Hiển thị các bài đăng có nhãn Mai Thảo. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Mai Thảo. Hiển thị tất cả bài đăng
Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2021
Mai Thảo: Chân Trời Mới Của Trùng Dương
Từ mấy năm nay làm lại tờ Văn ở Hoa Kỳ, đời sống lữ thứ hàng ngày thấy đỡ thất lạc, bởi lại được thả trôi trở lại với một không khí tòa soạn không khí trị sự tuy đã khác biệt, nhưng vẫn còn phảng phất đâu đó, trên một góc bàn viết, dưới một ánh đèn sáng, cái không khí đã bao năm sống ở quê nhà, tâm trí tôi thường có nhiều hơn những hồi tưởng về báo quán cũ, là 38 Phạm Ngũ Lão Sài Gòn, ngày trước.
Nhớ lại. Cái chỗ ngồi trên căn gác xép, ngó chéo sang tấp nập Ciné Quốc tế. Cái ngọn điện trước bàn viết tôi, mỗi buổi chiều, lách mình qua những cỗ máy Minerve im lìm, từ báo quán đi ra. Nhớ lại. Từng khuôn mặt anh em thợ chữ. Những thân trần, những mồ hôi, những ca đêm, những bữa ăn bên máy của họ. Nhớ lại. Những bản mo-rát trễ muộn, ướt nhèm, phải đính lên tường cho khô, ngày mai mới sửa. Nhớ lại. Hết thảy. Mùi mực in. Tiếng máy chạy.
Về trước lẫn về sau anh Nguyễn Đình Vượng mất, từ Trần Phong Giao đi tới Nguyễn Xuân Hoàng đến, cho tới cái ngày 30 Tháng Tư bàng hoàng, tạp chí và nhà xuất bản cũng phải hạ bảng, báo quán ngưng đọng, tối thẳm trước tử hình của ngôn ngữ và khai tử của văn chương.
Nhớ lại, Duyên Anh ngồi viết ở bàn bên, chữ nhỏ như con kiến, Bùi Giáng vào đòi uống rượu, Bình Nguyên Lộc, Vũ Hoàng Chương chỉ cần một tách trà, cái quán cóc của bà Năm bên hông tòa soạn, thân hữu Văn tới ngồi đông kín, cái quán nhậu bên chợ Thái Bình, văn nghệ có tiền là ơi ới gọi nhau sang.
Và trong cái khối nhớ toàn thể này, về tiền thân của Motor Avenue bây giờ, còn là một phiến nhớ riêng, óng ả và khả ái hơn, là nhớ về cái đội ngũ những nhà văn nữ có với Văn một hợp tác từ đầu, tới với Văn bằng một lui tới thường hằng khiến mười lăm năm Văn không số báo nào là không có góp phần của văn chương nữ phái.
Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2020
Mai Thảo: Thảm và tiếng động
Không biết bởi nguyên nhân nào- có thể là cái hiện tưọng của cảm giác một lần đã nhận chịu một chạm đụng dữ dội, chạm đụng còn vang ngân mãi mãi trong vòm trời trí nhớ, hiện tượng với tôi, còn giải thích cho các vị trí khác thường của một số hình ảnh đặc biệt trong trí tưởng một đời người - tôi yêu lắm những hành lang. Một hành lang khách sạn chạy qua những cửa buồng đánh số, một hành lang lâu dài dẫn lên tháp canh cao vút hay dẫn xuống những cửa hầm tối thẳm, một hành lang biệt thự với những tấm gương, một hành lang bảo tàng trầm tư nhũng pho tượng, tôi đều yêu. Cả đến cái hành lang rùng rợn kia, nơi người tù tử hình bước những bước chân cuối cùng của đời y tới phòng hơi ngạt, như những đời hành lang khác, cũng chuyên chở cũng ngưng đọng trên cái thăm thẳm chạy dài của chúng những dư âm và những hình bóng dị thường. Của một ngôi nhà hành lang là linh hồn. Nó có một đời sống và một định mệnh riêng tây. Cho bất cứ một kiến trúc nào hành lang là cái phần đắm chìm, mơ màng và phảng phất nhất. Đêm trên hành lang, tiếng chân anh vang động hơn. Đi trên một hành lang, đã thường hằng trong tôi là cái cảm tưởng đi trên một phím dương cầm. Và ngọn đèn đêm kia đổ xuống bóng người cô đơn trở về. ngọn đèn đó chính là con mắt ráo hoảnh của đêm thao thức không cùng mở lớn.
Tuần lễ vừa qua; để thay đổi một không khí, thấy khác một vùng trời, đến ở mấy ngày tại một khách sạn miền núi, khi rời khách sạn, cái hình ảnh duy nhất còn lại trong tôi vẫn là cái hình ảnh thăm thẳm ấy của một hành lang. Đó là một lối đi rất dài và rất rộng, như một con sông chảy giữa những bờ tường. Lên khỏi cầu thang, sau những cột gỗ nghiêm nặng, cái thế giới ngưng đọng tịch mịch thình lình hiện ra trước tầm mắt. Những bước chân tôi cũng thình lình bặt tiếng. Một tấm thảm dầy đã thu hút hết mọi tiếng động. Không khí ở đây lạnh buốt. Hành lang nằm giữa lòng một kiến trúc nhiều tầng bát ngát. Ở đây là đêm và ngày không nhận định, sáng và trưa cùng mơ hồ, cái tranh tối và tranh sáng trộn lẫn, tối và sáng cùng vô tính như nhau. Thoạt đầu tôi không phân định được gì. Hành lang nào cũng thế. Phút thứ nhất nó chỉ là một hình thể trống trơn và vô nghĩa. Hai bên, những căn buồng đóng kín. Hành lang chạy ở ngoài, xa lạ với mọi cuộc sống bên trong. Nhưng từng phút rồi từng phút những cái ngưng đọng, những cái vô hình, những cái phảng phất đã quanh tôi dần dần vây kín. Bằng một nghìn con mắt yên lặng nhìn người. Tôi bàng hoàng. Tôi im lặng theo. Và tôi không nhầm được nữa. Tất cả đã tới đây, tất cả còn nguyên vẹn. Thứ hơi lạnh chạy dài trên suốt khắp mặt thảm chính là cái hơi thở của nhiều mùa đã được chuyên chở tới chốn này. Và trong hơi thở ấy, có cỏ, có sương, có rừng có núi. Những chiều mưa làm nhòa nhạt mọi khung kính, núi rét mướt đứng. Những đêm mùa đông, thông một triệu gốc lạnh, lời thác cũng buồn rầu. Những buổi trưa mùa thu, một cánh bướm bay lạc trong nắng, dưới thật xa thung lũng. Những tinh sương kín đặc sương mù, rừng mang linh hồn biển, và trên những con đường nhỏ của rừng, lá từng từng rơi xuống, lá dệt thành một tấm thảm dầy, ở đó không một dấu chân nào đi qua.
Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2020
Mai Thảo: NHẬT TIẾN Vẫn đứng ngoài nắng
Một buổi chiều Sài gòn, ít ngày sau khi 30 tháng tư 1975,ngồi sau chiếc xe gắn máy của Duyên Anh, cùng tác giả Ngựa Chứng Trong Sân Trường dạo quanh một vòng trên những phố phường tan hoang của thành phố vừa đổi chủ, tôi bỗng nhìn thấy Nguyễn Thụy Long trên một khúc vỉa hè ở khu đại học Duy Tân. Long ngồi sau một cái quán lộ thiên mới mở, như hàng ngàn cái quán lộ thiên mọc lên như nấm ở Sàigòn lúc bấy giờ. Tác giả Loan Mắt Nhung đang nhậu, mặt mày đỏ xậm, kính trắng dầy cộm. Và cạnh đó, là một quán hàng khác, với Nhật Tiến, Nhật Tiến không nhậu, không nhậu bao giờ, đang lúi húi với một chậu nước và một chồng bát đĩa nhớp trước một gốc cây.
Cái cảnh tượng đập vào mắt tôi lúc đó, về hai cái quán liền sát cùng trước một vỉ tường thấp chạy dài, là cái cảnh tượng của một đối nghịch hoàn toàn. Mang chung sự thất thủ của văn nghệ gác bút ra đường bán quán trước hoàn cảnh mới, cái quán của Nguyễn Thụy Long với những xị đế ngổn ngang trên mặt bàn và mấy người khách hàng trẻ tuổi cùng ngất ngưởng như Long, hiện rõ vẻ bụi đời anh chị. Cái quán của Nhật Tiến khác hẳn. Nó lành mạnh hơn và cũng gia đình hơn gấp bội, với những đĩa rau muống chẻ nhỏ đặt ngay ngắn, bên cạnh là một chảo mỡ sôi bốc khói xanh um, chị Nhật Tiến má hồng cái củi lửa chiên những cái bánh tôm vàng ngậy và đứa cháu lớn, nơ cài mái tóc, váy xếp chững chạc, đang phụ một tay với ông bố nhà văn.
Nhìn Long một bên, Tiến một bên, cùng đã lăn xả ra với sương nắng thời thế với gió bụi hè đường, cũng đã trở thành hai ông chủ quán tài tử bất đắc dĩ, mà quán bạn là quán bạn, quán tôi là quán tôi, bạn anh chị bụi đời, tôi gia đình nghiêm chỉnh, tôi đã nhìn thấy một lần nữa, và lần đó là lần cuối cùng, điều tôi yêu thích và tự hào nhất cho văn nghệ miền Nam 20 năm, là cái trạng thái đa diện và đa dạng không bao giờ đồng dáng và đồng tính. Đó là cái thế giới văn nghệ của mỗi người một trời mình, mỗi kẻ một biển mình. Đó là vùng đất đai văn nghệ của mỗi người một cõi bờ, mỗi người một sông núi. Cái không đồng dáng không đồng phục nơi mỗi người trước bàn viết cũng như trong đời sống ấy, lại là điều văn nghệ miền Bắc đổ khuôn và con số thù ghét nhất. Và bởi vì thù ghét nhất nên muốn triệt hủy nhất. Đó cũng chính là nguyên nhân của đại nạn đã tới với mọi ngành văn học nghệ thuật muôn hình nghìn vẻ của ta. Và đương nhiên đại nạn ấy cũng đã đến với Nguyễn Thụy Long và Nhật Tiến.
Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2020
Mai Thảo: Hà Nội, một ánh lửa đã tắt
Thời kỳ tản cư ra khỏi thủ đô Hà Nội, bấy giờ là 46, toàn quốc kháng chiến lang thang suốt ba bốn năm liền ở mấy tỉnh phụ cận với năm cửa ô và ba mươi sáu phố phường là Sơn Tây, Hà Đông, Phủ Lý, buổi tối nào với tôi cũng có một khoảng thời gian nhỏ dành cho nhìn về Hà Nội. Đứng dưới một gốc cây, tôi trèo lên cành. Ở giữa một cánh đồng, tôi leo lên mặt đê. Một bụi tre làm cho khuất lấp? Tôi lần ra khỏi ngõ. Và như thế, đứng cái thếđứng chênh vênh trên một ụ đất, một gò đống, tôi mê mải ném tầm mắt cho bay qua một khoảng trống trải rộng, nhìn về cái phía có một vùng ánh sáng lung linh hư ảo bốc lên. Trời của chiến thời mới khởi dấy hồi đó, đêm nàocũng tối đặc như trời ba mươi tết. Tiêu thổ lướt qua như một bóng rợp khổng lồ, tất cả những thị trấn đã nằm xuống thành bình địa. Duy Hà Nội còn đứng vững với những kiến trúc tiền chiến và tiền khởi nghĩa, duy Hà Nội còn ánh sáng còn mái ngói, còn cửa sổ, hàng hiên và những ngọn điện đường. Cho nên, giữa một địa hình làng xóm tối đen hoa mắt, bên này một vòng đai trắng, mà đứng ở đâu, tôi cũng quy định phương hướng Hà Nội thật dễ dàng, bằng vùng hào quang của Hà Nội ở xa xa, vùng hào quang chập chờn, nghi ngút, như dấy bốc lên từ một miệng lò vĩ đại. Mầu hồng của lửa ném lên khoảng không mịt mùng ở một góc trời, đó là cái ấn tượng, cái hình ảnh cuối cùng Hà Nội còn gửi đến cho tôi, tôi đã ở xa rồi, đêm tối vây quanh, nhưng tôi còn nhìn thấy lửa của Hà Nội, và lửa ấy đã cháy sáng trong hồn tôi thành một tình yêu lớn. Kẻ thức với đêm dài đến chán ngấy, đợi chờ một ánh nắng bình minh, thấy cái đĩa mặt trời đỏ lửa hiển hiện, niềm vui có lẽ cũng chỉ ngang bằng với niềm vui mừng đầy xúc động của tôi, khi nhìn thấy vùng lửa xa của Hà Nội trong đêm. Suốt mấy năm đầu của một lưu động trường kỳ, tôi không rời được mấy khu vực kề cận với Hà Nội, tôi quẩn quanh với những làng xóm Hồng Hà, tôi lưu luyến với những bãi bờ sông Đáy, nguyên nhân tình cảm sâu nặng kín thầm là ở đó, nơi tôi không rời xa một ánh lửa đêm, ánh lửa tạo cho tôi cái ảo giác Hà Nội còn gần, và phía lửa Hà Nội còn kia, tôi còn thế một ngày trở về Hà Nội. Lửa của trời Hà Nội. Lửa hồng bên trên, Hà Nội dưới lửa. Lửa cháy thành năm ngọn, mỗi ngọn một cửa ô. Lửa đỏ ba mươi sáu tầng. Mỗi tầng một phường cũ. Nhìn thấy lửa Hà Nội xa xa chập chờn dấy bốc với tưởng tượng dẫn đường và hình dung phóng lớn, kết tụ từ một tổng hợp của áng sáng muôn nghìn thành một vùng lửa lớn, tôi đã thấy được Hà Nội, qua từng khu phố, từng con đường. Lửa kia là của những ánh điện thấp thoáng tơ liễu buông rũ bên bờ Hoàn Kiếm, phản chiếu lên từ mặt nước Hồ Gươm. Chỗ sáng rỡ nhất của hào quang ném thẳng lên trời kia, không thể khác hơn là khu trung tâm đông chật của Hà Nội, lửa nhiều như vậy là lửa của Hàng Ngang, Hàng Bạc, Hàng Đào. Những đường viền mờ nhạt hơn, lúc có, lúc không, lúc ngời lúc tắt kia là lửa ngoại ô, với những ngọn đèn cao trên đê Yên Phụ, những chụp bóng thấp lối vào Cổ Ngư. Và cái hàng dài như một cánh tay, lan xa thành một mũi tên vàng trong bóng tối kia, là dẫy lửa hai hàng lẩp lánh chạy từ phố Huế chạy tới Bạch Mai, giữa leng keng tầu điện Kim Liên trong chuyến cuối cùng về Ô Đống Mác. Lửa Hà Nội nhìn xa như thế, mê đắm nghìn lần hơn khi Hà Nội nhìn gần. Trời cứ tối đặc ở ba phương. Riêng lửa một phương Hà Nội sáng. Nhiều đêm, tôi không nhìn thấy vùng lửa ẩy của Hà Nội. Đó là những buổi tối có sương mù, có mưa dăng, và trời hậu phương những đêm đó, đã không còn một quê hương nào cho tầm mắt nữa.
Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2019
Thơ Mai Thảo
![]() |
Hình minh hoạ, ANTHONY WALLACE/AFP/Getty Images |
NGHE ĐẤT
Người nằm nghe đất bao lâu
Tai nương ngợ tiếng đời sau thở dài
Lung linh sóng nắng đan cài
Cõi Trong điệp điệp Cõi Ngoài mang mang
Chợt đâu rụng tiếng phai tàn
Rơi ngưng nửa dáng nắng vàng trôi qua
Linh hồn thiếp giữa triều hoa
Bóng hình thôi đã nhạt nhoà quanh thân.
EM ĐÃ HOANG ĐƯỜNG TỪ CỔ ĐẠI
Em đã hoang đường từ cổ đại
Anh cũng thần tiên tự xuống đời
Đôi ta một lứa đôi tài tử
Ngự mỗi thiên thần ở mỗi ngôi
Đừng khóc dẫu mưa là nước mắt
Đừng đau dẫu đá cũng đau buồn
Tâm em là Bụt tâm anh Phật
Trên mỗi tâm ngời một nhánh hương.
KHÔNG TIẾNG
Sớm ra đi sớm hoa không biết
Đêm trở về đêm cành không hay
Vầng trăng đôi lúc tìm ra dấu
Nơi góc tường in cái bóng gầy.
Chủ Nhật, 3 tháng 12, 2017
Mai Thảo kể lại
LTS. Những dòng dưới đây của Mai Thảo kể lại một buổi họp mặt văn nghệ tại nhà Vũ Hoàng Chương, có lẽ là lần cuối cùng, mà chúng ta còn biết được trước khi miền Nam sụp đổ.
25.1.75
Cùng trở lại Út
Viên biệt thự với Cung Tiến,
Phan Lạc Phúc, Thái Tuấn, Hoài Bắc, Thanh Nam. Trao tận tay Vũ
số tiền 600 ngàn đã trừ mọi
phí khoản thu được về đêm
thơ ở Khánh Ly trà thất.
Tóc Vũ như tóc thằng
bờm, bờm hết mọi sợi. Chân cẳng Vũ,
hai cái ống trúc, làm khẳng
khiu cả một vùng cầu thang. Bàn ghế
dẹp, theo yêu cầu. Chiếu trải trên nền phòng.
Cảnh tượng tháo giầy cùng
dăm thế ngồi dân tộc tính
gợi không khí một
họp mặt tiền chiến của đám
thi sĩ Tiểu Thuyết Thứ Bảy đầu
bù tóc rối.
Một bữa nhậu “chiếu trải trên nền phòng” 19 năm sau tại Little Saigon, năm
1994.
Từ trái: Nguyễn
Xuân Hoàng, Mai Thảo, Đỗ Ngọc Yến, Phạm Phú Minh.
Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2017
MAI THẢO: MẶC ĐỖ QUY ẨN
Mỗi buổi sáng khi sương
mù còn là một biển hơi trắng xoá chưa tan biến trên khắp vùng Missouri City,
khi sân chơi mênh mông của ngôi trường tiểu học địa phương đối diện với cái địa
chỉ văn chương Blue Ridge 1802 còn hoàn toàn vắng lặng, khi cách đó 5 dặm đường
đồng, nhà thơ trẻ Hoàng Ngọc Ẩn, người hàng xóm Việt Nam còn ngủ vùi sau một
ngày làm việc ở các tiệm sách nhạc mới mở dưới phố, nhà văn Mặc Đỗ đã một mình
thức dậy.
Hình 1: bìa tạp chí Văn số hai,
tháng 8, 1982
[nguồn: Da Màuhttp://damau.org/archives/32091]
Thức giấc sớm giữa mỗi tinh sương thôn dã
Texas còn trong vắt, đầu cành chưa chim hót, gờ mái chưa nắng dấy, lúc mà chuyển
động của Texas duy nhất ở nơi những cỗ máy khoan dầu to nặng không tiếng in
hình trên một nền trời cực Nam còn thoi thóp những vì sao cuối cùng chưa rụng, ở
người nhà văn chủ lực của nhóm Quan Điểm là một thức giấc đã cố định, đã một đời.
Từ xa thẳm thanh niên. Từ thiếu thời đại học. Nơi người sinh viên Hà Nội tiền
chiến và tiền khởi nghĩa trước mỗi giấc ngủ đều hẹn giờ với cây kim báo thức, tắm
nước lạnh những buổi sáng mùa đông và tập thể dục trước khung cửa phòng ngủ ngó
xuống 36 phố phường chưa một tiếng xe lăn. Thức giấc cùng Hồ Tây mầu cốm đậm
chưa ngời ngời một triệu con trăng ánh sáng. Cùng Quan Chưởng đèn khuya còn thắp,
chuyến xe điện Yên Phụ đầu ngày lát nữa mới Kim Liên.
Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2016
NGÔ THẾ VINH: HÀNH TRÌNH ĐẾN TỰ DO NHÀ VĂN THUYỀN NHÂN MAI THẢO
"Có lẽ một ngày nào đó Việt Nam sẽ tự do và tôi có thể trở về. Tôi đang hạnh phúc ở đây nhưng nội tâm thì rất buồn bã. Buồn cho dân tộc tôi. Tôi không biết liệu chúng tôi có còn một tương lai. Xa rời quê hương, thật khó mà duy trì truyền thống của chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy như bị đánh mất phần hồn." Đã 36 năm kể từ ngày Mai Thảo trả lời cuộc phỏng vấn của Jane Katz 7.10.1980, hai năm sau ngày anh đặt chân tới Mỹ và cũng đã 18 năm kể từ ngày anh mất: Việt Nam vẫn chưa có tự do và thân xác anh thì nay đã vùi nông trên một lục địa mới rất xa với một nơi được gọi là quê nhà. - NGÔ THẾ VINH
Hình
1: Mai Thảo và ký họa của Tạ Tỵ
[nguồn:E.E
- Emprunct Empreinte]
THỤY KHUÊ - MAI THẢO - TRẦN VŨ: Nói Chuyện Với Nhà Văn Mai Thảo
Hai buổi nói chuyện trên đài RFI với nhà văn Mai Thảo mà chúng tôi còn giữ được băng ghi âm: buổi đầu phát thanh cách đây 17 năm, ngày 20/10/1991, khi chương trình văn học nghệ thuật mới thành lập được một năm với những bước đầu chập chững, khó khăn. Mai Thảo là một trong số những văn nghệ sĩ đàn anh, đã đóng góp tiếng nói đầu tiên trên diễn đàn này, mặc dù, ở thời điểm ấy, vết thương 30 tháng tư và hệ quả trên văn hữu miền Nam còn quá lớn, ông không thể đồng ý với cách nhìn hoà hợp văn nghệ giữa trong và ngoài nước của chúng tôi. Điều đó càng chứng tỏ tinh thần dân chủ và tự do của Mai Thảo.
*
Thụy Khuê: Thưa anh Mai Thảo, anh sống ở
Cali nhưng mỗi năm anh trở lại Paris một lần vào đúng mùa thu.
Mai Thảo: Mỗi năm tôi thích tới Paris vào
mùa thu, trước hết là bởi vì ở bên California, nơi tôi đang sống, có quá nhiều
mặt trời, quá nhiều nắng và những địa phương xa mà tôi muốn tới thì tôi không
muốn gặp cái nắng mà tôi đã có quá nhiều ở California; thứ hai nữa, cũng hơi có
một chút thực tế, đi vào mùa thu thì chi phí chuyển dịch bớt đi, ít hơn là ở
mùa mọi người cùng đi du lịch và điểm sau cùng là đối với tôi, Paris đẹp nhất
lúc mùa thu tới.
Mai Thảo: Nhân Cách Bình Nguyên Lộc
Thời gian đầu, sau khi cộng sản
đã lấy nốt được miền Nam là thời gian còn được để yên, chưa bị kết tội, chưa bị
lùng bắt, tôi thường sáng sáng một mình đạp xe đạp qua một Sài Gòn tan nát tới
thăm một nhà thơ và một nhà văn, người trước Bắc, người sau Nam, cả hai đều thuộc
thế hệ trước tôi, cả hai đều đã tên tuổi lẫy lừng từ thời tiền chiến.
Những thăm viếng thường xuyên
này của tôi, giữa Sài Gòn và trong đổi đời lúc đó được đọc bởi hai điều. Một,
hai khuôn mặt lớn ấy của văn học Miền Nam, từ quốc nạn 1975, đã đóng kín địa chỉ,
dựng cao lũy hoa, cắt đứt với đời, không ra khỏi nhà, muốn gặp họ tôi phải tìm
tới. Hai, giữa cái thể chế chuyên chính đã trùm kín, chưa bao giờ trong đời tôi
lại cảm thấy sự cần thiết lớn lao phải giữ chặt lấy một số thân tình bền vững
tôi hằng mến yêu và kính trọng. Và hai cái đối tượng của thăm viếng thường
xuyên thì với tôi lại là hai niềm mến yêu và kính trọng vô cùng. Nhà thơ miền Bắc
tôi vừa nói tới là Vũ Hoàng Chương. Và nhà văn miền Nam, Bình Nguyên Lộc.
Vũ Hoàng Chương thời gian đó ở
khá xa, mãi bên vùng Khánh Hội, trong một ngõ hẻm khuất khúc giữa phường Cây
Bàng, trên căn Gác Bút lừng tiếng, nơi thi sĩ bị công an cộng sản tới bắt đem
giam nhốt vào khám Chí Hòa rồi trở về trong hấp hối lâm chung và lìa đời ở đó.
Bình Nguyên Lộc ở gần hơn. Thăm viếng do vậy cũng ngắn đường hơn, trong cuối
đáy một con ngõ yên tĩnh một thời Vũ Hoàng Chương đã ở, khu Cô Giang Cô Bắc, đầu
ngõ là con đường Huỳnh Quang Tiên, khúc từ con ngõ nhìn ra có những vì tường
xám của hãng thuốc lá MIC chạy dài trước mặt.
MAI THẢO: BẢN CHÚC THƯ TRÊN NGỌN ĐỈNH TRỜI
Tặng
Doãn Quốc Sỹ
M.T.
Bức
điện tín báo tin cho tôi người ta đã đưa chàng vào một bệnh viện thị trấn miền
núi được bốn ngày. Chàng bị thương nặng. Chàng muốn gặp tôi. Người phu trạm già
đã bỏ đi trên chiếc xe đạp cũ kỹ của y, tai tôi đếm rành rọt từng tiếng một, nhịp
chuông lẻng kẻng đổ hồi về phía cuối xóm, nhưng tôi không cử động được. Trong một
khoảng khắc kỳ lạ kéo dài không biết bao lâu, tôi mất hẳn ý niệm thời gian,
toàn thân tôi nhẹ hẫng như chới với trên mây trên vực, đầu óc như có một mũi
ê-te tiêm suốt thấu, ý thức vẫn sáng suốt mà cảm súc thì sượng sần tê điếng.
Tử
thương trong vết đâm thủy tinh trong suốt, tôi trân trân ngó ra cánh đồng tuyết
phủ - chúng tôi đang ở giữa mùa lạnh - mặt tuyết in lên những ô kính sáng
trong, những tảng tuyết sạch sẽ đồng mầu với những bức tường lát men sứ trắng
tinh căn nhà bếp buổi sáng, tôi đứng đó, chết lặng như một pho tượng với bức điện
tín báo tin dữ về chàng. Rồi chất tê tê của mũi ê-te tan dần nhường cho sự tràn
ngập một cảm giác khủng khiếp ào ạt xâm chiếm cơ thể mảnh dẻ của tôi như một trận
bão rừng hung dữ thổi qua. Bàn ghế đồ đạc chung quanh cùng bảo nhau quay cuồng
chóng mặt, những vòng quay hút xoáy xuống thành vực thẳm, trời đất bên trên đảo
ngược, ngọn lửa trong lò bỗng nhiên bùng lóa thành một đám cháy cực lớn làm tối
tăm mắt mũi, tôi lảo đảo ngã vật xuống. Tôi ngã ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh.
Tôi thảng thốt kêu lên : trời ơi ! Bao nhiêu đêm dài cô đơn quỳ gối dưới chân
tượng Đức Mẹ trên căn phòng ngủ lạnh lẽo, bao nhiêu buổi sáng lúi húi một mình,
gục đầu trên mặt nước ngọn suối ở cánh rừng thưa đầu làng - nơi tôi thường đến
đó gặp chàng - chân thành cầu nguyện cho sự đó không xẩy đến cho chàng, niềm
xao xuyến âm thầm ám ảnh tâm trí tôi không phải chỉ là một lần nào, mà tất cả
những lần chàng đi, đã thành sự thực. Tôi nghĩ thế và tôi kêu lên: trời ơi !
Đôi mắt đã giàn dụa của tôi ngó nhìn như một vật kỳ quái, bức điện tín vò nát tự
lúc nào trong lòng tay. Chàng bị thương nặng, chàng cần có tôi, nhưng tôi làm
được gì bây giờ, em làm được gì bây giờ ?
Thứ Hai, 7 tháng 3, 2011
THƠ NHƯ ÐƯỜNG GƯƠM MÚA LƯỢN, ÐƯỜNG GƯƠM KHÔNG GƯƠM, VÀ ÐƯỜNG GƯƠM TUYỆT KỸ
TRẦN VĂN NAM
I. Thơ như một xóa bỏ tận cùng, khác nào đường gươm không cần đến gươm - Nhà văn Mai Thảo được biết nhiều thời Văn Học Miền Nam từ năm 1956, vì ông là chủ nhiệm chủ bút tờ Tạp chí Sáng Tạo tại Sài Gòn. Ông là nhà văn sáng tạo của nhiều tập truyện ngắn. Ông còn là tiểu-thuyết-gia của những truyện tình dài. Nhưng ông coi thơ như tiếng nói tận cùng và chung quyết của văn chương, nên ta không nói tới thơ của ông là một thiếu sót. Nơi bìa sau thi-phẩm của ông “Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Ðền” (xb. năm 1989 tại Nam California), có tóm tắt quan niệm thi-ca. Theo quan điểm của ông, cái “không còn gì nữa hết là thơ”. Quan điểm này rất gần với Ðạo không diễn tả bằng ngôn ngữ thế gian được của Lão Tử, hay vô ngôn như “niêm hoa vi tiếu” của Phật Giáo Thiền Tông. Vấn đề này thật thâm viễn, xin không lạm bàn ở đây. Ði sát với quan điểm này, ông có những bài thơ thực sự như muốn xóa bỏ ngôn ngữ văn chương, xóa bỏ thẩm mỹ của nghệ thuật, xóa bỏ thi tính của thơ, vượt qua cảm nhận của thưởng ngoạn bình thường. Làm thơ như ăn như ngủ, rất gần với thơ Bùi Giáng mà ông có dịp nhắc đến (trong bài phỏng vấn của Nguyễn Mạnh Trinh về những điều ông biết về nhà thơ Ðinh Hùng), ví dụ bài thơ dưới đây của Mai Thảo:
Ðẩy linh cữu bạn vào lò hỏa thiêu
Trở về phòng riêng lấy rượu uống
Ly rượu không bạn buồn lạ lùng
Cứ uống như lúc bạn còn sống.
(Không Bạn)
Thứ Ba, 21 tháng 9, 2010
Tưởng niệm Vũ Hoàng Chương: Mai Thảo kể lại
LTS. Những dòng dưới đây của Mai Thảo kể lại một buổi họp mặt văn nghệ tại nhà Vũ Hoàng Chương, có lẽ là lần cuối cùng, mà chúng ta còn biết được trước khi miền Nam sụp đổ.
25.1.75
Cùng trở lại Út Viên biệt thự với Cung Tiến, Phan Lạc Phúc, Thái Tuấn, Hoài Bắc, Thanh Nam. Trao tận tay Vũ số tiền 600 ngàn đã trừ mọi phí khoản thu được về đêm thơ ở Khánh Ly trà thất. Tóc Vũ như tóc thằng bờm, bờm hết mọi sợi. Chân cẳng Vũ, hai cái ống trúc, làm khẳng khiu cả một vùng cầu thang. Bàn ghế dẹp, theo yêu cầu. Chiếu trải trên nền phòng. Cảnh tượng tháo giầy cùng dăm thế ngồi dân tộc tính gợi không khí một họp mặt tiền chiến của đám thi sĩ Tiểu Thuyết Thứ Bảy đầu bù tóc rối.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)