Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Phương Uyên. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Phương Uyên. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Nguyễn Hưng Quốc - Bệnh vô cảm và bệnh sợ hãi

Nguyễn Hưng Quốc

Trong bài phỏng vấn do Trà Mi thực hiện, Nguyễn Phương Uyên, cô gái 21 tuổi được nhiều người xem như một “biểu tượng” của lòng can đảm và của tuổi trẻ, nêu lên một ý nguyện, đồng thời cũng là một tham vọng của em: “Tôi không muốn mắc phải căn bệnh rất khó trị ở các thanh niên cùng tuổi tôi. Tôi muốn làm một bài thuốc để thanh niên Việt Nam nhìn thấy mà làm hết mình, ‘cháy’ hết mình, không còn bị vô cảm và sợ hãi vốn đã bị tiêm nhiễm ngay từ bé.”


Tôi không biết hiệu quả của “bài thuốc” ấy thế nào. Nhưng tôi nghĩ Phương Uyên đã bắt đúng căn bệnh kép không phải chỉ của giới trẻ mà còn của người Việt Nam nói chung lâu nay: bệnh vô cảm và bệnh sợ hãi.

Bệnh sợ hãi, thật ra, là một bệnh lâu đời. Chế độ phong kiến, ở đâu cũng vậy, bao giờ cũng xây dựng quyền lực trên hai nền tảng chính: sự sùng bái và sự sợ hãi. Sự sùng bái được xây dựng trên hai nền tảng chính: tư tưởng thần quyền (nòng cốt là tư tưởng thiên mệnh) và các nghi lễ đầy tính đẳng cấp trong xã hội. Sự sợ hãi được tạo thành và được duy trì chủ yếu bằng một biện pháp chính: khủng bố. Trong các tội trạng, tội nặng nhất là tội phản nghịch. Hình phạt dành cho tội này thường là tử hình, có khi không phải tử hình một cá nhân mà còn tử hình nguyên cả một dòng họ (tru di tam tộc). Tử hình không phải chỉ nhắm đến việc giết chết tội nhân. Mà còn nhắm đến việc giết chết mọi ý đồ phản nghịch của những người còn sống bằng cách khiến họ phải sợ hãi. Do đó, người ta bày ra đủ thứ kiểu giết người, từ kiểu chặt đầu, treo cổ đến kiểu cho voi giày, ngựa xé, ném vào vạc dầu sôi, tùng xẻo, v.v.. Bởi vậy, chuyện ngày xưa dân chúng thường xuyên sống trong sợ hãi là điều dễ hiểu.

Sau này, chế độ cộng sản tiếp tục duy trì sự sợ hãi ấy bằng các trại cải tạo và nhà tù, hơn nữa, bằng chế độ lý lịch: Con cháu những người bị xem là phản động trở thành một thứ con ghẻ, thường xuyên bị nghi kị và kỳ thị, có thời gian, lại là thời gian khá dài, còn không được nhận vào đại học. Bây giờ, do sự phát triển của kinh tế thị trường, chế độ lý lịch ấy đã giảm đi nhiều. Tuy nhiên, hệ thống nhà tù thì vẫn dày đặc. Mà không cần nhà tù, chỉ cần sự hiện diện của công an, mọi người đã khiếp sợ.

Tất cả những sự khủng bố và đe dọa ấy khiến mọi người nếu không run sợ thì ít nhất cũng thu mình lại, né tránh mọi đụng chạm đến công an hoặc rộng hơn, đến chính trị, từ đó, làm nảy sinh ra một thứ bệnh khác: bệnh vô cảm.

Nếu sợ hãi là một căn bệnh lâu đời, vô cảm lại là một căn bệnh rất mới. Trước, hầu như không ai nói người Việt vô cảm bao giờ. Thậm chí, ngược lại, hầu như ai cũng cho người Việt sống bằng tình cảm nhiều hơn lý trí. Với tư cách cá nhân, người ta quan tâm đến nhau; láng giềng quan tâm đến nhau; cả làng quan tâm đến nhau. Chuyện một người biến thành chuyện của cả tập thể. Sự quan tâm lớn đến độ lấn át cả sự riêng tư của từng cá nhân một.

Vậy mà, những năm gần đây, hầu như bất cứ người nào để ý đến xã hội Việt Nam một chút, cũng đều nhận thấy ngay một hiện tượng: người ta đối xử với nhau thật vô cảm.

Ngoài đường, nhìn người khác bị cướp giật, hầu như mọi người đều dửng dưng; thấy có ai đó bị tai nạn nằm giãy đành đạch, phần lớn vẫn đứng trố mắt nhìn. Trồng trọt hay buôn bán thực phẩm, biết việc sử dụng nhiều hóa chất có thể gây nhiễm độc hay bệnh hoạn cho xã hội, người ta vẫn mặc kệ. Làm các dịch vụ du lịch, biết việc chụp giật hay lừa đảo có thể gây ấn tượng xấu cho cả đất nước, khiến du khách ngoại quốc khinh bỉ và không bao giờ trở lại Việt Nam nữa, người ta vẫn bất chấp.

Chưa hết.

Hiện tượng con cái đánh đập hoặc đuổi bố mẹ già ra khỏi nhà càng lúc càng phổ biến. Chỉ giận hờn hay cãi cọ nhau một chút là học sinh, có khi là nữ sinh, đã đánh nhau một cách tàn nhẫn. Để cướp một chiếc nhẫn, thay vì trấn lột, người ta nghĩ ra một biện pháp cực nhanh: chặt đứt nguyên cả cánh tay. Ăn trộm một con chó cũng bị cả làng xúm vào đánh chết.

Dù sao, ở trên cũng là những chuyện… nhỏ.

Lớn hơn là những chuyện liên quan đến số phận của cả đất nước. Việt Nam bị ô nhiễm trầm trọng ư? Người ta nhún vai: “Cái nước mình nó thế, biết làm sao được!” Nạn tham nhũng hoành hành, các công ty quốc doanh thi nhau phá sản để lại những núi nợ nần không những cho thế hệ hiện tại mà cả các thế hệ sau này nữa ư? Người ta cũng nhún vai: “Cái nước mình nó thế, biết làm sao được!”

Quan trọng nhất là chuyện chủ quyền. Hầu như ai cũng biết Trung Quốc đang toan tính cướp biển và cướp đảo Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng đến mạng sống của nhiều ngư dân Việt Nam, chi phối tình hình chính trị nội bộ của Việt Nam. Ai cũng biết vậy. Nhưng phần lớn đều nhún vai: “Làm gì được?”. Rồi thôi.

Người Việt vẫn thường tự hào về truyền thống yêu nước, bất khuất và anh dũng của mình. Nhưng thời gian gần đây, nhìn đâu cũng thấy những cái nhún vai bất cần, kiểu sống chết mặc bay như thế.

Tại sao?

Lý do, thật ra, khá đơn giản. Một phần vì sợ, như đã nói ở trên. Phần khác, vì đó là chính sách của nhà cầm quyền. Dưới mọi hình thức tuyên truyền, nhà cầm quyền chỉ muốn mọi người vô cảm. Bày tỏ sự quan tâm của mình đối với chủ quyền của đất nước dưới hình thức biểu tình thì bị đạp vào mặt hay bắt thảy vào các nhà tù; dưới hình thức bài viết trên các blog thì bị vu cho tội… trốn thuế.

Trước, mọi nhà độc tài đều duy trì chế độ của mình trên sự sợ hãi của người dân; sau này, ngoài sự sợ hãi, người ta sử dụng một biện pháp nữa: làm cho mọi người trở thành vô cảm.

Tôi không biết hiệu quả của bài thuốc trị sự vô cảm và sự sợ hãi của Phương Uyên như thế nào. Nhưng ít nhất, nhìn ánh mắt, dáng dứng và những câu phát biểu của em trước tòa, cả tòa sơ thẩm lẫn tòa phúc thẩm, và đặc biệt, nhìn cả trăm người từ khắp nơi đến tham dự phiên tòa phúc thẩm của em, tôi nghĩ, ít nhất cũng có nhiều người đã vượt qua được hai căn bệnh hiểm nghèo ấy.

Thứ Tư, 7 tháng 11, 2012

Ngô Nhân Dụng - Phương Uyên và 144 nhà trí thức


Ngô Nhân Dụng

Việc các nhà trí thức ở trong và ngoài nước ký tên đòi trả tự do cho sinh viên Nguyễn Phương Uyên là việc làm đúng, mặc dù họ nêu lên những lý do trong việc bắt bớ khác với những điều mà chính quyền sau đó đã đưa ra.


Nếu quý vị chưa theo dõi câu chuyện này từ đầu, thì trước hết xin tóm tắt vụ bắt bớ cô Nguyễn Phương Uyên. Giữa Tháng Mười năm 2012, công an tới bắt cô Nguyễn Phương Uyên tại phòng trọ của cô; các bạn học cùng trường cho biết công an nêu lý do bắt bớ vì cô viết những lời chống chính quyền Trung Quốc cho nên họ cần hỏi để điều tra. Công an không đưa ra một giấy tờ hợp pháp nào trong vụ này. Cha mẹ cô không biết tin tức của con, đi hỏi hai nơi, công an đều chối, nói họ không bắt cô, tin tức được loan truyền coi như cô bị bắt cóc. Sau khi các đài phát thanh ở nước ngoài loan tin và bình luận, sau 10 ngày gia đình cô mới được công an tỉnh Long An thông báo là cô Phương Uyên, 20 tuổi, bị bắt, cùng với Ðinh Nguyên Kha, 24 tuổi, vì tội “tuyên truyền chống phá nhà nước,” tức là vi phạm điều 88 trong Bộ Luật Hình Sự.

Dựa trên những thông tin đó, một số nhà trí thức ở trong và ngoài nước đã viết thư gửi ông Trương Tấn Sang, chủ tịch nước, để yêu cầu can thiệp trả tự do cho sinh viên Phương Uyên. Công an đi bước kế tiếp là trưng bày “bằng chứng” để tố cáo Phương Uyên, và Ðinh Nguyên Kha đã liên quan đến một nhân vật khác, không bị bắt, cùng tổ chức phổ biến truyền đơn chống chế độ cộng sản; cờ vàng Việt Nam Cộng Hòa, và có cả 2 ký chất nổ nữa. Họ bị buộc tội theo điều 88, Luật Hình Sự. Họ không nói gì đến “tội” chống Trung Quốc cả; mà lại trưng bày cả những lời thú tội của sinh viên Phương Uyên.

Chứng kiến màn trình diễn sau cùng này, nhiều người nghĩ rằng 144 nhà trí thức ký tên gửi Trương Tấn Sang đòi trả tự do cho cô Phương Uyên đã sai lầm, có thể đã bị công an gài người xúi bẩy cho làm việc vội vã. Ðó là một cách đánh hạ uy tín của họ, và của giới trí thức nói chung, nếu sau này những người trí thức nói gì người ta cũng không muốn nghe nữa.

Nghĩ như vậy là nhầm. Người có học và biết suy nghĩ phải bày tỏ thái độ, chống bất công, đòi tự do cho tất cả những người bị bắt bớ giam cầm phi lý và phi pháp. Công an bắt giam người một cách bí mật, được hỏi thì chối là không bắt để lừa gạt gia đình nạn nhân, riêng hành động đó đã vi phạm tất cả các quy tắc pháp lý của loài người văn minh, đáng lên án ngay. Người trí thức nổi giận trước hành vi phản tiến hóa của guồng máy công quyền, có bổn phận phải lên tiếng phản đối.

Khi công an trình bày lý do việc bắt bớ giam cầm vì “tội tuyên truyền chống phá nhà nước,” theo điều 88 Bộ Luật Hình Sự, thì người trí thức càng có lý do để phản đối và đòi trả tự do cho nạn nhân. Bởi vì điều 88 Bộ Luật Hình Sự là một điều vừa sai trái về pháp lý, vừa mơ hồ để ngỏ cửa cho người cầm quyền lạm dụng. Trong xã hội văn minh, việc phản bác những chủ trương, chính sách sai lầm của nhà nước là một quyền tự do của mọi công dân. Nếu một công dân kêu gọi dùng võ lực lật đổ nhà nước thì có thể áp dụng những đạo luật khác để buộc tội, nhưng quyền tự do ngôn luận phải được tôn trọng vì quyền đó quan trọng hơn cả nhà nước. Người ta có thể thay thế nhà nước này bằng một nhà nước khác; nhưng bất cứ lúc nào cũng phải kính trọng quyền tự do phát biểu, một trong những quyền làm người căn bản.

Ðiều nguy hiểm là việc áp dụng điều 88 rất co giãn. Công an cho đến quan tòa do chế độ sai bảo có thể định nghĩa tùy thích hành động thế nào thì bị coi là “tuyên truyền chống phá nhà nước.” Nhiều người Việt Nam chỉ lên tiếng phản đối “tầu lạ” tấn công ngư dân nước ta, cũng bị buộc tội tuyên truyền chống phá nhà nước rồi, chứ chưa cần lên án Trung Cộng chiếm đóng Hoàng Sa mới bị coi là chống nhà nước cộng sản Việt Nam.
Cho nên mọi người trí thức phải lên tiếng đòi tự do cho tất cả những người bị bắt, bị kết án và bỏ tù vì vi phạm điều luật này. Ðiều 88 đúng là hai cái còng số tám sẵn sàng khóa tay, khóa miệng tất cả mọi người Việt Nam. Dù sau khi bắt giam một nạn nhân công an có đưa ra lý lẽ hoặc bằng chứng nào chăng nữa, thì ngay việc sử dụng hai cái còng số 8 này cũng đã phải lên án rồi.

Vì vậy việc kết án nhạc sĩ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình đã bị những người biết suy nghĩ phản đối ngay. Kêu gọi người Việt Nam yêu nước, bây giờ bị gán cho tội “tuyên truyền chống phá nhà nước.” Nếu áp dụng chính sách bỏ tù vì tội viết bài ca đề cao lòng yêu nước, nghĩa vụ chống ngoại xâm, thì tác giả những bài Bạch Ðằng Giang, Gò Ðống Ða, Nước Non Lam Sơn đều có tội hết! May mắn cho các nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Hoàng Quý, họ không sáng tác các bài ca đó dưới thời chế độ xã hội chủ nghĩa của các đồng chí ếch ngồi đáy giếng.

Ðúng ra, các nhà trí thức nước ta phải lên tiếng đòi tự do cho tất cả các anh chị Ðiếu Cầy Nguyễn Văn Hải, Anh Ba Sài Gòn Phan Thanh Hải, Tạ Phong Tần, vân vân. Không những thế, họ phải lên tiếng phản đối cả chính sách bắt bớ người yêu nước theo lối bắt cua trong rọ mà nhà báo Người Buôn Gió mới vạch ra. Với chính sách đó, công an lập hồ sơ tất cả những người yêu nước dám lên tiếng phản đối chính quyền Trung Quốc, rồi tùy nhu cầu từng lúc sẽ quyết định lúc nào bắt ai và truy tố ai. Theo Người Buôn Gió nhận xét, việc xử án Việt Khang, Trần Vũ Anh Bình, cùng việc bắt giam Phương Uyên, và Ðinh Nguyên Kha có thể được “lên chương trình” đúng trước ngày đại hội của đảng Cộng sản Trung Quốc. Có phải đó là những món quà của đảng Cộng sản Việt Nam tặng cho các đồng chí anh em vĩ đại hay không?

Sau khi trưng bày các “bằng chứng” để buộc tội Phương Uyên và Ðinh Nguyên Kha thả truyền đơn, in cờ vàng, trữ chất nổ, vân vân, công an cộng sản có thể mở chiến dịch bôi nhọ các nhà trí thức đã ký vào bức thư đòi trả tự do cho Nguyễn Phương Uyên. Ðã có những bức thư tung lên mạng với ý này.

Nhưng các nhà trí thức đã ký tên trong bức thư gửi Trương Tấn Sang không cần phải băn khoăn, áy náy gì về hành động của mình. Khi cần có bảo vệ công lý, tự do, dân chủ, thì chúng ta chỉ hành động dựa trên những dữ kiện và thông tin mình biết, chứ không thể đóng vai một ông thánh để biết tất cả mọi chuyện. Hơn nữa, hành động cứu người cần phải làm gấp, chứ không thể chờ đợi. Ðặc biệt là trong một xứ sở mà người cầm quyền kiểm soát và thao túng tất cả các thông tin, có biệt tài ngụy tạo các bằng chứng, vu cáo sỗ sàng không biết xấu hổ, thì những người biết suy nghĩ khi hành động không thể chờ các tin tức mới do công an nhà nước đưa ra, mà cuối cùng không biết những tin tức nào là xác thực. Việc cứu người, bảo vệ công lý và quyền làm người, thà rằng làm gấp quá còn hơn làm chậm trễ quá.

Mọi người trí thức có lương tâm, yêu nước và yêu tự do dân chủ ở trong nước đều biết số phận của mình, như Người Buôn Gió mô tả: Tất cả đều nằm trong một cái rọ, và “người ta thò tay vào rọ và chọn ai đó trong số chúng ta,” đem bỏ tù bất cứ lúc nào cũng được. Không riêng các người có tư tưởng, ý kiến khác với các đồng chí ếch ngồi đáy giếng mới phải đóng vai những con cua trong rọ, tất cả 90 triệu người Việt Nam đều chung cố phận đó. Người bị công an trung ương hay cấp tỉnh bố ráp cũng chung số phận với những người bị công an xã nhũng nhiễu hàng ngày. Những người thực sự suy nghĩ cho sâu sẽ thấy rằng cái việc nay nộp một cái đơn xin tổ chức biểu tình, mai gửi một bức thư xin trả tự do cho một sinh viên, cuối cùng không thay đổi được gì cả. Những hành động đó chỉ xoa dịu lương tâm mỗi người, nhưng muốn cải thiện đời sống của 90 triệu người dân Việt Nam thì phải chờ những người trẻ ở lớp tuổi 20, 30 ý thức và hành động.


Thứ Ba, 6 tháng 11, 2012

Lê Diễn Đức - Trò dàn dựng "nhận tội, xin khoan hồng" cũ rích hoàn toàn bị phá sản


Lê Diễn Đức

Nguyễn Phương Uyên với tấm biểu ngữ có dòng chữ viết bằng máu: "Tàu Khựa cút khỏi biển Đông".
Ngày 3/11/2012, công an thành phố Sài Gòn kết hợp với công an tỉnh Long An họp báo về việc bắt giữ Nguyễn Phương Uyên, 20 tuổi, nữ sinh viên năm thứ ba thuộc trường đại học Công nghệ Thực Phẩm Sài Gòn.


Nguyễn Phương Uyên bị công an tạm giam điều tra với cáo buộc "vi phạm Điều 88, Bộ luật Hình sự nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) về tội tuyên truyền chống Nhà nước", cùng Đinh Nguyên Kha, vì đã "rải truyền đơn có nội dung chống phá Nhà nước VN tại cầu vượt Quang Trung (quận 12, Sài Gòn)" - theo thông tin từ cuộc họp báo.

Như vậy, các tuyên bố từ buổi họp báo này phải được xem là quan điểm chính thức của nhà đương cục CSVN.

Dối trá chính danh!

Trong cuộc họp báo, Nguyễn Sáu, đại tá, Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra tỉnh Long An, khẳng định:
"Chúng tôi thực hiện đúng thủ tục tố tụng. Một ngày sau khi khởi tố và bắt tạm giam bị can Nguyễn Phương Uyên, cơ quan điều tra gửi thông báo cho gia đình Uyên ở Bình Thuận. Từ lúc cơ quan điều tra gửi thông báo gia đình bị can Uyên nhận phải mất vài ngày chứ không phải không thông báo như một số thông tin trên mạng đã nêu".

Một người có cấp bậc đại tá, tuyên bố truớc công luận lẽ ra phải hội đủ sự thuyết phục dưới góc độ pháp luật, nhưng đại tá Sáu đã bộc lộ, hoặc là một người khoác mã đại diện pháp luật nhưng trong não bộ trống rỗng kiến thức về pháp luật, hoặc là một kẻ trơ tráo, vô liêm sỉ và coi thường dư luận. Một sự dối trá chính danh, được ký tên đóng dấu!

Từ điều 80 đến điều 86, Chương VI, Bộ luật Tố tụng Hình sự (LTTHS) năm 1992 (bổ sung năm 2003) quy định cụ thể về các trường hợp bắt và tạm giữ người, kể cả trong trường hợp bắt khẩn cấp.

Điều 80 - Bắt bị can, bị cáo để tạm giam

1. Những người sau đây có quyền ra lệnh bắt bị can, bị cáo để tạm giam:
a) Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp;
b) Chánh án, Phó Chánh án Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp;
c) Thẩm phán giữ chức vụ Chánh toà, Phó Chánh toà Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao; Hội đồng xét xử;
d) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trong trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.

2. Lệnh bắt phải ghi rõ ngày, tháng, năm, họ tên, chức vụ của người ra lệnh; họ tên, địa chỉ của người bị bắt và lý do bắt. Lệnh bắt phải có chữ ký của người ra lệnh và có đóng dấu.

Người thi hành lệnh phải đọc lệnh, giải thích lệnh, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt.

Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng của người bị bắt chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó làm việc phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người.(...)

Điều 84 - Biên bản về việc bắt người

1. Người thi hành lệnh bắt trong mọi trường hợp đều phải lập biên bản.

Biên bản phải ghi rõ ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm bắt, nơi lập biên bản; những việc đã làm, tình hình diễn biến trong khi thi hành lệnh bắt, những đồ vật, tài liệu bị tạm giữ và những khiếu nại của người bị bắt.

Biên bản phải được đọc cho người bị bắt và những người chứng kiến nghe. Người bị bắt, người thi hành lệnh bắt và người chứng kiến phải cùng ký tên vào biên bản, nếu ai có ý kiến khác hoặc không đồng ý với nội dung biên bản thì có quyền ghi vào biên bản và ký tên.

Việc tạm giữ đồ vật, tài liệu của người bị bắt phải được tiến hành theo quy định của Bộ luật này.

2. Khi giao và nhận người bị bắt, hai bên giao và nhận phải lập biên bản.

Ngoài những điểm đã quy định tại khoản 1 Điều này, biên bản giao nhận còn phải ghi rõ việc bàn giao các biên bản lấy lời khai, đồ vật, tài liệu đã thu thập được, tình trạng sức khoẻ của người bị bắt và mọi tình tiết xảy ra lúc giao nhận.

Tất cả những quy định trên đây đều đã bị công an chà đạp thô bạo trong trường hợp Nguyễn Phương Uyên.
Nguyễn Phương Uyên bị bắt cùng ba bạn khác sống chung tại phòng trọ vào lúc hơn 11 giờ sáng ngày 14/10.

Lực lượng công an gồm khoảng chục người vừa mặc sắc phục, vừa thường phục, áp giải Phương Uyên và ba bạn cùng phòng tới đồn công an phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, Sài Gòn, chỉ nói là để xác minh một số vấn đề.

Ba bạn cùng phòng trọ được trả về là những nhân chứng sống trong việc công an bắt giữ Phương Uyên và "mất tích" luôn sau đó.

Dư luận sôi động về sự "mất tích", "bắt cóc", bởi vì khi gia đình của Phương Uyên và bạn học tới công an phường Tây Thạnh hỏi thăm thì được công an trả lời không biết gì về vụ việc và không bắt giam ai cả!? - Chị Nguyễn Thị Nhung, mẹ của Phương Uyên, hoang mang kể lại với BBC Việt ngữ.

Vào ngày 19/10, trong khi vẫn bặt âm vô tín từ phía nhà chức trách, thì cộng đồng mạng đã loan báo
Phương Uyên đang bị giam ở buồng số 12 (trong một phòng cùng với hơn 10 phạm nhân khác) tại nhà giam của Công an quận Tân Phú, địa chỉ 516/4 - 615/4 đường Bình Long, phường Tân Quý, quận Tân Phú, Sài Gòn.

Mãi đến ngày 20/10, tức 6 ngày sau khi Phương Uyên bị bắt, Cơ quan An ninh Điều tra thuộc Công an tỉnh Long An, mới ra Thông báo Số 3 do Thượng tá Nguyễn Thanh Sơn ký, gửi gia đình Phương Uyên về việc bắt giữ Phương Uyên vì "có hành vi tuyên truyền chống phá nhà nước CHXHCNVN" và cho biết nơi Uyên bị giam là "trại tạm giam công an tỉnh Long An, số 159 đường Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Tân An, tỉnh Long An".

Rõ ràng thực tế đã diễn ra khác hoàn toàn với tuyên bố "thực hiện đúng thủ tục tố tụng. Một ngày sau khi khởi tố và bắt tạm giam bị can Nguyễn Phương Uyên, cơ quan điều tra gửi thông báo cho gia đình" của đại tá Nguyễn Sáu trong cuộc họp báo. Tuyên bố/khẳng định này không gì khác hơn là sự ma giáo, đổi trắng thay đen trắng trợn, bằng hành động cũng như ngôn từ.

Gắp lửa bỏ tay người

Một sự bất tín, vạn sự bất tin. Sự ma giáo, đổi trắng thay đen trắng trợn của người đứng đầu Cơ quan an ninh điều tra trong cuộc họp báo, cho thấy toàn bộ kịch bản nhuốm màu sắc bất lương ngay từ đầu.

Từ đó, người ta không thể không nghi ngờ về những cái gọi là "tang vật thu được của vụ án gồm hơn 700 truyền đơn và cờ của chế độ Ngụy quyền, hơn 2kg hoá chất tạo thuốc nổ cùng một số tang vật khác" và "trong vụ án còn một số dấu hiệu của tội khủng bố"

Trước hết, một điều quá dễ hiểu rằng, công an sẽ không có gì khó khăn khi muốn tạo dựng tang vật. Bởi vì công đoạn khám xét nơi ở của Nguyễn Phương Uyên cũng đã diễn ra mờ ám, trái pháp luật.

Điều 141 Bộ LTTHS sự quy định:

"Khi khám chỗ ở phải có mặt người chủ hoặc người đã thành niên trong gia đình họ, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng chứng kiến; trong trường hợp đương sự và người trong gia đình họ cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc đi vắng lâu ngày mà việc khám xét không thể trì hoãn thì phải có đại diện chính quyền và hai người láng giềng chứng kiến".

Không tuân thủ các quy định trên, công an đã tuỳ tiện về phòng trọ của Phương Uyên lục soát, mặc sức làm mưa làm gió, cho nên không thể loại trừ khả năng công an đã chơi trò "gắp lửa bỏ tay người". Để biến một cô gái sinh viên thơ trẻ, học giỏi, hiền lành, được bạn bè quý mến, thành một tên khủng bố, chỉ cần quẳng vào hiện trường vài ký thuốc nổ hay vũ khí, lập biên bản xác nhận với nhau, rồi có thể công bố có trong tay "tang vật"!

Những tang vật mang tính lưu manh, giả trá này không giá trị pháp lý, khi việc khám xét bất chấp các quy định của pháp luật, không có sự hiện diện của người trong cuộc và nhân chứng khách quan.

Trong một cuộc họp báo, theo thông lệ, nguời ta thường chứng minh cho công luận thấy "tang vật" thu được bằng cách thức nào, ở đâu, trong bối cảnh nào. Đã không hề thấy động tác này trong cuộc họp báo hôm 3/11. Chỉ thấy kiểu lấy thịt đè người, đăng lấy được trên các báo lề đảng.

Sự thất bại của màn dàn dựng

Kịch bản dàn dựng của nhà cầm quyền CSVN buộc những người yêu nước, những người bất đồng chính kiến, tranh đấu dân chủ trong hoàn cảnh lao tù phải đọc bản nhận "tội", "xin khoan hồng", đã quá nhàm trong con mắt dư luận. Còn trong trường hợp của nữ sinh viên Nguyễn Phương Uyên nhà cầm quyền CSVN đã hoàn toàn thất bại.

Hình ảnh nhận "tội" của Phương Uyên trên TV và các phương tiện truyền thông lề đảng đã không giúp được gì nhà cầm quyền ý đồ bôi xấu, hạ nhục những người yêu nước, mà chỉ làm dư luận căm phẫn, khinh miệt thêm thái độ hèn nhát, ác độc của kẻ mạnh trước người yếu thế, bị huỷ diệt mọi khả năng lựa chọn trước các đòn khủng bố và đe doạ.

Chúng ta đã chứng kiến phản ứng của dư luận trong trường hợp "nhận tội", "xin khoan hồng" vào tháng 6 năm 2009 của Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Kim Anh. Vì họ là những người ở tuổi từng trải, có lý tưởng, dấn thân cho các hoạt động dân chủ, giữ vai trò nhất định trong tổ chức chính trị (đảng Dân Chủ), nên dư luận đã có những luồng đánh giá khác nhau, hoặc cảm thông, hoặc bất bình, gây tranh cãi. Thậm chí bà Trần Thị Huệ, em gái ông Trần Anh Kim, nói về hành động “nhận tội” của anh trai rằng "Chết vinh còn hơn sống nhục. Đã thấy việc mình làm là đúng, thì dù có chết, cũng không nên làm như thế”, và nhìn hình ảnh anh trai xin khoan hồng, bà cảm thấy “mất mát trong lòng“. Bài viết của tôi lúc bấy giờ "Những nhà dân chủ thích sống nhục" trên diễn đàn Talawas của nhà văn Phạm Thị Hoài đã gây nên tranh luận sôi động và gay gắt.

Nhưng, với Nguyễn Phương Uyên, tình cảm dành cho cô sinh viên mới ở tuổi 20, dường như nhất quán. Đó là sự chia sẻ, thông cảm sâu sắc. Những người hiểu biết, trong đó có cả những người vốn né tránh các chuyện chính trị nhạy cảm, đều thương mến Phương Uyên nhiều hơn cả trước khi cô gái "nhận tội". Người ta thấy ở Phương Uyên hình ảnh của một con gà con ngơ ngác giữa một bầy diều hâu hung dữ.

Những "tội" mà Phương Uyên "nhận" được nhà cầm quyền trưng ra, show off, đã chẳng gây nên chút ấn tượng nào. Những người có lương tri, sáng suốt, nhìn thấy một trò hạ cấp, lố bịch. Trò này chỉ có thể lừa mị được những kẻ ngốc nghếch, hoặc kích dâm chính trị đám sai nha bệnh hoạn "đang tâm làm tay sai cho Tàu".
Phản ứng của người thân trong gia đình Phương Uyên cũng rõ ràng, dứt khoát. Trả lời BBC Việt ngữ trong ngày 4/11, ông Nguyễn Duy Linh, cha của Phương Uyên, không tin vào những gì mà con gái ông bị cáo buộc hay "nhận tội". Ông bày tỏ lòng "cảm phục" và "hãnh diện" về con gái, hiểu được con gái bị tù tội chỉ vì lòng yêu nước, chống xâm lược Trung Quốc, và cho rằng, kịch bản dàn dựng "nhận tội" không gì khác hơn là hành động của nhà cầm quyền nhằm mục đích răn đe, dập tắt tinh thần yêu nước trong giới sinh viên, học sinh.

Nhà văn Phạm Đình Trọng ngày 05/11/2012 trong bài "Cần lên tiếng tiếp về vụ Phương Uyên" gửi giáo sư Nguyễn Huệ Chi và giáo sư Tương Lai, những người nằm trong danh sách 144 vị nhân sĩ, trí thức ký tên trong thư khẩn cấp gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị trả tự do cho Nguyễn Phương Uyên, viết:
- "Nhiều công dân lớn tuổi đã mang cả cuộc đời làm việc ra cống hiến cho Đảng và Nhà nước này khi ký Kiến nghị về những vấn đề của xã hội còn bị công an đến tận nhà truy hỏi, bắt rút tên khỏi Kiến nghị thì các cháu sinh viên non nớt sau khi bị cả một hệ thống quyền lực đang nắm vận mệnh, tương lai các cháu đến truy hỏi, đe dọa, các cháu phải chối bỏ việc ký tên trong Thư gửi Chủ tịch nước kêu xin cho Phương Uyên là điều dễ hiểu.

Làm việc đó, cả hệ thống quyền lực, từ bộ Giáo dục Đào tạo, nhà trường đến công an, chính quyền địa phương đã vi phạm trắng trợn Quyền Công dân.

- Trong ngột ngạt nhà giam, trong phũ phàng đe dọa và trong ngọt ngào hứa hẹn, Phương Uyên phải viết lời nhận tội cũng là điều dễ hiểu.

- Điều này cũng tố cáo về cách điều tra làm án không lương thiện, phản sự thật, phản con người của công an".

Lời kết

Bác sĩ Phạm Hồng Sơn, một nhà bất đồng chính kiến từng chịu bản án 5 năm tù, 3 năm quản chế, chỉ vì dịch bài "Thế nào là dân chủ" lấy từ trang web của đại sứ quán Hoa kỳ tại Việt Nam, viết trên trang Facebook của mình:
"Một lần nữa cho thấy chính quyền độc tài luôn kiên trì để dựng bằng được chân dung của những người đang dấn thân vì tiến bộ hiện nay rút cục chỉ là những người bồng bột, kém chịu đựng, và/hoặc chỉ là những kẻ cực đoan bạo động muốn gây đổ máu mà thôi. Đây chính là hai mục tiêu nòng cốt nhằm làm tan rã một phong trào đấu tranh bất bạo động trong thời đại ngày nay, chứ không hẳn là những án tù dài dằng dặc hay những bạo lực tàn ác".

"Một phong trào bị trấn áp thẳng tay bằng những án tù dài hay bạo lực tàn ác vẫn có thể phát triển và thành công, vì sự trấn áp luôn làm gia tăng thiện cảm, sự chia sẻ của công chúng cho phong trào và càng làm cho bộ mặt của chính quyền thêm phần khó chấp nhận".

Hoàn toàn chính xác! Dư luận đã hiểu sâu rộng "mục tiêu nòng cốt" của nhà cầm quyền CSVN mà bác sĩ Phạm Hồng Sơn nói tới và mặt thật đểu cáng của trò hề dàn dựng, ép buộc "nhận tội, xin khoan hồng".

Màn dàn dựng cũ rích, sặc mùi khủng bố con tin của tổ chức Al Qaeda, đã bị nhận diện và hoàn toàn phá sản. Rất rõ qua trường hợp cô sinh viên Nguyễn Phương Uyên!

Ngày 5/11/2012
© 2012 Lê Diễn Đức - RFA Blog


Thứ Năm, 1 tháng 11, 2012

Nguyễn Hưng Quốc - Chiến thắng của những kẻ yếu đuối


Nguyễn Hưng Quốc

Cô Nguyễn Phương Uyên, sinh viên đại học Công nghệ Thực phẩm, bị công an bắt đi từ nhà trọ hôm 14/10 với cáo buộc tham gia rải truyền đơn kêu gọi chống Trung Quốc và chống tham nhũng


Nguyễn Phương Uyên là sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh. Nhà em ở Bình Thuận. Để theo đuổi việc học, em phải thuê nhà ở trọ với bạn bè. Trưa ngày 14/10/2012, khoảng 10 công an ập vào nhà trọ của các em, bắt Uyên cùng với ba người bạn khác. Ba người bạn ấy, sau đó, được tha về, riêng Uyên thì bị chở đi đâu đó, biệt tích.

Bố mẹ của Uyên, từ Bình Thuận, tất tả chạy đến công an quận Tân Phú tìm con. Công an ở đó chối phăng, bảo là không hề bắt ai cả. Bạn học của Uyên viết thư gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang để kêu cứu.

Bức thư được đăng tải rộng rãi trên khắp các cơ quan truyền thông quốc tế cũng như trên các tờ báo mạng thuộc lề trái tại Việt Nam. Ông Trương Tấn Sang im lặng. Công an cũng im lặng.

Cuối cùng, gần 10 ngày sau, bố mẹ của Uyên mới biết con mình bị giam giữ tại tỉnh Long An với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”. Các bạn học của Uyên thì cho biết cô ấy chỉ tham gia tuyên truyền chống Trung Quốc mà thôi. Một người bạn bị bắt một lần (sau đó được thả) với Uyên kể, ở văn phòng công an phường Tây Thạnh, Tân Phú, khi bị công an hỏi, Uyên đáp: “Cháu ghét Trung Quốc.”

Chưa biết chính quyền Việt Nam sẽ đối xử với Nguyễn Phương Uyên như thế nào. Chỉ biết là, từ mấy tuần vừa qua, vụ bắt bớ một nữ sinh nhỏ nhắn, hiền lành như thế đã gây chấn động dư luận. Vào internet, thấy ở đâu người ta cũng bàn luận. Ở đây, nổi bật lên hai hình ảnh đối nghịch: một mặt, cô gái còn trẻ măng, đeo kính cận, mắt sáng và nụ cười hiền, không làm gì khác ngoài việc bày tỏ thái độ chán ghét Trung Quốc; mặt khác, hình ảnh công an hành xử như những tên côn đồ: chúng ập vào nhà trọ bắt em rồi chối biếng là không biết gì về vụ bắt bớ ấy cả.

Vụ bắt bớ Nguyễn Phương Uyên khiến nhiều người liên tưởng đến cô bé Malala Yousafzai, người Pakistan, bị hai tên sát thủ Taliban bắn vào đầu vào ngày 9 tháng 10.

Báo chí tường thuật: hôm ấy, trên một chiếc xe buýt, Malala và các bạn cùng nhau chuyện trò và hát hò với các thầy cô giáo. Vừa mới thi cuối học kỳ, ai cũng vui vẻ. Nhưng khi chiếc xe vừa ra khỏi thành phố Mingora thì có hai người đàn ông cầm súng chận lại. Chúng bước lên xe, hỏi: “Đứa nào là Malala Yousafzai?” Mọi người đều im lặng, nhưng một cách tự phát, một số em quay nhìn Malala. Theo hướng mắt ấy, hai tên sát thủ nhận diện ra ngay được Malala. Không nói không rằng, một tên giơ sung lên, chĩa thẳng vào em. “Đoành! Đoành”. Hai phát súng vang lên khô khốc. Một phát trúng đầu và một phát trúng cổ. Sẵn trớn, tên sát thủ bấm cò, bắn thêm hai phát nữa vào đám bạn của Malala khiến hai em bị thương. Xong, chúng xuống xe. Và tẩu thoát.

Tại sao các tên Hồi giáo quá khích lại muốn giết một nữ sinh mới 15 tuổi như vậy?

Có hai lý do chính: Thứ nhất, em đi học, và thứ hai, em khuyến khích các bạn gái ở địa phương cùng đến trường đi học như em.

Với những người bình thường, hai lý do ấy hầu như không thể tin được. Tại sao đi học và khuyến khích bạn bè đi học mà lại bị thù ghét và bị bắn một cách dã man như vậy? Nguyên nhân: Taliban chủ trương phụ nữ thì phải ở nhà. Và phải mù chữ.
Chủ trương quái đản ấy đã được nhiều người biết. Người ta biết, cho là quái đản, và rồi, quên phắt đi. Người ta lại quay cuồng với đời sống hàng ngày với vô số những lo toan của chính họ. Taliban dường như thuộc về một thế giới khác. Bây giờ, trước sự việc một cô bé ngây thơ, mới 15 tuổi đầu, bị bắn một cách tàn nhẫn như vậy, người ta sững sờ và thấm thía hơn về tính chất man rợ của những kẻ cuồng tín. Càng thương Malala bao nhiêu, người ta càng căm ghét Taliban cũng như các lực lượng Hồi giáo cuồng tín bấy nhiêu. Lần đầu tiên tại Pakistan, tất cả các đảng phái chính trị cũng như các tôn giáo đều thống nhất với nhau trong việc lên án hành động vô nhân đạo của Taliban và cùng cầu nguyện cho em Malala.

Phát biểu trước bệnh viện Birmingham ở Anh trong chuyến thăm viếng Malala đang được điều trị, ông Yousafzai, bố của Malala, tuyên bố: “Khi Malala ngã xuống, nước Pakistan đứng dậy và cả thế giới trỗi lên.”

Bởi vậy, nhiều người mới nhận định: trong cuộc khủng bố nhắm vào em Malala, kẻ bị thua cuộc trước hết chính là Taliban. Chúng hiện hình, trước mắt thế giới, như một lũ ác quỷ. Ngay những người theo Hồi giáo cũng không thể biện minh được cho chúng. Chúng trở thành những phần tử cô đơn. Hung hãn nhưng cô đơn. Trong khi đó, hào quang chung quanh em Malala lại tỏa sáng. Như một thiên thần.

Vụ bắt bớ Nguyễn Phương Uyên ở Việt Nam cũng vậy.
Lâu nay, ai cũng biết chính phủ Việt Nam độc tài và tàn bạo. Tính chất độc tài và tàn bạo ấy thể hiện, trong mấy năm gần đây, qua các vụ đàn áp biểu tình và đàn áp các nông dân chống nạn cướp đất, và qua các phiên tòa xét xử những người đòi tự do hoặc phản đối Trung Quốc, từ vụ Cù Huy Hà Vũ đến vụ Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải, Việt Khang… Nhưng dù sao, hình ảnh hiên ngang của những người ấy phần nào cũng làm mờ nhạt tính chất nạn nhân của họ. Người ta nhìn họ như những anh hùng mà có khi quên họ, trước hết, là những nạn nhân.

Nguyễn Phương Uyên thì khác. Em chỉ là một sinh viên. Em nhỏ nhắn và yếu đuối. Em hồn nhiên và còn vô tư lắm. Em chỉ có một vấn đề, như chính em thừa nhận: Em “ghét Trung Quốc”.

Trước hình ảnh nhỏ nhoi và yếu ớt ấy, hình ảnh mười tên công an ập vào nhà trọ bắt em, hình ảnh công an phường và công an quận bai bãi chối việc giam giữ em, hình ảnh cả một hệ thống tuyên truyền của nhà nước xúm vào xuyên tạc và bôi nhọ em, và cuối cùng, hình ảnh cả một guồng máy quyền lực âm mưu giày xéo lên em bỗng dưng đậm nét thêm lên.

Tính chất nạn nhân của Nguyễn Phương Uyên càng được tô đậm, tính chất độc tài và tàn bạo của chính quyền cũng theo đó bị gia tăng theo cấp số nhân.

Ít nhất dưới mắt dư luận, trong cũng như ngoài nước, với người Việt Nam cũng như người ngoại quốc, kẻ thua cuộc vẫn là nhà cầm quyền.