Hiển thị các bài đăng có nhãn Lâm Vĩnh-Thế. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Lâm Vĩnh-Thế. Hiển thị tất cả bài đăng
Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2021
Lâm Vĩnh-Thế: Nhớ Đại Sứ Bùi Diễm
Được tin Ông Đại sứ Bùi Diễm đã vĩnh viễn ra đi, lòng tôi không tránh được cảm xúc bùi ngùi và thương tiếc. Trước sau, tôi chỉ được gặp Ông có hai lần nhưng hình ảnh tốt đẹp, khả kính của Ông tôi sẽ không bao giờ quên được. Bài viết này là một nén hương lòng tôi kính dâng Ông, cầu nguyện cho Ông từ đây được yên vui và thanh thản trong Cõi Vĩnh Hằng.
Lần Gặp Gỡ Đầu Tiên
Mùa Thu năm 1971, tôi đang theo học chương trình Cao Học về ngành Thư Viện Học tại Đại Học Syracuse, tiểu bang New York, Hoa Kỳ. Lúc đó Ông Bùi Diễm đang là Đại sứ của Việt Nam Công Hòa tại Hoa Kỳ. Người anh lớn của một người bạn thân của tôi hồi còn học ở Trường Trung Học Petrus Ký, anh L.Q.M., lúc đó đang là một trong các vị Cố Vấn tại Tòa Đại sứ. Một hôm, trong một dịp lễ và được long weekend, tôi về Washington, D.C. thăm Anh M. Sáng hôm sau, một ngày Thứ Bảy, Anh M. có công tác đột xuất phải đến Trường College of William and Mary, tại thành phố Williamsburg, thuộc tiểu bang Virginia. Anh cho tôi đi theo để được dịp viếng thành phố cổ kính này của Hoa Kỳ. Trước khi đi, Anh M. chợt nhớ là còn quên giấy tờ gì đó nên Anh lái xe đến Toà Đại sứ để lấy. Tình cờ hôm đó Đại sứ Bùi Diễm lại đến làm việc (về sau tôi được Anh M. cho biết là Ông Bùi Diễm rất thường đến Đại Sứ Quán làm việc trong weekend vì trong tuần phần nhiều ông rất bận với các công tác bên ngoài Tòa Đại sứ nên không có thì giờ giải quyết các công việc, giấy tờ của Tòa Đại sứ), và vì vậy tôi được cái may mắn gặp ông, và tôi đã có một ấn tượng đầu tiên rất tốt về ông. Sau khi Anh M. giới thiệu tôi với ông, ông vui vẻ và niềm nở hỏi tôi học Đại Học nào và về ngành gì. Khi nghe tôi nói là học ngành Thư Viện Học ông có vẻ rất thích thú, bảo rằng Việt Nam mình bây giờ rất cần chuyên viên về ngành này, và chúc tôi học có kết quả tốt. Cuộc gặp gỡ của tôi với ông Đại sứ Bùi Diễm diễn ra rất ngắn, có lẽ chỉ độ 5 phút thôi. Gần 30 năm sau tôi mới có dịp gặp lại Ông lần thứ nhì.
Lần Gặp Gỡ Thứ Nhì
Lần gặp gỡ thứ nhì này của tôi với Ông Đại sứ Bùi Diễm diễn ra vào cuối tháng 3 năm 2000. Lần đó tôi đang dự một hội nghị tổ chức trong hai ngày, 31/March – 1/April, tại Vietnam Center, thuộc Trường Đại Học Texas Tech University, tại thành phố Lubbock, tiểu bang Texas.
Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2020
Lâm Vĩnh-Thế (Nguyên Giáo-sư và Quản-Thủ Thư-Viện Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức): Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức - Một Đường Lối và Phương Pháp Giáo Dục Tân Tiến của Việt Nam Cộng Hòa
Từ rất nhiều năm nay, tại hải ngoại, khi nhắc lại chuyện giáo dục tai Miền Nam trước 1975, nói đến các trường trung học lớn, đa số mọi người chỉ nói về các trường Petrus Ký, Gia Long, Chu Văn An, Trưng Vương ở Sài Gòn, hay Nguyễn Đình Chiểu, Lê Ngọc Hân ở Mỹ Tho, hay Phan Thanh Giản, Đoàn Thị Điểm ở Cần Thơ, hay Quốc Học, Đồng Khánh ở Huế, ít thấy ai nhắc đến tên Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức (THKMTĐ), trực thuộc Đại Học Sư Phạm Sài Gòn (ĐHSPSG), mặc dù ngôi trường này đã có mặt từ năm 1965, nghĩa là đã hoạt động được đúng 10 năm, và đã có những cống hiến rất quan trọng cho hệ thống giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Người viết bài này, đã từng phục vụ tại THKMTĐ một thời gian khá dài (1966-1971) với tư cách giáo sư môn Kiến Thức Xã Hội (tên gọi mới của môn Sử Địa tại Trường) và Quản Thủ Thư Viện, cố gắng giới thiệu những nét đặc biệt của trường THKMTĐ khiến nó trở thành biểu tượng của một đường lối và phương pháp giáo dục thật sự tân tiến của VNCH.
Thành Lập Trường THKMTĐ
Hệ thống giáo dục của nước Việt Nam độc lập đã được đặt nền móng vững chắc từ năm 1945 dưới thời Chính phủ Trần Trọng Kim với Bộ Trưởng Giáo Dục đầu tiên là Giáo sư Hoàng Xuân Hãn. Tuy tiếng Việt đã được sử dụng để giảng dạy nhưng toàn bộ hệ thống giáo dục, từ “hệ thống tổ chức, tổ chức thi cử, và chương trình học vẫn giữ được những nét chính của chương trình Pháp.” [1] Trong thời Đệ Nhất Cộng Hòa đã có một hội nghị giáo dục được tổ chức vào năm 1958 mang tên là “Hội Thảo Giáo Dục Toàn Quốc.” [2] Chính cuộc hội thảo giáo dục này, lần đầu tiên, đã tạo ra triết lý giáo dục cho VNCH với ba nguyên tắc chỉ đạo là Dân tộc, Nhân bản, và Khai phóng. Đại hội giáo dục toàn quốc lần thứ hai được tổ chức vào năm 1964 khẳng định lại một lần nữa ba nguyên tắc chỉ đạo vừa nêu trên, với một điều chỉnh nhỏ: nguyên tắc chỉ đạo thứ ba được đổi từ Khai phóng sang Khoa học [3] Chính trong thời gian này đã xuất hiện một số bài viết thảo luận chung quanh đề tài “một nền giáo dục mới” cho VNCH. Trường ĐHSPSG đi một bước xa hơn, không phải chỉ tham gia vào việc thảo luận suông về chuyện giáo dục mới này, mà bằng việc thực hiện một dự án giáo dục cụ thể: thiết lập THKMTĐ. Trong Dự Án Đại Cương cho ngôi trường mới này, đệ trình cho Hội Đồng Khoa của ĐHSPSG vào tháng 3-1965, người thảo dự án, Giáo sư Dương Thiệu Tống, vị Hiệu Trưởng đầu tiên của trường, đã khẳng định:
“Chương trình ấy chỉ có thể thực hiện không phải bằng những cuộc bàn cãi về lý thuyết mà phải là kết quả của các cuộc nghiên cứu và thí nghiệm.” [4]
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)