Hiển thị các bài đăng có nhãn Mỹ thuật Đông Dương. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Mỹ thuật Đông Dương. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 20 tháng 6, 2023

Huỳnh Hữu Ủy: Nguyễn Gia Trí (1908 – 1993) một chân dung lớn của nền Mỹ Thuật Việt Nam thế kỷ 20

Tưởng Niệm 30 năm ngày mất của họa sĩ Nguyễn Gia Trí (20/6/1993–20/6/2023), đọc lại bài viết của nhà nghiên cứu và phê bình về mỹ thuật Huỳnh Hữu Ủy. 

Lùm tre nông thôn. 1936. Sơn mài. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam


Trường Mỹ Thuật Đông Dương được thành lập năm 1924 ở Hà Nội, chỉ trong một thời gian ngắn chừng hơn mươi năm, đã đặt nền tảng cho một nền nghệ thuật mới hình thành và phát triển. Nếu trường Mỹ Thuật Hà Nội không được thành lập thì có lẽ ngày nay Việt Nam vẫn chưa có một nền nghệ thuật hiện đại, và mỹ thuật Việt Nam vẫn bị chìm lấp, lẫn lộn với mỹ thuật Trung Hoa. Nguyễn Gia Trí vào học trường Mỹ Thuật Hà Nội khóa 5, nhưng bỏ học lở dở, sau đó dường như theo lời khuyến khích của họa sĩ Victor Tardieu, ông trở lại trường, theo học khóa 7 cùng với các bạn đồng môn Lưu Văn Sìn, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Văn Tại, Vũ Đức Nhuận ... vào năm 1931. Chỉ vài năm sau đó, ông đã là một khuôn mặt nổi bật, đến độ trên đất Hà thành văn vật thời thập niên 40-50, đã có lời truyền tụng về tứ tượng trong nghề hội họa: nhất Trí, nhì Lân, tam Vân, tứ Cẩn (Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, và Trần Văn Cẩn). (1)