Hiển thị các bài đăng có nhãn Người Việt News. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Người Việt News. Hiển thị tất cả bài đăng
Thứ Sáu, 23 tháng 6, 2017
Đ.D./Người Việt News: GS Phạm Minh Hoàng bị bắt, có thể bị trục xuất
Giáo Sư Phạm Minh Hoàng và gia đình. (Hình: Gia đình cung cấp)
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Giáo Sư Phạm Minh Hoàng vừa bị công an ở Sài Gòn bắt vào ngày tối ngày Thứ Sáu, 23 Tháng Sáu, và có thể bị trục xuất vào ngày hôm sau, bà Lê Thị Kiều Oanh, vợ ông Hoàng, nói với VOA Việt Ngữ.
“Vào lúc 6 giờ 10 phút chiều nay, một công an khu vực gõ cửa nhà tôi và nói rằng cần kiểm tra hộ khẩu định kỳ, nhưng vài giây sau thì công an ập vô nhà, mời chồng tôi lên trụ sở công an phường để làm việc. Họ nói giải chồng tôi về trụ sở công an và ngày mai sẽ trục xuất chồng tôi,” bà Oanh với với VOA Việt Ngữ.
Thứ Năm, 18 tháng 5, 2017
Rút Dự Luật ‘cho đảng viên cộng sản làm công chức tại California’
Dân Biểu Rob Bonta thời sự
SACRAMENTO, California (NV) – Bị sức ép quá lớn của cộng đồng Việt Nam, Dân Biểu Rob Bonta (Dân Chủ-Alameda) hôm Thứ Tư xin rút Dự Luật AB 22 ra khỏi Hạ Viện California, theo nhật báo The Sacramento Bee.
Ông Bonta là tác giả Dự Luật AB 22, được Hạ Viện California thông qua hôm 8 Tháng Năm, với số phiếu 41-30, cho phép bỏ điều khoản cấm đảng viên Cộng Sản làm công chức tại California.
“Có nhiều người bày tỏ quan tâm với tôi,” ông Bonta cho biết qua một thông cáo báo chí đưa ra hôm Thứ Tư. “Qua các cuộc nói chuyện với cựu chiến binh và thành viên trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt, tôi nghe nhiều câu chuyện rất thuyết phục về ảnh hưởng của Dự Luật AB 22 đối với nỗi đau thực sự, và gây đau đớn cho những con người rất danh dự và tự hào. Vì thế, tôi xin lỗi.”
Thứ Ba, 11 tháng 4, 2017
Người Việt: Thiếu nữ gốc Việt đứng hạng nhì tại thể dục dụng cụ thế giới
Em Victoria Nguyễn đạt hạng nhì môn thể dục dụng cụ tại London.
(Hình: Twitter)
(Hình: Twitter)
DES MOINES, Iowa (NV) – Một bé gái người Mỹ gốc Việt, em Victoria Nguyễn, 16 tuổi, vừa đoạt giải nhì cuộc thi thể dục dụng cụ thế giới tổ chức ở London, Anh, hôm Thứ Bảy vừa qua, theo báo The Des Moines Register.
Với tổng số điểm là 53.832, em Victoria chỉ đứng sau vận động viên của Đức, được 54.598 điểm.
Ngoài ra, em Victoria cũng giúp đội tuyển Mỹ đoạt huy chương đồng trong lần thi quốc tế lần thứ hai của em.
Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013
Tự Lực Văn Đoàn: 80 năm ảnh hưởng không ngừng
Hội Thảo Phong Hóa, Ngày Nay và Tự Lực Văn Ðoàn
Nguyên Huy & Hà Giang/Người Việt
WESTMINSTER (NV) - Hơn 200 người đã đến, và hầu như toàn bộ đã ở lại đến phút chót, trong ngày đầu tiên của chương trình hội thảo về Phong Hóa-Ngày Nay, Tự Lực Văn Ðoàn, và những người chủ trương - những người đã có ảnh hưởng không nhỏ lên mọi mặt đời sống Việt Nam cách đây 80 năm.
Hậu duệ của thế hệ Tự Lực Văn Ðoàn trong ngày hội thảo tại Nhật Báo Người Việt. Từ trái: Bác Sĩ Nguyễn Tường Giang (con trai nhà văn Thạch Lam), nhà văn Doãn Quốc Sĩ (con rể nhà thơ Tú Mỡ), ông Trần Khánh Triệu (con nuôi nhà văn Khái Hưng), nhà văn Phạm Thảo Nguyên (con dâu nhà văn Thế Lữ), nhà văn Nguyễn Tường Thiết (con trai nhà văn Nhất Linh), bà Minh Thu (con gái nhà văn Hoàng Ðạo). (Hình: Triết Trần/Người Việt)
Ðúng 10 giờ 30 sáng ngày 6 Tháng Bảy, tại phòng sinh hoạt Nhật Báo Người Việt, hai vị, nhà văn Doãn Quốc Sĩ và con trai trưởng của nhà văn Nhất Linh, Tiến Sĩ Nguyễn Tường Việt, cắt băng khai mạc triển lãm và bắt đầu chương trình hội thảo.
Dọc theo các bức tường của phòng sinh hoạt, khách tham dự thích thú lần theo hai bức tường lớn để nhìn lại được những dấu tích của một thời văn học lớn, ảnh hưởng đến không chỉ văn chương nghệ thuật sau này mà còn làm thay đổi sâu rộng đến nếp sống trong xã hội Việt Nam thời kỳ “tiền thức tỉnh.”
Trong căn phòng này, khách tham dự có thể được xem thủ bút của nhà văn Nhất Linh và những họa phẩm, phụ bản lừng danh của các họa sĩ lớn trong ngành hội họa thời Tự Lực Văn Ðoàn. Khách cũng có thể nhìn thấy nhiều hình ảnh của báo Phong Hóa, những tác giả và tác phẩm lừng danh của Tự Lực Văn Ðoàn, những khai phá của báo Phong Hóa & Ngày Nay về y phục của phụ nữ Việt Nam, về âm nhạc, kịch nghệ và chương trình “Nhà Ánh Sáng” để cải tiến cuộc sống của người dân nghèo.
Mở đầu hội thảo, nhà văn Doãn Quốc Sĩ đăng đàn kể những kỷ niệm về nhạc phụ của mình, là nhà thơ trào phúng lừng danh một thời, Tú Mỡ.
Chuyện kể của nhà văn Doãn Quốc Sĩ khiến khán thính giả vui thích không nén được những tràng cười liên tục khi ông kể về lễ Tơ Hồng của ông với ái nữ của nhà thơ trào phúng. Ông vốn là một thanh niên đã theo Tây học nên khá “lớ ngớ” trước bàn thờ gia tiên cần đến những thủ tục nghi lễ truyền thống. Nhưng rất may, “mọi chuyện đều qua được và trở thành giai tế của nhà thơ trào phúng lừng danh.”
Nhà văn Doãn Quốc Sĩ cũng cho biết Tú Mỡ không phải chỉ làm thơ trào phúng mà còn có một số bài thơ tình cảm được nhiều người nhắc nhở, như bài “Khóc Người Vợ Hiền” rất cảm động. Tú Mỡ tuy sống trong chế độ cộng sản, nhưng ông không hề vào đảng.
Nếu cử tọa khúc khích cười, mà vẫn thấm thía về hình ảnh thật sống động của buổi giao thời, qua lối nói chuyện dí dỏm của nhà văn Doãn Quốc Sĩ về nhạc phụ mình, qua bài thơ “Tú cưỡi xe bình bịch”:
“Tú rửng mỡ cưỡi xe bình bịch
Máy nổ vang sình sịch chạy như bay
Bóp còi toe như quát tháo giương vây
Khách đường cái vội rãn ngay tăm tắp
Tú nhớ thuở còn đi xe đạp
Một thứ xe chậm chạp hiền lành
Trên đường dù chuông bấm liên thanh
Khách đủng đỉnh làm thinh không chịu tránh...”
Thì họ cũng ngậm ngùi, xót xa khi nghe tâm sự của Giáo Sư Trần Khánh Triệu về kỷ niệm với cha nuôi là nhà văn Khái Hưng. Nhất là cảnh “con tiễn cha,” hình ảnh cuối cùng của cậu bé Trần Khánh Triệu nhớ về “papa” của mình: “Thế rồi bố cứ đi đi mãi về phía cuối sông Hồng. Bố thì thiểu não gầy gò, bên cạnh người công an lực lưỡng. Tôi thất thểu bước về mà không biết bố có nhớ ăn mấy trái cam và đọc bài kinh khổ mẹ gói cho hay không.”
Hơn 200 người đã đến tham dự và lưu lại đến phút chót của ngày hội thảo đầu tiên, 6 Tháng Bảy, 2013. (Hình: Triết Trần/Người Việt)
Những thanh niên ưu tú nhất của thời ấy, những khuôn mặt trẻ cùng quan tâm đến xã hội, đất nước ấy, đã dồn hết tâm trí và con tim của mình vào tờ Phong Hóa-Ngày Nay, và dùng tờ báo như một phương tiện để phát động và đẩy mạnh được một phong trào cách mạng xã hội toàn diện, nâng sinh hoạt của người dân Việt Nam đến gần hơn với xã hội văn minh.
Chúng ta có thể thấy những ảnh hưởng của họ lên trang phục phụ nữ thời ấy. Họa sĩ Le Mur Nguyễn Cát Tường, người đã dùng tài vẽ của mình để thiết kế nhiều kiểu áo dài tân thời cho phụ nữ Việt Nam đương thời. Nhưng không phải chỉ là áo dài, mà còn là quần, là giày, là áo lót, là phép vệ sinh, là cách sống sao cho phụ nữ Việt Nam được góp mặt với đời về cả phương diện dung nhan lẫn trí tuệ. Phải đọc nhiều bài viết và xem các kiểu mẫu y phục của ông được đăng trên Phong Hóa-Ngày Nay mới hiểu được ảnh hưởng của tờ báo lên xã hội thời đó!
Về âm nhạc, diễn giả Nhạc sĩ Lê Văn Khoa cho biết tờ Phong Hóa-Ngày Nay cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền tân nhạc Việt Nam. Ông kể rằng những bài nhạc được xem là những bài tân nhạc đầu tiên của Việt Nam, sau khi được đăng trên báo Phong Hóa-Ngày Nay vào Tháng Chín năm 1938 và mỗi tuần sau đó đã tạo hứng khởi sáng tác cho giới yêu nhạc, thời đó mới chỉ dịch nhạc Pháp để thưởng thức.
Không chỉ nói về những bài nhạc, Nhạc sĩ Lê Văn Khoa còn cho cử tọa thưởng thức nhiều bài nhạc như Chào Bình Minh của Nguyễn Xuân Khoát, Khúc Yêu Ðương của Thẩm Oánh, qua phần trình diễn của các ca sĩ nghiệp dư.
Bộ môn kịch nói cũng được nhóm Tự Lực Văn Ðoàn, khởi đầu là nhà văn Thế Lữ, người bị bộ môn này thu hút trước nhất, đẩy mạnh.
Bằng một lối nói chuyện hết sức nhẹ nhàng mà lôi cuốn, nhà văn Phạm Thảo Uyên, con dâu nhà văn Thế Lữ, nói về việc phát triển môn kịch nói của nhóm Tự Lực Văn Ðoàn: “Thanh niên say mê kịch nói sau này đông lắm, không chỉ có Thế Lữ, nhiều người không ở nhóm Tự Lực Văn Ðoàn cũng thích kịch nói.”
Sự thành công của nhóm Tự Lực Văn Ðoàn trong việc phát triển bộ môn kịch nói không phải chỉ nhờ họ có tờ báo trong tay, mà còn là vì mọi thành viên đều đóng góp. Nếu Thạch Lam, Khái Hưng có những bài phê bình kịch rất được nhiều người ưa chuộng thì các họa sĩ Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân của tờ Phong Hóa-Ngày Nay cũng góp phần bằng cách xăn tay áo vẽ phông, thiết kế sân khấu, may trang phục.
Các tác phẩm Tự Lực Văn Ðoàn được dịch sang tiếng nước ngoài trong buổi triển lãm tại Nhật Báo Người Việt. (Hình: Triết Trần/Người Việt)
Trong phần hội thảo buổi chiều, họa Sĩ Ann Phong trình bày những cái hay, cái đẹp qua những hình vẽ, màu sắc bố cục trong tranh trên báo Phong Hóa-Ngày Nay. Ann Phong nhận định tranh trên các báo Phong Hóa-Ngày Nay đều tạo ra một sức sống, nhìn biết ngay là sức sống của người Việt Nam. Những nét trào phúng trong tranh đi thẳng vào những cảnh sống, cuộc đời đáng chê trách trong xã hội Việt Nam lúc bấy giờ chẳng kể đến ai, đến giai cấp nào, dù là quyền quý, thế lực. Về nghệ thuật thì bức nào các tác giả cũng thể hiện được điểm chính của bức tranh mà tác giả muốn gửi đến cho người xem tranh. Ðó là một nghệ thuật đòi hỏi khả năng thực sự của họa sĩ.
Ann Phong nhấn mạnh: “Cái Ðẹp của tranh trên báo Phong Hóa-Ngày Nay là cái Ý trong tranh mà đường nét, màu sắc dù chỉ là đen trắng cũng đã dẫn dắt được người xem.” Sau cùng Ann Phong đưa ra một vài hình ảnh của báo chí Mỹ, Nhật, Trung Hoa lúc bấy giờ để mọi người so sánh với Phong Hóa-Ngày Nay. Kết luận: “Không thua kém một báo nào của ngoại quốc.”
Nhà báo Ðỗ Quý Toàn thì trình bày một vấn đề không phải là văn chương Tự Lực Văn Ðoàn. Ðó là “Phong Trào Nhà Ánh Sáng” do Hoàng Ðạo và Tự Lực Văn Ðoàn chủ trương.
Vấn đề này quả thật từ trước đến nay, nói đến Tự Lực Văn Ðoàn, ít ai đề cập đến. Theo nhà báo Ðỗ Quý Toàn thì phong trào Nhà Ánh Sáng của Tự Lực Văn Ðoàn do Hoàng Ðạo trực tiếp trông coi đã nhanh chóng trở thành một phong trào mạnh mẽ và rộng lớn từ Bắc đến Nam. Ðiều đó cho thấy xã hội Việt Nam lúc bấy giờ vào đầu thập niên 30s là một xã hội đang thức tỉnh, mọi người đều mong muốn người dân cải thiện được mức sống nghèo nàn lạc hậu; hậu quả của hơn 80 năm bị người Pháp đô hộ. Mục đích của phong trào Nhà Ánh Sáng là nhằm chỉ bảo cho người dân biết cách sống vệ sinh và giúp đỡ gia đình nghèo cải thiện được sự sống tối tăm của mình.
Phong trào đã thu hút được rất đông giới trí thức, nhân sĩ như Vũ Ðình Hòe, Vũ Ðình Huỳnh, Trần Huy Liệu và cả các phụ nữ nữa, như bà Vũ Ngọc Phan, bà Trịnh Thị Thục Oanh, Ðốc Học Hà Nội... tham gia.
Diễn giả cuối cùng của ngày đầu hội thảo là cô sinh viên người Nhật, Aki Tanaka. Cô là sinh viên khoa ngoại ngữ của Ðại Học Tokyo, từng sống 13 năm tại Việt Nam, và nói tiếng Việt khá nhuần nhuyễn. Cô Tanaka cho biết cô từng ở Sài Gòn, Hà Nội và Hải Phòng. Nguyên nhân cô được biết đến Tự Lực Văn Ðoàn là do nhà thơ Huy Tưởng, một láng giềng của cô ở Saigon, cho mượn những cuốn truyện của Tự Lực Văn Ðoàn với lý do là “nếu muốn giỏi tiếng Việt thì nên đọc Tự Lực Văn Ðoàn vì tiếng Việt rất chính xác.” Cô đọc thử và thấy dễ đọc, rồi mê ngay.
Khi thầy dạy của cô giảng về tác phẩm “Ðời Mưa Gió” của Khái Hưng và Nhất Linh, cô được phân công dịch sang tiếng Nhật một phần nên càng có dịp tìm hiểu thêm về Tự Lực Văn Ðoàn. Cô nói :”Ðọc tiểu thuyết Tự Lực Văn Ðoàn bao giờ cũng khiến tôi thèm muốn quay ngược về thời 1930 để gặp và nói chuyện với các thành viên trong nhóm TLVÐ, cũng như để tiếp xúc văn hóa thời đó.”
Kết thúc phần phát biểu của mình, cô cho biết là “sau khi tham dự cuộc hội thảo này, kiến thức của tôi về Tự Lực Văn Ðoàn đã được tăng lên rất nhiều.”
Kết luận của Aki Tanaka cũng là kết luận của một số lớn khách tham dự cuộc hội thảo diễn ra trong hai ngày này về Tự Lực Văn Ðoàn. Hơn nữa, đối với người Việt Nam, Tự Lực Văn Ðoàn không chỉ là một giai đoạn văn chương học thuật được đại chúng hóa mà còn là giai đoạn lịch sử người dân Việt được đánh thức bằng văn chương nghệ thuật sau khi các cuộc vận động chính trị, bạo động của thế hệ Nguyễn Thái Học đã không thành công.
Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012
Hà Tường Cát - 'No Easy Day,' cuốn sách kể chuyện giết bin Laden
Hà Tường Cát
Cuốn sách sắp xuất bản, do một cựu biệt kích SEAL tham gia trong cuộc đột kích hạ sát Osama bin Laden, có một vài chi tiết được coi là không hoàn toàn đúng với báo cáo chính thức đã được các giới chức chính quyền Hoa Kỳ công bố trước đây.
Cuốn sách sắp xuất bản. (Hình: AP/Amazon.com)
Cuốn sách mang tựa đề “No Easy Day” (Ngày không dễ dàng) dự trù ra mắt vào dịp kỷ niệm vụ khủng bố tấn công Hoa Kỳ 9/11 sắp tới, nhưng do đòi hỏi của các nhà bán sách như Amazon và Barnes & Noble trước số độc giả đặt mua đông đảo mà người ta tin rằng sẽ là một cuốn sách bán chạy, nên sẽ được bộ phận Penguin Group thuộc nhà xuất bản Dutton phát hành sớm một tuần vào ngày 4 Tháng Chín.
Chi tiết quan trọng nhất được trình bày trong sách là Osama bin Laden đã bị bắn chết vào lúc trong tay không mang vũ khí, chứ không phải trong tình huống gây đe dọa nguy hiểm cho các biệt kích SEAL lúc tấn công vào căn nhà ở Abbottabad, Pakistan, đêm 1 Tháng Năm, 2011. Dưới bút hiệu Mark Owen, tác giả nói rằng ông xông lên cầu thang hẹp ngay phía sau một đồng đội dẫn đầu và tới đầu hành lang tối om, thì nghe hai phát súng nổ.
Sách không cho biết rõ ai là người nổ súng mà chỉ nói rằng biệt kích đi đầu trông thấy một người từ căn phòng cạnh hành lang bên tay phải xuất hiện, và người này thụt ngay vào trong cửa trở lại. Khi các biệt kích theo vào tới phòng thì chỉ còn thấy người đàn ông đã ngã gục trên sàn giữa vũng máu với một phát đạn bắn trúng đầu phía bên phải và hai phụ nữ đang kêu khóc bên cạnh.
Sau khi đã chùi máu trên mặt, họ xác định được chắc chắn người đàn ông vừa bị hạ là Osama bin Laden. Tác giả Owen kể lại là người trưởng toán kéo hai phụ nữ ra và đẩy họ vào góc phòng rồi ông cùng các biệt kích SEAL chĩa súng nhắm bằng laser vào tử thi hãy còn đang co giật nổ thêm nhiều phát cho đến khi hết động đậy.
Theo lời trình bày của các giới chức chính quyền Washington với các phóng viên vào những ngày sau cuộc đột kích, biệt kích SEAL chỉ bắn Osama bin Laden sau khi thụt trở lại vào trong phòng vì nghĩ là đương sự có thể chụp lấy vũ khí chống cự.
Phát ngôn viên Tommy Vietor của Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia không bình luận về điểm mâu thuẫn giữa hai lời trình bày này, nhưng qua một e-mail hôm Thứ Tư, ông viết: “Như tổng thống nói trong đêm công lý đã được thi hành cho Osama bin Laden: 'Chúng tôi cám ơn những người đã thi hành sứ mạng này bằng khả năng nghiệp vụ, tinh thần ái quốc và sự can đảm vô song để phục vụ đất nước chúng ta.'”
Sự trình bày trong cuốn “No Easy Day” chắc chắn sẽ dấy lên trở lại nghi vấn là cuộc đột kích nhằm bắt sống hay chỉ để giết cho bằng được Osama bin Laden. Tác giả Owen, mà Fox News tiết lộ tên thật là Matt Bissonnette, 36 tuổi, và hãng thông tấn xã AP xác định là đúng, viết hồi ký này cùng với một người khác ký tên là Kevin Maurer. Theo lời ông Bissonnette, trong buổi thuyết trình trước khi thi hành công tác, một luật sư của chính quyền đã nói với họ rằng đây không phải là một sứ mạng ám sát. Nếu Osama bin Laden không có vũ khí và giơ tay đầu hàng thì đừng nên tấn công. Nếu đương sự không gây ra sự đe dọa gì thì nên bắt sống.
Nhưng một cựu thẩm phán quân sự nhận định là: “Không phải là vô lý các biệt kích SEAL đã nổ súng khi bắn một người thò đầu ra khỏi cửa.” Cựu Thiếu Tướng Không Quân Charlie Dunlap, hiện là giáo sư trường đại học luật khoa Duke University, giải thích: “Ở trong một chỗ hẹp và chắc chắn là có thù địch như thế, các biệt kích SEAL cần phải bảo vệ an ninh cho họ để hoàn thành sứ mạng.” Ông cũng nói thêm rằng bắn Osama bin Laden sau khi đã bị hạ cũng là một việc hữu lý để tránh việc một kẻ khủng bố vớ lấy vũ khí bắn trả hoặc nổ bom tự sát.”
Một chi tiết khác trong sách có thể không hoàn toàn phù hợp với trình bày chính thức của các giới chức Hoa Kỳ là thi hài Osama bin Laden được đối xử với sự tôn trọng trước khi tống táng ngoài biển với đầy đủ nghi thức Hồi Giáo. Ông Bissonnette viết là trên trực thăng rời khỏi căn nhà ở Abbottabad, một biệt kích đã ngồi lên xác Osama bin Laden đặt giữa sàn và phía dưới chân tác giả.
Ðây là việc bình thường vì các quân nhân Mỹ đôi khi cũng ngồi lên xác đồng đội trên trực thăng chật cứng người. Vì một trực thăng của biệt kích đã bị rớt ngay khi đáp xuống, hơn 20 biệt kích chỉ còn lại một trực thăng để rời khỏi Pakistan trở về tới Afghanistan mới có một trực thăng thứ ba chờ sẵn. Xác Osama bin Laden đến lúc đó được chuyển sang trực thăng này và đưa ra hàng không mẫu hạm Carl Vinson chờ ngoài biển Á Rập.
Ông Bissonnette cũng cho biết thêm rằng không có biệt kích SEAL nào thuộc đơn vị tên Team SIX của ông là người đặc biệt ngưỡng mộ Tổng Thống Obama, nhưng họ tôn trọng ông với tư cách là tổng tư lệnh quân đội và đã chấp thuận cho tiến hành chiến dịch tiêu diệt Osama bin Laden. Do danh tánh của mình bị tiết lộ, ông Bissonnette hiện nay sẽ phải chịu sự đe dọa nguy hiểm đến sinh mạng. Những trang web của al Qaeda và các nhóm Jihad đã đưa hình của tác giả “No Easy Day” lên và kêu gọi ám sát ông.
Một đe dọa khác cho tác giả Bissonnette là ông có thể bị truy tố hình sự về tội tiết lộ bí mật quốc phòng. Ngũ Giác Ðài hôm Thứ Tư cho biết đang duyệt xét cuốn sách vì tác giả không xin phép trước các giới an ninh theo đúng quy định cho những trường hợp có những thông tin mật trong nội dung. Phát ngôn viên Bryan Whitman nói với phóng viên hãng thông tấn Reuters rằng: “Chúng tôi đã có một bản của cuốn sách, đang xem xét và có thể cho mở cuộc điều tra nếu thấy cần.”
Theo lời các giới chức quân sự và CIA, thủ tục pháp lý có thể được thi hành với những ai tiết lộ những thông tin nhạy cảm có thể phương hại tới đồng đội hay đơn vị bạn. Trong cuốn “No Easy Day” cũng có nói đến việc huấn luyện của biệt kích SEAL cho những sứ mạng đặc biệt. Tuy nhiên, trong một văn thư gởi đến AP, ông Bissonnnette xác định là ông “không tiết lộ những tài liệu mật hay thông tin nhạy cảm nào có hại đến an ninh quốc gia trong bất cứ lãnh vực nào.”
Có tin đồn là sách sẽ được viết thành kịch bản để làm phim điện ảnh hay truyền hình, nhưng cho đến nay, tin này chưa được xác nhận. Một đại diện của đạo diễn và nhà làm phim Steven Spielberg hôm Thứ Tư cho biết: “Ông Spielberg cũng như DreamWorks Studio hay DreamWorks Television chưa có dự án này.”
Thứ Tư, 22 tháng 8, 2012
Bắt 'bầu Kiên,' chứng khoán hỗn loạn, mất $1.7 tỷ trong một ngày
VIỆT NAM (NV) -Thị trường chứng khoán tại Việt Nam đã tuột dốc thê thảm và mất hơn $1.7 tỷ trong ngày 21 tháng 8, sau khi ông Nguyễn Ðức Kiên (tức bầu Kiên), một ông trùm trong ngành ngân hàng ở Việt Nam bị bắt.
Nguyễn Ðức Kiên, hình chụp trước khi bị bắt 1 ngày. (Hình: AFP/Getty Images)
|
Ông Nguyễn Ðức Kiên, 48 tuổi, là sáng lập viên và cổ đông lớn của Ngân Hàng Thương Mại Á Châu, gọi tắt là ACB, và nhiều ngân hàng khác như Kienlong Bank, Eximbank, Techcombank, Sacombank, Vietbank... bị công an bắt giam vào tối 20 tháng 8 năm 2012.
Ông Kiên đồng thời là người có cổ phần và làm chủ trong nhiều công ty kinh doanh thể thao tại Việt Nam, cụ thể là phó chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam gọi tắt là VPF hay chủ tịch Câu Lạc Bộ Bóng Ðá Hà Nội.
Chưa hết, ông này cũng là thành viên Hội Ðồng Quản Trị của các công ty liên doanh như Caltex, KFC, Du lịch Chợ Lớn, Thiên Minh - sở hữu hệ thống khách sạn Victoria...
* Thị trường chứng khoán hỗn loạn
Tin về việc bắt giữ ông Nguyễn Ðức Kiên gây rúng động dư luận tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng đang có dấu hiệu hỗn loạn.
Giá chứng khoán ở Hà Nội lẫn Sài Gòn đều tuột dốc thảm hại. Tổng cộng, thị trường chứng khoán Việt Nam trong ngày 20 tháng 8 mất khoảng 35,600 tỷ đồng, tương đương khoảng hơn $1.7 tỷ.
Báo Infornet còn cho rằng ông bầu Kiên được xếp hạng thứ 14 trong 100 người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, đang nắm trong tay số cổ phiếu trị giá 760 tỉ đồng, tương đương $32 triệu.
Infornet cũng cho hay, sáng ngày 20 tháng 8, tin ông bầu Kiên bị bắt đã gây nên làn sóng bán đổ bán tháo chứng khoán tại Hà Nội lẫn Sài Gòn. Ít nhất bảy loại chứng khoán của hệ thống ngân hàng thương mại, trong đó có Vietcombank đều không có người mua. Giá chứng khoán ACB sụt 5% nhưng cũng không có người mua.
Trong khi đó theo báo Dân Trí, riêng gia đình ông Nguyễn Ðức Kiên nắm giữ gần 50 triệu cổ phiếu ACB. Chỉ nội trong một ngày 21 tháng 8, trị giá này bị bốc hơi ít nhất 164 tỉ đồng, tương đương $8,200,000.
Theo báo Dân Việt, “Ngoài ACB, ông Kiên còn đầu tư vào nhiều tổ chức tín dụng khác. Do vậy, trong bối cảnh thị trường lao dốc trong ngày hôm nay, lượng tài sản hao hụt của bầu Kiên không chỉ dừng lại ở con số trên.”
Trong khi đó, để trấn an dân chúng, thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước CSVN đã tuyên bố rằng “có đủ thanh khoản để thanh toán cho khách hàng muốn rút tiền” tại ngân hàng ACB.
Tin của VNExpress cho biết, sáng ngày 22 tháng 8, ACB đã ra lệnh tạm ngưng giải ngân các khoản cho khách hàng vay vì sợ tình trạng rút tiền ồ ạt trong cơn hoảng loạn. Chiều ngày này, ACB mới bắt đầu giải ngân nhỏ giọt cho một số ít khách hàng.
Cũng theo VNExpress, Tổng Giám Ðốc ACB Lý Xuân Hải cũng đã bị công an Hà Nội mời đến lấy lời khai có liên quan đến ông Nguyễn Ðức Kiên. Ông Phó Tổng Giám Ðốc Nguyễn Thanh Toại hiện diện tại đồn công an thay ông Lý Xuân Hải lập tức cam kết rằng việc ông Kiên bị bắt không ảnh hưởng đến hoạt động của ACB.
Báo Lao Ðộng dẫn lời tuyên bố của ông Nguyễn Thanh Toại cho rằng ông Kiên chỉ giữ một số cổ phiếu không đáng kể, chưa tới 5% của ACB. Ông này cũng cho rằng hoạt động ACB vẫn bình thường sau khi ông Kiên bị bắt vì ông nọ không tham gia hoạt động quản trị, điều hành ACB lâu nay.
* Vì sao bầu Kiên bị bắt?
Một câu hỏi được đặt ra là ông Nguyễn Ðức Kiên bị bắt vì tội gì? Một cách chính thức, truyền thông tại Việt Nam dẫn lời cơ quan điều tra của Bộ Công An nói rằng “ông Nguyễn Ðức Kiên bị bắt giữ để điều tra về một số sai phạm liên quan đến hoạt động kinh tế của ông này.”
Bộ Công An cộng sản Việt Nam cho biết đã ra lệnh bắt ông Kiên vì có đơn tố cáo “kinh doanh trái phép” tại ba công ty do ông làm chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị là Công ty Cổ phần Ðầu tư Thương mại B&B, Công ty Cổ phần Ðầu tư ACB Hà Nội và Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Ðầu tư Tài chính Á Châu Hà Nội.
Tuy nhiên, thông tin từ các trang mạng không chính thức tại Việt Nam cho rằng, Nguyễn Ðức Kiên đã và đang thao túng không chỉ thị trường tín dụng của một số ngân hàng thương mại và thao túng cả hệ thống chính trị.
Người ta con nhớ, ông Kiên cũng từng là một trong 4 đại gia giàu nhất Việt Nam đã có buổi ăn tối “lobby” với Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng tại một khách sạn ở Hà Nội, mà báo 'Thể Thao 24h' loan tin vào ngày 13 tháng 1, 2012, rồi sau đó phải làm một bản “Cải Chính” để xin “chịu mọi hình thức kỷ luật.”
Nhiều bằng chứng cho thấy ông Nguyễn Ðức Kiên có quan hệ mật thiết với các nhân vật cao cấp trong ngành công an Việt Nam.
Hồi tháng 12 năm ngoái, báo chí Việt Nam loan tin Thượng Tướng Nguyễn Văn Hưởng, nguyên thứ trưởng Bộ Công An, đã nhận lời làm cố vấn an ninh cho Công ty Cổ phần Bóng đá Việt Nam (VPF), mà công ty này do Nguyễn Ðức Kiên làm phó chủ tịch HÐQT.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, 66 tuổi, được coi là “trùm an ninh,” hiện đang giữ vai trò chính thức là phái viên tư vấn Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng về an ninh và tôn giáo.
Ngôi biệt thự của ông Nguyễn Ðức Kiên tại Hà Nội, nơi ông bị bắt, xét nhà, tịch thu một số tài liệu. (Hình: Báo Lao Ðộng) |
Trước tin Nguyễn Ðức Kiên bị bắt, nhà báo Huy Ðức bình luận trên trang Facebook cá nhân: “Cứ mỗi lần bầu Kiên dính tới pháp luật, anh ấy lại quen được một sếp to hơn. Lần này có lẽ tại anh ấy đã quen tới kịch đường rày rồi nên phải vô khám.”
Trong khi đó, nhà văn Thùy Linh, một blogger có tiếng viết: “Bầu Kiên bị bắt. Gần như những gì đọc được ở các comment là thái độ vui mừng, hân hoan. Cũng dễ hiểu khi người ta chờ đợi quá lâu cho sự trả giá những tai ương mà đám lợi ích nhóm, nhưng băng đảng, bố già mafia đang điều khiển mọi hoạt động của xã hội bởi sự bảo kê của quyền lực quá lâu. Nhiều người đồn đoán về sự thay đổi đang đến (?).Những ngột ngạt, khổ sở, bất minh, bất công... nhiều chục năm qua khiến ai cũng mong có sự thay đổi.”
Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2012
Chứng nhân nhà tù ‘Cổng Trời’ Kiều Duy Vĩnh qua đời
Lời tòa soạn DĐTK
Vào những năm cuối của thập niên 1990, tạp chí Thế Kỷ 21 đã có đăng một số các hồi ký tù đày của ông Kiều Duy Vĩnh, được chuyển một cách đặc biệt từ Việt Nam đến tòa soạn tại Little Saigon, Nam California. Đây là những văn liệu hiếm hoi mô tả bộ mặt thực ghê rợn của chế độ lao tù tại miền Bắc trước năm 1975 được hé lộ qua những bài ký xác thực với lối viết bình dị nhưng rất lôi cuốn.
Một số năm sau Tòa soạn Thế Kỷ 21 lại có cơ hội gặp gỡ ông Kiều Duy Vĩnh trong chuyến Mỹ du của ông, nhờ đó quan hệ giữa người cộng tác và tờ báo trở nên cụ thể và khắn khít hơn.
Được tin ông qua đời, những người bạn cũ đã từng quen biết ông tại Việt Nam cũng như tại Hoa Kỳ: Đinh Xuân Quân, Kiều Quang Chẩn, Phạm Phú Minh xin thành kính gửi lời chia buồn cùng tang quyến và cầu chúc linh hồn ông được sớm an nghỉ nơi nước Chúa.
Mời bạn đọc theo dõi dưới đây bài viết của báo Người Việt khi hay tin ông Kiều Duy Vĩnh qua đời.
*
HÀ NỘI (NV) - Ông Kiều Duy Vĩnh, một trong những tù nhân nhân chứng của nhiều nhà tù nổi tiếng “địa ngục trần gian” trong chế độ Cộng Sản, vừa mới qua đời.
Cha Ða Minh Vũ Quang Mỹ, chính xứ Tư Ðình, đang trao nến sáng cho ông Vĩnh. (Hình: Nữ Vương Công Lý)
“Gia đình thân tộc, bạn bè vừa cho biết tin ông Phao lô Kiều Duy Vĩnh đã được Chúa gọi về lúc 4 giờ chiều ngày Thứ Bảy ngày 7 tháng 7 năm 2012. Thánh lễ an táng cử hành lúc 10 giờ sáng nay 9 tháng 7, 2012 tại nhà thờ giáo họ Ngọc Lâm. Thánh lễ an táng do Linh Mục Ða Minh Vũ Quang Mỹ chủ sự.”
Bản tin của Nữ Vương Công Lý hôm Thứ Hai 9/7 cho hay như vậy.
Ông Kiều Duy Vĩnh, 81 tuổi, cựu học sinh Bưởi-Chu Văn An, cùng một khóa Võ Bị Ðà Lạt với ông Nguyễn Cao Kỳ. Khi đất nước chia hai năm 1954, ông là đại úy tiểu đoàn trưởng nhảy dù có nhiều chiến công nhưng đã quyết định ở lại miền Bắc vì vấn đề gia đình. Cha ông bị đấu tố, tử hình vì bị quy cho tội địa chủ. Còn ông thì bị đi tù ít nhất hai lần chính thức, tổng cộng 17 năm.
Nếu ông theo đơn vị di cư vào Nam, có thể quân đội VNCH đã có một tướng lãnh tên Kiều Duy Vĩnh.
Các năm tù đày được ông kể lại trong các hồi ký (phần lớn đăng tải trên tạp chí Thế Kỷ 21 nhiều năm trước) viết khá vắn tắt nhưng những ai đọc khó tránh khỏi xúc động. Sự độc ác dã man đến cực độ của bọn cai tù Cộng Sản, sự can đảm cực độ của các tù nhân dù là giáo dân cho đến tu sĩ, linh mục Công Giáo mà ông gọi là các “thánh tử đạo” được ông kể lại trong các hồi ký với sự ngưỡng phục.
![]() |
Thủ bút của tác giả Kiều Duy Vĩnh trong bản thảo gửi cho tòa soạn Thế Kỷ 21 vào năm 1998. |
Một số hồi ký của ông có thể đọc trên www.vantuyen.net như “Cuộc tuyệt thực”, “Tết ở trại Cổng Trời”, “Ðức Thánh Tử Vì Ðạo thứ hai mà tôi được gặp”. Hồi ký “Cổng trời Cắn Tỷ” có thể tìm thấy trên net khi tra qua mạng tìm kiếm Google.
Suốt những năm tù, đặc biệt là tại nhà tù Cổng Trời (tỉnh Hà Giang), ông có dịp ở tù chung với một số linh mục, tu sĩ Công Giáo như cha Chính Vinh (cha xứ nhà thờ chính tòa Hà Nội), tu sĩ Ðỗ Bá Lung. Ông kể lại những tháng năm kinh hoàng này trong hồi ký “Cổng trời Cắn Tỷ”.
Ông đã viết về những bạn tù Công Giáo bằng những lời lẽ đầy thán phục: “Tôi đã thật sự gặp các vị thánh tử vì đạo. Các vị thánh tử vì đạo bằng xương bằng thịt sống cạnh tôi nhiều năm... Tôi vốn xa lạ với các tên Phêrô, Phaolồ và Mađalena. Nhưng cái tên Ðỗ Bá Lung thì cho đến hết đời tôi không thể nào quên được”.
Ở một giai đoạn ông bị giam ở Cổng Trời, ông kể rằng ông và ông Nguyễn Hữu Ðang (người tù trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm) là hai người duy nhất sống sót trong số 72 tù nhân. Lý do sống sót được ông kể lại: “Tôi sở dĩ sống sót là vì tôi không phải là người theo đạo. Nếu tôi mà đeo Thánh giá ở ngực và biết câu kinh thì tôi phải chết đã lâu rồi”.
Ông đã chứng kiến cái chết của tu sĩ Ðỗ Bá Lung, được hai tù nhân bó chiếu khiêng đi chôn nhưng mấy ngày sau thì trở về trình diện quản giáo. (T.N.)
Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012
Vũ Quí Hạo Nhiên - Cha chung, mọi người khóc: Elinor Ostrom và bài toán lạm dụng tài nguyên
Vũ Quí Hạo Nhiên/Người Việt
Giáo sư chính trị học Elinor Ostrom (1933-2012), Nobel Kinh Tế 2009. (Hình: Indiana University via Getty Images)
Tiến Sĩ Elinor Ostrom, người phụ nữ đầu tiên và duy nhất đoạt giải Nobel Kinh Tế, qua đời hôm 12 tháng 3, thọ 78 tuổi. Bà được giải Nobel Kinh Tế năm 2009, sau cả một đời nghiên cứu cách bảo vệ tài nguyên của chung sao cho không bị lạm dụng, không bị dùng quá trớn, bào mòn tới nỗi bị mất luôn.
Tuy chiếm giải Nobel Kinh Tế, nhưng bà Ostrom không phải là một nhà kinh tế học. Bà đậu cử nhân, cao học, và tiến sĩ đại học UCLA không phải trong ngành kinh tế, mà trong ngành chính trị học.
Hầu hết công trình nghiên cứu của bà đều được thực hiện trong thời gian bà dạy tại đại học Indiana University, cũng không phải trong khoa kinh tế, mà trong khoa chính trị.
Ðiều này thật ra không có gì lạ. Không lạ, vì kinh tế học không còn là một ngành riêng lẻ dành riêng cho những người muốn làm kinh tế nữa, mà kinh tế học đã lấn vào hầu hết các ngành khoa học xã hội. Phương pháp luận của kinh tế là một phương pháp luận căn bản hầu như bất kỳ một nhà khoa học xã hội nào cũng phải biết. Và khi một nhà chính trị học, như Tiến Sĩ Ostrom, dùng phương pháp của kinh tế để giải quyết vấn đề tài nguyên dùng chung, thì công trình đó trở thành một công trình kinh tế học.
Bài toán quen thuộc
Vấn đề Tiến Sĩ Ostrom nghiên cứu là một vấn đề khá quen thuộc với người Việt Nam. Tại sao phòng vệ sinh ký túc xá lại rất dơ? Tại sao đường sá Việt Nam xả đầy rác?
Tại sao di tích lịch sử cứ bị phá hỏng không ai chăm sóc? Tại sao ngành du lịch làm ăn chụp giựt không màng tới tiếng xấu cho đất nước? V.v. và v.v.
Người Việt Nam mình gọi những vụ này bằng thành ngữ “cha chung không ai khóc.” Hoặc là “nhiều sãi không ai đóng cửa chùa.” Ðó là những câu miêu tả tình trạng này, nhưng chưa phải là giải pháp.
Trong kinh tế, tình trạng này mang tên gọi “tragedy of the commons,” tạm dịch là “thảm kịch của tài nguyên dùng chung,” theo tựa của bài nghiên cứu của nhà môi trường học Garrett Hardin, in trong tạp chí Science năm 1968. (Hiện tượng một bài nghiên cứu môi trường, do một tiến sĩ vi sinh học viết ra, lại trở thành một bài kinh điển cho giới kinh tế, một lần nữa cho thấy kinh tế học không phải là một ốc đảo.)
Thế thì “tragedy of the commons” là gì? Tôi có lần nghe phỏng vấn Tiến Sĩ Ostrom trên radio, thì bà tóm tắt công trình nghiên cứu cả đời của bà, là biến “tragedy of the commons” - thảm kịch của tài nguyên dùng chung, thành “problem of the commons” - một bài toán, một vấn đề, có giải pháp, chứ không phải là thảm kịch để ngồi khóc lóc than thở với nhau.
Thí dụ tiêu biểu của “tragedy of the commons” (mỗi vấn đề trong kinh tế học thường có một thí dụ tiêu biểu) là một đồng cỏ chăn bò.
Thảm kịch đồng cỏ tàn phế
Hardin miêu tả một cánh đồng cỏ không thuộc chủ nào hết, bên ngoài một ngôi làng. Một nhà nông đem 2-3 con bò ra ăn cỏ, thì không sao, vì cỏ sẽ mọc lại. Cả làng mỗi nhà mang 2-3 con, cũng chưa sao. Trong đó nếu lỡ có một nhà thả 10 con ra, cũng vẫn chưa sao, cỏ vẫn còn mọc lại được.
Nhưng nếu ai ai cũng mang 10, 20, 30 con bò thả ra đồng cho nó tự ăn tự lớn để bán lấy tiền làm giàu, nếu ai ai cũng lùa thật nhiều bò vào ăn trong cánh đồng đấy, rồi ra cỏ sẽ chết hết, chết cả gốc rễ luôn.
Và thế là hết cỏ. Mà hết cỏ thì cũng hết cả chăn bò.
Cái tối ưu của mỗi người, khi cộng lại, sẽ không còn là mức tối ưu của chung. (Người quen thuộc với toán sẽ nhận ra là điểm cân bằng Nash của trò chơi này là điểm không tối ưu.)
Ðó là thảm kịch.
Thảm kịch này đã xảy ra thật trong đời sống. Cụ thể nhất là trong ngành đánh cá. Có những nguồn cá bị đánh cạn kiệt, chỉ vì mỗi người đều cố gắng đánh cho được càng nhiều cá càng tốt, không cần biết có quá mức sinh đẻ của cá hay không. Nếu lỡ vùng biển nào bị cạn nguồn cá thì, không sao, ta đi qua vùng biển khác, tiếp tục vắt cho hết!
Vậy phải làm sao? Các nhà kinh tế đưa ra hai giải pháp.
Một giải pháp, có thể xem như là giải pháp của “cánh tả,” là một chính quyền nào đó đứng ra đánh thuế, hoặc quản lý đồng cỏ này, định giới hạn số bò được vào. Có giới hạn, đồng cỏ sẽ không bị gặm tới chết.
Giải pháp thứ nhì, có thể xem như giải pháp “cánh hữu,” là đem chia lô bán đấu giá đồng cỏ đó. Tư nhân mỗi người được một miếng, rồi tự lo mà giới hạn để năm sau mình còn cỏ mà cho bò ăn. (Ron Coase, Nobel Kinh Tế 1991, là người cổ động giải pháp này.)
Cả hai giải pháp đều có vấn đề. Giải pháp “tả khuynh” kiểu Pigou có vấn đề là tin tưởng vào một nhà nước anh minh sẽ đưa ra đáp số tối ưu - trong khi nhà nước tự nó cũng có sự ích kỷ của nó, lo cho quyền lợi riêng của nhà nước thay vì quyền lợi chung. Có cả một ngành kinh tế, gọi là public choice theory, để phân tích sự ích kỷ của nhà nước dẫn đến những giải pháp dưới tối ưu như thế nào. (Tiến Sĩ Ostrom cũng đóng góp đáng kể trong public choice theory.)
(Tôi cũng nhận xét thêm là ở mặt này người Việt Nam mình rất tả khuynh. Mỗi khi có vấn đề gì, là báo lề phải sẽ có những bài viết hay thư độc giả “mong sao nhà nước sẽ có giải pháp X, Y, Z,” và các blog lề trái thế nào cũng có người chỉ trích nhà nước là không chịu áp đặt giải pháp X, Y, Z.)
Giải pháp hữu khuynh cũng yếu. Chính Coase cũng nhận ra rằng chia một mảng tài nguyên lớn thành nhiều mảng nhỏ sẽ tăng chi phí giao dịch giữa những lô đất đó với nhau hoặc giữa người có đất và người ngoài. Ngoài ra, có khi mảng tài nguyên đó không phân lô được, hoặc không thể phân lô được cho công bằng.
Giải pháp thứ ba
Tiến Sĩ Ostrom đưa ra thí dụ một đồng cỏ không phân chia được. Tưởng tượng một ngôi làng ở miền núi Châu Âu, người ta canh tác ở chân núi còn phần đồng cỏ trên cao, không phải của riêng ai, thì người ta thả bò trên đó.
Cỏ ở đó, mọc không đều. Cỏ mọc nhiều ít trong mùa Xuân, là tùy tuyết mùa Ðông thế nào. Trên núi đó, tuyết rơi không đều, nên vào mùa Xuân cỏ mọc cũng không đều. Có năm thì phía bên này cỏ xanh rậm rạp phía bên kia thưa thớt. Có năm thì ngược lại.
Vì vậy giải pháp của cánh hữu chia lô mỏm núi không thực hiện được. Chia lô ra sẽ dẫn đến tình trạng có bên bò no và dư cỏ, có bên bò thiếu cỏ bị đói.
Cái làng đó chính là nguồn cho giải pháp của Tiến Sĩ Ostrom. Cái làng đó có thật, có tên: Làng Törbel, ở Thụy Sĩ.
Ở đây, họ có luật của làng, là không cho phép thả bò ăn cỏ nhiều hơn số bò có thể nuôi được (trong chuồng) vào mùa Ðông. Bỏ qua lý do tại sao luật này tối ưu (và nó đã tối ưu từ năm 1517 tới nay!) sáng kiến của bà Ostrom là nhận ra chân lý này:
Vấn đề của tài nguyên dùng chung có thể giải quyết được qua sự thỏa thuận giữa những người dùng tài nguyên đó với nhau!
Ngoài ngôi làng Törbel ở Thụy Sĩ ra, bà Ostrom còn tìm ra hàng trăm thí dụ khác khắp thế giới, khi người sử dụng tài nguyên, tại địa phương, tự tìm ra giải pháp.
Tức là, trong khi giới kinh tế từng tưởng rằng chỉ có hai giải pháp ở hai cực tả và hữu - hoặc là nhà nước phải nhúng tay vào điều khiển từ xa, hoặc là tài nguyên đó phải xé ra cho tư nhân - thì có một giải pháp thứ ba: Giải quyết tại địa phương. Cái làng Törbel ấy, họ tự giải quyết với nhau, không cần chi tới nhà nước ở Bern xía vào.
Tự xài tự xử
Tự giải quyết với nhau à? Dễ nhỉ. Dễ thế mà cũng Nobel sao?
À. Nếu nghĩ thêm một bước nữa, mới thấy phát hiện này không phải là tầm thường đâu. Vì bình thường, nếu bảo, ai xài người đó tự giải quyết với nhau, thì rất nhiều người trong chúng ta sẽ giẫy nảy lên vì cho đó là vô lý, là vừa đá bóng vừa thổi còi.
Chính điều đó là phát hiện của Ostrom: Những kẻ đá bóng này không thể thổi còi bậy được, vì họ còn phải tiếp tục đá với nhau nữa, hết trận này qua trận khác. Khác với hai đội chuyên nghiệp cần có trọng tài, trẻ em trong xóm khi đá với nhau toàn tự thổi còi đấy thôi!
Làng Törbel, Thụy Sĩ, nhìn từ mỏm núi đối diện. (Hình: Wandervogel/Wikipedia/Creative Common)
Phát hiện của Ostrom cũng chứng minh thành ngữ của Việt Nam là sai. “Cha chung không ai khóc” ư? Có ai đã từng đi đám ma của ông nào đông con mà không con nào khóc đâu? Thực tế là càng đông con càng nhiều đứa khóc và càng dễ làm đám ma to. “Nhiều sãi không ai đóng cửa chùa”? Cũng sai nốt. Nhiều sãi thì cứ phân công đóng cửa chùa thôi!
Trong công trình “Governing the Commons” in năm 1990, Tiến Sĩ Ostrom trình bày kết quả khảo sát thực địa ở khắp năm châu, và rút ra danh sách 8 điểm cần có để giải pháp địa phương thực hiện được. Nhìn vào danh sách này, người quen thuộc với phương pháp kinh tế học sẽ nhận ra nhiều khó khăn được giải quyết, như property rights, externalities, free-rider, one-shot game, transaction cost,...
1. Tài nguyên dùng chung phải được phân vùng rõ rệt, để loại bỏ người ngoài nhào vô mà không tuân thủ luật của nhóm.
2. Luật của nhóm phải cân bằng giữa tài nguyên rút ra và cống hiến bỏ vào, như bỏ tiền, bỏ công...
3. Người bị ép tuân thủ luật của nhóm, phải có tiếng nói trong việc lập ra và thay đổi luật này.
4. Phải có người theo dõi sự tuân thủ để tránh gian lận.
5. Phải có luật phạt vi phạm, và mức phạt phải tăng dần. Và ở đây, Tiến Sĩ Ostrom chỉ ra điều cơ bản của vấn đề, là không cần một nhà nước ở xa mà chính những người sử dụng tài nguyên tự bảo đảm sự tuân thủ bằng những mức phạt này.
6. Tranh chấp phải giải quyết được ở mức địa phương, với phí tổn thấp về tiền bạc, nhân sự, thời gian. Ðiều này giảm thiểu chi phí giao dịch.
7. Chính quyền bên ngoài phải tôn trọng quyền tự quyết của địa phương. Cái này tiếng Việt gọi là phép vua thua lệ làng. Không chỉ để tránh những giải pháp dưới tối ưu do “xuân từ trong Huế đưa ra,” mà điều này còn tránh cho những kẻ muốn lách luật của nhóm không thể chạy ra trung ương kiếm ông nào ô kê cho mình làm bậy.
8. “Nested enterprises” - phải có nhiều tầng quy tắc cho từng tầng tài nguyên. Ostrom lấy thí dụ ở Philippines: Kênh đào có nhiều cấp, có kênh chính, kênh nhỏ tách ra từ kênh chính, và trên đó thì có hệ thống chung của tất cả các công trình thủy lợi. Thì luật ở kênh nhỏ, là kênh cuối cùng đổ vào ruộng, phải khác luật ở kênh chính - đổ vào các kênh nhỏ. Và cả hai cùng phải khác luật của cả hệ thống dẫn thủy nhập điền.
Và nhìn vào danh sách này, một người không cần quen thuộc với phương pháp kinh tế cũng nhận ra là nó có dáng dấp của cái gì đó rất là thượng tôn pháp luật, rất là bảo vệ quyền tư hữu, rất là tư pháp độc lập, rất là địa phương tự trị, rất là tôn trọng cử tri.
Nói chung là rất là dân chủ.
Thứ Ba, 3 tháng 1, 2012
Câu chuyện của Đô Đốc William McRaven, người chỉ huy hạ sát Bin Laden
Văn Giang/Người Việt (lược dịch từ TIME)
Một ngày giữa Tháng Bảy năm 2001, chỉ gần hai tháng trước khi cả thế giới nghe nói đến tên Osama bin Laden, Hải Quân Ðại Tá McRaven, khi đó 45 tuổi, chỉ huy một toán Hải Kích (SEAL) nhảy dù thực tập gần San Diego.
Ðô Ðốc William McRaven, người chỉ huy vụ đột kích hạ sát trùm khủng bố Osama bin Laden. (Hình: Win McNamee/Getty Images) |
Tai nạn
Các Hải Kích này rơi tự do từ phi cơ ở độ cao 10,000 feet (khoảng 3,048 m), chỉ mở dù khi gần đến đất để tránh khả năng bị phát giác khi thực sự nhảy vào vùng địch. Khi họ gần đến giai đoạn mở dù, một trong những quân nhân dưới quyền Ðại Tá McRaven dạt ngay vào phía dưới ông ta.
Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011
Nhà thơ Hà Thượng Nhân đã ra đi
Người Việt News
![]() |
Di ảnh nhà thơ Hà Thượng Nhân. (Hình: Võ Thạnh Văn) |
QUẬN CAM 11-10 (NV) – Nhà thơ Hà Thượng Nhân, tức Trung tá Phạm Xuân Ninh, nguyên Chủ nhiệm Nhật báo Tiền Tuyến của Tổng cục Chiến Tranh Chính Trị, QLVNCH, đã từ trần tại San Jose, Califonia lúc 7 giờ 45 phút chiều Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011, thọ 91 tuổi.
Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011
Chất độc tràn ra từ mỏ khai thác Bauxite Lâm Ðồng
(Nguồn: Người Việt)
LÂM ÐỒNG (TH) - Chỉ sau 6 tháng hoạt động, mỏ khai thác bauxite lộ thiên Tân Rai thuộc huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Ðồng đã gây chấn động dư luận vì để hóa chất rò rỉ từ bể trộn, chảy lan ra ngoài làm ngập 200 ha đất chung quanh.
Chất xút ăn da theo nước mưa thấm xuống đất, tràn lan ra ngoài. (Hình: Bee.net.vn)
Báo mạng “Bee.net.vn” tiết lộ tin này hồi 4 giờ 45 chiều ngày 22 tháng 9 cho hay, bể trộn có chứa “xút ăn da” - một loại hóa chất rất độc, tại tổ hợp bauxite Tân Rai bị ăn mòn nhiều chỗ, tạo ra các khe hở không biết từ lúc nào. Xút và các loại hóa chất độc khác thấm xuống mặt đất và theo nước mưa tràn ra ngoài làm ngập ít nhất 200 ha đất chung quanh.
Thứ Tư, 21 tháng 9, 2011
HỒ SƠ WIKILEAKS (13): Ðàn áp tu viện Bát Nhã thành công, nhưng thiệt hại uy tín
Nam Phương/Người Việt
Vụ đàn áp tu viện Bát Nhã/Làng Mai ở tỉnh Lâm Ðồng năm 2009 được đoàn ngoại giao Mỹ theo dõi sát và thường xuyên đối thoại với phía Việt Nam về vụ này, công điện do Wikileaks tiết lộ ra cho thấy.
Tăng ni Bát Nhã tụng niệm sau khi bị đuổi ra khỏi chùa. (Hình tư liệu)
Chỉ nội trong số công điện bị Wikileaks lấy được, đã có 4 công điện tường trình trực tiếp vụ Bát Nhã: Ba công điện từ tòa đại sứ Mỹ ở Hà Nội vào các ngày 29 tháng 9, 2009; ngày 18 tháng 12, 2009; ngày 15 tháng 1, 2010; và một công điện ngày 3 tháng 12, 2009 của Tòa Tổng Lãnh Sự Mỹ ở Sài Gòn.
Thứ Ba, 6 tháng 9, 2011
Thanh thiếu niên hư hỏng nhiều vì giáo dục?
T.N./Người Việt News
Các vụ án mạng rùng rợn mà sát thủ thuộc “thế hệ 9x” xảy ra liên tiếp làm dư luận người Việt trong nước bàng hoàng.
Nạn nhân bị cậu bé 16 tuổi đâm chết không gớm tay tại Gia Lai. (Hình: Báo Người Lao Ðộng)
Vụ mới nhất vừa diễn ra lúc 4 giờ rưỡi chiều ngày 3 tháng 9 mà hung thủ là một học sinh lớp 10 trường trung học Lê Hoàn, thuộc thị trấn Chư Ty, huyện Ðức Cơ, tỉnh Gia Lai.
Thứ Ba, 16 tháng 8, 2011
Băng đảng Anh rập khuôn băng đảng Mỹ
Shawn Pogatchnik/AP
Chuyển ngữ: Triệu Phong/Người Việt
BIRMINGHAM, Anh Quốc (AP) - The Burger Bar Boys, The Cash hay Slash Money Crew, The Bang Bang Gang, những tên nghe như trong tiểu thuyết nhưng thực tế đó chính là tên của những băng đảng ở Birmingham, những đạo quân hoạt động trong bóng tối và cũng là đầu tàu của các cuộc bạo loạn tệ hại nhất trong suốt một thế hệ ở nước Anh.
Thanh niên trộm hàng từ bên trong một tiệm điện tử bị đập phá ở Birmingham, Anh. Thủ Tướng Anh David Cameron khẳng định băng đảng là yếu tố đằng sau vụ bạo loạn và mời cố vấn chuyên về băng đảng Mỹ qua giúp. (Hình: AP Photo/David Jones/PA Wire)
Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2011
Trung Quốc gia tăng trấn áp đối lập
V. Giang / Người Việt News
Chen Guangcheng trên danh nghĩa là một người được trả tự do, nhưng thật khó mà có thể tưởng tượng ra một cuộc sống nào lại thiếu tự do hơn ở Trung Quốc.
Là một trong những nhà tranh đấu nhân quyền nổi tiếng nhất Trung Quốc, ông Cheng bị quản thúc trong nhà 24 giờ mỗi ngày, bởi thành phần công an và những nông dân được thuê mướn và võ trang bằng gậy gộc, gạch đá và máy liên lạc bộ đàm. Những người khách đến thăm ông thường hay bị xô đẩy đuổi đi nơi khác, hoặc có khi còn bị đánh đập. Các đèn pha chiếu sáng rực căn nhà bằng đá nơi thôn dã của ông vào ban đêm.
Chủ Nhật, 13 tháng 2, 2011
Cuộc đồng hành của nước Mỹ với các nhà độc tài
America's Journeys With Strongmen - Scott Shane, NY Times
V.Giang chuyển ngữ
Cuộc cách mạng Hồi Giáo Iran 1979 dẫn đến chính quyền
do giới lãnh đạo tôn giáo nắm quyền. (Hình: APF/Getty Images)
do giới lãnh đạo tôn giáo nắm quyền. (Hình: APF/Getty Images)
Nếu Hoa Kỳ, như nhiều tổng thống nói trong nhiều diễn văn, là quốc gia tranh đấu mạnh mẽ nhất cho dân chủ trên thế giới, thì tại sao những gì xảy ra ở Cairo lại có vẻ quá quen thuộc?
Thứ Bảy, 12 tháng 2, 2011
Phản ứng trong và ngoài Việt Nam về biến cố Ai Cập
Hà Giang/Người Việt
Lê Thị Công Nhân, Hà Nội: (Nữ luật sư, ở tù từ 6/3/2007 đến 6/3/2010 vì đấu tranh dân chủ). Chúc mừng cho nhân dân Ai Cập. Tôi theo dõi thời sự qua báo chí ngoại quốc thì biết ông Tổng Thống Mubarak đã từ chức. Nhân dân Ai Cập đã thành công trong một cuộc đấu tranh cách mạng bất bạo động chỉ trong một thời gian ngắn ngủi.
Thứ Bảy, 8 tháng 1, 2011
Ðại Sứ Michael Michalak tổng kết một nhiệm kỳ
Tiffany Lê/Người Việt
Chuyển ngữ: Triệu Phong/Người Việt
Ðối thoại nhân quyền tiến bộ nhưng còn ‘nhiều dị biệt’
Ngày 20 tháng 1 sắp tới đánh dấu ngày cuối cùng nhiệm kỳ Ðại Sứ Michael W. Michalak tại Việt Nam. Ông nhận nhiệm sở này năm 2007 qua sự bổ nhiệm của TT George W. Bush, và sắp tới đây Tân Ðại Sứ David Shear sẽ đến Hà Nội thay thế ông.
Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2010
Người Việt Online lại bị tin tặc tấn công
Trong hai ngày 30 và 31 tháng 12, trang web của báo Người Việt (www.nguoi-viet.com) bị tin tặc tấn công liên tục khiến trang web bị ngưng hoạt động hoặc bị trở ngại trong nhiều giờ liền.
Đợt tấn công thứ nhất diễn ra rạng sáng 30 tháng 12 và lần thứ hai diễn ra rạng sáng 31 tháng 12.
Trong ngày 30 tháng 12, các kỹ thuật viên của Người Việt Online đã nỗ lực sửa chữa cho đến buổi tối (giờ California) trang web hoạt động lại bình thường, nhưng đến rạng sáng 31 tháng 12 lại bị tấn công một lần nữa.
Theo dấu vết mà tin tặc để lại, những kẻ tấn công lần này vẫn là nhóm ‘Tần Thủy Hoàng’ ( Qin Shi Huang Gr0up).
Thông qua trang mạng ‘Diễn Đàn Thế Kỷ’, Người Việt Online trân trọng gởi thông báo này đến quý độc giả và khách hàng đăng quảng cáo, rao vặt tại Hoa Kỳ cũng như trên thế giới. Chúng tôi mong nhận được sự cảm thông và chia sẻ của quý vị trước khó khăn này.
Hiện nay, khi quý vị vào địa chỉ www.nguoi-viet.com của Người Việt Online trang web sẽ tự động chuyển sang địa chỉ của ‘Diễn Đàn Thế Kỷ’ (http://www.diendantheky.net). Trang web này cũng thuộc công ty báo Người Việt.
Khi sửa chữa hoàn tất, địa chỉ www.nguoi-viet.com của Người Việt Online sẽ trở lại bình thường.
Trân Trọng
Người Việt Online
Đợt tấn công thứ nhất diễn ra rạng sáng 30 tháng 12 và lần thứ hai diễn ra rạng sáng 31 tháng 12.
Dấu vết mà nhóm ‘Tần Thủy Hoàng”
để lại trong lần tấn công Người Việt Online hôm 3 tháng 12, 2010.
để lại trong lần tấn công Người Việt Online hôm 3 tháng 12, 2010.
Trong ngày 30 tháng 12, các kỹ thuật viên của Người Việt Online đã nỗ lực sửa chữa cho đến buổi tối (giờ California) trang web hoạt động lại bình thường, nhưng đến rạng sáng 31 tháng 12 lại bị tấn công một lần nữa.
Theo dấu vết mà tin tặc để lại, những kẻ tấn công lần này vẫn là nhóm ‘Tần Thủy Hoàng’ ( Qin Shi Huang Gr0up).
Thông qua trang mạng ‘Diễn Đàn Thế Kỷ’, Người Việt Online trân trọng gởi thông báo này đến quý độc giả và khách hàng đăng quảng cáo, rao vặt tại Hoa Kỳ cũng như trên thế giới. Chúng tôi mong nhận được sự cảm thông và chia sẻ của quý vị trước khó khăn này.
Hiện nay, khi quý vị vào địa chỉ www.nguoi-viet.com của Người Việt Online trang web sẽ tự động chuyển sang địa chỉ của ‘Diễn Đàn Thế Kỷ’ (http://www.diendantheky.net). Trang web này cũng thuộc công ty báo Người Việt.
Khi sửa chữa hoàn tất, địa chỉ www.nguoi-viet.com của Người Việt Online sẽ trở lại bình thường.
Trân Trọng
Người Việt Online
Thứ Hai, 20 tháng 12, 2010
BƯỚC TIẾN NHẢY VỌT VÀO... NẠN ĐÓI
Lê Phan
(Viết theo International Herald Tribune)
Ðó là tựa đề một bài được Giáo Sư Frank Dikotter của trường Ðông Phương và Phi Châu Học (SOAS) viết trên nhật báo International Herald Tribune (IHT), ấn bản quốc tế của tờ New York Times.
Trong bài báo này Giáo Sư Dikotter đã xác định là chính sách Bước Tiến Nhảy Vọt của ông Mao đã dẫn đến điều được gọi là ‘Trận đói từ năm 1958 đến 1962 ở Trung Quốc’.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)