Hiển thị các bài đăng có nhãn Nghệ sĩ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nghệ sĩ. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2019

Phạm Phú Minh: Dương Thiệu Tước – ‘Tiếng Xưa’ Của Chúng Ta

Chân dung nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và tên một số sáng tác của ông
Thông thường, quá khứ của một dân tộc được ghi lại bằng những trang sử của dân tộc ấy. Nhưng có một điều chắc chắn là những trang sử không thể nào là đại diện đầy đủ quá khứ của một dân tộc, vì quá khứ ấy không phải chỉ gồm những triều đại, những trận đánh và những biến động lớn lao. Quá khứ của một dân tộc một phần rất lớn nằm trong ký ức tình cảm của tập thể hay của cá nhân, rất tinh tế, không cụ thể, nhưng luôn luôn có mặt và chi phối cuộc sống của chúng ta. Có những tình cảm lưu truyền từ đời này qua đời kia, mỗi chúng ta đều mang chúng trong lòng. Niềm vui đầy cảm khái của thời khắc giao thừa đón năm mới, hay nỗi buồn khi đối diện với cảnh “tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt” chẳng hạn, là những tình cảm gần như phổ quát cho mỗi con người Việt Nam từ thời xa xưa cho đến bây giờ.

Nghệ sĩ là người có khả năng cảm nhận một cách nhạy bén những vốn liếng tình cảm truyền lại từ quá khứ ấy, và diễn đạt bằng nhiều hình thức khác nhau, giúp chúng ta qua tác phẩm của họ nhận biết những điều, hình như vẫn có sẵn nơi mình, nhưng tự mình thì không sống trọn vẹn được với chúng bằng khi thưởng thức những gì người nghệ sĩ sáng tác.

Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2019

Đặng Tiến: Tô Thùy Yên (1938-2019) nhà thơ Việt Nam

Nhà thơ Tô Thùy Yên (1938 - 2019) - Photo by Triet Tran

Nhà thơ Tô Thùy Yên tên thật là Đinh Thành Tiên, từ trần tại Houston (Hoa Kỳ) lúc 21g15 ngày 21-5-2019, thọ 81 tuổi. Vào tuổi ấy, và sau bao nhiêu gian truân, ông ra đi vẫn gây ra nhiều tiếc nuối trong giới độc giả trong và ngoài nước. Cái tang chung cho giới văn học đặt ra một câu hỏi khẩn thiết: tác phẩm Tô Thùy Yên đứng ở đâu trong dòng văn học Việt Nam hôm nay?

Tựa đề bài này khẳng định: Tô Thùy Yên là nhà thơ Việt Nam. Không phải là nhà thơ hải ngoại hay của Miền Nam cũ. Lý do đơn giản: ông là người Việt Nam, viết văn, làm thơ bằng tiếng Việt Nam. Huống hồ đời ông gắn bó với lịch sử đất nước trong mỗi chặng đường, thơ ông đầy ắp tình tự dân tộc, thắm thiết phong cảnh quê hương, ngôn ngữ Việt Nam phong phú, đa dạng, vừa uyên bác vừa sâu đậm lời ăn tiếng nói dân gian, tục ngữ, ca dao. Thơ ông đặc sắc, từ nội dung nhân đạo, tư tưởng cao sâu đến lời thơ tài hoa, hào sảng, giàu hình ảnh lạ trong tiết điệu thân quen. Nghệ thuật vi diệu của ông làm vinh dự cho tiếng Việt và văn hóa Việt. Tô Thùy Yên là nhà thơ Việt Nam bên cạnh Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Tản Đà.

Tôi đã ngần ngại nhiều ngày trước khi đưa ra nhận định như trên, e rằng mình chủ quan, quá lời, cho đến khi đọc trên mạng ngày 28-5, bài của nhà thơ Thanh Thảo, không được đăng trên các báo giấy trong nước, có đoạn: “Tô Thùy Yên là một nhà thơ lớn (…) khi một nhà thơ Việt được công nhận bởi tài năng và nhân cách của mình, thì dù họ sống ở xa tổ quốc, thơ họ vẫn thuộc về đất nước, về dân tộc Việt Nam. Đó là thơ của một nhà thơ Việt thuần chất, trong đau khổ vẫn giữ được phẩm chất người của mình, vẫn yêu thương mà không oán hận, dù số phận mình hết sức trớ trêu”. Thanh Thảo, sau 20 năm đọc thơ Tô Thùy Yên đã nắm bắt được hai yếu tố chính: chất dân tộc và chất người, làm nên nhân cách nhà thơ. Tôi đặt tên cho bài viết: Tô Thùy Yên nhà thơ Việt Nam, tưởng là đã chắc nịch, trong khi Thanh Thảo dùng chữ “nhà thơ Việt” ngắn gọn hơn, nhưng sắc bén, sâu xa hơn cái quốc hiệu tôi đưa ra. Thanh Thảo, cùng với Tô Thùy Yên là nhà thơ, họ sử dụng ngôn ngữ theo trực cảm, từ đáy vực tâm linh của lời nói. Lại nhớ đến Trần Đĩnh, tác giả Đèn Cù khi anh nhận xét “Tô Thùy Yên là nhà địa chất học đầu tiên nhặt lên những quặng chữ chưa ai từng phát hiện để đặt chúng bên nhau mà phát xạ” (Văn Việt 28-5-2019). Tôi thấy an tâm vì mình vinh danh thơ Tô Thùy Yên, nhất là vào giờ vĩnh biệt nhà thơ, không phải là chủ quan quá đáng.

Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2019

Ngự Thuyết: Đêm Qua Bắc Vàm Cống

Đêm Qua Bắc Vàm Cống, một bài thơ ngắn, ra đời cách đây lâu lắm, hơn 60 mươi năm khi tác giả của nó, Tô Thùy Yên, chưa tới tuổi hai mươi. Thỉnh thoảng tôi đọc lại bài thơ ngắn đó, và lại nhớ mấy lần qua cái bắc ấy,trước 1975, trên đường đi về Lục Tỉnh, qua Sa Đéc, Long Xuyên. Lần nào cũng thế, qua đó, cái buồn bỗng dưng ập tới. Tại sao? Tại vì bến bắc hồi đó còn quạnh quẽ lắm, nước sông Cửu Long chảy miên man, lục bình trôi hàng nối hàng như không bao giờ dứt? Thì Tô Thuỳ Yên cùng với bài thơ đó hiện về. Thế là cũng tại vì bài thơ có sức ám ảnh lớn. Đọc lại nó, nghe lại nó, như nghe lời nguyền của định mệnh.

Nhiều người đã viết về Tô Thùy Yên từ nhiều năm nay. Nhà thơ vừa qua đời, những bài nhận định càng mọc lên như nấm sau cơn mưa. Đều là những lời ca ngợi, thán phục. Chẳng hạn Thơ Tô Thuỳ Yên là những băn khoăn siêu hình, là triết lý, chênh vênh giữa siêu thực và hiện thực, là đau đớn vì sự nhỏ nhoi của kiếp người, đem ý thức về bản ngã, về nỗi hoang tưởng của con người vào thi ca; là nhân chứng sống động qua những giai đoạn khác nhau của lịch sử; là tài hoa, uyên bác, sâu lắng; là thấm đẫm tình quê hương, tình người ... Đã thế, còn thay đổi cái ngôn ngữ thi ca quen thuộc lâu đời của Đông Phương; tinh vi, cô đọng, trau chuốt; chữ nghĩa cổ điển hoà lẫn với hiện đại,cách diễn tả dân gian, sử dụng ca dao, tục ngữ,hoà lẫn với văn chương bác học; và còn có khả năng sáng tạo ra từ ngữ mới ... 

Tô Thuỳ Yên, một nhà thơ lớn vừa giã từ cõi đời này, rất xứng đáng với tất cả những nhận xét ấy. 

Một trong những bài thơ dài hơi, rất nổi tiếng của Tô Thuỳ Yên, đã được đón nhận với lòng quý mến, trân trọng, và ngưỡng mộ, đó là bài Ta Về.Hầu như tất cả những lời nhận định, ca ngợi vừa nêu trên đều có thể trao lại cho bài thơ này. Nhưng nó như viên ngọc quý có nhiều mặt chạm trổ, ánh sáng tỏa long lanh, đa dạng, huyền bí. Cho nên, mỗi lần đọc lại bài thơ, là mỗi lần ta có thể khám phá vài ba tia sáng lạ. 

Ta về? Từ đâu về, và về đâu? 
Từ đâu về? 
Từ địa ngục của trần gian:

Vĩnh biệt ta mười năm chết dấp
Chốn rừng thiêng ỉm tiếng nghìn thu
Mười năm mặt xạm soi khe nước
Ta hoá thân thành vượn cổ sơ

Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2019

Trần Doãn Nho: Nhớ Tô Thùy Yên

Sau nhà văn Hoàng Ngọc Biên, đến lượt nhà thơ Tô Thùy Yên đã vĩnh viễn giã từ chúng ta vào lúc 9:15 tối ngày 21/5/2019.

Đúng ba tháng trước đây, vào ngày 22 tháng 2/2019, sau khi nghe tin Tô Thùy Yên đột quỵ, tôi đã lái xe gần 5 tiếng đồng hồ, từ Dallas về Houston thăm anh. Lúc đó, anh đã tương đối khỏe và được chuyển từ bệnh viện về tĩnh dưỡng tại “Nursing and Rahabilitation Center”, trên đường Woodland Park Dr., Houston, Texas. Anh ngồi xe lăn, rất tỉnh táo. Thấy tôi vào, anh nhận ra ngay. Có mặt trong phòng, ngoài anh và tôi, còn có chị Diệu Bích, vợ anh, cùng người con trai út, cháu Đinh Kinh Hiệt và một người bạn cùng đi với tôi, anh Lê Hữu Dinh, một độc giả rất ái mộ thơ anh. 

Chúng tôi cùng nhắc nhở những kỷ niệm cũ, mới và bàn về tập thơ mới in của anh. Trong lúc đó, anh Trịnh Cung từ California, bất ngờ gọi điện thoại, hai người hỏi thăm nhau, trò chuyện vui vẻ. Trước khi chúng tôi ra về, chị Diệu Bích mang ra mười mấy tập “Tuyển tập Tô Thùy Yên”, bảo anh ký tên. Dù tay cầm bút khá khó khăn, lại mệt, nhưng anh vẫn kiên nhẫn, cố gắng ký từng tập một để nhờ tôi chuyển tặng một số thân hữu như Nguyễn Trọng Khôi, Chân Phương, Trần Trung Đạo, Hoàng Hưng, Trịnh Cung, Trần Văn Thành, Lâm Chương…

(Từ trái: Trần Doãn Nho, Lê Hữu Dinh, chị Diệu Bích, Tô Thùy Yên. Hình: TDN, 22/2/2019)

Tô Thùy Yên làm thơ từ hồi còn rất nhỏ. Bài thơ đầu tiên đưa đăng báo được in ở tạp chí Ðời Mới do nhà văn Nguyễn Ðức Quỳnh chủ trương, vào lúc ông 16 tuổi. Năm 1956, một bài thơ khác in ở trên Sáng Tạo, tạp chí mở ra một thời kỳ mới của văn học nghệ thuật Việt Nam: Cánh đồng, con ngựa, chuyến tàu. Ðó là một bài thơ mà những ai yêu mến văn học nghệ thuật không thể quên. Nó đánh dấu một chuyển biến sâu xa trong nền văn học miền Nam, mà cũng là trong nền văn học Việt Nam. 

Lúc đó, tôi đang học lớp Nhất (lớp 5 bây giờ).

Nguyễn Đức Tùng: Tô Thùy Yên, Chia Xẻ Chút Tình Cay Mặn Cũ

Nhà thơ Tô Thuỳ Yên
Tô Thùy Yên tên thật là Đinh Thành Tiên, sinh năm 1938 tại Gò Vấp, Gia Định, là cựu học sinh Petrus Ký và Đại học Văn khoa Sài Gòn. Ông dạy học, làm báo tại Sài Gòn và mang cấp bậc Thiếu tá trong quân đội miền Nam trước 1975. Sau 1975 ông bị giam gần 13 năm, từ 1993 cùng gia đình sang Hoa Kỳ theo diện cựu tù nhân chính trị. 

Tô Thùy Yên, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, cùng với các hoạ sĩ Duy Thanh, Ngọc Dũng, là những người nòng cốt của nhóm Sáng Tạo, một nhóm sáng tác đã từng được biết đến với phong trào khai sinh "Thơ tự do" trên văn đàn miền Nam vào thập niên 60. 

Tác phẩm: Thơ tuyển (1995), Thắp tạ(2004), Tô Thùy Yên Tuyển Tập Thơ (2018) *. 

*
Trong thời kỳ hai mươi năm của thơ miền Nam, và giai đoạn kéo dài của nó, Tô Thùy Yên giữ một vị trí rất đặc biệt. 

Đó là người khởi đi từ giai đoạn khai phóng đầu tiên, những năm 60, với sự nổi loạn chống ảnh hưởng của văn học tiền chiến. Nhà thơ của chiến tranh Việt Nam, của những suy nghiệm triết học, nhà thơ của những ngày tù tội cải tạo, và cuối cùng của giai đoạn lưu vong. Đời sống của ông đầy biến động. Tô Thùy Yên lúc nào cũng chăm chú sống cuộc đời mình, để tâm hồn rung lên theo nhịp điệu của thời thế. Nhưng đó không phải là thơ thời sự hay thơ trữ tình thế sự. Đó là một loại thơ trữ tình thực sự, tuy vậy mang dấu ấn lịch sử. 


Trần Mộng Tú: Hãy Cài Bài Thơ Lên Ngực Mới

Hình ROBYN BECK/AFP/Getty Images

Thi Sĩ Tô Thùy Yên, một nhà Thơ nổi tiếng của nền văn học miền Nam Việt Nam trước 1975, một nhà thơ trong quân ngũ VNCH, một nhà Thơ của “Tù Cải Tạo Cộng Sản” vừa ra đi tối ngày 21 tháng 5 năm 2019.

Các trang mạng, nhất là những trang mạng văn học trong và ngoài nước cùng loạt đăng tin buồn này. 

Tôi đọc Thơ Tô Thùy Yên cũng khá lâu, tìm thấy thơ anh chất giấu trong đó những hệ lụy về kiếp nhân sinh:Lịch Sử, Đất Nước, Chiến Tranh, Tình Yêu và Cô Đơn. Đôi khi thơ anh trầm uất quá, như kéo mình xuống một con vực tối om. 

Trời đất thì buồn như xác rỗng
Ta thì như gió, tuyệt bơ vơ
Trăm năm, cửa khép hờ mưa nắng…
Mãi chẳng ai về qua gọi cho. (Nỗi Đợi)

Cũng may dưới đáy vực đó là những con chữ lấp lánh như sao, soi tỏ mặt người, những chữ như hoa cỏ làm đẹp cho mất mát. Anh mang hoa cỏ cài vào cái chết.

Trong Thơ anh tôi tìm thấy khá nhiều bài, có những đoạn hoa cỏ và nỗi chết được gắn liền với nhau.

Em đắp mặt anh mười ngón tay nhánh huệ
Anh biết anh đã trút linh hồn (Trối Trăng)

Có phải Thi Sĩ muốn thăng hoa sự chết cho thiên nhiên và mất mát đó lại được đền bù bằng cây cỏ, những chiếc nấm bi thương và những cây xanh biết khóc.

Đặng Tiến: Ngựa Phi Đường Xa

Tô Thùy Yên đến với văn học trên “Cánh đồng Con ngựa Chuyến tàu”, bài thơ làm năm 1956, đăng trên báo Sáng Tạo thời đó và được độc giả hoan nghênh ngay, nhất là trong giới thanh niên, học sinh. Thời ấy sinh viên chưa nhiều, quần chúng văn chương còn thưa thớt, một thế hệ độc giả mới đang chớm thành hình. Với thời gian nhìn lại, bài thơ có thể xem như là một sự kiện văn học, vì lời thơ tân kỳ, ý thơ mới lạ, không giống một bài thơ nào khác trước kia – mà đã được độc giả không chuyên môn yêu thích ngay. Chuyện hiếm, vì độc giả Việt Nam, nói chung là thủ cựu. Chuyện đẹp vì bài thơ của tác giả 18 tuổi đi thẳng đến độc giả 18 tuổi.

Ngày nay Tô Thùy Yên là tác giả tên tuổi. Bài thơ thanh xuân được những lớp phù sa bồi thêm nhiều ý nghĩa mới.



Trên cánh đồng hoang thuần một mầu
Trên cánh đồng hoang dài đến nỗi
Tàu chạy mau mà qua rất lâu
Tàu chạy mau, tàu chạy rất mau
Ngựa rượt tàu, rượt tàu, rượt tàu.

(...)
Mặt trời mọc xong, mặt trời lặn.
Ngựa gục đầu, gục đầu, gục đầu.

(...)
Ngựa ngã lăn mình mướt như cỏ,
Chấm giữa nền nhung một vết nâu.

(Tô Thùy Yên, Thơ Tuyển, tr 13)

Trần Hữu Thục: Thơ Tô Thùy Yên, chênh vênh siêu hình/hiện thực

Tô Thùy Yên (TTY) [1]làm thơ từ hồi còn rất nhỏ. Bài thơ đầu tiên đưa đăng báo được in ở tạp chí Ðời Mới do nhà văn Nguyễn Ðức Quỳnh chủ trương, vào lúc ông 16 tuổi. Theo ông, bài thơ đó, “chắc chắn không phải là một bài thơ hay và ngày nay tôi chẳng còn nhớ nó như thế nào nữa”[2]. Năm 1956, một bài thơ khác in ở trên Sáng Tạo – tạp chí mở ra một thời kỳ mới của văn học nghệ thuật Việt Nam: Cánh đồng, con ngựa, chuyến tàu. Ðó là một bài thơ mà những ai yêu mến văn học nghệ thuật không thể quên. Nó là dấu mốc của một chuyển biến sâu xa trong nền văn học miền Nam mà cũng là trong nền văn học VN. Gần 40 năm sau, tập thơ đầu tay mới ra đời: Thơ Tuyển Tô Thùy Yên, xuất bản ở Hải Ngoại năm 1995, lúc nhà thơ đã …56 tuổi đầu. Thêm chín năm nữa, tháng 8/2004, tập thơ thứ hai ra đời: Thắp Tạ. Bìa trước của tập thơ mới này ghi:

thức cho xong bài thơ
mai sớm ra đi
cài hờ lên cửa tặng

Ðây là bài thơ ngắn nhất của tác giả (trong lịch sử thi ca, chắc cũng không có mấy bài thơ ngắn hơn), Tặng phẩm. Lời thơ nghe như có ý nói rằng “Thắp tạ” là tập thơ cuối cùng trong đời ông? Mong rằng tôi hiểu sai.

Cảm giác đầu tiên của tôi khi đọc thơ TTY là ngạc nhiên vì một số điểm có vẻ như “tương phản” trong thơ ông.

- Bài thơ (được xem) như đầu tay, “Cánh đồng, con ngựa, chuyến tàu” làm lúc còn là một thiếu niên - không phải là một bài thơ tình học trò với những rạo rực yêu đương, mộng tưởng, nhớ nhung vớ vẩn - mà lại là một bài thơ đẫm triết lý; không phải là một thứ triết lý vớ vẩn, mà là chứa chất một cái nhìn rất bao quát, được tiếp tục được triển khai qua nhiều bài thơ về sau này, dưới những cách diễn đạt khác nhau về hữu hạn/vô hạn. Suốt mười lăm câu, tuyệt không có một từ ngữ triết lý nào, cũng không ám chỉ một ý niệm triết lý nào. Toàn bài là một bức tranh sinh động, rất đẹp, rất hoành tráng và chấm dứt bằng một bi kịch đầy ấn tượng: tàu chạy mất và con ngựa thì gục ngã. Một gục ngã êm đềm, thẩm mỹ! Một ẩn dụ triết lý tuyệt vời!

Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2019

Xuân Sương: Edith Piaf - Không có gì hối tiếc


Không, không gì cả / Tôi không hối tiếc gì cả / Ngay điều tốt hay xấu thiên hạ làm cho tôi, mặc kệ hết /... / Đã trả xong, đã phủi sạch, đã quên rồi / Tôi cóc cần quá khứ / Với các kỷ niệm / Tôi châm lửa / Mọi nỗi đau, niềm vui / Không cần chúng nữa / Phủi sạch tình nhân / Với giọng rù quyến của họ / Vĩnh viễn quét sạch / Tôi bắt đầu lại từ số không...

Giữa tháng 2-2007, phim La Môme về cuộc đời nữ ca sĩ ngoại hạng Edith Piaf của đạo diễn Olivier Dahan ra mắt khán giả khắp nước Pháp. Phê bình của báo chí và khán giả cho điểm bốn sao. Qua sự diễn xuất tài tình của nữ tài tử điện ảnh Marion Cotillard cao 1m75, bỗng dưng Edith Piaf chỉ cao 1m47 lừng lững bước ra khỏi mộ, đau đớn trữ tình, và cả nước Pháp rưng rưng nghe lại giọng ca duy nhất trong lịch sử nhạc Pháp. Điện thư chuyển cho nhau hình ảnh và tiểu sử Piaf kèm bản nhạc Non Je Ne Regrette Rien (Không, tôi không hối tiếc gì cả) mà Piaf đã hát với tất cả sinh lực của con tim suốt đời chấn thương đa cảm. Tiếp đó kênh Arte chiếu phim tài liệu đời Piaf hai bữa liên tiếp ngày 3- 4 tháng 3 khiến người ái mộ chợt giật mình: giữa bao bận bịu cơm áo hằng ngày với chuyện dao búa chết chóc cơm bữa còn có bóng hình Piaf vỗ về, ru mình vào giấc mơ êm ái dù chốc lát. Con số bán sách về Piaf và nhạc vượt lên, làm người ta nhớ lại buổi trình diễn mang tên "Piaf je t’aime" (Piaf tôi yêu cô) hiến cho đời bà, năm 1996, cũng mang kết quả tương tự.

Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2019

Chuông Gọi Hồn Ai

Được tin nhà văn Hoàng Ngọc Biên qua đời vào ngày 16 tháng 5, 2019, nhà thơ Trần Mộng Tú đã dịch bài thơ For whom the bell tolls của John Donne để tiễn bạn.
Diễn Đàn Thế Kỷ xin chia buồn với chị Hoàng Ngọc Biên cùng tang quyến.
Cầu chúc Hương linh anh Hoàng Ngọc Biên thảnh thơi nơi cõi Vĩnh Hằng.
Nhà văn Hoàng Ngọc Biên

Chuông Gọi Hồn Ai

Tiễn Đưa Hoàng Ngọc Biên

Tôi không phải hoàn toàn
một mình trên ốc đảo
trong tất cả
tôi chỉ là mảnh nhỏ của càn khôn
tôi chỉ là một phần của cõi toàn phần

Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2019

Hồ Đình Nghiêm: Y Thư Và Thơ Văn

Trịnh Y Thư – Ảnh tự chụp,Egyptian Museum, San José, CA, 2019
Tôi gửi bài, góp mặt với tạp chí Văn Học khá muộn, vào năm 1986. Vẫn đón nhận những lá thư ngắn gửi qua bưu điện của nhà văn Nguyễn Mộng Giác, khích lệ và thân tình chia sẻ những kinh nghiệm sáng tác cho lớp đi sau (như tôi). Tôi nói khá muộn vì trước đó tôi thường gửi truyện ngắn tới Đất Mới, Văn, Làng Văn… Tôi yêu thích Văn Học hơn các tạp chí khác, cộng tác khá đều đặn, tới tháng 12 năm 1990 vẫn còn “chung tình”. Bấy giờ chủ bút đã là Trịnh Y Thư.

Anh là ai? Ở xa tôi vẫn giữ một “ảo ảnh”. Không những chậm trễ khi đến với tạp chí Văn Học, tôi còn mù mờ thông tin, chậm lụt một vài thứ khác, vẫn thường lỡ biết bao chuyến xe. Thời gian gần đây, trong “phế tích” của trí nhớ bỗng nổi cộm tên tuổi cũ: Trịnh Y Thư. Người cao thủ biết môn công phu phân thân: Anh là nhà thơ, nhà văn, dịch giả, vẫn thường chơi guitar nhạc cổ điển và cũng đang tự mình đứng ra coi sóc nhà Văn Học Press tại California, Hoa Kỳ. Như thế, dẫu cho chậm bước, tôi tự nhủ, nếu không tìm cách lân la đến bên anh quả là một thiếu sót lớn. Có thể bạn sẽ trách tôi dùng “ảo ảnh” với “phế tích” trong câu trên là không chỉnh. Xin thưa: Tôi đã vay mượn chữ, “Phế Tích Của Ảo Ảnh” là nhan tập thơ của người tài hoa Trịnh Y Thư. Bạn có nhín chút thời gian để nhàn du cùng chúng tôi không? Xin vui lòng.

Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2019

Trịnh Y Thư: Vân-Ánh Vanessa Võ – Sao Bắc đẩu

Nhạc sĩ / Nhà soạn nhạc Vân-Ánh Vanessa Võ.

1.

Hãy tưởng tượng một buổi tối trong một khán trường trang trọng vào bậc nhất của thành phố, bạn và gần nghìn khán thính giả khác nín thở trong im lặng tuyệt đối theo dõi những vũ điệu tuyệt luân của những vũ công thuần thục, biểu diễn những chuyển động khi vũ bão khi dịu dàng, khi tiết chế khi man dại, như bay trong chân không, như thể trọng lực của quả đất chẳng hề có sức hút nào đáng kể đối với họ, và cảm xúc trong tim bạn dâng trào đến độ ngẩn ngơ lúc bạn nhận ra những chuyển động của những vũ công ballet dày công luyện tập ấy ăn nhịp sát sao với những nốt nhạc một bài ca trù thơ Hồ Xuân Hương! Và rất nhiều âm thanh, giai điệu khác, với phong cách sáng tạo hiện đại, vang lên từ các nhạc cụ cổ truyền Việt Nam, đàn tranh, đàn bầu... Một buổi diễn có một không hai, tôi dám khẳng định như thế. Sự ngạc nhiên lúc ban đầu mau chóng nhường chỗ cho niềm thú vị hiếm thấy trong một chương trình ca vũ, bởi đó là sự phối ngẫu tuyệt hảo giữa nghệ thuật múa và nghệ thuật âm thanh.