Hiển thị các bài đăng có nhãn Mặc Lâm. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Mặc Lâm. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2020

Mặc Lâm (RFA - 2010): Nhà văn Hồ Trường An

Tưởng nhớ nhà văn Hồ Trường An
Hồ Trường An tên thật là Nguyễn Viết Quang, sinh ngày 11 tháng 11 năm 1938 ở làng Long Đức Đông, tỉnh Vĩnh Long
vừa qua đời tại Troyes nước Pháp ngày 27.1.2020.
Để tưởng nhớ ông, chúng tôi mời bạn đọc xem bài nhận định về tác giả Hồ Trường An của ký giả Mặc Lâm (RFA), cùng truyện Một Thuở Xuân Như Ý của ông.

Nhà văn Hồ Trường An (phải) và soạn giả Nguyễn Phương. Photo courtesy of vietnamthuquan.net

Hồ Trường An tên thật là Nguyễn Viết Quang, sinh năm1938 tại Long Đức Đông, tỉnh Vĩnh Long.

Ông tốt nghiệp Khóa 26 (1968) Trường Bộ Binh Sĩ Quan Thủ Đức. Trưởng ban Chiến Tranh Chính Trị tại hai Chi Khu Trị Tâm và Lái Thiêu tỉnh Bình Dương từ năm 1969 tới năm 1971. Sau đó phục vụ tại Ban Thông Tin Báo Chí Quân Đoàn III và Quân Khu 3 cho tới tháng 4/75. Hiện cư ngụ tại Troyes, Pháp.

Ông viết truyện ngắn, thơ, điểm sách, viết tạp ghi. Và sau này ông viết các bài nhận định về kịch ảnh, tân nhạc. Hồ Trường An cộng tác với các tạp chí Bách Khoa, Tin Văn, Tiểu Thuyết Tuần San, Minh Tinh, Sinh Hoạt Nghệ Thuật, với các nhật báo Tranh Thủ, Tiền Tuyến...

Sự nghiệp sáng tác của Hồ Trường An khó thể nói là khiêm nhường, với 22 truyện dài, 10 tập truyện, 16 bút khảo, ký sự, bút ký và 3 tập thơ được xuất bản, đó là chưa kể những bài viết rời ông cộng tác với các tạp chí trong nước và hải ngoại suốt gần 50 năm cầm bút.

Lãng mạn miệt vườn


Văn phong Hồ Trường An gần gũi với những cây bút miền nam nổi tiếng từ Hồ Biểu Chánh tới Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc và cả Lê Xuyên. Người đọc ông có thể tìm thấy cái hương vị miền Nam đậm đặc trong từng hơi thở của nhân vật nhưng người đọc cũng dễ dàng phát hiện ra cái sâu thẳm hơn trong Hồ Trường An bởi tính chất lãng mạn của một ngòi bút bật ra quá nhiều tỉ mẩn của một cô con gái dính liền với thôn dã.

Thứ Năm, 26 tháng 12, 2019

Mặc Lâm (VOA Blog): Đưa tay che trời, thói mị dân không cần che giấu

Ảnh về ô nhiễm không khí ở Hà Nội hôm 30/9/2019
Trong những ngày gần đây Hà Nội sống trong không khí mù mịt như bị sương mù đậm đặc bao phủ. Người dân lo lắng nhưng không có phương pháp nào phòng chống lại đám bụi ấy. Cái khẩu trang thô sơ có lẽ là vũ khí duy nhất làm cho người Hà Nội an tâm một chút khi ra phố sinh hoạt mặc dù đa số biết rằng đối với loại bụi mịn hàm lượng PM2.5 thì cái khẩu trang mỏng dính của họ chỉ là miếng vải trang trí cho nỗi sợ hãi đang mỗi ngày một lớn.

Chính quyền Hà Nội chừng như bị bao vây bởi hàng ngàn câu hỏi và những trả lời lấp lửng của cấp thẩm quyền càng gây bức xúc cho người dân hơn là tạo cảm giác tin tưởng cho họ. Cách đây ít lâu ông Vũ Đăng Định - người phát ngôn UBND TP Hà Nội, đưa ra 12 nguyên nhân gây ô nhiễm gồm: “khí xả thải từ ôtô, xe máy; đun bếp than tổ ong, đốt củi; xây dựng, phá dỡ các công trình; vận chuyển vật liệu; mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; mùi từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm”.

Ông Định còn cho biết các nguyên nhân khác là: “đốt rơm rạ, rác; thu gom rác thải chưa tốt; ô nhiễm ao hồ lâu năm; bùn thải chưa được xử lý; khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố và một số tỉnh lân cận; tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa.”

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2019

Mặc Lâm (VOA): Những cái chết non

"Cái chết" của Lotus có thể xem là cái chết non của những phát biểu từ bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.

Năm 2016, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn, chủ biên cuốn sách với tên gọi “Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên hiện nay”. Cuốn sách không thấy ai phê bình hay hoặc dở chỉ có điều dưới mắt người dân nó là một cuốn sách chết non bởi người chủ biên của nó đã làm ngược lại những gì được viết trong sách. 

Cùng với ông Nguyễn Bắc Son, ông Tuấn bị truy tố về 2 tội danh "Vi phạm quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" và "Nhận hối lộ". Nhận định về vấn đề này, Thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an) cho rằng, cuốn sách đã bộc lộ bản chất không thật thà và thiếu trung thực của ông Trương Minh Tuấn. Không cần thiết phải thu hồi cuốn sách, cứ để như vậy bởi chẳng có ai đọc làm gì và tự khắc nó sẽ chết". 

Thật ra ông Trương Minh Tuấn từng là Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam nên lý luận chính trị của ông phải sắc bén và thuyết phục, ít nhất là thuyết phục những đồng chí chung quanh ông nhằm cho họ thấy rằng khả năng biểu đạt về chính trị của ông khó ai qua mặt, và khi làm Bộ trưởng Thông tin Truyền thông ông Tuấn nhiều lần xuất hiện trên báo chí hết lòng lên án những biểu hiện phản động, những manh nha chống lại chủ trương chính sách nhà nước và nhất là tố cáo thế lực thù địch âm mưu diễn biến hòa bình trong đảng. Cho tới khi bị bắt Trương Minh Tuấn vẫn là ngôi sao sáng bảo vệ tư tưởng chính trị cho đảng, và bây giờ thì người dân và cả đảng viên đều nhỉn rõ chân tướng của ông ta cũng như của chính cái Ban Tuyên giáo. 

Thứ Tư, 11 tháng 12, 2019

Mặc Lâm: ‘Kỷ luật’ có phải là luật pháp?

Vũ Huy Hoàng bây giờ lại được mang ra lần nữa trong cuộc chỉnh đốn đảng.
Rất nhiều người phấn khởi cho rằng cuối cùng thì sự chờ đợi của dư luận cũng được phản hồi, ba nhân vật có “vấn đề” từ bao năm nay đã lên thớt và chắc chắn bọn họ có an toàn về vườn thì sinh mệnh chính trị cũng không cách nào cứu vãn. 

Thật ra nếu nói người cộng sản coi trọng sinh mệnh chính trị thì chỉ đúng phân nửa, đúng khi họ chưa ngoi lên tới đỉnh cao quyền lực thì sinh mệnh chính trị là cứu cánh cho mục tiêu ấy, nhưng tới khi đã đạt được đình cao rồi thì “sự nghiệp tài sản” mới quan trọng đối với họ. Cống hiến để đổi lấy cái thành quả cuối cùng ấy bằng mua chuộc, quỳ lụy, cấu kết, biển thủ và cuối cùng là hạ cánh an toàn. Để đạt được mục tiêu họ sẵn sàng mua chuộc đường giây dẫn tới vị trí mà họ nhắm tới. Muốn chắc chắn hơn họ chấp nhận quỳ lụy và dâng hiến tất cả những gì họ có. Họ sẽ cấu kết với nhau làm thành liên minh để kiếm chác và hành vi biền thủ công quỹ là mục tiêu cuối cùng trước khi hạ cánh. Những đoạn đường ấy họ lấy bốn chữ sinh mệnh chính trị ra để khỏa lấp hay che đậy cái ý đồ mà họ theo đuổi cho tới khi vụ việc bị công luận vạch mặt họ mới cam chịu nhưng không dễ gì khai ra đồng phạm vì đồng phạm là cái phao cuối cùng họ có thể bám víu vào trong thời khắc nguy nan nhất. 

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2019

Mặc Lâm: Càng nghĩ càng thấy thương hội ‘No U’

Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh (giữa) cùng bạn bè phản đối các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, 6/8/2019.


Trong thời gian gần đây “đường lưỡi bò” xuất hiện tại Việt Nam với tần suất ngày một nhiều và tinh vi hơn. Nó có trong phim giải trí, trong bản đồ định vị của xe auto nhập khẩu, bây giờ nó xuất hiện trong giáo trình đại học của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

Trong cuốn Đọc sơ cấp 1 "Developing Chinese", bản đồ mô tả lãnh thổ Trung Quốc có thêm "đường lưỡi bò" được in to, rõ nét. Ở cuốn Nghe sơ cấp 1 "Developing Chinese", hình ảnh in nhỏ hơn. Đây là giáo trình dạy và học tập dành cho sinh viên năm nhất khoa Trung - Nhật.

Không như trước đây khi “đường lưỡi bò” xuất hiện thì chính quyền thường có thái độ thờ ơ, nếu buộc lắm chỉ phạt hành chánh và vật hay người mang nó hoàn toàn vô can. Nhưng lần này thì khác, đối với bộ phim "Everest - Người tuyết bé nhỏ" xuất hiện hình ảnh "đường lưỡi bò" thì Quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh của bà Nguyễn Thị Thu Hà bị thu hồi và một số cán bộ trong hội đồng duyệt phim bị khiển trách. Những chiếc xe có hệ thống định vị GDP mặc định hình lưỡi bò trong bản đồ đều bị thu hồi và hành động kịp thời này đã chứng tỏ rằng chính quyền đã thay đổi thái độ còn động cơ tại sao thay đổi so với trước đây thì còn tùy thuộc vào nhận định từng người.

Thứ Ba, 10 tháng 9, 2019

Mặc Lâm: Vụ Rạng Đông: Khi đà điểu đối phó thảm họa

Khu nhà kho Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông bị phá hủy do vụ cháy hôm 28/8/2019.

Câu chuyện đà điểu chui đầu vào cát mỗi khi thấy bão ập tới hay có kẻ thù nguy hiểm rình rập thực ra chỉ là câu chuyện ngụ ngôn không có thật, người xưa chỉ lấy hình ảnh to lớn của đà điểu đứng một mình giữa hoang sơ cúi đầu tìm thức ăn gây ấn tượng nó đang tránh né điều gì đó đang ập tới nhằm ngụ ý phê phán những con người có chức phận nhưng không hoàn thành trách nhiệm của mình, như con đà điểu trốn tránh trách nhiệm phải bảo vệ chính nó.

Câu chuyện này không khác mấy với thái độ chui đầu xuống cát của UBND thành phố Hà Nội trong mấy ngày qua khi nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông bị cháy gây phát tán chất độc thủy ngân có thể làm cho người dân quanh vùng bị nhiễm chất độc này. Từ khi xảy ra vụ cháy cho đến những tranh cãi về các thông báo cho người dân tránh xa vùng bị nhiễm độc, người dân cả nước thật sự ngạc nhiên khi UBND thành phố Hà Nội hoàn toàn im lặng, không hề có bất cứ chỉ đạo nào đối phó với tai họa này trong khi vai trò mà UBND thành phố mang trên vai là phải nhanh chóng xử lý vụ việc nhanh nhất có thể.

Thứ Năm, 29 tháng 8, 2019

Mặc Lâm: Tại sao giải pháp dễ nhưng thực hành lại khó?

Một trạm gác di động của Việt Nam tại Trường Sa, tháng Tư, 2010

Tình hình bãi Tư Chính và tàu Hải Dương 8 xâm phạm vùng đặc khu kinh tế của Việt Nam vẫn đang diễn biến ngày càng phức tạp và khó đoán định. Tin mới nhất cho biết con tàu này đang tiến dần vào Việt Nam chỉ cách Phan Thiết 185 hải lý tức đã vào khu vực kinh tế của Việt Nam có bề rộng 200 hải lý tính từ đất liền. Hành động ngông cuồng này của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh chưa bao giờ tỏ ra mềm lòng trước Hà Nội kể cả khi người bạn nhỏ bé này hết mực nhún nhường người anh cả trong cái gọi là “đại cục”. 

Trong thời điểm đối đầu hiện nay giữa hai nước, mang tàu thăm dò địa chất vào sâu trong vùng biển Việt Nam Bắc Kinh đang khiêu khích cả thế giới, nhất là Mỹ, một quốc gia mà hồi gần đây luôn lên tiếng bênh vực cho những nước yếu hơn Trung Quốc trên bàn cờ Biển Đông. Trung Quốc đã có những hành động khiêu khích đối với Mỹ trên vùng biển này lẫn trên lĩnh vực ngoại giao, mọi tuyên bố đều xoáy vào luận điểm: Cả Biển Đông là của Trung Quốc và nước ngoài không có quyền tham dự vào trên bất cứ phương tiện nào. 

Thứ Ba, 16 tháng 7, 2019

Mặc Lâm: Việt Nam có nên vì ‘đại cục’?

Dàn khoan Hải Dương 981 hồi tháng Năm, 2014. Liệu có sẽ xảy ra một vụ tương tự lần này không?

Câu chuyện giàn khoan Hải Dương 981 đang được lập lại, và không ai biết nó sẽ còn lập lại bao nhiêu lần nữa, ngoại trừ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc. 

Ngày 2/5/2014, Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 tới vị trí cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 17 hải lý về phía nam, cách đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam) khoảng 120 hải lý về phía đông. Đây là vị trí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Sau 75 ngày khiêu khích và gặp sự chống đối của Việt Nam cũng như quốc tế, ngày 16 tháng 7 giàn khoan này đã buộc phải rút khỏi khu vực mà nó chiếm đóng trái phép để di chuyển sang một địa điểm khác. 

Ngày 12 tháng 7 năm 2019, theo tin từ South China Morning Post (SCMP), có ít nhất 2 tàu Hải cảnh Trung Quốc và 4 tàu Cảnh sát biển Việt Nam đang đối đầu với nhau ở Bãi Tư Chính trong khoảng một tuần qua, nơi Việt Nam có nhà giàn DK1 do Tiểu đoàn DK1 trực thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân kiểm soát. 

Thứ Năm, 20 tháng 6, 2019

Mặc Lâm: Hong Kong: Sự kỳ diệu của con số hai triệu

Joshua Wong diễn thuyết với người biểu tình bên ngoài cơ quan lập pháp Hong Kong hôm 17 tháng Sáu.
Hai triệu người biểu tình tại Hongkong là kết quả của một phép thử mà Bắc Kinh tạo ra nhằm khủng bố những người sống ở Hongkong nhưng xem thường sức mạnh của đảng Cộng sản Trung Quốc. 

Lam Wing Kee, người sáng lập hiệu sách Causeway Bay Bookstore ở Hongkong đã bị bắt cóc và giam giữ ở Trung Quốc năm 2015 vì bán sách chỉ trích các nhà lãnh đạo Trung Quốc và bị buộc tội "điều hành một hiệu sách bất hợp pháp". Causeway Bay Bookstore là hiệu sách nổi tiếng của Hongkong chuyên bán các loại sách chính trị mà đối với chính quyền Trung Quốc thuộc loại nhạy cảm và phản động. Tuy nhiên hiệu sách lại thu hút một số rất lớn du khách đến từ Trung Quốc, họ tìm đến đây để mua những cuốn sách “nhạy cảm” ấy và kết quả là các thành viên của nhà sách bị chính quyền Trung Quốc truy đuổi khắp nơi. 

Nhà báo Trung Quốc có quốc tịch Thụy Ðiển Gui Minhai và bốn đồng nghiệp có liên hệ với tiệm sách Causeway Bay Bookstore, kể cả tổng biên tập Lee Bo, người có quốc tịch Anh đã đột ngột mất tích rồi sau đó xuất hiện trở lại sau khi ông Lam Wing Kee trốn về Đài Loan. Các vụ bắt cóc này khiến ông Andrei Chang, chủ tạp chí quốc phòng Kanwa Asian Defense, tạp chí hàng đầu viết về nền quốc phòng của Trung Quốc quyết định sang sống ở Tokyo trong khi vẫn tiếp tục xuất bản tạp chí của ông từ Hongkong. 

Thứ Tư, 29 tháng 5, 2019

Mặc Lâm: Thương chiến, chỉ là mới bắt đầu

Sử dụng điện thoại thông minh bên ngoài một cửa hiệu Huawei ở Bắc Kinh, 20 tháng Năm, 2019. Hình minh họa.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bước sang một thời kỳ mới, không còn mang hình thức bao vây, đối đầu trong lĩnh vực kinh tế khi Tổng thống Donald Trump ban hành lệnh cấm các công ty Mỹ sử dụng các thiết bị viễn thông được sản xuất bởi các công ty có thể gây nguy hại cho an ninh quốc gia trong đó dẫn đầu là tập đoàn Huawei Technologies. 

Ngay sau đó Google tuyên bố cấm Huawei sử dụng tất cả phần mềm từ hệ thống điều hành Android, YouTube, Google Search, Google Play Store, Chrome cùng tất cả các phần mềm dịch vụ khác như Google Map, Gmail trong các phiên bản tương lai. Hai ngày sau các hãng sản xuất linh kiện như Qualcomm, Intel, Xilinx, Broadcom đồng loạt có động thái tương tự kéo theo Infineon Technologies nhà sản xuất chip của Đức, cũng tuyên bố dừng xuất xưởng sản phẩm của mình cho Huawei Technology. 

Hình ảnh Huawei xấu hẳn trong mắt người tiêu dùng khắp thế giới, không ngoại trừ Việt Nam, nơi Huawei được Hà Nội nâng đỡ ngay từ những ngày đầu tiên khi tiến vào thị trường này. Hàng ngàn người hoảng sợ khi sở hữu chiếc cell phone mang nhãn hiệu Huawei khiến cho văn phòng đại diện của hãng này phải lúng túng giải thích cho hàng chục ngàn khách hàng nhưng không ai tin vào những lời giải thích ấy. 

Thứ Ba, 14 tháng 5, 2019

Mặc Lâm: Rồng đi bộ

Google công bố một chương trình hỗ trợ đặc biệt dành cho các công ty khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam hôm 9/3/2019. Hình minh họa.

Rồng là một linh vật được người Trung Hoa tưởng tượng hàng ngàn năm qua. Hình ảnh của nó được các chế độ phong kiến lấy làm biểu tượng cho vua chúa và sau khi các triều đại phong kiến sụp đổ rồng lại được ước lệ hóa thành hình ảnh của một nền kinh tế thành đạt đến cực điểm khiến cho các nước khác lấy đó làm thang giá trị để noi theo áp dụng vào đất nước của mình. 

Rồng vốn bản chất là một con vật không có thật, nó được các họa sĩ Trung Hoa cổ xưa diễn đạt như một con vật không cánh nhưng lại biết bay, chỉ xuất hiện khi thời điểm quan trọng của xứ sở đặt niềm tin vào nó. Rồng luôn xuất hiện khi ẩn khi hiện và điều chắc chắn là nó không bao giờ…đi bộ ở cõi phàm trần này dẫu cho quân vương của nước ấy có đem lễ vật to lớn cách mấy để dụ dỗ nó. 

Đó là rồng phương Bắc, riêng con rồng Việt Nam thì có khác. Rồng Việt hơn hẳn các nước tôn thờ nó ở chỗ không những biết bay, nó còn biết đi bộ nữa, đặc biệt khi nó được ẩn dụ cho một nền kinh tế hóa rồng. 

Thứ Tư, 1 tháng 5, 2019

Mặc Lâm: Sợ biểu tình - bệnh đã đến hồi di căn

Biểu tình tại Công Viên Hoàng Văn Thụ, Sài Gòn, chống luật đặc khu và luật an ninh mạng. (Hình: FB Kim Bảo Thư)

Sáng ngày 26 tháng 4 một bài báo trên Thanh Niên Online của nhà báo Trung Hiếu có tựa: “Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: TP.HCM hứa với Bộ Chính trị sẽ không có biểu tình” thì ngay buổi chiều cũng bài báo ấy đã được sửa cả tựa lẫn nội dung: “Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: Nỗ lực làm cho người dân và doanh nghiệp hài lòng”. Tựa hai bài báo cách nhau một trời một vực và xem ra cái tựa sau rất ngớ ngẩn vì nội dung là bài phát biểu của ông Nhân trong vai trò Bí thư thành Ủy thành phố nói trước cán bộ cấp tướng nghỉ hưu tại TP.HCM nhân kỷ niệm 44 năm ngày thống nhất đất nước thì làm sao lọt doanh nghiệp vào trong đó? 

Thật ra ngay khi bài báo thứ nhất xuất hiện thì cộng đồng facebook đã chia nhau loan tải với những nhận định thú vị từ tuyên bố của ông Nguyễn Thiện Nhân về chống biểu tình. Người đứng đầu thành phố cho rằng Công an TP.HCM cần phối hợp với Bộ Tư lệnh TP.HCM xây dựng phương án chống biểu tình, trong đó có phương án chống biểu tình bằng xe máy và đưa người từ các tỉnh về TP.HCM biểu tình như lần trước vào ngày 10 tháng Sáu năm 2018 quy tụ hơn 10 ngàn người từ nhiều nơi về thành phố chống lại dự luật 99 năm của Đặc khu. 

Thứ Năm, 25 tháng 4, 2019

Mặc Lâm: Người chết để tiếng…

Ông Lê Đức Anh đọc bài diễn văn cuối cùng tại kỳ họp Quốc Hội 1997.

Trong lịch sử Đảng Cộng Sản Việt Nam có lẽ người bị nghi ngờ về hành vi lẫn lý lịch không minh bạch lại leo lên tới chức vụ cao nhất (ChủTịch nước) đang có rất nhiều nguồn dư luận tranh cãi là công hay tội so với bề dày hoạt động cách mạng của ông: Đại tướng Lê Đức Anh.

Cuộc tranh luận bắt đầu từ một bài viết ngắn trên trang Facebook của Lê Mạnh Hà, con trai Lê Đức Anh: “44 năm trước đại tướng Lê Đức Anh chỉ huy một cánh quân trong đội quân huyền thoại tiến về Sài Gòn thống nhất đất nước, mang lại hòa bình cho dân tộc. Ông sẽ là người cuối cùng trong Bộ chỉ huy chiến dịch năm ấy ra đi mãi mãi.”

Bài viết nhận được hàng ngàn phản hồi của người đọc và trong đó câu chuyện Gạc Ma được đem ra làm làm vũ khí chống lại Đại tướng Lê Đức Anh thay vì vinh danh những gì mà con trai ông cố gắng đánh bóng cho cha mình sau khi ông mất.

Trong khi giữ chức vụ Bộ trưởng Quốc Phòng, Ông Anh là người có công vận động, kết nối, tiếp xúc với các nhân vật trong Bộ chính trịViệt Nam làm cho cuộc gặp gỡ “Hội nghịThành Đô” hình thành để từ đó lịch sử cận đại Việt Nam lắp thêm một trang bí ẩn về nội dung cuộc gặp gỡ này khiến cho đất nước ngày một dính chặt hơn với Trung Quốc, nơi có một chính phủ luôn muốn Việt Nam thành chư hầu qua nhiều cuộc chiến tranh trong suốt chiều dài lập quốc.

Thứ Năm, 18 tháng 4, 2019

Mặc Lâm: 60 triệu đô la bị chuột gặm

Tòa nhà dang dở của ông Trịnh Vĩnh Bình tại Sài Gòn

Đó là số tiền mà chính phủ Việt Nam phải trả cho ông Trịnh Vĩnh Bình, một doanh nhân Hà Lan về Việt Nam đầu tư, tài sản bị nhà nước tịch thu, bản thân bị giam giữ trái phép và chính phủ thất tín với người đi kiện mình. Tổng cộng 37.581.596 đôla thiệt hại và gần 7,9 triệu đôla án phí cộng với 15 triệu đô la mà Việt Nam đã trả cho ông Bình tại Singapore vào năm 2005.

Đây là vụ án chấn động Việt Nam trong những năm qua từ thời ông Lê Khả Phiêu làm TBT và ông Trần Đức Lương là Chủ tịch nước. Vụ án mang hình ảnh “trấn lột” rõ rệt của các sứ quân địa phương khi Việt Nam vừa đổi mới, chính phủ kêu gọi sự đóng góp của kiều bào về xây dựng đất nước. Ông Trịnh Vĩnh Bình là người nhanh nhẩu trở về với hy vọng tạo dựng một cơ sở kinh doanh theo ý tưởng mới. Chỉ sau 8 năm làm việc ông đã thành công vượt mức và tạo dựng hẳn một cơ ngơi có thể gọi là đồ sộ nhất thời bấy giờ, tháng 6 năm 1987 cho tới 1996, ông đã chiếm lĩnh thị trường địa ốc tại tỉnh Vũng Tàu bằng cách thu mua hàng trăm héc ta đất, xây dựng những cơ sở kinh doanh triệu đô, nuôi dưỡng hơn 3 ngàn công nhân làm việc và thu nhập của ông lên hơn tám lần, khoảng 30 triệu đô la so với số vốn ban đầu ông mang vào Việt Nam.

Thứ Tư, 20 tháng 3, 2019

Mặc Lâm (VOA): BOT bẩn được bảo vệ vì ai?

Chuyện xảy ra ở BOT An Sương - An Lạc: Dân phòng sừng sộ và văng tục với những người không mua vé khi qua trạm này. (Hình: Trích từ video Youtube)

Vậy là nhà nước chính thức bắt tay vào việc đối phó với những người chống BOT bẩn. 

Sáng ngày 15 tháng 3 hàng trăm nhân viên thuộc nhiều lực lượng đã đổ bộ xuống Trạm thu phí Thăng Long-Nội Bài nhằm “ổn định” tình hình an ninh trật tự mà thực chất là đối phó với giới tài xế không chịu chấp hành nộp tiền lệ phí thu quá mức quy định. 

Người muốn qua trạm phải trả phí nếu không chấp hành lập tức bị xe cẩu đi còn người thì bị bắt giữ. Theo hình ảnh ghi nhận được từ các trang mạng xã hội có ít nhất 5 người bị bắt và 3 xe đã bị cẩu đi. Lực lượng giữ trật tự tại đây hùng hậu vượt quá yêu cầu khi các loại xe như cứu hỏa, cứu thương, xe cẩu, xe của CSGT… cùng xuất hiện cho thấy quyết tâm bảo vệ các BOT bẩn của chính quyền. 

BOT nói cho cùng chỉ là một doanh nghiệp, không hề là một cơ quan nhà nước. Nếu doanh nghiệp và người sử dụng không đồng ý với nhau thì chính quyền với vai trò là trung gian cần có hành động hòa giải và cùng tìm giải pháp công bằng cho cả hai bên. Nếu người dân có hành vi bạo động, phá hoại an ninh trật tự công cộng thì biện pháp trấn áp như đang đưa ra là cần thiết, nhưng trấn áp, bắt bớ, lưu giữ phương tiện trong khi người dân chỉ vì không đồng ý trả tiền là biện pháp cả vú lấp miệng em, có ý đồ bênh vực những BOT bẩn mà người dân đang lên án hàng ngày. 

Thứ Ba, 12 tháng 3, 2019

Mặc Lâm: Có một trí thức như thế trong đất nước này

Trang Facebook của ông Trần Đức Anh Sơn. 1/3/2019

Sau Giáo sư Chu Hảo, bây giờ tới lượt nhà nghiên cứu Biển Đông, TS Trần Đức Anh Sơn bị khai trừ đảng. Bản tin từ báo chí trong nước cho biết TS Trần Đức Anh Sơn, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, vừa bị Thành ủy Đà Nẵng khai trừ khỏi Đảng hôm 7/3/2019. Đặc biệt là tin này không làm cho ai ngạc nhiên mà thậm chí rất nhiều người tỏ ra phấn khởi, vui mừng. 

Trên trang facebook riêng của mình, TS Trần Đức Anh Sơn bình thản cám ơn người hâm mộ, bạn bè trong và ngoài nước của ông khi nghe tin. Không một lời biện bạch, phân giải hay xúc động ông chỉ bình thản cho rằng mình đang hạnh phúc, hạnh phúc vì được trở về với chính mình. 

Khác với nhiều người hoạt động cho dân chủ, nhân quyền TS Sơn tuyên bố thẳng thừng ông là một nhà khoa học, một sử gia và không phải là người hoạt động chính trị. Ông bị khai trừ đảng với lý do giống như nhiều người khác: do viết, đăng tin, bài trên Facebook, mà chính quyền cáo buộc là sai sự thật…. không đúng với quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Việt Nam trên mạng xã hội. 

Trong vai trò Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng TS Trần Đức Anh Sơn nhiều lần trả lời những vấn đề hóc búa về Hoàng Sa hay Trường Sa cho các đài phát thanh ngoại quốc. Sự thẳng thắn của ông chỉ gói gọn trong một mục đích: trả lại cái gì của Caesar và đừng vin vào bất cứ lý do gì để biện minh hành động trí trá của mình. Từ năm 2009 khi nhận trách nhiệm với Viện Nghiên cứu phát triển, TS Sơn không ít lần gây đau đầu cho chính quyền Đà Nẵng khi đòi công bố bản đồ mà ông phát hiện được chứng tỏ Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ông nhiều lần tổ chức kỷ niệm ngày mất Hoàng Sa tại Đà Nẵng và không ít lần bị cảnh cáo từ Thành ủy. 

Thứ Ba, 5 tháng 3, 2019

Mặc Lâm (VOA): Ngưu tầm ngưu…

Kim Jong-un và Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội, 1 tháng Ba, 2019.

Tàu hỏa đối với dân chúng Việt Nam là phương tiện giao thông rẻ tiền, ai cũng đã từng nghe hơn một lần tiếng còi của nó khi vào ga hay ngang những đoạn đường có xe ô tô băng ngang mà không hề ngạc nhiên, cho tới khi một con tàu hỏa khác thường xuất hiện tại ga Đồng Đăng, thuộc tỉnh Lạng Sơn thì hình ảnh con tàu cũ kỹ, nhem nhuốc trong trí óc người dân tại đây đã hoàn toàn thay đổi: đó là đoàn tàu bọc thép của Chủ tịch Kim Jong-un từ Bình Nhưỡng đến Việt Nam. 

Con tàu bọc thép này là phương tiện chỉ đưa đón một người khi nó di chuyển bất kể trong nước hay ngoại quốc. Từ thời Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) tới Kim Jong-il (Kim Chính Nhật) và bây giờ là Kim Jong-un (Kim Chính Ân) thay nhau cai trị Bắc Triều Tiên con tàu bọc thép này như hình ảnh của chiếc Air Force One của các đời Tổng thống Mỹ. Nó không bay nhưng chạy xuyên cả Đông Bắc Á và con tàu này có lẽ là hình ảnh vừa sống động lại lấp ló nỗi kinh hoàng cho những ai trông thấy nó. Kinh hoàng vì nó chứa bên trong Chủ tịch Kim Jong-un con người nguy hiểm nhất hành tinh, người đang sở hữu vài chục đầu đạn hạt nhân và gần 26 triệu người dân trong đó có gần 9 triệu rưỡi quân lính chính quy và dự bị, với quân đội thường trực lên đến 1 triệu 210 ngàn người, lớn thứ tư trên thế giới chỉ sau Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ. 

Thứ Ba, 26 tháng 2, 2019

Mặc Lâm: Cái chết của một tổ chức văn hóa

Bản thông báo ngưng hoạt động Quỹ Văn Hóa Phan Châu Trinh được bà Nguyễn Thị Bình ký ngày 20 tháng 2 năm 2019.

Đối với những ai quan tâm tới lĩnh vực văn hóa học thuật Việt Nam chắc không khỏi buồn lòng khi nghe tin Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh đã chính thức ngưng hoạt động. Bản thông báo được bà Chủ tịch Nguyễn Thị Bình ký ngày 20 tháng 2 năm 2019 và phát hành rộng rãi vào ngày 23 tháng này.

Một trong những nội dung cho biết “11 năm hoạt động cho phép Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh vui mừng trước những thành quả bước đầu ấy trong việc khởi phát tinh thần “Hưng dân trí, chấn dân khí”. Nay do một số điều kiện khách quan, chúng tôi xin trân trọng Thông báo chấm dứt mọi hoạt động của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh kể từ ngày công bố Thông báo này”.

Phải công nhận rằng Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh là một tổ chức được hình thành và hoạt động rất bài bản chuyên nghiệp, tập trung một số nhân sĩ trí thức cùng mục tiêu khai sáng tầm nhìn của người dân qua Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh một giải thưởng được Nhà xuất bản Tri Thức và Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trao hằng năm cho các cá nhân có cống hiến xuất sắc trong các lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu văn hóa, Việt Nam học và dịch thuật.

Bên cạnh giải thưởng là sinh hoạt xuất bản sách do nhà xuất bản Tri Thức cộng tác với Quỹ cho ra đời các loại sách nghiên cứu, văn học, chính trị, giáo dục giá trị được giới trí thức đánh giá cao và người đọc tuy có sự tuyển chọn nhất định nhưng đa số đều chấp nhận hướng đi của nhà xuất bản.

Thứ Năm, 14 tháng 2, 2019

Mặc Lâm: Có một cuộc xâm lược khác

"Nhân dân sẽ không quên", biểu ngữ trong một cuộc biểu tình tưởng niệm chiến tranh biên giới 1979 năm 2016 tại Hà Nội.

Kỷ niệm 40 năm ngày chiến tranh biên giới xảy ra năm nay báo chí được tháo cái rọ bút để lên tiếng về cuộc chiến mà từ nhiều năm trước câu chuyện tang thương này gần như biến mất trên báo chí truyền thông nhà nước. Hơn nữa nó còn bị cắt xén, tối giản đếm mức cả cuộc chiến tranh với tổn thất nặng nề chỉ gói gọn lại vài dòng trong sách giáo khoa mà kẻ thù từng giết dân quân miền Bắc được khoác cho một cái tên mới là “nước ngoài”. 

Cuộc chiến tranh xâm lược ấy từng được tuyên truyền trong suốt thời kỳ Lê Duẩn cầm quyền cho đến khi Hội nghị Thành Đô thành hình năm 1991 thì bỗng dưng im bặt. Các cơ quan nhà nước trở nên im lặng một cách khó hiểu về cách ứng xử với Trung Quốc, mọi thù hằn không những biến mất mà trái lại ai nhắc nhở tới chúng cũng đều bị chụp cái mũ phá hoại tình hữu nghị hai nước. Và cái tình hữu nghị ấy càng kéo dài thì sự uất ức của người dân càng tăng cao vì họ hiểu thái độ này chỉ là mặt trái của lòng thần phục. 

Thứ Tư, 13 tháng 2, 2019

Mặc Lâm (VOA): Khi VEC tự cho mình là nhà nước

Tài xế vui mừng sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra lệnh dừng thu phí ở trạm BOT Cai Lậy hồi năm ngoái. Nay BOT này bắt đầu thu phí lại nhưng giảm giá vé và kéo dài thời hạn khai thác.

Mạng xã hội Việt Nam trong những ngày đầu năm bị lôi cuốn theo những tin tức về vụ cướp tại trạm thu phí Dầu Giây, tiếp theo đó là một loạt câu hỏi liên quan đến số tiền thu được và nghĩa vụ thuế của công ty với nhà nước. Từ vụ cướp này người dân thấy rõ mức thu vô lý của một BOT trên lưng họ và dư luận bàn tán không dứt về tình trạng khai gian thu nhập của các đại gia chủ các BOT bẩn trên toàn quốc. 

Câu chuyện chưa ngã ngũ thì một tin khác xuất hiện trên báo chí làm cho dư luận căm phẫn hơn cả việc BOT gian lận, đó là bản tin VEC từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 phương tiện trên tuyến cao tốc do đơn vị này quản lý, khai thác. Nguyên nhân hai phương tiện bị cấm có các hành vi vi phạm các quy định theo Quyết định số 13/QĐ-VEC-HĐTV ngày 10/01/2019. VEC cho rằng những người đi trên 2 phương tiện này đã có hành vi gây rối tại trạm thu phí Long Phước trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. 

VEC là chữ viết tắt của Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (Vietnam Expressway Corporation). Nó là một doanh nghiệp chuyên môn đầu tư vào các dự án đường cao tốc và tranh thầu các BOT (viết tắt của tiếng Anh: Build-Operate-Transfer, Xây dựng-Vận hành-Chuyển giao). Chính phủ kêu gọi các công ty tư nhân bỏ vốn xây dựng trước (build) thông qua đấu thầu, sau đó khai thác vận hành một thời gian (operate) và sau cùng là chuyển giao (transfer) lại cho chính quyền sở tại.