Thứ Ba, 5 tháng 9, 2023
Nguyễn Hưng Quốc: Thơ ba dòng (II)
![]() |
Nhà thơ, nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc |
Viết văn ở hải ngoại là cuộc hành lạc đau đớn của những
Gã đàn ông
Bất lực
2.
Phần lớn những nhà thơ kém may mắn
Chỉ mân mê những chữ
Bị thiến
3.
Nhìn những vì sao xa xăm
Hắn nghe tiếng thở dài của một
Trinh nữ già
Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2023
Nguyễn Hưng Quốc: Thơ ba dòng
![]() |
Nhà thơ, nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc |
Dưới háng là
2.
Lãnh cung
Của những đoá hoa hồng
3.
Ngọn núi nghiêng mình tránh
Một chiếc lá rơi
4.
Trời đất phúng điếu bằng
Một hạt bụi bay
Thứ Ba, 25 tháng 4, 2023
Nhiều văn nghệ sĩ trí thức người Việt trong ngoài nước chúc mừng nhà văn Dương Thu Hương được trao giải Cino Del Duca 2023 của Pháp
#GrandsPrix2023 |📕Le Prix mondial Cino Del Duca 2023 remis à Duong Thu Huong pour l’ensemble de son œuvre littéraire.https://t.co/6iRJI2lMgc
— Institut de France (@InstitutFrance) April 24, 2023
Nhà văn Dương Thu Hương của Việt Nam vừa được Học viện Pháp trao giải Cino Del Luca.
Tên của bà đã được ông Daniel Rondeau, thuộc Học viện Pháp, công bố vào Thứ Sáu ngày 21 tháng 4 năm 2023 trong khuôn khổ Lễ hội Sách Paris.
Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2023
Nguyễn Hưng Quốc: Báo Tết và văn hóa Tết
![]() |
Bìa báo xuân Sài Gòn thập niên 1950,nguồn VNExpress |
Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2023
Nguyễn Hưng Quốc: Nói chuyện ngôn ngữ–Đút vào/Rút ra
Mới đây, đọc báo, không hiểu tại sao, tình cờ tôi lại chú ý đến chữ “đút” trong một câu văn không có gì đặc biệt: “Chị ấy đút vội lá thư vào túi quần...” Từ chữ “đút” ấy, tôi chợt liên tưởng đến chữ “rút”: cả hai từ làm thành một cặp phản nghĩa: đút (vào) / rút (ra).
Ðiều làm tôi ngạc nhiên là cả hai từ đều có phần vần giống nhau: “-ÚT”. Chúng chỉ khác nhau ở phụ âm đầu mà thôi: một chữ bắt đầu bằng phụ âm “đ-” (đút) và một chữ bằng phụ âm “r- ” (rút).
Hơn nữa, cả từ “đút” lẫn từ “rút”, tuy phản nghĩa, nhưng lại có một điểm giống nhau: cả hai đều ám chỉ sự di chuyển từ không gian này sang không gian khác. “Ðút” cái gì vào túi hay “rút” cái gì từ túi ra cũng đều là sự chuyển động từ không gian trong túi đến không gian ngoài túi hoặc ngược lại.
Tôi nghĩ ngay đến những động từ có vần “-ÚT” khác trong tiếng Việt và thấy có khá nhiều từ cũng có nghĩa tương tự. “Hút” là động tác đưa nước hoặc không khí vào miệng. “Mút” cũng là động tác đưa cái gì vào miệng, nhưng khác “hút” ở chỗ vật thể được “mút” thường là cái gì đặc. “Trút” là đổ cái gì xuống. “Vút” là bay từ dưới lên trên. “Cút” là đi từ nơi này đến nơi khác do bị xua đuổi. “Nút” hay “gút” là cái gì chặn lại, phân làm hai không gian khác nhau. “Sút” là tuột, là suy, là giảm so với một điểm chuẩn nào đó.
Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2022
Nguyễn Hưng Quốc: Bạn Văn (3) - Mai Thảo (1927-98)
Trong lúc ông nói chuyện, tôi đảo mắt nhìn quanh. Một kệ sách. Một cái bàn. Một cái giường chiếc phủ nệm trắng. Một cái Tivi nhỏ và năm bảy chai rượu nằm trong góc. Là hết. Lúc ấy, tôi nghĩ ngay đến một câu thơ của Nguyễn Bính: ‘Quán trọ nhà thơ như chiêm bao’.
Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2022
Nguyễn Hưng Quốc: Bạn Văn (2) - Nguyễn Mộng Giác (1940-2012)
Trong những người cầm bút nổi tiếng trước năm 1975, hai người đầu tiên tôi thân là Mai Thảo và Nguyễn Mộng Giác. Thân hầu như ngay tức khắc khi tôi gửi bài cho Văn và Văn Học. Nhận được bài, bao giờ anh Giác cũng viết thư khen ngợi. Tôi xem anh và Mai Thảo như những tri âm thứ nhất của mỗi bài mình viết. Tháng 3, 1989, tôi mới gặp Nguyễn Mộng Giác trong một cuộc hội nghị văn học ở Chicago. Gặp nhau, có cảm tưởng như đã thân thiết từ bao giờ. Chuyện trò miên man không dứt. Sau đó, anh Giác rủ tôi về California chơi. Tôi ở nhà anh mấy ngày. Lại chuyện trò. Đêm nào cũng chuyện trò đến khuy lơ khuya lắc. Năm sau, anh Giác sang Pháp. Anh ở nhà chị Thuỵ Khuê nhưng vẫn gặp tôi khá thường xuyên. Lại vẫn chuyện trò. Từ những buổi chuyện trò ấy, tôi nhận ra các cuộc đàm thoại của giới cầm bút ít nhiều tâm đắc với nhau có hai đặc điểm nổi bật: Một là, cuộc chuyện trò, dù là lần đầu tiên, cũng là một sự tiếp tục những cuộc chuyện trò dở dang đâu đó, từ trước. Không có những giây phút lúng túng gợi chuyện, hỏi han những chuyện tào lao trời ơi đất hỡi. Về vợ con. Về mưa nắng. Hai là, đề tài phổ biến nhất bao giờ cũng giống nhau: văn học. Không có gì khác. Không về tác giả thì cũng về tác phẩm. Không về vấn đề thì cũng về sự kiện. Không vui thì buồn. Nhưng chúng chỉ là một. Riêng với Nguyễn Mộng Giác, các cuộc chuyện trò về văn học bao giờ cũng để lại cho tôi thật nhiều ấn tượng tốt đẹp. Anh đã bắt đầu cầm bút trước năm 1975 nên biết khá nhiều chuyện về văn học miền Nam thời ấy. Sau năm 1975, ở lại Sài Gòn, anh có dịp tiếp xúc với một số người cầm bút mới từ Hà Nội vào nên cũng biết ít nhiều tình hình văn học miền Bắc. Ở Mỹ, anh cộng tác chặt chẽ với tờ Văn Học Nghệ Thuật của Võ Phiến, rồi sau đó, làm chủ bút tờ Văn Học, nên biết rất nhiều về sinh hoạt văn học hải ngoại. Anh có trí nhớ tốt. Óc phân tích cũng tốt. Cách nói năng mạch lạc. Lại có chút dí dỏm và biết lắng nghe. Nên nói chuyện với anh rất thích.
Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2022
Nguyễn Hưng Quốc: Bạn Văn (1)
Trong lần về nước đầu tiên, năm 1996, tôi ở Hà Nội ba tuần, gặp gỡ khá nhiều người cầm bút ở đó, từ Dương Tường đến Trần Quốc Vượng, từ Hoàng Ngọc Hiến đến Đỗ Lai Thuý, từ Phong Lê đến Văn Tâm, từ Lê Đạt đến Dương Thu Hương, từ Trần Dần đến Hoàng Cầm, từ Nguyễn Huệ Chi đến Bảo Ninh. Nhưng có cảm giác thân nhất là hai người: Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Xuân Nguyên.
Không biết do ai nói, Nguyễn Huy Thiệp biết tôi ở Hà Nội; anh đến nhà tôi trọ ở số 52B đường Nguyễn Khuyến (gần Văn Miếu), chở tôi về nhà anh chơi, ăn trưa và chuyện trò đủ thứ trên trời dưới đất. Anh kể về những ngày tháng lận đận của anh. Về những ước mơ của anh. Anh có vẻ rất tin vào tử vi. Anh nói ông ngoại của anh, căn cứ vào ngày giờ sinh, có thể biết được hậu vận của một người. Khi anh trai của Thiệp mới ra đời, bấm tử vi, ông biết sau, lớn lên, sẽ theo nghiệpvõ, nên đặt tên là Thăng với ước mong được thăng quan tiến chức. Còn Thiệp, ông nói sẽ thiên về văn nên đặt tên là Thiệp để chỉ sự quảng giao. Tử vi cũng nói anh sẽ thành công trong văn chương nhưng muộn. Nếu nổi tiếng trước năm 35 tuổi thì có nguy cơ chết yểu hoặc ngồi tù. Ngày hôm sau, Thiệp chở tôi đi thăm viếng các chùa chiền chung quanh Hà Nội, trong đó có chùa Bút Tháp. Chùa vắng tanh. Không thấy ai cả. Đẩy cánh cửa khép hờ, vào chùa, Thiệp thắp một cây nhang rồi kính cẩn vái, miệng lầm bầm cầu nguyện. Vốn vô thần, tôi chỉ đứng nhìn, dửng dưng. Thiệp dí vào tay tôi một cây nhang và bảo: “Cầu đi, anh. Có thờ có thiêng.” Chiều bạn, tôi cũng vái. Xong, quay người lại, tôi thấy một phụ nữ khoảng 5,6 chục tuổi đứng ngay sau lưng, bàn tay xoè, đưa ra phía trước. Tôi không hiểu, bèn nhìn Thiệp. Anh nói: “Bả xin tiền nhang đấy.” Rồi anh đặt vào tay bà một số tiền. Ra ngoài sân, tôi thấy một người đàn ông, cũng 5,6 chục tuổi, đứng bên cạnh chiếc xe gắn máy của Thiệp, bàn tay cũng xoè ra. Tôi hỏi Thiệp: “Chuyện gì nữa đây?” Thiệp chưa kịp trả lời, người đàn ông đã lên tiếng: “Xin quý ông cho ít tiền công giữ xe.” Thiệp lại móc túi ra đưa ông một số tiền. Trưa, đói bụng, Thiệp tấp xe vào một cái quán xập xệ ven đường. Quán chỉ có hai cái bàn thấp và mấy chiếc ghế đẩu. Nhìn, tôi hơi e ngại vấn đề vệ sinh. Nhưng không có chọn lựa nào khác. Thiệp gọi mỗi người một chén cơm và hai quả trứng luộc chấm nước mắm. “Như thế cho an toàn”, anh nói. Ăn vẫn thấy ngon. Giữa bữa ăn, không nhắc đến hai vụ xin tiền ở chùa, Thiệp nói, như giải thích: “Ở Việt Nam, sống khó lắm. Lúc nào đi ra khỏi nhà tôi cũng đều thủ sẵn tiền trong túi. Ở đâu cũng có những người vòi tiền. Có người vô hại. Nhưng cũng có những kẻ rất nguy hiểm. Để được yên thân, mình phải có tiền nhét vào mõm chúng.” Chiều, về, anh chở tôi đến nhà một người bạn của anh ở Bát Tràng. Anh lấy một cái đĩa bằng đất sét rồi vẽ chân dung tôi trên đó. Bức đầu, anh không hài lòng, anh bảo tôi ngồi tiếp để anh vẽ bức khác. Xong, anh nhờ bạn bỏ vào lò nung. Mấy ngày sau, anh mang hai cái đĩa đến nhà tôi trọ tặng tôi. Tôi rất cảm động.
Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2022
Sách Mới: Văn Hoá Văn Chương Việt Nam Của Nguyễn Hưng Quốc
Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2022
Nguyễn Hưng Quốc: Để Nhớ 7 Năm Ngày Võ Phiến Mất - Những Năm Tháng Cuối
Mỗi lần có dịp qua Nam California, một trong những người đầu tiên tôi đến thăm bao giờ cũng là Võ Phiến (1925-2015). Chủ yếu là vì tình thân. Tôi quen với khá nhiều người cầm bút Việt Nam, trong cũng như ngoài nước, nhưng người tôi gần gũi nhất có lẽ là Võ Phiến. Gần, chủ yếu là vì, trong thời gian viết cuốn Võ Phiến (1996), tôi đọc ông nhiều và rất kỹ; và cũng vì, trong suốt thời gian chuẩn bị tài liệu cho cuốn sách ấy, kéo dài cả mấy năm, tôi và Võ Phiến thường xuyên liên lạc thư từ với nhau. Thư, thoạt đầu, khá khách sáo; sau, cứ dần dần thân thiết. Sự thân thiết, thoạt đầu, giống như tình bạn, thứ bạn vong niên trong văn nghệ, dần dần, giống như tình gia đình: Tôi xem Võ Phiến như một ông bác. Khi đã xem như bác, việc thăm viếng trở thành một cái lễ, một thứ bổn phận.
Mà kể cũng lạ. Trong giới cầm bút nổi danh trước năm 1975 sau này sống ở hải ngoại hầu như chỉ với Võ Phiến là tôi xem như một ông bác. Với những người khác, ngay cả với Mai Thảo, chỉ nhỏ hơn Võ Phiến hai tuổi và lớn hơn tôi đến 30 tuổi, tôi chỉ xem như là anh. Nói chuyện với Mai Thảo, theo đề nghị của chính ông, tôi gọi bằng “anh” và xưng “em”. Không những vậy, có lúc tôi còn xem ông như một đứa em nữa là khác. Đó là những lần, lúc tôi còn ở Paris, ông bay từ California sang chơi. Sau khi ăn uống hay đi dạo phố, đưa ông xuống trạm xe điện ngầm để về nhà Trần Thanh Hiệp, nơi ông ở trọ, sau khi dặn dò đường đi nước bước, rồi nhìn cái ánh mắt lúc nào cũng mơ mơ màng màng, cái dáng người cao lêu nghêu và cái bước chân hơi liêu xiêu của ông, tự dưng tôi thấy bất an. Sợ ông đi lạc. Sợ ông băng qua đường ẩu, xe đụng. Sợ vu vơ đủ thứ. Như sợ cho một đứa em ngơ ngác giữa phố lạ. Những lúc ấy, tôi quên bẵng là ông đã từng qua Paris nhiều lần và rất giỏi tiếng Pháp. Với Võ Phiến, chưa bao giờ tôi có cảm giác ấy. Nhìn ông và nói chuyện với ông, tôi có cảm giác như đang đối diện với một công chức tỉnh lẻ hiền lành. Từ dáng dấp đến vẻ mặt, có vẻ gì hơi hơi thật thà, hơi hơi chất phác, nhưng đôi mắt của ông thì khác: Lúc nào cũng tinh anh, cũng nhanh nhẹn, toát lên vẻ gì vững vàng, có thể đương đầu với mọi tình huống và mọi bất trắc.
Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2022
Nguyễn Hưng Quốc: Đường Vào Văn Học (3)
Ngoài sự thay đổi về giọng văn, trong một, hai thập niên qua, tôi còn một sự thay đổi khác, trong đề tài: Càng ngày càng viết nhiều về chính trị.
Trước, trong hơn 20 năm đầu cầm bút ở hải ngoại, với tư cách nhà văn, tôi hoàn toàn tránh né chính trị. Thật ra, ở Quê Mẹ, tôi viết khá nhiều bản tin và bình luận về chính trị. Nhưng đó là viết báo. Viết xong là bỏ. Còn trong sách, tôi muốn mình chỉ tập trung hẳn vào một lãnh vực: văn học. Nhưng sau khi tôi bị cấm nhập cảnh vào Việt Nam lần thứ hai vào năm 2009, tôi không nén được phẫn nộ. Ngay lúc ấy Ban Việt ngữ đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) mời tôi giữ một chuyên mục trên website của họ. Tôi nhận lời. Mấy năm đầu, mỗi tuần tôi viết bốn bài. Tôi dự tính sẽ dành hai bài cho đề tài văn học hay văn hoá và hai bài cho chuyện thời sự. Nhưng càng viết tôi càng sa vào chuyện thời sự. Kết quả, tôi xuất bản ba cuốn sách mang nhiều cảm hứng chính trị như thế: Phản tỉnh và phản biện (2013), Viết vu vơ (2014) và Những bài viết về chính trị (2021).
Đã có nhiều người nghiên cứu chính trị Việt Nam từ góc độ cơ chế với những cách thức tổ chức cũng như những sự thay đổi về nhân sự, và cùng với sự thay đổi về nhân sự ấy, những sự thay đổi về chính sách và những hệ quả của chúng. Tôi thích nhìn chính trị từ góc độ văn hoá để giải thích tại sao cả một cộng đồng, hoặc đa số trong cộng đồng, lại tin tưởng và chấp nhận hoặc không tin tưởng và không chấp nhận những cơ chế và sinh hoạt chính trị như thế.
Nếu văn hoá là một hệ thống ý nghĩa, văn hoá chính trị sẽ là hệ thống ý nghĩa về quyền (right), thẩm quyền (authority) và quyền lực (power). Tất cả các yếu tố ấy đều gắn liền với, nếu không muốn nói là châu tuần chung quanh, một thiết chế chính: nhà nước. Nhìn từ góc độ văn hoá chính trị, đối tượng được khảo sát sẽ là những niềm tin, những giá trị, những biểu tượng và những quy phạm (norm), một mặt, gắn liền với truyền thống; mặt khác, tác động mạnh mẽ đến việc lựa chọn và hành xử của cả một tập thể trong lãnh vực chính trị. Với tôi, góc độ ấy hứa hẹn nhiều khám phá thú vị hơn các góc nhìn truyền thống.
Văn hoá chính trị có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Không có nền dân chủ nào là vô điều kiện cả. Muốn có dân chủ, trước hết, phải giành giật; sau đó, phải xây dựng. Để giành giật, cần có cách mạng, nhưng để xây dựng, cần có văn hoá. Cách mạng có thể tiến hành và kết thúc trong một thời gian ngắn, có khi vài ba tháng; nhưng văn hoá thì có khi cần vài ba thế hệ. Chờ đến khi làm cách mạng xong mới tiến hành các cuộc vận động thay đổi văn hoá là quá muộn. Hậu quả của sự muộn màng ấy là một chế độ độc tài khác có thể sẽ ra đời. Do đó, các cuộc vận động về văn hoá phải đi trước, càng sớm và càng sâu rộng càng tốt. Có khi nhờ cái văn hoá ấy, dân chủ có thể xuất hiện và nảy nở mà không cần phải có cách mạng.
Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2022
Nguyễn Hưng Quốc: Đường Vào Văn Học (2)
Bỏ thơ, tôi chuyển sang viết văn xuôi. “Tác phẩm” đầu tay của tôi là một cuốn tiểu thuyết mang cái nhan đề rất dễ gây sốc: Thượng Đế cũng nói láo. Câu chuyện xoay quanh một thanh niên mất dần niềm tin vào Chúa. Đó là chuyện thật của tôi. Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình đạo dòng, ít nhất từ thời ông cố. Tất cả mọi người trong gia đình đều mộ đạo. Sáng nào ông nội tôi cũng khua mọi người dậy để đến nhà thờ xem lễ. Tối cũng thế, khoảng 8 giờ, cả nhà ngồi lại đọc kinh khoảng nửa tiếng. Nhưng không hiểu sao, đến khoảng năm lớp 11, niềm tin của tôi phai nhạt dần. Tôi cãi cọ với mọi người về giáo lý. Tôi lí nhí đọc kinh trong nhà một cách đầy miễn cưỡng.
Tôi mới viết được khoảng vài chục trang thì mẹ tôi biết. Một đêm, nửa khuya, lúc tôi đang ngủ say, mẹ tôi đến bên cạnh và khều tôi dậy. Mở mắt, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là một người đàn bà ngồi cạnh giường, tóc xoã dài xuống lưng, và phía sau là cánh cửa sổ mở toang, ánh trăng sáng vằng vặc. Ý nghĩ đầu tiên loé lên trong óc tôi: Ma! Nhưng dĩ nhiên là không phải. Lúc mẹ tôi lên tiếng, tôi thấy an tâm hẳn. Đêm ấy, mẹ tôi kể là bà không thể nào ngủ được vì lo cho linh hồn của tôi. Bà “van” tôi hãy đốt cuốn truyện đó. Thương mẹ, tôi hứa sẽ đốt. Mà thật, ngày hôm sau, tôi đem xấp bản thảo đút vào bếp lửa. Trước mắt mẹ tôi.
Dạo ấy, trong giới cầm bút trên thế giới, tôi mê nhất hai người: Fyodor Dostoevsky (1821-1881) và Friedrich Nietzsche (1844-1900). Cả hai đều mạnh mẽ, dữ dội, giọng văn lúc nào cũng hừng hực lửa. Tôi mê cuốn Zarathustra đã nói như thế, đọc tới đọc lui không biết bao nhiêu lần. Cuốn sách được một số người khen là cuốn Phúc Âm thứ năm của nhân loại. Tôi mơ viết một cuốn sách như thế. Tôi đặt nhan đề là Những bài giảng cuối cùng của Giu-đa. Cuốn sách mở đầu bằng cảnh, giữa khuya khoắt, Giu-đa ăn cắp thi thể Chúa Giê-su rồi vác đi chôn trong một khu rừng vắng. Trước khi lấp đất, Giu-đa nói với Giê-su: “Tôi không ân hận đã bán ông. Tuy nhiên, vì tình nghĩa thầy trò trong bao nhiêu năm, tôi giúp ông lần cuối: Ăn cắp cái xác của ông, tôi biến ông thành một huyền thoại. Từ nay trở đi ông sẽ bất tử.”
Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2022
Nguyễn Hưng Quốc: Đường vào văn học (1)
Tôi mê đọc sách rất sớm, có lẽ ngay từ những năm lớp 5 hay lớp 6 gì đó. Không hiếm những đứa bé bắt đầu đọc sớm như thế. Nhưng phần lớn đều bắt đầu với những trang báo thiếu nhi như Tuổi Hoa hay Tuổi Ngọc. Tôi thì khác. Với tư cách độc giả, tôi không có tuổi thơ. Loại sách tôi mê đọc đầu tiên trong đời, oái oăm thay, lại là... truyện chưởng. Nguyên nhân chủ yếu là do ông anh cả của tôi, lớn hơn tôi bảy tuổi, dạo ấy đang ghiền đọc loại này. Mỗi cuối tuần, anh lại tha về ba, bốn tập. Tôi đọc ké. Anh tôi không bao giờ đủ rộng lượng hay kiên nhẫn để chờ tôi đọc hết mới mang đi đổi các tập khác. Do đó, tôi phải cố gắng đọc nhanh ngang với tốc độ đọc của anh ấy. Và phải đọc nhảy: trong lúc anh đọc tập một thì tôi đọc tập hai; khi anh xong tập một thì tôi phải xong tập hai và chuyển sang tập ba để nhường tập hai lại cho anh. Cứ như thế, đến lúc anh đọc tập cuối cùng thì tôi quay lại đọc tập một. Chỉ vài năm sau là lượng sách trong tiệm cho thuê đã cạn. Và tôi cũng chán nữa: đọc riết, tôi khám phá ra năng lực tưởng tượng của các tác giả truyện chưởng cũng khá nghèo: các câu chuyện có thể khác nhau ở nhân vật và một số tình tiết nhưng kết cấu chung thì cứ như đúc từ một khuôn. Rất công thức. Rất đơn điệu. Và do đó, rất khả đoán.
Chán truyện chưởng, tôi quay sang đọc các loại sách văn chương nghiêm chỉnh. Tôi đọc gần hết các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn, sau, lần lượt đọc các tác giả nổi tiếng ở Sài Gòn. Không hiểu sao, tôi lại nặng lòng với thơ hơn. Tôi không những đọc nhiều thơ, vô số thơ, mà còn làm thơ nữa. Dạo đó, tôi học trường Thánh Mẫu ở ấp Phước Thành, xã Hoà Khánh, quận Hoà Vang, Quảng Nam. Trường nhỏ, chỉ tới lớp 9. Thầy dạy Văn là thầy Vũ Công Cường, nói giọng Bắc, đọc thơ rất truyền cảm. Là một trong vài học sinh giỏi Văn nhất lớp, tôi rất được thầy thương. Làm được bài thơ nào tôi cũng đều đưa thầy đọc. Thầy khen ngợi rối rít. Có lúc thầy đọc lên cho cả lớp nghe. Không chỉ trong lớp tôi, thầy còn mang đọc trong các lớp khác. Nhờ thế, tôi nhanh chóng nổi tiếng là một “nhà thơ trẻ đầy triển vọng” trong cái trường cấp hai nhỏ xíu tập hợp những mảnh đời khốn khổ do chiến tranh xô đẩy tới.
Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2022
Nguyễn Hưng Quốc: Trí Thức Là Một Lựa Chọn
Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2022
Nguyễn Đức Tùng: Nguyễn Hưng Quốc, Gây Sự Với Hư Không
Giữa thiên đàng và địa ngục
Tôi chọn cái ở giữa:
Trần gian
(20)
Trần gian cũng là chọn lựa của nhiều nhà thơ. Ngôn ngữ Nguyễn Hưng Quốc giản dị, mạch lạc, các bài thơ của anh có ý tứ rõ ràng. Sự rõ ràng ấy làm cho bài thơ sáng lên, có sức thuyết phục, mặc dù có thể không gây ra ám ảnh. Đọc thơ ba câu của anh, tôi nghĩ đến các nhà thơ hình tượng của Mỹ, như Ezra Pound, những người chịu ảnh hưởng ít nhiều từ truyền thống Nhật Bản, nhưng thơ anh không hẳn là haiku. Chỉ đôi khi có khuynh hướng ấy:
Con quạ đen
Mổ nắng
Giữa chiều quạnh hiu
(251)
Bài thơ hay, nhưng không tiêu biểu cho cả tập thơ. Thơ ba câu cũng là thơ tự do, không vần, tựa như tercet của phương Tây, hay những đoạn mở đầu của villanelle. Thơ tự do đòi hỏi người viết tập trung chú ý đến số chữ trong câu, đến trật tự sắp xếp của các câu, khác với người làm thơ có vần, luật, làm theo mẫu nhịp điệu có sẵn. Người làm thơ tự do cần độc đáo khi viết. Tôi không có ý nói rằng thơ tự do thì cao hơn thơ có vần, hay ngược lại, nhưng quá trình sáng tạo của các nhà thơ là khác hẳn nhau khi họ chọn một hình thức để sáng tác. Bạn chọn thứ nào cũng được, nhưng phải viết như thể số phận của bạn được định đoạt bởi chúng, câu thơ mỏng mảnh kia.
Các vì tinh tú xa xăm
Đêm đêm dõi mắt nhìn địa cầu
Tìm một nhà thơ thất lạc
(17)
Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2021
Nguyễn Hưng Quốc: Đi tìm Võ Phiến
Đi tìm nhà văn Võ Phiến, tôi bắt gặp một nhà tuỳ bút. Đi tìm nhà tuỳ bút Võ Phiến, tôi bắt gặp một nhà nghiên cứu.
Phát hiện đầu không có gì đáng kể. Từ lâu, đã có nhiều người đã nhận ra là, một, sở trường của Võ Phiến nằm ở thể tuỳ bút; và hai, phong cách tuỳ bút bàng bạc trong mọi tác phẩm văn xuôi của ông. Thật ra, hai điểm này có quan hệ chặt chẽ với nhau. Đặc điểm nổi bật nhất của thể tuỳ bút, theo tôi, là ưu thế của giọng văn, hơn nữa, của thứ giọng văn giàu cảm xúc và, đặc biệt, giàu cá tính. Viết truyện, người ta có thể sử dụng lối văn gọn gàng, giản dị, vô ngã, không có màu sắc hay mùi vị gì cả để cho nhân vật dễ cóđược đời sống riêng với những cá tính riêng chứ không phải là những con rối hay những cái bóng mờ nhạt của tác giả. Chính vì vậy, đối với các nhà tiểu thuyết thời 1930-45, ngay cả các nhà tiểu thuyết lớn như Nhất Linh, Khái Hưng, Nam Cao hay Vũ Trọng Phụng, rất hiếm khi người ta đề cập đến giọng văn. Không phải tại những tác giả ấy viết không hay. Hay, nhưng cái hay ấy không phải là yếu tố hàng đầu làm nên cái lớn của họ. Với các nhà tuỳ bút thì khác. Nhắc đến Nguyễn Tuân, chẳng hạn, hầu như ai cũng nhắc, trước hết, đến một giọng văn hết sức điệu đàng và khinh bạc. Sau này, nhắc đến Mai Thảo, người ta cũng nhắc đến một giọng văn mượt mà với những kiểu ngắt câu lạ, rất gần với thơ; nhắc đến Vũ Bằng, người ta cũng lại nhắc đến đến giọng văn tha thiết và sôi nổi của ông về từng món ăn hay từng kỷ niệm cũ. Với Võ Phiến, cũng thế; nhắc đến ông, người ta cũng lại nhắc đến một giọng văn phóng túng và dí dỏm, chứa đựng rất nhiều khẩu ngữ, như một lời trò chuyện linh động, duyên dáng, thân mật và vô cùng lôi cuốn.
Ưu thế của giọng văn, thực chất, là ưu thế của nhu cầu tự bộc lộ và tự thể hiện: viết tuỳ bút là một cách bày tỏ trực tiếp cảm xúc và thái độ của mình, là xem tính chất phong phú và độc đáo của sự liên tưởng là tiêu chuẩn thẩm mỹ chính của việc viết lách, là đặt cái tôi của mình vào vị trí trung tâm của tác phẩm, hay nói theo Nguyễn Mộng Giác, là làm “một người khoả thân ngay giữa chợ” [1]. Nhu cầu tự bộc lộ và tự thể hiện ấy khiến nhà tuỳ bút dễ có khuynh hướng xâm phạm vào “quyền sống” và “quyền độc lập” của nhân vật, đẩy truyện ngắn và truyện dài đến gần với tuỳ bút và làm nhoè đi ranh giới giữa các thể loại. Điều này có thể thấy rõ ở Nguyễn Tuân qua các tác phẩm được gọi là truyện dài và ký sự, và càng rõ hơn nữa, ở Võ Phiến qua nhiều tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau. Dưới ngòi bút của Võ Phiến, không những truyện ngắn mà cả các bài phê bình và lý luận cũng đều phảng phất hình dáng của tuỳ bút; ở đâu cảm xúc cũng tràn lên giọng văn; ở đâu giọng văn cũng nổi lên như một yếu tố chủ đạo trong phong cách; và ở đâu phong cách cũng trở thành trung tâm của nghệ thuật ngôn từ. Có thể nói, đằng sau nhà văn, nhà phê bình và nhà lý luận văn học Võ Phiến đều có một nhà tuỳ bút. Đằng sau cây bút bình luận chính trị, xã hội, ngôn ngữ và văn hoá Võ Phiến cũng có một nhà tuỳ bút. Nhà tuỳ bút ấy chi phối toàn bộ cách hành ngôn và giọng điệu của nhà văn Võ Phiến.
Nhưng đằng sau nhà tuỳ bút Võ Phiến là ai?
Thứ Sáu, 1 tháng 10, 2021
Thư Võ Phiến: Chuyện Gia Đình
Võ Phiến và Nguyễn Hưng Quốc |
Chủ Nhật, 19 tháng 9, 2021
Chủ Nhật, 8 tháng 8, 2021
Nguyễn Hưng Quốc: Thơ Ba Dòng (II)
65.
Chúa không làm thơ, Phật cũng không
Chỉ khi đối diện với cái chết
Thơ mới lên tiếng
66.
Sương mù. Bầu trời sụp xuống
Suýt đụng
Ngọn cây cổ thụ
67.
Sáng, tự dưng thấy hiu hắt
Mùi cà phê
Làm bài thơ thở dài
68.
Không có hoa, hắn nâng niu những chiếc lá
Tâm hồn nào cũng cần nhiều
Màu xanh
Tất cả các chữ đều là nạ dòng
Nhà thơ mang lại
Trinh tiết
70.
Thơ làm mới ngôn ngữ
Ngôn ngữ làm mới cái nhìn
Cái nhìn làm mới con người
71.
Nàng thích những bài thơ có vần
Trong những ngày
Rụng trứng
72.
Mọi phụ nữ đều cười giống nhau
Họ chỉ khác ở
Tiếng khóc
73.
Ánh trăng đâm thẳng vào trái tim của hắn
Hắn mất tân
Và bài thơ tình ra đời
74.
Em đi, gió cũng nhớ
Nó thổi khắp nơi
Mùi hương trong nách em
75.
Quên đi những trận dông bão
Tình yêu chỉ là cơn mưa phùn
Đủ để quần lót em ướt
76.
Sáng, một tia nắng cong
Ôm hôn
Những hạt bụi
77.
Những ngọn sóng hung hãn đập nát
Bóng trăng
Máu phun tung toé
78.
Hắn bị sập bẫy
Một đoá
Hoa hồng
79.
Hắn đào bới thịt da nàng
Cố tìm
Những nụ hôn mất tích
80.
Chỉ những kẻ ngoại tình mới hiểu
Những nỗi niềm giấu kín
Trong trái tim của biển