Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Hùng. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Hùng. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 23 tháng 6, 2021

Nguyễn Hùng: Việt Nam cần ngày tự do báo chí hơn ngày nhà báo

Cứ mỗi dịp 21/6, Việt Nam lại rộn ràng Ngày Nhà báo. Chỉ liếc qua Facebook đã thấy hình ảnh thủ tướng, chủ tịch Quốc hội thăm viếng, chúc mừng giới báo chí.

Việt Nam khá độc đáo khi có ngày riêng cho những người làm báo, một nghề mà có những nhà báo nói chẳng có gì đặc biệt so với nhiều nghề khác trong xã hội. Trên thế giới tôi không rõ có còn nước nào có ngày nhà báo không. Nếu có cũng chỉ là thiểu số.

Bề ngoài Việt Nam có vẻ tôn vinh nghề báo nhưng thực tế không hẳn như vậy.

Theo hãng dữ liệu chuyên nghiệp Statista, lấy nguồn từ Uỷ ban Bảo vệ Nhà báo, Việt Nam nằm trong số 10 nước giam cầm nhiều nhà báo nhất trong năm 2020.

Việt Nam đứng thứ sáu cùng với Iran. Cả hai nước đều đang giam giữ 15 nhà báo so với 10 của Nga, nước đứng ngay sau Việt Nam.

Đứng đầu danh sách cầm tù nhiều nhà báo không phải ai khác mà chính là đại láng giềng Trung Quốc với con số 47, theo sau là 37 ở Thổ Nhĩ Kỳ, 27 ở Ai Cập, 24 ở Arab Saudi và 16 ở Eritrea.

Ba trong số 15 nhà báo bị giam giữ ở Việt Nam đã bị kết án tổng cộng 37 năm tù hồi đầu năm nay. Riêng ông Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập đã bị tuyên 15 năm tù và ba năm quản chế.

Hai thành viên của hội, ông Nguyễn Tường Thuỵ và ông Lê Hữu Minh Tuấn, bị phạt mỗi người 11 năm tù và ba năm quản chế.

Nhìn vào những mức án này có thể thấy Việt Nam ghét cay ghét đắng những ai viết không theo chỉ thị. Làm nhà báo quốc doanh hay nhà báo dễ bảo thì được. Nhưng muốn là nhà báo viết theo lương tâm, chứ không phải lương tháng, thì khó có đất sống ở Việt Nam. Nhất là khi các nhà báo có lương tâm lại còn tụ thành hội.

Thứ Tư, 3 tháng 3, 2021

Nguyễn Hùng (VOA Blog): Tư nhân phân phối vắc xin theo định hướng xã hội chủ nghĩa?

Sống ở nước tư bản già cỗi nơi vắc xin được chính quyền Anh trực tiếp đặt hàng về tiêm miễn phí cho dân, tôi sửng sốt khi thấy một công ty tư nhân ở Việt Nam quảng cáo bán vắc-xin Covid-19.

Anh Quốc cho tới nay đã đặt tổng cộng hơn 400 triệu liều vắc-xin các loại, đủ dùng cho 200 triệu người trong khi dân số chỉ có 66 triệu, tính cả trẻ dưới 16, vốn không thuộc diện được tiêm vắc-xin.

Và tất cả mọi người đều được chích ngừa miễn phí. Tính tới hết tháng Hai, hơn 20 triệu người Anh đã được tiêm mũi vắc-xin đầu tiên.

Sau khi có tin lô vắc-xin AstraZeneca của Anh đầu tiên về tới Việt Nam hồi cuối tháng Hai, tôi tìm hiểu thêm và thấy nhiều thông tin lạ lùng quanh việc mua và phân phối vắc-xin ở Việt Nam, ít nhất là theo những thông tin có trên mạng và mạng xã hội.

Thứ nhất, Trung tâm Tiêm chủng Trẻ em và Người lớn, gọi tắt là VNVC, chính là công ty tư nhân nhập hàng chục triệu liều vắc-xin AstraZeneca. Không rõ chính phủ Việt Nam sẽ mua lại vắc-xin của công ty này với giá nào, có chênh lệch không và vì sao VNVC lại được hợp đồng kinh doanh này thay vì chính phủ nhập trực tiếp.

Từ đầu tháng Hai, VNVC đã quảng cáo bán vắc-xin chống Covid-19. Trong một bài đăng trên Facebook hôm 3/2, VNVC viết: “[T]rong buổi sáng khai trương [trung tâm Long Biên của VNVC], rất nhiều Quý khách hàng đã thành công đăng ký vắc xin phòng COVID-19, trở thành một trong những vị khách đầu tiên sở hữu “tấm vé vàng” chặn đứng nguy cơ lây nhiễm của dịch bệnh.”

Thứ Ba, 19 tháng 1, 2021

Nguyễn Hùng: Đại hội 13 - Năm năm chưa tới đã qua

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) lên tiếng tố cáo Việt Nam gia tăng đàn áp những những người bất đồng chính kiến trước thềm đại hội Đảng 13. Photo HRW

Dù Đại hội 13 của Đảng Cộng sản còn chưa diễn ra, năm năm tới đây có thể coi như là thời gian vô nghĩa cho những ai hy vọng vào một xã hội tự do và cởi mở hơn ở Việt Nam.

Ngay cả Văn phòng Cao uỷ nhân quyền Liên Hiệp Quốc cũng nói chính quyền Việt Nam gửi ra thông điệp “ớn lạnh” trước thềm đại hội bằng những bản án nặng cho các nhà hoạt động đòi các quyền con người căn bản như tự do ngôn luận, tự do lập hội và tự do biểu tình.

Toà án ở thành phố Hồ Chí Minh hôm 5/1 đã kết án ba thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam tổng cộng 37 năm tù vì tuyên truyền chống nhà nước. Chủ tịch và người sáng lập hội Phạm Chí Dũng chịu án 15 năm trong khi hai thành viên Nguyễn Tường Thuỵ và Lê Hữu Minh Tuấn mỗi người bị kết án 11 năm tù.

Bằng việc kết án ngay trước khi Đại hội đảng diễn ra từ 25/1-2/2 với mức án nặng nề, các nhà lãnh đạo bảo thủ của Việt Nam đã dập tắt bất kỳ hy vọng nào vào những tiến bộ về tự do ngôn luận trong nhiệm kỳ tới của các nhà lãnh đạo mà người ta đang đồn đoán vẫn toàn các gương mặt cũ.

Thứ Ba, 12 tháng 1, 2021

Nguyễn Hùng: Sáu người chết ở nghị viện Hoa Kỳ - hậu quả thiệt của tin giả

Người biểu tình ở bên trong tòa nhà Quốc Hội hôm 6 tháng Giêng.Hình Win McNamee/Getty Images

Trong biến cố hy hữu trong lịch sử nền dân chủ Hoa Kỳ, sáu người trong đó có hai cảnh sát đã thiệt mạng khi đám đông xông vào toà nhà nghị viện Hoa Kỳ ở Capitol Hill. Đây là hậu quả phần nào không đáng ngạc nhiên của nhiều tháng, thậm chí nhiều năm tung tin thất thiệt của Tổng thống Trump và số đông ủng hộ ông.

Trong những cố gắng cuối cùng nhằm thực hiện điều có thể coi là cuộc đảo chính để tiếp tục giữ ghế, Tổng thống Trump thúc giục các dân biểu Cộng hoà và những người ủng hộ ông tìm cách đảo ngược kết quả bầu cử mà cho tới nay toà án ở mọi cấp, kể cả Toà Tối cao, đã kết luận rằng hoàn toàn hợp lý và hợp pháp. Vị tổng thống thứ 45 kêu gọi người biểu tình tiến tới Capitol và thúc giục họ hãy “mạnh mẽ” và “hoang dại”. Ngay cả khi họ đã xô cửa xông vào gây cảnh náo loạn và dẫn tới thương vong, ông Trump vẫn nói trong video mà sau đó Twitter đã gỡ bỏ rằng họ là những người “rất đặc biệt”. Trong cùng video ông nhắc lại rằng đó là cuộc bầu cử “gian lận” và chiến thắng của ông bị đánh cắp, điều không hề được chứng minh tại toà án ở mọi cấp. Nhưng đối với các ủng hộ viên của ông, trong đó có cả những luật sư ở Việt Nam vốn vẫn thường ca ngợi nền pháp lý Hoa Kỳ, những gì ông Trump nói là sự thật.

Thứ Ba, 29 tháng 12, 2020

Nguyễn Hùng: Vụ 39 người - Việt Nam đứng đầu bản tin Anh

Ngay trước dịp nghỉ lễ mừng Chúa Giê-xu ra đời, những cái chết thảm của 39 nam, nữ và trẻ vị thành niên trong thùng công-ten-nơ trở lại tin đầu trong bản tin của các đài phát thanh và truyền hình tại Anh.

Lý do là bồi thẩm đoàn tại toà đại hình ở London đã kết tội ngộ sát đối với tài xế 24 tuổi Eamonn Harrison, người đưa công-ten-nơ có 39 nạn nhân tới cảng Zeebrugge ở Bỉ để tới Anh và Gheorghe Nica, 43 tuổi, một thành viên trong đường dây buôn người ở Essex, nơi chiếc công-ten-nơ cập cảng. Các quan toà sẽ quyết định mức án đối với hai người này và những người có liên quan khác trong năm mới.

Bàn thờ cô Bùi Thị Nhung, một trong số 39 nạn nhân. Hình NHAC NGUYEN/AFP via Getty Images

Trước đó hai người khác gồm người đứng đầu đường dây Ronan Hughes, 41 tuổi, người Ai-len và tài xế 26 tuổi Maurice Harrison, cũng quê Ai-len, người nhận công-ten-nơ tại cảng Purfleet ở Essex đều nhận tội ngộ sát.

Kênh ITV của Anh hôm 21/12 đã bắt đầu chương trình thời sự tối của họ bằng phóng sự công phu của nữ phóng viên Chloe Keedy với những bình luận trong đó có tuyên bố của cảnh sát rằng người ta sẽ không dùng cách băng đảng đưa 39 người tới Anh để chuyên chở súc vật.

Thứ Năm, 17 tháng 12, 2020

Nguyễn Hùng (VOA Blog): Đội bóng 5,4 triệu cầu thủ nhưng chỉ một mình một sân

Đảng cộng sản Việt Nam bước vào đại hội lần thứ 13 vào tháng Một năm 2021 với số đảng viên đông kỷ lục.

Vào đầu năm nay, số đảng viên ở Việt Nam được cho là ở con số 5,2 triệu, tăng khoảng 150.000 so với năm trước đó. Với đà tăng này, số đảng viên cộng sản sẽ tiến tới gần 5,4 triệu vào đầu năm 2021.

Con số đảng viên tại các đại hội 12, 11 và 10 lần lượt là 4,5 triệu, 3,6 triệu và 3,1 triệu.

Đây là những con số khổng lồ nếu đem so với số đảng viên ở những quốc gia dân chủ, chẳng hạn nền dân chủ già đời tại Anh.

Đảng Bảo thủ đương quyền của Thủ tướng Boris Johnson chỉ có 180.000 đảng viên. Đảng đối lập chính, Đảng Lao động, có số đảng viên gần gấp ba, chủ yếu nhờ cựu lãnh đạo Jeremy Corbyn có đường lối cực tả khá gần gũi với xu hướng xã hội chủ nghĩa.

Và chuyện lãnh đạo Đảng Lao động ở Anh kéo thêm được nhiều trăm ngàn đảng viên mới nhưng vẫn thất cử cả ba lần kể từ năm 2010 cho thấy không phải cứ tăng số đảng viên có nghĩa là tăng sự ủng hộ của dân chúng nói chung.

Cử tri tại nhiều nước tư bản không thích các chính sách nằm ở hai thái cực cho dù đó là cực tả hay cực hữu. Họ thường ủng hộ các chính sách chung dung. Chính sách cực tả của cựu lãnh đạo Jeremy Corbyn trong đó có quốc hữu hoá một số doanh nghiệp và tăng thuế khiến Đảng Lao động có kết quả bầu cử tệ hại nhất kể từ thập niên 1930 trong lần bầu cử năm ngoái. Kết quả thảm hại đó cũng khiến ông Corbyn phải từ chức.

Không phải tự nhiên mà Đảng Cộng sản không muốn đá bóng với bất kỳ đối thủ nào khác trên sân chính trị. Số lượng đảng viên trên 5 triệu không đảm bảo họ sẽ chiến thắng nếu đối thủ cạnh tranh có những chính sách được lòng dân hơn.

Thứ Năm, 5 tháng 11, 2020

Nguyễn Hùng: Người Anh hồi hộp hóng bầu cử Mỹ ra sao?

Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ lần này được cả chính giới và người dân Anh dõi theo với sự hồi hộp khác thường. Anh sẽ sớm chính thức chấm dứt buôn bán với Liên hiệp châu Âu EU theo thể thức cũ và họ cần một hiệp định thương mại béo bở với Hoa Kỳ nếu có thể được. Một số chính trị gia Anh có thể cho rằng ông Donald Trump sẽ giúp họ có được hiệp định dễ dàng hơn. Nhưng ngay sau đêm bầu cử, không chính trị gia nào bày tỏ quan điểm về chuyện họ ủng hộ ứng viên nào. Họ sợ hố vì chưa ai, dù là ông Trump hay ông Joe Biden, đạt sự ủng hộ áp đảo trong những tiếng kiểm phiếu đầu tiên.

Về phía người dân Anh, nhiều người từng xuống đường phản đối Tổng thống Trump khi ông tới thăm Anh. Nhưng cũng không loại trừ ở Anh cũng có đa số thầm lặng ủng hộ vị tổng thống như tại Hoa Kỳ. Dù sao người góp phần khiến Anh rời EU, ông Nigel Farage, đã xuất hiện trên sân khấu cùng ông Trump trong những ngày vận động cuối cùng và ca ngợi ông Trump hết lời.

Ông Farage nói ông Trump là “người có sức chịu đựng và dũng cảm nhất”. Nhưng khi được BBC phỏng vấn sau đêm bầu cử, chính ông Farage cũng không thể bảo vệ chuyện Tổng thống Trump muốn ngưng kiểm phiếu được bỏ hợp pháp chỉ vì sợ đối thủ Biden sẽ đảo ngược tình hình. Ông Farage cũng chịu không đưa ra được bằng chứng nào ủng hộ tuyên bố của ông Trump về chuyện có gian lận bầu cử mà vị tổng thống đưa ra chỉ vài tiếng sau khi các phòng phiếu đóng cửa.

Đêm dài không kết quả


Các đài truyền hình chính ở Anh đều có chương trình đặc biệt về bầu cử kéo dài suốt đêm giờ Anh để người dân có thể theo dõi diễn biến bầu cử ở Hoa Kỳ. Tôi dùng một trang web cho phép chia màn hình máy tính ra làm bốn để có thể xem được bốn kênh TV cùng lúc.

Tôi chọn các kênh khác nhau để xem trong đó có ABC, NBC, CNN của Hoa Kỳ và BBC cùng Sky News của Anh. Tôi cũng thử xem Fox News nhưng vì lý do nào đó chỉ có các đồ hoạ mà không có bình luận nên chuyển sang kênh khác. Tôi vừa xem vừa thảo luận với một nhóm bạn ở Anh và Mỹ quan tâm tới bầu cử qua WhatsApp. Trong những tiếng đầu tiên, triển vọng cho ông Biden có vẻ sáng sủa. Nhưng cánh cửa cứ hẹp dần và tôi chỉ xem được tới 3h sáng rồi đóng máy tính chờ sáng ra xem kết quả.

Thứ Ba, 27 tháng 10, 2020

Nguyễn Hùng: Tưởng niệm một năm 39 người chết thảm trong thùng công-ten-nơ

Những sự kiện tưởng niệm tại Anh bắt đầu bằng việc đọc tên tất cả 39 người thiệt mạng trên kênh Twitter của đài BBC Essex sáng 23/10. Dù tên họ cùng được đọc, họ hẳn đã lần lượt qua đời trong hành trình hàng chục tiếng trên biển từ Bỉ tới hạt Essex, Anh. Trong những âm thanh thu lại trên điện thoại di động trong cơn hoảng loạn vì thiếu dưỡng khí và quá nóng có tiếng ‘nó chết rồi’. Giọng tiếng Việt đã rất cố gắng nhưng vẫn nhiều lúc không sõi của phát thanh viên Ben Fryer xướng tên của những người xấu số trên nền nhạc buồn trong video dài hai phút .

Không thấy BBC đưa tin về các hoạt động ghi nhớ ngày này của các chùa hay hội đoàn Việt Nam tại Anh. Nhưng kênh truyền thông hàng đầu thế giới này có đưa tin về chuyện cộng đồng người Hoa ở Hackney, London để cả ngày 23/10 để đón những ai muốn tới thắp hương cho 39 người Việt. Hồi năm ngoái, lúc đầu cảnh sát Anh đã loan báo nhầm rằng những người thiệt mạng là người Trung Quốc.

Trang tin RTE từ Ireland, nơi người cầm đầu đường dây đưa 39 người Việt vào Anh đã bị bắt sau khi thảm kịch xảy ra, đưa tin kỹ hơn về ngày tưởng niệm của Trung tâm cộng đồng người Hoa ở Hackney. Họ dẫn lời ông Jaber Lam, 64 tuổi, Giám đốc Trung tâm, nói thành viên của trung tâm bao gồm cả cộng đồng người Hoa và cộng đồng người Việt. Ông muốn mọi người có thể tới để “chia sẻ trải nghiệm, nỗi buồn chung và những gian khó của cộng đồng di cư”.

Ông Jaber từng đóng vai trò liên lạc giữa cộng đồng người Hoa và cảnh sát Anh trong vụ 58 người Trung Quốc chết trong công-ten-nơ ở cảng Dover, Anh hồi tháng Sáu, 2000. Ông được dẫn lời nói cũng như những người Trung Quốc trước đó, 39 người Việt là “nạn nhân của toàn cầu hoá”

“Tất cả các nạn nhân đều có hoàn cảnh giống nhau, họ phần lớn tới từ các vùng quê nơi cái gọi là công nghiệp hoá đã phá huỷ phương tiện sống của họ. Họ buộc phải di chuyển để kiếm ăn.”

Thứ Ba, 20 tháng 10, 2020

Nguyễn Hùng (VOA Blog): Sách giáo khoa - Tôi có ba cháu học ở Anh mà chưa bao giờ thấy sách giáo khoa

Sách giáo khoa mới của nhóm Cánh Diều do Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết chủ biên đã gây ra trận bão lớn trên mạng xã hội khiến cả thủ tướng lẫn phó thủ tướng phải yêu cầu kiểm tra và xử lý nếu có sai phạm. Theo tin mới nhất trên báo Tuổi Trẻ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu nhóm tác giả chỉnh sửa và bổ sung một số nội dung trong sách. Đây được cho là lần đầu tiên tư nhân đứng đằng sau bộ sách giáo khoa ngàn tỷ cho ngành giáo dục.

Nhân trận bão mạng mà trong đó có cả tin giả được tung ra để nhắm vào bộ sách mới, tôi nghĩ lại và thấy dù đã có ba cháu học phổ thông cơ sở ở Anh mà tôi chưa một lần nhìn thấy bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào. Các trường tiểu học ở Anh chủ trương học ở trường là đủ, về nhà chỉ cần đọc thêm chừng 15-30 phút nữa nếu được. Họ cũng không bắt buộc phải đọc gì nên các bậc phụ huynh có thể tuỳ thích chọn sách cho con cái mình đọc hoặc đọc cho con nghe. Nếu không trường cũng không bắt.

Cả ba cháu nhà tôi trong cặp thường chỉ có độc cuốn sổ liên lạc giữa nhà trường và gia đình, cùng lắm cộng thêm một quyển sách mượn miễn phí từ trường. Đó thường là sách do các tác giả khác nhau viết và do nhà trường tự chọn mua về cho các cháu từ ngân sách được chính quyền địa phương cấp. Các bậc phụ huynh không bao giờ bị buộc phải đóng bất cứ một đồng nào để mua sách vở hay xây dựng trường. Thỉnh thoảng muốn có tiền mua thêm iPad hay các thiết bị khác, trường lại có thư kêu gọi các phụ huynh đóng góp và đây là khoản hoàn toàn tự nguyện. Năm ngoái tôi đóng có 25 bảng mà đã được coi là khoản đóng góp tương đối và cháu nhà tôi, khi đó học lớp ba, nhận được thư từ lãnh đạo trường ghi nhận khoản đó.

Cũng phải giải thích thêm ngoài thuế thu nhập, người dân Anh còn phải đóng thêm thuế cho hội đồng địa phương để họ chi trả cho các dịch vụ công trong đó có giáo dục. Đây là lý do mà con nhà giàu hay nhà nghèo đều được hưởng giáo dục hoàn toàn miễn phí cho tới khi các cháu tới 18 tuổi. Sách vở từ mẫu giáo tới hết lớp 13 cũng được nhà trường trang bị chứ không phải mua.

Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2020

Nguyễn Hùng: Đoan Trang cũng chỉ nói ‘eppur si muove’

Một trong các nhân vật lịch sử trong sách giáo khoa tôi còn nhớ là triết gia, nhà toán học và thiên văn học người Ý Galileo Galilei. Ông được cho là đã tuyên bố ‘eppur si muove’ – được dịch thành ‘nhưng dù sao trái đất vẫn quay’ – khi bị Toà án Nhà thờ buộc tội theo tà giáo hồi năm 1632 vì khăng khăng rằng trái đất quay quanh mặt trời. Vài trăm năm sau Giáo hội đã hơn một lần xin lỗi vì đã cư xử sai trái và bất công với người sáng chế ra kính viễn vọng và cũng là người đầu tiên quan sát thấy các hành tinh chuyển động quanh mặt trời.

Việc nhà hoạt động Phạm Đoan Trang bị bắt mới đây với cáo buộc “chống nhà nước” cũng chẳng khác gì chuyện mấy trăm năm trước Galileo Galilei khốn khổ vì nói ra sự thật qua các cuốn sách mà ông xuất bản. Tôi đã mua cuốn ‘Chính trị bình dân’ của Đoan Trang cách đây vài năm sau một lần cô bị công an hành hung, chẳng phải để trang bị kiến thức cho bản thân vì tôi sống ở Anh đã 20 năm nên những gì cô viết về lý thuyết tôi đều đã được trải nghiệm. Lý do tôi mua sách chỉ là để ủng hộ cho sự can đảm dám nói sự thật mà thường “còn đang xỏ giày” khi những lời nói dối của nhà nước đang chạy tung tăng trên hàng trăm báo đài do chính họ quản lý.

Như chính Đoan Trang nói trong lời nói đầu của ‘Chính trị bình dân’, cô chỉ mới “tham gia sâu vào phong trào đấu tranh vì dân chủ-nhân quyền cho Việt Nam” hồi năm 2011. Nhưng những cuốn sách, bài viết và nhất là ‘Báo cáo Đồng Tâm’ mà ấn bản thứ ba vừa được công bố cuối tháng Chín, của Đoan Trang đã khiến các chính trị gia chóp bu cảm thấy bị đe doạ.

Vài ngày trước khi bị bắt, Đoan Trang bình luận với Đài Á châu Tự do về vụ Đồng Tâm:

“Tác động lâu dài từ vụ án Đồng Tâm đến tình hình chính trị ở Việt Nam từ nay trở đi, tôi nghĩ rằng vụ án Đồng Tâm có một tác hại rất lớn đối với Đảng Cộng sản cầm quyền. Tức là, đối với họ thì có tác dụng tốt ở điểm vì thật sự đã gây ra một sự sợ hãi.

“Tôi tin rằng toàn bộ làng Đồng Tâm từ giờ phút diễn ra cuộc tấn công cho đến giờ là bà con sống trong sợ hãi, bà con bị đe dọa và khủng bố triền miên, bà con bị chia rẽ, phân hóa…Và những người sống sót được, tôi nghĩ họ bị sang chấn tâm lý và không bao giờ thoát khỏi nỗi sợ từ bây giờ cho đến cuối đời.


Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2020

Nguyễn Hùng: Đại hội 13 và những cảnh không nhà

ĐBQH Phạm Phú Quốc vừa bị phát hiện có thêm quốc tịch Cyprus. (Ảnh chụp màn hình SGGP)

Một đại hội nữa của những người cộng sản lại đang tới gần và câu hỏi đặt ra là có bao nhiêu người thấy mình có đại diện tại sự kiện quan trọng bậc nhất này ở Việt Nam trong năm sau. Truyền thông Việt Nam nói hiện có trên năm triệu đảng viên tại đất nước cộng sản hiếm hoi còn lại trên thế giới. Nhưng không phải cứ là đảng viên cộng sản là đã tin vào đường lối của đảng. Ví dụ nhãn tiền là đảng viên Phạm Phú Quốc đã nhanh chân lấy quốc tịch Cyprus để tìm đường cứu nhà vì trong thâm tâm họ không tin vào cái ‘tiền đồ tươi sáng’ mà Tổng bí thưNguyễn Phú Trọng vẽ ra. Dù giàu có, ông Quốc có lẽ cũng thuộc đa số không nhà về mặt chính trị ở Việt Nam.

Chuyện Đảng cộng sản kiên quyết chỉ duy trì một ngôi nhà chính trị duy nhất – ngôi nhà của những người theo Marx và Lenin – khiến cho hàng chục triệu người trở thành vô gia cư vềchính trị. Họ chẳng tha thiết gì với chủ nghĩa cộng sản và các đồng chí trong đảng cộng sản. Nhưng còn có lựa chọn nào khác ở Việt Nam?

Trong khi các tin tức về việc chuẩn bị cho đại hội 13 đang diễn ra ở Việt Nam, tại Anh Đảng Lao động, đảng cũng tự coi là đại diện của giai cấp công nhân và dân nghèo, đang có đại hội đầu tiên sau khi có tân lãnh đạo, ông Keir Starmer. Sau khi cầm quyền trong 13 năm liền qua hơn hai nhiệm kỳ của Thủ tướng Tony Blair và gần một nhiệm kỳ của ông Gordon Brown, Lao Động đã thất cử năm lần liền từ đó tới nay. Chính ông Starmer thừa nhận rằng Đảng Lao động dưới sự lãnh đạo của người tiền nhiệm Jeremy Corbyn “đáng thua” trong c

Thứ Ba, 15 tháng 9, 2020

Nguyễn Hùng: Đồng Tâm và phiên tòa ô nhục

Các bị cáo tại phiên xét xử về vụ án xuất phát từ tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm, Hà Nội (ảnh ngày 10/9 của VietnamNet)

Phiên xử 29 người dân Đồng Tâm trong vụ chính quyền vô cớ xông vào tư gia của người cha, ông hay thủ lĩnh tinh thần của họ giữa đêm khuya dẫn tới cái chết của bốn người Việt chẳng có thể dùng từ gì khác là nát như tương để mô tả. Trong thời đại mà các quan Việt Nam luôn hô hào là thời 4.0, chẳng hề có hình ảnh hay video nào về các diễn biến của đêm định mệnh 9/1 mà quyết định tấn công 419A của công an như mấy con số tóm tắt hậu quả bốn người chết vào tháng Một, ngày Chín.

Và 45 năm sau khi kết thúc cuộc chiến giữa người Việt Nam để ngư ông Trung Quốc đắc lợi ở Hoàng Sa, anh em trong nhà lại giết nhau vì mảnh đất ngoài đồng trong khi cướp biển vẫn rình rập.

Chết bốn mạng người chưa xong, người ta còn muốn trả thù để ba mạng con dân phải đổi cho bằng được ba mạng dân. Đất nước văn hoá bốn ngàn năm và khát khao muốn sánh vai với các cường quốc năm châu mà sao chỉ thi đua xuống đáy thế này?

Nhân vụ xử quái gở vừa diễn ra, một số người nhắc lại vụ luật sư người Anh Loseby từng cứu Nguyễn Ái Quốc, tức Hồ Chí Minh về sau này, khỏi vòng lao lý hồi năm 1931 để thấy công lý xã nghĩa tới năm 2031 có lẽ cũng khó theo kịp luật Anh của trước đó cả 100 năm. Chính Viện kiểm sát tối cao đã lược lại diễn biến vụ việc mà theo đó ông Hồ Chí Minh, khi đó lấy tên là Tống Văn Sơ, bị bắt ở Hong Kong hồi tháng 6/1931 vì là “gián điệp cộng sản” và có “mưu đồ lật đổ”. Trước đó hai năm ông Nguyễn Ái Quốc đã bị toà ở Vinh kết án tử hình vắng mặt và mật vụ Anh định trao người bị bắt cho Pháp. Trang web của Viện kiểm sát đăng lời ông Loseby kể lại:

Thứ Năm, 10 tháng 9, 2020

Nguyễn Hùng (VOA Blog): Đồng Tâm và những trận đánh tồi

Ngọn nguồn của bạo lực ở Đồng Tâm không bắt đầu từ cuộc tấn công của “ngàn quân” vào làng Hoành rạng sáng 9/1. Nó bắt đầu từ tháng 4/2017 khi chính quyền lừa ông lão ngoài 80 tuổi Lê Đình Kình ra đồng để bắt. Trong một video mà giờ đã không còn truy cập được trên YouTube, ông Kình kể lại diễn biến:

“Khi đến đấy một cái là một anh cảnh sát cơ động nhưng họ toàn mặc quần bò áo thun đen…, một anh nhảy xuống, đứng vào cái góc tường ở đấy và nổ hai băng đạn chỉ thiên và ngay lúc đó là Trần Thanh Tùng đá tôi một cái, Trần Thanh Tùng đứng đằng sau tôi, mà Trần Thanh Tùng là về công tác tại xã Đồng Tâm này nhiều lần rồi, mà ngay hôm đấy và cách đấy mấy hôm vẫn gặp tôi, vẫn cứ làm việc.

“Đá tôi một cái tung lên và trôi một mét rưỡi. Cái đá của một công an mà họ đang sung sức thì có thể nói nó là một cái đá mà mục đích là tiêu diệt mình cho nên một cái đá họ không thương tiếc. Thì tôi tung lên một cái rồi ngã ngửa, đập đầu xuống đường bê tông nhưng mà hôm ấy tôi đội mũ bảo hiểm. Nếu không đội mũ bảo hiểm thì hôm ấy có thể vỡ đầu ngay tại chỗ ấy, và chết ngay tại chỗ ấy.”

Sau trận đánh nguội này, những người dân ủng hộ ông Kình, người từng là bí thư đảng uỷ xã Đồng Tâm, đã bắt giữ gần 40 cảnh sát trong đó tới hai phần ba là cảnh sát cơ động. Vụ việc khiến Chủ tịch Hà Nội lúc bấy giờ Nguyễn Đức Chung phải về ký cam kết không khởi tố người dân Đồng Tâm cũng như sẽ điều tra chuyện ông Kình bị đánh và bắt giữ trái pháp luật. Cả hai lời hứa này đều chỉ là hứa suông và cuối cùng người ta vẫn khởi tố vụ án với dân Đồng Tâm nhưng lại không hề điều tra vụ đánh gãy chân đảng viên khi đó đã trên 50 năm tuổi đảng. Trừ mấy lời hứa đẹp nhưng vô nghĩa của ông Chung, trận đánh tháng Tư năm 2017 nhắm vào ông Kình và dân Đồng Tâm là một trận đánh tồi.

Thứ Năm, 3 tháng 9, 2020

Nguyễn Hùng (VOA Blog): Vụ án Nguyễn Đức Chung và canh bạc lớn của Nguyễn Phú Trọng

Cuối cùng Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, mà xã hội gọi là Chung ‘con’, cũng bị tống giam và khả năng ngồi tù như Bí thư thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng là không nhỏ. Cảhai chính trị gia bị lộ này đều có điểm chung – họ từng làm vương làm tướng dưới thời Ba Dũng, tức Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của nhiệm kỳ trước. Nếu Ba Dũng thay ông Nguyễn Phú Trọng làm tổng bí thư ở đại hội 12, khó tưởng tượng hai vị này ở vào hoàn cảnh như hiện nay. Và vụ Chung ‘con’ gặp đại hoạ cũng khẳng định điểm tựa của Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong đại hội 13 không gì khác hơn chính là sự tiếp nối của cuộc chiến chống tham nhũng.

Điều có thể thấy rõ trong mấy năm qua là bức tranh kinh tế của Việt Nam không có gì đột phá và dịch bệnh Covid-19 chỉ làm cho mọi thứ thêm ảm đạm. Cực chẳng đã Việt Nam cũng đành phải huỷ các hợp đồng khai thác dầu khí ngoài Biển Đông do sức ép của ông láng giềng bốn tốt và 16 chữ vàng. Điều này khiến thiệt hại từ bồi thường hợp đồng và nguồn thu từ dầu khí lên tới nhiều tỷ đô la.

Tình hình xã hội cũng không được cải thiện khiến những “cột điện” tiếp tục tìm tới các xứ tư bản để rồi chết ngạt trong thùng công-ten-nơ trong năm ngoái hay phải bỏ ra cả triệu đô để mong có cuốn hộ chiếu thứ hai mà người ta vừa mới phát hiện ra. Không ngạc nhiên khi ông Trọng chọn chống tham nhũng để lập công dâng đại hội 13.

Nhưng ông Trọng bước vào đại hội 13 với tuổi cao hơn và sức khoẻ yếu đi trông thấy. Mặc dù vậy ông không phát đi tín hiệu nào cho thấy điều này ảnh hưởng tới tham vọng tiếp tục ở lại thêm từ nửa tới cả nhiệm kỳ nữa. Nó làm cho ông giống Lukashenko ở Belorusia, Putin ở Nga và Tập ở Trung Quốc. Chỉ có điều sức khoẻ của ông, điều giờ là bí mật quốc gia, kém xa họ.

Sau đại hội 12 người ta cũng đã đồn đoán ông Trọng sẽ ở lại nửa nhiệm kỳ để tìm truyền nhân. Nhưng rồi truyền nhân ông tìm không ra không những cho chân tổng bí thư mà cả ghế chủ tịch nước ông Trần Đại Quang để lại sau này. Với chiếc lò nướng tham nhũng mà từ “củi khô” Đinh La Thăng tới “củi tươi” Nguyễn Đức Chung đều cháy rực, ông Trọng làm cho nhiều quan to lo ngay ngáy. Trong một chế độ mà các quan chức được coi là “bậc thầy” tham nhũng, những ai chưa bị lộ đều ngán chiếc lò của ông Trọng. Điều này cũng có nghĩa là số người muốn hạ bệ

Thứ Ba, 1 tháng 9, 2020

Nguyễn Hùng (VOA Blog): Vì sao thế giới phát hoảng với tàu cá Trung Quốc

Hồi giữa tháng Tám, minh tinh màn bạc Leonardo DiCaprio chia sẻ một bài viết về chuyện hàng trăm tàu cá Trung Quốc vét cho bằng sạch hải sản ở sát vùng sinh thái nổi tiếng thế giới Galápagos, ngoài khơi Ecuador.

Ngôi sao có hơn 18 triệu người theo dõi trên Facebook và rất nhiều người hẳn đã đọc bài viết trên báo Guardian của Anh mà Leonardo chia sẻ. Bài có tựa “‘Họ kéo mọi thứ lên!’ Đội tàu Trung Quốc gây lo ngại cho sinh vật biển ở Galápagos” cũng nhận được gần 30.000 lượt phản ứng khác nhau trong đó có 4.000 lượt chia sẻ chỉ riêng trên trang của Leonardo.

Bài của Guardian dẫn lời ông Jonathan Green một chuyên gia theo dõi cá mập voi, loài cá lớn nhất thế giới, kể về chuyện ông mất tín hiệu của con cá mập voi mang tên Hope, tức Hy vọng, ở tây Thái Bình Dương.

Ông Green theo dõi Hope được 280 ngày thì bỗng nhiên tín hiệu định vị từ thiết bị gắn trên mình cá biến mất. Khi xem hình chụp vệ tinh vào ngày Hope mất tích, ông phát hiện thấy nhiều tàu cá Trung Quốc trên vùng biển cá đang bơi gần Galápagos. Thêm nữa, vào lúc trước khi mất tín hiệu, tốc độ di chuyển của cá bỗng tăng từ gần hai km mỗi giờ lên trên 10 km, ngang với tốc độ thông thường của tàu cá. Ông Green không thể khẳng định chắc chắn một trăm phần trăm nhưng từ những gì ông biết, ông cho rằng một trong số hàng trăm tàu cá Trung Quốc đã dập tắt hy vọng tìm hiểu loài cá thuộc loại lớn nhất thế giới của ông.

Ông Green cũng được dẫn lời nói các tàu cá Trung Quốc tại Galápagos, một số tàu tắt cả hệthống định vị tự động để khỏi bị phát hiện, dùng tới gần triệu lưỡi câu khi ra khơi và bình luận: “Đây không phải là đánh cá nữa mà nó đơn giản là huỷ hoại tài nguyên trên các đại dương của chúng ta.

“Chúng ta phải đặt câu hỏi liệu có dân tộc nào trên hành tinh này có quyền huỷ hoại thứ mà chúng ta đều chia sẻ.”

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2020

Nguyễn Hùng (VOA Blog): Từ chủ quán nướng Hiền Thiện nghĩ về chuyện quốc gia

(Hình: Trích xuất trên trang Facebook Nhắng Nướng Hiền Thiện)

Hãy tưởng tượng bạn phát hiện đồ ăn bẩn ở một quán nướng rồi đưa lên Facebook để cảnh báo cộng đồng. Chủ quán ăn liền lập tức thuê giang hồ tới hốt bạn đưa về quán, bắt quỳ xuống đểchửi bới, lệnh phải xoá bài đăng và viết lời xin lỗi theo yêu cầu.

Mà thôi bạn khỏi phải tưởng tượng. Nếu bạn tới quán đồ nướng Hiền Thiện ở phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh thì điều đó sẽ thành hiện thực như một số người đã chụp lại màn hình. Quán Hiền Thiện còn cả gan phát trực tiếp luôn cảnh sỉ vả bạn cho thiên hạ coi. Chủ tịch thành phố Bắc Ninh hôm 19/8 đã ra công văn “hoả tốc” đề nghị công an xử lý vụ việc. Trang Nhà báo và Công Luận nói chủ quán đã bị tạm giữ.

Sự việc xảy ra ít lâu sau khi Bắc Ninh được công luận rọi đèn pha vì Bí thư tỉnh uỷ Nguyễn Nhân Chiến đẩy con trai Nguyễn Nhân Chinh về làm bí thư thành phố Bắc Ninh. Ông Chinh chỉ tại chức được có 13 ngày rồi được điều xuống chức quan nhỏ hơn.

Cách hành xử của ông chủ quán nướng làm tôi nghĩ ngay tới cách hành xử của ông ‘chủ tiệm nước’, cách dân mạng gọi một trong hai vai mà ông Nguyễn Phú Trọng đang đóng trong chính trường. Những người chỉ trích ông Trọng như nhà văn Phạm Thành đã bị ông bỏ tù hồi tháng Năm. Blogger Nguyễn Tường Thuỵ trước khi bị bắt, cũng trong tháng năm vừa qua, từng kể chuyện bị côn đồ được chính quyền bảo kê hành cho tới khốn khổ.

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2020

Nguyễn Hùng (VOA Blog): Lê Văn Tám của Hoa Kỳ và thế giới hậu sự thật

Hồi còn làm cho BBC tôi từng viết về những tranh cãi ở Việt Nam sau khi nhà sử học Phan Huy Lê tiết lộ rằng nhân vật Lê Văn Tám không hề có thật. Ông Lê nói Bộ trưởng tuyên truyền Trần Huy Liệu đã dựng lên nhân vật đó trong những năm đầu cách mạng và muốn ông Lê vềsau nói cho hậu thế biết sự thật. Nhiều người đã phản bác lại nhà sử học và kiên quyết khẳng định Lê Văn Tám là có thật. Có người còn nói không phải Lê Văn Tám tẩm xăng vào người mà chỉ là bị “dính xăng”. Thế rồi vẫn khẳng định dù chỉ dính xăng thôi nhưng vẫn cháy như đuốc. Họ có vẻ vẫn chưa học được bài học từ câu chuyện ban đầu trong đó Lê Văn Tám cháy nhưđuốc mà vẫn chạy được thêm 50 mét nữa.

Mười năm sau khi tôi viết về cuộc tranh cãi đó, một nhà báo khác của BBC, Lucy Worsely, đã tìm hiểu về cuộc nổi dậy chống lại thực dân Anh của Hoa Kỳ hồi thập niên 1770. Chương trình truyền hình công phu được thực hiện hồi năm 2019 nhưng đang được chiếu lại trên các kênh truyền hình của BBC và qua mạng internet. Hoá ra Hoa Kỳ cũng lại có những khoảnh khắc Lê Văn Tám của riêng mình.

Nhân vật hư cấu thứ nhất là bà Molly Pitcher, người anh hùng của Trận Monmouth hồi năm 1778. Bà Molly có nhiệm vụ tiếp nước cho chồng và đồng đội đang chiến đấu chống quân Anh. Nhưng rồi chồng bà trúng đạn, gục ngã. Ngay lập tức bà lao vào thay chồng nã đạn vào quân thù. Chuyện kể sau trận đánh bà đã được đích danh Tướng George Washington khen tặng. Thậm chí có những phiên bản nói bà được ông Washington phong làm trung sỹ. Chỉ có điều không hề có nguồn trực tiếp nào cả về nhân vật này mà chỉ có nguồn gián tiếp. Các nhà nghiên cứu về sau nói rằng đó là nhân vật gộp từ nhiều nữ anh hùng khác nhau. Nhưng không có bà Molly Pitcher nào trong lịch sử cả.

Phóng viên Lucy Worseley cũng tìm hiểu về một nhân vật anh hùng khác của thời đó, Paul Revere, người được cho là đơn thương độc mã phi ngựa vào một đêm hồi năm 1774 để báo cho các dân quân tập trung tại hai nơi chứa vũ khí ở Lexington và Concord tại Massachusetts biết quân Anh đang kéo tới. Kết cục là 75 lính Anh bỏ mạng ở hai bãi chiến trường trong khi chỉ có 50 quân Mỹ thiệt mạng do họ đã được cảnh báo và trực chiến khi quân Anh tới với số lượng thua xa dân quân Hoa Kỳ.

Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2020

Nguyễn Hùng (VOA): Anh trừng phạt tướng tá ngoại quốc; những suy nghĩ về Đồng Tâm

Từ nữ đại tá Nga cho tới thống tướng Myanmar, nước Anh hậu EU lần đầu tiên đã quyết định trừng phạt gần 50 nhân vật vi phạm nhân quyền trên thế giới bằng cách cấm họ vào Anh cũng như phong toả tài sản của họ tại vương quốc này.

Danh sách gồm 47 cá nhân ở Nga, Arab Saudi, Myanmar và hai tổ chức của Bắc Triều Tiên. Trang web của chính phủ Anh nêu chi tiết:

  • 25 công dân Nga liên quan tới việc ngược đãi và cái chết của kiểm sát viên Sergei Magnitsky, người phát hiện ra vụ tham nhũng hàng loạt tại Nga của một nhóm các quan chức thuế và cảnh sát.
  • 20 công dân Arab Saudi liên quan tới cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi
  • 2 tướng quân đội cao cấp của Myanmar liên quan tới bạo lực tàn ác và có hệ thống đối với người Rohingyia và các sắc dân thiểu số khác.
  • 2 tổ chức liên quan tới lao động cưỡng bức, tra tấn và giết người tại các trại cải tạo của Bắc Triều Tiên.

Nữ Đại tá Nga Natalya Vinogradova là cục phó chuyên điều tra tội phạm tài chính và sở hữu ở Bộ Nội vụ Nga. Người phụ nữ sinh năm 1973 này bị tố cáo liên quan tới việc đối xử tệ bạc với ông Magnitsky khiến ông chết trong khi bị giam giữ hôm 16/11/2009. Vị đại tá nằm trong nhóm điều tra vốn không xem xét các khiếu nại của ông Magnitsky về chuyện bị ngược đãi trong trại giam và đã hỗ trợ cho những thuộc hạ trực tiếp có các hành động ngược đãi. Anh cấm bà đại tá vào nước Anh cũng như phong toả tài sản. Một nữ thẩm phán Nga, Svetlana Ukhnalyova, cũng sinh năm 1973, chịu trừng phạt tương tự vì đã ra quyết định gia hạn tạm giữ ông Magnitsky.

Thứ Ba, 16 tháng 6, 2020

Nguyễn Hùng: Khi người Anh giật tượng ‘cha già’ Bristol

Tháng Sáu này người Anh khởi đầu phong trào kéo đổ tượng đài của những nhân vật lịch sử đang đổ thêm dầu vào ngọn lửa chống phân biệt chủng tộc vốn bùng lên từ Hoa Kỳ sau cái chết tức tưởi của ông George Floyd.

Tượng của một mạnh thường quân có tiếng ở thành phố Bristol và cũng là người kiếm bộn tiền từ buôn nô lệ, ông Edward Colston, đã bị kéo đổthả xuống hồ hôm Chủ Nhật, ngày 7/6 trong cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc với sự tham gia của 10.000 người.

Ông Colston thực sự là cha già của thành phố Bristol nơi đường phố, trường học, khán phòng và trại tế bần mang tên của thương gia và chính trị gia qua đời từ năm 1721 nhưng tài sản ông để lại trong di chúc cho các hoạt động xã hội vẫn có tác dụng cho tới ngày nay. Sách giới thiệu về ông có tại Thư viện Bristol không lảng tránh chuyện ông từng tham gia buôn nô lệ và từng là lãnh đạo cao cấp của công ty buôn nô lệ thời thế kỷ 17 mang tên Royal African Company. Nhưng họ có ý nói ông cũng còn kiếm tiền bằng nhiều cách khác chứ không chỉ từ buôn nô lệ. Tác giả sách không lên án ông Colston mà chú ý tới các điểm son của ông. Chẳng hạn họ dẫn lời ông nói với bạn bè khi bị giục lấy vợ rằng ‘mỗi bà quá cơ nhỡ là vợ tôi và những đứa con mồ côi khốn khó của họ là con tôi’. Hay chuyện ông nói trong di chúc rằng ông chỉ mong có một đám tang khiêm tốn dù người ta vẫn cứ tổ chức lễ rước linh cữu linh đình.

Nhưng nhiều người không thể quên sự dính líu của Colston từ hơn ba thế kỷ trước tới công ty có nhiều năm độc quyền buôn nô lệ và bị buộc trách nhiệm đã quẳng hàng chục ngàn nô lệ xuống biển khi họ chết trên đường từ châu Phi tới các đồn điền ở Bắc Mỹ. Công ty Royal African Company cũng được cho là thường đóng ba chữ viết tắt của tên công ty RAC lên ngực của các nô lệ phi Châu, từ trẻ tới già. Những tranh cãi về quá khứ bất hảo của ông Colston đã khiến một số cơ sở ở Bristol trong đó có một trường học và một khán phòng đã bỏ tên ông ra khỏi tên trường và tên khán phòng trong vài năm gần đây. Nhưng một số nơi khác vẫn giữ trong đó có cả tên đường nơi có tượng bị kéo đổ của ông Colston.

Thứ Năm, 4 tháng 6, 2020

Nguyễn Hùng (VOA Blog): Người gốc Á đứng nhìn ông George Floyd hấp hối là ai?

Cảnh sát viên Tou Thao. (Hình: Trích xuất từ video trên twitter)
Trong video quay cảnh người Mỹ gốc Phi, ông George Floyd, bị đè đầu gối vào cổ trong nhiều phút, ở Minneapolis thuộc bang Minnesota, Hoa Kỳ, có hình ảnh một cảnh sát gốc Á đứng xua đuổi người dân chứng kiến.

Các báo Hoa Kỳ trong mấy ngày qua đã cung cấp thêm các thông tin liên quan tới cảnh sát viên này, ông Tou Thao.

Hiện ông Thao đã bị sa thải trong khi ông Derek Chauvin, cảnh sát gây ra cái chết của ông Floyd, bị truy tố tội giết người. Nhiều người cũng lên tiếng kêu gọi truy tố cả ông Thao và hai cảnh sát khác có liên quan tới vụ bắt giữ ông Floyd, 46 tuổi.

Ông Tou Thao là ai?


Theo bài ‘[g]iữa lúc người gốc Á ở Minnesota đòi công lý cho George Floyd, một số cảm thấy [họ] trở thành mục tiêu do vai trò của cảnh sát Thao trong vụ chết người’ của trang Sahan Journal, chữ ‘Tou’ có nghĩa là ‘con trai/bé trai’ theo tiếng Hmong và là tên phổ biến nhất trong cộng đồng Hmong. Còn Thao là tên của 18 thị tộc Hmong.