Hiển thị các bài đăng có nhãn Minh Diện. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Minh Diện. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2020

Minh Diện: Sao Lại “Tâm Hồn Vong Bản” !?

Cụ Phan Khôi
“Quan tài cha tôi đặt trên chiếc xe song mã màu đen. Đó là loại quan tài xấu nhất được mua phân phối giá hai đồng bảy hào năm xu. Sáu mảnh gỗ tạp, bào qua loa, vênh vẹo đóng đinh qua loa, không sơn phết,tấm thiên,tấm địa và bốn góc đều hở.Trên nóc quan tài chỉ có ba nén nhang cắm vào quả trứng luộc để trong chén cơm. Không nến, không hoa. Không có một vòng hoa, một bông hoa nào trong đám tang cha tôi. Ngoài con ngựa già kéo xe, chỉ có 10 người đưa đám, kể cả hai nhân viên dịch vụ mai táng và người đánh xe ngựa. Người bạn, người đồng nghiệp duy nhất của cha tôi là nhà thơ Yến Lan, còn lại là người trong gia đình. Chúng tôi bấu víu vào nhau, đẩy chiếc xe ngựa lăn bánh chậm chạp ra khỏi con hẻm, đi về hướng cửa Đông. Người hàng phố đứng nhìn đám tang vội vã quay đi. Không ai dám tới dự và đưa cha tôi đến nơi an nghỉ cuối cùng. Họ đều sợ liên lụy. Lúc cha tôi còn sống họ sợ đã đành, giờ cha tôi đã chết mà họ vẫn sợ.
“Chiều mùa Đông gió mưa hun hút, lạnh tê tái. Chiếc xe ngựa mầu đen và một dúm người mầu đen vón vào nhau líu rứu ra hướng cửa Đông. Mẹ tôi bảo dừng lại một phút cho cha tôi chào Hà Nội một lần cuối. Mẹ tôi và chúng tôi thay mặt cha tôi quỳ xuống lạy ba lạy. Tôi nhớ những ngày mới về tiếp quản Thủ Đô, cha tôi thường dẫn chúng tôi đi thăm năm cửa ô và ba sáu phố phường Hà Nội, kể cho chúng tôi nghe về cụ ngoại tôi, Tổng đốc Hoàng Diệu.”

Ông Phan An vừa lom khom chậm rãi bước đi trong con hẻm phố Thuốc Bắc (Hà Nội) vừa kể về đám tang của cha mình, nhà báo, nhà văn Phan Khôi. Ông cứ nhắc đi nhắc lại, giọng nói như nấc lên:

- Không có đám tang nào ảm đạm như đám tang cha tôi! Không có đám tang nào buồn thảm, thê lương như đám tang cha tôi!

Một lần nữa Phan An lại từ Đà Nẵng ra Hà Nội, tìm về căn nhà số 73 hẻm phố này, nơi cha ông đã sống những ngày cuối cùng. Ông tìm về quá khứ, tìm về nỗi đau xót mà gần hết cuộc đời vẫn chưa thể nguôi ngoai được.

Thứ Ba, 18 tháng 3, 2014

Minh Diện - Rồi cũng trôi tuột đi thôi!?

bBệt thự của ông Trần Văn Truyền (Hình: internet)
Mấy ngày trước, cả nước xôn xao chuyện biệt thự của ông Trần Văn Truyền, nguyên Ủy viên Trung ương đảng, Tổng thanh tra Chính phủ.  Báo  chí đưa tin ông  này  sắp  hoàn  tất  dự án tư dinh gồm  một  biệt thự và 3 ngôi nhà gỗ cao cấp trên lô đất 17.000 mét vuông tại xã Sơn Đông, thành phố Bến Tre, trị giá hàng chục tỷ đồng, trong khi  ông   ã có   một biệt thự  ở  phường 3 thành phố này  và 2 căn hộ cao cấp  ở Thảo Điền, Phú Mỹ Hưng , thành phố Hồ Chí Minh.

Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

MINH DIỆN - KHI KẺ ĐÀO NGŨ VÀ MAN TRÁ LÊN GHẾ QUYỀN LỰC





MINH DIỆN

Đầu năm ngoái, giữa lúc Trung ương đảng triển khai Nghị quyết  4 về : “Một số vấn đề cấp bách trong công tác  xây dựng đảng”, nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, thì có đơn tố cáo “biệt phủ” của con bí thư tỉnh ủy Hải Dương. Báo chí xác minh “biệt phủ” nguy nga đó do Bùi Thanh Tùng con trai Bùi Thanh Quyến xây ở xã Ninh Thành, huyện Ninh Giang, Hải Dương.

Một góc "biệt phủ" của Bùi Thanh Tùng

Trong khuôn viên  hơn 4.000 mét vuông, tường  cao ba mét bao quanh, có  ngôi biệt thự ba tầng và  các công trình núi non, sông suối nhân tạo  giữa một rừng cây  kiểng cổ thụ quý hiếm, trị giá hàng chục tỷ đồng. Bùi Thanh Tùng giải thích tài sản này là của cá nhân mình, không liên quan đến bố ông, tức Bùi Thanh Quyến. Ông Tùng nói: “Đây là kết quả từ  bàn tay khối óc và mồ hôi nước mắt cùa bản thân tôi!”.

Bùi Thanh Tùng sinh năm 1980, lúc xây biệt phủ  mới 30 tuổi. Theo báo  Giáo dục thời đại, 23 tuổi Tùng mới tốt nghiệp đại học quản trị kinh doanh, sau  đó  làm cán bộ  Phòng việc làm - an toàn lao động,  Sở lao động thương binh và xã hội Hải Dương.  

Vậy là chỉ trong vòng 7 năm,  Bùi Thanh Tùng vừa học cao học lấy bằng thạc sỹ, vừa học chính trị lấy bằng cử nhân,  vừa phấn đấu lên đến chức Trưởng phòng,  lại vừa dùng “bàn tay khối óc và mồ hôi nước mắt” làm ra khối tài sản hàng tỷ đồng. Tài thật!

Tôi biết nhiều doanh nhân làm ăn chân chính, bỏ  vốn  vài  chục  tỷ, đánh vật với kinh tế thị trường hàng chục năm mà không xây nổi một ngôi biệt thự,  đừng nói  biệt phủ  như ông Tùng. Ông Tùng đã  sử dụng “bàn tay khối óc và mồ hôi nước mắt” vào lúc nào, ra sao,  để  giàu nhanh như vậy?  Cần phải hỏi xem ông Tùng có làm những việc cấm đảng viên không được làm không, và cũng cần phải  hỏi các cơ quan thuế Hải Dương xem ông Tùng đã đóng khỏan thuế nào chưa?    Các doanh nghiệp làm ra một đồng phải đóng đủ các loại thuế, phí, phải bôi trơn .  Một ca sỹ hát rã họng, một bà mẹ liệt sỹ bán căn nhà, một người nghèo rớt mồng tơi may mắn trúng tờ vé số đều phải nộp thuế thu nhập. Chả lẽ ông Tùng  mua  bán nhà đất kiếm được  khối tài sản kếch xù kia mà trốn  thuế?  

Nhưng cơ  quan  thanh tra, kiểm tra đã quên hoặc cố tình bỏ qua những chi tiết đó. Họ tin vào lời ông Tùng,  là tài sản đó  của ông ta, và ông ta làm ra một cách chính đáng. Tuy nhiên  một điều không thể xuê xoa được, là  Bùi Thanh Tùng   đã xây  ngôi biệt thự  trên diện tích  đất 500 mét vuông chưa chuyển mục đích từ nuôi trồng thủy sản sang đất ở,  vi phạm điều 31 Luật đất đai năm 2003. Ai cũng biết, nếu  là dân thì chắc chắn chính quyền không  để  yên.  Chỉ cần  làm một  cái chuồng  xí  trái phép cũng bị thanh tra xây dựng ập đến phạt và đập nát ngay, đừng nói xây  biệt thự . 

Ông Bùi Thanh Quyến

Nhưng với cậu quý tử con quan đầu tỉnh này thì  biệt phủ cứ tiếp tục xây, kết luận thanh tra  để đó, chẳng cơ quan nào xử lý. Ủy ban kiểm tra trung ương chỉ nhắc nhở bí thư tỉnh ủy. Và ông Bùi Thanh Quyến chỉ nhận thiếu sót: “Chưa thường xuyên khuyên bảo con  tự giác gương mẫu chấp hành đầy đủ các quy định của Luật đất đai, chưa dứt khoát trong việc để con trai mua và sử dụng đất ở Ninh Thành” .

Cái việc tưởng nghiêm trọng ấy hóa ra nhẹ bỗng như lông hồng. Để rồi chẳng bao lâu,  ngày 1-10-2013 vừa qua, con trai Bùi Thanh Quyến  là  Bùi Thanh Tùng nhảy tót lên chức Phó giám đốc Sở lao động thương binh và xã hội  Hải Dương và con rể ông là  Lê Hồng Diên  nhảy lên ghế  chủ tịch huyện Tứ Kỳ, tỉnh này.

Dân Hải Dương lại được một phen  xôn xao bàn tán.  

Người ta đặt câu hỏi Bùi Thanh Tùng, Lê Hồng Diên tài đức ra sao mà băng băng trên đường quan lộ  như vậy?  Nhiều người am hiểu  cho rằng, Lê Hồng Diên chẳng có tài đức gì, còn  Bùi Thanh Tùng  bằng cấp lôm côm,  đang vi phạm pháp luật và đang  ôm một khối tài sản bất minh.  Hai “thằng ấy”  được đề bạt  nhờ cái ô bí thư tỉnh ủy Bùi Thanh Quyến.

Như giọt nước làm tràn  ly,  những  ý kiến  của người dân Hải Dương đã tràn lên các trang mạng.

Trong bài “Tản mạn đôi dòng về người bạn đồng ngũ”, cựu chiến binh Nguyễn Công Đán kể lại trên Blog My.opera.com/vnhaiduong như sau: “Cuối năm 1972 chúng tôi nhập ngũ một ngày. Sau thời gian tập luyện rất là khổ ải, đơn vị hành quân vào khu 4 theo đội hình của sư 320. Đến Quảng Bình tân binh Bùi Thanh Quyến bỗng nhiên mất tích. Đại đội cử người đi tìm suốt một tuần không thấy tăm hơi.  Hai tháng sau người ta thấy anh bộ đội cụ Hồ ấy  xuất hiện ở quê nhà. Thì ra trước khi “B quay”, Bùi Thanh Quyến đã có mối quan hệ nào đó với ông phó Ban quân sự huyện Ninh Thanh thông qua bà mẹ. Thế là nghiễm nhiên anh ta được phục vụ ở huyện đội với tư cách chiến sỹ, đồng thời xóa án đào ngũ khi có giấy của đơn vị gửi về.

Sau sáu năm “chiến đấu” tại địa phương, người bạn đồng ngũ ấy của tôi được chuyển sang nghề đánh xe bò. Bùi Thanh Quyến chưa một lần vượt qua sông Bến Hải chạm súng với lính Việt Nam cộng hòa hoặc quân đội Hoa Kỳ, nhưng nghe nói hồ sơ đảng của ông ta có thẻ thương binh và bằng “Dũng sỹ diệt Mỹ”.

Cách đây hai năm, lúc ấy ông ta đang ngồi ghế chủ tịch, có nói trong lúc nửa tỉnh nửa say tại cuộc họp đồng ngũ: “Bằng cấp không quan trọng, chủ yếu là phải biết làm công tác ngoại giao...”.

Một trong những Scandall gây tai tiếng nhất trong thời gian qua là tấm bằng PTTH ông Quyến khai trong hồ sơ ứng cử vào BCH trung ương đảng cộng sản Việt Nam nó hoàn toàn không có thực, vì ông bí thư chưa học hết cấp II (lớp 7 cũ).

Ấy thế mà chỉ trong thời gian ngắn, vị chức sắc cao cấp nhất hàng tỉnh có được bộ sưu tập đủ các loại bằng, từ đại học nông nghiệp cho đến học viện cao cấp Chính trị quốc gia…”.

Câu chuyện trên không biết chính xác không, nhưng có một sự thật là ông Bùi Thanh Quyến đã nhiều lần bị tố cáo sử dụng bằng cấp giả và tham nhũng. Nhiều tờ báo đã lên tiếng về việc đó. Ví dụ báo Quân đội nhân dân số 1-2007,  đăng  bài về  những sai phạm của ông Bùi Thanh Quyến trong dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu dân cư Bắc đường Thanh Niên thành phố Hải Dương; báo  Mới đăng về vụ nhà máy xi măng Phú Tân; báo Tiền Phong đăng bài viết về vụ  ông  HVT trong nhóm luật sư Hải Dương tố cáo ông Quyến tham nhũng bị trả thù bằng cách ném nhớt dơ và mắm tôm vào phòng khách...

Có điều  cũng như chuyện “biệt phủ” vừa qua, dù đơn tố cáo, dù dư luận xôn xao, dù báo chí phản ánh nhưng thanh tra, kiểm tra chỉ chiếu lệ, rồi để trượt đi như nước đổ lá môn. Kết quả là ông Bùi Thanh Quyến vẫn ung dung tự tại, con cái vẫn băng băng trên đường hoạn lộ, trong khi nhân dân càng bức xúc, càng mất  niềm tin vào quyết chống tham nhũng của đảng.  



Cách đây không lâu cháu Nguyễn Hồng Sơn, một cầu thủ bóng đá năng khiếu U13, của Qũy đầu tư và phát triển tài năng bóng đá Việt Nam (PVF) bị nghi ngờ khai gian tuổi.  Ban tổ chức đã dùng thủ đoạn ghi âm lén cuộc nói chuyện qua điện thoại của mẹ em, và kết luận em sinh năm 1999, trong  khi  giấy khai sinh, học bạ, hộ khẩu của em đều ghi ngày  sinh ngày  24 tháng10 năm 2000.  Và họ  đã loại em và cả đội bóng ra khỏi giải Yamaha  2013.

Tại sao đối với  một đứa trẻ thì người ta đối xử khắt khe như vậy, còn với ông bí thư tỉnh ủy  Bùi Thanh Quyến thì lại quá dễ dãi. Phải chăng chỉ có một đứa trẻ như Nguyễn Hồng Sơn, còn những ngưởi như Bùi Thanh Quyến quá nhiều?

Anh Nguyễn Văn Hội, thượng tá, cựu chiến binh ở Ninh Giang, Hải Dương gọi điện nói với tôi: “Mỗi lần đi ngang qua cái biệt phủ Thanh Tùng tôi lại tự hỏi tiền đâu ra mà một thằng nhóc ba mươi tuổi xây cơ ngơi này? Công lao gì mà hai anh em nó nhảy lên ghế lãnh đạo dễ hơn leo cây khế hái trái ngọt như vậy?
Dân làng tôi bảo nhau, nếu Bùi Thanh Quyến mà “thanh liêm” như  tờ  báo tỉnh ca ngợi  thì họ sẵn sàng đi đầu xuống đất!”

Bùi Thanh Quyến thanh liêm? Một câu chuyện tiếu lâm rất hay, xin bà con đừng vội đi đầu xuống đất! Ôi nói với anh Hội như vậy không biết có đúng không?

M D     


Thứ Năm, 3 tháng 10, 2013

Minh Diện - THĂM BỆNH, NGHĨ MÀ ĐAU !


Minh Diện

            Tôi đến thăm cụ H, mẹ  người bạn cựu chiến binh ở đơn vị cũ bị đột quỵ đang điều trị ở bệnh viện Thống Nhất. Bệnh viện này do kiến trúc sư Trần Văn Quyền thiết kế, khởi công từ giữa năm 1970, đến đầu năm 1974 hoàn thành. Bà Nguyễn Thị Mai Anh, phu nhân Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bỏ tiền xây dựng, đặt tên là “Bệnh viện Vì Dân”. Tất cả  600 giường bệnh, khang trang  thiết kế theo kiểu khách sạn, thiết bị y tế hiện đại nhất ngày ấy chỉ phục vụ  dân nghèo không lấy tiền.


Sau ngày 30-4-1975, “Bệnh viện Vì Dân” đổi tên là “Quân y viện Thống Nhất”.  Năm 1978, quân đội chuyển giao cho Bộ y tế, đổi tên là “ Bệnh viện Thống Nhất”, (có thể nói : thay mục đích và nhiệm vụ bằng ‘bệnh viện Vì Quan’). Bởi từ sau ngày giải phóng, ở đây chỉ khám chữa bệnh cho cán bộ trung-cao cấp, và được phân ra các khu A1, A2, B1, B2 ... tùy theo cấp bậc, chức vụ.  Ví dụ khu A1 phải từ bậc thứ trưởng trở lên hoặc cán bộ lão thành cách mạng đã từng giữ chức vụ tương đương. Cán bộ cấp thấp nhất được vào điều trị ở bệnh viện Thống Nhất cũng phải  cỡ chuyên viên, bởi thế  người ta  còn  gọi  là “Bệnh viện trung cao”.  Mấy năm gần đây để tăng thu nhập thêm, ban giám đốc  dành ít phòng nhận bệnh nhân là dân thường  khám chữa bệnh dịch vụ.

               Anh Lung con cụ H, nói với tôi:   
                 - Mẹ tôi có bảo hiểm y tế, vào đây điều trị bán dịch vụ, tiền phòng mình trả, tiền thuốc bảo hiểm y tế trả. Mẹ tôi nhập viện 26 ngày rồi, nhưng mai tôi phải cho cụ về, vì hết hy vọng rồi bác ạ!

                Mẹ anh Lung  nằm  ở  khoa nội thần kinh, lầu 2.  Căn phòng khoảng  9 m2, kê 3 giường bệnh . Từ  giường, tủ  đến bồn rửa, cầu tiêu đều cũ kỹ,  nhiều chỗ  đã bong tróc, nền  gạch  đã xỉn màu. Nghe nói mấy năm nay  bệnh  viện  được  đầu tư nâng cấp mấy lần, tốn nhiều tiền, nhưng chỉ tập trung vào khu AI, A2... dành cho cán bộ cấp cao.

                 Ngoài mẹ anh Lung còn hai  bệnh nhân, một nam, một nữ đều bị đột qụy do tai biến mạch máu não. Phòng quá chật nên mỗi bệnh nhân chỉ được một người chăm sóc, lúc  làm thuốc thì phải ra ngoài hết vì không có chỗ xoay trở.

                Một người  nhà bệnh nhân cùng phòng nói với tôi :
                -  Mỗi bệnh nhân một ngày mất hai trăm ngàn tiền phòng đấy bác nhà báo ạ!  Dịch vụ mà! So với  bệnh nhân bảo hiềm y tế ở Bệnh viện ung biếu, Chợ Rẫy, Nhi Đồng... còn  sướng chán. Ở đó hai, ba bệnh nhân nằm chung một giường, có khi  phải  nằm ngoài hành lang.

                 Chị buồn bực chỉ tay lên trên lầu:
                 - Ở trên  có những căn phòng rộng rãi, khang trang như phòng khách sạn 5 sao , chỉ có một bệnh nhân, nằm hàng tháng không mất tiền!

                Lung ngắt lời :
                - Tiêu chuẩn cán bộ cấp cao ai bì được!

               Rồi anh  quay sang nói với tôi:
               - Có người nhà nằm bệnh viện mới biết nỗi đau của dân nghèo!

                Lung thở dài, mắt ầng ậng nước nhìn mẹ mình co quắp trên giường bệnh.  Bà cụ chỉ còn thoi thóp, hai mắt nhắm nghiền.

               Lát sau Lung  kéo tôi ra chiếc ghế ngoài hành lang, trong tâm trạng đầy bức xúc, anh kể:
               - Mẹ tôi vào đây, ba ngày đầu  được  truyền ba chai nước biển sau đó mỗi ngày chỉ bơm hai típ súp lỏng. Tôi hỏi cô điều dưỡng viên :
               - Sao không truyền thêm nước cho cụ?

               Cô điều dưỡng viên trẻ trả lời:
               - Chú đừng thắc mắc! Chữa bệnh thế nào đã có phác đồ điều trị của bác sỹ!

               Hôm sau thấy bác sỹ trực  đang ngồi thêu  tôi nói :
               - Mẹ tôi hai ngày nay  không truyền nước, sức khỏe xuống quá bác sỹ !

               Cô bác sỹ ngừng tay thêu, ngẩng mặt lên:
               - Bà cụ bị suy tim không truyền nước được!

                Nói xong, cô lại  cúi xuống chăm chú thêu tiếp bức tranh Phật Bà Quan Âm. Từ hôm vào chăm sóc  mẹ  ở đây, tôi thấy  từ điều dưỡng viên đến  bác sỹ  đều chăm chỉ  thêu tranh.   Họ ngồi trong quầy trực, thêu công khai trước mặt mọi người. Có khi người nhà bệnh nhân kêu, họ vẫn thêu ráng vài đường kim.  Người thêu  Phật, người thêu hoa, người thêu tranh phong thủy...

                Như để chứng minh lời nói của Lung, cô điều dưỡng viên trong phòng trực đang thêu bông hoa hồng. Tôi biết chả  riêng ở đây  mà nhiều chỗ khác cũng vậy. Các bà các chị nhà mình bây giờ đâm nghiện thêu tranh Trung Quốc ! Những mẫu thêu Trung quốc dệt sẵn hàng loạt, đánh số  từng ô, từng loại chỉ thêu, bán sang Việt Nam,  giá từ vài chục đến vài trăm ngàn.  Nghe nói một bức thêu hoàn hảo  họ  mua lại mấy triệu đồng. Tiền đâu chẳng thấy, nhưng có bức tranh sơn thủy, nó vẽ  biển  Đông cố tình đưa  đường lưỡi bò và thành phố Tam sa vào, nhận  của Trung quốc, chị em  không hiểu cứ thêu tuốt mới thật đáng buồn...

               - Nó lừa mình còn mình lừa nhau!

               Anh Lung nói, và kể tiếp chuyện chữa bệnh của mẹ mình:
                -Mẹ tôi điều trị hai tuần, bệnh không đỡ mà nặng thêm. Hôm mới vào hơn bốn chục kg,  mắt còn mở, tay chân còn co duỗi, sau hai tuần  mắt nhắm tít, ngưởi teo lại, bất động.   Trong khi  hai người  bệnh cùng phòng hôm mới  vào   nguy kịch hơn,  đều đã tỉnh hơn một chút.  Tôi dò hỏi vợ người bệnh bên cạnh, bà  bảo:
                -Phải mua thuốc  ngoài !

              Vì vẫn tin chế độ nghiêm ngặt của bệnh viện như điều dưỡng viên nói, nên tôi hỏi dồn:
                - Thuốc gì, ở đâu, bác  sỹ có cho phép  không?

                - Ông mới ở trên trời rơi xuống hả?

               Ngưới nhà bệnh nhân kia mắng tôi, và bảo:
                - Bệnh nhân bảo hiểm y tế không có thuốc đặc trị, phải mua ngoài !

                Nghe bà  ấy nói một hồi tôi mới sáng mắt ra. Bọn lính mình đến già vẫn thật thà  như vậy!  Tôi  nói với  một nữ bác sỹ trực :
                 - Nghe nói  có loại thuốc đặc trị đột quỵ,  bác sỹ cho đơn  tôi  mua ngoài!

                 Bác sỹ hỏi:
                 - Ai nói với anh?

                 - Người bệnh cùng phòng!

                 Bác sỹ hỏi:
                - Gia đình có khả năng không?

                - Không cũng phải cố, để tỏ lòng hiếu thảo với cụ!

                - Sao  không nói trước, giờ  muộn rồi!

             Tôi điếng người như  bị gáo nước lạnh hắt vào mặt. Đưa  mẹ  nhập viện  là  giao tính mạng  mẹ  mình cho bác sỹ, tin tưởng tuyệt đối vào tài năng, y đức của người thầy thuốc.  Cứ  nghĩ  bệnh nào thuốc ấy,  bác sỹ  điều trị theo  nguyên tắc vì  con bệnh,  ngờ đâu  lại  vì tiền?  Nếu vậy sao  không nói thẳng  ngay từ đầu để bây giờ bảo đã muộn?

              Tôi cố dằn lòng nói với  bác sỹ :
                - Muộn còn hơn không, mẹ tôi cần thuốc gì,  bác sỹ  cho đơn để tôi  mua ngoài!

                Cô bác sỹ lấy giấy viết đơn thuốc đưa cho tôi, bảo:
                - Xuống nhà thuốc bệnh viện mua cho bệnh nhân  uống!

                Gương mặt còn trẻ của cô bác sỹ bình thản, không  gợn  chút suy tư. Hình như  việc  điều trị cho bệnh nhân bảo hiểm y tế  nghèo một cách qua loa, và nhìn người bệnh chết vì không có tiền mua thuốc đặc trị đã quen rồi. Không áy náy, không xúc động, không hề nghĩ đến y đức  người thầy thuốc. Vậy mà  ngay sau khi đưa tờ đơn thuốc cho tôi, cô ta  lại cúi xuống thêu tiếp bức tranh Phật Bà Quan Âm, một biểu tượng về lòng từ bi cứu khổ cứu nạn!

                 Chúng tôi   xuống quầy, mua một hộp  thuốc “An cung ngưu hoàng hàn”   giá 1.750.000 đồng, mang lên  cho mẹ tôi uống. Uống liên tục năm ngày, mẹ tôi hơi tỉnh,  khi con cháu vào thăm  lay gọi, cụ  chảy được mấy giọt nước mắt ra như  khóc.

                Nhưng với loại thuốc “An cung  ngưu hoàng hàn” đó, bệnh mẹ tôi  chỉ chuyển được như vậy thôi.  Cụ vẫn hôn mê sâu. Tôi  hỏi  một bác sỹ chuyên khoa tim mạch, ông  ấy bảo  muộn rồi không chữa được nữa.
                  Theo bác sỹ chuyên khoa ấy, cách  điều trị đột quỵ hiệu quả  nhất là phải đánh tan huyết  khối gây tắc nghẽn, bằng cách tiêm vào đường tĩnh mạch trước ba giờ, đường động mạch trước 6 giờ , hoặc dùng máy hút cục máu đông kết hợp tiêm tĩnh mạch. Cả ba phương pháp điều trị  đều phải sử dụng  loại thuốc tiêu sợi huyết Actilyse 50g, là loại thuốc duy nhất cho bệnh nhân đột quỵ.

                Tôi hỏ Lung:
               - Bác sỹ ở đây  không biết phác đồ đó à?

                Anh Lung phẫn uất  buông một câu chửi thề, rồi nói:
                - Biết chớ!  Thuốc Actilyse 50g  cũng có sẵn.  Nhưng họ không tiêm cho mẹ tôi, vì mỗi lọ thuốc  Actilyse 10 triệu đồng,  không nằm trong danh mục thuốc bảo hiểm y tế.

                  Tôi cảm thấy có cái gì dâng lên chẹn lấy cổ họng mình. Một căn bệnh đã biết cách chữa, thuốc  chữa có sẵn mà không chữa cho người bệnh, chỉ vì họ  nghèo!  Một  liểu thuốc có thể cứu được một  mạng  người, nhưng họ coi 10 triệu đồng lớn hơn sinh mạng  một con  người!

                Mẹ anh Lung  điều trị 27 ngày, tổng số tiền hết 28.000.000  đồng,  bảo hiểm y tế thanh toán 17.000.000,  gia đình  thanh toán  11.000.000 , đó  là  chưa kể tiền thuốc mua ngoài. Tốn nhiều tiền như vậy, nhưng  bà cụ xuất viện trong tình trạng hôn mê sâu, nói như anh Lung,  là về  để lo hậu sự. Nếu ngay  từ khi mới nhập viện, bác sỹ tiêm cho bà cụ mũi thuốc Actilyse  thì  có lẽ  hậu quả chưa  đến nỗi ?

                Câu chuyện mẹ anh Lung khiến tôi nhớ đến trường hợp cụ V. Cụ 83 tuổi thuộc thành phần có công với nước, có bảo hiểm y tế 100 % chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm thanh toán. Vì bị  tăng huyết áp và viêm đường tiểu,  cụ vào điều trị tại một bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh. Bệnh cứ tái đi tái lại, nặng thêm, sức khỏe giảm sút, và  cụ rất đau đớn. Chỉ đến khi chấp nhận mua thuốc ngoài thì bác sỹ mới xét nghiệm, phát hiện loại vi khuẩn Klebsiella terrigena đã kháng lại loại thuốc rẻ tiền trong danh mục thuốc bảo hiểm y tế bác sỹ đã điều trị cho cụ. Cụ phải bỏ tiền mua loại thuốc Imcil 500mg (biệt dược Imipenem +Cilastalin ) với giá 278.000 đồng một lọ. Loại thuốc này không được bảo hiểm y tế thanh toán nên bệnh nhân không được tiêm.

               Bệnh nhân cấp tính đã khốn khổ như vậy, bệnh nhân mãn tính còn khốn khổ gấp trăm lần. Ví dụ bệnh viêm gan siêu vi C, phác đồ điểu trị thường phải  kéo dài hơn một năm, loại thuốc uống Ribavirin không đắt lắm nhiều người còn không có tiền mua, huống chi loại  thuốc tiêm Peginterferon tới 17.000.000 đồng một lọ thì đào đâu ra tiền?...

Ôi, lại nghĩ: Bệnh viện là nơi cứu người. Cũng là thân phận con người cả, mà người ta lại phân biệt quan tâm chu đáo hơn với người này, chỉ lạng qua người khác, bỏ cho ai chết? Từ “Bệnh viện Vì Dân” của bà Nguyễn Thị Mai Anh năm xưa, thành  “Bệnh viện Vì Quan” chỉ lo chính sách vốn đẳng từ thời bao cấp, dành cho cho quan chức cấp trung-cao. Gọi là chính sách với cán bộ, nhưng cả vài chục năm qua, nguồn thuốc cung cấp cho chính sách eo hẹp, 'văn hoá phong bì' cũng thâm nhập vào chốn chính sách  'cung đình' này. Cũng là cán bộ ngang nhau, nhưng người nhà bênh nhân nào biết cách nhiệt tình, 'bồi dưỡng' cho thầy thuốc chu đáo, vừa lòng họ thì bệnh nhân được quan tâm 'để mắt đến' nhiều hơn, thuốc được cấp cũng xịn hơn. Còn nếu không, cứ nằm dài dài, cho gì được đó. Không ít vị cán bộ đã phải 'chạy làng', tìm đến các bệnh viện khác, dù tốn tiền, nếu muốn nhanh khỏi bệnh  và... muốn sống! Nay, bệnh viện Thống Nhất được 'đổi mới' có kèm theo các khoa Dịch vụ, từ đơn thuần bao cấp sang có thu -  lại Vì Tiền, chỉ biết có tiền. Càng nghĩ sâu, thấm thía, càng đau.

              Bác sỹ Trần Đông A phát biểu trong hội thảo bảo hiểm y tế: “Nhiều bệnh nhân bảo hiểm y tế có khả năng cứu sống rất cao, nhưng đành phải ra về lo hậu sự vì không có tiền!”.

             Bảo hiểm y tế là một chính sách an sinh xã hội mang tính cộng đồng, chia sẻ rủi ro với mọi người không may bị bệnh tật. Ngưởi bệnh hiểm nghèo chẳng mong gì hơn là được chữa tri bình đẳng. Nhưng bệnh nhân bảo hiểm y tế lại bị hắt hủi, khinh khi, phân biệt đối xử vì hầu hết họ là người nghèo, là cán bộ hưu trí bậc thấp, là người dân tộc thiểu số. Họ không có tiền vào phòng dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu  để  được chăm sóc tử tế, không được dùng các loại thuốc đặc trị và thiết bị y tế hiện y tế hiện đại... đã được “xã hội hóa” bằng sự “liên kết công tư”, là phương tiện để những thầy thuốc bất lương hái tiền.

             Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, bộ trưởng y tế nói “ Bảo hiểm y tế nước ta ưu việt hơn vì được nhà nước hỗ trợ một phần tiền khám chữa bệnh!”

            Vâng, chính sách rất nhân đạo, nhưng việc thực hiện lại đầu voi đuôi chuột. Thực tế, bệnh nhân bảo hiểm y tế nước ta đã và đang phải chịu cảnh khốn đốn mỗi khi khám và chữa bệnh.  Bởi vì các nhóm lợi ích lũng đoạn, tìm mọi cách vét tiền dân, nhét đầy tiền vào những túi tham của họ.   Một người lạc quan như phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan mà đã  phải nói thẳng  trước cuộc họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội mới đây: “Tiền hỗ trợ dân nghèo, tiền chính sách thương binh liệt sỹ, tiền bảo hiểm y tế bị xà xẻo. Các cháu học sinh dân tộc thiểu số cũng bị hiệu trưởng ăn chặn. Liều vác xin cỏn con cũng bị bớt xén. Người ta ăn của dân không từ cái gì!”

              Bộ trưởng y tế  Nguyễn Thị Kim Tiến nói: “Các quy định do Bộ y tế ban hành đã có đầy đủ, ai không thực hiện nghiêm sẽ bị xử lý nghiêm minh!”. Một trong những quy định đó là cấm bác sỹ, điểu dưỡng viên nhận phong bì của người nhà bệnh nhân. Bộ trưởng Tiến tỏ ra rất kiên quyết: “Bệnh nhân và người nhà hãy dứt khoát không đưa phong bì và nếu thấy bác sỹ, điều dưỡng viên nảo nhận thì chụp ảnh gửi cho chúng tôi”.  Nhưng rồi cái nút thắt ấy cũng chính Bộ trưởng Tiến gỡ,  là có thể nhận phong bì sau khi điều trị vì đó là “quà”.

             Ngày 24-7-2013, một bức tâm thư của độc giả rất dài đã được đăng trên báo Kiến Thức, sau khi bà Bộ tưởng y tế có mặt ở Quảng Bình mà không đến thăm gia đình 3 cháu sơ sinh tại đây vừa chết vỉ tiêm vac xin. Trong thư có đoạn viết: “Thất vọng lắm! Đau đớn lắm! Nhưng tôi vẫn mong rằng những cái chết oan uổng của những đứa trẻ vô tội kia như hồi chuông đánh thức những con người chưa tận tâm, chưa có trách nhiệm cao trong công việc cao cả của mình!”.

            Điều 2 trong 9 điều y đức của Hải Thượng Lãn Ông viết: “Nên tùy bệnh cần kíp hay không mà sắp đặt đi thăm trước hay sau. Chớ nên vì giàu sang hoặc nghèo hèn mà nơi đến trước chỗ tới sau, hoặc bốc thuốc lại phân biệt hơn kém,  khi lòng mình có chỗ không thành thật thì khó mong thu được kết quả!”.

              Lời người xưa dạy thế, mong người thầy thuốc Việt Nam hãy nhớ lại và nhìn xuống người nghèo. Họ đang thất vọng lắm, đau đớn lắm!

M D


Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Minh Diện - "AI CHO TÔI LƯƠNG THIỆN" ?!


Minh Diện
   
Súng lại nổ, máu lại đổ trên quê tôi.
Không phải tiếng súng chống ngoại xâm.
Không phải tiếng súng của  bọn khủng bố...

Cũng không phải của bọn tội phạm hình sự hoặc một kẻ điên khùng nào, mà  là tiếng súng của  người lương thiện bị cùng đường.


Đại tá cựu chiến binh Nguyễn Văn Thân, nhà báo Thái Vũ, và nhiều bạn bè từ thành phố Thái Bình, nơi xảy ra vụ án, gọi điện, viết Email cho tôi, kể lại câu chuyện  xảy ra ngày 11-9-2013 với tâm trạng đau buồn.

Đặng Ngọc Viết sinh năm 1971, là con trai thứ ba của ông Đặng Ngọc Vu, nguyên quán thôn Dục Dương, xã Trà Giang, huyện Kiến Xương, thường trú tại phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình. Nửa thế kỷ trước , ông Vu theo tiếng gọi của Đảng lên đường cầm súng chiến đấu vì  lý tưởng “Không có gì quý hơn Độc lập Tự do!”  Ông bị thương, và bị nhiễm chất độc mầu da cam ở chiến trường Tây Nguyên. Năm nay ông Vu đã ngoài 80, bị liệt không đi lại được.  Ông có người con trai tên  Đặng Vinh Quang, cũng nhiễm chất độc da cam, bị bệnh động kinh, dân làng gọi là “thằng ngớ ngẩn”. Vừa qua , Quang nói được một câu dài nhất trong cuộc đời 44 tuổi của anh : “Thương em tôi quá! Nó chết ai nuôi tôi!” Đó là khi Đặng Vinh Quang nghe tin em trai Đặng Ngọc Viết tự tử.

Đặng Ngọc Viết là con trai thứ ba, may mắn hơn anh, khỏe mạnh, đẹp trai, và thông minh, mỗi tội “nhát như cáy”.

Học hết cấp ba, Viết lấy vợ và năm 1996 cả hai vợ chồng  đi xuất khẩu lao động ở Nga. Mẹ vợ phải  bỏ tiền ra chạy, chứ Viết nghèo không lo được. Vợ chồng chăm chỉ làm ăn, gửi tiền về nuôi con trả nợ. Năm 2008, Viết muốn về nước, nhưng chị Thu  chưa muốn về, vợ chồng đâm ra mâu thuẫn, rồi ly dị.

Viết về nước, phải nuôi  mẹ già, cha bệnh, anh tâm thần nên rất cực. Theo phán quyết của tòa án, chị Thu nuôi hai con, mỗi tháng Viết phải góp một triệu. 

 Ông Đặng Ngọc Vu buồn bã khi nói về người con của mình:
"Chiều qua, nó có qua đây chào tôi, nó bắt tay tôi và bảo hôm nay con bắt tay ông, con đi trước ông (chết trước - PV), tôi có hỏi nó là mày đi đâu thì nó không nói mà bỏ đi luôn. Nó đi lối trong làng và ra chùa ở bên Đông, rồi cũng không biết như thế nào nhưng đến chiều tối thì tôi thấy mấy anh công an vào báo gia đình ra nhận có đúng người nhà hay không. Xảy ra sự việc như thế, tôi buồn và thương con tôi quá....". Ông Vu cũng nhấn mạnh: "Vừa rồi sự việc xảy ra như thế do nguyên nhân vấn đề đất, người được chia hay không được chia, hơn thiệt thì mới xảy ra như thế...".


Bà Bùi Thị Kim, mẹ vợ Viết nói :

- Hai cháu ở với tôi. Thấy thằng Viết khó khăn tôi không hỏi, nhưng tháng nào nó cũng đưa 3 triệu.

Nhận xét về chàng rể đã ly hôn với con gái mình, bà Kim chân thành:

- Nó hiền lành, không rượu chè, trai gái. Tôi chẳng chê nó được điểm nào trong hơn mười năm làm rể tôi.

Ông bố đẻ Viết nói:

- Mẹ ốm đau một mình nó chăm thuốc thang. Nó là đứa con hiếu thảo.

Những người hàng xòm của Viết bảo : “Anh ấy hiền lành, ít nói  và không có điều tiếng gì với bà con hàng xóm”. Năm kia anh Viết  bỏ tiền thuê làm một bộ khung nhà bạt tặng cho xóm để che nắng mưa phục vụ các đám ma chay. Viết cũng hay mua kẹo phát cho bọn trẻ con.


Mới cách đây hơn một tuần, Viết nói với  con trai  mình và bọn trẻ:

- Tết trung thu muốn ăn bánh gì bố mua cho, kẻo bố sắp đi xa!

Bọn trẻ chưa được ăn bánh Trung thu thì xảy ra chuyện tày đình. Cái nhà bạt Viết tặng cho xóm, hôm nay làm đám ma cho Viết.

Câu chuyện buồn bắt đầu từ hồi tháng 3-2013, khi thành phố Thái Bình triển khai dự án “Khu tái định cư Trần Kỳ-Kỳ Bá”.

Gia đình  Đặng Ngọc Viết  ở số  345 đường Ngô Thì Nhậm, tổ 48, phường Kỳ Bá, có căn nhà ngói 3 gian trên diện tích đất 220 mét vuông,  bị chính quyền  ra  quyết định thu hồi 181,6 mét vuông, chỉ còn cái rẻo 24,6 mét vuông , bề  ngang chưa đầy 3 mét.

Thời điểm đó, giá  đất thị trường  khu vực này   hơn 10.000.000  đồng một mét vuông, nhưng Trung tâm phát triển quỹ đất Thái Bình chỉ áp giá đền bù gần  7. 000.000 đồng  một mét đất ở,   đất nông nghiệp mấy trăm ngàn.  Nhân dân bức xúc khiếu nại, họ đưa các quy định, quyết định của nhà nước ra, không giải quyết, dân bức xúc  nhưng “ở dưới chín tầng địa ngục đành ngậm bồ hòn làm ngọt!”

Theo tính toán của Trung tân phát triển quỹ đất, gia đình Đặng Ngọc Viết  được bồi thường 70 mét vuông theo giá “đất ở”, 111,6  mét vuông theo giá  đất “nông nghiệp”,  tông cộng 300.000.000 đồng. Thật vô lý khi cùng  một thửa đất,  chỉ cần một mảnh giấy cho  “chuyển mục đích sử dụng” sang đất ở là có giá gấp nhiều lần đất nông nghiệp. Các Trung tâm phát triển quỹ đất lời khẳm là nhờ như vậy. Thu hồi đất nông nghiệp giá bèo, làm quyết định chuyển mục đích xử dụng sang đất ở, giao cho các đại gia làm dự án, bán lại  ngay cho những người dân vừa bị giải tỏa giá gấp 10 lần. Buôn ma túy cũng không lời bằng Trung tâm phát triển quỹ đất. Vì vậy có người nói thẳng là : “Trung tâm cướp đất!”, hay là "Trung tâm những con quỷ ăn đất"?.

Rốt cục 181,6 m2 đất của Đặng Ngọc Viết chỉ được bồi thường  300.000.000 đồng, bình quân 1.724.000 m2, chưa bằng 1/5 giá thị trường. Ngôi nhà ngói 3 gian  được bồi thường 190.000.000 đồng, tổng cộng 490.000.000 đồng. Nhờ bố và anh  nhiễm chất độc da cam, thuộc diện chính sách, được ưu tiên thêm 14.000.000 đồng  nên  gia đình Đặng Ngọc Viết có số  tiền bồi thường 504.000.000 đồng.

Cầm số tiền ấy Viết đi dạm mua nhà khắp nơi, vào cả miền Nam cũng không thể mua được, vì giá cao quá.  Một căn nhà cấp 4 xập xệ , diện tích vài chục mét vuông,  trong hẻm,  cũng phải tiền tỷ.  Thất vọng, Viết quay về  làm đơn gửi Trung tâm quỹ phát triển đất, xin trả lại tiền để lấy nền nhà khu tái định cư.


Lẽ ra Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Thái Bình phải giải quyết cho người ta. Dù người ta đã trót nhận tiền đền bù,  giờ xin hoàn lại cũng nên chiếu cố.  Lúc nào cũng bem bẻm vì người nghèo, và cái mục đích  thành lập “Trung tâm phát triển quỹ đất” mà liên bộ Tài chính, Môi trường, Nội vụ đề ra đã chả đề cao  lợi ích của dân hay sao? Ấy thế mả họ từ chối.

Bà Bùi Thị Kim, mẹ vợ anh Viết nói:

- Nó viết năm sáu lá đơn và đem giấy tờ lên tỉnh năm sáu lần  nhưng không được giải quyết.  Nên nó bức xúc lắm. Nó lo cho con trai sau này không có nhà do tiền đền bù không đủ mua nhà mới!


Ông Tư, giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Thái Bình còn sống sờ sờ đấy nghĩ gì về lời bà Kim nói, và phải chịu trách nhiệm thế nào về cái chết của ông Dũng phó giám đốc, của anh Viết ? Không chỉ ông  mà cấp trên của ông cũng không thể phủi tay trách nhiệm, càng không thể lấp liếm đổ tội cho anh Viết là “con bạc” là do “buồn chuyện gia đình”.

Tôi lại nhớ chuyện  Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng. Khi bị thu hồi hai chục héc ta đầm tôm mình đã đổ biết bao mồ hôi nước mắt, chết cả đứa con thơ, Đoàn Văn Vươn  cũng năm, sáu lần đi khiếu nại, chầu chực xin xỏ các vị lãnh đạo từ huyện lên thành phố, nhưng cứ như đụng đầu vào đá.  Lần sau thất vọng  hơn lần trước.  Có lần Đoàn Văn Vươn  đội lá đơn trên đầu quỳ dưới chân Nguyễn Văm  Hiền, van lạy:  “Chú ơi nếu chú không nghĩ lại thì  hãy giết hết gia đình con đi!” Nhưng lão phó bí thư kiêm chủ tịch huyện ấy  vẫn “trơ trơ mặt sắt đen xì, mặc bay tham khóc, làm gì mặc bay!”

Cái cảm giác uất ức vì bị dồn vào chân tường, cứ dâng lên. Khi hoàn toàn bế tắc thì cũng là lúc mất hết kiên nhẫn. Dostoevsky đã từng viết như vậy. Kẻ cùng  cùng nghĩ quẩn!

Đoàn Văn Vươn, với bản lĩnh một cựu chiến binh, một kỹ sư và hơn Đặng Ngọc Viết 10 tuổi, cũng không thể kìm nén được nữa.  Vì đâu phải là cuộc sống của riêng anh? Anh tính nước liều  gây ra tiếng nổ,  đẩy  vụ dân sự  thành hình sự, để cấp trên biết nỗi oan ức của mình, của nhiều người.

Nhưng bây giờ làm gì có quan tòa De Rezario và công tố Moreau? (Vụ đồng Nọc Nạn).  Cả nhà  Đoàn Văn Vươn phải đứng trước vành móng ngựa vì tội giết người và chống người thi hành công vụ, bị tù, tài sản bị phá sạch.

Tiên Lãng chỉ cách thành phố Thái Bình quê tôi  50 cây số, theo quốc lộ số 10. Vụ án Đoàn Văn Vươn là tấm gương để Đặng  Ngọc Viết soi vào.

Người vợ sau sắp cưới của Đặng Ngọc Viết kể:

-Anh ấy nói sẽ liều chết! Tôi động viên khuyên nhủ, anh nổi khùng.  Trước ngày xảy ra việc đáng tiếc, trong đám cưới người bạn cùng làng, anh ấy bảo: “Tao sẽ chết ở chùa Đông Sơn”. Lúc đó ai cũng tưởng anh Viết say nói nhảm.

Bà mẹ vợ cũ của Viết kể:

- Nó bảo đã phóng to một cái ảnh thờ. Nếu bị dồn vào đường cùng sẽ bắn mấy phát rồi tự tử. Tôi tưởng lúc bực nó nói vậy, nên chỉ mắng nó vài câu, vì nó nhát như cáy!

Một kẻ “nhát như cáy” và ăn ở với cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ và chòm xóm như vậy, tại sao lại bắn người khác rồi tự sát? Và nếu như ông Nguyễn Hải Trường, Chánh văn phòng Uy ban nhân dân tỉnh Thái Bình  bảo rằng, Đặng Ngọc Viết không bức xúc về vấn để đất đai...(!?). Thế thì hỏi thẳng ông Trường rằng, mâu thuẫn gia đình sao lại xông thẳng lên Trung tâm Phát triển Quỹ đất nằm ngay trong UBND thành phố, và réo gọi, tìm đúng ông Dũng và bà Lan Anh?  Và ông có biết cú nhắn tin thách thức trơ tráo của bà Lan Anh hay không? 

Hãy nghe ông Trường lý giải : “Nếu cho rằng ông Viết quá bức xúc vì giá đền bù không thỏa đáng thì không đúng. Khung giá đất có quy định, không  có chuyện thấp hay cao. Hơn nữa phần lớn người dân đồng tình, không hiểu sao ông Viết lại manh động như vậy?”

Một chánh văn phòng cấp tỉnh  mà chỉ nói lấy được. Thử hỏi khung  giá đất ai đặt ra?  Đâu phải do thiên định? Khung giá đất chỉ là  khái niệm do chính quyền đặt, giá áp đặt chỉ nhằm mục đích có lợi cho chính quyền. Cái giá ấy đi ngược với cả chính sách của đảng và nhà nước. Chính sách đề ra  bồi thường theo giá thị trường, nhưng thực tế khung giá bồi thường chỉ bằng 20-30%, thậm chí có nơi  chỉ bằng một phần mười. Chính sách đề ra là tạo thuận lợi  cho dân có cuộc sống tốt hơn sau khi bị thu hồi đất, nhưng thực tế đẩy dân vào đường cùng.

Ông Trường nói phần lớn người dân đồng tình ư? Ông không biết hay cố tình làm ngơ  85-87% các vụ khiếu kiện là đo đất đai, do bất công trong áp giá đền bù giải phóng mặt bằng?  Ông quên vụ nhân dân tỉnh nhà nổi dậy vào năm 1997 rồi hay sao?

Đất đai nhà cửa ruộng vườn của dân bị giải tỏa, cưỡng đoạt, chuyện dân oan đã thấu tận trời.

Chỉ cách vụ án Thái Bình nửa tháng, ngày  28-8-2013, ở tổ 16, phường Hòa Xuân quận  Cẩm Lệ (Đà Nẵng), anh Thanh đã treo cổ tự tử cũng vì bị thu hồi đất. Anh Thanh nhỏ hơn Viết một tuổi, ba đứa con, đứa lớn vừa đậu đại học, đứa nhỏ mới một tuổi. Trước gia đình anh làm ruộng, nhưng có công đất của anh bị Trung tâm quỹ đất thu hồi thực hiện dự án liên hợp thể thao Hòa Xuân, anh Thanh phải đi phụ hồ kiếm sống. Ai không muốn sống, con giun con dế còn muốn sống nữa là...


Số tiền gia đình anh Thanh được Trung tâm phát triển quỹ đất bồi thường 700.000.000 đồng , bằng 1/5 giá thị trường, nhưng chỉ trả trước 230.000.000 đồng. Anh Thanh và nhiều bà con đề nghị cho tái định cư ở khu vực E2, họ đồng ý nhưng bảo chờ.

Chờ hoài  không thấy “Giấy xanh” tức là cấp đất tái định cư. Nhìn trước nhìn sau, thấy ai chạy “cò” thì có đất. Gíá chạy giấy xanh 80 triệu, đưa trước 30 triệu. Nóng lòng  có chỗ nương thân khỏi ở nhờ, Thanh  bỏ ra 30 triệu tạm ứng cho “cò”. Nhưng anh cả tin không làm giấy tờ cẩn thận, bị lừa  mất tiền toi, đất vẫn không có.

Chiều 27-8, ăn cơm xong anh mếu máo nói với vợ:

- Chắc anh không lo được nhà cho mẹ con em rồi! Phiếu đất chưa có, tiền đền bù cũng không được nhận hết, lại để cò lấy mất tiền...

Vợ khuyên chồng đừng buồn, nhưng nửa đêm, chờ vợ con ngủ hết, anh Thanh lẻn ra sau nhà lấy sợi dây dừa  treo cổ chết.

Ôi bao nhiêu  cảnh thương tâm như thế chỉ vì bị dồn ép đến đường cùng.

Đặng Ngọc Viết là thế. Anh bị dồn vào đường cùng, bế tắc đến mức không muốn sống nữa. Anh mua khẩu súng Colt  Trung Quốc, lắp sẵn 6 viên đạn, chọn tấm hình cho các con làm di ảnh. Quả là anh đã chuẩn bị kỹ như người lính cảm tử quân năm xưa!

Bà Bùi Thị Kim kể:

- Trước kia thằng Viết mỗi khi tới nhà tôi , miệng nó oang oang : “Công ty của mẹ vẫn tồn tại chứ ạ!?”. Nó gọi cái quán bún rượu của tôi là công ty đấy.

Bà Kim chùi  nước mắt nói tiếp:

-Nhưng khoảng tám giờ sáng 11-9, nó tới, nhìn mặt  buồn lắm. Nó hỏi em vợ  và hai con nó đâu, nó muốn tâm sự. Tôi làm cho nó bát bún, nó ăn  hết, rồi ngồi chờ. Tôi hỏi, có chuyện gì thế con? Nó bảo không  mẹ ạ! Rồi nó chào tôi phóng xe đi.

Cái thời khắc 13 giờ 29 phút hôm đó,  Đặng Ngọc Viết bước vào  Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Thái Bình, không say rượu, không sử dụng ma túy như người ta đã toan buộc tội anh, mà bình tĩnh  nổ liên tiếp  5 phát súng, trúng năm người,  cướp đi sinh mạng của anh Vũ Ngọc Dũng và làm bị thương 4 người khác. Cái cách giết người ấy không phải cách của một kẻ cuồng sát máu lạnh, nó như như sự quằn quại của một con thú bị trúng thương!

Ông Đặng Ngọc Vu kể: “Chiều hôm ấy nó có qua đây chào tôi, nó bắt tay và bảo, hôm nay con bắt tay ông rồi con đi trước. Tôi hỏi đi đâu? Nó không nói, lặng lẽ đi ra lối chùa làng Đông Sơn ... Chiều tối thì công an đến bảo gia đình ra nhận xem có  đúng người nhà không. Xảy ra sự việc như thế tôi buồn quá. Thương con tôi quá! Như thế có phải do nguyên nhân vấn đề đất đai không?..."

Trước khi tự kết liễu cuộc đời bằng viên đạn cuối cùng, Đặng Ngọc Viết đã xin nhà chùa một chén cơm chay và quỳ xuống dưới chân tượng Phật Bà Quan Âm cầu nguyện rất lâu. Bát cơm chay tượng trưng cho sự đoạn tuyệt, và cũng là để minh chứng cho lòng mình. Đặng Ngọc Viết quỳ dưới chân Đức Quan Âm Bồ Tát để sám hối, xin người tha thứ cho việc mình đã làm.

Đó là tội ác. Bất luận lý do gì, cướp đi mạng sống của người khác cũng là tội ác. Theo luật nhân quả và lẽ đời, một cái ác diệt trừ cái ác tệ hại từ trong bản chất để cứu những người khác lại là việc thiện!?

Nhưng cái gọi là "tội ác" đó lại từ chỗ một người bị dồn đến chân tường mà phải chọn đến cái chết!

Chắc chắn một cuộc đời đã ngoài 40 với biết bao vật lộn, băng bật, biến trải, Đặng Ngọc Viết rất muốn sống lương thiện, và xưa nay anh đã là người lương thiện (qua di ảnh đã thấy anh rất  hiền). Nhưng, cũng như trong tác phẩm của Nam Cao đã lột tả, Chí Phèo la lên trong nỗi trầm uất không còn lối thoát: “Tao muốn lương thiện, nhưng ai cho tao lương thiện?”. Thì thế, cuộc đời đã đẩy Đặng Ngọc Viết đến hành động như vụ giết người rồi tự sát mà mọi người đều đã am tường. Ai đã dồn những  người lương thiện như Đoàn Văn Vươn ,Đặng Ngọc Viết đến đường cùng. Và tiếng súng Đoàn Văn Vươn, Đặng Ngọc Viết liệu có còn tái diễn?

Chiều chủ nhât 15-09-2013
M D


Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2013

Minh Diện - Lương khùng. Hay sự kinh khủng suy thoái đạo đức?


Minh Diện - 

Mấy ngày nay dư luận xôn xao chuyện lương khủng của cán bộ lãnh đạo bốn công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên  trong lĩnh vực công ích  ở thành phố Hồ Chí Minh. Theo kết quả thanh tra,  Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty chiếu sáng công cộng có mức lương 2,4 tỷ một năm, giám đốc  2,2 tỷ, phó giám đốc 1,9 tỷ, kế toán trưởng 1,7 tỷ.  Giám đốc Công ty thoát nước  2,6 tỷ một năm, chủ tịch hội đồng quản trị 1,6 tỷ, kế toán trưởng 1,67 tỷ, phó giám đốc 969 triệu. Giám đốc Công ty công trình  giao thông  853 triệu, phó giám đốc 584 triệu, kế toán trưởng 716. Giám đốc Công ty công viên cây xanh 759 triệu, chủ tịch hội đồng quản trị 691 triệu, phó giám đốc 609 triệu  kế toán trưởng 655 triệu.


Nhiều người nói bất ngờ, sửng sốt. Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh thốt lên : “Nghe choáng chết!”

Bất ngờ, sửng sốt và choáng thật! Bởi cái gọi là lương mà các vị quan tham ấy đã và đang hưởng nó nghễu nghệnh, cao ngất, chót vót  trên trời trong khi  mức thu nhập của người dân ViệtNam nằm rạp dưới đất.

Chỉ gần đây thôi, với Nghị định  66/2013 / NĐ-CP  ngày 1-7-2013, mức lương cơ bản mới  được  1.150.000 đồng. Mang so  sánh với lương của Lê Thanh Sơn , giám đốc Công ty thoát nước thành phố Hồ Chí Minh, thấy kệch cỡm như  con kiến so với con voi.  Lương của ông giám đốc này gấp hơn 200 lần mức lương cơ bản đó.

Năm 2012, GDP bình quân thu nhập đầu người của Việt Nam là 1.407  đô la, tức 2.800.000 đồng, so với thu nhập của ông Sơn chỉ bằng một phần ngàn. Nông dân còn thu nhập quá thấp. Những con số từ cuộc điều tra của Viện Nghiên cứu, Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã được các báo trích dẫn với câu chuyện “Thu nhập 12 nghìn đồng/ngày, nông dân Việt cán đích nghèo nhất”. Báo cáo này đánh giá, nếu tính chi tiết, mỗi hộ gia đình có 4 người thì chia bình quân mỗi người được 12.000 đồng/ngày. Thu nhập một năm mỗi người dân ở nông thôn chỉ được 4,2 triệu đồng, tương đương với 200 USD/năm. Nếu đem so sánh mức thu nhập của người nông dân Việt Nam với các nước trong khu vực thì chúng ta càng xót xa hơn về bức tranh nghèo của người nông dân.

Để đền ơn đáp nghĩa người có công với nước, mỗi Bà mẹ Việt Nam anh hùng được 3 triệu đồng. Thử làm một phép tính đơn giản, tôi cảm thấy nhói lòng,  vì  tiền đền ơn đáp nghĩa cho 867 Bà mẹ Việt Nam anh hùng chỉ bằng một năm tiền lương của ông giám đốc Lê Thanh Sơn.

Ai cũng biết, để được phong anh hùng, mỗi  bà mẹ phải có ba  con liệt sỹ, 867 Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã hy sinh  2. 601 đứa con dứt ruột đẻ ra.  Ôi , tiền tri ân máu xương cho ngần ấy  anh hùng, liệt sỹ bỏ mình vì nước chỉ bằng  một năm lương của một kẻ không tốn một giọt mồ hôi trong cuộc chiến tranh!

Lê Thanh Sơn, Trần Trọng Huệ, Nguyễn Nhật Tấn, Nguyễn Hữu Phán... và những người  lương khủng  có bao giờ suy nghĩ  như vậy không nhỉ? Họ có nghe tiếng réo gọi của linh hồn những người lính đã ngã xuống trên các chiến trường suốt ba cuộc chiến tranh để giành  cái ghế cho họ ngồi hôm nay?

Không, chắc chắn là không, bởi hiện tại sờ sờ trước mắt họ còn chẳng nhìn, nói gì quá khứ !

Hiện thực sờ sờ trước mắt họ là  những  công nhân  treo mình trên ngọn cây để cắt tỉa cạnh đường dây điện cao thế  nguy hiểm chết người, là những người cắm mặt xuống đất trồng từng bụi cỏ, hoặc nhặt rác công viên. Hiện thực sờ sờ trước mắt họ là những công nhân  rúc đầu dưới  cống thoát nước moi từng sô bùn đen hôi thối lẫn rác thải, xác động vật, mảnh chai , kim chích. Những công nhân dầm mình trong môi trường ô nhiễm độc hại đó, làm việc không kể ngày chủ nhật, bàn tay lấm bùn cầm  miếng bánh mì ăn vội, hoặc và chén cơm bụi, uống ly trà, mà lương của  chỉ bằng 5% lương của những giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị, kế toán trưởng đi xe hơi, ở biệt thự, dự những bữa tiệc chừa mứa rượu ngon gái đẹp.

Trần Trọng Huệ, chủ tịch hội đồng quả trị Công ty chiếu sáng công cộng nói : “Tôi khẳng định tổng quỹ lương không dư đồng nào từ ngân sách, mà là kết quả các hợp đồng kinh tế làm được và đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nhà nước. Lương cao mà vi phạm thì tôi chịu trách nhiệm, còn đằng này tôi không xâm phạm đồng nào của nhà nước!”  Còn Lê Thanh Sơn, giám đốc công ty thoát nước thì bảo : “ Lãnh đạo công ty chỉ suy nghĩ đơn giản nếu ăn nên làm ra thì sẽ được hưởng mức lương tương xứng!”(Nguồn báo Người Lao Động)

Ô hay, các ông là ai mà nói năng kiểu Chí Phèo như vậy? Nên nhớ, các ông là những đảng viên ưu tú, đã và đang nghiêm chỉnh thực hiện Nghị quyết 02 của Bộ chính trị, học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trong đó “Cần, kiệm, liêm, chính chí công vô tư” là điểm nhấn quan trọng nhất. Đó là về lý tưởng và phạm trù đạo đức.  Còn về pháp luật, nên nhớ rằng, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên về lĩnh vực công ích của các ông, do nhà nước làm chủ sở hữu,100%  vốn của nhà nước .  Năm 2011, ngân sách nhà nước tại thành phố Hồ Chí Minh  chi 1.200 tỷ cho các công trình công ích, các ông kêu thiếu, năm 2012 phải chi tăng gấp đôi, 2.500 tỷ đồng. Vậy mà đèn đường vẫn nhập nhòa sáng tối, cây xanh vẫn gãy đổ gây chết người, cống rãnh ứ đọng hôi thối và mỗi trận mưa đường phố biến thành sông! Nghĩa vụ đối với nhà nước mà ông Trần Trọng Huệ nói đã hoàn thành là như vậy sao?

Nếu các ông bà làm ăn có lời thật, thì thử hỏi : Vốn ở đâu? Tư cách pháp nhân nào? Và ai bỏ sức lao động ra?

Câu trả lời không khó: Vốn nhà nước rót xuống. Tư cách pháp nhân nhà nước độc quyền, không phải cạnh tranh với ai. Còn sức lao động bóc lột của công nhân.          

Theo thanh tra, hơn 750 công nhân ở bốn công ty : Công trình công cộng, Công viên cây xanh, Chiếu sáng công cộng, Thoát nước, làm việc thường xuyên nhưng họ không được ký hợp đồng dài hạn, mà chỉ được ký hợp đồng mùa vụ ba tháng.  Mức  lương của người ký hợp đồng mùa vụ chỉ bằng 20% mức lương người được ký hợp đồng lao động thường xuyên. Họ lại  không có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Chính sức lao động ấy và khoản tiền trốn bảo hiểm y tế,  bảo hiểm xã hội đã tạo nên cái  “Qũy lương ngoài ngân sách” của các doanh nghiệp kể trên.

Các ông Trần Trọng Huệ, Lê Thanh Sơn và Trần Thiện Hà đều nói rằng, cán bộ công nhân viên trong cộng ty nhất trí, đồng thuận, tự nguyện chia mức lương như vậy. Thật không biết ngượng mồm! Thử hỏi có người lao động nào tự nguyện chia cho lãnh đạo mức lương cao ngất ngưởng, trong khi bản thân mình vất vả, cực khổ như trâu cày, chỉ được mấy đồng lương chết đói và bị tước mất quyền chữa bệnh, nghỉ hưu?

Mà cho dù những người công nhân do mê muội hoặc khiếp nhược vì miếng cơm manh áo cắn răng chịu nỗi bất công, thì các ông bà cán bộ, đảng viên lãnh đạo phải giữ vững quan điểm lập trường, đạo đức cách mạng và kỷ cương phép nước chứ. Tôi tin chắc không một kế toán trưởng nào có thể quên điều 7,  Nghị định  50/2013 của Chính phủ :  Không được sử dụng quỹ tiền lương của người lao động trả cho thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch, phó chủ tịch, Giám đốc, phó giám đốc, kiểm soát viên và kế toán trưởng công ty. Họ cũng không  được quên Nghị định  205, 206 về khống chế mức lương trần của lãnh đạo các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Vậy mà các vị bất chấp tất cả, đạp lên tiêu chuẩn đạo đức tối thiểu, phá bung kỷ cương để thỏa mãn lòng tham.

Hãy nhìn thẳng vào sự thật, đừng quanh co dối trá! Bằng những bản hợp đồng lao động mùa vụ thay hợp  đồng lao động thường  xuyên,  giám đốc các công ty kể trên đã bóc lột sức lao động của công nhân và tham nhũng tiền bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế của nhà nước. Ông Lê Mạnh Hà, phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã phát biểu trên Đài truyền hình trung ương : “Phẫn nộ nhất là họ đã tước đoạt quyền lợi chính đáng của người lao động!” Còn ông Lê Hoàng Quân, chủ tịch thành phố này, thì nói: “ Cái tội của các anh lớn lắm! Các anh bớt thu nhập của người lao động làm giàu cho lãnh đạo. Làm như thế là sai hoàn toàn cả về quan điểm lẫn đạo đức. Tội này phải trị tới nơi, không phải cứ trả tiền là xong!”

Cái tội ông Lê Hoàng Quân nói phải trị tới nơi là tội gì? Đó là tội “Cố ý làm trái quy định quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 165 BLHS, tội “ Lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình quản lý” và tội “Tham ô tài sản” theo điều 278 BLHS.

Nhưng liệu có sử nghiêm, trị tới nơi như ông Lê Hoàng Quân nói?

Tôi cảm thấy băn khoăn, vì trên ông Lê Hoàng Quân nói vậy,  dưới ông  lại hạ thấp giọng xuê xoa: “ Thật ra những công ty này cũng có sáng kiến. Căn cứ quy định, ban quản lý nào làm ra lợi nhuận cao thì cũng được hưởng xứng đáng nên xử lý cũng phải có lý có tình”.

Thái độ của ông Lê Hoàng Quân, khiến tôi  nhớ lời  Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng : “Lấy cảnh báo, cảnh tỉnh , giáo dục, răn đe, ngăn chặn, trên tinh thần đồng chí thương yêu nhau là chính!” và “ Không phải cứ kỷ luật là tốt. Kỷ luật mà không tính kỹ thì lại rối! Mai kia là ân oán, thù hằn, đối phó, thành phe phái rối nội bộ. Phải khoan dung, đó là phần nhân văn đặc thù của Việt Nam!”

Tôi lại nhớ, không phải  bây giờ mới lộ chuyện lương khủng, mà từ  năm ngoái, năm kia  báo chí đã công khai mức lương khủng của các vị lãnh đạo  doanh nghiệp nhà nước. Ví dụ  ở Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), lương bình quân của công ty mẹ là  14.105.000 đồng, khối truyền tải 11.103.000 đồng, dưới đơn vị  6.765.000 đồng, trong khi   các thành viên hội đồng quàn trị  có mức lương bình quân 37.000.000 đồng, và ông chủ tịch Đào Văn Hưng 51triệu  đồng một tháng, 663 triệu một năm. Tại Petrolimex, ông Bùi Ngọc Bảo, chủ tịch hội đồng quản trị  nhận lương 70 triệu  đồng tháng, 910 triệu đồng năm. Tại  Công ty vàng bạc đá qúy Phú Nhuận, bà  Cao Thị Ngọc Dung, Tổng giám đốc, có mức lương 121 .000.000 đồng tháng, 1,7 tỷ đồng một năm. Và  đặc biệt ông Nguyễn Đức Vinh, tổng giám đốc Techcombank có mức lương gần 20 tỷ một năm.

Nhận mức lương cao ngất như vậy, nhưng Tập đoàn điện lực Việt Nam EVN đứng đầu  danh sách 13 doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, với con số  38.104 tỷ đồng và  Tập đoàn xăng dầu Viêt Nam Petrolimex đứng vị trí thứ nhì  2.390 tỷ.

Tất cả đều đã được lãnh đạo sáng suốt, nhân hậu, rất thông cảm sâu sắc cho 'hệ thống lợi ích',  hết lòng, hết sức quan tâm, với lý giải xoa dịu: "Trong tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, giúp nhau... Cảnh tỉnh, cảnh báo, giáo dục, răn đe", rồi 'noi gương Phạm Văn Đồng': "Không kỷ luật ai cả!"... "Nếu kỷ luật hết, lấy ai mà làm việc"...(!?).

Lương khủng của mấy cán bộ lãnh các công ty nhà nước vừa lộ ra chỉ là phần nổi của tảng băng khổng lồ. Nó chả thấm vào  đâu với những "tảng băng chìm". 

Chả ai ngây thơ tin rằng, ông Lê Hoàng Quân chỉ sống bằng mức lương 11 triệu đồng một tháng, chỉ bằng một phần hai mươi lương giám đốc Lê Thanh Sơn, như ông bộc bạch cùng báo chí. Bởi thế, trong khi ôm cầm "lòng tin chiến lược",  cũng đừng phí phạm niềm tin, rằng những kẻ tước đoạt quyền lợi của công nhân lấy lương khủng làm giàu, bị “trị tới nơi”, như ông Lê Hoàng Quân nói. Nhưng có điều: Ai trị nó? Dám trị hay không? Trị nó rồi, (bản thân) mình được yên à? Đã quá rõ những ván cờ 'che mành' Domino quyền lực và quyền lợi!




Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

MINH DIỆN - TIỀN TƯƠI CHỮ HÉO!


Chạy đua vào 'TRƯỜNG ĐIỂM'
              * MINH DIỆN
                
Ông Nhuận có đứa cháu gái bảy tuổi, học lớp hai, một trường trong quận nội thành. Trường điểm, lớp chọn đàng hoàng. Để vào được trường  ấy, bố mẹ cháu đã phải chạy đôn đáo cửa dưới, cửa trên, của sau, cửa hông, tốn khá nhiều rượu ngoại, phong bao.


Cả nhà ông Nhuận vui mừng, nghĩ con cháu mình đã được học một trương tử tế, không ngờ ngay trong ngày khai giảng ông đã thất vọng vì bị moi tiền. Cô giáo gợi ý tặng phong bao thay hoa, và độ dày của phong bao quyết định sự quan tâm của cô giáo tới học trò.

                - Chạy trường, chạy lớp rồi, lại phải chạy chỗ ngồi !

                Ông Nhuận  nói với tôi như vậy, và  nhích mép cười mỉa mai.

             Vốn dè xẻn ăn nói, nhưng ông Nhuận bảo không thể nín được, vì cái cảnh “Tiền tươi chữ héo” trong ngành giáo dục hiện nay. Bên ấm trà đậm chát, ông  nói tiếp :
               - Tôi bảo không tặng phong bì, nuông thói hư. Con dâu tôi nói: “ Làm thế  thì con con  sẽ phải ngồi  ở hàng cuối, cô giáo không thèm ngó tới ạ! Đã cho con vào trường điểm, lớp chọn mà tiếc vài trăm ngàn để nó bị phân biệt đối xử hay sao?”. Thế là nó bỏ phong bao 500 ngàn. Kết quả con bé được ngồi bàn thứ 3. Như vậy là có người còn tặng cô nhiều tiền hơn...   

               Cháu ông Nhuận học lớp bán trú, mỗi tháng phải đóng hơn một triệu đồng, thời gian học từ bảy giờ sáng đến bốn giờ chiều, trưa ăn uống tại trường.   Ông nghĩ, với kiến thức lớp hai và với sức lực của một đứa bé bảy tuổi, học như vậy là quá tải và quá sức . Nhưng  hôm nào cũng vậy, đúng bốn giờ chiều, vừa  tan lớp, cháu lại phải  học thêm. Nơi học thêm chỉ cách  lớp cháu vừa học không đầy hai trăm mét. Và thật  trớ trêu, người dạy thêm không phài ai xa lạ, mà chính  là cô giáo chủ nhiệm của cháu. Vừa dạy bên kia xong, chạy qua bên này dạy tiếp, cũng trò ấy , cũng bài học ấy.  Từ cô chủ nhiệm  lớp điểm trường công đạo mạo, thoắt  biến thành  gia sư chạy sô.  Vẫn bộ áo dài mềm mại , vẫn  chiếc thẻ đeo trên ngực, chỗ  trái tim cao quý  “người giáo viên nhân dân”. Những đứa trẻ bảy tuổi, đang ham chơi, sức lực mỏng manh  bị nhồi nhét  những bài học  cũ, mệt mỏi, chán ngán, nhìn cô giáo bằng đôi mắt rất thiếu thiện cảm. Cô giáo có nhận ra không?  Vì tiền cô không nhận ra điều đó,  nói đúng hơn, cô bất cần quan tâm đến diều đó, đạp phăng lên  cả nhân cách của  mình.

              Quan hệ giữa cô giáo với phụ huynh nhẽ ra phải rất thiêng liêng, nhưng khi đã chạy sô dạy kèm như cô giáo lớp hai kia, thì chả khác gì hai người bình thường mua bán với nhau. Hãy nghe  một cuộc  đối thoại  giữa phụ huynh và cô giáo, lúc  thanh toán tiền dạy thêm.

               Cô  giáo  nói với phụ huynh, ngay trước mặt học sinh của mình:
              - Tháng này tiền học thêm của bé  năm trăm  sáu chục ngàn!

              Phụ huynh nhẩm tính  và nói:
              - Trong tháng có ba ngày lễ , cô nghỉ dạy, sao không trừ?

              - Trừ đi bốn chục  rồi ?

               Mẹ  đang ngần ngừ, bé gái học trò  nhanh nhẩu lên tiếng:
              - Mỗi buổi học thêm ba chục ngàn, ba buổi chín chục ngàn ạ!

              Cô giáo nói với phụ huynh:
              - Thế thì  còn  năm trăm mốt!

              Phụ huynh  đưa xấp tiền cho cô giáo, nói:
              - Đây là năm trăm năm chục ngàn, cô thối lại  bốn chục!

              Cô giáo đếm lại tiền , bỏ vào túi xách, làm bộ lục túi , rồi cười:
              - Không có tiền lẻ,  thiếu  lại bốn chục nghe!

              Phụ huynh  chưa kịp nói, thì học sinh  phản ứng:
              - Tháng trước cô còn thiếu  hai chục chưa trả!

              Cô giáo bậm môi, móc túi lấy sáu chục trả lại phụ huynh. Học sinh nhận ra cô giáo nói dối, vì  trong  túi  có  tiền lẻ!  

               Tôi không nêu tên trường, tên lớp, tên  cô giáo ông Nhuận kể, bởi đâu  phải cá biệt, mà là  là phổ biến. Nói không ngoa,  đó  là sản phẩm  đúc ra từ  một  cái lò  giáo dục nước nhà. Có lẽ  không ở đâu   có thứ sản phẩm kém chất lượng đến thế!

               Những sản phẩm bị méo mó, vênh váo, ngay từ trong cái khuôn méo mó!  Có ở đâu trên thế giới này, từ khi đứa trẻ hai tuổi, cha mẹ đã  phải chạy trường lớp.  Cái gọi là  trường mẫu giáo với các lớp mang tên: Mầm Non, Chồi Xanh, Lá Biếc, nghe vừa dịu dàng vừa gợi mở tương lai, xem ra lại qúa hào nhoáng, màu mè.  Nhưng ngay cái cánh cửa đầu tiên bước vào đời ấy đã có sự phân biệt sang hèn, giàu nghèo. Quả là một thứ 'dịch vụ’ hợp pháp của ngành giáo dục. Cái kiểu cứ như thế này thì mầm, chối, lá bị héo hết mất thôi! Người ta bày ra trường điểm, trường thường, trường công, trường tư. Phương tiện thông tin không tiếc lời quảng cáo, kích thích  đua chen. Gọi trẻ như mầm non, và không ngớt lời ca tụng lòng yêu trẻ, nhưng những mầm nón ấy không được ươm trên cùng một mảnh đất! Con cháu quan chức, người giàu   ươm nơi  đất tốt, là những  trường điểm . Quan càng to, đại gia càng nhiều tiền, trường càng đẹp, đầy  đu tiện nghi, thầy cô giáo giỏi. Con cháu công chức bình thường  phải vào những trường loại thấp . Con  cháu  công nhân,  những người lao động tự do, và  dân nghèo đừng mơ tới những mái trường khang trang. Các nhà giáo dục có bao giờ nhìn vào những đôi mắt trẻ thơ và biết xấu hổ không? Nếu còn biết xấu hổ thì xin đừng  rêu rao câu “Vì sự nghiệp trăm năm trồng người!”.

               Mẫu giáo đã vậy, lên  lớp một cuộc chen lấn càng quyết liệt hơn. Những tuyến nọ, tuyến kia,  chuẩn này,  chuẩn nọ, với các chỉ tiêu úp  mở. Vì những khái niệm đó mà cha mẹ học sinh phải chạy vạy, dẫm đạp lên nhau. Cổng trường chả khác cổng chợ,  buôn bán tiền tươi để rồi đưa ra những mớ ra chữ héo!  Một luật bất thành văn, là thày này, cô nọ, sếp kia, được mấy suất  học sinh trái tuyến, hoặc lớp điểm, trường chuyên, với cái giá có khi lên tới chục triệu một suất.

              Tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông,rồi đại học! Quãng thời gian dài dằng dặc như gánh nặng đè lên đôi vai học sinh, sinh viên và cha mẹ các em.  Không thể kể  hết những tiêu cực. Tiền học phí chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong  các khoản tiền cha mẹ học sinh phải đóng góp. Khoản thu nào cũng được coi là chính đáng  nhân danh quyền lợi của học sinh, nhưng thực tế vào túi thầy cô và các quan chức ngành giáo dục.

              Các nước tư bản như Mỹ, Pháp, Anh, Đức học phổ thông không mất tiền, thậm chí còn được cấp học bổng. Việt Nam, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa ưu việt,  các khoản tiền chi phí cho một  học sinh từ tiểu học đến đại học,  là gánh nặng nhiều người  không kham nổi. Bình quân mỗi học sinh một năm  hơn năm triệu đồng. Những trường điểm mỗi tháng hai, ba triệu. Những trường Tây dỏm  năm, sáu trăm đô...

              Cái cảnh tiền thật chữ giả, tiền tươi chữ héo ấy phơi bày lộ liễu không dấu giếm. Trên nhiều trang Blog, đăng công khai học thuê 50 ngàn một buổi, thi thuê mỗi môn 7 điểm 700 ngàn, 9 điểm 900 ngàn,  bán  luận án thạc sỹ, tiến sỹ với giá thỏa thuận. Nạn học giả bằng thật tràn lan. Đạo đức thầy cô và học trò xuống cấp kinh khủng.

              Người ta nói “Nhà văn, nhà báo, nhà giáo nhà nghèo”, nhưng thực tế không phải như vậy. Thời buổi này, nhiều nhà văn, nhà báo giàu sụ nhờ bẻ cong ngòi bút bợ đỡ quan tham, nhiều nhà giáo phất lên nhờ bán chữ. Thầy Th, ở khu phố tôi, mua xe hơi, xây nhà lầu bằng tiền luyện thi đại học. Ông ta vừa xây một ngôi nhà ba tầng, mở ba lớp luyện thi, mỗi tháng thu gần 100 triệu. Ông hiệu trưởng Trường đại học công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, anh hùng thời đổi mới Tạ Xuân Tề, bị chính con  mình tố lên trang mạng, là “Bố chỉ cần ngồi ghế hiệu trưởng thêm hai năm là có thêm 100 tỷ”. Thử hỏi có nghề nào kiềm tiền dễ như vậy không.

              Mớ kiến thức học sinh, sinh viên Việt Nam phải mua giá đắt, bằng đồng tiền mồ hôi nước mắt và cả xương máu của cha mẹ giá trị tới đâu? Ông  bộ trưởng  giáo dục Phạm Vũ Luận  thừa nhận, đó là “Kiến thức và víu, thiếu thực tế, trình độ ngoại ngữ, tin học kém cỏi”.   Theo ông Phạm Vũ Luận, nguyên nhân là : “ Thiếu thầy cô tốt”.

             Ông Trần Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, nói mỗi năm nhà nước đầu tư hàng trăm tỷ biên tập sách giáo khoa, nhưng thật mỉa mai, khi học sinh Việt Nam lại phải học tô lá cờ Trung Quốc trong sách giáo khoa, và đến năm học 2013, vẫn chưa cập nhật chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào môn lịch sử. 

             Cách đây vài năm, tia hy vọng lóe lên khi ông Nguyễn Thiện Nhân làm Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo, vội vàng tung ra con bài 'Hai không', rồi lại hùng hồn tuyên bố '4 không', dấn lên 'chiến lược' 5 không: “Không tiêu cực trong thi cử, không bệnh thành tích, không vi phạm đạo đức nhà giáo, không ngồi nhầm lớp, không đào tạo không theo nhu cầu”. Kết quả, chằng khác gì ném hòn đá xuống ao bèo, chút sóng lặng nhanh, bèo lại khép kín. Ông Nguyễn Thiện Nhân lên Phó Thủ tướng, được phong danh hiệu Nhà giáo ưu tú, vào Bộ chính trị, bỏ lại ngành giáo dục phía sau vẫn như xưa! Ông hăng hái đầy chủ quan và nhằng thêm cái đuôi quan liêu, mở cuộc gọi là 'cải cách', 'đổi mới' giáo dục, như thẻ Bộ này đất để ông được dịp trổ tài dụng võ. Nhưng khác nào như cuộc thi rầm rộ chạy một vòng quanh sân vận động, mệt, tốn kém, rối tung rối mù lên, rồi cuối cùng lại trở về vị trí cũ!

              Ngày  22-3-2013, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chất vấn Bộ trưởng giáo dục Phạm Vũ Luận: “Hết nhiệm kỳ này chất lượng giáo dục có khởi sắc không?”.

              Bộ trưởng Phạm Vũ Luân trả lời: “Xin hứa với Chủ tịch và các đại biểu Quốc hội, sẽ đem hết trí tuệ, quyết tâm để cùng toàn ngành giáo dục, toàn dân, triển khai các hoạt động cụ thể nhằm thực hiện đổi mới căn bản  toàn diện nền giáo dục. Hy vọng chất lượng giáo dục nước nhà từng bước thay đổi, có sự nâng cao chất lượng!”...

             Lời hứa cùa ông Bộ trưởng giáo dục trước ngưỡng cửa các phòng thi sắp mở để đón 1.700.000 thí sinh đại học. Liệu họ có được thi cử nghiêm túc, học hành tử tế, khi ra trường có việc làm, hay vẫn chịu cái cảnh “Tiền tươi chữ héo?” thưa ngài Bộ trưởng!

             Và chúng ta có nên tin và hy vọng không nhỉ? Câu trả lời giành cho các bạn.

M.D                                                                 

-----------------


Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2013

Minh Diện - NHỮNG NGƯỜI BÁN VÉ SỐ



Minh Diện

              Tôi và Lê Vũ vừa ngồi xuống ghế, chưa kịp kêu ly cà phê, thì một ông già chìa tập vé số vào trước mặt:
              - Mua giùm mấy tở đi! Có cặp ba số chín hên lắm!

              Nhìn khuôn mặt già nua, nhăn nheo, đầu chỉ còn vài sợi tóc bạc, cổ dài ngoẵng như cổ cò và thân hình ốm nhom, khoác lỏng lẻo chiếc áo thun cũ của ông già thật tội nghiệp. Lê Vũ  nói:
              - Tôi mua giúp cụ hai tờ lấy hên buổi sáng!


Lê Vũ  đưa cho ông già 20.000 đồng, rút  hai tờ vé số, đưa tôi một tờ, cười  xòa:
              - Biếu anh một cái hên!`

               Ông già chưa kịp bước đi, một chị  nhà quê, mặc bộ  ba ba, vai đeo túi vải, chìa tập vé số năn nỉ:
               - Mua giùm em mấy tở hai anh! Có cặp Long An đẹp lắm. Hai anh mua chiều trúng độc đắc!
               Để đáp lại thịnh tình của Lê Vũ, tôi mua hai tờ, chia cho anh một tờ.

             Li cà phê vừa bưng lên, chưa kịp khuấy cho tan đường, thì một gã thanh niên xộc vào. Hắn  dí  tập vé số  tận mặt tôi, không thèm nói năng gì. Tôi gạt tay hắn, bảo:
               - Mua rồi!

                Gã thanh niên như câm điếc. Hắn dúi mạnh thêm tập vé số vào trước mặt tôi. Tôi  nhìn lên, bắt gặp một khuôn mặt ngây ngô, nhưng lì lợm, đôi mắt lừ lừ. Khuôn mặt dữ tợn ấy như nói muốn nói: “Tại sao mua của hai người kia mà không mua của tôi?”.

                Thôi một sự nhịn chín sự lành! Tôi rút hai tờ vé số, dúi vào tay gã thanh niên hai chục ngàn, gã lừ lừ bỏ đi.
               Ngoài cửa lại xuất hiện mấy người bán vé số nữa. Một đứa bé khoảng hơn mười tuổi, một người mẹ bồng con trên tay, và một người đàn ông đầu trọc. Tôi  bỏ ly cà phê chưa kịp uống, kéo  Vũ  đứng dậy:
                  - Kiếm chỗ khác !

                  Lê Vũ cười chua chát:
                  - Chỗ nào chả vậy? Đất nước mình giờ nhân văn thật! Đâu  cũng gặp người đi bán  may mắn  cho người khác!

            Lê Vũ nói đúng. Dù chúng tôi đã chọn một quán cà phê nhỏ trong ngõ hẻm, nhưng vừa ngồi xuống đã thấy mấy người bán vé số xuất hiện. Họ không mời chào bình thường mà như ép buộc phải mua. Sự nài nỉ lằng nhằng làm mình khó chịu.

              Lê Vũ nói hội chứng vé số đã  lan tỏa trên cả nước. Mấy năm trước chỉ ở Sài Gòn, giờ đâu cũng gặp người bán vé số. Một thành phố lịch lãm như Đà Nẵng  mà người bán vé số dạo xông vào các nơi.

              Vâng, đúng như vậy thật! Những sấp giấy bằng ba đầu ngón tay, in ấn cẩu thả, màu sắc lòe loẹt ấy đã và đang theo chân người đi khắp mọi nơi, ùa vào từng quán cà phê, quán nhậu, rạp hát, đình chùa miếu mạo, trường học, bệnh viện, bãi chợ, nghĩa trang, giao lộ, đám cưới, đám ma và cả cơ quan công quyền...

              Ngày xưa, khi đất nước chưa giàu đẹp văn minh như bây giờ, thỉnh thoảng mới  nhìn thấy tờ “Xổ số kiến thiết Thủ Đô”. Ngày ấy, người ta phát hành Xổ số nhân một sự kiện nào đó, và mỗi lần phát hành đều công bố số tiền thu được chi vào công trình phúc lợi nào đó. Vé Xổ số in giới hạn, và không có người bán vé số dạo.  Các  quầy bán vé xổ số đặt cạnh những quầy bán báo, hiệu sách ai muốn mua tới đó, như các nước văn minh bây giờ họ vẫn làm.

              Ngày ấy, mỗi  lần quay xổ số đều như một cuộc vui tập thể. Mọi người không quá háo hức cầu may trúng thưởng, chỉ coi như một cuộc chơi, hơn nữa, có một chút tự hào vì mình đã đóng góp xây dựng Thủ Đô, trái tim cùa cả nước.

               Bây giờ vé số đã trở thành một nghề kinh doanh, do nhà nước độc quyền. Mỗi tỉnh, thành phố  đều có Công ty cổ phần xổ số, trực thuộc Sở tài chính. Mỗi ngày hàng chục triệu tờ vé số được in ấn phát hành, nguồn thu  hạch toán theo ngành dọc,  lời lỗ thế nào chỉ những người trong cuộc hiểu với nhau. Một tờ vé số trước kia mệnh giá 2.000 đồng, giờ 10.000 đồng, 20.000 đồng, thậm chí 50.000 đồng. Lại  bán cặp, bán lô.  Có lô 10 tờ,  lô 100 tờ. Mệnh giá càng cao, tiền thưởng càng lớn. Có tờ vé số  ghi tiền thưởng  độc đắc lên tới  hàng chục chục tỷ. Có lô quảng cáo trúng thưởng hàng trăm tỷ. Xổ số kiến thiết không còn là một cuộc chơi tập thể, một hình thức góp gió thành bão, chung tay xây dựng những công trình ích nước lợi nhà. Nó đã biến dạng thành những sới bạc công khai, đầy rẫy những mánh lới làm ăn. Nay vẫn thấy đề "Xổ số kiến thiết" nhưng không rõ tiền lãi thu được  nhiều như thế lo kiến thiết cho xã hội được những gì? Người ta thấy các Công ty XSKT nào cũng giàu sụ, các lãnh đạo trực tiếp và liên quan cũng không thiếu phần chia chác! Hèn gì, Nhà nước thả lỏng cho hình thức "đánh bạc" có con dấu này.

                 Người ta mơ ước đổi đời từ vé số. Người ta coi vé số là một phương tiện đề làm giàu. Có kẻ bán vợ đợ con vì vé số . Nhiều vụ án lừa đảo, giết nhau vì vé số. Bao nhiêu chuyện cười ra nước mắt cũng bắt đầu từ  những canh bạc đỏ đen. hên xui ấy. Vé số của Nhà nước là đường dẫn "minh bạch" cho nạn số đề làm rối tung xã hội tha hóa lối sống. Những cá cược  từ vài trăm  ngàn,  đến vài chục tỷ, đều  dựa vào những số đầu, số đít của các lồng quay xổ số. Những lò ghi đề  lừa đảo, sát phạt nhau đến tan cửa nát nhà cũng từ đó mà ra. Từ Trời, Phật đến Thánh, Thần, Thiên Linh, Địa Linh, từ  linh hồn ông bà, tổ tiên đến  ma quỷ, từ  cuộc gặp tình cờ một con chó chạy  qua đường   đến một  giấc chiêm bao, cũng được vận dụng làm phương tiện để chơi những canh bạc nhà nước độc quyền mang danh nghĩa "Xổ số kiến thiết"!

               Ai cũng biết kinh doanh xổ số là đánh bạc, là siêu lợi nhuận. Nhưng ngoài các công ty độc quyền của nhà nước được hưởng, chỉ  một số ít đại lý kinh doanh vé số,  và bọn chủ đề,  chủ sới  ăn theo làm giàu, chứ những người  bán vé số dạo chằng kiếm chác gì.   Mỗi ngày  họ đi bộ hàng chục cây số, mưa nắng dãi dầu, bã bọt mép van nài, mà chỉ kiếm được vài  đồng tiền còm!  Đó là cái nghề nhếch nhác mà những người lương thiện phải làm. Phải làm vì thất nghiệp, vì đói khổ. Đội quân bán vé số dạo không ai thống kê hết, nhưng có lẽ phải hàng trăm ngàn người.

               Đất nước ta rừng vàng biển bạc, tài  nguyên phong phú, khí hậu ôn hòa, lại  có đảng cộng sản  đỉnh cao trí tuệ  lãnh đạo,  mà  sao dân ta nghèo, phải làm cái nghề nhếch nhác, bấp bênh như vậy?  Không biết ở các nước  tư  bản giẫy chết,  như  Mỹ, Anh, Pháp có cái nghề bán vé số dạo như ta không?

              Trên xa lộ 22, chỗ ngã tư Giếng Nước, Hóc Môn, ngày nào đi ngang qua,  tôi cũng gặp một người đàn ông khoảng ngoài 50 tuổi, gầy đét, mặt quắt queo  cháy nắng, đứng bán vé số.  Ông chỉ còn một chân, một chân đã bị cụt tới đầu gối.  Cái chân lành đen đúa như khúc củi xỏ vào chiếc dép, đoạn  chân cụt  kê lên chiếc nạng gỗ.  Ông  kẹp vào nách  chiếc nạng gỗ còn lại, đứng lom khom như con cò,  tay cầm  tập vé số chĩa ra đường.  Trên ngực áo của ông có  gắn chiếc huy hiệu cựu chiến binh, màu đỏ, lóe sáng như một đốm lửa.

            - Anh quê đâu? Tôi hỏi.

            - Dạ  Long An!

            - Anh bị thương năm nào, ở đâu ?

            - Dạ  năm 1979 , mặt trận 779!

            Tôi  nhớ những năm tháng ấy trên biên giới phía Nam, hàng  ngàn người lính Việt Nam đã gục ngã trong những khu  rừng bạt ngàn và những cánh đồng đầy  mìn sát thương của Trung Quốc. Theo thống kê, gần mười năm làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia,  hơn 30.000 cán bộ chiến sỹ ta đã hy sinh, và hàng ngàn người mang thương tật như người cựu chiến binh này. Số phận họ giờ đây ra sao? Bao nhiêu người có mặt trong đội ngũ bán vé số dạo?


              Người thương binh bán vé số nói với tôi, giọng rưng rưng:
             -Thà chết đi còn hơn ! Sống lay lắt khổ quá, anh ạ!

             Nhìn người thương binh, tôi biết anh nói thật. Đôi mắt đỏ ngầu kia đã là giới hạn cuối cùng của sự chịu đựng!

             - Vợ chồng tôi không có ruộng - Anh nói - Vợ tôi quanh năm  làm ruộng thuê, tôi có mỗi cái chân không  lội đìa được, bán vé số suốt ngày có khi không đủ ăn hai  bữa cơm bụi!

               Anh thương binh kể, vì không có tiền mua vé số đi bán, nên anh và một nhóm gần hai chục người, trong đó có 5 thương binh, 3 con liệt sỹ, phải làm thuê cho một đại lý vé số.  Đại lý thuê cho họ một gian nhà kho, có một vòi  nước tắm, không điện, không giường chiếu.  Không bao cơm nước gì hết.  Chỉ cho mượn một manh chiếu , một cái mền.  Sáng mỗi người nhận một sấp vé số  đi bán, chiều  về kiểm lại,  bán được tờ nào ăn huê hồng tờ đó.  Tờ vé số mệnh giá 10 ngàn,  được  hoa hồng hai ngàn. Mất tờ nào đền tờ đó.  Mỗi ngày bán được vài chục tờ vé số, không chắc  đủ ăn hai bữa cơm bụi. Có người không may bị bọn lưu manh giật mất cả sấp vé số, phải làm trừ  nợ cả năm chưa đủ.  Họ cầu  người mua vé số gặp may, trúng độc đắc, cho mình chút  lộc trời!

                  - Đã có ai mua vé số của anh trúng độc đắc chưa?

                  - Chưa!

                  - Những người trong nhóm anh?

                  - Cũng chưa!

                   Người ta quảng cáo nhiều người trúng số độc đắc. Những câu chuyện  trúng số độc đắc lung linh như huyền thoại. Nhưng tôi  chưa gặp người mua, bán  vé số nào may mắn như vậy. Ngược lại đã chứng kiến sự  ngược đãi bất công.

              Một lần, trong một quán cà phê đang đông khách. Một  người đàn ông béo tốt, mặt mũi phương phi, vẫy tay gọi chị bán vé số đến, bảo đưa cuốn sổ trúng thưởng.  Chị bán vé số cười tươi, hy vọng dò xong, dù trúng hay không, người khách phương phi cũng mua mình vài tờ.

                Người đàn ông móc túi, lấy  tập vé số dày cộp,  gắn kính lão lên mắt, lấy tay thầm nước bọt, rồi chăm chú lật từng tờ  dò tìm. Khuôn mặt lúc đỏ lúc tái, có vẻ hồi hộp lắm.

                Gã bỗng  thét lên:
                - Đù má con đĩ ngựa!

                Rồi gã đập tay xuống bàn, xé tập vé số, ném vào mặt chị phụ nữ. Những mảnh vé số bay như bươm bướm. Chị cúi xuống nhẫn nhục nhặt cuốn sổ, mắt ầng ậng nước.

                Gã  đàn ông kia coi thầy, bảo mua “con ngựa” sẽ trúng độc đắc.  Gã theo “con ngựa” cả tháng, mơ thành tỷ phú, nhưng  không trúng, dù chỉ cái giải an ủi, nên gã cáu tiết, trút dận lên người bán vé số dạo.
                   Nhà báo  Lê Vũ  nói với tôi:
                - Người kém may mắn, lại đi  bán cái may mắn cho  người khác!

                - Ai cũng có quyền  hy vọng!

                -  Hy  vọng  trong  tuyệt vọng! Hình như Hemingway đã nói thế.

                Ngày mai tôi sẽ gặp người thương binh bán vé số ở ngã tư Giếng Nước, Hóc Môn, nói với anh  như vậy, không hiểu anh  có nghe tôi không?

                Trước cửa quán xuất hiện một phụ nữ đeo chiếc loa sắt tây, kéo lê một tấm gỗ đặt trên bốn bánh xe gần sát mặt đất, trên có một cụ già nằm co quắp, một tay ôm chiếc bị, một tay cầm tập vé số. Người phụ nữ vừa kéo xe vừa hát, giọng não nùng:
                            Ngày xưa tay mẹ đào hầm
                      Chở che cán bộ dưới tầm bom rơi!
                            Giặc tan họ tếch đi rồi,
                  Bao nhiêu ơn nghĩa  trên đời họ quên!
                        Mẹ ơi nước xuống nước lên,
                  Thói đời đổi trắng thay đen lẽ thường!
                         Lạy Trời Phạt rủ lòng thương!

          Trước cảnh tượng ấy, tôi bỗng nhớ mấy câu thơ trong bài "Đò Lèn" của Nguyễn Duy:
Bom Mỹ giội, nhà bà tôi bay mất
Đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền
Thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết
Bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn!

            Nghĩ sâu xa một chút, nghe âm hưởng những câu thơ ấy mà đau. Nay không còn bom Mỹ dội đã gần 40 năm, coi như cũng gần một đời người, không bom Mỹ dội. Nhưng tại sao chùa chiền vẫn xây nhiều mà Thánh, Phật đi đâu hết? Ai ở xứ này làm cho Thánh, Phật phát giận, lỉnh mặt quay đi? "Những pho tượng chùa Tây Phương không biết trả lời...Cửa vẫn đóng và đời im ỉm khóa" (Chế Lan Viên). Con người không còn biết tin vào cái gì, chỉ biết tin vào Chúa, Phật, Thánh, Tiên, nhưng nén nhang cứ cháy, lòng nhân thế vẫn lạnh tanh.

            Một con mưa bỗng ập xuống. Những giọt nước mưa trái mùa như nước mắt của Trời, như những giọt cảm thương của Phật. Nhưng khi con người sống bên nhau, cũng nhau trên thế gian này mà không có trước có sau, chỉ biết vơ vét về mình vinh thân phì gia đến mấy cũng không thấy đủ, không biết thương nhau, thì Trời, Phật, Thánh, Thần chắc cũng không ôm xuể, phải đành bó tay thôi! Số phận mỗi con người lay lắt trong xã hội cũng bấp bênh, phập phù trông mong sự "ăn may" như những tờ vé số!

M.D