Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Hiền. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Hiền. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 23 tháng 5, 2023

Thơ Nguyễn Hiền, Sông Hương, Trần Hoàng Phố

MỚI ĐÓ 

buổi sáng đi qua để lại

vô số những hạt nắng nằm chết khô trên những bậc tam cấp

nhiều người đi qua cúi đầu nhìn

hai mắt để tang cho cuộc sống quá ngắn ngủi

chắc lưỡi than mới đó trời đã về chiều

 

mới đó. người ta cũng hay nói về một đời người

mới ngày nào giờ già hết cả đám

mới đó. người ta cũng hay nói về cái chết

chết hồi nào

mới thấy đây mà

mới đó. người ta cũng hay nói về nỗi buồn

khóc đó cười đó

dù là nụ cười méo xệch


Thứ Ba, 25 tháng 4, 2023

Thơ Tháng Tư của Khánh Hà, Nguyễn Hiền, Huỳnh Liễu Ngạn

 Điệp khúc Tháng Tư


Tháng Tư mùa xuân nơi quê người

Mặt trời rực rỡ nắng vàng tươi

Người vui như hội trên đường phố

Một góc trời riêng ta ngậm ngùi


Tháng Tư vết thương xưa còn đau

Tóc tang phủ xuống buổi chiều nào

Thành phố ta trong giờ dẫy chết

Quê hương ta tan tác, nghẹn ngào


Người kinh hoàng người chạy loanh quanh

Từ rừng sâu giặc đã vào thành

Đường nào tránh được bầy lang sói

Trèo non, lội biển, vuợt trời xanh


Thứ Ba, 18 tháng 4, 2023

Thơ Tháng Tư của Nguyễn Hiền, Cao Vị Khanh, Trần Hoàng Phố, Hoàng Xuân Sơn

Nắng tháng Tư


Em nghe không trong nắng tháng 4
tiếng khóc trẻ thơ lạc mẹ
tiếng kêu gào lạc giọng của người mẹ mất con
tiếng vợ gọi tên chồng
chồng gọi tên vợ
trong cảnh hỗn loạn chen lấn
bước lên con tầu đang kéo neo rời bến
ngày người lính được lệnh buông súng
ngày Sài gòn tuyên bố đầu hàng

em nghe không trong nắng tháng 4
tiếng than dài uất nghẹn của những thương binh
bị đuổi ra khỏi nhà thương
với vết thương trên đầu còn chảy máu
với cái chân gãy mới vừa bó bột
với một cánh tay bị cắt cụt
với thân tàn ma dại chi chít vết thương
do miểng lựu đạn
không một bộ đồ lành lặn
không một xu dính túi
ngày người lính được lệnh buông súng
ngày Sài gòn tuyên bố đầu hàng

Thứ Ba, 11 tháng 4, 2023

Thơ Tháng Tư của Trần Trung Đạo, Nguyễn Hiền, Thận Nhiên, Đặng Tiến

Hơi thở Việt Nam

(Ðể tưởng niệm Trung Tá Cảnh Sát Long, người đã tự sát dưới chân tượng đài Thủy Quân Lục Chiến tại Sài Gòn sáng ngày 30-4-1975)

Trên đám cỏ này là nơi anh đã nằm 

Trên nắm đất này là nơi máu anh đã nhỏ 

Ðất vẫn một màu nâu 

Cỏ vẫn một màu xanh muôn thuở 

Mặt trời mỗi sớm vẫn rọi vào làm lóng lánh 

những giọt sương 

Như đôi mắt sáng của anh 

Lần cuối cùng ngửa mặt nhìn tổ quốc yêu thương 

Dưới chân tượng đài Thủy Quân Lục Chiến. 

Trung Tá Long! 

Họ của anh là gì vẫn chưa ai biết 

Có phải là Ngô, Ðinh, Lý, Trần hay Lê, Nguyễn...Văn Long ? 

Không, tên của anh đã bắt đầu 

Từ ở núi, ở rừng, ở biển, ở sông


Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2023

Thơ Nguyễn Hiền, Đào Như, Hoàng Xuân Sơn, Đặng Tiến

Cũng có sao đâu


ly cà phê sáng bốc khói
tháng hai còn bóng dáng mùa đông
chiếc áo len cũ mặc lâu rồi
sờn mấy chỗ thây kệ, mặc có sao đâu
người đàn ông mỉm cười với chính mình
ly cà phê khét đắng mùi bắp, mùi đậu nành rang
cũng có sao đâu, cà phê vỉa hè mà
chỗ nào cũng như nhau
người đàn ông ngồi một mình không có bạn
uống chậm rãi ly cà phê giá 10k
cũng có sao đâu
không cần phải đến những nơi sang trọng như highland, starbucks…

rồi buổi sáng cũng trôi qua
rồi một ngày cũng trôi qua
rồi nhiều năm cũng trôi qua
mỗi ngày uống một ly cà phê vỉa hè
cũng có sao đâu

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2022

Nguyễn Hiền: Du lịch Oaxaca – Lễ hội cho Người Chết (Phần 2)

Ẩm thực

Nếu nhà cửa, chợ búa, văn hóa ở Oaxaca nhiều màu sắc, thì ăn uống cũng không kém. Nhưng nó vừa đa dạng, lại vừa đơn điệu.

Đa dạng ở chỗ người ta chế biến ra đủ thứ món ăn bằng phương cách giản dị: trộn với nhau và nếm thử. Trong tiệm ăn bình dân, người ta có thể gọi một món ăn bằng cách diễn tả, kiểu như ở Việt Nam, gọi ‘cho dĩa cơm sườn nướng, lấy nhiều đồ chua chút, đừng cho cay quá, thêm chút nước mắm v.v.’. Mua khúc bánh mì kẹp nơi xe bán rong ngoài đường, nói từng bước: cho sốt chút thôi, lấy gà nướng, phô-mai quesillo, khỏi bỏ ớt, không lấy mole đen mà lấy mole đỏ, thêm cà chua nữa, có rau không, salsa chừng đó đủ rồi. Bao nhiêu tiền vậy? Làm một tràng liên tục, chẳng khác nào gọi ly cà phê Starbucks! Nói quíu cả lưỡi, vì rất ít người biết tiếng Anh, họ cho tiếng Tây Ban Nha là ngôn ngữ số 4 trên thế giới mà, muốn tới chơi thì phải ráng học ngôn ngữ của họ.

Với những người hoàn toàn không biết tiếng Tây Ban Nha hoặc trước một vấn đề phức tạp, có cách giải quyết khác, rất giản dị. Đó là móc điện thoại ra, có Google Translate cài sẵn trong đó, gần như nhân viên văn phòng và người ngồi quầy trong tiệm nào cũng có. Xe hơi cho mướn bây giờ cũng không còn máy định vị GPS chỉ đường nữa, và cũng không còn CD trong xe, vì ai cũng dùng Google Maps và stream nhạc qua Bluetooth.


Thứ Ba, 6 tháng 12, 2022

Nguyễn Hiền: Du lịch Oaxaca – Vùng đất nhiều màu sắc (Phần 1)

Viết vào thời điểm 100 peso = 5 USD = 5 €

Ở Âu châu, nếu nghe ai đó nói đi du lịch Mexico, khi hỏi lại, thường là nghe họ kể đi tắm biển Cancún vùng Yucatán, lướt sóng, thăm thủ đô Mexico City, xem kim tự tháp và các di tích của dân Aztec…. Cao lắm là đi một vòng các tỉnh phía bắc và đông bắc. Dân Âu châu – ngoại trừ Tây Ban Nha – hoàn toàn xa lạ với Oaxaca, thành phố độc đáo với sự pha trộn của nhiều giống dân khác nhau và có một nền ẩm thực riêng. Tôi không thích biển, còn kim tự tháp xem đã nhiều, do đó đã chọn Oaxaca trong chuyến du lịch này, mặc dù không thể nào tìm ra một tour Oaxaca khởi hành từ Amsterdam, có hướng dẫn viên. Thì tự đi vậy, một phần cũng vì muốn xem tận mắt ngày Día de los Muertos (Ngày của Người Chết), một ngày lễ hội Mexico, và đặc biệt của vùng này.


Thứ Sáu, 3 tháng 12, 2021

Lale Gül: Tôi sẽ sống (Nguyễn Hiền dịch)

Lời người dịch.-

Vào tháng 2/2021, tác phẩm đầu tay Ik Ga Leven (Tôi Sẽ Sống) của nhà văn nữ trẻ Lale Gül đã gây sôi nổi trong làng văn học Hòa Lan. Lale Gül (sinh năm 1997), người Hòa Lan gốc Thổ Nhĩ Kỳ, viết tác phẩm này khi cô đang theo học ban Văn Chương. Cô sinh trưởng trong một môi trường giáo dục khắc nghiệt theo Hồi giáo chính thống. Ik Ga Leven là cuốn tự truyện của cô, qua đó cô đã xác định quan điểm của mình, là đoạn tuyệt với lối giáo dục nghiêm khắc này. Ngay khi tác phẩm được xuất bản, cô đã bị gia đình cấm cửa. Những lời kêu gọi giúp đỡ cô cũng không được cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ ở Hòa Lan hưởng ứng, nhưng cô đã được Parool, một tờ báo lớn của Hòa Lan, mời giữ mục xã luận. Cuộc đời cô sẽ được quay thành phim, và tác phẩm này đã được trao giải NS Publieksprijs 2021 (là giải bình chọn tác phẩm tiếng Hòa Lan do công chúng, một giải văn học quan trọng ở Hòa Lan) với 32% trong tổng số hơn 210.000 số phiếu bình chọn. Dưới đây là bản dịch những trang đầu của tác phẩm, đọc để hiểu một phần vì sao cô bị cộng đồng Thổ Nhĩ Kỳ tẩy chay.

Nguyễn Hiền

***


Tôi sẽ sống


Giá mà tôi chịu đi theo dòng dư luận thì chuyện này đã không xảy ra với tôi, tôi đã không biến thành một kẻ bị ruồng bỏ. Với sự hiểu biết của ngày mốt, ngay hôm nay tôi sẽ đưa ra một quyết định vội vàng và láo xược. Có rất nhiều điều trong cuộc sống nghe thật tuyệt vời nếu bạn nghĩ ra chúng, nhưng nói chung, tốt hơn là bạn không nên thực hiện chúng. Điều tương tự cũng áp dụng cho việc xuất bản tác phẩm này. Do đó, tôi đưa ra cho quý vị lời khuyên sau đây theo cách của Cruijf (1): hãy giấu mọi thứ mà chúng sẽ làm quý vị hối hận sau này.

Tôi đưa quý vị cùng đi vào câu chuyện của tôi. Hãy cho chúng ta hy vọng là tôi quăng được cục đá xuống ao.

Thứ Bảy, 18 tháng 9, 2021

Nguyễn Hiền: Câu chuyện trong đêm ngủ đỗ

Cho đến khi gặp chiếc bảng thứ tư với hàng chữ “Stau” loé sáng thì cả bốn đứa chúng tôi đều đồng ý là không thể nào đi thêm được nữa, phải tìm chỗ ngủ lại thôi. Lời đề nghị ném ra là phải tìm một nơi nào đó, trước ăn, sau là ngả lưng, không có lời phản đối hay ưng thuận. Bên cạnh tôi, Cử vừa ngồi rột dậy sau một chuỗi những giấc ngủ ngắn. Anh ta vươn vai rồi bẻ khục tay kêu lắc cắc:

– Mẹ bà nó, đi làm chi cho khổ dữ vậy nè trời.

Vừa nói Cử vừa bực dọc quay kính xuống. Nắng chiều xiên khoai ngột ngạt hắt vào trong chiếc xe đang lê những bước con rùa. Tôi quờ tay ra sau cốp, lục trong bị, đưa mỗi người một lon bia, cố tìm một đề tài diễu:

– Nè mấy cha uống đi, giấc này mấy thày cảnh sát đâu có huởn mà tìm bắt dân nhậu.

Không tiếng trả lời. Chất bia phơi nắng đắng nghét chảy vào cổ họng. Đầu váng vất. Mồ hôi nhễ nhại. Các băng nhạc mang theo đã nghe đến lần thứ mấy không biết. Bảo lò mò tìm một chương trình nhạc nhộn, nhưng chỉ gặp những tiếng rột rẹt, rột rẹt nếu không phải là những chuyện lảm nhảm. Hắn tắt radio cái phụp, trả số hai, chiếc xe gầm lên phóng sát đít thằng đồng loại đi trước, chúi mũi hậm hực.

–Ê chạy từ từ giùm cái coi bác tài. Bộ hết chuyện giỡn hả mấy cha?

Câu pha trò xìu xuống như miếng bánh mì mắc mưa. Cả bốn đứa đều ngóng đến một chỗ quẹo nào đó vào trong làng hay một ngôi nhà cạnh trạm xăng với chữ M màu xanh, dấu hiệu của cái motel. Chỉ thấy con đường phía trước quanh co đang bò lên đồi, hai hàng xe đủ màu di động như hai con rết khổng lồ quằn quại ngược chiều nhau. Bảo 'gà tồ' cứ lầu bầu mãi trong miệng:

– Hồi sáng tôi nói mấy già đi sớm mà cứ lừng chừng lừng chừng hoài. Kia kìa quẹo đại vô cái đường kia rồi tới đâu tới.

Thứ Bảy, 17 tháng 4, 2021

Nguyễn Hiền: Gặp lại làm gì!

Tôi rời tay Liên lúc chúng tôi bước ra vùng ánh sáng thành phố. Dãy đèn đêm nghiêng ngả chiếu ánh vàng vọt xuống chúng tôi thành những hình thù quái dị trên đường lồi lõm, lúc thu ngắn, lúc dãn ra dài dặc. Tôi hôn lên chùm tóc Liên xõa xuống vai, mùi đất ẩm lẫn hương cỏ nhàu nát còn vương vấn. Liên rùng mình nắm tay tôi. Những cái run nhè nhẹ của bàn tay nhỏ bé, với những ngón gầy guộc truyền qua. Tôi mân mê những ngón tay có móng dài mười lăm phút trước vừa bíu vào vai tôi đau rát. Tôi lần tìm ngón trỏ, rà lên chiếc móng bị gãy cụt lúc sáng Liên rê bao than từ cửa hàng chất đốt về nhà. Liên rụt tay lại, cô bé có vẻ ngượng với một cái bất toàn của thân thể, dù chỉ là một cái bất toàn tạm thời. Giọng Liên ngập ngừng:

– Anh chắc đi lọt không?

– Chắc chớ. Tụi công an bãi bật đèn xanh rồi. Tôi trả lời không suy nghĩ.

Liên thở dài:

– Anh đi ráng coi chừng...

– Thì em nhớ cầu nguyện cho anh.

– Em nhớ mà. Nhưng em lo sức em không đủ mạnh. Liên hạ giọng nói nhỏ vào tai tôi: sau này em hư quá, lỗi em đối với má quá lớn. Chỉ tại anh...

Tôi cười trấn an:

– Em đâu có lỗi gì, mình thương nhau mà.

– Em không biết nữa...

Tôi đổi chiếc xe đạp sang tay kia:

– Em ngồi lên đi anh chở về..

– Thôi, để em về một mình cũng được mà. Anh đi kẻo tối rồi.

Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2020

Nguyễn Hiền: Ai nấu hơn ai?

“Đầu bếp giỏi là đàn ông”. Câu này chúng ta rất thường nghe và nhiều người coi như đó là một khẳng định chắc nịch. Là một người biết nấu ăn đôi chút, nhiều lúc tôi cũng tự hỏi mình là nhận định này có đúng không. Tôi cảm thấy mình nấu chưa bằng ai, các bạn nam giới của tôi cũng chẳng thấy ai nổi trội hơn mấy bà. Có bằng cớ gì chứng minh, hay có luận cứ nào giải thích được câu trên chăng?

Từ khi suy nghĩ về vấn đề này, tôi bắt đầu để ý, và quả thực, qua giới thiệu của những nhà hàng nổi tiếng, tôi thấy đầu bếp chính của họ tuyệt đại đa số là đàn ông. Ngược lại, khi ăn những tiệm bình dân, nhà hàng nhỏ, tôi thấy đầu bếp phần lớn, tuy không phải tuyệt đại đa số, là nữ giới. Như thế, có thể đi tới kết luận: một khi nhà hàng phát triển, đầu bếp nữ phải rút lui? Nghe có vẻ nghịch lý.

Từ thắc mắc này, trong suốt nhiều năm, tôi đã để ý, suy nghiệm để thử tìm một số giải đáp cho câu hỏi: “Nấu bếp, giữa nam và nữ, ai giỏi hơn ai?”

Nhà hàng lớn là nhà hàng nấu ngon?


Trước tiên, ta phải thấy ngay câu này sai. Ở Thái Lan, Trung Quốc… có những nhà hàng khổng lồ nhưng ai dám bảo đó là nhà hàng ngon. Cách nơi tôi ở mười phút xe có một nhà hàng wok Á châu (De Malle Jan, làng Maarseveen – Hòa Lan) nổi tiếng do sức chứa 1200 người và hơn 20 giàn bếp, nhưng quả thực nó chỉ có tiện lợi, hoa hòe thôi chớ không ngon.

Ở những nhà hàng nổi tiếng ngon, qua đánh giá của Trip Advisor, nhiều khi bạn phải đặt bàn trước vài ngày hay một tuần. Tại nhà hàng el Bulli (năm 2013 đã đóng cửa) bạn phải đặt bàn trước cả năm.

Chắc chắn một điều: Những nhà hàng nổi tiếng nấu ngon không phải là nhà hàng có diện tích lớn.

Đầu bếp của nhà hàng nổi tiếng là đàn ông hay đàn bà?

Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2020

Nguyễn Hiền: Bài Thơ Viết Cho Tháng 5

Hình minh hoạ, ML

tháng 5 rồi sẽ đến
niềm vui sẽ trở lại
nắng trên đầu sẽ đưa đón em mỗi ngày đến trường
gặp lại thầy cô
bạn bè
câu chuyện mùa cách ly
rồi sẽ trở thành kỷ niệm
chiếc khẩu trang giấu trong trí nhớ
hàm răng trắng khoe nụ cười giòn giã
giờ ra chơi
trái ổi, trái xoài chia năm xẻ bảy

tháng 5 rồi sẽ đến
bồi hồi ngày trở lại trường
em ghi vào nhật ký
thuở xa xưa
có một năm hè không đến
bạn bè gặp lại nhau
tay muốn nắm chặt tay
nhưng từ khoảng cách hai mét
không làm sao với tới
hai con mắt giả bộ giận hờn

tháng 5 rồi sẽ đến
em bước đi trên sân trường đầy hoa phượng héo rửa
chuyện cổ tích
em kể

Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2020

Nguyễn Hiền: Du lịch Nepal, những ngộ nhận kỳ thú (Tiếp theo và hết)

Pokhara là thành phố lớn thứ nhì, sau Kathmandu. Nằm ở cuối xa lộ H4, 200km phía tây Kathmandu, khi xưa Pokhara là một trong những con đường vận chuyển hàng hóa giữa Tây Tạng và Ấn Độ. Nay Pokhara đã chuyển hướng hẳn sang ngành du lịch và phát triển mạnh từ khi du khách đổ tới Nepal, và trở thành “thủ đô du lịch”. Rất khác với Kathmandu, nơi đây nhà cửa đường xá ngăn nắp hơn, không có nhiều đền chùa đồ sộ, thắng tích cổ xưa. Thành phố mang nhiều vẻ Tây phương, dân chúng giàu có hơn, nhưng rõ ràng thiếu sự quyến rũ những người đi tìm nét đẹp châu Á. Khắp nơi là những hàng ăn, quán nước với bảng hiệu nhiều tiếng Anh hơn chữ rồng rắn Nepal, và nhạc xập xình, tập trung nhiều ở bờ đông và bờ nam hồ Phewa rộng mênh mông nằm phía tây thành phố. Dọc bờ hồ có thuyền cho mướn chèo đi vòng vòng, người ta thích mướn thuyền tới đền Tal Bahari nhỏ xíu nằm giữa hồ để chụp vài tấm hình không bị vướng du khách.

Pokhara nằm sát chân rặng Annapurna, tức nhánh phía tây nam của Hy Mã Lạp Sơn. Dịch vụ leo núi hoặc theo những track len lỏi trong vùng núi non này rất nhộn nhịp. Những cửa hàng bán dụng cụ leo núi, gậy mũ vớ, rồi áo lạnh áo gió, khăn choàng len cashmere (dê núi lông xoăn) hoặc pashmina (dê núi lông dài) và len trâu yak đếm không xuể. Tuy không có kinh nghiệm về len, nhưng nhìn giá bán những chiếc khăn choàng len dài rộng đủ màu mà rẻ như bèo (5 - 20 đô một chiếc) và số lượng hàng bầy bán nhiều hơn mức số dê ở Nepal có thể cung cấp bội phần, tự dưng tôi nhớ lại một phim tài liệu đã xem về trò ma đầu của Trung Quốc đã thao túng ngành len cashmere và số phận những dân Mông Cổ phải sống một kiếp ngựa trâu để phục vụ các nhà thầu Hán tộc ra sao. Đồ lạnh, túi xách nhái nhãn The North Face, Marmot… một cách vụng về bầy tràn lan khắp nơi vẫn thu hút khách hàng. Dù sao, mọi người cần phải có cái gì đó để làm kỷ niệm cho một chuyến du lịch không dễ gì có.

May mắn, khi chúng tôi tới Pokhara thì được liền mấy ngày trời quang mây tạnh. Rặng Annapurna trùng trùng điệp điệp trước mắt, đi theo mấy cái track lên tới độ cao trên dưới 1500m, ngủ một nơi không được tiện nghi cho lắm, để có thể trải nghiệm cảnh núi non hùng vĩ, làm vài cuộc đi bộ quanh chân mấy ngọn đồi và nhất là thấy rõ các ngọn núi đổi màu từ đỏ hồng khi mặt trời mọc, sang trắng như tuyết lúc nắng lên và chiều xuống thì xám dần. Dân Nepal chỉ gọi là núi khi nó có độ cao hơn 3500m, ngọn nào thấp hơn đều là đồi hết. Thời đại internet, người ta bày cho tôi tải cái app Peaklens vào điện thoại, chỉ cần hướng máy vào rặng núi là nó sẽ chỉ ngay ngọn núi nào tên gì và cao bao nhiêu, thật là những chuyện khi xưa nghe như chuyện thần tiên, riêng tôi thì phục người nào đã tạo ra được cái app này quá xá, cho dù đôi khi nó bị mắc lừa, thấy đám mây ngỡ là ngọn núi, thấy tòa cao ốc ở gần lại cho là ngọn đồi ở xa!

Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2020

Nguyễn Hiền: Du lịch Nepal, những ngộ nhận kỳ thú


Viết vào thời điểm 1 € = 120 RS, 1 USD = 110 RS.

Khi nói đến Nepal hoặc Ấn Độ người Việt mình thường nghĩ ngay tới “xứ Phật”. Tuy nhiên, bài du ký này không đi nhiều vào các chi tiết chùa chiền hay các Phật tích. Đây là chuyến du lịch, không phải cuộc hành hương. Ngoài ra, với số vốn kiến thức về Phật giáo giới hạn, không đủ để làm thành một bài đi sâu vào chi tiết, và cuối cùng, hẳn nhiều người cũng tò mò muốn biết Nepal có gì lạ, không lẽ chỉ có đền chùa mà thôi sao.

***

Nepal là một nước nhỏ nằm kẹp giữa hai anh khổng lồ là Trung Quốc phía bắc và Ấn Độ phía nam. Diện tích bằng gần nửa nước Việt Nam, với dân số xấp xỉ 30 triệu. Nepal bị hai anh khổng lồ chèn hai bên có thể hiểu theo nghĩa đen: quốc gia này nằm ngay đường nối hai mảng lục địa đang xáp lại gần nhau: mảng Ấn Độ phía nam đang chùi xuống bên dưới mảng Á-Âu phía bắc, sự chuyển dịch này đã tạo ra rặng Hy Mã Lạp Sơn. Theo tính toán của các nhà địa chất, cứ khoảng 750 năm Nepal lại chịu một trận động đất lớn. Và điều đó vừa xảy ra năm 2015, đúng theo chu kỳ. Nhiều khu dân cư bị thiệt hại nặng, nhà cửa đền đài cung điện cũng chịu chung số phận chứ chẳng có phép lạ nào xảy ra. Nơi thì sụp mái, nơi sạt một góc, nơi chỉ còn một đống cây ngổn ngang hay đống gạch vụn. Trông cảnh hoang tàn mà chỉ biết chắt lưỡi thở dài. Bốn năm trôi qua mà dường như chưa được tái tạo bao nhiêu. Nhà dân thì dễ. Đền đài cung điện, vì là di tích lịch sử đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới, cho nên bắt buộc phải xây cất lại theo cách cổ truyền. Hai trở ngại lớn là không được dùng xi-măng và không còn mấy người giỏi nghề chạm khắc gỗ như xưa. Ngoài ra, chuyện này khó thực hiện trong thời nay, khi người dân còn trăm ngàn thứ khác phải lo ngoài những sinh hoạt tâm linh.

Kathmandu, đền chùa và ngọn Everest


Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2019

Nguyễn Hiền: Formosa xả thải: món quà tuyệt vời cho nhóm Cờ đỏ

Và xăng tăng, điện tăng, vật giá tăng, lương vẫn giữ nguyên là món quà tuyệt vời cho những ai tự nhận mình là lực lượng 47, tự cho mình là một thành trì kiên cố chống lại bọn “phản động”.


Trang tin điện tử mothegioi đưa tin, tại Hà Tĩnh, cảnh sát môi trường 'bó tay' với hàng triệu tấn chất thải của Formosa. 

Lý do: Formosa không cung cấp. Ngoài ra, Formosa còn gọi các loại bùn thải là “bùn quặng”, “bùn khoáng”… không thể hiện đúng bản chất. 

Văn bản Công an Hà Tĩnh kiến nghị về các vấn đề của Formosa là điều đáng hoan nghênh, bởi nó làm đúng phần chức trách nhiệm vụ, đặc biệt là nhóm Cảnh sát môi trường. Formosa, vẫn là cái tên gây ám ảnh cho chính những người vẫn đã và đang trăn trở về môi trường tại Hà Tĩnh và dọc miền Trung, kể từ năm 2016. Nhưng Formosa sẽ không phải là nỗi quan tâm lớn lao của một số người, gồm Võ Kim Cự - nguyên Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh và nhóm Cờ đỏ - “bảo vệ an ninh tổ quốc”. 

Võ Kim Cự chỉ là người thi hành, nhưng Cự vẫn là người điều tiết trực tiếp nhất cho Formosa đóng rễ tại Hà Tĩnh. Trong khi nhóm Cờ đỏ, tập hợp những con người “thừa nhiệt tình” và cũng “thừa phá hoại” với áo đỏ, băng rôn đỏ, và sự nhiệt huyết đến mức kinh sợ. Vai trò chính của Cự là trải thảm đỏ cho Formosa vào đầu tư một cách dễ dàng, và nhóm cờ Đỏ chính là để “Ngăn chặn nạn nhân của thảm hoạ môi sinh trong việc nộp đơn kiện hay biểu tình phản đối Nhà Máy Gang Thép Formosa” [1]. 

Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2019

Nguyễn Hiền: Ngày mai về xứ lạ

Hình minh họa, Christian Berg/Getty Images

– Mai mày về bển rồi. 

Tiếng nói rơi vào khoảng không mênh mông vùng ngoại ô thành phố. Chiều nắng rát mặt. Tôi ngồi trên chiếc cầu làm bằng hai tấm ván thô bắt ngang khoảnh đìa nhỏ, bên dưới ngập một thảm rau xanh rì, rợn gió. Chị tôi ngồi bên, ống quần vén lên tới đùi, để lộ hai cẳng chân với bắp chuối tròn mập, gót chân sần sùi nẻ nứt, đây đó những đường gân xanh và những vết sẹo xuống đến hai bàn chân rửa chưa sạch bùn. Trời đã xế chiều, đám rau muống vừa được xáo vội trong nước đục ngầu dưới đìa và tụm thành bó nằm sắp lớp một bên bờ nước. Mùi nhựa rau mới cắt bốc lên hăng hăng mũi, trộn lẫn mùi nước bùn. Chị vuốt những sợi tóc mai lấm tấm mồ hôi trên thái dương, lập lại một lần nữa câu nói trống không: 

– Mai mày về bển rồi. Mới vậy mà lẹ dữ. 

Tôi lặng im. Dư vị những ngày nghỉ về ở với chị vẫn còn đậm nét trong đầu. Nhìn lại, ba tuần lễ qua đi như chớp. Hai chiếc va li đồ đã sẵn sàng cùng tôi trở về xứ lạnh. Tôi lảng sang chuyện khác, lập lại một câu mấy tuần nay tôi vẫn nói: 

– Thấy chị hồi này sống thoải mái em cũng mừng. 

– Tao từ hồi nào tới giờ vẫn thoải mái. Tới đâu hay tới đó. Chỉ biết lúc nào Trời còn thương thì tao còn sống, vậy thôi. 

Thứ Năm, 21 tháng 3, 2019

Nguyễn Hiền: Những Đại đế thời hiện đại: từ V.Putin đến Nguyễn Tấn Dũng

Putin - Nguyễn Tấn Dũng tại Hà Nội năm 2013

Nếu có một ví dụ tồi tệ về nhân quyền thì Nga xứng đáng được gọi tên. 

Nếu có một ví dụ tồi tệ về chuyển biến thể chế từ cộng sản sang tư bản nhưng bản chất vẫn giữ nguyên thì Nga cũng xứng đáng được gọi tên. 

Bằng những thủ thuật lách Hiến pháp, Nga thời V.Putin vẫn là một nhà nước độc tài, nhưng thay vì là “vua tập thể”, V.Putin trở thành “đại đế”. Và bản chất của nước Nga thời hiện đại là một nước dân chủ giả tạo. 

Quốc hội Nga dưới sự giật dây của V.Putin tiếp tục siết chặt quyền dân sự và chính trị của nước này, gần đây nhất là thông qua thông qua luật trừng phạt xúc phạm nhà nước. 

Nhưng rõ ràng, chúng ta sẽ không thể đòi hỏi gì hơn một quốc gia mà người đứng đầu của nó lại là một mật vụ thời Liên Xô (KGB), một lực lượng từng được ĐCS Liên Xô cưng chiều như một đứa con đẻ tốt nhất và duy nhất của chế độ. Và V.Putin cùng các đồng nghiệp của mình đã theo dõi và tống giam những nhà bất đồng chính kiến, những người “chống lại chế độ nhân dân” Liên Xô. 

Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2019

Nguyễn Hiền: Du lịch Costa Rica - quốc gia đi tìm sự cân bằng giữa môi trường và du lịch

Viết trong thời điểm 1000 CRC = 1,66 USD = 1,44 Euro



Costa Rica là một quốc gia từ ít chục năm nay trở thành một nơi hấp dẫn du khách thích cảnh trí thiên nhiên, do trào lưu du lịch sinh thái đang thịnh hành. Về mặt chính trị xã hội, trong khi những quốc gia lân cận gặp nhiều xáo trộn trầm trọng, Costa Rica là quốc gia duy nhất trong châu Mỹ Latinh gần như không bị ảnh hưởng gì từ những biến động trong vùng. Costa Rica có Chỉ số Hạnh phúc Thế giới (World Happyness Index) vào hạng rất cao và ít thay đổi (từ 2013 tới 2018 đứng hạng 12 - 14, Việt Nam năm 2013 còn được hạng 63, ba năm mới đây bị tụt hạng còn trên dưới 95). New Economic Foundation đã vinh danh Costa Rica là nước “xanh” nhất (greenest country) thế giới, và đã cho quốc gia này danh hiệu “quốc gia hạnh phúc nhất thế giới” hai lần, năm 2009 và 2012. Đó là những lý do khiến tôi làm chuyến du lịch tại đây để tìm hiểu lý do vì sao. Cộng thêm một lý do rất thực tế là KLM vừa thiết lập đường bay trực tiếp tới thủ đô San José (11/2018), không phải ghé Hoa Kỳ, một quốc gia với thủ tục xin nhập cư (dù chỉ là để đổi máy bay) phiền phức.

***

Khi nói đến Costa Rica, tưởng cũng nên nhắc tới vài nhầm lẫn thú vị. Đầu thế kỷ 16, nhà thám hiểm người Ý Cristoforo Colombo (Kha Luân Bố), khi đặt chân tới vùng đất này, ông ghi nhận là có nhiều người dân mang đồ trang sức bằng vàng, do đó ông gọi nơi đây là “bờ biển giàu có” (costa rica). Thực sự, dải đất hẹp này thời còn hồng hoang vốn là biển, sau đó các mảng lục địa ở hai bên chuyển dịch ép sát nhau, độn vùng này nổi lên thành eo đất nối Bắc với Nam Mỹ châu. Khi xưa, dải đất này là nơi giao thương rộn rịp giữa các nền văn minh Bắc Mỹ và Nam Mỹ, đưa tới hình ảnh xã hội giàu có mà Kha Luân Bố mô tả. Tới khi người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha chiếm các vùng đất Mỹ châu, thổ dân bị tàn sát và bị dịch bệnh hoành hành đến gần như tuyệt chủng. Thổ dân không còn, Costa Rica chỉ còn trơ lại một vùng đất hiểm trở, đầy núi lửa và rừng nguyên sinh.

Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2018

Nguyễn Hiền: Tản mạn về tên họ - Cho con nghìn vàng không bằng cho con một cái tên 

Cho con nghìn vàng không bằng cho con một cái tên

Hiện nay, bất cứ người Việt nào cũng đều có tên và có họ. Thông thường, nhiệm vụ của tên là để phân biệt các cá nhân với nhau trong gia đình hay trong cộng đồng nhỏ mà cá nhân đó là một thành viên. Nhiệm vụ của họ là để ghi dấu nguồn gốc của cá nhân. Muốn xác định cho thật rõ một cá nhân, người ta dùng cả tên lẫn họ (gọi đích danh): càng dùng nhiều chữ thì sự trùng hợp càng ít. Nếu cần xác định thêm nữa, thường người ta thêm năm sinh.

Chuyện người nào cũng phải có tên và họ được coi như là chuyện đương nhiên, thế nhưng có mấy ai thắc mắc về nguồn gốc của tên và họ từ đâu? Nhiều người cũng không biết là hiện nay, trong thế kỷ 21, những quốc gia mà trong đó tình trạng người dân chỉ có tên mà không có họ không phải là chuyện họa hiếm. Indonesia, hay Miến Điện là những thí dụ cụ thể. Tên bà Aung San Suu Kyi, chủ tịch đảng NLD của Miến Điện gồm có: Aung San là tên người cha, Suu là từ tên bà nội và Kyi là một phần của tên mẹ bà (Khin Kyi).

Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2018

Nguyễn Hiền: Du lịch Aruba: Một hòn đảo hạnh phúc – với những nghịch lý



Với những người không sống tại Hòa Lan, khi hỏi họ “có biết Aruba ở đâu không?” thì chắc có tới hơn 99% hoàn toàn mù tịt, ngoại trừ những người thích môn lặn dưới biển sâu, và cư dân các tiểu bang phía Đông Hoa Kỳ. Ngay cả với tôi, nếu bốn năm trước không nhờ một cơ hội hiếm có, được chuyến du lịch tại đảo Saint Croixtrong vùng biển Caribe, thì chắc chẳng bao giờ tôi nghĩ tới một chuyến đi chơi tại nơi xa xôi này. Giờ đây, cũng do một tình cờ, cộng thêm sự tò mò muốn biết Saint Croix (thuộc Hoa Kỳ) và Aruba (thuộc Hòa Lan) khác nhau ra sao, thì mới có được bài du ký bạn đang đọc.

Aruba là một đảo nhỏ nằm phía nam vùng biển Caribe, cùng vĩ độ với Nha Trang. Vùng quần đảo Caribe, từ ít năm sau khi Cristoforo Colombo (Kha Luân Bố, tiếng Ý) khám phá ra Mỹ châu vào cuối thế kỷ 15, là một khu vực xẩy ra nhiều cuộc giành đất của các đế quốc Anh, Pháp, Hòa Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha…, kể cả dân Viking vùng Bắc Âu cũng xúm vào đòi chia phần. Vài hòn đảo đã được mua đi bán lại giữa những đế quốc (gần đây nhất là Đan Mạch đã bán cho Hoa Kỳ một số đảo trong vùng này vào đầu thế kỷ 20, trong đó có đảo Saint Croix), rồi có những giằng co trong phong trào đòi độc lập. Hiện nay Aruba là một vùng đất tự trị thuộc Vương quốc Hòa Lan (Vương quốc Hòa Lan hiện nay gồm nước Hòa Lan nằm ở Bắc Âu và ba hòn đảo trong vùng biển Caribe, xa Âu châu gần 8000km!). Ngoài ba hòn đảo kể trên, Hòa Lan còn một số đảo trong vùng biển này, thuộc quyền bảo hộ. Đó là tóm tắt, trên thực tế chính trị còn nhiều sự phức tạp trong danh xưng và quyền lợi lẫn nghĩa vụ của đôi bên.