Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Hoàng Văn. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Hoàng Văn. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 28 tháng 11, 2023

Nguyễn Hoàng Văn: Phi lịch sử và cực kỳ thời sự

“Còn đảng, còn công an”, rất có thể cái khẩu hiệu cực kỳ quái gở đối với những xã hội dân chủ và văn minh này đã lỗi thời, ngay lập tức, với vụ bắt giữ ông Lưu Bình Nhưỡng.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình đọc lệnh khởi tố, bắt tạm giam ông Lưu Bình Nhưỡng. (Ảnh do cơ quan công an cung cấp)

Biến cố chính trị này đã tạo ra một không khí lạnh tanh, đến rợn người, trái ngược với những tranh cãi nhốn nháo quanh cuốn phim Đất rừng phương Nam thế nhưng, nếu chịu khó để ý, chúng ta có thể nhận ra những mẫu số chung nào đó giữa hai sự việc, dẫu có phần mờ nhạt, mơ hồ.


Thứ Ba, 21 tháng 11, 2023

Nguyễn Hoàng Văn: Phải học Tú bà

C:\Users\THUAN\Downloads\Tú bà.jpg

Ghê thì ghê nhưng chớ vội khinh thường, đừng máy móc nghe theo những gì Nguyễn Du nói mà hãy nhìn kỹ những gì Tú bà làm: bà hoàn toàn xứng đáng để dạy bảo khối người, thậm chí cả một guồng máy nhân sự dày cộm bằng cấp và cao ngất năng lực “lý luận chính trị”.

Ngòi bút của Nguyễn Du khiến chúng ta tởm. Cây cọ của Tô Ngọc Vân, dù là diễn tả lúc “người” nhất, thư thái nhất -- “Vừa tuần nguyệt sáng, gương trong / Tú bà ghé lại thong dong dặn dò” – lại khiến chúng ta kinh. Tởm và kinh nên chẳng ai muốn dây nhưng thật sự là phải học bà.


Tác phẩm mới của Nguyễn Hoàng Văn: Đàn bà đẹp và chính quyền

Thể loại: Tiểu luận, Tùy bút.
Trình bày: Uyên Nguyên.
Lotus Media xuất bản 2023


Dân tộc chúng ta, có lẽ, không phải là một dân tộc mê sắc đẹp. Truyền thuyết, tín ngưỡng dân gian của chúng ta không có nữ thần sắc đẹp. Một nhân vật văn học gắn liền với tín ngưỡng dân gian lẽ ra phải đẹp như Quan Âm - Thị Kính thì, theo logic, cũng khó có thể gọi là đẹp bởi, đã giả được trai để đi tu thì, dù rất đẹp trai, làm sao có thể gọi là một cô gái đẹp? Lịch sử cũng vắng bóng người đẹp. Những người đẹp trong lịch sử như An Tư, Huyền Trân, Đặng Thị Huệ, Ngọc Hân v.v.. thì lại đẹp một cách sơ sài, chúng ta hoàn toàn không thể hình dung vì lẽ các sử gia xưa quá ư kiệm lời.


Thứ Ba, 7 tháng 11, 2023

Nguyễn Hoàng Văn: Nhạc Việt, “tứ thơ” và “tứ phòng trà”

Bị những kẻ mơ làm ca sĩ dai dẳng tra tấn trong cảnh sống chung chạ ở trại tỵ nạn nên tôi đã, như một hình thức phản vệ, tập cho mình thói quen thưởng thức bằng lỗ tai phân tích, chủ yếu trên khía cạnh ngôn từ. 

Không thể chặn ở bên ngoài lỗ tai, càng không thể để lọt vào tai này rồi tống hết ra ngoài qua lỗ tai kia, tôi chấp nhận sống chung bằng cách xem đó như là nguồn tư liệu cho cái trò chơi chữ nghĩa của mình và, dần dà, khám phá ra rằng, trừ một số đếm trên đầu ngón tay những nhạc sĩ tài hoa và thông tuệ mà tác phẩm ít được phổ biến lắm thì, đa phần, giới sáng tác trên lĩnh vực này hiếm khi có “tứ”. 


Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2023

Nguyễn Hoàng Văn: Đất hứa và đảo dữ: từ Địa Trung Hải đến Bắc Cực

Vùng đất hứa bên bờ Địa Trung Hải mà Thượng Đế ban cho Abraham, tổ phụ của người Do Thái, có trở thành đất dữ suốt hơn nửa thế kỷ qua cũng không ngoài sự va chạm giữa hai thế lực cực đoan.

Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2023

Nguyễn Hoàng Văn: Người Mỹ gấp hai và người Việt như không

Nếu những người Mỹ như Enrique Tarrio hay Vivek Ramaswamy gồng sức lên để, nói theo Đỗ Hữu Vị, khẳng định mình như một thứ công dân đang gánh vác gấp hai thì, ngược lại, cũng có những Việt mà nhẹ tênh, lợt lạt như thể là thứ Việt một nửa, Việt một phần năm, Việt một phần mười và, thậm chí, là “vô Việt”, “bất Việt”.


Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2023

Nguyễn Hoàng Văn: Đế quốc cao bồi

LTG: Cộng sản Việt Nam đã trở thành đồng minh của Mỹ và dấu mốc này gợi nhắc đến tuyên bố của nguyên Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger: “Làm kẻ thù của Mỹ thì nguy hiểm nhưng làm bạn với Mỹ thì coi chừng tiêu đời”. 

Tương tự, bà Benazir Bhutto, Thủ tướng Pakistan từ năm 1993 đến 1996, từng than thở trong cuộc phỏng vấn trên tờ The Far Eastern Economic Review vào giữa thập niên 1990 “Làm kẻ thù của Mỹ lắm khi còn dễ chịu hơn là làm đồng minh”. * 


Thực tế này đã thể hiện ngay trong lịch sử của chính chúng ta. Để ký kết Hiệp định Paris 1973 nhằm dọn đường cho Richard Nixon tái đắc cử, Kissinger dễ chịu chừng nào với kẻ thù Bắc Việt thì lại khó khăn bấy nhiêu với đồng minh VNCH.


Thứ Ba, 12 tháng 9, 2023

Nguyễn Hoàng Văn: Đếm cuộc đời bằng những mùa keo

Rừng keo. Ảnh: NNVN.


“Đếm cuộc đời bằng những mùa keo”, đó là một trong những điều tôi học được trong chuyến về quê vừa rồi, như là hệ lụy của cuộc phản-cách-mạng-xanh sẽ khiến chúng ta tiếp tục tụt hậu, y như Trung Quốc từng bị thế vào cuối thế kỷ 18, vì củ khoai lang.


Thứ Sáu, 8 tháng 9, 2023

Nguyễn Hoàng Văn: Thủy Tinh lái đủ thứ và cái bánh bao Lỗ Tấn

Sự thật phơi bày ngày mỗi rõ ràng thế nhưng, đến bây giờ, vẫn còn khá nhiều người Mỹ thèm thuồng cái bánh bao Lỗ Tấn mà ông Thủy Tinh của họ vẽ ra, thứ bánh bao MAGA, Make America Great Again.

Dĩ nhiên, Lỗ Tấn không phải là ông thợ bánh hay lái bánh. Chỉ là nhà văn này, đâu đó, từng bàn về bệnh hoài cổ của người đời theo đó thì cái bánh bao thời trước bao giờ cũng to hơn và những kẻ hò hét MAGA cũng mang thứ tâm bệnh tương tự. Nước Mỹ bây giờ tệ quá, phải đưa nó trở lại vĩ đại như xưa nhưng, cụ thể, xưa đến bao nhiêu, đến đời tổng thống nào, Dân Chủ hay Cộng Hòa, và với chính sách nào thì, chắc chắn, cả thầy lẫn tớ, chẳng ai giải đáp được.


Thứ Sáu, 1 tháng 9, 2023

Nguyễn Hoàng Văn: Mặt xanh, mặt đỏ

Đâu cuối thập niên 1990 ở Melbourne, đến dự buổi thuyết trình của hai diễn giả Vũ Thư Hiên và Nguyễn Gia Kiểng, tôi chứng kiến mấy khuôn mặt đang đỏ gay, đằng đằng sát khí bỗng nghệch ra, xanh mét!

Mà trước đó mấy ngày, trong một tiệm phở tại Footscray, tôi đã mơ hồ hình dung ra thứ “sát khí” màu xanh tai tái ấy rồi. Cạnh bàn tôi là ba ông đứng tuổi, vừa húp phở sồn sột, vừa ầm ĩ hẹn nhau đi “nói chuyện phải quấy với hai thằng nằm vùng” mà, ở đời, từ việc lớn đến việc nhỏ thì, nếu sợ hay nể, chúng ta chỉ nể hay sợ những kẻ thâm trầm và kiệm lời, chẳng ai ngán mấy thứ chính trị gia chuyên phun nước bọt nơi quán sá loại này.


Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2023

Nguyễn Hoàng Văn: Bệnh nhược tiểu, thói hủ nho và thủ dâm chính trị

Lời lẽ gây hấn trên, tôi xin nói ngay, là của Nguyễn Huy Thiệp, người từng làm sôi động đời sống văn học tẻ nhạt của Việt Nam một thời. Trong truyện ngắn “Vàng Lửa”, tung ra vào giữa thập niên 1980, nhà văn này viết:

“Đặc điểm lớn nhất của xứ sở này là nhược tiểu. Đây là một cô gái đồng trinh bị nền văn minh Trung Hoa cưỡng hiếp. Cô gái ấy vừa thích thú, vừa nhục nhã, vừa căm thù nó. Vua Gia Long hiểu điều ấy và đấy là nỗi cay đắng lớn nhất mà ông cùng cộng đồng phải chịu đựng. Nguyễn Du thì khác, ông không hiểu điều ấy. Nguyễn Du là con của cô gái đồng trinh kia, dòng máu chứa đầy điển tích của tên đàn ông khốn nạn đã cưỡng hiếp mẹ mình.”

Rồi, sau đó:

“Vấn đề ở chỗ phải đứng lên vươn mình thành một cường quốc. Làm điều đó, phải có gan chịu đụng sự va xiết trong quan hệ với cộng đông nhân loại. Thói hủ nho và thủ dâm chính trị sẽ không bao giờ tạo được những quan hệ trong sáng, lành mạnh. Sẽ đến lúc nền chính trị thế giới giống như món nộm suồng sã, khái niệm thanh khiết ở đấy vô nghĩa.”


Thứ Sáu, 18 tháng 8, 2023

Nguyễn Hoàng Văn: Triết học về rác

Giữa những tranh cãi ồn ào về mức độ “dấn thân” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường những ngày Huế “nổi dậy” thì ở một vùng quê tại Bến Tre, miền đất đã chết tên “đồng khởi”, người dân lại… vùng lên bởi không chịu đựng những rác thải từ thành phố dồn về. [1] Hai thông tin lạc nốt này, xem ra, cũng có thể chia sẻ cùng một nhạc điệu nếu chúng ta thực sự chú ý đến tầm vóc lịch sử và triết học của… rác.

Hoàng Phủ Ngọc Tường, trong những năm tháng cuối đời phải nằm một chỗ, đã từng thổ lộ cái ước mơ được “tự mình đi ỉa”. [2] “Tự mình đi”, nghĩa là chính mình đào thải những cặn bã sinh học của mình mà lịch sử của việc này cũng chính là lịch sử của văn minh nhân loại. Đó là điều mà Dominique Laporte, một nhà phân tâm học Pháp, rút ra trong công trình khảo cứu History of shit, một cái tên chẳng mấy mỹ miều mà, để dịch một cách… vệ sinh, khỏi phải nhợn miệng khi ngồi vào mâm cơm, là Phẩn sử hay, nôm na hơn, Lịch sử của phân bắc tươi. [3]

Khảo sát cách con người “ứng xử” với phân thải của mình qua từng thời đại, Laporte nhận ra rằng đó cũng chính là tiến trình phát triển của ý thức về cái tôi. Nếu Michel Foucault nhìn ý thức đó qua sự kết trái của những quan hệ quyền lực, nếu Jacques Derrida nhìn qua những mô hình ký hiệu học thì Laporte lại nhìn qua lăng kính bài tiết.


Thứ Sáu, 4 tháng 8, 2023

Nguyễn Hoàng Văn: Chính trị của bóng đá: câu chuyện từ nước Nga

Trả lời một ký giả ngay sau trận thua 0-4 truớc đội Maltida của Úc trong giải World Cup nữ vào tối 31/7/2023 tại Sydney, huấn luyện viên đội nữ Canada, bà Bev Priestman, tuyên bố rằng “bóng đá có thể tàn nhẫn” và “tối hôm nay nó đã tàn nhẫn như thế”. [1]

Bóng đá, nói theo nhà thể thao chuyên nghiệp này, có thể tàn nhẫn như chúng ta vẫn thường thấy ở sự tương phản trong hình ảnh hân hoan tột độ của bên thắng với bóng dáng thẫn thờ của bên thua. Thế nhưng đó chỉ là thể thao thuần túy. Khi bóng đá bị lôi kéo vào đường banh của chính trị thì sự tàn nhẫn sẽ nâng cao đến mức cùng tận, hạ thấp đến mức bần tiện và kéo dài đến mức tàn đời.

Đó chính là những gì chúng ta có thể nhìn thấy ở nền bóng đá Nga mà đài BBC đã tái hiện như là một phần trong thiên lịch sử truyền hình Communism And Football cực kỳ hấp dẫn. [2]

Thứ Ba, 25 tháng 7, 2023

Nguyễn Hoàng Văn: Thi xấu, cứng và mềm

Những chuyện thường ngày -- ở huyện, ở tỉnh hay ở trung ương -- trông giống như một cuộc thi xấu chưa có hồi kết, và xấu trên cả hai phương diện cứng - mềm.

Để đánh giá mỗi quốc gia, xã hội hay cộng đồng thì chúng ta cũng có thể nhìn nhận qua hai yếu tố cứng - mềm, ví như một dàn máy điện toán. Phần cứng, hẳn nhiên, chính là hệ thống hạ tầng, hệ thống gia cư, các cơ sở giáo dục, công nghiệp và những công trình mỹ thuật công cộng v.v. còn phần mềm lại là hệ thống dịch vụ công quyền hay dịch vụ tư nhân, là những con người điều hành hệ thống đó, là văn hóa ứng xử của họ hay của toàn xã hội v.v.

Trước đây tôi đã bàn về chuyện “thi xấu” nhưng đó chỉ là “xấu cứng”, cái xấu trên phương diện tạo hình khi những kẻ i tờ về mặt thẩm mỹ lại toàn quyền phung phí tài nguyên của quốc gia hay địa phương vào những công trình công cộng bằng tầm nhìn trọc phú, cốt chỉ theo đuổi cái lòe loẹt và cái phì đại. Cụ thể, đó là cái xấu quê mùa ở “Cụm tượng đài công an nhân dân” ở thủ đô và cái xấu đậm chất trọc phú ở Cầu Rồng của thành phố Đà Nẵng. [1]

Thứ Sáu, 7 tháng 7, 2023

Nguyễn Hoàng Văn: Nhìn từ Tây Nguyên, “khấu quyền” hay “phản chính quyền”?

Lực lượng công an, cảnh sát được huy động rầm rộ ở Tây Nguyên sau vụ nổ súng tại Cư Kuin, Dak Lak. Photo: Báo An Giang.

Tây Nguyên, nhìn ở bề ngoài theo bài bản tuyên truyền, đã trở lại “bình thường” nhưng còn cái guồng máy cai trị đang cố bình thường hóa vùng đất ấy, nó có đáng mặt là một “chính quyền” trong ý nghĩa thông thường theo quy ước của nhân loại văn minh?

“Chính quyền”, hiểu ngắn gọn theo Đào Duy Anh trong Hán Việt Từ Điển, là “quyền xử lý việc chính trị” và “chính trị” lại là “những việc sắp đặt và thi hành để sửa trị một nước”. Như thế, theo quy ước văn minh, quyền “sửa trị một nước” chính là hình thức hợp đồng hai chiều của chính quyền với nhân dân qua những cuộc bầu cử với những ràng buộc rành mạch về quyền lợi, nghĩa vụ cùng trách nhiệm mà guồng máy cai trị nói trên chưa bao giờ sòng phẳng.


Thứ Ba, 6 tháng 6, 2023

Nguyễn Hoàng Văn: Đất ở dưới chân và biểu tượng ở trên đầu

 Chưa bao giờ người Việt máu me với đất như bây giờ, thuận nghịch hai chiều, nghĩa đen và nghĩa bóng: con người máu me với đất và đất khiến con người máu me với nhau. Đất đã làm cha ông chúng ta đổ máu biết bao đời nhưng đó là những giọt máu nóng, cho nước cho nòi, còn ngày hôm nay lại là một thứ máu lạnh tanh để thêm phần mục ruỗng nước non và bại hoại giống nòi. Máu me, hầu như cả xã hội quay cuồng trong cơn sốt với những hình nhân hung tợn hay bắng nhắng, xớn xác khiến tôi, có lúc, lại lẩn thẩn ước ao rằng giá mà đất cũng như là…. điện ảnh.

Nghĩa là chỉ ước để mà… ước. Hướng đi vô nghĩa của tổ quốc đã phát sinh những điều quái gỡ nhất cùng những tương đồng dị thường nhất, thí dụ như đất có thể đồng đẳng với… dân chủ thế nhưng đất không thể nào là điện ảnh. Không thể mà tôi vẫn cố là bởi nhà văn Nguyễn Tuân, sau chuyến đi Hương Cảng đóng phim năm 1938, kể lại trong tùy bút “Ấn Tín của người con hát Tỉnh Việt”. Đến chỉ để đóng một cuốn phim chẳng mấy tiếng vang mà lại thủ một vai vô danh, chỉ xuất hiện thoáng qua, nhà văn này lại lên giọng khinh bạc, cho rằng muốn phê bình nền điện ảnh Hương Cảng thì đừng mong vào sự công bằng mà phải “tỏ lòng từ thiện”: [1]


Thứ Ba, 30 tháng 5, 2023

Nguyễn Hoàng Văn: Đi tìm người Việt “bình thường” đã mất

Vậy là, sau mấy năm trời quan sát, trầm tư, tôi đành lui về thế thủ, xốc lại kiến thức, rà soát lại phương pháp nghiên cứu bởi đã bó tay, không thể phác thảo bức chân dung chung cho những “người Việt bình thường”. 

Đây là do tôi kém cỏi, bất tài? Hay do mẫu người ấy đã tuyệt chủng, như là hệ lụy từ cái lịch sử bất bình thường của chúng ta? Và tôi thấy tôi như con xạ hươu của Rabindranath Tagore, cái con thú hoang thỉnh thoảng vẫn bắt gặp trên phím đàn của nhạc sĩ Hoàng Ngọc- Tuấn, ngơ ngác, lạc lõng, lanh quanh đi tìm cái mùi hương không biết là của chính mình: “Tôi đi tìm điều tôi không thể có, và tôi có điều tôi không thể tìm”. [1] Thâm tâm, lúc nào tôi cũng nghĩ về mình như một “người Việt bình thường” vậy mà tôi lại bất lực, không thể xác định nổi hình ảnh chung của cái cộng đồng mà mình thuộc về ấy.


Thứ Sáu, 19 tháng 5, 2023

Nguyễn Hoàng Văn: Cường quốc… tặng thơ

Nói Việt Nam là “cường quốc thơ” thì chắc chắn sẽ có nhiều người nghi hoặc nhưng chỉ cần chêm thêm vào chữ “tặng” thì con số phản đối sẽ chẳng là bao bởi bằng sở cứ đã ăm ắp, tràn trề. Như thế, như là công dân của “cường quốc tặng thơ”, chúng ta cũng nên xét lại hành trạng của Kiều Nguyệt Nga để phần nào gột rửa những tiếng oan đã trút lên đầu Lục Vân Tiên. 

Hơn một thập niên trước, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – lúc còn là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn – đã khẳng định trên tờ Văn hóa & Thể thao rằng Việt Nam là một cường quốc thơ, không của thế giới thì ít ra cũng là của Châu Á, vấn đề là phải tổ chức dịch thuật để nhân loại biết thế nào là sức sáng tạo Việt Nam. [1] Nghe qua đã thấy mơ hồ về mặt logic bởi nếu Việt Nam đã là cường quốc thơ thì thế giới đã chen chân xin dịch để thưởng thức và học hỏi từ lâu rồi chứ? Mà, chưa kể, hơn mười năm đã trôi qua, nhà thơ đã lên chức chủ tịch, vậy mà cái dự án khẳng định cường quốc thi ca kia vẫn chưa đâu vào đâu khiến giới hoài nghi cứ mang ra chế nhạo, xem cũng từa tựa như cái “cường quốc sắc đẹp” mà những kẻ sống với bề ngoài vẫn thường phởn lên theo các cuộc thi hoa hậu huyên náo, màu mè.


Thứ Sáu, 1 tháng 10, 2021

Nguyễn Hoàng Văn: Võ Phiến, tình nghĩa giáo khoa thư

Lần đầu tiên đọc Võ Phiến, tôi đọc trong sách giáo khoa. Cái đoạn trích của bài tuỳ bút trong trang sách học, như một bài văn kiểu mẫu, nói về cái thị xã già nua mà tôi đang ngày ngày hai buổi cắp sách tới trường: phố thị có cảnh người khách ngồi bên lề Chùa Cầu, hay Lai Viễn Kiều, vội vàng co chân mỗi khi có chiếc Landrover nào đó chạy ngang để khỏi bị quẹt.

Chùa Cầu ngày đó hãy còn xe cộ thung thăng qua lại và những ông thầy bói vừa ngồi ủ rũ đuổi ruồi vừa nghe ngóng khách hàng. Chùa Cầu với hình ảnh mấy con khỉ và chó ngồi trấn yểm mối hoạ của nước Nhật đã là biểu tượng cho niềm tự hào địa phương về những giao tiếp sớm sủa của mình, và bây giờ, trong ngòi bút của Võ Phiến, lại là bằng chứng sống động nhất cho sự chật hẹp và cổ lỗ của cái phố thị dưỡng già này.

Và Hội An, chốn phố thị ấy nhỏ thực, nhỏ hơn Đà Nẵng, cái đô thị sinh sau đẻ muộn nằm sát nách nó rất nhiều. Ngày nay người ngồi hai bên Lai Viễn Kiều khỏi phải co chân nữa vì cầu chỉ dành cho những người đi bộ với hai rào cản bằng gỗ cao ngang gối chặn ở hai đầu. Móng cầu nghe đâu đã lún. Những ông thầy bói đã bị đuổi đi từ lâu. Và mối giao tiếp bên ngoài của chốn phố buồn trong bài học ngày nào lại có dịp hồi phục với hình ảnh những du khách Tây phương lượn lờ đầy phố. Nhưng Võ Phiến chưa hề có dịp trở lại chốn ấy để một lần nữa bắt gặp lịch sử, bắt gặp cả cao lầu để ngồi đâu đó bẻ cúc cắc mấy mảng bánh tráng, ăn từ từ, vừa ăn vừa ngắm nghía những cây cột tròn to tướng và đen bóng để suy nghĩ về từng ngọn ngành chi li của cái lịch sử cao cả của vùng đất ấy...

Võ Phiến viết nhiều và viết với một giọng văn vừa dí dỏm vừa tinh tế như những sợi tóc chẻ ra làm tư làm tám, với những ý tưởng dàn trải từ đề tài rộng lớn nhất đến những cái nhỏ nhất và tinh tế nhất. Như có thể lắng tai nghe ngóng sự lay động của những chồi cây bật mầm giữa những âm thanh hỗn độn của một thời đại đang rầm rập chuyển mình, ông có thể lặng yên thả hồn theo sự lay động của một vạt áo dài, theo mùi hương nước mắm đọng trên đầu lưỡi bà cô già giữa những cơn trở mình trằn trọc với những băn khoăn phù thế, với những ý tưởng vô cùng buồn thảm về cuộc chiến tưởng sẽ không bao giờ dứt.

Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

Nguyễn Hoàng Văn - Ðiệu tranh đấu li-la

Tây ban cầm đã hát ngọng giọng Tàu và “Lorca Nguyễn Văn Trỗi” của Phạm Thị Hoài [1] làm tôi liên tưởng đến nhiều thứ: những kép đào hát bội-chèo-cải lương, lời văng tục của nguyên Tổng thống Mỹ Bill Clinton, cảnh hội chợ lô tô náo nhiệt ở một tỉnh nghèo miền Trung.
Một cảnh Tết quê giữa thập niên 80, thời đói ăn và đói cả thông tin. Cái sân khấu giữa chợ lòe loẹt những băng rôn đỏ sậm chữ vàng, lèo tèo những giải thưởng nghèo nàn với dăm ba chiếc xe đạp, phích nước và đồ gia dụng linh tinh nhưng o bế thật kỹ bằng những chùm giấy bóng hay dải băng kim tuyến xanh đỏ tím vàng, rặt một thứ thẩm mỹ chợ quê.