Thứ Sáu, 2 tháng 6, 2023
Liễu Trương: Người đọc tác phẩm
Vào những năm 1970, các nhà nghiên cứu văn học ở Tây phương bắt đầu quan tâm đến vấn đề đọc. Trước thời điểm đó, người ta tìm hiểu tác phẩm văn chương bằng cách nối kết tác phẩm với một thời kỳ, một cuộc đời, một vô thức hay một lối viết. Rồi bỗng nhiên tác phẩm văn chương được xem xét trong quan hệ với người sau cùng đã cho tác phẩm một sự tồn tại, đó là người đọc. Các nhà lý luận văn học nhận thấy hai câu hỏi hệ trọng được đặt ra từ trước : Văn chương là gì? Nghiên cứu văn bản như thế nào? Tựu trung là tự hỏi tại sao người ta đọc một cuốn sách. Phải chăng phương tiện tốt nhất để hiểu cái « sức mạnh » và tính trường cửu của một số tác phẩm là tự hỏi về những gì người đọc tìm thấy trong những tác phẩm đó?
Người ta bắt đầu quan tâm nhiều đến việc đọc khi những tiếp cận về thuyết cấu trúc bắt đầu có những giới hạn. Người ta nhận thấy không ích lợi gì khi muốn quy văn bản vào một loạt hình thức. Thi pháp học đã đi vào ngõ cụt : khi một công trình nghiên cứu bị giới hạn vào những cấu trúc thì đi đến những cái mẫu quá khái quát hoặc quá phiến diện. Quả thật, một mặt, những phương pháp mà các nhà thi pháp học đưa ra như những phương pháp tạo nên văn chương lại ở ngoài văn chương : Roland Barthes áp dụng phương pháp cấu trúc cho những cuốn phim James Bond. Mặt khác, thi pháp học là khoa học của cái khái quát, đã thất bại khi trình bày tính độc đáo của mỗi văn bản : nếu việc dùng đến phương pháp đa âm (nhiều phương diện) là một trong những ưu điểm của việc nghiên cứu tác phẩm của Dostoïevski, thì phải nhìn nhận rằng phương pháp đó không thành công với những tác giả tầm thường hơn Dostoïevski. Giá trị của một tác phẩm văn chương không thể bị quy vào việc dùng kỹ thuật này hay kỹ thuật nọ.
Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2023
Liễu Trương: Thuyết hiện sinh từ triết học đến văn chương
Ở Pháp, sau Đệ nhị Thế chiến, từ năm 1945 đến khoảng năm 1960, học thuyết hiện sinh được phổ biến rộng rãi trong dân chúng, làm nảy sinh một trào lưu tư duy tràn qua lĩnh vực văn chương, và một lối sống ngoài xã hội.
I. Một hiện tượng xã hội
Về mặt xã hội, thuyết hiện sinh gây nên một lối sống có thể nói là ngông cuồng của một tuổi trẻ hiếu động, tập trung ở Paris, xung quanh khu Saint-Germain-des-Prés. Những hầm rượu của Saint-Germains-des-Prés bỗng dưng nổi tiếng vì giới trẻ tấp nập lui tới. Dư luận thiếu suy xét và được một thứ báo chí ham cái mới thúc đẩy, nên liên kết tên của các nhà hiện sinh : Sartre, Simone de Beauvoir, với những nơi chốn có tính huyền thoại như các tiệm cà phê Flore, Les Deux Magots, Le Tabou, với nhạc jazz, với lối khiêu vũ be bop, với loại ca nhạc của Juliette Gréco. Tuổi trẻ này chống chủ nghĩa theo thời một cách ồn ào, và có một lối cư xử khiêu khích, độc đáo.
Những người theo truyền thống lên tiếng chỉ trích những biểu lộ này, nhưng họ lẫn lộn những ý muốn làm mới tư duy và lối viết với lối sống lập dị ồn ào.
Nhìn chung, lối sống này chỉ là một hiện tượng xã hội có tính nhất thời. Nó biến đi trước lâu đài của học thuyết hiện sinh.
Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2023
Liễu Trương: Hiện tượng sách dịch ở miền Nam thời 54-75
Một trong những đặc điểm của đời sống văn hóa ở miền Nam thời 54-75 là sự mở rộng tầm nhìn ra thế giới, với ý muốn khám phá, thấm nhuần những tư tưởng triết học mới, những hiện tượng văn học mới, muốn biết thân phận con người được cảm nhận như thế nào qua nghệ thuật viết của các nhà văn trên thế giới. Thế cho nên trong những năm 60-70, có cả một phong trào dịch sách nở rộ.
Thật ra, vấn đề dịch sách Tây phương ở nước ta đã có từ lâu. Người đi tiên phong vào nửa đầu thế kỷ 20 là nhà văn, nhà báo, dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936), người có công phổ biến chữ quốc ngữ và đồng thời cũng phổ biến tư tưởng Tây phương. Nhờ những dịch phẩm của Nguyễn Văn Vĩnh mà các thế hệ đến sau được biết đến văn chương Pháp, giúp họ đi vào con đường Tây học.
Đến nửa sau thế kỷ 20, vào thời miền Nam, có thể nói vấn đề dịch sách nước ngoài đã tiến một bước rất dài. Số dịch giả ngày càng đông đảo. Các dịch giả không chỉ nhắm vào văn chương Pháp mà cả văn chương thế giới : từ Âu châu đến Hoa Kỳ, Mỹ châu La tinh đến các nước Ả Rập và đương nhiên vẫn có cái nhìn gần gũi với Á châu.
Ngành dịch thuật phát triển chủ yếu trong hai lĩnh vực : triết học và văn học.
Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2022
Liễu Trương: Mười Nhà Văn Miền Nam Đến Với Độc Giả Pháp
Vent du Sud (Gió Nam) |
Tháng 6/2022, nhà xuất bản La Frémillerie ở Pháp cho ra cuốn VENT DU SUD (Gió Nam), một tuyển tập truyện ngắn của mười nhà văn miền Nam, do Liễu Trương dịch ra tiếng Pháp.
Để giúp độc giả Pháp hiểu biết sự hình thành của nền văn học miền Nam, và khám phá một số nhà văn của nền văn học này, dịch giả đã viết một bài Tựa nội dung như sau.
*
Lịch sử Việt Nam ở thế kỷ 20 mang dấu vết sâu đậm của hai cuộc chiến : cuộc chiến chống Pháp và cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn. Cuộc chiến chống Pháp kết thúc bằng cuộc bại trận của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ, năm 1954, tiếp theo là việc ký kết Hiệp định Genève, chia đôi lãnh thổ Việt Nam ngang vĩ tuyến 17. Kể từ đó, hai nước Việt Nam, miền Bắc cộng sản và miền Nam cộng hòa, chống đối nhau trong một cuộc chiến về hệ tư tưởng, một cuộc chiến huynh đệ tương tàn, cho đến ngày miền Nam sụp đổ, năm 1975.
Vậy nền Cộng hoà miền Nam tồn tại được hai mươi mốt năm. Lịch sử của sự tồn tại ngắn ngủi này được phong phú hóa bởi cuộc di cư của gần một triệu người đã từ bỏ quê cha đất tổ ở miền Bắc, để vào sinh sống ở miền Nam. Những đảo lộn chính trị, xã hội đã làm rung chuyển đời sống ở miền Nam. Chính trong bối cảnh đó một nền văn học mới đã được hình thành.
Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2022
Liễu Trương: Đôi Điều Về Nhà Văn Albert Camus (1913-1960) Và Tác Phẩm Kẻ Ngoại Cuộc (L’ÉTRANGER)
Ngày 1 tháng 5 năm 1940, Albert Camus ghi trong cuốn Sổ tay I (Carnets I) : « Đã viết xong Kẻ ngoại cuộc ». Lúc đó ông 26 tuổi, đã rời Algérie nơi ông chào đời và lớn lên, nơi ông đã bắt đầu cầm bút và hoạt động trong các lĩnh vực báo chí, chính trị, kịch nghệ. Giờ đây, tháng 5 năm 1940, Camus sống ở Paris, trong một khách sạn và cộng tác với báo Paris Soir.
Cuốn tiểu thuyết Kẻ ngoại cuộc ra mắt độc giả năm 1942 và đã thành công rực rỡ. Giới phê bình biết ngay đây là một tác phẩm mới lạ, có tầm quan trọng lớn. Các tên tuổi hàng đầu như Jean-Paul Sartre, Maurice Blanchot đều có bài giới thiệu và phê bình. Cuốn sách làm đề tài cho vô số bài biên khảo và được nghiên cứu về các phương diện văn học, triết học, chính trị, chủ nghĩa thực dân, v.v… Trong khi các nhà phê bình như Pichon Rivière, Alain Costes, Jean Gassin khai thác tác phẩm về khía cạnh phân tâm học, thì các nhà phê bình khác cho rằng Kẻ ngoại cuộc báo hiệu trường phái Tiểu Thuyết Mới ở Pháp, lại có những nhà phê bình xem xét tác phẩm của Camus qua lăng kính của liên văn bản. Chừng đó phản ứng cũng đủ cho thấy Kẻ ngoại cuộc là một biến cố văn học trong những năm 1940. Đó là chưa kể tác phẩm đã được đưa vào nhà trường và đại học ở Pháp cũng như trên khắp thế giới.
Kẻ ngoại cuộc, một tác phẩm hiện đại
Tiểu thuyết Kẻ ngoại cuộc gồm hai phần, dài gần ngang nhau. Những sự kiện được trình bày trong Phần Một lúc đầu có vẻ không có ý nghĩa gì mấy, nhưng được lặp lại trong Phần Hai để vây chặt nhân vật Meursault và làm anh ta phải áy náy.
Kẻ ngoại cuộc được viết với đại từ ngôi thứ nhất : « tôi ». Chính Meursault nói, và người đọc chỉ biết truyện qua những gì anh ta kể. Câu văn thường ngắn, nhất là trong Phần Một, đôi khi không có liên hệ giữa nguyên do và hậu quả, giữa những câu văn, điều này cho thấy Meursault tỏ ra dửng dưng, không hiểu biết về sự hợp lý do xã hội áp đặt, không tin vào sự phối hợp giữa hành động và tư duy của con người. Anh ta chỉ nhận thấy điều mình làm mà không suy nghĩ xa hơn. Cho nên có nhiều câu đơn điệu bắt đầu bằng « Tôi » nối đuôi nhau. Ngôn ngữ được dùng trong Kẻ ngoại cuộc là ngôn ngữ nói, một ngôn ngữ đơn giản, bình dị với vô số kết từ « và » và với vô số mệnh đề : « Tôi nói rằng… », « Tôi nghĩ rằng… », như một người thật thà kể chuyện. Lại nữa, có khi Meursault kể chuyện một hơi dài đưa đến những câu dài không có những cái phẩy để ngắt câu.
Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2022
Liễu Trương: Sáng Tạo Của Thảo Trường
Văn học miền Nam tuy có một tuổi thọ rất ngắn, nhưng chỉ trong vòng hai mươi năm, biết bao tác phẩm đã nở rộ trong một bầu không khí tự do, ngoài sự thống trị của mọi hệ tư tưởng, ngoài mọi áp bức chính trị. Tác phẩm của Thảo Trường đã thành hình trong bối cảnh đó, và đã góp phần xây dựng nền văn học miền Nam mà Thảo Trường là một trong những nhà văn trụ cột.
Năm 1954, sau khi Hiệp định Genève được ký kết, một thanh niên 18 tuổi tên Trần Duy Hinh, về sau trở thành nhà văn lấy bút hiệu Thảo Trường, đã rời bỏ quê hương miền Bắc, đành giã từ người mẹ thân yêu để theo làn sóng di cư vào Nam. Đối với người thanh niên này, một cuộc phiêu lưu bắt đầu từ đây, phiêu lưu qua những biến cố lịch sử, qua khói lửa chiến tranh, qua ngục tù cộng sản, để cuối đời trôi giạt đến một cái xứ xa lạ, và từ biệt cõi đời ở đấy. Nhưng cuộc phiêu lưu đã đem lại cho nền văn học Việt Nam những tác phẩm để đời.
Cũng như Thanh Tâm Tuyền, Thảo Trường cầm bút rất sớm, đồng thời ông cũng làm bổn phận của một người trai thời loạn. Ông nhập ngũ và dấn thân cho chính nghĩa Quốc gia. Ở Thảo Trường, chữ nghĩa đồng hành mật thiết với trải nghiệm và suy tư. Chữ nghĩa được cân nhắc, nâng niu, quý trọng để nói dùm tác giả bao ưu tư, bao sầu muộn trước sự đảo điên của thế cuộc.
Chủ Nhật, 22 tháng 8, 2021
Liễu Trương: Nhà Tôi Bên Chiếc Cầu Soi Nước
Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2020
Liễu Trương: Ý Nhi Và Trần Mộng Tú, Hai Nguồn Thơ, Hai Phương trời
Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2020
Liễu Trương: Viết với thân xác như Túy Hồng
Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2020
Liễu Trương: Nguyễn Đình Toàn Và Nghệ Thuật Làm Mới Tiểu Thuyết
Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2018
Liễu Trương: Trương Vĩnh Ký, Nhà Văn Hóa Tiên Phong
Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2016
Liễu Trương: Võ Phiến Một Ðời Cầm Bút
Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016
Liễu Trương: VÕ PHIẾN VÀ TÂM TRẠNG KẺ LƯU ĐÀY
Đã xuất bản
Một cuộc đi chơi ở đồng quê