Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2022
Ngô Nhân Dụng: Nếu ông Biden không tranh cử nữa?
Mấy năm gần đây, những nhà chính trị nổi bật trong đảng Dân chủ là Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez (N.Y.), các Nghị sĩ Elizabeth Warren (Mass.), và Bernie Sanders (Vermont). Trước mắt dân Mỹ họ đều thuộc cánh cực tả. Năm nay, trước viễn tượng có thể thua đậm trong cuộc bầu cử quốc hội, đảng Dân chủ đang cố gắng xóa bỏ hình ảnh đó, do chính các cử tri của họ thúc đẩy, và được ông tổng thống ủng hộ.
Năm nay đảng Dân chủ đang lo sẽ thua đậm vì uy tín của Tổng thống Joe Biden xuống thấp. Ứng cử viên Dân chủ đã mất chức thống đốc Virginia, và suýt nữa cũng thua ở New Jersey. Một nguyên nhân quan trọng là cả đảng Dân chủ mang hình ảnh thiên tả, có thể cực đoan. Họ cần xóa bỏ “nhãn hiệu” này trong mắt người dân bình thường.
Thành phố New York, một thành trì của đảng Dân chủ, đã thay đổi. Phái tả không đưa ra được một ứng viên nào để giành với ông Eric Adams trong chức thị trưởng. Ông Adams, một cựu cảnh sát trưởng, công nhận rằng các vụ sát nhân trong thành phố gia tăng là do chủ trương “cải tổ ngành cảnh sát” theo hướng cực tả. Adams chủ trương phải tăng số cảnh sát và thanh trừng các tội phạm mạnh hơn, thi hành ngay, đáp ứng dư luận cử tri.
Cử tri đã bày tỏ thái độ, rõ rệt nhất như cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm Công tố viên Chesa Boudin ở San Francisco vào đầu tháng Sáu. Ba năm trước, ông Boudin được bầu lên ở thành phố được coi là cấp tiến nhất nước, ông đã đưa ra các chính sách cực tả trong việc bảo vệ trật tự, an ninh. Ông Boudin áp dụng chính sách ân xá, hạ thấp số tù nhân và không truy tố nhiều tội phạm ông coi là nhẹ. Nhưng cuối cùng, khi các biện lý dưới quyền ông báo động tình trạng bất an, cử tri San Francisco đã bỏ phiếu truất quyền ông Boudin. Trong cùng thời gian đó, họ cũng bỏ phiếu bãi nhiệm ba vị cấp tiến nhất trong hội đồng giáo dục. Các công dân gốc Á châu, lâu nay vẫn nghiêng về phía đảng Dân chủ, đi đầu trong phong trào này.
Đó cũng là một khuynh hướng đang lên trong cả tiểu bang California. Tại Quận Cam (Orange County) một biện lý Cộng Hòa, Todd Spitzer, đã đánh bại đối thủ Dân chủ. Ở Sacramento, biện lý Thiên Hồ, nổi tiếng sau vụ bắt Joseph D’Angelo, một nghi can trong nhiều vụ giết người và hãm hiếp, đã đánh bại một đối thủ cánh tả.
Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2022
Ngô Nhân Dụng: Joe Biden ngậm bồ hòn làm ngọt
Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2022
Ngô Nhân Dụng: Bao giờ Donald Trump trở lại?
Cuối năm nay đảng Cộng Hòa có thể tái chiếm đa số ở hai viện quốc hội Mỹ. Bình thường, đảng của vị tổng thống đương nhiệm đều mất phiếu trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Năm nay, Tổng thống Joe Biden còn khiến đảng Dân chủ suy yếu hơn. Số dân chúng tỏ ý hài lòng về ông Biden xuống thấp, từ 38% đến 33%. Giá xăng dầu, thực phẩm lên cao, lạm phát 9.1%, đến sữa bột nuôi trẻ cũng khan hiếm. Ba phần tư dân Mỹ nghĩ rằng đất nước đang đi xuống.
Cứ tình hình này, đảng Cộng Hòa chiếm lợi thế tuyệt đối; nếu dân Mỹ chỉ nghĩ đến đời sống thực tế khi bỏ phiếu.
Nhưng chưa ai biết chắc. Mọi người còn chờ coi cựu Tổng thống Donald Trump sắp làm gì. Ông có thể tái xuất trước công chúng, tuyên bố sẽ tranh cử lần nữa năm 2024. Cái tên và hình ảnh ông Trump sẽ trở thành tin thời sự lớn nhất, như ý ông vẫn muốn.
Ông Donald Trump có thể sẽ giữ kín quyết định sẽ tái tranh cử hay không. Xưa nay chưa có ứng cử viên tổng thống nào chính thức công bố ý định tranh cử sớm hơn 2 năm. Vì càng tranh cử lâu thì càng dễ lộ các nhược điểm; và nhiệt tình của những người ủng hộ sẽ lạt dần theo thời gian. Nếu ông Trump đã quyết định sẽ không tranh cử năm 2022, chắc chắn ông sẽ không nói cho ai biết. Giữ bí mật là giữ luôn được uy thế đối với đảng Cộng Hòa; các nhà chính trị ai cũng lo chiếm cảm tình của mình. Hơn nữa, còn triển vọng làm tổng thống thì nhiều người vẫn tiếp tục góp tiền vào quỹ tranh cử của ông. Ông mới phải xin tòa án cấm các ứng cử viên khác không được dùng tên ông để gây quỹ.
Nhưng giữ bí mật cũng có cái bất lợi. Là có thể khiến bị người ta dần dần quên mình, khi các người nuôi tham vọng làm tổng thống trong đảng Cộng Hòa vẫn tích cực hoạt động và ngày càng vận động mạnh hơn.
Có nhiều lý do khác khiến ông Trump không giữ bí mật nữa, nếu ông nuôi ý định trở lại Tòa Bạch Ốc.
Thứ nhất, cần ngăn chặn những người muốn giành vai trò ứng cử viên tổng thống Cộng Hòa năm 2024. Phải chặn sớm trước khi uy tín của mấy người đó lên quá cao. Nhiều người không chính thức đi vận động, nhưng ai cũng biết họ muốn ứng cử tổng thống trong hai năm nữa: Cựu phó Tổng thống Mike Pence, cựu bộ trưởng Mike Pompeo, các Nghị sĩ Josh Hawley, Ted Cruz, Ben Sasse, Tom Cotton, các thống đốc như Ron DeSantis ở Florida, Doug Ducey ở Arizona, vân vân.
Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2022
Ngô Nhân Dụng: Putin muốn BRICS tấn công đồng đô la
Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2022
Ngô Nhân Dụng: Một bước tiến để hạn chế súng
Nước Mỹ mới có thêm một đạo luật để giảm bớt số người chết vì súng đạn, sau hai vụ xách súng đi giết người hàng loạt trong tháng Năm. Vụ tàn sát trong một siêu thị ở Buffalo, New York, và một trường học tại Uvalde, Texas làm thiệt mạng 31 người, trong đó có 19 học sinh lớp 4 và 2 cô giáo, làm chấn động lương tâm ba trăm triệu dân Mỹ.
Giữa tháng Sáu, Thượng viện Mỹ đã đem ra bàn bản dự luật kiểm soát súng được Hạ viện chuyển lên từ năm ngoái. Các nghị sĩ đã thông qua với tỷ số 64-34, nhờ ngoài 50 nghị sĩ Dân Chủ đã có thêm 14 phiếu của các nghị sĩ Cộng Hòa. Đạo luật mới sẽ điều tra kỹ những người trẻ tuổi mua súng chặt chẽ hơn; kiểm soát việc bán súng kỹ càng hơn; cấp tiền cho các tiểu bang để bảo vệ các trường học và tăng cường việc điều trị bệnh tâm thần.
Đây là một tiến bộ, vì nhắm kiểm soát từ gốc, hạn chế không cho mua súng dễ dàng như hiện nay. Hội Súng Toàn Quốc (NRA) xưa nay vẫn biện hộ rằng “Súng không giết người, chỉ có người giết người.” Nhưng nếu những thanh niên như Payton Gendron, ở Buffalo, và Salvador Ramos ở Texas không mang trong tay mỗi người hai khẩu súng máy và hàng trăm viên đạn, thì họ không thể giết nhiều người như vậy.
Đạo luật mới sẽ kiểm soát việc mua bán súng chặt chẽ hơn, phá một số kẽ hở trong đạo luật ban hành năm 1998 mang tên NICS (National Instant Criminal Background Check System).
Theo đạo luật cũ NICS những nhà bán súng phải ghi danh và xin giấy phép, nếu việc bán súng là “mục tiêu chính yếu” (principle objective) để họ kiếm lời và sống. Họ phải điều tra quá khứ của người mua (background checks) trước khi bán súng. Điều luật này có một “kẽ hở,” là nhiều người bán súng nhưng công việc đó không phải là việc chính yếu để sống. Do đó họ không cần giấy phép, cho nên không cần điều tra gì về người mua súng.
Đạo luật mới buộc những nhà bán súng phải xin giấy phép nếu việc bán súng là nguồn lợi tức trọng yếu (predominant). Chỉ thay chữ “chính yếu” bằng chữ “trọng yếu,” sẽ thêm nhiều người bán súng sẽ phải xin cấp giấy phép.
Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2022
Ngô Nhân Dụng: Tối cao pháp viện trong hành động
Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2022
Ngô Nhân Dụng: Fed bắt đầu ngăn lạm phát
Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2022
Ngô Nhân Dụng: Lý Khắc Cường dám đối đầu Tập Cận Bình
Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2022
Ngô Nhân Dụng: Kế Liên Hoành của Vương Nghị thất bại
Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2022
Ngô Nhân Dụng: Nước Mỹ nhiều súng quá!
Trong năm 2021, cảnh sát Anh bắn chết hai người, cảnh sát Mỹ bắn 1,055 người, theo tuần báo The Economist. Số người chết chênh lệch như vậy – dù dân số Mỹ chỉ đông gấp bốn lần – vì phần lớn cảnh sát Mỹ phải đương đầu hoặc lo lắng họ đang phải đương đầu với những thường dân mang súng. Trong năm 2020, 45,000 người Mỹ chết vì súng; nhiều hơn số người chết vì tai nạn xe hơi. Số các vụ sát nhân ở Mỹ cao gấp 4, 5 lần ở các nước tiên tiến khác. Ở nhiều tiểu bang trong nước Mỹ, xin một con chó về nuôi bị nhiều luật lệ kiểm soát hơn là mua súng.
Mười ngày sau vụ Payton Gendron vào một siêu thị bắn chết 10 người da đen ở Buffalo, New York, Salvador Ramos dùng một khẩu súng tự động AR-15 vào một lớp học ở Uvalde (đọc là Yu Van Đi), Texas, bắn chết 19 học sinh lớp 4 và 2 cô giáo. Nhiều xác trẻ em nằm chất đống trên nhau. Cả hai thủ phạm đều 18 tuổi. Khoảng 30 phút trước khi ra tay, Ramos đã viết trên mạng báo trước sẽ bắn bà ngoại rồi đi bắn ở một trường tiểu học. Bà cụ may mắn chỉ bị thương.
Nhiều vụ bắn giết ở Mỹ không được mấy người chú ý. Theo tin Reuters cũng trong ngày 24 tháng 5, ba học sinh một trường tiểu học ở Washington D.C. bị thương vì súng bắn. Ngày hôm trước, ba học sinh trung học ở Philadelphia cũng may mắn thoát chết như vậy. Tuần trước, ba vụ nổ súng trong lễ bế giảng tại các trường ở tiểu bang Michigan, Louisiana và Tennessee. Từ đầu năm đến nay gần như ngày nào cũng xảy ra một vụ bắn giết, tổng cộng 137 lần, so với 249 vụ trong cả năm ngoái.
Salvador Ramos không tìm giết người vì kỳ thị chủng tộc như Payton Gendron. Cậu hận đời vì lớn lên luôn luôn bị bạn bè chế nhạo về tật nói lắp, đi học bị bắt nạt, không thể chịu được cả bà mẹ mình, sống với ông bà. Khắp thế giới không thiếu gì những thanh niên bất mãn với đời như vậy. Không ai có thể biết trước và ngăn cản được họ không hành động giết người để tự sát. Nhưng chỉ có ở nước Mỹ họ có thể mua súng dễ dàng. Sau sinh nhật đủ 18 tuổi, Ramos đã đi mua hai khẩu súng máy AR-15. Nước Mỹ có 332 triệu dân, với 400 triệu khẩu súng trong tay tư nhân.
Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2022
Ngô Nhân Dụng: Kỳ thị chủng tộc mang súng
Ngô Nhân Dụng : Giới thiệu "ÐÈN CÙ, Số Phận Việt Nam Dưới Chế Ðộ Cộng Sản" của TRẦN ÐĨNH (Tự truyện của người từng viết tiểu sử Hồ Chí Minh)
Quý vị phải lắng nghe bài Đèn Cù. Tự mình hát lên, hát cho thấm thía vào lòng, cho những câu dân ca văng vẳng trong đầu trong khi đọc Đèn Cù của Trần Đĩnh. Khen ai khéo vẽ (ối a) đèn cù.Voi giấy (ối a) ngựa giấy, tít mù nó chạy vòng quanh… Voi giấy (ối a) ngựa giấy, vòng quanh nó chạy tít mù. Đèn Cù, cũng gọi là đèn kéo quân, là một trong số đèn Trung Thu, đồ chơi cho trẻ em và cho cả người lớn. Quý vị sẽ dần dần nhìn thấy hoạt cảnh xã hội Việt Nam những hình nhân voi giấy, ngựa giấy tít mù nó chạy vòng quanh trên màn ảnh đèn cù trong hơn nửa thế kỷ. Trong đó có tác giả. Một nhân chứng, một người tham dự trong đám Voi giấy (ối a) ngựa giấy lần lần hồi tưởng lại những cảnh cùng nhau chạy vòng quanh (ối a) nó tít mù. Nhiều tác giả đã viết về xã hội miền Bắc Việt Nam dưới chế độ cộng sản, dưới dạng hồi ký, tiểu thuyết, biện thuyết và lý luận, vân vân. Đèn Cù nổi bật lên trong tủ sách đó. Nếu chưa phải là một kho chứng liệu quan trọng và đầy đủ nhất thì đây là cuốn sách đọc lý thú nhất. Rất nhiều chuyện mới nghe lần đầu. Rất nhiều chuyện cũ được nhìn dưới con mắt khác, thấy những khía cạnh chưa ai từng thấy. Quý vị sẽ cười, sẽ khóc, sẽ thắc mắc, sẽ dằn vặt, thao thức, kinh tởm, giận dữ, sót thương, khi bị cuốn theo những Voi giấy (ối a) ngựa giấy chạy quanh trong cái đèn cù.
Dưới cái tựa Đèn Cù Trần Đĩnh gọi cuốn sách này là “truyện tôi.” Đọc xong thì hiểu tại sao tác giả không gọi nó là một “hồi ký” hay “tự truyện,” những loại văn quen thuộc khi người ta kể chuyện cuộc đời mình đã sống. Cuốn sách không viết theo phong cách hồi ký hay tự truyện, khi người viết có sẵn một bản đồ để viết theo, với một mục tiêu muốn đạt tới. Đây cũng không phải là tiểu thuyết, tác giả không kể những chuyện mình tưởng tượng ra. “Truyện tôi” là một thể loại văn xuôi mới, Trần Đĩnh tạo ra. Mai mốt có thể sẽ không còn ai viết “truyện tôi” nữa. Mà có ai viết thì chăc chắn cũng không viết giống như Trần Đĩnh. Đèn Cù là một cuốn sách độc đáo.
Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2022
Ngô Nhân Dụng: Phá Thai - Joe Biden phải chọn một phía!
Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2022
Ngô Nhân Dụng: Mặt trận văn hóa trong cuộc tranh cử 2022
Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2022
Ngô Nhân Dụng: Cuộc chiến tranh ngầm giữa Nga với Mỹ
Mỹ với Nga đang tham dự một cuộc chiến, nhưng cả hai bên đều không thừa nhận. Vladimir Putin và Joe Biden đều giả bộ như không có gì; vì quân đội hai nước chưa công khai bắn nhau.
Ông Vladimir Putin có nói rằng khi NATO gửi vũ khí giúp Ukraine tức là gây chiến với Nga. Ông dọa sẽ có hậu quả nghiêm trọng. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói bóng gió đến Đại chiến Thứ Ba, đến bom nguyên tử, nhưng ai cũng hiểu đó là những lời nói suông. Ông Putin vẫn bán dầu lửa và khí đốt nếu có nước nào hỏi mua. Ba Lan đã gửi cho Ukraine cả máy bay và thiết giáp do Nga cung cấp thời còn chế độ cộng sản. Nga ngưng bán khí đốt, đe dọa, nhưng vẫn không dám đánh thẳng vào các địa điểm chuyển giao vũ khí các nước NATO cho Ukraine, nằm sát biên thùy Ba Lan.
Về phần Joe Biden, ông đã gọi ông Putin là một “tên sát nhân,” một “tội phạm chiến tranh,” rồi nâng lên hàng “đồ tể;” còn nói thẳng không nên để ông Putin ngồi yên nắm quyền. Nói như thế còn nặng nề hơn công khai tuyên chiến. Ví thử ông Biden tặng ông Tập Cận Bình những danh hiệu tương tự thì chắc Trung Cộng đã tuyệt giao với Mỹ và cho quân đội chuẩn bị sẵn sàng lâm chiến. Nhưng ông Putin chứng ông tỏ có một lớp da rất dầy, vẫn im lặng.
Khi một nước tấn công một nước khác, thì phải coi tất cả những ai giúp quân đối địch với mình là kẻ thù. Không đối đầu trong chiến tranh trực tiếp; nhưng nếu anh giúp một nước đang đánh nhau với tôi tức là anh đánh tôi. Trên thế giới ai cũng phải hiểu như vậy.
Hai phe đang tham dự một cuộc chơi “hiểu ngầm.” Joe Biden không dám công khai nói rằng mình đang đánh Nga. Vladimir Putin không dám nói rằng mình đang bị đánh.
Ngoại trưởng Nga Lavrov tố cáo các nước Tây phương đang “sử dụng” người Ukraine để đánh Nga. Nhưng ai cũng biết rằng quân Ukraine không tấn công nước Nga, họ chỉ tự vệ. Cho nên lời kết án đó vô nghĩa, không căn cứ.
Nga với Anh quốc cũng đang dự một “cuộc chiến giả bộ,” bên ngoài nói vậy mà bên trong không phải vậy. Bộ trưởng Quốc phòng Anh nói rằng quân Ukraine có thể đánh vào các địa điểm trong nước Nga, dùng vũ khí do nước Anh viện trợ, đó là một thẩm quyền chính đáng. Sau đó nhân viên bộ Quốc phòng Anh phải “nói rõ hơn,” rằng nước Anh không can dự vào việc quân Ukraine chọn đánh chỗ nào. Nhưng minh xác như vậy cũng chỉ để tiếp tục “giả bộ” mà không nói thêm được gì cả.
Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2022
Ngô Nhân Dụng: Phần Lan và Thụy Điển quyết định
Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2022
Ngô Nhân Dụng: Tập Cận Bình và Omicron
Đó là hậu quả của các chế độ độc tài. Khi một chính sách được lãnh tụ ban ra là khó thay đổi. Vladimir Putin phiêu lưu trong cuộc chiến tranh Ukraine đã thất bại nhưng dù kinh tế suy sụp vẫn phải tiếp tục. Tập Cận Bình cũng lâm tình trạng giống như vậy.
Hồi xưa Mao Trạch Đông đổ tội chim chóc ăn hại mùa màng nên dân thiếu ăn; hô lên một tiếng thế là nhân dân Trung Quốc hùa nhau đi giết các loài chim chóc. Chim bị diệt gần hết, các loài giun, dế, côn trùng thoát chết. Sau đó dân lo mua thuốc trừ sâu bọ. Một lần khác, Mao bảo toàn dân phải dựng lên những “lò luyện thép trong sân sau nhà” để công nghiệp hóa đất nước. Nhân dân bèn mang nồi niêu soong chảo, thau nhôm, mâm đồng, kìm, kéo, búa, đem nấu hết thành hợp kim, đem nạp vào kho. Cuối cùng, chẳng biết có đúc ra một thứ máy móc nào không.
Khi kiểm điểm các chế độ độc tài, người ta thường không kể đến một thứ tai hại là làm dân chúng phí thời giờ. Mỗi người phí mất vài, ba tháng trong một năm, họ đành chịu. Nhưng hàng trăm triệu người được huy động đi làm những việc vô ích thì cả nước đã phí phạm biết bao nhiêu?
Cái tật đó đến đời Tập Cận Bình chưa bỏ; nhân bệnh dịch Covid mới để lộ rõ ràng.
Phải công nhận Trung Quốc đã thành công với chủ trương ngăn ngừa Covid triệt để. Nơi nào thấy bệnh là bệnh nhân bị cô lập, tất cả mọi người khác bị cấm cung. Hầu hết dân chúng đã được chích ngừa, dù thuốc nội hóa công hiệu rất thấp; phần lớn những người 80 tuổi trở lên chưa được chích đủ hai mũi. Dân được thử nghiệm xem có mắc vi khuẩn hay không, hễ kết quả “dương tính” là bị cô lập. Nhờ chính sách triệt để này, số người bệnh ở Trung Quốc và chết vì Covid thấp nhất thế giới
Nhưng sau hai năm loài vi khuẩn coronavirus đã thay đổi, căn bệnh mới vừa nhẹ vừa ít chết người. Tập Cận Bình không thay đổi. Ở các nước khác, khi thấy bệnh dịch do biến thái mới Omicron gây ra không tai hại như các đợt trước thì người ta thay đổi. Đa số bệnh nhân không cần bị cô lập, các trường học, cửa hàng, xưởng máy không cần đóng cửa. Ở Trung Quốc, chưa có lệnh trên, vẫn theo chính sách cũ.
Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2022
Ngô Nhân Dụng: Không thể để Vladimir Putin ngồi yên
Thế giới đã kinh ngạc trước đức dũng cảm của dân Ukraine, đã ghê tởm trước những chứng cớ tội ác của quân Nga. Bây giờ ai cũng thấy chế độ Putin phải chấm dứt.
Hai khúc quẹo trong cuộc chiến khiến loài người thấy phải giúp dân Ukraine chống quân Nga. Lần đầu, khi thấy dân Ukraine quyết tâm chiến đấu “dùng trứng chọi đá” chặn đoàn quân cướp nước. Trước đó, ai cũng tưởng Nga sẽ chiếm được thủ đô Kyiv trong vài ngày và cả nước trong một tuần, quân đội Ukraine sẽ tan rã. Ngạc nhiên, rồi kính trọng, khâm phục, ai cũng thấy phải hết lòng giúp dân Ukraine.
Lần thứ nhì, một tháng sau, nỗi kinh ngạc chuyển thành phẫn nộ, kinh tởm, khi nhìn hình ảnh những xác chết trên đường phố sau khi quân Nga rút khỏi thị xã Bucha. Không thể tưởng tượng trong thế kỷ 21 đạo quân của một cường quốc mạnh nhất thế giới có thể thản nhiên tàn sát thường dân như vậy. Không phải chỉ là xâm lăng trên một nước, mà là tấn công vào cả nền văn minh nhân loại.
Bucha, 28 ngàn dân, được gọi là “Srebrenica Mới,” nhắc lại tên một thị xã, nơi quân Serbia đã giết hơn 8,000 thường dân năm 1995, khi người Bosnia theo Hồi Giáo, nổi lên đòi độc lập, tách ra khỏi Liên bang Nam Tư.
Chị Yulia Truba nói chuyện với chồng lần chót vào bốn tuần trước, anh Andriy Dvornilov báo tin đang lái xe thì bị quân Nga bắt. Chị biết tin chồng chết khi nhìn hình ảnh trên một trang Facebook, chị kể với tuần báo Economist: “Tôi nhận ra cái quần anh mặc, cái lưng anh, những hình xăm tattoos…”
Người chứng kiến anh Dvornilov bị bắn là Vanya Skyba, bị bắt cùng lúc với 7 người đàn ông khác. Quân Nga đem họ xuống hầm một ngôi nhà, bắt cởi quần áo, nằm sấp xuống và chọn một người thấp bé, đeo kính trắng, dân làng Ivano – Frankivsk, đem ra bắn để đe dọa. Sau đó họ đánh đá, tra tấn trong mấy giờ. Lính Nga đưa tất cả ra ngoài, đứng dựa tường, rồi bắn. Skyba còn sống nhờ đã nằm yên giả bộ chết. Viên đạn chỉ chạy xuyên qua xương sườn. Anh chờ cho đến khi không nghe tiếng người nói nữa mới đứng dậy, leo tường trốn.
Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2022
Ngô Nhân Dụng: Ukraine giúp thế giới thức tỉnh
Dân tộc Việt Nam đã phải chiến đấu một mình chống lại những đoàn quân xâm lược nhà Tống, nhà Nguyên, nhà Minh, nhà Thanh. Dân Ukraine đang được loài người kính trọng và ý thức bổn phận phải tiếp sức.
Cuộc chiến Ukraine đã kéo dài gần bằng thời gian quân Thanh đánh Việt Nam năm Kỷ Dậu. Quân Thanh chiếm được Thăng Long; còn quân Nga bao vây thủ đô Kyiv cả tháng trời, mới tuyên bố sẽ rút đi. Vladimir Putin sẽ thất bại như Càn Long thời trước. Sẽ không có cảnh quan quân nhà Thanh tháo chạy “sập cầu trôi đầy sông” nhưng hình ảnh một đoàn quân xa Nga với thiết giáp cùng đại pháo tắc nghẽn trên quãng đường dài 60 cây số suốt bốn ngày sẽ ghi mãi trong lịch sử. Với 40,000 binh sĩ bị loại khỏi vòng chiến, 15,000 lính tử trận, trong đó có bảy tướng lãnh, quân Nga cũng thiệt hại nặng như quân Thanh năm 1789.
Tổng thống Volodymyr Zelensky nói với báo Economist, “Bọn xâm lược không bận tâm đến những binh sĩ tử trận; đó là điều tôi không hiểu nổi. [Vladimir Putin] đẩy đám lính ra trận như ném củi gỗ vào trong lò đầu máy xe lửa. Xác chết bỏ mặc trên đường phố không lo chôn cất.”
Zelensky ca ngợi quân đội Ukraine ở thành phố Mariupol, “sau 31 ngày bị vây hãm và pháo kích, họ vẫn tiếp tục chiến đấu. Không phải vì họ được lệnh của Ông Zelensky mà vì họ ở lại để chôn cất các đồng đội tử trận và cứu những người bị thương...” Ông kết luận, “Đó là điều căn bản cho thấy hai phía trong cuộc chiến nhìn thế giới khác biệt với nhau thế nào.”
Cuộc chiến Ukraine, cuối cùng, là cuộc chiến giữa hai cách nhìn thế giới. Một bên tôn trọng giá trị của con người. Bên kia coi dân và lính như những dụng cụ vô hồn để đạt tham vọng quyền lực. Một bên chọn tự do dân chủ. Bên kia chuyên chế độc tài. Một bên thiện, một bên ác. Dân Ukraine đang làm gương cho nhân loại cùng thấy: Chúng ta phải sống thế nào cho xứng đáng làm người?
Báo Economist kể chuyện anh Sasha, một người dân thủ đô Kyiv. Ngày quân Nga bắt đầu tấn công, anh nghe tiếng đại pháo nã vào phi trường Hostomel. Sasha lái xe đưa vợ và hai con ra khỏi thành phố, đi về phía biên giới. Vợ con chạy qua Ba Lan rồi, anh lái xe trở về Kyiv để chiến đấu. “Nếu tôi không quay về,” Sasha nói, “Tôi sẽ không bao giờ dám nhìn thẳng vào mặt các con tôi nữa.”