Hiển thị các bài đăng có nhãn Nam Cao. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nam Cao. Hiển thị tất cả bài đăng
Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2022
Trần Công Nhung: Tìm mộ Nam Cao
Nam Cao |
Trong buổi gặp gỡ với một số anh em văn nghệ ở Bắc Giang, tôi được nghe câu chuyện “Tìm Mộ Nam Cao,” câu chuyện có vẻ huyễn hoặc, mê tín nhưng là câu chuyện thực, xẩy ra ở nước Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam vào những năm cuối thế kỷ 20.
Nhà Văn Nam Cao, một trong những ngôi sao sáng của dòng Văn Học cận đại. Nói đến Nam Cao là nhớ ngay đến Chí Phèo, tác phẩm đã vẽ những nét sắc bén, cay độc của xã hội thời Nam Cao. Nhân vật Chí Phèo, Thị Nở xuất hiện (năm 1941) như những mũi tên bén nhọn vạch thẳng vào cuộc đời của những con người tưởng không còn gì hơn con vật, những nét thật sắc, khiến cho xã hội không thể làm ngơ, bỏ quên. Chí Phèo ra đời như một báo hiệu nghiệp chướng (1) của nhà Văn Nam Cao.
Nam Cao tên thật Trần Hữu Trí giấy khai sinh ghi ngày 29 tháng 10 năm 1917 (2) tại làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Song, nay là xã Nhân Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ông đã ghép hai chữ của tên tổng và huyện làm bút hiệu: Nam Cao.
Trong khi trà nước, tình cờ có người nhắc đến Nam Cao. Một anh khẳng định:
- Nam Cao chết là do Tố Hữu, chính Tố Hữu, Phó Thủ Tướng đặc trách kinh tế đã cử Nam Cao về Ninh Bình thu thuế nông nghiệp nên bị Comando Tây giết. Trong dịp tìm mộ Nam Cao, Tố Hữu đã hối hận nói: “Giá tôi đừng cử Nam Cao đi…”
- Bây giờ mới “giá buốt” thì nói làm đếch gì!
Câu chuyện có nhiều bí ẩn, tôi tò mò:
- Các anh bảo “tìm mộ Nam Cao,” sao lại tìm?
- Vì lúc Tây bắn (1951) nó chôn chung bốn thi thể một hầm, lấy được xác về chôn nơi khác, rồi cải táng bị mưa gió thất lạc tên, cuối cùng nằm chung với những mộ vô danh. Đến năm 1994 bà Trần Thị Sen, vợ Nam Cao mới làm đơn yêu cầu Ủy Ban Unesco Việt Nam tìm giúp mộ chồng.
- Ủy Ban này đã khởi xướng việc tìm mộ Nam Cao rộng rãi trong mọi tầng lớp quần chúng, ai có tin tức gì về mộ Nam Cao, kể cả chuyện bói toán, nằm mộng, các nhà ngoại cảm… Tổng cộng có 40 tổ chức tham gia tìm mộ Nam Cao, từ Hội Nhà Văn, Đài Truyền Hình, …quân đội, nhân dân…
Chuyện thật ly kỳ, tôi hỏi thêm:
- Thế rồi diễn tiến việc tìm mộ rao sao, và nay mộ nhà văn nằm ở đâu?
- Ôi dông dài lắm, cuối cùng thì cũng đưa được Nam Cao về quê ông ở Đại Hoàng. Muốn rõ mọi chuyện về Hà Nam hỏi em Nam Cao, cụ Trần Hữu Đạt là biết.
Bị kích thích về chuyện “tìm mộ Nam Cao,” tôi rủ anh bạn quê Bắc Giang cùng đi, vì chính anh cũng là một thành viên trong ban tổ chức tìm mộ.
Về Hà Nội, tôi sắp xếp ngay chương trình đi Hà Nam, vì không còn mấy nữa đã đến ngày về lại Mỹ. Hà Nam không xa Hà Nội bao nhiêu, tôi đi qua hoài trên những chuyến tàu vào Nam ra Bắc, nhưng chưa dừng chân lần nào.
Chúng tôi đồng ý sáng thứ bảy, hẹn nhau 6 giờ tại ga Hàng Cỏ. Từ đây đi xe Buýt ra ga Giáp Bát, rồi đi xe Gáp Bát Phủ Lý. Đi sớm để mọi việc gọn trong ngày. Thế mà 6 giờ 30 gọi phone vẫn nghe: “Số máy thuê bao quí khách vừa gọi hiện không liên lạc được.” “Không liên lạc được” thì đi một mình. Ra ga Giáp Bát, bắt ngay chuyến xe đi Nam Định, đến Phủ Lý tôi nhảy xuống.
Thị xã Phủ Lý không lớn, trông bề ngoài còn kém hơn nhiều thị trấn huyện lỵ. Nhiều người cho biết, trong thời kỳ chiến tranh, Phủ Lý bị san bằng nhiều lần, nay vẫn chưa xây dựng được bao nhiêu. Ghé vào một quán nước hỏi thăm đường về làng Đại Hoàng, cũng may, bà chủ quán, người gốc Hà Nam nên rất rõ vùng quê Nam Cao.
- Ông vào ngã ba trong đây đón xe về Vĩnh Trụ, từ đấy ông đi xe ôm.
- Xe ở đâu về Vĩnh Trụ hả bà?
- Xe Hà Nội.
Tôi mua chai nước rồi thả bộ dọc theo khu phố. Điện thoại rung lên trong túi, ông bạn giọng ngái ngủ:
- Ông đang ở đâu?
- Phủ Lý. Chờ ông hơn nửa tiếng, không gọi phone được tôi phải đi. Từ Phủ Lý về Đại Hoàng bao nhiêu cây?
- Hai mươi cây.
Vào ngã ba, nơi đây có con sông Đáy chảy qua nhưng cảnh không có gì đẹp, sông nhiều lục bình, nước đục như nước sông Hồng. Đợi mãi mới có chuyến xe rẽ về hướng bà quán chỉ, tôi đón nhảy lên nhưng xe đi Thái Bình. Kêu lắm phụ xe mới cho xuống. Ai đời mình nhầm xe mà họ cứ đòi chở để lấy tiền. Cuối cùng phải mặc cả đi xe ôm. Đi Vĩnh Trụ thì được, mà về Đại Hoàng, anh xe có vẻ mù mờ. Người Hà Nam mà không biết Nam Cao, đúng là “vô duyên đối diện bất tương phùng.” Suy cho cùng, đói cơm dốt chữ thì “Cao Thấp” biết cũng chẳng để làm gì.
Về thị trấn Vĩnh Trụ, tôi gặp được cậu chạy xe nhanh nhẹn, biết mộ Nam Cao, biết cả Chí Phèo… Từ Vĩnh Trụ về Đại Hoàng cũng khá xa, hơn 20km, thế nghĩa là từ Phủ Lý đi Đại Hoàng hơn 40km. Ông bạn đã tự động rút ngắn nửa đoạn đường cho tôi đỡ sốt ruột!
Hà Nam là tỉnh có nhiều đồng chiêm trũng, đất phù sa nên ruộng vườn chỗ nào cũng xanh tươi. Xe ngon đường cứ chạy mãi, qua bao nhiều cánh đồng mà chưa thấy mộ, hỏi người đi đường, đúng là đang về quê Nam Cao nhưng còn xa. Măn mo mãi, cuối cùng phải nhờ người địa phương chỉ cho. Lúc bấy giờ, anh xe mới à: “Chỗ này em có chở một sinh viên đến chụp ảnh, nhưng không nghe anh nói gì nên không nhớ.” Từ ngoài đường cái nhìn vào, thấy ngay khu Nhà Tưởng Niệm khá bề thế. Nhà xây theo lối mới song nóc mái cũng như đầu hàng cột trước hiên trang trí hoa văn theo lối chữ triện, kiểu nhà nửa ở nửa thờ. Cửa ra vào là cửa xếp bàn khoa rộng 3m là ít, cửa sổ lá sách hai bên lớn không kém. Trên khung cửa chính có đắp hàng chữ “Nhà Tưởng Niệm Nhà Văn Liệt Sỹ Nam Cao.” Hai chữ “Liệt Sỹ” làm cho tôi liên tưởng ngay đến cảnh nghèo nàn hiu quạnh hoang phế của nhà văn Nguyên Hồng (3). Điều này nói lên Việt Nam chưa có một tổ chức độc lập thẩm định công trình của văn nghệ sĩ để lưu giữ bảo tồn. Mọi định đoạt giá trị đều do Đảng và Nhà Nước, những ai ca ngợi Đảng hay chết vì Đảng mới được vinh danh. Điều này sẽ để mất nhiều kho tàng quí báu của nền học thuật đối với thế hệ mai sau.
Trước sân Nhà Tưởng Niệm có nhiều bồn cảnh nhưng chưa trang trí bao nhiêu, hoặc giả lâu ngày không săn sóc cây chết, để bồn không. Bên hông phải Nhà Tưởng Niệm là mộ nhà văn, làm theo lối mộ người Thiên Chúa Giáo, tất cả bằng đá rửa công phu, nằm trong vòng tường có cổng sắt khóa lại. Trên đầu mộ, bức ảnh chân dung rất trẻ, có lẽ chụp năm nhà văn mất? Bức ảnh quá lớn không cân xứng với thiết kế chung.
Đi quanh một vòng không thấy ai, cửa kín mít. Đang lay hoay thì có người đàn bà đi chợ về, bảo người trông coi ở phía sau. Tôi nhờ chị gọi giùm. Một lát có cậu bé đi ra, biết là khách phương xa đến viếng nên cậu ta vui vẻ mở cửa.
Bên trong, giữa có bàn thờ chạm trỗ công phu song hình dáng đã cách điệu, không như tủ thờ cổ điển. Lư nhang chân đèn bình hoa... theo lối “ngũ sự,” có phần hơi rườm rà luộm thuộm, chỉ có pho tượng đồng bán thân là sắc sảo, uy nghi. Theo tôi, thờ tự đối với những người làm văn hóa nghệ thuật nên đơn giản cô đọng, phải gợi lại được điều gì đó của nhà văn, còn như thờ ông Địa thì không hay. Nghĩ vậy thôi chứ có được một nơi để nhang khói là quí rồi.
Chung quanh tường treo nhiều tranh ảnh liên quan đến cuộc đời hoạt động của Nam Cao. Nhiều tủ kính trưng bầy những tác phẩm đã xuất bản. Có nhiều cuốn viết về Nam Cao tôi mới thấy lần đầu:
Nam Cao người kết thúc vẻ vang trào lưu văn học hiện thực.
Nam Cao Đời Văn và Tác Phẩm.
Nghĩ tiếp về Nam Cao…
Những phương diện chủ yếu của thi pháp văn xuôi tự sự Nam Cao…
và nhiều nữa.. Có bộ sưu tập những bài viết của Nam Cao trong báo Tiền Phong, tờ báo của Hội Văn Hóa Việt Nam trước 45.
Một lô sách viết về Nam Cao, nhưng lướt qua những tiêu đề của sách tôi thấy lê thê nặng nề đến mệt. Về ảnh cũng khá đầy đủ, ảnh tư liệu rất quí từ thời Nam Cao còn là học sinh. Hình ảnh chung với các Văn nghệ sĩ khác… trong số có ảnh Nhà thờ Vĩnh Đà xã Nhân Mĩ, nơi làm phép cưới – Căn nhà Nam Cao ở trước năm 42 – Thầy trò trường Thành Chung Nam Định (36-40). Một khung ảnh lớn gồm chân dung những người trong gia đình Nam Cao:
Mẹ: bà Trần Thị Minh (1895-1980), vợ: Trần Thị Sen. Trần Hữu Đạt (em trai), Trần Thị Khiết, Trần Thị Trinh, Trần thị Chánh (em gái).
Hình ảnh về công cuộc tìm kiếm mộ, khai quật mộ khá đầy đủ… Ảnh cánh đồng Miễu Giáp, Gia Phiến, Ninh Bình nơi Nam Cao bị bắn. Toàn bộ tài liệu để trưng bầy chứ không bán
- Nhà Tưởng Niệm có từ năm nào hả cháu?
- Dạ, có từ tháng 11 năm 2004.
- Còn mộ đưa về năm nào?
- Dạ, 1998
- Nhà cụ Trần Hữu Đạt đi lối lào? Có gần đây không?
- Bác qua bên kia đường vào trong xóm chừng vài trăm mét, hỏi ai cũng biết.
Tôi tặng cậu bé tí quà rồi đi tìm nhà cụ Đạt. Quanh co một lúc mới thấy nhà.
Ngôi nhà tôn nghèo nàn, trong nhà lờ mờ ánh sáng, hai ông bà đang chuẩn bị ăn trưa, thấy tôi, họ ngưng tất cả lại và vui vẻ tiếp. Cụ Trần Hữu Đạt, đầu tóc bạc trắng, râu ria xồm xoàm, nhưng người còn mạnh và có dáng như một nông dân nghèo.
Tôi thưa nhanh mục đích thăm viếng của mình rồi vào đề. Tuy muốn cho nhanh nhưng ông bà vẫn đủng đỉnh pha trà, lại phải “Uống nước đã.”
- Thưa cụ, tôi là bạn của anh Quang trên Bắc Giang, có nghe anh nói sơ về chuyện tìm mộ cụ Nam Cao nên hôm nay xin phép hỏi thêm cụ cho rõ.
- À Quang hay về đây, thế ông ở tận đâu?
- Dạ, Nha Trang.
- Mời ông xơi nước.
- Thưa nhà văn Nam Cao bị Tây bắn trong lúc về Ninh Bình thu thuế nông nghiệp phải không ạ?
- Đúng thế, đoàn công tác có bốn người và một chèo đò, không ai có vũ khí, không hộ tống. Lúc đò chèo qua cánh đồng chiêm ngập nước thì bị Comando Tây vây bắt. Anh chèo đò chạy thoát, bốn người kia Tây đưa về nhà thờ Miễu Giáp Ninh Bình. Ngày hôm sau chúng đưa ra bắn rồi lấp chung một hố trước nhà thờ (30–11–51). Đêm đến du kích vào lôi ra nhận diện từng người rồi chôn ở làng Vũ Đại. Khi có nghĩa trang xã, lại đưa mộ về xã, đến lúc thành lập nghĩa trang huyện Gia Viễn, mộ dời tiếp. Khi sát nhập hai huyện Gia Viễn và Nho Quan thành huyện Hoàng Long, mộ cải táng về Hoàng Long. Năm 1955 tách huyện, mộ lại trở về Gia Viễn. Trong lúc chuyển từ Hoàng Long về Gia Viễn, gặp trời mưa trôi mất giấy dán trên Tiểu của bốn hài cốt, nên không còn biết Tiểu nào của ai, đành chôn vào nghĩa trang vô danh.
Từ đó người nhà đi thăm phải thắp nhang cho cả bốn ngôi mộ, nhưng thường lẩn quẩn hai mộ số 306 và 310.
Chết rồi mà chỗ nằm không yên, chỉ vì chính sách, vì quyền lợi của người sống mà Nam Cao cứ phải chuyền chỗ nọ qua chỗ kia.
- Thưa cụ, rồi cơ duyên nào mà tìm ra mộ cụ Nam Cao?
- Gần 50 năm sau, từ 51 đến 94, gia đình biết có người đã tìm được hài cốt bằng cách nhờ các nhà ngoại cảm, bà Sen mới làm đơn gửi Câu Lạc Bộ các gia đình văn hóa Việt Nam trong hiệp hội Unesco Việt Nam, nhờ tìm mộ Nam Cao. Vậy là có phong trào vận động mọi tầng lớp quần chúng, ai biết gì về mộ Nam Cao, kể cả nằm mộng, bói toán…
- Và nhiều nhà ngoại cảm?
- Vâng, gồm có Thẩm Thúy Hoàn, Đỗ Bá Hiệp, Nguyễn Văn Liên, Phan thị Bích Hằng, họp tại Huyện Ủy Gia Viễn, triển khai việc tìm mộ nhà văn. Mọi tin tức, báo mộng, gọi hồn… trong số có thông tin từ những báo mộng của cô Bích Hằng tương đối chính xác (4). Bích Hằng còn cho biết, số mộ của Nam Cao bằng số tuổi, xương sọ và xương đùi bên trái bị vết đạn bắn. Tuy nhiên do những nghi ngờ giữa hai ngôi mộ 306 và 310 nên gia đình xin bộ Thương Binh Xã Hội cho khai quật cả hai. Lúc đầu Bộ đã đồng ý, về sau chỉ chấp thuận cho một mà thôi, muốn khai quật mộ thứ hai phải đợi hai năm sau.
Cuối cùng ngôi mộ số 306 được chọn, 306 là 36 đúng số tuổi của Nam Cao lúc mất.
- Lúc khai quật mộ có trở ngại gì không thưa cụ?
- Mộ được đào lên từ 3 giờ sáng, lúc đưa Tiểu lên thì tôi chợt thấy rõ hình hài anh Nam Cao, tôi khóc òa lên, ngoài ra không ai thấy gì. Mọi người nghĩ rằng do cảm ứng ruột thịt tôi mới thấy thế và đoan chắc là đúng mộ rồi. Tuy nhiên, hài cốt vẫn đưa qua Viện Khoa Học Hình Sự giảo nghiệm để kiểm tra xem có vết đạn như cô Bích Hằng dự đoán không. Kết quả xét nghiệm cho thấy đúng vậy.
- Chi phí nhà tưởng niệm chắc cũng tốn nhiều?
- Trên một tỉ.
So với khu lưu niệm cụ Nguyễn Du (tỉ tư) thì phí tổn gần bằng mà kém nguy nga.
- Tôi thấy tác phẩm cụ Nam Cao in rất nhiều, như vậy gia đình có được phần nào không?
- Sách do nhà xuất bản Công An Nhân Dân in, bán được 60 triệu đồng, cho gia đình 10 triệu, còn để làm tượng Nam Cao.
- Hằng năm đên ngày giỗ gia đình có được giúp đỡ gì không?
- Chả có gì, tự lo liệu cả.
- Các đoàn thể có đến viếng chứ, thưa cụ?
- Vâng, đến thắp nhang rất đông.
- Nhà văn Nam Cao có người con nào theo nghề văn chương không hả cụ?
- Ba trai, một gái, không ai nối nghiệp Nam Cao.
- Thưa, mộ cụ Nam Cao nằm trên nền nhà cũ của nhà văn?
- Không, nhà Nam Cao phía trên cách đó 200m. Chỗ mộ Nam Cao là cạnh nền nhà Lão Hạc, lúc còn sống hai người chơi thân, cuộc đời Nam Cao có những trùng hợp kỳ lạ, Chí Phèo sinh ở Vũ Đại thì Nam Cao chết ở Vũ Đại, Nam Cao viết tác phẩm Lão Hạc, thì mộ nằm trên đất Lão Hạc. Nam Cao người làng Đại Hoàng thì cũng có một thời dạy học tại trường Đại Hoàng ở Thái Bình…
Thấy đã quá trưa, tôi xin gửi ông bà chút quà rồi cáo lui. Ra sân đứng chụp chung với cụ Đạt một tấm ảnh, cụ nói thêm: “Đây là ngôi nhà bốn anh em tôi sống từ nhỏ.”
Theo dõi công việc của tôi, bây giờ anh xe tỏ ra rất có cảm tình, anh mời tôi về nhà anh cơm nước nghỉ trưa, hai giờ đi xe từ Vĩnh Trụ về thẳng Hà Nội. Tôi nhận lời, nhưng dọc đường nhớ chuyện xe ôm cô gái “Liêu Trai” kể nên sợ, tìm cách thoái thác. Năn nỉ mãi anh mới chịu trả tôi về phố thị trấn. Tìm một quán phở ăn tạm, lang thang cho đến khi có chuyến xe đầu tiên đi Hà Nội.
Một ngày hơi vất vả nhưng vui vì biết thêm được nhiều điều mới mẻ.
Tháng Năm 2005
(1) Làng Vũ Đại của Chí Phèo là địa danh sáng tác, nhưng lúc chết, Nam Cao chết tại làng Vũ Đại trong Ninh Bình. Vì vậy khi tác phẩm Chí Phèo ra đời, nhiều bô lão ở Ninh Bình bảo “Nam Cao nói láo” (lời cụ Đạt).
(2) Cụ Trần Hữu Đạt em Nam Cao xác nhận năm sinh 1915.
(3) Đọc Nhà văn Nguyên Hồng QHQOK 5.
(4) Cô Bích Hằng lúc học cấp 3 bị chó dại cắn, sau khi chữa khỏi thì có khả năng “tìm mộ từ xa.”
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)