Hiển thị các bài đăng có nhãn Lê Phan. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Lê Phan. Hiển thị tất cả bài đăng
Thứ Ba, 2 tháng 6, 2020
Lê Phan: Câu chuyện mặt nạ, khẩu trang
Ông Doug Burgum, thống đốc tiểu bang North Dakota, giọng đầy xúc động, than phiền “Thật là, theo ý tôi, một đường phân chia vô nghĩa lý.” Ông đang nói về vụ tranh chấp đang xảy ra trong tiểu bang của ông về vấn đề đeo đồ che mặt.
Ở nhiều nơi khác trên toàn Hoa Kỳ, đã có những vụ đụng độ, bởi mặt nạ nay đã trở thành biểu hiện của một cuộc chiến tranh văn hóa vốn đã xuất hiện về cách đối phó với COVID-19. Một số tiệm từ chối không cho những người đeo khẩu trang, mặt nạ vào, trong khi những tiệm khác đòi người vào tiệm phải đeo mặt nạ, còn Thống Đốc Mike DeWine của Ohio thì đã hủy lệnh đòi mọi người phải đeo, nói là ông “đã đi quá xa.”
Chưa hết, tình hình còn chính trị hóa hơn nữa khi Tổng Thống Donald Trump từ chối bất cứ một hình thức che mặt nào, trong khi đối thủ của ông trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc, cựu Phó Tổng Thống Joe Biden, lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng kể từ khi bị phải ở nhà vì đại dịch, đã chọn đeo khẩu trang cùng với phu nhân khi đi đặt vòng hoa trước Đài Tưởng Niệm Chiến Sĩ Trận Vong gần nhà.
Thứ Tư, 27 tháng 5, 2020
Lê Phan: Oái oăm
![]() |
Tác giả Lawrence |
Bình thường tôi thích chọn đọc những cuốn truyện có tính cách giúp mình quên đi thời sự và quên đi những tin tức mà hằng ngày mình phải đối diện. J K Rowling, J.R.R. Tolkien được tôi nghiền ngẫm vì giúp mình quên đi thực tại, chìm đắm trong một thế giới mà thiện ác rõ rệt và cái thiện bao giờ cũng thắng cái ác.
Nhưng từ đại dịch đến nay tự nhiên tôi có cảm tưởng tội lỗi khi đọc loại truyện bỏ trốn đó. Tình cờ một hôm tôi đọc được một bài điểm báo về cuốn sách “The End of October” của ông Lawrence Wright. Cái tựa đề của mục trên website của đài phát thanh quốc gia NPR làm tôi tò mò. Tựa đề viết “Thật Là Dễ Sợ: Lawrence Wright Ước Gì Cuốn Tiểu Thuyết của Ông Về Đại Dịch Đã Đoán Sai.” Sau khi đọc bài phỏng vấn của NPR nói đến một cuốn truyện giả tưởng về một virus bí hiểm bắt đầu ở Á Châu, lan tràn toàn thế giới, làm tê liệt hệ thống chăm sóc sức khỏe, phá hoại tan hoang nền kinh tế và làm cho nhiều người chết trên toàn thế giới, tôi tò mò phải tìm đọc cho bằng được.
Vì thời buổi này không đến tiệm sách để ngồi nửa ngày đọc gần hết nửa cuốn sách rồi mới mang ra đi trả tiền, tôi đành phải lên Amazon mua, mặc dầu lâu nay từ chối mua sách trên Amazon để bảo vệ các tiệm sách khỏi bị cạnh tranh.
Ngay đầu cuốn sách ông Wright viết “Độc giả thân mến, Những diễn biến được tả trong ‘The End of October’ có chủ đích là để đóng vai một câu chuyện đề phòng. Nhưng đời thực không luôn chờ đợi khuyến cáo.”
Thứ Ba, 21 tháng 4, 2020
Lê Phan (Theo Financial Times): Tin đồn ‘5G liên quan đến COVID-19’ lan tràn ở Âu Châu
![]() |
Người dân Ý trong một cuộc biểu tình chống "5G" tại Turin hồi cuối Tháng Giêng, 2020.
(Hình: MARCO BERTORELLO/AFP/Getty Images)
|
Vào lúc 9 giờ 30 phút tối và ngày Thứ Hai Phục Sinh, ở thị trấn Almere, Hòa Lan, gần thành phố Amsterdam, Sở Cứu Hỏa đã được gọi tới để dập tắt ngọn lửa đang thiêu hủy một cột điện thoại, trận hỏa hoạn thứ nhì cũng trong đêm đó ở cùng khu vực.
Tuy cả hai tòa tháp điện thoại di động ở Almere đều chưa có được đặt hệ thống điện thoại di động 5G (mà thực sự một trong hai tòa tháp này là dành cho các dịch vụ khẩn cấp) nhà chức trách ngay lập tức kết luận là những vụ phóng hỏa này là do những kẻ phá hoại, hành động nhân danh một lý thuyết kỳ quái rằng “hệ thống 5G đóng góp cho đại dịch COVID-19.”
Hai vụ hỏa hoạn ở Hòa Lan chỉ là sự leo thang mới nhất trong những cuộc tấn công tương tự vốn đã tràn qua nước Anh và Âu Châu trong mấy tuần qua. Sau khi lấy đà từ Internet vào đầu Tháng Giêng, lý thuyết âm mưu về 5G (vốn nói là, ngoài những điều khác, dịch bệnh COVID-19 hoặc là do các làn sóng dùng cho loại kỹ thuật vô tuyến mới nhất này gây nên, hay là những tín hiệu đó làm hại hệ miễn nhiễm của con người) đã nhanh chóng tràn ra thế giới bên ngoài.
Ở Anh Quốc, nơi những cuộc tấn công này phát xuất, gần 60 tháp này đã bị phóng hỏa đốt, trong khi tuần này hai tháp bị phá hoại ở County Donegal ở Cộng Hòa Ái Nhĩ Lan, và một cái nữa ở Limassol ở Cyprus bị 18 người tấn công. Ở Hòa Lan, đã có 11 vụ tìm cách tấn công, một trong những vụ âm mưu có kèm mấy hàng chữ “F**k 5G”.
Thứ Ba, 7 tháng 4, 2020
Lê Phan: Anh và Đức - Hai quốc gia, hai phản ứng trước COVID-19
![]() |
Nhân viên y tế cho người dân thủ đô London thử COVID19 hôm 4 Tháng Tư. Chính phủ Anh được cho là phản ứng quá chậm trễ trước đại dịch này. (Hình: ISABEL INFANTES/AFP/Getty Images) |
Ngay trong những tháng đen tối với những cú “shock” không tưởng tượng nổi, một điều vẫn còn làm các viên chức Anh bực tức đó là “nhắc đến nước Đức.”
Tờ Financial Times dẫn lời một cố vấn cao cấp than trời trước những so sánh không mấy tốt đẹp.
Hôm 17 Tháng Ba, với đại dịch COVID-19 đang tiến vào, Thủ Tướng Boris Johnson kêu gọi các nhà kỹ nghệ Anh bắt đầu làm máy trợ thở để tăng cường cho kho toàn quốc chỉ có 8,000 cái, còn đùa gọi kế hoạch này là “Chiến Dịch Hơi Thở Cuối Cùng.”
Nhưng gần một tuần trước khi thủ tướng tuyên bố điều này, Đức đã đặt hàng 10,000 cái từ một nhà sản xuất, cộng thêm cho con số 20,000 máy có sẵn. Tuần vừa qua, Đức có gấp đôi số giường bệnh chăm sóc đặc biệt trống hơn là toàn thể số giường cấp cứu của Anh – khoảng 15 đến 20,000.
Nhưng còn rõ rệt hơn là thành tích giữa hai quốc gia về thử nghiệm. Anh Quốc và Đức đi vào cuộc khủng hoảng cùng một lúc, hợp tác về nghiên cứu thử nghiệm, một trong những thử nghiệm đầu tiên trên thế giới.
Nhưng các phòng thí nghiệm của Đức thử nhiều gấp năm lần mức độ của Dịch Vụ Y Tế Quốc Gia (National Healh Service-NHS), hoàn tất 918,460 thử nghiệm so với 163,194 của Anh Quốc.
Thứ Ba, 31 tháng 3, 2020
Lê Phan: Khi người Đức gọi nữ thủ tướng là ‘Mutti’
![]() |
Bức ảnh Thủ Tướng Angela Merkel đi chợ mua đồ dùng, gồm 4 chai rượu và ít cuộn giấy vệ sinh, ở Berlin, được mạng xã hội lan truyền rộng rãi. (Hình: Twitter) |
Người dân Đức thân mật gọi bà thủ tướng của họ là “Mutti,” tiếng Đức có nghĩa là “Mẹ.”
Trong bài diễn văn đầu tiên cho đất nước từ khi nhậm chức, Thủ Tướng Angela Merkel bình tĩnh kêu gọi lý trí và tinh thần kỷ luật của các công dân để làm chậm sự lan truyền của virus, công nhận là một người lớn lên ở Đông Đức Cộng Sản bà cảm thấy khó khăn phải từ bỏ những quyền tự do, nhưng vì là một khoa học gia nhấn mạnh là những dữ liệu khoa học không đánh lừa chúng ta.
Rồi, cũng mặc bộ đồ pant suit màu xanh đậm trong khi đọc bài diễn văn truyền hình, bà thủ tướng 65 tuổi đi chợ ở siêu thị địa phương để mua thức ăn, rượu và giấy vệ sinh cho căn “apartment” của ông bà ở Berlin. Đối với bà, đó là việc bình thường, nhưng những tấm hình chụp bởi một ai đó ở cái siêu thị nhỏ đã được chia sẻ trên toàn thế giới như là một dấu hiệu trấn an của sự lãnh đạo bình tĩnh trong giai đoạn một cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Đó là lý do tại sao người Đức đã thân mật gọi bà mà Mutte.
Từ khi có đại dịch coronavirus, bà Merkel đã tái khẳng định sức mạnh truyền thống của bà và xác định vai trò lãnh đạo của bà sau hai năm mà ngôi sao của bà đã có vẻ bắt đầu lu mờ dần, với chú ý tập trung vào thường xuyên có cãi cọ trong liên minh cầm quyền và vấn đề của đảng bà vẫn còn tìm người thay thế bà.
Thứ Ba, 24 tháng 3, 2020
Lê Phan: Một vị thủ tướng làm gương
![]() |
Thủ Tướng Đức Merkel. (Hình: Maja Hitij - Pool/Getty Images) |
Nước Đức, hôm Chủ Nhật đã cấm tụ tập quá hai người, trừ gia đình, trong khi Thủ Tướng Angela Merkel sau đó tuyên bố tự cách ly vì bác sĩ của bà đã thử dương tính với COVID-19.
Thủ Tướng Merkel nói bà tự cách ly ở nhà có hiệu lực tức thời, văn phòng của bà loan báo. Thủ tướng sẽ được thử nghiệm thường xuyên trong những ngày sắp tới trong khi tiếp tục làm việc ở nhà.
Tin là lãnh tụ của họ đã bị cách ly nhanh chóng trở thành tin hàng đầu, lấn lướt những tin về những biện pháp khoảng cách xã hội khắt khe hơn mà bà đã loan báo. Những luật lệ mới, sẽ tiếp tục trong vòng hai tuần nữa, là khắt khe nhất so với bất cứ quốc gia nào trên thế giới, và nó đến khi mức lây nhiễm toàn thế giới đã vượt 300,000 và số tử vong vượt 13,000.
Ở Đức, số xác nhận đã lên đến 23,900 người trong khi số tử vong lên trên 90 người. Số tử vong của Đức được coi như thấp kỷ lục có lẽ vì Đức có đầy đủ phương tiện hơn nhiều quốc gia khác.
Trong một cuộc phỏng vấn truyền hình hôm Chủ nhật, bà Merkel nói “Virus Corona đang lan tràn với một tốc độ đáng ngại trên toàn đất nước chúng ta.” Trước sự việc là chưa có vaccine hay thuốc chữa, trách nhiệm của mọi người là phải giới hạn việc liên hệ với nhau, bà nói.
“Cách chúng ta hành xử hiện nay là liều thuốc hữu hiệu nhất mà chúng ta có: giảm thiểu cuộc sống công cộng ở mức tối đa có thể được, để giảm liên hệ với những người mà qua đó virus có thể truyền bệnh. Nói tóm lại, đó là cách chúng ta cứu mạng người.”
Thứ Tư, 11 tháng 3, 2020
Lê Phan: Tại sao Hoa Kỳ dễ bị tổn thương vì COVID-19? (Theo Financial Times)
![]() |
Kỹ nghệ hàng không của Hoa Kỳ bị ảnh hưởng trong dịch Covid-19. (Hình: Justin Sullivan/Getty Images) |
Từ khi số người nhiễm COVID-19 ngày một tăng ở Hoa Kỳ, các chuyên gia khuyến cáo là Hoa Kỳ dễ bị tổn thương một cách bất bình thường về sự lây lan của dịch bệnh.
Cho đến Chủ Nhật, 8 Tháng Ba, số tử vong là 19 người, với số người bị nhiễm bệnh lên trên 400 người, rải rác ở khắp Hoa kỳ trên khoảng 30 tiểu bang. Các viên chức y tế công cộng và các nhà khoa bảng đã lo ngại về sự pha trộn của một số lớn những người không có bảo hiểm y tế, không được nghỉ bệnh có ăn lương, và một giai cấp cầm quyền chính trị vốn thường xuyên tìm cách giảm nhẹ, cộng lại có thể có nghĩa là dịch bệnh sẽ lan nhanh hơn ở nhưng quốc gia khác.
Trong khi các công ty và phòng thí nghiệm Hoa Kỳ chắc sẽ tìm thấy thuốc điều trị và vaccine, một số các chuyên gia tin là Hoa Kỳ có thể trở thành một trong những quốc gia bị nặng nhất bởi một dịch bệnh toàn cầu.
Giáo Sư Lawrence Gostin, giáo sư về luật pháp liên quan đến y tế công của viện đại học Georgetown, được tờ Financial Times dẫn lời nói “Hoa Kỳ có một số sức mạnh khi liên quan đến sáng tạo và chuyên môn về dịch bệnh, nhưng Hoa Kỳ cũng có những dễ bị tổn thương quan trọng, đặc biệt vì hệ thống y tế của chúng ta.”
Thứ Tư, 4 tháng 3, 2020
Lê Phan: Virus Corona - Điều quan trọng nhất là nói sự thật
Suốt lịch sử, bệnh tật đã đóng vai một thử thách không dung nhượng cho những lãnh tụ chính trị và sự trung thành của họ với sự thật. Theo sử gia chuyên về lịch sử y khoa, Giáo Sư Howard Markel của Đại Học Michigan, “Từ những lý do chính trị hay hoàn toàn doanh nghiệp, bí mật đã luôn đóng góp cho việc đẩy đại dịch lan truyền xa hơn và làm cản trở việc quản trị y tế công cộng.”
Năm 1892, chính phủ Đức giấu giếm, và do đó làm trầm trọng hơn, một trận dịch tả vì sợ đóng cửa hải cảng Hamburg sẽ là một thảm họa kinh tế. Năm 1982, khi bệnh AIDS ngày càng được nhận diện trong cộng đồng người đồng tính nam, các Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh Hoa Kt2 (CDC) tuyên bố một trận dịch, nhưng khi phát ngôn nhân của Tổng Thống Ronald Reagan, ông Larry Speakers, được yêu cầu bình luận về trận dịch này trong một cuộc họp báo, ông đã nói đùa để làm nhẹ vấn đề. Sau cùng, chính Tổng Thống Reagan đã công khai nói về dịch bệnh này vào Tháng Chín, 1985.
Thứ Năm, 2 tháng 1, 2020
Lê Phan: Trật tự dân chủ sẽ tồn tại?
![]() |
Tổng Thống Mỹ Donald Trump và Thủ Tướng Anh Boris Johnson gặp nhau tại cuộc họp thượng đỉnh của NATO hôm 4 Tháng Mười Hai, 2019, tại Watford, Anh Quốc. (Hình: Getty Images) |
Trong các bài bình luận, các cuộc hội thảo chính trị, thật là thời thượng khi người ta phân vân là liệu trật tự quốc tế cấp tiến vốn đã chế ngự thế giới, có thể tồn tại nổi trước những “thế lực thù nghịch” đang liên tiếp tấn công trong thập niên 2010, qua cái mà tờ Wall Street Journal gọi là “Thập niên của gián đoạn.”
Nhưng nếu chúng ta đừng quá bi quan, vẫn có thể đánh cá là dân chủ, chủ nghĩa toàn cầu, và mậu dịch tự do sẽ còn bền vững trong thập niên thứ ba của thế kỷ thứ 21.
Hãy bắt đầu với tình trạng của nền dân chủ. Không có gì đáng lo ngại hơn là hai cú đấm kinh hồn của Tổng Thống Mỹ Donald Trump và Thủ Tướng Anh Boris Johnson, vốn đã lên nắm quyền ở hai nền dân chủ cổ nhất và quan trọng nhất bằng cách đánh thức con quái vật của chủ nghĩa dân tộc.
Với Tổng Thống Trump tập trung sự bực tức vào NATO và Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO), và Thủ Tướng Johnson đùng đùng bỏ ra khỏi Liên Hiệp Âu Châu, hai lãnh tụ này đã thay đổi “một liên hệ đặc biệt” có thời được tôn thờ là một cột trụ cho ổn định toàn cầu (có đôi chút hoen ố bởi cuộc chiến tranh Iraq) trở thành điều trông giống như là những máy ủi đất.
Thứ Ba, 24 tháng 12, 2019
Lê Phan: Tổng thống, bà quả phụ và tình người
![]() |
Tổng thống Trump tại buổi vận động tranh cử ở Battle Creek, Michigan, hôm 18 Tháng Mười Hai, nơi ông có lời lẽ xúc phạm nữ dân biểu Debbie Dingell. (Hình: Getty Images) |
Giáng Sinh là mùa mà những người Công Giáo nói đến “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm.” Mùa Giáng Sinh năm nay lời lẽ độc địa ồn ào hơn thiện tâm, nhưng lòng nhân ái, tuy không ồn ào cũng vẫn tỏa sáng.
Hôm 18 Tháng Mười Hai vừa qua, giữa cuộc meeting vận động tranh cử ở Battle Creek, Michigan, những lời lẽ độc địa nổi tiếng của Tổng thống Donald Trump đã đụng đến giới hạn của sự tử tế khi ông bắt đầu miệt thị một người đã quá cố.
Chuyển sự chú ý sang nữ Dân Biểu Debbie Dingell (Dân Chủ, Michigan), bà vợ góa của cựu Dân Biểu John Dingell, tổng thống đã đề nghị là thay vì nhìn xuống từ thiên đường, như bà Debbie đã nói với ông trước đó, có lẽ ông John đang “nhìn lên” từ địa ngục.
Đám đông, ngay cả một đám đông những ủng hộ viên nhiệt thành của tổng thống, một số thì thầm, một số nhăn mặt. Dĩ nhiên cũng có những tiếng hò reo, vỗ tay hưởng ứng nữa, nhưng những tí ngần ngại từ những ủng hộ viên trung thành nhất của tổng thống, đã nhấn mạnh một sự khó chịu với các bản tính độc ác của ông. Cảm thấy phản ứng, tổng thống Trump, vốn là một diễn viên, đã lùi lại một bước nói “Hãy giả thử là ông ta đang nhìn xuống.”
Thứ Tư, 18 tháng 12, 2019
Lê Phan: Brexit và Brussels
![]() |
Thủ Tướng Anh Boris Johnson. (Hình: Getty Images) |
Hôm Thứ Năm tuần rồi, sau ba năm quanh co, sau cùng Anh Quốc đã có cuộc bầu cử mà kết quả là ủng hộ quyết liệt một thủ tướng mà nghị trình chính là “Get Brexit Done.”
Chiến thắng của ông Boris Johnson là một sự tập hợp của nhiều yếu tố: Một lãnh tụ đối lập cực đoan cánh tả nhưng lại ủng hộ Brexit bị quá nhiều người không thích. Một sự phân chia giữa thành thị và nông thôn, với thủ đô London cương quyết từ chối ủng hộ ông Johnson trong khi ở tỉnh, những ủng hộ viên của đảng Lao Động lâu đời đột ngột đổi sang ủng hộ ông Johnson. Một vùng kỹ nghệ hóa ở miền Trung nước Anh bất mãn vì bị toàn cầu hóa làm mất đi công ăn việc làm. Và, sau ba năm một ước muốn thôi thì đây cũng là một cách chấm dứt giai đoạn bất định.
Nhưng nay, khi Liên Hiệp Vương Quốc Anh đã giải quyết được vấn đề nội bộ thì vấn đề tới sẽ là liên hệ với Brussels.
Người ta vẫn nói “It takes two to Tango,” trong trường hợp này người thứ hai chính là Liên Hiệp Âu Châu, bởi dầu cho trong lúc bầu cử ông Johnson có muốn nói đến thời hoàng kim của một Anh Quốc độc lập tha hồ đi điều đình với toàn thế giới, thực tế là Anh Quốc chỉ là một hòn đảo nhỏ đứng kế bên một lục địa to lớn mà dù muốn dù không họ phải liên hệ, làm ăn, buôn bán.
Ngay hôm Thứ Sáu vừa qua, chủ tịch Hội Đồng Âu Châu tức là quốc trưởng của khối, nói Brussels sẽ cả quyết đòi là Anh Quốc tiếp tục liên kết chặt chẽ với các luật lệ của họ để đổi lại việc họ cho ông Johnson một thỏa thuân mậu dịch, sau khi sự thắng cử của ông Johnson sẽ làm cho Brexit đến gần hơn và mở đường cho những cuộc điều đình gay go về tương lai liên hệ giữa Anh Quốc và Liên Hiệp Âu Châu.
Thứ Tư, 11 tháng 12, 2019
Lê Phan: Đảo ngược vai trò
Cuộc họp thượng đỉnh kỷ niệm 70 năm thành lập Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) vừa kết thúc ở Anh quốc tuần rồi đã có một số điều đáng ngạc nhiên. Mà ngạc nhiên nhất cho Âu Châu là về thái độ của Tổng Thống Donald Trump.
Tổng Thống Trump, như tờ New York Times nhận xét, luôn rất thích làm cho các lãnh tụ Âu Châu mất thăng bằng, gây sự với đồng minh, thân thiện với đối thủ, và tạo ra một cuộc chạy đua làm cách nào tốt nhất để đối phó với ông. Nhưng trong giai đoạn gần đây Âu Châu cũng đang trải qua những thay đổi chóng mặt và có vẻ chuyến này Âu Châu đã làm tổng thống mất thăng bằng.
Trước hết là cuộc họp báo với Tổng Thống Emmanuel Macron của Pháp. Tổng Thống Trump đã ngồi xuống cái ghế nạm vàng kế bên Tổng Thống Macron, chuẩn bị cho một điều đã thành một thủ tục ở trên đất nhà của ông ở Tòa Bạch Ốc: Ông nói thao thao bất tuyệt trong khi lãnh tụ ngồi đối diện chỉ còn cách cười gượng gạo trước những câu nói đùa, lời tấn công hay ngay cả sự sỉ nhục.
Thứ Ba, 19 tháng 11, 2019
Lê Phan: Anh Quốc và thời của những người hùng
![]() |
Thủ Tướng Anh Boris Johnson. (Hình: Getty Images) |
Tiếng Anh có chữ “strongman” để chỉ những nhà lãnh đạo chính trị thích những chính sách mạnh, bất chấp luật lệ và có thể gọi là có khuynh hướng thích độc tài. Họ là những người như ông Rodrigo Duterte (Philippines), Recep Tayyip Erdogan (Thổ Nhĩ Kỳ), hay ngay ở Âu Châu này, ông Viktor Orban của Hungary.
Họ không hẳn là người hùng theo đúng nghĩa của nó là một hero, một anh hùng. Nhưng ở một khía cạnh nào đó những lãnh tụ strongman cũng là những người hùng, nhất là đối với những người ủng hộ vị lãnh tụ đó.
Đối với những người ủng hộ ông Duterte chẳng hạn, ông đã là một anh hùng dám chống lại đám băng đảng ma túy. Đối với những người ủng hộ ông ở Ba Lan, ông Orban đã dám chống lại Brussels và Liên Hiệp Âu Châu vốn đã ‘bắt nạt’ Hung. Ở khía cạnh đó, Tổng thống Donald Trump cũng là một “strongman,” nhất là đối với những người ủng hộ ông, dám chống lại đặc quyền đặc lợi ở thủ đô Washington. Nói một cách nôm na, những ủng hộ viên coi họ là dám nói dám làm. Nếu cái dám nói dám làm đó có bất chấp nhân quyền hay luật pháp thì người ta nói là mục đích biện minh cho phương tiện.
Thứ Ba, 12 tháng 11, 2019
Lê Phan: Ba mươi năm sau khi ‘Bức Tường Berlin sụp đổ’
![]() |
Pháo bông trên nền trời quảng trường Brandenburg ở thủ đô Berlin trong lễ kỷ niệm 30 năm ngày Bức Tường Berlin sụp đổ hôm 9 Tháng Mười Một 2019. (Hình: Getty Images) |
Cách đây 10 năm, vào dịp kỷ niệm 20 năm Bức Tường Berlin sụp đổ, chúng tôi có được cái may có mặt trong ngày kỷ niệm.
Lễ kỷ niêm 20 năm thật là một cuộc ăn mừng ngoạn mục, đầy ý nghĩa và vào lúc hoàng kim nhất của nền văn minh dân chủ Tây phương. Tâm điểm của nghi thức là Khải hoàn môn Brandenburg, nơi mà cách đó 20 năm, những người dân Berlin, Đông cũng như Tây tụ tập để nhảy múa trên đỉnh của bức tường và chào đón sự đột ngột sụp đổ của Bức Màn Sắt.
Khải hoàn môn nổi tiếng, mà trong giai đoạn còn bức tường đứng cô đơn trong một vùng “no man’s land,” một thứ cấm địa, bao quanh bởi hàng rào kẽm gai và súng máy, hai mươi năm sau là nơi một cuộc trình diễn âm nhạc và đốt pháo bông nhớ lại những giây phút huy hoàng đó.
Một trong những nghi thức có ý nghĩa nhất là 1,000 tấm foam cao bằng đầu người như hình những quân cờ domino, được các thanh niên khắp thế giới vẽ và dựng lên dọc theo nơi trước kia là bức tường ngay trước Khải Hoàn Môn Brandenburg. Cựu lãnh tụ của Công Đoàn Đoàn Kết và cựu Tổng Thống Lech Walesa đã đẩy cái domino đầu tiên, một cách biểu tượng, lập lại sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản trên toàn Đông Âu. Tham gia với ông đã có khôi nguyên Nobel Hòa Bình Muhammad Yunus từ Bangladesh, cựu Tổng Thống Nam Phi Nelson Mandela và cựu Tổng Thống Cộng hòa Czech Vaclav Havel, vốn đã là lãnh tụ của cuộc Cách Mạng Nhung. Cùng với ông Walesa, ông Havel đã đóng góp cho sự sụp đổ của Liên Xô.
Thủ Tướng Angela Merkel, lớn lên ở Đông Đức, đã tiếp các vị khách, kể cả Ngoại Trưởng Hillary Clinton, Tổng Thống Nga Dmitry Medvedev và lãnh tụ của 26 quốc gia trong Liên Hiệp Âu châu cho một bữa dạ tiệc chào mừng.
Thứ Ba, 17 tháng 9, 2019
Lê Phan: Một phóng viên ảnh và một tấm hình
![]() |
Bức ảnh "Tank Man" của phóng viên ảnh Charlie Cole. (Hình: Chụp quan màn hình) |
Phóng viên ảnh Charlie Cole – người mà sự nghiệp đã vĩnh viễn dính liền với tấm hình biểu tượng của “Tank Man” (Người Xe Tăng), một người đã tay không chặn một đoàn xe tăng trong cuộc đàn áp năm 1989 ở Thiên An Môn) – vừa qua đời ở Bali, Indonesia.
Cole, năm nay 64 tuổi, đã cư ngụ ở Bali từ hơn 15 năm nay, là một trong bốn phóng viên ảnh đã chụp những tấm hình về cùng một sự việc này. Anh đã dùng ống kính “tele” chụp từ trên balcon của một khách sạn, nhưng có lẽ chính việc anh đóng khung rất chặt tấm hình đã khiến anh được giải World Press Photo năm 1989.
Sau này Cole nói là anh vẫn còn nhớ lại thấy một thanh niên mặc áo sơ-mi trắng bước vào giữa Đại lộ Tràng An khi đoàn xe tăng đang đi tới. Anh giải thích: “Tôi tiếp tục chụp trong sự chờ đợi là chắc chắn ông ta sẽ thiệt mạng. Nhưng tôi hết sức sửng sốt khi xe tăng đi đầu ngừng lại, và tìm cách né đi vòng quanh ông ta.”
Thứ Ba, 10 tháng 9, 2019
Lê Phan: Khi Quốc Hội Anh khẳng định quyền hành
![]() |
Thủ tướng Anh Quốc, Boris Johnson. (Hình: Getty Images) |
Nền dân chủ Anh Quốc không có hiến pháp thành văn. Hiến Pháp của nước Anh, khởi sự từ Hiến Chương Magna Carta, là một tập hợp của một số văn bản, tiền lệ, và sự tuân thủ của mọi người cho những thông lệ và truyền thống đó.
Nhưng trong các nguyên tắc căn bản của chính trị Anh có một điều tối quan trọng: Quyền hành nằm trong tay Quốc Hội.
Tiếng Anh dùng danh từ “Sovereign Parliament” để chỉ uy quyền của Quốc Hội, hai chữ này nhằm diễn tả quyền cai trị của Quốc Hội. Sở dĩ như vậy là vì khi các triều vua Anh nhường quyền từ từ để giữ vị thế, ngay từ Hiến Chương Magna Carta, thì quyền đó chuyển sang cho Quốc hội.
Thủ tướng Anh trước hết phải là một thành viên của Quốc Hội và ngay từ danh xưng, một thủ tướng chỉ là “primus inter pares-tức là người đứng trước giữa những người bình đẳng.” Thủ tướng Anh không cầm đầu một định chế tương đương với Quốc Hội như tổng thống Hoa Kỳ.
Chính vì vậy mà hành động của Thủ Tướng Boris Johnson trong có chưa đầy 50 ngày kể từ khi ông nắm quyền đã tạo một sự chấn động cho chính trị Anh, và chính vì vậy ông đã đưa mình vào thế kẹt.
Thứ Ba, 13 tháng 8, 2019
Lê Phan: Chuyện gì xảy ra khi thế giới không còn trông cậy được vào Mỹ?
![]() |
Trước sự “thờ ơ” của Tổng Thống Trump, lãnh tụ Bắc Hàn Kim jong Un tha hồ “làm mưa làm gió” bằng các vụ bắn thử hỏa tiễn gần đây. (Hình: AP Photo) |
Hồi tôi còn ở tù, hay nói theo giọng của chế độ Hà Nội là đi “học tập cải tạo,” có một trong những anh cai tù thích thuyết giảng về chính trị. Mở miệng ra là anh nói đến “con sen đầm quốc tế.” Chúng tôi bấm bụng cười nhưng tuy anh công an dốt nát nói lầm, quả thật vai trò “sen đầm” vô cùng quan trọng.
Suốt từ Đệ Nhị Thế chiến, trải qua hết Cuộc Chiến Tranh Lạnh, thế giới đã có một điều chắc chắn, một sự an tâm vì sự có mặt của Hoa Kỳ.
Sau Chiến Tranh Lạnh là giai đoạn ổn định và phồn thịnh nhất khi thế giới sống trong điều mà một số sử gia gọi là Pax Americana (Hòa Bình Hoa Kỳ). Ngay cả đến những quốc gia có thời mạt hạng như Việt Nam hay Trung Cộng cũng dần dà phát triển, một phần nào dưới sự che chở của sức mạnh Hoa Kỳ.
Điều tâm niệm của các nhà lãnh đạo ngành an ninh quốc phòng Hoa Kỳ trong suốt giai đoạn đó là “niềm tin.” Cái ý tưởng là nếu Hoa Kỳ muốn duy trì vai trò của siêu cường quan trọng nhất và là cảnh sát thế giới, thì những hứa hẹn quốc tế của Hoa Kỳ phải rõ ràng và đáng tin cậy. Đó chính là vai trò “sen đầm” (phiên âm từ chữ gendarme tiếng Pháp) của Hoa Kỳ. Không có sự tín nhiệm đó, họ lý luận, sẽ khiến cho bạn bè và kẻ thù rối trí. Và rối trí sẽ dẫn đến tính toán sai, nâng nguy cơ chiến tranh.
Thứ Ba, 6 tháng 8, 2019
Lê Phan: Tin bịa đặt: Nỗi khổ của nhà báo!
![]() |
Các nhà báo thời nay phải đối mặt với fake news, hay “tin giả.” (Hình: Getty Images) |
Thời tôi còn đi học làm báo, chúng tôi được dạy là phải kiểm chứng tin tức, phải xác nhận nguồn tin và sự tin cậy của những nguồn tin này.
Khi đi làm việc cho đài BBC, đài còn đòi phải có ít nhất hai nguồn tin mới được loan. Hồi đó, ở Việt Nam mới chỉ có một hãng thông tấn quốc tế có đại diện là AFP. Dĩ nhiên Tass và Tân Hoa Xã có mặt nhưng những nguồn tin đó không đáng tin. Tin tức từ Việt Nam lúc đó đã ít lại càng ít hơn vì không sao kiểm chứng được.
Ngày nay, tin tức thì nhiều nhưng vấn đề kiểm chứng còn khó gấp vạn lần hồi trước.
Mới tuần rồi, báo chí, cả đến đài BBC cũng đã bị mắc lừa về một tin ở Âu Châu. Mọi sự bắt đầu với vụ giết tàn bạo ông Mario Cerciello Rega, một nhân viên 35 tuổi của lực lượng cảnh sát carrabinieri của Ý, đang đi tuần ở quận Prati của thành Rome, vào lúc sáng sớm ngày 26 Tháng Bảy. Chỉ vài giờ sau, vào khoảng 9 giờ sáng, báo chí Ý đã giải quyết nội vụ.
Thứ Ba, 30 tháng 7, 2019
Lê Phan: Câu chuyện ông Boris Johnson
![]() |
Tân Thủ Tướng Anh Boris Johnson. (Hình: Getty Images) |
Tên thật là Alexander Boris de Pfeffel Johnson, tân thủ tướng Anh đã chọn cái tên Boris làm tên của mình sau khi bà mẹ bị bệnh tâm thần phải vào bệnh viện và ba đứa con được gửi đi học ở các trường tư nội trú. Điều đáng ngạc nhiên về ông Johnson là như tờ Guardian trích lời một bản nhạc nói “Ai cũng biết con tàu đang lủng. Ai cũng biết thuyền trưởng nói láo,” nhưng ông không lừa dối ai cả. Đúng, ông đã nói đủ thứ không đúng sự thật nhưng điều quan trọng là ông không đánh lừa ai cả. Ai cũng biết ông nói láo.
Sự việc ông đã trở thành thủ tướng Anh là đỉnh cao của một sự nghiệp vốn nổi tiếng thất bại cũng nhiều bằng thành công. Bị đuổi việc từ tờ Times của Luân Đôn năm 1988 vì đã bịa đặt ra một câu dẫn lời nói của một người khác, ông trở thành ngôi sao ở báo Telegraph, đối thủ của tờ Times; những tường thuật của ông về Âu Châu trên báo này có tính giúp vui hơn là chính xác. Ở Brussels ông đã viết về những điều như “Liên Hiệp Âu Châu cấm potato chips có mùi prawn cocktail.” Không ai sửa ông cả vì ai cũng biết là có thể ra siêu thị mua loại chips đó bình thường vì nó là một trong những loại mà dân Anh thích ăn. Điều có thể là “thần tài” của ông vì nếu Liên Hiệp Âu Châu có ngỡ ngàng cải chính “Chúng tôi nào có cấm loại prawn cocktail chips” thì mọi người sẽ la lên “Có chứ, các ông cấm thật mà!”
Thứ Ba, 23 tháng 7, 2019
Lê Phan: Quê hương của ông nội Tổng Thống Trump
![]() |
Ngôi làng Kallstadt nay nổi tiếng với những vườn nho và các lò nấu rượu, đồng thời lôi cuốn du khách về đâu thăm quê nội của Tổng Thống Trump. (Hình: Getty Images) |
Hồi năm 2016, khi rõ ràng là ông Donald Trump sẽ trở thành ứng cử viên của đảng Cộng Hòa cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, ngôi làng Kallstad đột nhiên trở thành nơi được các nhà báo và du khách tò mò đến tìm nguồn gốc khác thường của ứng cử viên.
Ông nội của tổng thống tương lai sinh ra ở làng này và di dân sang Hoa Kỳ để tìm cơ hội. Đa số 1,200 cư dân của thị trấn không mấy thích thú vì được chú ý cũng như các luận điệu dân túy của ứng cử viên Trump, họ ước gì rồi tổng thống Hoa Kỳ sẽ quên đi luôn cõi riêng yên tĩnh của họ trong nước Đức an lành.
Nay, sau vụ Tổng Thống Trump yêu cầu bốn nữ dân biểu Dân Chủ hãy “trở về” “những chỗ nhiễm đầy tội ác mà từ đó họ đến,” một số người trong ngôi thị trấn mà đã có lúc kinh tế suy sụp này đang khuyên tổng thống Hoa Kỳ hãy nhớ nguồn gốc nơi gia đình ông phát xuất.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)