Hiển thị các bài đăng có nhãn Ngự Thuyết. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Ngự Thuyết. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 12 tháng 9, 2023

Ngự Thuyết: Mùa Thu.

Hình minh họa: Abhu Patel

Muà Thu đang về.

Đêm hôm qua một cơn mưa nhỏ. Buổi sáng sớm, vừa mở cửa bước ra là gặp ngay một ngọn gió nhẹ se se lạnh lướt tới. Rồi những ngày rét mướt sẽ đến, tôi thầm nghĩ. Tuổi đã lớn, tôi “hạp” với mùa hè hơn. Bầu trời bàng bạc một màu mây trắng đục. Như những hình chữ V, mấy cánh chim chấp chới xa xa, khi ẩn khi hiện. Vài vũng nước loang loáng trên lối đi trước nhà. Những chậu cây ngoài hiên, khác với mọi ngày, xanh hẳn lên. Long lanh trên kẽ lá, trên cánh hoa, những giọt sương nhỏ li ti. 


Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2023

Ngự Thuyết: Qua Trung Đông

Kim Tự Tháp, Giza. Wikimedia

Tôi nghĩ nếu hoàn cảnh cho phép thì mỗi năm phải một lần đi. Đi xa. Đến một nơi mình chưa hề biết càng tốt. Ở yên mãi một chỗ sẽ dễ trở thành ù lì, nặng nề, thể xác lẫn tinh thần. Đi, coi như “sạc bình”. Sau một chuyến đi, bình ắc-quy được nạp điện trở lại. Cứ thế cho đến khi nào cái bình quá cũ, hết “sạc”được nữa, thì hết đi vậy.

Một hôm, con tôi gọi điện thoại:

“Có chuyến du lịch này hay lắm, bố mẹ đi nhé.”

Thứ Sáu, 5 tháng 5, 2023

Truyện ngắn Ngự Thuyết: Trống

Nó thích nghe trống.

Trống trường một hồi chuẩn bị, hai hồi vô lớp, khi còn học tiểu học. Vì nó chăm học nôn nao chờ trống gọi vào? Không phải. Vì thích nghe trống mà thôi. Tiếng trống dồn vào lỗ tai, dội vào lồng ngực. Làm tim nó đập nhanh hơn, lòng thấy hồi hộp. Rồi tự nhiên hai chân của nó theo tiếng trống thúc giục bước mau đến trường. Nếu không có tiếng trống, chắc chắn nó trốn học nhiều hơn nữa.

Nó khổ sở mỗi sáng phải vào lớp. Trường học là trường làng ở nhà quê. Dễ đi lêu lổng trong các xóm nhỏ thay vì đến trường. Chẳng ai để ý đến mình. Con đường xóm ngoằn ngoèo lác đác lá tre khô gió dồn thành ụ nhỏ. Những vườn cây trái chim hót, bướm bay, chuồng chuồng liệng. Con hói nhiều khúc bèo xanh trải thảm, hoa tím lấm tấm. Nhìn lên, trời mây trôi bao la. Nhìn xa, các mụ, các o nách rổ le te đi chợ, và đồng lúa xanh rì, và những đứa nhỏ chăn trâu ngồi trên lưng những con trâu đen bụng to tròn đi thủng thẳng. Cảnh tượng rất quen thuộc, êm ả.

Thứ Ba, 4 tháng 4, 2023

Triều Hoa Đại: Nhà văn Ngự Thuyết - Đến với văn chương trễ nhưng không chậm

Nhà văn Ngự Thuyết.

Cùng với nhà văn Ngự Thuyết chúng tôi ngồi nhìn buổi chiều trôi di qua những tiếng chim gọi về một mùa xuân nơi quê xa mà nghe lòng mình chìm xuống mênh mang, hỏi ông một vài câu chuyện của buổi xa bầy, những truân chuyên sau cuộc đổi đời vì chính ông là một trong số những người còn ở lại để làm chứng nhân cho biết bao hoang tàn, đổ nát của chiến tranh, của hận thù. Chúng tôi hỏi ông về nguyên nhân của sự cầm bút và trở thành nhà văn giữa khi “chợ “chiều đã vãn, văn chương chữ nghĩa ở hải ngoại lúc gần đây được coi như lão hoá”, v.v...


Dù rằng góp mặt với sinh hoạt thơ, văn có chút muộn màng nhưng không vì thế mà ngòi bút của ông chậm lại vì chỉ trong một thời gian ngắn ngủi nhà văn Ngự Thuyết đã gửi đến những người yêu thích văn chương những: Sông Trôi, Đào Thoát, Lưu Đày và Quê Nhà, Dấu Chân, Dấu Chân II, Tuyển Tập Ngự Thuyềt, Bắc Hành, Về Đâu, và Mẹ. Ông đã cộng tác với rất nhiều tạp chí văn chương hàng đầu ở hải ngoại như: Văn, Văn Học, v.v ...


Hôm nay mượn chút thời gian còn sót lại của buổi chiều ngày xuân chúng tôi trò chuyện cùng nhà văn Ngự Thuyết.


***


Truyện vừa Ngự Thuyết: Tóc Trắng

"Em xem kìa, cảnh đẹp quá!"

Chiếc xe như bị ma đuổi, chạy cuống cuồng. Cái anh chàng này lái quá ẩu, làm mình giật mình không biết bao nhiêu lần rồi. Chạy đã nhanh, không chịu tập trung vào việc lái, lại còn ưa bắt chuyện. Người đâu mà không biết nguy hiểm là gì cả! Cho nên mình cứ tảng lờ để anh chuyên chú vào việc lái xe là tốt hơn hết. Lại tiếng nói của Khải:

"Thảo này, em thấy sao?"

Mình buộc lòng phải trả lời:

"Em chả thấy sao cả, vẫn bình thường như thường."

Khải quay đầu nhìn và nói từng tiếng một:

"Không, anh hỏi em thấy cảnh có đẹp không?"

"Cảnh hả. Ðể em xem thử nào ... Chứ đã lái xe mà còn đòi ngắm cảnh nữa thì sẽ có ngày..."

Khải cười lớn:

"Nhưng anh vẫn lái đấy chứ, và nhờ em ngắm cảnh giùm anh rồi nói cho anh biết ..."

Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2023

Ngự Thuyết: Nghịch lý

Phong trào Thơ Mới (1932-1945) là một hiện tượng, một trỗi dậy, một cách mạng thi ca vô cùng mãnh liệt, vô cùng ngoạn mục, trong lịch sử văn học Việt Nam.

Phong trào Thơ Mới, theo tôi, đã để lại một số thi sĩ có thể chịu đựng được thử thách của thời gian trong đó có Hàn Mạc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận, và Nguyễn Bính. Sau 1945, Hàn Mạc Tử đã qua đời, Nguyễn Bính viết ít, ba nhà thơ cũng thuộc phong trào Thơ Mới là Vũ Hoàng Chương, Chế Lan Viên, và Đinh Hùng đã cùng với Xuân Diệu và Huy Cận đi trên những con đường riêng biệt thật dài của mình, cho dù Xuân Diệu và Huy Cận nặng về tuyên truyền nên nhiều tác phẩm về sau của họ có sút kém vể mặt nghệ thuật.

Trong bài viết này tôi chỉ nêu lên một một vài khía cạnh về thơ của Xuân Diệu và Huy Cận trong giai đoạn phong trào Thơ Mới. Họ là những nhà thơ lớn, một bài viết ngắn không thể có cái nhìn bao quát vào những sự nghiệp lớn lao của họ.

Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2020

Ngự Thuyết: Thu

Hình minh hoạ, FreePik

Ngồi ở căn hộ tầng hai trên chiếc ghế quay này, trước cái computer này, bao nhiêu tháng năm rồi nhỉ, bao nhiêu lần rồi nhỉ, chốc chốc tôi xoay hẳn người qua phía trái nhìn mông ra ngoài thật lâu. Tôi không biết tại sao tôi làm như vậy. Vô thức? Theo quán tính? Hay tại vì phải đổi thế ngồi cho đỡ mỏi. Già rồi, ngồi lâu mỏi đã đành, nằm lâu cũng không yên, đi lâu cũng mệt. Và cái gì đập mãi vào mắt tôi? Những bức tường vôi trắng vàng ngang dọc, những mái nhà nghiêng, dăm ba ô cửa sổ – tất cả đều hiện lên bằng những đường thẳng băng, khô khốc, cứng đơ, góc cạnh. Vô ý chạm mạnh vào sẽ u đầu, sứt trán. Tôi bỗng nghĩ đến mái chùa, mái đình uốn cong ẩn sau rặng tre, khóm trúc; mái tranh, mái lá mềm mại nằm sâu trong vườn cau, chuối, nhãn, mít ... 

Thế ra trong tôi, hay có lẽ trong rất nhiều người nói chung, vẫn âm ỉ nhiều hoài niệm về nếp sống “nhà quê” cũ mà hắn từng trải qua. Hoài niệm ấy sẽ trói buộc hắn vào cái mà có người mệnh danh là “phong thái đình làng”, là sinh hoạt “tiểu nông”, là “gà què ăn quẩn cối xay”, và sẽ không cho phép hắn mở rộng tầm nhìn ra thế giới bên ngoài? Một cây non yếu đuối mọc rễ trong quá khứ, vừa nhú lên thấy trời cao đất rộng bỗng choáng ngợp, chết đứng, không còn khả năng sống cho ngày mai. 


Có thể như vậy. Mà cũng có thể quá khứ làm bệ phóng cho cây non ngạc nhiên bước vào những cuộc hành trình mới xa xôi và đầy thách thức.


Xa hơn là những chòm cây lá xanh quanh năm khắc hình lên bầu trời. Hầu hết là thông, tùng, bách. Xa hơn nữa, dăm ba cây cọ, cây gồi xoè bẹ lá như những mái tóc bờm xờm khổng lồ.


Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2020

Ngự Thuyết: Xuân Nồng

Anh sẽ cầm lấy đôi bàn tay
Tóc em anh sẽ gọi là mây
Ngày sau hai đứa mình xa cách
Anh vẫn được nhìn mây trắng bay
Nguyên Sa

Một tiếng động làm anh giật mình mở choàng mắt nhìn ngơ ngác. Thế ra anh đã ngủ trên xe một giấc ngon lành. Tiếng gì đấy? Mấy con chim hải âu vừa bay vừa há mỏ quang quác đánh thức anh dậy, hay tiếng sóng biển rì rầm đằng kia bỗng dưng gào to thảng thốt trong giấc ngủ lơ mơ, chập chờn, hay tiếng còi xe chữa lửa thét lên giật giọng quanh đâu đây, hay cái âm thanh khô cứng phát ra do một nhánh cây nhỏ rơi ngay xuống trần xe? Anh điều chỉnh lại lưng ghế ngồi trở về vị trí cũ, nhìn đồng hồ tay. Gần hai giờ chiều. Trễ giờ làm việc rồi! Đi làm việc mà trễ cả tiếng đồng hồ coi chướng quá. Anh chắc lưỡi, OK, call in sick vậy. 

A, a, không được đâu! Nói láo cũng phải có sách chứ. Mới gặp nhau đó mà đã nổi lên cơn bịnh cấp kỳ thế quái nào được. Thôi thì cứ nói đại là có việc đột ngột cần phải ở nhà nửa ngày để giải quyết cho kịp thời. Cái lý do nghe cũng buồn cười, nhưng thôi, mặc kệ.

Anh quờ tay tìm xâu chìa khóa xe. Ủa, ở đâu? Túi áo ngực, túi quần, ghế ngồi bên cạnh. Không thấy. Chẳng lẽ ... chẳng lẽ lúc mình ngủ say có kẻ đến đánh cắp chùm chìa khóa để tính chuyện cướp xe. Anh bật cười. Nơi này tương đối vắng vẻ, thì kẻ gian có thể đến, cho mình một phát súng hãm thanh như trong xi -nê, hoặc lấy dao dí vào hông, hoặc không có sẵn dao cũng có thể dùng bàn tay như cái gọng kềm siết vào chỗ nhược của mình rồi bắt mình lái xe đi đến nơi nào vắng vẻ hơn, rồi co chân đạp mình nhào xuống đất, rồi dông tuốt. Báo chí thỉnh thoảng loan tin như thế. Chứ ăn trộm xâu chìa khoá đem về nhà mà thờ hay sao. Mình chỉ được tài suy luận ngớ ngẩn, anh cười thầm.

Thường lệ anh ăn trưa tại sở. Ăn vội để nhín một chút thì giờ dành cho giấc ngủ ngắn, là vì đêm nào anh cũng thức rất khuya. Ăn giản dị dăm ba miếng. Mì gói, mì ly ăn liền cho nước sôi vào, hoặc cái hamburger whopper giá một đô la sáu xu kể cả thuế, hoặc một gói đậu phụng hột điều lẫn lộn cộng một ly nước lạnh cho đầy bụng, hoặc cùng lắm thì vài quả chuối, quả táo cũng được. Lẹ lắm, 15 phút là xong bữa. Không phải anh hà tiện không dám ăn một bữa trưa cho tươm tất, nhưng anh cần nhanh, gọn. Rồi ngồi trên ghế dựa, ngả người, đầu cúi xuống -- anh nghĩ đến người bạn cùng sở phái nữ hay nói tài nói khôn, cũng bắt chước anh chợp giấc trưa, nhưng anh này, đầu phải như tôi dựa vào thành ghế cho thoải mái, rồi cô ta ngủ quên, mồm há hốc. Cho nên anh cúi đầu xuống, hai tay vòng lại trước ngực, hai chân bắt chéo, một bàn chân gác lên cái ngăn kéo lôi ra một nửa của bàn

Thứ Tư, 1 tháng 4, 2020

Ngự Thuyết: Vi Khuẩn Đội Vương Miện

Cách đây hai hôm (Chủ Nhật 28/9/2020), trang mạng Diễn Đàn Thế Kỷ có đăng hai bài viết đặc biệt liên quan đến Đại Dịch, bài Nguyễn Du – Homère và Bệnh Dịch của Phạm Trọng Chánh, và Đại Dịch COVID – 19 của Trịnh Y Thư.

Trong bài của Phạm Trọng Chánh, phần sau có nhắc đến trận dịch tể xẩy ra từ thời cổ đại qua sử thi của thi hào Homère trong trường ca Iliad. Cả 1100 chiến thuyền và 100,000 quân sĩ vây quanh thành Troie bị thiệt mạng vì trận dịch kinh hồn. Phần trước chỉ ngắn ngủi mấy câu lại gây xúc động nơi tôi hơn khi nói đến trận dịch gây nên cái chết của thi hào Nguyễn Du của chúng ta. 

Năm 1820, cuối đời Gia Long, đầu đời Minh Mạng, Cần Chánh Học Sĩ Nguyễn Du được cử làm chánh sứ qua Tàu lần thứ hai. Chưa kịp lên đường thì thi hào qua đời vì dịch tễ khi đang ở trên đỉnh vinh quang của sự nghiệp văn chương cũng như trên đường công danh, hoạn lộ. Lúc ấy Nguyễn Du mới 54 tuổi. Đó là một trận dịch khủng khiếp lan toả từ Á sang Âu có nguồn gốc ở Ấn Độ.

Tiếp theo là bài của Trịnh Y Thư. Đại dịch COVID-19 đang hoành hành khắp thế giới khiến tác giả giở đọc lại La Peste của Albert Camus. Nhà văn bỗng “giật mình vì những gì đang xẩy ra quanh tôi ngày nay đã được Camus miêu tả thật chính xác cách đây trên 70 năm.”

Trong một đoạn khác Trịnh Y Thư viết: “...một trận dịch hạch khủng khiếp tàn phá tan hoang cả thị trấn, và khi trận dịch chấm dứt thì không một ai trong thị trấn không bị ảnh hưởng, nặng là cái chết, nhẹ tuy may mắn sống sót nhưng cả thể xác lẫn tâm hồn chẳng còn như cũ nữa. Cuốn sách hiển nhiên hàm chứa nhiều tư tưởng Hiện sinh, nhiều ẩn dụ, thậm chí có những câu văn đa nghĩa, và tất cả hình như quy chiếu vào tính cách, định mệnh và thân phận con người trong một thế giới phi lý ... Camus thuật tiếp, nhà chức trách của thị trấn Oran đã chần chừ, không thấy sự khẩn trương của trận dịch đang lan trànmột cách khiếp hãi, lại còn cãi vã nhau ỏm tỏi về những biện pháp thích nghi để đối phó... Trong tình huống ấy con người cảm thấy như bị tù hãm, trở nên trầm cảm, thậm chí hoảng loạn, và bắt đầu có những ý nghĩ, hành động bất thường ... ”

Vậy là trong 200 năm nay, cứ đúng 100 năm xẩy ra một trận đại dịch (pandemic): Đại dịch thời Nguyễn Du mất năm 1820; đại dịch Tây Ban Nha năm 1920; và nay, đại dịch Coronavirus năm 2020. Tình cờ chăng hay do một mệnh lệnh siêu nhiên nào? Sở dĩ câu hỏi này được nêu lên là vì có sự tin tưởng rằng những cơn đại dịch bắt nguồn từ sự sắp xếp của Đấng Tối Cao muốn thay đổi diện mạo của thế giới, của loài người. Dù sao chăng nữa, sau trận Đại Dịch này, nếp sống cũ có lẽ không tồn tại nữa.

Thứ Bảy, 1 tháng 2, 2020

Ngự Thuyết: Tuyết

Hình minh hoạ, JOSEPH EID/AFP via Getty Images

Tuyết! Đấy là cái ám ảnh dai dẳng của tôi trong một thời gian rất dài. Nước tôi không có tuyết, và lẽ dĩ nhiên cũng không có nhiều món đặc trưng khác của Tây, của Tàu, của Châu Phi chẳng hạn, thế nhưng ước mơ của tôi được thấy tuyết tận mắt là tha thiết hơn cả. Nhớ thời còn học Trung Học, gặp đâu đó một câu thơ hay câu hát I’m dreaming of a White Christmas, cái ước mơ đó càng thêm ray rứt, như mơ về một chốn bồng lai tiên cảnh nào đó mà kiếp này mình không bao giờ đến được. Trong những giấc mơ đó, tôi thấy tuyết đẹp vô cùng dù tôi cũng biết có những cơn bão tuyết làm chết người. 

Liệu có kiếp trước, kiếp sau, hay không? Nếu có, chắc là kiếp trước tôi sinh trưởng tại một vùng thuộc Bắc Cực hay Nam Cực, hay Ôn Đới, rồi lìa đời, và trước khi đầu thai làm người vùng Nhiệt Đới của kiếp này, tôi không bị ăn cháo lú. Cho nên nhớ tuyết không nguôi; nỗi nhớ nằm sâu trong vô thức, hay là, xin mượn tiếng Nhà Phật, nằm trong tàng thức. Thế thì nếu kiếp sau tôi là người của Phương Tây, của xứ lạnh, tôi sẽ mơ tưởng những gì? Phải chăng tiếng ve sôi động từng hồi và hoa phượng đỏ rực sân trường muà hè, tiếng ểnh ương ệnh oạng miên man rầu rầu trên những cánh đồng hoang lụt lội mùa đông, tơ trời bay vương vấn trên cao vào mùa thu của những ngày tựu trường sau ba tháng vui chơi, mưa phùn hạt nhỏ như sương mát rười rượi “cuốn theo chiều gió”những ngày sau Tết. Và gì nữa? Còn nhiều lắm, kể sao hết. Nhưng cũng phải kể thêm một nỗi nhớ khác nữa thôi, những rặng tre thân yêu, kiên trì, đu đưa kẽo kẹt quanh năm suốt tháng trong khắp các làng gần, làng xa. 

Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2019

Ngự Thuyết: Chuyến Xe Đò (Tiếp theo và hết)

Nhiều năm tháng đã trôi qua, biết bao chìm nổi đã xẩy đến với đời ông. Tóc ông chen hai thứ, muối nhiều hơn tiêu, mặt mày nhàu nát, đôi mắt mệt mỏi, đi đứng lụm cụm, thế nhưng bọn người xấu miệng vẫn bảo ông chẳng khác gì củ gừng, càng già càng cay.

Nay lên chiếc xe đò lại gặp một tên đầu bù xù. Cái đầu bù xù thấy muốn lộn ruột. May là chỉ có một mình nó ngồi lù lù một đống như con khỉ đột. Bị vợ bỏ chăng? Bỗng cô bán vé bước nhanh lên xe hất hàm hỏi ông:

“Chú đi đâu?”

“San Jose.”

Cô ta không nói gì thêm, lại nhảy lẹ xuống xe. Tên hành khách bỗng quay nhìn kỹ vào mặt ông, rồi vồn vã, liến thoắng:

“Vậy mà tui cứ tưởng anh là Tàu khựa. Coi cái mặt anh kìa. Nó ... nó khó nói quá. Chắc chắc anh lớn tuổi hơn tui. Hơn ba bốn tuổi hả? Không chừng tui phải kêu anh là chú. Nhất tuế như huynh, tam tuế như thúc. Mà anh có biết chữ Nho không? Có biết lễ nghĩa Thánh hiền không? Còn tui, tui biết lễ nghĩa, bao giờ cũng kính trọng người lớn tuổi hơn. Như anhchẳng hạn ...”

Ông bực mình chận lại:

“Anh nói nhiều quá ...”

Người kia ngắt lời ngay:

“Dạ, dạ, anh nói không sai. Anh cũng giống như nhiều người khác cứ biểu tui nói nhiều. Nhưng có miệng để ăn để nói thì khi không ăn miệng rảnh nói. Có sao đâu. Mà anh tuổi con gì? Con trâu phải không? Phải biết tuổi mới dễ kêu. Tui kêu anh là kêu đại, chẳng biết trúng trật, xin anh tha lỗi. Tui con rồng, tuổi thìn. Thiệt ra đầu năm con rắn nhưng tui thích rồng hơn. Anh trâu hay chuột. Chắc anh hơn tui bốn năm tuổi, lẽ ra tui phải kêu anh là chú. Nhất tuế như…“

Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2019

Ngự Thuyết: Chuyến Xe Đò

Ông thích lái xe chạy ra khỏi thành phố. Với ông, thành phố đồng nghĩa với tù hãm. Nếu được ngồi ghế trước trên chiếc xe đò chạy đường xa, cỡ bự, hơn 60 ghế, để nhìn trời cao đất rộng thì càng tốt. Tha hồ mở mắt. Chứ loanh quanh mãi tại nhà như con gà ăn quẩn cối xay, chán lắm. Nhiều khi muốn khùng luôn. Hết ngó cái vườn hoa cũ, lại nhìn ngôi nhà xưa, ngày này đến ngày khác. Buồn tình ngẩng mặt trông lên, thấy mây cũng “già”. Mây già nua–hình như một thi sỹ nào nói vậy ông tình cờ nghe loáng thoáng qua một thằng sính thơ. Và bỗng nhiên nhớ. Thường ông hay quên những chuyện ruồi bu, nhưng thơ thì cố nhớ. Mà nghĩ cũng đúng, mây bay đã ngàn năm, Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay, hay lâu hơn, lâu hơn là cái chắc, không già sao được. 

Ông thuộc một ít thơ, nhờ cố đọc đi đọc lại cho đến khi thuộc lòng, loại thơ học ở nhà trường thời Trung Học. Chỉ thế thôi cũng đủ loè người mới quen. Có khi tò mò đọc thơ bây giờ, chẳng hiểu gì, nói gì đến cảm xúc, hoặc dùng để tán láo. Đọc vài dòng điên cái đầu. Nghe người ta ca tụng Truyện Kiều, ông lớn tiếng, Biết Rồi, Nói mãi (Còn có hai chữ Khổ Lắm chen vào giữa nhưng ông không nói để tỏ ra rằng mình không bắt chước ai cả). Ông phán, Truyện Kiều đương nhiên là hết sẩy, là đỉnh cao nhất, khỏi phải rườm lời. Thật ra ông chỉ đọc mấy đoạn được trích dẫn làm bài giảng văn năm lớp Đệ Tứ (lớp 9), rồi lớp Đệ Nhị (lớp 11). Ông định bụng sẽ đọc hết Truyện Kiều, biết đâu có dịp đem nó ra thi thố, nhưng nó dài quá. Mấy trăm câu nhỉ? Hay mấy ngàn, mấy vạn? Nên hẹn rày, hẹn mai, như hẹn những món nợ mà ông nhất định quỵt. 

Hôm nay, có việc đi lên miền Bắc, ông ra bến xe đò sớm, để chiếm chỗ ngồi đằng trước, tha hồ phóng tầm mắt. 8 giờ 30 sáng xe khởi hành, 7 giờ 45 ông đã có mặt. Thế mà khi “hồ hởi” bước lên xe, đã thấy có người ngồi tại một trong hai chiếc ghế ngay sau ghế của tài xế. 

Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2019

Ngự Thuyết: Trở Lại Với “Đêm Qua Bắc Vàm Cống” Và Mấy Bài Thơ Đầu Đời Của Tô Thùy Yên

Tôi đã viết khá vội vàng về Đêm Qua Bắc Vàm Cống [i]ngay sau khi nghe tin nhà thơ Tô Thùy Yên không còn nữa. Nhưng sự ngưỡng mộ của tôi đối với Tô Thuỳ Yên rất lớn, không khác gì đối với Thanh Tâm Tuyền. Trong khi đó tôi đã “kể lể dài dòng” nhiều lần về nhà thơ sau. Cho nên tôi cảm thấy có bổn phận trở lại với Tô Thùy Yên, Trở Lại với Đêm Qua Bắc Vàm Cống để nói lên “mối tình thủy chung và kín đáo” của tôi đối với bài thơ ấy, và đồng thời nêu vài ý nghĩ về mấy bài thơ đầu đời nhưng rất quan trọng của Tô Thùy Yên. 

Đấy chỉ là bước đầu của tôi đối với những bài thơ đầu tiên của nhà thơ. Tôi mong sẽ có dịp đề cập thêm về sự nghiệp thi ca lớn lao mà Tô Thùy Yên đã để lại cho nền Văn Học Việt Nam.

*

Thỉnh thoảng tôi hát một mình, không muốn cho ai nghe, vì hát nhảm, hoặc huýt sáo miệng,một vài điệu nhạc bất chợt hiện lên trong đầu khi gặp một cảnh ngộ lạ lạ nào đó. Thường thì điệu nhạc đó là do cảnh ngộ đang xẩy ra trước mắt gợi hứng, thì hát lên cho đỡ ngứa miệng. Nhưng cũng có khi điệu hát và cảnh ngộ chẳng ăn nhập gì với nhau, hoặc còn trái ngược nữa. Mà vẫn cứ hát. Một cách vô thức. Một cách khật khùng. Chẳng hạn trưa hè nắng gắt, lại hát, Mùa Đông đang đến trong thành phố/Buổi chiều ngủ vùi ...Hay mưa phùn gió bấc “nước lạnh như đồng, khổ lắm chồng tôi”, lại nghêu ngao, Trời hồng hồng sáng trong trong, ngàn phượng rung nắng ngoài song.

Nhưng đối với thơ, khác. Có “quy củ, nề nếp” hơn. Có lẽ vì tôi thiên vị thơ, thích thơhơn ca khúc chăng. Trên đường vượt biên, câu thơ Nguyễn Du luẩn quẩn trong đầu, rồi biến thành tiếng thì thầm trên cửa miệng:

Lối mòn cỏ nhạt màu sương
Lòng quê đi một bước đường một đau

Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2019

Ngự Thuyết: Đêm Qua Bắc Vàm Cống

Đêm Qua Bắc Vàm Cống, một bài thơ ngắn, ra đời cách đây lâu lắm, hơn 60 mươi năm khi tác giả của nó, Tô Thùy Yên, chưa tới tuổi hai mươi. Thỉnh thoảng tôi đọc lại bài thơ ngắn đó, và lại nhớ mấy lần qua cái bắc ấy,trước 1975, trên đường đi về Lục Tỉnh, qua Sa Đéc, Long Xuyên. Lần nào cũng thế, qua đó, cái buồn bỗng dưng ập tới. Tại sao? Tại vì bến bắc hồi đó còn quạnh quẽ lắm, nước sông Cửu Long chảy miên man, lục bình trôi hàng nối hàng như không bao giờ dứt? Thì Tô Thuỳ Yên cùng với bài thơ đó hiện về. Thế là cũng tại vì bài thơ có sức ám ảnh lớn. Đọc lại nó, nghe lại nó, như nghe lời nguyền của định mệnh.

Nhiều người đã viết về Tô Thùy Yên từ nhiều năm nay. Nhà thơ vừa qua đời, những bài nhận định càng mọc lên như nấm sau cơn mưa. Đều là những lời ca ngợi, thán phục. Chẳng hạn Thơ Tô Thuỳ Yên là những băn khoăn siêu hình, là triết lý, chênh vênh giữa siêu thực và hiện thực, là đau đớn vì sự nhỏ nhoi của kiếp người, đem ý thức về bản ngã, về nỗi hoang tưởng của con người vào thi ca; là nhân chứng sống động qua những giai đoạn khác nhau của lịch sử; là tài hoa, uyên bác, sâu lắng; là thấm đẫm tình quê hương, tình người ... Đã thế, còn thay đổi cái ngôn ngữ thi ca quen thuộc lâu đời của Đông Phương; tinh vi, cô đọng, trau chuốt; chữ nghĩa cổ điển hoà lẫn với hiện đại,cách diễn tả dân gian, sử dụng ca dao, tục ngữ,hoà lẫn với văn chương bác học; và còn có khả năng sáng tạo ra từ ngữ mới ... 

Tô Thuỳ Yên, một nhà thơ lớn vừa giã từ cõi đời này, rất xứng đáng với tất cả những nhận xét ấy. 

Một trong những bài thơ dài hơi, rất nổi tiếng của Tô Thuỳ Yên, đã được đón nhận với lòng quý mến, trân trọng, và ngưỡng mộ, đó là bài Ta Về.Hầu như tất cả những lời nhận định, ca ngợi vừa nêu trên đều có thể trao lại cho bài thơ này. Nhưng nó như viên ngọc quý có nhiều mặt chạm trổ, ánh sáng tỏa long lanh, đa dạng, huyền bí. Cho nên, mỗi lần đọc lại bài thơ, là mỗi lần ta có thể khám phá vài ba tia sáng lạ. 

Ta về? Từ đâu về, và về đâu? 
Từ đâu về? 
Từ địa ngục của trần gian:

Vĩnh biệt ta mười năm chết dấp
Chốn rừng thiêng ỉm tiếng nghìn thu
Mười năm mặt xạm soi khe nước
Ta hoá thân thành vượn cổ sơ

Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2019

Ngự Thuyết: Đêm

Thông thường phản ứng đối với một hành động sẽ tránh được tính cách nông nổi, bộp chộp, chủ quan, hoặc thiếu bình tĩnh, nếu giữa hành động và phản ứng ấy có một quãng thời gian trống. Phản ứng có thể là một hành động chống lại, hay chỉ là một thế đứng, một nhận định, một góc nhìn. Và quãng thời gian trống có thể được gọi là thời gian làm trái độn, một độ lùi, dài ngắn khác nhau, có thể tính bằng giây phút, hay ngày giờ, hay thậm chí tháng năm, hay nhiều năm, tùy theo tình huống của sự việc. Anh nghĩ đến điều vừa nói và một câu chuyện cũ của mấy mươi năm về trước. Thời gian làm trái độn như thế quả là khá dài, dâu biển đã xẩy ra, nhưng cũng có cái bất biến, hay chưa chịu đổi thay. Thì cứ kể lại, xem như một bằng chứng nhỏ nhoi, một tấm ván chìm nổi trong bão biển. 
 
Hôm đó, anh phải đi dạy học 12 tiếng. Đạp xe đạp quá lâu, quá nhiều để tới ba nơi dạy cách xa nhau. Đã thế, trên đường về, anh còn ham hố ghé nhà người bạn thân mượn cuốn băng nó tự thâu lấy những bản nhạc nó thích. Hơn 9 giờ tối anh mới về tới nhà, mệt nhoài. 

Tối hôm ấy không điện. Trong căn phòng chật hẹp, bên một ngọn đèn dầu hỏa tù mù đặt trên cái mặt bàn gỗ tạp sù sì, hai cái đầu kề nhau, một tóc húi “ca-rê” của đứa con trai, một tóc “bum bê” của đứa con gái. Đứa con trai ốm nhom, “xỏong”, chưa bao nhiêu tuổi mà má đã hóp; đứa con gái mắt đen, gầy gò, xanh xao. Chúng đang học bài. Kế đó, trên chiếc giường tre, hai đứa bé tí, hai khuôn mặt “chàu vau” thiếu sữa, nằm đùa giỡn với nhau, vô tư. Không có phòng khách, không nhà bếp, nồi cơm được bắc trên chiếc lò than bùn đặt tại góc phòng. Vợ anh đang nấu cơm. Chị hốc hác, quần áo cũ, nhiều miếng vá, rộng thùng thình.

Bỗng anh bủn rủn tay chân, gân cốt rã rời. Phải cố gắng mới dựng được chiếc xe đạp vào vách tường bên cạnh cái bàn học của hai con. Đó là cái bàn duy nhất trong căn phòng duy nhất chật hẹp ngỗn ngang giường ngủ, ghế bố, ghế đẩu, đòn, lò bếp, chén bát, nồi niêu.

Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2019

Ngự Thuyết: Đồi Xanh



Từ Quận Cam(Orange County) thuộc Nam California lên hướng Bắc để đến những vùng như Bakersfield, Fresno, Montery, San Jose, Milpitas, Fremont, v.v..., trước hết phải qua những ngọn đèo khá dài thuộc Quận Los Angeles (Los Angeles County) nằm ven các rặng núi chập chùng. 

Năm nay trời lạnh. Hơn nữa, khác với những năm hạn hán trước, có nhiều cơn mưa vào thời gian giao mùa giữa năm 2018 và năm 2019, cho nên tuyết đổ nhiều. Tuyết phủ kín non cao. Tuyết nằm rải rác trên những đỉnh núi, sườn đồi chạy sát hai bên xa lộ 5, nơi thì trắng xóa một màu, nơi thì chen lẫn nhiều mảng màu xanh, đen, đậm, nhạt, của cây cỏ, của đất đá. Nhiều nơi trông như da cóc sù sì, như da ểnh ương nhòe nhoẹt rong rêu.

Nhưng khi xe đổ dốc sắp qua khỏi ngọn đèo cuối cùng, một cảnh tượng hết sức lạ lùng bày ra trước mắt. 

Sau lưng ta, thế giới cũ, là màu sắc hỗn tạp như vừa nói. Trước mặt ta, dưới kia, dưới thung lũng mênh mông, một màu xanh bao la bất tận trên đó xa lộ 5 trông như sợi chỉ màu đen chạy luồn lách khi ẩn khi hiện. Ta như vừa lạc vào một cõi khác, một chốn bồng lai. Những ngọn đồi xanh uốn mình êm đềm, dịu dàng; những cánh đồng xanh nối tiếp nhau đến tận chân trời.

Chủ Nhật, 10 tháng 2, 2019

Ngự Thuyết: Rừng (Tiếp theo và hết)

Ở mãi trong rừng ngày ngày đối diện với sắt máu, kềm kẹp, rình rập, đói khát, bệnh tật, nhiều khi mình cảm thấy mình không phải là con người nữa. Một nhà thơ nói trúng: 

Mười năm, mặt xạm soi khe nước, 
Ta hóa thân làm vượn cổ sơ.[1]

Nay thấy loài người, lòng bỗng nao nao. Và có hàng, có quán. Không chừng có cả chợ. Có lẽ nơi này rất xa những nơi từ trước tới nay chúng tôi đã đến để được “Vinh Quang” – “Lao động là vinh quang.” Khẩu hiệu được lặp đi lặp lại này làm tôi nghĩ đến câu nói “Xúi trẻ ăn cứt gà.” Chúng tôi không còn là trẻ con nữa, vậy câu nói đó nên được đổi thành “Xúi già ăn cứt vịt” chăng? Tôi nghĩ bụng vinh quang hay không còn tùy thuộc vào mục đích của cái lao động ấy chứ. Chẳng hạn ta được cho ăn bánh vẽ làm việc đến kiệt lực trong khi kẻ khác ngồi không hưởng trọn thành quả của cái lao động ấy, thì vinh quang cái nỗi nào.

Một người đột nhiên cất cao giọng “phát biểu linh tinh”: “Hôm nay là ngày cuối năm, mai Tết, ngày vui của dân tộc. Mừng Xuân Ơn Đảng.” 

Một giọng khác bẻ: “Trật. Phải nói: Ơn Đảng Mừng Xuân. Cho nên Cách Mạng chiếu cố cho chúng ta lao động tại vùng này để được gần gũi với nhân dân hưởng cái Tết ấm no, độc lập, thống nhất, tự do, hoà bình.” 

Có tiếng xì xào, rì rầm. Hưởng ứng hay phản đối? Nhưng dù gì thì dù, mọi người vui hẳn lên, cố cắt thật nhiều tranh, cho mau đạt chỉ tiêu, để còn nhiều thì giờ đi “mua sắm”. Nghĩa là để có thể ngồi nán lâu hơn giờ nghỉ quy định bên các hàng ăn, hàng quà tán gẫu. Ai có tiền thì “mua sắm” củ khoai, trái chuối, trái bắp, ăn Tết; ai không tiền thì ăn Tết bằng mắt. 

Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2019

Ngự Thuyết: Rừng

Hình minh hoạ, Internet

Trí nhớ của tôi thường bội bạc. Hoặc thiên vị. Trong cuộc sống, có biết bao nhiêu sự kiện đã ghi sâu vào ký ức của tôi. Và cũng vô số sự kiện khác trôi qua đời tôi như nước trôi đầu vịt, không để lại dấu vết gì. Lại có những chi tiết tôi cho là đáng nhớ, chẳng hạn, khi đã khôn lớn, lần đầu tiên cầm vô - lăng lái chiếc xe hơi, nhưng tôi không thể nào nhớ được đấy là xe hiệu gì, đi đâu, lúc nào, đi với ai, với mục đích gì. Trong khi đó, ký ức về người đàn bà thành phố lỡ bước vào một nơi rừng rú lại thường trở lại với tôi rất rõ nét. 

Chiều nay, một chiều cuối năm, ngồi một mình bên tách trà quên uống đã nguội lạnh, tôi lẩn thẩn ôn lại những ngày qua, và hình ảnh người đàn bà ấy lại nổi bật kéo theo nhiều chuỗi hồi ức khác tưởng đâu đã hoàn toàn bị quên lãng. 

Chuyện xẩy ra cách đây hơn nửa thế kỷ. 

Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2019

Ngự Thuyết: Las Vegas 2019 Countdown

Năm nay chúng tôi tham dự, hay đúng hơn, đi xem người Mỹ đón Giao Thừa Tây tại Las Vegas. Nghe nói Las Vegas lạnh lắm – thời tiết quá biến đổi – chúng tôi mang theo nhiều áo ấm, có cả găng tay và khăn quàng cổ. 

Đi từ Orange County, chúng tôi trôi theo dòng xe như dòng sông chảy nhanh trên xa lộ 15 North. Mới 5 giờ chiều trời đã tối. Dòng xe trước mặt lẫn trong bóng đêm biến thành vô vàn chấm đỏ nối đuôi nhau dài bất tận; dòng xe chạy ngược chiều, cũng dài không kém, đèn pha chiếu sáng cả núi, rừng, sa mạc, truông, trảng và đèo. Thỉnh thoảng gặp dăm ba thị trấn đèn sáng choang nằm trùm lên trên những triền đồi, những thung lũng. Sau gần 4 tiếng, chúng tôi chạy qua mấy toà nhà tắm trong ánh sáng nhiều màu. Nếu gọi Las Vegas là căn cứ địa đầu não thì những tòa nhà sòng bạc này là những tiền đồn, những chuông báo động. Trông cũng rất “đáng nể”. 

9 giờ tối chúng tôi đến. Chúng tôi đã đặt phòng ngủ tại Khách Sạn Cosmopolitan trước một tuần lễ, nếu không, giá phòng ngủ sẽ rất cao, hoặc cũng có thể không còn phòng trống vào dịp Countdown này. 

Vào những cuối tuần, Las Vegas luôn luôn đông nghẹt. Năm nay, Tết dương lịch nhằm Thứ Ba, cộng thêm ngày bắt cầu là Thứ Hai, thế là có được một cuối tuần trọng đại nhất và kéo dài đến bốn ngày. Cho nên không biết cơ man nào là du khách và du khách, xe cộ và xe cộ, tràn ngập mọi khách sạn, sòng bạc, hang cùng ngõ hẻm. 

Trên mặt đường, xe cộ liên miên chạy khít nhau, không chạy nhanh nổi, rồi đứng, rồi chạy tiếp, theo nhịp đèn xanh, đèn đỏ, đèn vàng nhấp nháy lia lịa. Chẳng khác những con bọ hung khổng lồ bò rù rờ. Trên lề đường người ta chen nhau xuôi ngược như kiến cỏ. Đa số kéo va li bánh lăn hăm hở đi nhanh từng dòng, rồi vào những khách sạn như kiến vào hang, rồi tới những quầy tiếp tân ghi danh, nhận chìa khóa, rồi kéo ngang qua vô số sòng bạc, vang dậy những tiếng rì rầm, xì xào, tiếng leng keng của máy chém – máy kéo cần chém con bạc như chém chuối – tiếng kêu thét lên khi có người trúng lớn. Cuối cùng những bầy kiến bò vào các thang máy, rồi bò lê trên những hành lang dài trước khi chui vào tổ, vào phòng riêng, mất hút. 

Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2018

Ngự Thuyết: Biệt Ly (Đôi Bạn)


Biệt ly! Lại biệt ly! Hai chữ ngắn ngủi này xuất hiện rất nhiều trong văn, thơ, nhạc. Và dĩ nhiên trong tiếng nói hàng ngày. Đông, Tây, Kim, Cổ đều có nó. Nó là nỗi ám ảnh dai dẳng của con người, khi ẩn khi hiện, nhưng không bao giờ dứt. Nó đan quyện, chằng chịt, đổ vỡ, đứt lìa, nối tiếp. Biệt ly tuổi thơ ..., biệt ly tình yêu ..., biệt ly quê hương ..., biệt ly thời gian, không gian. Cuối cùng biệt ly cuộc sống để đi vào một cõi vĩnh hằng, hay một cõi vô định nào đó. 

Cần gì phải đến sân ga, bến xe, bến đò, sân bay mới gặp biệt ly. Biệt ly vẫn diễn ra ngay trên con đường, trên dòng sông, trong đám bèo trôi, trong chiếc lá rụng, trong tiếng chim kêu. Cả trong gió, mây, khói, sóng. 

Gặp biệt ly? Một lối nói nghịch lý, mới mẻ, sáng tạo? Không, không phải thế. Khoảng 80 năm về trước, trong thơ của Xuân Diệu, một nhà thơ nhiều sáng tạo, đã có những câu:

Tình yêu đến, tình yêu đi, ai biết
Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt

(người viết tô đậm)

Hay rõ hơn:

Tôi dạo tìm thơ gặp biệt ly

(người viết tô đậm)

Trong thơ cổ, trong Chinh Phụ Ngâm, Đoạn Trường Tân Thanh, và trong Thơ Mới tiền chiến, đề tài biệt ly dường như không bao giờ cạn nguồn. Cho nên đã nói đến, còn muốn nói thêm. 

Lần này nói thêm này, trước hết, xin đề cập đến Tản Đà với biệt ly giữa người tiên, kẻ tục.