Hiển thị các bài đăng có nhãn Lưu Quang Vũ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Lưu Quang Vũ. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2019

Nguyễn Đức Tùng: Lưu Quang Vũ, Càng Thương Yêu Càng Không Vừa Ý (Tiếp theo và hết)

Chúng ta cũng yêu quý điều gì ở Lưu Quang Vũ? Lòng khao khát tự do. 

Sao em chẳng cùng anh ra cửa biển 
Mùa thu cao mây trắng xóa mênh mông 

Tự do của Lưu Quang Vũ có tính riêng tư hơn và vì vậy mà tuyệt đối hơn. Khi đọc lại thơ ca miền Bắc cùng thời, tôi có ấn tượng rằng hình như anh là nhà thơ hiếm hoi, vào thời điểm ấy, đi ngược lại các quy ước, thể hiện ý chí cá nhân, rẽ sang một lối hoàn toàn khác từ nền thơ đại chúng. Đi xa đến nỗi cũng còn lâu nhiều nhà thơ hôm nay có thể theo kịp. Trước hết, sớm muộn gì anh cũng vượt qua thói quen sáo rỗng của chính mình, kiểu như trong: 

Con ngựa gầy phiêu bạt thảo nguyên xa 

Vượt qua không khí tù hãm, nhìn thẳng vào cô đơn, tự làm mới vết thương tâm hồn, do đó làm mới niềm hy vọng đối với ngôn ngữ. Thoạt đầu anh cũng tham gia chiến tranh như nhiều người khác, trong xã hội ấy: hồn nhiên, tin tưởng, mơ mộng. 

Chùm nhãn chín cành cao rạo rực
Sắp gặp nắng nhựa dồn nên nhãn thức
Ta cũng bồi hồi trong đêm bâng khuâng:
Ừ xa nhà đánh giặc đã hai năm
(4. 1967) 

Tuy nhiên trong dàn đồng ca của thời đại mình, Lưu Quang Vũ dần trở nên một tiếng nói riêng lẻ, độc lập, cô độc. Điều gì đã làm cho anh nhận ra chiến tranh là trò chơi vô nghĩa, tội ác của nó không thuộc riêng bên nào, thế lực nào? Tôi nghĩ rằng chưa phải là kiến thức, hay dũng cảm, mà chính là lương tâm. 

Chúng mình không có bom nguyên tử
Chỉ có thuốc lào hút với nhau
Thương nhà thương nước thương cho bạn
Không khóc mà sao cổ nghẹn ngào

Thôi nhé mai này tiễn Khánh đi
Đường xa bom phá tàu không về
Lênh đênh ai hát ngoài song cửa
Bài ca thanh bình đêm cũ 

Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2019

Nguyễn Đức Tùng: Lưu Quang Vũ, Càng Thương Yêu Càng Không Vừa Ý (Kỳ 1)

Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh

Thơ của Lưu Quang Vũ, một nhà thơ quan trọng của những năm sáu mươi, bảy mươi, thế kỷ trước, người có số phận kỳ lạ, là sự kết hợp của hai khuynh hướng khác biệt. Trước hết, đó là phương pháp hiện thực có hơi hướm lãng mạn, phổ biến vào thời ấy. Mặt khác, bắt đầu rất sớm, dòng trữ tình- phê phán của riêng anh, trước đó gần như chưa có ở miền Bắc, nếu tính từ sau Nhân văn- Giai phẩm, một phong trào lúc ấy đã tàn lụi, không những trên các diễn đàn chính thống, mà ngay trong các sáng tạo ngầm của thành viên còn lại, những người sẽ chuyển sự chú tâm của họ về hướng khác. 

Ta lớn lên cửa sổ thay màu
Nghe tiếng chim không thấy mùa nắng nữa
Con thuyền giấy nát nhàu sau trận gió
Thành phố nghèo hơn và cũng buồn hơn 

Nhiều bài thơ của Lưu Quang Vũ là thơ dài, phối hợp giữa tự do và có vần, giàu nhạc điệu, ngôn ngữ trong trẻo, rất dễ đi vào lòng người. Trong một số bài khác, nghệ thuật dùng chữ của tác giả rất chọn lọc, khó khăn, nhưng ít được chú ý hơn. 

Tóc em dài như một ngày mỏi mệt 

Tuy vậy, thơ anh không có nhiều những khoảng im lặng, khoảng trống, trái lại chúng là dòng chảy liên tục, phản chiếu một tâm hồn sôi nổi, thích biểu đạt, thuyết phục. Thơ có tư tưởng, có chủ đề, nhưng ngôn ngữ vẫn mượt mà, nhiều so sánh, đáng yêu:

Mưa ở đây như roi nắng ở đây như lửa
Em là bờ cau xanh
Là quả vườn nhà là chim tu hú
Em yêu chốn này không
Em như sông êm ả một dòng
Có yêu giông trời chớp bể