Thứ Ba, 17 tháng 1, 2023
Nguyễn Đức Tùng: Xập xòe én liệng
- Đoạn đường miền Đông có nhiều khúc thật đẹp, bạn nhớ không?
- Nhưng mà khúc nào mới được chớ?
- Vừa ra khỏi Xuân Lộc, theo quốc lộ một, mình gặp rừng đất đỏ bạt ngàn cao su, trước khi đổ vào Hố nai, dọc đường hàng quán núp trong rừng cây, mà những cái quán ấy thú vị, bán nước dừa, cà phê, khách ngồi đu đưa trên võng mà uống.
Hồi ấy buôn cà phê bị bắt nhưng dân bán lẻ đủ sức cung cấp nhu cầu, ai đó sáng chế cà phê vợt, uống cũng được, trộn với bắp rang, cả nước đói khổ có thứ nước màu nâu sẫm bốc mùi thơm đã may lắm, đòi gì nữa? Anh chạy xe một hồi tóc bay mù bụi đỏ thì trời đổ mưa, mưa đột ngột đến nỗi không chạy kịp sẽ ướt từ đầu đến chân. Chớp loằng ngoằng. Anh tấp vội vào lề, rú ga vọt qua khoảng sân cao, tối, bùn nhão, gần như phóng thẳng vào thềm nhà người ta.
Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2022
Nguyễn Đức Tùng: Giữ nắng gìn mưa (Thư gởi con trai)
Có lần cha và mẹ đánh mất con trong đám đông. Lúc con năm tuổi.
Đó là ngày trước lễ Giáng Sinh, chúng ta dẫn con đi mua sắm. Những cửa hàng đông nghẹt người giờ cuối cùng. Lẽ ra ta phải biết rằng đó là thời khắc cần cảnh giác. Mẹ con dặn kỹ hai cha con đứng đợi một chỗ trước khi đi sắp hàng ở hiệu bán quà, người xếp hàng dài nhiều vòng. Thế rồi một cuộc gọi điện thoại bất ngờ, một chuyện quan trọng gì đó làm ta mất tập trung mấy phút, không, chưa đầy một phút. Không phải, mấy giây thôi, và con biến mất.
Làm sao con có thể biến mất được? Nhưng đúng như thế. Vì chúng ta đứng sát tường, phía trước là cây cột lớn nên phản ứng tự nhiên là ta gọi lớn lên và chạy vòng quanh cây cột. Không thấy. Chỉ cần không thấy con thôi, tâm trí đã hoảng loạn. Khi bạn hoảng loạn, mọi phán đoán đều sai. Vì người đi dày đặc, không ai có thể chú ý đến ai nên ta buộc phải len lỏi qua hàng người chạy về phía trước, nơi có nhiều khả năng tìm ra con ở đó. Ta càng chạy càng hồi hộp, càng gọi lớn tên con. Có những người quay lại giúp đỡ, nhưng càng không nhìn thấy con đâu, phản ứng tự nhiên làm ta càng di chuyển nhanh hơn. Càng đi nhanh ta càng tưởng rằng sẽ có cơ hội tìm ra con.
Thứ Ba, 27 tháng 12, 2022
Nguyễn Đức Tùng: Tuyết
![]() |
Hình minh hoạ, Albina White |
Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2022
Nguyễn Đức Tùng: Trà chiều
![]() |
Hình minh hoạc, Pfüderi, Pixabay |
Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2022
Nguyễn Đức Tùng: Đọc Một Bài Thơ Như Thế Nào
1. Đọc mỗi lần một chữ
Khi tôi học lớp Năm, có lần được thầy gọi lên bảng đọc cho cả lớp chép một đoạn trích từ cuốn Tâm Hồn Cao Thượng, bản dịch Hà Mai Anh, nguyên tác Edmond De Amicis. Đó là sách dạy chính thức trong nhà trường miền Nam thời ấy. Giờ ám tả, học trò lắng nghe, chép lên giấy. Năm cuối bậc tiểu học, chuẩn bị thi vào trung học, nên bài cũng khó hơn. Phải đọc từng câu, dấu phẩy dừng ngắn, dấu chấm dừng dài, các chữ tiếng nước ngoài phải đọc chậm. Khi thấy tôi luống cuống, chữ nọ xọ chữ kia, thầy bắt dừng lại, đọc chậm, với lời khuyên: em hãy đọc mỗi lần một chữ. Tôi đọc lại.
Sáng nay, chúng tôi vừa vặn có dịp xét đoán anh Garônê.
Giờ vào lớp, ông Perbôni chưa có đấy, ba bốn cậu đang thi nhau chế giễu anh Crôtxi khốn nạn – tức là cậu bé tóc vàng, tay liệt, con bà bán hoa quả. Họ lấy thước đánh cậu, lấy vỏ hạt dẻ ném cậu, họ gọi cậu là con quỉ què và mếu máo giả cách làm người liệt tay. Ngồi trơ một mình ở đầu ghế, cậu thẹn thùng và đưa mắt nhìn người nọ, người kia như để van lơn họ khỏi hành hạ mình. Được thể, bọn học trò càng làm già. Cậu phẫn uất quá, máu đưa lên cổ và phát run người. Thình lình, Phranti, một đứa học trò mặt xấu như khỉ, đứng lên ghế, khuỳnh hai cánh tay như người khoác hai cái giỏ, bắt chước bộ tịch mẹ cậu Crôtxi những khi đứng đợi con ở cửa trường. (Đã mấy hôm nay, bà không đến đón con vì bị ốm). Coi tấn tuồng câm ấy, học trò cười ầm cả lên. Crôtxi điên tiết, vồ ngay lọ mực trước mặt ném Phranti, Phranti né mình, lọ mực trúng giữa ngực ông Perbôni ở ngoài bước vào.
Nguyễn Đức Tùng: Đọc Một Bài Thơ Như Thế Nào (Tiếp theo)
7. Nhạc điệu của bài thơ
Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh
Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần
Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm
Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân
(Xuân Diệu)
Một trong những bài thơ có nhạc điệu hay nhất thời tiền chiến. Vần điệu của thơ có thể được xem như biểu tượng. Khi đọc thơ, ngoài ý nghĩa, ta còn chú ý đến âm điệu, vì âm điệu là một trong những nguyên cớ làm nên vui thú, khoan khoái của người đọc. Có những bài thơ gần với ca khúc, nhưng thật ra tất cả những bài thơ hay, ngay cả thơ tự do, cũng tạo ra một thứ âm nhạc riêng. Sự thích thú của người đọc trước nhạc tính của bài thơ có thể xếp vào hai loại: sự hợp vần, lên bổng xuống trầm, du dương; và thứ hai là việc chọn chữ, những chữ đặt cạnh nhau, mà khi đọc lên bạn cảm thấy sảng khoái. Trong bốn câu thơ trên, có sự lên xuống trầm bổng của đoạn thơ, thích hợp cho đối tượng mô tả là cây nguyệt cầm, nhưng mỗi chữ, mỗi cặp chữ đều gây cảm giác vừa lạ vừa quen, dễ nhớ, bạn muốn đọc và ngâm nga: nguyệt lạnh, đàn buồn, đàn lặng, đàn chậm, rơi tàn, lệ ngân.
Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2022
Nguyễn Đức Tùng: Trần Quang Quý, Ta Lẻ Loi Đơn Chiếc Biết Nhường Nào
Thơ hôm nay không viết về đời sống, nó viết về cái thiếu của đời sống. Cũng vậy, nhà thơ không đi tìm giải thoát ra khỏi khổ đau, họ đi xuyên qua, sống với, những đau khổ, vì chúng làm nên tâm hồn chúng ta bây giờ. Không phải sự thật nào cũng đẹp, không phải chúng ta làm điều gì cũng đúng, đôi khi trái lại. Nhưng chúng ta làm, như thể đó là con đường, và không hối hận về sau. Con người không nắm giữ tương lai trong tay mình, không biết được tình yêu nào chờ ta cuối ngày. Nhưng khi một khoảng khắc tới, bạn lập tức nhìn ra nó, như khuôn mặt trong gương. Lúc ấy, Trần Quang Quý (1955- 2022) trở nên đằm thắm:
Trong nỗi đau tôi
Đêm nay bạn đến
Không hoa
Không rượu
Ánh mắt thẳm nỗi người
Tôi tin cậy nắm bàn tay im lặng
Nỗi riêng tôi
Hình như lặn bớt vào tim bạn
Hình như sự im lặng của bạn
Ngọn lửa không màu nhóm lại trái tim tôi
Nhận thức về sự thật, công bằng, bất công, chưa chắc đã làm thay đổi hiện thực, nhưng làm bạn sống thành thật, cao quý hơn. Nỗi buồn trong thơ hôm nay làm chúng ta thức tỉnh, biết tập trung chú ý, tăng cường sự tỉnh thức. Từ trong sự tỉnh thức ấy, tương lai tìm thấy hướng đi của nó. Đó là lúc con người rời bỏ, cắt đứt một niềm tin, thách thức một số phận. Đó là lúc chúng ta bắt đầu khung cảnh mới, chọn lấy thời gian của chúng ta, chọn lấy tình yêu.
Cúi xuống là đất
đất ken kín vết người
trong thẳm sâu bóng tối
Ngẩng lên là khoảng rỗng
nhưng sẽ thấy bầu trời
Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2022
Nguyễn Đức Tùng: Mặt Hồ Êm Ả (Thư gởi con trai nhân ngày tựu trường 2022)
Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2022
Nguyễn Đức Tùng: Giới Thiệu Thơ Dạ Thảo Phương
đôi lúc thèm cuống quýt được chạy về Hà Nội
ngồi vỉa hè, ấp má một chén trà nóng
cho lòng lại được bình yên
Đó là một Hà Nội thanh bình, trang nhã.
Đó cũng là một Hà Nội mục nát, tan hoang.
ước
một ngày thức dậy
ban công ngập rác thối
lá non rữa nát
những hoa hồng teo quắt
con chim bên chùa Bà Đá thôi hót
tốt nhất - đã chết
bình nước trên bàn cũng cạn
chuông Nhà Thờ Lớn
câm
Thơ chị khởi đi từ tự truyện và mơ màng (memoir and reveries). Đó là sự nối kết giữa quá khứ và hiện tại, sự soi chiếu một khoảnh khắc trong hiện tại bằng nguồn cảm xúc và suy tư từ những năm tháng bạn đã sống qua. Thơ xuất hiện trước sự viết. Trước khi chúng ta đọc một bài thơ như văn bản trên giấy, hay trên màn hình, thơ đến như một âm thanh. Chữ viết có tính cố định, khi bạn trở lại chúng vẫn nằm ở đó. Việc đọc lớn lên, làm cho bài thơ xuất hiện như âm nhạc, không cố định như vậy, chúng thay đổi theo thời gian. Thơ của Dạ Thảo Phương vang lên một thứ nhạc điệu riêng.
anh hỏi da thịt em ngát sen tự khi nào
anh ơi, từ những ngày tháng tuyệt mù em chưa biết anh
em đã là sen, từ trong bùn tối
Chị tra vấn ý nghĩa của đời sống, các mối quan hệ gia đình và xã hội, tình yêu và tình dục. Chúng có thể không phải là những câu hỏi trực tiếp nhưng xuất hiện bàng bạc, làm cho thơ chị trở thành không phải một bản tường trình về đời sống mà là những biểu hiện của đời sống ấy, tiếng nói của nó, sự vận động của nó, các thách thức của nó. Sinh ra ở một vùng văn hóa riêng biệt, đối với tôi là diễm lệ và mặc cảm, và yếu đuối trước sự dung tục vốn là bản chất của một xã hội áp đặt hoàn toàn xa lạ với dân tộc, tự mình thoát ra khỏi những ràng buộc của văn hóa ấy, vượt lên, phát hiện. Đó là nỗi buồn xuyên qua những số phận, sự đau đớn được nén lại tạm thời, sự ngã xuống và hồi phục. Chị không phải là người biết thua cuộc trước số phận, thường xuyên trở lại từ bên lề, đập cửa, kể lại câu chuyện đời mình.
Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2022
Nguyễn Đức Tùng: Hà Nội, Dương Tường
(Xin đăng lại bài này để mừng nhà thơ chín mươi tuổi 4. 8. 1932- 4. 8. 2022. NĐT) |
Ngày 6 tháng 4 năm 2007 tại Hà Nội, chúng tôi đến thăm nhà thơ Dương Tường tại nhà riêng. Dương Tường ngồi sau một chiếc bàn nhỏ và thấp chất đầy sách vở và ly tách giữa một căn phòng rộng dùng làm phòng triển lãm tranh. Tranh treo kín các tường. Chúng tôi gồm có Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Trọng Tạo, Du Tử Lê, Nguyễn Đức Tùng, và nhiều bạn bè văn nghệ khác, người từ Sài Gòn ra, người ở ngay Hà Nội. Trưa hôm đó Dương Tường dẫn chúng tôi đi thăm phố và ăn trưa. Chiều hôm sau, 7 tháng 4, một mình tôi quay lại địa chỉ trên theo lời hẹn.
Buổi chiều Hà Nội nhiều nắng, nhưng mát, dịu dàng. Chiếc ngõ dẫn vào nhà ông sâu, quanh co, vắng người, như ở chốn quê. Anh chị Dương Tường đón tôi ở cửa, tươi cười, thân ái.
Ngồi gần bên nhà thơ, hai người trong căn phòng rộng và im vắng, tôi có cảm giác chất nghệ sĩ trong người Dương Tường toả ra thành một với những bức tranh trên tường. Buổi chiều có vẻ siêu thực.
Nguyễn Đức Tùng: Xin đọc một bài thơ của anh. “Tình khúc 24”.
24 phím cầm chiều
24 nhành sương mím
24 tiếng ve sầu đại lộ tháng tư
Gửi lại em
cầu thang 24 bậc
tờ thư 24 gác mưa
làn menuetto 24 âm xưa
Gửi lại em
Mùi hoa sữa 24 miền hoài niệm
Ga khuya 24 lần đưa đón
Bài huê tình 24 lối sân sau
Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2022
Nguyễn Đức Tùng: Đọc Thơ Hoàng Vũ Thuật
Có một điều gì đã xong và một điều gì chưa xong trong thơ Hoàng Vũ Thuật, tựa như sự thăng bằng đạt được hôm qua, hôm nay biến mất. Vì vậy, anh trở đi trở lại nhiều lần trước một sự vật, nhìn chúng dưới những góc cạnh khác nhau, làm cho sự thật hiện lên trong những ánh sáng khác, khi cằn cỗi, khi tinh khôi.
anh quay lại khi anh không còn nữa
bước vào nhà và sẽ
gọi tên em
Thơ Hoàng Vũ Thuật thân mật và phóng khoáng, nhiều chất hiện tại. Thơ của những khoảnh khắc. Nhân vật của anh cũng không đứng yên mà chuyển động, các câu chuyện kể lại được giải thích khác nhau. Bên dưới, anh có một nỗi buồn dịu dàng, không phải là thứ sầu muộn chết người, nhưng đủ làm day dứt. Chúng ám ảnh thơ anh từ trang viết này qua trang viết khác, từ lâu, trở thành chiêm nghiệm.
tôi đo ánh sáng mặt trời chiếu
xuống trái đất
bóng tối phủ trảng cát câm
đường đi một đời
tấm tã lót sơ sinh cỗ quan tài dải băng tang
trắng
mảnh vườn mẹ nuôi tôi lớn xanh
rặng tre trước mặt
thân cau trổ quả hoàng hôn
khói thơm lên từng cụm
sợi gàu dai kéo rộng cánh đồng
tôi đo hơi thở người
yêu dấu
bầu ngực đôi chân đôi mắt
chiếc lưỡi
mềm
trên giường ngủ
Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2022
Nguyễn Đức Tùng: Cung Tiến, Đời Lập Từ Những Đêm Hoang Sơ
Chị em của thơ thì có nhiều: tùy bút, truyện ngắn, tiểu thuyết, báo chí, phim ảnh, kịch nghệ, nhưng đối với tôi, người thân nhất, người chị em ruột của thơ, chính là ca khúc.
Cung Tiến là một sự kết hợp như vậy: giữa ca từ và âm nhạc, giữa thơ và ca khúc. Thơ ca. Sự liên kết giữa thơ và ca đã có từ lâu đời, ngày một chia xa trong thế giới hiện nay. Thơ ngày một xa rời ca khúc, ngày một gần với văn xuôi, rời bỏ tính âm nhạc của ngôn ngữ. Các nhà thơ hiện nay gần như không làm thơ dưới tác động trực tiếp của âm điệu. Họ viết để truyền tải các ý tưởng nhiều hơn. Khi chúng ta nghe một bài hát, những chữ trong bài hát ấy vang lên không còn là những chữ chúng ta đọc trên giấy nữa, chúng biến đổi trở thành chữ khác, một sự lai ghép giữa âm nhạc và ngôn ngữ. Khi đọc lời:
Chờ nhau hoài cố nhân ơi
Sương buồn che kín nguồn đời
Tôi vừa nhìn thấy màn sương buông xuống, vừa nghĩ đến bóng người đi trong ấy, càng lúc càng xa. Điều ấy cũng xảy ra khi tôi đọc chúng như câu thơ. Nhưng người nào từng nghe Cung Tiến qua Duy Trác hay Thái Thanh, Lệ Thu hay Anh Ngọc, sẽ không thể đọc thế nữa, như câu thơ thông thường, người ấy phải đọc khác đi. Phải đọc như đang hát. Và khi hát như thế, dù chỉ hát thầm, hai chữ cố nhân ấy sẽ khác đi, hình ảnh người đi trong sương cũng khác. Cũng vậy, bốn chữ “che kín nguồn đời” khi được ngân lên như một ca từ, hình ảnh cũng biến đổi, sâu hơn, dào dạt hơn.
Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2022
Nguyễn Đức Tùng: Tháng Tư, Lê Đạt
Để nhớ tháng tư, mười lăm năm trước, ở Hà Nội.
NĐT
(4. 2007- 4. 2022
Người đầu tiên mà chúng tôi đến thăm trong dịp ghé Hà Nội tháng 4. 2007, là nhà thơ Lê Đạt. Chúng tôi gồm có Nguyễn Trọng Tạo, Du Tử Lê, Nguyễn Đức Tùng và một số bạn bè văn nghệ, đến nhà riêng của ông. Lê Đạt vừa dọn đến ở chung với người con trai được một năm, trong một khu phố yên tĩnh, hơi khó tìm đường. Trời Hà Nội sáng sớm mây mù, gió lao xao, mát mẻ dễ chịu. Đường nào cũng có nhiều cây xanh, nhưng không nghe tiếng chim hót. Trước ngõ nhà ông có vài gánh hàng rong, làm tôi nhớ đến Hà Nội ba mươi sáu phố phường của Thạch Lam. Lê Đạt tiếp chúng tôi trên căn gác nhỏ, nụ cười vui, dáng điệu nhanh, hỏi và trả lời dứt khoát. Trong câu chuyện, thỉnh thoảng ông phá lên cười. Trên vách tường sau lưng chỗ ông ngồi, có treo hai tấm hình. Một là tấm poster lớn đem về từ Ngày hội Thơ Việt Nam 15 tháng Giêng âm lịch, tổ chức ở Văn Miếu Hà Nội, chụp chân dung của ông, phía sau là nền hoa mimosa vàng. Poster được chuẩn bị bởi nhà thơ trẻ Hữu Việt. Bên cạnh là giấy chứng nhận Giải thưởng Nhà nước 2007.NĐT (4. 2007)
Từ trái sang phải: Du Tử Lê, Lê Đạt, Nguyễn Đức Tùng (Ảnh: Nguyễn Trọng Tạo) |
Nguyễn Đức Tùng: Thưa anh Lê Đạt, xin chúc mừng anh vẫn còn giữ được sức khỏe và sự minh mẫn để làm việc. Người yêu thơ anh, theo dõi báo chí, chắc chắn sẽ vui khi biết rằng anh vẫn làm thơ và vẫn dành rất nhiều sự quan tâm đối với thơ ca Việt Nam.
Lê Đạt: Rất mừng được gặp các anh từ nước ngoài về và ở trong Nam ra. Chúng ta có dịp gặp nhau như thế này là quý lắm. Tôi vẫn còn viết được nhưng không còn viết được nhiều như trước.
Một thân hữu văn nghệ: Anh có thường tập thể dục không?
Lê Đạt: Mỗi ngày tôi đều đi bộ hai tiếng đồng hồ bờ Hồ Tây. Khi lạnh thì mặc thêm áo ấm.
Du Tử Lê: Anh còn hút thuốc lá không?
Lê Đạt: Không, tôi đã bỏ thuốc từ lâu. Nay thì bỏ hết. Trước đây tôi cũng hút ghê lắm
Nguyễn Trọng Tạo: Đọc các bài viết trước đây, các ông ấy thường cho là các anh thuộc loại sống truỵ lạc (cười).
Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2022
Nguyễn Đức Tùng: Thái Hạo, Tiếng Nói Mới, Vang Rền
Thế giới thường xuyên thay đổi, nhưng chưa bao giờ thay đổi nhanh đến thế, như trong những năm qua. Dịch bệnh, chiến tranh, tra tấn, dân tộc chia rẽ, môi trường thiên nhiên bị tàn phá đến cùng kiệt. Con người ngày càng tham lam, ngày càng sống hời hợt và giả dối.
Và bên dưới tất cả những thứ ấy, có một điều gì sâu hơn nữa, sâu xa nhất, chi phối tất cả: sự sợ hãi.
Tại sao chúng ta sợ hãi?
Tôi đã tự hỏi ngàn lần
Tại sao chúng ta sợ hãi?
Loài linh trưởng trong tôi gào thét
Đại ngàn trút lá
Tôi thèm làm người
Nguyên sinh
Trăng vỡ trên đỉnh trời
Tại sao chúng ta sợ hãi?
Câu hỏi làm tôi nổi giận
Thèm một que diêm
để châm lửa vào cánh rừng
Thứ Sáu, 4 tháng 2, 2022
Nguyễn Đức Tùng: Quán Hớt Tóc
Quán hớt tóc là nơi bọn thanh niên trong làng tụ tập tán dóc, bàn chuyện chiến tranh hòa bình, các nhân vật Xuân thu Chiến quốc, chuyện cô nào sắp lấy chồng, phim cao bồi Viễn Tây, mùa khoai mùa lúa, chuyện đi quân dịch, vui buồn thi cử. Khi tôi còn bé, mỗi tháng phải trình diện quán ấy một lần, lệnh của ba tôi. Ông rất ghét bọn con trai để tóc dài, mà chẳng cứ gì ông, người lớn, thầy cô giáo của tôi, đều thế. Tôi lò dò bước vào quán, vách đất trộn phân trâu quét vôi trắng mái tranh có dàn mướp bò qua, nhìn quanh tìm chỗ ngồi, dỏng tai nghe chuyện khách, dân cày cấy, học sinh, viên chức.
Người thợ cắt tóc ngoài ba mươi tuổi, sau những năm giang hồ trở lại chốn quê, đem theo nhiều câu chuyện xứ người, hay do anh bịa ra. Anh có tài kể chuyện, thích đọc báo, có cây đàn guitar hay mandolin treo cửa. Mà thợ hớt tóc nào chẳng biết chơi guitar tưng tưng vài nốt khi ế khách hay ngoài trời thu vàng rụng lá? Anh hay hát Tàu đêm năm cũ của Trúc Phương: Tàu xa dần rồi, thôi tiếc thương chi khi biết người ra đi vì đời, Trở gót bâng khuâng, tôi hỏi lòng đêm nay buồn không. Chiếc dao cạo sắc của anh, kêu xoèn xoẹt trên sợi da nâu như thắt lưng mòn vẹt, khăn quàng cổ xếp nếp, cái tông đơ còn già hơn tuổi tôi, cái ngoáy tai bằng đồng nhỏ xíu, sáng loáng, hấp dẫn tôi. Tôi lớn dần lên với cái quán ấy, già đi cùng với người thợ hớt tóc, được sống cùng với họ những tháng năm hạnh phúc của một xứ sở nghèo nhưng tươi tắn. Cái quán hớt tóc ấy, nằm gần kề quốc lộ Một, phía dưới đường xe lửa bỏ không mọc cỏ lau trắng, sau đập nước, bạn còn nhớ không? Cái quán nằm giữa tiệm tạp hóa và quán bún lòng thả, phía trước có cây dứa dại sau lưng là bụi tre la ngà cú rúc chiều chạng vạng. Nhìn vói qua sông, bên kia đường quốc lộ, bao giờ tôi cũng ngồi đó, ngắm tờ nhật trình dán vách đất, đọc mọi thứ, tin tức đảo chánh tổng thống Ngô Đình Diệm làm tôi giựt mình, lát sau mới nhớ ra đã bốn năm.
Thời nhỏ bạn hoàn toàn lệ thuộc vào người lớn, mà họ thì có quan niệm đơn giản về trẻ con, đã cắt thì cắt ngắn, làm cho mặt mũi sạch sẽ, cắt tóc càng ngắn càng đỡ tốn tiền cắt lại, và bọn chúng không phải cạo râu rửa mặt nên thợ làm nhanh, loáng đã xong, không kiểu cọ gì ráo trọi. Nhưng khi tôi lên mười một tuổi, vừa thi đỗ vào trung học, tôi không còn thích để mặc người lớn lãnh đạo nữa, sau một mùa hè chịu mái tóc carré, nghĩa là rất ngắn, trên chỏm cũng ngắn, kiểu lính, quyết để tóc dài, thời ấy mái phía trước dài, tóc mai kéo xuống gần cằm, hợp với áo sơ mi cổ cò, học sinh đi học lén bỏ áo ngoài quần vì cho áo vào quần thì quê lắm, mặc quần tây không có thắt lưng. Thời ấy bắt đầu có mũ lưỡi trai baseball kiểu Mỹ, kéo thật sát mái đầu để tóc phía dưới bay lòa xòa, có đứa ba trợn còn xoay ngược cái mũ, vậy thì tôi chuẩn bị cắt một mái tóc như vậy, kiểu tango, sau khi đã nuôi được tóc khá nhiều đến nỗi mẹ tôi chú ý và kéo tôi lại, dúi năm đồng vào tay, bắt đi hớt ngay tắp lự. Người thợ hớt tóc, sau khi mài dao lên sợi dây da xoành xoạch làm cho lưỡi mỏng như lá lúa, nếu bạn từng đọc truyện ngắn Lưỡi dao cạo của Nabokov kể chuyện hai kẻ thù cũ gặp nhau ở Bá Linh, bạn sẽ hình dung ra tiếng động ấy.
Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2022
Nguyễn Đức Tùng: Nguyễn Hưng Quốc, Gây Sự Với Hư Không
Giữa thiên đàng và địa ngục
Tôi chọn cái ở giữa:
Trần gian
(20)
Trần gian cũng là chọn lựa của nhiều nhà thơ. Ngôn ngữ Nguyễn Hưng Quốc giản dị, mạch lạc, các bài thơ của anh có ý tứ rõ ràng. Sự rõ ràng ấy làm cho bài thơ sáng lên, có sức thuyết phục, mặc dù có thể không gây ra ám ảnh. Đọc thơ ba câu của anh, tôi nghĩ đến các nhà thơ hình tượng của Mỹ, như Ezra Pound, những người chịu ảnh hưởng ít nhiều từ truyền thống Nhật Bản, nhưng thơ anh không hẳn là haiku. Chỉ đôi khi có khuynh hướng ấy:
Con quạ đen
Mổ nắng
Giữa chiều quạnh hiu
(251)
Bài thơ hay, nhưng không tiêu biểu cho cả tập thơ. Thơ ba câu cũng là thơ tự do, không vần, tựa như tercet của phương Tây, hay những đoạn mở đầu của villanelle. Thơ tự do đòi hỏi người viết tập trung chú ý đến số chữ trong câu, đến trật tự sắp xếp của các câu, khác với người làm thơ có vần, luật, làm theo mẫu nhịp điệu có sẵn. Người làm thơ tự do cần độc đáo khi viết. Tôi không có ý nói rằng thơ tự do thì cao hơn thơ có vần, hay ngược lại, nhưng quá trình sáng tạo của các nhà thơ là khác hẳn nhau khi họ chọn một hình thức để sáng tác. Bạn chọn thứ nào cũng được, nhưng phải viết như thể số phận của bạn được định đoạt bởi chúng, câu thơ mỏng mảnh kia.
Các vì tinh tú xa xăm
Đêm đêm dõi mắt nhìn địa cầu
Tìm một nhà thơ thất lạc
(17)