Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Đức Tường. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Đức Tường. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2022

Elaine Kamarck: Donald Trump có nên bị truy tố? (Nguyễn Đức Tường biên dịch)

 2022 07 22

Nguồn: Should Donald Trump be prosecuted?

 

Elaine C. Kamarck là Nghiên cứu viên cao cấp trong chương trình Nghiên cứu Quản trị đồng thời là Giám đốc Trung tâm Quản lý Công hiệu quả tại Viện Brookings. Bà là một chuyên gia về chính trị bầu cử Hoa Kỳ và sự đổi mới và cải cách của chính phủ ở Hoa Kỳ, các quốc gia OECD và các nước đang phát triển. Bà tập trung nghiên cứu về hệ thống đề cử tổng thống và chính trị Mỹ và đã làm việc trong nhiều chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ. Kamarck là tác giả của Primary Politics: Everything You Need to Know about How America Nominates Its Presidential Candidates" và  Why Presidents Fail And How They Can Succeed Again.” Kamarck cũng là Lecturer in Public Policy at the Harvard Kennedy School of Government. 


Sau tám buổi điều trần ở Quốc hội điều tra vụ bạo động ngày 6 tháng Giêng tại Điện Capitol, điều rõ ràng là đã có đủ bằng chứng để truy tố Donald Trump về nhiều tội danh khác nhau. Ủy ban điều tra có thể chuyển vụ việc này đến Bộ Tư pháp để truy tố, nhưng hành động này thực sự không cần thiết. Bộ Tư pháp có thể quyết định truy tố bất cứ lúc nào, bất kỳ tội danh nào mà họ có đủ bằng chứng. Hơn 800 người đã bị buộc tội liên quan đến các sự kiện ngày 6 tháng 1 — mặc dù hầu hết đã bị buộc tội với các tội danh nhẹ hơn. Cho đến nay,  chỉ có 50 người đã nhận tội với các cáo buộc trọng tội. 

Nhưng từ đầu, vấn đề không phải là những gì mà 10.000 người đến Washington DC để biểu tình biết hay thậm chí 2.000 người tham gia cuộc biểu tình bên trong tòa nhà Capitol biết. Tất cả vấn đề là tổng thống đã biết những gì và ông ấy dự định làm gì? Đây có phải là một cuộc biểu tình vượt quá tầm kiểm soát? Hay đó là mưu toan đầu tiên của một tổng thống Mỹ dàn dựng một cuộc đảo chính? 

Nếu đó là một mưu toan đảo chính, thì đó là một mưu toan thảm hại và kém cỏi. 

Từ các buổi điều trần, giờ đây ta biết rằng Trump không có cả đến sự ủng hộ của gia đình và bạn bè cũng như các nhân viên Nhà Trắng được lựa chọn cẩn thận của ông ta. Để thực hiện kế hoạch của mình (được gọi là “màn kịch của bọn hề”), ông ta phải dựa vào một nhóm cố vấn thân cận do Rudi Giuliani, một nhà sản xuất gối và một triệu phú dot-com dẫn đầu không ai trong bọn họ ở trong chính phủ hay kiểm soát những "tài sản" quan trọng nhất (súng, xe tăng, máy bay, v.v.) cần thiết để tiếp quản một chính phủ. Trái ngược với hầu hết các cuộc đảo chính thành công trong lịch sử, Trump không có phe nhóm quân đội, không có phe nhóm Vệ binh Quốc gia, và không có phe nhóm Cảnh sát Thủ đô sẵn sàng để ông ta xử dụng. 


Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2022

Rod Buntzen: Nổ Bom hạt nhân qua mắt một Nhân chứng (Nguyễn Đức Tường biên dịch)

Rod Buntzen là tác giả cuốn sách “Trải nghiệm Armageddon: Hồi ký Thử nghiệm Vũ khí Hạt nhân”.

Trong mấy ngày đầu của chiến tranh Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin loan báo thế giới rằng ông đã ra lệnh cho các lực lượng hạt nhân quốc gia phải ở trạng thái sẵn sàng cao hơn. Kể từ đó, các chuyên gia, tướng lĩnh và chính trị gia đã cố suy đoán điều gì sẽ xảy ra nếu quân đội Nga sử dụng vũ khí hạt nhân.

NATO sẽ hành động thế nào? Hoa Kỳ có nên đáp trả bằng vũ khí hạt nhân hay không?

Đối với tôi,  tất cả những suy đoán này đều trống rỗng. Những lời nói vô cảm, thiếu thuyết phục.

Operation Hardtack Oak, June 1958.- Photograph via Wikimedia Commons

Năm 1958, với tư cách một nhà khoa học trẻ của Hải quân Hoa Kỳ, tôi đã chứng kiến ​​vụ nổ một vũ khí nhiệt hạch 8,9 megaton, được đặt trên một sà lan ở đảo san hô Eniwetok, thuộc quần đảo Marshall. Tôi quan sát từ phía bên kia bờ đầm ở bãi biển trên Đảo Parry, nơi nhóm của tôi chuẩn bị thiết bị để đo bức xạ khí quyển. Sáu mươi ba năm sau, những gì tôi thấy vẫn còn in hằn trong tâm trí, nên tôi rất lo lắng về việc sử dụng vũ khí hạt nhân có thể được thảo luận một cách phóng túng như vậy vào năm 2022.


Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2022

Madeleine Albright: Putin đang mắc một sai lầm lịch sử (Nguyễn Đức Tường biên dịch)

2022 02 23
Madeleine Albright ( @madeleine ) là tác giả hai cuốn sách “Chủ nghĩa phát xít: Một cảnh báo” và “Địa ngục và các điểm đến khác”. Tiến sĩ Albright là ngoại trưởng thứ 64 của Hoa Kỳ (1997- 2001). Bà là người kiến thức cao, uyên bác, và nhất là vô cùng sắc sảo (đọc tiểu sử của bà thấy chóng cả mặt). Trên cương vị Ngoại trưởng, bà là quan chức cao cấp nhiều uy tín đầu tiên của chính phủ Hoa Kỳ gặp Vladimir Putin khi ông mới là quyền tổng thống Nga. Trong bài viết này, bà "size up" Putin giùm độc giả, với độc giả muốn thêm chi tiết cùng những chuyện bên lề bà cho một nguồn tham khảo phong phú và tiện lợi (chỉ cần bấm vào những chữ có gạch dưới). Albright có một số nhận định về tình hình, tương đối lạc quan. Nhưng điều này cũng không mấy lạ, quan chức cao cấp Hoa Kỳ luôn luôn có bài giải cho mọi bài toán rắc rối. nđt
Đầu năm 2000 , tôi trở thành quan chức cao cấp đầu tiên của Hoa Kỳ đã gặp Vladimir Putin trên cương vị mới là quyền tổng thống Nga. Chúng tôi trong chính quyền Clinton khi ấy không biết nhiều về ông – chỉ biết rằng ông là người đã bắt đầu sự nghiệp trong KGB. Tôi hy vọng cuộc gặp gỡ sẽ giúp tôi đánh giá được con người cùng sự thăng tiến đột ngột của ông có ý nghĩa thế nào trong quan hệ Nga-Mỹ, vốn đã xấu đi trong cuộc chiến ở Chechnya. Ngồi đối diện ông qua cái bàn nhỏ trong Điện Kremlin ngay lập tức gây trong tôi một ấn tượng về sự tương phản giữa Putin và người tiền nhiệm khoa trương, ông Boris Yeltsin.

Ông Yeltsin dỗ dành, hăm dọa và tâng bốc, còn ông Putin thì nói không xúc cảm và không cần bản ghi nhớ về sự quyết tâm phục hồi nền kinh tế Nga và tiêu diệt phiến quân Chechnya . Về nhà, tôi ghi lại những ấn tượng của mình. Tôi viết: “Putin nhỏ người và xanh xao, lạnh lùng gần như loài bò sát”. Ông tuyên bố hiểu tại sao Bức tường Berlin phải sụp đổ nhưng không ngờ cả Liên Xô cũng sụp đổ. “Putin cảm thấy xấu hổ vì những gì đã xảy ra trong đất nước của mình và quyết tâm khôi phục lại sự vĩ đại của nó”.

Những tháng gần đây, việc ông Putin tập trung quân đội ở biên giới với nước láng giềng Ukraine, đã khiến tôi nhớ lại cuộc gặp gỡ gần 3 tiếng đồng hồ đó. Sau khi gọi nhà nước Ukraine là một điều hư cấu trong một bài phát biểu lạ lùng trên truyền hình, ông ban hành một sắc lệnh công nhận nền độc lập hai khu vực của Ukraine do phe ly khai nắm giữ và gửi quân đến đó.

Việc Putin khẳng định có tính cách xét lại và vô lý rằng Ukraine “hoàn toàn do Nga tạo ra” và thực sự đã bị đánh cắp từ đế chế Nga là hoàn toàn phù hợp với thế giới quan bị bóp méo của ông. Điều đáng lo ngại nhất đối với tôi: Đó là nỗ lực của ông để tạo cớ cho một cuộc xâm lược toàn diện.

Nếu ông ta xâm lược, đó sẽ là một sai lầm lịch sử.


Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2022

Nguyễn Đức Tường: kẻ ở

(Nhân đọc “Tâm Sự Kẻ Sang Tần,” kịch thơ của Vũ Hoàng Chương)


Thời Chiến Quốc, Yên và Tần là hai nước không thể cùng đứng. Yên là nước nhỏ và Tần, nước lớn. Vua Tần là Chính, sau trở thành Tần Thủy Hoàng Đế, có ý định chinh phục cả sáu nước để thống nhất nước Tàu. Tần sắp sửa thôn tính Yên. Thái tử Đan nước Yên, muốn chống lại Tần, có được mưu là dùng người để hành thích vua Tần. Ông tìm được Kinh Kha. Cuốn Đông Chu Liệt Quốc, bản dịch của Nguyễn Đỗ Mục, kể lại chuyện đưa tiễn Kinh Kha trên bờ sông Dịch như sau:


 “Thái tử Đan liền thảo bức quốc thư cùng bức địa đồ Đốc Cương giao cho Kinh Kha, đem nghìn vàng vì Kinh Kha sắm sửa hành trang, Tần Võ Dương làm phó sứ. Khi ra đi, thái tử Đan cùng tân khách có biết việc ấy đều áo trắng mũ trắng đưa đến sông Dịch Thủy, đặt tiệc tiễn hành. Cao Tiệm Ly nghe Kinh Kha vào Tần cũng đem cái vai lợn và một đấu rượu đến, Kinh Kha giới thiệu với thái tử, thái tử mời cùng ngồi uống rượu. Khi uống được vài lượt rồi, Cao Tiệm Ly đánh cái trúc, Kinh Kha dịp theo, hát rằng:


Gió hiu hắt nước lạnh tê, 

Phen này tráng sĩ ra đi không về.


Tiếng hát rất thê thảm, tân khách và các người đi theo đều chảy nước mắt khóc. Kinh Kha ngửa mặt thở đánh phì một tiếng, hơi xông thẳng lên trời, hóa thành một cầu vòng trắng, ai nấy đều lấy làm lạ. Kinh Kha lại cất tiếng hát:


Hang hùm quyết chí xông pha,

Một luồng hơi thở hóa ra cầu vòng.


Tiếng hát đổ ra giọng hăng hái, mọi người đều trừng mắt hăm hở như đi ra trận. Thái tử Đan lại rót chén rượu, quì mời Kinh Kha, Kha uống một hơi hết ngay, víu tay Võ Dương, nhảy tót lên xe, giục ra roi đi mau. Thái tử Đan lên gò cao trông theo, đến khi không trông thấy nữa mới thôi, ra ý buồn bã chảy nước mắt mà đi về.”


*

Thái tử Đan nước Yên gục đầu, ngủ thiếp trên án thư. Dưới ánh sáng chập chờn, mập mờ của cây bạch lạp trong thư phòng, bóng người cung nữ xinh đẹp của Vương lại tha thướt hiện ra, toàn vẹn. Nàng cảm ơn Vương đã trả lại cho nàng đôi bàn tay bị chặt đứt. 


Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2021

Nguyễn Đức Tường: Nhân chuyện hành hương thăm mộ Alexandre de Rhodes và vài chuyện khác

Thuở nhỏ học trường tỉnh ở thị xã Hải Dương, tôi thường được thưởng những tờ chuyện tranh kể sự tích các nhân vật lịch sử như Bà Trưng, Bà Triệu, Đại úy Đỗ Hữu Vị - Anh hùng Pháp-Việt, Cố Alexandre de Rhodes, vân vân. Nhờ vậy mà tôi tích được một tập chuyện tranh, quý hóa lắm, cố giữ mãi nhưng rồi cũng mất hết vì chiến tranh. Ngày ấy, những chuyện tranh này chắc phải rất phổ biến, được phát cho học trò trong khắp nước bởi vì, bao nhiêu chục năm về sau, trong một dịp nào đó tôi kể chuyện, viết “Đại Đỗ Hữu Vị...” một bạn học cũ cùng lớp ở trường Khải Định (nay là Quốc Học, Huế) đọc thấy, bèn gửi email hiệu đính, “Đại úy Đỗ Hữu Vị - Anh hùng Pháp-Việt. Ngày ấy, dân ta đã làm gì có đại tá?” Thì ra bạn tôi cũng có cùng tờ chuyện tranh. Cũng được thôi, ông sĩ quan trong tranh đứng cạnh chiếc máy bay đang bốc cháy, trông rất điển trai, mặc quân phục, đầu đội képi, nhưng tôi không biết ông anh hùng như thế nào. Xin lỗi người Anh hùng Pháp-Việt, phải kéo cấp bậc của ông xuống mấy nấc.

Nhưng với Alexandre de Rhodes thì khác. Qua chuyện tranh, tôi được biết ông là người đã cho dân Việt ta chữ Quốc ngữ, một công ơn vô cùng to lớn vì nhờ thứ chữ viết này mà một người Việt trung bình có thể học để biết đọc, biết viết trong vài tháng. Tôi biết thế vì mẹ tôi cho tôi chơi với bộ chữ abc... dạy tôi chắp chữ đánh vần năm tôi chừng 4 tuổi. Sau vài tháng, một hôm bố đi làm về, mẹ bảo tôi biểu diễn đánh vần cho ông xem, khiến ông ngạc nhiên hết... lớn. Cho đến nay, tôi vẫn còn mơ hồ nhớ lại mùi gỗ thông thơm ngọt của bộ chữ.

Nhờ có chữ Quốc ngữ mà năm 1946, ngay trong chiến tranh chống Pháp giành độc lập, nạn mù chữ có thể nói hầu như được xoá hết ở Việt Nam, hay ít nhất ở quanh tỉnh Hải Dương và Thái Bình nơi tôi được trực tiếp trông thấy, tản cư, chạy giặc từ làng nọ sang làng kia. Không ai thật sự bị bắt buộc nhưng ông già, bà cả được khuyến khích đi học đánh vần. Bằng phương pháp chủ yếu dựa vào tâm lý làng xã của dân ta nếu so với tiêu chuẩn ngày nay mạnh mẽ kêu đòi nhân vị, nhân quyền... có lẽ sẽ bị coi là xúc phạm, thế nhưng ngày đó lại rất được việc. Thỉnh thoảng người ta cho dựng trên đường cái ở đầu làng hai cái cổng tượng trưng cạnh nhau, với tấm bảng to tướng viết những chữ i, tờ...[1] Ai đánh vần được thì đi qua cổng lớn, không đánh vần được thì đi qua cổng nhỏ! Không mấy người muốn đi cổng nhỏ. Riêng tôi, khi ấy mới vào trung học, nhưng cũng hào hứng cố dành thì giờ đọc chính tả cho vài dân làng người lớn trẻ con viết, ít dòng thôi song cũng gọi là chút lòng đóng góp. Đó là những ngày vui tôi không bao giờ quên mà trái lại luôn luôn ghi nhớ ơn sâu của Alexandre de Rhodes.

Thứ Bảy, 5 tháng 6, 2021

Nguyễn Đức Tường: Vệ Sinh Chủng Tộc

Cách đây 17 năm *, ngày 19 tháng Giêng 1989, Philippe Rushton, giáo sư tâm lý học của trường Đại Học Western Ontario, Canada, đã trình bày trước Hiệp Hội Hoa Kỳ về Tiến Bộ Khoa Học – American Association for the Advancement of Science (AAAS) – tại San Francisco, một bài khảo cứu có tựa đề “Tiến Hóa Sinh Vật và Đặc Điểm Di Truyền (Liên Quan tới những Khác Biệt giữa Dân Á Đông, Da Trắng và Da Đen)” – Evolutionary Biology and Heritable Traits (With Reference to Oriental-White-Black Differences). Bài thuyết trình đã làm thay đổi đời sống của ông ta và gây một chấn động trong giới trí thức và nghiên cứu.

Trong bài thuyết trình, Rushton kiểm điểm lại những khảo cứu đã được in trong các tạp chí nghiên cứu, đưa đến một kết luận dè dặt rằng, tính trung bình, người Á Đông trưởng thành chậm, ít năng động tình dục, có bộ óc lớn và chỉ số thông minh IQ cao hơn người Phi Châu. Còn người da trắng thì ở giữa hai nhóm sắc tộc trên. Rushton nói tiếp hệ thống tam tài về chủng tộc này có nguồn gốc không những chỉ ở sức mạnh về kinh tế, văn hóa, gia đình và môi trường sống mà còn về tiến hóa di truyền, liên hệ tới gene, mạnh hơn là khoa học xã hội chính thống đã xác định.

Giả thuyết của Rushton làm ban tổ chức của AAAS choáng váng. Trong cuộc họp báo để tách họ ra khỏi giả thuyết trên, tiến sĩ Walter Massey, phó chủ tịch nghiên cứu tại Đại Học Chicago, chủ tịch của AAAS, nói, như một nhà tâm lý học, Rushton có khả năng cao và, do đấy, các nhà nghiên cứu tham dự hội nghị tùy nghi rút tỉa kết luận. Ông nói tiếp AAAS không khóa miệng bất cứ một ai, nhưng riêng chính ông, ông thấy bài viết mang lại ưu phiền và kết luận của nó “đáng nghi ngờ đến cao độ.” Rất nhanh chóng, trong hàng ngũ kinh viện, Rushton trở thành một kẻ cầu bơ cầu bất.

Nhưng những phiền toái cho Rushton mới chỉ bắt đầu. Trở về nhà ở London, Ontario và công việc giáo sư tâm lý ở Đại Học Western Ontario, ông được tiếp đón bởi những náo động mỗi lúc một tăng trưởng. Tờ báo có uy tín lớn phát hành trên toàn quốc, The Globe and Mail, với hàng chữ đậm ở trang nhất: “Canadian Professor Provokes Uproar With Racial Theories”; tờ báo lắm độc giả Toronto Star : “Theory Racist: Prof Has Scholars Boiling”; còn tờ London Free Press: “UWO Professor Denies Study Was Racist.” Từ báo chí cho đến những nhóm tích cực hoạt động xã hội, họ kêu gọi đại học phải sa thải Rushton vì đã khuyến khích căm thù. Đài truyền hình loan truyền lý thuyết với ảnh của Rushton chồng trên phim ảnh lực lượng xung kích Nazi. Cứ như vậy, mỗi ngày một lớn, giới truyền thông bỏ quên những dè dặt, những điều kiện đề ra trong lý thuyết và, chẳng mấy chốc, tên Rushton dính liền với những kinh hoàng của Holocaust.

Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2021

David Frum: Bãi nhiệm Trump tối nay (Nguyễn Đức Tường chuyển ngữ)

Đây là một khoảnh khắc xấu hổ và đau buồn. 

Nếu chúng ta không hết sức cẩn thận, đó cũng sẽ là cơ hội khủng khiếp của Tổng thống Donald Trump. Bạo lực mà Trump kích động có thể là lý do để ông ta tiếp tục lạm dụng quyền lực tổng thống. 

Như thường lệ với Trump, ông đã chỉ ra trước kế hoạch: Sử dụng Đạo luật Phản loạn để bằng cách nào đó can thiệp vào quá trình chuyển giao quyền lực. Ông ấy có thể thử nó ngay ngày hôm nay. 

Trong thể chế tự vệ, Trump phải bị luận tội một lần nữa và lần này bị loại bỏ. Điều đó cần phải xảy ra ngay lập tức, trước khi ông ta có thể tuyên bố thiết quân luật, để Phó Tổng thống Mike Pence có thể giám sát quá trình chuyển giao quyền lực theo hiến pháp, lần đầu tiên kể từ Nội chiến mà một quá trình chuyển đổi như vậy không còn được mô tả là “hòa bình”. 

Điều cần thiết, là lần này để giúp cho số các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa còn lại mô phỏng sự chính trực mà lần trước chỉ có Thượng nghị sĩ Mitt Romney đã thể hiện. Các nhà lãnh đạo đảng của chính Trump phải thực hiện công việc bảo vệ đất nước khỏi hành động bạo lực không tôn trọng pháp luật của Trump. Lần trước, các thượng nghị sĩ khác đã từ chối. Bây giờ họ cần phải cảm thấy áp lực thực sự. 

Trong suốt ngày hôm nay, các chuyên gia của Đảng Cộng hòa đã bày tỏ sự kinh ngạc và phân vân không hiểu tại sao có thể xảy ra sự việc như vậy. Người dẫn chương trình phát thanh Mark Levin đã tuýt: "Chúng tôi không biết những người này là ai". Đây cũng chính là Mark Levin, từng viết một bài báo kêu gọi Quốc hội thách thức kết quả của cuộc bầu cử năm 2020, được Trump đồng thuận trên tuýt vào ngày 30 tháng 12. Trên thực tế, chúng ta biết “những người này là ai”. Họ là những con quái vật được ấp ủ, sinh ra, nuôi dưỡng, cho ăn, huấn luyện, và bây giờ được thả ra bởi Trump và những người hỗ trợ ông ta trong chính trị và truyền thông. 

Vào chiều nay, Donald Trump Jr. đã tuýt: “Chúng tôi không phải là hạng người như thế”, mặc dù trước đó cùng ngày anh ta đã thực hiện nhiều hành động xúi giục của riêng mình. Như hiện nay mọi người đều thấy, đây đúng là những Trump và những người ủng hộ trung thành nhất của ông ta. Tuy nhiên điều này không nhất thiết phải trở thành di sản lâu dài của tất cả đảng viên Cộng hòa và những người bảo thủ. 

Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2020

Nguyễn Đức Tường: Truyện Liêu Trai Mới - Cây gạo đầu nhà

(Nhân dịp Gs Đàm Quang Hưng xuất bản cuốn 8, trọn bộ tập Liêu Trai Chí Dị)

Hình minh hoạ, BIJU BORO/AFP via Getty Images

Huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông, có người học trò họ Vũ, tên Tứ, bạn bè thường gọi là Tiểu Tứ, tính tình hiền lành nhưng rất cục. Nguyên khi còn học ở lớp sơ cấp, Tứ có biệt danh là Tứ "con" vì cùng lớp có một Tứ "lớn". Ở gần nhà có một con bé đen như củ tam thất nhưng có cái răng khểnh rất có duyên, Tứ thích lắm. Một hôm, Tứ "con" đang đứng ở đầu phố chơi với mấy đứa bạn thì con bé đi qua; một đứa quen miệng gọi Tứ là Tứ "con", nó xấu hổ, giận quá, đuổi đánh rất hung dữ, bạn bè phải can mãi, cho nó cái tên kiếm hiệp, nó mới thôi. Từ đó, Tứ "con" thành Tiểu Tứ.

Tiểu Tứ lúc nhỏ thông minh, mọi người đều nói thằng bé sau này tất làm nên nghiệp lớn. Nhưng có lẽ thày địa lý đặt đất sai lệch sao đó, khi Tứ đầy tuổi tôi, bố nó bày cung tên nghiên bút xem Tứ chọn thứ nào, chẳng may cái nắp bút rơi ra, Tứ nhặt được bèn giữ chặt lấy rồi đưa lên miệng thổi toe toe như cái còi, lấy làm thích thú lắm. 

Năm Tứ sáu tuổi, chí lớn của nó xuất phát như thế này: một hôm, Tứ rủ em đi trồng cây. Thằng bé em chí khí là là mặt đất, mang mấy hạt ngô ra trồng. Còn Tứ, nhớ đến cây gạo ở đầu nhà cao ngất trời cùng hình ảnh cô đầm xinh đẹp ở trang bìa một cuốn tự điển, xòe bàn tay thổi tơ phấn bay phất phơ, Tứ bèn lấy mấy hạt gạo ra trồng, những mong chiều hè gió lộng thổi để bông gạo bay ra khắp bốn phương. Cây ngô lớn đâm bắp, còn cây gạo thì dù tưới mãi vẫn chẳng thấy hạt gạo nẩy mầm; nhưng cây gạo thổi bông bay khắp bốn phương trời đã trở thành một ám ảnh của đời Tứ.

Năm Tiểu Tứ đi thi lấy bằng thành chung, có bài toán muốn thay đổi phân lượng vàng bạc trong một hợp kim mà đáp số là hoặc lấy bớt ra từ hợp kim hai chỉ vàng hoặc cho thêm vào hợp kim ba chỉ bạc. Cả hai cách đều đúng. Bài toán hỏi thêm một câu phụ: cách nào tiện hơn? Tứ trả lời: lấy bớt ra hai chỉ vàng lợi hơn. Quan trường bàn nhau: trò này bộp chộp, tham lam, nếu cho đỗ thủ khoa, sau này chỉ tổ làm hỏng việc lớn, bèn đánh trượt với ý định cho nó chờ năm sau để tính khí thêm thuần. Nhưng năm sau chẳng bao giờ đến, việc trường ốc của Tứ từ từ xuống dốc. Ông bố thấy vậy, bèn cho Tứ đi học nghề sửa máy vi tính để kiếm sống. 

Thứ Ba, 8 tháng 10, 2019

BBC - Nguyễn ĐứcTường thuật ở Hà Nội: Bãi Tư Chính - Nhiều trí thức muốn Việt Nam kiện Trung Quốc

Tọa đàm khoa học "Vùng biển Bãi Tư Chính và Luật pháp quốc tế"
Một buổi thảo luận về Bãi Tư Chính vừa diễn ra tại Hà Nội ngày 6/10, với sự tham dự của nhiều vị nhân sĩ có tiếng. 


Tọa đàm khoa học "Vùng biển Bãi Tư Chính và Luật pháp quốc tế" do Viện nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển (Viện PLD) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức. 

Cuộc gặp có sự tham gia của nhiều nhân sĩ trí thức như GS Nguyễn Đình Cống, cựu đại sứ Nguyễn Trung, GS Chu Hảo, GS Trần Ngọc Vương. 

Ngoài ra còn có ông Vũ Quốc Hùng, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên phó chủ nhiệm thường trực UBKT Trung ương, ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, chuyên gia Phạm Chi Lan, KTS Trần Thanh Vân, cựu Đại sứ Nguyễn Trường Giang… 

'Giữ được Bãi Tư Chính là giữ được các đảo khác' 


GS Chu Hảo, người mới bị Đảng khai trừ, chia sẻ: "Lần thách thức này là chuyện trước mắt mất nước hay không mất nước. Kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế lúc này là đúng thời điểm, đúng lúc rất quan trọng." 

Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2019

Nguyễn Đức Tường: 1954, ngày ấy...

Tầu Ville de Haiphong hú còi một lần cuối cùng rồi từ từ chuyển bến. Đây là lần đầu tiên trong đời Tuấn được đi trên một con tầu xuyên đại dương. Đứng trên boong tầu Tuấn rất xúc động, tâm hồn xáo trộn bởi những gì chưa đến, đầy thử thách và bất trắc, và những gì thân thương, quen thuộc đã bỏ lại đằng sau. Anh nhìn bến tầu đang lùi xa dần, bến tầu mà ở đây chiều chiều anh cùng bạn thường ra hóng mát, nói chuyện gẫu. 

Anh đưa mắt tìm chỗ đứng thường ngày của mấy xe bán đồ giải khát hay xe bán thịt bò khô của anh Năm. Nghĩ đến anh Năm và nước ớt cay thịt bò khô của anh, Tuấn thấy mồ hôi chảy râm rấp trên trán. Những bộ mặt phong sương, chất phác này không còn ở đây nữa; ngày hôm nay, chỗ đứng của họ đầy rác rưởi, người vội vã đi lại tấp nập. Tuấn bất giác đưa tay lên lau mắt, kín đáo chùi mấy giọt nước mắt đang chực trào ra. Vĩnh biệt tất cả! 

Vĩnh biệt những buổi chiều chủ nhật đi xe đạp dọc đường Quán Thánh, mải nói chuyện bánh xe lọt vào đường xe điện ngã nổ đom đóm mắt, hay Gò Đống Đa, hay Nghi Tàm, hay Cổ Ngư. Vĩnh biệt phố Cầu Đất, đường Cát Dài, vườn hoa Con Cóc, những bãi đá bóng của thành phố hải cảng này. Vĩnh biệt những bạn bè còn ở lại. Vĩnh biệt những mối tình đầu, vĩnh biệt Hiền Đen, Minh Trắng, rồi Hồng, rồi Phụng, rồi Phi...

Cái số đào hoa vỏ này đã bao đêm làm Tuấn mất ngủ. Học trên các cô này hai lớp mà quen được với các cô là một thành công lớn, "succès fou" như bạn bè thường nói. Nhưng có lẽ những thành công này hoặc quá lớn hoặc chưa đủ lớn, liên hệ giữa các cô và anh quá "bình đẳng", Tuấn chưa bao giờ "anh anh, em em" với một cô gái nào hết. "Giá mà mình học trên các cô thêm một lớp nữa..." Tuấn nghĩ thầm tiếc rẻ, rồi cười tự chế nhạo cái "giá mà" trẻ con rất khiêm tốn của mình. "Giá mà cái mũi của Cleopatra dài ra hay ngắn đi một chút nữa..."

Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2019

Nguyễn Đức Tường: Cỗi rễ bậc hai

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua…

Mỗi lần Tết đến, tôi thường có dịp đọc lại bài thơ Ông Đồ Già của Vũ Đình Liên in trong một tạp chí nào đó. Mùa xuân và hoa đào. Tác giả đã mượn hình ảnh hoa đào trong một bài thơ nổi tiếng của Thôi Hộ, nhưng, oái oăm thay, đáng lẽ thiếu nữ, ông lại cho hoa cặp kè với một ông đồ già. Người thiếu nữ trong mấy câu thơ đài các của Thôi Hộ đến rồi đi, như con thoi; ta không biết cô đẹp xấu bao nhiêu nhưng qua nét chấm phá của nhà thơ đời Đường, ta tưởng tượng là cô phải đẹp… ghê lắm. Còn Ông Đồ Già của Vũ Đình Liên? Qua năm khổ thơ bình dị, mộc mạc, ta hình dung một nhà nho cũ kỹ, khăn đóng, áo the, thoáng thấy lại một thời thanh bình với mẫu người mẫu mực, một đời sống vật chất eo sèo, đạm bạc nhưng an nhàn, lương thiện. Đem so sánh với thiếu nữ của Thôi Hộ, tất nhiên ông đồ bị lỗ vốn quá rồi tuy không đến nỗi là một “kẻ thân tàn ma dại” đang “đi về cõi chết” như Hoài Thanh đã viết. Riêng đối với tôi, Ông Đồ Già bao giờ cũng mới, luôn luôn cho tôi một cảm giác bùi ngùi, man mác khó tả. Nó cũng khiến tôi nghĩ đến thày giáo Công.

Thày giáo Công là bạn sơ giao của ông nội tôi. Khi tôi biết ông vào mùa hè năm 1943, ông đã về hưu dù tuổi chưa lớn lắm. Khác với ông đồ già của Vũ Đình Liên, một hình thái trừu tượng, tượng trưng một cái gì đã qua, thày giáo Công là một người rất thực, có đầy đủ phong cách chắt lọc của một nhà Nho, bao gồm chữ nghĩa, nhân cách cùng nếp sống. Sung túc hơn, ông không phải viết chữ kiếm ăn. Ông là một trong những người cuối cùng còn sót lại từ trường thi Nam Định; ở trường thi này, tôi nghe nói, ngoài thi phú, thí sinh còn phải thi cả toán pháp. Có lẽ vì vậy, trong trí hiểu biết bé nhỏ của tôi, ông là một người rất giỏi toán, đã chỉ bảo tôi nhiều điều mới lạ. Tất nhiên ông là một ông đồ vì ông cũng dạy chữ Nho, nhưng là một ông đồ “tân thời” vì ngoài chữ Nho, thượng vàng hạ cám, ông còn dạy nhiều thứ khác, kể cả tiếng Anh, cho vài đứa nhỏ nữa.

Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2018

Mary Walsh / Nguyễn Đức Tường chuyển ngữ: Điều có thể làm bạn đau lòng Bài ca tụng một quốc gia, từ một người dân Canada bất đắc dĩ.



Tôi đã học được từ trên lòng mẹ tôi (đúng hơn, từ trên chiếc chân gỗ của bà cô tôi với đầu gối gắn khớp xương kim loại) nỗi oán giận lớn lao đối với Canada và mọi thứ của người Canada.
Năm 1949, gần 50 phần trăm dân Newfoundland – và tôi đánh cuộc là tất cả mọi người dân ở St. John's – đều bỏ phiếu chống lại việc sát nhập vào liên bang với Canada. Cử tri tỉnh lẻ đã bỏ một số phiếu áp đảo để ủng hộ việc tái lập một chính phủ có trách nhiệm. Thế nhưng thay vì thế, chúng tôi đã đi từ chế độ bảo hộ của Anh Quốc dưới một Ủy ban của Chính phủ để trở thành tỉnh bang trẻ nhất và nghèo nhất của Liên bang. Đang là cái thảm chùi chân trước cửa của Anh quốc, chúng tôi trở thành một kho truyện cười của Canada.

Thứ Hai, 20 tháng 12, 2010

MẬT MÃ

Nguyễn Đức Tường

(Trích đoạn từ bài đăng ở tạp chí Thế Kỷ 21 số 181, tháng 5 năm 2004)

(Tiếp theo và hết)

Phân phối chìa khóa
Vấn đề tiêu chuẩn được giải quyết. Tuy vậy, vẫn còn một vấn đề khác quan trọng không kém, đó là việc phân phối chìa khóa. Tưởng tượng một ngân hàng ở Los Angeles muốn gửi một tài liệu đã được mã hóa cho khách hàng ở Tokyo, ngân hàng làm thế nào để gửi chìa khóa giải mã cho khách hàng? Ðiện thoại không phải là một phương tiện đáng tin cậy, dùng người thứ ba để trao đổi chìa khóa cũng là mắt xích rất yếu trong sự an toàn của thông tin.