Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Tường Thụy. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Tường Thụy. Hiển thị tất cả bài đăng
Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2019
Nguyễn Tường Thuỵ: Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, như tôi biết (Phần 2) (tiếp theo và hết)
Nếu nhà cầm quyền vì đất nước, vì nhân dân thì việc bắt Phạm Chí Dũng là vô cùng sai lầm. Nhưng với mục đích chỉ để bảo vệ ĐCSVN, thì họ có thể đúng. Chỉ là có thể thôi, vì biết đâu việc bắt Phạm Chí Dũng lại gây hại cho họ. Tôi nói thế để khẳng định rằng, quyền lợi của dân tộc, của nhân dân và đất nước khác với quyền lợi của ĐCSVN.
Khiêm nhường và bình dị
Phạm Chí Dũng biết những đánh giá của công luận, của dư luận về mình nhưng hầu như anh không quan tâm mấy. Những lời khen không làm anh lấy đó mà cho rằng mình quan trọng, những lời dị nghị (như tôi vừa nhắc ở trên) không làm anh phân tâm. Phạm Chí Dũng khiêm nhường nhưng tự tin. Tôi không thấy anh chê bai ai, dù khi cần thiết anh có thể có những nhận xét thận trọng. Không thấy anh ồn ào, lên gân lên cốt bao giờ, nếu có thì chỉ là sự gồng mình lên trước áp lực của công việc.
Tôi thường thấy anh trong những bộ quần áo đơn giản nhưng gọn ghẽ. Chưa bao giờ thấy anh diện bộ trang phục đắt tiền, sang trọng. Anh sống chân thành, không có giọng lấy lòng ai hay xúc phạm đến ai. Có lần bài viết của tôi có tới 1 vạn chia sẻ, nhưng anh bảo bài ấy chưa phải hay, anh có những bài khác hay hơn. Tôi chẳng biết anh nói về bài nào.
Dưới con mắt của nhà cầm quyền, anh là người “không nghề nghiệp” (xem trong quyết định khởi tố). Đó là cách nói của họ, để cho dư luận hiểu anh là kẻ vô công rồi nghề. Không làm công ăn lương cho ai thì coi là không nghề nghiệp nhưng muốn giảm tỉ lệ thất nghiệp thì người ta phong cho mấy bà phục vụ gia đình có nghề nghiệp nội trợ.
Thứ Năm, 5 tháng 12, 2019
Nguyễn Tường Thuỵ: Tiến sĩ Phạm Chí Dũng như tôi được biết
“Việt Nam có muốn quốc tế tiếp tục coi mình là một quốc gia đáng thân thiện trong mắt quốc tế hay không, nếu như nhà cầm quyền tiếp tục có các hành vi ứng xử như với các nhà phản biện, các cây bút độc lập như xảy ra mới đây với nhà báo, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng ở TP. Hồ Chí Minh”.
Ý kiến này được Tiến sỹ Vũ Quang Việt, chuyên gia kinh tế, nguyên Vụ trưởng Vụ Thống kê Liên Hợp Quốc, đưa ra với BBC News Tiếng Việt tuần này từ New York, khi ông bình luận câu hỏi liệu có phải ông Phạm Chí Dũng đã thực sự 'chống nhà nước', như các cáo buộc được đưa ra khi chính quyền tiến hành lệnh bắt và khởi tố với cây bút độc lập và phản biện.
"Tôi chẳng thấy chống nhà nước gì cả. Giả dụ rất nhiều người viết như Phạm Chí Dũng, bản thân tôi cũng viết như vậy thôi, đưa ra những ý kiến để Việt Nam khá hơn, với tinh thần muốn Việt Nam khá hơn, một cách hòa bình.
"Và những việc mình đóng góp ý kiến cũng rất là hòa bình, thế thì Phạm Chí Dũng cũng vậy thôi. Bây giờ đối xử với Phạm Chí Dũng như vậy thì tất cả những người khác mà cùng ý kiến như Phạm Chí Dũng tự nhiên sẽ bị chính quyền Việt Nam coi như là kẻ thù hết."
“Thế bây giờ Việt Nam muốn đứng ở đâu? Nếu muốn chỉ gọi là đàn áp, tiếp tục một chế độ chuyên chế, áp bức nhân dân như hiện nay, thì tôi nghĩ rất là khó làm bạn với người khác” - Tiến sỹ Vũ Quang Việt
Cho rằng trong chính sách đối nội và bang giao của Việt Nam thông qua cách thức ứng xử với giới phản biện, hay tranh đấu cho nhân quyền có 'mâu thuẫn' - Tiến sỹ Vũ Quang Việt tiếp tục nêu ý kiến:
"Tôi nghĩ cái này chính là cái mâu thuẫn của Việt Nam, trong vấn đề bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối phó với Trung Quốc chẳng hạn, thì nếu Việt Nam tiếp tục chính sách bắt, bỏ tù những người tranh đấu cho nhân quyền, càng ngày càng bóp chặt vấn đề tự do dân chủ của Việt Nam, thì đương nhiên dư luận thế giới sẽ coi Việt Nam cũng giống như là kẻ thù, cũng giống như với Trung Quốc thôi.
Thứ Tư, 27 tháng 11, 2019
Nguyễn Tường Thụy: Tiến sĩ Phạm Chí Dũng bị bắt như thế nào?
Cho đến lúc này, công luận mới chỉ biết tin Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo độc lập bị bắt qua một thông báo trên cổng thông tin điện tử Công an Tp Hồ Chí Minh. Ngoài ra, không có thông tin gì hơn. Vì khi bị bắt, trong nhà chỉ có cô em gái. Nhiều cơ quan tuyền thông gần như không có thông tin để liên lạc với gia đình.
Sau khi Phạm Chí Dũng bị bắt tôi đã cố gắng liên lạc với chị Bùi Hồng Loan là vợ anh. Vì không có mặt khi anh bị bắt nên chị chỉ có thể trả lời tôi về những gì chị biết và nghe người thân nói lại. Chị cũng yêu cầu tôi hiểu như vậy. Vì chị cho rằng “em giảng dạy và làm khoa học nên đòi hỏi sự chính xác”. Tôi động viên chị, những gì chị biết thì nói, nếu nghe người nhà kể thì nói là nghe, điều đó không ảnh hưởng gì đến tính trung thực của chị trong câu chuyện. Tôi hỏi chuyện chị Loan để cố gắng tìm hiểu xem Tiến sĩ Phạm Chí Dũng bị bắt như thế nào.
Nhà Phạm Chí Dũng có 3 thế hệ cùng sống trong một ngôi nhà, gồm bố mẹ (88 và 77 tuổi), vợ chồng anh (chị Loan giảng dạy ở 1 trường đại học), hai cháu đang học lớp 8 và lớp 1 và cô em gái anh (làm ở đài truyền hình).
Việc bắt Phạm Chí Dũng được chuẩn bị kỹ lưỡng. Ngay từ 5 ngày trước đó có người anh em gọi cho chị Loan hỏi Dũng có ở nhà không. Khi chị Loan trả lời có thì anh bảo sao nghe nói Dũng bị bắt cách đây mấy hôm rồi? Phạm Chí Dũng nghe vợ kể thì cho rằng họ tung tin cho anh sợ thôi, để hạn chế việc anh đang làm. Như vậy có thể có người biết việc anh sẽ bị bắt.
Quyết định khởi tố và lệnh bắt đều ký từ ngày 18/11/2019, tức là 3 ngày sau mới thực hiện.
Đến ngày bắt, họ cũng bố trí cẩn thận. Trước hết họ tìm cách đưa ông nội (cụ thân sinh Tiến sĩ Phạm Chí Dũng) ra khỏi nhà để không phải chứng kiến cảnh bắt con trai mình, đồng thời đón bắt Phạm Chí Dũng ngoài đường. Việc đưa ông đi họ lấy lý do là đưa ông đi khám sức khỏe. Theo lịch thì 13/12 mới là lịch khám. Nhưng trước khi bắt Phạm Chí Dũng 2 ngày, Ban Bảo vệ Chăm sóc sức khỏe cán bộ Thành ủy TP.HCM (Ban BVSK) gọi điện nói phải đi làm một số xét nghiệm ở Bệnh viện Hòa Hảo để chuẩn bị khám vào hôm 13/12.
Thứ Tư, 20 tháng 11, 2019
Nguyễn Tường Thuỵ: Vụ án “trốn thuế” ở Nha Trang - Tuyên án kiểu xã hội đen!
Nó như kiểu “phán quyết” của xã hội đen. Con cái nợ nần, không trả được hoặc bỏ trốn thì bắt bố mẹ phải trả thay.
![]() |
Luật sư Trần Vũ Hải đến dự phiên tòa hôm 13/11, Ảnh fb Tuan Ngo |
Dư âm
Vụ án “trốn thuế” ở Nha Trang là điển hình về sự thối nát của nền tư pháp Việt Nam. Các luật sư chỉ ra đây là phiên tòa nhằm mục đích triệt hạ Ls Trần Vũ Hải, dằn mặt những luật sư thẳng thắn, tài năng hay dồn tòa vào thế bí vì sợ hội chứng ấy lan rộng. Một phiên tòa kết thúc bằng mấy cái án treo nhưng quy mô và sự chuẩn bị thì khủng khiếp. Phiên tòa thôi thúc lương tri của các luật sư, trên 60 luật sư tình nguyện bào chữa miễn phí cho các bị cáo.
Phiên tòa huy động một lực lượng bảo vệ khổng lồ, với nhiều lớp từ vòng ngoài đến vòng trong, canh cả lối đi vệ sinh, cấm đường; ra nội quy gồm cả những nội dung tự đặt ra không có trong pháp luật để gây khó cho quyền hành nghề hợp pháp của luật sư; cấm luật sư đem máy móc vào phòng xử án, nắn bóp luật sư; cản trở báo chí; Hội đồng xét xử làm việc tùy tiện, đuổi luật sư để thị uy; không công bố cáo trạng mặc dù luật sư yêu cầu; cắt điện khi các luật sư yêu cầu đọc biên bản phiên toà.... Đây là vụ án “kinh dị” (chữ của Ls Trần Đình Triển) sẽ đi vào những trang đen tối nhất của lịch sử tố tụng.
Thứ Ba, 9 tháng 7, 2019
Nguyễn Tường Thụy: Võ Văn Thưởng không muốn “đối thoại” nữa?
![]() |
Ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. |
Hôm 5/7 Trưởng ban tuyên giáo TW Võ Văn Thưởng có bài giảng khá dài cho các báo cáo viên cấp dưới. Thời buổi bây giờ, bài giảng tới 75 phút là dài, chẳng biết học trò của Võ Văn Thưởng nghe được đến đâu hay là “ngồi dưới xem iPad, iPhone, đọc tin, nhắn tin”.
Theo như báo Thanh Niên tóm tắt thì Võ Văn Thưởng nêu ra toàn những mối lo là mối lo. Đương nhiên, theo bài vở thì mối lo đầu tiên phải là thế lực thù địch chống phá. Bản thân không ra gì nhưng cái gì cũng đổ cho thế lực thù địch, mở miệng ra là thế lực thù địch. Thế lực thù địch ở đây còn chia ra 3 nhóm cho “khoa học, biện chứng”. Đáng chú ý và cũng khá thú vị là Võ Văn Thưởng cho rằng thế lực thù địch còn nằm ngay trong nội bộ đảng, giữ chức vụ trung cao cấp hẳn hoi.
Rồi mối lo yếu kém ở khâu “quán triệt nghị quyết” (phổ biến chưa hay, người nghe không chú ý), xử phạt báo chí không đủ răn đe...
Điều đáng chú ý nhất trong bài giảng của Võ Văn Thưởng mà báo Thanh Niên dùng để giật tít (Ông Võ Văn Thưởng: 'Internet là xa lộ, cho mấy làn xe chạy là quyền chúng ta') là lối tư duy sặc mùi độc tài của anh ta:
“Internet là một xa lộ thông tin, chúng ta cho 4 làn, 6 làn hay 20 làn xe chạy, xe 4, 6, 8 bánh chạy là quyền của chúng ta...”
Thứ Ba, 18 tháng 6, 2019
Nguyễn Tường Thụy: Bác sĩ Hoàng Công Lương nhận tội: Thất bại của công lý trước quyền lực
![]() |
Bị cáo Hoàng Công Lương tại phiên toà sơ thẩm. Ảnh Dân trí |
Tại phiên tòa phúc thẩm hôm 12/6/2019, bác sĩ Hoàng Công Lương rút 2 trong 3 đơn kháng cáo, thừa nhận mình phạm tội vô ý làm chết người.
Đọc thông tin này mà thấy đau xót. Hoàng Công Lương đã phải khuất phục trước quyền lực.
Việc nhận tội của Bs Hoàng Công Lương nói lên anh đã quá mệt mỏi phải “buông vũ khí đầu hàng”. Điều này đồng nghĩa với việc công lý đã thua quyền lực.
Một vụ án mà dư luận đều đứng về phía bị cáo. Nhiều người đã phân tích, chỉ ra rằng, bất kể ai ở vào vị trí của vị bác sĩ này cũng sẽ làm y như vậy. Đây là lỗi quy trình.
Một vụ án mà 18 gia đình nạn nhân đều ký đơn xin trả tự do cho Hoàng Công Lương. Điều này nói lên, các gia đình bị tổn thất về nhân mạng hay sức khỏe cũng đều cho rằng Hoàng Công Lương vô tội.
Một người nhà có con thiệt mạng nói về Bs HCL sau: "Người nhà chúng tôi một năm 12 tháng thì 6 tháng ở bệnh viện đã nhận được sự chăm sóc tận tình của bác sĩ Hoàng Công Lương. Bác sĩ Lương là người có y đức, năng lực, gia đình người nhà chúng tôi không quên ơn bác sĩ Lương" (theo soha.vn)
Thứ Tư, 5 tháng 6, 2019
Nguyễn Tường Thụy: Trung Quốc sẵn sàng cho Thiên An Môn mới?
![]() |
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa hôm 2/6 ở Singapore. Ảnh VOA |
Cách đây 30 năm, một cuộc biểu tình khổng lồ đòi dân chủ nổ ra tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc mà tâm điểm là Thiên An Môn do giới sinh viên tổ chức. Cuộc biểu tình này vào đỉnh điểm lên tới cả triệu người tham gia.
Với chủ trương đè bẹp bất cứ sự xáo động nào để giữ ổn định chính trị từ phía đảng CSTQ, cuộc biểu tình đã bị đàn áp đẫm máu. Quân đội được huy động với qui mô quân đoàn và số binh lính được huy động bằng một nửa đội quân xâm lược Việt Nam vào Tháng 2 năm 1979.
Quân đội đã nhả đạn vào đám đông biểu tình, cho xe tăng cán lên họ.
Bao nhiêu người thiệt mạng trong cuộc đàn áp này? Vài trăm, vài nghìn hay 10 nghìn?
Con số này bị giấu giếm và không bao giờ có được. Nó chỉ có thể được tiết lộ khi một chế độ dân chủ thay thế cho chế độ độc tài hiện nay ở TQ.
Tuy nhiên, theo thông tin trong bài “Tài liệu tuyệt mật của CIA về vụ thảm sát Thiên An Môn 1989” ngày 29/02/2016 của tờ Petrotimes thì số bị giết cụ thể đến con số lẻ là 10.454 người.
Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2019
Nguyễn Tường Thụy: Thủ tướng vẫy cờ Mỹ: Bọn nào "rã rời chân tay"?
![]() |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Văn phòng chính phủ trưa 27/2. Ảnh: Ngọc Thành (ngoisao.net) |
Trưa ngày 27/2/2019, Tại Văn phòng Chính phủ, ông Nguyễn Xuân Phúc có cuộc hội kiến với tổng thống Mỹ. Trước sự đón tiếp nồng nhiệt, của cán bộ và các cháu học sinh tại đây, tổng thống Mỹ cầm một lá cờ Việt Nam vẫy.
Đây là một cử chỉ rất bình thường trong ngoại giao. Việc tổng thống Mỹ vẫy cờ VN chỉ có thể nói lên sự đáp lại tình cảm nồng hậu mà khách dành cho mình, thế thôi.
Xin nhắc lại một chuyện cũ làm ví dụ: Năm 1978, Đặng Tiều Bình sang thăm Nhật, y cúi rạp mình chào cờ Nhật. Đấy là một cử chỉ ngoại giao. Hình ảnh này bị báo chí VN khi đó chửi không tiếc lời. Về phía Nhật Bản, họ không lấy đó để nói rằng, Nhật đã khuất phục được Trung Quốc.
Vậy mà cử chỉ ông Trump vẫy cờ VN lại được khuếch trương như là một thắng lợi của VN, là sự đánh giá cao vị thế của VN trên quốc tế.
Thứ Tư, 17 tháng 4, 2019
Nguyễn Tường Thụy: Thông tin ông Trịnh Vĩnh Bình thắng kiện “không chính xác” ở chỗ nào?
Cơ quan báo chí đầu tiên đưa tin về việc ông Trịnh Vĩnh Bình thắng kiện là Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA). Tin đưa ra ngày 11/4/2019 và ngay sau đó được báo chí nước ngoài đưa lại và bình luận làm rộn ràng công luận, khiến VN (nhà cầm quyền Việt Nam) không thể “ngậm tăm”.
Mạng xã hội trong nước cũng bình luận rất hồ hởi. Có một nghịch lý là khi chính phủ thua kiện, thất bại hay lãnh đạo, quan chức qua đời, người dân lại phấn khởi và nguyền rủa. Điều này, có lẽ chỉ có ở Việt Nam.
Chiến thắng của ông Trịnh Vĩnh Bình là một thất bại đau đớn của phía VN và vì vậy, không một tờ báo hay một quan chức nào của VN dám đưa tin hay đề cập khi chưa có chỉ đạo hoặc phát ngôn chính thức của nơi có trách nhiệm. Ngay ngày 11/4 tại Washington, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã từ chối bình luận khi phóng viên VOA hỏi về sự kiện này.
Thứ Ba, 5 tháng 3, 2019
Nguyễn Tường Thụy: Tôi Thách Đảng CSVN Tôn Trọng Pháp Luật
![]() |
Lực lượng khẩu trang huyện Thanh Trì. Ảnh blog Nguyễn Tường Thụy |
Sau 5 ngày, chốt canh chặn cuối cùng của lực lượng khẩu trang đã rút vào trưa ngày hôm qua 2/3, khi Kim Jong Un kết thúc chuyến thăm “hữu nghị” Việt Nam, rời HN về nước. Đó là chốt đặt ở trước nhà chị Dương Thị Tân, số 57/31 Phạm Ngọc Thạch, phường 6 quận 3, Hồ thành. Có điều rất trái khoáy là khi các chốt ở Hà Nội đã được dỡ bỏ giữa buổi chiều ngày 28 tháng 2, vào lúc tổng thống Mỹ chủ động kết thúc đàm phán bỏ về nước thì những người hoạt động XHDS (xã hội dân sự độc lập) ở Hồ thành tiếp tục bị canh giữ thêm 2 ngày nữa.
Như vậy chính quyền Hà Nội lo giới XHDS độc lập đi chào đón Donald J. Trump chứ không lo họ xuống đường phản đối Kim Jong Un, còn với chính quyền Hồ thành thì lo cả hai, trong khi địa điểm diễn ra 2 sự kiện lớn vừa qua lại ở Hà Nội, cách Hồ thành hơn 1700 km.
Chuyện mỗi khi có sự kiện chính trị nào đó, công an rải quân đi canh nhà giới XHDS không còn gì lạ, có điều đợt canh chặn này qui mô hơn cả trên một diện rộng. Sự quen thuộc đến mức từ công an cho đến nhân dân cho việc này là hết sức tự nhiên, như là nhiệm vụ, nằm trong chức năng của ngành công an. Ít ai trong ngành thấy đây là việc làm trái pháp luật cần đắn đo cân nhắc hoặc thấy xấu hổ khi ngồi rình rập trước cửa mỗi nhà suốt 24/24h. Thậm chí, có những tên còn tỏ ra hung hãn, có tên còn tự hào vì thấy mình có quyền với người khác. Những tên không sắc phục, không phân biệt được công an hay du côn, đến các gia đình ra lệnh mấy ngày tới ông/bà không được đi đâu. Dọa không được thì chúng cho 4, 5 tên đến một tiểu đội thậm chí cả trung đội canh vòng trong vòng ngoài. Chúng kê bàn sát cửa ra vào, pha trà uống nước, vứt mẩu thuốc lung tung trước cửa. Chưa yên tâm, chúng lấy dây thép buộc cửa, lấy những tảng bê tông phải 2 người khiêng chèn cửa, chặn cửa bằng xe máy, xe ba gác... Bà Lê Hiền Đức có lần đến nhà tôi, đếm được 7 tên sát canh cửa trước, 2 tên canh phía sau, nơi cỏ mọc um tùm và rãnh nước bốc lên mùi không mấy dễ chịu. Đó là vòng trong, còn vòng ngoài chưa tính. Qui mô đại đội thì chưa ghi nhận.
Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2019
Nguyễn Tường Thụy: Chính quyền Tp HCM cần phải trả lư hương về vị trí cũ
Không phải ngẫu nhiên mà vào đúng ngày kỷ niệm 40 năm Trung Cộng phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam, Quận 1 Tp HCM cho xe rác vây quanh tượng đài Trần Hưng Đạo ở phường Bến Nghé, sực mùi xú uế, dùng vật chắn, dây dợ vây quanh tượng đài, đặt biển báo công trường đang thi công để ngăn chặn người dân đến thắp hương. Sự phẫn nộ của dư luận đang dâng lên từng giờ thì táo tợn hơn, cùng ngày, quận này lại cho cẩu lư hương đi chỗ khác, đẩy sự giận dữ trong công chúng lên ngùn ngụt.
Mọi lời giải thích từ nhà chức trách Quận 1 không có lý do nào thuyết phục, rằng đặt lư hương ở nơi công cộng không phù hợp với tâm linh của người Việt, rằng cẩu đi để đặt lư hương vào đúng vị trí thờ phụng.
Ngay lập tức, cư dân mạng không khó để tìm ra rất nhiều tượng đài kèm lư hương đặt ở nhiều nơi. Đó là Tượng đài Trần Hưng Đạo ở Nha Trang, Quy Nhơn, Vũng Tàu, đảo Nam Yết, đảo Song Tử Tây, Hải Dương. Tượng Hồ Chí Minh kèm lư hương còn nhiều hơn, hầu như tỉnh thành nào cũng có. Có người chỉ nhoằng một cái đã kê ra ảnh một loạt tượng đài Hồ Chí Minh kèm lư hương ở Công an tỉnh Ninh Bình, ở quảng trường TP. Cam Ranh, TP Vũng Tàu, ở khuôn viên Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội, ở Kho 205 Bộ Quốc phòng...
Xin hỏi lãnh đạo Tp HCM và Quận 1, phải chăng, những lư hương kèm theo các tượng đài này đều đặt không phù hợp và cần di dời?
![]() |
Phải chăng, lư hương trước những tượng đài như thế này đặt không đúng vị trí, cần phải di dời? Ảnh Internet |
Thứ Tư, 13 tháng 2, 2019
Nguyễn Tường Thụy: “Anh cướp”
Lần đầu tiên, thấy dân mạng “trân trọng” gọi cướp bằng... anh. Chuyện bề ngoài có vẻ vui vui nhưng ngẫm ra lại vừa buồn, vừa chua cay. Đó là vụ hai tên cướp đột nhập vào phòng kế toán Trạm thu phí Dầu Giây khoắng đi 2,22 tỉ đồng hôm mùng 4 tết, giữa ban ngày. Không biết con số này đã bao gồm 80 triệu đồng hai tên cướp đánh rơi ở hiện trường chưa, nếu chưa thì số tiền bị cướp là 2,3 tỉ..
Con số hơn 2 tỉ làm dư luận giật mình. Người ta tính ra, mới tiền thu phí BOT của 1 ca đã là 2 tỉ (hào phóng bỏ qua con số lẻ) thì 1 ngày 3 ca phải là 6 tỉ, rồi từ đó tính ra 1 tháng, 1 năm riêng trạm này thu là bao nhiêu. Người nhà BOT giải thích không phải vậy mà số tiền ấy của nhiều ca dồn lại. Tất nhiên giải thích thì cứ giải thích, còn tin hay không lại là chuyện khác, nó phụ thuộc về độ tin cậy của dư luận đối với nhà BOT mà tin nhà BOT có lẽ chỉ là người thần kinh có vấn đề.
Vụ cướp này làm cho cư dân mạng hả hê, không phải vì bắt được kẻ gian mà vì lòi ra số tiền thu phí BOT khủng như thế nào. Dân mạng vốn vui tính, hài hước nên gọi hai tên cướp bằng... anh. Người đề nghị ân xá, người đề nghị thưởng công, thậm chí có người còn đề nghị phong... anh hùng cho hai “anh cướp”.
Chứ không à. Vì ngoài các “anh” thì còn ai tìm ra con số thực thu của BOT là bao nhiêu. Dựa vào báo cáo ư? Không ai điên mà tin vào báo cáo. Thanh tra ư? Không phải thanh tra không có trình độ mà tìm đâu ra thanh tra nào vượt qua được cám dỗ của đồng tiền. Vì vậy mới có câu: “Thanh tra, thanh mẹ, thanh dì/ Cứ có phong bì là nó thanh kiu”.
Thứ Sáu, 8 tháng 2, 2019
Nguyễn Tường Thụy: Về quê ăn tết “không nói chuyện chính trị”
Nhiều từ liên quan đến chữ ăn chẳng còn mấy ý nghĩa nhưng vẫn được sử dụng đến bây giờ, có lẽ do người Việt ta đã trải qua nhiều thời kỳ đói kém nên việc ăn là quan trọng nhất. Bây giờ nó không phải là ăn tết mà là đón xuân vì cái sự ăn nó không quan trọng nữa. “Ăn cưới” thực chất là đi dự đám cưới. Rồi có những việc chẳng liên quan đến ăn như ăn hỏi. Mang đồ sính lễ đến nhà gái, đặt cơi trầu nói chuyện để tác thành cho cặp uyên ương mới là mục đích chính. Nếu nhà gái mời ở lại dùng cơm thì ngồi uống với nhau chén rượu, cụ thể hóa hơn những công việc sắp tới. Chỉ có “ăn cỗ đám ma” thì không gọi thế nữa. Chuyện ăn cỗ đám ma ngày xưa, người chết nằm đấy mà vẫn ăn uống như thường, bây giờ bỏ đoạn ăn uống, gọi là viếng đám tang. Còn ăn tết, ăn cưới, ăn hỏi... vẫn cứ nói như vậy. Thậm chí bây giờ, người ta uống là chủ yếu, uống đến độ cãi nhau, chửi nhau, đánh nhau, gây án mạng nhưng chẳng ai gọi là uống tết, uống cưới hay uống hỏi.
Vì tít bài viết có chữ ”ăn tết” nên xin tranh thủ tám mấy dòng cho vui chứ không có ý định bàn về ngôn ngữ.
Hồn quê
Sống với nhịp sống đô thị, mỗi dịp tết đến xuân sang, người người lại náo nức về quê, tìm ở đây cái tình nghĩa con người, tìm về cánh đồng lúa, lũy tre làng và cảnh mùa xuân, cảnh tết nhà quê. Về vào ngày phiên chợ, đi chơi chợ tết thật thú vị, gặp người quen, bạn cũ, ríu rít hỏi han, chúc tụng.
Thấy quê hương thân thương lắm. Điều này giải thích tại sao, những bài thơ, ca khúc ca ngợi xuân quê, tết quê thì nhiều mà gần như không có những sáng tác cùng chủ đề ấy về thành thị. Nếu có thì cũng không thể hay được.
Thứ Tư, 16 tháng 1, 2019
Nguyễn Tường Thụy: Thảm cảnh ở vườn rau Lộc Hưng mới chỉ là bắt đầu của một cuộc cướp bóc
Kinh hoàng những ngày giáp tết
![]() |
Cảnh tan hoang ở vườn rau Lộc Hưng sau trận càn quét ngày 8/1. Ảnh: fbker Ngo Hanh MinhUyen |
Tháng giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, chính quyền quận Tân Bình trong 2 đợt cách nhau 4 ngày đã phá tan tành khu vực vườn rau Lộc Hưng. Tính bất nhân tăng thêm khi họ không để người dân đón thêm một cái tết trong ngôi nhà của mình, mặc dù đã giáp tết. 112 ngôi nhà bị san phẳng, đẩy những người dân ở đây vào thảm cảnh màn trời chiếu đất. Thủ phạm trực tiếp là chính quyền quận Tân Bình nhưng chắc chắn chủ mưu là chính quyền Tp HCM.
Theo phản ảnh của người dân ở đây, họ bị phá nhà mà không họp dân, không có quyết định cưỡng chế, không thông báo, không hỗ trợ. Cảnh tượng đập phá, bắt người, cướp của vô cùng tàn bạo. Dân chạy tan tác, tìm được chỗ nào ở nhờ thì ở, không thì ngủ ngay trên nền nhà đã bị phá tan hoang. Cảnh đau đớn tuyệt vọng của hơn 100 hộ dân đã lay động lương tri của hàng triệu đồng bào trong và ngoài nước. Một cuộc cướp phá độc ác, tàn bạo chưa từng thấy.
Có phá nổi tất cả nhà xây không phép không?
Thứ Ba, 8 tháng 1, 2019
Nguyễn Tường Thụy: Năm 2018: Tù nhân lương tâm gấp 3,5 lần năm 2017
Năm 2018 đi qua với con số kỷ lục về tù nhân lương tâm bị bắt. Điều này nói lên bức tranh nhân quyền ở Việt nam chưa bao giờ ảm đạm đến thế.
Mở đầu năm 2018 là Vũ Hùng. Anh bị bắt ngày 4/1 sau khi vừa rời buổi kỷ niệm sinh nhật Hội giáo chức Chu Văn An về. Buổi họp mặt bị an ninh theo dõi chặt chẽ. Khi ra về, anh bị hai tên côn đồ gây sự rồi đánh. Anh phản ứng thì bị bắt và sau đó bị qui chụp tội danh cố ý gây thương tích.
Tiếp theo là Đỗ Công Đương. Anh bị bắt ngày 24/1 khi đang quay cảnh cưỡng chế đất ở Từ Sơn, Bắc Ninh. Anh bị cáo buộc tội danh gây rối trật tự công cộng và tội lợi dụng quyền tự do dân chủ, tổng hai mức án là 9 năm.
Ngày 9/2, Nguyễn Văn Trường (Thái Nguyên) bị bắt với cáo buộc lợi dụng quyền tự do dân chủ (đăng bài lên mạng)
Ngày 8/5 là Nguyễn Duy Sơn (Thanh Hóa) nguyên cán bộ quản lý học sinh, sinh viên của Trường Dự bị Đại học Sầm Sơn. Anh bị cáo buộc nói xấu lãnh đạo đảng và nhà nước trên mạng xã hội.
Thứ Tư, 26 tháng 12, 2018
Nguyễn Tường Thụy: Đánh vào nguồn giúp đỡ tù nhân lương tâm là một tội ác
Hôm thứ tư 19/12 vừa rồi, một người gọi vào máy của tôi hỏi địa chỉ để giao tiền. Vì gửi theo địa chỉ cũ nên tôi hướng dẫn đến địa chỉ mới. Họ hẹn tôi ra đầu ngõ nhận, tôi nói giao tại nơi ở, không giao ngoài đường, tránh rủi ro. Họ không chấp nhận và cúp máy.
Hôm sau, người gửi gửi theo địa chỉ mới và ghi tên vợ tôi. Kịch bản lặp lại như hôm trước. Cũng yêu cầu vợ tôi ra đầu ngõ, vợ tôi nói vào nhà giao, họ cũng cúp máy.
Tôi thường nhận tiền từ nước ngoài gửi giao tận nhà, hoặc là người gửi cho mã số ra ngân hàng nhận. Không có dịch vụ nào lại giao nhận ngoài đường cả.
Căn cứ vào một loạt vụ mật vụ bố trí để cướp tiền xảy ra như chúng tôi đã thông tin trên mạng, có thể nhận định được rằng, nếu tôi hoặc vợ tôi chấp nhận ra ngõ để nhận tiền thì sẽ bị cướp.
Cả hai lần dụ ra ngõ không thành, phía gửi tiền đều cho tôi biết, ngân hàng gọi sang, nói không giao vì tôi nằm trong danh sách đen.
Thế đấy, nếu không chấp nhận nhận tiền ngoài đường thì từ chối giao với lý do người nhận nằm trong danh sách đen. Còn nếu chấp nhận ra đường theo kịch bản của chúng thì không phải nằm trong danh sách đen nhưng hậu quả tiền sẽ rơi vào tay bọn cướp.
Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2018
Nguyễn Tường Thụy: “Súc quyền” và nhân quyền
![]() |
Tìm hiểu về chính sách nhân đạo đối với vật nuôi, người ta không khỏi cảm thấy ngậm ngùi cho số phận con người. Hình: blog Nguyễn Tường Thụy |
Như vậy là còn hơn một năm nữa, súc vật nuôi sẽ được hưởng “súc quyền” qui định ở Luật chăn nuôi vừa được quốc hội thông qua ngày 19/11/2018. Luật này hơn hẳn Pháp lệnh Giống vật nuôi mà nó sẽ thay thế về khoản đối xử nhân đạo với vật nuôi. Theo đó, người chăn nuôi không được phép đánh đập hành hạ vật nuôi, vật nuôi phải ở trong chuồng trại hợp vệ sinh, có đầy đủ thức ăn nước uống, được phòng bệnh và chữa bệnh. Đến ngay cả khâu giết mổ, qui định cũng hết sức nhân đạo như hạn chế gây đau đớn, không để vật nuôi bị sốc về tâm lý (không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ)....
Tìm hiểu về chính sách nhân đạo đối với vật nuôi, người ta không khỏi cảm thấy ngậm ngùi cho số phận con người.
Quy định vật nuôi phải ở trong chuồng trại hợp vệ sinh, có đầy đủ thức ăn nước uống, được phòng bệnh và chữa bệnh khiến tôi lại nghĩ đến từng đoàn dân oan khắp các tỉnh thành trong cả nước, ngủ vật vờ ở vườn hoa, ở vỉa hè, thiếu thốn đủ mọi thứ. Đã thế, họ luôn bị xua đuổi, bị phun nước nước vào cơm và đồ ăn. Nhiều gia đình đang sống bình thường, bỗng nhiên bị đuổi ra khỏi nhà của mình để cưỡng chế mà không có cơ sở pháp lý nào. Khu 4,3 héc ta ở Thủ Thiêm là một ví dụ.
Thứ Năm, 13 tháng 12, 2018
Nguyễn Tường Thụy: Tù nhân lương tâm ở trại Ba Sao: Tù trong tù
![]() |
Hội Bầu bí tương thân và Quĩ 50k đồng hành với gia đình TNLT Phạm Văn Trội, Hồ Đức Hòa. |
Đấy là nhận xét của TNLT Phạm Văn Trội nói về anh và những người TNLT trong trại giam Ba Sao (Hà Nam) khi gia đình đến thăm nuôi.
Hiện nay, ở trại này đang giam giữ những TNLT mà nhiều người biết đến như Phạm Văn Trội, Hồ Đức Hòa, Lê Thanh Tùng, Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển, Phan Kim Khánh...
Hôm 9/12 vừa qua, Hội Bầu bí tương thân đồng hành cùng hai gia đình Phạm Văn Trội và Hồ Đức Hòa đến thăm các anh. Với gia đình Hòa, chúng tôi hẹn nhau tại cổng trại, còn với gia đình Trội, chúng tôi đưa đón vợ và con anh đi thăm chồng, thăm cha. Tất nhiên chúng tôi phải ngồi ngoài cổng trại trong thời gian gia đình các anh vào thăm. Cô Nguyễn Huyền Trang vợ Phạm Văn Trội kể, khi em nói anh và các anh chị đang ngồi ngoài cổng, anh vui lắm, biết anh chị em ở ngoài không bao giờ quên những TNLT đang phải chịu đựng nhiều gian khổ trong trại giam.
Trong câu chuyện với Trang trên đường về, có thể hình dung ra việc Trội và những anh em TNLT trong trại này đang gặp phải sự đối xử khắc nghiệt. Trang nói, mỗi lần gặp, gia đình được nói chuyện khoảng 1 giờ. Câu chuyện thì nhiều lắm, em có ghi lại cho khỏi quên thì sau đó trại giam bắt hủy nên kể lại không đầy đủ đâu.
Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2018
Nguyễn Tường Thụy: Ngoại giao tiểu nông
![]() |
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh xuống sân bay quốc tế George Bush thành phố Houston, Texas và gặp đồng bào Việt đi đón vào lúc 23h55' ngày 17/10/2018 giờ địa phương. Ảnh FB Dương Đại Triều Lâm |
Vậy là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được trả tự do khi đang thi hành bản án 10 năm tù giam nhưng lại bị trục xuất ra khỏi tổ quốc của cô. Ngày hôm nay, 17/10/2018, công an Việt Nam thả cô ra từ trại giam số 5 ở Yên Định, Thanh Hóa, áp giải ra sân bay Nội Bài và điểm đến là tiểu bang Texas, Hoa Kỳ. Đi cùng cô là gia đình gồm mẹ cô và hai đứa con còn nhỏ.
Đây là sự nỗ lực của Chính phủ Mỹ, là kết quả vận động quốc tế của các tổ chức xã hội dân sự mà trực tiếp là Mạng lưới Blogger Việt Nam trong suốt 2 năm qua. Cuộc vận động rất tích cực nhưng cũng gặp nhiều trở ngại. Lúc có vẻ hy vọng thuận lợi, lúc rơi vào bế tắc bởi "áp lực của Bắc Kinh mạnh quá!". Đã có lúc định được ngày rồi lại phải lùi lại. Kết quả chỉ đạt được khi thời tiết chính trị trong nước và quốc tế đem đến những thuận lợi.
Giới đấu tranh mừng cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh thoát khỏi nhà tù cộng sản sau 2 năm 7 ngày bị giam giữ, tuy nhiên đây vẫn là tình thế buộc phải chấp nhận. Mọi người không muốn cô phải hy sinh thêm nữa.
Việc trả tự do cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, dư luận cho rằng nằm trong ý đồ của VN trong quá trình thương thảo về Hiệp định thương mại tự do EU-VN (EVFTA) và để “rửa mặt” cho ông Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm tới Mỹ được đồn đoán vào cuối năm nay.
Thứ Năm, 18 tháng 10, 2018
Nguyễn Tường Thụy: Cá sấu khóc con mồi
![]() |
Lãnh đạo TPHCM nhắn tin ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo". Ảnh SGGP |
Phản ứng của cư dân mạng là dị ứng với việc này. Người ta cho đó là trò hề, trò lừa mị. Chuyện nhắn tin ủng hộ người nghèo lại vào đúng lúc vụ thu hồi và cướp cả nghìn héc ta đất ở Thủ Thiêm, đẩy hàng nghìn người vào cảnh không nhà ở, không kế sinh nhai, có người phải đi ăn xin được khui ra, làm cho dư luận phẫn nộ mà chưa biết xử lý ra sao. Tổng số thu được trong “chiến dịch” nhắn tin ấy là hơn 400 triệu đồng, bằng 2 mét vuông đất rao bán ở Thủ Thiêm.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)