Hiển thị các bài đăng có nhãn Liễu Trương. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Liễu Trương. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 3 tháng 11, 2023

Liễu Trương: Nụ cười của nàng Joconde

Bức tranh Mona Lisa
của danh họa Leonardo da Vinci,

Phần đông du khách từ phương xa đến Paris thường tìm đến Viện Bảo Tàng Louvre, để xem cho được họa phẩm Nàng Joconde mà danh họa Leonardo da Vinci đã vẽ và sơn dầu trên gỗ vào khoảng những năm 1503-1507. Người mẫu là một phụ nữ ở thành Florence, nước Ý, tên Monna Lisa, còn được gọi là La Gioconda, Pháp gọi: La Joconde. Nụ cười của người mẫu này xưa nay đã thu hút vô số người đến xem.

Tại sao có hiện tượng này ? Không thể đưa ra một lời đáp đơn giản cho rằng đây là nụ cười của một người đẹp. Không, nụ cười này có một vẻ lạ lùng, khó hiểu, mà Freud, cha đẻ của ngành phân tâm học, đã tìm cách giải thích trong cuốn biên khảo Một kỷ niệm thời thơ ấu của Leonardo da Vinci, viết năm 1910. Đây là lần đầu tiên Freud viết về một danh họa. Ông vốn gần gũi với văn chương hơn hội họa. Quả vậy, nhờ nghiên cứu kịch bản Œdipe – Roi (Œdipe-Vua) Freud đã lập ra thuyết phức cảm Œdipe; cũng như khi Freud đọc truyện ngắn Gradiva của nhà văn Đức Wilhelm Jensen, nói về những giấc mơ, Freud cho rằng giấc mơ là khởi điểm của sáng tạo văn chương.


Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2023

Liễu Trương: Cung Tích Biền viết trong thời khói lửa

Nhà văn Cung Tích Biền

Cung Tích Biền là một nhà văn rất quen thuộc với độc giả miền Nam vào những thập kỷ 60-70. Ông cầm bút sớm, từ năm 1958. Truyện ngắn của ông được đăng trên nhiều tập san, tạp chí văn nghệ, nhiều nhật báo của thời đó. Cung Tích Biền được chú ý với những truyện như: 

Ai Tỉnh Ai Điên

Ngoại Ô, Dĩ An Và Linh Hồn Tôi

Nỗi Buồn Thắp Sáng

Cõi ngoài

Hoà Bình Nàng Tình Rỗng

Cái Chết Của Một Con Đĩ Ngựa

Bạch Hóa.


Thứ Sáu, 1 tháng 9, 2023

Liễu Trương: Tượng đài Nữ thần Kim Quy của Vũ Khắc Khoan

Vũ Khc Khoan (1917-1986) là mt nhà văn ni tiếng min Nam, thi 54-75. Ông sm b ngành K sư canh nông đ theo đui đam mê ca mình là môn kch ngh. Thi còn Hà Ni, ngoài vic dy môn S các trường Nguyn Trãi và Chu Văn An, Vũ Khc Khoan đã sáng tác ba kch bn : Thng Cui ngi gc cây đa (1948), Hu trường (1949) và Giao Tha (1949). Thng Cui ngi gc cây đa và Giao Tha đã được trình din Nhà Hát Ln Hà Ni, năm 1951 và năm 1952.

Di cư vào Nam năm 1954, Vũ Khc Khoan hot đng trong nhiu lĩnh vc : báo chí, giáo dc, văn hc, kch ngh. Trước hết ông cng tác vi nht báo T Do. Ri cùng vi Nghiêm Xuân Hng, Mc Đ, ông thành lp nhóm Quan Đim, nhóm trí thc tiu tư sn, ph trách t tun báo Quan Đim và nhà xut bn mang cùng tên. Vũ Khc Khoan cũng ch trương nguyt san văn hVn Đ vi Mai Tho. Ni đam mê kch ngh khi đu t thi còn sng Hà Ni, nay được Vũ Khc Khoan trin khai mnh m, vi nhng kch bn : Thành Cát Tư Hãn (1961), Ng Nhn (1969), Nhng người không chu chết (1972), Ga Xép và Lng Ngôn, và nhng công trình kho cu như : Tìm hiu sân khu chèo (1974), V chèo Quan Âm Th Kính (1974). Vũ Khc Khoan gi chc Giám đc Kch ngh Trường Quc Gia Âm nhc và Kch ngh Sài Gòn.


Thứ Ba, 1 tháng 8, 2023

Liễu Trương: Tự truyện hư cấu

Thể loại tự truyện (autobiographie) không bất biến trong hình thức cổ điển của nó. Với thời gian tự truyện đã tiến hóa để đi về một hướng mới, cái hướng mang một tên mới lạ : autofiction (tự truyện hư cấu). Từ autofiction lần đầu tiên xuất hiện ở Pháp năm 1977, trong cuốn truyện Fils (xin tạm dịch Những sợi dây chằng chịt) của Serge Doubrovsky, gây nhiều hào hứng trong văn giới.


Tự truyện hư cấu là một biến thể của tự truyện, có khuynh hướng phá hủy cái ranh giới giữa hư cấu và phi hư cấu : những biến cố, những sự kiện trong tiểu sử được trà trộn với những chuyện hư cấu, hay bị ngụy trang. Cuốn Fils của Serge Doubrovsky được xem như tác phẩm đầu tiên của loại tự truyện hư cấu.


Thứ Sáu, 2 tháng 6, 2023

Liễu Trương: Người đọc tác phẩm

Vào những năm 1970, các nhà nghiên cứu văn học ở Tây phương bắt đầu quan tâm đến vấn đề đọc. Trước thời điểm đó, người ta tìm hiểu tác phẩm văn chương bằng cách nối kết tác phẩm với một thời kỳ, một cuộc đời, một vô thức hay một lối viết. Rồi bỗng nhiên tác phẩm văn chương được xem xét trong quan hệ với người sau cùng đã cho tác phẩm một sự tồn tại, đó là người đọc. Các nhà lý luận văn học nhận thấy hai câu hỏi hệ trọng được đặt ra từ trước : Văn chương là gì?  Nghiên cứu văn bản như thế nào? Tựu trung là tự hỏi tại sao người ta đọc một cuốn sách. Phải chăng phương tiện tốt nhất để hiểu cái « sức mạnh » và tính trường cửu của một số tác phẩm là tự hỏi về những gì người đọc tìm thấy trong những tác phẩm đó?


Người ta bắt đầu quan tâm nhiều đến việc đọc khi những tiếp cận về thuyết cấu trúc bắt đầu có những giới hạn. Người ta nhận thấy không ích lợi gì khi muốn quy văn bản vào một loạt hình thức. Thi pháp học đã đi vào ngõ cụt : khi một công trình nghiên cứu bị giới hạn vào những cấu trúc thì đi đến những cái mẫu quá khái quát hoặc quá phiến diện. Quả thật, một mặt, những phương pháp mà các nhà thi pháp học đưa ra như những phương pháp tạo nên văn chương lại ở ngoài văn chương : Roland Barthes áp dụng phương pháp cấu trúc cho những cuốn phim James Bond. Mặt khác, thi pháp học là khoa học của cái khái quát, đã thất bại khi trình bày tính độc đáo của mỗi văn bản : nếu việc dùng đến phương pháp đa âm (nhiều phương diện) là một trong những ưu điểm của việc nghiên cứu tác phẩm của Dostoïevski, thì phải nhìn nhận rằng phương pháp đó không thành công với những tác giả tầm thường hơn Dostoïevski. Giá trị của một tác phẩm văn chương không thể bị quy vào việc dùng kỹ thuật này hay kỹ thuật nọ.


Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2023

Liễu Trương: Thuyết hiện sinh từ triết học đến văn chương

Ở Pháp, sau Đệ nhị Thế chiến, từ năm 1945 đến khoảng năm 1960, học thuyết hiện sinh được phổ biến rộng rãi trong dân chúng, làm nảy sinh một trào lưu tư duy tràn qua lĩnh vực văn chương, và một lối sống ngoài xã hội.

I. Một hiện tượng xã hội


Về mặt xã hội, thuyết hiện sinh gây nên một lối sống có thể nói là ngông cuồng của một tuổi trẻ hiếu động, tập trung ở Paris, xung quanh khu Saint-Germain-des-Prés. Những hầm rượu của Saint-Germains-des-Prés bỗng dưng nổi tiếng vì giới trẻ tấp nập lui tới. Dư luận thiếu suy xét và được một thứ báo chí ham cái mới thúc đẩy, nên liên kết tên của các nhà hiện sinh : Sartre, Simone de Beauvoir, với những nơi chốn có tính huyền thoại như các tiệm cà phê Flore, Les Deux Magots, Le Tabou, với nhạc jazz, với lối khiêu vũ be bop, với loại ca nhạc của Juliette Gréco. Tuổi trẻ này chống chủ nghĩa theo thời một cách ồn ào, và có một lối cư xử khiêu khích, độc đáo.

Những người theo truyền thống lên tiếng chỉ trích những biểu lộ này, nhưng họ lẫn lộn những ý muốn làm mới tư duy và lối viết với lối sống lập dị ồn ào.

Nhìn chung, lối sống này chỉ là một hiện tượng xã hội có tính nhất thời. Nó biến đi trước lâu đài của học thuyết hiện sinh.


Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2023

Liễu Trương: Hiện tượng sách dịch ở miền Nam thời 54-75

Một trong những đặc điểm của đời sống văn hóa ở miền Nam thời 54-75 là sự mở rộng tầm nhìn ra thế giới, với ý muốn khám phá, thấm nhuần những tư tưởng triết học mới, những hiện tượng văn học mới, muốn biết thân phận con người được cảm nhận như thế nào qua nghệ thuật viết của các nhà văn trên thế giới. Thế cho nên trong những năm 60-70, có cả một phong trào dịch sách nở rộ.

Thật ra, vấn đề dịch sách Tây phương ở nước ta đã có từ lâu. Người đi tiên phong vào nửa đầu thế kỷ 20 là nhà văn, nhà báo, dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936), người có công phổ biến chữ quốc ngữ và đồng thời cũng phổ biến tư tưởng Tây phương. Nhờ những dịch phẩm của Nguyễn Văn Vĩnh mà các thế hệ đến sau được biết đến văn chương Pháp, giúp họ đi vào con đường Tây học.

Đến nửa sau thế kỷ 20, vào thời miền Nam, có thể nói vấn đề dịch sách nước ngoài đã tiến một bước rất dài. Số dịch giả ngày càng đông đảo. Các dịch giả không chỉ nhắm vào văn chương Pháp mà cả văn chương thế giới : từ Âu châu đến Hoa Kỳ, Mỹ châu La tinh đến các nước Ả Rập và đương nhiên vẫn có cái nhìn gần gũi với Á châu.

Ngành dịch thuật phát triển chủ yếu trong hai lĩnh vực : triết học và văn học.


Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2022

Liễu Trương: Mười Nhà Văn Miền Nam Đến Với Độc Giả Pháp

Vent du Sud (Gió Nam)

Tháng 6/2022, nhà xuất bản La Frémillerie ở Pháp cho ra cuốn VENT DU SUD (Gió Nam), một tuyển tập truyện ngắn của mười nhà văn miền Nam, do Liễu Trương dịch ra tiếng Pháp.


Để giúp độc giả Pháp hiểu biết sự hình thành của nền văn học miền Nam, và khám phá một số nhà văn của nền văn học này, dịch giả đã viết một bài Tựa nội dung như sau.


*


Lịch sử Việt Nam ở thế kỷ 20 mang dấu vết sâu đậm của hai cuộc chiến : cuộc chiến chống Pháp và cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn. Cuộc chiến chống Pháp kết thúc bằng cuộc bại trận của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ, năm 1954, tiếp theo là việc ký kết Hiệp định Genève, chia đôi lãnh thổ Việt Nam ngang vĩ tuyến 17. Kể từ đó, hai nước Việt Nam, miền Bắc cộng sản và miền Nam cộng hòa, chống đối nhau trong một cuộc chiến về hệ tư tưởng, một cuộc chiến huynh đệ tương tàn, cho đến ngày miền Nam sụp đổ, năm 1975.


Vậy nền Cộng hoà miền Nam tồn tại được hai mươi mốt năm. Lịch sử của sự tồn tại ngắn ngủi này được phong phú hóa bởi cuộc di cư của gần một triệu người đã từ bỏ quê cha đất tổ ở miền Bắc, để vào sinh sống ở miền Nam. Những đảo lộn chính trị, xã hội đã làm rung chuyển đời sống ở miền Nam. Chính trong bối cảnh đó một nền văn học mới đã được hình thành.


Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2022

Liễu Trương: Đôi Điều Về Nhà Văn Albert Camus (1913-1960) Và Tác Phẩm Kẻ Ngoại Cuộc (L’ÉTRANGER)

 

Ngày 1 tháng 5 năm 1940, Albert Camus ghi trong cuốn Sổ tay I (Carnets I) : « Đã viết xong Kẻ ngoại cuộc ». Lúc đó ông 26 tuổi, đã rời Algérie nơi ông chào đời và lớn lên, nơi ông đã bắt đầu cầm bút và hoạt động trong các lĩnh vực báo chí, chính trị, kịch nghệ. Giờ đây, tháng 5 năm 1940, Camus sống ở Paris, trong một khách sạn và cộng tác với báo Paris Soir.

Cuốn tiểu thuyết Kẻ ngoại cuộc ra mắt độc giả năm 1942 và đã thành công rực rỡ. Giới phê bình biết ngay đây là một tác phẩm mới lạ, có tầm quan trọng lớn. Các tên tuổi hàng đầu như Jean-Paul Sartre, Maurice Blanchot đều có bài giới thiệu và phê bình. Cuốn sách làm đề tài cho vô số bài biên khảo và được nghiên cứu về các phương diện văn học, triết học, chính trị, chủ nghĩa thực dân, v.v… Trong khi các nhà phê bình như Pichon Rivière, Alain Costes, Jean Gassin khai thác tác phẩm về khía cạnh phân tâm học, thì các nhà phê bình khác cho rằng Kẻ ngoại cuộc báo hiệu trường phái Tiểu Thuyết Mới ở Pháp, lại có những nhà phê bình xem xét tác phẩm của Camus qua lăng kính của liên văn bản. Chừng đó phản ứng cũng đủ cho thấy Kẻ ngoại cuộc là một biến cố văn học trong những năm 1940. Đó là chưa kể tác phẩm đã được đưa vào nhà trường và đại học ở Pháp cũng như trên khắp thế giới.


Kẻ ngoại cuộc, một tác phẩm hiện đại

Tiểu thuyết Kẻ ngoại cuộc gồm hai phần, dài gần ngang nhau. Những sự kiện được trình bày trong Phần Một lúc đầu có vẻ không có ý nghĩa gì mấy, nhưng được lặp lại trong Phần Hai để vây chặt nhân vật Meursault và làm anh ta phải áy náy.

Kẻ ngoại cuộc được viết với đại từ ngôi thứ nhất : « tôi ». Chính Meursault nói, và người đọc chỉ biết truyện qua những gì anh ta kể. Câu văn thường ngắn, nhất là trong Phần Một, đôi khi không có liên hệ giữa nguyên do và hậu quả, giữa những câu văn, điều này cho thấy Meursault tỏ ra dửng dưng, không hiểu biết về sự hợp lý do xã hội áp đặt, không tin vào sự phối hợp giữa hành động và tư duy của con người. Anh ta chỉ nhận thấy điều mình làm mà không suy nghĩ xa hơn. Cho nên có nhiều câu đơn điệu bắt đầu bằng « Tôi » nối đuôi nhau. Ngôn ngữ được dùng trong Kẻ ngoại cuộc là ngôn ngữ nói, một ngôn ngữ đơn giản, bình dị với vô số kết từ « và » và với vô số mệnh đề : « Tôi nói rằng… », « Tôi nghĩ rằng… », như một người thật thà kể chuyện. Lại nữa, có khi Meursault kể chuyện một hơi dài đưa đến những câu dài không có những cái phẩy để ngắt câu.


Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2022

Liễu Trương: Sáng Tạo Của Thảo Trường

 Văn học miền Nam tuy có một tuổi thọ rất ngắn, nhưng chỉ trong vòng hai mươi  năm,  biết bao tác phẩm đã nở  rộ trong một  bầu không khí tự do, ngoài  sự thống  trị  của  mọi  hệ  tư  tưởng,  ngoài  mọi  áp  bức  chính  trị.  Tác  phẩm  của  Thảo Trường  đã  thành  hình trong bối  cảnh đó,  và đã  góp phần  xây dựng  nền văn học miền Nam mà Thảo Trường là một trong những nhà văn trụ cột.


Năm 1954, sau khi Hiệp định Genève được ký kết, một thanh niên 18 tuổi tên Trần Duy Hinh, về sau trở thành nhà văn lấy bút hiệu Thảo Trường, đã rời bỏ quê hương miền Bắc, đành giã từ người mẹ thân yêu để theo làn sóng di cư vào Nam. Đối với người thanh niên này, một cuộc phiêu lưu bắt đầu từ đây, phiêu lưu qua những biến cố lịch sử, qua khói lửa chiến tranh, qua ngục tù cộng sản, để cuối đời trôi giạt đến một cái xứ xa lạ, và từ biệt cõi đời ở đấy. Nhưng cuộc phiêu lưu đã đem lại cho nền văn học Việt Nam những tác phẩm để đời.

Cũng như Thanh Tâm Tuyền, Thảo Trường cầm bút rất sớm, đồng thời ông cũng làm bổn phận của một người trai thời loạn. Ông nhập ngũ và dấn thân cho chính  nghĩa  Quốc  gia.  Ở  Thảo  Trường,  chữ  nghĩa  đồng  hành  mật  thiết  với  trải nghiệm và suy tư. Chữ nghĩa được cân nhắc, nâng niu, quý trọng để nói dùm tác giả bao ưu tư, bao sầu muộn trước sự đảo điên của thế cuộc.


Chủ Nhật, 22 tháng 8, 2021

Liễu Trương: Nhà Tôi Bên Chiếc Cầu Soi Nước

Những đổi thay trong xã hội do những biến cố lịch sử gây nên thường phản ánh ít nhiều trong một trường học, nhất là trong một lớp học như lớp học của tôi, đi từ tuổi nhỏ đến hết bậc trung học. Tôi có dịp nhận xét về những đổi thay trong các lớp tôi đã từng đi qua. Năm tôi học 8ème, tức lớp nhì tiểu học, ở trường Couvent des Oiseaux, Đà Lạt, lúc đó cuối thời Pháp thuộc, người Pháp chưa rời hẳn Việt Nam, trong lớp tôi chỉ có 4 học sinh Việt Nam, còn lại là học sinh Pháp, những học sinh này vẫn còn đầu óc thực dân, coi rẻ người Việt Nam. Hai, ba năm sau học sinh Pháp lần lượt biến mất, để chỗ cho một loạt học sinh từ Huế lên Đà Lạt học ; không hiểu sao lúc đó học sinh các trường Đồng Khánh và Jeanne d’Arc ở Huế ồ ạt lên Đà Lạt. Các bậc phụ huynh sợ con cái đi chiến khu chăng ? Hay có sự lựa chọn cho con em nền văn hóa giáo dục Pháp của ngôi trường nổi tiếng này ? Những tiếng nói qua lại ngoài giờ học nghe rất lạ tai : « Mi để cuốn sách ở mô ? », « Cái chi mà lạ rứa ? », « Tao nhớ mạ tao chi lạ ! »… Rồi khi tôi lên lớp seconde, tức lớp 10 ngày nay, một lần nữa bộ mặt của lớp học lại thay đổi : các bạn học mới của tôi phần nhiều là người Bắc di cư vào Nam, họ vẫn còn xót xa nghĩ đến quê hương vừa rời bỏ.

Trong số các bạn mới có một người không phải là di cư, một người có vẻ như biệt lập, đó là một cô gái lai xinh đẹp, tên Kim Thư. Tôi biết lờ mờ rằng gia đình Kim Thư ở Nha trang, Thư vào Sài Gòn học một hai năm gì đó, rồi lên Đà Lạt. Đôi mắt màu hạt dẻ của Thư luôn luôn đượm một vẻ buồn khiến tôi cảm thấy mến bạn, tuy nhiên chúng tôi không có cơ hội thân nhau, vì Thư ở nội trú còn tôi ngoại trú. Tuy thế chúng tôi cũng có chung với nhau nhiều kỷ niệm, như những lần đi pique–nique xa với cả lớp hay đi công tác xã hội. Nhưng kỷ niệm đẹp nhất mà tôi nhớ mãi là giọng hát của Thư. Ở trường, ngoài những giờ học có những giờ gọi là « étude », học sinh được tự do học ôn bài vở ngoài đồi, vì ngôi trường tọa lạc trên một ngọn đồi. Có lần tôi ngồi dưới gốc một cây thông, đang ôn bài vật lý để ngày hôm sau thi, bỗng một giọng hát vang lên :

Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước
Em đến tôi một lần
Bao lũ chim rừng họp đàn trên khắp bến xuân.

Tiếng hát trong trẻo, cao vút. Tôi ngạc nhiên vội xếp sách, nín thở để lắng nghe.

Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2020

Liễu Trương: Ý Nhi Và Trần Mộng Tú, Hai Nguồn Thơ, Hai Phương trời

Họ cùng trang lứa, cùng yêu quê hương, cùng say mê chữ nghĩa, văn chương ; ngoài đời, họ có thể là hai người bạn, hai chị em. Nhưng lịch sử đã xui khiến họ ở hai phương trời cách biệt.

Ý Nhi sinh ở Hội An, Quảng Nam, năm 1944, nhưng lại trôi giạt ra đất Bắc khi còn nhỏ ; Trần Mộng Tú chào đời ở Hà Đông, Bắc Việt, năm 1943, lại theo làn sóng di cư vào Nam, năm 1954. Hai cô gái lớn lên và trưởng thành dưới hai chế độ : chế độ cộng sản và chế độ tự do, nhân bản, hai hệ tư tưởng chống đối nhau để rồi đi đến một cuộc chiến tranh tương tàn. Hai cô gái mang trong tâm hồn những vết thương, những nỗi đau của thời mình sống, và nguồn thơ nảy sinh từ đó. Thế rồi khi tiếng súng im bặt, khi vĩ tuyến 17 không còn ngăn cách đôi miền Nam Bắc, thì không gian mở rộng mênh mông. Từ Hà Nội, Ý Nhi mang túi thơ lên đường khám phá miền Nam, dừng chân đây đó ở Huế, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Nhatrang, Đà lạt, rồi cuối cùng chọn cái đất Sài Gòn làm nơi cư ngụ. Nhưng Trần Mộng Tú thì đã biến thành con chim từ biệt quê hương, bay đến những chân trời mới lạ, tìm đất lành để đậu. Từ xa, con chim cất tiếng hót, giọng nó cuốn hút, sưởi ấm lòng kẻ lưu đày, và tiếng hót vọng về quê hương như hẹn ngày tái ngộ. Trần Mộng Tú xuất hiện ở hải ngoại như một nhà thơ nữ Việt Nam hiện đại với những thi phẩm :

Thơ Trần Mộng Tú (1990)

Để Em Làm Gió (1996)

Ngọn Nến Muộn Màng (2005)

Thơ Tuyển Trần Mộng Tú (2009)

– Thơ dịch của Trần Mộng Tú được đưa vào sách giáo khoa Mỹ, chương trình trung học : American Literature, Glencoe, 1999.

– Thơ dịch của Trần Mộng Tú được giới thiệu trong biên khảo của Huỳnh Sanh Thông : An Anthology of Vietnamese Poems : From the Eleventh through the Twentieth Centuries. Yale University Press – New Haven and London.

Trong nước, nguồn thơ của Ý Nhi cũng làm rung động lòng người, ngoài hai tập thơ xuất bản chung với hai nhà thơ khác, Ý Nhi có 8 thi phẩm sau đây :

Đến Với Dòng Sông (1978)

Người Đàn Bà Ngồi Đan (1985) Giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam

Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2020

Liễu Trương: Viết với thân xác như Túy Hồng

Trước khi văn học miền Nam hình thành, đã có hai nhà văn nữ được độc giả biết đến : Nguyễn Thị Vinh và Linh Bảo. Nguyễn Thị Vinh là cây bút nữ duy nhất thuộc nhóm Tự Lực Văn Đoàn, Hai chị em là tác phẩm đầu tay của bà xuất bản năm 1953. Cũng năm 1953, Linh Bảo có truyện dài Gió Bấc và một tập truyện nhi đồng, Chiếc áo nhung lam ra mắt độc giả ; ngoài ra, tập truyện ngắn Tầu ngựa cũ (1961) được giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc năm 1962. Cả Nguyễn Thị Vinh và Linh Bảo đều tiếp tục sáng tác vào những năm 60-70. Nhưng với cái đà tiến hóa của xã hội miền Nam, họ bắt đầu mờ dần. Một thế hệ trẻ xuất hiện với những cái tên như Nhã Ca, Túy Hồng, Nguyễn Thị Hoàng, Trùng Dương, Nguyễn Thị Thụy Vũ và cô em út Lệ Hằng. Các cây bút trẻ này không như các bậc đàn chị vẫn còn giữ nếp truyền thống vào cái thời còn lưng chừng giữa nền phong kiến tàn tạ và nền văn minh tiến bộ đầy hứa hẹn. Họ ồ ạt đến với độc giả, mỗi người một phong cách đã khẳng định vị trí của người nữ trong gia đình, ngoài xã hội, nhưng chưa đủ, họ còn đòi quyền sống theo ý muốn của mình ; cũng có người như Nhã Ca, tuy tha thiết với những hoài bão của nữ giới, nhưng không làm ngơ trước thời cuộc và đã khóc vì những tai họa của chiến tranh.

Túy Hồng là người đến với độc giả sớm nhất, với cuốn truyện đầu tay, Thở dài, ra mắt năm 1963, tiếp đến là Vết thương dậy thì (1966). Túy Hồng gốc Huế, như Nhã Ca và Nguyễn Thị Hoàng. Bà sinh năm 1938, tốt nghiệp Đại học Sư Phạm, giáo sư môn Việt văn. Đây là một nhà giáo cầm bút, nhưng không để gửi đến đám học trò những lời nhắn nhủ của một nhà mô phạm. Cây bút Túy Hồng xông xáo đi vào cuộc đời, dám nói lên những điều vẫn còn ngủ yên trong tâm thức hay vô thức của người nữ. Năm 1970, văn nghiệp của Túy Hồng được khởi sắc : bà đoạt Giải Nhất Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc với tác phẩm Những sợi sắc không. Cũng năm 1970, một tác phẩm khác của bà ra đời, cuốn Tôi nhìn tôi trên vách.

Cái tựa đề Tôi nhìn tôi trên vách kích thích tính tò mò của độc giả. Lại nữa trong truyện xôn xao tiếng nói của những người con gái Huế ; chẳng mấy khi độc giả được nghe con gái Huế nói chuyện. Ở đây không có hình ảnh người con gái Huế đội chiếc nón bài thơ, yểu điệu đi qua cầu Tràng Tiền. Cũng không có những cô nữ sinh cảm thấy ngột ngạt trong một thành phố Huế cổ xưa, đầy thành kiến, và nuôi mộng thoát ly, như cô nữ sinh Phù Dung của Nhã Ca trong Cổng trường vôi tím. Không. Những cô gái Huế ở đây là những người con gái sông Hương lạc loài trong thủ đô Sài Gòn, giữa vô số người đến từ bốn phương, ăn mặc xuề xoà, thoải mái, nói năng lẫn lộn ba thứ tiếng : Bắc, Trung, Nam ; thủ đô Sài gòn quả là một biểu tượng của sự thống nhất đất nưóc.

Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2020

Liễu Trương: Nguyễn Đình Toàn Và Nghệ Thuật Làm Mới Tiểu Thuyết



Đề tài rời xa Hà Nội, rời xa quê hương miền Bắc, ngày đất nước chia đôi do hiệp định Genève ký kết năm 1954, đã đi vào âm nhạc và văn chương miền Nam. Đặc biệt về văn chương đã có những truyện như Đêm Giã Từ Hà Nội (1955) của Mai Thảo, Bếp Lửa (1957) của Thanh Tâm Tuyền, Siu Cô Nương (1958) của Mặc Đỗ, Màu và Sắc (trích tập Thử Lửa, 1962) của Thảo Trường, v.v… Qua năm 1972 lại có tiểu thuyết Áo Mơ Phai của Nguyễn Đình Toàn. Đề tài được các tác giả khai thác theo ý hướng và nghệ thuật của mỗi người. 

Nguyễn Đình Toàn, trước 1975, được giới yêu âm nhạc mến mộ qua chương trình "Nhạc Chủ Đề" trên Đài Phát thanh Sài Gòn, nhưng chính trong lĩnh vực văn chương tên tuổi của ông mới vững vàng, lâu dài. Kể từ thập niên 60 Nguyễn Đình Toàn đã có các truyện dài như : Chị Em Hải (1961), Con Đường (1965), Ngày Tháng (1968), Đêm Hè (1970), Đêm lãng quên (1970), Giờ ra chơi (1970), Không Một Ai (1971), Thành Phố (1971), Áo Mơ Phai (1972), Tro Than (1972), Những Kẻ đứng Bên Lề (1974), hai tập truyện ngắn : Phía Ngoài (1969, cùng viết với Huỳnh Phan Anh), Đám Cháy (1971), và tập thơ Mật Đắng.

Năm 1973, nhà văn Nguyễn Đình Toàn đoạt giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật của Việt Nam Cộng Hòa với truyện Áo Mơ Phai, sự chú ý của công chúng liền tập trung vào tác phẩm này. 

Độc giả nào thích đọc những truyện có tình tiết gay cấn, gây thích thú, hồi hộp, buồn, vui, với những kết cấu đâu vào đó, thì sẽ ngỡ ngàng khi đọc Áo Mơ Phai, vì cốt truyện rất mong manh, lửng lơ. Truyện Áo Mơ Phai gồm 9 chương, được xây dựng quanh 4 nhân vật : ông bà Nam, Lan và Quang. Ông Nam là y sĩ đồng thời là giáo sư y khoa, bà Nam trông coi việc nhà, Lan con gái ông bà Nam là một nữ sinh, Quang là cháu của ông bà, đi làm trong một công sở.

Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2018

Liễu Trương: Trương Vĩnh Ký, Nhà Văn Hóa Tiên Phong


Mỗi khi đề cập đến tiến trình văn học Việt Nam, các nhà phê bình văn học thường nhắc đến Tự lực văn đoàn và phong trào Thơ mới như những cái mốc quan trọng không thể bỏ qua được. Họ hoàn toàn có lý, vì đó là những biến cố đánh dấu sự trưởng thành của nền văn học mới của chúng ta. Nhưng bởi đâu mà có được những thành quả rực rỡ của Tự lực văn đoàn và của Thơ mới, trong thập niên 30 của thế kỷ trước ? Đặt câu hỏi như thế có nghĩa nhắc nhở đến một văn tự mà do một sự tình cờ lịch sử đã đưa đến cho dân tộc Việt Nam, tôi muốn nói đến chữ quốc ngữ, tức tiếng Việt ghi âm bằng mẫu tự la tinh. Nhờ chữ quốc ngữ, chúng ta đã từ bỏ hẳn chữ Hán, một văn tự không phải là của ta, từ bỏ chữ Nôm, một thứ chữ muốn dùng được cũng đòi hỏi rất nhiều công. Trong buổi nói chuyện hôm nay, chúng ta không có đủ thì giờ để đi vào chi tiết của nguồn gốc chữ quốc ngữ đã nảy sinh vào thế kỷ 17. Chỉ xin nhắc lại rằng những nỗ lực phân tách ngữ pháp và ngữ âm tiếng Việt ngõ hầu kiện toàn lối viết bằng mẫu tự la tinh, và việc chuyển mẫu tự la tinh cho thích hợp với lối phát âm và thanh điệu tiếng Việt, đều là một công trình tập thể, khó phân biệt phần đóng góp cá nhân. Trong số các vị linh mục thừa sai Bồ đào nha và Pháp có công lớn trong việc hình thành chữ quốc ngữ phải kể các linh mục Dòng Tên : Francisco de Pina, Gaspard de Amaral, Antonio Barbosa và Alexandre de Rhodes. Ngoài ra cũng cần nhắc đến sự đóng góp của các vị tu sĩ Việt Nam. Ở miền Bắc, thầy Bento Thiện, có viết bằng quốc ngữ : Lịch sử nước Annam, năm 1659 (1). Cũng ở thế kỷ 17, linh mục Lữ-Y Đoan là người đầu tiên dịch Thánh kinh ra tiếng Việt, viết bằng quốc ngữ với nhan đề : Sấm truyền ca (2).

Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2016

Liễu Trương: Võ Phiến Một Ðời Cầm Bút


Để ca tụng sự ham thích đọc sách, nhà văn kiêm nhà thơ Pháp Valery Larbaud (1881-1957) đã chọn cái tựa đề như sau cho một cuốn sách của ông : « Ce vice impuni, la lecture » (Đọc sách, cái thói hư không trị được). Cũng như bao nhiêu người khác, tôi mắc phải cái « thói hư » đó. Đọc sách cho ta cái thú đi vào thế giới thiên hình vạn trạng do tác giả tạo ra, và là cái thú mà ta có thể có ngay từ thuở nhỏ. Nhưng nếu nói về việc đọc sách của Võ Phiến thì tôi xin có một lời thú : tôi được biết tác phẩm của ông rất muộn. Giữa lúc tiếng tăm ông lừng lẫy trên văn đàn miền Nam, thì ở Pháp tôi không hề biết đến cái tên Võ Phiến. Mãi đến thập niên 80, tình cờ đọc bài tùy bút  « Ngày xuân êm đềm »  tôi bỗng cảm thấy bị cuốn hút.  « Ngày xuân êm đềm »  là một văn bản có thể được liệt vào thể loại mà nhà phê bình văn học Pháp Jean-Yves Tadié gọi là « Le récit poétique » (Truyện kể thi vị). Kể từ đó, tôi đi tìm sách của Võ Phiến để đọc, và  đã miệt mài với những tác phẩm của ông.

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016

Liễu Trương: VÕ PHIẾN VÀ TÂM TRẠNG KẺ LƯU ĐÀY

Liễu Trương
Sống ở Pháp từ năm 1963.
Tiến sĩ Văn học đối chiếu, Đại học Paris III, Sorbonne Nouvelle.

Đã xuất bản
Les canons tonnent la nuit
Bản dịch truyện Đêm nghe tiếng đại bác của Nhã Ca
Nxb Philippe Picquier, Pháp, 1997

Một cuộc đi chơi ở đồng quê
Bản dịch 16 truyện ngắn của Guy de Maupassant
Nxb Đà Nẵng, 2007
Tiếp cận văn học Pháp
Nxb Văn Học, Hà Nội, 2007
Phân tâm học và Phê bình Văn học
Nxb Phụ Nữ, Hà Nội, 2011

Sau biến cố tháng 4, 1975, đông đảo người Việt Nam đột ngột rời xa quê hương để tìm đến một bến bờ tự do. Cả một cuộc đời bỗng nhiên bị đảo lộn, nếp sống cũ bỗng nhiên tan biến. Kể từ nay trên đất khách, người Việt di tản phải tập sống với những người khác chủng tộc, khác văn hóa. Vấn đề thích nghi, hội nhập được đặt ra, và người di dân ý thức rằng lìa cuống rún là cả một sự đau đớn. Thích nghi về vật chất như ăn uống, đổi nghề nghiệp, đổi lối sống, v.v… những điều này đều có thể làm được, nhưng thích nghi về tinh thần thì sao? Tâm hồn vẫn còn mang nặng hình ảnh quê hương, vẫn còn quyến luyến với những truyền thống, tập quán xưa, vẫn còn tha thiết với cái không gian đã bị tước đoạt một cách tức tưởi.