Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2023
Nguyễn Công Khanh: Đầu Năm Nói Chuyện: Đi Tìm Bản Sắc (Phần 2)
Hai hôm sau, khi đi làm về, nghe tiếng điện thoại, anh chắc là của bạn. Khi anh vừa lên tiếng trả lời thì bạn anh bắt đầu ngay như một bài luận thuyết:
"Tôi muốn nói với ông điều này, trước khi đi tìm bản sắc cho con ông, cho cháu ông, cho chắt ông và cho cả ông nữa, để khỏi bị nhận lầm, để sống và có thể ngẩng mặt được ở xứ nầy, để có thể hòa hợp với những người Việt trên thế giới được, thì phải bàn đến mấy vấn đề căn bản trước."
"Nói đến bản sắc thì phải nói đến văn hóa, văn hóa và bản sắc thường đi liền với nhau, văn hóa tạo ra bản sắc và bản sắc duy trì văn hóa. Cho nên phải biết bản sắc và văn hóa là gì. Còn tài liệu Việt Nam mà tôi nghĩ ông có thể tin cậy được là của hai học giả Trần Trọng Kim và Đào Duy Anh."
"Trước hết nói về văn hóa, xem Mỹ nó định nghỉa ra sao. Theo E.B. Taylor, một nhà nhân chủng học hiện đại trong cuốn Primitive Culture 1981:
"Văn hóa là một tổng hợp hỗn tạp gồm kiến thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, luân lý, luật lệ, phong tục và những khả năng khác cùng tập quán đòi hỏi ở một người để thành một phần tử của xã hội đó."
Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023
Nguyễn Công Khanh: Đầu Năm Nói Chuyện - Đi Tìm Bản Sắc ( Phần 1)
Có những người bạn, lâu lắm anh không gặp, nhiều người có lẽ từ ngày rời nước ra đi. Khi gặp nhau, anh và họ thường dùng những giây phút đầu, nhìn nhau từ đầu tới chân, rồi cả hai cùng thốt lên: "Trông vẫn thế, không thay đổi gì cả", nghĩa là Việt Nam vẫn hoàn toàn Việt Nam.
Sự thật, qua nhiều năm trời xa xứ, anh và mọi người cũng không thay đổi là bao. Tuy tóc anh có nhiều sợi bạc thêm, mặt anh có nhiều nếp nhăn hơn, và dù anh có ăn nhiều bánh mì, nhiều thịt cá Mỹ hơn, nhưng cũng chẳng giúp anh giống Mỹ thêm được chút nào.
Ngay cả cách sống, khi bước vào nhà, trong nhiều năm, có thể thấy ngay những bức tranh trên tường, những tấm lịch dù có thay đổi hàng năm, nhưng vẫn là những hình ảnh muôn đời của Việt Nam. Vẫn những hàng thùy dương trên cửa Thuận An, Sa Huỳnh, Đại Lãnh, Nha Trang, Vũng Tàu...Vẫn những đồng lúa xanh của miền Nam với sóng lúa chẩy vờn nhau tới mãi chân trời. Vẫn những con thuyền nhỏ nặng trĩu trái cây, xuôi giòng bình yên giữa hai hàng cây xanh bên bờ kinh lạch đỏ đất phù sa. Vẫn những cồn cát mênh mông, óng ả không dấu chân người. Vẫn những thắng tích: Hòn Phụ Tử Hà Tiên, Lăng Ông, Chợ Bến Thành, Thánh Thất Cao Đài, Tháp Bà, Cầu Đá, Hòn Chồng, Lăng Tự Đúc, Cột cờ Đông Ba, Suối Vàng, Hồ Than Thở, Thác Cam Ly... Còn nữa, còn thêm nữa, những cảnh Tháp Rùa, Hồ Hoàn Kiếm, Chùa Một Cột, cánh buồm trên vịnh Hạ Long...
Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2023
Nguyễn Công Khanh: Đi Lễ Giao Thừa
Chùa Việt Nam ở Seattle, Hoa Kỳ |
Bao nhiêu năm ở Seattle và dù không phải là Phật tử thuần thành, nhưng lễ Giao Thừa nào vợ chồng con cái chúng tôi cũng có mặt tại chùa Việt Nam, ngôi chùa đầu tiên của thành phố.
Chiều cuối năm chúng tôi dọn dẹp nhà cửa đón Tết, bầy bàn thờ, sắp mâm cơm cúng, thắp hương mời tổ tiên về cùng ăn Tết với con cháu. Vợ chồng chúng tôi theo ảnh hưởng của các cụ xưa, nên không quên cúng cả vàng bạc tiền giấy, mặc dầu không biết các cụ ở bên kia thế giới có dùng được hay không. Dần dần thành thông lệ. Các con tôi khi còn nhỏ rất thích thú được tham gia việc đốt vàng như một trò chơi. Nay đã trưởng thành, làm việc trong các ngành khoa học, giáo dục, ngoại giao mà khi đi tảo mộ, các con tôi cũng đốt vàng tiền, chắc là để làm yên lòng chúng tôi?
Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2022
Nguyễn Công Khanh: Thầy Doãn Quốc Sỹ
Nhà văn Doãn Quốc Sỹ là thầy dạy tôi. Thầy sinh năm 1923, năm nay tròn 100, còn tôi sanh năm 1936, thầy hơn tôi 13 tuổi, năm nay tôi cũng đã 87. Tính ra năm thầy dậy tôi cách đây đã đến 70 năm rồi. Ở cái thời mà ai cũng gọi người dậy học là “Thầy”, dù là từ lớp vỡ lòng cho đến hết lớp trung học chứ không gọi là “Giáo sư” như những năm sau này. Mà người đi học thì gọi là “Học trò” chứ ít ai gọi là “Học sinh”.
Thầy dậy tại trường Chu Văn An năm nào, thì tôi được học thầy năm đó. Tôi không còn nhớ mấy năm, nhưng đọc tiểu sử của thầy, trên mạng Wikipedia cho biết thầy chỉ dậy ở trường Chu Văn An có một năm 52–53, sau khi thầy dậy ở Nam Định một năm 51–52. Trang mạng này, có ghi thầy di cư vào Nam năm 54, đoạn sau lại ghi thầy dậy trường Trần Lục tại Saigon năm 53–60. Tôi không nghĩ rằng hai trường Công Giáo Trần Lục và Hồ Ngọc Cẩn dọn vào Saigon trước năm 54. Không hiểu niên học 53–54, trước khi di cư thầy dậy ở đâu. Chắc phải kiểm chứng lại mạng này, và đó là một câu hỏi tôi cần tìm hiểu.
Trường Chu Văn An là hậu thân của trường Bưởi. Trường Bưởi ở khu Hồ Tây, bên cạnh đường tầu điện từ bờ Hồ Hoàn Kiếm qua Thụy Khuê đến trạm cuối là chợ làng Bưởi. Tôi chưa được vào xem trường này, chỉ ngồi nhìn từ trên xe điện. Nhất là sau này trường bị chiếm và là hậu cứ của lính nhẩy dù Pháp.
Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2022
Nguyễn Công Khanh: Trở Lại Chiến Trường Xưa
Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2022
Nguyễn Công Khanh: Hà-Nội Nửa Đêm
Chưa có một bài thơ nào cho tôi thấy cả tuổi thơ Hà Nội của tôi như bài thơ “Chia Nhau Hà Nội” của Trần Mộng Tú :
CHIA NHAU HÀ NỘI
Em gửi cho anh
chiếc lá bàng cuối thu Hà nội
hồi chuông giáo đường
buổi sớm tinh mơ
góc phố Nhà Chung có bầy sẻ nhỏ
một con rất gầy
đứng hót ngu ngơ
Em gửi cho anh
tơ tầm mới dệt
giăng từ Hàng Đào đến phố Hàng Bông
khúc lụa trắng ngả sang
mầu nguyệt bạch
sợi dệt ngang như mây vắt
trăng rằm
Em gửi cho anh
ly cà phê buổi tối
mùi ngô non
nướng dưới cột đèn
mảnh than nhỏ sưởi mùa thu
sắp hết
hơ gót chân ai
hồng giữa phố đêm
Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2022
Nguyễn Công Khanh: Câu Chuyện Của Một Người Chị
Hoa Thu. 1951 |
Như là một cuốn truyện hư cấu, nhưng lại là một truyện thật, và câu chuyện này đã kéo dài bẩy chục năm.
Chị sinh năm 1926, năm nay đã 95 tuổi. Chị hơn tôi 10 tuổi. Với từng đó tuổi, vào những quãng thời gian đó, chị đã đi vào những biến cố xa hơn tôi rất nhiều.
Chúng tôi đều sinh ra trong thời nước Việt Nam còn có vua, nhưng lại là thuộc địa của người Pháp. Tôi nhớ lại thời đó là một thời thanh bình. Rồi chúng tôi đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh triền miên suốt hơn ba mươi năm trời.
Đệ Nhị Thế Chiến 1939-45, quân Nhật tràn vào Đông Dương lật đổ người Pháp. Trên trời thì máy bay Mỹ dội bom xuống doanh trại của lính Nhật và phá hủy các trục lộ giao thông. Cùng chứng kiến cảnh hai triệu người chết đói ở các làng quê và một số đông đã lần về thành phố Hà Nội mong có miếng ăn, nhiều người nằm chết la liệt hàng ngày trên các đường phố. Nguyên do lính Nhật cấm nông dân trồng lúa và phải trồng các cây phục vụ cho kỹ nghệ chiến tranh của họ.
Thế chiến chấm dứt, cả một sư đoàn quốc quân Tầu chuyển sang giải giới quân Nhật. Rồi Cộng Sản đội lốt Việt Minh lợi dụng tình thế cướp chính quyền, phá bỏ chế độ quân chủ, diệt trừ các đảng quốc gia đối lập. Người Pháp quay lại Đông Dương, chiến tranh Việt Pháp bùng nổ, kéo dài nhiều năm 1946-54. Pháp thua trận Điện Biên Phủ, rút khỏi Việt Nam. Đất nước chia đôi. Chúng tôi sợ Cộng Sản, đấu tranh giai cấp, diệt trừ những người mà họ liệt vào hàng địa chủ, tiểu thương, phản động diễn ra thật là khủng khiếp. Gần triệu người rời bỏ miềnBắc, di cư vào Nam tìm tự do và đã hưởng được những năm đầu an bình và thịnh vượng ở đó.
Không bao lâu, cuộc nội chiến tương tàn lại bắt đầu giữa Bắc-Nam. Miền Bắc được cả một khối Cộng Sản khổng lồ kiên trì hỗ trợ, miền Nam được Hoa Kỳ mang quân vào chống lại. Cuộc chiến tranh kéo dài hai mươi năm, hơn một triệu lính chết, mấy triệu thường dân bỏ mạng. Nước Mỹ cuối cùng bỏ cuộc và ngưng yểm trợ cho miền Nam, khiến cho Cộng Sản miền Bắc thôn tính cả đất nước năm 1975.
Một lần nữa chúng tôi lại cố thoát khỏi Cộng Sản bất chấp nguy hiểm. Mỗi người tìm đường vượt biển một cách. Cuối cùng Hoa Kỳ đã chấp nhận cho tị nạn. Chúng tôi đã trở thành công dân Mỹ, và đã sống ở đây đến nay đã hơn 45 năm rồi. Cuộc đời biết bao nhiêu biến đổi, mất mát trắng tay.
*
Trở lại chuyện của chị. Những năm cuối đời, sau khi chồng mất, chị cư ngụ một mình trong một căn cao ốc của các cao niên trong thành phố tại vùng Tây Bắc Hoa Kỳ. Vốn thích văn thơ, lãng mạn chị sống lại cái quá khứ của một thời. Chị bắt đầu soạn lại tác phẩm kịch thơ mà chị đã giúp viết chung với một người và viết hồi ký.
Thứ Sáu, 10 tháng 12, 2021
Nguyễn Công Khanh: Qua Thiên Sơn… Đi Trên Đường Tơ Lụa Cũ, Mới
“Qua Thiên Sơn kìa ai chén rượu vừa tàn…” Đó là một câu trong Hòn Vọng Phu, bản trường ca bất hủ của nhạc sĩ Lê Thương, gồm ba bài sáng tác từ năm 1943 đến 1947. Một trong những bản trường ca đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam.
Lê Thương đã nghiền ngẫm đề tài người chinh phu từ lâu trước khi sáng tác. Theo Net, nhạc sĩ đọc thuộc “Chinh Phụ Ngâm”, cả nguyên tác chữ Hán của Đặng Trần Côn và bản dịch chữ Nôm của Đoàn Thị Điểm. Ngoài ra, Lê Thương đã bắt gặp nhiều hình tượng người chinh phụ ngoài đời thực. Nàng Tô Thị bồng con chờ chồng đến nỗi hóa thành đá ở Lạng Sơn, người chinh phụ trên núi Đá Bia, ở Phú Yên, phía đông đèo Cả, thậm chí là cả Vọng Phu Thạch ở Trung Quốckhi ông vượt qua biên giới Việt Trung. Tất cả những hình tượng này đều khiến Lê Thương đưa ra một chiêm nghiệm: Dù ở phương trời nào, chiến tranh luôn gây ra nỗi đau đè nặng lên người phụ nữ. Cảm xúc đó đã khiến nhạc sĩ xúc động sâu sắc để viết bộ ba bài hát Hòn Vọng Phu.
Đoàn Thị Điểm đã viết trong đoạn mở đầu Chinh Phụ Ngâm:
“Trống Trường Thành lung lay bóng nguyệt
Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây
Chín tầng gươm báu trao tay
Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh”
Tất cả những cảnh bi hùng trong Chinh Phụ Ngâm đều đã ẩn hiện trong trường ca Hòn Vọng Phu của Lê Thương:
Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2020
Nguyễn Công Khanh: Đọc Lại “Đôi Bạn” Của Nhất Linh
Chủ Nhật, 4 tháng 10, 2020
Nguyễn Công Khanh: Đi Tìm Bản Sắc (Tiếp theo và hết)
Tối đó, anh trở về nhà, nằm thao thức không ngủ. Nghĩ đến ngày trở về quê hương, sao mà thấy khắc khoải; có lúc, biết bao nhiêu người đều muốn rời bỏ quê hương; "Ngay cả cái cột đèn nếu biết đi còn muốn bỏ nước ra đi", tự nhiên anh thấy thấm đau hơn. Anh nghĩ đến những đứa con anh đem đi từ bên kia Thái Bình Dương, và những đứa con của chúng sau này. Chúng sẽ là cháu, là chắt... của anh. Chúng có sẽ bị trận cuồng phong kéo đi mất hay không? Chúng có còn muốn giữ nguồn gốc không? Chúng có tìm được bản sắc của chúng không? Chúng có bị bỏ quên không? Chúng có bị nhìn lầm không? Chúng có thể hội nhập vào giòng sông chính mà vẫn tự hào về di sản của tổ tiên không? Chúng có còn muốn trở về quê hương Việt Nam không? Và khi chúng muốn trở về, những người bên nhà có mở rộng vòng tay như đón những đứa con, đón những người anh em lưu lạc từ bao năm hay không? Chúng có sẽ là một kẻ lạ trên chính quê hương của tổ tiên chúng hay không? Chúng có bị khinh thị, bị lạc lõng như con cháu của người di dân Nhật khi trở về Nhật hay không?
Ngay cả chính anh nữa, anh vẫn tin là anh vẫn không thay đổi so với ngày rời nước ra đi. Nhưng dầu sao đời sống vật chất cũng ảnh hưởng đến anh và mọi người không ít. Trong khi đó hình ảnh của anh và những người ở lại có còn giống nhau như trước ngày rã đám tan hàng hay không? Những cảm nghĩ của họ và của anh có còn giống nhau sau hàng mấy chục năm trời xa cách hay không? Đó là chưa nói đến những sự thù nghịch về chính kiến, những mối hận về tù đầy không hiểu đến bao giờ mới phai nhòa được.
Anh không muốn nghĩ thêm nữa, và choàng dậy gọi điện thoại cho một người bạn. Người bạn này thân với anh hồi còn ở trung học, sau này thành giáo sư, suốt đời chỉ vùi đầu vào những chồng sách cổ. Người bạn mà được anh coi như một cây tra cứu, mỗi lần anh muốn tìm dấu vết của các vấn đề cổ xưa. Sau khi sang đây, bạn anh vẫn còn say mê với cái thú đó; sách vở tàng trữ trong nhà ông ta như một cái thư viện nhỏ. Như một cái máy, ông ta trở ngược lại bốn ngàn năm. Từ cái thuở rồng tiên gặp nhau, đời Xích Quỷ, Kinh Dương Vương, gặp Long Nữ, từ dấu chân Bách Việt, Tây Tạng theo sông Hồng Hà đi xuống, từ Nam Dương vượt Biển đi lên... miên man bất tận đưa anh xuôi đường vào giòng lịch sử. Chắc cả đêm nay, nếu có chợp mắt được lúc nào, thì hồn ông ta sẽ bay bổng về thời Văn Lang, Hồng Bàng qua Đinh, Lê, Lý, Trần... hay lẩn quẩn bên các kệ sách trong phòng. Anh mong bạn, ngày mai đầu óc đừng có để đâu đâu, đến sở làm nhìn việc này ra việc khác thì phiền lắm.
*
Hai hôm sau, khi đi làm về, nghe tiếng điện thoại, anh chắc là của bạn. Khi anh vừa lên tiếng trả lời thì bạn anh bắt đầu ngay như một bài luận thuyết:
Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2020
Nguyễn Công Khanh: Đi Tìm Bản Sắc
Có những người bạn, lâu lắm anh không gặp, nhiều người có lẽ từ ngày rời nước ra đi. Khi gặp nhau, anh và họ thường dùng những giây phút đầu, nhìn nhau từ đầu tới chân, rồi cả hai cùng thốt lên: "trông vẫn thế, không thay đổi gì cả", nghĩa là Việt Nam vẫn hoàn toàn Việt Nam.
Sự thật, qua nhiều năm trời xa xứ, anh và mọi người cũng không thay đổi là bao. Tuy tóc anh có nhiều sợi bạc thêm, mặt anh có nhiều nếp nhăn hơn, và dù anh có ăn nhiều bánh mì, nhiều thịt cá Mỹ hơn, nhưng cũng chẳng giúp anh giống Mỹ thêm được chút nào.
Ngay cả cách sống, khi bạn anh bước vào nhà, có thể thấy ngay những bức tranh trên tường, những tấm lịch dù có thay đổi hàng năm, nhưng vẫn là những hình ảnh muôn đời của Việt Nam. Vẫn những hàng thùy dương trên cửa Thuận An, Sa Huỳnh, Đại Lãnh, Nha Trang, Vũng Tàu... Vẫn những đồng lúa xanh của miền Nam với sóng lúa chẩy vờn nhau tới mãi chân trời. Vẫn những con thuyền nhỏ nặng trĩu trái cây, xuôi giòng bình yên giữa hai hàng cây xanh bên bờ kinh lạch đỏ đất phù sa. Vẫn những cồn cát mênh mông, óng ả không dấu chân người. Vẫn những thắng tích: Hòn Phụ Tử Hà Tiên, Lăng Ông, Chợ Bến Thành, Thánh Thất Cao Đài, Tháp Bà, Cầu Đá, Hòn Chồng, Lăng Tự Đúc, Cột cờ Đông Ba, Suối Vàng, Hồ Than Thở, Thác Cam Ly… Vẫn hình ảnh những cụ già tóc trắng như tiên, những bà mẹ hiền lòng bao la như biển cả. Những trẻ thơ ngoan ngoãn, hy vọng tựa măng non. Những thiếu nữ trong sáng bên hoa đào ngày xuân. Những nông dân say sưa đập lúa trong ngày mùa. Những dân chài mình trần bóng nhẫy, kéo lưới buổi bình minh. Những chiến sĩ phong sương, kiêu hùng. Những cô phụ với giọt nước mắt long lanh ướt chiếc thẻ bài.
Tại phòng khách, có thể tìm thấy một vài số báo Việt ngữ, với các tin tức của cộng đồng Việt Nam tại các địa phương, những tin tức từ Việt Nam, từ các nơi khác trên thế giới, những truyện ngắn, những bài thơ... Cũng không khó khăn gì khi muốn tìm một vài cuốn tiểu thuyết tiền chiến hay hiện đại.
Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2020
Nguyễn Công Khanh: Marquez, Người Của “Trăm Năm Cô Đơn”

Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2020
Nguyễn Công Khanh: Hai Người Bạn - Một Thời Trung Học
Hà Dương Dực – Nguyễn Ngọc Giao
![]() |
Hà Dương Dực (1936 – 2020) |
Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2020
Nguyễn Công Khanh : Trở Lại Đảo Xưa
![]() |
Bãi biển Phú Quốc. Hình HOANG DINH NAM/AFP via Getty Images |
Thứ Tư, 2 tháng 2, 2011
ĐI LỄ GIAO THỪA
Hơn ba mươi năm ở Seattle và dù không phải là Phật tử thuần thành, nhưng lễ Giao Thừa nào vợ chồng con cái chúng tôi cũng có mặt tại chùa Việt Nam, ngôi chùa đầu tiên của thành phố.
Chiều cuối năm chúng tôi dọn dẹp nhà cửa đón Tết, bầy bàn thờ, sắp mâm cơm cúng, thắp hương mời tổ tiên về cùng ăn Tết với con cháu. Vợ chồng chúng tôi theo ảnh hưởng của các cụ xưa, nên không quên cúng cả vàng bạc tiền giấy, mặc dầu không biết các cụ ở bên kia thế giới có dùng được hay không. Dần dần thành thông lệ, các con tôi khi còn nhỏ rất thích thú được tham gia việc đốt vàng như một trò chơi. Nay đã trưởng thành, làm việc trong các ngành khoa học, giáo dục, ngoại giao mà khi đi tảo mộ, các con tôi cũng đốt vàng tiền, chắc là để làm yên lòng chúng tôi?
Thứ Hai, 4 tháng 10, 2010
Cà Phê Givral, Cà Phê Seattle
Khi sang Mỹ, tôi làm cho một cơ quan giúp tìm việc cho người tị nạn.
Công việc nhẹ nhàng, sở lại cung cấp cà phê miễn phí, nên tay tôi lúc nào cũng cầm ly cà phê thành một thói quen, dù không uống; đến khi nguội lại thay ly khác. Cô thư ký lúc đó pha rất ngon đúng vị, khi cô thôi việc, cô khác thay thế pha cà phê đắng ngắt, làm tôi mất vị trong nhiều năm. Sau này tôi lại uống cà phê không đường như một số người Mỹ.
Chủ Nhật, 3 tháng 10, 2010
Cà Phê Givral, Cà Phê Seattle
Ai nghe thấy tên thành phố Seattle đều ngán về cái mưa dai dẳng, một năm gần sáu tháng trời. Biểu tượng của Seattle là một người cầm dù.
Nắng ở đây hiếm hoi như hạnh phúc
Anh có về gọi nắng đến cho em…(thơ Trần Mộng Tú)
Vậy mà chúng tôi đã ở thành phố Seattle hơn 35 năm qua.