Hiển thị các bài đăng có nhãn Ngô Thế Vinh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Ngô Thế Vinh. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 22 tháng 3, 2023

Ngô Thế Vinh: Giấc mơ châu Thổ: Ngày Nước Việt Nam 10/3/2023—Ngày Nước Thế Giới 22/3/2023

Gửi những trẻ em ĐBSCL không biết bơi,
và cả không có ngụm nước sạch để uống
Gửi ngót 20 triệu cư dân ĐBSCL không 
được quyền có tiếng nói
Gửi Nhóm Bạn Cửu Long

Chẳng thể cứ tự hào Việt Nam nay là đất nước phát triển nếu như dân cư của cả nước vẫn phải sống với nguồn nước bẩn và một môi trường đầy ô nhiễm. 


“Không có kỹ nghệ không gian các quốc gia vẫn sống được, nhưng không thể sống nếu không có nước.” Oded Distel [chuyên gia về nước của Do Thái]


Đề nghị chọn Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 là Ngày Nước Việt Nam / Vietnam Water Day. [Nhóm Bạn Cửu Long]


*


Hình 1: Logo Ngày Nước Thế Giới 22/3/2023, với chủ đề: “Bạn cần thay đổi nếu như bạn muốn thấy thế giới đổi thay”. (1) Và đề nghị một châm ngôn cho Ngày Nước Việt Nam 10/3/2023: “Bạn cần can đảm và có tiếng nói nếu như bạn muốn thấy một Việt Nam đổi thay.”


Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2023

Ngô Thế Vinh: Nửa thế kỷ cải tạo làm cạn kiệt tài nguyên, một đồng bằng sông Cửu Long đang chết dần

Bác sĩ Ngô Thế Vinh

Gửi ngót 20 triệu cư dân ĐBSCL

không được quyền có tiếng nói

Gửi Nhóm Bạn Cửu Long


順天者存,逆天者亡

Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong

Thuận với thiên nhiên thì còn.  

Nghịch với thiên nhiên thì mất. [Mạnh Tử] 


“Kế hoạch phát triển nào cũng phải tính tới cái giá môi sinh phải trả – environmental costs – đối với sức khỏe của người dân và cả trên nguồn tài nguyên lâu dài của đất nước.”  Ngô Thế Vinh 


Lời Dẫn Nhập: Trong lịch sử cận đại, kể từ sau 1975, cụm từ “cải tạo” của người Cộng sản Việt Nam, trong mọi lãnh vực, hàm chứa một nội dung tồi tệ nhất, chỉ có ý nghĩa độc ác, tha hóa con người, hủy hoại môi sinh, làm cạn kiệt mọi nguồn tài nguyên, và để lại một đất nước không có tương lai. Đây là bài thứ 2 viết về 48 năm cải tạo Đồng Bằng Sông Cửu Long của nhà nước Cộng sản Việt Nam đã và đang phá huỷ cả một vùng châu thổ phì nhiêu nhất Châu Á và cũng là của thế giới, và làm nghèo cả một đất nước ra sao. 


BÀI HỌC VỠ LÒNG: DÒNG CHẢY SINH THÁI (1)


Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2023

Ngô Thế Vinh: Doctor Rice– Võ Tòng Xuân và Gia đình Bác Tám

Hình 1: Võ Tòng Xuân lần đầu được gặp Chú Sáu Dân năm 1976 ở Đại Học Cần Thơ. Chú Sáu Dân, là tên gọi bình dân của ông Võ Văn Kiệt, Bí thư Thành ủy Sài Gòn, sau này là Thủ Tướng Chính phủ. Hình chụp ông Võ Văn Kiệt trong một buổi gặp gỡ các trí thức Việt kiều, và trí thức đào tạo ở Miền Nam trước 1975; hàng đứng từ trái: TS Võ Tòng Xuân lúc đó 36 tuổi, Trưởng bộ môn trồng trọt Khoa Nông nghiệp ĐH Cần Thơ; GS Nguyễn Ngọc Trân, Chủ nhiệm Chương trình Nghiên Cứu về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), chuyên gia Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Trưởng ban Việt kiều Trung ương; Phạm Hùng Phi, Phó Giám đốc Trung Tâm Khoa Học Kỹ Thuật TP.HCM; Nguyễn Văn Huấn (Ba Huấn),Trợ lý của Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt, sau này làm Phó Chủ Tịch UBND TP.HCM. [tư liệu Võ Tòng Xuân]


TIỂU SỬ 



Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2022

Ngô Thế Vinh: In Retrospect, Nguyễn Văn Trung nhìn lại

GS Nguyễn Văn Trung, Đại học Văn Khoa Sài Gòn 1969. [nguồn: album gia đình Nguyễn Quốc Linh]

GS Nguyễn Văn Trung, Đại học Văn Khoa Sài Gòn 1969. [nguồn: album gia đình Nguyễn Quốc Linh]


Một hành trình trí thức lận đận

“… những cố gắng suy nghĩ của một người vẫn ước muốn tự đặt cho mình một kỷ luật đồng thời cũng là một lý tưởng là phải tìm kiếm không ngừng, bằng cách tự phủ nhận, bất mãn với quãng đường mình vừa qua và cứ như thế mãi mãi…” [Cùng bạn độc giả, Lược Khảo Văn Học I] [1] 


Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2022

Ngô Thế Vinh: Bước Qua Lời Nguyền Tiến Hành Dự Án Đập Stung Treng Là Hủy Diệt Môi Sinh – Ecocide Một Nhìn Lại

Gửi 20 triệu cư dân ĐBSCL không được quyền có tiếng nói

Gửi Nhóm Bạn Cửu Long

 

Lời Dẫn Nhập: Năm 2020, đã có một lúc bao nhiêu triệu cư dân vùng hạ lưu sông Mekong thở phào nhẹ nhõm khi nghe tin Bộ Điện Lực Cam Bốt   tuyên bố hoãn mọi dự án thuỷ  điện trên sông Mekong trong 10 năm tới [1], như vậy là ít nhất có một thời kỳ dưỡng thương cho dòng sông bị đầy những vết cắt do chuỗi đập thuỷ điện của Trung Quốc và Lào phía thượng nguồn. Nhưng rồi mới đây, chỉ hai năm sau, 2022, là một tin chấn động khác: Phnom Penh tuyên bố cho tái phục hoạt / resurrection dự án thủy điện Stung Treng 1.400 MW trên dòng chính sông Mekong phía đông bắc Cam Bốt sát ranh giới với Lào. Dự án này không chỉ sẽ tàn phá sinh cảnh các khu đất ngập được bảo vệ bởi Công ước Ramsar ký kết từ năm 1971, mà còn gây tác hại vô lường trên hai vùng châu thổ phì nhiêu Tonlé Sap và ĐBSCL. Đây là bài đầu tiên trong loạt 3 bài viết nhìn lại toàn cảnh cuộc hành trình gian truân của một dòng sông – Sông Mekong hơn nửa thế kỷ qua.      

*


MEKONG SẼ KHÔNG XÂY THÊM ĐẬP THUỶ ĐIỆN MỚI

Tổng Giám đốc Điện Lực Cam Bốt, Keo Rattanak đã nói với các phóng viên báo chí tại tòa nhà Hội đồng Bộ trưởng ở Phnom Penh ngày 8/8/2019. 


Cam Bốt không có kế hoạch xây các đập thủy điện trên dòng chính Sông Mekong mặc dù vẫn để các nhóm nghiên cứu khảo sát tiềm năng của các dự án. Chúng tôi không bàn cãi về bất cứ đầu tư nào trong lãnh vực này,” Rattanak nói tiếp. “Như vậy, quý vị không phải quan tâm về vấn đề này. Chúng tôi sẽ cố gắng đáp ứng nhu cầu điện theo những phương thức khác.” [1]


Cam Bốt phải đối đầu với tình trạng thiếu điện trầm trọng, với các khu dân cư hàng ngày bị cúp điện cùng với giá điện tăng. Thủ tướng Hun Sen nói sẽ gửi ông Rattanak đi Thổ Nhĩ Kỳ mua một con tàu phát điện (Power ship 200 MW) để bù đắp. Chính phủ cũng cố gắng gia tăng sản xuất điện mặt trời để đáp ứng nhu cầu điện cho cư dân.


Hem Odom, một chuyên viên tham vấn độc lập về nguồn năng lượng thiên nhiên, đã hoan nghênh phát biểu của ông Rattanak, với cảnh báo về một con đập dòng chính sông Mekong sẽ gây những tổn thất rộng lớn, với xói lở hai bên bờ sông, cạn kiệt nguồn cá cũng là nguồn protein trong bữa ăn hàng ngày của người dân Cam Bốt. Không phải chỉ có Cam Bốt, mà cả Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Thiếu nước từ thượng nguồn sông Mekong và từ Biển Hồ, nước mặn xâm nhập vào ĐBSCL sâu và xa hơn.”  


TIN TỐT ĐẸP CHO SÔNG MEKONG     

World Wildlife Fund (Quỹ Đời Sống Hoang Dã Thế giới) “đã vui mừng khi nghe được bình luận mới đây của Ngài Keo Rattanak, Tổng Giám đốc Điện lực Cam Bốt, rằng ông không muốn thấy hai dự án thủy điện dòng chính sông Mekong Sambor và Stung Treng được có trong quy hoạch năng lượng từ nhiều nguồn / mix energy.”

 


Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2022

Ngô Thế Vinh: Việt Nam -- Những Ngày Trở Lại Của Cựu Chiến Binh Eric Henry

 Lời Dẫn Nhập: Bài viết về TS Eric Henry với dự kiến ban đầu kết hợp với Chân Dung Phạm Duy. Nhưng rồi, riêng phần Phạm Duy đã dài tới ngót 50 trang giấy, nên Chân Dung Eric Henry phải tách ra một bài khác, vẫn mong bạn đọc có cái nhìn kết hợp hai chân dung do tính bổ sung của hai nhân vật Phạm Duy và Eric Henry trên chặng đường tìm hiểu nền Tân nhạc Việt Nam cùng với các bước gian truân để hình thành và xuất bản bộ Hồi Ký tiếng Anh The Memoirs of Phạm Duy, dự trù sẽ do Cornell University Press xuất bản. Tưởng cũng cần nói thêm, Thư viện Đại Học Cornell là nơi còn lưu trữ đầy đủ nhất di sản 20 năm Văn học Miền Nam 1954-1975, và  “ngọn lửa phần thư” của những người Cộng sản Việt Nam muốn tận diệt nền văn hóa ấy đã không sao lan tới được.

Hình 1: Chân dung TS Eric Henry, ảnh trích từ Jacket cuốn Garden of Eloquence / Thuyết Uyển, của Lưu Hướng, do Eric Henry dịch và giới thiệu, University of Washington Press xuất bản 2021. [nguồn: photo by Nguyễn Phong Quang] 

ERIC HENRY VÀ TÔI 

Lần đầu tiên tôi gặpTS Eric Henry,cách đây 5 năm (2017), và ngạc nhiên khi biết Eric – là một cựu chiến binh Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam, nhưng lại rất “ít chất lính”. Bước vào lứa tuổi 20, tới hạn quân dịch Eric quyết định đơn giản: nhập ngũ làm bổn phận một công dân, sau đó trở  về đi học lại.Ngay trong thời gian quân ngũ, Eric vẫn rất ham đọc, và đã có được một số hiểu biết về nền văn hóa Đông phương, đặc biệt là Việt Nam và Trung Hoa. Eric có năng khiếu về ngôn ngữ, nói tiếng Việt khá thông thạo và tinh tế, không có âm hưởng thứ tiếng Việt tục tằn của mấy chú GI’s học được từ các quán bars trong thời gian phục vụ ở Việt Nam. Tới một đất nước chiến tranh lại có nhiều tôn giáo như ở Việt Nam, Eric cũng đã học được cách trả lời dí dỏm và an toàn cho mấy câu hỏi dễ phân cách lòng người, như“Anh theo đạo gì?” -- “Tôi theo đạo vợ”, và đạo vợ mặc nhiên được công nhận như một thứ đạo phổ quát cho đám đàn ông lính tráng lúc đó, cho dù khi sang Việt Nam, Eric vẫn đang còn là một thanh niên độc thân. 


      Khi biết tôi cũng là người cầm bút, mới vỡ lẽ ra Eric đã đọc cuốn tiểu thuyết Vòng Đai Xanh, từ một ấn bản tiếng Việt do Nxb Văn Nghệ California tái bản năm 1987. Eric cho biết vẫn giữ cuốn sách đó trên kệ sách và anh cũng rất quan tâm tới người Thượng trên Cao nguyên. Do “văn kỳ thanh”, chúng tôi đã dễ dàng nói chuyện với nhau hơn.



Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2022

Ngô Thế Vinh: Tình Quê Hương Trong Nhạc Phạm Duy Và Những Chân Dung

Hình 1: Nhạc sĩ Phạm Duy 90 tuổi; ảnh chụp vào dịp chuẩn bị sinh nhật thứ 90 của ông, trên đại lộ Thống Nhất tại bức tường trường Đại học Dược khoa, lúc này đang có một gốc cây đa bám vào vách tường rất đẹp, tôi chọn địa điểm này với ý nghĩa Phạm Duy là cây đa cổ thụ trong nền tân nhạc Việt Nam. [Photo và ghi chú  của Nguyễn Phong Quang]

Lời Dẫn Nhập: Cám ơn bạn hữu gần xa, những người yêu mến nhạc và cả con người Phạm Duy, trong sự tin cậy, đã gửi và cả cho phép sử dụng các nguồn tài liệu quý giá trong đó có những thư từ trao đổi riêng tư với Phạm Duy cách đây cũng đã ngót 30 năm, không ngoài mục đích giúp người viết có chất liệu – đủ cho một cuốn sách, nhưng đó là công trình của tương lai. Đây chỉ một bài viết ngắn, nhưng cũng mong phác thảo được đôi nét chân dung của một nghệ sĩ lớn Phạm Duy -- thần tượng của nhiều người qua nhiều thế hệ, với một cuộc sống đầy cảm hứng nhưng cũng rất phức tạp. Phạm Duy đã sống qua hai thế kỷ, “khóc cười theo vận nước nổi trôi” trong suốt chiều dài của một bi kịch Việt Nam cận đại, vừa hào hùng và cũng vô cùng bi thảm. 


*


PHẠM DUY VÀ NHỮNG KHOẢNG CÁCH 


      Phạm Duy sinh năm 1921 hơn tôi 20 tuổi, khoảng cách một thế hệ, khác biệt trong mọi  bối cảnh sinh hoạt và cuộc sống. Những năm 1940, thời gian đầu của  cuộc kháng chiến chống Pháp, khi cùng gia đình tản cư lên sống ở một vùng quê Thanh Hoá trong Liên khu IV; trên những thửa lúa vàng, giữa tuổi ấu thơ, tôi đã cùng với đám trẻ quê nghêu ngao hát bài Em Bé Quê và mấy bài ca kháng chiến khác của Phạm Duy. Ký ức chiến tranh lúc đó chỉ là hình ảnh một thị xã Thanh Hoá đang nguyên vẹn đẹp đẽ bị san bằng do chính sách “tiêu thổ kháng chiến” của Việt Minh. Liên Khu IV vẫn được coi như an toàn khu, không có lính Tây Lê-dương đến càn quét, và cảnh bom đạn nếu có là từ trên cao, với những chiếc máy bay Bê-Vanh-Nớp / B29 của Pháp bay dọc theo con sông Mã,  gầm rú trên bầu trời, rồi từng đợt xả xuống những băng đạn lửa đum đum bắn chìm các thuyền đò, không có bộ đội chỉ có dân dã buôn bán di chuyển trên sông. Cảnh tang thương chết chóc lớn nhất mà tuổi thơ tôi đã chứng kiến là từng đợt máy bay Pháp bỏ bom oanh tạc ngôi chợ Rừng Thông với nhiều máu me và xác chết.


Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2022

Ngô Thế Vinh: Viễn cảnh 2022 - Tung hoành với Sông Cờ Đỏ, Trung Quốc vắt kiệt nguồn nước Châu Á

Tây Tạng, nơi phát xuất những con sông lớn của Châu Á: (1) Dương Tử, (2) Hoàng Hà, (3) Indus, (4) Sutlej, (5) Yarlung Tsangpo – Brahmaputra, (6) Irrawaddy, (7) Salween, (8) Mekong. [nguồn: Meltdown in Tibet, Michael Buckley, Palgrave MacMillan 2014] [3]

 

Với Trung Quốc ngày nay, chỉ có một tiếng nói của sức mạnh. Cuộc đấu tranh để sinh tồn có thể dẫn tới "cuộc chiến tranh vì nước" ngay trong thế kỷ 21 này.

Ngô Thế Vinh

Dẫn Nhập: Các dân tộc sống trên lục địa Châu Á ở hạ lưu các dòng sông từ Tây Tạng và Trung Quốc chảy xuống, trên 1,6 tỉ người này đã phải gánh chịu hết cả thiệt hại kinh tế nông nghiệp, ngư nghiệp và môi trường các hạ vực đã bị thoái hóa dần dần suốt nhiều thập niên qua trong khi Trung Quốc hưởng hết ích lợi nhờ thủy điện vì trên thượng nguồn họ xây hàng trăm con đập, tàng trữ hàng trăm tỉ mét khối nước, giam hãm 90% phù sa và thay đổi toàn diện dòng chảy môi sinh trên toàn lưu vực. Nhưng tham vọng Trung Quốc chưa dừng lại, Trung Quốc đã bắt đầu xây một đại công trình mang tên Sông Cờ Đỏ, dài trên 6.180 km để hàng năm chuyển dòng lấy 60 tỉ mét khối nước ngay từ nguồn không cho xuống hạ lưu sông Mekong, Salween và Brahmaputra. Sông Cờ Đỏ của Trung Quốc là một mối đe doạ tiềm tàng to lớn, với khả năng gây ra tội ác cho nhân loại – imminent threat to humanity. Trung Quốc tránh không ký bất cứ một hiệp ước hợp tác sông ngòi quốc tế nào, để họ đơn phương thực hiện những tham vọng của mình. Không một siêu cường nào trên thế giới ngạo mạn khai thác dòng nước bất chấp cuộc sống của bao nhiêu triệu cư dân hạ lưu như thế. Việt Ecology Foundation

*

Bắc Kinh có khả năng dùng “vũ khí nước” như một đòn ngoại giao bắt 25% dân số thế giới làm con tin / holding hostage. Khác với những hồ chứa đập thuỷ điện, vừa giữ nước vừa xả nước, Sông Cờ Đỏ là một chiến lược đổi dòng lấy nước – có nghĩa là 100% lượng nước này sẽ bị mất đi – không bao giờ được đền bù, đối với các quốc gia hạ nguồn. [1]



Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2022

Ngô Thế Vinh: Đi Tìm Chân Dung Y Sĩ Tiền Tuyến Nghiêm Sỹ Tuấn Với Thông Điệp Mùa Xuân

Dẫn nhập – Chiến tranh, không phải là chấp nhận hiểm nguy, không phải là chấp nhận giao tranh. Ở một thời khắc nào đó, với người chiến binh, là sự chấp nhận thuần túy và giản đơn cái chết.La guerre, ce n’est pas l’acceptation du risque, ce n’est pas l’acceptation du combat. C’est, à certaines heures, pour le combattant, l’acceptation pure et simple de la mort.A. de Saint-Exupéry (Pilote de guerre)


*


Hình 1:trái, Di ảnh Y sĩ Trung úy Nghiêm Sỹ Tuấn, Y sĩ trưởng Tiểu đoàn 6 Nhảy Dù tử trận tại chiến trường Khe Sanh ngày 11/4/1968; phải,Chân dung Nghiêm Sỹ Tuấn qua nét vẽ của Y sĩ Đại úy Lê Văn Công, Quân Y Hiện Dịch khóa 15 YKSG, Virginia, USA 2018.[size 6 x 20” acrylic on canvas, sưu tập Ngô Thế Vinh]


TIỂU SỬ


Nghiêm Sỹ Tuấn, bút hiệu là Yển Thử, [bút hiệu này chỉ được dùng một, hai lần cho mấy bài thơ 28 Sao trên báo Tình Thương], sinh ngày 7 tháng 2 năm 1937 (tuổi Bính Tý) tại Nam Định, Bắc phần trong một gia đình thanh bạch và đông anh em. Cắp sách tới trường muộn màng ở tuổi 14. Hoàn tất học trình Trung học và Đại học trong khoảng thời gian 14 năm. Những năm học Y khoa, Nghiêm Sỹ Tuấn là Thư ký tòa soạn báo Sinh viên Y Khoa Tình Thương từ số ra mắt tới số 13 [khoảng thời gian từ 01-1964 tới 01-1966] khi Anh ra trường, là tác giả nhiều bài viết sâu sắc, mang nặng những suy tư về các vấn đề văn hóa, xã hội và vận mệnh đất nước.



Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2021

Ngô Thế Vinh: Dohamide - Giấc Mơ chàm Và Bangsa Champa


Hình 1: từ trái, cây bút chuyên khảo văn minh Champa trên tạp chí Bách Khoa Dohamide, chủ nhiệm Bách Khoa Lê Ngộ Châu, Ngô Thế Vinh, nhà văn Võ Phiến. [hình chụp 1994 tại Little Saigon, tư liệu Ngô Thế Vinh] 



TIỂU SỬ

Dohamide, người gốc Chăm, sinh năm 1934 tại làng Katambong, Châu Đốc (An Giang), có thêm ba bút hiệu nhưng ít được biết đến: Linh Phương, Châu Giang Tử, Châu Lang. Khi Dohamide có bài viết đầu tiên Người Chàm tại Việt Nam ngày nay” đăng trên tạp chí Bách Khoa năm 1962, Chủ nhiệm Lê Ngộ Châu đã giới thiệu anh với độc giả như sau:


“Bạn Dohamide, tác giả loạt bài sau đây, là người gốc Chàm, sanh tại làng  Katambong, Châu Đốc (An Giang). Bạn đã có can đảm thoát ly những ràng buộc khắt khe của tập tục địa phương để lên thủ đô Sài Gòn vừa đi làm nuôi gia đình vừa đi học, và hiện nay bạn đã tốt nghiệp ở Học Viện Quốc Gia Hành Chánh. Ngoài tiếng Chàm là tiếng mẹ đẻ, bạn Dohamide biết nói và viết các thứ tiếng Việt, Pháp, Anh, Á Rập, Mã Lai, Cam Bốt, những thứ tiếng này đã giúp bạn Dohamide rất nhiều trong những thiên khảo cứu như trình bày với bạn đọc.” [Bách Khoa, số 135, 15/8/1962]


Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2021

Ngô Thế Vinh : 100 Năm Sinh Hoạ Sĩ Tạ Tỵ Và Giấc Mộng Con Năm 2000 (Phần 1)

 Tôi thường nghĩ, nước Việt Nam dù dưới chủ nghĩa nào cũng chỉ tạm thời, cái Vĩnh Viễn là mảnh đất do tất cả Dân Tộc dựng nên, cái đó mới tồn tại lâu dài, Vĩnh Viễn! Tôi nhìn mãi tấm hình chiếc cầu Mỹ Thuận, lòng thấy vui vô cùng. Thế là người Việt Nam thoát được cái cảnh “sang sông” phải lụy phà… Chúng tôi nhất quyết về Việt Nam dù không biết phía trước cái gì sẽ xảy ra cho mình. Nhưng dù sao, tôi cũng muốn an nghỉ ở Việt Nam nơi mình đã sinh ra và đã sống 60 năm trời! Tạ Tỵ [thư gửi Ngô Thế Vinh viết ngày 29.2 & 27.7.2000]

**

Hình 1: trái, Tạ Tỵ 31 tuổi, sau 4 năm theo kháng chiến chống Pháp và về thành (Hà Nội, 1952); giữa, Thiếu Tá Tạ Tỵ trong quân đội Việt Nam Cộng Hoà; phải, chân dung Tạ Tỵ năm 2000. Sau 1975, ông đã phải đi tù cải tạo 6 năm, hồi ký Đáy Địa Ngục ghi lại kinh nghiệm ông đã trải qua trong những năm tháng nghiệt ngã tù đày với lao động khổ sai “ăn không đủ no, đói không đủ chết”;  [nguồn: album gia đình Tạ Tỵ, photo by Phạm Phú Minh, Đáy Địa Ngục, Nxb Thằng Mõ 1985]


TIỂU SỬ

Tạ Tỵ là bút danh, Tạ Văn Tỵ là tên thật, sinh ngày 3 tháng 5 năm 1921 (tức ngày 26 tháng 3 năm Tân Dậu) tại Hà Nội, nhưng trên giấy khai sinh lại ghi là ngày 24 tháng 9 năm 1922, vì khai muộn một năm. Ngay từ khi còn là một sinh viên trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương / École Supérieure des Beaux-Arts de l’Indochine, Tạ Tỵ đã thành danh khá sớm.


Năm 1941, ở tuổi 20,do đoạt một giải thưởng tranh của nhà trường, Tạ Tỵ được đến thăm kinh đô Huế.


Năm 1943, Tạ Tỵ tốt nghiệp khoa Sơn Mài tại trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương nhưng dấu ấn Hội hoạ của ông không phải là những tác phẩm Sơn Mài. Tạ Tỵ luôn luôn đi tìm cái mới, và được xem là người đi tiên phong vào lãnh vực Lập Thể / Cubisme và Trừu Tượng / Abstrait của hội hoạ Việt Nam.


Và cũng năm 1943, sau khi vừa tốt nghiệp,Tạ Tỵ đoạt ngay một giải thưởng với bức tranh“Mùa Hạ” (tân ấn tượng / néo-impressionnisme) được giải thưởng tại phòng Triển lãm Duy nhất (Salon Unique) “vì có một phương pháp diễn tả theo khuynh hướng mới, tuy chưa hẳn là lập thể, nhưng các hình thể đã được biến cải theo sở thích riêng.”[1]


Ngô Thế Vinh: 100 Năm Sinh Hoạ Sĩ Tạ Tỵ Và Giấc Mộng Con Năm 2000 (Phần 2)

 ĐÁY ĐỊA NGỤC: HỒI KÝ VIẾT TRÊN ĐẢO

Ngay từ ngày đặt chân lên đảo, Tạ Tỵ đã cầm bút ghi lại kinh nghiệm những năm tù đày kinh hoàng mà anh và các đồng đội vừa trải qua. Cuốn Hồi ký Đáy Địa Ngục, dày 678 trang được khởi viết ngày 25/9/1982 và viết xong ngày 15/12/1982 tại trại Tỵ Nạn chuyển tiếp Sungai Besi, Malaysia, được Nxb Thằng Mõ, California xuất bản năm 1985 và tái bản một năm sau đó. Ngay trang mở đầu cuốn Hồi ký, Tạ Tỵ viết: 


      Cuốn “Đáy Địa Ngục” được thực hiện trong hoàn cảnh vô cùng phức tạp, giữa những tiếng ồn ào, sinh động của một trại Tỵ Nạn trên vùng đất Mã Lai… Khoảng thời gian, từ ngày Cộng sản chiếm miền Nam, tính đến hôm nay, mới gần 8 năm. Quả thực không lâu so với cuộc luân hành miên viễn của thời gian, nhưng đích thực, đó là một chuỗi đau thương đan kết bằng máu và nước mắt của mỗi con người Việt Nam đã và đang sống trong một bối cảnh vô cùng khốn khổ trực diện với một chế độ mình không ưa thích, không muốn phục vụ, vẫn phải làm như nhiệt tình, thành khẩn!

      Sau ngày 30-4-1975, Việt Nam là một nhà tù lớn, bên trong nó, có rất nhiều nhà tù nhỏ, được quây kín sau dãy Trường Sơn trùng điệp, sau những lũy tre dày đặc, hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài. Không một ký giả nào thuộc Thế Giới Tự Do, kể cả các ký giả thuộc các nước Cộng sản anh em, được “tham quan” những vùng đất cấm đó. Đối với Cộng sản, cái gì cũng được giữ bí mật tối đa, cái gì cũng được che giấu bằng dối trá, lừa bịp!

      Tôi đã trải qua 8 trại Tập Trung Cải Tạo, từ Nam ra Bắc. Tôi đã sống và đã chứng kiến bao nhiêu trạng thái bi thương…

Người tù chính trị Việt Nam sau ngày 30-4-1975, quả thực, một vết nhơ trên “tấm thảm lương tri nhân loại”. Họ được đối xử như những con vật, đôi khi không bằng con vật. Họ luôn luôn sống trong lo âu, hồi hộp, chẳng biết chuyện gì sẽ xảy đến với họ, buổi sớm mai khi thức dậy, sau một đêm trằn trọc với ác mộng và muỗi rệp! Họ “ăn không đủ no, đói không đủ chết”, nên lúc nào miếng ăn cũng ám ảnh, giày vò họ, làm khổ sở, ngày này qua ngày khác, mùa nắng cũng như mùa mưa, mùa hạ cũng như mùa đông, không mùa nào họ có thể tìm thấy chút gì để tạo nên nguồn hy vọng. Nếu ai đã trải qua một lần trong bất cứ Trại Tập Trung Cải Tạo nào của Cộng sản Việt Nam, người đó có quyền coi thường mọi nhà tù trên Thế Giới!

… “Nhưng trang sử đã lật. Cái gì qua, phải qua. Nó là bài học vô cùng quý giá, miễn rằng bài học này đừng bao giờ ôn / lặp lại trong ngày mai.” [1] [hết trích dẫn]


      Tạ Tỵ đã đặt chân tới Mỹ với tập bản thảo hồi ký Đáy Địa Ngục vừa được viết xong. 



Hình 12:Tạ Tỵ và các thân hữuở Little Saigon, hàng ngồi từ phải: Tạ Tỵ, Ngô Bảo; hàng đứng từ trái: Thanh Chương, Phan Diên, Phạm Quốc Bảo, Nguyễn Văn Định. [photo by Phạm Phú Minh, do Phạm Quốc Bảo nhận diện]



RA MẮT TUYỂN TẬP VĂN – THƠ – HOẠ TẠ TỴ 2001

Trong khoảng thời gian 21 năm sống tại California Hoa Kỳ, khi thì San Diego, khi thành phố Garden Grove, Tạ Tỵ tiếp tục sáng tác vẽ và viết; ông hoàn tất được một số tranh với phong cách trừu tượng và một số tác phẩm viết và xuất bản ở hải ngoại. 


Tuyển Tập Văn – Thơ – Hoạ của Tạ Tỵ là cuốn sách cuối cùng được xuất bản và ra mắt tại Hoa Kỳ. Sách gồm bốn tập truyện: Những Viên Sỏi, Yêu và Thù, Bao Giờ, Xóm Cũ, và một tập thơ Mây Bay, đặc biệt có 12 phụ bản màu: gồm 6 bức tranh Sơn Dầu Trừu Tượng, tất cả được vẽ tại Hoa Kỳ và 6 Ký hoạ Bột màu / Gouache các Khuôn Mặt Văn Nghệ Sĩ. 


Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2021

Ngô Thế Vinh: In Retrospect - Nguyễn Văn Trung - Nhìn Lại Một Hành Trình Trí Thức Lận Đận

“… những cố gắng suy nghĩ của một người vẫn ước muốn tự đặt cho mình một kỷ luật đồng thời cũng là một lý tưởng là phải tìm kiếm không ngừng, bằng cách tự phủ nhận, bất mãn với quãng đường mình vừa qua và cứ như thế mãi mãi…” [Cùng bạn độc giả, Lược Khảo Văn Học I] [1]Nguyễn Văn Trung

*
Hình 1: trái, Nguyễn Văn Trung, Đại học Văn Khoa Sài Gòn 1969; phải, Nguyễn Văn Trung 50 năm sau, Montréal tháng 8/2019. [nguồn: trái, album gia đình Nguyễn Quốc Linh, phải, photo by Phan Nguyên]

TIỂU SỬ


Nguyễn Văn Trung sinh ngày 26-9-1930, tại làng Thanh Hương, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam; còn có bút hiệu là Phan Mai và Hoàng Thái Linh. Xuất thân trường Dòng Puginier và chủng viện Hoàng Nguyên trước khi chuyển qua học Chu Văn An, Hà Nội. Từ 1950 đến 1955 ông được gửi đi du học Âu châu, ban đầu ở Pháp rồi qua Bỉ, đậu cử nhân triết học Đại học Louvain, Bỉ. Năm 1955 về Sài Gòn dạy trường trung học Chu Văn An, và sau đó là Đại học Huế.

Năm 1961 ông trở lại Bỉ, trình luận án tiến sĩ về Phật Học cũng tại Đại học Louvain với đề tài: “La Conception Bouddhique du devenir, Essai sur la notion du devenir selon la Stharivanâda.”

Về nước ông dạy Triết và Văn ở Đại học Văn Khoa Sài Gòn và Đại học Huế. Tại Đại học Văn Khoa Sài Gòn, ông là Trưởng ban Triết Tây phương, có thời gian được bầu làm Khoa trưởng Đại học Văn khoa Sài Gòn (1969).

Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2021

Ngô Thế Vinh: Việt Nam Một Thế Kỷ Qua – Nguyễn Tường Bách và Tôi

Hình chụp một buổi ca nhạc trong gia đình Nguyễn Tường Bách - Hứa Bảo Liên ở Phật Sơn, 1967. (Hình: Tư liệu Hứa Bảo Liên)

Dẫn nhập: Việt Nam Một Thế Kỷ Qua, Nguyễn Tường Bách và Tôi là tên hai tác phẩm hồi ký của bác sĩ Nguyễn Tường Bách và cô giáo Hứa Bảo Liên, người bạn trăm năm của Nguyễn Tường Bách. Đây là hai bộ hồi ký đặc sắc về cuộc tình lãng mạn của một chàng trai Việt và một cô gái người Hoa ở Hà Nội cùng nổi trôi theo vận nước cho tới khi họ gặp lại nhau trên đất Côn Minh Vân Nam và trở thành đôi vợ chồng sắt son thuỷ chung với bao nhiêu tận tuỵ và hy sinh – nhưng quan trọng hơn thế nữa, đây chính là một phần của lịch sử sinh động và đầy biến động trong ngót một thế kỷ qua trong những cơn bão táp của Cách Mạng Việt Nam và cả lục địa Trung Hoa.

*

Thứ Bảy, 4 tháng 9, 2021

Phỏng Vấn Nhà Văn Ngô Thế Vinh Của Nguyễn Mạnh Trinh

(Cuộc phỏng vấn được thực hiện tại Little Saigon tháng 1 năm 1996)

Nguyễn Mạnh Trinh, sinh năm 1949 tại Hà Nội, lớn lên ở miền Nam. Phục vụ tại Sư đoàn 6 Không quân Pleiku. Sau biến cố 1975, tị nạn tại Hoa Kỳ và tham gia vào sinh hoạt văn học nghệ thuật. Ngoài viết văn và làm thơ, ông thường viết những nhận định văn học và phỏng vấn các tác giả. Nguyễn Mạnh Trinh cùng với Nhã Lan thực hiện chương trình “Tản Mạn Văn Học” trên đài Little Saigon mỗi sáng thứ bảy, được đông đảo người Việt theo dõi. Tác phẩm: Thơ Nguyễn Mạnh Trinh (Người Việt, 1985), Tập truyện 23 Người Viết Sau 1975 (cùng Trịnh Y Thư, Văn Nghệ, 1989); Tạp Ghi Văn Nghệ (Người Việt 2007)


*

Phần I

NGUYỄN MẠNH TRINH [NMT]: Xin anh cho biết tiểu sử của mình?

NGÔ THẾ VINH [NTV]: Tôi sinh năm 1941 tại Thanh Hóa, không phải quê nhưng cha tôi dạy học ở đó. Tốt nghiệp y khoa Sài gòn 1968. Trong ban biên tập, nguyên tổng thư ký rồi chủ bút báo sinh viên Tình Thương trường Y khoa Sài gòn từ 63 tới khi báo bị đình bản. Nguyên y sĩ trưởng Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù. Tu nghiệp ngành Y Khoa Phục Hồi tại Letterman, San Francisco. Trở về Việt nam, làm việc tại trường Quân Y. Sau 75, tù cải tạo 3 năm. Ra trại, về Sài Gòn, một thời gian sau trở lại làm việc tại trường Vật lý Trị Liệu và Trung tâm Phục Hồi Sài Gòn. Tới Mỹ 8 năm sau, cải tạo thêm 5 năm, chỉ có khác ở lần này là tính cách tự nguyện để trở lại ngành Y : thời gian đầu làm volunteer đẩy cáng ở bệnh viện để có thêm credit, làm một số công việc ngoài giờ với minimum wages, trước khi trở lại làm bác sĩ nội trú rồi thường trú các bệnh viện Đại học SUNY Downstate, Brooklyn New York. Tốt nghiệp ngành Nội khoa American Board of Internal Medicine và hiện làm việc tại một Bệnh viện miền nam California...

NMT: Anh bước chân vào văn nghiệp như thế nào, có kỷ niệm nào đáng nhớ?

NTV: Cha tôi dạy học, môn văn chương. Tôi sớm được dịp đọc những cuốn sách trong tủ sách của cha tôi. Cha tôi mất sớm sau di cư 54 một năm khi trở lại Huế lần thứ hai và dạy học ở trường Khải Định. Vẫn còn mẹ và anh, nhưng tôi ra đời sớm. Vào ở Đại học xá Minh Mạng khi vừa xong trung học. Cả thế giới mới như mở ra với rất nhiều va chạm giữa mộng và thực, Mây Bão là tiểu thuyết đầu tay, hoàn tất năm tôi 21 tuổi trong bối cảnh ấy, có mang nhiều dự phóng nhưng không ngờ cũng lại tiên tri cho một cuộc hành trình với rất nhiều gian truân nhưng không tới.

Phỏng Vấn Nhà Văn Ngô Thế Vinh Của Nguyễn Mạnh Trinh (Kỳ 2)

(Cuộc phỏng vấn được thực hiện tại Little Saigon tháng 1 năm 1996)

NMT: Sự xụp đổ của chính quyền năm 75 tại nam Việt Nam đã có ảnh hưởng nào trong đời sống thực và đời sống văn chương của anh?

NTV: Từ những cuối năm 60, tôi đã không có ảo tưởng nào về một dứt điểm bằng sự thắng trận của miền Nam. Không phải vì một đối phương quá mạnh mà là sự suy yếu do quá trình tự hủy của xã hội miền Nam. Ngay từ trang đầu tiên của cuốn Vòng Đai Xanh tôi đã có ngay một nhận định về cuộc chiến tranh Việt Nam lúc đó, rằng “khi người Mỹ đã bước qua giai đoạn cố vấn thì ai cũng hiểu rằng đây là một cuộc chiến tranh của họ, một cuộc chiến được nuôi dưỡng và giải quyết theo quan điểm quyền lợi của nước Mỹ.” Tuy nhiên tôi không thể không bàng hoàng về tấm thảm kịch xụp đổ mau chóng của cả miền Nam khi vẫn còn một triệu quân tại ngũ với vững tay súng.

Tôi đã chọn ở lại, để rồi chứng kiến những ngày cuối cùng của những người lính. Thảm kịch không phải trận chiến cuối cùng đã bị thua, nhưng chính là cái nhục và nỗi thất vọng ê chề của những người lính về sự hèn nhát của cấp chỉ huy và giới lãnh đạo của họ. Cũng may mà cuộc chiến ấy đã chấm dứt sớm hơn; bởi nếu kéo dài thêm, chết chóc và tàn phá thêm thì cái kết thúc cũng không thể khác hơn được với phẩm chất của giới lãnh đạo như vậy.

Chia xẻ nỗi khổ với người lính trong chiến trận, chứng kiến nỗi nhục của họ sau đó, giữa một đám người thắng trận nhếch nhác và chẳng hơn gì... Từ đó tôi nhìn tấm thảm kịch trên cả hai miền đất nước. Sống sót qua cơn địa chấn ấy, bảo làm sao mà không có dấu hằn trên cuộc sống thực và cả văn chương?

NMT: Anh là một người lính viết văn. Có người nhận xét rằng anh không viết với đời sống quân ngũ đơn thuần mà chính ở đó là một cái cớ để anh có thể đề cập đến những vấn đề khác, phức tạp hơn có tính cách chiến lược hơn... Theo anh nhận xét ấy có chính xác không?

Chủ Nhật, 27 tháng 6, 2021

Ngô Thế Vinh : Gia Đình Bách Khoa Và Một Lê Ngộ Châu Khác

Lê Ngộ Châu sống và làm việc ngay tại toà soạn Bách Khoa, 160 Phan Đình Phùng Sài Gòn. Trước và sau 1975, chưa ai được nghe anh Lê Châu kể lể về những tháng năm thăng trầm với tờ báo Bách Khoa. Tranh luận về “công lao Bách Khoa” nếu có, là  từ bên ngoài, và không là mối bận tâm của Lê Châu. [tư liệu Ngô Thế Vinh, hình chụp 05/03/1984]

TIỂU SỬ LÊ NGỘ CHÂU


      Tuổi Quý Hợi, sinh ngày 30/12/1923 tại làng Phú Tài, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam vùng đồng bằng sông Hồng. Có thời gian theo kháng chiến chống Pháp. Tới năm 1951 Lê Ngộ Châu hồi cư về Hà Nội, dạy học, làm hiệu trưởng một trường trung học tư thục ở tuổi 29. Di cư vào Nam 1954, gia nhập Hội Văn hoá Bình dân với một hệ thống Trường Bách khoa Bình Dân ở các tỉnh miền Nam và Hội VHBD có xuất bản một nội san với tên Bách Khoa Bình Dân.


LỊCH SỬ BÁO BÁCH KHOA


      -- 1957 một tạp chí có tên Bách Khoa do hai ông Huỳnh Văn Lang, Hoàng Minh Tuynh sáng lập, xuất bản mỗi tháng hai kỳ, với quan niệm là: “Diễn đàn chung của tất cả những người tha thiết đến các vấn đề Chính trị, Kinh tế, Văn hoá, Xã hội.”


      Nguồn tài chánh ban đầu của Bách Khoa là do đóng góp của một nhóm 30 người, gồm những nhà giáo, nhà báo, chuyên viên hay công tư chức cao cấp thời bấy giờ; mỗi người góp 1.000 đồng (lương tháng hàng giám đốc lúc đó khoảng 5.000 đồng) , tổng cộng được 29.500 đồng, một số tiền phải nói là khá lớn (theo TS Phạm Đỗ Chí, thì 1 US$ = 35 VN$ và số tiền ấy tương đương với hơn 20 lạng vàng theo thời giá 1957 lúc bấy giờ). Tên của họ được in nơi bìa sau của những số báo Bách Khoa giai đoạn đầu, có thể kể: Lê Đình Chân, Tăng Văn Chỉ, Đỗ Trọng Chu, Lê Thành Cường, Trần Lưu Dy, Lê Phát Đạt, Nguyễn Văn Đạt, Nguyễn Lê Giang, Phạm Ngọc Thuần Giao, Nguyễn Hữu Hạnh, Lê Văn Hoàng, Nguyễn Văn Khải, Phạm Duy Lân, Nguyễn Quang Lệ, Trần Long, Bùi Bá Lư, Dương Chí Sanh, Nguyễn Huy Thanh, Bùi Kiến Thành, Hoàng Khắc Thành, Phạm Ngọc Thảo, Bùi Văn Thịnh, Nguyễn Tấn Thịnh,Vũ Ngọc Tiến, Võ Thu Tịnh, Nguyễn Tấn Trung, Phạm Kim Tương, Hoàng Minh Tuynh, Bùi Công Văn. (Chỉ có 29 tên, một người đóng 500 đồng, không được nêu tên trong danh sách này).[5]


Thứ Bảy, 15 tháng 5, 2021

Ngô Thế Vinh: Trần Hoài Thư và Ngọc Yến, với con chim chằng nghịch và nỗi nhớ quê

Trái, thầy giáo Trần Hoài Thư (1967) ở tuổi 25, chuẩn uý thám kích sư đoàn 22 Bộ binh. [nguồn: “Nhà văn Việt Nam” của Lương Trọng Minh]; phải, nửa thế kỷ sau, nhà văn Trần Hoài Thư (2017) đang ngồi khâu Di sản Văn học Miền Nam.

Lời Dẫn Nhập: Trần Hoài Thư (THT) là một tên tuổi có trong danh sách các tác giả của Tuyển Tập Chân Dung VHNT & VH II, nhưng cũng để thấy rằng đây là một chân dung văn học rất khó viết, do đã có quá nhiều người viết về đủ mọi khía cạnh của THT. Hơn thế nữa cuộc đời và sự nghiệp của THT quá phong phú nên với một bài viết dù chỉ là phác thảo cũng vẫn là một thiếu sót. Gần đây, qua bao nhiêu biến cố dồn dập trong cuộc đời Trần Hoài Thư, đã đến lúc không thể không có một bài viết về người bạn văn, như một tấm thiệp mừng 50 năm ngày cưới – 50th Gold anniversary của đôi vợ chồng Nguyễn Ngọc Yến – Trần Hoài Thư, một “đám cưới nhà binh” của thế kỷ, với rất nhiều hạnh phúc cùng với nhiều khổ đau khi cả hai sắp bước vào tuổi 80. Cũng nhân đây, có một gợi ý với các bạn trẻ trong và ngoài nước đang chuẩn bị luận án tiến sĩ văn học, thì chân dung văn hoá của Trần Hoài Thư cùng với nỗ lực phục hồi Di Sản Văn Học Miền Nam 1954 – 1975 là một đề tài vô cùng phong phú và hấp dẫn, rất xứng đáng để các bạn khám phá và dấn thân vào. Các bạn cũng không còn nhiều thời gian – nói theo cách ví von của nhà văn trẻ Trần Vũ, chiếc kim đồng hồ trên tay anh Trần Hoài Thư đã chỉ 12 giờ kém 5 phút sắp qua nửa đêm và chỉ sau năm phút phù du đó, khi Trần Hoài Thư trở thành “người của trăm năm cũ”, tất cả sẽ bị lớp bụi thời gian mau chóng phủ mờ.

TIỂU SỬ TRẦN HOÀI THƯ


Trần Hoài Thư tên thật Trần Quí Sách, sinh ngày 16/12/1942 tại Đà Lạt. Tuổi thơ bị thất lạc cha, theo mẹ sống khổ cực ở thành phố Nha Trang, có một thời gian sống trong cô nhi viện Bethlehem Hòn Chồng. Sau khi được đoàn tụ với thân phụ – là một ông đồ còn mặc áo lương đen, THT mới được theo học trường Quốc Học Huế, rồi vào đại học Khoa học Sài Gòn. Từ năm 1964-1966 là giáo sư Toán đệ nhị cấp trường trung học Trần Cao Vân, Tam Kỳ tỉnh Quảng Tín (nay đã sát nhập vào tỉnh Quảng Nam).

Thứ Ba, 30 tháng 3, 2021

Ngô Thế Vinh: In Retrospect – Nhìn Lại _ Của Cha Và Con Steinbeck Giữa Chiến Tranh Việt Nam

Giải Nobel Văn chương 1962 được trao cho toàn
sự nghiệp của John Steinbeck; nhà văn Mỹ thứ 6
được giải Nobel tiếp theo sau Ernest Hemingway 1954.
[photo from the Nobel Foundation archive ]

JOHN STEINBECK, NOBEL VĂN CHƯƠNG 1962


Sinh ngày 27/02/1902 tại Salinas, miền trung California. Sống và lớn lên trong một vùng thung lũng đồng quê xanh tươi, còn được gọi là “Salad Bowl” với dòng sông Salinas. Xong trung học (1919), có ước vọng viết văn, Steinbeck ghi tên học môn Văn chương Anh và cả lớp Viết văn / Creative writings tại Đại học danh tiếng Stanford, Palo Alto. Năm 1923, Steinbeck ghi tên học thêm môn Sinh Học / Biology tại Hopkins Marine Station, tại đây Steinbeck quen biết với William E. Ritter và quan tâm nhiều hơn tới Môi sinh / Ecology. Do theo học thất thường, ông rời Stanford 6 năm sau (1925) và không có một học vị nào. Steinbeck quyết định sang New York lập nghiệp, ông làm đủ loại công việc lao động tay chân để kiếm sống và tập sự làm báo, viết văn nhưng không thành công, không nhà xuất bản nào nhận in cuốn sách đầu tay của ông.

Trở về California 3 năm sau (1928), Steinbeck cũng làm đủ mọi nghề, kể cả hướng dẫn du lịch ở Lake Tahoe, nhưng vẫn túng quẫn. Ông dọn về sống trong căn nhà nhỏ của cha ở vùng bán đảo Monterey; không phải trả tiền nhà lại được người anh giúp đỡ, không bận bịu mưu sinh, ông tập trung viết văn. Nhưng cuộc sống lại chật vật khi cả nước Mỹ bước vào thời kỳ Đại Suy Thoái. Steinbeck mua đượcmột chiếc tàu nhỏ, thử sống bằng nghề đánh cá ven biển, cá cua lưới bắt được cũng là nguồn thực phẩm cho gia đình, còn rau tươi thì hái lượm ngay trong vườn nhà; vẫn không đủ sống, vợ chồng ông phải sống bằng tiền trợ cấp xã hội / welfare.