Hiển thị các bài đăng có nhãn Mặc Lý. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Mặc Lý. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2023

Mặc Lý: Diễn viên Quan Kế Huy người Mỹ gốc Việt hay người Mỹ gốc Hoa?


Ngày chủ nhật 12/03/2023, giải Oscar được trao cho những phim ảnh, đạo diễn, diễn viên … được xếp hạng cao nhất trong danh sách đề cử. Trong hạng mục Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất, ông Quan Kế Huy được đề cử trong danh sách 5 người (cùng với 4 người khác là Brendan Gleeson, Brian Tyree Henry, Judd Hirsch, Barry Keoghan) và cuối cùng được trao giải.

Quan Kế Huy là ai? Ông sinh ngày 20/08/1971 tại Sài Gòn, Việt Nam, trong một gia đình có 9 anh chị em. Năm 1978, trong làn sóng thuyền nhân thoát khỏi Việt Nam, ông cùng cha và năm anh chị em khác đến một trại tị nạn ở Hong Kong, mẹ ông và 3 người con khác sau đó cũng đến một trại tị nạn ở Mã Lai. Cả gia đình định cư ở Mỹ. Ông tham gia đóng phim khá sớm, ở tuổi 12 trong phim Indiana Jones and the Temple of Doom cùng tài tử nổi tiếng Harrison Ford. Sau đó cho đến năm 1998, ông đóng vai phụ trong một số phim khác nữa. Từ 1998 cho đến 2018, ông không được mời đóng phim, nên hoạt động trong ngành công nghệ sản xuất phim và làm diễn viên đóng thế. Bắt đầu từ năm 2018, ông được mời đóng phim trở lại. Phim Mọi Thứ Mọi Nơi Cùng Một Lúc  (Everything Everywhere All At Once), khởi chiếu ở Mỹ ngày 25/03/2022, trong kỳ trao giải Oscar lần này, được các giải thưởng: Phim hay nhất, Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất (Michelle Yeoh - Dương Tử Quỳnh), Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất (Jamie Lee Curtis), Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất (Quan Kế Huy), Kịch bản gốc hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất (Daniel Scheinert và Daniel Kwan), Biên Tập phim hay nhất.  Phim này kinh phí tương đối thấp, được ước lượng từ 15->25 triệu, nhưng cho tới nay, tiền thu về, chỉ tính riêng từ các rạp chiếu phim ở Mỹ, là 108 triệu. Một thành công lớn về tài chánh.


Thứ Ba, 7 tháng 3, 2023

Patricia M. Kim: Giới hạn của Quan hệ Đối tác “Không Giới hạn” (Foreign Affairs, Mặc Lý dịch)

Trung Quốc và Nga không thể bị chia rẽ, nhưng có thể bị chặn bớt - Patricia M. Kim

Vladimir Putin gặp Tập Cận Bình trước Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022. Nguồn: Wikipedia

(Ghi chú của ND – Đây là bản dịch bài viết của Patricia M. Kim, đăng trên tạp chí Foreign Affairs, số tháng 03 & 04, 2023. Tác giả là nhà nghiên cứu chính, chuyên về  Chính sách ngoại giao của Trung Quốc , quan hệ Mỹ - Trung và chính trị Đông Á tại Học viện Brookings, một cơ quan nghiên cứu vùng Washington DC, Hoa Kỳ. Quan hệ đối tác của Trung Quốc và Nga không nên xem nhẹ nhưng cũng không phải là không giới hạn. Trung Quốc có những lợi ích khác trên thế giới mà phương Tây có thể xem xét để cùng làm việc cho một nền hoà bình ở Ukraine.)


Ngày 4 tháng 2 năm 2022, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chào đón người đồng cấp Nga, Vladimir Putin, tại lễ khai mạc Thế vận hội Olympic mùa đông ở Bắc Kinh. Sau những buổi nói chuyện, hai bên đã đưa ra một tuyên bố chung rằng việc hợp tác giữa Trung Quốc và Nga lớn hơn một liên minh truyền thống và tình bạn của họ sẽ “không có giới hạn”. Hai mươi ngày sau, Nga đổ quân vào Ukraine. Bước đi táo bạo này của Putin làm người ta lập tức nhìn kỹ lại Bắc Kinh; nhiều nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh đã ủng hộ cuộc tấn công của Putin hoặc ít nhất, họ đã cố tình tảng lờ nó. Kể từ đó, việc Nga ôm chặt lấy Trung Quốc không có gì đáng ngạc nhiên cả, do nước này rất cần các đối tác trước việc bị thế giới cô lập. Đáng chú ý hơn là việc Bắc Kinh nhất định không tách mình ra khỏi Moscow, mặc cái giá phải trả là cái nhìn tiêu cực của thế giới với Trung Quốc và lợi ích chiến lược của nước này bị thương tổn. Ngay cả khi Nga bị thế giới xa lánh, Bắc Kinh vẫn không ngưng việc trao đổi giữa hai bên, không ngưng tập trận chung hay không giảm bớt những lời hô hào công khai tăng cường phối hợp chiến lược với người bạn phương bắc.


Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2023

Vũ Hoàng Chương – Người đã mất không thể lên tiếng, nhưng…

Lời giới thiệu: Dưới đây là hai bài viết, của Nhà văn Mặc Lý (Canada) và của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (Úc) đính chính thay cho cố thi sĩ Vũ Hoàng Chương, về một vài thông tin không chính xác và một vài câu thơ “sắt máu” được cho là của ông…

***

A picture containing text, posing, old

Description automatically generated

Mặc Lý: Một Vài Thông Tin Sai Lạc về Vũ Hoàng Chương

Nhân dịp Uỷ Ban Giải Thưởng Nobel công bố hồ sơ cũ quá thời hạn bảo mật 50 năm, nhiều người mới biết là một người Việt Nam, thi sĩ Vũ Hoàng Chương từng được đề cử cho giải thưởng về văn chương nổi tiếng này, năm 1972.

Mạng xã hội lẫn báo chí trong nước đều đăng tin này, nhưng có vài điểm sai lạc.

Điểm sai lạc thứ nhất về người đề cử Vũ Hoàng Chương. 

Nhiều nguồn tin trong nước lẫn mạng xã hội đều viết đúng người giới thiệu là linh mục Thanh Lãng, nhưng lại cho là linh mục Thanh Lãng là người giới thiệu Vũ Hoàng Chương, Chủ Tịch Trung Tâm Văn Bút (P.E.N. hay PEN) Việt Nam lúc đó.

Điều này không đúng.


Thứ Ba, 14 tháng 2, 2023

David Hutt: Nỗ Lực Chống Tham Nhũng Của Việt Nam Không Bao Giờ Đi Xa Được (The Diplomat, Mặc Lý dịch)

 (Ghi chú – Đây là bản dịch bài báo của David Hutt trên tạp chí The Diplomat, số ra ngày 09/02/2023. David Hutt là một ký giả và một nhà bình luận thời cuộc. Ông cũng là nhà nghiên cứu tại Học Viện Nghiên Cứu Á Châu (CELAS), một ký mục gia của tạp chí The Diplomat và phóng viên cho báo Asia Times.) 

***


Trong việc tập trung quyền lực để chống tham nhũng, ông Nguyễn Phú Trọng đã tạo ra một hệ thống trong đó nạn tham nhũng còn có cơ hội phát triển mạnh hơn nữa một khi ông ta không còn tại vị - David Hutt.


Liệu chiến dịch chống tham nhũng của Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) đã đạt đến điểm cao nhất chưa? Đầu tháng 1, người ta đã  chứng kiến ​​việc Ủy Viên Bộ Chính Trị, Phó Thủ Tướng Phạm Bình Minh, cũng như một Phó Thủ Tướng khác, ông Vũ Đức Đam, từ chức. Vài tuần sau, Chủ Tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc cũng từ chức (nói một cách đẹp đẽ hơn thì những gì đã xảy ra là “để cho thôi chức một số cán bộ do vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng.”


Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Gregory B. Poling: Các Quốc Gia Đông Nam Á Cứng Rắn Với Trung Quốc Trên Biển Đông (tạp chí Asia Times, Mặc Lý dịch)

(Ghi chú từ ND - Đây là bản dịch bài viết của Gregory B. Poling, trên tạp chí Asia Times ngày 23/01/2023, trích lại từ East Asia Forum. Tác giả là nhà nghiên cứu cao cấp, Giám Đốc Chương Trình Đông Nam Á và Sáng Kiến Minh Bạch Trong Hàng Hải Á Châu, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS), Washington, DC)

***

Lần đầu tiên trong một thập niên, sự kiểm soát của Trung Quốc trên những vùng biển đang tranh chấp không thể tiến triển thêm trong năm 2022 đầy biến động – Gregory B. Poling.


Tình hình ở Biển Đông vẫn chưa ổn định. Tàu bè Trung Quốc thường xuyên gây ra các cuộc chạm trán nguy hiểm và ngày càng leo thang với tàu của các quốc gia khác trong suốt năm 2022. Nhưng lần đầu tiên sau một thập niên, sự kiểm soát của Bắc Kinh đối với các vùng biển đang tranh chấp không có tiến bộ nào đáng kể.

Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2023

Margaret M. Pearson, Meg Rithmire & Kellee S. Tsai: Chủ Nghĩa Tư Bản Đảng-Nhà Nước của Bắc Kinh Đang Thay Đổi Kinh Tế Thế Giới Như Thế Nào (Tạp chí Foreign Affairs, Mặc Lý dịch)

(Đây là bản dịch bài viết trên tạp chí Foreign Affairs, ngày 06 tháng 12, 2022, do ba học giả Margaret M. Pearson, Giáo sư khoa Chính Phủ và Chính Trị, đại học Maryland ; Meg Rithmire, Phó Giáo sư Quản Trị tại trường Thương Mại Harvard, đại học Harvard; và Kellee S. Tsai, Liên Khoa Trưởng Liên Khoa Khoa Học Xã Hội  và Nhân Văn, giáo sư Khoa Học Xã Hội tại đại Học Khoa Học và Công Nghệ Hong Kong. - ND)


Kể từ cuối thập niên 1970s, khi Trung Quốc mở cửa ra với thị trường thế giới, thương mại phát triển vượt bậc và con người cực kỳ lạc quan. Nhiều người cho rằng sự phụ thuộc lẫn nhau  về kinh tế với Trung Quốc là con đường dẫn đến hòa bình và thịnh vượng ở châu Á và trên thế giới. Mối quan hệ giữa các doanh nghiệp Mỹ và nền kinh tế Trung Quốc đã neo giữ mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc và được coi là bằng chứng cho thấy Trung Quốc nhờ “toàn cầu hóa mà hiền lành hơn”. Một số nhà quan sát tuyên bố một cách rất tự tin là Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang “chơi trò chơi do chúng ta vạch ra ” trong nền kinh tế thế giới tân tự do. Khẳng định của Immanuel Kant rằng “tinh thần thương mại không thể cùng tồn tại song song với chiến tranh” một lần nữa lại được người ta xem là chân lý.


Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2023

Mặc Lý: Đi

Hình minh hoạ, Angelica Rey 
Đi là không còn ở chỗ cũ. Đơn giản thế, nhưng chuyện đi cũng có những điều thú vị.

Đi là một hạnh phúc. Em bé chập chững những bước đi đầu đời lúc nào cũng có nét mặt rạng rỡ, cười không gì tươi hơn. Một nhà văn tiền chiến, hình như là Nguyễn Tuân hay ông thuật lại lời người khác, mong khi ông chết đi, người ta bằng cách nào đó lột da ông và thuộc đi, làm va li. Ra điều ông không còn đi được nữa thì để một phần thân xác ông đi vậy. Thú chơi tem, tôi ngờ là từ những mơ ước đi đến những chân trời mới lạ. Bạn vẫn không tin? Sau những hạn chế đi lại, đóng cửa vì đại dịch, bạn cảm thấy gì khi được đi đến những chốn quen thuộc hay thậm chí xa lạ. Dĩ nhiên cũng có những lúc đi không phải là hạnh phúc mà là khổ nạn, nhất là khi bị buộc phải đi. Đi “đếm lịch” thì chẳng phải là hạnh phúc đâu.

Thứ Ba, 10 tháng 1, 2023

Tomoya Onishi: Với vụ cách chức 2 phó thủ tướng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ củng cố thêm quyền hành (Mặc Lý dịch)

Bản dịch bài viết trên Nikkei Asia Review ngày 06/01/2023, một truyền thông trung hữu với độ xác tín cao, về việc hai phó thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam bị cách chức.

***

(Cuộc gặp gỡ với Tập Cận Bình có thể đã thúc đẩy việc “đốt lò” của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - Tomoya Onishi, biên tập viên của Nikkei Asia Review


Hà Nôi – Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam có vẻ đã củng cố việc thâu tóm quyền hành hơn nữa khi quốc hội vào hôm thứ Năm 05/01/2023, trong một phiên họp bất thường khai mạc cùng ngày, đã chuẩn thuận cho việc cách chức hai Phó Thủ Tướng.


Người ta đã đoán trước được quyết định này, sau khi Đảng Cộng Sản Việt Nam đã tước bỏ chức Uỷ Viên Trung Ương Đảng của hai người.


Thứ Ba, 29 tháng 11, 2022

Mặc Lý: Bài thơ dạ hành của Nguyễn Du

Nguyễn Du, nhà thơ lớn của dân tộc, làm bài thơ này, khoảng năm, sáu năm trước khi vua Gia Long lên ngôi, một thời gian tao loạn của đất nước. Bài thơ là một trong 78 bài trong Thanh Hiên Thi Tâp, trước tác bằng chữ Hán và được viết ra khi Nguyễn Du, tuổi ngoài ba mươi, về ẩn ở quê hương Hà Tĩnh. 

 


宿





Dạ hành

Lão nạp an miên Hồng Lĩnh vân,
Phù âu tĩnh túc noãn sa tân.
Nam minh tàn nguyệt phù thiên lý,
Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân.
Hắc dạ hà kỳ mê thất hiểu,
Bạch đầu vô lại chuyết tàng thân.
Bất sầu cửu lộ triêm y duệ,
Thả hỉ tu mi bất nhiễm trần


Thứ Ba, 22 tháng 6, 2021

Rachel Myrick: Nước Mỹ Trở Lại, Nhưng Liệu Được Bao Lâu? Phân Hóa Chính Trị và Sự Chấm Dứt Uy Tín Nước Mỹ (Mặc Lý chuyển ngữ)

(Lời người chuyển ngữ - Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 47 của G7 vừa diễn ra tuần trước, từ ngày 11 đến 13 tháng Sáu tại Cornwall, Anh quốc. Hai vấn đề nổi bật được bàn luận là việc đối phó với đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu. Về đại dịch, các nước bàn về thuốc chủng cho trận đại dịch hiện tại và những bước chuẩn bị cho những trận dịch trong tương lai. Các nước đã hứa hẹn góp 1 tỉ liều thuốc chủng (Mỹ 500 triệu liều, với ít nhất 200 triệu liều trong năm nay và phần còn lại trong năm tới, Canada 100 triệu liều) chưa kể nước Anh đã đóng góp 500 triệu liều cho GAVI trước đây. Về biến đổi khí hậu, các nước hứa hẹn sẽ đạt mức phát khí thải carbon ròng bằng 0 trước năm 2050. Những vấn đề khác như hợp tác quốc tế về chính sách kinh tế, thuế doanh nghiệp tối thiếu của các công ty đa quốc gia, luật lệ minh bạch hơn về đồng tiền số, vấn đề Đài Loan… cũng được bàn luận.

Kết thúc hội nghị, tổng thống Mỹ Biden nói các chế độ dân chủ đang thi đua với các chế độ độc tài, không chỉ với Trung Quốc, trong cuộc cạnh tranh ở một thế kỷ 21 đang thay đổi nhanh chóng.

Nói chung hội nghị này đánh dấu sự “trở lại” của nước Mỹ. Nhiều người vì tinh thần đảng phái không ngần ngại dựa trên những chi tiết hoặc từ nguồn lá cải, từ mạng xã hội hoặc là rất nhỏ nhặt để phê bình nặng nề. Nếu họ nghĩ đương đầu với một đối thủ như Trung Quốc, nước Mỹ chỉ cần hành động một mình, không cần đồng minh thì tôi không có gì để nói thêm với họ.

Bài viết về sự “trở lại” của nước Mỹ này, do giáo sư trợ lý Rachel Myrick thuộc phân khoa Khoa Học Chính Trị tại đại học Duke, đăng tải trên tạp chí uy tín Foreign Affairs, ngày 14 tháng Sáu 2021).

*

Trong diễn văn đầu tiên gửi đến lưỡng viện Quốc Hội, ngày 28 tháng 4 kể từ khi nhậm chức tháng 1 năm nay, Tổng Thống Biden nêu lên là trong hàng chục cuộc điện đàm với các lãnh đạo thế giới, một bình luận được nhiều người nêu ra: “Chúng tôi thấy nước Mỹ trở lại, nhưng liệu được bao lâu?”. Sự nghi ngờ này của các lãnh đạo thế giới là phản ứng trực tiếp với những biến cố xảy ra gần đây. Dưới thời Tổng Thống Trump, Washington hoặc đã thách thức nghiêm trọng hoặc đã rút ngay ra khỏi hàng chục các thỏa thuận hay định chế quốc tế, như Thỏa Thuận Khí Hậu Paris, Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Thương Thuyết Hạt Nhân với Iran, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO).

Nhưng những lo âu về tính chất của những cam kết từ nước Mỹ, giữ được trong bao lâu, còn đi xa hơn những di sản ngoại giao của cựu Tổng Thống Trump. Các đồng minh của nước Mỹ cũng phản ứng với chính trị nội bộ nước Mỹ, đặc biệt là sự chia rẽ đảng phái ngày càng sâu đậm tạo nên một tương lai bất trắc cho chính sách ngoại giao của nước Mỹ. Khi quan sát sự phân cực chính trị trước cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ 2020, cựu Thủ Tướng Na Uy Gro Harlem Brundtland ghi nhận rằng nhiều lãnh đạo Âu Châu sẽ “không còn có thể đương nhiên tin tưởng vào nước Mỹ, ngay cả những điều căn bản nhất”.

Thứ Tư, 27 tháng 1, 2021

Mặc Lý: Ta Biết Tin Ai Bây Giờ?

Một người bạn tôi, trong một bàn luận về chính trị nước Mỹ, đã nói đùa: “Ta biết tin ai bây giờ?” (Bài Không Tên Cuối Cùng – Vũ Thành An). Anh nói đùa nhưng tôi nghĩ có nhiều người có câu hỏi tương tự, nghiêm chỉnh hơn là: “Trong thế giới thông tin ngày nay, làm sao đánh giá tin tức đến tay ta là tin thật hay tin giả?”. Trong bài này, tôi hạn chế chỉ nói về tin tức chính trị Mỹ.

Khi có một định kiến và dùng mạng xã hội như Facebook, Twitter…, bấm thích (Like) vài bài mà bạn thấy hợp và không cần bình luận gì cả, thuật toán của mạng xã hội sẽ mang cho bạn toàn những tin từ những nguồn này, và cứ thế mà nhân lên, bạn sẽ ở giữa vòng tin tức mà bạn sẽ vui và nghĩ là thật. Nhưng đó là tìm tin tức cho mình vui và những tin tức đó thường không phải là tin thật. Nhiều người chọn lựa như vậy và lâu ngày, họ nghĩ đó là thế giới thật. Bài viết này không dành cho họ mà chỉ cho những người muốn tìm hiểu và đánh giá tin tức thật hay giả một cách khách quan.

Nếu bạn ở nước ngoài và có trở ngại với tiếng Anh, tôi có thể đề nghị với bạn vài nguồn: RFI tiếng Việt của Pháp, BBC tiếng Việt của Anh, VOA và RFA của Mỹ (có hơi thiên kiến nhưng nói chung khá tốt). Báo Người Việt ở California cũng là một báo rất chuyên nghiệp. Tốt nhất là cùng một tin nên tham khảo nhiều nguồn đứng đắn để biết mọi phía. Nếu dùng mạng xã hội thì nên tránh những trang có ý kiến cực đoan, nhất là khi họ loan nhiều tin mà mình đã biết là sai lạc.

Nếu bạn ở Việt Nam không biết cách vượt tường lửa để đọc trực tiếp báo tiếng Anh hay những báo tôi đưa bên trên, tôi cũng không biết làm sao giúp bạn. Chỉ đề nghị khi đọc bất cứ cái gì, nên để thời gian suy nghĩ và tự đánh giá từ nhiều khía cạnh thay vì bị cuốn theo cảm tính. Và cần tỉnh táo với những cá nhân hay nhóm cực đoan hay loan tin sai lạc như đã đề cập bên trên.

Bài viết này chính yếu dành cho các bạn không trở ngại tiếng Anh và nếu ở Việt Nam thì biết cách vượt tường lửa để đọc tin tức nguyên thủy. 

Phần 1 – Tin tức và Ý Kiến


Thứ Ba, 16 tháng 6, 2020

Francis Fukuyama: Đại dịch và trật tự chính trị (Bản dịch của Mặc Lý)

Ba yếu tố quan trọng trong việc đối phó hữu hiệu với đại dịch là khả năng của nhà nước, lòng tin của xã hội và lãnh đạo (Francis Fukuyama).

(Bài “The Pandemic and Political Order” của Francis Fukuyama, đăng trên tạp chí Foreign Affairs số Jul/Aug 2020. Francis Fukuyama là một học giả về khoa chính trị học, kinh tế chính trị học và là một cây bút thường xuyên trên các tạp chí kinh tế và chính trị. Hiện nay ông là Olivier Nomellini Senior Fellow tại viện nghiên cứu Freeman Spogli Institute for International Studies, đại học Stanford. Ông là tác giả cuốn sách “Identity: The Demand for Dignity and the Politics of Resentment.)

Cuộc khủng hoảng lớn nào cũng kèm theo những hệ quả lớn, thường là khó thấy trước được. Cuộc Đại Khủng Hoảng thập niên 1930s đã kích thích chủ nghĩa cô lập, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa phát xít và Thế Chiến 2 nhưng đồng thời cũng dẫn đến chính sách Kinh Tế Mới, sự trỗi dậy của nước Mỹ như một siêu cường thế giới và cuối cùng là việc phá bỏ chế độ thực dân trên toàn thế giới. Cuộc tấn công 9/11 đã gây ra hai cuộc chiến mà nước Mỹ đã can thiệp thất bại, sự trỗi dậy của Iran và những dạng Hồi Giáo cực đoan. Cuộc khủng hoảng tài chánh năm 2008 làm nổi lên phong trào dân túy chống lại những định chế cũ, làm thay đổi nhiều lãnh đạo trên thế giới. Các sử gia sau này sẽ truy ra những hệ quả to lớn từ đại dịch gây ra bởi con vi trùng corona chủng mới này. Nhưng với chúng ta, sự thách đố là hình dung được những hệ quả này, ngay từ thời điểm này.

Lý do tại sao cho đến nay vài quốc gia đối phó với đại dịch hữu hiệu hơn những quốc gia khác thì khá rõ và chúng ta cũng có lý do để tin là sự đối phó hữu hiệu này sẽ tiếp tục như vậy. Đó không phải là vấn đề thể chế chính trị. Vài thể chế dân chủ đối phó cơn dịch tốt trong khi các thể chế dân chủ khác lại tệ hại, và ngược lại. Điều này cũng đúng với các chế độ độc tài chuyên chế. Ba yếu tố quan trọng trong việc đối phó hữu hiệu với đại dịch là khả năng của nhà nước, lòng tin của xã hội và lãnh đạo. Quốc gia nào có cả ba yếu tố này: guồng máy nhà nước vận hành tốt đẹp, một chính phủ mà người dân tin tưởng và lắng nghe , và lãnh đạo quốc gia có năng lực thì sẽ đối phó đại dịch rất hữu hiệu, giới hạn được thiệt hại phải chịu đựng. Những quốc gia nào có bộ máy nhà nước vận hành tồi tệ, xã hội phân rã và lãnh đạo yếu kém thì đối phó cơn dịch cũng tồi tệ, làm sinh mạng người dân và kinh tế của họ chịu thiệt hại nặng nề.

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2020

Mặc Lý: Toàn Cầu Hóa và COVID-19

Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không
(Bùi Giáng)

Hoa Kỳ là một quốc gia non trẻ, ra đời chưa được 250 năm. Đất đai bao la, nhiều tài nguyên, những người lập quốc dám từ bỏ những vùng đất họ quen thuộc ở lục địa cũ nhưng nhiều áp bức về chính trị, tôn giáo để bắt đầu cuộc sống tại một vùng đất mới mẻ. Họ có đầu óc mạo hiểm, và cả đầu óc sáng tạo để tồn tại trong vùng đất bao la này.

Toàn cầu hóa kinh tế như một dây chuyền sản xuất và tiêu thụ


Từ đầu thế kỷ 20, Hoa Kỳ đã là một cường quốc kỹ nghệ trên thế giới. Một trong những đóng góp nổi bật trong kỹ nghệ sản xuất xe hơi là “dây chuyền sản xuất” của Henry Ford năm 1913 (tuy ông có thể lấy ý từ những người khác như William Klann hay từ các công ty khác như Olds Motor Vehicle Company…). Nói một cách vắn tắt, “dây chuyền sản xuất” là mang việc lại cho công nhân hay người thợ lắp ráp. Họ chỉ ở một chỗ, khi công việc theo dây chuyền tới thì làm một động tác nhất định, hoàn thành một phần việc trong quá trình sản xuất. Công việc được chuyên môn hóa, công nhân làm một phần việc đặc trưng nên tiết kiệm thời gian, vật liệu và năng suất tăng rất cao.

Gần năm mươi năm nay, khái niệm toàn cầu hóa càng ngày càng trở nên quen thuộc, tuy những ý niệm và thực hành (một phần) đã có rất lâu, cả ngàn năm trước. Ta có thể nói đến toàn cầu hóa về chính trị, về văn hóa nhưng trong phạm vi bài này tôi chú trọng về toàn cầu hóa kinh tế, tuy toàn cầu hóa chính trị, văn hóa và kinh tế có những liên hệ chồng chéo với nhau. Toàn cầu hóa kinh tế là khái niệm bao gồm các nền kinh tế địa phương hay kinh tế quốc gia thành một khối kinh tế lớn, bao trùm tất cả, trong đó tư bản, nguyên vật liệu lưu thông tự do như một dây chuyền sản xuất (và tiêu thụ) vĩ đại. Mỗi nhóm nhân lực trong một hay nhiều quốc gia làm một phần việc trong quá trình. Tư bản/nguyên vật liệu lưu thông tự do không có những nút chặn, mang lại lợi nhuận rất lớn. Khái niệm toàn cầu hóa về kinh tế phù hợp với chủ nghĩa tư bản, nhất là với chủ trương ít can thiệp vào kinh tế của đảng Cộng Hòa nước Mỹ.

Thứ Năm, 26 tháng 3, 2020

Branko Milanovic: Cái Nguy Thực Sự của trận Đại Dịch là sự Sụp Đổ của Xã Hội (Mặc Lý dịch)

Khi kinh tế toàn cầu tan rã, các xã hội cũng có thể tan rã theo (Branko Milanovic).

(Bản dịch bài “The Real Pandemic Danger Is Social Collapse” của Branko Milanovic, đăng trên tạp chí Foreign Affairs, ngày 19/03/2020. Branko Milanovic hiện đang dạy tại Graduate Center of the City University of New York (CUNY), ông từng là kinh tế gia trưởng trong Ban Nghiên Cứu của World Bank.)

Cho đến tháng 3, 2020, toàn thế giới bị ảnh hưởng bởi một con ác quỷ mà họ chưa tìm thấy cách đối phó hiệu quả, kéo dài bao lâu thì chưa ai có thế tiên đoán chính xác. Những tác hại về mặt kinh tế từ trận đại dịch do con vi trùng mới này gây ra, không nên được hiểu như một vấn đề thông thường mà kinh tế vĩ mô có thể giải quyết hay làm giảm bớt được. Thay vào đó, thế giới có thể chứng kiến một thay đổi cơ bản về tính chất của nền kinh tế toàn cầu.

Cuộc khủng hoảng trước mắt là về chuỗi Cung và Cầu. Chuỗi Cung đi xuống vì các công ty đóng cửa hay giảm giờ làm để bảo vệ công nhân không bị lây nhiễm COVID-19, căn bịnh gây ra bởi con vi trùng mới này. Tiền lời hạ xuống không thế bù đắp việc công nhân không đi làm được, cũng y như nếu một xí nghiệp bị dội bom, tiền lời hạ xuống không làm sản phẩm làm ra lúc trước xuất hiện ngày hôm sau, hay tuần sau hay tháng sau.

Dao động chuỗi Cung này còn bị bồi thêm với sự suy giảm của chuỗi Cầu, do ở việc người ta bị nhốt ở nhà và nhiều vật phẩm dịch vụ thông thường họ quen dùng thì không còn nữa. Nếu bạn đóng cửa biên giới và không phận, không có cách khuyến mãi hay đáp ứng về cầu nào có thể làm người ta bay. Khi người ta sợ hay bị cấm đi ăn nhà hàng hay tham gia các sự kiện công cộng, đáp ứng về cầu chỉ có thể có ảnh hưởng chút xíu, mà cũng không nhất thiết là ảnh hưởng tốt, nếu ta coi sức khỏe cộng đồng là trọng.

Thứ Tư, 18 tháng 3, 2020

Henry Farrel & Abraham Newman: Liệu Coronavirus có chấm dứt Toàn Cầu Hóa như chúng ta biết hiện nay không? (Bản dịch của Mặc Lý)

(Nguồn : “Will the Coronavirus End Globalization as We Know It? “ của Henry Farrel & Abraham Newman, đăng trên tạp chí Foreign Affairs, 16/03/2020). 

Trận đại dịch COVID-19 đang đặt toàn cầu hóa vào một thử thách rất lớn. Khi chuỗi Cung gián đoạn và các quốc gia đang thu gom các tiếp liệu y tế và giới hạn đi lại, cuộc khủng hoảng này đã làm người ta phải đánh giá lại toàn bộ nền kinh tế thế giới hiện đang gắn kết với nhau. Không những việc toàn cầu hóa làm cho bệnh tật lây lan nhanh chóng khi có bệnh truyền nhiễm, nó còn làm cho các công ty và quốc gia tùy thuộc lẫn nhau, dễ sụp đổ khi có những biến động bất thường. Nay, các công ty và quốc gia đã hiểu ra là họ dễ bị sụp đổ như thế nào.

Nhưng bài học từ trận đại dịch do con vi khuẩn mới này không phải là toàn cầu hóa thất bại. Bài học ở đây là toàn cầu hóa dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động, mặc dù có những ích lợi (hay chính vì có những ích lợi). Trong nhiều thập niên qua, các công ty cố gắng không ngừng để làm giảm những bước không cần thiết và từ đó đạt giá trị tài sản cao chưa từng thấy trước đây. Nhưng những cố gắng này cũng làm giảm những nguồn sản xuất bình thường không dùng tới – các kinh tế gia gọi là “slack” – khi ta quan sát toàn thể kinh tế thế giới. Trong lúc bình thường, các công ty thường xem “slack” như độ đo lường về khả năng sản xuất đang nằm không, thậm chí đang phí phạm. Nhưng trong những lúc khủng hoảng, slack lại làm toàn bộ hệ thống tiếp tục vận hành, như những van an toàn.

Thiếu những van an toàn như vậy có thể làm gián đoạn chuỗi Cung, như ta đã thấy trong vài lãnh vực y tế khi trận đại dịchnày xẩy ra. Các nhà sản xuất tiếp liệu y tế thiết yếu, bỗng nhiên thấy sự tăng vọt của chuỗi Cầu thế giới, thấy quốc gia này cạnh tranh với quốc gia kia để tìm nguồn Cung. Kết quả là ta thấy có sự thay đổi quyền lực của các khối kinh tế quốc gia lớn trên thế giới, khi những quốc gia đã chuẩn bị chu đáo cho cuộc chiến đấu với trận đại dịch này thì hoặc là đã thu gom được nguồn Cung vật liệu cho chính họ hoặc là để giúp cho các quốc gia khác. Kết quả là họ có thể mở rộng ảnh hưởng của họ trên bàn cờ thế giới.

HIỆU QUẢ HƠN NHƯNG CŨNG DỄ SỤP ĐỔ HƠN


Thông thường, ta nghĩ về toàn cầu hóa như là nó sẽ tạo ra một sân chơi thế giới, cho phép các nhà sản xuất có thể xây dựng được những chuỗi Cung không cứng nhắc bằng cách thay một nhà cung cấp này bằng một nhà cung cấp khác, nếu cần thiết. Sự giàu có của quốc gia, như Adam Smith đề cập về quốc gia, cũng trở thành sự giàu có của thế giới khi các doanh nghiệp lợi dụngđược sự phân bố lao động toàn cầu. Chuyên môn hóa sẽ làm hiệu quả hơn, và hiệu quả hơn sẽ nâng cao lợi nhuận và phát triển hơn.

Thứ Sáu, 13 tháng 3, 2020

Austan Goolsbee: Tại sao COVID-19 có thể đe dọa đến kinh tế của nước Mỹ nhiều hơn của Trung Quốc (Mặc Lý dịch)

(Bản dịch bài “Why the Coronavirus Could Threaten the U.S. Economy Even More Than China’s” của kinh tế gia Austan Goolsbee, đăng trên báo The New York Times, ngày 06/03/2020. Ông từng là Chủ Tịch Hội Đồng Cố Vấn Kinh Tế cho chính phủ Obama từ 2009 đến 2011, được Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới (World Economic Forum) liệt trong danh sách 100 Nhà Lãnh Đạo Toàn Cầu Của Thế Hệ Tương Lai. Hiện ông là giáo sư kinh tế trường Thương Mại Booth, đại học Chicago). 

Sau một loạt tử vong, một vài phiên sụt giảm muốn đứng tim của thị trường chứng khoán và cú cắt giảm lãi xuất khẩn cấp của Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang, chúng ta có lý do để âu lo đến tác động tối hậu của COVID-19 lên nền kinh tế nước Mỹ. 

Để tìm câu trả lời, trước hết hãy nhìn vào Trung Quốc, nơi con siêu vi khuẩn này đã phát tán rộng rãi nhất trên thế giới. Tin tức xám xịt với tử vong, cô lập và nền kinh tế dậm chân tại chỗ, tuy số trường hợp mới bị nhiễm bệnh bắt đầu trên đà đi xuống. 

Những nền kinh tế tiên tiến như của Hoa Kỳ khó có thể miễn nhiễm với những tác động này. Ngược lại, nếu dịch bệnh bùng phát trong những quốc gia này, có thể những tác động sẽ nghiêm trọng hơn so với Trung Quốc. Những công nghiệp dịch vụ giữa người với người là những công nghiệp tuột dốc không phanh nếu con người vì sợ hãi dịch bệnh mà tránh giao tiếp. Trong những quốc gia có lợi tức cao, những công nghiệp dịch vụ có ảnh hưởng đến kinh tế nhiều hơn là trường hợp của Trung Quốc: Nếu người ta ở nhà, không đi đâu cả, không đi xem thể thao, không đi tập thể duc, không đi nha sĩ, hậu quả về kinh tế sẽ tệ hơn nhiều. 

Trong một nghĩa nào đó, đây là tác động về kinh tế, giống như tác động về y tế mà ta đã biết của COVID-19. Về y tế, siêu vi khuẩn này đe dọa sức khỏe của người già nhiều hơn của người trẻ, thì về kinh tế, tác động này sẽ đặc biệt nghiêm trọng đến những nền kinh tế tiên tiến. 

Thứ Tư, 19 tháng 2, 2020

Michael Fullilove: Tôi đã mất niềm tin vào nước Mỹ như thế nào (Mặc Lý dịch)

(Bản dịch bài “How I lost my faith in America” của Michael Fullilove, đăng trên báo The Atlantic, ngày 11/02/2020. Ông là Giám Đốc Điều Hành của The Lowy Institute, Sydney, Australia). 

Trong một ngày giá lạnh tháng 01/2009, tôi đã chứng kiến Barack Obama tuyên thệ nhậm chức Tổng Thống từ khu công viên National Mall, Washington DC. Lễ tuyên thệ của một người da màu trước thềm Quốc Hội, một tòa nhà do nô lệ da màu xây dựng, làm cho tôi nhớ tới sức mạnh đáng kể của nước Mỹ từng làm ngạc nhiên những kẻ chỉ trích lẫn bạn bè. 

Nhưng buổi sáng giá lạnh đó dường như đã qua rất lâu. Chuyện vài năm qua, chính ra là những biến cố của tuần qua, trong đó có sự thiếu chuyên nghiêp của Đại Hội đảng Dân chủ ở Iowa, trò hề thô lỗ trong việc đọc Thông Điệp Hiện Tình Đất Nước hàng năm và sự tha bổng TT Donald Trump về những tội mà ông ta đơn thuần đã phạm phải, đã làm lay chuyển niềm tin này của tôi vào nước Mỹ. 

Tôi lớn lên từ Sydney, Australia, nhưng giống như nhiều người Úc khác, tôi thường nhìn về nước Mỹ. Tôi xem phim của Billy Wilder, đọc Martin Luther King Jr., Ted Sorensen và Peggy Noonan và nghe nhạc của Aretha Franklin và Bruce Springsteen. Tôi đã từng viết một cuốn sách về Franklin D. Roosevelt, người đã từng đưa nền dân chủ Mỹ ra khỏi cơn Đại Khủng Hoảng, đưa nước Mỹ vào Thế Chiến 2, ra khỏi chủ nghĩa cô lập và hòa nhập thế giới, dẫn Đồng Minh đến chiến thắng những lãnh tụ độc tài và đắc cử Tổng Thống 4 lần, vô tiền khoáng hậu. Tất cả những việc làm này từ con người với thân xác suy nhược của Franklin D. Roosevelt. 

Công việc hàng ngày hiện nay của tôi là điều hành The Lowy Institute, một viện nghiên cứu các chính sách công của nước Úc. Đa số người Úc ủng hộ liên minh với Mỹ. Nước Úc là đồng minh tin cậy nhất của Mỹ: quốc gia duy nhất đã tham chiến bên cạnh Mỹ trong tất cả những xung đột thế kỷ 20 và 21. Chúng tôi biết rằng sự hiện diện của Mỹ tại Á Châu trên ba phần tư thế kỷ nay đã đóng góp cho an ninh và thịnh vượng của khu vực này. Người Úc không mặn mà với chuyện sống trong một khu vực mà Trung Quốc thống trị. Chúng tôi mong muốn một sự cân bằng lực lượng tại Á Châu, chấp thuận những tiêu chuẩn quốc tế và cai trị bằng luật pháp cũng như một sự hiện diện lâu dài của nước Mỹ. 

Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2016

Mặc Lý - Đôi điều về Luật Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam mới


Tháng 11, 2014, Quốc Hội Việt Nam ban hành luật Bảo Hiểm Xã Hội (BHXH) 58/2014/QH13 áp dụng từ 01/01/2016 để thay thế các luật trước đó về bảo hiểm xã hội. Nói chung, trong bất cứ quốc gia nào, một hệ thống an sinh xã hội tốt sẽ góp phần tạo ổn định cho quốc gia.

Trong bài này chúng tôi dùng chữ Chủ để chỉ người sử dụng lao động, NLD chỉ người lao động và phần lớn chú trọng đến quyền lợi hưu trí của BHXH.

Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

Mặc Lý - Thư gửi các con


Mặc Lý - 


Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ
(Vũ Đình Liên)

Chưa bao giờ trong lịch sử con người lại có nhiều thay đổi như trong thời đại ngày nay. Bố có cảm tưởng con người trải cả trăm năm chỉ trong chục năm. Thời bố mới lớn, máy tính là một cái gì cao siêu, nay thì ở trong mỗi gia đình. Những internet, laptop, tablet, GPS quá sức phổ thông ngày nay là những cái bố chưa bao giờ tưởng tượng ra được khi bố mới đến Canada gần ba mươi năm trước. Có những cái rất xa rất xưa nhờ máy tính, nhờ mạng, đã được mang lại ngay trước mắt. Nhưng ngược lại, khi con người thay đổi để thích nghi với môi trường biến động nhanh chóng ở chung quanh, có những điều quen thuộc trong vài chục năm trước đã trở thành xa lạ ngày nay. Một trong những cái đó là những giá trị mà trước kia được coi là mẫu mực của người đàn bà trong xã hội Việt Nam. Bố kể lại cho các con cuộc đời của bà nội, một người đàn bà tiêu biểu của thế kỷ trước. Một số điều bố biết qua lời kể của bà, một số điều từ người thân như những bà chị của bà vào Sài gòn thăm sau 1975, nhưng phần lớn thì bố lấy ra từ ngay trí nhớ của bố.

Ông bà cố, bố mẹ của bà nội, thuộc tầng lớp tương đối khá giả ở nông thôn miền Bắc. Ông bà cố có độ dăm mẫu ruộng, vừa có tá điền vừa làm ruộng lấy. Ông cố có mua một hàm Chánh Hội trong làng, gọi là có chút phẩm hàm trong làng. Tuy tương đối khá giả, nhưng ông bà cố vốn tính cần kiệm của miền Bắc quanh năm lụt lội hạn hán mất mùa đói khổ, nhà thường ăn cơm chấp quanh năm, nghĩa là cơm độn, độn ngô hay độn khoai lang. Ông bà cố các con lại theo thói xưa không cho con gái đi học, nghĩ rằng con gái  đi học thì chỉ viết thư cho trai nên nhà có bốn người con gái không ai được đi học cả. Con gái đến tuổi lớn là bước lên khung cửi dệt vải. Chỉ có bà nội các con, thèm biết chữ vì thấy nhiều người khác đọc sách được nên dùng tiền bòn nhặt những dịp lể Tết, hội hè, buổi tối sau khi xong việc dệt vải, bước xuống khung cửi, mượn một tá điền một tối hai xu dạy cho biết đọc biết viết. Chỉ sau vài tháng là bà nội con biết đọc biết viết kha khá rồi sau đó học một mình. Bà cố cũng ngạc nhiên, bảo ông cố "Quái, con T. này học bao giờ mà biết đọc vanh vách vậy nhỉ?"

Đến tuổi lấy chồng, đầu tiên ông bà cố tính gả bà nội các con cho một người gia đình khá giả trong làng nhưng bà nội cương quyết không chịu, vì chê anh này không có học. Ông bà cố ép không được đành chịu. Sau có một bà mai giới thiệu ông nội các con ở làng bên. Theo lời bà mai thì ông nội tuy nhà nghèo nhưng có tiếng học giỏi. Lúc đó ông nội mới học đệ tam niên ban Thành Chung, tức tương đương lớp tám bây giờ. Các con đừng cười, vì thời xưa ông nội các con đi học trễ, tuy học lớp tám nhưng lúc đó cũng đã trên mười tám tuổi chứ không còn nhỏ nữa. Mẹ của ông nội là người hiền, ông cố bố của ông nội chết khi ông nội các con, người con út,  mới lên ba tuổi. Bà cố ở vậy, buôn bán nuôi mẹ chồng và ba con trai. Khi bà nội lấy ông nội, mãi đến khi động phòng, bà nội mới biết mặt ông nội. Chuyện này phổ thông thời đó, nhưng chắc chắn các con ngày nay không tưởng tượng ra được. Đại gia đình bà cố gồm cả ba con trai đã lập gia đình nên nhà cửa chật chội, sau một năm lấy nhau thì ông bà nội các con ra ở riêng.
 
Hình 1: Thiếu phụ ngoài hai mươi

Bà nội là người tháo vát, sau khi ông nội đậu Thành Chung, tức tốt nghiệp lớp chín, ngỏ ý muốn tiếp tục học thêm thay vì đi làm, bà đã tìm cách buôn bán nuôi chồng ăn học. Bà buôn hàng gánh, gánh những mặt hàng từ vùng Việt Minh kiểm soát, chính yếu là vải vóc dệt tay, sang vùng tề (vùng Pháp kiểm soát) và  ngược lại từ vùng tề sang vùng Việt Minh những mặt hàng như thuốc tây, đá lửa.... Mỗi chuyến hàng gánh là gánh trên hai chục cây số, cả đêm, tránh đồn bót vùng tề lẫn trạm kiểm soát vùng Việt Minh. Bị bắt thì nhẹ ra hàng bị tịch thu mà nặng thì tù tội có khi mất mạng. Vì thế, gánh hàng chỉ gánh đi ban đêm, đến sáng mới đến được nhà người quen giao hàng rồi lại đi sắm hàng để đến tối lại gánh chuyến hàng trở về. Đầu tiên thì gánh thuê, nghĩa là vốn người khác bỏ ra, bà nội chỉ lấy công. Một thời gian sau bà mới có đủ vốn để sắm gánh hàng buôn riêng. Có lần bà gánh hàng, về đến nhà thì ngày hôm sau là nằm ổ, nghĩa là sinh bác N. chị lớn nhất của bố. Sinh xong bà mượn vú nuôi, ba ngày sau bà nội thắt bụng lại rồi đi buôn tiếp. Cảnh này gọi là:
Con cò lặn lội bờ sông 
Gánh gạo nuôi chồng nước mắt nỉ non

Phải có một ý chí rất mạnh mới làm được những điều đó. Lúc vượt cạn bà chỉ một mình xoay xở là chính, vì ông nội đi học nơi xa, không gần nhà. Mãi đến khi ông nội đậu Tú Tài rồi động viên vào quân trường Thủ Đức trong Nam thì bà mới lên Hà Nội, gọi là biết chút văn minh tỉnh thành. Rồi chẳng bao lâu, hoàn cảnh đất nước chia đôi, ông bà nội các con di cư vào Nam, bỏ lại quê hương miền Bắc chôn nhau cắt rốn và hầu như toàn bộ đại gia đình hai bên. Ở lại miền Bắc, ông bà cố thời gian Cải Cách Ruộng Đất bị đấu tố là địa chủ, đến cả người thân cũng không dám giúp đỡ, sau may mắn được hạ xuống hàng phú nông, sống hơn chục năm sau rồi mất. Sau 1975, bà nội vẫn ngậm ngùi không có dịp đền đáp công ơn dưỡng dục của bậc sinh thành, nhưng biết sao được.

Vào trong miền Nam, trong thời gian đầu của đệ nhất Cộng Hòa, ông nội trong quân đội nhưng làm việc hành chánh ở Vũng Tàu nên có thời gian học thêm buổi tối cho đến khi đậu được cử nhân Luật. Trong thời gian đó, bà tuy có năm con vẫn tìm cách làm việc thêm kiếm tiền. Bà mướn một người giúp việc nhà, rồi làm mắm cua, mắm cáy hàng tháng từ Vũng Tàu mang về Sài gòn bán cho những người quen. Chắc chắn là mắm của bà nội không có tiếng như mắm Bà Giáo Thảo, nhưng đó là một nguồn thu nhập đáng kể trong thời gian gia đình ông bà nội ở Vũng Tầu.
 
Hình 2: Thiếu phụ ngoài ba mươi

Ông nội là mẫu người không để ý nhiều đến vật chất, đi làm về giao hết tiền lương cho bà tiêu pha sao thì tiêu pha, ngoài chuyện dạy con cái học hành chỉ thích nói chuyện văn chương chuyện chính trị với bạn bè cùng tâm tính. Do đó gánh nặng tài chánh, lo lắng chi tiêu trong gia đình coi như ở trên vai một mình bà nội các con.

Sau 1963, cả nhà dọn về Sài Gòn rồi một hai năm sau đó, ông nội chuyển ngành và dọn trước ra Nha Trang làm việc. Bà nội các con và các anh chị em của bố vẫn ở lại Sài Gòn một thời gian. Bà lấy tiền dành dụm, chạy đầu này đầu kia mua sắt thép xi măng xây nhà. Một thiếu phụ chưa đi học, đứng ra mướn thầu khoán, chỉ huy thợ thuyền xây một căn nhà ba tầng thì không phải dễ. Cái nào bà không biết thì hỏi những người có kinh nghiệm. Nhà nào cũng vậy, xây ở chưa dược dăm tháng, bà thấy  thì có lời lại bán lại. Gặp thời buổi chiến tranh sôi động, nhà cửa tại Sài Gòn lên giá nhanh chóng, bà xây nhà hai lần như vậy thì kiếm được một số vốn khá lớn thời đó.

Khi cả nhà di chuyển ra Nha Trang, ông bà nội các con có sang lại một nhà trong cư xá quân đội, dĩ nhiên giá cả rẻ hơn nhiều so với bên ngoài. Lúc này người giúp việc đã nghỉ vì vật giá leo thang, bà không kham nổi. Hơn nữa các bác các chú đã lớn có thể phụ đỡ đần việc nhà. Ngoài việc nội trợ, bà còn mua nhà mua đất ở Nha Trang và cả ở Cam Ranh để đầu tư, nhưng không sinh lời được như giai đoạn ở Sài Gòn. Lúc này lương ông nội không còn đủ để chi phí trong gia đình nên bà phải lấy tiền để dành từ trước ra phụ thêm. Bố còn nhớ trong suốt bẩy năm sống tại Nha Trang, những lần cả gia đình đi ăn tiệm có thể đếm trên đầu ngón tay, và những dịp như  vậy cũng thường là chỉ đến tiệm phở khi có gia đình ông bà L. là chị họ ông nội từ Sài Gòn ra chơi. Sau này bà thỉnh thoảng lại ân hận để con cái khổ cực, nhưng bố hiểu cái ưu tư lớn nhất đeo đẳng hầu như suốt đời của bà là có đủ tiền lo cho các bác các chú và bố học hành đến nơi đến chốn, không phải thất học như bà.
 
Hình 3: Thiếu phụ ngoài bốn mươi

Rồi đến cuộc đổi đời 30/04/1975. Ông nội như bao nhiêu sĩ quan và công chức khác của phe thua cuộc, đã khăn gói vào trại học tập cải tạo. Đây là một ngôn từ hoa mỹ, thực chất chỉ là một hình thức ở tù, không phải là tù giam thường mà tù khổ sai. Người đi vào tù thì cực thân cực trí nhưng không phải bương chải vì mọi chuyện nằm ngoài tầm tay của họ. Chuyện đó, chuyện lo toan xoay xở để gia đình sống còn, là chuyện của những người còn lại bên ngoài trại tù.
Bố không muốn nhắc lại những lỗi lầm tả khuynh ấu trĩ của nhà cầm quyền lúc đó, nhưng thực sự những người bên phe thua cuộc bị coi như một loại công dân hạng hai, nếu không có lý do ở lại thành phố thì bị liệt vào thành phần ăn bám xã hội, sẽ bị cưỡng ép đưa đi vùng kinh tế mới. Với các con sinh đẻ bên Canada, danh từ vùng kinh tế mới xa lạ với các con lắm. Đây là một vùng đất hoang, khô cằn, dĩ nhiên cần bàn tay người khai phá. Tuy nhiên các con ở bên này, bạn bè con mỗi người một cá tính một khả năng, các con chọn hướng học, chọn nghề nghiệp theo năng khiếu của mình. Nhà cầm quyền lúc đó không nghĩ vậy, thái độ trịch thượng với phe thua cuộc  và trí óc hẹp hòi của họ cho rằng chỉ có cày ruộng hay làm việc trong nhà máy mới là sản xuất, còn không là ăn bám xã hội tất. 

Trở lại chuyện lo toan xoay xở của những người ngoài vòng tù tội để sống còn, lúc đó mới lại thấy tài tháo vát của bà nội các con. Chỉ một hai tháng sau khi ông nội đi vào trại tù, bà và bác T. anh của bố, đã lên Hóc Môn, tìm những người quen học nghề dệt chiếu. Ý bà là muốn tạo một lý do để gia đình ở lại Sài Gòn vì ở thành phố lớn dù sao cũng đỡ bị đàn áp và dễ kiếm sống hơn. Học nghề xong, bà đặt giàn dệt chiếu ở nhà. Phòng khách dưới nhà của ông bà nội, sofa bàn ghế thì đem bán hết, còn lại đục lỗ trên nền gạch làm chỗ dệt chiếu. Thật sự dụng cụ dệt chiếu cũng đơn giản, chỉ cần một ghế dài, một go dệt và bốn cọc sắt bốn góc để căng go chiếu là xong. Bác T. sau khi lập giàn dệt chiếu tại nhà thì đi quanh xóm đễ lập giàn dệt chiếu cho những người trong phường cùng hoàn cảnh như gia đình bà nội các con, muốn tìm một chỗ bám víu vào thành phố khỏi bị đẩy đi kinh tế mới. Một giàn dệt chiếu như vậy, vừa dựng vừa chỉ cách dệt, làm độ một ngày là xong, bác T. lấy công khoảng mươi dồng. Lúc đó lương tháng của một công nhân trung bình khoảng  80 đồng. Bà nội còn được bầu làm tổ trưởng tổ dệt chiếu của phường vì là người tiên phong mang nghề dệt chiếu về phường. Vậy là các con của bà, nếu không học đại học hay đi làm, với nghề dệt chiếu được coi như nghề lao động không ăn bám xã hội, có lý do để sống tại thành phố. Mỗi đứa con được cắt giờ dệt chiếu tại nhà, sao cho từ sáng đến tối lúc nào công an đi qua lại trước nhà cũng thấy có người đang dệt chiếu, nghĩa là đang lao động. Còn phần bà thì lại đi phe, nghĩa là đi ra chợ xa nhà một chút, mua qua bán lại, mua đủ loại, thường là quần áo cũ, mua xong bán lại kiếm lời. Các con có trong thời buổi ấy mới thấy bà nội như một gà mẹ, thấp thoáng bóng diều hâu lượn thì vươn cánh ra che chở cho gà con.

Chút vốn liếng dành dụm cả đời, đến thời phong trào vượt biên nổi lên, bà nội đã dùng nó để gửi lần lượt từng đứa con ra đi tìm tự do. Mỗi lần tiễn con đi là mỗi lần đứt ruột, vì với bao hiểm nguy chờ đón trước mắt, không biết có còn gặp lại nhau nữa không. Đến khi bố là người con vượt biên sau cùng thì coi như bà nội gần như trắng tay. Cũng may lúc đó bác T. và bác O. đã đi làm được, gửi tiền về nuôi ông bà nội và cô út. Và bà nội cũng chỉ nhận tiền tối thiểu, đủ cho những sinh hoạt căn bản nhất trong nhà. Tiền còn dư thì bà nội lại theo các thầy các ni trong chùa Kim Cương gần nhà, đi mọi nơi tặng quà, làm việc từ thiện. Bà nội vẫn thường bảo đó là một trong những giai đoạn đẹp nhất đời bà nội vì bà nội không còn phải lo âu, không còn phải ký cóp dành dụm cho tương lai con cái nữa.

Khi sang đến Canada, như các con cũng thấy, bà nội hầu như chỉ quanh quẩn trong nhà tối ngày. Cuối tuần rảnh rỗi bố mới chở bà nội lên chùa. Giao tiếp khó khăn, tiếng Anh không biết, cuộc sống ở đây dù đã trên hai mươi năm với ông bà nội cũng chẳng phải là chốn quen thuộc, nơi chôn nhau cắt rốn cho được. Biết làm sao được? Sống ở đây thì cảm thấy xa lạ, sống ở Việt Nam thì suốt ngày thương con nhớ cháu. Cũng coi như sự đau khổ của ông bà nội là một phần đau khổ của dân tộc Việt Nam.
 
Hình 4: Bà nội khi gần cuối đời

Bà nội qua đời, nhẹ nhàng chóng vánh, bố cũng mừng khi bà nội không phải chịu nhiều cảnh khổ thứ ba của kiếp người. Cuộc đời của bà, cũng như  của trăm nghìn người đàn bà Việt Nam thế kỷ trước, không có niềm vui riêng, chỉ coi chồng con là niềm vui của chính mình. Bố không khuyên con gái của bố như vậy, vì bố biết mỗi thời mỗi khác. Cái đúng của trăm năm trước không còn là cái đúng thời nay. Nhưng bố nhắc lại chuyện đời bà nội cho các con biết, như là kể lại cho các con nghe một câu chuyện đẹp. Những cái này rồi sẽ dần dần lui vào quá khứ. Để rồi, chỉ có những người tò mò, thổi lớp bụi dầy của thời gian, mới tìm lại được.


Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

Mặc Lý - Trần Hoài Thư và Thư Ấn Quán



Mặc Lý
Nói về chuyện sách vở văn chương thì có lẽ tôi cũng là loại mê sách. Sách vở tôi thì tuy không nhiều bằng sách của các ông Nguyễn Hưng Quốc và Nguyễn Mạnh Trinh nhưng ít ra làm mình tự tin hơn khi viết gì cần đến tài liệu dẫn chứng. Ngoài ra tôi coi sách, không dám như gia bảo nhưng như một thú vui có thể chia sẻ với bạn bè quen. Tuy nhiên đây là những nhu cầu hoàn toàn riêng tư. Tôi biết có một người yêu sách vở gấp trăm lần tôi và lòng yêu thích sách vở của ông ấy còn hướng tới một mục đích rất đáng ngưỡng mộ.
Đó là nhà văn Trần Hoài Thư, người tôi gặp cho tới nay mới chỉ một lần duy nhất nhưng tôi coi như một ông chú, một ông anh lớn thân từ kiếp nào.
THT sinh năm 1942, xuất thân là một nhà giáo, sau đó đi lính năm 1966 (khóa 24 Thủ Đức). Từ 66 đến 70, tuy cận thị nặng, ông ở Đại Đội Thám Kích 405, sư đoàn 22 BB. Mỗi lần đi hành quân ông phải buộc dây sau tai để giữ kính khỏi rớt. Thám Kích là một đơn vị đặc biệt chỉ có ở quân khu 2, giống như Trinh Sát (Beo) của quân khu 4 hay Trinh sát/Hắc Báo của Quân Khu 1. Tổng cộng 13 đại đội Thám Kích cùa quân khu chia về 2  sư đoàn 22 và 23 Bộ Binh. Có những trận hành quân đêm mà người lính sụp lỗ phải đợi cấp chỉ huy dí súng  vào lưng dọa bắn mới chịu đứng dậy vì chỉ một cây đại liên bố trí đâu đó có thể đưa cả tiễu đội lên bàn thờ như chơi. Hay có những trận Trung Đoàn đẩy đại dội Thám Kích đi đầu rồi trở về không tới 50% quân số.
Cây đa. Ngàn rễ đâm lòng đấtNhư tấm lòng người với Bồng SơnĐa bám làng, tôi đi bám đấtĐất và làng, thương quá quê hương(thơ THT- Cây đa bên cầu, Ô Cửa, Thư Ấn Quán tái bản 2009) 
Thế hệ của ông là thế hệ mang những gánh nặng nhất của cuộc chiến
Thế hệ chúng tôi đã mang đầy vết sẹoVết sẹo ngoài thân và vết sẹo trong hồnKhông phạm tội mà ra tòa chung thẩmNhận án tử hình ở tuổi thanh xuân(thơ THT - Thế hệ chiến tranh, Ô Cửa, Thư Ấn Quán tái bản 2009) 
Trong hoàn cảnh như vậy ông vẫn viết bất cứ lúc nào.  Ông viết dễ dàng còn hơn đưa ly rượu lên miệng: viết dưới hầm, trùm poncho dưới giao thông hào, bật đèn pin để viết, viết trong lúc dừng quân trong quán cà phê, viết khi chân ngực băng kín trong quân y viện...(Phạm Văn Nhàn). Anh đang viết, viết cuống cuồng hối hả. Anh sợ sẽ không còn dịp viết thêm được nữa (THT).
Một nhà văn trẻ, với 4 tác phẩm đã in trước 75 và mấy chục bài báo và thơ trên Văn, Bách Khoa, Văn Học, Thời Tập, Vấn Đề, Ý Thức...khi cái chết lúc nào cũng cận kề.
Ông rời Thám Kích về làm phóng viên chiến trường vùng 4 trong hai năm sau cùng của cuôc chiến. Sau 75, ông đi cải tạo gần bốn năm rồi về bán bong bóng, vượt biên sang Bidong, Mã Lai. Đến Mỹ năm 1980, ông cắp sách đi học lại, BSc Comp 1984, MSc Applied Math 1996, ông làm cho IBM và AT&T gần 20 năm trước khi về hưu năm 2004.
Một hành trình cam go của một người mang những gánh nặng nhất của cuộc chiến. Nhưng chưa hết. Nếu chỉ vậy, tôi không viết về ông.
Cái tôi muốn nói đây là tấm lòng của ông với văn chương sách vở.
Ông đã chủ trương Thư Ấn Quán, với mục đích bảo tồn di sản Văn Chương Miền Nam. Ông đã sưu tập, đánh máy và in hàng trăm tựa sách của những cây bút thời chiến với sự giúp đỡ của một vài người bạn. Sách in không bán, chỉ để tặng nếu ai yêu cầu. Ai muốn đóng góp thì tùy hỉ, tem $1 càng tốt để ông dễ gửi sách. Ông còn giận khi ai đó đề cập đến vấn đề thương mại. Gọi là lấy công làm lỗ. Ông và người bạn đời sống một cách rất bình dị khi về hưu.
Có lần ông bà lái xe trên 5 giờ vào giữa mùa đông, chỉ để đến thư viện đại học Cornell photo lại một bài báo trên số Văn của một người viết, không quen biết ông, nhưng nay ung thư, biết ông hay đi thư viện đại học Mỹ tìm tài liệu, muốn nhờ ông tìm lại bài mình viết xưa. Hai ông bà thay nhau lái xe, bị một cơn bão tuyết trên xa lộ, xoay bánh xe xuống đống tuyết vệ đường, vậy mà không sao cả.
Sách ông in, y hệt thậm chí còn đẹp hơn của những nhà xuất bản chuyên nghiệp, bìa láng (với máy in bìa láng mua sale $30 nhưng phải lái xe gần 3 tiếng để mua). Ông giỏi về computer và có mắt nghệ thuật. Với tuổi đời đã quá cổ lai hi, có những lúc bệnh gout, bệnh joint hành hạ ông đi không nổi, phải bò, lết, ông vẫn trụ với Thư Ấn Quán. Tạp chí Thư Quán Bản Thảo vừa kỷ niệm năm thứ 12, giữa lúc bao nhiêu tạp chí, nhà xuất bản đình bản trong thời đại TV, Internet. Mỗi số trên dưới 250 trang, số mới nhất là số 55. Thư Quán Bản Thảo và Thư Ấn Quán làm nổi bật văn chương đa dạng của miển Nam với một con số không hoặc gần như số không trong cùng thời gian đó của văn chương miền Bắc. Những số báo với những tài liệu ít có về những cây bút giai đoạn 54 - 75: Nguyễn Đức Sơn, Dương Nghiễm Mậu, Doãn Dân, Y Uyên, Thảo Trường, Lê Văn Thiện, Luân Hoán, Vũ Hữu Định, Hạc Thành Hoa... Sách báo ông cho tôi, nằm một vị trí trang trọng trong tủ sách gia đình. 
Trong những người tôi phải ngả nón bái phục, có ông và cả bà nữa, cô Yến. Thiếu nhân vật chính này, không chắc ông đã có kiên tâm làm một dự án lớn lao như vậy, trong một thái độ rất thiền VUI THÔI MÀ (lời THT).
Như một tiền định, tên đời thường của ông là Trần Quí Sách.
Mặc Lý