Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Lê Hồng Hưng. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Lê Hồng Hưng. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 4 tháng 2, 2022

Nguyễn Lê Hồng Hưng: Đi một chuyến đáng một chuyến

Năm nay tuyết rơi muộn hơn mọi năm, giữa tháng một tuyết còn sương sương tới đầu tháng hai tuyết mới bắt đầu tuôn xuống ào ào. Trời lạnh nhưng không gió, từ bến cảng tới hội quán trên ba cây số, nhưng Tuấn không gọi xe xuống đón, anh quyết định thả bộ để nhìn những bông tuyết lả lơi bay và đáp nhẹ lên mặt đường vun lên một lớp dầy. Anh có thể bước đi trên lớp tuyết như đi trên tấm thảm nhung màu trắng. Đi ngoài trời lạnh, vô hội quán kêu một ly rượu và một gói khoai tây chiên dòn, vô phòng vi tính có lò sưởi ấm, ngồi mở máy, lên lưới vừa nhâm nhi vừa đọc tin tức thế giới thì còn gì sướng cho bằng. 

Nhưng khi anh bước vào hội quán thì đã chật ních người, phần đông là người Trung Hoa, họ xí xô xí xào và ào ào náo nhiệt như nhóm chợ. Hôm nào có thủy thủ Trung Hoa đổ bộ, thì từ giờ hội quán mở cửa cho tới giờ đóng cửa đố ai chen chưn được vô phòng vi tính và những phòng điện thoại. Thường thì mỗi người xài một máy nhưng người Tàu thì hai ba người chụm nhau chung một máy, cho nên cả chục đầu máy nhưng nhìn vô thấy lố nhố mấy chục cái đầu của người Tàu và mỗi phòng điện thoại một người gọi hai ba người đứng chận cửa. Hồi còn ở Việt Nam, Tuấn thấy hễ ai hào hiệp thì được người đời tặng cho biệt danh “Quân tử Tàu” và mỗi khi ngồi nhậu với khách phương xa, để cho tình bạn thêm gắn bó, người ta hay nói câu “Tứ hải giai huynh đệ.” Từ ngày rời xa đất nước cho tới nay hơn hai mươi năm trời, Tuấn đã lênh đênh khắp năm châu bốn biển nhưng anh chưa gặp một người Tàu nào có thể gọi là quân tử, dù chỉ là một buổi nhậu trên bến lúc dừng chưn. Lên mạng, họ nhập vào mấy trang sex, ồn ào âm thanh dâm dục. Văn hoá rất là Tàu, một người chiếm được máy thì ngồi dính luôn đó, người nầy chơi xong kêu bạn bè lại tiếp tục chơi, mặc kệ cho mấy người tới trước ngồi chờ mút chỉ. 


Tuấn đi qua phòng truyền hình cũng đầy nhóc người, không khí giống y chang rạp hát các anh ngồi trật tự ngay ngắn và im lặng theo dõi tập phim Tây Du Ký của đài truyền hình Trung Hoa phát theo sóng vệ tinh. Tuấn nán lại xem đoạn Tề Thiên xuống Long Cung xin binh khí. Đợi lão Tề Thiên biến cây thiết bảng dần dần nhỏ lại còn bằng cây kim rồi lão vắt lên vành tai anh mới đứng dậy đi ra ngoài. Tuấn đi lại quày ba mua một chai bia, anh ngó quanh tìm chỗ ngồi nhưng không thấy ghế nào trống hết, đành đứng dựa lưng vô góc phòng vừa nhâm nhi vừa nhìn những sinh hoạt trong hội quán. 


Thứ Sáu, 3 tháng 12, 2021

Nguyễn Lê Hồng Hưng: Đặc Sản Quê Tôi

Quê hương của Trúc Thanh nằm nép mình cuối dãy Trường Sơn. Nơi đó có núi, rừng, ruộng, rẫy và biển xanh. Thanh chưa bao giờ đặt chưn xuống miệt đồng bằng. Từ ngày về chung sống với tôi, Thanh chỉ biết quê chồng qua những câu chuyện kể hoặc đọc qua sách báo và xem phim ảnh chớ chưa một lần nhìn tận mắt. Thanh ao ước:

- Ngày nào về nước em sẽ về quê anh, em rất thích sóng nước miệt đồng bằng sông Cửu Long.

- Em ở miền núi nên em thích đồng bằng cũng như anh ở miệt đồng bằng thì thích về miền núi — tôi tự hào khoe với vợ — quê hương anh được cái là thiên nhiên ưu đãi nên có nhiều món ăn dân dã, anh cam đoan với em, từ Trung ra tới ngoài Bắc không đâu có được miền trù phú như U Minh.

- Nói cho cố đi ông!

- Em dìa rồi em sẽ biết.

Tôi không nói quá lắm đâu. Quê tôi vùng ven thuộc về U Minh Hạ, ra biển thì tôm cá biển, vô sông thì cá tôm sông, lên ruộng thì cá đồng, rùa, rắn... Trên trời chim chóc rất nhiều loại như: diều hâu, diệc, cò đen, cò trắng, le le, chằn bè, vịt nước... Những vườn cò, sân chim mỗi nơi rộng hàng chục công đất vuông. Nhứt là vào những buổi chiều chim, cò bay về rợp bóng mát và kêu ríu ra ríu rít vang động cả góc rừng. Cò mần ổ trên những bụi chà là có nhiều gai nhọn. Đầu mùa mưa, cò đẻ trứng, người ta chuẩn bị áo, quần và may bao tay dầy đề phòng gai chà là quẹt rách da, chảy máu. Họ mang gùi, vác móc vô rừng móc một buổi đầy hết gùi nầy sang qua gùi khác, họ ăn cho tới khi trứng lộn mới ngưng lại. Đợi tới khi trứng nở con, chờ cò con bể bọng, mọc lông non, đủ thịt thì họ lại xách gùi vô một đợt nữa móc lấy cò con đem về bán cho quán nhậu hoặc tự làm đồ nhậu.

Nghe tới đây Thanh chận:

- Cò con ăn được sao?

- Được chớ, cò con thịt thơm, xương mềm, đem nướng, khìa nước dừa hay rô ti thì ăn rất ngon và nhậu rất bắt.

Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2021

Nguyễn Lê Hồng Hưng: Trên Một Dòng Sông

Đèn treo cột đáy, nước chảy đèn rung.
Thương nhau xin chớ ngại ngùng,
sông sâu cũng lội
rậm rừng cũng băng.
(ca dao)

Hải đứng lặng nhìn ra giữa dòng sông. Nước lờ lửng chảy, vài chiếc đò dọc thiếu khách chạy tà tà và trên bến sông thì vắng bóng người. Gió chướng hiu hiu không hãm được cơn nắng át của tháng ba. Hải nhớ hồi tháng ba năm ấy. Trên chiếc xuồng tam bản mui trần, mũi cột vô hàng đáy giữa dòng sông trong đêm trời đầy sao và con nước ròng chảy xiết. Cũng tại khúc sông nầy, anh với Lệ ôm nhau khóc, nước mắt tuông theo con nước róc rách dưới dạ xuồng. Lệ nghẹn ngào hứa chờ ngày anh trở về bến đáy. “Anh sẽ dìa với em.” Đó là lời hẹn với Lệ trước ngày anh vượt biển.

Thoát một cái đã mười bốn năm dư và anh đã trở về. Những hàng đáy giữa dòng sông vẫn còn trơ trơ, đầu cột đáy có một con nhàn đứng ủ rũ như đợi chờ một tăm cá, nhưng chủ nhân của hàng đáy bây giờ là ai? Anh hỏi thăm không ai biết bến đáy nào của Lệ. Thiên nhiên đã thu hẹp, rừng cây cối lưa thưa, đứng trên bờ chẳng nhìn ra đâu là bến, chỉ thấy một dãy nhà sàn san sát dọc bờ sông. Hải phải hỏi thăm nhiều lần mới tìm được nhà anh Tài, anh của Lệ, bây giờ đã dời ra vàm sông Ông Đốc. Anh Tài đã đổi qua nghề câu mực, nhưng vẫn còn giữ nghề đóng đáy trên sông.

Trước kia nhằm mùa nước sổ mỗi khi xuồng đáy về, tôm cá đựng bằng cần xé, người ngồi lựa cá, người nấu nước luộc tôm. Ban đêm ánh đèn măng xông soi sáng một vùng, ban ngày tôm phơi ngập sân đỏ ối. Anh Tài nói:

- Bây giờ khổ lắm mày ơi, cá tôm mò đỏ con mắt mới được vài con.

Thiệt vậy, đêm hôm đổ đục về, chị Liên, vợ anh Tài bưng rổ cá tôm lộn xộn lên xốc xốc, lựa ra đếm được hơn chục con cá bống và cân được vài kí lô tôm. Thường ngày vợ chồng sai con bưng cá bưng tôm ra chợ bán, nhưng hôm nay có Hải, anh dành lại ăn.

Thứ Bảy, 15 tháng 5, 2021

Nguyễn Lê Hồng Hưng: Chuyện Trên Đường Phố

Chiều về trên bến cảng Hamburg đã bớt ồn ào náo động, nhiều chiếc tàu buôn đến từ ngàn khơi đã yên vị bên kè đá và những chiếc đò dọc chạy dưới dòng sông cũng thưa thớt khách du hành. Một gã đàn ông trạc năm mươi tuổi bước thong thả từ dưới bến cảng lên con đường lót gạch hướng về đường hầm sông Elbe. Một người đàn bà tóc chấm vai, mặt không phấn, môi không son, thân hình tròn trịa, vóc dáng thấp và gọn gàng trong chiếc áo lạnh màu tro. Bà đứng ở đầu đường hầm, thấy gã đàn ông đi tới, bà ta ra dáng lắc lư thân hình làm chiếc bóp da đeo vai đu đưa qua lại. Mắt bà mở to nhìn gã từ đầu tới chưn, gật gật đầu, miệng mỉm cười. Gã đàn ông không tỏ vẻ mừng rỡ cũng không một cử chỉ xã giao, gã cất tiếng hỏi trỏng:

- Khoẻ hông?

- Được thôi. Còn anh?

- Vẫn vậy.

Người đàn bà đưa tay lên đầu gã tha tha mái tóc:

- Vậy gì mà vậy, tóc bạc trắng, già tới nơi rồi.

- Ngót nghét năm mươi rồi, còn trẻ trung gì nữa. Chờ có lâu lắm không?

Người đàn bà chỉ tay thẳng về hướng con lộ:

- Ba mươi phút mới thấy anh thấp thoáng ở đằng kia.

- Biết tới sớm tui đi tắc-xi cho lẹ.

Bà lắc lắc cái đầu dịu giọng:

- Không sao, lâu lắm rồi tui không có dịp đợi ai, hôm nay đứng đợi anh tui thấy cũng thinh thích.

Thứ Bảy, 29 tháng 2, 2020

Nguyễn Lê Hồng Hưng: Về Một Chuyến Đi

Từ ngày xuống tàu cho tới nay, cũng hơn hai tháng rồi, thường gặp gió to, sóng lớn, mưa nhiều. Cho tới hôm nay sóng, gió mới chịu ngừng và mưa không còn nữa. Khí trời vùng này tuy lạnh nhưng không buốt, hôm nay trời nắng và mặt biển trơn láng như mặt thủy tinh. Trên không, sau lái tàu chim nhàn bay cả bầy. Dưới nước, trước mũi tàu, một bầy cá nược đua trông nhộn nhịp vô cùng. Tôi có thói quen gặp cảnh đẹp và vui, tôi hay chăm chú theo dõi, tôi đứng nhìn bầy cá nược rất lâu, cá nược lâu lâu mới gặp chúng đua một lần. Chim nhàn thì mùa nào cũng có, bất cứ ở nơi đâu, xứ lạnh tuyết, băng hoặc xứ nóng như thiêu, nói chung từ Nam Cực lên Bắc Cực ra tận giữa Thái Bình Dương, chỗ nào cũng thấy chim nhàn bay theo lái tàu. Đàn cá nược đua rất trật tự và ngay hàng thẳng lối theo hông hoặc trước mũi tàu. Thỉnh thoảng vài con phóng lên khỏi mặt nước và rơi xuống lao chao qua lại rồi cũng bơi theo một đường thẳng, hình như chúng chăm chú chỉ có cuộc đua thôi. Nhìn tốc độ chúng đua theo tàu, rất thong thả. Tàu chạy trên dưới mười bảy hải lý, tức trên dưới hai mươi lăm cây số một giờ, có lẽ chúng không có ý tranh phần thắng nên không thấy có dấu hiệu cố sức và cũng không một chút nào lơ là. Chúng có thể bơi nhanh hơn tốc độ con tàu, nhưng chúng cứ thong thả trước mũi tàu theo đường thẳng mà bơi. Cũng như chim nhàn, thỉnh thoảng nhấp cánh một cái rồi dang thẳng hai cánh thả theo tàu, tàu tới đâu chúng tới đó và trong lúc chúng nhấp cánh đứng yên lấy trớn, trước khi từ trên lao xuống như mũi phi tiêu thẳng một đường, ùm xuống mặt nước, khi cất cánh lên thì trên mỏ đã gắp được con mồi. Tuy thấy động tác chớp nhoáng nhưng rất nhẹ nhàng, thong thả không lệch lạc chút nào, đặc biệt hơn nữa là không thấy chúng giành giựt hay cắn mổ nhau vì một con mồi. 

Mấy chục năm làm đầu bếp trên tàu buôn, nấu cho nhiều loại người ăn, từ giám đốc công ty, officers cho tới những thủy thủ ít học, tôi hay chú ý cách ăn uống của họ và có sự so sánh này. Mặc dù mỗi con người, mỗi dân tộc, có đạo hay không theo đạo nào hết, phần đông con người ta hay đứng núi này trông núi kia, ăn uống ít khi chú tâm tới món ăn trước mặt, dọn ra món này thì ước ao được ăn món khác. Có vài thuyền trưởng hễ uống bia thì ngồi miết từ trưa cho tới chiều, thuyền trưởng làm sao thì đám phụ tá làm theo vậy. Nhưng thấy họ có chú tâm uống bia đâu, ngồi tụm lại người này nói, người kia nói, lâu lâu ngước cổ đổ bia vô họng rồi lấy trớn nói tiếp, làm như bia là dầu bôi trơn cho mấy cái máy nói chạy. Hổng biết chuyện gì mà ngày nào cũng tụm lại vừa uống bia vừa nói chuyện, đàn ông không mà cũng nhiều chuyện quá trời, có khi mê nói mà bỏ luôn cả bữa ăn. Tôi có làm chung với thuyền trưởng phụ nữ, nhưng đàn bà thường sống kỷ luật hơn, đúng giờ giấc hơn và các bà đâu có ngồi lê đôi mách hàng giờ, uống bia và nhiều chuyện như mấy ông. Mỗi khi quan sát cá nược và chim nhàn, tôi nghĩ tới sự chú tâm (mindfulness), ngôn ngữ Phật giáo gọi là “chánh niệm”, tôi thấy ngoài những chùa chiền ra, nhiều nơi trên thế giới này có nhiều trung tâm tổ chức thực tập chánh niệm, nhưng càng ngày con người càng lộn xộn, sống trong sợ hãi và bất an. Xem ra chim nhàn và cá nược khỏi cần thực tập, có lẽ từ khi có loài chim, loài cá cho tới nay chúng vẫn vui sống trong chánh niệm rất hồn nhiên. 

Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2020

Nguyễn Lê Hồng Hưng: Tản Mạn Chiều Thu

Anh tài xế tắc xi đón tôi trước phi trường Vigo vào lúc xế chiều và đưa tôi về khách sạn. Sau khi đưa căn cước cho cô ngồi sau quày tiếp khách xác nhận, cô đưa tôi thẻ khoá và số phòng của tầng một. Anh tài xế tắc xi coi như xong nhiệm vụ, anh day qua vui vẻ bắt tay giã từ và hẹn tám giờ sáng ngày mai anh tới chở tôi xuống tàu. Tôi lên phòng tắm rửa, thay áo quần xong, rồi đi xuống, định đi ra phố. Vừa ra khỏi thang máy liền gặp một anh nhân viên khách sạn đứng trước cửa, chào tôi và lịch sự đưa hai tay, khom người ra dấu mời tôi vô phòng ăn. Đã quen với cảnh ăn búp phê, ngủ khách sạn, tôi cũng không lạ gì mấy cái khách sạn do công ty đài thọ, nếu không tự bỏ tiền túi ra thì khó mà chọn được thức ăn cho vừa miệng, biết vậy nên tôi chẳng cần hỏi họ có đặt phần ăn cho tôi không. Nhưng thấy anh nhân viên vui vẻ cười chào, tôi bèn quẹo vô xem thử, chỗ để thức ăn cũng chỉ mấy món bánh mì, bơ, mứt trái cây, đồ uống có trà, cà phê và nước trái cây. Tôi đi rảo một vòng rồi dừng lại máy pha cà phê, bỏ tiền vô bấm lấy một tách cà phê đứng uống và móc túi lấy điện thoại, nhìn đồng hồ, mới hơn bốn giờ chiều, cũng còn sớm. Tôi uống cạn tách cà phê, để tách lên bàn rồi bước ra đường. 

Tôi đứng trước cửa khách sạn, mở điện thoại bấm xem bản đồ, thấy một con đường chỉ đi thẳng tới trung tâm gần hơn con đường dọc bờ sông. Tôi lưỡng lự một chút rồi quyết định men theo con đường dọc bờ sông, tuy đường hơi xa nhưng tôi thích cảnh bờ sông vì sông lúc nào cũng đẹp và ít ồn ào hơn trên đường phố, nhứt là những dòng sông nằm dưới chân núi. 

Tôi có thói quen hễ mỗi lần tới một địa danh nào, thời gian rảnh tôi dành hết cho ngoài đường, đối với tôi thời gian lang thang ngoài trời là bác sĩ chữa lành mọi bịnh tật, hơn nữa đi bộ giữa thế giới tự do và không gian mở rộng cũng là bậc thầy tuyệt vời nhất về tinh thần, nó cho ta có thời gian để suy ngẫm về cuộc sống, sắp xếp lại nội tâm cho hoà hợp với cảnh đẹp hào phóng của thiên nhiên. Ở trên tàu tụi nhỏ không hiểu được ý nghĩ của tôi, chúng cho tôi là ông già hà tiện. Nhiều lần mấy đứa ngồi trong tắc xi, thấy tôi đi bộ bên đường, chúng kêu tắc xi dừng lại rồi hai đứa nhào xuống xốc nách rinh tôi nhét vô xe, muốn cho tôi đi tắc xi mà giống như cảnh sát bắt tội phạm vậy. Phần đông người trẻ ngày nay xem chuyện đi bộ là một cực hình, chúng làm việc với màn ảnh vi tính, chuyện gì cũng muốn cho mau xong. Còn đi thì như chạy và ngại con đường, đoạn đường đi bộ chừng mười lăm, hai mươi phút đối với chúng cũng đã dài lắm rồi, phải gọi tắc xi mới được. 

Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2019

Nguyễn Lê Hồng Hưng: Miền Kinh Rạch

Giethoorn, hình Internet

Nhân dịp gia đình người em từ Úc sang thăm tôi và đứa em kế, sau hơn hai mươi năm ba anh em mới gặp, phải tính chuyện đi chơi coi sao cho được. Tôi là anh lớn và tất cả qua ở nhà tôi, nên tôi phải chọn một nơi thắng cảnh đẹp của Hoà Lan để mọi người cùng thưởng ngoạn. Tôi hỏi ý kiến bà xã và con gái, bà xã tôi thích bông nên chọn đi vườn bông, con gái thì thích những thắng cảnh thành phố nên chọn Amsterdam, Den Haag hoặc Rotterdam, hai người nói qua nói lại cả buổi nhưng chưa chọn được chỗ nào. Bà xã tôi bèn day qua hỏi tôi:

– Anh đi nhiều chắc anh biết chỗ nào đẹp? 

Tính ra cả đời tôi thường xê dịch đó đây, mang tiếng là dân Hoà Lan nhưng thường thì tôi sống ngoài Hoà Lan nhiều hơn, nên sự hiểu biết về đất nước con người ở xứ hoa tulip của tôi có phần giới hạn. Tôi cười và nói: 

– Ở Hoà Lan anh biết ít lắm. 

– Anh thường tìm hiểu chuyện du lịch mà, bộ ở Hoà Lan anh hổng có ấn tượng chỗ nào sao? 

Nghe hỏi tôi chợt nhớ ra và buông lời không do dự: 

– Theo anh thì ở Hoà Lan, Giethoorn là ấn tượng. 

Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2019

Nguyễn Lê Hồng Hưng: Xứ Đen Và Phượng Đỏ

Hình minh hoạ, ML

Chiều đi trên đoạn đường hướng về phố núi, dưới triền đồi của hải đảo Tenerife. Ngoài kia là biển và bên trong là khu phố với những dãy chung cư cao tầng và những ngôi nhà thâm thấp, màu trăng trắng, từ xa nhìn vào thấy khu phố như nằm dựa vô ba bên vách núi và mặt ngoài hướng ra biển. Tôi cắm cúi đi tới dưới tàn của một hàng cây mà tôi hổng hay, chợt thấy bông gì rụng đỏ trên đường. Ngước mặt ngó lên, thấy chen trong tàn lá lốm đốm một vài màu đỏ. Tôi dừng chân và bước thụt lùi ra khỏi hàng cây để ngước mặt lên nhìn cho rõ. Trên nền trời màn mây trắng mỏng che kéo ngang làm màu xanh của nền trời nhợt nhạt. Trong ánh sáng nhẹ nhàng của buổi chiều, trên những tàn lá xanh xanh, vàng vàng hực lên một màu đỏ lói. Lòng xôn xao, xúc động, tôi hô: 

– Oh, flamboyant! 

Quê hương tôi là một thị trấn ven biển, thuộc tỉnh Cà Mau ở cuối miền nước Việt, nơi đó chỉ có rừng mắm, rừng đước và cây cối tạp nhạp. Ngoài bông lục bình, bông súng, bông bí, bông điên điển và bông so đũa... những loại bông dân dã ấy đã đi vào thơ ca và màu sắc cũng rất đẹp, nhưng đặc biệt là ca dao, hò hát về một loại bông thường kèm theo một món ăn ngon hơn là để ngắm, nhìn cho sướng mắt. 

Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2019

Nguyễn Lê Hồng Hưng: Vẫn Chuyện Trên Tàu

Mấy năm qua tôi đi đi lại lại trên vùng Baltic và biển Bắc châu Âu, đã quen khí hậu nơi đó:mùa xuân gió mát, nắng ấm vào mùa hè và những ngày đầu thu. Rồi tới cuối thu sang đông thì gió, mưa, tiếp theo là băng, tuyết lạnh buốt da. Tôi rất thích cảnh rừng thông ngút ngàn và quí trọng đất nước con người trên bán đảo Scandinavia. Tuy nhiên dù cho những người dân nơi đó hiền hoà, thân thiện và cảnh nơi đó có đẹp như tranh vẽ mà cứ lẩn quẩn hoài trong một vùng thì cũng thấy bình thường và nhàm chán. Cho nên khi nghe được đổi qua tàu khác, đi tuyến đường mới thì trong lòng tôi phấn khởi và vui tươi, cộng thêm háo hức. Dù sao đến một địa danh lạ, quang cảnh mới, con người khác vẫn thích thú hơn.

Từ hải cảng Rotterdam - Hoà Lan qua hải cảng Villagarcia - Tây Ban Nha mất hơn hai ngày hải hành. Suốt chuyến qua Tây Ban Nha tôi không tắt điện thoại, hễ nghe tín hiệu, dù đương ngủ tôi cũng thức dậy xem để biết tàu chạy ngang một hải phận hay một địa danh nào. Khi tàu vô eo biển Manche, tôi thích thú ra boong đứng nhìn. Ban ngày thì lúc thấy bên này bờ là nước Anh, khi thấy bên kia bờ là nước Pháp. Ban đêm rất nhiều đèn của tàu buôn xuôi ngược và hợp cùng ánh sáng của những thành phố trên đất liền hiện ra từng chòm. Những chòm đèn gần thì ánh sáng toả nhiều màu sắc, xa thì nhấp nhá như đom đóm, xa hơn nữa thì ánh sáng hừng toả phía chơn trời. Tàu hải hành ra khơi, bốn phương là biển, nhưng ngồi trong phòng, không cần xem nhiệt kế, cũng cảm nhận được thời tiết thay đổi qua mỗi vĩ tuyến và nghe lòng háo hức lạ thường khi trông thấy một bán đảo hay một con voi xa mờ lấp thấp trên mặt nước. Nhứt là lúc chiều lên, khi mặt trời sắp lặn, nhìn được mặt trời tròn như cái mâm nung đỏ sắp chìm xuống viền nước phía trời Tây, lúc này mới thấy được thời gian trôi qua chầm chậm, tuy thấy chậm nhưng lơ là day qua, day lại thì nguyên cái mâm đỏ biến mất tiêu. Giữa đại dương minh mông, bốn phương trời nước, sắc màu của không gian cũng dần thay đổi từ màu hồng sang màu xám, chẳng bao lâu bóng đêm tràn ngập và vài vì sao trên bầu trời hiện lên nhấp nhá. 

Ông thuyền trưởng lái tàu từ hải cảng Rotterdam qua hải cảng Villagarcia xong ông trở về Hoà Lan. Hôm qua bà thuyền trưởng vừa đổi xuống thì cũng vừa lúc tàu khởi hành. Tới giờ ăn chiều bà xuống bắt tay tôi và khoe vừa đi tour Việt Nam mới về. Tôi hỏi bà đi từ đâu tới đâu. Bà nói, bà xuống phi trường Hà Nội nhưng trước tiên bà tham quan vịnh Hạ Long, Mai Châu rồi lần vô Hội An, Huế, Mũi Né, Hồ Chí Minh City, Cần Thơ xong ra Phú Quốc. Bà khen nước Việt Nam đẹp, người Việt Nam dễ thương, nhứt là xuống bến Ninh Kiều đi đò trên sông Cần Thơ và xem chợ nổi Cái Răng, bà rất thích sông nước và con người ở đây, ai gặp bà cũng vui vẻ cười chào. Những địa danh nổi tiếng tôi nghe đã quen, chỉ có Mai Châu thì tôi chưa nghe tới, tôi sợ bà nói lộn nên hỏi lại: 

– Lai Châu hay Mai Châu? 

Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2019

Nguyễn Lê Hồng Hưng: Ai xót thương ai

Hình minh hoạ, HELENE VALENZUELA/AFP/Getty Images

Tôi đứng bên bờ sông Conggo khi trời chiều sắp tắt. Mây đen phủ kín chưn trời và gió nhẹ phơ qua mát mặt. Dòng sông êm ả, nước lững lờ chảy mang theo đám cỏ dại, rác rến bềnh bồng trôi. Bên kia bờ nhiều con rạch xuyên sâu vào khu rừng thấp. Đoàn xuồng độc mộc của thợ rừng từ trong dòng rạch bơi ra sông lớn, nối đuôi nhau hướng về xóm nhỏ ven sông. Bỗng từ đâu lại vang lên tiếng ì ì ì... rền rền trên mặt nước và tiếp theo tiếng hú vút cao nghe như tiếng lệnh buổi trời chiều. 

– Sông nầy giống sông Cửu Long lắm phải không?

Nghe tiếng nói phía sau tôi day lại, thấy Jono đã tới đứng cạnh bên. Tôi lắc đầu mỉm cười cãi lại:

– Không đâu, sông Cửu Long sâu và nước chảy xiết sống động hơn đây nhiều, tuy có lắm nơi hoang dã nhưng không trầm buồn như dòng sông nầy. 

– Mầy làm thơ đó hả? 

– Tui nói thiệt mà. 

Jono không hỏi thêm và anh cũng không tiếp tục câu chuyện sông nước nữa mà câu vai tôi, anh nói như ra lịnh: 

– Ra phố chơi.

Tôi bước theo anh ra khỏi cửa rào bến cảng bất chợt trời đổ mưa, chúng tôi phải chạy lại trạm canh đứng đụt. Miệt trung Châu Phi gió không nhiều nhưng nắng thì như đổ lửa, còn mưa thì ào ào như trút nước nhưng không trận mưa nào kéo dài suốt ngày đêm. Trong lúc chờ mưa tạnh, Jono mời anh gác cổng điếu thuốc làm quen. Vừa phì phà khói thuốc vừa trò chuyện về cách sinh hoạt của thành phố Boma... Nói xong ba điều bốn chuyện thì trời mưa đã tạnh. Chúng tôi từ giã anh gác cổng bước ra ngoài thì phố đã lên đèn.


Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2019

Nguyễn Lê Hồng Hưng: Giao Thừa Xa Quê

Ðêm ba mươi mốt tháng Chạp dương lịch. Thành phố Hamburg ướt át và lạnh băng. Những tiệm bán sách báo và phim ảnh khiêu dâm dọc theo hai bên đường Reeperbahn coi mòi ế ẩm. Các cô gái ngồi trong buồng kín với thân hình trần trụi cho khách làng chơi bỏ tiền vô coi, những chị em bán dâm ngồi trong các nhà kiếng, hoặc tập trung trong một chung cư đã đóng cửa gần hết. Xe đường hầm mỗi đợt đổ khách xuống ào ạt, một lát sau người ta biến đi đâu mất. Trên đường phố thưa thớt bóng người. Những người nầy có lẽ cũng như anh, không có nơi đón Tết nên mới đi thất thơ giữa trời đông giá lạnh. 

Lúc phố xá bắt đầu hực hỡ nhiều màu sắc, cũng là lúc anh tà tà từ đầu phố đi đến cuối phố và từ cuối phố đi ngược lại. Mới hơn mười giờ mà anh đi tới, đi lui không biết bao nhiêu bận rồi. Nghe người thấm lạnh, bèn quẹo vô quán bia ôm quen thuộc. Tony đứng quày rót rượu, thấy anh vô nó vẫy tay chào: 
- Hi, tàu mầy mới ghé phải không? 
- Không, ghé hồi sáng. 
- Sao giờ nầy mầy mới lên? 
- Tao lên từ hồi chiều, nhưng tao đi rảo ngoài đường. 
- Ở ngoài giờ nầy đâu có khỉ gì, giao thừa mới vui. Mầy uống gì tao rót? 
- Cho tao cái cognac. 
Tony rót rượu đưa anh: 
- Ly nầy tao đãi mầy. 
- Cám ơn. 

Tony day ngang tiếp người khách mới vô. Tony người Phi Luật Tân, sở dĩ anh với Tony tâm đồng ý hợp vì hai đứa sống trên hai đất nước tài nguyên cạn kiệt do những tên ăn cắp và con người ở hai xứ sở ấy đều bết bát như nhau. Hai người cũng đồng ý với nhau rằng hai quốc gia Việt, Phi cứ tiếp tục như vầy hoài, thì phải chờ tạo thiên lập địa một lần nữa may ra mới ngóc đầu lên nổi. Ðúng ra anh leo lên chiếc ghế trước quày ngồi chờ Tony rảnh rang trò chuyện. Nhưng đêm nay anh không thích nói về hai xứ sở chằn ăn trăn quấn đó nữa. Anh bưng ly rượu lại ngồi bên chiếc bàn trống. Trên bàn có cuốn sách khiêu dâm của ai đó bỏ quên, vậy khỏi tốn gói đậu phộng làm mồi, anh móc thuốc châm, hít một hơi dài, phà ra ngụm khói lớn góp phần vào khối hôi hám đầy đặc trong không khí. Anh tiếp tục lật quyển sách vừa xem hình vừa nhâm nhi congac. 

Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2018

Nguyễn Lê Hồng Hưng: Cuối Năm Trên Biển Bắc

HÌnh minh hoạ, Internet

Người xưa có nói: "Miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng lộn gan lên đầu.". Trước kia tôi cũng nghĩ vậy, nên có thành kiến với những người hay có tánh xấu trong bữa ăn hoặc mỗi khi ăn hay đòi thêm này thêm nọ. Nhứt là những năm sau này, thủy thủ đến từ nhiều nước, có khi trên tàu chỉ có hơn chục người mà tới năm, sáu quốc tịch khác nhau. Đi chung chuyến tàu của Hoà Lan, dĩ nhiên phải ăn uống theo thực đơn của Hoà Lan. Theo luật trên tàu thì đầu bếp nấu món nào thì thủy thủ đoàn phải ăn món đó, hổng được ọ ẹ phàn nàn, nhưng nếu đầu bếp không sáng tạo và chỉ nấu hoài một loại thức ăn thì sẽ làm nhiều người ăn hổng được, thức ăn dư ra đổ bỏ uổng lắm. Nghĩ vậy nên tôi tìm học vài món ngon tiêu biểu của những vùng, miền nào mà nhiều người biết tiếng. Ban đầu tôi sợ lãng phí thức ăn nên cố công học hỏi những thực đơn cho nhiều người ăn được, cũng nhờ vậy tôi khám phá ra, ngoài chuyện ăn ngon miệng, món ăn có thể gây phiền phức cho người ham ăn, nhưng cũng có thể hoá giải được những xích mích và làm cho người với người gần gũi nhau hơn. 

Không biết tôi có thói quen từ hồi nào, cứ mỗi năm vào tháng Mười Hai dương lịch là tôi thích nấu những món ăn đặc biệt của vùng miền nào mà tàu chúng tôi đang đi ngang. Tôi chọn món ăn sao cho hợp với thời tiết và khẩu vị của nhiều người. Hôm nay là trung tuần tháng Mười Hai, tàu tôi hiện hải hành vùng Bắc Đại Tây Dương, mùa này nơi đây trời lạnh lắm, nên tôi chọn nấu món súp khá thịnh hành của vùng Baltic. Tôi đang đứng xắt rau, củ để ra dĩa, chợt nghe sau lưng có tiếng hô với giọng vui mừng: 

– Oh, borsch!

Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2018

Nguyễn Lê Hồng Hưng: Không! Không!... Cái Đó Hổng Phải Của Tui

Hình minh hoạ, Getty Images
Hơn tuần qua chiều nào tôi cũng lên hội quán, ngồi trước chiếc bàn trong góc phòng, day mặt vô vách, lướt mạng, chỗ đó yên tĩnh và không ai chú ý. Chiều nay có một thủy thủ chiếm góc đó rồi, giống y chang tôi mấy hôm trước, anh ta ngồi day lưng ra ngoài, mặt chăm chú vào màn ảnh của laptop. 

Cuối tuần, hội quán đông người. Thủy thủ đến từ khắp nơi, kẻ đánh bi da, người chơi bóng bàn, người tụ tập nhậu nhẹt. Tôi loay hoay chưa biết ngồi chỗ nào cho tiện, chợt từ phía sau lưng có bàn tay để nhẹ lên vai và kèm theo tiếng chào: 

– Chào chú! 

Tôi day lại, vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ ôm chầm người bạn trẻ: 

– Hi, Ahmad, khoẻ không?

– Dạ, con khoẻ, cám ơn chú. 

– Tàu con cũng ở đây hả? 

– Không, tàu con đậu ngoài Europort. 

– Vậy con vô đây bằng xe gì? 

– Xe điện. Nghe nói chiếc Confort còn đậu lại cả tuần nữa và biết chú chiều nay lên đây con mới vô thăm chú. 

– Oh! Sao con biết chú lên đây? 

Ahmad đưa điện thoại cầm tay ra trước mặt, nói:

– Riko nhắn cho con. 

– Hèn chi cả ngày nay Riko nhắc đi nhắc lại hoài, kêu chú phải lên hội quán. 

Ahmad chỉ tay xuống chiếc bàn trước mặt nói:

– Chú ngồi đi, con mua rượu. 

Tôi để laptop lên bàn và ngồi xuống. Ahmad theo đạo Hồi, dân In Đô phần đông theo đạo Hồi. Nhớ lại thời gian đầu nó theo tôi tập sự làm bếp, nó giữ giới luật rất kỹ, không uống bia, rượu và thấy thịt heo nó ghê sợ như thấy đồ dơ. Mỗi lần kêu nó xắt thịt heo thì nó lấy bao tay mang vô rồi miễn cưỡng xắt ra miếng thịt bầy nhầy trông thấy hết muốn ăn. 

Chủ Nhật, 8 tháng 10, 2017

Nguyễn Lê Hồng Hưng: Trên Bờ Dưới Biển


Năm nay mùa đông tới sớm và thời tiết lạnh hơn mọi năm, mới tháng một mà dọc theo bờ biển phía Bắc nước Nga băng dầy lên gần cả thước. Những tàu buôn ra, vào hải cảng phải chờ đủ một đoàn rồi nhờ hạm phá băng chạy trước dẫn đường. 
Chiếc Elisabeth rời cảng St.Petersburg hồi khuya, bây giờ đã ra tới lằn nước xanh và hướng về kinh đào Kill để vào hải cảng Hamburg. 
Sau bữa ăn trưa thủy thủ đã rút hết vô phòng, ngoài boong vắng ngắt. Công việc buổi sáng của đầu đếp coi như đã xong. Tôi lên phòng tắm rửa và chuẩn bị nghỉ trưa. Tôi có thói quen mỗi khi lên giường nằm thì phải đọc cái gì đó. Lay quay tìm trong chồng sách báo nhưng toàn những cái đã đọc hết rồi. Mới nhớ hôm ở St. Petersburg tôi có lên internetcafe tải mấy bài trên mạng, còn giữ trong mp3  chưa in ra giấy. Tôi tháo giây đeo lấy chiếc máy nhỏ ra, bỏ máy vô túi rồi đi lên phòng lái. 
Jannet ngồi trên ghế lái bên trái, Viktor đứng cạnh bên ghế tay phải, thấy tôi lên hai đứa chào một lượt. Viktor vẫn chăm chú ngó về phía trước, tay cầm chặt cần lái điều khiển con tàu. Tôi nhìn xuống boong tàu và đảo mắt ngó mông lung ra vùng biển trước, những cơn giông giật kèm theo sương tuyết lướt qua, dán lại đông đặc một lớp mỏng trắng trên nóc những containers, không gian mù mờ, mặt biển mơ màng như chứa chan một nỗi buồn lạnh lẽo. 

Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2017

Nguyễn Lê Hồng Hưng: Con Chim Bay Lạc


Tiếng động bên ngoài cửa sổ làm tôi giựt mình thức giấc. Hồi chiều làm việc mệt quá, tắm xong lên giường đánh một giấc thẳng cẳng, lúc ngủ tôi quên kéo màn cửa và quên tắt đèn nên khi mở mắt ra thấy ánh sáng tràn ngập căn phòng. Tuy mắt nhắm mắt mở nhưng tôi cũng thấy bóng của con chim đập cánh phành phạch bên ngoài khung kiếng. Tốc mền ngồi dậy, tôi bước xuống giường, đi nhanh ra ngoài. Không kịp bận đồ ấm nên vừa mở cửa bước ra boong, khí lạnh tạt vào người làm nổi da gà, gồng mình chịu lạnh, tôi bước nhanh ra phía ngoài cửa sổ để cứu mạng con chim. Tới nơi tôi thấy con chim vẫn còn vẫy cánh phành phạch như muốn tông bể cửa kiếng để chui vào trong, tôi bèn đưa hai bàn tay hốt lấy con chim. Khi tôi day trở lại, vô ý vấp phải cái nắp hầm té nhào. Vẫn cầm chặt con chim trong hai lòng bàn tay, tôi chống cùi chỏ, lồm cồm đứng dậy và đi nhanh trở vô trong phòng.

Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2016

Nguyễn Lê Hồng Hưng: Đêm Cuối Mùa Thu


Hôm nay mặt trời tỏa sáng yếu ớt được một lát rồi trốn đâu mất. Những đám mây xám đã trở thành màu đen đậm che phủ cả bầu trời. Mưa rơi không nhiều nhưng thẳng giọt, những giọt mưa bắn xuống lòng đường rào rạt và làm rãnh nước bên đường nổi bọt. Những chiếc lá màu vàng lưa thưa còn vướng lại trên cành cũng sắp sửa về với cội nguồn. Trời sắp vào đông rồi, tôi với Iwan đạp xe tới khu mua sắm vùng Marghera thuộc thành phố Venezia. Vừa tới nơi Iwan liền đi thẳng vô tiệm bán đồ thể thao mua lưỡi câu. Nó nói:
– Chú chờ tui một lát, mua xong tui ra liền.
Tôi nói:
– Mầy thong thả lựa đồ mua, mình có nhiều thời gian mà, tao đi dạo quanh đây, khi nào mua xong mày gọi điện cho tao.
– Okay, lát gặp.
Tôi đi băng ngang khoảng sân rộng hướng qua trung tâm chợ Panorama. Giữa sân trống, đèn bóng nhỏ giăng từ những trụ cột thấp lên chót cột cao, theo mái nhà viền óng ánh bàng bạc biểu tượng của ngày Chúa ra đời. Giữa tháng Mười Hai, trời lành lạnh, mưa lai rai, không khí Giáng Sinh tràn ngập, không gian hiền từ như chuyển tải tình thương về từ cõi xa xăm.

Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2016

Nguyễn Lê Hồng Hưng - Anh cũng sẽ về


Tuấn và Thanh đứng bên một ngọn đồi thấp, nơi đây hai người ngắm được bãi cát dài và biển của Nha Trang. Xa xa hòn đảo chập chùng và những ghe đánh cá thấp thoáng giữa trời nước mênh mông. Gió biển lồng lộng mang theo không khí trong lành, mát rượi. Hằng thế kỷ qua nơi nầy đã làm rung động biết bao tâm hồn nghệ sĩ và được người dân ưu ái tặng cho cái tên rất là thơ — Miền Thùy Dương Cát Trắng.
Tuấn nói:
— Cát Nha Trang trắng quá, nước biển trong và xanh hơn vùng Địa Trung Hải.
Thanh hỏi Tuấn:
— Anh có muốn về đây sống luôn không?
Tuấn trả lời:
— Nơi nào đất lành thì chim sẽ đậu. Em biết không, những năm lưu lạc xứ người anh không nghĩ rằng mình có thể trụ lại bất cứ nơi nào, nếu không có chị em và mấy cháu ở Châu Âu thì anh cũng không về đó làm gì.

Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2015

Nguyễn Lê Hồng Hưng - Thủ Đô Helsinki


Hồi nhỏ tôi đọc tùy bút của nhà văn Nguyễn Tuân, ông viết về phở rất tuyệt và tôi biết ăn phở từ sau khi đọc xong tùy bút của ông. Tuy nhiên tôi thích thú cảnh ông tả về Hen-xanh-ky, tức là Helsinki, thủ đô nước Phần Lan. Đoạn đầu ông viết : “Xứ Phần Lan rừng thông trùng trùng xanh ngắt, nước hồ biếc biếc, phụ nữ da trắng một màu tượng tuyết, gái trai quần áo len ngũ sắc người nào cũng như nai nịt sắp biểu diễn điền kinh. Mình thành ra lạc lõng vào một thế giới vật chất nó sạch sẽ quá, sạch đến cái mức tạo cho tôi một thứ nghi ngờ nơi đây là một ấn tượng giả tạo...”

Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2015

Nguyễn Lê Hồng Hưng - Vượt Đại Tây Dương


Bilbao

Sáng sớm vừa vẹt màn cửa sổ ra liền ập vào mắt tôi một quang cảnh tuyệt vời, ngoài khung cửa kiến, những con tàu đậu bên kè đá còn lờ mờ trong ánh sáng mai và chơn trời Đông nhuộm màu than cháy. Tôi vội quay ngang lấy chiếc điện thoại thông minh trên bàn, bấm phần camera, mở cửa đi nhanh ra sau lái, đưa máy nhắm về chơn trời Đông hực màu ráng đỏ và bấm một cái. Chụp xong tôi mới phát hiện chim nhàn bay rợp không gian và đậu trắng trên bến cảng, tiếng kêu chót chét om xòm trời đất nghe không hay ho gì hết, trong thơ ca gọi chim nhàn là Hải Âu và tả về sắc trắng duyên dáng của loài chim gắn liền với biển trời nhưng không tả về tiếng kêu, có lẽ tiếng kêu của loài Hải Âu quá tệ nên trong thơ ca không nhắc tới. Tôi đưa máy lên chụp bầy chim lớp bay lớp đậu giữa lúc trời còn tranh tối tranh sáng, chim nhàn tụ về đất liền đông đảo, tức là báo hiệu ngoài khơi có gió to sóng lớn. Trời vừa sáng trắng thì mây đen lại kéo về chuẩn bị cho cơn mưa, thời tiết thay đổi thất thường làm tôi tưởng nhớ tới quê hương, lạ thật, lâu lắm rồi tôi mới có cảm giác nhớ quê. Quê hương tôi hướng mặt ra biển, thường vào những buổi chiều đẹp, phía trời Tây nhuộm đỏ một màu, đây là lần đầu tiên trong đời tôi thấy ráng đỏ lúc bình minh và trời chuyển cơn mưa sáng gợi cho tôi nhớ lại đầu mùa gió nam và cũng là mùa tôm bạc rại.  Nỗi nhớ nhung chỉ thoáng qua tâm trí nhưng lòng tôi xôn xao và lưu luyến buổi sáng tuyệt vời.

Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

Nguyễn Lê Hồng Hưng - Mùa Hè Trắng


Lịch trình chiếc Fenja khởi đầu từ cảng Hamburg qua Stockholm và St Petersburg. Trên tuyến đường có thể nghé vài hải cảng không nhứt định trong vùng Scandinavia. Tất cả tàu buôn lớn nhỏ cho tới những chiếc ghe buồm tí teo của khách du lịch, từ biển Nam, Bắc Đại Tây Dương  muốn thu ngắn đường vào biển Baltic và Scandinavia thì phải qua ngang con kinh Kiel miền bắc nước Đức. Sáng hôm ấy chiếc Fenja qua khỏi kinh Kiel, trong sương mù ban sáng xuất hiện hàng ngàn cánh buồm trắng dọc ven bờ. Tôi lên phòng lái hỏi thuyền trưởng: 
– Ghe buồm đâu mà nhiều quá?