Hiển thị các bài đăng có nhãn Ngôn Ngữ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Ngôn Ngữ. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 21 tháng 3, 2023

Nguyễn Hải Hoành: Tại sao Việt Nam không bị đồng hóa sau 1000 năm Bắc thuộc?

Dân tộc Việt Nam tồn tại được và không bị đồng hóa sau hơn 1.000 năm chịu sự thống trị của một quốc gia liền kề có nền văn hóa lớn mạnh là nhờ đã phát huy bản lĩnh trí tuệ của mình, thể hiện ở chỗ sáng tạo được biện pháp đọc chữ Hán bằng tiếng Việt, qua đó đã vô hiệu hóa chủ trương đồng hóa ngôn ngữ của các triều đại phong kiến Trung Hoa.

TIẾNG TA CÒN THÌ NƯỚC TA CÒN!

Đồng hóa dân tộc (national assimilation) gồm:

1- Đồng hóa tự nhiên, tức quá trình dân tộc A trong giao tiếp với dân tộc B, do chịu ảnh hưởng lâu dài của B mà A tự nhiên dần dần mất bản sắc của mình, cuối cùng bị B đồng hóa; đây là một xu hướng tự nhiên trong tiến trình lịch sử loài người.

2- Đồng hóa cưỡng chế: sự cưỡng bức một dân tộc nhỏ yếu hơn chấp nhận ngôn ngữ, chữ viết, phong tục, tập quán của một dân tộc lớn mạnh hơn; đây là một tội ác.

Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2023

Nguyễn Hưng Quốc: Nói chuyện ngôn ngữ–Đút vào/Rút ra

Mới đây, đọc báo, không hiểu tại sao, tình cờ tôi lại chú ý đến chữ “đút” trong một câu văn không có gì đặc biệt: “Chị ấy đút vội lá thư vào túi quần...” Từ chữ “đút” ấy, tôi chợt liên tưởng đến chữ “rút”: cả hai từ làm thành một cặp phản nghĩa: đút (vào) / rút (ra). 

Ðiều làm tôi ngạc nhiên là cả hai từ đều có phần vần giống nhau: “-ÚT”. Chúng chỉ khác nhau ở phụ âm đầu mà thôi: một chữ bắt đầu bằng phụ âm “đ-” (đút) và một chữ bằng phụ âm “r- ” (rút). 


Hơn nữa, cả từ “đút” lẫn từ “rút”, tuy phản nghĩa, nhưng lại có một điểm giống nhau: cả hai đều ám chỉ sự di chuyển từ không gian này sang không gian khác. “Ðút” cái gì vào túi hay “rút” cái gì từ túi ra cũng đều là sự chuyển động từ không gian trong túi đến không gian ngoài túi hoặc ngược lại. 


Tôi nghĩ ngay đến những động từ có vần “-ÚT” khác trong tiếng Việt và thấy có khá nhiều từ cũng có nghĩa tương tự. “Hút” là động tác đưa nước hoặc không khí vào miệng. “Mút” cũng là động tác đưa cái gì vào miệng, nhưng khác “hút” ở chỗ vật thể được “mút” thường là cái gì đặc. “Trút” là đổ cái gì xuống. “Vút” là bay từ dưới lên trên. “Cút” là đi từ nơi này đến nơi khác do bị xua đuổi. “Nút” hay “gút” là cái gì chặn lại, phân làm hai không gian khác nhau. “Sút” là tuột, là suy, là giảm so với một điểm chuẩn nào đó. 


Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2022

Lê Hữu: Tiếng Việt, giàu mà không đẹp

Em sẽ kêu anh “Mình ơi!”

Anh sẽ kêu em “Mình ơi!”

Hai đứa kêu nhau “Mình ơi!”

Những câu hát ấy nghe được trong một bài nhạc quen thuộc của nhạc sĩ Minh Kỳ. 

“Mình” là cách xưng hô trìu mến, âu yếm giữa hai người bạn đời, hoặc thân mật giữa bạn bè thân thiết, chẳng hạn, “Mình hiểu cậu hơn là hiểu mình.”

Từ “đi phượt” đến “chạy show”

Đấy là ngày trước, còn bây giờ thì cái “từ” này phổ biến tràn lan. Mới quen biết, mới gặp nhau lần đầu cũng thoải mái xưng hô theo cách ấy.

Nghe được trong một gameshow mai mối, hẹn hò ở trong nước. 

“Mình đã trải qua mấy mối tình rồi?” người dẫn chương trình hỏi chàng trai. 

“Mình có cả thảy ba mối tình,” chàng trai trả lời, “hai chính thức, một đơn phương.” 

Người hỏi gọi đối tượng là “Mình”, người trả lời cũng xưng mình là “Mình”. Khán giả khi được hỏi cho nhận xét, cũng… “Mình” luôn.


Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2022

Lê Hữu: Tiếng Việt, yêu & ghét

(Ảnh: LH)

“Chào mọi người!”

Giả sử bài này bắt đầu bằng câu chào ấy, “Chào mọi người!” Lại giả sử câu tiếp theo là “Mọi người ơi! Hôm nay mình chia sẻ với mọi người về tiếng Việt giàu và đẹp nhé.” 

Nghe lối chào hỏi ấy, có người cho là bình thường vì cách nói năng này khá phổ biến hiện nay, nghe mãi cũng quen tai. Có người nhăn mặt nhíu mày, cho đấy là cách nói kém văn hóa, thiếu tôn trọng người khác vì đánh đồng mọi đối tượng. Già trẻ lớn bé gì cũng “mọi người”, cũng đồng hạng, đồng vai đồng vế, không đẳng cấp thứ bậc chi cả.

“Mọi người”, “cả nhà”, “mình”… là cách gọi, xưng hô ngày càng phổ biến ở trong nước và cả ngoài nước, trong giao tiếp hàng ngày hoặc trên sân khấu của các diễn viên, các MC hay các Youtuber.


Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2021

Nguyễn Đức Tường: Nhân chuyện hành hương thăm mộ Alexandre de Rhodes và vài chuyện khác

Thuở nhỏ học trường tỉnh ở thị xã Hải Dương, tôi thường được thưởng những tờ chuyện tranh kể sự tích các nhân vật lịch sử như Bà Trưng, Bà Triệu, Đại úy Đỗ Hữu Vị - Anh hùng Pháp-Việt, Cố Alexandre de Rhodes, vân vân. Nhờ vậy mà tôi tích được một tập chuyện tranh, quý hóa lắm, cố giữ mãi nhưng rồi cũng mất hết vì chiến tranh. Ngày ấy, những chuyện tranh này chắc phải rất phổ biến, được phát cho học trò trong khắp nước bởi vì, bao nhiêu chục năm về sau, trong một dịp nào đó tôi kể chuyện, viết “Đại Đỗ Hữu Vị...” một bạn học cũ cùng lớp ở trường Khải Định (nay là Quốc Học, Huế) đọc thấy, bèn gửi email hiệu đính, “Đại úy Đỗ Hữu Vị - Anh hùng Pháp-Việt. Ngày ấy, dân ta đã làm gì có đại tá?” Thì ra bạn tôi cũng có cùng tờ chuyện tranh. Cũng được thôi, ông sĩ quan trong tranh đứng cạnh chiếc máy bay đang bốc cháy, trông rất điển trai, mặc quân phục, đầu đội képi, nhưng tôi không biết ông anh hùng như thế nào. Xin lỗi người Anh hùng Pháp-Việt, phải kéo cấp bậc của ông xuống mấy nấc.

Nhưng với Alexandre de Rhodes thì khác. Qua chuyện tranh, tôi được biết ông là người đã cho dân Việt ta chữ Quốc ngữ, một công ơn vô cùng to lớn vì nhờ thứ chữ viết này mà một người Việt trung bình có thể học để biết đọc, biết viết trong vài tháng. Tôi biết thế vì mẹ tôi cho tôi chơi với bộ chữ abc... dạy tôi chắp chữ đánh vần năm tôi chừng 4 tuổi. Sau vài tháng, một hôm bố đi làm về, mẹ bảo tôi biểu diễn đánh vần cho ông xem, khiến ông ngạc nhiên hết... lớn. Cho đến nay, tôi vẫn còn mơ hồ nhớ lại mùi gỗ thông thơm ngọt của bộ chữ.

Nhờ có chữ Quốc ngữ mà năm 1946, ngay trong chiến tranh chống Pháp giành độc lập, nạn mù chữ có thể nói hầu như được xoá hết ở Việt Nam, hay ít nhất ở quanh tỉnh Hải Dương và Thái Bình nơi tôi được trực tiếp trông thấy, tản cư, chạy giặc từ làng nọ sang làng kia. Không ai thật sự bị bắt buộc nhưng ông già, bà cả được khuyến khích đi học đánh vần. Bằng phương pháp chủ yếu dựa vào tâm lý làng xã của dân ta nếu so với tiêu chuẩn ngày nay mạnh mẽ kêu đòi nhân vị, nhân quyền... có lẽ sẽ bị coi là xúc phạm, thế nhưng ngày đó lại rất được việc. Thỉnh thoảng người ta cho dựng trên đường cái ở đầu làng hai cái cổng tượng trưng cạnh nhau, với tấm bảng to tướng viết những chữ i, tờ...[1] Ai đánh vần được thì đi qua cổng lớn, không đánh vần được thì đi qua cổng nhỏ! Không mấy người muốn đi cổng nhỏ. Riêng tôi, khi ấy mới vào trung học, nhưng cũng hào hứng cố dành thì giờ đọc chính tả cho vài dân làng người lớn trẻ con viết, ít dòng thôi song cũng gọi là chút lòng đóng góp. Đó là những ngày vui tôi không bao giờ quên mà trái lại luôn luôn ghi nhớ ơn sâu của Alexandre de Rhodes.

Nguyễn Đức Tùng: Câu Thơ Lục Bát


Thơ lục bát là tâm hồn dân tộc: nếu thế thì tâm hồn ấy đang thay đổi. Lục bát như một nghệ thuật thơ ca cần thay đổi theo, tự làm mới, để tồn tại cùng dân tộc, một dân tộc vừa văn minh hơn vừa dung tục hơn, có học hơn nhưng bé bỏng hơn, dễ tổn thương.

Nghệ thuật thơ lục bát là nghệ thuật của câu thơ.

Câu thơ là một đơn vị ngôn ngữ đặc biệt, khác với câu văn phạm. Câu thơ là một sở hữu riêng của các nhà thơ mà các nhà văn không chia sẻ được. Sở hữu ấy, quyền năng ấy nằm ở chỗ tận cùng bên phải của câu.

Câu thơ là yếu tố mang tính âm nhạc, trong khi câu văn phạm mang tính ý nghĩa.

Mỗi câu thơ tạo ra khoảng cách giữa nó và câu sau. Rất ít câu văn xuôi đứng một mình, nhưng câu thơ có thể đứng một mình. Hơn nữa, đặc điểm của lục bát là hai câu đi kèm nhau, ít có câu nào giữ giá trị độc lập; chúng phụ thuộc nhau. Chúng ta hãy xem ví dụ sau đây trong Kiều:

Gìn vàng giữ ngọc cho hay
Cho đành lòng kẻ chưn mây cuối trời

Sự phụ thuộc trên có tính chất bổ sung. Câu lục có thể là câu độc lập, tuy nhiên nếu ngắt ra thì hơi thơ chưa đi hết, ý chưa trọn, lại như ra lệnh. Chữ đành lòng làm dịu lại. Trong Kiều chúng ta học được sự khiêm tốn sang trọng. Phải kết hợp với câu tám, có tính cắt nghĩa, thêm cái ý vị riêng, câu thơ mới tạo ra sự phong phú của lời dặn dò. Khả năng lặp lại của chữ, của ý, khả năng nói dài thêm của lục bát là rất cao, nó cho phép cách nói nhiều lần mà ở thể thơ khác có thể trở nên vô nghĩa.

Thôi thì thôi nhé có ngần ấy thôi
(Phạm Thiên Thư)

Thứ Năm, 23 tháng 9, 2021

Nguyễn Hữu Phước: Từ Việt Gốc Pháp - Phần 2 (Tiếp theo kỳ trước)

 Bom, bôm, và bơm

Trong các loại tráng miệng sau bữa cơm, chúng ta có thể dùng trái “bôm” (pomme) hay còn gọi là trái táo tây. Gần đây có một loại bôm nổi tiếng của Nhật tên Fuji.  California đã sản xuất tràn ngập loại bôm nầy. 


Tiện đây xin cho nói luôn kẻo quên, trong tiếng Việt có đến ba từ  Việt gốc Pháp có âm đọc gần như nhau: “bôm,” “bơm,”   và “bom.”


Bơm (pomper) là động từ chỉ động tác đem không khí, hay một chất lỏng vào một chỗ nào đó như bơm bánh xe, bơm nước từ giếng lên thùng chứa nước, bơm mỡ bò vào bạt đạn xe. Vật dùng để bơm, gọi là cái bơm, ống bơm hoặc máy bơm (pompe). 


Từ thứ ba là “bom” (bombe)  chỉ một loại vũ khí gây nổ có tác dụng phá hoại và giết chóc. Ném bom, dội bom (bombarder) là động từ chỉ việc dùng phi cơ thả bom xuống từ trên không. 


Từ Việt gốc Pháp trong giao thiệp và ăn mặc


Chào hỏi


Các ông tây bà đầm (madame) khi gặp nhau, chào nhau bằng cách bông rua hoặc bủa sua  (bonjour: bắt tay chào nhau). Khi từ giã nhau thì nói ô rờ voa (au revoir: sẽ gặp lại) hay a-dơ (adieu: vĩnh biệt).  Khi cần thoái thác hay xin lỗi điều chi thì bắt đầu bằng từ bạt đông (pardon: xin lỗi).  Lại nhớ có câu thơ rằng :

           Bạt đông anh chớ pha sê (1)          

           Ắt tăn moa  rắc công tê tú xà  

(1)  (fâcher: giận;   attendre: đợi ;  moi: tôi;   raconter: kể;    tout ca: tức thời; phụ âm c  trong từ ca của tiếng Pháp, còn thiếu cái râu bên dưới).


Thứ Tư, 22 tháng 9, 2021

Nguyễn Hữu Phước: Từ Việt Gốc Pháp

Dẫn nhập

Bài nầy nhắm vào việc giới thiệu với giới trẻ một khía cạnh của tiếng Việt, đó là những từ Việt gốc Pháp. Do đó nhiều chỗ có những giải nghĩa dài dòng, có thể hơi thừa đối với những người lớn tuổi (45-50 trở lên), xin quí vị lớn tuổi chấp nhận cho. Một số những từ trong bài nầy có trong quyển Việt Nam Tự Điển (VNTD) của các ông Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ, hoặc trong quyển Gốc Và Nghĩa Từ Việt Thông Dụng (GvN) của ông Vũ Xuân Thái, một số những từ Việt hóa mà tôi kể ra ở phần sau không có trong hai quyển nầy.

Một số từ Việt hóa ghi trong VNTD chỉ ghi phần giải thích mà không có ghi nguyên ngữ Pháp. Dưới đây, một số nguyên ngữ Pháp do chúng tôi ghi trong các dấu ngoặc đơn là theo trí nhớ của chúng tôi với sự giúp đỡ của bạn tôi là anh Nguyễn Ánh Dương. Mong rằng chúng tôi nhớ đúng, mặc dầu đã trên 30 năm không viết hay đọc tiếng Pháp. Nếu thấy chỗ nào sai xin quý vị chỉ dạy hoặc bổ túc dùm, chúng tôi cảm ơn nhiều.
*

Trong tiếng Việt có thể nói trên năm mươi phần trăm các từ có nguồn gốc Hán Việt (HV). Nhiều từ loại nầy chúng ta đã dùng lâu đời và đã trở thành thông dụng đến nỗi chúng ta không để ý chúng là những từ Hán Việt nữa. Ảnh hưởng của Trung Hoa (TH) trong tiếng Việt là kết quả tự nhiên của hàng ngàn năm Bắc Thuộc và ngay trong thời kỳ tự chủ gần mười thế kỷ cũng dùng Hán tự như ngôn ngữ viết chính thức của quốc gia.
Nhưng còn khoảng 100 năm dưới ảnh hưởng của Pháp thì sao? Chúng tôi thử ghi nhận ra đây những từ (chữ) mà thế hệ chúng tôi, những người mà hiện giờ đang trong lứa tuổi 45-70 trở lên, đã có dịp đọc qua, hoặc nghe nói nhiều lần, hay chính mình trực tiếp dùng những từ đó, dùng một cách tự nhiên, hay dùng để nhớ lại một dĩ vãng nào đó. Trong những từ nầy, một số đã có một thời thông dụng mà bây giờ thì ít ai nhắc đến nữa. Một số từ khác vẫn còn thông dụng ở một vài địa phương trong nước, hoặc hải ngoại.

Giọng Hán Việt và các địa danh


Vấn đề người VN đọc các địa danh hay nhân danh ngoại quốc bằng cách nào là một vấn đề cho đến nay vẫn còn trong vòng tranh luận. Tuy nhiên trong một thời gian dài chúng ta đã chấp nhận việc đọc các địa danh ngoại quốc bằng cách mượn những từ Trung Hoa đã dùng sẵn và đọc theo giọng Hán Việt.

Thứ Bảy, 29 tháng 5, 2021

Lê Thiệp: Con Chữ

Đã bao nhiêu nước chảy qua cầu kể từ khi tôi lững chững bước lên những bậc thang nhem nhếch của tòa báo Chính Luận và nay cuối đời nhìn lại bỗng thấy có những chữ, những tiếng đã biến khỏi ngôn ngữ hàng ngày. Của tôi và của Việt Nam. Đâu đó trong ý nghĩ thấy mỗi chữ, mỗi tiếng nói có đời sống riêng, sinh ra chết đi, xuất hiện rồi biến mất giống như đời sống của con người. Nghĩ mà thương cho chúng và từ đó thương cho cả một giai đoạn của cuộc sống. Của tôi và của các người bạn cùng lứa trong nghề, sau đó là cả một xã hội nay như đã chìm vào lịch sử.

Mào đầu hay dẫn nhập gọi Lead và viết Lead như trên nếu có dăm tên bạn ngồi quanh chắc sẽ có tên cười ngất bảo “Bỏ Đi Tám.” “Bỏ Đi Tám” là cụm từ xuất hiện không hiểu do duyên cớ gì, nghĩa của nó là có gì đâu mà lèm bèm ầm ĩ. “OK Salem!” Thôi thì cũng được đi, chào ông GI Mỹ xin tí Thóc hay nôm na là thuốc lá hoặc cục xinh gôm. Nhưng đi Đong Thóc là đi hút thuốc phiện. Tất nhiên, khó mà rủ ông lính Mỹ đi đong thóc thì ta có Sài Gòn Tea. Trong những Bar nhan nhản khắp đất nước, đặc biệt là quanh các căn cứ Mỹ, các cô gái bán Bar cố dụ khị để GI Mỹ uống, uống gì cũng được nhưng phần cô gái thì bao giờ cũng là một ly Sài Gòn Tea tức trà đá. Trông ly này cũng vàng vàng giống như ly Huýt Ky. Chỉ có uống trà đá thì Gái Bán Bar mới cầm cự nổi suốt đêm mà không say, nhưng khi chủ Bar tính tiền khách thì giá Sài Gòn Tea tương đương với một ly Cốc Tai.

Một cách Mõi Đô La rất thịnh hành. Nếu hai ông nhà báo gặp nhau rủ Làm Một Quả hay Làm Một Phùa thì quả hoặc phùa được hiểu tùy hoàn cảnh. Có thể là rủ nhau đi nhậu thì quả là đi Bụa, hoặc đi thăm chị em thì là một vụ Xuống Xóm hoặc đi Đong Thóc, và nếu đi đong thóc thì có nghĩa là làm thêm một điếu thuốc phiện nữa hoặc một Bi.

Nâng Bi thì nghĩa lại khác hẳn. Song song với Nâng BiNâng Đĩa chỉ hành động nịnh bợ xếp hoặc người có quyền có thế để thủ lợi. Nếu người được nịnh là đàn ông thì nâng bi, phụ nữ thì nâng đĩa. Nếu có một anh văn sĩ thi sĩ ấm ớ viết một cuốn thơ cuốn sách Như Hạch mà lại được bạn bè bốc thơm loạn cả lên thì đó là Áo Thụng Vái Nhau. Như Hạch có nghĩa là dở, là tệ vô cùng nhưng nếu nhìn một cô gái đẹp thì phát ngôn Thơm Như Múi Mít. Phát Ngôn là tiếng Hán Việt chỉ thông dụng trong đám nhà báo và khi khen cô gái thì có thể nói bốc thơm cô ta. Bốc Thơm hoặc Bốc Thối tuy là tiếng nôm nhưng không quảng bá trong quần chúng. Sức Mấy mà những tiếng như vậy có thể Vượt Rào Cản để trở thành ngôn ngữ hàng ngày. Sức Mấy có nghĩa không có cách gì, không thể nào nhưng vượt rào cản là ngôn ngữ đá banh. Rào cản là chỉ hàng hậu vệ hoặc hàng phòng thủ.

Chủ Nhật, 2 tháng 5, 2021

Võ Phiến: Đố Kỵ Cái Trừu Tượng (1)

Đi tới cuối thế kỷ, phản ứng tự nhiên là ngoái đầu nhìn loáng một cái về đầu thế kỷ. Đối với ai kia, có thể là bất giác nhìn chơi. Đối với chúng ta — đám viết lách — cái nhìn ấy có ý nghĩa khác hơn một chút. Bởi vì thời kỳ văn học hiện đại của Việt Nam, thời kỳ có mình trong đó, chính bắt đầu từ đầu thế kỷ XX này.

Đem cái khả năng của một cá nhân lỗi lạc, Trương Vĩnh Ký gây được mầm manh nha của nền văn học mới, rồi ông nằm xuống vào cuối thế kỷ trước (năm 1898). Tiếp theo ông là những hoạt động qui mô rầm rộ của hai ông Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh, mỗi vị qui tụ một nhóm văn nhân học giả cừ khôi. Trong vòng hăm lăm năm — một phần tư thế kỷ — họ làm xong nhiệm vụ của thế hệ tiền phong trong giai đoạn giao thời. Thời ấy là thời nho học suy tàn tây học mới nẩy. Mỗi nhóm Đông DươngNam Phong gồm đủ hai thành phần tân cựu học. Kẻ tinh thông hán học gấp rút tổng kết nhằm bàn giao cái vốn liếng tinh thần của tiền nhân để lại cho lớp sau đang thiếu hán ngữ; người giỏi Pháp văn tới tấp dịch thuật, giới thiệu văn chương tư tưởng Âu Tây bấy giờ hãy còn xa lạ đối với quốc dân. Công việc ấy gọi là “Truyền bá Đông Tây học thuật”. Việc truyền bá cần một công cụ: vậy phải trau luyện Việt ngữ cho thành một phương tiện xứng tầm.

Xem lại Việt ngữ, thấy lắm điều rắc rối. Thuở Trương Vĩnh Ký là thuở phổ biến chữ quốc ngữ, tức thứ chữ dùng mẫu tự la-tinh mà phiên âm tiếng Việt; sang thời Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh mới tiến lên trau dồi cái “văn quốc ngữ” (theo cách nói của ông Phạm).

Việt ngữ có dùng được vào văn học không? Thuở ấy lắm kẻ phân vân. Có ý kiến cho rằng: Việt ngữ kém lắm, so với văn Tàu văn Tây thì “trẻ lên ba đã khôn sao bằng người đầu bạc”. Cánh hăm hở sốt ruột nhất đề nghị nên gác tiếng Việt ra ngoài, trong phạm vi học thuật hãy lấy phăng cái tiếng Pháp ra xài ngay cho tiện . Nguyễn Văn Vĩnh, trong bài tựa bản dịch truyện Gil Blas de Santillane kể rằng thoạt đầu, thuở ông bắt tay vào việc, trong nước ta chưa mấy ai tin nổi có thể dùng tiếng Việt để dịch tiểu thuyết Tây. Vậy mà ông xắn tay xông vào, rốt cuộc làm nên sự nghiệp đồ sộ; Vũ Ngọc Phan cho rằng ông là quán quân dịch thuật Pháp văn một thời.

Thứ Bảy, 20 tháng 3, 2021

Lê Hữu: “Biếc”, chữ đẹp nhất trong tiếng Việt

Biếc, thư pháp Trụ Vũ
Rừng thu từng biếc chen hồng
(“Kiều”, Nguyễn Du)

“Chữ ‘biếc’ là chữ đẹp nhất trong tiếng Việt,” cô bạn tôi nói vậy.

“Có chắc không đấy?” tôi hỏi lại.

“Nếu không đẹp nhất thì cũng là một trong những chữ đẹp nhất.”

Có chuyện ấy sao? Trước giờ tôi chưa hề tìm hiểu xem chữ nào là đẹp nhất và cũng chưa hề nghe có cuộc bình chọn nào để chọn ra chữ đẹp nhất trong tiếng Việt mình. Cô bạn “chấm” chữ ấy hẳn là có lý do.

“Vì sao là ‘biếc’ mà không phải chữ nào khác?” tôi hỏi thêm.

“Biếc vừa có màu sắc đẹp lại vừa có chất thơ,” cô bạn trả lời.

Màu biếc và mắt biếc


Ra là vậy! Biếc có “màu sắc đẹp”? Chữ “biếc” cô bạn tôi nói là tính từ, có gốc là “bích 碧” trong tiếng Hán-Việt. Người nói màu biếc là màu xanh thẫm; người nói là màu xanh lam pha xanh lục; người lại nói là màu xanh trong của ngọc, màu nước biển trong vắt, màu da trời trong veo hay màu đồng cỏ xanh rờn.

Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2020

Nguyễn Hữu Phước: Chữ Việt Gốc Tàu

Sau đây là những chữ viết tắt sẽ dùng trong bài cho việc đọc được dễ dàng.

VN = người Việt Nam, hoặc tiếng Việt.
TH = Người Trung Hoa (còn gọi là người Hoa), trong sách VN, còn gọi là người Tầu, (hay Tàu), người “Hán”; chữ TH, chữ Hán = chữ Tàu = chữ “nho”.
HV = Tiếng Hán Việt, giọng đọc HV; chữ HV = chữ ký âm giọng HV bằng mẫu tự của chữ quốc ngữ VN (thí dụ chữ “điện đàm” = nói chuyện bằng điện thoại).
QĐ = tiếng TH giọng Quảng Đông, người QĐ.
TC = tiếng TH giọng Triều Châu, người TC còn gọi là người Tiều.
QT = tiếng TH giọng Quan Thoại hay giọng Bắc Kinh (có nơi gọi là Bạch thoại); giọng nói được dùng làm giọng chung cho cả quốc gia TH vì TH tuy dùng một thứ chữ viết nhưng có trên vài chục giọng nói (phương ngữ) khác nhau. 

Hầu hết những chữ Việt gốc Tàu đều có trong quyển Tầm Nguyên Tự Điển Việt Nam của cố Giáo sư Lê Ngọc Trụ (LNT). Những chú thích cách đọc theo HV cũng từ quyển nầy.
*

Người Tàu Đến Vùng Đồng Nai – Cửu Long Từ Lúc Nào?


Sử sách chép rằng người TH đã có mặt ở VN từ hơn hai ngàn năm trước; nhưng con số lúc đó chắc là ít lắm. Miền Bắc gần ranh giới TH, nên có một số thương gia Tàu sang VN buôn bán. Nhưng đợt di dân quan trọng nhất của người TH vào VN xảy ra vào thế kỷ 17. Số là vào khoảng giữa thế kỷ 16 thương gia TH và Nhật đã dùng một số hải cảng của VN (ở miền Bắc và Trung) trong việc buôn bán vì thương gia TH không thể giao thương trực tiếp với các đối tác người Nhật tại lãnh thổ Nhật vì có lệnh cấm buôn bán với Nhật do nhà Thanh của TH đưa ra (Trần Gia Phụng).

Sau khi người Mãn Châu chiếm và cai trị toàn lãnh thổ TH và lập nên Nhà Thanh (1644-1911), có một số cựu thần nhà Minh không chịu đầu hàng. Họ lập phong trào “Bài Mãn Phục Minh.” Địa bàn hoạt động của họ mạnh nhất ở các tỉnh giáp giới với VN. Sự kiện nầy đã làm cho miền biên giới Hoa – Việt trở nên một vùng giặc giã liên miên “đã khiến dân Việt (vùng biên giới) vô cùng thống khổ vì đám giặc ‘Tàu Ô’ nầy” (Ngô Thế Vinh).

Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2020

Đàm Trung Pháp: Lý Giải Thứ Tiếng Anh “Cười Ra Nước Mắt”

  

Tiến sĩ Richard Lederer là một giáo sư ngữ học nổi tiếng, nhờ vào biệt tài nhận ra (rồi ghi chép xuống cẩn thận) những điều vô tình hóa ra nực cười trong tiếng Anh. Sau đó ông viết về chúng trong ba cuốn “best-sellers” mua vui cho thiên hạ, với các tựa đề – nghe sao mà quá “khổ sở” – là Anguished English (1987), Crazy English (1989), và Fractured English (1996). Tôi đã đọc chúng vài lần, mà lần nào cũng không nhịn được cười! Trong số những người ái mộ ông Lederer, một độc giả bên Canada viết cho ông ấy: “Tôi để cuốn Anguished English trên bàn nhỏ đầu giường và đôi khi đọc vài trang trước khi tắt đèn đi ngủ. Nhiều phen giữa đêm thinh lặng, tôi rú lên những trận cười, ồn ào đến độ tôi sợ đã làm phiền những người hàng xóm trong chung cư.” Và sau khi đọc cuốn Fractured English một nhà báo Mỹ tuyên bố xanh rờn: “Richard Lederer nên được coi là một quốc bảo. Chưa có ai khác đã biến tiếng Anh thành một nguồn vui vĩ đại đến thế!” Riêng tôi thì đã cười ra nước mắt khi đọc xong đoạn văn ngây ngô này: “The greatest writer of the Renaissance was William Shakespeare. Shakespeare was born in the year 1564, supposedly on his birthday. His father was Mr. Shakespeare, and his mother was Mrs. Shakespeare. He wrote during the era in which he lived. Actually, Shakespeare wasn’t written by Shakespeare but by another man named Shakespeare.”

Lý giải qua cái nhìn “méo mó nghề nghiệp” của tôi, những điều nực cười đó thường xảy ra do các nguyên nhân chính sau đây:

Hiện tượng trông gà hóa cáo khiến các cặp chữ như “balcony / baloney”, “excuse / execute”, “defective / detective” chẳng khác gì nhau về hình dạng. Hiện tượng này cũng xảy ra cho người Việt thuở xưa học chữ Hán, khi các cụ phạm lỗi “chữ tác (作) đánh chữ tộ (祚).” 

Thói quen đánh vần theo linh tính (giáo giới Mỹ ngày nay gọi nó là invented spelling) khiến “oxygen” thành “oxigen” và “Don Quixote” thành “Donkey Hote.”

Tật sáng chế ra chữ mới như “administrate” thay cho “menstruate,” “conversate” thay cho “converse.”

Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2020

Đàm Trung Pháp: Cuốn Sách Giáo Khoa * Thượng Đẳng Về Cú Pháp Tiếng Việt Của Gs Nguyễn Đình Hòa (1924-2000)

 Phiên Bản Bổ Sung Rộng Rãi Và Sau Cùng Năm 2020 Của Gs Đàm Trung Pháp **

Được soạn thảo nghiêm túc và tôi luyện kỹ càng trong nhiều thập niên giảng dạy ngôn ngữ Việt tại các đại học Mỹ (khởi thủy tại Columbia vào năm 1953 và kết thúc tại Southern Illinois vào năm 1990), VIETNAMESE của Giáo sư Nguyễn Đình-Hòa là một cuốn sách giáo khoa thượng đẳng. Với 11 chương sắp xếp theo thứ tự rành mạch, hai phụ bản, một thư tịch liệt kê 210 nguồn khảo cứu của các tác giả khắp năm châu viết về tiếng Việt, và một “index” hơn 13 trang, cuốn sách là một đóng góp uyên bác hiếm quý cho thế giới bên ngoài muốn tìm hiểu về cấu trúc tiếng Việt. Bằng một lối viết trong sáng vui tươi và với những thí dụ đầy tình tự dân tộc, tác giả đã miêu tả những nét chính yếu và đặc thù của âm pháp (phonology), từ pháp (morphology) và cú pháp (syntax) tiếng Việt qua các nguyên lý của khoa ngôn ngữ học hiện đại.

Trong lời tựa, tác giả cho biết ông giữ lập trường bảo thủ (conservative) của trường phái “miêu tả” (descriptive school) khi soạn thảo cuốn sách, nhưng người viết thấy cần phải nói thêm rằng khảo hướng của ông cũng rõ nét chiết trung (eclectic). Khảo hướng chiết trung rất lành mạnh và cần thiết để duy trì được một cái nhìn quân bình trong bộ môn ngôn ngữ học. Thật vậy, tác giả đã miêu tả cấu trúc của “tiếng Việt không son phấn” qua các bình diện lịch sử (historical), công năng (functional), so sánh (comparative), tương phản (contrastive), pháp vị (tagmemic), ngữ dụng (pragmatic), biến tạo (transformational), và đại đồng (universal).  Kiến thức chuyên môn quảng bác cũng như kinh nghiệm thâm sâu về giảng dạy ngôn ngữ đã giúp tác giả thành công trong nỗ lực áp dụng khảo hướng chiết trung khi soạn thảo cuốn sách giáo khoa này, để giúp cho người đọc có được một cái nhìn quân bình về cấu trúc tổng thể tiếng Việt. Có hai điểm son nữa của cuốn sách có tính cách sư phạm, mà người sử dụng sẽ trân quý, cần được nêu ra:


Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2020

Đàm Trung Pháp: Tiếng Việt Hữu Ích Ra Sao Khi Học Sinh Gốc Việt Học Tiếng Anh?

Hai Loại Tiếng Anh


Ta cần phân biệt hai loại tiếng Anh: (1) Tiếng Anh “hội thoại” để truyền thông trong các cuộc giao tế hàng ngày, và (2) Tiếng Anh “hàn lâm” để dùng trong học đường, trong sách giáo khoa, trong các cuộc tranh luận trí thức, và trong các loại văn viết trang trọng. Muốn thành công nơi học đường, tất cả các học sinh bắt buộc phải “chinh phục” được cả hai loại tiếng Anh này. Các học sinh gốc ngoại quốc thường có thể làm chủ được tiếng Anh hội thoại khá nhanh, trong khoảng tối đa là 2 năm thôi. Nhưng các em cần khá nhiều thời gian (từ 5 cho đến 7 năm, hay lâu hơn nữa) mới có thể đạt được mức tiếng Anh hàn lâm của các học sinh bản xứ cùng lứa tuổi, từ khi sinh ra chỉ nói tiếng Anh.

Học Sinh Ngoại Quốc Thủ Đắc Tiếng Anh Thế Nào? 


Nhiều công trình khảo cứu trong vòng 30 năm nay của các chuyên gia về song ngữ và song văn, như giáo sư James Cummins tại Gia nã đại và nhất là giáo sư Stephen Krashen tại Hoa kỳ, đã đưa ra giả thuyết cho rằng học sinh ngoại quốc “thủ đắc” (acquire) tiếng Anh khi mà các em hiểu được điều người khác diễn tả với các em qua thứ tiếng nói ấy, trong một trạng thái tinh thần thoải mái, chứ không phải khi mà các em “học” (learn) các từ vựng hoặc cặm cụi làm các bài tập văn phạm khô khan và máy móc trong tiếng Anh. 

Do đó, các bài học tiếng Anh hữu hiệu nhất phải là những cuộc đàm thoại hấp dẫn, những câu chuyện lôi cuốn, những bài ca, những sinh hoạt nhóm vui tươi để cùng nhau thực tập tiếng nói mới, mà tất cả học sinh đều thích thú tham gia. Khi các em nhận được những thông điệp, những chia xẻ mà các em có thể hiểu được (danh từ chuyên môn gọi chung yếu tố quan trọng này là comprehensible input) trong tiếng Anh, thì việc thủ đắc ngôn ngữ ấy sẽ tự động xảy ra trong não bộ các em.

Kiến Thức Bối Cảnh


Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2020

Đàm Trung Pháp: Đôi Nét “Rất Việt” Trong Ngữ Pháp Tiếng Nói Chúng Ta (Phiên bản bổ sung 2020)

KHÔNG THẤY CHỦ TỪ CỦA CÂU


Nhiều câu trong tuyệt tác Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du chứa đựng những chủ từ tàng hình, thiếu minh xác mà theo Đoàn Phú Tứ (1949) thì như “ẩn hình ngay trong động từ, ta không vạch được nó ra một cách rành rọt mà chỉ hội được nó, theo cái nghĩa của đoạn văn mà thôi.” Ông Tứ đưa ra thí dụ dưới đây:

Bóng hồng nhác thấy nẻo xa,
Xuân lan thu cúc mặn mà cả hai.
Người quốc sắc kẻ thiên tài,
Tình trong như đã mặt ngoài còn e.
Chập chờn cơn tỉnh cơn mê,
Rốn ngồi chẳng tiện rứt về chỉn khôn.
Bóng tà như giục cơn buồn,
Khách đà lên ngựa người còn nghé theo.
Dưới cầu nước chảy trong veo,
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha.

Rồi ông Tứ đặt câu hỏi và tự trả lời, để chứng minh cho “cái lợi của tính chất thiếu minh xác trong ngôn ngữ văn chương của ta”:

“Ai nhác thấy? Đành là Kim Trọng, nhưng không nói rõ, thì sao lại không có thể là cả chàng độc giả thư sinh nọ, cảm thông với chàng Kim một cái liếc nhìn? Chập chờn cơn tỉnh cơn mê là ai? Là người quốc sắc hay kẻ thiên tài? Hay cả hai? Luận ra thì biết, song trước khi lý luận, tại sao ta không có quyền nghĩ đến cả hai người? Bóng tà như giục cơn buồn: Nỗi buồn của ai vậy? Của Kim Trọng hay của Thúy Kiều, hay của hai người? Hay cũng là nỗi buồn của ta chăng? Và hai câu cuối: Dưới cầu … thướt tha có phải chỉ là cái tình của Thúy Kiều gửi vào trong cảnh ấy, hay còn phảng phất cả cái tình của người đọc sách nữa?”

Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2019

Nguyễn Quốc Tấn Trung: Chữ Quốc ngữ đã cứu tiếng Việt khỏi nạn diệt chủng ngôn ngữ?

Giáo sĩ Alexandre de Rhodes và các ấn phẩm chữ Quốc ngữ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Ảnh: Luật Khoa tổng hợp.

Thảo luận về công – tội của một trong những người định hình nên chữ Quốc ngữ, thứ chữ viết mô tả tượng âm lại tiếng Việt, mà bạn đọc của Luật Khoa đang sử dụng để tiếp nhận và xử lý thông tin của chính bài viết này, đang được đẩy lên cao một cách khá bất ngờ. Alexandre de Rhodes, một giáo sĩ truyền giáo gốc Pháp, người được thừa nhận là đặt những nền móng đầu tiên cho chữ Quốc ngữ, bị một số học giả cho rằng nó chỉ nhằm mục tiêu xấu xa.

Ví dụ, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân thì phân tích rằng quá trình ban đầu của việc tạo ra chữ quốc ngữ không nhằm mục đích phát triển văn minh của dân tộc ta, mà là “một công cụ để thực dân Pháp xâm lăng nước ta”. 

Hay Tiến sĩ Lê Cung, người đứng đầu nhóm phản đối đặt tên đường Alexandre de Rhodes tại Đà Nẵng, khẳng định “Rhodes là kẻ có tội thì làm sao vinh danh, đặt tên đường được.” 

Vậy thật sự các đế quốc, các thế lực thực dân có cần thiết phải tạo ra một loại ngôn ngữ riêng biệt để đồng hóa và xâm lược hay không? 

Nếu nói đến tầm ảnh hưởng của ngôn ngữ trong quá trình thực dân hóa (colonisation), sẽ là hơi ngờ nghệch nếu cho rằng những đế quốc hùng mạnh lại cần phải tạo ra một loại chữ viết đặc trưng, dựa trên đúng thứ tiếng bản địa để có thể thành công trong việc kiểm soát và đồng hóa văn hóa, tư tưởng của quốc gia bị bảo hộ. 

Bài viết này, dựa trên các thông tin lịch sử về chủ nghĩa thực dân trên thế giới, hy vọng giúp bạn đọc hiểu thêm về tầm ảnh hưởng quan trọng của chữ Quốc ngữ trong việc duy trì văn hóa và tư duy độc lập của người Việt Nam.

Xu hướng diệt chủng ngôn ngữ thời thực dân 


Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2019

Phan Khôi: Chữ Quốc Ngữ Ở Nam Kỳ Với Thế Lực Của Phụ Nữ

Từ Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Trai cho đến Nguyễn Chánh Sắt, Đặng Thúc Liêng 

Phan Khôi. “Chữ Quốc ngữ ở Nam Kỳ với thế lực của phụ nữ: Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Trai, Nguyễn Chánh Sắt, Đặng Thúc Liêng.” Phụ Nữ Tân Văn, số 28, ngày 7 Novembre, 1929, tr. 8-10.

Đại khái chữ quốc ngữ nước ta, phát nguyên tuy là từ miền Bắc, mà bắt đầu thạnh hành lại từ miền Nam. Cho nên bây giờ chúng ta có thể nói được rằng xứ Nam kỳ đối với lịch sử chữ quốc ngữ lại có quan hệ mật thiết hơn Trung, Bắc kỳ. 

Theo lời truyền thuở nay thì chữ quốc ngữ do một ông cố đạo đặt ra. Song cứ theo vần quốc ngữ thì thật đủ hết mọi giọng trong tiếng An Nam ; mà đủ được như thế, tất phải vừa theo giọng Bắc kỳ, vừa theo giọng phía bắc Trung kỳ. Bởi vậy tôi nói rằng chữ quốc ngữ phát nguyên từ miền Bắc. Tôi có ý nói ông cố đạo ấy hiệp cả giọng Bắc kỳ và phía bắc Trung kỳ mà đặt ra vần quốc ngữ. 

Sao tôi lại không kể đến phía nam Trung kỳ và Nam kỳ ? Vì cái chỗ đúng của hai nơi ấy thì không đúng bằng phía bắc Trung kỳ, mà còn chỗ sai lại sai quá, càng vào phương Nam chừng nào càng sai chừng nấy, nên không kể làm chi(*)

Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2019

Đàm Trung Pháp: Nét Tương Đồng Thú Vị Giữa Các Tục Ngữ Thế Giới


Mọi ngôn ngữ đều có những câu nói ngắn gọn nhưng chứa đựng những nhận xét sắc bén và cảnh giác khôn ngoan về kinh nghiệm sống. Tên của những câu nói ngắn gọn đó là tục ngữ trong tiếng Việt, súyu (俗語) trong tiếng Tàu, proverb trong tiếng Anh, proverbe trong tiếng Pháp, dicho trong tiếng Tây ban nha, proverbio trong tiếng Ý, và Sprichwort trong tiếng Đức. Với khả năng tóm gọn ý tứ, tô điểm cho lời văn thêm mặn mà, và chứng minh lý lẽ một cách hùng hồn, tục ngữ đóng một vai trò đáng kể trong ngôn ngữ thường nhật. 

VỀ HÌNH THỨC CẤU TẠO 


Về hình thức cấu tạo, khá nhiều tục ngữ của nhân loại giống nhau ở điểm chúng có thể được chia ra làm hai phần “đối xứng” qua một lối văn “biền ngẫu” với cú pháp và từ vựng giản dị tương ứng, âm điệu và âm vận song hành. Quả thực, các tục ngữ tương đương của xa mặt, cách lòng trong một vài ngôn ngữ khác cũng cho thấy một hình thức cấu trúc và một nội dung tương đồng với tiếng Việt: out of sight, out of mind (Anh: khuất mặt, khuất tâm trí); loin des yeux, loin du coeur (Pháp: xa mắt, xa tim); aus den Augen, aus dem Sinn (Đức: khuất mắt, khuất tâm trí); ojos que no ven, corazón que no siente (Tây ban nha: mắt không thấy, tim không cảm); và lontano dagli occhi, lontano dal cuore (Ý: xa mắt, xa tim).

Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2019

Đàm Trung Pháp: “Mỹ Ngữ” Và “Anh Ngữ” Khác Nhau Thế Nào?


Kịch tác gia kiệt xuất George Bernard Shaw (1856 -1950) của Anh Quốc từng chơi chữ rất ngoạn mục với lời tuyên bố gợi trí tò mò rằng Mỹ Quốc và Anh Quốc là hai quốc gia ngăn cách (separated) bởi cùng một ngôn ngữ (by a same language). Nhận định ngộ nghĩnh ấy khiến người ta để ý thêm đến sự khác biệt giữa Mỹ ngữ (American English) và Anh ngữ (British English) mặc dù dân Anh và dân Mỹ không khó khăn gì lắm khi giao thiệp với nhau. Và nỗi quan tâm ấy trong thời gian từ đó đến nay cũng đã mỗi ngày mỗi không đáng kể, nhờ vào sự phát triển liên tục của các kỹ thuật truyền thông và kỹ nghệ du lịch. 

Riêng tôi nghĩ thì cụ Shaw đã quá quan trọng hóa vấn đề và hai ngôn ngữ (hoặc phương ngữ) nêu trên chẳng khác nhau lắm đâu. Vì quả thực, ngày nay người ta đã có thể liệt kê chính xác hầu hết các “ngăn cách” giữa Mỹ Ngữ (MN) và Anh Ngữ (AN) trong các lãnh vực chính tả (spelling), phát âm (pronunciation), cú pháp (syntax), và từ vựng (lexis). Trong tất cả các thí dụ sau đây, MN đứng trước AN. 

• Về khác biệt chính tả, ta thấy có các nhóm quen thuộc dưới đây: 

-or/-our” (color/colour, arbor/arbour, honor/honour, neighbor/neighbour, …) 

-er/-re” (center/centre, fiber/fibre, liter/litre, meter/metre, theater/theatre, …) 

-ize/-ise” (apologize/apologise, categorize/categorise, criticize/criticise, …) 

-ll/-l” (fulfill/fulfil, distill/distil, enroll/enrol, installment/instalment, …) 

“tạp nhạp” (aluminum/aluminium, mom/mum, airplane/aeroplane, connection/connexion, karat/carat, sulfur/sulphur, jail/goal, …)