Hiển thị các bài đăng có nhãn Minh Anh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Minh Anh. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 11 tháng 8, 2021

Minh Anh (Mục điểm báo Pháp của RFI): Báo cáo GIEC - Khi chuyện viễn tưởng trở thành hiện thực

Bản báo cáo thứ sáu của GIEC về hiện tượng biến đổi khí hậu được công bố hôm thứ Hai 09/8 là chủ đề thời sự nóng trên các trang báo Pháp ngày hôm nay 10/8/2021. Trong bản báo cáo mới này, Nhóm Chuyên gia Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (GIEC) gióng chuông cảnh báo « Cuộc khủng hoảng khí hậu đã chạm ngưỡng đáng báo động ».

Le Monde, với tấm ảnh những người lính cứu hỏa bất lực nhìn lửa bùng cháy ở California, chạy tít lớn : « Khủng hoảng khí hậu và bảng tổng quan đáng sợ ». Tương tự, nhật báo công giáo La Croix, trên nền ảnh màu vàng rực của lửa, hình ảnh người lính cứu hỏa mình trần đen nhẻm vì bụi tro, kéo vòi phun nước giang tay như tự hỏi « phải làm sao đây » rồi đề tựa lớn « Khí hậu, bị dồn vào chân tường ».

Libération đăng ảnh một đoạn đường cao tốc bị tàn phá nghiêm trọng sau trận lũ lụt, cảnh báo « Khí hậu, bên bờ vực thẳm ». Nhật báo kinh tế Les Echos trên nền ảnh xanh biếc là những tản băng trôi, khẳng định không chút do dự « Khí hậu, sự biến đổi là đã không thể đảo chiều ».

Thảm họa không biên giới


Lũ lụt, hỏa hoạn, những ngày gần đây thế giới chứng kiến những chuỗi thảm họa thiên nhiên lớn chưa từng có. Tất cả đều được cho là do cùng một nguyên nhân : Biến đổi khí hậu. Trái Đất mỗi ngày bị hâm nóng, và « sự hâm nóng đó là không biên giới » như tiêu đề bài xã luận của La Croix. Bởi vì, những trận thiên tai đó đang xảy ra ở khắp nơi, ngay cả ở những vùng cho đến giờ được cho là chưa bị tác động của biến đổi khí hậu.

Le Monde lưu ý, đây mới chỉ là phần đầu tiên trong bản báo cáo tổng kết thứ sáu, dự trù công bố vào tháng 9/2022. Trong phần một này, với sự tham gia của 234 nhà khoa học đến từ 66 quốc gia, báo cáo của GIEC, qua phân tích từ 14 ngàn nghiên cứu khoa học, chỉ mới lập ra một bảng chẩn đoán về thực trạng khí hậu. Hai phần còn lại, đề cập đến những tác động của khí hậu đối với xã hội loài người và những giải pháp để giảm thiểu phát thải khí ga gây hiệu ứng nhà kính, sẽ lần lượt được công bố vào tháng 2 và 3/2022.

Thứ Ba, 29 tháng 6, 2021

Minh Anh (RFI): Đảng Cộng Sản tròn 100 tuổi, Trung Quốc của Tập Cận Bình sẽ đi về đâu ?

Đảng Cộng Sản Trung Quốc ngày 01/07/2021, mừng 100 năm tuổi và bắt đầu một thế kỷ thứ hai dưới sự chỉ đạo của ông Tập Cận Bình, người đã áp đặt một cách thức điều hành đoạn tuyệt với những người tiền nhiệm. Nhà nghiên cứu về Trung Quốc học, Marc Julien, trên tạp chí Diplomatie (số ra tháng 6-7/2021) đặt câu hỏi : Vào lúc những thách thức từ nội bộ và bên ngoài ngày một lớn, Trung Quốc của Tập Cận Bình sẽ đi về đâu ?

Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo quyền lực nhất kể từ thời Mao Trạch Đông là điều không ai phủ nhận. Lên cầm quyền trong bối cảnh cạnh tranh quyền lực gay gắt (với Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang), Tập Cận Bình buộc phải tập trung mọi nỗ lực để củng cố quyền lực và khẳng định thế mạnh của đảng Cộng Sản Trung Quốc kể từ ngày đầu lên nắm quyền năm 2012. Điều này được thể hiện rõ qua 3 đặc điểm trong cách thức điều hành của ông Tập Cận Bình.

Bộ máy an ninh : Công cụ kiểm soát Đảng


Thứ nhất là khái niệm « an ninh quốc gia ». Để kiểm soát, Đảng cần phải quản lý được bộ máy an ninh. Khái niệm « an ninh quốc gia » vì vậy mà được phát triển nhằm kiểm soát chặt chẽ mọi hình thức đe dọa cổ điển và không cổ điển, cho đến kinh tế, văn hóa và ý thức hệ, đến từ bên ngoài lẫn bên trong đất nước.

Để củng cố quyền kiểm soát Đảng, một mặt, Tập Cận Bình năm 2014 cho thành lập Ủy Ban An Ninh Quốc Gia Trung Ương (CNSC) – cơ quan điều hành các ủy ban và cơ quan chuyên trách an ninh của Đảng và Nhà nước. Mặt khác, ông tiến hành cải cách rộng lớn Quân Ủy Trung Ương (CMC), cơ quan lãnh đạo Quân đội Giải phóng Nhân dân (APL) tối cao. Cả hai cơ quan này đều do đích thân Tập Cận Bình chủ trì.

Thứ Sáu, 7 tháng 5, 2021

Minh Anh (RFI): Việt Nam và Hoa Kỳ, những đồng minh tình thế ?

Phải mất một tháng sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, các lãnh đạo Việt Nam mới gởi lời chúc mừng đến ông Joe Biden. Tại Việt Nam, người dân biết đến Donald Trump nhiều hơn và mong ông trúng cử hơn là Joe Biden. Đó là vì không những Donald Trump đã hai lần đến Việt Nam (2017 và 2019) mà vì ông còn được người Việt Nam đánh giá rất cao trong chính sách chống Trung Quốc.

Sự xác quyết của Trung Quốc trên trường quốc tế vô hình chung đang đẩy Hà Nội xích lại gần với Washington. Nhưng chuyên gia Benoît de Tréglodé, giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược trường Quân sự Pháp (IRSEM), lưu ý rằng mối quan hệ của Việt Nam với Mỹ luôn chứa đựng nhiều cảm xúc. Điều này giải thích vì sao yếu tố kinh tế chiếm ưu thế hơn so với chính trị. Thực tế là như vậy, chớ nên nhầm lẫn !

Nếu như vị trí địa chiến lược nằm ngay giữa vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương đã biến Việt Nam thành một quốc gia trục chính cho sự dấn thân của Mỹ trong khu vực để đối phó với Trung Quốc, thì Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì một chính sách cân bằng và không có chuyện chọn phe.

Cho dù niềm khát khao của các chiến lược gia tại Washington có ra sao, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các nước thành viên vẫn chưa sẵn sàng gia nhập một liên minh chống Trung Quốc do Hoa Kỳ lãnh đạo. Và những nước này cũng sẽ không đi theo Trung Quốc để gạt Hoa Kỳ ra khỏi những vấn đề của khu vực.

Biển Đông : Mỹ cứng rắn với Trung Quốc, Việt Nam mừng thầm


Năm 2020 đánh dấu 25 năm nối lại quan hệ song phương giữa hai cựu thù (1995-2020). Nhìn từ Hà Nội, học thuyết Trump không phải là nguồn gốc của một tầm nhìn, một chiến lược đặc biệt hay được đổi mới nào của Mỹ đối với châu Á. Các phát biểu của Trump chỉ « hùng hồn » hơn bao giờ hết và không ai ngờ là những lời lẽ cứng rắn đó lại rất được người dân Việt Nam đánh giá cao.

Thứ Ba, 6 tháng 4, 2021

Minh Anh (RFI): Đông Nam Á "không thể" chọn phe trong cuộc đọ sức Mỹ - Trung

Cuộc đọ sức giành thế bá quyền giữa Mỹ và Trung Quốc mỗi lúc một gay gắt. Thế nhưng, trong cuộc tranh giành này, theo giới chuyên gia, Hoa Kỳ không nên ép buộc các nước Đông Nam Á phải chọn phe, và nhất là không nên tỏ ra mềm yếu trước các tham vọng của Bắc Kinh trong khu vực này.

Trong một bài viết có tựa đề « Đông Nam Á trước thách thức của thế kẹp Trung-Mỹ », đài France Culture dẫn phân tích của cựu ngoại trưởng Singapore, ông Bilahari Kausikan, trình bày trong ba bài tiểu luận đăng trên Foreign Affairs (số cho tháng 3-4/2021) nói về chính sách đối ngoại của Trung Quốc đối với các nước láng giềng.

Bài viết của ông được mở đầu bằng một giai thoại thú vị. Vào thời điểm Hà Nội đang có những thay đổi về nhân sự, Bilahari Kausikan có hỏi một quan chức cao cấp Việt Nam liệu căng thẳng Mỹ - Trung có thể sẽ có những tác động ra sao đối với mối quan hệ của Hà Nội với Bắc Kinh. Câu trả lời ông nhận được như sau : « Mọi lãnh đạo Việt Nam phải hợp tác với Trung Quốc. Nhưng tất cả các lãnh đạo Việt Nam cũng phải đấu tranh với Trung Quốc. Nếu ai đó không làm được cùng lúc cả hai việc này, thì người đó không xứng đáng là một lãnh đạo của Việt Nam ».

Theo cựu lãnh đạo ngoại giao Singapore, giai thoại này phần nào phản ảnh rõ quan điểm chung của các nước Đông Nam Á : Lo ngại bị kẹp giữa hai tầm ảnh hưởng Trung Quốc và Mỹ, giữa một bên là những lợi ích kinh tế gắn liền với Trung Quốc và bên kia là chiến lược quốc phòng, cần đến Mỹ để làm đối trọng trước đà bành trướng của Bắc Kinh.

Dù thái độ hung hăng của Trung Quốc gây lo ngại nhưng khối ASEAN cũng phải tỏ ra thận trọng. Bởi vì, người ta tự hỏi, giả như Tập Cận Bình trục xuất được Mỹ ra khỏi khu vực thì sao ? Trong hoàn cảnh này, tổng thống Mỹ Joe Biden không nên đòi hỏi những nước này chỉ đi theo chính sách đối ngoại của Mỹ.

Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2020

Minh Anh (RFI): 2020 - Năm Covid-19, châu Á trỗi dậy, Âu-Mỹ suy tàn ?

Chỉ còn có hai tuần nữa là kết thúc năm 2020, nhưng dịch bệnh Covid-19 hoành hành thế giới từ một năm nay vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Theo giới quan sát, cuộc khủng hoảng dịch tễ đang làm nổi rõ hai xu hướng : Tăng tốc chuyển dịch « trọng tâm » kinh tế sang châu Á và đọ sức giành thế bá quyền Mỹ-Trung ngự trị chính trường quốc tế.

Time : Năm 2020, năm tồi tệ nhất ?


Phải chăng năm 2020 này thật sự là « năm tệ hại nhất » trong lịch sử nhân loại như trang bìa tạp chí Time số ra ngày 14/12/2020 ? Đúng sai thế nào hạ hồi phân giải, nhưng một điều chắc chắn đây là một năm đầy tang tóc. Dịch bệnh virus corona chủng mới, bùng phát từ Vũ Hán, Trung Quốc từ cuối năm 2019, đã thật sự để lại một dấu ấn sâu đậm trong tâm thức nhân loại. Bằng chứng rõ nhất là theo một thông cáo do mạng xã hội Twitter công bố ngày 07/12, từ khóa #Covid-19 và những thuật ngữ có liên quan được sử dụng đến gần 400 triệu lần. Bởi vì, chỉ trong vòng vỏn vẹn có một năm mà thế giới đã có hơn 72 triệu người nhiễm bệnh, hơn 1,6 triệu người chết vì virus corona.

Một năm sắp trôi qua, âu cũng là dịp để nhìn lại những bài học đau đớn và dự đoán những thách thức trong tương lai. Câu hỏi đầu tiên thoáng nghe : Liệu rằng có một thế giới Trước và Sau đại dịch ? Chuyên gia địa chính trị Pascal Boniface, Viện Nghiên Cứu Quốc Tế và Chiến Lược (IRIS) trên kênh truyền hình quốc tế France 24 có vài nhận xét :

« Covid-19 sẽ là một sự kiện đáng nhớ trong lịch sử ngành địa chính trị. Thế giới quen thuộc đột nhiên biến mất, một thế giới hoàn toàn mới bỗng xuất hiện. Đường phố hoang vắng không một bóng người. Cả thế giới như bị tê liệt, hơn một nửa cư dân địa cầu bị "giam lỏng ở nhà". Hầu như toàn bộ biên giới bị đóng cửa. Nhưng cùng lúc, người ta cũng nhận thấy là không có một xu hướng cơ cấu hoàn toàn mới được hình thành, mà đúng hơn là một sự thúc đẩy, một sự gia tăng nhanh hơn những xu hướng cơ cấu đã hiện hữu trên phương diện địa chính trị. »

Thứ Tư, 21 tháng 10, 2020

Minh Anh (RFI): Vì sao Nga đặt cược nhiều vào Donald Trump ?

Cặp đôi ứng viên Biden-Trump đang trong giai đoạn nước rút khi ngày bầu cử chỉ còn có hai tuần. Cũng như bao chế độ chuyên chế khác như Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, nước Nga của ông Vladimir Putin đặt cược nhiều vào nhà tỷ phú Donald Trump, bất chấp những thất vọng nối lại quan hệ Nga-Mỹ.

Nếu được tham gia bỏ phiếu vào ngày 03/11/2020, điện Kremlin có lẽ sẵn sàng “dành phiếu cho Donald Trump”. Bất chấp những thất vọng và những bất định về chủ nhân Nhà Trắng hiện nay, tại Matxcơva, giới quan sát tin chắc rằng “Biden đắc cử sẽ còn tồi tệ hơn” bởi vì khác với Donald Trump, “giữa Joe Biden và Vladimir Putin, còn tồn tại một sự ghét cay ghét đắng” như lời nhận xét của ông Vladimir Vassiliev, nhà nghiên cứu về Hoa Kỳ và Canada, Viện Hàn Lâm Khoa Học Nga, được Le Figaro (17/10/2020) trích dẫn.

Với ứng viên đảng Dân Chủ, Joe Biden, thất bại của đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 là một mối hận khó phai. Chiến dịch tấn công của tin tặc Nga nhắm vào bà Hillary Clinton, đại diện cho đảng Dân Chủ ra tranh cử đã góp phần tạo nên thắng lợi cho chủ nhân Nhà Trắng hiện nay.

Ông Biden trong suốt chiến dịch vận động tranh cử không ngừng chỉ trích thái độ “thân thiện” của ông Donald Trump đối với nguyên thủ Nga. Ứng viên đảng Dân Chủ còn không quên nhắc lại rằng “Hoa Kỳ lẽ ra đã phải trừng phạt Nga vì sự can dự của nước này trong cuộc bầu cử năm 2016”.

Thế nên, vẫn theo chuyên gia Vassiliev, nếu ông Biden có đắc cử, ông ấy có thể  “chìa tay với Iran, Cuba, Trung Quốc hay trong một chừng mực nào đó là Bắc Triều Tiên nhưng nước Nga với ông ấy là không thể nào giao du được.”

Chính vì điều này mà giới tài chính tại Matxcơva xem cuộc bầu cử Mỹ 2020 và khả năng thắng cử của ông Joe Biden như là một yếu tố quan trọng làm suy yếu đồng rúp, rớt giá đến 20% kể từ đầu năm nay (78 rúp cho một đô la trong tuần này, so với 62 rúp/đô la hồi tháng Giêng năm 2020).

Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2020

Minh Anh (RFI): Tầm nhìn “China 2025” hay bản chỉ dẫn đánh cắp công nghệ?

Leo thang căng thẳng Mỹ - Trung bước sang một nấc mới : “Cuộc chiến lãnh sự”. Hoa Kỳ và Trung Quốc trong tuần qua ra lệnh đóng cửa các tòa lãnh sự lẫn nhau : Một của Trung Quốc tại Houston và một của Mỹ tại Thành Đô. Hoa Kỳ đặc biệt tố cáo Bắc Kinh gia tăng các hoạt động gián điệp, đánh cắp công nghệ nhằm phục vụ cho mục tiêu “Tầm nhìn Made in China 2025” đầy tham vọng.

Chỉ trong vòng vài ngày từ 21-24/07/2020, nhiều sự kiện dồn dập xảy ra, khiến cho mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn dĩ đã xấu đi nay thêm phần tồi tệ. Ngày 21/07/2020, bộ Tư Pháp Hoa Kỳ thông báo truy tố hai tin tặc người Trung Quốc Xiaoyu Li et Jiazhi Dong. Trong buổi họp báo, trợ lý chưởng lý, ông John.C. Demers nêu rõ :

“Văn phòng biện lý đặc trách Đông Washington và An ninh Quốc gia quyết định truy tố hai tin tặc Trung Quốc làm việc cho bộ An Ninh Trung Quốc, trong đó có sở An ninh tỉnh Quảng Đông (GSSD) trực thuộc bộ An Ninh (MSS), với tội danh tiến hành một chiến dịch càn quét xâm nhập toàn bộ hệ thống máy vi tính. (…)

Chiến dịch này nhắm vào các sở hữu trí tuệ và các thông tin thương mại bảo mật trong các lĩnh vực tư nhân, kể cả các dữ liệu nghiên cứu Covid-19 liên quan đến điều trị, xét nghiệm và vac-xin. Chiến dịch còn nhắm vào các ngành công nghiệp như ngành sản xuất trang thiết bị y tế công nghệ cao, kỹ thuật dân dụng và công nghiệp, phần mềm giáo dục kinh doanh và trò chơi, năng lượng mặt trời, ngành bào chế dược phẩm và quốc phòng”.

Ngoài hai tin tặc trên, FBI còn truy bắt bốn người Trung Quốc khác bị cáo buộc che giấu mối liên hệ với quân đội Trung Quốc, để có thị thực nhập cảnh cho phép họ theo học hay tiến hành các nghiên cứu các ngành công nghệ mũi nhọn tại Mỹ từ y khoa cho đến trí thông minh nhân tạo.

Vài giờ sau khi ra thông cáo, chính phủ Mỹ gia hạn cho Trung Quốc có 72 giờ để đóng cửa tòa lãnh sự tại Houston. Theo ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo ngày 23/07, tòa lãnh sự Trung Quốc ở Houston là một “ổ gián điệp”, tổ chức các hoạt động “đánh cắp sở hữu trí tuệ”. Chuyên gia địa chính trị, ông Philippe Moreau Desfarges, trên đài RFI cho rằng những kiểu tố cáo này chẳng có gì là mới cả:

Thứ Tư, 17 tháng 6, 2020

Minh Anh (FRI): Căng thẳng Mỹ - Trung và ba kiểu chiến tranh có thể xảy ra

Từ những điểm nóng địa chiến lược ở Biển Đông cho đến Đài Loan, rồi chiến tranh thương mại, tiền tệ, và công nghệ, xác suất đối đầu Mỹ - Trung dường như là khá cao, thậm chí một số chuyên gia cho rằng là không thể tránh khỏi.

Thời báo châu Á (Asia Times) đặt câu hỏi : Liệu những căng thẳng này có gây ra chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc hay không ? Và nếu có thì dưới hình thức nào ? Theo trang báo mạng Hồng Kông, những bài học trong lịch sử cho phép suy đoán có ba kịch bản chiến tranh có thể xảy ra giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới : Chiến Tranh Thế Giới lần 3 ; Chiến Tranh Lạnh 2.0 và các cuộc chiến khu vực ủy nhiệm.

Kịch bản thứ nhất có lẽ sẽ là một cuộc chiến tàn khốc nhất. Khi xem Trung Quốc như là một mối họa cho an ninh thế giới, tìm kiếm một sự bá quyền bằng cách bành trướng quân sự, liệu có nên ví nước này như là một Nhật Bản hay Đức Quốc Xã trong hai cuộc đại thế chiến đã qua ? Nếu như vậy, liệu Trung Quốc sẽ đi xâm lược, chiếm đóng, theo đuổi mô hình thực dân đế quốc, sẽ phạm những tội ác diệt chủng hay không ?... Tương tự, nếu cuộc chiến phải nổ ra giữa hai ông khổng lồ của hành tinh, điều gì có thể thúc đẩy Hoa Kỳ tham chiến ? Một sự kiện tương tự như cuộc tấn công Trân Châu Cảng chẳng hạn ?

Hình thức chiến tranh thứ hai chính là Chiến Tranh Lạnh 2.0 (phiên bản hai) với nhiều điểm khác biệt so với cuộc chiến tranh lạnh trước đây. Đây sẽ không còn là một cuộc chiến hệ tư tưởng, không gian và làm chủ công nghệ hạt nhân nữa, mà đó sẽ là một cuộc chiến thương mại, cuộc chiến tiền tệ, công nghệ, tin học, hay thậm chí là một cuộc chiến hỗn hợp, kết hợp nhiều yếu tố của tất cả hay một phần của những điều trên.

Cuộc tranh đua thống trị các định chế đa phương là một trong những mặt trận rất có thể của cuộc đọ sức 2.0 và điều này sẽ gây chia rẽ các nước trong quá trình phân cực mà ví dụ điển hình là dự án Vành Đai và Con Đường của Trung Quốc và chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.

Thứ Năm, 7 tháng 6, 2018

Minh Anh: Facebook lại bị tố chia sẻ thông tin cá nhân cho Trung Quốc

(Ảnh minh họa). Một chiếc điện thoại của hãng Huawei, Trung Quốc. 
Ảnh chụp tại Las Vegas, Nevada, Mỹ, ngày 09/01/2018. 
- REUTERS/Steve Marcus

Sau vụ bê bối Cambridge Analytica, Facebook tiếp tục bị chỉ trích vì đã cho phép các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc tiếp cận thông tin cá nhân của người sử dụng mạng xã hội. Quốc Hội Mỹ hiện xem một số nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Từ San Francisco, thông tín viên Eric de Salve gửi về bài tường trình :

« Facebook lại dính líu vào một vụ tiết lộ các dữ liệu cá nhân và lần này có liên quan đến Trung Quốc. Theo báo Mỹ New York Times, Facebook đã cho phép nhiều nhà sản xuất điện thoại di động Trung Quốc, trong đó có Huawei, tiếp cận thông tin cá nhân của người sử dụng mạng xã hội, trong lúc Huawei bị nghi ngờ tiến hành các hoạt động gián điệp mạng và bị các cơ quan tình báo Mỹ coi là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Thứ Năm, 10 tháng 5, 2018

Minh Anh/RFI: Bình Nhưỡng tăng cường thủ thế sau quyết định của Trump về hồ sơ hạt nhân Iran

Bình Nhưỡng tăng cường thủ thế sau quyết định 
của Trump về hồ sơ hạt nhân Iran

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (T) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tại Đại Liên (Dalian) tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. (Ảnh do THX công bố ngày 08/05/2018)
REUTERS
Ngày 08/05/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết vào năm 2015 mà ông chỉ trích mạnh mẽ là « thảm họa », cho dù các bên tham gia ký kết và kể cả Liên Hiệp Quốc đều khẳng định là Iran tôn trọng những cam kết.

Quyết định đơn phương của Mỹ sẽ gây thêm khó khăn cho cuộc đàm phán sắp tới với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un trong hồ sơ hạt nhân.

Đa số các chuyên gia cùng chia sẻ nhận định: Việc xé bỏ hiệp định hạt nhân Iran đã làm tổn hại đến uy tín của Hoa Kỳ trên chính trường, nhất là vào thời điểm sắp diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Kim Jong Un – Donald Trump mà ngày giờ và địa điểm cuộc họp sẽ được thông báo trong vài ngày tới đây.

Thứ Năm, 19 tháng 4, 2018

Minh Anh/RFI: Vụ tấn công Syria có tác động ra sao cho hồ sơ Bắc Triều Tiên

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong (T), tổng thống Syria Bachar Al Assad. 
Ảnh ghép minh họa -- REUTERS / montage RFI Viet

Sáng sớm ngày 14/04/2018, liên minh ba nước Anh, Pháp và Mỹ tiến hành chiến dịch tấn công nhắm vào các cơ sở nghiên cứu và chế tạo vũ khí hóa học của Syria.

Vụ việc đã làm dấy lên nhiều tranh luận về tác động của chiến dịch quân sự này đối với tiến trình giải quyết hồ sơ hạt nhân của chế độ Bình Nhưỡng, vào lúc lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un chuẩn bị có hai cuộc gặp thượng đỉnh quan trọng, với tổng thống Hàn Quốc, ngày 27/04/2018 và có thể với nguyên thủ Hoa Kỳ, vào cuối tháng Năm hoặc đầu tháng Sáu tới.

Vụ tấn công Syria ngày 14/04 gây chia rẽ trong giới quan sát. Phe ủng hộ cho rằng chiến dịch quân sự của liên minh ba nước đã đưa ra một thông điệp mạnh mẽ, cảnh cáo cả Damas lẫn Bình Nhưỡng. Ông Van Jackson, chuyên gia về Bắc Triều Tiên và từng là cựu cố vấn của bộ Quốc Phòng Mỹ, được Thời Báo Nhật Bản (Japan Times) trích dẫn, nhận định, qua vụ tấn công này, chính quyền Washington muốn khẳng định « Hoa Kỳ sẽ thực hiện những gì đã cam kết ». Một lằn ranh đỏ đã được vạch ra trong việc sử dụng vũ khí hóa học và Mỹ có trách nhiệm bảo vệ lằn ranh đó.

Thứ Năm, 22 tháng 3, 2018

Minh Anh/RFI: Vụ Cambridge Analytica: Facebook đối mặt với làn sóng « tẩy chay »

Twitt của Brian Acton, lãnh đạo WhatsApp
« It’s time : #delete Facebook ! ». ©REUTERS/Dado Ruvic

Các tiết lộ của báo chí về vụ bê bối Cambridge Analytica, cách nay 5 ngày đang đẩy mạng xã hội Facebook vào vòng xoáy tranh luận và phải đối mặt với một chiến dịch kêu gọi « tẩy chay » bất chấp những lời xin lỗi.

Vụ việc bắt đầu từ cuộc điều tra của tờ New York Times cho rằng Cambridge Analytica, công ty truyền thông Anh, thông qua mạng xã hội này, đã biển thủ các thông tin cá nhân vì mục đích chính trị và thương mại.

Sau nhiều ngày im lặng trước những tranh cãi căng thẳng, Marc Zuckerberg nhà sáng lập và chủ nhân trang mạng Facebook cuối cùng đã lên tiếng thừa nhận điều này là không hay ho gì, và « lấy làm tiếc » về những chuyện đã xảy ra. Ông cam kết khắc phục sai lầm, chấp nhận ra điều trần trước Quốc Hội. Ông hứa hẹn cải thiện hơn nữa việc bảo vệ thông tin cá nhân, đồng thời không phản đối việc quản lý các doanh nghiệp công nghệ.

Thứ Năm, 15 tháng 3, 2018

Minh Anh: Rex Tillerson bị sa thải: Thỏa thuận hạt nhân Iran như “đèn treo trước gió”

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bị tổng thống Donald Trump thông báo 
sa thải vào ngày 13/03/2018 qua mạng Twitter. 
-- REUTERS/Jonathan Ernst/Pool

Ngày 13/03/2018, thông qua mạng xã hội Twitter, tổng thống Donald Trump thông báo sa thải ngoại trưởng Rex Tillerson. Theo quan sát của giới chuyên gia, đây là có thể là một tín hiệu « khai tử » thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng thời gia tăng áp lực với các đồng minh châu Âu, những nước muốn bảo vệ thỏa thuận lịch sử này.

Để biện minh cho quyết định bãi nhiệm ông Rex Tillerson, tổng thống Mỹ đã nêu rõ điểm bất đồng giữa ông và ngoại trưởng Mỹ như sau : « Khi quý vị nhìn vào thỏa thuận hạt nhân Iran, tôi nghĩ đây là một thỏa thuận tồi tệ, một thỏa thuận sơ sài ». Theo Donald Trrump, Hoa Kỳ phải làm việc với các đồng minh và các đối tác « nhằm chặn đường Iran đi tới vũ khí nguyên tử » và « chống việc Iran ủng hộ quân khủng bố ».

Thứ Sáu, 9 tháng 2, 2018

Minh Anh/RFI: Bắc Triều Tiên muốn gì ở Pyeongchang ?

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In et sa femme (Áo trắng) và Kim Yong Nam (G - hàng thứ 2) chủ tịch Quốc Hội BTT, Kim Yo Jong (P - hàng thứ 2), em gái Kim Jong Un, trong lễ khai mạc TVH Mùa Đông Pyeongchang, ngày 09/02/2018 -- REUTERS

Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang 2018 hôm nay 09/02/2018 chính thức khai mạc. Một “Thế Vận Hòa Bình” là hình ảnh mà tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In muốn đem đến cho thế giới. Nhưng với Bắc Triều Tiên, đây không chỉ là một Thế Vận Hội thuần túy thể thao, mà còn là một “trò chơi địa chính trị”.

Pompom-girls đối nghịch với tên lửa. Cùng một ngày, chế độ Bình Nhưỡng đã đưa ra hai hình ảnh tương phản. Bên kia lãnh thổ ở phía Nam là đoàn các vận động viên Bắc Triều Tiên được đón tiếp nồng nhiệt hôm qua tại làng thế vận Gangneung. Bầu không khí lạnh giá như tan biến trước các màn trình diễn của hơn 200 thiếu nữ hoạt náo viên xinh đẹp.

Thứ Ba, 24 tháng 10, 2017

Minh Anh: Mỹ-Nhật-Hàn: “Bắc Triều Tiên là mối họa lớn chưa từng có”

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis 
tham dự Hội Nghị Bộ Trưởng Quốc Phòng ASEAN mở rộng (ADMM-Plus ) 
tại Clark, phía đông Manila (Philippines), ngày 24/10/2017. 
-- NOEL CELIS / AFP

Chương trình hạt nhân quân sự của Bắc Triều Tiên tạo thành một « mối đe dọa nghiêm trọng và chưa từng có » cho Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Lời khẳng định này đã được bộ trưởng Quốc Phòng ba nước đưa ra sau cuộc gặp diễn ra bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN mở rộng tại Philippines.

Trong một thông cáo công bố ngày 24/10/2017, bộ trưởng Quốc Phòng của ba nước Mỹ, Nhật và Hàn đồng lên án với « những lời lẽ mạnh mẽ nhất » các hành động khiêu khích liên tục của Bắc Triều Tiên. Đồng thời cả ba bộ trưởng kêu gọi Bình Nhưỡng từ bỏ các chương trình hạt nhân và đạn đạo bị cấm đoán « một cách toàn diện, có thể kiểm chứng được và vĩnh viễn ».

Thứ Hai, 23 tháng 10, 2017

Minh Anh/RFI: Mỹ muốn thúc đẩy ASEAN đoàn kết chống Trung Quốc

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) 
và bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis tại Nhà Trắng, 
Washington, ngày 05/10/2017. -- REUTERS/Yuri Gripas


Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ tìm cách thúc đẩy ASEAN đoàn kết thành một khối thống nhất để chống Trung Quốc, nhân hội nghị bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN mở rộng (ADMM plus). Giới chuyên gia đặt câu hỏi làm thế nào hàn gắn được những rạn nứt cho chính Washington tạo ra, trong bối cảnh ASEAN cũng bị chia rẽ trước mối lợi do Bắc Kinh mang đến.

Tuyên bố với giới báo chí trước khi đến dự hội nghị bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN mở rộng tại Philippines, ngoại trưởng Mỹ Jim Mattis nhấn mạnh, ASEAN phải là nơi tập hợp “những quốc gia muốn có các mối quan hệ song phương dựa trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau, chứ không phải bằng sức mạnh kinh tế hay quân sự. Hoa Kỳ cam kết ủng hộ hết mình khối ASEAN”.

Thứ Năm, 19 tháng 10, 2017

Minh Anh: “Đối tác chiến lược” Mỹ - Ấn: Một cảnh báo cho Trung Quốc?

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (T) và tổng thống Mỹ Donald Trump 
trước cuộc họp báo chung tại Nhà Trắng, Washington, 26/06/2017.
Ảnh : Reuters

Hoa Kỳ muốn tăng cường “đối tác chiến lược” với Ấn Độ, đồng thời chỉ trích Trung Quốc làm suy yếu trật tự thế giới. Thông điệp này được ngoại trưởng Mỹ bất ngờ đưa ra cùng ngày Bắc Kinh khai mạc Đại Hội Đảng Cộng Sản lần thứ 19, cho phép Tập Cận Bình củng cố quyền lực. Giới chuyên gia tự hỏi: Phải chăng đó còn là một lời cảnh báo dành cho Trung Quốc?

Tại buổi nói chuyện ở Center for Strategic and International Studies tại Washington, ngày 18/10/2017, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hết lời ca ngợi mối quan hệ đối tác toàn diện Mỹ - Ấn, không ngừng được củng cố để trở thành “những đối tác lý tưởng”, tuy vẫn khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ Mỹ - Trung. Theo ông, đó là nhờ cả hai nước đều cùng chia sẻ “những giá trị dân chủ chung”.

Thứ Năm, 14 tháng 9, 2017

Minh Anh/RFI: Tập Cận Bình : Lên đỉnh cao quyền lực, nỗi lo vẫn còn đó

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và vợ, bà Bành Lệ Viên, 
tại thượng đỉnh BRICS, Hạ Môn, Trung Quốc, ngày 04/09/2017. 
- REUTERS/Tyrone Siu

Chỉ còn đúng sáu tuần nữa là đến ngày 18/10/2017, Trung Quốc khai mạc Đại Hội Đảng Cộng Sản lần thứ XIX. Sự kiện trọng đại này sẽ đánh dấu quyền lực của chủ tịch Tập Cận Bình càng được củng cố thêm. Cánh cửa nhiệm kỳ hai cho chủ tịch Trung Quốc gần như chắc chắn, nhưng theo phân tích của Les Echos ngày 12/09/2017, lãnh đạo cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới sẽ phải đối đầu với nhiều thách thức kinh tế quan trọng.

Thâu tóm quyền lực

« Tập Cận Bình đăng quang trong hoài nghi » là tựa bài phân tích của nhật báo kinh tế Pháp. Theo nguyên tắc, Đại Hội Đảng sẽ phải thay mới 5 trong số 7 thành viên ban lãnh đạo chóp bu – Thường Trực Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản- nhằm hỗ trợ cho chủ tịch Tập Cận Bình trong nhiệm kỳ năm năm sắp tới.

Thứ Năm, 7 tháng 9, 2017

Minh Anh/RFI: Cấm vận dầu hỏa Bắc Triều Tiên : Một chiến lược hiệu quả ?

Họp Hội Đồng Bảo An ngày 04/09/2017 
sau vụ thử hạt nhân mới nhất của Bắc Triều Tiên.
REUTERS/Joe Penney

Sau du lịch và kiều hối của lao động ở nước ngoài, Hoa Kỳ đề nghị cấm vận dầu hỏa với Bắc Triều Tiên. Giới chuyên gia nhận định đấy có lẽ sẽ là "một đòn chí mạng" nhắm vào chế độ Bình Nhưỡng, nhưng rất khó thuyết phục được Bắc Kinh.

Theo một dự thảo nghị quyết được công bố ngày 06/09/2017, Hoa Kỳ đề nghị cấm vận nguồn nhập khẩu dầu lửa và tất cả các sản phẩm từ dầu hỏa và khí hóa lỏng. Nếu được áp dụng, đây sẽ là một "cú đánh đau" vào chế độ Kim Jong Un.

Trên thực tế, Bắc Triều Tiên hầu như lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn dầu hỏa nhập khẩu. Cơ Quan Thông Tin Năng Lượng EIA trụ sở tại Hoa Kỳ ước tính Bình Nhưỡng nhập khẩu mỗi ngày khoảng 10 000 thùng dầu, với mức giá là 50 đô la/thùng, tương đương với khoảng 180 triệu đô la/năm. Phần lớn nguồn cung ứng dầu đến từ Trung Quốc, nhưng không ai biết chính xác khối lượng được giao, bởi vì kể từ năm 2014, Bắc Kinh đã ngừng công bố các số liệu.

Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017

Minh Anh/RFI: hiến đấu cơ Mỹ đến Hàn Quốc nhằm đe dọa Bắc Triều Tiên

Oanh tạc cơ chiến lược Mỹ B-1B 
đang bay từ căn cứ không quân Andersen, Guam, 
tới không phận Nhật Bản và Triều Tiên, ngày 30/07/2017
U.S. Air Force photo/Airman 1st Class Jacob Skovo/Handout via RE


Hoa Kỳ đã điều chiến đấu cơ tân tiến nhất đến Hàn Quốc tập trận nhằm răn đe Bắc Triều Tiên. Thông tin này được một quan chức bộ Quốc Phòng Hàn Quốc cho biết ngày hôm nay 31/08/2017.

Hai oanh tạc cơ siêu thanh B-1B và bốn chiến đấu cơ tàng hình F-35 của không quân Mỹ đã đến tham gia cuộc tập trận bắn đạn thật trên vùng biển phía đông của Hàn Quốc. Bài tập giả định một cuộc tấn công cụ thể nhắm vào các “cơ sở hạt nhân” của Bắc Triều Tiên.

Vẫn theo nguồn tin ẩn danh trên, hai chiếc oanh tạc cơ B-1B đến từ căn cứ không quân Andersen ở đảo Guam, trong khi bốn chiếc F-35 được điều từ căn cứ quân sự Mỹ ở Iwakuni, Nhật Bản.