Hiển thị các bài đăng có nhãn Ngô Nguyên Dũng. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Ngô Nguyên Dũng. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 1 tháng 9, 2023

Thơ Ngô Nguyên Dũng, Trần Hoàng Phố, Hoàng Xuân Sơn

tôi khóc ở sài gòn. một đôi lần 

Sài gòn. Tranh Đỗ Trung Quân.

1.


tôi khóc ở sài gòn. một sáng tháng mười

khi nghe tiếng rao "bánh mì nóng giòn" 

văng vẳng con hẻm ốm 

khách sạn ba sao. đường phạm ngũ lão 

thức giấc từ khi nào

trong tôi. những mộng mị đông phương

thời quá khứ trần truồng


2.


tôi khóc ở sài gòn. một chiều mưa

kinh nhiêu lộc nước ròng. ngôi chùa xưa

giọt nước mắt. đốm sáng nhạt nhòa

tro cốt già nua

dòng ký ức lãng đãng nhang khói mỏng 

thầm thì giọng người quá vãng

sáu giờ rồi con 

dậy đi học!


Thứ Sáu, 16 tháng 6, 2023

Truyện ngắn Ngô Nguyên Dũng: Nhớ

nhà cũ tôi về tìm lại chỗ
ấu thơ tôi giấu những hòn bi
có con dế ốm bò quanh quất
lối mòn khép lại nẻo thiên di
(Trích thi khúc "Về", cùng tác giả.)

Năm ấy, thoạt đầu chỉ là một khoảnh đất nện tráng xi-măng cao gần nửa thước xây bên hông ngôi nhà hương hỏa dòng họ Mạc, nằm cạnh hàng rào bùm sụm, chỗ có con lạch và lối đất ngoằn ngoèo cắt dọc ngang những thửa ruộng, dẫn về làng mạc xa xôi. Tiếp theo là những cột kèo bê-tông cốt sắt, những tường vách gạch nung, tráng xi-măng. Sau đó là mái ngói đỏ lợp âm dương, rực rỡ những ngày nắng, âm u buồn bã những ngày mưa. 

Trước cửa nhà và hai khung cửa sổ là hàng hiên rộng thoáng. Ban-công nhà đắp xi-măng, bệ rộng, dùng chưng bày cây cảnh. Cửa chính bốn cánh, sơn nâu sẫm, đánh vẹc-ni bóng loáng, lắp ổ khóa đồng đen, đính khoen chạm đầu sư tử, cho khách gọi cửa. Lúc thợ tới lắp ổ khóa và thử âm thanh, có mặt Tường ở đó. Chú thợ phải lắp vào tháo ra, tẩn mẩn thử tới thử lui, cho tới khi âm thanh dộng cửa trở nên trong trẻo, bật tiếng vang, chú mới ưng ý. 


Thứ Ba, 3 tháng 1, 2023

Ngô Nguyên Dũng: Tháng Chạp về thăm

Sau khi dọn xong bữa ăn tối, cô tiếp viên hàng không đẩy xe thức uống tới cạnh. Tôi gọi một ly nước suối, lấy viên thuốc an thần bỏ vào miệng, ực cạn ly nước. Lòng phi cơ hắt ánh sáng xanh dịu. Tôi bấm nút, khép mắt và ngã người ra lưng ghế.

Tiếng máy điều hòa không khí thầm thì. Với hai mắt nhắm, tôi lắng nghe nhịp thở mình thấp thỏm dưới lớp vải khẩu trang. Thỉnh thoảng một tiếng chuông vang lên khô khan. Đèn báo bật sáng. Giọng người phi công rè rè qua máy phát âm, phi cơ sắp sửa bay ngang vùng áp thấp, hành khách vui lòng cài dây an toàn… Tôi hình dung cảnh tượng đêm đen bên dưới. Trên màn hình phác họa tuyến đường bay, thấy phi cơ đang băng ngang vịnh Ấn Độ dương, chốc lát lại lắc lư răng rắc, như thể phản đối tính khí sỗ sàng của thời tiết. Rồi tôi thiếp vào giấc ngủ chập chờn những hình ảnh quá khứ…

"Chỉ có mình tôi lang thang nơi bãi tắm vùng biển quen. Dường như là Vũng Tàu. Tay tôi cầm chiếc nón nồi ngộ nghĩnh, lâu lâu lại đội lên. Có lúc tôi thấy mình lạc chân vào một quán ăn ven biển, đi ngang bàn có người đàn ông ngồi ngủ, nón rơm úp trên mặt, nhón tay lấy mà không hỏi bao nhựa đựng hồ sơ có dán ảnh, ghi tên một người đàn ông Tây phương và vài viên thuốc. Tôi đi dọc theo hồ tắm của quán, thấy đông đúc trẻ con. Một bé gái đang đùa chơi trên thanh gỗ bắc trên nước, giọng cười trong trẻo như pha lê vỡ. Tôi tìm lối dẫn ra biển, thỉnh thoảng đắn đo nghĩ ngợi về bao nhựa đựng giấy tờ của người đàn ông lạ. Tôi lấy mấy viên thuốc ra ngắm nghía, xem có giống những viên thuốc tôi phải uống mỗi ngày. Ngước mặt, thấy mình đang đứng trước hai lối xuyên qua cồn cát dẫn ra biển, do dự không biết nên đi lối nào. Lại thấy một hồ nơi, nước đóng rêu xanh rì, thầm hỏi, không biết hồ cạn hay sâu? Để rồi cuối cùng, tôi chọn lối bên phải…"


Thứ Ba, 20 tháng 12, 2022

Thơ Ngô Nguyên Dũng

chưa lần nào tôi tới new york  

Hình minh hoạ, Pexels

1. 

chưa lần nào tôi tới new york 

để thấy ngọn đuốc trên tay tượng nữ thần tự do 

đã tắt ngúm từ bao giờ

dòng hudson sương giăng 

phủ mờ những khu phố chết

trong tan hoang dịch nghiệp

dấy mầm xung khắc những màu da

và cuồng nộ chủng tộc


2. 

chưa lần nào tôi tới new york


Tin sách: "Đêm và Những Truyện Ngắn Khác" – Tập truyện Ngô Nguyên Dũng

"Đêm và Những Truyện Ngắn Khác", một tác phẩm văn chương độc đáo đề cập tới một đề tài "cấm kỵ" và nhạy cảm, gồm truyện vừa Đêm đã được nhà xuất bản Làng Văn ấn hành năm 1989, cùng một số truyện ngắn có cùng nội dung viết về những quan hệ tình cảm và tình dục cùng phái tính đã được Ngô Nguyên Dũng sáng tác ròng rã từ 1994 tới 2021, và phổ biến trên nhiều tạp chí văn chương có uy tín ngoài nước như Làng Văn, Văn Học, ....

Sách dày 310 trang, do nhà xuất bản Nhân Ảnh ấn hành. 

Đặt mua sách tại Amazon

 



Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2022

Ngô Nguyên Dũng: Trở Lại Sài Gòn

Ba ngày ở Đà Nẵng đã ghi dấu trong tâm tưởng tôi nhiều ấn tượng đậm nét: Đêm đi Hội An tham dự lễ hội Hoa Đăng, lần đầu tiên chơi và thắng giải Bài Chòi, viếng thăm núi đá Ngũ Hành Sơn, du ngoạn bán đảo Sơn Trà, tắm trưa biển Mỹ Khê, … Nhưng rõ rệt nhất là chuyện tôi không còn thấy bóng dáng từng nhóm du khách Trung Quốc xô xí xào trên đường phố.  

Nhớ lại lần đầu tiên tới đây, tối nọ chúng tôi ghé lại một sòng bài cao cấp nằm ven bãi Mỹ Khê. Tòa nhà thắp đèn sáng trưng trong ngoài, tọa lạc trong một khu đất rộng, có vườn cây cỏ cắt tỉa tươm tất, một bãi đậu xe ngăn nắp và tiếp viên mặc đồng phục chào đón nơi cửa ra vào. Vào trong mới hay, họ chỉ tiếp đãi du khách. Bên trong, quanh bàn chơi black jack khách xí xô ngôn ngữ Trung Quốc. Trong phòng chơi máy điện tử, những người với vẻ mặt, dáng dấp, không phải "dân mình", ngồi lầm lì trước giàn máy nhấp nháy ánh sáng, âm thanh máy móc rộn rã, và tiếng giơ-tông lào rào reo vui xuống rãnh thép. Không dưng cảm giác bực bội, xen lẫn bất mãn, trong tôi dấy lên… Xốn xang không nguôi.

Bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng

Trở lại Đà Nẵng lần này, tôi chẳng còn thấy, không còn nghe bất kỳ ngôn ngữ lạ tai nào. Ả giang hồ phố biển, sau nhiều năm lang chạ với nhiều giống đực không cùng chủng tộc, đang gột rửa lớp điểm trang, soi gương chăm sóc những dấu vết bạo hành trên thân xác nhược tiểu, băng bó tâm thức còn rỉ máu những thương tích lịch sử. Như thể:

"Em về điểm phấn tô son lại. 

Ngạo với nhân gian một nụ cười." ()

*


Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2022

Ngô Nguyên Dũng: Về Giữa Mùa Mưa (Phần 2) - Năm Ngày Ở Sài Gòn

Trong một quán cà-phê ở con đường sách,
Nguyễn văn Bình, Sài Gòn
Sài Gòn vào mùa mưa, chiều nào trời cũng rớt một cơn rã rượi. Đôi khi, vừa hừng sáng, tôi chợt thức giấc vì tiếng mưa lao xao mái ngói. Những ngày này, không còn nghe vang vẳng tiếng rao hàng ghi băng lè rè thường lệ. Tôi nằm trong căn phòng kín màn, nhá nhem sáng tối, lắng nghe nhạc mưa vỗ về, rạo rực hân hoan như trẻ nhỏ một sáng không phải đi học.

Nhớ lại chiều hôm trước, tôi và bạn tới tham dự bữa cơm tái ngộ cùng các cháu trong một quán ăn Tây của đứa cháu trai ở Bình Thạnh. Đường từ quận bảy về Phan Xích Long xa dịu vợi. Vì đường sá chưa rành, nên chúng tôi lạc lối, chạy lòng vòng mất gần một tiếng mới tới nơi. Dự tính trước đó tạt ngang chùa Vạn Thọ ở đường Hoàng Sa, bên dòng kênh Nhiêu Lộc, Tân Định, để thắp nhang hồi hướng công ơn sinh thành và dưỡng dục của ba má, cũng như để tưởng nhớ vợ chồng cô em gái, phải dời lại ngày hôm sau.

Trong ký ức tôi, thuở thập niên một chín sáu mươi, chùa Vạn Thọ nằm sâu trong xóm Chùa, bên một ao nước thủy thảo thưa thớt, bùn lầy, rác rến hôi hám. Chỉ thấy thôi, chứ chưa lần nào tôi vào trong. Giờ đây, chùa đã được tân trang, tọa lạc trên đường Hoàng Sa, ven kênh đào Nhiêu Lộc, mà tôi nhớ thuở trước được gọi là sông Cầu Mới. Tro cốt ba má và vợ chồng đứa em gái được anh chị em và các cháu tôi đem gởi trong đó. Mỗi lần về Sài Gòn, tôi đều ghé ngang thắp nhang.

Trưa nay, trong khi tôi còn đang loay hoay cúi tìm hộp đựng tro cốt vợ chồng đứa em gái, thì một sư bà áo lam bước lại, giọng ân cần:

"Ông tìm tên ai?"

Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2022

Ngô Nguyên Dũng: Về Giữa Mùa Mưa

(Phần 1)

ĐÊM MÙA MƯA BẮT ĐẦU

Chuyến bay từ Dubai tới Sài Gòn thưa khách. Tôi ngồi một mình một dãy ba ghế. Xong bữa tối, tôi nằm đắp chăn, nhắm mắt chập chờn. Và nghĩ ngợi vu vơ. Về những cơ duyên cho tôi cơ hội về thăm quê nhà lần này. Về chỗ trọ mới trong ngôi nhà "hoành tráng" của người bạn thân thời đi học. Về một gặp gỡ và những hành trình sắp tới. Về để thăm lại đất và người của tháng năm trước đại dịch. Về như thể đối diện những thử thách của nội tâm, trước ngoại cảnh.

Cũng như một đêm tháng mười cách đây một thập niên, thành phố sinh quán chào đón tôi bằng một cơn mưa. Nhưng khác, vì mưa đêm cuối tháng tư lần trở lại này ào ạt, mịt mù đến nỗi viên phi công phải lượn vòng gần ba mươi phút trên không phận phi trường, mới có thể hạ cánh xuống phi đạo.

Trong sảnh kiểm soát chiếu khán nhập cảnh chỉ thấy du khách của chuyến bay này. Nhân viên phi trường cắm cúi làm việc. Một ngẩng mặt. Rồi huơ tay thờ ơ bấm bàn phím, quét mắt nhìn những thông tin hiện trên màn hình. Và lẳng lặng đóng mộc. Nơi băng chuyền nhận hành lý, có bà du khách đang lớn tiếng phân bua thùng cạc-tông của bà bị thấm nước rách, nhiều món quà rơi rớt đâu hay đã bị ai lấy mất. Hành lý không phải qua máy soi. Chỉ mất khoảng ba mươi phút là xong mọi thủ tục. Cổng đến loe hoe vài chục người. Ra đón tôi lần này chỉ có ông anh, cô cháu dâu và người bạn mới. Mưa vẫn tầm tã. Cô cháu dâu phải vất vả hơn một tiếng mới gọi được tắc-xi.

Trên đường tới nhà trọ, người tài xế bắt chuyện, phàn nàn về hiện trạng giao thông trong thành phố. Tuyến đường xe điện Sài Gòn - Suối Tiên vẫn chưa hoàn tất. Mặt bằng đại lộ Lê Lợi vẫn chưa được "giải phóng" hoàn toàn. Nhiều nơi, đường sá "xuống cấp" trầm trọng, không được sửa chữa. Cho ra vẻ bận rộn, "họ" đào lên chỗ này chỗ nọ, rồi lấp lại. Tôi lắng nghe, thỉnh thoảng góp đôi lời vô thưởng vô phạt. Mọi chuyện với tôi vẫn còn quá mới. Khung cảnh phố xá một đêm mưa nhiệt đới hai bên đường tuy đã quen mắt, nhưng cảm xúc trong tôi gần như mới vì những thay đổi. Chỗ trọ. Bạn đồng hành. Khung cảnh, thời gian, và tâm tư tôi.


Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2021

Ngô Nguyên Dũng : Vui buồn cùng Đặng Mai Lan và tạp văn "Người Lạ, Người Quen"

Đặng Mai Lan viết không nhiều. Tạp văn "Người Lạ, Người Quen" là tác phẩm thứ ba của chị, Văn Học Press ấn hành năm 2018, sau hai tập truyện "Phòng 111", Văn xuất bản năm 2000, và "Tập Sống", Văn Mới ấn hành năm 2009. Quyển này cách quyển kia đúng 9 năm.

Tôi không có cơ hội đọc nhiều những sáng tác của chị, bởi một lẽ rất dễ hiểu, chúng tôi viết cho những tạp chí văn chương khác nhau, ngoại trừ nguyệt san Văn Học trước đó, thuở cố nhà văn Nguyễn Mộng Giác còn làm chủ bút. Tôi chỉ nhớ, đã đọc qua một vài truyện ngắn của chị trong Văn Học: Những dòng văn chương buồn bã, mênh mang tâm sự, gần như ảm đạm, chuyên chở những phiền muộn, mất mát trong đời sống của nhân vật chính. Văn phong của Đặng Mai Lan đẹp như những bức họa ngôn ngữ nhiều sắc lạnh. Giữa những dòng chữ là một chuỗi nốt trầm, gợi lên trong tâm tư người đọc những âm thanh vĩ cầm thê thiết. 

Chỉ vậy thôi. 

Cho tới vài năm trước đây, sau khi tôi tạo trang Facebook cá nhân và có dịp được kết bạn với chị. Thỉnh thoảng chúng tôi nhắn tin hỏi thăm nhau và gởi sách cho nhau đọc. Không hiểu sao, Đặng Mai Lan đã cho tôi cảm tưởng, cuộc sống tâm tình của chị đã có nhiều thay đổi lạc quan. "Người Lạ, Người Quen", có lẽ, là quyển sách được viết cho một khởi đầu khác của ngòi bút Đặng Mai Lan.

*

"Người Lạ, Người Quen" gồm 143 trang sách với 15 đoản văn, Đặng Mai Lan viết về những "người quen" là những khuôn mặt văn nghệ thân quen hay bạn bè của chị và những "người lạ", mà chị đã tình cờ gặp gỡ hay đã được chị tìm hiểu qua các phương tiện truyền thông. 


Thứ Sáu, 24 tháng 12, 2021

Ngô Nguyên Dũng: Tặng Phẩm Của Bầu Trời

Hình minh hoạ  Angeles Balaguer, Pixabay

Sau khi lướt đọc hồ sơ bệnh lý, vị bác sĩ trưởng ngước nhìn ông đăm đăm, cất giọng chậm rãi:

"Những thương tích thể xác của cậu con trai ông sau tai nạn hôm đó, chúng tôi đã chữa xong, chỉ chờ lành. Có điều… những chấn thương não bộ và tâm lý đã khiến cậu hôn mê…" Ông ngập ngừng, rồi buông tiếng ngắn gọn: "Phải chờ thôi!"

Người đàn ông với khuôn mặt âu lo thở hắt, hỏi khẽ:

"Bao lâu, thưa bác sĩ?"

"Không nói được. Có thể chỉ vài ngày, dăm tuần, … Có những trường hợp kéo dài tới đôi ba năm."

Người đàn ông lặng lẽ gật đầu thay cho lời cám ơn.

"Căn cứ theo những tài liệu y học và kinh nghiệm chữa trị của chúng tôi, trong khoảng thời gian chờ đợi cậu con trai của ông hồi tỉnh, ông có thể làm những việc này…", vị bác sĩ tiếp lời.

Người đàn ông ngẩng mặt, đưa tay sửa gọng kính lệch. Đầu tóc bạc thưa sợi dường như cũng hắt sáng. Ông chớp mắt, chút lệ xúc động ngân ngấn khóe mắt.

"Tôi sẵn lòng, thưa bác sĩ."

Thứ Sáu, 10 tháng 12, 2021

Ngô Nguyên Dũng: Đọc "Rừng Núi Bạt Ngàn", truyện dài của Hoàng Nga

"Rừng Núi Bạt Ngàn" là truyện dài đầu tiên sau một loạt tám tập truyện được độc giả đón nhận với nhiều ưu ái dành cho ngòi bút Hoàng Nga. Không gian truyện là một huyện lỵ miền Đông Nam phần. Thời gian là những tháng năm thời bao cấp sau chính biến 1975. Và, đáng lẽ, cũng là chuỗi ngày mười tám thơ mộng, rực rỡ nhất của thời thiếu nữ gắn bó với gia đình, bạn bè, trường lớp và ngôi nhà:

"Căn nhà nằm mặt lộ, trên con đường bé xíu nhưng mang cái tên của một trong những con đường lớn của Sài Gòn. Ngày chúng tôi về huyện lỵ đó, điều gì cũng làm tôi buồn, cũng làm tôi không thích, chỉ trừ khuôn viên căn nhà có những hàng móng tay màu hồng chạy dọc theo lối đi, dậu huỳnh anh vàng nằm trước ngõ, bụi tướng quân trắng trang trọng nằm khuất sau cây bơ, chùm trắc bách diệp bên thềm và hàng cau non trước hiên trổ hoa thơm ngát. Không biết bao nhiêu lần tôi đã mang hình ảnh  thơ mộng của khuôn viên này vào truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ của mình. Và có lẽ đó cũng là những hình ảnh ít đau buồn nhất còn lại trong ký ức tôi." (Tr. 55)

Truyện có nhân vật chính xưng "tôi" và những người trong gia đình của "tôi". Không một ai được nêu danh, mà chỉ là những "ba tôi", "mẹ tôi", "ông anh", "hai thằng em", "con em kế", "ông anh nuôi", "thằng em nuôi", ngoại trừ con chó có cái tên ngộ nghĩnh là Bi Lèm và những nhân vật phụ như bà Hai cán bộ, bà Hai trung lập, bà Năm, ông Bảy Cúc, ông Hai Xồi, bác Tư Nùng, v.v…  

Truyện bắt đầu bằng:

"Sau 75, nhà tôi đi làm rẫy, như nhiều người trong cả nước đi làm rẫy. Nhưng mãi hơn một năm sau khi thi đại học, cao đẳng, rồi xuống trung cấp, trung học vẫn ạch đụi, không vô được cái nào hết ráo, tôi mới bắt đầu khăn gói vào rừng vì cái rẫy nằm tuốt trong… rừng.


Chủ Nhật, 12 tháng 9, 2021

Ngô Nguyên Dũng: Mùa săn

(Chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Đức "Jagdzeit", cùng tác giả.)

Anh đến nơi khi chiều muộn. Anh bước ra xe và nhìn đồng hồ. 16 giờ 35. Chiều thứ sáu. Cuối tháng mười. Anh đưa mắt ngắm nhìn quang cảnh ngôi nhà, mảnh vườn. Không thấy nhiều thay đổi sau ngần ấy thập niên. Nắng thu rắc ánh sáng đục lờ lên khu vườn hoang. Bãi cỏ lâu không người cắt. Những trái táo chín rữa nằm vương vãi quanh gốc. Những bụi thược dược héo úa. Cỏ dại um tùm khắp nơi.

Anh bước vào. Những bước chân lê nặng ký ức và thở dài phiền muộn trên lối đi ngập xác lá. Bất chợt một tràng tiếng chim oang oác xé rách cõi không gian lặng lẽ. Anh ngước mắt tìm và thoáng thấy những nhịp đập hối hả của một cánh chim vút bay từ tán lá rậm.

Anh đảo mắt quanh quất. Tia nhìn dừng lại giây lát nơi khung kính cửa sổ nhà hàng xóm. Nơi đấy, anh vừa thoáng thấy bóng ai ẩn sau lớp kính phản chiếu lớp lớp mây trời.

Bất chợt tấm rèm cửa được kéo lại vội vã.

"Theo bản di chúc, ông là người, đúng qui tắc và độc nhất, thừa kế ngôi nhà và số tiền của người quá cố để lại trong ngân hàng", ông chưởng khế giải thích thêm, sau khi xướng giọng đơn điệu đọc tờ di cảo, và nhìn thẳng vào mắt anh. "Ông sẽ nhận được ngay một bản phóng ảnh tờ di chúc. Bây giờ tôi xin được phép trao ông chìa khóa nhà và xin ông vui lòng ký tên vào hồ sơ này."

Anh hoàn tất mọi thủ tục hành chánh và kiếu từ ra về, không hỏi han gì thêm. Niềm xúc cảm nhè nhẹ dâng lên và anh cảm nhận được nỗi rung động dằn vặt y như một tuần trước đó, khi anh nhận được thư báo của văn phòng chưởng khế. Thư đến bất ngờ. Cùng lúc là những hoài niệm tưởng đã yên lắng từ lâu. Càng suy ngẫm lâu về những chuyện cũ, càng nhiều nghi vấn trỗi dậy trong anh. Những nghi vấn không câu trả lời. Anh cũng không rõ, ai sẽ là người có thể giải thích giùm anh những thắc mắc ấy. Cho tới khi vào ngồi trong xe và lấy lại bình tĩnh, anh tìm cách nhớ lại.

Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2021

Ngô Nguyên Dũng: và vậy đó

Tranh Ngô Nguyên Dũng

và vậy đó
nẩy mầm tôi hạt giống.
quê nhà ơi! hoa trái ấu thơ tôi.
điệu vọng cổ não nề
đêm vắng ngắt. sáng mồng một
sân nắng thắp. tàn mận xập xòe
năm ngón nhỏ vụng về
những con bài tứ sắc. chưa thuộc lòng
tướng sĩ tượng xe pháo mã đỏ vàng.

và vậy đó
giấc ngủ đôi khi bật thức. đêm thành phố lập lòe
trái sáng. tiếng đại bác thủ thỉ.
mùa dậy thì
lén lút những trang chữ cấm kỵ.
mưa nắng thất thường
những đám cháy hoài nghi.

và vậy đó
thản nhiên năm gói ghém
những trở trăn. tôi khai sinh tờ kịch bản
cuộc đời. và sớm biết
cười âm thầm thay tiếng khóc.
những chiều mưa lệ đẫm
mảnh tâm tình vu vơ.

và vậy đó
tôi cảm nhận màu sắc.
của chia phôi cắt vụn những phận đời. chợt run rẩy
thấy ra điều mất mát.
hồn nhiên tôi gượng rách
những hoang mang.

và vậy đó
chợt mùa hè kết thúc.
đã phung phí đã hoang đàng đã mặn chát
đã giẫm nát
tháng ngày. tôi trách cứ
màu sợi tóc u mê
nỡ nhuốm bạc những nghĩ suy. như con rối
gẫy gập trong góc tối.
sau mỗi lần tấm màn nhung khép kín.
như thể ánh đèn màu đã lịm tắt
từ lâu. không còn tiếng vỗ tay. tuồng tích
cũng gấp lại. người diễn viên mệt mỏi
bôi son phấn cởi y trang. dãy ghế trống ủ dột
nằm khao khát
giọt máu ấm hơi người.

và vậy đó
tôi và chiếc bóng
lẽo đẽo theo nhau
trong ngõ ngách tha hương.
mỗi bước chân thầm đếm
những mùa đông lặng lẽ
tận cùng năm.

tôi mở cửa. bật đèn. run tay
cứa thêm
một vệt ngày
lên vách trống.

(01.2021)


Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2020

Ngô Nguyên Dũng: Những Cánh Chim Giấy

Cửa tiệm bán dụng cụ học sinh và văn phòng nằm ở đường Trần văn Thạch (*), giáp ranh hai đường Trần Quang Khải và Trần Khắc Chân miệt Tân Định, tuy nhỏ nhưng sạch sẽ và bày biện ngăn nắp. Tiệm có tên Thế Giới. Chủ tiệm người gốc Hoa. Ngay cửa, lúc nào cũng mở toang, bên phải, có dựng một tủ kiếng lau chùi sáng loáng, thấy trưng bày tập vở học trò, viết máy, những vật dụng học sinh lỉnh kỉnh, và nhiều bộ tem thư nước ngoài.

Thuở ấy, giữa thập niên một chín sáu mươi, tôi đã đến tuổi được phép đi học một mình bằng xe gắn máy. Những sáng thứ năm, thời trung học đệ nhất cấp tại trung học tư thục Nguyễn Bá Tòng, chỉ phải học hai tiếng. Trong khi các bạn theo Ky-tô giáo phải ở lại học thêm giờ giáo lý, tôi được ra về thơ thới, hân hoan. Sáng Sài gòn, vào giờ ấy, không còn kẹt xe. Nắng ngày chỉ mới e ấp nóng. Vào những tháng cuối và đầu năm, thời tiết dịu mát, khoan thai bắt đầu một ngày mới. Trước khi về nhà, tôi thường ghé ngang tiệm, dán mắt chiêm ngưỡng những bộ tem trưng bày trong tủ kiếng. Thấy bộ nào ưng ý, tôi xem bảng giá viết bằng tay bên cạnh và nhẩm đếm số tiền nằm trong túi. Thường thì không đủ. Tôi ra về, thầm tiếc rẻ và nhủ lòng sẽ dành dụm để mua cho bằng được.

Cũng như nhiều bạn học của tôi lúc ấy, tôi có sở thích sưu tầm tem. 

Ba tôi, thuở trước, cũng vậy. Ông còn giữ một tập tem khổ lớn, bìa cứng màu xanh lá cây. Giấy bên trong dày, vàng nhạt, mỗi tờ đều được lót giấy lụa mỏng. Về sau, tập tem được ông trao cho anh Ba tôi. Anh đem cất trong tủ riêng, chỗ anh lưu giữ những xấp thư kết bạn bốn phương.

Thỉnh thoảng, không có anh ở nhà, tôi rón rén mở tủ, lấy tập tem của ba ra xem. Tim tôi rộn rã. Tay tôi lần mở từng trang, từng trang một. Hai mắt tôi mở lớn. Toàn những bộ tem Việt Nam thời trước. Bộ vua Bảo Đại, hoàng tử Bảo Long, hoàng hậu Nam Phương, kỷ niệm năm di cư 1954. Và bộ tem tổng thống Ngô Đình Diệm, mười hai con. 

Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2020

Ngô Nguyên Dũng: Tập Thơ Ngô Nguyên Dũng

Xong rồi, các bạn ơi!

Chuyện gì vậy, bạn? Chuyện gì mà xoa tay om sòm, có vẻ như hả hê vậy? 

Không, không phải hả hê, mà nhẹ nhõm, bạn à! 

Chuyện này tuy dài dòng, nhưng vẫn có thể tóm gọn trong một bài viết ngắn.

Chuyện thơ đó mà! 

Thì có gì mà om sòm vậy bạn? 

Ấy, coi vậy chứ là cả một công trình tim óc, ruột gan đó nhe bạn! 

 

Cái chuyện thơ và làm thơ, ôi chao, nhiêu khê dám chừng còn hơn cả cuộc đời cô Kiều gồm 3254 câu lục bát của cụ Nguyễn. Của tôi, bắt đầu từ năm 13 tuổi, với một bài thơ trẻ con đăng trong vườn thơ văn Búp Bê do nhà văn Duyên Anh phụ trách. Con dế trong tôi thuở ấy còn thơ, chỉ biết ăn cỏ và uống sương mai, chưa biết gáy lời thơ thẩn đâu! 

 

Nói vậy, chỉ cốt để chứng minh rằng, cái sở thích văn chương của tôi không phải chỉ quẩn quanh trong thế giới văn xuôi. Nói thẳng ra, tôi cũng biết làm thơ lai rai. Và cũng thích đọc thơ của những tác giả khác. Đọc hết. Từ những tên tuổi chưa quen cho tới những tác giả lừng lẫy của văn chương miền Nam thời bấy giờ. Lẽ đương nhiên, có đọc thì có yêu thích, có chau mày phân vân, có mỉm cười từ chối. Bấy giờ, con dế trong tôi đã trổ hoa văn trên đôi cánh mỏng, và bắt đầu tập tành góp tiếng gáy đầu tiên giữa cánh đồng thơ mênh mông, trong đêm dài tình tự cùng chữ nghĩa. Từ Làng Văn, Văn Học, Văn, Thế Kỷ 21, cho tới bây giờ là Da Màu, Diễn Đàn Thế Kỷ, Litviet, Văn Việt, Văn Chương Việt.

 


Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2020

Ba bài thất ngôn ngợi ca núi của Ngô Nguyên Dũng

Ảnh minh hoạ: Louis Đại Lượng Trần.

che không hết núi


mơ nghiêng bóng núi trườn lên ngực
một thế kỷ dài ôm nỗi đau
thấy ra góc chật xanh xao đất
rừng rú vàng chút lá chia nhau

đêm nghe trăng khuyết chiêm bao cạn
uống một ngụm trào búng huyết câm
săm soi tìm lại thanh xuân tóc
tay nhói thời gian di tích đâm

nguyệt tận tan nát bờ vũ trụ
sao rơi cứa vệt quá tầm tay
đời người ẩn hiện không quán trú
gió hú trùng vây cõi trong ngoài

Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2020

Ngô Nguyên Dũng: Điểm trang



Mỗi thứ năm, bà Lê dậy sớm hơn thường lệ. Bảy giờ sáng, chuông đồng hồ réo thức. 

Vọng qua ô kính khép, hồi chuông nhà thờ gióng lễ.

Giờ giấc này, vào những ngày đông, trời vẫn còn tối ám. Sang tháng tám, giữa hè, luồng sáng những ngày nắng đẹp đã lách qua rèm cửa sổ voan mỏng, suồng sã soi bói diện tích phòng ngủ hai mươi thước vuông. Lên phiến vách dán giấy màu vỏ trứng treo bức tranh hoa mẫu đơn hồng nhạt. Lên tủ quần áo bốn cửa sơn trắng gắn gương soi. Lên mặt giường đôi để trống một nửa, nhưng gối chăn vẫn được phủ gấp thẳng nếp. 

Cứ vậy, từ nhiều năm nay. Như để cất giữ một hơi ấm, một vòng ôm, một dư hương chưa phai. 

Bà Lê ngồi dậy, thẳng lưng, khép mắt tĩnh tâm, kiểm soát nhịp thở, cố gắng bôi xoá mọi ý nghĩ nội tâm và dập tắt âm thanh ngoại giới. Không được lâu. Cứ mỗi mười phút, thính giác bà lại bắt được từ bên dưới vọng lên tiếng xe điện nghiến đường sắt. Khe khẽ. Rầm rì. Và, cứ mỗi phần tư giờ, văng vẳng từ phòng khách tiếng đồng hồ quả lắc gióng chuông. Đôi khi, bà bất chợt thấy ra trong vùng tối thị giác một đốm sáng vàng loé, từ từ loang rộng. Rồi chuyển sang xanh lam, sẫm dần, và cuối cùng tan lẫn vào vũng tối mù tăm. 

Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2020

Ngô Nguyên Dũng: Đêm Tuyết Gọi

Hình minh hoạ, FreePik

Cuộc rượu về khuya chỉ còn lại bốn người: tôi, Bính, Phụng và Thạo. Bính với tôi thân nhau đã lâu, còn Thạo chỉ mới qua đây. Anh là bạn của Bính như thế nào, tôi không rõ, cũng chưa hỏi. Vào tiệc, anh ít nói. Sau một đỗi cụng ly qua lại, khẩu khí chừng như ngấm men, anh trở nên hoạt náo. Bàn chúng tôi, một lứa trung niên, chỉ mỗi Hứa Phụng là nữ phái. Nàng gốc người Hoa, nhân tình nhân ngãi với Bính đã nhiều năm.

Có lần, cạn chuyện, tôi hỏi Bính:

- Bạn và Phụng không nghĩ chuyện làm khế ước trăm năm với nhau sao? Sống vậy, người ta nói.

Anh hùng hổ:

- Đứa nào nói gì? Đấm hộc máu nó ra!

Tôi lúng búng:

- Làm gì dữ vậy, bạn?

Bính dịu giọng:

- Tụi mình đang sống ở đâu, thời nào vậy? Trời, nơi này là đất Âu châu tiến bộ, chứ phải đâu Trung đông vào thế kỷ 18.

Nhưng nét mặt và cách nói anh vẫn không dứt bực bội. Tôi đổi đề tài, gợi ý bàn bạc về cuộc triển lãm một số danh hoạ ấn tượng vừa khai trương. Chúng tôi hợp nhau ở lãnh vực này, yêu nghệ thuật, nên tình thân không gặp nhiều trở ngại. Trăm lần như một, khi đồng hương chúng tôi tổ chức lễ lạt hay họp mặt hội luận nọ kia, Bính đều lái xe tới nhà chở tôi đi. Cho tới bây giờ, nhiều thập niên phẳng lặng trôi qua, tôi vẫn chưa hề nghĩ tới chuyện sắm một chiếc xe. Vì nhiều lẽ. Tài chính là một. Và không hiểu sao, tôi thích quang cảnh những sân ga, những bến đợi, những dải đường sắt phơi lưng dưới thời tiết bốn mùa. Khoảnh khắc thơ thẩn đó gợi nhắc trong tâm tư tôi vằng vặc nhiều ý tưởng, khiến tôi hình dung ra ảnh sắc của gặp gỡ và ly biệt, tất bật và thảnh thơi, nôn nao và nhẫn nại chờ đón những hành trình ngắn dài xuyên đất liền. Tôi thích ngắm lề lối kiến trúc những nhà ga trung tâm. Nó bóc trần tâm tính dân bản xứ, lắm khi còn gắn liền mật thiết với vận mệnh thăng trầm của lịch sử. Cả những quán xá hai bên lối đi lúc nào cũng tấp nập hành khách vào ra, lên xuống. Không biết những phiến gạch lót có bao giờ mong mỏi đôi phút ngơi nghỉ? Những ý tưởng này, tôi nghĩ khó có ai chia sẻ. Cứ vậy, tôi cất chúng kỹ lưỡng trong nhiều ngăn kéo tâm tư mình.

Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2019

Ngô Nguyên Dũng: Bọ rầy tháng năm

Ảnh minh hoạ lấy từ tin mạng.
Cơn giông bất ngờ nổi lên bắt ông phải tìm chỗ trú mưa dưới tàn cây rậm. Thoáng chốc, mây đen đùn kín khung trời tháng mười. Ánh ngày tắt ngúm. Khắp nơi chỉ nghe tiếng mưa rì rào. Đệm theo một thứ thanh âm khác. Khẽ. Rất khẽ. Nghe như tiếng gọi. Một giọng trẻ con ngại ngùng gọi. Ông ơi, tới đây! Ông quay nhìn dáo dác. Lại đây, ông! Nhanh lên! Sau một thoáng lưỡng lự, ông bước lại chỗ phát ra tiếng gọi và bắt gặp một cậu bé đang đứng đấy. Một mình. Cậu khoác trên người chiếc áo mưa có mũ che màu vàng loé. Mưa gió thế này mà bé con làm gì đứng đó? Con tìm bọ rầy tháng năm. Bọ rầy tháng năm? Vào tháng mười? Dạ, con tìm được cả bầy. Đâu vậy? Đằng kia kìa, xung quanh nấm mộ con. Ông tới đấy. Thật vậy. Chỗ đó, thấy có vô số bọ rầy tháng năm ẩn náu trong cỏ. Lúc ông giơ tay toan bắt một con, cả bầy túa bay tứ tán. Nhịp cánh đập nhấp nháy như những đốm ma trơi trong bóng nhá nhem. Dưng không cả không gian sáng loé. Một lằn sét xé trời thành nhiều mảnh. Một tiếng sấm kinh thiên đánh trúng ngay thân cây, chỗ ông đứng mới nãy, và lưu lại một thương tích còn bốc khói. Toàn thân ông run rẩy. Sau khi hoàn hồn, ông ngoảnh nhìn quanh quất. Không thấy cậu bé đâu nữa. Ông xem lại. Trên tấm bia đá của nấm mộ con thấy ghi tên và di ảnh một cậu bé. Sinh năm 2011. Mất năm 2016. Vào một ngày tháng năm. 


"Kết quả thử máu tốt đối với tuổi của ông", người bác sĩ nhìn ông, nhoẻn cười khích lệ. "Ông nên, vì lý do sức khoẻ, hoạt động nhiều hơn nữa. Đi bơi mỗi tuần ít nhất một lần và tản bộ. Và uống nước, uống, uống, cả những lúc ông không thấy khát." 

Kể từ đó chiều nào ông cũng đi dạo. Gần như mỗi ngày. Cả những hôm thời tiết xấu. Đôi khi có vợ ông theo cùng. Thường thì ông đi một mình, lưng đeo ba-lô, quà tặng của vợ ông nhân dịp sinh nhật thứ năm mươi lăm. 

Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2019

Thơ Ngô Nguyên Dũng

một mình trong quán cà phê
trong phố tàu ở Sài gòn
tôi uống nỗi tĩnh lặng của thời gian


Ngô Nguyên Dũng


trốn cái oi bức nhiệt đới
và tiếng giao thông nhốn nháo
trưa nắng trong một quán cà phê ở tầng ba.
trong góc phố trung hoa
ở Sài gòn. hít thở những vết tích
và uống nỗi tĩnh lặng của thời gian. vướng vất
trong những nhánh trà với hương vị rau thơm
trong tách sứ.
xưa cũ và hư hao
những ký ức.