Hiển thị các bài đăng có nhãn Luật pháp. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Luật pháp. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 5 tháng 12, 2023

Dương Như Nguyện: Thuyết Lập Hiến

LỜI GIỚI THIỆU VỀ CHỦ THUYẾT LẬP HIẾN (constitutionalism)

NÓI VỀ THUYẾT LẬP HIẾN:

"Điểm quan trọng nhất của cơ chế "rule of law" mà điển hình là nước Mỹ từ thuở lập quốc cho đến nay nằm ở thuyết lập hiến. Nói nôm na, thuyết lập hiến có nghĩa là bản hiến pháp được dùng để hạn chế quyền lực của chính phủ, và toàn thể cơ chế luật pháp của một quốc gia phải bắt đầu và dựa trên hiến pháp.  Bản hiến pháp trở thành cái chìa khóa canh giữ chính phủ không được lạm quyền. Nếu không có triết thuyết lập hiến ăn sâu vào văn hóa chính trị của một quốc gia và được thi hành dựa trên dân trí cao, thì bản hiến pháp cũng chỉ là một dụng cụ của những cá nhân chạy theo quyền lực và muốn áp đặt quyền lực ấy lên đám đông mà thôi, vì họ sẽ dùng bản hiến pháp để ban bố quyền lực cho chính họ.  Như thế bản hiến pháp trong tay những kẻ lạm dụng quyền lực không còn là “rule of law” mà là “rule of men.”  Các nhà lập hiến của Hoa Kỳ (ngay từ thời vua Quang Trung ở Việt Nam) đã tạo ra bản hiến pháp Hoa Kỳ dựa trên thuyết lập hiến để ngăn cản tệ trạng này khỏi phải xảy ra cho đất nước của họ.  


Thứ Ba, 29 tháng 11, 2022

Hoàng Đình Tạo: Những hình thức trừng phạt trong bang giao quốc tế và hiệu quả của chúng

PHẦN MỘT:  NHỮNG HÌNH THỨC TRỪNG PHẠT   

Trong mối bang giao quốc tế hôm nay, không còn chỉ gom vào vài nước láng giềng và khu vực như các thế kỷ trước, mà là cộng đồng quốc tế toàn cầu để cùng nhau gìn giữ hoà bình và phát triển, duy trì sự sống còn của con người và trái đất. Tuy nhiên, bên cạnh những lý tưởng cao đẹp ấy, phải luôn đi kèm những biện pháp cấm đoán, hạn chế, trừng trị những quốc gia vi phạm nghĩa vụ chung hay thực thi sai các luật lệ và qui tắc đã được thế giới phê chuẩn và chấp nhận.

Trong những biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, có một số như sau:

1.  CHẾ TÀI (Sanction)

Là biện pháp được thỏa thuận bởi các quốc gia để cưỡng chế, trừng phạt hay hạn chế, cấm đoán một quốc gia tham gia vào các hoạt động thương mại, mậu dịch, chính trị, thể thao; nhằm để quốc gia ấy tuân thủ luật pháp hay quy tắc quốc tế hầu mang lại hoà bình ổn định thế giới. (theo chương VII, điều 41, Hiến Chương LHQ). Đây là biện pháp không võ lực, trừ khi quốc gia vi phạm dùng đến phương tiện quân sự để đạt mục tiêu.


Thứ Tư, 8 tháng 10, 2014

Tuấn Khanh - Lương tâm, có một lương tâm

Ông Nguyễn Thanh Chấn
Trong một vụ án kéo dài suốt nhiều năm, mà nay vẫn còn gây tranh cãi, đó là trường hợp án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn. Trong lần trả lời báo chí mới đây, ông Phạm Tuấn Chiêm, thẩm phán TAND tối cao trong vụ xét xử ông Chiêm có tuyên bố rằng “tôi đã không làm gì trái với lương tâm”.

Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

Trà Mi - Thêm kiến nghị thư đòi Quốc hội VN giải thích rõ tội ‘tuyên truyền chống nhà nước’


Trà Mi, VOA


Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà và Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ 

Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, vợ của tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ đang bị cầm tù về tội ‘tuyên truyền chống nhà nước’ vừa gửi thư tới Quốc hội yêu cầu giải thích rõ về điều 88 trong Bộ luật Hình sự Việt Nam quy định tội ‘tuyên truyền chống phá nhà nước’.

Luật sư Dương Hà cho VOA Việt ngữ biết:
“Ngày 10/10/12 tôi gửi Kiến nghị Giải thích Pháp luật tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Luật pháp của Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Tôi yêu cầu những người viết ra luật này giải thích thế nào là hành vi ‘chống nhà nước’, ‘tuyên truyền’, ‘phỉ báng chính quyền’, ‘luận điệu chiến tranh tâm lý’, ‘phao tin bịa đặt’. Họ phải giải thích rõ ràng ra. Còn bây giờ cứ nói chung chung. Chẳng hạn như nói ‘làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu văn hóa phẩm có nội dung chống nhà nước’ thì cái gì quy định rằng nội dung ấy là ‘chống nhà nước’. Thế nào là bảo vệ nhà nước? Thế nào là chống nhà nước? Chúng tôi muốn biết rõ ràng để tất cả người dân khi đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của bản thân, nhân dân, và xã hội họ biết rằng ranh giới ấy là đúng hay chưa đúng. Chứ bây giờ cứ nói chung chung rồi khi cảm thấy không hài lòng thì bắt người ta và quy cho người ta, nếu sự việc cứ không rõ ràng như thế này thì rất là khổ cho dân. Rất mong muốn được họ trả lời. Việc chúng tôi cần làm thì chúng tôi phải làm và chúng tôi làm tới bao giờ thành công thì thôi. Đấy là trách nhiệm của một người công dân.”

Tháng 7 năm ngoái, một luật sư từng bảo vệ cho các nhà bất đồng chính kiến tại các phiên xử về điều 88 trong đó có tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ và blogger Điếu Cày, đã gửi đơn kiến nghị tương tự lên Quốc hội Việt Nam để nghị làm rõ điều luật này. Tuy nhiên, luật sư Hà Huy Sơn cho hay tới nay, kiến nghị thư của ông không nhận được một hồi đáp nào từ chính quyền.

Luật sư Sơn nói:
“Đơn kiến nghị tôi có nêu lên là điều 88 không rõ ràng, cụ thể nên việc thực hiện, áp dụng vào thực tế thì khó khách quan và dễ bị lạm dụng. Với chức năng nghề nghiệp, tôi thấy vướng mắc ở đâu, trong điều kiện pháp luật cho phép thì tôi thực hiện quyền của mình. Còn hy vọng có sự thay đổi thì không thể là thay đổi ngay được. Điều đó còn phụ thuộc vào thái độ và sự quan tâm của xã hội đối với vấn đề mà tôi nêu lên.”

Thực tế tại Việt Nam cho thấy các đơn khiếu nại, thỉnh nguyện, và kiến nghị thư của công dân ít có hy vọng được chính quyền hồi đáp, nhưng luật sư Dương Hà nhấn mạnh rằng:

“Căn cứ khoản 3, điều 7 của Luật tổ chức Quốc hội năm 2001, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhiệm vụ giải thích Hiến pháp, luật, và pháp lệnh. Họ ăn lương nhà nước để làm việc này. Nghĩa vụ của họ là phải làm. Còn họ không làm thì họ phải chịu trách nhiệm với nhà nước, với nhân dân.”

Giới bảo vệ nhân quyền trên thế giới nhiều lần tố cáo điều 88 trong Bộ Luật Hình sự Việt Nam vi phạm quyền tự do ngôn luận của công dân và chỉ trích rằng Hà Nội lạm dụng điều luật này để bóp nghẹt những tiếng nói bất đồng với nhà nước.

Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều người tại Việt Nam bị kết tội vi phạm điều 88 và các bản án tù cũng ngày một nặng tay hơn. Bản án mới nhất 26 năm tù dành cho ba blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần, và AnhbaSG về tội ‘tuyên truyền chống nhà nước’ đang dấy lên làn sóng phẫn nộ mạnh mẽ trong công luận cả trong lẫn ngoài nước.

Thứ Năm, 17 tháng 5, 2012

Lê Diễn Đức - Phiên toà phúc thẩm xét xử công an đánh chết người: Đình hoãn không nằm trong kịch bản


Lê Diễn Đức
phỏng vấn Trịnh Kim Tiến


Băng rôn của gia đình nạn nhân trước Toà án, Hà Nội
ngày 14/5/2012 - Ảnh: Dân Làm Báo

Vào sáng ngày 14/5/2012, Hội đồng xét xử Toá án tối cao Hà Nội đã quyết định hoãn phiên toà phúc thẩm xét xử cựu trung tá công an Hà Nội Nguyễn Văn Ninh đã đánh gãy cổ gây tử vong cho ông Trịnh Xuân Tùng vào đầu năm 2011, chỉ vì ông Tùng đi xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm.

Cái chết oan khuất của ông Trịnh Xuân Tùng trong tình trạng lạm quyền, sử dụng bạo lực thô bạo phổ biến của công an Việt Nam khi làm nhiệm vụ đã làm dư luận trong và ngoài nước phẫn nộ.

Cũng nên nhắc lại, vào ngày 23/10/2010, đánh chết em Nguyễn Văn Khương 21 tuổi ngay tại trụ sở công an, cũng chỉ vì em Khương đi xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, cựu thiếu úy công an Nguyễn Thế Nghiệp đã bị Toà án tỉnh Bắc Giang xử phạt tù giam 7 năm.

Bản án dành cho Nguyễn Văn Ninh của phiên toà sơ thẩm ngày 13/1/2012 với 4 năm tù giam theo điều 97 Bộ Luật Hình Sự, cùng với nhiều sai phạm về thủ tục tố tụng đã được luật sư, gia đình cô Trịnh Kim Tiến, con gái của nạn nhân, cùng nhiều tác giả của các bài viết vạch trần sự bất minh trước công luận. Cả 4 người trong gia đình nạn nhân đều viết đơn kháng án.

Phiên toà bị hoãn trước sự tranh đấu quyết liệt của cô Trịnh Kim Tiến và gia đình. Và như vậy, một lần nữa chúng ta có cơ hội để xem vở hài công lý này sẽ tiếp tục được diễn ra sao, khi mà người công an áp giải tội phạm Nguyễn Văn Ninh ra xe đã nói câu: "Gia đình này chỉ làm mất thêm thời gian thôi"! Có nghĩa là mọi thứ đều đã có kịch bản? Vâng, chúng tôi biết thế, nhưng chúng tôi vẫn phải đưa âm mưu đen tối bao che cho tội ác ra trước ánh sáng công luận!

Dưới đây là cuộc phỏng vấn nhanh Trịnh Kim Tiến ngay sau khi ra khỏi Toà án ngày 14/5/2012.


Người bận quân phục xanh không xưng tên,
chức vụ đã "cưỡng chế" lấy băng rôn trước sự phản đối
của mọi người - Ảnh: Dân Làm Báo

Lê Diễn Đức: Được biết chỉ bà nội em là người duy nhất nhận được giấy triệu tập tới dự phiên toà phúc thẩm xử cựu trung tá công an Nguyễn Văn Ninh, người đã đánh chết dã man cha em. Như vậy em, mẹ em và em gái "trắng tay". Điều gì đã khiến em quyết tâm tới toà án? Em không nghĩ rằng người ta sẽ dùng vũ lực ngăn chặn? Và kết quả?

Trịnh Kim Tiến: Đúng là chỉ có bà nội em là người duy nhất trong gia đình nhận được giấy triệu tập tham dự phiên tòa, nhưng mẹ em, em và em gái vẫn quyết tâm đến Tòa vì em chắc chắn một điều rằng, theo đúng pháp luật, mẹ con em hoàn toàn có đủ tư cách để tham dự phiên tòa. Đó là quyền lợi và nghĩa vụ của thân nhân người bị hại, quyền cơ bản của con người. Em cũng lường trước là họ sẽ gây khó khăn, ngăn cản việc tham gia tố tụng trong phiên tòa của gia đình em, nhưng em kiên quyết đấu tranh đến cùng để đòi lại quyền lợi hợp pháp của gia đình mình và kết quả là họ phải cho 4 người trong gia đình em vào Tòa.

Lê Diễn Đức: Khi tới phòng xử án, thái độ của hội đồng xét xử như thế nào khi thấy sự hiện diện đầy đủ của gia đình em?

Trịnh Kim Tiến: Toà có đọc đủ tên những người trong gia đình em ở phần triệu tập và giải thích việc bà nội em là người duy nhất nhận được giấy triệu tập là do lỗi của văn thư.

Lê Diễn Đức: Nguyên nhân mà toà quyết định hoãn phiên toà phúc thẩm được công bố là "không đủ nhân chứng"? Có phải là do em và gia đình đòi hỏi phải có nhân chứng đầy đủ như trong đơn kháng cáo?

Trịnh Kim Tiến: Gia đình em đã yêu cầu hoãn lại phiên tòa vì những người làm chứng và những người chịu trách nhiệm liên quan trực tiếp đến vụ án không được triệu tập đến phiên tòa để đối chất công khai tại tòa. Chỉ có nhân chứng Phạm Quang Hùng và dân phòng Đặng Hoàng Anh được triệu tập, nhưng Đặng Hoàng Anh không đến, không có mặt tại Tòa.

Lê Diễn Đức:  Như vậy là một phiên toà bị hoãn không định trước. Em có tiếp tục theo đuổi tranh đấu đến cùng cho sự thật và công lý không?

Trịnh Kim Tiến:  Em sẽ vẫn chờ đợi và tiếp tục đấu tranh để đòi lại sự thật và tìm lại công lý đang bị mất tích.

Lê Diễn Đức:  Những ai đã ra toà chia sẻ, động viên em và gia đình? Em có điều gì gửi gắm đến những người  đã và đang đứng về phía em và gia đình để đòi nhà cầm quyền phải thực thi công lý trong minh bạch và công bằng?

Trịnh Kim Tiến:  Em muốn chia sẻ với tất cả mọi người rằng, xin đừng nản chí, xin đừng mệt mỏi. Em muốn và hy vọng như thế.

Em cũng gửi lời tri ân và lòng biết ơn sâu sắc nhất với những người đã luôn bên em, đồng hành cùng em trong thời gian qua và trong những ngày tới.

Đã hơn một năm nay, gia đình em đã đấu tranh để đi đến sự thật với sự giúp đỡ, chia sẻ của anh em, bạn bè dù không cùng máu thịt. Thật sự em mong công lý sẽ giành được để những công sức trong tháng ngày qua của chúng ta không uổng phí.

Nhìn thấy mọi người hết lần này đến lần khác, giữa trời giá lạnh đến ngày hè nóng bức đứng cùng gia đình em nơi cánh cổng công lý để tìm lại công bằng thực sự cho cánh cổng ấy, đọc những dòng tin, những lời động viên chia sẻ cả người gần lẫn người xa, em cảm động và xót xa vô cùng.

Dường như những giọt nước mắt đang chảy trong tim, không thể diễn tả ra thành lời nói. Cả quãng đường dài đó, em biết và chúng ta đều biết ai cũng có đôi khi chùn bước, ai cũng có những lúc mệt mỏi, nhưng chúng ta vẫn bước cùng nhau.

Thực hiện ngày 14/5/2012

© 2012 Lê Diễn Đức


Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012

David Brown - đất đai rắc rối của Việt Nam (Phần 1): Vụ án bà Ba Sương

David Brown
Thủy Trúc dịch
 
Đây là bài đầu trong loạt ba bài về tham nhũng trong hoạt động thu hồi đất đai ở Việt Nam, mà xét về nhiều mặt là ngang ngửa với Trung Quốc. Loạt bài của David Brown, một nhà ngoại giao hưu trí, từng làm việc ở Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ với nhiều cương vị ở các nước Đông Á.
Khi Việt Nam bẻ bánh lái sang con đường tư bản chủ nghĩa cách đây một phần tư thế kỷ, hầu như không có dấu hiệu lùi bước nào từ phía các quan chức và thành viên của ban lãnh đạo cộng sản – những người mà, cho đến thời điểm đó, vốn vẫn giữ một nhiệm vụ lớn lao và phù phiếm là xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngược lại, nhiều quan chức hăm hở lạm dụng các cơ hội của chương trình đổi mới, hay là cải cách, mang đến tay họ.
Hóa ra một trong những con đường chắc chắn nhất để đi tới sự giàu có ở Việt Nam ngày nay nằm ở việc tước đoạt ruộng đất của nông dân và chuyển hóa đất nông nghiệp vào mục đích kiếm lời mau chóng hơn.
Tháng 1 năm nay, cả nước dồn sự chú ý vào hai câu chuyện có chung chủ đề đó. Vụ việc đầu tiên, bắt đầu từ ngày 5 tháng 1, liên quan đến một vụ nổ súng gây nhiều náo động ở ngoại ô thành phố Hải Phòng. Câu chuyện xảy ra sau khi chính quyền địa phương yêu cầu một ngư dân giao nộp lại mảnh đất mà ông cùng gia đình đã khai hoang làm lợi qua 14 năm lao động cực nhọc. Một số bài báo viết rằng, khu đất đang được cân nhắc làm nơi mở một sân bay mới. (Vụ việc này sẽ được thảo luận ở phần 2 của loạt bài) .
Câu chuyện thứ hai, đưa tin vào ngày 20 tháng 1, liên quan tới việc chấm dứt một nỗ lực kéo dài suốt ba năm nhằm tống bà Trần Ngọc Sương vào tù với tội danh tham ô, nhưng dường như ai cũng biết sự thật là do bà đã chống lại việc chiếm đoạt công ty nông nghiệp đang thịnh vượng của bà – Nông trường Sông Hậu.
Chuyển hóa đất đai (chuyển đổi mục đích sử dụng đất – ND) là cái mà đảng ủy ở thành phố Cần Thơ và huyện Cờ Đỏ đã nghĩ trong đầu từ năm 2005 khi họ đề nghị lấy lại Nông trường Sông Hậu. Với sự hợp tác của các nhà đầu tư Hàn Quốc và Mỹ, họ có kế hoạch xây dựng một “khu đô thị mới” bao lấy sân bay hiện đại theo quy hoạch của thành phố, ngay trên diện tích 4.000 hecta của nông trang tập thể cũ này.
Tuy nhiên, trước tiên họ phải xử lý bà Trần Ngọc Sương. Bà Sương năm đó 56 tuổi, làm giám đốc nông trường được 7 năm. Trước đó, bà là trợ lý chính của cha mình – một sĩ quan Mặt trận Giải phóng Miền Nam giải ngũ, năm 1978 được giao nhiệm vụ xây dựng một nông trang tập thể tại khu đầm lầy khổng lồ nọ ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Thành công của hai cha con đã trở thành một huyền thoại ở Việt Nam, một trong những thành tựu chói sáng trong những năm tháng khốc liệt sau khi “cuộc chiến tranh chống Mỹ” kết thúc và đất nước thống nhất.
Cho tới năm 2005, Nông trường Sông Hậu vẫn bán gạo và cá cho các thị trường trong và ngoài nước, làm ăn có lãi. Mặc dù bị tái cơ cấu để trở thành công ty cổ phần vào năm 1991 nhưng nông trường vẫn tiếp tục trung thành với một số điểm quan trọng trong các sứ mệnh của nó khi thành lập, đó là mang lại thu nhập ổn định và phúc lợi xã hội cho khoảng 3.000 hộ nông dân trong nông trường. Bà Sương sẽ không để họ bị thất vọng.
“[Sông Hậu] là ví dụ có thật cuối cùng về việc sản xuất nông nghiệp dựa theo các nguyên tắc xã hội chủ nghĩa” – Bà Sương kể, bà đã nói với các lãnh đạo đảng ủy địa phương như vậy tại một cuộc họp vào tháng 10 năm 2007. “Cá nhân tôi không lấy một xu tiền không chính đáng nào cả. Các đồng chí bảo tôi ‘không theo kịp thời đại’, quá lạc hậu để có thể lãnh đạo một doanh nghiệp như thế. Vâng, tôi sẵn sàng trao trả quyền lãnh đạo cho những người tôi đã đào tạo qua nhiều năm”.
“Các đồng chí muốn giao Sông Hậu cho ai đó – liệu họ có coi nông trường như máu thịt của mình không? Sông Hậu là một cộng đồng làm nông có năng suất cao. Nếu họ biến Nông trường Sông Hậu thành khu công nghiệp thì điều gì sẽ xảy ra với nhân dân ở đây”?
Tầng lớp lãnh đạo Cần Thơ chưa hình dung lo ngại về cái giá phải trả về mặt xã hội mà bà Sương đã thấy trước. Hình như họ lập luận rằng những nông dân bị mất quyền sở hữu sẽ có thể tìm việc trong các nhà máy mới mở hoặc tại các sân gôn mà họ dự định xây nên trên những đồng lúa và ao cá kia. Và họ có ngay Phương án B.
Nếu cần phải trừng trị ai đó, luật pháp Việt Nam sẽ mang lại những cơ hội không giới hạn về số lượng. Có một số đáng ngạc nhiên những hành động mà về nguyên tắc là sai luật pháp, nhưng lại thường xuyên được dung thứ, bởi vì nếu luật pháp mà được thực thi thì cả hệ thống sẽ bị tê liệt. Tuy nhiên, những hành động ấy lại có thể được tận dụng để đẩy một kẻ chống đối vào đúng đường lối theo “luật pháp.”
Tháng 9 năm 2008, bà Sương bị Tòa án huyện Cờ Đỏ buộc tội biển thủ 9 tỷ đồng (428.857 USD theo tỷ giá hiện tại) của Nông trường Sông Hậu. Khi vụ việc bị đưa ra xét xử vào tháng 8 năm 2009, bà bị buộc tội lập quỹ trái phép, kết án 8 năm tù. Bốn người cấp dưới chịu án nhẹ hơn.
Bà Sương kháng cáo. Tòa phúc thẩm thành phố Cần Thơ giữ nguyên bản án của tòa cấp dưới.
Khi tình hình diễn biến có vẻ như bà Sương thật sự sẽ phải ngồi tù, vụ án trở thành câu chuyện [đăng tải] trên trang nhất của các báo lớn ở Việt Nam. Một loạt nhà cách mạng lão thành, nổi bật có bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam, đã vận động bảo vệ bà Sương. Những người ủng hộ bà Sương lập luận rằng xây dựng một quỹ vì mục đích phúc lợi xã hội, tuy không báo cáo, là một cách hoàn toàn đạo đức để tránh nạn quan liêu và trong trường hợp này không phải là phi pháp, vì quỹ ấy đã được lập từ nhiều năm trước đó.
Cựu Thủ Tướng Võ Văn Kiệt, một vị anh hùng trong mắt giới cải cách ở Việt Nam, đã nhận ra mối liên hệ giữa các vấn đề khi ông viết một lá thư gửi đảng ủy Cần Thơ, tháng 5 năm 2008. “Tôi biết đây là ý của các đồng chí chứ không phải của công tố viên khi khởi tố vụ án [bà Sương]” – ông Kiệt viết. “Bà đã có những đóng góp không nhỏ cho nông nghiệp và phát triển nông thôn ở Cần Thơ, Hậu Giang và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, những sai phạm nếu có thì cũng nên giải quyết có tình có lý”. Hơn nữa, ông còn viết: “Tôi hoàn toàn không tán thành chủ trương thu hồi đất của nông trường để xây khu công nghiệp”.
Xúc động trước những tấm ảnh bà Ba Sương gầy guộc mỏng manh nhưng không cúi đầu trước vành móng ngựa, công luận hoàn toàn ủng hộ bà. Tại Hà Nội, tâm lý tức giận với chính quyền Cần Thơ bao trùm – đó là phản ứng điển hình của trung ương khi các quan chức địa phương kém tài có những hành động làm dấy lên cơn phẫn nộ của dư luận.
Tháng 5 năm 2010, sau khi công tố viên của trung ương tìm ra những vi phạm về thủ tục tố tụng, Tòa Tối cao Việt Nam bác bỏ bản án.
Chừng như không nao núng, tháng 2 năm 2011, Công an Cần Thơ báo cáo rằng kết quả điều tra sâu hơn đã cho thấy các bằng chứng mới về tội trạng của bà Sương. Tháng 8, công tố viên tiếp tục bổ sung tội tham ô cho bà Sương và các nhân viên cấp dưới.
Bạn bè bà Sương không chịu thua. Vũ khí mà họ chọn là “Mặt trận Tổ Quốc”, một tập hợp các nhóm, hội dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản, có mục đích “đại diện cho toàn thể nhân dân”. Không bao lâu sau khi có phán quyết mới của tòa, Mặt trận đã đề nghị phải sử dụng các biện pháp hành chính để xử lý sai phạm của bà Sương, nếu thật sự có sai phạm.
Mặt trận cũng tổ chức điều tra riêng và khuyên Chánh án Tòa Tối cao trong một công văn nói rằng bà Sương vô tội. Họ lập luận rằng quỹ phúc lợi được lập năm 1994, rất lâu trước khi bà Sương trở thành giám đốc nông trường, và vào thời điểm ấy, quỹ không hề phi pháp. Hơn thế nữa, Mặt trận tỏ ý không tán thành: “Việc điều tra đã làm hoen ố tên tuổi của một nông trường từng rất có uy tín với các lãnh đạo cấp cao và từng thu được nhiều thành tựu nổi bật”.
Và cuối cùng, có vẻ như chính quyền Cần Thơ đã chấp nhận hủy bản án. Không phải vì họ đồng ý rằng bà Sương vô tội, mà như họ nói vào ngày 19 năm 1, đó là “do những đóng góp của bà Sương và gia đình cho Nhà nước”.
Kỳ sau: Tiếng súng ở Tiên Lãng
Nguồn: Asia Sentinel
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

LS. Trần Thanh Hiệp - Hành Sử Quyền Đối Lập Để Hình Thành Đối Lập ở Việt Nam

LS. Trần Thanh Hiệp -

 
Cuộc cách mạng dân chủ đã và đang diễn ra ở Bắc Phi và Trung Đông có thể coi như là đợt sóng dân chủ hóa thứ ba của nhân loại kể từ cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI. Đợt sóng này đã đánh dấu một chặng đường mới của sự nghiệp của nhân loại xây dựng và hoàn thiện thể chế dân chủ khởi đầu từ thế kỷ thứ V trước Công Nguyên. Đồng thời nó còn mang đến cho những tập thể người vào đầu thiên niên kỷ thứ ba rồi – mà vẫn còn phải mang ách độc tài – những sự hỗ trợ thiết yếu cả về ba mặt chính trị, pháp lý và quân sự để bẻ gãy gông cùm của những thế lực cầm quyền phản dân chủ. Sớm hay muộn thì gió xuân Bắc Phi Trung Đông cũng sẽ thổi đến Việt Nam vì dân chủ là xu thế của thời đại. Nhưng chính người dân Việt Nam phải chứng tỏ có đủ ý chí và khả năng đánh bại độc tài để đặt nền móng cho kiến trúc dân chủ. Do đó nay đã đến lúc một lực lượng đối lập phải cấp tốc thành hình và đột xuất trong lòng chế độ đảng trị cộng sản hiện nay đang ra sức nắm giữ độc quyền cai trị đất nước. Dưới đây là môt số nhận định – đã được nêu lên vào một thời điểm đã qua nhưng vẫn còn giá trị thời sự cao – về khả thế khai sinh ra lực lượng đối lập ấy mà tình thế đòi hỏi.
Kết hợp tranh đấu nhân quyền với tranh đấu dân chủ
Trước tình hình trong nước có vẻ chớm bắt đầu ngột ngạt trở lại. Tự cho rằng thế ngoại giao tạm thời đã được củng cố đồng thời cũng để chặn đứng phong trào đòi dân chủ bằng đường lối hòa bình đang thành hình ở ngay trong lòng chế độ, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam lại để lộ bộ mặt độc tài toàn trị mà ít lâu nay họ cố che đậy.
Theo tin của hãng thông tấn Reuter đánh đi từ Hà Nội, nhà cầm quyền Việt Nam vừa chuẩn bị một cơ sở pháp lý mới để cơ quan hành chánh, không cần dựa vào quyết định của cơ quan tư pháp, được quyền “quản chế” những ai mà công an liệt vào hạng “nguy hại cho an ninh quốc gia” vì đã “làm mất trật tự xã hội”.
Độc tài hiện nguyên hình
Cũng vẫn theo nguồn tin trên thì cơ sở pháp lý ấy là một “Nghị định” (Decree) của chính phủ. Trong khi chờ đợi biết rõ ai là tác giả nghị định ấy, hãy tạm không bàn tới tính hợp hiến hay không hợp hiến của nó. Vả lại trong hệ thống pháp luật cộng sản, làm gì có thứ bậc qui phạm (hiérarchie des normes) rõ ràng. Tuy miệng quảng cáo rầm rộ cho cái gọi là “nhà nước pháp quyền” (mập mờ đánh lận con đen với các loại Etat de droit, Rechtsstaat, v.v… của dân chủ phương Tây) nhưng trong thực tế những người cầm quyền cộng sản Việt Nam vẫn bám lấy những nguyên lý chuyên chính vô sản là nắm trọn trong tay tất cả mọi quyền hành để độc đoán cai trị hơn cả vua chúa ngày xưa. “Đổi mới”, “pháp quyền”, “dân chủ xã hội chủ nghĩa” loanh quanh một hồi rồi đâu vẫn vào đó. Chính quyền ngày nay, dù đã hội nhập vào thế giới văn minh, vẫn giống như chính quyền trong rừng ngày trước, muốn bắt ai thì bắt, muốn giam ai thì giam. Xưa thì nại cớ “chiến tranh giải phóng”, nay thì viện lẽ “ổn định xã hội”, “an ninh quốc gia”. Rút lại vẫn chỉ là những thủ đoạn chuyên chế, độc tài, phát xít, xít ta lin nít đã hoàn toàn lỗi thời. Những thủ đoạn kỳ quái, đảo lộn, ngược đời kiểu “đêm giữa ban ngày”, đúng như tựa đề cuốn hồi ký của một người đã may mắn sống sót và ra thoát khỏi cái thế giới “đêm” ấy để nói lên sự thật.
Vi phạm nhân quyền, trước đã rõ nay càng rõ hơn

Nói theo kiểu bình dân, những người cộng sản khôn nhưng không ngoan! Họ tưởng lầm rằng mượn những từ hoa mỹ “an ninh quốc gia” để che đậy ý đồ độc tài toàn trị là có thể dễ dàng đánh lừa được dư luận. Nhưng thế giới văn minh ngày nay không phải là những mật khu ngày xưa. Ngày 24-9-1982, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã tham gia hai Công ước quốc tế về các nhân quyền mà không có một dè dặt (réserve) nào.
Việc tham gia này có hiệu lực kể từ ngày 24-12-1982. Khác với bản Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Pacte international relatif aux droits civils et politiques) có hiệu lực như những luật quốc tế ràng buộc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam là người đã tham gia. Công ước này đặt ra cho nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam nhiều nghĩa vụ phải thi hành không thể nại cớ này cớ nọ để lẩn tránh, hay xuyên tạc sang đoạt, giảm bớt hoặc hủy bỏ. Nói tổng quát, tham gia Công ước này, nhà cầm quyền cộng sản bắt buộc phải coi mỗi người dân là một “con người” với đầy đủ nhân phẩm của nó nghĩa là có một loạt quyền để có thể sống một đời sống tự do, bình đẳng, dưới sự che chở của luật pháp. Căn cứ vào Công ước nói trên mà xét, việc nhà cầm quyền cộng sản quản chế công dân bằng biện pháp hành chính quả là một vi phạm trầm trọng Công ước ấy.
Thật vậy, điều 2 phần II của văn bản quốc tế này định rằng:
Mỗi quốc gia thành viên của Công ước này cam kết tôn trọng và bảo đảm cho mọi người trong phạm vi lãnh thổ và thẩm quyền pháp lý của mình các quyền đã được công nhận trong Công ước này, không phân biệt chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hoặc mọi quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc và xã hội, tài sản, dòng dõi hoặc các điều kiện khác”. Mặt khác, điều 5 cũng của phần II, nói rõ rằng:
1. Không được phép giải thích bất kỳ một qui định nào của công ước này để qua đó có hàm ý tạo cho một quốc gia, một nhóm người hoặc một cá nhân có được một quyền nào đó để tiến hành những công việc hoặc hành động nhằm mục đích hủy bỏ bất kỳ quyền và tự do nào được công nhận trong Công ước hoặc nhằm giới hạn những quyền và tự do đó quá mức độ qui định trong Công ước”.
2. Không được phép hạn chế hoặc hủy bỏ các quyền cơ bản của con người đã được công nhận hoặc hiện tồn tại ở một quốc gia thành viên của Công ước này trên cơ sở luật, điều ước, các qui định pháp luật hoặc tập quán với cớ là Công ước này không công nhận những quyền ấy hoặc công nhận ở một mức độ thấp hơn”.
Hai điều 2 và 5 này không cho phép nhà cầm quyền cộng sản tùy tiện đặt ra hay giải thích méo mó luật pháp để xâm phạm nhân quyền của mỗi công dân dù các công dân đó bất đồng chính kiến với người cộng sản, khác tôn giáo với người cộng sản. Cộng sản lại cũng không thể đưa ra chiêu bài “truyền thống dân tộc” để thoái thác không thi hành những nghĩa vụ mà công ước đã qui định như trên. (Tưởng cũng nên nói thêm là cộng sản Việt Nam không thể đồng hóa mình với cộng sản Trung Quốc vì Trung Cộng nại cớ không công nhận tư cách đại diện của Trung Hoa Quốc Gia – năm 1966 đã ký vào Công ước nên tự coi là không có nghĩa vụ thi hành Công ước).
Nhà cầm quyền cộng sản có thể nại lý do “an ninh quốc gia” để xâm phạm một cách hợp pháp!” quyền của các công dân nói khác đi, để đàn áp đối lập – được không? Không được! Câu trả lời có thể dứt khoát ngay như vậy.
Trước hết, như điều 4 của Công ước đã qui định chỉ khi nào có một “tình trạng khẩn cấp, đe dọa sự sống còn của quốc gia” đã được ban bố thì mới có thể đi ngược lại, nghĩa là ngưng thi hành những điều khoản của Công ước. Đây không phải là trường hợp của Việt Nam, trước mắt. Trong tương lai, Việt Nam cũng không ở trong triển vọng bị lâm vào một tình trạng khẩn cấp. Không có chiến tranh, không có thiên tai, v.v… đời sống ở Việt Nam hiện nay đang diễn ra một cách bình thường. Tại sao phải ngưng thi hành Công ước?
Vả lại ngay dù cho có “tình trạng khẩn cấp” chăng nữa, nhà cầm quyền Việt Nam một mặt chỉ có thể lấy những biện pháp bất thường nào “không trái với những nghĩa vụ khác, xuất phát từ luật quốc tế và không chứa đựng nội dung phân biệt đối xử về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo hoặc nguồn gốc xã hội”, mặt khác cũng vẫn phải tôn trọng những nhân quyền cơ bản đã được liệt kê trong điều 6, 7, 8 (các đoạn l và 2), 11, 15, 16 và 18. Đó là những quyền “được sống”, “không bị tra tấn… đối xử hoặc bị áp dụng hình phạt một cách tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc nhục hình…”, “không bị bắt làm nô lệ,… làm nô dịch”, “không thể bị kết án phạm tội hình sự vì một hành động hoặc bất hành động không phải là tội phạm theo luật quốc gia hoặc luật quốc tế vào thời gian xảy ra hành vi đó”, “tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo…”(1). Muốn xé rào để có cơ sở pháp lý đàn áp đối lập, nhà cầm quyền cộng sản phải vượt qua loạt khóa an toàn vừa kể.
Điều quá hiển nhiên là nhà cầm quyền cộng sản khi ban hành nghị định “quản chế” đã không vượt qua được bất cứ khóa an toàn nào. Nhưng họ cứ tri tình dày xéo lên những cam kết tuân thủ những qui phạm của Luật quốc tế.
Như vậy là những hành động vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền cộng sản, trước đã rõ nay lại càng rõ thêm. Không một luận cứ pháp lý nào có thể biện minh cho những hành động vi phạm ấy. Vấn đề được đặt ra cho những người dân chủ Việt Nam ở trong cũng như ở ngoài nước, là phải đối phó cách nào cho có hiệu quả với tập đoàn cầm quyền bất chấp luật pháp ấy?
Tăng cường và nâng cao phẩm chất tranh đấu nhân quyền
Việc tranh đấu chấm dứt bạo quyền là một vấn đề hết sức phức tạp nhưng lại dễ bàn luận. Ai cũng có có sẵn lập trường, có sẵn kế hoạch, chiến lược, chiến thuật.
Ở đây tuyệt đối không bàn suông, chỉ có một số nhận định rất giới hạn vào phạm vi luật học và chỉ nhắm vào hành động thực tế, cụ thể mà một số người Việt ở ngoài nước có thể tiến hành. Đó là việc tranh đấu nhân quyền.
Trong những năm 80, dư luận người Việt ở ngoài nước hồi hộp theo dõi tin tức vụ “kiện” cộng sản vi phạm nhân quyền trước Liên Hiệp Quốc. Thật ra “kiện” cũng chỉ là một cách nói – cường điệu – để diễn tả công việc chống đối bằng luật pháp khi không có cách chống đối nào khác. Thời gian qua đã cho thấy đi “kiện” như vậy là đã đi đến đâu. Về điểm này, thiết tưởng không nên quá khe khắt mà cũng đừng quá dễ dãi. Công bình mà nói, không phải ai cũng có thể trực tiếp lên tiếng trước diễn đàn của Liên Hiệp Quốc.
Nhưng mặt khác, không phải là cứ lên tiếng trước diễn đàn ấy là giải quyết xong vấn đề chuyên chế tại Việt Nam. Nếu chỉ cần có bấy nhiêu thôi thì những tiếng nói của một số không nhiều người Việt Nam từng cất lên (trong số đó có tác giả bài viết này) tại Mỹ, Áo, Thụy Sĩ, v.v… để đọc những bản cáo trạng nghiêm khắc lên án cộng sản, đã mang lại từ lâu dân chủ cho nước này rồi! Thế mà bạo quyền chẳng những vẫn còn tại vị mà lại ngày càng “trụ” vững trên ngôi chuyên chế.
Chẳng lẽ vì vậy mà những người chống đối bạo quyền ấy đành bó tay sao? Phải duyệt xét lại việc làm đã qua để tìm những cách đối phó mới. Về điểm này, sẽ không có nhiều giải pháp. Cũng lại phải đi “kiện” nữa mà thôi, chữ “kiện” hiểu theo nghĩa thật rộng của nó.
Sự thực, đứng về mặt luật quốc tế mà nói, trong hiện tình, người Việt Nam nạn nhân của bạo quyền cộng sản không có một tố quyền nào trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc khả dĩ có thể mang lại cho mình những phán quyết như loại phán quyết của tòa án. Tuy nhân quyền được Liên Hiệp Quốc đề cao, được nhiều văn bản luật quốc tế qui định và bảo vệ nhưng thủ tục để cho các nạn nhân bị chà đạp nhân quyền khiếu nại lại rất giới hạn và ít hiệu quả. Trong cơ chế của Liên Hiệp Quốc có 5 cơ quan, với những thẩm quyền rộng hẹp khác nhau, có thể thụ lý và giải quyết các vấn đề nhân quyền. Đó là Hội Đồng Bảo An, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, Ủy Hội Nhân Quyền, Ủy Ban Nhân Quyền và Cao Ủy Nhân Quyền(2). Hãy gạt ngay sang bên Hội Đồng Bảo An và Đại Hội Đồng LHQ, vì hai cơ quan này ở ngoài tầm vận động trong lúc này của người Việt Nam, nạn nhân bạo quyền cộng sản. Cao Ủy Nhân Quyền, mới thiết lập được hai ba năm nay, không coi vấn đề vi phạm nhân quyền tại Việt Nam có giá trị ưu tiên. Trong số hơn 30 quốc gia mà ông đã viếng thăm từ khi nhậm chức, không thấy có nước Cộng Hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Ủy Ban Nhân Quyền là cơ quan mà Công ước quốc tế về quyền dân sự chính trị lập ra để giải quyết những vụ vi phạm nhân quyền trái với Công ước này. Oái oăm thay, cộng sản Việt Nam tuy có tham gia Công ước nhưng lại không tham gia Hiệp định thư thứ nhất phụ đính Công ước này nên Ủy Ban không có thẩm quyền xét khiếu nại của các nạn nhân Việt Nam. Chỉ còn Ủy Hội Nhân Quyền với thủ tục gọi là “Thủ tục 1503″ (1503 là số thứ tự nghị quyết của Hội Đồng Kinh Tế Xã Hội ngày 27-5-1970 qui định thủ tục xét đơn khiếu nại về những sự vi phạm nhân quyền và những quyền tự do cơ bản) là nơi độc nhất để các nạn nhân Việt Nam mất nhân quyền có thể kêu cầu. Nhưng thủ tục hiếm hoi này lại rất nhiêu khê vì không phải ai muốn kêu cầu cũng được và muốn kêu cầu ra sao thì kêu. Nó đòi hỏi một số điều kiện về hình thức cũng như về nội dung đề hành sử (trong một dịp khác xin bàn kỹ hơn). Cũng may là nước Việt Nam đã bị ghi vào sổ đen vì những vi phạm nhân quyền (đây là công tranh đấu mấy chục năm qua của những người Việt tị nạn cộng sản) nên tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc ở Genève, tiếng nói của những nạn nhân Việt Nam vẫn còn có cơ hội tiếp tục cất lên.
Nếu muốn dựa vào các Công ước quốc tế về nhân quyền để tranh đấu cho nhân quyền thì trong tương lai phải biết góp gió thành bão, nâng cao phẩm chất cuộc tranh đấu ấy cho thích hợp với môi trường quốc tế chứ không phải cho riêng “cộng đồng người việt hải ngoại”. Những chiến sĩ dân chủ kiên cường trong nước đang bị đe dọa trước mắt với nghị định “quản chế” mà bạo quyền vừa ban hành. Những người dân chủ Việt Nam ở ngoài nước cần tỏ và phải tỏ ra có khả năng ứng cứu, yểm trợ người dân chủ ở trong nước. Kết hợp được chặt chẽ hai cuộc tranh đấu này là sớm đặt được nền móng cho một nước Việt Nam dân chủ trong tương lai.
LS. Trần Thanh Hiệp

Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Vụ án trung tá công an đánh chết người giữa chốn công quyền: Phép thử công lý và đạo lý của CHXHCN Việt Nam?

Lê Diễn Đức


Trịnh Kim Tiến trong ngày lễ tang cha và trong cuộc biểu tình yêu nước tại Hà Nội tháng 7/2011

Tôi rất xúc động khi nghe Trịnh Kim Tiến, cô con gái còn rất trẻ, xinh đẹp của người cha bất hạnh đã bị chết oan ức, thông báo rằng, vụ án về cái chết của cha mình được đưa ra xét xử vào ngày 17/11/2011, sau 8 tháng điều tra, với nhiều lần khiếu nại của gia đình và đòi hỏi của dư luận xã hội.

Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2011

Khía cạnh luật quốc tế của việc tàu Trung Quốc cắt dây của tàu Việt Nam Bình Minh 02

Luật sư Tạ Văn Tài


Kẻ yếu như ASEAN hay VIỆT NAM nói riêng, cần phải tạo ra hay dựa vào luật pháp, là khí giới của kẻ yếu nhưng có chính nghĩa, để buộc ông Tàu, khiến ông không làm được chuyện “la raison du plus fort est toujours la meilleure.”

Thứ Hai, 18 tháng 4, 2011

Công an là để bảo vệ luật pháp, bảo vệ nhân dân?

Song Chi

Ngày 22 tháng 9 năm 2010, Tổ Chức Theo Dõi về Nhân Quyền (Human Rights Watch) đã ra tuyên bố kêu gọi chính phủ Việt Nam mở các cuộc điều tra về tình trạng công an sử dụng vũ lực gây chết người lan rộng.


Tổ chức này đã ghi nhận được 19 trường hợp bạo hành của công an, dẫn đến cái chết của 15 người, do chính báo chí Việt Nam đưa tin trong vòng 12 tháng.

Những điều bất cập trong các phiên tòa ở Việt Nam

Tường An (RFA)


Luật sư Lê Quốc Quân đang đứng ôn hòa bên đường phía ngoài khu vực tòa án
khi đang xử TS Cù Huy Hà Vũ, thì bị bắt đi. Source nuvuongcongly  

Cho đến hôm nay, vẫn còn rất nhiều dư luận lên án việc vi phạm luật hình sự tố tụng của phiên tòa xử Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ cũng như tính công khai của các phiên tòa dưới chế độ xã hội chủ nghĩa.

Thứ Năm, 14 tháng 4, 2011

Phiên toà kangaroo

Nguyễn Đình Đăng

Đêm qua lần đầu tiên tôi mơ thấy mình vẽ một bức tranh, nhưng không tuân theo trình tự mà tôi đã đúc kết từ kỹ thuật vẽ nhiều lớp của các bậc thầy cổ điển như vẽ lót, vẽ phủ, vẽ đắp, rồi vẽ láng. Tệ hơn, toile vẽ không căng phẳng, không được lót cẩn thận, khiến sơn dầu thấm loang lổ cả ra phía sau. Kết quả là bức tranh trông chẳng ra gì, vô giá trị, phải vứt đi. Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình toát cả mồ hôi. Thật là một cơn ác mộng.

Một xã hội của loài cừu sẽ đồng thời phải sinh
ra một nhà nước của loài sói.
Bertrand de Jouvenel (1903 – 1987)

Kangaroo (kăng-gu-ru) là tên loài chuột túi sinh sống ở châu Úc, có đầu nhỏ, hai tai to, hai chân trước ngắn ngủn, hai chân sau lực lưỡng với một cái đuôi to và dài dùng làm chỗ dựa.

Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2011

Nghìn Lời Của Ảnh

Đinh Tấn Lực

40 năm sau khi bị ám sát, vị học giả uyên bác/lỗi lạc của VN là Phạm Quỳnh vẫn không hề có được một mục riêng trên Từ điển Văn học VN (1984, 2 quyển, dày hơn 1200 trang). Chỗ độc nhất có ghi tên ông (trang 121-123), trong đoạn viết về nhóm Nam Phong, đã cực lực bôi đen Phạm Quỳnh là một tay “bồi bút, phản động”.

Thứ Ba, 5 tháng 4, 2011

Cảm xúc về bản án dành cho con trai hai nhà thơ Huy Cận – Xuân Diệu

Hà Đình Sơn

Hôm nay, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã “xuống tay” 07 năm tù giam và 03 năm quản chế với con ruột nhà thơ Huy Cận, cháu ruột đồng thời là con nuôi nhà thơ Xuân Diệu, hai nhà thơ Việt Nam.

Theo Chủ tọa phiên tòa thông báo tại tòa rằng phiên tòa xét xử công khai nhưng quyết định xét xử không ghi là xử công khai hay xử kín vì do lỗi của thư ký “đánh máy”. Các Luật sư và bị cáo đều yêu cầu Chủ tọa phiên tòa cho công bố toàn văn từng tài liệu của vụ án (Điều 214 của Bộ luật tố tụng hình sự quy định) để bên buộc tội và bên gỡ tội làm căn cứ tranh tụng, còn bị cáo từ đó cũng biết rõ những tài liệu đó có phải đúng 100% là của mình hay không, sau đó Hội đồng xét xử sẽ nghị án. Một phiên tòa xét xử đúng thì phải làm như vậy. Nhưng Chủ tọa phiên tòa nhất định không thực hiện yêu cầu đã được pháp luật quy định rõ ràng này.

Dân chủ và tự do ngôn luận

Nguyễn Hưng Quốc  


Hình: REUTERS

Bản thông báo của Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC gửi các cấp dưới vào ngày 30 tháng 3, trong đó có nội dung số 11 'Sắp tới sẽ xét xử vụ Cù Huy Hà Vũ, đề nghị khi nhắc về con người này thì không đưa danh vị tiến sĩ và chức danh luật sư'

Thứ Hai, 4 tháng 4, 2011

Đặc biệt về phiên xử TS Luật Cù Huy Hà Vũ: Ông Cù Huy Hà Vũ bị tuyên án bảy năm tù

13h50‘ ngày 4-4-2011 Tòa đã tuyên án: 7 năm tù giam, 3 năm quản chế, đúng như Viện Kiểm sát yêu cầu.   Trước đó, ông Vũ đã không (được?) nói gì. Kết thúc một phiên tòa đạt được nhiều kỷ lục Việt Nam: độ quan tâm, độ “bí mật”, độ đảm bảo an ninh, v.v... và tốc độ.

PHẢI HỦY BỎ BẢN ÁN TS.CÙ HUY HÀ VŨ

Luật sư  TRẦN ĐÌNH TRIỂN
Tin BBC 04.04.2011
 
Một trong bốn luật sư bào chữa cho Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ tại phiên xử hôm 4/4 nói với BBC cần hủy bản án của tòa sơ thẩm vì hội đồng xét xử đã vi phạm luật tố tụng hình sự.

  Luật sư Trần Đình Triển nói tòa đã không thực hiện theo điều 214 của Bộ luật Tố tụng Hình sự khi từ chối công bố các tài liệu mà dựa vào đó họ cáo buộc ông Hà Vũ phạm tội tuyên truyền chống nhà nước.
  Về phiên xử kết thúc đột ngột hồi chiều nay, 4/4, với bản án bẩy năm tù giam đối với ông Hà Vũ, luật sư Triển nói các luật sư đại diện còn chưa kịp tranh tụng trước tòa:
  Luật sư Trần Đình Triển: Với phiên tòa hôm nay, chưa đến phần tranh tụng thì các luật sư đã rời khỏi phòng xử án rồi và không tham gia phiên tòa nữa. Do đó việc chúng tôi nêu quan điểm và trình bày lời bào chữa của chúng tôi thì chưa được trình bày tại phiên tòa.

Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011

Vụ án “làm sao cũng chẳng làm sao”

Nguyễn Quang Minh
Trích thơ Phan Khôi:
Làm sao cũng chẳng làm sao
Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi
Làm chi cũng chẳng làm chi
Dẫu có làm gì cũng chẳng làm sao


Phiên sơ thẩm xét xử luật gia Cù Huy Hà Vũ tại TAND Hà Nội sẽ không diễn ra vào ngày 24/3 như dự kiến mà dời đến ngày 4/4. Điều này hé lộ Nhà nước CHXHCN Việt Nam đang bối rối cho một kịch bản thuận buồm xuôi gió về vụ án Cù Huy Hà Vũ. Hay nói cách khác, họ chưa đồng thuận cho đáp án Cù Huy Hà Vũ. Họ đang mua thời gian.

Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2011

Không thể dùng luật rừng với luật sư Cù Huy Hà Vũ!

Bùi Tín

Luật sư Cù Huy Hà Vũ, người nổi tiếng với những vụ khởi kiện chính quyền, bị bắt hồi tháng 11 năm ngoái vì tội 'tuyên truyền chống phá nhà nước'

Ngày 24-3 tới, tòa án Hà Nội mở phiên tòa xét xử luật sư Cù Huy Hà Vũ về tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.