Hiển thị các bài đăng có nhãn Lê Hữu. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Lê Hữu. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 28 tháng 9, 2023

Lê Hữu: Võ Phiến, thơ với thẩn

Nhà văn/nhà thơ Võ Phiến

Thơ thẩn, nhà văn Võ Phiến gọi thơ của mình là vậy. Thơ ấy hay, dở thế nào? Một vài “bạn văn” của ông từng cho những nhận xét thành thật về thơ ông.  

Người thứ nhất là nhà văn Mai Thảo, “Võ Phiến cũng có chỗ được chỗ không được… Thơ dở. Tạp văn hay”.(1) Người thứ hai là nhà phê bình văn học Thụy Khuê, “Tôi cảm phục một số truyện ngắn, truyện dài, tuỳ bút của Võ Phiến… Thơ Võ Phiến không hay.” (2) 

Người thứ ba, nếu kể thêm được, cũng là chỗ quen biết của Võ Phiến. Người này không nói thơ ông hay, dở chi cả, chỉ thành thật cho biết là không chọn được bài nào trong thi tập của ông. Câu chuyện được một “bạn thơ” của ông thuật lại, “Thơ Võ Phiến không tệ, nhưng rõ ràng nó không được giới trẻ đón nhận. Khi còn sống gần nhau ở Nam Calif., có lần ông ghé tệ xá uống trà và than rằng: ‘Tôi có tặng cho X (một người viết phê bình trẻ bên Úc) một cuốn, và cậu ấy có thư cho tôi bảo rằng ‘Cháu đã nhận được tập thơ của bác và đã đọc, nhưng nếu chọn, cháu chỉ có thể chọn được cái tựa tập thơ thôi.’” (3)


Thứ Sáu, 9 tháng 6, 2023

Lê Hữu: Môi răn đã quên cười

(Thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh) Ảnh: nhạc xưa.vn

“Môi răn đã quên cười”, câu hát ấy ở trong bài nhạc phổ thơ Minh Đức Hoài Trinh, Kiếp nào có yêu nhau, là một trong những bài nhạc phổ thơ được nhiều người yêu chuộng nhất của nhạc sĩ Phạm Duy. 

Từng câu hát, câu nhạc là tiếng lòng thổn thức của trái tim đầy thương tích, là nỗi đau xót, buồn tủi của chuyện tình trái ngang, của duyên kiếp lỡ làng. 

Đừng nhìn em, đừng nhìn em nữa anh ơi!
Đôi mi đã buông xuôi

Môi răn đã quên cười

Bài nhạc phổ thơ, có điều trong thơ Minh Đức Hoài Trinh lại không có “đôi mi, đôi môi” nào như trong những câu hát trên. Bài thơ ngắn, cô đọng, chỉ gồm năm khổ thơ ngũ ngôn, người nhạc sĩ khi phổ nhạc đã thêm vào những câu ấy để đáp ứng cấu trúc của bài nhạc. Nói cách khác, những “câu thơ” này của Phạm Duy đã “nối” thêm ý bài thơ, vừa chảy xuôi chiều với mạch thơ vừa tương ứng với âm vực thấp cao, trầm bổng của nốt nhạc.


Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2023

Lê Hữu: Những truyện ngắn hay nhất của Võ Hồng

Nhân 10 năm ngày mất của nhà văn Võ Hồng (31/3/2013 – 31/3/2023)


Cái tựa “Những truyện ngắn hay nhất của…” dễ làm người đọc nghĩ đến một tựa sách quen thuộc của một tuyển tập truyện ngắn thực hiện khá công phu, Những truyện ngắn hay nhất của quê hương chúng ta của Nhà xuất bản Sóng ở Sài Gòn, năm 1973. Chỉ khác một điều, bài này nói đến những truyện ngắn của một nhà văn, không như tuyển tập ấy có đến gần năm mươi nhà văn, mỗi nhà văn chỉ một truyện.

- Xin anh/chị kể tên những truyện ngắn nào từng đọc và thích nhất của các nhà văn miền Nam trước năm 1975? 

Câu hỏi tôi nhận được qua email, gửi chung cho một nhóm bạn hữu nhằm tham khảo ý kiến cho một dự án văn học nào đó. 

- Con Suối Mùa Xuân của Võ Hồng.

Trong đầu tôi bật ra câu trả lời ấy. Những tên truyện khác của các tác giả khác, tôi phải ngẫm nghĩ ít phút mới nhớ ra được. Vì sao lại Võ Hồng, vì sao lại tên truyện ấy? Có thể do tôi vừa đọc được trên trang báo nào ít dòng về ngày giỗ thứ 10 của nhà văn này. 


Thứ Sáu, 3 tháng 3, 2023

Lê Hữu: Nhà thơ của trẻ thơ, thi sĩ Trần Trung Phương

Hình minh hoạ Inge Wallumrød

 Bữa nay lạnh, mặt trời đi ngủ sớm

(“Tương tư chiều”, Xuân Diệu)

Trăng nằm sóng soải trên cành liễu

Đợi gió đông về để lả lơi

(“Bẽn lẽn”, Hàn Mặc Tử)

Mặt trời mặt trăng trong những câu thơ trên được nhân cách hóa, sinh động. Mấy câu thơ bên dưới cũng mặt trời mặt trăng, cũng nhân cách hóa, cũng sinh động không kém.

Mặt trời ngủ gật đằng sau núi

Mấy bóng cây dừa ngã xuống ao

.  .  .  .  .

Trăng ngà tắm dưới cầu ao

Hạt trai đánh vãi vương vào lá sen

Nếu có khác, đấy là thơ trẻ em, không phải thơ người lớn như thơ Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử. Những câu thơ ấy ở trong tập thơ thiếu nhi Mấy Vần Tươi Sáng của Trần Trung Phương, Nxb Bình Minh, in lần thứ hai năm 1952 tại Hà Nội.

Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2023

Lê Hữu: Lời chúc, câu chào ngày Tết

(Ảnh: Thiepmung.com)

“Câu chúc Tết nào là hay nhất của người Việt mình?” một anh bạn hỏi tôi.

Câu hỏi bất ngờ, tôi chưa kịp nghĩ ra để trả lời.

Từ lâu, người Việt không còn thói quen gửi cho nhau những “cánh thiệp đầu Xuân”. Thay vào đó, người ta gửi lời chúc Xuân qua email, text, facebook… Thường, mỗi khi gửi đi hay trả lời một câu chúc tôi phải nghĩ ngợi, thay đổi một vài chữ, để không lặp lại rập khuôn câu chúc từ những năm trước. Một anh bạn tôi trả lời email chúc Tết bằng câu ngắn gọn “Tôi cũng vậy”, hay “Anh chị cũng vậy nhé” (phỏng theo cách nói “Me too”, “You too” của người Mỹ) và đề nghị các bạn mình cũng làm theo như vậy cho… gọn. Sáng kiến hay ho ấy được nhiều người hưởng ứng. Một chị bạn nói không làm như vậy được vì máy móc quá và thấy “ngượng tay” khi gõ bàn phím.

Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2022

Lê Hữu: Đêm rất thánh, đêm không cùng

Hát là cầu nguyện đến hai lần.

~ St. Augustine

Một anh bạn tôi, lấy cô vợ có đạo, nói với tôi là anh chỉ theo vợ đến nhà thờ hai lần trong một năm, vào ngày lễ Phục Sinh và lễ Giáng Sinh.  

“Vậy là anh lấy hết hai ngày lễ lớn nhất của người công giáo rồi còn gì,” tôi nói đùa. 

“Riêng lễ Giáng Sinh,” anh bạn nói, “không chỉ đi lễ nửa đêm, tôi còn hát theo được bài thánh ca nữa.”  

Tôi hỏi “Bài gì?”, anh nói “Đêm thánh vô cùng.” 


Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2022

Lê Hữu: Tiếng Việt, giàu mà không đẹp

Em sẽ kêu anh “Mình ơi!”

Anh sẽ kêu em “Mình ơi!”

Hai đứa kêu nhau “Mình ơi!”

Những câu hát ấy nghe được trong một bài nhạc quen thuộc của nhạc sĩ Minh Kỳ. 

“Mình” là cách xưng hô trìu mến, âu yếm giữa hai người bạn đời, hoặc thân mật giữa bạn bè thân thiết, chẳng hạn, “Mình hiểu cậu hơn là hiểu mình.”

Từ “đi phượt” đến “chạy show”

Đấy là ngày trước, còn bây giờ thì cái “từ” này phổ biến tràn lan. Mới quen biết, mới gặp nhau lần đầu cũng thoải mái xưng hô theo cách ấy.

Nghe được trong một gameshow mai mối, hẹn hò ở trong nước. 

“Mình đã trải qua mấy mối tình rồi?” người dẫn chương trình hỏi chàng trai. 

“Mình có cả thảy ba mối tình,” chàng trai trả lời, “hai chính thức, một đơn phương.” 

Người hỏi gọi đối tượng là “Mình”, người trả lời cũng xưng mình là “Mình”. Khán giả khi được hỏi cho nhận xét, cũng… “Mình” luôn.


Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2022

Lê Hữu: Tiếng Việt, yêu & ghét

(Ảnh: LH)

“Chào mọi người!”

Giả sử bài này bắt đầu bằng câu chào ấy, “Chào mọi người!” Lại giả sử câu tiếp theo là “Mọi người ơi! Hôm nay mình chia sẻ với mọi người về tiếng Việt giàu và đẹp nhé.” 

Nghe lối chào hỏi ấy, có người cho là bình thường vì cách nói năng này khá phổ biến hiện nay, nghe mãi cũng quen tai. Có người nhăn mặt nhíu mày, cho đấy là cách nói kém văn hóa, thiếu tôn trọng người khác vì đánh đồng mọi đối tượng. Già trẻ lớn bé gì cũng “mọi người”, cũng đồng hạng, đồng vai đồng vế, không đẳng cấp thứ bậc chi cả.

“Mọi người”, “cả nhà”, “mình”… là cách gọi, xưng hô ngày càng phổ biến ở trong nước và cả ngoài nước, trong giao tiếp hàng ngày hoặc trên sân khấu của các diễn viên, các MC hay các Youtuber.


Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2022

Lê Hữu: Xem tranh, nhớ người

(Ảnh: LH)

 “Nhìn bức tranh này lại nhớ chị Hà.”

Thỉnh thoảng vợ tôi vẫn lặp lại câu ấy khi ngước nhìn tấm tranh treo ở phòng ăn. Những lúc ấy tôi chỉ gật gù tỏ sự đồng tình chứ không ngoái nhìn bức tranh hay có ý kiến gì thêm, chỉ vì tranh ấy quá quen mắt rồi.

Bức tranh khổ 14”x18”. Một người bạn tôi nói đấy là bức ảnh hơn là bức tranh. Tôi thì vẫn quen gọi là tranh và cũng không nhớ được ở đâu tôi có bức tranh hay ảnh này. Nếu có nhớ là nhớ tôi bắt gặp nó trong “bộ ảnh sưu tập” online của mình, thấy hay hay bèn nhờ tiệm Office Depot in ra và mang về treo nơi góc khuất ở phòng ăn. 

Bức tranh cũng chẳng có gì đặc biệt cho lắm. Dăm bảy khách bộ hành tay cầm những chiếc dù đủ màu sắc bước đi vội vã dưới cơn mưa nặng hạt dọc theo vách tường một building trên đường phố nào. Những mảng màu xám tối. Những giọt mưa đan chéo nhìn thấy được và hè phố loang loáng nước. “Điểm nhấn” trong tranh là người phụ nữ mặc áo khoác màu đỏ nép vào vai người đàn ông cầm chiếc dù cũng màu đỏ che mưa cho cô. Sáng sáng, vừa ngồi nhâm nhi tách cà-phê vừa nhìn ngắm bâng quơ bức tranh mưa lẫn trong tiếng nhạc lãng đãng từ Youtube những bài rainy soft jazz không lời, cũng khá thư giãn và cũng… đỡ buồn. 

Có điều, chuyện sở thích và gout thẩm mỹ không phải ai cũng giống như ai.

“Bộ không còn tranh nào khác hay sao mà anh treo tranh này vậy,” vợ tôi lên tiếng, “trông tối tăm, ảm đạm  quá.”

“Cảnh trời mưa thì làm sao mà sáng sủa được,” tôi trả lời cho qua chuyện.

Không riêng gì nàng, những bạn bè tôi cũng chẳng ai ngó ngàng gì đến tranh ấy. Chỉ có một lần, bức tranh được chị Tú chiếu cố. Ngắm nghía một lúc, chị đặt tên tranh là “Seattle”.


Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2022

Lê Hữu: Nỗi nhớ trong thơ, nhạc

Sen mùa hạ, tranh Đinh Cường

Nhớ nhau từng phút, yêu từng giây

Câu hát ấy ở trong bài hát “Đường về Việt Bắc” của Đoàn Chuẩn-Từ Linh.

Thật khó mà ngờ rằng câu ấy được viết ra cách đây hơn 70 năm, và mãi đến nay vẫn chưa thấy ai bộc lộ một tình yêu và nỗi nhớ thiết tha hơn thế. Nhớ đến như thế là… nhớ quá là nhớ. Yêu đến như thế là… yêu quá là yêu.  

Chưa hết, ta còn nghe được trong nhiều câu hát của người nhạc sĩ này một tình yêu đắm say và nỗi nhớ ngập lòng gửi về người mình yêu. Như là...

Yêu một sớm, nhớ nhau bao mùa thu  (Cánh hoa duyên kiếp), hay là… 

Nhớ nhau từ làn môi, đôi mắt / Nhớ nhau đành tìm trong tiếng hát  (Lá đổ muôn chiều), Nhớ nhau tìm trong ánh sao  (Lá thư).  

Chưa hết, lại còn… Nhớ phút ngập ngừng lòng giấy viết rằng “Chờ đến kiếp nào”… (Lá thư)

Vẫn chưa hết, lại còn… Chiều nào áo tím nhiều quá, lòng thấy rộn ràng nhớ người  (Đường về Việt Bắc)

Chỉ toàn những nhớ và nhớ. Thường thì nỗi nhớ nhung đi với tâm trạng buồn bã, cô đơn. Người ta nói “buồn nhớ” chứ ít ai nói “vui nhớ”. Ở đây thì nỗi nhớ về cùng những phút vui rộn ràng.

Gọi tên từng nỗi nhớ

Không chỉ “nhớ rộn ràng”, còn có biết bao nỗi nhớ mang những tên gọi khác nhau được tìm thấy nhiều nhất trong những lời thơ, lời nhạc. Mỗi tên gọi thể hiện những trạng thái, mức độ tình cảm khác nhau. Chắc không có dân tộc nào “nhớ” nhiều và có nhiều cách diễn tả tâm trạng nhớ nhung hơn dân tộc Việt. Thử kể ra một vài…


Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2022

Lê Hữu: Câu chuyện đầu năm Covid thứ ba

Ta cùng nhau đón thêm mùa xuân…

Câu hát quen thuộc trong bài nhạc xuân “Câu chuyện đầu năm” của nhạc sĩ Hoài An, cách đây cũng đến hơn nửa thế kỷ. 

Xuân này Xuân Covid thứ ba rồi

Câu này thì không có trong bài hát ấy, ông bạn tôi “chế” ra trong lúc hát karaoke để làm mới một bài hát cũ, gọi là cho phù hợp với tình thế mới.

Những mùa xuân Covid theo nhau

Cứ thế, xuân sau và xuân sau nữa, chỉ cần đổi “thứ ba” thành “thứ tư”, “thứ năm”…, bài hát như được tân trang thành bài nhạc xuân mới, hợp thời trang. Có điều, chắc không ai muốn ngồi đếm mãi những mùa xuân Covid đã đi qua đời mình. Người ta chỉ muốn nó đi luôn, đi biệt, một đi không trở lại. Thế nhưng, nếu nó không chịu đi đâu cả mà cứ ở lì ra đó thì làm sao bây giờ? Chắc không có cách nào khác là đành phải thỏa hiệp với nó, phải gắng gượng làm vui mà sống chung hòa bình với nó.

Câu hát chế biến ấy cũng cho thấy một điều, người ta cũng đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để mà sống chung với nó cho dù có miễn cưỡng, chỉ vì không còn sự lựa chọn nào khác hơn. 

Tính từ ngày 11 tháng Hai năm 2020 là ngày Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức đặt tên cho bệnh dịch quái ác này là “Covid-19” (viết tắt của “Coronavirus disease 2019”), Tết này được kể là cái Tết Covid thứ ba của người Việt mình. 

Người ta quen gọi những ngày tháng năm này là “mùa dịch” hay “mùa Covid”, tương tự cách gọi “mùa cúm”, từ khi dịch bệnh đến từ loài siêu vi tên là Coronavirus được phát hiện và lây lan. Gọi “mùa” trong ý nghĩ là cho dù nó có hoành hành, có quậy phá tới đâu thì cũng đến một lúc nào phải chia tay, nhiều lắm là hẹn lại… mùa sau. Những “mùa màng” thường không kéo dài lâu, chỉ đôi ba tháng hay nhiều lắm là sáu tháng, nửa năm như “miền Nam mưa nắng hai mùa”, ngoại trừ… mùa chiến chinh. Không ai nghĩ là loài siêu vi này lại bám trụ dai dẳng đến thế và tới nay cũng chưa có dấu hiệu nào cho thấy là “mùa” ấy sắp sửa lụi tàn.


Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2022

Lê Hữu: Chim sáo nâu và chàng nhạc sĩ

Chim sao nau.jpg
Ảnh: yeuchim.net

 “Cô ca sĩ qua đời, bài hát ấy cũng qua đời.” 

Ông bạn tôi, nhạc sĩ sáng tác Phan Tần, thốt lên câu ấy với giọng lừng khừng.

“Làm gì có chuyện bài hát qua đời,” tôi nói, “không người này hát thì cũng có người khác hát vậy.” 

“Thế nhưng bài ấy thì chỉ có Phương Nhi, không tiếng hát nào thay được.” Chàng nhạc sĩ lắc đầu, giọng thẫn thờ. “Người đời có tiếc thương cô ca sĩ thì cũng tiếc thương bài hát ấy, có tưởng nhớ đến cô thì cũng tưởng nhớ đến bài hát ấy.”

Tôi chưa nghe ai nói lạ vậy, nhưng ngẫm nghĩ thì cũng có lý. Có những bài hát người ta không muốn nghe ai hát nữa từ khi tiếng hát gắn liền với những bài ấy đã về trời.

“Bài hát qua đời” ấy là bài “Bến cũ đò xưa”, mang âm hưởng dân ca Nam bộ. Nói vừa dứt tiếng, tác giả bài hát ôm cây đàn guitar cất giọng ồm ồm.

Chiều nay trên bến xưa

hắt hiu bóng con đò

Bến cũ cây già

tôi về nghe mưa khóc hoài con sáo bay xa…

Chim sáo bay xa rồi

trăng cũng bỏ tôi ngồi
giữa bến đời sầm sập mưa rơi…

Mưa “sầm sập”, ít nghe ai nói vậy, hẳn là mưa to gió lớn. Liệu cái “bến đời” heo hút của chàng nhạc sĩ có chịu nổi những gió mưa tơi bời?

Giọng Phan Tần nghe rưng rưng cảm xúc. Có điều chàng nói đúng, người ta không muốn nghe ai khác hát bài ấy ngoài Phương Nhi, kể cả tác giả bài hát. “Bến cũ đò xưa” hay những bài “Lý con sáo Bạc Liêu”, “Phải lòng con gái Bến Tre” thì chỉ có Phương Nhi. Không ít ca sĩ từng thử sức với những bài ấy, gồm cả những giọng hát chuyên trị dân ca, nhưng kể từ khi Phương Nhi cất tiếng thì những bài hát này đã ở lại với cô và gắn liền với tên cô.


Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2021

Lê Hữu: Những sợi vắn, sợi dài trong truyện Hoàng Quân



“Ký ức biết chọn lọc, chỉ giữ lại những mầu hồng mà thôi.”

Tôi nhớ đã đọc câu ấy trong truyện ngắn nào của Hoàng Quân, dường như nhân vật nào ở trong truyện đã thốt lên như vậy. Tôi không chắc có phải tác giả đã để nhân vật nói thay cho mình nhưng tôi thích câu nói ấy; hơn thế nữa, tôi tin là ký ức của tác giả cũng chỉ muốn giữ lại màu hồng và những truyện của Hoàng Quân mà tôi từng đọc cũng là được ghi chép lại từ một ký ức tươi hồng. 

Màu hồng phơn phớt ấy có thể nhìn thấy được qua các truyện ngắn trong tập truyện Sợi Vắn, Sợi Dài (*), qua mối tình nhẹ nhàng phất phơ như cánh cò bay lả bay la trong truyện Ca dao hay mơ màng lãng đãng như chuyện liêu trai trong truyện Người trong mộng, hay qua những “hoa bướm ngày xưa” nơi sân trường kỷ niệm trong truyện Thầy trò một thuở… và nhiều truyện khác nữa.


Thứ Sáu, 8 tháng 10, 2021

Lê Hữu: “Việt Nam, Việt Nam”, giấc mơ rạn vỡ

(Ảnh: Na Sơn)

Tôi nhớ, trong một lần được nhạc sĩ Phạm Duy chia sẻ tin vui có thêm ít ca khúc của ông vừa được cấp phép phổ biến ở trong nước, tôi nói rằng có một bài tôi thực sự mong cho ông, hơn bất cứ bài nào khác, được phép lưu hành.

“Bài gì?” ông hỏi.

“Việt Nam, Việt Nam,” tôi nói.

Ông im lặng. Tôi nói thêm là tôi chờ cái ngày bài hát ấy được hát vang vang trên khắp mọi miền đất nước, hát vang vang trong màn kết thúc một chương trình nhạc Phạm Duy. Ông im lặng. Tôi gửi ông nghe/xem cho vui ít màn trình diễn bài hát ấy ở nước ngoài trước và sau ngày ông về nước. Ông im lặng. Tôi nghĩ mình hiểu được sự im lặng ấy, và không nhắc tên bài hát ấy nữa.

Vì sao bài hát ấy, bài “Việt Nam, Việt Nam”, vẫn chưa được cấp phép? Có gì lấn cấn chăng? Có “vấn đề” gì chăng?

Bài hát có những lời lẽ khơi dậy lòng nhân ái, tình yêu thương đồng loại và những giá trị phổ quát của các quyền làm người trong một đất nước tự do dân chủ.

Việt Nam đem vào sông núi
Tự Do, Công Bình, Bác Ái muôn đời
Việt Nam không đòi xương máu
Việt Nam kêu gọi thương nhau
Việt Nam đi xây đắp yên vui dài lâu…

Chủ Nhật, 18 tháng 7, 2021

Lê Hữu: Đừng đến Seattle

Nhà văn Bùi Bích Hà & nhà thơ Trần Mộng Tú
(Seattle, 7/2012)
Tin chị Hà mất không làm tôi bất ngờ. Không bất ngờ, vì tôi đã chờ đợi cái tin xấu nhất ấy suốt mấy hôm nay. Chúng tôi cùng góp lời cầu nguyện và mong phép lạ nào đến với chị, tuy biết chị khó mà qua được.

Những ngày chờ đợi là những ngày thật dài và nặng nề. Chúng tôi không ai nói với ai lời nào. Sau cùng thì mọi chuyện cũng kết thúc khi chị Tú báo tin đến mọi người. Tôi nhớ mình đã ứa nước mắt, nhưng đầu óc tôi thì trống rỗng.

“Chị Hà vừa mất, sáng nay,” tôi nói thật chậm rãi, để N không phải hỏi lại hay nghĩ mình nghe lầm.

Đang lúi húi trong bếp, N khựng lại, gieo mình xuống chiếc ghế cạnh đấy. Hai vợ chồng cùng im lặng, nhìn nhau, rồi cùng nhìn ra vườn cây ngoài khung cửa sổ. Nắng và gió nhẹ, những tán lá lay động.

Nồi nước sôi sùng sục trào ra, tôi bước lại gần tắt bếp.

“Nếu chị ấy lên đây cuối tháng rồi thì chắc không đến nỗi…,” N nói như nói một mình.

Câu nói không mang ý nghĩa nào cả, rơi vào khoảng không. Có vẻ N chỉ buột miệng, để lấp khoảng trống hay vì thương chị Hà mà nói vậy.

“Cũng có khi là vậy,” tôi nói sau phút im lặng, “hay ít ra mình cũng được ngồi ăn chung với chị thêm lần nữa.”

Lẽ ra thì chị Hà đã có mặt ở Seattle cuối tháng rồi, cách đây hai tuần. Chị có cái hẹn lên chơi và N lại có dịp trổ tài nấu nướng để khoản đãi chị món bún bò từng được chị khen ngon và đề nghị “tái bản” trong cuộc “họp mặt hậu Covid” chuyến này. Ngon dở thế nào không biết, nhưng chị có cách khen khiến người được khen vui thích và cảm thấy chị khen rất thực lòng.

Chủ Nhật, 20 tháng 6, 2021

Lê Hữu: Cuộc sống vẫn lao về phía trước

Hình minh hoạ, FreePik

“Bây giờ chắc Bố đã hết giận em rồi,” Meg nói với chồng.

“Bố chưa bao giờ giận em cả,” Roy nói, lắc lắc đầu. “Em không hiểu Bố bằng anh đâu.”

Meg khẽ ngước nhìn chồng dò hỏi. Sao Roy lại có thể nói với cô như vậy?

“Không phải em từng nói là Bố thương em nhất nhà sao?” Roy mỉm cười, quàng tay ôm vai vợ. “Thế nên làm gì có chuyện Bố giận em được.”

Đã lâu hai vợ chồng mới chuyện trò với nhau về người bố của Meg. Bố cô mất đúng một năm và hôm nay là ngày giỗ Bố. Từ lâu Roy cố tránh không nhắc đến cái chết của bố vợ tuy vẫn biết Meg khó mà quên được, nhất là khó mà quên được rằng chính cô đã gây nên cái chết của bố mình.

Cử chỉ thân mật của chồng làm Meg nhớ tới tấm ảnh cô vẫn để trên bàn làm việc của mình sau ngày Bố qua đời. Ảnh chụp ông Bruce, bố cô, tươi cười choàng tay qua vai con gái ngồi bên ông nơi bàn tiệc trong ngày vui của gia đình năm rồi. Đấy là tấm ảnh sau cùng của hai bố con mà Meg còn giữ được. Chỉ vài tuần sau hôm ấy, bố cô lặng lẽ từ biệt cõi đời này.

Chủ Nhật, 23 tháng 5, 2021

Lê Hữu: Sinh nhật Bố giữa mùa dịch

Bố tôi thích đọc truyện trinh thám, xem phim gangster. Tình cờ, trong một lúc nghĩ đến Bố tôi bỗng nhớ câu chuyện phim Bố có lần kể tôi nghe về tình bạn của hai tay anh chị giang hồ. Một trong hai tay này bị băng đảng gài bẫy đẩy vào một nhà tù kiên cố, khắc nghiệt, đã vào đấy thì chỉ có bỏ xác trong tù. Tay bạn kia tìm cách cứu bồ, cố tình gây án để được giam nhốt chung trong cùng nhà tù với bạn mình. Cả hai sau đó tìm cách vượt ngục… Câu chuyện gay cấn, ly kỳ, tôi chỉ nhớ đại khái nhưng cũng đủ làm tôi nảy ra sáng kiến hay ho giúp cho Bố và tôi không phải xa cách nhau trong mùa đại dịch này.

Câu chuyện hai bố con tôi có khác một chút, tôi không phải đóng vai mạo hiểm để giải cứu Bố và bố tôi cũng không phải là tay anh chị dữ dằn đang xộ khám. Ông chỉ là một ông già hiền lành, ít nói, nằm bẹp trong một viện dưỡng lão. Trước ngày con virus quái ác ấy xuất hiện thì mọi chuyện tương đối ổn. Đến lúc mùa dịch bùng phát thì việc thăm viếng bị hạn chế tối đa và người nhà không được phép vào bên trong. Hai bố con bị ngăn cách bởi bức tường lạnh lẽo, tôi đứng bên ngoài nhìn Bố ngồi trên chiếc xe lăn qua lớp kính khung cửa sổ, chỉ nói chuyện được với nhau qua điện thoại. Bố lại bị lãng tai nên nhiều lúc tôi phải hét lớn Bố mới nghe được. Khi hỏi Bố có khỏe không, chỉ thấy Bố cười cười tôi biết là Bố chả nghe được gì. Đến lúc vẫy tay chào Bố ra về, nhìn thấy giọt nước mắt lăn trên má Bố tôi cũng muốn khóc theo.

Qua mùa lạnh thì thăm viếng kiểu này còn tệ hơn. Seattle đã rét mướt lại thêm mưa dầm dề. Có lần từ trong nhìn ra thấy tôi đứng sát bờ tường, một tay cầm chiếc dù che mưa một tay cầm điện thoại, Bố nói “Ôi sao mà khổ thế, vừa ướt vừa lạnh... Thôi về đi con!” Bố xua tay ra dấu bảo tôi đi về. Thấy tôi còn chần chừ, Bố lùi chiếc xe lăn rồi lăn bánh quay vào trong, tôi đành phải ra về. Đến lúc thành phố có lệnh “stay home” thì tôi chịu thua, hai bố con ngỡ như “hai phương trời cách biệt”. Cứ nghĩ đến Bố phải trải qua mùa đông dài buồn bã trong viện dưỡng lão, rồi thỉnh thoảng nghe tin vài người lớn tuổi qua đời vì dịch bệnh Covid-19 lòng tôi càng thêm xốn xang. Thật vô phương!

Thứ Sáu, 30 tháng 4, 2021

Lê Hữu: Tháng Tư, đọc lại “Các con tôi đã về” của Trùng Dương

Hai mươi năm đàn con đi lính
đi rồi không về
Đứa con da vàng của Mẹ…
Ôi, tấm thân này ngày xưa bé bỏng
Mẹ mang đầy bụng, mẹ bồng trên tay (*)

Cứ mỗi lần nghe những câu hát này là tôi lại nhớ đến vở kịch ấy, có lẽ vì trong kịch bản cũng có nhân vật “đứa con da vàng của Mẹ” đi tập kết ra Bắc, xa Mẹ mãi đến hai mươi năm. Có khác chăng, đứa con ấy sau cùng đã tìm về căn nhà của Mẹ vào đúng cái ngày oan nghiệt ấy, ngày 30 tháng Tư.

Các con tôi đã về, tên vở kịch ba màn, nhà văn Trùng Dương khởi viết năm 1978, có hiệu đính những năm gần đây.

Câu chuyện khoanh tròn trong một gia đình sinh sống ở miền Nam Việt Nam trong một khu đông dân cư và bình dân với các diễn biến dồn dập, các tình tiết gay cấn, bất ngờ vào những ngày cuối tháng Tư năm 1975.

“Các con tui… đã về!” Thoạt nghe dễ tưởng là tiếng reo vui, vỡ òa hạnh phúc cho cuộc trùng phùng sau nhiều năm dài chia phôi và nhung nhớ. Thế nhưng mọi chuyện diễn ra theo cách khác. Nhân vật chính, bà mẹ miền Nam, thều thào thốt ra câu ấy trong màn cuối, cảnh cuối, là cảnh nhiều kịch tính nhất trong suốt chiều dài vở kịch.

Bà mẹ nở nụ cười rạng rỡ, âu yếm gọi tên thằng con trai lớn, chân bước tới, đôi cánh tay dang rộng chào đón đứa con yêu vừa trở về sau hơn hai mươi năm biền biệt xa nhà.

Nhân vật tên Hai, “đứa con yêu” của Mẹ, vẫn đứng yên một chỗ, không lộ chút cảm xúc nào. Hai bây giờ là sĩ quan bộ đội cộng sản Bắc Việt trong cánh quân tiến về Sài Gòn, “giải phóng” miền Nam.

Thứ Bảy, 20 tháng 3, 2021

Lê Hữu: “Biếc”, chữ đẹp nhất trong tiếng Việt

Biếc, thư pháp Trụ Vũ
Rừng thu từng biếc chen hồng
(“Kiều”, Nguyễn Du)

“Chữ ‘biếc’ là chữ đẹp nhất trong tiếng Việt,” cô bạn tôi nói vậy.

“Có chắc không đấy?” tôi hỏi lại.

“Nếu không đẹp nhất thì cũng là một trong những chữ đẹp nhất.”

Có chuyện ấy sao? Trước giờ tôi chưa hề tìm hiểu xem chữ nào là đẹp nhất và cũng chưa hề nghe có cuộc bình chọn nào để chọn ra chữ đẹp nhất trong tiếng Việt mình. Cô bạn “chấm” chữ ấy hẳn là có lý do.

“Vì sao là ‘biếc’ mà không phải chữ nào khác?” tôi hỏi thêm.

“Biếc vừa có màu sắc đẹp lại vừa có chất thơ,” cô bạn trả lời.

Màu biếc và mắt biếc


Ra là vậy! Biếc có “màu sắc đẹp”? Chữ “biếc” cô bạn tôi nói là tính từ, có gốc là “bích 碧” trong tiếng Hán-Việt. Người nói màu biếc là màu xanh thẫm; người nói là màu xanh lam pha xanh lục; người lại nói là màu xanh trong của ngọc, màu nước biển trong vắt, màu da trời trong veo hay màu đồng cỏ xanh rờn.

Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2021

Lê Hữu: Ngày xuân, đọc chơi vài bài thơ tháng Giêng

Hình minh hoạ, ML
Tháng Giêng ăn Tết ở nhà…

Chưa bao giờ câu ca dao ấy lại đúng hơn thế và cho ta lời khuyên đúng đắn, thiết thực nhất trong mùa đại dịch này. Cho dù tháng Giêng có “là tháng ăn chơi”, như một câu ca dao khác, thì cũng chỉ nên “ăn” và “chơi” ở trong nhà hoặc “ta dại ta tìm nơi vắng vẻ” hơn là du Xuân đến những chốn lao xao hội hè, đình đám.

Một trong những “chốn vắng” ấy là dạo chơi trên cánh đồng thơ mùa xuân để hái về những bông hoa tươi thắm là những bài thơ, câu thơ tháng Giêng khoe sắc trong nắng xuân.

Thơ hay, một đôi câu cũng hay. Những câu thơ trích dẫn trong bài này chỉ là tiện tay gặp đâu ghi xuống đó, không phân biệt, phân loại thơ cũ thơ mới, thơ già thơ trẻ, thơ ngoài Bắc thơ trong Nam, thơ ngoài nước thơ trong nước. Một bài thơ, câu thơ hay không bao giờ cũ.

Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần
(“Vội vàng”, Xuân Diệu)


Câu thơ cũ nhưng vẫn cứ mới như mùa xuân chẳng bao giờ cũ, chẳng bao giờ già. “Tháng Giêng ngon”, không mới sao? Chẳng biết chơi Xuân, ăn Tết ngon, dở thế nào nhưng cứ nghe “tháng Giêng ngon” là đủ thấy ngon. Ngon đến độ “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”

Nói “Tháng Giêng ngon như một cặp… bánh chưng” nghe cũng hay vậy nhưng vẫn không hay, không ngon bằng “một cặp môi gần”. Câu thơ không chỉ mới vào thời kỳ gọi là “phong trào thơ mới” ấy mà mãi đến nay nhiều người làm thơ vẫn chuộng cách ví von như thế.

Thuở ấy mây non với gió mềm
Nắng vừa ấm để mọng môi em
Nụ hôn mừng tuổi ngon như Tết
Anh bảo em rằng mới tháng Giêng

(“Niên thiếu”, Duyên Anh)