ấy là làng Thụy Khuê. Rặng cây xanh là vườn Bách Thảo. Hai cái nhà lớn mái đỏ kia là trường Bưởi.

Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2021

Nguyễn Tường Thiết: Căn nhà An Đông của mẹ tôi

Chợ An Đông và khu chung cư chung quanh chợ được xây cất vào năm 1954, năm đất nước chia đôi, trên một khu đất trống và rộng thuộc Quận 5 Chợ Lớn. Toàn bộ khu vực này nằm ở giữa hai đại lộ Hùng Vương có con đường sắt chạy song song ở phía bắc và đại lộ Hồng Bàng ở phía nam; tiếp giáp hai mạn đông, tây là hai con đường nhỏ Yết Kiêu và Nguyễn Duy Dương. Chung cư An Đông gồm bốn khu ba từng, mỗi khu hình chữ L, bao quây lấy chợ nằm ở chính giữa, tổng cộng gồm khoảng bốn năm trăm đơn vị gia cư.

Tôi rời Hà Nội vào Nam rất sớm. Năm 1951 tôi đã theo bố tôi và người chị cả vào định cư ở Sài Gòn trong khi mẹ tôi và các anh chị tôi vẫn còn ở Hà Nội cho đến ngày di cư. Vào Nam ba bố con tôi ở chung với gia đình người bác ở đầu đường Hồng Thập Tự gần sở thú Sài Gòn. Thời gian chúng tôi ở đó tôi thường theo các anh họ tôi đạp xe đi tắm ở hồ bơi mà hồi đó chúng tôi gọi là “đi pít-xin”. Hồ bơi ở xa lắm, mãi tuốt trong Chợ Lớn. Tôi nhớ là để tới hồ bơi chúng tôi phải dắt xe đi ngang một con đường sắt, rồi lại phải băng qua một bãi đất trống rất rộng mấp mô đầy những mồ mả.

Năm di cư mẹ và các anh chị tôi kẻ trước người sau lục tục vô Nam. Mẹ tôi mua một đơn vị trong chung cư chợ An Đông để ở và lấy chỗ buôn bán. Đơn vị ấy hai từng, từng dưới mẹ tôi mở tiệm bán cau khô, tên hiệu là Cẩm Lợi, từng trên mẹ con chúng tôi ở khá chen chúc vì diện tích căn nhà không rộng bao nhiêu. Bố tôi chê nhà vừa chật lại vừa gần chợ ồn nên không ở, chỉ thỉnh thoảng lắm mới tạt về. Trên đầu chúng tôi là lầu ba. Lầu ba thuộc một đơn vị gia cư khác. Tất cả những đơn vị ở trên lầu ba đều đi chung một cầu thang riêng, nằm bên hông đường Nguyễn Duy Dương. Căn nhà chúng tôi ở một góc trông ra hai mặt đường nên rất thuận tiện cho việc buôn bán của mẹ tôi.

Nguyễn Tường Thiết: Căn nhà An Đông của mẹ tôi (Tiếp theo và hết)

Mẹ tôi mỗi khi đi khỏi nhà thì hai cánh cửa sắt ở nhà dưới được khép chặt lại. Cửa ấy khi sập vào nhau thì cái móc sắt ở cánh bên này quàng vào cánh bên kia và cửa tự động khóa. Muốn mở cần một chiếc chìa khóa lớn. Nhưng chiếc chìa khóa này đã bị mất từ thời tám đại nào rồi. Mẹ tôi nhiều lần bảo chúng tôi gọi thợ đến làm cái chìa khác nhưng chúng tôi lười chẳng ai chịu đi. Chúng tôi bảo bà rằng chẳng cần chìa chiếc gì ráo trọi, một con dao phay lớn nậy xoẹt một cái là cửa bung ngay. Vì thế trong bao nhiêu năm cánh cửa sắt của hiệu cau Cẩm Lợi được mở bằng con dao phay. Khách vô phúc đến chơi nhà tôi nhằm đúng lúc cửa đóng đang rung cửa để gọi thì bắt gặp một ông Tàu lừng lững từ trong nhà tiến lại, tay dứ lên trời con dao phay sáng quắc, cảnh tượng ấy trông thật hãi hùng!

Chú Tiều khi không có việc gì làm ở nhà mẹ tôi thì lang thang ngoài chợ. Chú tự động quét sân chợ và lượm rác rất sạch sẽ. Hễ đói bụng là chú la cà mấy gánh phở, bún riêu. Khách ăn xong còn thừa là chú bưng tô húp. Có khi chú lại thò tay vào cả cái sô mà mấy bà bán bún phở đổ đồ ăn thừa để đem về cho heo ăn. Chú bốc đồ trong sô bỏ miệng ăn tỉnh khô. Mấy bà bán bún thấy tội nghiệp nên thường để dành đồ dư trong tô cho chú. Buổi chiều chú phụ dọn bàn dùm cho ông Siu Siu. Ông Siu Siu cho chú 5 đồng uống cà phê và để dành cho chú cơm và thịt gà dư của khách. Vì vậy chú Tiều càng ngày càng béo trắng ra, trông như con nhà giầu vậy.

Thuở ấy tôi có nhiều bạn bè đến chơi lắm. Như tất cả những thanh niên khác cùng trang lứa lũ chúng tôi năm ba mống thân nhau từ thời niên thiếu, cùng trải qua thời trung học, cùng vào đại học, để rồi sau rốt đứa trước đứa sau cùng lên đường nhập ngũ. Mẹ tôi coi những người bạn của con mình như con đẻ nên ai cũng thích đến nhà tôi chơi. Nhiều đứa còn ở lại ăn ngủ dầm dề nhiều ngày. Mẹ tôi thấy bạn tôi ở lại thì rất vui, bà dặn người làm mua thêm thức ăn thức uống. Chỉ “thêm bát thêm đũa” thôi mà. Bà nói. Lòng hiếu khách của mẹ tôi không phải không có lý do: bà rất cần có người giúp bà trong việc tính sổ sách và viết thư cho bạn hàng cau. Bà rất ngại phải sai mấy đứa con trai lười chẩy thây của bà. “Mỗi lần nhờ đến chúng nó là mặt chúng nó nhăn như bị”. Mẹ tôi than thở với mấy thằng bạn của tôi, những đứa mà - cố nhiên - lúc nào cũng tỏ ra rất vui được tính sổ cho bà.

Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2020

Nguyễn Tường Thiết: Đôi kỷ niệm với Nhật Tiến

Mặc dù tên tuổi Nhật Tiến gắn liền với tên tuổi thân phụ tôi, nhà văn Nhất Linh, nhưng trái với nhiều người nghĩ tôi hầu như không quen biết nhà văn Nhật Tiến.

Tôi chỉ gặp anh đúng hai lần trong đời, do tình cờ. Hai lần ấy cũng xa lắm rồi. Một lần khi cha tôi còn sống tôi gặp anh bàn về một truyện ngắn của anh đăng trên báo Văn Hoá Ngày Nay, và một lần ngay sau khi thân phụ tôi mất anh là một trong vài ba người đọc điếu văn trước linh cữu cha tôi khi hạ huyệt.

Đám tang Nhất Linh


Tôi biết tới bút danh Nhật Tiến là vào năm 1958 khi tôi đọc truyện ngắn “Đôi Guốc Trắng” của anh đăng trên giai phẩm Văn Hoá Ngay Nay tập 2 do cha tôi chủ trương. Tôi rất thích truyện này, mặc dù cốt truyện chẳng có gì ngoài mấy nét tả cảnh đơn sơ, nhưng nó bắt chúng ta theo dõi vết chân đi của một cô gái, trong một vườn chuối, trên một lối cát ra sông, dẫn đến một đôi guốc trắng bỏ không nằm trên lòng cát mịn, đôi guốc chẳng bao giờ có người đi, bởi vì sáng hôm sau...

Truyện có cái kết bỏ lửng, ngay sau ba dấu chấm đó. Tha hồ mà độc gỉa tưởng tượng số phận của cô thiếu nữ mang đôi guốc trắng.

Vài năm sau tôi tình cờ gặp tác gỉa “Đôi Guốc Trắng”. Hôm đó có việc tôi ghé nhà in Trường Sơn số 14 đuờng Nguyễn An Ninh Sài Gòn, nơi cha tôi thường hay lui tới vì đó cũng chính là nhà của cô chú Trương Bảo Sơn và Nguyễn Thị Vinh. Lúc này giai phẩm Văn Hoá Ngày Nay đã đình bản và địa điểm này là toà soạn của tập san Tân Phong do cô chú Sơn, Vinh chủ trương. Lúc tôi đến thì cô Nguyễn Thị Vinh và anh Nhật Tiến đang nói chuyện ở nhà dưới. Sau khi được cô Vinh giới thiệu anh Nhật Tiến tôi nói với anh là tôi rất thích truyện ngắn Đôi Guốc Trắng của anh, chỉ tiếc rằng truyện ấy ngắn quá, giá mà nó dài dài thêm một chút thì thích hơn. 

Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2020

Nguyễn Tường Thiết: Tuyến đường ga Ấm Thượng

Hình minh hoạ, NHAC NGUYEN/AFP via Getty Images

Tôi kéo chiếc va ly ra khỏi phòng để trên hành lang của khách sạn Galaxy. Chúng tôi thuê hai phòng trên lầu ba. Khoá cửa tôi đi dọc theo hàng lang gõ cửa phòng số 319. Lát sau cửa mở. Steve, đứa rể Mỹ, thò đầu ra nói:

– We are ready.

Thảo, con gái tôi, mở rộng cửa, kéo theo cái va ly to. Nó nhìn tôi nói:

– Mẹ phải mặc thêm áo lạnh. Con nghe nói trên Sapa lạnh lắm đấy.

Nói xong nó mở va ly lấy ra cái áo len khoác lên người tôi. Chúng tôi xuống thang máy. Cô hướng dẫn viên chờ chúng tôi ở lobby. Du khách ngoại quốc đứng chật trước quầy khách sạn. Trong lúc chờ các con tôi xếp hàng làm thủ tục trả phòng tôi ra đứng trước cửa khách sạn nhìn ra phố. Bấy giờ trời đã tối. Ngoài đường xe ô-tô, xe máy chạy đan nhau chung quanh cái bồn nước Hàng Đậu. Bên kia đường là một công viên nhỏ với dăm ba chiếc ghế dài, vài cặp ngồi tình tự trong bóng tôi, những chiếc xe máy dựng cạnh.

Hà Nội là một thành phố xa lạ dưới mắt tôi lúc ấy. Xa lạ như thể tôi chưa hề đặt chân tới. Thật ra không hẳn vậy. Tuy sinh trưởng và lớn lên ở trong Nam nhưng Hà Nội tôi được biết qua tiểu thuyết tôi đọc thời còn là học sinh, và sau này lập gia đình với một người miền Bắc, nhà tôi vẫn thường kể tôi nghe về những kỷ niệm thời còn bé của anh ở Hà Nội. Ngoài ra có một lần trong đời chính tôi đã từng ghé Hà Nội một thời gian ngắn. Nhưng thành phố này đã không để lại trong tôi một hình ảnh nào đáng ghi nhớ, ngoài hình ảnh buồn bã của những dẫy phố lạnh lẽo với những căn nhà màu xám nham nhở cũ kỹ. Vả lại Hà Nội đã gắn liền tôi với một mảnh đời mà tôi thực sự muốn quên đi. Tôi không hề nghĩ mình sẽ trở lại thành phố này lần thứ hai, nhất là sau ngày chồng tôi mất mấy năm về trước. Chuyến đi này sẽ không xẩy ra nếu không có lời mời gần như khẩn nài của con gái tôi muốn có mẹ đi cùng với vợ chống nó trong chuyến về Việt Nam này.

Thứ Ba, 7 tháng 7, 2020

Nguyễn Tường Thiết: Phỏng vấn Maria Strasakova, tác giả luận án tiến sĩ “Nguyễn Tường Tam: sống và viết” (Life and Writings of Nguyễn Tường Tam)

Cuộc phỏng vấn diễn ra qua trao đổi điện thư, kéo dài trong thời gian mươi ngày cuối tháng Sáu, 2020, giữa nhà văn Nguyễn Tường Thiết từ Seattle, bang Washington, Hoa Kỳ và Tiến sĩ Maria Strasakova tại nước Cộng hòa Tiệp. 

Điểm đặc biệt của cuộc phỏng vấn này là : các câu hỏi được đặt ra bằng tiếng Việt và người được phỏng vấn trả lời bằng tiếng Anh. Nhà văn Nguyễn Tường Thiết đã dịch các câu trả lời sang tiếng Việt, nhưng vẫn giữ phần tiếng Anh ngay dưới.

                 Nhà văn Nguyễn Tường Thiết                       Tiến sĩ Maria Strasakova

Nguyễn Tường Thiết: Thưa cô Maria Strasakova, xin cô vui lòng cho độc giả của báo Diễn Đàn Thế Kỷ biết vài hàng về tiểu sử của cô.

Maria Strasakova: Trước hết tôi xin thành thật cám ơn báo Diễn Đàn Thế Kỷ đã dành cho tôi cuộc phỏng vấn này để đóng góp vào số đặc biệt tưởng niệm nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam. Tôi lớn lên ở Việt Nam trong thập niên 1980 và Việt Nam lúc nào cũng hiện diện trong gia đình tôi. Thật vậy, khi 18 tuổi, tôi quyết định theo học về môn ngôn ngữ và xã hội học Việt Nam tại trường đại học Charles University, Prague. Trong thời gian năm năm của học trình, tôi đã theo học hai khoá mỗi khoá sáu tháng về Việt ngữ tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, tại Hà Nội vào năm 2000-2001. Trong khoảng 2003-2004 tôi dành một năm nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á ở đại học Simon Fraser University, phân khoa Xã hội và Nhân chủng học. Năm 2005 tôi tốt nghiệp đại học Charles University với luận án: “Vị trí người Phụ nữ trong Xã hội Việt Nam từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ 19” và cũng trong năm này tôi được chấp nhận tiếp tục học trình tiến

Nguyễn Tường Thiết: Tác giả giới thiệu sách Nhất Linh Cha Tôi


Lời Tòa Soạn - Chiều ngày 4 tháng 7, 2020, một cuộc tọa đàm ra mắt cuốn hồi ký Nhất Linh Cha Tôi của Nguyễn Tường Thiết đã được tổ chức tại Cà phê Thứ 7, số 38 Võ Văn Tần, quận 3 – Sài Gòn.

Bài giới thiệu tác phẩm dưới đây đã được tác giả Nguyễn Tường Thiết đọc trong một đoạn video, gửi về Việt Nam, và được chiếu trước khi buổi tọa đàm bắt đầu.

Quang cảnh cuộc tọa đàm ra mắt hồi ký Nhất Linh Cha Tôi.

Kính thưa quí vị,

Tôi xin tự giới thiệu tôi tên là Nguyễn Tường Thiết, tác giả của cuốn sách Nhất Linh Cha Tôi.

Tôi rất vinh dự hôm nay được nói chuyện với quý vị, những độc giả ở trong nước đang quan tâm đến cuốn sách Nhất Linh Cha Tôi vừa được tái bản và phát hành ở Việt Nam, để giới thiệu cuốn sách này, đồng thời cũng để trình bầy một vài nét đặc biệt về con người Nhất Linh, Nguyễn Tường Tam.

Thứ Năm, 30 tháng 4, 2020

Nguyễn Tường Thiết: Hai đêm lịch sử

Cổng Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa
Tình cờ trên một số báo Văn cũ, số Xuân Quý Mùi 2003, tôi được đọc một truyện ngắn của nhà văn Mai Ninh. Đoạn văn sau đây trong truyện “Mưa mùa xa” khơi dậy trong tôi nhiều kỷ niệm xưa, về một thời tuổi trẻ sôi động năm 1963.

“Rồi tôi, cô bé mười ba bấy giờ biết những chấn động đầu tiên trong đời qua màn sương phả suốt đêm giới nghiêm, ngập ngụa những tờ truyền đơn ướt nát, những mảng biểu ngữ rách bươm và gậy gộc lẫn nhang đèn vung vãi trên vỉa hè sau cuộc biểu tình tuyệt thực rầm rộ trước nhà, loa phóng thanh rền rĩ niệm kinh suốt buổi chiều. Lẫn trong tiếng nước dập rồn rã vào cửa liếp và những chậu kiểng mẹ trồng thay hàng dâm bụt với gốc tầm ruột xanh từng chùm đã đốn đi, thỉnh thoảng rú lên hụ còi xe quân cảnh tuần tiễu chạy rút giữa lòng đường…” 

Những tờ truyền đơn ướt nát hồi đó mà cô bé Mai Ninh trông thấy không thể nào tồn tại trên đường phố lâu quá 24 tiếng đồng hồ. Số phận của chúng là được rải đi để rồi tan biến trong lòng các ống cống vỉa hè Sài Gòn.

Thế nhưng…

Do một sự hết sức tình cờ một tờ truyền đơn của thời ấy được tìm thấy trên đất Mỹ 40 năm sau. Tờ giấy tầm thường ấy bây giờ nằm trong tay tôi không còn mang bất cứ một ý nghĩa nào cả ngoại trừ nó là chứng tích của một thời tuổi trẻ. Tuổi trẻ tôi, tuổi trẻ thế hệ chúng tôi, những người mà giờ đây nếu còn sống hẳn đã hai màu tóc hoặc một màu tóc bạc trên đầu.

*

Tháng 8 năm 2003 tôi nhận được điện thư của một người quen cũ, anh Nguyễn Trọng Nho. Năm ấy anh Nho dự định tổ chức một buổi họp mặt tại nam Cali gồm những người đã một thời từng là sinh viên và quen nhau tại khuôn viên các trường đại học Sài Gòn trong bàu khí sôi sục của năm 1963. Anh Nho đặt tên cho cuộc họp mặt ấy là “bốn mươi năm nhìn lại”. 

Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2020

Nguyễn Tường Thiết: Những nốt nhạc gợi nhớ một thời

Mỗi mùa cô lại giắt hoàng lan trong mái tóc để tưởng nhớ mùi hương...

Đây là đoạn văn kết một truyện ngắn của nhà văn Thạch Lam mang tên Dưới Bóng Hoàng Lan. Nhà văn Mai Thảo sau này chắc hẳn tâm đắc với đoạn văn trên nên đã chọn hàng chữ “để tưởng nhớ mùi hương” đặt thành nhan đề cho một cuốn tiểu thuyết của mình.


Thật vậy, một mùi hương nào đó đôi lúc chỉ hơi thoảng qua trong đời cũng đủ khiến ta lâng lâng tưởng nhớ. Mùi hương ấy đánh động khứu giác ta: từ sâu trong tiềm thức một kỷ niệm, một hình ảnh chợt hiện, chợt loé, làm ta bàng hoàng. 

Tương tự một vài nốt nhạc, một mảnh lời ca nào đó cất lên đôi khi cũng khiến ta sống dậy trong khoảng khắc một mẩu đời cũ. Những nốt nhạc này lôi ta về kỷ niệm đẹp của một mối tình đầu, lời ca kia gợi nhớ một hoài niệm đau thương... Gần như chúng ta ai ai cũng trải nghiệm những giây phút như thế, dù rằng mỗi chúng ta những kỷ niệm riêng tư được gợi nhớ từ những nốt nhạc lời ca hoàn toàn khác nhau. 

Với tôi nhạc và lời trong ca khúc Lại Quốc Hùng mỗi khi được cất lên khiến tôi sống dậy cả một thời kỳ trong quá khứ, một thời thật đẹp, trong đó nẩy nở tình bạn sâu đậm giữa hai chúng tôi, tác giả ca khúc Những Sáng Thứ Bẩy và người giới thiệu tuyển tập ca khúc này. 

Những nốt nhạc gợi nhớ một thời... được đặt tên và viết ra cũng vì lẽ đó.

Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2020

Nguyễn Tường Thiết: Sứ mệnh của cô Aki Tanaka

Cô Aki Tanaka
Tháng 3 năm 2020 thành phố nơi tôi ở trải qua một biến cố chưa từng xẩy ra trong lịch sử của thành phố này: Seattle là tâm điểm của đại dịch Coronavirus đang lan tràn khắp nước Mỹ.

Tất cả những người lớn tuổi đều đuợc khuyến cáo nên tự cách ly bằng cách không nên ra khỏi nhà ngoại trừ trường hợp thật cần thiết. Giam mình ở nhà mãi không có việc gì làm, cũng như tất cả các bạn bè của tôi lúc này, tôi có rất nhiều thì giờ mò mẫm trên máy vi tính. Và thật tình cờ tôi tìm lại được bức thư sau đây, bức thư mang tên “Sứ Mệnh” do cô Aki Tanaka gửi tôi năm năm về trước.

From: Aki Tanaka
To: Thiet Tuong Nguyen
Sent: Saturday, May 9, 2015, 05:19:15 PM PDT
Subject: “Sứ Mệnh”

“Bác Thiết thân mến,

“Cháu cám ơn bác Thiết đã gửi cho cháu “Nho Phong” và tài liệu “Nhân Văn Giai Phẩm”. Ở Nhật, cô Mori Erisa (Người Nhật gốc Việt, đang dậy tiếng Việt ở trường cháu) là người chuyên nghiên cứu về “Nhân văn Giai phẩm” ạ.”

Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2020

Nguyễn Tường Thiết: Đỉnh Gió Hú

Căn nhà số 19 Đặng Thái Thân Đà Lạt.

Nơi một chiếc bàn tròn nhỏ sát cửa kính nhìn ra hồ Green Lake... tôi đã tìm được một nơi lý tưởng để “viết”.

Bàn thật nhỏ. Tôi phải thu xếp gọn để có thể đặt được mọi thứ trên đó. Chiếc “laptop” đã chiếm gần hết mặt bàn. Phần còn lại dành cho ly cà phê Starbucks, chiếc bánh croissant bơ, nhật báo Seattles Times. Còn tập bản thảo dịch Ðỉnh Gió Hú của Nhất Linh tôi chưa biết đặt ở đâu đành để chồng lên trên tờ báo.

Ðầu mùa hạ, tôi về hưu. Tôi tự đặt cho mình những công việc phải làm. Ví dụ như phải vận động để giữ sức khỏe tốt, phải đánh máy bản thảo của ông cụ, bản thảo dịch cuốn tiểu thuyết Wuthering Heights của Emily Bronte, phải tiếp tục việc làm của ông cụ là dịch nốt một số chương cuối của cuốn tiểu thuyết, công việc ông cụ chưa hoàn tất khi qua đời.

Tôi tìm được một nơi có thể thực hiện cả hai thứ một lúc. Hồ Green Lake và quán cà phê Starbucks. Buổi sáng tôi thức dậy sớm lái xe đến hồ, đậu xe ở parking, đi rảo bộ một vòng quanh hồ chu vi 5 cây số, rồi tay xách cặp laptop, tôi đi ngang vườn hoa băng qua đường vào quán cà phê.

Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2020

Nguyễn Tường Thiết: Mùa xuân trên phố 

Hình minh hoạ, KENA BETANCUR/AFP via Getty Images

Tình cờ tôi có mặt ở University District. Khu phố bao bọc trường đại học Washington nằm ở phía đông một thành phố miền tây bắc, thành phố quê hương của những quán cà-phê Starbucks trên thế giới. Tôi đứng ở sau lưng Cathy. Mùi cà-phê thơm tỏa từ quầy hàng che lấp mùi phở chắc còn quyện vào áo quần hai người. Tôi không quen biết Cathy. Tôi chỉ biết cái tên. Cathy và tôi tình cờ vừa từ trong một tiệm phở đầu phố bước ra và cùng vào quán cà-phê này.

Cathy gọi hai cốc “latté”. Cô nàng nói thêm: “Tall, non fat latté”, nhấn mạnh vào hai tiếng non fat (không chất béo). Tôi mỉm cười nhớ tới tô phở béo ngậy mà cô nàng vừa ăn trước đó không lâu. Tôi kêu cà-phê đen. Ly cỡ vừa. “Tall size”, tôi nói. Cô gái tóc vàng hỏi tôi có cần chừa chỗ để bỏ thêm đường và sữa? Tôi nói “Yes” rồi đưa cô ta tấm thẻ nhựa trong suốt “Starbuckscard” do con gái tôi gửi làm quà dịp Giáng Sinh rồi. Lúc cầm cốc cà-phê bằng giấy cứng có in cái vòng tròn màu lá cây còn nóng hổi đi ra phía cửa tôi thấy Cathy ngồi ở một cái bàn nhỏ trong quán sát cửa kính, xoay lưng phía tôi và đang nói chuyện với một người bạn gái. Một cái lưng đẫy đà. Ðó là hình ảnh sau cùng của nàng, một người qua đường tôi tình cờ gặp, như vô số những hình nhân không tên tình cờ va tiếp trong thành phố.

Bên ngoài dưới mái hiên rộng của quán bầy một dẫy bàn ghế nhựa thấp sơn trắng. Ở một góc, cạnh một cái bàn tròn nhỏ là hai cái ghế bành rộng màu nâu xậm. Tôi đặt ly cà-phê lên bàn rồi ngồi xuống thọt lỏn trong chiếc ghế bành rộng có nệm nhún rất êm. Mở mấy cái nút khuy áo sơ-mi trước ngực tôi móc ra một cái phong bì lớn màu vàng, quẳng lên bàn. Ở góc phong bì có đóng hàng chữ Thế Kỷ 21 Magazine. Trong phong bì là một số báo. Số báo này đặc biệt vì có bài viết của tôi. Một truyện ngắn đầu tay. Nhận được báo từ hai hôm nay nhưng tôi không mở ra đọc ngay như lệ thường. Tôi chọn một thời khắc nào thật thảnh thơi để có thể nhẩn nha với tác phẩm của mình. Bài viết của tôi, tuy chưa đọc, nhưng tôi đã thuộc nằm lòng, việc chi phải vội vã.