Hiển thị các bài đăng có nhãn Lê Thiệp. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Lê Thiệp. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 19 tháng 9, 2021

Lê Thiệp: Tâm Kinh

Lễ phát tang bà cụ mẹ ông bạn ở chùa Giác Hoàng đường 16 đông ra phết, phần vì gia đình lớn, phần vì ông bạn là người quảng giao. Hai vợ chồng tôi trịnh trọng thắp hương vái bàn thờ xong lui ra nhường chỗ cho người khác. Căn phòng không rộng lắm và tôi từ từ bị đẩy ra ngoài hành lang lúc nào không biết. Đứng lớ ngớ thấy vợ tôi vẫn mặt nghiêm và buồn nói chuyện với những người trong tang quyến, tôi đi hẳn ra phòng ngoài ngồi. Trên giá để một lô sách, tiện tay tôi rút và vớ được cuốn Nghi Thức Tụng Niệm. Cuốn sách bìa cứng màu đỏ chữ mạ vàng còn mới tinh, bên trong chữ in khá lớn có lẽ cỡ 16 để cho Phật tử nào già nua mắt kém cũng có thể đọc được. Đây là điểm son của chùa chiền Việt Nam vì thỉnh thoảng đi lễ nhà thờ thấy thánh kinh in chữ nhỏ li ti. Đang lật qua lật lại mắt liếc mấy câu chú ... tà ha tát nị … thì có tiếng chào :

- Ông Thiệp đọc gì đó?

Tôi ngẩng đầu lên. Một ông sư mặc áo chẽn màu trắng ngà tươi cười, xà xuống ngồi trước mặt tôi.

Tôi buột mồm trả lời không nghĩ ngợi :

- Thưa tôi đang đọc kinh.

- Á! Thế ông Thiệp đọc kinh gì vậy ?

Tôi ớ người ra. Tôi có đọc kinh gì đâu, chả qua chỉ liếc đi liếc lại nhưng vốn láu cá, tôi cười.

- Thưa đọc Tâm Kinh.

- Tâm Kinh là kinh được tụng nhiều nhất hơn hẳn Pháp Hoa và Kim Cương. Nó ngắn gọn xúc tích.

Tôi nhìn ông sư, cố nhớ xem đã gặp ông ở đâu, nhưng khuôn mặt nâu rắn rỏi và chiếc đầu nhẵn bóng không gợi nhắc một quen biết nào trong quá khứ. Tại sao ông lại gọi tôi là “ông Thiệp” đầy thân tình như vậy?

Bản tính tinh nghịch khiến tôi cười.

Chủ Nhật, 15 tháng 8, 2021

Lê Thiệp: Nguyễn Ngọc Linh - Cuộc Đời Nhìn Lại …

From Saigon, This Is The Voice Of Viet Nam …” Đó là câu mở đầu chương trình phát thanh Anh Ngữ đầu tiên của Việt Nam được truyền đi giữa tháng Năm, 1955.

Thời điểm này, ông Ngô Đình Diệm mới lên cầm quyền, còn đang phải đối phó với rất nhiều khó khăn như Bình Xuyên và Giáo Phái cùng những áp lực chính trị từ nhiều phía quốc nội cũng như quốc ngoại. Nhu cầu cho thấy cần phải củng cố thế lực, nhất là xác định lập trường

với quốc tế, đặc biệt là với người Mỹ. Bộ Thông Tin nghĩ đến nhiều người nhưng cuối cùng đã phải gọi tới ông. Thính giả, nhất là những đài kiểm thính ngoại quốc không bao giờ nghĩ được cái Tiếng Nói Việt Nam đó là công trình của một thanh niên chưa quá 25 tuổi. Ông là người dựng chương trình, là người viết bình luận, chọn và viết tin, là người chọn nhạc. Không, thật ra thì như lời ông Nguyễn Ngọc Linh kể “Có nhà tôi, bà Thu, phụ giúp nữa nhưng là những chuyện vụn vặt.” Nhiều năm sau, ông Nguyễn Ngọc Linh lại có cơ hội trở lại số 4 Phan Đình Phùng với cương vị khác hẳn. Ông là giám đốc của một hệ thống truyền thanh quốc gia với đài trung ương và cả chục đài địa phương khắp các tỉnh, số nhân viên dưới quyền lên cả ngàn người.

Ông Nguyễn Ngọc Linh (giữa, hàng trên),
 trích từ hình họp mặt củabáo Người Việt năm 1996
Hình như cuộc đời ông nhiều may mắn. Nhưng có thể còn nhờ bộ não lúc nào cũng chỉ muốn làm mới, muốn cải cách nên trong mọi hoàn cảnh, ông luôn luôn nhìn ra cơ hội để làm một cái gì hữu ích hơn, nhất là cho tuổi trẻ, dù trong lãnh vực giáo dục hay truyền thông hoặc ngay cả trên thương trường.

Ông Linh sinh ra trong một gia đình thế phiệt. Thân phụ là tổng đốc Bắc Ninh Nguyễn Trọng Tấn. Ông thuật lại :

- Bố tôi thuộc lớp cựu học nhưng tự học chữ Pháp và đã được sang Tây để trau giồi thêm. Anh em tôi đều theo học chương trình Tây nhưng ở nhà vẫn phải học về văn hóa và lịch sử Việt Nam. Ông cụ nhấn mạnh không thể lơ là với quốc ngữ vì đó là cái gốc của mình. Mãi sau này khi khôn lớn, tôi mới thấy rõ điều đó và thật mang ơn ông cụ.

Thân phụ ông qua đời sớm mới 49 tuổi vì bị bướu trong não, không được chữa chạy vì khi đó năm 1946, Hà Nội do Việt Minh kiểm soát. Nhưng chính nhờ vóc dáng và khuôn mặt giống phụ thân, cuộc đời của ông rẽ qua một ngã khác. Ông kể lại một hôm đang đi trên đường thì có người gọi tên vị thân sinh và khi quay lại thì đó là một người Mỹ từng quen biết với phụ thân ông :

Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2021

Lê Thiệp: Mày Là Thằng Hèn

Hai viên công an ập vào với một người cán bộ mặc áo bộ đội. Tất cả súng AK cầm ngang. Quán phở có khoảng ba bốn người đang ăn cùng ngẩng lên nhìn.

Hai viên công an áo vàng có lẽ quá quen với quán – có thể vẫn ra ăn phở – tiến thẳng về phía Văn Chi. Chi Lùn vừa trong bếp ra, quần áo xộc xệch mồ hôi và bộ mặt đang đỏ gay bỗng như tái đi.

- Công dân Đỗ Văn Chi đứng nghiêm nghe pháp lệnh.

Người cán bộ đọc to và rõ nhưng chẳng ai nghe. Tất cả như khựng lại trong cái quán phở bé tí ngay Ngã Ba Ông Tạ. Dăm ba bà cắp rổ đi chợ thấy lạ, đứng ở lề đường tò mò ngó vào. Văn Chi vẫn đứng đó như trời trồng, hai họng AK chĩa vào ngang ngực. Khi người cán bộ vừa dứt tiếng, hai viên công an sáp vào còng hai tay Văn Chi quặt ra sau, đẩy nạn nhân ra chiếc xe Jeep mui trần đậu bên lề đường. Mọi sự xảy ra không đến mười phút. Tôi ngồi đó chết cứng như bị dán xuống ghế không đứng dậy được cho đến lúc Nga, đứa con gái của Văn Chi, lay tôi nức nở:

- Chú… chú, Bố cháu bị bắt rồi!

Đó là lần cuối tôi nhìn thấy Văn Chi. Văn Chi có mặt trong cuộc đời tự nhiên dễ dãi đến nỗi tôi thấy cuộc đời này không thể không có Văn Chi. Tôi không nhớ gặp Chi Lùn vào lúc nào, chỉ biết khi tôi vào báo Chính Luận chưa có anh và bỗng nhiên tôi và anh la cà đầu đường xó chợ, nhậu nhẹt lu bù. Chỗ nào ồn ào có anh ta là có tôi và chỗ nào vui nhộn có tôi thì thế nào cũng có anh ta.

Chủ Nhật, 25 tháng 7, 2021

Lê Thiệp: Nhà Báo Nông Dân (Tiếp theo và hết)

Thái Lân không có nhu cầu tâm sự hay kể lể và tôi không thấy ông ngồi nói chuyện tầm phào hay tham dự vào những dịp chúng tôi tán phét đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Nhưng sau hôm đó, khi tỉnh lại ông đã ngồi khá lâu với tôi :

- Ông còn trẻ lại được đeo đuổi học vấn có qui trình tử tế chứ bọn chúng tôi khác. Tôi đang đi học sắp sửa thi Diplome thì đại chiến bùng nổ và như ông biết sau đó là Việt Minh. Bố mẹ tôi lôi tôi về quê bảo học là để làm người đâu cần bằng cấp. Chưa đến hai mươi và cũng bị cuốn hút vào cao trào chung của cả nước tôi lăn xả theo Việt Minh, xung phong vào Đội Bảo Vệ Hồ Chí Minh. Khi đó quê tôi ở Thanh Hóa nào có thấy ông Hồ nhưng tâm tưởng tôi coi ông là bậc thánh. Nhưng khi lăn vào hoạt động mới thấy chính cán bộ Cộng Sản lại là những ông vua con còn cường hào ác bá hơn cả địa chủ. Tâm hồn trong trắng của tôi bị giao động và tôi tìm đọc sách vở Cộng Sản, đồng thời chú tâm quan sát những gì xẩy ra xung quanh. Dần dần tôi nhận ra Cộng Sản không phải là giải pháp cho nước mình. Ông nghĩ tôi làm gì?

Tôi chống họ. Suy nghĩ nông cạn và lòng hăng say của tuổi trẻ, tôi và vài người bạn làm báo chống Cộng. Ấy, thời buổi đó làm gì có phương tiện in ấn, tụi tôi viết tay in thạch bản và nghĩ mình đang làm một việc gì kinh thiên động địa. Không lâu sau, tôi bị công an bắt. Chỉ hơn một tháng sau tôi vượt ngục, ông ạ. Dễ quá vì chỉ bị giữ ở trại giam cấp huyên. Tôi tuy vậy không hề sợ hãi mà còn hăng say hơn, lại viết truyền đơn và in báo chống chúng nó. Tất nhiên tôi bị bắt lại ngay và lần này bị đem đi giam ở một nhà tù trong núi tứ bề vách đá cheo leo không thể trốn được. À, không phải trại Lý Bá Sơ. Trại tù tôi ở cách đó khoảng ba bốn cây số gì đó, nhưng so với Lý Bá Sơ thì chẳng thua gì. Ông còn trẻ chưa trải qua tù đày nhất là tù đày Cộng Sản, khó mà tả cho ông hiểu. Theo tôi, cái đáng sợ nhất là bản tính ác của con người. Từ lâu, tôi vẫn chiêm nghiệm về câu “Nhân chi sơ tính bản Thiện.” Theo tôi, con người sinh ra trong trắng không có “Bản” gì, nhưng khi cái ác được dung dưỡng và khuyến khích thì là thảm họa cho loài người. Ông đọc Trại Đầm Đùn rồi, phải không? Tôi bị đánh, bị hành hạ không thua gì nhân vật chính trong cuốn này. Cái đáng sợ nhất không phải là những trận đòn mà là gương mặt hả hê của đám cai tù Công Sản khi hành hạ tù nhân. Tôi coi như mình sẽ chết trong xó tù hẻo lánh. Bỗng dưng chúng lôi tôi lên bảo nhà nước khoan hồng và quyết định thả tôi vì đã biết ăn năn hối lỗi, đã giác ngộ cách mạng. Nhưng không phải như vậy. Về đến nhà hai hôm thì một người bà con trong họ báo cho biết tôi phải trốn ngay vì
sẽ có phong trào thanh toán địa chủ và phản động để trấn áp quần chúng mà gia đình tôi, đặc biệt là tôi đứng đầu danh sách. Chúng tha tôi để định đem tôi ra xử làm gương. Tôi trốn ra được Hà Nội. Ông hay giễu cợt tôi là đứa chống Cộng đến chiều. Vâng ông còn trẻ có thể ông nhìn vấn đề Cộng Sản khác tôi, nhưng ông phải tin tôi điều này. Cộng Sản là thảm họa cho dân mình.

Thứ Bảy, 24 tháng 7, 2021

Lê Thiệp: Nhà Báo Nông Dân

Những ông nhà báo có tên tuổi thường cuộc đời thế nào cũng kèm theo một huyền thoại. Khi thấy tên ông là Thái Lân thì nghĩ chắc ông có dính dáng gì đến Duy Dân vì đảng viên Duy Dân hay có bí danh bắt đầu bằng chữ Thái nên tôi hỏi :

- Xếp có dính dáng đến Duy Dân không?

Ông nhìn tôi ngạc nhiên rồi nói :

- Không. Tôi xuất thân là nông dân không dính gì đến đảng phái.

- Xếp là nhà báo.

- Tôi là nhà báo vì thời cuộc đưa đẩy nhưng bản chất tôi là một anh nông dân.

Tôi im lặng lòng đầy nghi ngờ vì ngay trong tòa soạn Chính Luận đã có các ông Nguyễn Tú và ông Sung là Đại Việt, ông Trần Việt Sơn là Việt Nam Quốc Dân Đảng, ông Thái Linh được coi là Đệ Tứ, ông Lê Văn Anh là một nhà nho thứ thiệt thuộc làu làu cả nghìn bài thơ Đường hay ông Đậu Phí Lục theo học Lục Quân Trần Quốc Tuấn ở Tông, ông Võ Xuân Đình là một bộ đội chính qui Việt Minh. Quanh tôi là những huyền thoại như ông Phạm Duy Nhượng, anh của nhạc sĩ Phạm Duy em của ông Phạm Duy Khiêm từng nói với tôi “Tôi giỏi nhạc hơn thằng Duy và giỏi tiếng Pháp hơn ông Khiêm.” Ông Hoàng Hải, nhạc sĩ trong ban Tam Ca AVT rất nổi tiếng của Lữ Liên, là anh ruột của chuẩn tướng Không Quân Lưu Kim Cương.

Nay nếu người xếp của tôi bảo ông là nông dân thì tôi cũng chỉ biết cười tự hỏi người cầm chịch tờ Chính Luận ngày ngày đối phó với dư luận lại phải điều khiển những ông nhà báo coi trời bằng vung như các ông Phan Nghị, Hồng Dương, Thanh Thương Hoàng hay phải chạm mặt với những văn nghệ sĩ nổi danh như Hoàng Hải Thủy, Văn Quang và đối mặt với những ông như Cao Dao, Như Phong hoặc cả lô trí thức khoa bảng thì liệu ông ta có phải là một anh nhà nông không? Câu trả lời là cả một quá trình.

Chủ Nhật, 11 tháng 7, 2021

Lê Thiệp: Độc Hành Tìm Xác Bạn

Mỹ Voi trang bị đến tận răng. Ngoài chiếc máy quay phim và hai ba chiếc máy ảnh quanh người còn một băng vải dầy với những cục pin và những cuộn phim. Trong đám lính tráng đứng lố nhố chờ trực thăng, Mỹ Voi to vượt hẳn lên. An Lộc vẫn bị cô lập và phương tiện ra vào duy nhất là trực thăng. Bọn nhà báo chúng tôi nếu muốn vào, chỉ có nước cứ chờ và may lắm thì có thể quá giang các phi cơ chở binh sĩ tăng cường hoặc chở đồ tiếp liệu. Ưu tiên hạn chế đó khiến bon chen để quá giang rất khó khăn. An Lộc cần lính, cần đồ tiếp liệu và không có ai rảnh rang để chiều những tên nhà báo. Đôi khi có được một hai chỗ, chúng tôi phải bắt thăm. Khi viên phi công gật đầu thì Mỹ Voi đẩy tôi lên trước và nhanh như cắt nhảy lên theo. Từ bãi trực thăng dã chiến vào An Lộc có lẽ chỉ chưa đến nửa giờ, nhưng viên phi công đã dặn khi vào đến An Lộc máy bay chỉ xà xuống và mọi người phải nhảy ngay để trực thăng sẽ cất cánh trở ra lập tức. Phải như vậy vì đề lô cũng như pháo địch đều nhăm nhăm vào trực thăng, một mục tiêu rất hấp dẫn.

Đúng như dự trù, khi chiếc trực thăng xà xuống cách mặt đất chừng hơn một thước và tôi thấy cái biển đề Đồn Điền Xa Cát thì những người lính nhanh như chớp nhảy xuống. Tôi còn dụ dự, Mỹ Voi vừa hét “nhảy đi” vừa đẩy tôi xuống. Đúng lúc hai đứa tôi đang chúi người chạy về phía trước thì một tiếng nổ inh trời. Cho tới sau này, tôi vẫn không biết đó là hỏa tiễn 122 ly hay súng cối. Trong chớp nhoáng chỉ thấy bụi mù và Mỹ Voi lộn vòng vòng trên mặt đất như con quay, máy một nơi người một nẻo. Tôi chồm theo, thấy anh lăn lộn miệng thì lảm nhảm “Kỳ này chết thật.”

Thú thật tôi sợ thấu trời xanh, cố đè anh xuống. Chỉ một thoáng sau, anh như tỉnh, bảo “Đau quá chắc què rồi.” Tôi không có nhiều kinh nghiệm nhưng lanh trí bảo “Nằm im, để xem bị ở đâu đã.” Tôi không thấy vết thương và cũng không thấy máu chảy nên hỏi “Ông đau ở đâu?” Mỹ Voi nhăn nhó, cố quặt tay ra sau sờ vào mông. Tôi bảo “Duỗi chân ra co chân vào thử xem.” Hai đứa nằm dúi ở bên lề dưới cái mương đã khô, pháo của Bắc Việt nã thêm vài ba trái và chiếc trực thăng mất hút trên trời. Mọi sự có vẻ yên, Mỹ Voi cố ngồi dậy được nhưng vẫn nhăn nhó vì đau. Khi đi hẳn vào chỗ an toàn và thấy anh đã đi lại được, tôi mới đủ bình tĩnh để đùa “Chưa bể gáo đâu, ông ơi!” Tôi thấy phía hông chiếc quần của Mỹ Voi thủng một lỗ cỡ đồng xu nên thò tay vào túi quần sau của anh cố lôi chiếc bóp ra. Chiếc bóp khá dày và xem xét thì thấy một mảnh đạn to chỉ cỡ hột ngô xuyên qua lớp lớp đủ thứ thẻ bọc plastic, thẻ quân nhân, thẻ MACV, thẻ nhà báo, thẻ căn cước và dăm ba cái thẻ cùng một sổ dày chi chít số điện thoại. Mảnh pháo kích văng trúng Mỹ Voi nhưng nhờ có chiếc bóp dày cộm đó mà anh thoát.

Chủ Nhật, 4 tháng 7, 2021

Lê Thiệp: Tù Binh

Đại úy Đại Đội Trưởng trải tấm bản đồ hành quân trên chiếc bàn gỗ xộc xệch ở sân ngôi chùa đã xập một mái, đưa cây bút mỡ khoanh tròn nói :

- Tụi tôi đang ở đây. Chỗ này là Cổ Thành Quảng Trị, cách đây hơn mười cây số. Ông thấy đây là quốc lộ 1 chứ gì. Thủy Quân Lục Chiến đánh dọc bờ biển phía bên Hải Lăng. Tụi tôi thì ở phía Tây quốc lộ, men theo dãy Trường Sơn.

Tôi gật đầu nhìn tấm bản đồ bọc ni lông đầy vạch xanh vạch đỏ ngang dọc bằng bút mỡ. Viên đại úy hỏi :

- Ông là nhà báo đầu tiên đi xuống tận đại dội tôi và đã lặn lội với tụi tôi mấy ngày rồi, may là chưa đụng lớn chỉ ăn pháo lai rai. Nhưng ông là dân chơi thì cứ ráng chờ vài ngày khi đến gần Cổ Thành là biết nhau ngay. Tôi thấy mấy ông nhà báo khôn thấy mẹ không chịu đi sát xuống mặt trận, chỉ toàn ở bộ tư lệnh hay ngon lắm là xuống đến tiểu đoàn.

Tôi mỉm cười trước lời phát biểu. Thật ra đi xuống các đơn vị xung kích cỡ cấp đại đội để hành quân thường chỉ để thỏa mãn tính tò mò hoặc nói theo ngôn ngữ báo bổ thì chỉ để thỏa mãn “thú tính” vì chỉ ở bộ tư lệnh mới nhìn được toàn bộ tình hình chiến trường và nhất là có nhiều nguồn tin để khai thác. Xuống sâu hơn chỉ thích hợp với các ông phóng viên săn hình về bán cho báo Mỹ. Tôi gặp ông đại úy này ở bộ tư lệnh và nhận bà con vì cùng học Nguyễn Trãi với nhau, chỉ có điều ông học sau tôi ba bốn lớp gì đó. Ông rủ và tôi cũng muốn thử nên đã lặn lội với đại đội bốn hôm, hi vọng có gì để viết chăng. Đúng lúc đó một trung sĩ tới cho hay vừa bắt được một tù binh. Vừa nghe báo cáo, người đại úy văng tục:

- Đù mẹ, lại một thằng nhóc nữa phải không? A, dẫn nó tới cho ông nhà báo phỏng vấn đi. Ông viết một bài phỏng vấn tù binh tại mặt trận thì hết xẩy, bõ công đi với tụi tôi nhá.

Tôi cười và ngay sau đó đã thấy tù binh. Người lính chính qui Bắc Việt quần áo bèo nhèo ướt sũng, nhiều vệt bùn bết trên hai ống quần. Anh ta đi chân không, dáng thiểu não giữa hai người lính giày saut áo ngụy trang, một cảnh tượng tương phản đến khó chịu. Đại úy chỉ chiếc ghế đẩu bảo:

Thứ Bảy, 19 tháng 6, 2021

Lê Thiệp: Ngã Tư Xoài Đôi

Năm nay chắc được mùa xoài. Xoài tuy còn xanh nhưng đã nhỉnh, có trái lớn hơn nắm tay. Giống xoài cát chín thon thả nhưng ở độ này trông lại tròn trĩnh. Những cây xoài thấp trĩu chi chít trái như muốn nằm rạp xuống. Những trái xoài lung lay nhẹ, lắc lư ở cuối cuống dài, có trái gần như chạm đất.

Trưa hè chói chang oi nồng không một chút gió. Những vườn xoài thửa này tiếp thửa kia ngút ngàn xanh um. Vĩnh Long vẫn nổi tiếng nhiều xoài ngon, đủ thứ xoài tượng, xoài doi, xoài cát, xoài thanh ca …

Giống xoài lúc gần đậu cần nắng khô, càng nắng xoài càng giòn, càng nhiều thịt và càng ngọt. Giữa vùng xanh um đó là ngã tư nơi hai con lộ đất đỏ giao nhau. Cái ngã tư không vuông thước thợ nhưng cắt xéo. Tắt máy chiếc Honda Dame 50, người đàn ông bước vào quán. Quán khá rộng, một bên là hai chiếc bàn tròn lớn, kiểu bàn dọn tiệc cưới ở các cao lâu Tàu. Bên kia là những chiếc bàn gỗ vuông vức. Tất cả đều cũ kỹ xô lệch. Ghế cũng là ghế gỗ nặng nề, cục mịch, có chiếc đã long, chân được cột chằng chịt bằng dây kẽm.

Người đàn ông nhắm mắt lại như muốn quên cái nắng chói chang bên ngoài, rồi định thần :

- Allô. Có ai không?

Một người đàn bà từ phía trong lách ra. Đó là một thiếu phụ trung niên, mặt đỏ gay lấm tấm mồ hôi có lẽ vì đang đun nấu gì đó. Người đàn ông lên tiếng:

- Nắng quá. Sao vắng vậy, bà?

Người thiếu phụ nheo mắt nhìn. Rõ là người lạ, ở xa tới. Vùng này không ai ăn mặc như vậy. Áo bốn túi màu xám nhạt còn đeo một cái túi da cồng kềnh.

- Thày ở đâu tới vậy. Thày ăn hủ tíu không?

Chủ Nhật, 13 tháng 6, 2021

Lê Thiệp: Trăng Đại Nội

Bỗng dưng nhớ Huế tệ. Nhớ quay nhớ quắt. Lý do là buổi sáng ra khu Eden thì bỗng gặp ông bạn Đan. Ông Đan đi với vợ và bận đủ thứ chuyện nên bẽn lẽn xin lỗi đã đến DC mà không liên lạc với bạn bè. Thì đã sao ? Bằng hữu chơi với nhau không nên nghiêm trang và khách sáo quá, miền là giữ cái tình cái nghĩa, nhất là tình nghĩa của thời còn cắp sách đi học còn mọi sự thì có gì đáng để bận tâm. Nhưng khi chia tay nhau thì những kỷ niệm ào ạt trở về , nhớ Huế vô vàn và không hiểu bạn mình có nhớ đêm Trung Thu năm đó chăng ?

Tôi không nhớ lần đầu tiên đến Huế năm nào, chỉ nhớ cùng đi có ông bạn Bảo Hoàng – con vua cháu chúa thứ thiệt . Nhưng ông này mất gốc, sinh và lớn lên ở Miền Nam, nói đặc giọng Nam Kỳ, trong cách ăn ở chả có tí Huế nào cả. Nên khi tôi hỏi núi Ngự Bình ở đâu thì ông ớ người ra. Trên đường từ Phú Bài vào may quá có đi qua Ngự Bình và câu nói Non Bất Cao Thủy Bất Thâm hiện ra trong đầu tôi. Gọi Ngự Bình là núi e hơi quá vì đó chỉ là một ngọn đồi hơi cao mà thôi. Tối hôm đó tất nhiên tôi ngủ đò cho biết mùi đời.

Trong cảnh sông Hương phẳng lặng chỉ hơi gợn tí sóng nhất là có tí hơi men, a lê hấp tôi vươn vai bờ lông dông xuống. Mẹ ơi tí nữa thì đi đong. Mắt tôi tối sầm, mồn sặc bùn và rong rêu, may quá cố vùng vẫy nổi lên được. Sông Hương quãng đó trông mênh mông nhưng nước nông sờ và đáy toàn rong rêu mọc trên bùn. Tình Ca — Tôi yêu tiếng nước tôi — có câu “Biết ái tình ở dòng sông Hương.” Ông Phạm Duy khi viết câu nhạc này không hiểu có phải là vụ ngủ đò không và nếu quả như vậy thì hiện thực khi được thi vị hóa e sẽ khiến những kẻ như tôi khi đâm sầm vào thực tế, thất vọng biết chừng nào.

Xin kể một câu chuyện khác cũng hơi na ná cho thấy chuyện gì cũng có mặt phải mặt trái. Nhớ Người Cày Có Ruộng? Ông Thiệu có lẽ sẽ “Để Tiếng” trong lịch sử nhưng đạo luật Người Cày Có Ruộng, chính đạo luật này đã khiến Cộng Sản trớt lớt khi chiếm được miền Nam, đã bó tay trong mưu toan dùng chính sách chia ruộng để mị dân và không thi hành nổi cái quái chiêu hợp tác xã nông nghiệp đã làm miền Bắc tan hoang. Điều lạ là khi ký đạo luật này thay vì ký ở đồng bằng sông Cửu Long, ông Thiệu lại chọn đất Thần Kinh. Đám nhà báo tụi tôi có mặt ở Huế trước đó một hai ngày. Tôi còn nhớ cùng Lê Phú Nhuận của đài Sài Gòn đi ngủ đò cho phải phép trong khi chờ đợi. Trên sông Hương, sau khi làm đầy đủ nghĩa vụ quân dịch hai đứa ngồi trà dư tửu hậu với hai cô bé sông Hương. Tôi hỏi :

Chủ Nhật, 6 tháng 6, 2021

Lê Thiệp: Mưa Ở Mộc Hóa

Năm nay nước muộn nên lên nhanh, chỉ vài ngày mà nhìn đâu cũng thấy nước. Những thửa lúa mênh mông bên kia sông như có phép lạ, nước dâng tới đâu, ngọn lúa ngoi tới đó. Từ cửa sổ lầu hai nhìn ra cả một vùng bát ngát như chìm trong màu mưa mờ đục. Thiếu tá Soạn thầm nhớ ruộng chiêm ở Sơn Tây. Đến mùa tháng Mười những thửa ruộng chiêm cũng ngập mưa nhưng không thênh thang như ở Mộc Hóa này. Nơi đây trên là trời, dưới là ruộng nhìn ngút con mắt. Bà cụ mẹ vợ có lần xuống chơi, thấy cảnh cày cấy ở đây chép miệng than “Đúng là làm bỡn ăn thật, chả bù với quê miền Bắc nhà mình.” Có tiếng lịch kịch ở sau, ông quay lại. Người hạ sĩ nhất bước vào từ hồi nào đang dọn dẹp, ngẩng lên hỏi:

- Thiếu tá về nhà ăn sáng hay ra phố? Đêm qua thiếu tá thức khuya quá.

- Tôi đã nói cứ đi ngủ trước, tôi còn phải đọc mớ hồ sơ mới đến. Anh thức làm gì cho mệt. Chắc không về nhà được, anh chạy ra phố mua cái gì về cùng ăn.

- Em ăn rồi, mì gói. Thiếu tá ăn gì để bảo tụi nó ra mua.

- Thôi mất công, có mì làm cho tôi hai gói cho gọn. Đói rồi. Tám giờ tôi phải họp ở Trung Tâm Hành Quân rồi phải sang gặp ông Tỉnh nữa. À, hễ thấy ông trung úy Tiến về thì bảo gặp tôi ngay.

- Trung úy Tiến còn hành quân ở dưới mấy ấp, hồi sớm em qua Tiểu Khu chưa thấy ai.

Chức tham mưu trưởng Tiểu Khu đúng là thứ đầu sai, cái gì bên Tỉnh đẩy sang được là đẩy. Lại còn kiêm thêm phòng nhì an ninh tình báo vì ông đại tá đã thân mật bảo “Thiếu tá coi luôn ban Hai, tôi không tin mấy ông kia. Nó tế nhị lắm, biết ông bận nhưng không dám giao cho ai.”

Tế nhị là chữ của ông tỉnh trưởng để ám chỉ đến những vụ bê bối lem nhem đã xảy ra. Dọa một ông Ba Tàu trốn lính khéo léo thì có một khoản. Vặt vãnh như chặn ghe chở lúa, khám xét nhà máy xay gạo đều có thể moi được chút đỉnh, chưa kể những vụ lớn hơn như bắt giam về đủ tội dấm dớ. Dính đến an ninh quân đội, ai mà không sợ?

Thứ Bảy, 29 tháng 5, 2021

Lê Thiệp: Con Chữ

Đã bao nhiêu nước chảy qua cầu kể từ khi tôi lững chững bước lên những bậc thang nhem nhếch của tòa báo Chính Luận và nay cuối đời nhìn lại bỗng thấy có những chữ, những tiếng đã biến khỏi ngôn ngữ hàng ngày. Của tôi và của Việt Nam. Đâu đó trong ý nghĩ thấy mỗi chữ, mỗi tiếng nói có đời sống riêng, sinh ra chết đi, xuất hiện rồi biến mất giống như đời sống của con người. Nghĩ mà thương cho chúng và từ đó thương cho cả một giai đoạn của cuộc sống. Của tôi và của các người bạn cùng lứa trong nghề, sau đó là cả một xã hội nay như đã chìm vào lịch sử.

Mào đầu hay dẫn nhập gọi Lead và viết Lead như trên nếu có dăm tên bạn ngồi quanh chắc sẽ có tên cười ngất bảo “Bỏ Đi Tám.” “Bỏ Đi Tám” là cụm từ xuất hiện không hiểu do duyên cớ gì, nghĩa của nó là có gì đâu mà lèm bèm ầm ĩ. “OK Salem!” Thôi thì cũng được đi, chào ông GI Mỹ xin tí Thóc hay nôm na là thuốc lá hoặc cục xinh gôm. Nhưng đi Đong Thóc là đi hút thuốc phiện. Tất nhiên, khó mà rủ ông lính Mỹ đi đong thóc thì ta có Sài Gòn Tea. Trong những Bar nhan nhản khắp đất nước, đặc biệt là quanh các căn cứ Mỹ, các cô gái bán Bar cố dụ khị để GI Mỹ uống, uống gì cũng được nhưng phần cô gái thì bao giờ cũng là một ly Sài Gòn Tea tức trà đá. Trông ly này cũng vàng vàng giống như ly Huýt Ky. Chỉ có uống trà đá thì Gái Bán Bar mới cầm cự nổi suốt đêm mà không say, nhưng khi chủ Bar tính tiền khách thì giá Sài Gòn Tea tương đương với một ly Cốc Tai.

Một cách Mõi Đô La rất thịnh hành. Nếu hai ông nhà báo gặp nhau rủ Làm Một Quả hay Làm Một Phùa thì quả hoặc phùa được hiểu tùy hoàn cảnh. Có thể là rủ nhau đi nhậu thì quả là đi Bụa, hoặc đi thăm chị em thì là một vụ Xuống Xóm hoặc đi Đong Thóc, và nếu đi đong thóc thì có nghĩa là làm thêm một điếu thuốc phiện nữa hoặc một Bi.

Nâng Bi thì nghĩa lại khác hẳn. Song song với Nâng BiNâng Đĩa chỉ hành động nịnh bợ xếp hoặc người có quyền có thế để thủ lợi. Nếu người được nịnh là đàn ông thì nâng bi, phụ nữ thì nâng đĩa. Nếu có một anh văn sĩ thi sĩ ấm ớ viết một cuốn thơ cuốn sách Như Hạch mà lại được bạn bè bốc thơm loạn cả lên thì đó là Áo Thụng Vái Nhau. Như Hạch có nghĩa là dở, là tệ vô cùng nhưng nếu nhìn một cô gái đẹp thì phát ngôn Thơm Như Múi Mít. Phát Ngôn là tiếng Hán Việt chỉ thông dụng trong đám nhà báo và khi khen cô gái thì có thể nói bốc thơm cô ta. Bốc Thơm hoặc Bốc Thối tuy là tiếng nôm nhưng không quảng bá trong quần chúng. Sức Mấy mà những tiếng như vậy có thể Vượt Rào Cản để trở thành ngôn ngữ hàng ngày. Sức Mấy có nghĩa không có cách gì, không thể nào nhưng vượt rào cản là ngôn ngữ đá banh. Rào cản là chỉ hàng hậu vệ hoặc hàng phòng thủ.

Thứ Bảy, 22 tháng 5, 2021

Lê Thiệp: Chuyện Cổ Tích Typo

Ông Như Phong Lê Văn Tiến hồi sinh tiền luôn luôn đưa ra những nhận xét dí dỏm, bất ngờ. Ông là đàn anh trong làng,được anh em coi là “nhà báo của các nhà báo”vì quá trình báo chí của ông và hơn nữa là những dây mơ rễ má của ông. Khởi đi, ông là một người đấu tranh cho dân tộc, nhưng có lẽ vì ông có liên hệ mật thiết với Tự Lực Văn Đoàn nên nhiễm cái chất báo bổ của Nhất Linh, của Thạch Lam...để cuối cùng ông chọn báo chí như một phương tiện làm việc.

Sở dĩ gọi ông là“nhà báo của các nhà báo”vì sự hiểu biết chính tình, mối liên hệ của ông đối với các nhân vật đầu não của miền Nam và hơn cả, ông đã là người đằng sau rất nhiều biến cố tại miền Nam. Cần hỏi bất cứ điều gì, ông cũng có câu trả lời,và nếu không,ông cũng chỉ cho anh em phải tìm ở đâu.

Ông bị tù đày liên miên và khi đến Mỹ,trong một buổi hàn huyên về báo bổ, ông nói “Làm báo ở hải ngoại sạch quá, chẳng bù với bọn mình ngày xưa.” Cách nói của ông Như Phong không hề có nghĩa bóng, bởi quả thật kỹ thuật in ấn bây giờ so với thời trước 1975 đúng là một trời một vực. Ngày xưa lem luốc hơn nhiều vì chúng tôi vẫn phải xử dụng typo.

Typo là cái gì vậy?

*

Theo lịch sử, người Tàu đã chế ra giấy từ trên hai ngàn năm trước và người Đại Hàn đã nghĩ ra cách khắc bản vỗ để in từ thế kỷ thứ tám. Nhưng chữ Tàu và Đại Hàn là những khối không thể hệ thống hóa, ráp chữ được nên mỗi bài văn, mỗi tác phẩm đều được khắc riêng, cá biệt, bản khắc không thể tháo gỡ ra để xử dụng in một bài văn khác, một tác phẩm khác. Ngôn ngữ Tây Phương được ghi lại bằng những chữ cái, những mẫu tự ABC. Một người thợ bạc Đức ở hạt Mainz tên là Johannes Gutenburg (1398-1468) đã nghĩ ra cách đúc các mẫu tự để in. Bản in đầu tiên theo kỹ thuật do người thợ bạc này là bản Thánh Kinh. Theo sử sách thì tổng cộng có 200 bản được in nhưng nay chỉ còn 48 bản, trong đó 20 bản còn giữ được nguyên vẹn.

Chủ Nhật, 2 tháng 5, 2021

Lê Thiệp: Một Thời Việt Nam Ký Sự

Ông Phạm Trần lúc nào cũng nghiêm trang, nhất là nói to, át giọng mọi người :

- Theo tao, tụi mày phải làm lại Việt Nam Ký Sự. Tụi mày bỏ viết lâu quá, chỉ lo nhập vào đời sống ở đây mà quên cái hoài bão xưa. Nhảm ! Nhảm !

Mọi người im lặng như chìm vào dĩ vãng, như cố nhìn lại mình thuở thanh xuân. Phan Thanh Tâm giống như thuở ở La Pagode ngày xưa, cầm cái ly xoay nhẹ nhẹ, lim dim gõ xuống bàn. Lê Phú Nhuận bảo :

- Tụi nó tứ tán hết, làm sao gom lại?

- Email, Internet ...

Mọi sự giống y như ở quán Bà Tí, ở cái quán chúng tôi ăn ghi sổ và cả ngày chỉ nói chuyện báo chí, lòng lúc nào cũng hăm hở cải tổ làng báo, những mong như cụ Cao Bá Quát, cụ Nguyễn Công Trứ xoay bạch ốc lại lâu đài. Nhìn ly rượu vang đỏ long lanh, tôi nhớ hôm ấy chúng tôi uống rượu chát kiểu Sài Gòn, được gọi là Sangria, tức là trái cây cắt thành hạt lựu bỏ vào cái thẩu lớn rồi đổ rượu chát vào. Rượu chát loại vò, hình như của Bồ Đào Nha, nếu so với tiêu chuẩn bây giờ ở Tây ở Mỹ là rượu nhà quê, rượu rẻ tiền nhưng sao hôm đó ở quán Tài Nam, Chợ Cũ nó ngon thế.

Hôm đó, cách đây gần bốn chục năm, chúng tôi bắt tay nhau để làm Việt Nam Ký Sự, một sự kiện mà Phan Thanh Tâm đại ngôn bằng tiếng Tây “C’est un fait historique.”

*

Cái ước mơ Việt Nam Ký Sự bắt đầu từ sau khi tờ Đất Mới chết. Nguyên là chị Song Thi có giấy phép của bộ Thông Tin ra báo nhưng loay hoay hoài vẫn không thành. Bà Thanh Phương ngồi ở quán Bà Tí VTX thỉnh thoảng nghe lũ chúng tôi tụm năm tụm ba chê thiên hạ không làm báo, chê thiên hạ làm báo chưa đúng mức bèn giới thiệu. Chị Song Thi đồng ý cho mượn Manchette. Dê con ngứa sừng, chúng tôi lao vào làm Đất Mới. Anh em chia ra làm ba nhóm, mỗi nhóm phụ trách một kỳ, luân phiên làm tuần báo Đất Mới. Trần Công Sung, Phan Thanh Tâm và Lê Thiệp xung phong. Nhưng thực tế phũ phàng khác xa với mơ mộng của tuổi trẻ. Báo in xong làm sao phát hành? Tôi lò mò xuống nhà phát hành Nam Cường điều đình thì ông chủ phát hành bảo cứ đem báo đến cho ông ta, tiền nong tính sau. Số đầu bỏ cho Nam Cường 2000 tờ, nhưng không hề thấy ở các sạp.

Chủ Nhật, 25 tháng 4, 2021

Lê Thiệp: Phi Kiếm Hiệp Bất Thành Báo

Ngoảnh đi ngoảnh lại, ngôn ngữ kiếm hiệp tràn lan mọi ngõ ngách của đời sống miền Nam Việt Nam lúc nào không rõ. Không ai không nhớ bài hát của trẻ thơ “Có cô gái Đồ Long lắc bầu cua, lắc một cái ra ba con gà mái...” Với người lớn thì những từ ngữ như “vô chiêu thắng hữu chiêu, nội lực thâm hậu, ngụy quân tử, cấy sinh tử phù” trở thành từ ngữ mang nhiều nghĩa rất hiện đại của thực tế chính trị. Nhân vật kiếm hiệp được các nhà văn nhà báo tên tuổi dùng làm bút hiệu như ông Lê Tất Điều, ông Dương Hùng Cường viết film — một ký mục với ngôn ngữ trào phúng, châm biếm — ký là Kiều Phong, Du Thản Chi. Ông Trần Việt Sơn, một bỉnh bút lão thành đã so sánh thế Quốc - Cộng, các thế lực đối đầu trên bàn cờ thế giới, với các môn phái võ công trong Tiếu Ngạo Giang Hồ để đi đến kết luận phái Hằng Sơn của Ngũ Nhạc Kiếm Phái là phái yếu nhất nhưng duy nhất tồn tại trong năm phái võ vì môn hộ nghiêm nhặt, đệ tử đoàn kết trên dưới một lòng. Ông Trần Việt Sơn đã đi đến dự đoán rất nghiêm chỉnh rằng miền Nam dù thân cô thế bạc nhưng nếu quân dân, lãnh đạo đoàn kết một lòng, cư xử đúng với tư cách và thân phận của mỗi người giống môn phái Hằng Sơn như các sư thái Định Nhàn, Định Dật hay các tiểu đệ tử Định Quán, Nghi Lâm thì miền Nam sẽ tồn tại.

Dự đoán của vị ký giả lão thành đã không xảy ra. Trong một buổi hội luận dành cho sinh viên báo chí, ông Từ Chung nêu câu hỏi rất giản dị “Tại sao báo Việt Nam nào cũng phải đăng truyện kiếm hiệp?” Những ý kiến phát biểu rất đa dạng. Kiếm hiệp là hình thức xả xú bắp cho một xã hội chiến tranh. Kiếm hiệp phản ảnh cái ước muốn người hùng. Kiếm hiệp bao giờ cũng có những kết thúc viên mãn kiểu Lục Vân Tiên, cái kết có hậu mà mọi người chờ đợi. Kiếm hiệp lúc nào cũng nêu cao các giá trị truyền thống như Trung - Hiếu - Tiết - Nghĩa. Kiếm hiệp là nơi trú ẩn tinh thần, giải tỏa những căng thẳng của thực tại.

Các sinh viên đã nhìn kiếm hiệp dưới đủ mọi khía cạnh từ tâm lý xã hội đến nhu cầu giải trí. Ông Từ Chung sau khi khuyến khích mọi người phát biểu và tranh luận đã đồng ý về tất cả các phát biểu. Ông nói “Điều mà các bạn đưa ra đều đúng, nhưng quan trọng hơn cả, không có kiếm hiệp thì báo bán không chạy. Báo bán không chạy thì báo chết. Nó giản dị vậy thôi.”

Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2021

Lê Thiệp: Hoa Báo Xuân

Hình minh hoạ, FreePik
Trời bắt đầu âm ấm, đôi khi ánh sáng ùa vào cửa sổ làm tôi chợt thức rất sớm, sớm hẳn hơn mọi khi. Cái lạnh của mùa đông đang lùi dần vào dĩ vãng và mọi người như quên cách đây chưa đầy một tháng, tuyết vẫn lất phất bay. Cùng với vạn vật xung quanh vặn mình chuyển mùa, tôi cứ thấp thỏm chờ nó dù biết rằng thế nào rồi nó cũng đến.

Tôi thấy nó lần đầu hơn ba chục năm trước. Khi từ trại tị nạn bước xuống đất Mỹ — chính xác là phi trường Hartford, Connecticut vùng New England — trời vẫn còn khá lạnh. Như bất cứ người tị nạn nào, tôi đầu óc lơ mơ trước mọi sự, đi bước thấp bước cao,l òng phấp phỏng trước một tương lai đầy bất trắc. Ông Nguyễn Tuyển đón tôi, cười ha hả “Mẹ, sang đây làm đếch gì, sao mày không ở cha bên đó có phải khỏe không?” Câu chào kiểu đó như đẩy tôi trở lại cái tình bạn đầy ắp xa xưa và bỗng thấy đổi dời đâu thì đổi, tụi tôi vẫn thế. Tôi bật cười “Mẹ, sang đây ăn báo cô mày, được không?”

Hôm đó đã khá khuya, con đường từ phi trường về chỗ ông bạn ở xa lắc xa lơ, hai bên đường tối om chỉ toàn là cây trơ lá, vệ đường đôi chỗ còn loáng thoáng những mảng tuyết chưa tan hết.

Khi bước qua cửa căn chúng cư, tôi thấy nó.

Ông Nguyễn Tuyển cười bảo :

- Hoa mai Mỹ. Đẹp không?

Tôi biết chắc không phải hoa mai vì nó rực rỡ hơn nhiều, không có cành chĩa ngang chĩa dọc, nhất là không thấy chiếc lá nào. Tôi hỏi :

- Mày chôm ở đâu mà cả một bó to thế?

Thứ Bảy, 10 tháng 4, 2021

Lê Thiệp: Làng Báo Sài Gòn Thiếu Chân Chạy

Khi Nguyễn Huỳnh bị động viên vào Thủ Đức ắc ê, Huỳnh nhờ chúng tôi coi nhà hộ. Một hôm buổi trưa nóng nắng giữa khu Bàn Cờ, tôi và một lô bằng hữu đang ở trần ôm bia băm ba nghe nhạc Khánh Ly thì có tiếng gõ cửa, dù cửa không đóng.

Một ông cụ trông hiền lành đứng đó hỏi :

-Thưa các ông, đây có phải nhà của thằng Huỳnh không ạ?

Tụi tôi nhanh như chớp bật dậy, vì biết ngay ông cụ là thân sinh của Huỳnh từ Đà Nẵng vào thăm con. Sau khi mời cụ ngồi, đứa thì lo thu dọn chiến trường la de, băng nhạc, sách báo, đứa thì lo rót nước hầu chuyện cụ. Sau một hồi, ông cụ chỉ từng đứa “Thế ông này làm gì? Ông kia làm gì?” Chúng tôi khai cả lũ từ Ngô Đình Vận đến Du con, Nguyễn Bá Quyền đều làm báo cả, ông cụ trầm ngâm :

-Thế ra các ông đều là nhà báo. Ờ, lúc thằng Huỳnh nó đỗ xong tú tài, tôi bảo nó học sư phạm, học y khoa, nó lắc đầu, đi học văn khoa, văn khiếc gì đó. Cử nhân văn khoa là cử nhân gì vậy các ông? Học xong thì làm gì để sống? Đã vậy học xong nó lại đi làm báo với các ông mới khổ chứ. Thế hàng xóm họ hỏi tôi, tôi trả lời làm sao? Không lẽ lại bảo tôi nuôi con tôi khổ cực cho nó đi ăn học để rồi làm ông nhật trình à? Mà nó có sung sướng gì đâu. Nhà này tôi gửi tiền vào mua cho nó. Tháng tháng tôi vẫn phải chu cấp thêm. Thế tại sao các ông cũng làm báo vậy?

Giọng cụ đều và trầm, rõ từng tiếng một. Cả lũ ú ớ kể cả những tên già mồm lớn miệng nhất. Ông cụ nhìn lên tường thấy phó bản của viện bảo tàng Louvre in bức họa nổi tiếng Mona Lisa, bỗng thở dài :

- Tôi thật không hiểu các ông. Nhà tôi đạo Phật mà nó lại đem hình Đức Mẹ to thế kia về treo giữa phòng khách. Chúng tôi lâm vào ngõ bí, vội vàng thu vén, đưa chìa khoá nhà cho cụ rồi dọt mất.

Chủ Nhật, 4 tháng 4, 2021

Giới thiệu tác phẩm ‘Lững Thững Vào Đời’ của Lê Thiệp

Diễn Đàn Thế Kỷ hân hạnh được sự đồng ý của gia đình tác giả và của nhà xuất bản Tiếng Quê Hương đăng lại từng kỳ các bài viết của ký giả/nhà văn Lê Thiệp trong cuốn Lững Thững Vào Đời do Tiếng Quê Hương tại Virginia xuất bản năm 2011. Có thể gọi nội dung cuốn sách này là “Văn hóa nhựt trình thời Việt Nam Cộng Hòa”.

Báo chí miền Bắc trước 1975 và báo chí chính thống của Việt Nam hiện nay được xác định là "tiếng nói của Đảng". Báo chí Việt Nam Cộng Hòa là tiếng nói của nhiều tầng lớp nhân dân, nhiều chính kiến, nhiều đảng phái. Đó là nhận xét của nhà báo Thiện Ý Tống Văn Công, một đảng viên có 55 năm đảng tịch, tác giả cuốn Đến Già Mới Chợ Tỉnh, với một nhà báo ở hải ngoại. Ngày 25 tháng Hai năm 2014, ông gởi “Lời Chia Tay Đảng Cộng Sản Việt Nam sang Hoa Kỳ định cư vì cho rằng không thể tiếp tục góp sức cho một đảng đưa đất nước lậm sâu lệ thuộc ngoại bang.

Ông Tống Văn Công làm báo từ năm 1952, tập kết ra Bắc hồi tháng 2/1955. Váo Nam năm 1975 ông lần lượt làm Tổng Biên Tập ba tờ báo lớn Lao Động Mới, Công Nhân Giải Phóng và báo Lao Động. Trong bài Xa Lộ Thông Tin Chỉ Còn Lề Phải nhân ngày 21/6 Báo Chí Cách Mạng Việt Nam ông cho biết nhờ sự đóng góp của các nhà báo trong Nam mà tờ Lao Động trở thành tờ báo mạnh nhất của báo chí cấp trung ương ở Việt Nam và là tấm gương đổi mới cho báo chí cả nước.

Theo nhà báo Tống Văn Công, báo chí miền Bắc trước 1975 chỉ là hóa thân của loại truyền đơn tuyên truyền. Những sự kiện lớn như Đại hội Đảng, Kỳ họp Quốc hội… các báo chỉ được phép đăng lại đúng bản tin của Thông tấn xã Việt Nam. Bài báo này viết ngày 15/6/2009 còn cho rằng, Lý Quí Chung, Trần Trọng Thức và một số người làm báo thời trước, “là ông thầy” đã góp phần to lớn đổi mới “báo chí cách mạng Việt Nam"; nhưng không ai đánh giá đúng công lao của họ.

Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2020

Phan Thanh Tâm: Kỷ sự - Nhà Báo Lê Thiệp Qua Đời Nhưng Không Mất

Nhà báo Lê Thiệp qua đời năm 2013 thọ 69 tuổi vì bệnh ung thư nhưng không mất. Anh có một cuốn sách viết dang dở "Ung Thư Ơi, Chào Mi”; nhung sự nghiệp báo chí của anh không dang dở vì anh đã để lại cuốn Lững Thững Giữa Đời. Cuốn sách cho thấy Lê Thiệp đích thực là một nhà báo chuyên nghiệp quí hiếm; trong đó có những bài giá trị giúp biết thêm về Văn Hóa Nhật Trình Saigon của thời Việt Nam Cọng Hòa. Những ai muốn nghiên cưú về báo chí Miền Nam trước 1975 nếu không đọc cuốn này sẽ là một thiếu sót lớn.

Còn cuốn "Ung Thư ơi, chào mi" là một cuốn sách có tựa đề rất thân ái nhằm, để mọi người đừng quá sợ hãi, tuyệt vọng nếu bị xác nhận mắc bệnh; vì ung thư thường được xem như là một bản án tử hình. Tuy nhiên, nhờ tiến bộ của khoa học nhiều bản án đã trở thành án treo. Căn bệnh này không còn thuộc loại hết thuốc chữa. Nhà báo Lê Thiệp trong khi bị ung thư gan ở thời kỳ cuối nhưng vẫn tự tin, đầy lạc quan cho rằng mình sẽ vượt qua được và sẽ toàn thắng. Chẳng may anh đã qua đời ngày 5 tháng bảy năm 2013. ” Ung thư ơi, chào mi" trở thành một tác phẩm dang dở.

Trước đó vài tháng, ngày chủ nhật 24/3/2013, Lê Thiệp đã làm một chuyện mà hiếm người làm là khai báo trước 200 cử tọa, trong một buổi ra mắt sách ở Fall Church Va, gần Washington, thủ đô nước Mỹ, của Tủ Sách Tiếng Quê Hương (TSTQH), được thành lập từ năm(2000), do nhà văn Uyên Thao 80 tuổi, hiện đang mang án treo ung thư có tới 10 năm, điều hành là: "tôi vừa được chẩn trị và bác sĩ sau nhiều lần thử nghiệm đã xác nhận tôi bị ung thư gan tới thời kỳ cuối. Bệnh tật, một trong tứ khổ Sinh, Lão, Bệnh, Tử là điều trong chúng ta không ai thoát khỏi.”

Dịp này, Lê Thiệp đã khẳng định, "sẽ có ngày sách của chúng ta sẽ in và phổ biến tại Việt Nam”. Nhà báo kêu gọi những ai nếu có tình cờ cầm một cuốn sách của TS/TQH thi hãy tiếp tay TS/TQH với cái ước vọng rằng mai này khi trở lại quê hương chúng ta sẽ có không chỉ vài chục mà vài trăm hoặc có khi cả vài ngàn cuốn sách để đồng bào được “nghe, nhìn, đọc thấy một lịch sử do những người Việt đích thực viết về một lịch sử đúng như những gì đã và đang diễn ra.” Theo Lê Thiệp, chúng ta cần In sách để hậu thế có một phản biện ngược lại một guồng máy tuyên truyền khổng lồ với tài chính không giới hạn.

Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

Đọc ‘Lững thững giữa Đời’ của Lê Thiệp: Những nét phác thảo chân dung báo chí Việt Nam tự do

Trùng Dương


Bìa sách “Lững thững giữa Đời” của Lê Thiệp, Tiếng Quê Hương, 2011. Sách đề giá 20 Mỹ kim, đặt mua tại nhà xuất bản Tiếng Quê Hương, P.O. Box 4653, Falls Church, VA 22044. E-mail: uyenthao1@yahoo.com.

Nhìn cái tựa sách, ngắm bức hình người bạn đồng nghiệp (dư) cầm bút, đồng nơi sinh (Sơn Tây) và đồng tuổi (song thua tôi mấy tháng) chít cái khăn đầy vẻ giang hồ trên hình bìa, tôi không khỏi mỉm cười. Lững thững, theo vdict.com, là thong thả, ung dung, như trong “đi lững thững ở bờ sông,” và informatik.uni-leipzig.de cũng dùng cùng một định nghĩa. 

Thứ Ba, 17 tháng 8, 2010

Nhớ Sư Ông Trí Hiền

Lê Thiệp

Tôi được tin Sư rời cõi trần mà lòng bâng khuâng khôn tả.

Bỗng đâu những ngày tỵ nạn ở Nhật bùng lên và hình ảnh Sư hiện lên rõ mồn một như mọi sự như mới xảy ra ngày hôm qua. Trại tỵ nạn Fusisawa nằm ngoại ô Ðông Kinh là một nhà thờ Thiên Chúa Giáo.