Hiển thị các bài đăng có nhãn Khái Hưng. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Khái Hưng. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2020

Hạ Long Bụt sĩ : Những Loại Hình Tình Yêu Và Chất Thơ Trong Văn Khái Hưng 

THƠ và THIÊN NHIÊN


Khái Hưng (1896-1947) viết văn như làm thơ ngay trong tác phẩm đầu tay Hồn Bướm Mơ Tiên, xuất bản 1933 :

Bên phía đông nam mấy trái đồi phản chiếu ánh chiều tà nhuộm một sắc da cam. Nền trời xanh nhạt, lơ thơ mấy áng mây hồng. In trên cánh đồng lúa chín, màu vàng thẫm, con cò trắng thong thả bay về phía tây, đôi cánh lờ đờ cất lên đập xuống loang loáng ánh mặt trời. ( phần 3- Hồn Bướm Mơ Tiên).

Bên bờ suối mấy gốc cây thông già gió chiều hiu hắt, lá thông khô lác đác rơi xuống suối rồi theo dòng nước trong trôi đi. ( phần 7- HBMT)

Phần kết có tới 7 câu Lá Rụng :

Gió chiều hiu hiu…Lá rụng ! (phần 9).

Nhưng tới tập truyện ngắn Đợi Chờ, 1940, diễn tả niềm tưởng nhớ một hình bóng thoáng qua, thì Khái Hưng thật sự làm thơ :

Cả những làn mây nhạt đang lững thững trôi trên ngọn đồi xa cũng ngập ngừng dừng lại. Hình như cùng chàng mong ngóng người xưa, cỏ cây mây nước cũng trầm ngâm mong ngóng xuân về. ( đoạn đầu)

Và trên đồi xa, làn mây bạc vẫn ngập ngừng dừng lại…. ( tr 4-12)

Cùng chàng mong ngóng người năm ấy, vạn vật trầm ngâm mong ngóng xuân về. ( kết)

Và nếu kể cả Tiêu Sơn Tráng Sĩ, một cuốn tiểu thuyết dã sử võ hiệp,1937, mô tả mối tình đồng chí cao thượng giữa Quang Ngọc và Nhị Nương, thì đoạn kết cũng là lời thơ bi phẫn lãng mạn của Phạm Thái :

Than ôi chí lớn trong thiên hạ, đựng không đầy đôi mắt mỹ nhân !

Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2019

Thụy Khuê: Khái Hưng (Phần 2)

Trống Mái


Eric Tabarly, người thủy thủ xuyên đại dương số một của Pháp trong thế kỷ XX khi bị biển cuốn đi, để lại chúc ngôn: "Biển không dữ dội, biển cũng không chỉ là những bãi cát để nghỉ hè, phơi nắng mà biển còn là nguồn sống cho con người". Khái Hưng viết trong Trống Mái: "Biển là của con nhà nghề, của những người đánh cá, bắt ngao, nuôi sống chứ không phải của bọn khuê các, công tử thừa tiền, thừa thì giờ ra đó chơi bời thỏa thích." Một người suốt đời sống chết với sóng nước và một nhà văn chỉ là khách vãng lai của biển, đều nhìn biển tương tự như nhau. Phải chăng Tabarly đã sống đời Khái Hưng trong tiền kiếp, hay mỗi nhà văn thường có mấy kiếp trong một con người? Rilke viết: "Muốn làm một câu thơ phải xem nhiều thành phố, gặp bao nhiêu người, phải biết rõ đời sống sinh vật, phải cảm thấy chim bay, hoa nở như thế nào". Rilke muốn nói đến kinh nghiệm sáng tạo. Và nếu muốn có một kinh nghiệm sáng tạo như thế, thì nhà thơ phải già hơn người thường đến vài mươi kiếp.

Vọi, nhân vật chính trong Trống Mái của Khái Hưng là một hồn thơ giàu kinh nghiệm biển. Trống Mái tích lũy những nghiệm sinh, nghiệm sống, những nhìn, ngắm, cảm... của nhiều đời Khái Hưng trong một. Trống Mái là phần cửa biển của Khái Hưng, mở từ Sầm Sơn, bối cảnh một tình yêu trái mùa giữa Hercule Vọi có tâm hồn Ulysse, với cô Hiền Sirène tân thời, vô tâm, vô tình mà tàn nhẫn. Một cô Hiền có mãnh lực quyến rũ của người cá nhưng lại không mang cánh cá.

Hiền, ngư tiên Sầm Sơn 1936, tự do, muốn thử một quan niệm sống mới, muốn đạt tới thế quyền phụ nữ trong một xã hội phụ quyền từ A đến Z. Ngay từ 1936, Hiền đã dám nghĩ đến cuộc sống độc thân, Hiền bảo mẹ: "Con chả muốn lấy chồng, con chỉ theo chủ nghĩa độc thân." Đi trước Simone de Beauvoir mười ba năm, Hiền cho rằng sự bình đẳng nam nữ phải dựa trên tương quan đồng đẳng: Cái gì người ta làm được thì mình cũng làm được. Hiền muốn gạch chữ yếu trong phái yếu. Hiền đẹp, con nhà giàu, có một thân hình cường tráng. Hiền bơi giỏi, đánh đàn hay, Hiền trí thức. Nàng có đủ hành trang cần thiết để đánh bại lũ cậu ấm rởm, theo nàng như ruồi nhặng. Hiền nghĩ: "Muốn bình đẳng phải đồng đẳng. Mà trước hết cần phải đồng đẳng về thân thể tráng kiện."

Gặp Vọi thuyền chài, đẹp như tượng cổ Hy Lạp. Hiền nghĩ đến một thứ tình yêu không vụ lợi mà "vụ đẹp", "vụ át-lét", "vụ thân thể cường tráng". Tình yêu không phân giai cấp giầu nghèo, không phân biệt trí thức và vô học. Hiền muốn một cuộc đời mở cửa ra thiên nhiên, núi, nước, để phản kháng lại quan niệm trưởng giả đô thị của xã hội quan liêu «vụ bằng cấp» mà nàng đang sống. Ở Hiền, đã manh nha đầu óc phi đẳng cấp, đã khát vọng một đời sống tự do, độc lập và bình đẳng, và một thế giới... cộng đồng.

Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2019

Thụy Khuê: Khái Hưng (Phần 1)


Tiểu sử Khái Hưng
Khái Hưng tên thật là Trần Khánh Giư, bút hiệu khác Nhị Linh, sinh năm 1896 tại làng Cổ Am, phủ Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương. Con trai Tuần phủ Trần Thế Mỹ, và là anh ruột Trần Tiêu. Thuở nhỏ học chữ nho, rồi theo Tây học (lycée Albert Sarraut, có nơi ghi Paul Bert). Sau khi đậu tú tài Pháp, ban triết, Khái Hưng dậy ở tư thục Thăng Long, ở đây ông gặp Nhất Linh. Khái Hưng kết hôn với bà Lê Thị Hoà (con tổng đốc Lê Văn Đính) bút hiệu Nhã Khanh. Gia đình Khái Hưng không có con, Nhất Linh cho con trai là Nguyễn Tường Triệu làm con nuôi từ nhỏ: Trần Khánh Triệu. 
Khái Hưng viết cho Phong hoá, từ khi tờ báo còn do Phạm Hữu Ninh, hiệu trưởng trường Thăng Long chủ trương. Năm 1932, Nhất Linh mua lại Phong hoá. 1933, thành lập Tự Lực văn đoàn. 1933, xuất bản Hồn bướm mơ tiên. 1936, Phong Hoá bị đóng cửa. Ngày Nay, đã ra từ trước, tiếp tục.  
1939, Tự Lực văn đoàn nghiêng sang đấu tranh chính trị. Nhất Linh lập đảng Hưng Việt, sau đổi thành Đại Việt dân chính. 1940, Khái Hưng và Hoàng Đạo sang Tàu liên lạc với các đảng cách mệnh khác, cuối năm trở về nước. 1941, Khái Hưng, Hoàng Đạo và Nguyễn Gia Trí bị Pháp bắt tại Hà Nội, bị đưa lên trại giam Vụ Bản, Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình. Thạch Lam và Nguyễn Tường Bách tiếp tục quản trị tờ Ngày Nay. Cuối năm 1941, Ngày Nay bị đóng cửa.  

Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2015

CHẾT, vở kịch đầu tay của KHÁI HƯNG

Chúng tôi mời quý độc giả xem hai tài liệu cũ:
- Vở kịch CHẾT của Khái Hưng đăng trên báo Ngày Nay số 16, ra ngày 12 tháng 7 năm 1936.
- Tập Chương trình của buổi trình diễn vở kịch này cùng một vở kịch khác, Nửa Đêm Truyền Hịch của Trần Tử Anh, tại Nhà Hát Lớn Hà Nội vào đêm 26 tháng 5 năm 1945.
Cả hai tài liệu cũ này đều dưới dạng ảnh chụp từ tài liệu nguyên bản. - DĐTK




Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

Khái Hưng- Ðợi chờ



Khái Hưng
Cây im, sông lắng đợi xuân về.

Linh cho ngựa phi nước kiệu lớn, qua dặng đồi cỏ tranh, hấp tấp, vội vàng như người đi đâu có việc gì cần kíp.

Tới chỗ sông Thương lượn khúc chảy ven đường Bố Hạ, quanh một quả đồi rộng trồng cam, Linh kìm cương, nhẹ nhàng nhẩy xuống đất, buộc ngựa vào một cây trẩu trụi gần hết lá. Đã một tuần nay, từ khi cam bắt đầu rám đỏ, sáng sáng, dùng xong bữa điểm tâm sơ sài, Linh lên ngựa đi thăm lấy lệ mấy nơi vừa phá hoang trồng chè, rồi phi thẳng tới đây ngồi đợi.


Chàng đợi người năm ấy. Sự mong mỏi làm rạo rực lòng chàng và như man mác cả linh hồn vạn vật.

Vì có lúc ngắm cảnh quanh mình, chàng thấy những khóm cây yên lặng nghiêng mình trên bờ cao, soi bóng xuống mặt nước xanh rêu không động, những bụi lá sắc và nhọn với hàng bông trắng đứng im tăm tắp và loáng thoáng lẩn trong không. Cả những làn mây nhạt đương lững thững trôi trên ngọn đồi xa cũng ngập ngừng dừng lại. Hình như cùng chàng mong ngóng người xưa, cỏ cây, mây, nước cũng trầm ngâm mong ngóng xuân về.

Tiếng chim sơn ca hót trong cỏ rậm. Linh giật mình quay nhìn theo con đường đỏ, và cảm thấy tất cả nỗi thất vọng của một tấm lòng vơ vẩn đợi chờ...

Nhưng qua giậu nứa đan mắt cáo, màu vỏ cam mới rám hồng vẫn nhắc nhỏm gợi nhớ nhung.
° ° °
Cách đây hai năm, và cũng trong tháng chạp. Một hôm cưỡi ngựa đến bên sông thăm vườn cam sắp trẩy, Linh gặp một chiếc ô tô đỗ cạnh đồi. Tưởng đó là xe khách đến chơi và tài xế không biết lối vào trong ấp, Linh cho ngựa lại gần, nghiêng mình nhòm qua cửa xe. Trong xe, một bà ngót năm mươi tuổi và một thiếu nữ đầy đặn nở nang, nước da hồng hào rám nắng, mà thoạt trông chàng ví ngay với màu da cam bắt đầu rám chín dưới luồng gió heo may.

Chàng ngồi thẳng người lên, lễ phép nói:

- Xin cụ tha lỗi cho, tôi tưởng bạn đến chơi.

Nhưng thiếu nữ rất lịch thiệp đã thò đầu ra ngoài mỉm cười đáp lại:

- Thưa ông, me tôi không dám. Vả lầm thì ai chả có khi lầm.

Câu trả lời, Linh cho là vô vị. Song nụ cười tình tứ điểm theo, chàng ngắm thấy ngọt như mật ong, thơm như hoa cam sành mới nở, và có mãnh lực làm cho chàng lúng túng mất vài giây. Sự lúng túng ấy chàng che đậy bằng một câu hỏi, giọng run run:

- Thưa cô, xe liệt máy?

Nụ cười càng tình tứ hơn, tuy đôi lông mày bán nguyệt tô thêm chỉ hơi díu lại một cách rất nũng nịu, dễ yêu.

- Thưa ông, xe không chết máy, nhưng hết dầu xăng.

- Vậy ý hẳn bác tài đi mua dầu xăng?

- Không, anh ấy đến hàng nước kia hỏi xem có thể mua lại ở đâu được vài lít xăng để đủ chạy từ đây đi Kép. Vậy thưa ông, ông có biết thì xin ông làm ơn bảo giùm cho.

Linh mỉm cười:

- Ồ! Tưởng hỏng máy, chứ nếu chỉ hết dầu xăng, thì tôi xin biếu cụ và cô.

Bà cụ sung sướng vội hỏi.

- Thưa ông, nhà ông ở gần đây?

- Thưa cụ, cũng không xạ. Đây là đồn điền của tôi.

Thiếu nữ vẻ mặt ngạc nhiên.

- Đồn điền của ông? Chắc là rộng lắm!

- Thưa cô, cũng không rộng lắm, độ hai nghìn mẫu thôi.

Thiếu nữ mở cửa xe bước xuống, gọi:

- Anh tài!

Tức thì một người vận âu phục màu vàng từ trong hàng nước cạnh bến phà đi lại. Linh xuống ngựa, nói:

- Bác cưỡi ngựa theo con đường này vào ấp bảo người nhà tôi đưa cho một bi đông ét xăng, rồi cầm ngay ra đây...

- Thưa ông, cháu không cưỡi ngựa bao giờ.

- Chà, khó gì!

Linh ngẫm nghĩ một giây rồi chép miệng nói tiếp:

- Thôi được, để tôi đi lấy cho.

Thiếu nữ vội gạt:

- Chết thế thì phiền ông quá!

Nhưng Linh đã nhẩy lên lưng ngựa, giật cương ra về, và nháy mắt, chàng đã biến vào trong cỏ tranh cao, rậm.
° ° °
Lúc trở lại, Linh chỉ thấy người tài xế nằm ngủ trên nệm xe. Chàng dừng lại ngồi thở, trời rét, cái áo lót của chàng ướt đẫm mồ hôi, vì chàng đã cho ngựa phi mau quá.

Bỗng có tiếng cười nói trong vườn cam. Linh vội vàng cởi bỏ vào trong xe cái bi đông dầu xăng buộc sau yên, rồi cho ngựa thong thả lên đồi. Tiếng thiếu nữ nói qua hàng giậu:

- Chúng tôi đương đợi ông ra để xin ông một quả cam.

Linh hấp tấp rẽ cương qua cửa vườn.

- Thưa cụ, cam ở đây còn chua lắm, chưa ăn được. Ở trong ấp có một ít đã thực chín rồi và ngọt lắm, xin mời cụ và cô quá bộ vào chơi.

Bà cụ từ tạ:

- Xin cảm ơn ông, chúng tôi xin về... Ông đã cho chúng tôi vay dầu xăng?

Linh buồn rầu đưa mắt nhìn thiếu nữ:

- Thưa cụ, có dầu xăng rồi.

- Ồ! thế thì may quá. Cảm ơn ông quá. Không có ông giúp thì mẹ con tôi chẳng biết làm thế nào mà về được đến nhà.

- Thưa cụ, ấp cách đây có hơn hai cây số, xin mời cụ quá bộ vào chơi. Thưa cụ, tôi ở nơi hẻo lánh này chẳng mấy khi được hân hạnh đón tiếp khách quý.

Thiếu nữ nể lời ân cần mời mọc của chủ ấp, áy náy nhìn mẹ:

- Thưa me, hay là me vào chơi một lát cho ông chủ bằng lòng. Vào ăn quả cam Bố Hạ rồi lại đi ngay.

Quay về phía Linh, nàng mỉm cười, láu lỉnh nói tiếp:

- Rồi ông để chúng tôi đi ngay nhé?

Linh, trên mặt lộ đầy vẻ biết ơn:

- Xin vâng.

- Vậy vào nhé, me nhé?

Bà mẹ mắng yêu con

- Ừ thì vào. Gớm chết! Cô Phụng đi đâu cô cũng la cà hết ngày hết buổi.

Linh sung sướng chạy vội ra cửa vườn gọi tài xế.
° ° °
Một giờ sau, Linh đưa Phụng đi xem khắp vườn cam, quýt, trong khi bà mẹ ngồi nghỉ bên lò sưởi, vì đứng ở ngoài lâu chân tay bà rét buốt.

Nhờ có một nền giáo dục lịch thiệp nhận được ở trường học và ở một gia đình theo lối mới Phụng đối với ông chủ ấp không chút ngượng ngùng, e lệ. Nàng cười nói dễ dàng, hỏi nhiều câu mà Linh phải lấy làm kinh ngạc, tưởng các cô thiếu nữ không bao giờ dám nghĩ tới.

Đến một gốc quít cỗi, nàng ngắt một quả rồi vờ quay đi ăn vụng. Nhưng nàng quay lại ngay, phá lên cười và kêu:

- Bắt lấy con ăn cắp quýt cho tôi!

Linh cũng cười, nói một câu mà vừa buột miệng thốt ra, chàng cho là rất sáo:

- Nó được hân hạnh cô chiếu cố là may cho nó.

- Vậy tôi lại muốn chiếu cố đến nó nữa.

Vừa nói Phụng vừa với một quả ở cành cao nhưng không tới.

- Cô để tôi lấy giùm.

Linh phải nhảy lên mới với được cả cành quít chĩu chịt gần chục quả.

- Ồ phí quá, ông nhỉ?

Linh toan ngắt ra từng quả nhưng Phụng vội gạt.

- Ấy, ông cho xin cả để tôi mang về giữ làm kỷ niệm.

Hai tiếng kỷ niệm ở miệng mỹ nhân nói ra, Linh nhận thấy âu yếm, thấm thía tâm hồn. Chàng toan đáp lại một câu tình tứ, nhưng không tìm ra được, đành chỉ lặng lẽ mỉm cười nhìn thiếu nữ. Giữa phút thần tiên ấy, có tiếng gọi:

- Phụng, xin phép ông về thôi!

Lần đầu tiên trong đời, Linh cảm thấy tất cả cái ý nghĩa buồn rầu, sầu thảm của chữ "về".

- Phụng, đi về!

- Vâng, con đây.

Nàng bỏ cả nửa quả quít vào mồm nhai ngốn ngấu. Còn một nửa có lẽ vì đãng trí, nàng đưa cho Linh:

- Trời ơi! Quít ngọt quá! ông nếm thử mà xem.

Rồi nàng chạy vội lại chỗ mẹ.

Linh thở dài, lững thững theo sau...
° ° °
Lúc xe mở máy. Linh mới chợt nhớ ra rằng chưa hỏi địa chỉ của Phụng.

Trong một giờ được một mình ở bên người đẹp, Linh chỉ mê man nghĩ đến hiện tại mà chàng biết rằng ngắn ngủi. Và chàng chỉ cảm thấy từng phút từng giây đương lạnh lùng rơi vào quãng không.

Kẻ ở người đi rồi hiện tại sẽ thành dĩ vãng sẽ thành một kỷ niệm như cành quít mà Phụng đã đem về nhà để giữ làm kỷ niệm.
° ° °
Nhưng cái kỷ niệm giây phút ấy đối với Linh đã thành vĩnh viễn thiêng liêng.

Năm, năm, cứ đến tháng chạp khi cam ngoài vườn bắt đầu rám đỏ dưới luồng gió heo may, Linh lại cảm thấy thân thể và tâm hồn rung chuyển. Rồi trong vườn hiện ra hình ảnh một thiếu nữ tươi tốt, hồng hào thướt tha bên gốc cam, gốc quít.

Linh chờ đợi, mong ngóng.

Chàng chờ đợi, mong ngóng cho tới hết mùa cam. Vì Phụng có hứa với chàng rằng mỗi năm cứ đến mùa cam nàng sẽ lại cùng mẹ một lần lên thăm ấp của Linh. Lời hứa ấy có lẽ Phụng đã thốt ra theo cách xã giao trong câu truyện thù ứng. Nhưng Linh tin là lời hứa thành thực. Chàng cũng không hiểu sao chàng lại tin như thế nhưng chàng cũng không thể không tin được.

Đã hai năm chàng chờ đợi...

Và trên bờ sông cao, khóm cây vẫn yên lặng nghiêng mình soi bóng xuống mặt nước xanh rêu không động, những bụi lau lá sắc và nhọn vẫn đứng thẳng hàng, bông trắng loáng thoáng lẩn trong không. Và trên ngọn đồi xa, làn mây bạc vẫn ngập ngừng dừng lại...

Cùng chàng mong ngóng người năm ấy, vạn vật trầm ngâm mong ngóng xuân về.