Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Hoàng Văn. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Hoàng Văn. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 12 tháng 9, 2023

Nguyễn Hoàng Văn: Đếm cuộc đời bằng những mùa keo

Rừng keo. Ảnh: NNVN.


“Đếm cuộc đời bằng những mùa keo”, đó là một trong những điều tôi học được trong chuyến về quê vừa rồi, như là hệ lụy của cuộc phản-cách-mạng-xanh sẽ khiến chúng ta tiếp tục tụt hậu, y như Trung Quốc từng bị thế vào cuối thế kỷ 18, vì củ khoai lang.


Thứ Sáu, 8 tháng 9, 2023

Nguyễn Hoàng Văn: Thủy Tinh lái đủ thứ và cái bánh bao Lỗ Tấn

Sự thật phơi bày ngày mỗi rõ ràng thế nhưng, đến bây giờ, vẫn còn khá nhiều người Mỹ thèm thuồng cái bánh bao Lỗ Tấn mà ông Thủy Tinh của họ vẽ ra, thứ bánh bao MAGA, Make America Great Again.

Dĩ nhiên, Lỗ Tấn không phải là ông thợ bánh hay lái bánh. Chỉ là nhà văn này, đâu đó, từng bàn về bệnh hoài cổ của người đời theo đó thì cái bánh bao thời trước bao giờ cũng to hơn và những kẻ hò hét MAGA cũng mang thứ tâm bệnh tương tự. Nước Mỹ bây giờ tệ quá, phải đưa nó trở lại vĩ đại như xưa nhưng, cụ thể, xưa đến bao nhiêu, đến đời tổng thống nào, Dân Chủ hay Cộng Hòa, và với chính sách nào thì, chắc chắn, cả thầy lẫn tớ, chẳng ai giải đáp được.


Thứ Sáu, 1 tháng 9, 2023

Nguyễn Hoàng Văn: Mặt xanh, mặt đỏ

Đâu cuối thập niên 1990 ở Melbourne, đến dự buổi thuyết trình của hai diễn giả Vũ Thư Hiên và Nguyễn Gia Kiểng, tôi chứng kiến mấy khuôn mặt đang đỏ gay, đằng đằng sát khí bỗng nghệch ra, xanh mét!

Mà trước đó mấy ngày, trong một tiệm phở tại Footscray, tôi đã mơ hồ hình dung ra thứ “sát khí” màu xanh tai tái ấy rồi. Cạnh bàn tôi là ba ông đứng tuổi, vừa húp phở sồn sột, vừa ầm ĩ hẹn nhau đi “nói chuyện phải quấy với hai thằng nằm vùng” mà, ở đời, từ việc lớn đến việc nhỏ thì, nếu sợ hay nể, chúng ta chỉ nể hay sợ những kẻ thâm trầm và kiệm lời, chẳng ai ngán mấy thứ chính trị gia chuyên phun nước bọt nơi quán sá loại này.


Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2023

Nguyễn Hoàng Văn: Bệnh nhược tiểu, thói hủ nho và thủ dâm chính trị

Lời lẽ gây hấn trên, tôi xin nói ngay, là của Nguyễn Huy Thiệp, người từng làm sôi động đời sống văn học tẻ nhạt của Việt Nam một thời. Trong truyện ngắn “Vàng Lửa”, tung ra vào giữa thập niên 1980, nhà văn này viết:

“Đặc điểm lớn nhất của xứ sở này là nhược tiểu. Đây là một cô gái đồng trinh bị nền văn minh Trung Hoa cưỡng hiếp. Cô gái ấy vừa thích thú, vừa nhục nhã, vừa căm thù nó. Vua Gia Long hiểu điều ấy và đấy là nỗi cay đắng lớn nhất mà ông cùng cộng đồng phải chịu đựng. Nguyễn Du thì khác, ông không hiểu điều ấy. Nguyễn Du là con của cô gái đồng trinh kia, dòng máu chứa đầy điển tích của tên đàn ông khốn nạn đã cưỡng hiếp mẹ mình.”

Rồi, sau đó:

“Vấn đề ở chỗ phải đứng lên vươn mình thành một cường quốc. Làm điều đó, phải có gan chịu đụng sự va xiết trong quan hệ với cộng đông nhân loại. Thói hủ nho và thủ dâm chính trị sẽ không bao giờ tạo được những quan hệ trong sáng, lành mạnh. Sẽ đến lúc nền chính trị thế giới giống như món nộm suồng sã, khái niệm thanh khiết ở đấy vô nghĩa.”


Thứ Sáu, 18 tháng 8, 2023

Nguyễn Hoàng Văn: Triết học về rác

Giữa những tranh cãi ồn ào về mức độ “dấn thân” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường những ngày Huế “nổi dậy” thì ở một vùng quê tại Bến Tre, miền đất đã chết tên “đồng khởi”, người dân lại… vùng lên bởi không chịu đựng những rác thải từ thành phố dồn về. [1] Hai thông tin lạc nốt này, xem ra, cũng có thể chia sẻ cùng một nhạc điệu nếu chúng ta thực sự chú ý đến tầm vóc lịch sử và triết học của… rác.

Hoàng Phủ Ngọc Tường, trong những năm tháng cuối đời phải nằm một chỗ, đã từng thổ lộ cái ước mơ được “tự mình đi ỉa”. [2] “Tự mình đi”, nghĩa là chính mình đào thải những cặn bã sinh học của mình mà lịch sử của việc này cũng chính là lịch sử của văn minh nhân loại. Đó là điều mà Dominique Laporte, một nhà phân tâm học Pháp, rút ra trong công trình khảo cứu History of shit, một cái tên chẳng mấy mỹ miều mà, để dịch một cách… vệ sinh, khỏi phải nhợn miệng khi ngồi vào mâm cơm, là Phẩn sử hay, nôm na hơn, Lịch sử của phân bắc tươi. [3]

Khảo sát cách con người “ứng xử” với phân thải của mình qua từng thời đại, Laporte nhận ra rằng đó cũng chính là tiến trình phát triển của ý thức về cái tôi. Nếu Michel Foucault nhìn ý thức đó qua sự kết trái của những quan hệ quyền lực, nếu Jacques Derrida nhìn qua những mô hình ký hiệu học thì Laporte lại nhìn qua lăng kính bài tiết.


Thứ Sáu, 4 tháng 8, 2023

Nguyễn Hoàng Văn: Chính trị của bóng đá: câu chuyện từ nước Nga

Trả lời một ký giả ngay sau trận thua 0-4 truớc đội Maltida của Úc trong giải World Cup nữ vào tối 31/7/2023 tại Sydney, huấn luyện viên đội nữ Canada, bà Bev Priestman, tuyên bố rằng “bóng đá có thể tàn nhẫn” và “tối hôm nay nó đã tàn nhẫn như thế”. [1]

Bóng đá, nói theo nhà thể thao chuyên nghiệp này, có thể tàn nhẫn như chúng ta vẫn thường thấy ở sự tương phản trong hình ảnh hân hoan tột độ của bên thắng với bóng dáng thẫn thờ của bên thua. Thế nhưng đó chỉ là thể thao thuần túy. Khi bóng đá bị lôi kéo vào đường banh của chính trị thì sự tàn nhẫn sẽ nâng cao đến mức cùng tận, hạ thấp đến mức bần tiện và kéo dài đến mức tàn đời.

Đó chính là những gì chúng ta có thể nhìn thấy ở nền bóng đá Nga mà đài BBC đã tái hiện như là một phần trong thiên lịch sử truyền hình Communism And Football cực kỳ hấp dẫn. [2]

Thứ Ba, 25 tháng 7, 2023

Nguyễn Hoàng Văn: Thi xấu, cứng và mềm

Những chuyện thường ngày -- ở huyện, ở tỉnh hay ở trung ương -- trông giống như một cuộc thi xấu chưa có hồi kết, và xấu trên cả hai phương diện cứng - mềm.

Để đánh giá mỗi quốc gia, xã hội hay cộng đồng thì chúng ta cũng có thể nhìn nhận qua hai yếu tố cứng - mềm, ví như một dàn máy điện toán. Phần cứng, hẳn nhiên, chính là hệ thống hạ tầng, hệ thống gia cư, các cơ sở giáo dục, công nghiệp và những công trình mỹ thuật công cộng v.v. còn phần mềm lại là hệ thống dịch vụ công quyền hay dịch vụ tư nhân, là những con người điều hành hệ thống đó, là văn hóa ứng xử của họ hay của toàn xã hội v.v.

Trước đây tôi đã bàn về chuyện “thi xấu” nhưng đó chỉ là “xấu cứng”, cái xấu trên phương diện tạo hình khi những kẻ i tờ về mặt thẩm mỹ lại toàn quyền phung phí tài nguyên của quốc gia hay địa phương vào những công trình công cộng bằng tầm nhìn trọc phú, cốt chỉ theo đuổi cái lòe loẹt và cái phì đại. Cụ thể, đó là cái xấu quê mùa ở “Cụm tượng đài công an nhân dân” ở thủ đô và cái xấu đậm chất trọc phú ở Cầu Rồng của thành phố Đà Nẵng. [1]

Thứ Sáu, 7 tháng 7, 2023

Nguyễn Hoàng Văn: Nhìn từ Tây Nguyên, “khấu quyền” hay “phản chính quyền”?

Lực lượng công an, cảnh sát được huy động rầm rộ ở Tây Nguyên sau vụ nổ súng tại Cư Kuin, Dak Lak. Photo: Báo An Giang.

Tây Nguyên, nhìn ở bề ngoài theo bài bản tuyên truyền, đã trở lại “bình thường” nhưng còn cái guồng máy cai trị đang cố bình thường hóa vùng đất ấy, nó có đáng mặt là một “chính quyền” trong ý nghĩa thông thường theo quy ước của nhân loại văn minh?

“Chính quyền”, hiểu ngắn gọn theo Đào Duy Anh trong Hán Việt Từ Điển, là “quyền xử lý việc chính trị” và “chính trị” lại là “những việc sắp đặt và thi hành để sửa trị một nước”. Như thế, theo quy ước văn minh, quyền “sửa trị một nước” chính là hình thức hợp đồng hai chiều của chính quyền với nhân dân qua những cuộc bầu cử với những ràng buộc rành mạch về quyền lợi, nghĩa vụ cùng trách nhiệm mà guồng máy cai trị nói trên chưa bao giờ sòng phẳng.


Thứ Ba, 6 tháng 6, 2023

Nguyễn Hoàng Văn: Đất ở dưới chân và biểu tượng ở trên đầu

 Chưa bao giờ người Việt máu me với đất như bây giờ, thuận nghịch hai chiều, nghĩa đen và nghĩa bóng: con người máu me với đất và đất khiến con người máu me với nhau. Đất đã làm cha ông chúng ta đổ máu biết bao đời nhưng đó là những giọt máu nóng, cho nước cho nòi, còn ngày hôm nay lại là một thứ máu lạnh tanh để thêm phần mục ruỗng nước non và bại hoại giống nòi. Máu me, hầu như cả xã hội quay cuồng trong cơn sốt với những hình nhân hung tợn hay bắng nhắng, xớn xác khiến tôi, có lúc, lại lẩn thẩn ước ao rằng giá mà đất cũng như là…. điện ảnh.

Nghĩa là chỉ ước để mà… ước. Hướng đi vô nghĩa của tổ quốc đã phát sinh những điều quái gỡ nhất cùng những tương đồng dị thường nhất, thí dụ như đất có thể đồng đẳng với… dân chủ thế nhưng đất không thể nào là điện ảnh. Không thể mà tôi vẫn cố là bởi nhà văn Nguyễn Tuân, sau chuyến đi Hương Cảng đóng phim năm 1938, kể lại trong tùy bút “Ấn Tín của người con hát Tỉnh Việt”. Đến chỉ để đóng một cuốn phim chẳng mấy tiếng vang mà lại thủ một vai vô danh, chỉ xuất hiện thoáng qua, nhà văn này lại lên giọng khinh bạc, cho rằng muốn phê bình nền điện ảnh Hương Cảng thì đừng mong vào sự công bằng mà phải “tỏ lòng từ thiện”: [1]


Thứ Ba, 30 tháng 5, 2023

Nguyễn Hoàng Văn: Đi tìm người Việt “bình thường” đã mất

Vậy là, sau mấy năm trời quan sát, trầm tư, tôi đành lui về thế thủ, xốc lại kiến thức, rà soát lại phương pháp nghiên cứu bởi đã bó tay, không thể phác thảo bức chân dung chung cho những “người Việt bình thường”. 

Đây là do tôi kém cỏi, bất tài? Hay do mẫu người ấy đã tuyệt chủng, như là hệ lụy từ cái lịch sử bất bình thường của chúng ta? Và tôi thấy tôi như con xạ hươu của Rabindranath Tagore, cái con thú hoang thỉnh thoảng vẫn bắt gặp trên phím đàn của nhạc sĩ Hoàng Ngọc- Tuấn, ngơ ngác, lạc lõng, lanh quanh đi tìm cái mùi hương không biết là của chính mình: “Tôi đi tìm điều tôi không thể có, và tôi có điều tôi không thể tìm”. [1] Thâm tâm, lúc nào tôi cũng nghĩ về mình như một “người Việt bình thường” vậy mà tôi lại bất lực, không thể xác định nổi hình ảnh chung của cái cộng đồng mà mình thuộc về ấy.


Thứ Sáu, 19 tháng 5, 2023

Nguyễn Hoàng Văn: Cường quốc… tặng thơ

Nói Việt Nam là “cường quốc thơ” thì chắc chắn sẽ có nhiều người nghi hoặc nhưng chỉ cần chêm thêm vào chữ “tặng” thì con số phản đối sẽ chẳng là bao bởi bằng sở cứ đã ăm ắp, tràn trề. Như thế, như là công dân của “cường quốc tặng thơ”, chúng ta cũng nên xét lại hành trạng của Kiều Nguyệt Nga để phần nào gột rửa những tiếng oan đã trút lên đầu Lục Vân Tiên. 

Hơn một thập niên trước, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – lúc còn là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn – đã khẳng định trên tờ Văn hóa & Thể thao rằng Việt Nam là một cường quốc thơ, không của thế giới thì ít ra cũng là của Châu Á, vấn đề là phải tổ chức dịch thuật để nhân loại biết thế nào là sức sáng tạo Việt Nam. [1] Nghe qua đã thấy mơ hồ về mặt logic bởi nếu Việt Nam đã là cường quốc thơ thì thế giới đã chen chân xin dịch để thưởng thức và học hỏi từ lâu rồi chứ? Mà, chưa kể, hơn mười năm đã trôi qua, nhà thơ đã lên chức chủ tịch, vậy mà cái dự án khẳng định cường quốc thi ca kia vẫn chưa đâu vào đâu khiến giới hoài nghi cứ mang ra chế nhạo, xem cũng từa tựa như cái “cường quốc sắc đẹp” mà những kẻ sống với bề ngoài vẫn thường phởn lên theo các cuộc thi hoa hậu huyên náo, màu mè.


Thứ Sáu, 1 tháng 10, 2021

Nguyễn Hoàng Văn: Võ Phiến, tình nghĩa giáo khoa thư

Lần đầu tiên đọc Võ Phiến, tôi đọc trong sách giáo khoa. Cái đoạn trích của bài tuỳ bút trong trang sách học, như một bài văn kiểu mẫu, nói về cái thị xã già nua mà tôi đang ngày ngày hai buổi cắp sách tới trường: phố thị có cảnh người khách ngồi bên lề Chùa Cầu, hay Lai Viễn Kiều, vội vàng co chân mỗi khi có chiếc Landrover nào đó chạy ngang để khỏi bị quẹt.

Chùa Cầu ngày đó hãy còn xe cộ thung thăng qua lại và những ông thầy bói vừa ngồi ủ rũ đuổi ruồi vừa nghe ngóng khách hàng. Chùa Cầu với hình ảnh mấy con khỉ và chó ngồi trấn yểm mối hoạ của nước Nhật đã là biểu tượng cho niềm tự hào địa phương về những giao tiếp sớm sủa của mình, và bây giờ, trong ngòi bút của Võ Phiến, lại là bằng chứng sống động nhất cho sự chật hẹp và cổ lỗ của cái phố thị dưỡng già này.

Và Hội An, chốn phố thị ấy nhỏ thực, nhỏ hơn Đà Nẵng, cái đô thị sinh sau đẻ muộn nằm sát nách nó rất nhiều. Ngày nay người ngồi hai bên Lai Viễn Kiều khỏi phải co chân nữa vì cầu chỉ dành cho những người đi bộ với hai rào cản bằng gỗ cao ngang gối chặn ở hai đầu. Móng cầu nghe đâu đã lún. Những ông thầy bói đã bị đuổi đi từ lâu. Và mối giao tiếp bên ngoài của chốn phố buồn trong bài học ngày nào lại có dịp hồi phục với hình ảnh những du khách Tây phương lượn lờ đầy phố. Nhưng Võ Phiến chưa hề có dịp trở lại chốn ấy để một lần nữa bắt gặp lịch sử, bắt gặp cả cao lầu để ngồi đâu đó bẻ cúc cắc mấy mảng bánh tráng, ăn từ từ, vừa ăn vừa ngắm nghía những cây cột tròn to tướng và đen bóng để suy nghĩ về từng ngọn ngành chi li của cái lịch sử cao cả của vùng đất ấy...

Võ Phiến viết nhiều và viết với một giọng văn vừa dí dỏm vừa tinh tế như những sợi tóc chẻ ra làm tư làm tám, với những ý tưởng dàn trải từ đề tài rộng lớn nhất đến những cái nhỏ nhất và tinh tế nhất. Như có thể lắng tai nghe ngóng sự lay động của những chồi cây bật mầm giữa những âm thanh hỗn độn của một thời đại đang rầm rập chuyển mình, ông có thể lặng yên thả hồn theo sự lay động của một vạt áo dài, theo mùi hương nước mắm đọng trên đầu lưỡi bà cô già giữa những cơn trở mình trằn trọc với những băn khoăn phù thế, với những ý tưởng vô cùng buồn thảm về cuộc chiến tưởng sẽ không bao giờ dứt.

Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

Nguyễn Hoàng Văn - Ðiệu tranh đấu li-la

Tây ban cầm đã hát ngọng giọng Tàu và “Lorca Nguyễn Văn Trỗi” của Phạm Thị Hoài [1] làm tôi liên tưởng đến nhiều thứ: những kép đào hát bội-chèo-cải lương, lời văng tục của nguyên Tổng thống Mỹ Bill Clinton, cảnh hội chợ lô tô náo nhiệt ở một tỉnh nghèo miền Trung.
Một cảnh Tết quê giữa thập niên 80, thời đói ăn và đói cả thông tin. Cái sân khấu giữa chợ lòe loẹt những băng rôn đỏ sậm chữ vàng, lèo tèo những giải thưởng nghèo nàn với dăm ba chiếc xe đạp, phích nước và đồ gia dụng linh tinh nhưng o bế thật kỹ bằng những chùm giấy bóng hay dải băng kim tuyến xanh đỏ tím vàng, rặt một thứ thẩm mỹ chợ quê.

Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

Giới thiệu: NGÔN NGỮ VÀ QUYỀN LỰC của NGUYỄN HOÀNG VĂN



Sống, chúng ta không thể không đụng đến ngôn ngữ cũng như không thể hoàn toàn tách ly ra khỏi không khí chính trị của thời đại. Vấn đề đặt ra là mối quan hệ giữa hai lĩnh vực không thể không đụng đến và không thể tách khỏi này.

Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

Nguyễn Hoàng Văn - CHÍNH TRỊ… HÔI CỦA


Nguyễn Hoàng Văn - 

Từ một tai nạn giao thông, đề tài “hôi của” vụt biến thành một câu chuyện thời sự, chuyện này nhắc lại chuyện kia, kéo dài, và, cuối cùng, là những tiếng thở dài ngao ngán về sự xuống cấp của đạo đức, sự biến mất của lòng tử tế, như câu hỏi nhức nhối trên một tờ báo: Phải chăng, “lòng tốt đã bị đánh cắp”. [1]


Ngày 4 tháng 12 một xe vận tải bị lật tại Biên Hoà, hàng ngàn thùng bia đổ ra và, sau đó, là cảnh nhốn nháo của đoàn quân hôi của. Ào ào, rần rần, không chỉ “hôi” bằng tay bằng túi, họ “hôi” cả bằng xe ba gác, “hôi” một cách thoải mái, hả hê: “hôi “ ngay trước mặt người tài xế đang khóc lóc van xin, “hôi” ngay trước mặt đứa con gái chớm lớn đang hổ thẹn thay cho người lẽ ra phải đáng yêu và khả kính của mình. Vân vân, rất nhiều hình ảnh tương tự và, không chỉ đê tiện với người sống, đoàn quân hôi của nhan nhản từ Nam ra Bắc còn giở trò vô lại với cả người chết. Ngày 18 tháng 9, phát hiện thi thể một người đàn ông dưới một gầm cầu ở Lào Cai, nhiều dân cư địa phương đã đến đây khấn vái thả tiền và, sau đó, cũng là cảnh hôi của nhốn nháo dưới gầm cầu, “hôi” cả những đồng tiền cúng cho người chết [2]. Những cảnh tượng như thế đã dồn dập tiếp nối nhau khiến có người thảng thốt bật lên câu hỏi, sau cái vụ cướp bia trước mặt người tài xế: Thực ra, đây là “hôi của” hay “cướp của”?

Như thế thì phải xem lại sự khác nhau giữa “hôi” và “cướp của”. Ngoài ý nghĩa “mót nhặt những gì còn sót lại” như là cách mưu sinh tội nghiệp của những người cùng đường thì “hôi của”, ở phần nghĩa xấu hơn, trong đa số từ điển tiếng Việt xưa cũ, đều được diễn đạt như là “lợi dụng sự lộn xộn” để “nhúng tay” vào nhằm “kiếm chác và chia phần”. Nhưng đến Từ điển tiếng Việt tường giải, liên tưởng của Nguyên Văn Đạm, xuất bản lần đầu vào năm 1993, thì “hôi của” đã trở thành “cướp của”: “thừa cơ cướp của trong một lúc lộn xộn.” [3]

Từ “thừa cơ kiếm chác” như một kiểu trộm cắp thiếu bản lĩnh đến “thừa cơ cướp của” là cả một chặng đường. Nếu “thừa cơ kiếm chác” là trò ruột của hạng lưu manh vặt thì cái gì đã đẩy đám đá cá lăn dưa ấy tiến gần đến mức độ táo tợn của giới đạo tặc chuyên ăn cướp như thế?

Nếu hạng đá cá lăn dưa chỉ dám xâm phạm quyền sở hữu người khác trong cảnh nhá nhem sáng tối của một tình thế lộn xộn thì kẻ cướp lại công khai xâm phạm dựa vào sức mạnh, sức mạnh “cứng” hoặc sức mạnh “mềm”. Cứng, sức mạnh đó có thể là nắm đấm hay họng súng trên tay một tên võ biền đơn độc, một đám lục lâm ô hợp hay một đội quân kỷ luật, của một băng mafia, một đảng v.v… Và mềm, nó có thể là uy lực giang hồ của một đàn anh tỉnh lẻ, một bố già cái thế hay “lịch sử vẻ vang” dày đặc thành tích trấn áp của một tổ chức, một đảng; thứ “uy lực – lịch sử” tự mình kiến tạo hay chỉ đơn giản là thừa kế, như một hình thức “tập ấm”, hoặc lập lờ nấp bóng, như là khỉ mượn hơi hùm.

Chăm chăm ăn cướp nhưng thiếu bản lĩnh, thiếu sự tự tin về “uy lực” hay “lịch sử” mà mình đang nắm hay chỉ đang kế thừa thì phải tạo ra những tình trạng lộn xộn, rối ren và thế, cũng có nghĩa là… chính trị. Chính trị là nghệ thuật của quyền lực. Nhưng chính trị còn là nghệ thuật gây ra sự lộn xộn bởi, chính những tình huống rối ren diễn ra theo kịch bản sẽ cho phép tay chơi vận dụng quyền lực một cách tốt nhất và dồn ép con mồi vào những tình thế lúng túng, bị động nhất. Như vậy thì lời đáp cho cái cái câu hỏi nhức nhối về sự “đánh cắp” lòng tốt nói trên không chỉ đơn giản là “bần cùng sinh đạo tặc” mà là cái lịch sử đau đớn của chúng ta. Cái lịch sử ở đó những biến động bi thiết nhất lại là những “kịch bản rối ren” hoành tráng nhất, thăng trầm theo nhu cầu cộng sinh giữa hạng đạo tặc thiếu bản lĩnh và đám đá cá lăn dưa sống bám vào sự rối ren lộn xộn.

Không muốn nhai lại chính mình nhưng tôi thấy khó mà tìm được điểm tựa nào đắt hơn để làm bật lại cái lịch sử đau đớn ấy bằng những chuyện đã nêu trong bài viết cách đây chín năm trên talawas về cái mẫu số chung giữa miếng ăn người lính chân đất ở chiến trường Việt Bắc năm 1950, ở chiến trường Tây Nguyên năm 1965 và những chiếc Mercedes bóng lộn của những quan chức bệ vệ của hệ thống toàn trị năm 2005. [4]

Đó là miếng thức ăn Mỹ trong miệng bộ đội giữa trận đụng độ Ia-Ðrăng khiến Chủ nhiệm Chính trị Mặt trận Ðặng Vũ Hiệp phải ra lệnh kiểm điểm. [5] Đó là những bánh kẹo Pháp mà bộ đội nhóp nhép trong miệng sau Chiến dịch Biên giới khiến Chính ủy Trung đoàn Trần Độ bị Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Trần Đăng Ninh, trong vai trò “Trưởng ban thu dọn chiến lợi phẩm”, yêu cầu Quân ủy Trung ương kỷ luật.

Nhưng tôi phải nói ngay rằng tôi không hề có ý miệt thị đó là hành động “hôi của” bởi, sau những trận đánh kéo dài, kiệt sức và đói lả người, người lính nào cũng có quyền tự tưởng thưởng cho mình bằng những chiến lợi phẩm thu được. Công bằng mà nói thì, trên phương diện chiến thuật, Chủ nhiệm Chính trị Đặng Vũ Hiệp đã có lý khi ra lệnh kiểm điểm bộ đội của mình bởi, ngay giữa một trận đánh, họ không thể để miếng ăn làm hao hụt xung lực của trận đánh. Nhưng khi bảo vệ cho lính mình cái quyền nhâm nhi chiến lợi phẩm sau trận đánh, Chính uỷ Trần Độ đã hoàn toàn chính đáng khi cãi lại cấp trên, như đã kể lại trong Hồi ký của ông:
“Hôm tôi đi qua Ðông Khê vừa giải phóng, thấy một nhóm chiến sỹ đang ngồi nhai bánh, ăn kẹo. Cán bộ thu dọn chiến trường đến quát tháo đòi kỷ luật, bắt anh em đưa nộp hết bất cứ thứ gì đã thu nhặt được với cái lẽ: chiến lợi phẩm lớn nhỏ đều là tài sản quốc gia, là chiến quả đổi bằng xương máu. Với máu thanh niên vốn sôi nổi, tôi rất ghét cái thói lên lớp dạy đời, nên đứng lên cãi lại. Tôi cũng nói ngang ngược không kém: Các anh có biết chiến thắng này do ai không? Và ai đổ xương máu ở chiến trường này. Có phải là những người lính không? Trước khi đi vào trận đánh họ vui vẻ ăn bưởi rừng, ổi ma thay cơm, măng rừng thay thịt cá. Bây giờ chiến thắng rồi, có tí chút chất tươi vui vẻ với nhau. Các anh phải lên lớp làm gì nặng nề thế! Thôi các anh đi đi. Ðây là đơn vị chúng tôi. Chúng tôi chịu trách nhiệm ở đây không cho ai lấy.” [6]

Miếng ăn “chiến lợi phẩm”, như thế, đã bị giật ngay từ trong miệng của người lính. Nó bị giật ngay trên trận địa mà họ đã đổ máu và bị giật bằng “quyền lực mềm” của hệ thống toàn trị, thứ quyền hách dịch “lên lớp” và quyền phán định đâu là “tài sản quốc gia”. Mà không chỉ có chiến lợi phẩm tại Đông Khê, một mặt trận đơn lẻ trong “chiến dịch lịch sử” mang tên “Biên giới” để nối liền chiến khu Việt Bắc với lãnh thổ Trung Quốc như một “hậu phương lớn”. Và không phải bậc chỉ huy nào cũng gắn bó chan hoà vói lính như chính ủy Trần Độ. Những “tài sản” thu dọn trong một cái cảnh lộn xộn sau “chiến dịch lịch sử” ấy đi đâu, về đâu, đã mang lại lợi ích chung nào cho “quốc gia”? Câu trả lời, ắt hẳn, chắng khác gì mấy lời đáp đã có về “tài sản quốc gia” lớn hơn rất nhiều là 16 tấn vàng dự trữ của chính quyền Việt Nam Cộng hoà sau đó 25 năm, trong cảnh rối ren lộn xộn sau “Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”.

Sau một “chiến thắng lịch sử” là một vụ “hôi của lịch sử”. Thu dọn chiến lợi phẩm là quyền tự nhiên của kẻ thắng trận nhưng “tài sản quốc gia” là “tài sản quốc gia” và vấn đề ở đây là cung cách kiếm chác của những thành phần đặc quyền như một trò “hôi của” có tích có tuồng giữa những xáo trộn lịch sử.

Trong chiều hướng đó thì lịch sử của hệ thống toàn trị cũng chính là lịch sử của những vụ “hôi của” mang tầm… lịch sử. Những diễn biến mệnh danh “bước ngoặc lịch sử”, “thắng lợi vĩ đại” hay “thành công tốt đẹp”, hết thảy, đều là “thắng lợi” của những mưu toan gây lộn xộn mang tầm cỡ quốc gia” để mở ra những chiến dịch hôi mang tầm cỡ quốc gia. “Thắng lợi” của cuộc đấu tranh giai cấp ở nông thôn theo khẩu hiệu “Trí, phú, địa, hào đào tận gốc trốc tận rễ” vào thập niên 50 cũng là “thắng lợi” của sự cộng hưởng ở đó những thành phần đặc quyền đã xúi giục đám “cốt cán” đá cá lăn dưa, trong những cuộc đấu tố đầy tính đá cá lăn dưa và sự “thực phần” cũng không kém phần đá cá lăn dưa, ở đó quyền “hôi của” của được ban cấp một cách tương ứng theo nhiệt tình đóng góp công việc “đào gốc trốc rễ” những kẻ thù giai cấp. “Thắng” lợi của cuộc đấu tranh giai cấp mệnh danh “cải tạo công thương” ở thành thị vào thập niên 50 ở miền Bắc và thập niên 70-80 ở miền Nam cũng là “thắng lợi” những kẻ hôi của đầy quyền lực. Những “thành công” lớn kéo theo những chiến dịch hôi của lớn và những “thành công” nhỏ nhỏ vừa vừa của các chính sách kinh tế – xã hội như các đợt đổi tiền, chiến dịch san bằng sở hữu “Z-30” hay hợp doanh thương nghiệp v.v… chính là tiền đề của các vụ hôi của nhỏ nhỏ, vừa vừa. [7]

Cứ cho đó là những “sai lầm ấu trĩ” của “một thời bao cấp”, thế nhưng không chỉ có cái thời đã qua quýt thú nhận là “sai lầm” cho xong chuyện ấy. “Thành công tốt đẹp” của Hội nghị Thượng đỉnh Á – Âu (ASEM) 2005 tại Hà Nội là một dấu mốc cho thời kỳ “mở cửa – tiến ra biển lớn” nhưng cũng là “thành công tốt đẹp” của tầng lớp đặc quyền khi “hôi” được những 80 chiếc Mercedes miễn thuế. [8] “Thành công” của muôn vàn “dự án quy hoạch” nhân danh phát triển cũng là “thành công” của đám hôi của bằng chính sách, “hôi” từ những cánh rừng- thuỷ điện mênh mông đến những”bờ xôi ruộng mật” đã nuôi sống không biết mấy thế hệ nông dân.
Và khi “thành công” như vậy, nó đã “thành công” như một đạo tặc thiếu bản lĩnh, phải nép mình vào bóng tối để kiếm ăn. Bản lĩnh” của đạo tặc không chỉ thể hiện ở cái gan giết người hay cướp của mà còn là “khí phách đạo tặc”, cái tinh thần dám chơi dám chịu, dám thẳng thắn thừa nhận mình là kẻ cướp hay kẻ sát nhân. Còn những thành phần đặc quyền đặc lợi của hệ thống toàn trị thì hôi của bằng cái quyền “nhân danh”, và để thoải mái “nhân danh”, họ phải làm mọi cách để duy trì tình trạng rối ren và nhập nhằng về quyền sở hữu. [9]



Chính trị của hôi của, như đã nói, là chính trị của sự rối ren. Để bảo vệ độc quyền làm ông chủ của tình trạng rối ren, hệ thống toàn trị phải duy trì tình trạng bưng bít và nhập nhằng.

Bưng bít và nhập nhằng là bản chất cố hữu của chế độ toàn trị. Hệ thống toàn trị Đức Quốc xã đã bưng bít chân dung thật của Hitler, kẻ đã một thời chiếm ngự trái tim và khối óc người Đức bằng cách sách động sự thù hận với người Do Thái nhưng, mỉa may thay, lại có máu Do Thái trong người. Hệ thống toàn trị tại Việt Nam thì bưng bít từ ngày khai sinh thật đến ngày khai tử thật của Hồ Chí Minh, khoan nói những chuyện thâm cung hệ trọng khác. Bằng những tiểu sử nhập nhằng, hệ thống toàn trị đã tạo ra những hào quang thánh nhân cho những nhà độc tài phàm tục. Bằng những khái niệm nhập nhằng về dân chủ, như “dân chủ tập trung”, nó cướp đoạt gần hết quyền làm… dân của chính người dân. Và bằng sự nhập nhằng của khái niệm “sở hữu tập trung” đối với đất đai, nó thoải mái hôi của theo cung cách mà nhà từ điển học Nguyên Văn Đạm đã tổng kết trong bộ từ điển nói trên: “thừa cơ cướp của trong một lúc lộn xộn.”

“Thừa cơ cướp của” là hành động của hạng vô lại và, như những kẻ vô lại hoàn toàn không có chút tự trọng, hệ thống toàn trị cũng không chừa cả người chết.

Lần đầu tiên tôi cảm thấy xấu hổ, chung cho người Việt, là lần chứng kiến cảnh mặc cả giữa một người Việt và một viên chức lãnh sự Mỹ, trong một trại tỵ nạn ở Hồng Công. Với tấm thẻ bài của lính Mỹ mang theo trong hành trình vượt biển, người Việt nằng nặc đòi hỏi chính phủ Mỹ phải bảo đảm cho anh ta, và cả gia đình của anh ta còn ở tại Việt Nam, một tấm visa Mỹ hay, ít ra, là cái giá tính bằng đô la: phải bảo đảm điều đó thì mới cung cấp thông tin về bộ hài cốt mà gia đình đang giữ tại Việt Nam. Viên chức Mỹ thì lặp đi lặp lại rằng vấn đề là nhân đạo, nhân đạo và nhân đạo: việc thưởng tiền là tùy thuộc vào thân nhân người lính, chính phủ Mỹ tuyệt đối không chấp nhận việc mua bán hài cốt người chết.

Không ai chịu ai, và cuối cùng, chủ nghĩa nhân đạo đã đầu hàng, viên chức Mỹ ra về trắng tay, để lại tôi và những nhân chứng khác đăng đắng một cảm giác bẽ bàng, hổ thẹn. Nhưng xét cho cùng thì kẻ mặc cả ấy cũng không đáng trách nhiều lắm: ra đi, mang theo cái tấm thẻ mà gia đình đã rót vào đó bao nhiêu tiền bạc, gởi gắm vào đó như là vật bảo chứng cho cả một kỳ vọng đổi đời, làm sao anh ta có thể tự ý quyết định? Như thế thì vấn đề ở đây là “xác tín” của cả gia đình anh ta, không chỉ về cái giá mà một bộ hài cốt lính Mỹ có thể mang lại mà, quan trọng hơn, là “lẽ tự nhiên” trong việc đầu tư để kiếm lợi từ một bộ xương như thế.

Đó là thứ “xác tín” hình thành trong một chế độ mà việc mặc cả trên xương người chết đã trở thành một chủ trương chính trị, một chiến lược ngoại giao. Đầu tiên, chỉ một thời gian ngắn sau “Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”, là mưu toan làm tiền trên hài cốt Mỹ với cái giá lịch sử là 3.2 tỷ Mỹ kim. Người Mỹ muốn tính sổ với 58.000 binh sinh tử trận và mất tích ư? Thì phải bình thường hoá quan hệ. Họ muốn bình thường hoá quan hệ ư? Thì phải bồi thường chiến tranh. Cũng như cuộc mặc cả mà tôi chứng kiến, một bên là chủ nghĩa nhân đạo”, một bên là chủ nghĩa “tiền trao cháo múc”, hai bên nhùng nhằng, chẳng ai hiểu ai và chấp nhận lý lẽ của ai. Chỉ có mặc cả và mặc cả, mặc cả cho đến lúc chưng hửng vì bỏ lỡ cơ hội để rồi phải chấp nhận giảm giá, giảm dần và giảm dần, mãi cho đến năm 1994, lúc được xoá lệnh cấm vận. [10]

Không chỉ thiếu tự trọng, nó còn man rợ nữa. Không nói đến tiêu chí hiện đại thể hiện ở Geneva Convention 1949, nó thậm chí còn man rợ cả với tiêu chí của văn minh cổ đại đi trước mình đến mấy chục thế kỷ. Homer, cách đây trên 3.000 năm, khi diễn tả lại cuộc chiến thành Troy trong Illiad, đã cho thấy thần Zeus “kinh động” như thế nào trước cảnh những tử thi bị kên kên rỉa xác và “lời nguyền” mà những kẻ man rợ sau cái trò này phải nhận lãnh như thế nào. Và Homer đã cho thấy, rốt cuộc, sau 12 ngày hành hạ tử thi của Hector, Achilles đã thực sự ân hận như thế nào, không chỉ ân hận đến mức trả lại thi hài của Hector mà còn đồng ý thời hạn hưu chiến đến 12 ngày để thành Troy có thể tống táng binh sĩ của mình một cách tử tế trước trận tử chiến cuối cùng. Nếu Illiad là một truyền thuyết xa xưa nhuốm màu thần thoại thì gần hơn, và xác thực hơn, là những sử liệu rành rành về mệnh lệnh của Abu Bakr vào thế kỷ thứ 7, giáo lĩnh đầu tiên của đạo Hồi, khi nghiêm ngặt yêu cầu binh sĩ mình phải đối xử tử tế, không được xúc phạm đến thi thể đối phương.

Hơn hẳn bất cứ vận động nào khác, chiến tranh là một cuộc vận động với xác suất cao nhất về những yếu tố bất ngờ và bất toàn nên sự phát sinh của những hành động man rợ mang tính cá nhân trong tình thế nóng bỏng của chiến trường ở phía này hay phía kia là điều khó mà tránh khỏi. Cái đáng nói ở đây là thời bình, một chính sách của thời bình, mà là một chính sách kéo dài. Khi cái trò kinh doanh hài cốt thiếu tự trọng ấy được nâng lên như một chính sách quốc gia thì vấn đề không chỉ đơn thuần là hai bên, đơn thuần là Washington và Hà Nội, là những nhà ngoại giao thay mặt và những nhà quyết định chính sách đứng sau. Theo những cuộc đàm phán kéo dài thì, càng ngày, những thân nhân chờ đợi sẽ càng đau đớn khi chồng hay con em chưa thể yên nghỉ một cách tử tế. Và càng ngày, theo những cuộc mặc cả giá xương cốt kéo dài, công dân của các nhà cầm quyền tự xưng “đỉnh cao trí tuệ” sẽ càng quen dần và tin dần vào “lẽ tự nhiên” hay sự “chính đáng” của cái trò hôi của từ xương người chết hay kinh doanh trên nỗi đau đớn của thân nhân người chết.

Lòng tốt đã bị “đánh cắp” từ những chính sách như thế. Ít hay nhiều, con người chúng ta ai cũng có chút “máu tham” trong người nhưng vấn đề là cái máu tham tiềm ẩn ấy đã bị đè nén hay triệt tiêu bởi những chuẩn mực đạo đức hình thành từ một nền tảng giáo dục phân minh, từ những thí dụ sống phân minh và đầy cảm hứng để bất cứ ai cũng khát khao học hỏi và noi gương. Nhưng những thành trì của sự tử tế trong lòng của từng người Việt đã bị tấn công liên miên, tấn công một cách lớp lang bài bản, tấn công một cách không thương tiếc. Đầu tiên là các chiến dịch chỉnh huấn, giảm tô rồi cải cách ruộng đất vào thập niên 50 với chú trương kích động mâu thuẫn, xúi giục hận thù và khêu gợi sự tham sân si. Để yên thân và để tiến thân, đồng đội hay đồng chí phải tố cáo và vu cáo đồng đội hay đồng chí. Và cũng để yên thân hay để được “thực phần” từ gia sản của những kẻ bị đấu tố, như một cách hôi của, những nông dân lại phải học cách tố cáo và vu cáo láng giềng.

Xây dựng quyền lực một cách thiếu phân minh như thế, hệ thống toàn trị chỉ có thể tồn tại dựa trên một nền tảng của những giá trị nhập nhằng.

Nhập nhằng giữa “chế độ” và “đất nước”, nó đặt mối đe doạ của chế độ lên trên mối đe doạ của đất nước, xem kẻ thù của đất nước là “bạn hữu nghị” trong khi đối xử với những công dân yêu nước như là kẻ thù. Nhập nhằng giữa khái niệm tư hữu và công hữu đối với đất đai, nó đặt quyền “sống còn và quyền mưu cầu hạnh phúc” của người dân lên trên quyền hôi của của thành phần đặc lợi, và để bảo vệ cái đặc quyền “hôi của” ấy, nó lại nhập nhằng giữa “quần chúng nhân dân” với đám côn đồ đá cá lăn dưa. Và, vậy là, như có thể thấy giữa những gì đang diễn ra ngày ngày, bất cứ chiến dịch cướp đất, chiến dịch đàn áp nông dân đòi đất hay đấu tố và đàn áp người bất đồng nào cũng có bóng dáng của đám côn đồ đá cá lăn dưa nhân danh “quần chúng”.

Đằng sau những chiến dịch lịch sử là những vụ hôi của lịch sử. Đằng sau những nhà cầm quyền già-đá-cá-lăn-dưa non-đạo-tặc là những “quần chúng” cực kỳ đá cá lăn dưa. Khi chính quyền chỉ là một giống ký sinh trùng bám vào tình trạng mập mờ để “Ăn của dân không từ thứ gì”, nó cũng không từ chối bất cứ phương tiện gì để bảo vệ cái quyền ăn bám đó, từ cứt cho đến mắm tôm. [11]

Từ chủ trương ngoại giao hài cốt đến biện pháp đàn áp mắm tôm chỉ là một khoảng cách rất ngắn. Và là một khoảng cách rất ngắn so với cái cảnh nhặt tiền phúng điếu dưới gầm cầu ở Lào Cai hay hôi bia tại Biên Hoà. Khi những nhà toàn trị cho rằng những hài cốt lính Mỹ đang nằm ở trong tầm tay, không dại gì vuột mất khoản lợi thì đám hôi của ở Lào Cai hay Biên Hoà cũng thế, đồng tiền hay thùng bia đang ở trong tầm tay, không ngu gì để vuột.

Lịch sử hết thăng thì lại trầm nhưng, luôn luôn, con người, như một tập thể cộng đồng, phải luôn luôn đứng vững với những phẩm cách cần có. Con người phải giữ vững bởi, ngày nào họ còn đứng vững, đất nước sẽ tiếp tục đứng vững và chính vì thế mà lịch sử của chúng ta trở nên đau đớn. Nó đau đớn vì, theo sự trượt dốc của đạo đức và sự biến mất của lòng tử tế như có thể thấy qua những thí dụ tràn lan trên mặt báo, người Việt ngày càng ác với nhau hơn, đê tiện với nhau hơn, nhưng ngờ nghệch và hèn hạ với kẻ thù truyền kiếp của mình hơn. Lịch sử hết trầm thì lại thăng và, sau cùng, lịch sử sẽ dành một chỗ đứng như thế nào cho cái hệ thống cầm quyền đã liên tiếp hạ thấp nhân phẩm và ngu muội hoá dân tộc mình như thế?

Tôi chợt nghĩ tới những bô cứt và những lọ mắm tôm thối đã ném vào những người bất đồng chính kiến, những nhà dân chủ, những nhà tranh đấu nhân quyền… [12]

18.12.2013

Tham khảo:
[1] Lê Thanh Phong, “Từ chuyện lòng tốt bị đánh cắp theo xe bia Tiger bị nạn”, Lao Động, 5.12.2013.
[2] “Hàng loạt vụ hôi của trắng trợn giữa ban ngày”, Vietnamnet 6.12.2013
[3] Nguyễn Văn Đạm. (1993), Từ điển tiếng Việt tường giải, liên tưởng, Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin, Hà Nội.
[4] Nguyễn Hoàng Văn, “Thịt hộp và Mercedes”, talawas 27.12.2004
[5] ÐặngVũ Hiệp (2002), Ký ức Tây Nguyên, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, tr. 82.
“Khuyết điểm thứ ba, công tác giáo dục và tổ chức cho bộ đội ý thức thu hồi chiến lợi phẩm, nhất là vũ khí trang bị chưa đầy đủ. Chưa tận dụng lấy vũ khí địch để diệt địch, còn nặng về lấy thức ăn. Có đồng chí đang đánh nhau vẫn ngồi ăn. Lại có anh em diệt địch xong, lấy thuốc lá vừa hút vừa xông lên đánh tiếp”.
[6] Hồi ký Trần Ðộ
[7] Có rất nhiều tài liệu về các vụ “hôi của” này, từ 16 tấn vàng vào năm 1975 đến các chiến dịch cải tạo công thương sau đó. Tài liệu mang tính “tổng kết” nhất là cuốn Bên thắng cuộc II: Quyền bính, của Huy Đức.
[8] Vì đưa việc này lên diễn đàn thảo luận của VnExpess và thu hút ý nhiều kiến phản đối vào cuối năm 2004, Tổng Biên tập Trương Ðình Anh đã bị cách chức. Có tin cho biết nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải muốn đóng cửa tờ báo ngay nhưng các viên chức văn hóa can thiệp, cho rằng mỗi tháng VnExpress có hàng chục triệu người đọc nên quyết định đóng cửa này ngay trước hội nghị ASEM là một điều không hay, chỉ nên dừng lại ở mức độ khiển trách.
[9] Tháng 1 năm 2013, 72 nhân vật nổi tiếng đã gởi “Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992”, trong đó đề nghị “áp dụng quyền sở hữu cá nhân về đất đai” nhưng “Hiến pháp” đã được thông qua với khái niệm sở hữu toàn dân trong vấn đề đất đai.
[10] Xem Hồi ký Trần Quang Cơ, Chương 1: “Việt Nam trong thập niên của thế kỷ 20”
[11] Lê Kiên, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan: ”Ăn của dân không từ một cái gì“
[12] Nguyễn Duy Vinh, “Cách dùng mắm tôm trong văn hóa đàn áp ở Việt Nam”, “Bùi Hằng bị ném mắm tôm, rác rưởi vào nhà” và “Ai là nhân dân của cộng sản?”
© 2013 Nguyễn Hoàng Văn & pro&contra


Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Nguyễn Hoàng Văn - Lịch sử của bệnh dịch


Nguyễn Hoàng Văn

Nhà văn Chu Giang – Nguyễn Văn Lưu và những kẻ a tòng trong vụ đấu tố luận văn của Nhã Thuyên – Đỗ Thị Thoan nên tìm đọc công trình nghiên cứu History of Shit của Dominique Laporte [i].


Họ cần đọc để may ra ngộ thêm, sáng thêm một vài điều. Họ cần đọc để hiểu rằng bất cứ thứ gì liên quan đến con người và cuộc sống, dù vĩ đại hay bé tí, dù thanh cao hay ghê tởm như là shit, sản phẩm của quá trình bài tiết, cũng đều đáng để nghiên cứu cả. Và họ cần đọc để hiểu rằng, chính họ, như những quân binh chỉ điểm và đấu tố, cũng rất đáng trở thành đối tượng nghiên cứu trong một công trình hàn lâm tương tự.

Trong cuốn sách trên Laporte đã nhìn lại lịch sử văn minh qua cách thức mà nhân loại ứng xử trách nhiệm với cặn bã bài tiết mà mình thải ra: theo từng thời kỳ, những thế cách ấy đã tăng tiến một cách phù hợp với những tiến trình văn minh khác, trong đó có tiến trình hình thành ý thức cái Tôi, ý thức về con người cá nhân, đặc biệt là cá nhân trong mối quan hệ với cộng đồng. Nói cho gọn thì đây là sự phát triển của “văn hoá bài tiết”: càng ý thức về những tác động từ sự “bài tiết” của mình, nhân loại càng đường hoàng và chính trực hơn trong việc thể hiện trách nhiệm trước những đống bài tiết mình thải ra.

Từ chuyện bài tiết sinh học này, hãy nhìn đến sự bài tiết ý thức – tư tưởng của những hệ thống cầm quyền.

Sự sống là một tiến trình trao đổi chất, ở đó từng hệ thống hấp thụ chất dinh dưỡng bên ngoài và thải hồi những cặn bã sau một tiến trình xử lý. Để sống thì hệ thống sinh học của từng cá nhân phải trao đổi chất qua tiến trình hô hấp, tiêu hoá và bài tiết. Và để sống, từng hệ thống cầm quyền phải tiến hành công việc tương tự về mặt ý thức và tư tưởng: “hô hấp” và “tiêu hoá” để hấp thụ những tư tưởng mới của thời đại và thải hồi cái đã lỗi thời.

Vấn đề cần nêu ra ở đây cũng là “văn hoá bài tiết” và nói theo ngôn ngữ tuyên giáo của hệ thống toàn trị là phải “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”. Nếu cá nhân không được phép vô trách nhiệm trước những thứ mà cơ thể mình bài tiết thì hệ thống chính trị cũng không được dửng dưng trước những cặn bã nó thải ra. “Không được phép vô trách nhiệm” hay “dửng dưng” chỉ là một cách nói. Một cách bình dân, nôm na, có thể nói thẳng là “ỉa bậy” hay “ỉa vất”: cá nhân không đuợc ỉa vất, chế độ cầm quyền không được ỉa vất.

Thế nhưng những bằng chứng lịch sử hiển nhiên lại cho thấy rằng cái hệ thống toàn trị hô hào “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” là một hệ thống chuyên ỉa vất, chuyên ứng xử vô trách nhiệm, luôn phủi tay trước những đống cặn bã mà nó thải ra. Nó ỉa bậy trên phương diện ý thức – tư tưởng đến độ, cho đến nay, sau gần ba phần tư thế kỷ, vẫn chưa chịu xây cho mình một cái hố xí hai ngăn.

Một thời, hệ thống toàn trị xây dựng sự sống còn của mình trên tư tưởng đấu tranh giai cấp cứng nhắc theo mô hình Stalinist hay Maoist mà hai thí dụ đau đớn nhất là phong trào đấu tố địa chủ trong Cải cách Ruộng đất vào thập niên 50, là phong trào đấu tố văn nghệ trong vụ Nhân văn – Giai phẩm vào thập niên 60. Nhưng để tiếp tục sống còn thì phải thải hồi những tư tưởng cứng nhắc ấy và, theo góc độ “văn minh bài tiết” mà Laporte đã chỉ ra, hệ thống trị vẫn chưa đủ trưởng thành để bài tiết một cách đàng hoàng và tử tế trong tinh thần “dám chịu trách nhiệm”.

Nó không bao giờ “sai lầm” hay “ấu trĩ”, chỉ có “một thời sai lầm và ấu trĩ”. Nó không có lỗi, chỉ “lịch sử” và “thời đại” là có lỗi. Nó thải, nhưng không nhận đó là chất thải. Nó bài tiết, nhưng không dám vứt thẳng vào hầm tiêu. Không thừa nhận là chất thải, cũng không dám vứt vào hầm cầu, nó đã hiện nguyên hình là một hệ thống ỉa bậy.

Trở lại với câu chuyện Nhã Thuyên và công trình nghiên cứu về nhóm Mở Miệng. Lịch sử chắc chắn sẽ lặp lại và một mai, khi quyền “Mở Miệng” được công nhận hay, ít ra, được đối xử công bằng và tử tế, cái chu kỳ ỉa bậy và “từng một thời ấu trĩ” kia cũng sẽ lặp lại. Nó lặp lại để những kẻ đang hăng hái lập công bằng cách chỉ điểm hay đấu tố sẽ kết thúc sinh mệnh văn nghệ hay “nghiên cứu” của mình tương tự sự nghiệp chỉ điểm và đấu tố của những bậc quân binh đi trước trong thập niên 50 và 60, những tên tuổi hiện đang trôi nổi trong đống chất thải vô thừa nhận của hệ thống toàn trị.

Có người gọi đoàn quân chỉ điểm và đấu tố ấy là những nhà “phê bình kiểm dịch” nhưng gọi vậy e không chính xác [ii]. “Kiểm dịch” là để ngăn ngừa bệnh dịch. Còn những cây bút ấy, khi đã tự nguyện nhảy vào hàng ngũ của đống chất thải vô thừa nhận, đã là hiện thân của một thứ mầm dịch, thứ dịch đã và đang phá hoại sự phát triển bình thường của nền văn học nói riêng và của đất nước nói chung [iii].

Như thế, nếu có một dự án nghiên cứu toàn diện về hệ thống toàn trị, cần có một chương trình nghiên cứu đặc biệt, chuyên sâu về quá trình ỉa bậy của hệ thống, cái quá trình “không dám chịu trách nhiệm” với những cặn bã gây dịch mà nó liên tiếp thải ra. Nhìn lại lịch sử nhân loại qua lăng kính bài tiết, Laporte đã có công trình đặc sắc History of Shit và chúng ta, nếu nhìn lại một chặng đường của đất nước trong phối cảnh riêng về chất thải mà hệ thống toàn trị đã bài tiết, chúng ta sẽ có gì?

Một History of Plague, Lịch sử của bệnh dịch chăng?

Từ History of Shit đến History of Plague: đáng gọi như thế lắm vì cái ổ dịch một thời của đất nước đang ngo ngoe sống lại, đang âm thầm truyền nhiễm và đang cố gây không khí khủng bố qua những hành động chỉ điểm và đấu tố một luận văn cao học.

30.7.2013
© 2013 Nguyễn Hoàng Văn & pro&contra



[i] Dominique Laporte, (2001), History of Shit. Cambridge: The Massachusetts Institutes of Technology Press. [Nguyên tác: Histoire de la Merde, bản Anh ngữ của Nadia Benabid và Rodolphe el-Khoury .]
[ii] Trần Đình Sử, “Phê bình kiểm dịch”, 17-7-2013
[iii] Về phong trào đấu tố luận văn cao học “Vị trí của kẻ bên lề: thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hoá” (Bảo vệ năm 2010 tại khoa Ngữ Văn, ĐH Sư phạm Hà Nội) của Nhã Thuyên, có thể đọc các bài viết: Phạm Thị Hoài. “Cú giãy cuối cùng của nền phê bình chỉnh huấn” (10.7.2013) và: Trần Đình Sử. “Cuộc phê phán luận văn của Đỗ Thị Thoan hay là sự xung đột về khung tri thức và thế hệ” (26.7.2013).