Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Khắc Giang. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Khắc Giang. Hiển thị tất cả bài đăng
Thứ Năm, 14 tháng 1, 2021
BBC tiếng Việt phỏng vấn ông Nguyễn Khắc Giang: Nhận định quanh phương án ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục làm Tổng Bí thư
Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam dự kiến sẽ khai mạc cuối tuần này.
Đây là Hội nghị cuối cùng của nhiệm kỳ khoá XII trước khi Đại hội Đảng 13 khai mạc ngày 25/1.
Tại Hội nghị, Trung ương sẽ quyết định "trường hợp đặc biệt" và nhân sự chủ chốt khoá mới.
Vào lúc này, đang có những đồn đoán liệu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có gây "bất ngờ" khi ở lại tiếp tục lãnh đạo Đảng.
Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại ĐH Victoria ở Wellington, New Zealand, là người theo dõi các diễn biến chính trị Việt Nam.
Trả lời BBC News Tiếng Việt, ông Khắc Giang chia sẻ đánh giá cá nhân về các khả năng sắp xếp nhân sự của Đảng cho Đại hội 13.
Nguyễn Khắc Giang: Nếu ông Trọng tiếp tục giữ chức vụ Tổng bí thư, thì đó là một điều bất thường, bởi từ sau khi kết thúc chiến tranh, điều lệ Đảng quy định cá nhân không được giữ chức vụ này quá 2 lần.
Lần gần nhất Đại hội có hiện tượng "bất thường" như thế là vào Đại hội 7 (1996), khi BCHTW không thể thống nhất vị trí lãnh đạo, và phải hơn 1 năm sau mới bầu ông Lê Khả Phiêu giữ chức Tổng bí thư ở một kỳ hội nghị trung ương. Nếu ông Trọng tiếp tục nắm quyền, điều đó có nghĩa Bộ Chính trị nói riêng và BCHTW nói chung chưa thống nhất - hay chưa tin tưởng - đội ngũ lãnh đạo kế cận để chuyển giao như đã xảy ra ở ĐH7.
Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2018
Nguyễn Khắc Giang: Chủ nghĩa thân hữu và doanh nghiệp sân sau
(TBKTSG) - Theo báo chí, Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa gửi đến từng vị đại biểu Quốc hội bản tập hợp trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14. Trong đó, trả lời cử tri Bà Rịa - Vũng Tàu, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị làm rõ về những biểu hiện “sân sau”, “lợi ích nhóm”... trong các vụ án tham nhũng mà cử tri nêu.
Thủ tướng: “Phải thu hồi Cảng Quy Nhơn, Hãng phim truyện Việt Nam”
Vấn đề này cũng được cử tri Đà Nẵng đặt ra với Ban Công tác đại biểu của Quốc hội, theo đó đề nghị Quốc hội nghiên cứu tiến hành giám sát và công bố rõ cho nhân dân biết có bao nhiêu cán bộ, công chức, kể cả đại biểu dân cử, có công ty sân sau làm kinh tế, có lợi ích nhóm, “chống lưng” cho các doanh nghiệp vi phạm pháp luật...
Nhìn chung, người dân quan tâm, đặt câu hỏi liên quan đến mối quan hệ không minh bạch giữa những cá nhân giữ chức vụ cao của chính quyền và các công ty thân hữu, gồm cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân.
Vấn đề “sân sau” không phải là mới ở nước ta. Dưới thời bao cấp, những ai thân tín với quản lý cửa hàng mậu dịch sẽ dễ tiếp cận với các loại hàng hóa vốn rất khan hiếm. Mẹ tôi - người từng làm việc trong một tổ xay xát gạo thời đó - luôn biết cách cân gạo lúc nào để người thân được nhiều hơn một chút. Câu nói “nhất quan hệ, nhì tiền tệ” có lẽ xuất phát từ giai đoạn này. Bước sang thời kỳ đổi mới, khi các mối quan hệ kinh tế trở nên phức tạp hơn, nguy cơ tham nhũng chính sách từ “thân hữu” trở thành một vấn đề nghiêm trọng.
Thứ Năm, 15 tháng 11, 2018
Nguyễn Khắc Giang: Người tài nước ngoài
Cách đây gần chục năm, tôi từng làm cho một cơ quan xuất bản bằng tiếng Anh. Với đặc thù đó, chúng tôi cần những biên tập viên bản ngữ, người vừa phải biết về chuyên môn lại vừa có đủ năng lực ngôn ngữ.
Tìm những người như vậy ở Việt Nam đã khó, việc đăng ký cho họ làm việc lại còn khó hơn, với nhiều thủ tục xin giấy phép chồng lấn qua các "cửa" khác nhau. Cực chẳng đã, cơ quan tôi lựa chọn lách luật bằng cách ký hợp đồng dưới ba tháng; hoặc trong một số trường hợp, cho phép người nước ngoài "làm chui" - nhận thù lao mà không có hợp đồng chính thức. Với những tổ chức, doanh nghiệp vừa và nhỏ - đặc biệt hoạt động trong lĩnh vực giáo dục - thuê người nước ngoài "dạy chui" như vậy là cách làm phổ biến những năm qua.
Chính sách xin giấy phép lao động của Việt Nam với người nước ngoài đã được tinh giản nhiều từ năm 2016, nhưng sự phức tạp thì chưa hết. Nhiều người nước ngoài ở Việt Nam, khi chưa xin được giấy phép, hoặc thậm chí không bao giờ xin được, hay kháo nhau về một thủ thuật gọi là "visa run" - chạy thị thực. Sau mỗi ba tháng, họ sẽ phải ra khỏi Việt Nam, đi du lịch ở đâu đó, và quay trở lại, chỉ để đóng dấu visa mới. Việc đóng dấu kèm theo một số tiền phải nộp cho hải quan, họ gọi là "mua visa".
Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014
Nguyễn Khắc Giang - Cái chết của loa phường
Nguyễn Khắc Giang -
Hoàng đế rời ngôi
Thế hệ trẻ con tầm 15 năm trước đây thức dậy cùng với tiếng nhạc giải phóng Điện Biên lúc 5h sáng. Thời ấy không nghĩ ngợi gì nhiều về loa phường, cứ coi nó là một thứ hiển nhiên như ông mặt trời mọc ở đằng đông. Khi nào “Bộ đội ta tiến công trở về…” thì dậy tập thể dục, đến lúc điểm tin làng xã thì liệu liệu mà cắp đít đi học. Tầm 4h30-5h loa bắt đầu phát nhạc cách mạng là lục đục đi về. Người dân sống trong một cái vòng tròn bình lặng trong đó thông tin được đưa đến đều đặn hai lần một ngày.
Giá mà chỉ có loa phường, VTV, và báo Nhân Dân thì bây giờ chúng ta đã tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội còn nhanh hơn người anh em Bắc Triều rồi. Nhưng một loại virus chết người lây lan từ bọn tư bản giãy chết cuối thế kỉ trước đã thay đổi tất cả. Em nó là internet.
Thông tin được tiếp cận dễ dàng và đa chiều trên mạng khiến cho nhu cầu nghe loa hầu như không còn ở các thành phố lớn.
Ở những khu phố ồn ào thì tất nhiên tiếng loa sẽ chẳng thu hút được đám đông nhốn nháo rồi. Còn ở những góc bình yên hơn, dân chúng thậm chí còn thấy khó chịu khi bị cưỡng bức âm thanh. Cái loa phường giờ đây như ông đồ thời chuyển giao, là tàn tích của thời quá vãng hơn là một biểu tượng của sức mạnh tuyên truyền. Nó đúng là công cụ một chiều: nói chẳng ai nghe.
Đó không chỉ là vấn đề của cái loa. Cả VTV và báo Nhân Dân cũng đang chịu chung một số phận. Độ phủ sóng vẫn cao, người xem vẫn đông, cơ mà tính hiệu quả tuyên truyền thì đi xuống rõ rệt. Với internet, người dân bắt đầu biết phản ứng với thông tin thay vì chấp nhận vô điều kiện.
Người ta chịu khó tìm các thông tin bên lề, đồn thổi hay chính thức, để mà ăn rau muống bàn chuyện chính trị. Người ta viết blog, share status để chia sẻ tin tức cho nhau. Người ta đang trong một cái mà ông Manuel Castells gọi là “mass-self communication,” tạm gọi là truyền thông đa quần chúng: cộng đồng tự kết nối, tạo ra, chia sẻ thông tin thay vì thông qua các kênh trung gian như báo chí trước đây.
Đó thực sự là một bước đại nhảy vọt. Kể từ thời thằng mõ cho đến anh tuyên huấn ở làng, tiếp nhận thông tin bao giờ cũng là từ trên xuống: quan phân phát và dân đen chỉ có việc nhận. Tình hình mới khiến cả hai bên bối rối: từ ông quan chỉ biết dẫn dắt đàn cừu ngoan ngoãn, cho đến đàn cừu xưa nay bị lùa đi thì bây giờ bỗng được ban cho quyền được phát biểu, được phê phán, được so sánh ông chăn cừu nhà mình với gã hàng xóm.
Tất nhiên cuộc nhảy vọt này chủ yếu là ở thành phố, còn đối với 70% dân số ở nông thôn thì cái loa vẫn là ái nữ. Thế nên nói trót dại, lỡ mà có chuyện gì như áo đỏ áo vàng ở bên Thái, thì lực lượng cách mạng bây giờ sẽ không phải là công-nông nữa, mà chính là dân thành thị. Điều đó là tất yếu: ai quản lý được thông tin thì sẽ quản lý được quần chúng. Không tin? Hãy nhìn sang thiên đường cách mạng của đồng chí Kim Jong-un thì biết.
N. K. G.
Nguồn: khacgiang.com
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)