Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Anh Tuấn. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Anh Tuấn. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 3 tháng 11, 2023

Nguyễn Anh Tuấn: Bóng ma chuyên chính

[Vụ bắt giữ bà Nguyễn Phương Hằng và người mẫu Ngọc Trinh, sau đó là việc điều tra nhà xe Thành Bưởi báo hiệu một bóng ma đang quay trở lại đời sống xã hội Việt Nam.]

Những vụ án kỳ lạ


Bản án 3 năm tù giam đã khép lại vụ việc bà Nguyễn Phương Hằng song vẫn chưa khiến dư luận lẫn những người trong cuộc hết băn khoăn về nguyên nhân thực sự của việc bắt giữ bà.

Thứ Ba, 26 tháng 9, 2023

Dư luận xung quanh việc tử tù Lê Văn Mạnh bị thi hành án

Nguyễn Anh Tuấn: Ly rượu máu người

Có người đặt câu hỏi vì sao tòa án tỉnh Thanh Hóa ra lệnh xử tử Mạnh lúc này?

Chúng ta sẽ tìm thấy câu trả lời trong thông báo họ gửi cho gia đình.

Theo đó, họ thi hành án Mạnh thể theo yêu cầu của Vụ I, Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) thông qua công văn đề ngày 11/8/2023.

Trong hệ thống thứ bậc của bộ máy quyền lực ở Việt Nam, chúng ta biết rằng Vụ I không thể gửi công văn này nếu không có sự chỉ đạo của Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình.

Thứ Ba, 13 tháng 6, 2023

Đồng bào các sắc dân bản địa ở Tây Nguyên: Con giun xéo lắm cũng quằn”, “Tức nước vỡ bờ"…

Tin tức trong ngoài nước cho hay, rạng sáng ngày 11 tháng 6 năm 2023, một nhóm người không xác định danh tính đã tấn công vào trụ sở Ủy ban nhân dân hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur thuộc huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, giết chết ít nhất 7 người, bao gồm 4 viên công an.

Cho đến chiều ngày 13/6 (giờ Việt Nam), Bộ Công An cho biết đã bắt được 45 nghi phạm, thu giữ nhiều vũ khí, và vẫn đang tiếp tục truy tìm những người còn lại.

Theo BBC Tiếng Việt, chỉ trong vòng nửa ngày 11 tháng 6, đã có có khoảng 2258 tin bài trên các trang báo, diễn đàn và mạng xã hội viết và bình luận về vụ tấn công. Trong đó, có 386 bài báo và 1707 bài đăng đến từ mạng xã hội và hầu hết là từ Facebook. Dư luận nhìn chung tuy không tán thành việc sử dụng bạo lực, nhưng chỉ trừ các “dư luận viên” ăn lương để binh vực mọi chính sách, việc làm của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam, mọi người đều không lên án nặng nề những người đã nổ súng mà lại đặt ngược câu hỏi vì sao mà đồng bào lại đi đến phản kháng một cách tuyệt vọng như vậy.

Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2019

Blogger Nguyễn Anh Tuấn: Vì sao Trung Quốc ưa quấy nhiễu Việt Nam ở Biển Đông?

Tàu thăm dò của Trung Quốc và vị trí đang thăm dò. Courtesy of Ryan Martinson/ RFA Edited

Năm năm kể từ khi kéo giàn khoan HD981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc nay lại tiếp tục thử lửa quốc gia láng giềng phương Nam bằng việc vừa gửi đội tàu khảo sát địa chấn vừa triển khai tàu cảnh sát biển trang bị vũ khí hạng nặng quấy rối giàn khoan của Việt Nam. 

Trước chỉ là khảo sát, thăm dò, nhưng nay đã là quấy nhiễu, cản trở hoạt động khai thác dầu khí bình thường của Việt Nam, cho thấy bước leo thang mới của Trung Quốc trong một khu vực hứa hẹn sẽ còn căng thẳng hơn nữa bởi các tranh chấp chủ quyền phức tạp kéo dài. 

Nhưng vì sao trong số 5 quốc gia và vùng lãnh thổ có tranh chấp trong khu vực, Việt Nam lại thường được Trung Quốc chọn để tạo tình huống căng thẳng dù trên danh nghĩa vẫn là đồng minh ý thức hệ? 

Không dễ để có câu trả lời rốt ráo song những nhận định của Derek Grossman, chuyên gia phân tích quốc phòng cấp cao của RAND trong bài viết 2 tháng trước đây có thể phần nào đó gợi ý về lời giải. 

Trong bài viết có tựa đề rất khiêu khích Vietnam Is the Chinese Military’s Preferred Warm-Up Fight (Quân đội Trung Quốc ưa đánh khởi động với Việt Nam) [1], Derek Grossman chỉ ra có ít nhất 3 lý do khiến Trung Quốc sẽ chọn Việt Nam, nếu muốn đánh khởi động. 

Thứ Năm, 28 tháng 2, 2019

Nguyễn Anh Tuấn: Tự hào nên dành cho dịp khác

Không có gì bất ngờ trước niềm phấn khích của nhiều người Việt Nam với Hội nghị Thượng định Trump-Kim được tổ chức ở Hà Nội lần này vì đã lâu rồi Việt Nam mới có chút gì đó đóng góp để giải quyết những vấn đề quốc tế. 

Cảm xúc này của công chúng đáng được trân trọng bởi lẽ sâu xa nó phản ánh khát vọng của một dân tộc muốn thoát dần ra khỏi thân phận tầm gửi luôn dựa vào sự giúp đỡ của quốc tế để vươn lên có một địa vị nào đó trên trường quốc tế và đóng góp cho quốc tế. 

Hân hoan một chút như thế cũng tốt, nhưng dĩ nhiên không nên để cảm xúc dẫn chúng ta đi xa quá. 

Nhất là khi nhìn vào lý do mà Việt Nam được chọn đăng cai hội nghị lần này. 

Bên cạnh việc thuận tiện về hậu cần đi lại, còn có một hậu ý chính trị mà cả đôi bên, Hoa Kỳ và Triều Tiên đều không hề giấu giếm. 

Với Triều Tiên, Việt Nam mặc dù đã cải tổ kinh tế song đảng cộng sản vẫn giữ được địa vị thống lĩnh xã hội. Với Mỹ và cộng đồng quốc tế, việc Bắc Hàn trở thành một Việt Nam thứ hai không phải là lựa chọn tồi, nếu không muốn nói là khá lý tưởng, bởi thế giới bớt được một nỗi lo hạt nhân, bù lại bằng việc cho phép Triều Tiên hội nhập, mở mang kinh tế. 

Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2019

Nguyễn Anh Tuấn: Việt Nam làm gì trước cuộc so găng Trung-Mỹ(Phương Tây)? (Phần cuối)

VIỆT NAM PHẢI CHỌN


Câu hỏi đầu tiên đặt ra là liệu Việt Nam có thể đứng bên lề cuộc so găng lịch sử này với một tư thế trung lập được không? Khả năng cao là không. Việt Nam là một nước nhỏ yếu nằm ở vị trí trung tâm của đấu trường so găng là khu vực Biển Đông, mà đã nhỏ yếu thì khó thoát vòng chi phối của các siêu cường mỗi khi họ đụng độ. ‘Các nước Đông Nam Á có thể bị buộc phải chọn một trong hai’[7], lời phát biểu mới tháng trước của Lý Hiển Long tuy ngắn gọn nhưng đủ cho thấy đảo quốc này, nhờ đứng chân trên một di sản và kinh nghiệm ngoại giao phong phú, đã thấu hiểu thời cuộc ra sao. 

Nghĩa là, dù Việt Nam có muốn hay không thì các siêu cường cũng sẽ tính toán trên lưng các nước nhỏ như Việt Nam, thế thì chi bằng Việt Nam chọn lựa vị trí của mình trước, ít ra cũng chiếm được đôi chút thế chủ động. 

Tuy đáng lo ngại khi lịch sử chứa đầy các ví dụ cho thấy nước nhỏ, gồm cả Việt Nam, đã trở thành chiến trường ủy nhiệm của các siêu cường ra sao, nhưng lịch sử đồng thời cũng cho thấy các quốc gia chậm tiến chỉ có thể phát triển vượt bậc nhờ khéo léo khai thác mâu thuẫn giữa các siêu cường như thế nào. Nếu Nhật Bản nương vào cuộc tranh giành thuộc địa giữa các thực dân Tây phương thì Hàn Quốc tận dụng mâu thuẫn Chiến tranh Lạnh, nếu Đài Loan khai thác thù địch Mỹ-Trung thì chính Trung Quốc sau đó lại chủ động khoét sâu mâu thuẫn Mỹ-Nga Sô (mà việc xâm lược Việt Nam năm 1979 là một phần trong kế hoạch đó) - tất cả đều là để tìm cơ hội phát triển và hiện đại hóa quốc gia. 

Nguyễn Anh Tuấn: Việt Nam làm gì trước cuộc so găng Trung-Mỹ(Phương Tây)? (Phần 1)

BẢN CHẤT CUỘC SO GĂNG


Không giống như sự nổi lên của Nhật Bản thập niên 70s-80s biến nước này thành một hội viên được đón chào của câu lạc bộ phương Tây, sự trỗi dậy của Trung Quốc mang dáng dấp của Nga Sô sau Thế Chiến II ở chỗ đều thách thức trật tự quốc tế hiện hành do phương Tây kiểm soát với sự tự tin rằng họ đang vận hành một mô hình phát triển ưu việt hơn.

Những thành tựu phát triển của Nga Sô thời bấy giờ và của Trung Quốc hiện nay quả nhiên có thể biện minh cách tiếp cận này của họ. Hơn thế nữa, trở thành siêu cường khi mà phương Tây đã bao vây khắp mọi nơi, không có nhiều lựa chọn cho Nga Sô và Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh sinh tồn này ngoài việc phải xô đổ trật tự cũ. Nếu Nga Sô phải phá vòng vây bằng cách hỗ trợ các dân tộc thuộc địa vùng lên chống thực dân phương Tây và sau đó tham gia vào hệ thống XHCN do họ dẫn dắt, thì Trung Quốc đang tổng hợp những nỗ lực tương tự của mình trong Sáng kiến Vành đai Con đường đầy tham vọng nhằm chia lại vùng ảnh hưởng toàn cầu.

Như vậy, cũng như Nga Sô trước đây, cuộc so găng của Trung Quốc với phương Tây không chỉ bó hẹp trong một lãnh vực cụ thể mà thực chất là sự cạnh tranh chiến lược giữa hai mô hình phát triển: Về kinh tế, một bên nhấn mạnh vai trò quyết định của nhà nước, bên kia coi trọng sáng kiến tư nhân; về chính trị, một bên tăng cường độc đoán cưỡng bách đảng trị, bên kia dựa vào dân chủ tự do pháp trị.

Thứ Năm, 3 tháng 1, 2019

Nguyễn Anh Tuấn: Có một chuyện khác đáng nhục hơn

Ảnh chụp màn hình khách du lịch Việt Nam đến Đài Loan
Không ít người tỏ ra phiền lòng trước sự kiện 152 người Việt đồng loạt bỏ trốn ngay khi đặt chân đến Đài Loan, với lo ngại rằng chuyến đi của họ đến quốc đảo này sẽ gặp rắc rối vì liên lụy. Thái độ này hoàn toàn hợp lý và dễ hiểu, mà thực tế là đoàn khách Việt Nam ngay sau đó đã bị giới chức Đài Loan thẩm vấn nhiều giờ ngay tại sân bay trước khi nhập cảnh. [1] 

Chia sẻ thái độ đó, Đại biểu QH Lưu Bình Nhưỡng còn cho rằng sự việc sẽ "làm xấu hình ảnh của đất nước trong mắt bạn bè quốc tế” và coi hành động này là “làm nhục quốc thể”.[2] 

Sự thực là không phải đến bây giờ người Việt mới bị để ý về chuyện bỏ trốn ở Đài Loan, mà lâu nay với dư luận đảo quốc cái tên Việt Nam luôn xuất hiện đầu tiên mỗi khi bàn đến vấn đề lao động nhập cư bỏ trốn (runaway migrants). Trong số 70,000 lao động nước ngoài mất dấu ở Đài Loan, ít nhất một nửa là người Việt. [3] 

Đó là còn chưa nói đến những điều không hay mà lao động người Việt của chúng ta đã làm trong thời gian cư trú và làm việc bất hợp pháp. 

Búa rìu dư luận Đài Loan đã nặng nề, mà những lời chì chiết từ đồng bào quê hương xứ sở cũng khắc nghiệt không kém. 

Nhưng, còn một sự thực khác mà báo chí dư luận Việt Nam ít khi nhắc đến. 

Để đến được Đài Loan, người lao động Việt Nam, mà đa phần là thanh niên xuất thân từ các gia đình nghèo ở nông thôn, đang phải trả một mức phí cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác. 

Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2018

Nguyễn Văn Tuấn: Cung đàn của Lộc Vàng


Hôm trước, khi nghe tin cuốn sách "Cung đàn số phận" của Lộc Vàng bị cấm phát hành, tôi thấy tiếc quá vì chưa kịp mua thì đã bị cấm rút lại. Nhưng may mắn thay, vài hôm sau thì có một bạn đọc từ Sài Gòn sang tặng cho cuốn sách. Tôi đọc một mạch và có ghi lại đôi ba dòng cảm tưởng. Hôm nay có dịp chia xẻ cùng các bạn những ghi nhận của tôi về cuốn sách.
  
Thiên hồi kí “Cung đàn số phận” là câu chuyện đời của một người đam mê nhạc vàng và phải đi tù vì niềm đam mê đó. Có lẽ do người chắp bút là một nhà báo tài hoa Kim Dung / Kỳ Duyên nên thiên hồi kí được bố cục 'có nghề', từ tựa đề, chương sách đầu tiên đến chương sách cuối cùng. Mở đầu hồi kí là người đi tù được trả tự do, sau đó ông thuật lại những diễn biến dẫn đến việc đi tù, những sinh hoạt trong nhà tù mang danh 'cải tạo', kế đến là cuộc sống lênh đênh sau khi ra tù, và kết thúc bằng một mối lương duyên có hậu. Cuốn sách hay từ những câu chuyện với những chi tiết dễ làm độc giả rung động đến cách hành văn trong sáng và chữ nghĩa giàu hình tượng. Cuốn sách còn là một chứng từ sống động về một thời kì "bao cấp" tăm tối ở miền Bắc.

Thứ Ba, 28 tháng 3, 2017

Nguyễn Anh Tuấn/RFA: Lý do sâu xa Sơn Trà bị băm nát

40 móng biệt thự của Công ty Cổ Phần Tiên Sa xây dựng trên núi Sơn Trà.

Tháng 8 năm ngoái, sau thảm họa Formosa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: "Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế"

Và đây là cách người ta hưởng ứng ông ấy ở Đà Nẵng: Băm nát một góc Khu bảo tồn thiên nhiên đổi lấy 100 biệt thự nghỉ dưỡng và phòng khách sạn.

Tuy nhiên nếu đổ hết lỗi cho chủ đầu tư công ty Biển Tiên Sa thì cũng không thật thỏa đáng bởi lẽ nếu không được bật đèn xanh bởi các văn bản pháp lý của UBND Đà Nẵng và cả Thủ tướng đương nhiệm, hẳn công ty này đã không dám 'xuống tay' với Sơn Trà như vậy.

Cụ thể, từ năm 1977, với Quyết định 41-TTg của Thủ tướng thời đó là Phạm Văn Đồng, Sơn Trà được bảo vệ theo chế độ rừng cấm với các quy định rất nghiêm ngặt áp dụng cho "toàn bộ bán đảo và vùng xung quanh chân núi kéo dài ra 500m", tổng diện tích là 4.439 hécta.

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2017

Nguyễn Anh Tuấn, viết từ Đà Nẵng: Vệt nước đỏ, Giáo sư Bá và xã hội dân sự

Dải nước màu đỏ xuất hiện vào sáng 17/2
tại cảng Sơn Dương được người dân chụp lại.
Những ngày qua dư luận Việt Nam xôn xao về một vệt nước đỏ xuất hiện ở khu vực cầu cảng Formosa, Hà Tĩnh. Dễ hiểu cho sự quan tâm này của người dân sau những gì đã xảy ra gần một năm qua liên quan đến thảm họa cá chết.
Tuy nhiên, dường như chưa rút được kinh nghiệm gì từ khủng hoảng truyền thông lần trước, giới chức hữu quan lại tiếp tục đưa ra những nhận định bất nhất. Ban đầu họ cho rằng đây là hiện tượng tự nhiên bình thường, sau lại giải thích rằng chất thải hữu cơ từ sinh hoạt của con người mới là nguyên nhân chính.
Giáo sư Lê Huy Bá, chuyên gia độc học môi trường hàng đầu Việt Nam, trong cuộc phỏng vấn với BBC Việt ngữ đã phản đối giải thích của chính quyền thị xã Kỳ Anh về vệt nước đỏ là do "ô nhiễm hữu cơ, do con người sinh hoạt xả thải".

Thứ Ba, 24 tháng 1, 2017

FB Nguyen Anh Tuan: Chưa kịp văn minh đã vội cầm quyền


Những người đang nắm quyền ở đất nước này thật lạ. Dường như lo ngại rằng vẫn còn ai đó nghi ngờ về khả năng khủng bố xã hội một cách có tổ chức của mình nên họ phải liên tục sắp đặt những hoạt cảnh như bên dưới, trong đó phong cách cầm quyền cường bạo hoang dã của họ luôn tự phơi bày một cách rõ nét mà chẳng cần thêm lời bình nào.
Ứng xử trước khen chê của họ cũng thật buồn cười. Một mặt họ chỉ đạo nơi nơi phải trưng khẩu hiệu khen ngợi họ hết lời, chẳng hạn ‘Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm’; mặt khác, họ thẳng tay sách nhiễu, đánh đập và bỏ tù những ai dám lên tiếng chê họ, như chị Nga dưới đây. Kiêu ngạo và nhỏ nhen nếu họ là số hai thì không ai dám nhận là số một.

Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2016

Nguyễn Anh Tuấn: TẠI SAO VIỆT NAM LẠI CỨ PHẢI PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP Ô NHIỄM?

Khói từ nhà máy Formosa 
Mình khẳng định luôn, lý do tại sao nhé:
Phát triển công nghiệp ô nhiễm, thì hút được vốn nhanh, do nhiều nước (kể cả TQ) đang cố đẩy món ô nhiễm này ra khỏi lãnh thổ.
Hút vốn nhanh thì mới đủ tiền nuôi chế độ, nuôi đội ngũ 11 triệu người "ăn lương nhà nước".
Chứ nếu vì đất nước này, vì quốc dân đồng bào Việt Nam, thì khỏi cần công nghiệp nặng.
Món đó thế giới người ta làm nhiều rồi, mua rẻ hơn mình tự làm. Chưa nói tàn phá môi trường, phát sinh bệnh tật cho Dân.

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2016

Nguyễn Anh Tuấn: Chính phủ đơn độc

viết từ miền Trung

Do biển bị nhiễm độc, ngư dân phủ bạt ghe thuyền, nằm bờ không ra khơi. Hình chụp hôm 21/08/2016 tại thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh, Hà Tĩnh. - RFA photo
Vấn đề then chốt nhất trong thảm họa cá chết vẫn là:
Niềm tin của người dân chưa được khơi thông thì thị trường hải sản vẫn bị tắc nghẽn. Dân chưa ăn cá thì tàu thuyền cứ phải nằm bờ kéo theo hàng chục vạn người thất nghiệp và những thứ tồi tệ khác đến sau.

Thứ Ba, 26 tháng 7, 2016

Nguyễn Anh Tuấn - Chỉ xử lý Võ Kim Cự có ngăn được những Formosa trong tương lai?


viết từ miền Trung


Cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (phải), Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (trái), ông Võ Kim Cự (thứ hai từ trái) gặp nhau trước khi khai mạc kỳ họp Quốc hội tại Hà Nội vào ngày 20/5/2014.
Vậy là sau hơn 3 tháng kể từ khi thảm họa cá chết xảy ra, Võ Kim Cự, cựu Chủ tịch và Bí thư Hà Tĩnh, người trực tiếp cấp giấy phép cho Formosa - thủ phạm gây ra thảm họa, đã lần đầu tiên trả lời báo giới.
Quả là không uổng phí cho nhiều tháng im tiếng, ông đã có câu trả lời không thể khôn khéo hơn cho những chất vấn về trách nhiệm cá nhân, bằng cách quy cho 'quy trình', 'cơ chế' và sự đồng thuận của cả một tập thể lãnh đạo các cơ quan cao nhất của Trung ương:
"Không phải đơn giản mà Hà Tĩnh cấp phép cho Formosa. Đầu tiên là báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận chủ trương. Sau đó nhà đầu tư lập dự án với nhiều bước. Trước khi thẩm định đã có ý kiến của 12 bộ chuyên ngành, kể cả các cơ quan trong khối nội chính, quốc phòng, an ninh... đồng ý với các nội dung. Sau đó là thẩm định rồi báo cáo Chính phủ. Cuối cùng, Chính phủ đồng ý để cho Hà Tĩnh được cấp phép."[1]

Thứ Năm, 10 tháng 3, 2016

Nguyễn Anh Tuấn - Giữ đất – “Bác Hồ” hết thiêng

Người dân Ninh Hiệp lập bàn thờ 'Bác Hồ' để phản đối chính quyền.
Hãy cứu dân
Đó là một trưa nắng cách đây ngót nghét mười lăm năm, trên đường đi học về, tôi bắt gặp một đám đông công an, bộ đội vây quanh nhà cô Sáu tật nguyền bán vé số trong xóm.
Cô Sáu ngồi xe lăn hay cười đùa thường ngày hôm đó thật khác lạ. Mắt sục ngầu giận dữ, một tay cầm rựa, tay kia giơ cao bằng khen có công cách mạng, cạnh bé gái con cô đang cầm chân dung 'Bác Hồ', la hét phản đối đoàn cưỡng chế đất nhà cô.
Đấy là lần đầu tiên tôi thấy ảnh 'Bác Hồ' được dùng với mục đích như thế.
Bẵng đi một thời gian dài, chỉ khi ra Hà Nội học, tôi mới nhìn thấy lại cảnh hàng đoàn người – sau này sẽ được gọi là dân oan - giơ cao ảnh 'Bác Hồ' qua lại những khu vườn hoa Mai Xuân Thưởng, Thanh tra Chính phủ, Ban Tiếp dân, Bộ Tài nguyên – Môi trường…
Thời đấy, thông điệp chính vẫn là “Đảng ơi, Chính phủ ơi, hoặc ,Thủ tướng X, Chủ tịch nước Y, Tổng Bí thư Z ơi, cứu lấy dân”.

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2015

Nguyễn Anh Tuấn (RFA), viết từ Seoul: Han Dongfang: “TPP chưa hẳn đã tốt cho quyền lao động ở Việt Nam nếu…”

Han Dongfang, người đã lập ra công đoàn độc lập đầu tiên
ở Trung Quốc đại lục trong biến cố Thiên An Môn lịch sử.
Mang một dáng vẻ nghệ sĩ với mái tóc bồng bềnh, không ai nghĩ Han là người đã lập ra công đoàn độc lập đầu tiên ở Trung Quốc đại lục trong biến cố Thiên An Môn lịch sử.

Sau cuộc thảm sát Han bị giam giữ 22 tháng không qua xét xử. Sang Mỹ điều trị một năm sau khi được thả, Han bị Bắc Kinh trục xuất sang Hong Kong trên đường trở về nước, tiếp tục hoạt động về quyền lao động cho công nhân Trung Quốc đại lục ở đó cho đến nay.

Tiếng tăm ở cấp độ quốc tế của Han đến từ kinh nghiệm hoạt động về quyền lao động trong lòng một quốc gia cộng sản ở cả thời kỳ kinh tế kế hoạch tập trung lẫn kinh tế thị trường  - điều mà ngay cả các nhà hoạt động từ các nước cựu cộng sản Đông Âu cũng không có được.

Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2014

Nguyễn Anh Tuấn- Ý đồ xấu của Nguyễn Như Phong



Nguyễn Anh Tuấn

Trịnh Hữu Long
Phạm Đoan Trang -


Ngay sau khi nhân chứng Dương Chí Dũng khai Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ là người gọi điện báo “hung tin” cho Dương Chí Dũng và khuyên nên lánh đi, báo PetroTimes của Đại tá-Tổng Biên tập Nguyễn Như Phong đã lập tức có một loạt bài bày tỏ sự thông cảm, nuối tiếc và thương xót đối với cựu Đại tá CA Dương Tự Trọng và Thượng tướng Phạm Quý Ngọ: “Vẫn còn là Dương Tự Trọng!”, “18 năm sau, còn ai nhớ đến Dương Tự Trọng”, và sự bênh vực ra mặt thể hiện ở bài thứ ba “Suy ngẫm về lời khai của Dương Chí Dũng cho Tướng Phạm Quý Ngọ”.


Đầy mùi ngụy biện

Ba bài tràn ngập những lỗi ngụy biện vốn thường thấy trong các bài báo “tuyên truyền”, “định hướng dư luận” của ngành công an. Chẳng hạn, đó là chiêu đánh vào tình cảm (appeal to emotion): “Người ta vẫn nói người sống nặng tình thường hay chịu khổ. Và quả thật, ở tuổi 52, đến nửa bên kia cuộc đời, Dương Tự Trọng mới thấm thía được... Ít ai biết, ngoài tài đánh án, Dương Tự Trọng còn đam mê nghệ thuật và thích làm thơ...”. 

Độc giả chẳng biết thế nào, nhưng cứ nghe giọng văn sến mượt mà của các nhà báo khoác áo công an – hay là công an khoác áo nhà báo – là dễ mủi lòng lắm, vì nói chung người đọc Việt Nam vốn nặng tình, ít duy lý, lại thiếu thông tin đa chiều từ lâu nay. Họ không biết đến, hoặc sẽ nhanh chóng quên đi, rằng Dương Tự Trọng có mặt và đã trực tiếp cầm loa chỉ huy “trận đánh đẹp” đầm Tiên Lãng ngày 5/1/2012. Họ sẽ nhanh chóng quên đi việc Dương Tự Trọng đã bỏ ra hàng núi tiền để giúp anh mình thoát tội, mà tiền đó, nếu chỉ dựa vào mức lương thưởng của một viên công an, mười kiếp nữa Dương Tự Trọng cũng không kiếm ra được. Họ sẽ nhanh chóng quên đi việc Dương Tự Trọng dung nạp cả tội phạm làm đệ tử. Họ sẽ chỉ còn thấy một đại tá công an anh hùng, oai phong, nghĩa hiệp, trong công việc thì anh xả thân tận tụy, trong tình cảm thì anh cao cả, trong đời thường thì anh bay bổng lãng mạn và nhiều ưu tư như một nghệ sĩ v.v. 

Đó là chiêu viện dẫn quyền lực (appeal to authority): “Việc ông Ngọ vẫn được Chủ tịch nước phong cấp hàm Thượng tướng là minh chứng rõ nhất cho việc ông không ăn hối lộ của Dương Chí Dũng”. Chủ tịch nước không phải là người có thẩm quyền (authority) chính đáng để nói rằng công dân X. là kẻ tham nhũng còn công dân Y. thì không. Áp dụng đúng cái lập luận tạm gọi là “ngụy biện Như Phong” này thì có thể tuyên bố: “Việc ông Dương Chí Dũng vẫn được phong Cục trưởng là minh chứng rõ nhất cho việc ông là một cán bộ có năng lực”.

Song, bỏ qua tất cả những ngụy biện trắng trợn của Petrotimes và đặc biệt là của Đại tá-Tổng Biên tập Nguyễn Như Phong, cái cần nói ở đây là một ý đồ nguy hiểm của Nguyễn Như Phong trong việc dùng phương tiện truyền thông “nhà trồng được” để quật lại phe đối thủ. Ít nhất thì, căn cứ bài viết “Suy ngẫm về lời khai của Dương Chí Dũng cho Tướng Phạm Quý Ngọ”, cũng có thể nói rằng ông Như Phong có ý đồ xấu đối với các đồng nghiệp báo chí của ông.

Đe dọa báo chí?

Nguyễn Như Phong viết: “Đã có những tờ báo giật tít với giọng điệu hả hê, khoái chí khi thấy có một lãnh đạo cao cấp của lực lượng công an "dính chàm". Người ta đang chờ đợi Tòa sẽ xử lý ra sao trước những thông tin này”. Sau câu đá đồng nghiệp (như vẫn thường làm thế), ông Phong vạch đường chỉ lối luôn: “Như vậy, bước tiếp theo là Tòa sẽ chuyển hết hồ sơ vụ án cho Viện Kiểm sát. Cơ quan này sẽ nghiên cứu hồ sơ, củng cố chứng cứ và sẽ có quyết định: Hoặc là kháng nghị quyết định khởi tố điều tra vụ án của Tòa, hoặc giao cho một cơ quan điều tra tiến hành điều tra… Nói tóm lại là “còn tốn thời gian lắm”.

Sao Như Phong lại đưa khả năng Viện Kiểm sát kháng nghị quyết định khởi tố điều tra vụ án của Tòa (tức là bác bỏ quan điểm của Tòa) lên trước, coi như một khả năng cao? Trong khi trên thực tế, chuyện cơ quan công tố bác đề nghị của tòa, cũng đồng nghĩa với phủ nhận toàn bộ quá trình điều tra, là gần như không xảy ra. Đặt một chuyện gần như không xảy ra vào vị trí “khả năng cao”, ông định dọa các nhà báo đã đưa tin “chống lại đại ca Ngọ” hay sao, ông Nguyễn Như Phong?

Hàm ý đe dọa còn lộ liễu hơn ở vế sau: “hoặc giao cho một cơ quan điều tra tiến hành điều tra... Nói tóm lại là “còn tốn thời gian lắm”. Ý ông Nguyễn Như Phong hẳn là vụ việc này trước sau cũng thuộc thẩm quyền của Bộ Công an (cơ quan đang cần bị/được điều tra thì lại trở thành cơ quan điều tra) và thời gian sẽ còn kéo dài...

Cũng trong bài viết này, Đại tá Nguyễn Như Phong phân tích (nghe có vẻ rất hợp lý): 

“Ngay khi bị bắt ở Campuchia, Dương Chí Dũng đã khai ra việc biếu ông Ngọ 500.000 đô la. Khi đưa Dương Chí Dũng về tới TP Hồ Chí Minh, Dũng vẫn khai như vậy. Nhưng rồi ít ngày sau, Dương Chí Dũng đã viết bản khai lại và xin lỗi ông Ngọ vì đã vu oan cho ông. Nguyên nhân tại sao lại vu oan cho ông Ngọ thì được Dương Chí Dũng nói trong bản khai ấy rằng do hoảng loạn tâm thần và căm tức ông Ngọ về việc chỉ huy quân lùng bắt Dương Chí Dũng ở khắp nơi. (Chẳng hiểu vì sao trước Tòa, khi Dương Chí Dũng khai ra việc này mà Tòa lại không đưa lời khai và lời xin lỗi của Dũng trước đó ra?)”.

Vậy, ông Nguyễn Như Phong sao lại lờ đi chi tiết là, Dương Chí Dũng đã khai tại tòa rằng trong quá trình điều tra bị ép cung, lo sợ bị giết hại nên Dương Chí Dũng mới phải làm theo lời điều tra viên – viết thư xin lỗi ông Ngọ.

Ý đồ nhằm vào Chủ tịch nước

Mới đọc qua, phép ngụy biện “Và việc ông Ngọ vẫn được Chủ tịch nước phong cấp hàm Thượng tướng là minh chứng rõ nhất cho việc ông không ăn hối lộ của Dương Chí Dũng” có thể chỉ cho ta thấy dụng ý xu nịnh lãnh đạo của Nguyễn Như Phong. Nhưng thật ra ngụy biện Như Phong này có một dụng ý thâm hiểm chứ không đơn giản là xu nịnh: Đại tá đang khéo léo đổ trách nhiệm sang cho Chủ tịch nước, người được cho là thuộc “phe tấn công” trong vụ án này.


Có một chi tiết (mà độc giả đã biết qua báo chí nhưng chưa kiểm chứng được), là Chủ tịch nước trước đây đã từ chối gặp Dương Chí Dũng. Nghĩa là dù thế nào, trước mắt công chúng, ông cũng ít nhiều thể hiện mình là người kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng. Cái cách “lôi Chủ tịch nước vào cuộc” của Nguyễn Như Phong chỉ là sự chia rẽ, phân hóa nội bộ “phe tấn công”, tách Chủ tịch nước ra khỏi những người ủng hộ ông, hay nói đúng hơn, khỏi những người đang muốn chống tham nhũng. 

Ra sức bao biện cho đồng nghiệp công an...

Nguyễn Như Phong phán xét độc giả - người ngoài: “Nhưng họ không hiểu rằng, ông Phạm Quý Ngọ khi ấy là Trưởng ban Chuyên án Vinalines, là người đề xuất các biện pháp nghiệp vụ đặc biệt để giám sát Dương Chí Dũng, đảm bảo nhất cử nhất động của Dũng đều được biết. Không đời nào ông lại dại dột dùng điện thoại của mình hoặc mượn điện thoại ai đó gọi cho Dương Chí Dũng. Và chính ông là người ký lệnh bắt Dương Chí Dũng, rồi cũng chính ông chỉ huy việc lùng bắt”. 

Việc ông Phạm Quý Ngọ là Trưởng ban Chuyên án không phải là chứng cớ ngoại phạm để chứng tỏ ông Ngọ không báo tin cho Dương Chí Dũng. Tương tự, coi việc ông Ngọ ký lệnh bắt và chỉ huy lùng bắt Dương Chí Dũng là bằng chứng bảo đảm ông này “không đời nào” cấu kết bảo vệ Dương Chí Dũng, là một lập luận thật ngây thơ... không thể có ở công an!

Còn “ngây thơ cụ” hơn nữa là lập luận “xách một túi tiền nặng 5kg không phải là chuyện đùa”. Một người đàn ông khỏe mạnh hồng hào như Dương Chí Dũng nhấc một chiếc valy (cặp công tác) nặng 5k, có gì buồn cười và trinh thám không? 

Cuối bài viết bênh vực đại ca ra mặt, ông Nguyễn Như Phong nhận định: “Từ xưa đến nay, chuyện bị cáo ra Tòa khai vấy theo kiểu "trâu lấm vẩy bùn" cho người khác là không hiếm. Còn trong nghề công an, chuyện trinh sát bị đối tượng cho “leo cây”, cũng là chuyện chẳng hiếm. Chỉ có điều rằng nếu chỉ căn cứ theo những lời khai ấy mà suy diễn, rồi đặt ra những dấu hỏi rằng thế này, rằng thế khác thì xem ra chưa phải là công tâm!”. Rồi ông kết luận: “Rất mong các cơ quan tố tụng khẩn trương vào cuộc, điều tra cho ra sự thực”.

Là người trong ngành, ông Nguyễn Như Phong tất nhiên biết rõ những chuyện bị cáo ra tòa khai lung tung, đổ vấy tội cho người này người khác. Đó là chuyện có thật. Nhưng ông muốn “các cơ quan tố tụng khẩn trương vào cuộc điều tra”, là các cơ quan nào? Nói cách khác, ai sẽ là người điều tra khi chính cơ quan điều tra phạm pháp? Ông không định cùng các đồng nghiệp công an của ông – dưới trướng Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ – đứng ra “thầu” vụ này đấy chứ? Cái đó người ta gọi là “xung đột lợi ích” ông ạ, không được đâu.

Nếu có những lời khai cho rằng cả Bộ trưởng Trần Đại Quang lẫn Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ – nghĩa là hai quan chức đầu ngành của Bộ Công an, riêng Trần Đại Quang còn là ủy viên Bộ Chính trị – đều có liên quan đến chạy án, tham nhũng, làm lộ bí mật công tác, v.v., thì cơ quan nào có thể đứng ra khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử Bộ trưởng Công an? Câu trả lời, trong điều kiện lý tưởng, là Quốc hội sớm lập Ủy ban Điều tra Lâm thời độc lập. Kết quả điều tra và những người tiến hành sẽ ra điều trần trước Quốc hội trong một phiên công khai cho bàn dân thiên hạ cùng xem xét. 

… và chơi xấu đồng nghiệp báo chí

Bài viết của Nguyễn Như Phong, ngoài lời lẽ công khai bênh vực Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ, bất chấp tính khách quan – độc lập của báo chí, còn gửi thông điệp đe dọa đến các nhà báo, các tờ báo đã cả gan đưa tin và “hả hê, khoái chí” khi thấy đại ca Ngọ dính chàm.

Cho đến nay, các nhà báo trong mảng nội chính chắc chưa ai quên được vụ PMU 18 và việc “phe bị đánh” đã phản đòn ngoạn mục và tàn bạo như thế nào. Vụ án Dương Chí Dũng-Dương Tự Trọng là một vụ án động chạm đến toàn ngành công an, vì vậy, chuyện phe này quật lại là hoàn toàn có thể. Hiện tại, có dấu hiệu cho thấy phe công an đang phản công, khi mà cả CAND, Petrotimes, trandaiquang.net, nguyentandung.net... đều đang đầu tư công sức, ngày đêm khẩn trương viết bài bảo vệ ngành, bảo vệ nhân quyền (quyền được xét xử công bằng, quyền tiếp cận luật sư, quyền im lặng, v.v.) của các đồng chí đã và chưa bị lộ. Còn tệ hơn thế nữa là khả năng thỏa hiệp giữa các phe phái... 

Chỉ còn biết mong các nhà báo (Một Thế Giới, Pháp luật TP.HCM, Thanh Niên, Tuổi Trẻ...) hãy cẩn thận, và độc giả hãy tỉnh táo...


Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

Nguyễn Anh Tuấn - SEX chưa rõ nghĩa, các bạn cần FUCK...


Nguyễn Anh Tuấn - 

Thời gian qua, xôn xao vụ các sinh viên Học viện Ngân hàng khi chụp ảnh trong Hoàng Thành Thăng Long đã đứng xếp hàng chữ SEX. Cũng không quá ngạc nhiên khi sau đó, dư luận của đất nước vốn tìm kiếm từ khóa “sex” nhiều nhất thế giới này đã ném một núi đá lên đầu các bạn sinh viên. Luận điểm chủ yếu của những người phê phán là (a) Hoàng Thành là nơi linh thiêng, biểu trưng của hồn thiêng sông núi vậy mà (b) các bạn sinh viên lại có hành vi đi ngược lại thuần phong mỹ tục dân tộc gây phản cảm.



Chúng ta hãy thử tìm hiểu lần lượt từng phần nhỏ a, b của luận điểm này.

Hoàng Thành là nơi linh thiêng…

Hoàng Thành là nơi sinh sống của vua chúa trong các vương triều xưa cũ, là biểu tượng quyền lực của chế độ quân chủ chuyên chế trước đây.

Tính cách linh thiêng của Hoàng Thành gắn liền với tính cách linh thiêng của hoàng gia, là một thứ được tạo dựng trong ý đồ củng cố quyền lực của lực lượng nắm quyền bằng cách biến nơi sinh sống của mình thành nơi bái vọng của dân chúng.

Cùng với sự sụp đổ của chế độ quân chủ ở Việt Nam, Hoàng Thành chỉ còn là một di tích lịch sử, không hơn không kém.Tiếp tục gán ghép tính cách linh thiêng cho nó không khác gì công nhận tính cách linh thiêng của hoàng gia, đồng nghĩa với mong muốn quay trở về nền quân chủ vốn dĩ chỉ còn là quá vãng ở Việt Nam.

Xếp hình từ SEX đi ngược lại thuần phong mỹ tục dân tộc ?

Nhiều người lập luận rằng có một cách dịch khác của từ sex là “giới tính”, do đó hành vi của các bạn sinh viên là có thể chấp nhận được. Hẳn họ cũng cảm thấy có ít nhiều ngụy biện trong lập luận này; và có lẽ nó phù hợp khi nằm trong phần tranh tụng của một luật sư ma mãnh nào đó trước tòa, hơn là trong các cuộc tranh luận chính trị-xã hội nghiêm túc.

Việc né tránh vấn đề như vậy còn tạo cảm giác là họ đồng ý với phe phê phán rằng hành vi xếp hình từ SEX với nghĩa “quan hệ tình dục” trong Hoàng Thành là không thể chấp nhận được.

Vậy vấn đề ở đây là, biểu tượng hóa hành vi tính giao [trong trường hợp này là xếp hình từ SEX] ngược lại “thuần phong mỹ tục dân tộc” ở chỗ nào?

Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp, nơi mà tín ngưỡng phồn thực xuất hiện dày đặc từ bắc chí nam. Tín ngưỡng phồn thực (fertility rite) với các hiện tượng thờ bộ phân sinh dục nam, nữ (phallicism) và các nghi lễ tái hiện hành vi tính giao có mặt từ Lễ Linh tinh tình phộc ở Phú Thọ đến tượng thờ Yoni-Linga (âm hộ, dương vật) trong các đền đài Chăm ở Thánh địa Mỹ Sơn và các nhà mồ phơi bày hàng loạt hành vi tính giao của các sắc dân Tây Nguyên.

Dẫu không sinh động bằng ông cha, việc xếp hình từ SEX về bản chất cũng gợi nhắc đến hành vi tính giao; do đó, cái mà hành vi này không phù hợp không phải là thuần phong mỹ tục của Việt Nam (quá phù hợp, là đằng khác) mà là những cái đầu định kiến Nho giáo chẳng biết từ lúc nào và bằng cách nào ngang nhiên chiếm giữ cái lệnh bài “văn hóa dân tộc” để phán xét người khác.

Những người hay nhân danh “thuần phong mỹ tục dân tộc” thừa hiểu rằng “thuần phong mỹ tục” không thể lên tiếng để cãi lại họ. Khi quy cho hành vi của ai đó đi ngược lại “thuần phong mỹ tục của dân tộc”, họ ngầm ý rằng quan điểm của họ đại diện cho cái gọi là “thuần phong mỹ tục” ấy. Từ đó, tiếng nói cá nhân của họ biến thành tiếng nói dân tộc. Họ trở thành dân tộc.

Ngôn ngữ phản ánh tư duy. Ngôn ngữ toàn trị phản ánh tư duy toàn trị. Có một nhà độc tài tiềm ẩn trong những người hay nhân danh “thuần phong mỹ tục”, “bản sắc văn hóa dân tộc”.

Vì sao PA83 vào cuộc?

Lẽ thường, vụ việc này chỉ gây ra những tranh cãi trong dư luận với những khen chê từ góc nhìn của mỗi người đối với việc biểu tượng hóa hành vi tính giao nơi công cộng. Tuy nhiên, sự vào cuộc của PA83-Phòng An ninh Chính trị nội bộ, chỉ dấu những phản ứng của lực lượng nắm quyền với hiện tượng này.

Đảng Cộng sản Việt Nam nắm quyền hiện nay luôn tỏ thái độ “hai mặt” với di sản của chế độ quân chủ trước đây.

Một mặt, từ quan điểm giai cấp họ phê phán kịch liệt chế độ quân chủ, nhằm biện minh cho việc “cướp chính quyền” (chữ dùng của người cộng sản) năm 1945, từ đó khẳng định tính chính danh của họ trong việc nắm giữ quyền lực nhà nước.

Mặt khác, khi đã có quyền lực trong tay, vì muốn duy trì tâm lý bái vọng quyền lực nhà nước của người dân (tâm lý thần dân), họ duy trì tính cách thiêng liêng của các biểu tượng vương triều xưa cũ. Họ khẳng định Hoàng Thành, nơi cư trú của giai cấp thống trị mà họ muốn xóa bỏ, là chốn tôn nghiêm. Họ đóng vai vua cử hành lễ Tế trời ở Đàn Xã tắc. Họ cầu khấn Thần Nông rồi xuống ruộng kéo cày trong lễ Tịch điền.

“Hà Nội là trái tim của cả nước, Ba Đình là trái tim của Hà Nội”. Ý chí tập trung quyền lực này được củng cố bằng (1) tạo cảm giác về sự kế thừa quyền lực từ Hoàng Thành đến Hội trường Ba Đình, Phủ Chủ tịch, Phủ Thủ tướng cùng nằm trong quần thế Ba Đình và (2) khẳng định tính tôn nghiêm của các biểu tượng quyền lực trên.

Do đó, một cách vô tình, bằng hành vi của mình, các bạn sinh viên đã giải thiêng một biểu tượng quyền lực và qua đó thách thức một trong những yếu tố khẳng định tính chính danh của lực lượng nắm quyền đương thời. Đó là lý do chính mà cơ quan an ninh chính trị nội địa phải nhanh chóng vào cuộc, ngăn chặn khả năng lan rộng của hành vi giải thiêng này.

“Phải chặn đứng ngay!!! Hôm nay để chúng nó SEX trước Hoàng Thành Thăng Long thì nay mai không biết chừng chúng sẽ FUCK trước Phủ Chủ tịch, Phủ Thủ tướng, Quốc hội”. Không quá khó hiểu nếu như có một quan chức tuyên giáo cấp cao nào đó có suy nghĩ như vậy.

Phản ứng của Học viện Ngân hàng

Ngay sau khi vụ việc trở nên ồn ào, Ban Giám hiệu Học viên Ngân hàng đã lập tức tiến hành kiểm điểm các sinh viên. Không có thông tin gì về việc liệu có sinh viên nào chối từ việc kiểm điểm này không?

Tìm mỏi mắt nhiều lần trong Luật Giáo dục Đại học hiện hành vẫn không thấy quy định nào để có thể dựa vào đó cho rằng hành vi của các sinh viên này là sai trái. Vậy căn cứ vào đâu Học viên này tiến hành kiểm điểm sinh viên?

Đại diện nhà trường cho biết: “Nhà trường sẽ có quy chế xử phạt với sinh viên làm ảnh hưởng uy tín thương hiệu của Học viện Ngân hàng”.

Phát biểu trên cho thấy rằng căn cứ hành xử của Học viện này là dư luận xã hội. Rõ ràng, trong bối cảnh tinh thần tự trị vẫn còn là một giá trị xa lạ đối với đại học Việt Nam, Học viện này tỏ ra không chỉ là con rối của quyền lực chính trị mà tệ hại hơn, còn bị giật dây bởi dư luận.

Một trường đại học hành xử tùy tiện vô luật, sẵn sàng hùa theo dư luận “ném đá” sinh viên của mình thì hẳn tấm bằng của nó không đáng để các bạn sinh viên chờ đợi.

Nếu các bạn sinh viên kể trên đọc được những dòng này, hi vọng các bạn nghĩ đến khả năng xếp thêm chữ FUCK, dành tặng cho tất cả, nhất là cho cái phòng PA83 đang muốn đè bẹp quyền tự do biểu đạt của các bạn. 

Hỉnh ảnh sinh viên Học viện Ngân hàng tại Hoàng thành Thăng Long