Hiển thị các bài đăng có nhãn J.B Nguyễn Hữu Vinh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn J.B Nguyễn Hữu Vinh. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 6 tháng 1, 2021

TUYÊN BỐ CỦA HỘI NHÀ BÁO ĐỘC LẬP VIỆT NAM

Về việc: Nhà cầm quyền Việt Nam kết án thành viên Hội Nhà Báo Độc lập Việt Nam.

Ngày 05 tháng 01 năm 2021, Tòa án TP Hồ Chí Minh đã tổ chức cái gọi là “Phiên tòa sơ thẩm” để xét xử ba thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (HNBĐLVN) theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự về cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Ba thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam bị nhà cầm quyền Việt Nam kết án với mức án như sau:

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội NBĐLVN, 15 năm tù, 3 năm quản chế.

Ông Nguyễn Tường Thụy, Phó Chủ tịch HNBĐLVN, 11 năm tù và 3 năm quản chế.

Ông Lê Hữu Minh Tuấn, Biên tập viên Vietnamthoibao.org, 11 năm tù và 3 năm quản chế.

Trước đó, nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt giam ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn vào biệt giam một thời gian dài không cho tiếp xúc với các luật sư bào chữa hoặc thân nhân. Họ chỉ được gặp các luật sư của mình một thời gian rất ngắn trước khi xét xử và trong khi xét xử, tòa đã bỏ qua những lời biện hộ đúng đắn, phù hợp pháp luật của các luật sư cũng như những người này để kết án một cách bất công.

Phiên tòa không được tiến hành công khai, rất chóng vánh với những bản án nặng nề này nhằm trả thù hèn hạ những tiếng nói yêu dân chủ, tự do, hòa bình và vì sự tồn vong của đất nước, của dân tộc và vì nỗi đau của người dân dưới chế độ độc tài.

Nhận định rằng:

Hội nhà báo độc lập Việt Nam, là một tổ chức xã hội dân sự nghề nghiệp được thành lập và hoạt động dựa trên Điều 25 Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”.

Thứ Năm, 27 tháng 12, 2018

J.B Nguyễn Hữu Vinh: “Lịch sử để lại” - Một cách lẩn tránh trách nhiệm trước tội ác

Trấn lột công khai có tổ chức: BOT 


Cả chục ngày nay, người dân Hà Nội, báo chí chú ý đến việc các tài xế và người dân Thủ đô cũng như khắp nơi đã đồng loạt “đánh BOT” Bắc Thăng Long – Nội Bài. Nhiều tài xế và người dân đã tập trung buộc trạm BOT này xả trạm, không được thu phí của người dân đi qua đây. 

Sở dĩ người dân nổi giận, quyết không chịu chấp nhận bỏ cuộc dù những lời dọa dẫm đủ cách, dù bị các lực lượng đỏ kiêm xã hội đen đe dọa. Bởi họ không chấp nhận được việc cướp bóc trắng trợn giữa ban ngày, trấn lột những đồng tiền xương máu của người dân bằng thủ đoạn BOT. 

Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài được lập ra thu tiền để hoàn vốn cho dự án BOT xây dựng Quốc lộ 2, đoạn tuyến tránh TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) nhưng lại đặt trên đường Võ Văn Kiệt (Sóc Sơn, Hà Nội). Oái oăm thay, hai đoạn đường này hoàn toàn cách biệt lẫn nhau và cách nhau cả hơn chục cây số. 

Khi người dân không đi trên đường tránh Vĩnh Yên, chỉ đi từ Hà Nội lên sân bay Nội Bài hoặc qua lại hàng ngày trên tuyến đường được đầu tư xây dựng từ những năm 1980 này bằng tiền dân, thì lại vẫn cứ phải móc hầu bao để trả cho những sân sau của quan chức cộng sản đã “đầu tư” vào một tuyến đường nào đó mà họ không liên quan? 

Một nguyên tắc có từ thời nguyên thủy, là người ta chỉ trả tiền cho việc bán, mua, trao đổi với sự đồng ý của hai bên mà thôi. Nhưng, ở thời đại “Hồ Chí Minh rực rỡ nhất” này, nguyên tắc sơ đẳng đó bị phá bỏ. Không mua, vẫn cứ phải trả tiền, không bán thì vẫn cứ bị cướp.


Thứ Ba, 4 tháng 12, 2018

Nguyễn Hữu Vinh: Phép thắng lợi tinh thần của Thủ tướng


Thủ tướng và bệnh hoang tưởng?


Ngày 27/11, hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “ Việt Nam là trung tâm đồ gỗ và nội thất của thế giới “.

Sau đó, phát biểu tại lễ khai mạc ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest) tối 29/11 tại Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục nói rằng: “Đã đến lúc phải đi ra chinh phục thế giới, mang thế giới về Việt Nam”.

Những câu nói này, lại góp phần dày thêm trong bộ sưu tập những câu nói “để đời” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong thời gian chưa lâu kể từ khi ngồi ghế Thủ tướng – Những câu nói có tác dụng gây cười nghiêng ngả trong xã hội.

Kiểm lại quá trình phá biểu của Nguyễn Xuân Phúc, nhiều nhà báo, mạng xã hội đã tổng kết nhiều câu nói của ông, những câu nói mà khi người ta nghe, hết thảy đều ngạc nhiên không thể hiểu ông ta đang nói nhằm mục đích gì?

Thứ Ba, 30 tháng 10, 2018

J.B Nguyễn Hữu Vinh: Kỷ luật Giáo sư Chu Hảo: Đảng tự cởi truồng



Có lẽ, trong hàng ngũ cán bộ cao cấp của hệ thống chính trị cộng sản mà tôi đã gặp, Giáo sư Chu Hảo để cho tôi nhiều ấn tượng nhất. 

Ấn tượng đầu tiên, là dưới mái tóc bạc trắng phau của ông, luôn thường trực một nụ cười thân thiện và dễ mến. Và sau đó, khi nói chuyện, là một tấm lòng luôn đau đáu với vận mệnh đất nước, với những tiến bộ xã hội, với những đau khổ của người dân Việt Nam dưới sự cai trị của đảng cộng sản. 

Dù khi đó, ông vẫn là một đảng viên cộng sản. 

Tôi gặp Gs Chu Hảo khá nhiều lần. Mỗi lần gặp, câu chuyện ông trao đổi vẫn là câu chuyện về hiện tình đất nước, một thao thức với tấm lòng nhiệt huyết và trăn trở với thực tại xã hội, nhất là những khi nói về những việc cần làm để cho xã hội có nhiều tiến bộ, cải thiện tình hình đất nước trước nguy cơ nô lệ, trước những vấn nạn khó giải thoát dưới ách cộng sản, với những người đang phải tù tội vì dám cất tiếng nói của mình cho sự thật, công lý, hòa bình... ông như trẻ hơn nhiều so với tuổi tác và mái tóc bạc phơ của ông. 

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016

J.B Nguyễn Hữu Vinh: Cuộc chiến Formosa: Phát súng mở đầu đã nổ


Cuộc chiến trong lòng dân tộc
Cuộc chiến - phải gọi như vậy - của người dân Miền Trung nói riêng và người dân Việt Nam nói chung đối với kẻ thủ ác trực tiếp là Formosa, kẻ đã đẩy hàng triệu ngư dân vào đường cùng đã bắt đầu nổ ra bằng cuộc hành quân đến Tòa án Thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh nộp đơn kiện.
Cuộc hành quân dài 200 km của hơn 600 giáo dân giáo xứ Phú Yên, kết hợp với hàng ngàn giáo dân tại địa phương ngày 26/9/2016 là màn mở đầu, là phép thử đơn giản cho những hành động không thể tránh khỏi và không thể thiếu trong cuộc đối đầu giữa nạn nhân và thủ phạm.
Sở dĩ là màn mở đầu, bởi với thảm họa này, thì chắc chắn hậu quả không chỉ là một vùng, mà là cả một miền rộng lớn, thậm chí là cả đất nước và thời gian không chỉ là dăm bảy tháng, một năm mà là hàng chục năm sau đó.

Thứ Ba, 9 tháng 8, 2016

J.B Nguyễn Hữu Vinh - Nhìn từ Formosa: Chưa có môi trường đầu tư nào tốt như Việt Nam hiện nay!

Nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh, ảnh chụp tháng 12 năm 2015.
Thông thường, một nhà đầu tư tiền vốn và thiết bị, dây chuyền công nghệ đến bất cứ nơi nào, họ đều tìm những nơi có môi trường đầu tư tốt nhất về các mặt nhằm đạt hiệu quả cao nhất cho đồng vốn đầu tư của mình. Nói cách ngắn gọn là những nơi đảm bảo cho họ thu được nhiều lợi nhuận nhất và an tâm nhất khi đầu tư tiền vào đó.
Môi trường đầu tư, ngoài những rủi ro về thị trường, về sản phẩm được sản xuất ra với giá thành thấp, chất lượng bảo đảm yêu cầu nhằm thu lợi nhuận lớn nhất thì còn những yếu tố khác tác động đến quá trình đầu tư như điều kiện địa lý, chính trị xã hội nơi đầu tư... là những yếu tố nhiều khi có tính chất quyết định.

Thứ Ba, 24 tháng 5, 2016

J.B Nguyễn Hữu Vinh - Bầu cử: một canh bạc bịp quá thô thiển diễn lại

Một phụ nữ tại một trạm bỏ phiếu địa phương 
ở Hà Nội ngày 22 tháng 5 năm 2016.

Ngày hôm nay, màn diễn "bầu cử" lại rầm rộ triển khai trên khắp cả nước.
Đã mấy chục năm nay, cứ dăm năm lại một lần diễn đi rồi diễn lại. Tốn kém đến cả hàng ngàn tỷ đồng tiền dân. Trong khi báo chí cho biết: Hiện đang có những bà cụ gần 90 tuổi hàng ngày uống nước ao cho đỡ đói. Hiện hàng trăm ngàn hộ dân ở các tỉnh đang phải cứu đói. Đặc biệt là thảm họa môi trường miền Trung đang đe dọa hàng triệu người dân các tỉnh và nguy cơ ô nhiễm lan ra cả nước.
Vậy, để làm gì với những màn diễn đó? Đơn giản chỉ được một việc: Để cho có vẻ dân chủ. Chấm hết.
Vì sao vậy?

Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2016

J.B Nguyễn Hữu Vinh - Bỗng nhiên, biển hết độc

viết từ Hà Nội

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân 
nói trong một cuộc họp báo về cuộc khủng hoảng môi trường 
liên quan đến cá chết hàng loạt ở miền Trung Việt Nam 
vào ngày 27 tháng 4 năm 2016.

Cả đất nước đang sục sôi hướng về Miền Trung, những thông tin về cá nhiễm độc, về ô nhiễm môi trường sống ở biển, hủy diệt sinh thái biển từ cá, ngao sò, đến rừng ngập mặn và người thi nhau chết vì nhiễm độc. Nguyên nhân, chẳng cần xác định chi cho mất công và thời gian, dân chỉ rõ: Formosa Vũng Áng xả thải là nguyên nhân.
Thủ phạm là Formosa và những kẻ rước tập đoàn ô nhiễm đã từng được giải thưởng "Hành tinh đen" vì thành tích phá hoại môi trường trên thế giới.
Những lấp liếm, bao che của hệ thống quan chức đã thể hiện rất thô thiển và kệch cỡm càng làm lộ nguyên nhân chính vì sao họ giấu diếm kẻ thủ ác. Đó là hệ thống quan chức tham nhũng, bất chấp mọi yếu tố đảm bảo đời sống người dân cũng như sự bền vững vủa đất nước, xã tắc và dân tộc.

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2016

J.B Nguyễn Hữu Vinh - Phải chọn một...

viết từ Hà Nội

Một người dân đi dọc bờ biển với cá chết dạt lên bờ biển huyện Quảng Trạch, Quảng Bình hôm 20/4/2016.
Người dân Việt bỗng nhiên lắng lại sau vụ cá tôm chết trắng bờ miền Trung khi Giám đốc đối ngoại Formosa Chu Xuân Phàm thẳng thừng trả lời: "Chỉ được chọn một hoặc nhà máy, hoặc tôm cá".
Những người có tinh thần quan tâm đến vận mệnh đất nước, chủ quyền lãnh thổ và danh dự con người Việt Nam lắng lại mất vài giây để cảm nhận hết sự trắng trợn - nhưng là sự thật - trong câu nói này. Chỉ lắng lại một lúc rồi bùng lên phẫn nộ.
Câu trả lời đầy tính thách thức đất nước này, dân tộc này nói lên nhiều điều.

Thứ Hai, 18 tháng 4, 2016

J.B Nguyễn Hữu Vinh - "Giai cấp tiên phong" đến đường cùng

viết từ Hà Nội

Một nông dân cuốc đất chuẩn bị để trồng cải bắp 
trên một cánh đồng ở ngoại ô Hà Nội hôm 6/1/2016.

"Giai cấp tiên phong" và đảng của "giai cấp tiên phong"
Vài hôm nay, báo chí nêu vấn nạn người dân nông thôn bỏ nhà ra thành phố kiếm sống. Nguyên nhân hiện tượng này, được lý giải đơn giản như trong câu nói của bà Nguyễn Thị Quá (ngụ thôn Tân Mỹ, xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên): “Không đi thì lấy gì ăn? Vào trong ấy lê chân cả ngày còn kiếm được 50.000-100.000 đồng gửi về cho con, chứ ở đây lấy gì cho chúng học?”.
Hậu quả của hiện tượng này chưa ai thống kê được.
Trước hết, là cảnh gia đình ly tán, dẫn đến nhiều vấn đề xã hội phát sinh, trẻ em không được học hành, người già thiếu người chăm sóc. Sau đó, nông thôn dần biến thành những vùng đất hoang.

Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2016

J.B Nguyễn Hữu Vinh - Bảo vệ sự sống: Một tiếng kêu báo động về đạo đức xã hội

Một nhóm mấy chục bạn trẻ lặng lẽ đi, cầm trên tay 
những tấm pano nhỏ với những dòng chữ bảo vệ sự sống
Photo by J.B Nguyễn Hữu Vinh


Giữa phố phường Hà Nội chiều ngày 8/3 thật đông đúc và ồn ào. Dòng người trên các ngã tư, từng ngõ phố chật chội với khói bụi mịt mù, khi trời đổ cơn mưa phùn nhè nhẹ. Mọi người trên đường hình như hối hả hơn để về nhà, để chúc tụng, để tìm bạn... trong cái ngày gọi là "Quốc tế phụ nữ".
Trong sự ồn ào, náo nhiệt đó, trên hè phố, một nhóm mấy chục bạn trẻ lặng lẽ đi, cầm trên tay những tấm pano nhỏ với những dòng chữ như: "Thai nhi cũng là người, các em có quyền được sống", "Hãy làm ơn, xin đừng giết các thai nhi vô tội", "Đừng để yếu lòng một lúc rồi hối hận cả đời"...

Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2015

J.B Nguyễn Hữu Vinh/RFA - 30 tuổi làm Giám đốc sở ở Quảng Nam: Vì sao ầm ĩ?

Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Quảng Nam
Lê Phước Hoài Bảo.

Những ngày qua, dư luận chú ý đến một sự kiện khá ầm ĩ và nhiều bất bình trên các tờ báo nhà nước và mạng xã hội, đó là việc Tỉnh Quảng Nam bổ nhiệm Lê Phước Hoài Bảo làm Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh mới 30 tuổi. Sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu đó là một người có thực tài, có sự minh bạch trong việc học hành, bổ nhiệm bình đẳng trong xã hội.

Thứ Năm, 19 tháng 3, 2015

J.B Nguyễn Hữu Vinh - Khen ai khéo vẽ cho vui thế!

Đám DLV phá hoại buổi tưởng niệm 64 chiến sĩ đã hy sinh
trong trận thảm sát Gạc Ma được tổ chức ở Hà Nội hôm 14/3/2015
Vài hôm nay, cộng đồng mạng ồn ào và nổi sóng với vụ việc nhà cầm quyền Hà Nội cho đám cô hồn dư luận viên phá hoại buổi tưởng niệm 64 chiến sĩ đã hy sinh trong trận thảm sát Gạc Ma ngày 14/3/1988-2015 được một nhóm xã hội dân sự kêu gọi tổ chức tại tượng đài vua Lý Thái Tổ - Hà Nội.

Đã 27 năm kể từ ngày bị thảm sát, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam, dưới "sự lãnh đạo tuyệt đối và sáng suốt" của cái đảng tự xưng "là đạo đức, là văn minh" đã không hề nhắc đến họ.

Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015

J.B Nguyễn Hữu Vinh - Tưởng niệm Gạc Ma 2015: Một đàn con xít và một bầy con lợn

viết từ Hà Nội 

(RFA)


Người dân tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma hôm 14/3/2015 tại Hà Nội - Photo by JB. Nguyem Huu ViInh

Sáng thứ 7, ngày 14/3/2015 tại bờ hồ Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, không chỉ một số người dân Hà Nội, những người dân quan tâm đến biến cố Đảo Gạc Ma trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam rơi vào tay giặc, mà cả nhiều người từ các tỉnh khác và kiều bào từ ngoài nước đã tập trung khá đông để tưởng niệm ngày mà 64 chiến sĩ đã buộc phải làm bia cho giặc trên hòn đảo này của Tổ Quốc.

Nước Hồ Gươm lặng im không một gợn sóng nhỏ, những hàng cây ven bờ đứng im trầm mặc như mặc niệm, đau xót trong ngày tang thương của đất nước, dân tộc bởi họa bành trướng Cộng sản Tàu.

Lẽ ra, ngày này không chỉ hệ thống tuyên truyền, báo chí của nhà nước phải nhắc nhở người dân về một phần lãnh thổ đã và đang rơi vào tay giặc, họ cần nói cho dân biết rằng những chiến sĩ, con dân Việt đã đổ máu xương và tính mạng để bảo về đất nước nay đang nằm dưới biển sâu. Lẽ ra, chính nhà nước phải tổ chức các nghi lễ tưởng niệm đối với những vong hồn anh linh các liệt sĩ này để chứng tỏ họ không vong ơn, bội nghĩa.

Thứ Sáu, 16 tháng 1, 2015

J.B Nguyễn Hữu Vinh - Phá đám tang, nghề mới thời sản mạt!

Đám tang Trung tướng Trần Độ năm 2002.
viết từ Hà Nội

Trên bình diện thế giới, có nhiều nghề nghiệp độc đáo và kỳ lạ được báo chí nói đến. Những nghề nghiệp đó, được công nhận tại một số quốc gia có đặc thù riêng của họ như nghề thử cần sa, nếm thử bia, thử socola hoặc đóng vai xác chết trên truyền hình... Thậm chí, ở Trung Quốc, một số thầy thuốc đang tuyển nhân viên cho nghề... ngửi rắm để chẩn đoán bệnh tật của bệnh nhân.

Một thời gian dài trong lịch sử, đất nước Việt Nam chúng ta chưa có nghề nào được liệt kê là những nghề độc đáo và kỳ lạ như các nghề nghiệp được báo chí nhắc đến ở trên. Gần đây, ở đất nước Việt Nam xuất hiện một nghề mới: Nghề phá đám tang.

Thứ Hai, 1 tháng 12, 2014

J.B. Nguyễn Hữu Vinh - Một cuộc tọa đàm công phu và… quyết liệt

Ngày 26/11/2014, tại Nhà thờ Thái Hà đã diễn ra một cuộc Tọa đàm với chủ đề: Cơ chế của Liên Hợp Quốc về bảo vệ Người bảo vệ nhân quyền. Cuộc Tọa đàm do Diễn Đàn Xã hội Dân Sự và Nhóm Công tác UPR Việt Nam tổ chức.



Lẽ ra, sẽ chẳng có gì quá lớn lao và nghiêm trọng khi có một cuộc Tọa đàm như vậy. Bởi số lượng người tham gia không lớn lắm và nội dung cũng không có gì quá ghê gớm, ảnh hưởng nghiêm trọng, tức thời đến đời sống xã hội ngay lập tức hoặc có nội dung chống đối, phá phách.

Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

J.B Nguyễn Hữu Vinh (RFA) - Triển lãm CCRĐ: Khoét thêm vết thương để bao che tội ác? - Phần I


Tôi sinh ra sau khi cuộc “Cải cách ruộng đất” được thực hiện xong. Khi tôi có chút hiểu biết thì những sự kiện đã xảy ra trước đó cả chục năm vẫn hàng ngày, hàng giờ được nhắc lại như một nỗi kinh hoàng. Nỗi kinh hoàng đó không phải là bom rơi, đạn lạc, người chết hay lũ lụt... mà nó hiển hiện và tồn tại trong từng công việc, từng cách nghĩ, việc làm của người dân Việt Nam đã chịu ảnh hưởng từ “cuộc cách mạng long trời lở đất” trước đó được gọi là “Cải cách ruộng đất”.

Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

J.B Nguyễn Hữu Vinh - Xin hiểu cho rằng: Họ không thuộc về nhân dân

Kỷ niệm 35 năm ngày chống Bành trướng Bắc Kinh xâm lược. 
Thưa các anh, những người đã ngã xuống 
Dù biết rằng với anh linh hiển hách, các anh – những hương hồn Anh hùng, Liệt sĩ đã ngã xuống vì Tổ Quốc - có thể phần nào hiểu được sự thật, để cảm thông, để xót xa... Nhưng, quả thực có quá nhiều những điều bởi lòng dạ con người toan tính, những hành động mà cả hệ thống quan quyền đã làm thì trí tưởng tượng của con người bình thường trong một xã hội, đời sống bình thường sẽ không thể nào hiểu được. Chính vì vậy, mà tôi viết lá thư này gửi tới các anh.

Thứ Năm, 16 tháng 1, 2014

J.B Nguyễn Hữu Vinh - Điềm xấu cho ông Phạm Quý Ngọ


J.B Nguyễn Hữu Vinh - 

Chưa rõ dưới sự lãnh đạo “tuyệt đối sáng suốt của đảng”, thì ông Thứ Trưởng, Thượng tướng Công an Phạm Quý Ngọ có thoát được cái vụ “bị lộ” do Dương Chí Dũng khai trước tòa là đã nhận hối lộ cả triệu rưỡi đola rồi báo cho tội phạm chạy trốn, kèm theo cái lệnh “Khởi tố vụ án hình sự tại Tòa” hay không. Chuyện đó còn chờ xem vở diễn sẽ đưa ra những vai nào và sẽ được hướng về đâu? Kết quả phụ thuộc phần lớn vào thế, lực của mỗi bên trong ván bài cuối.  
 Bởi ở Việt Nam, dân gian ai cũng biết rằng Công Lý chỉ là một vai hề.


 Nụ cười của Dương Chí Dũng trước Tòa, sau khi đã bị tuyên án tử hình.

  Nhưng đó là đề tài râm ran, bàn tán sôi nổi mấy hôm nay. Người này thì cho năm Ngựa chưa đến mà ông Ngọ đã vướng hạn. Kẻ khác thì bảo là chẳng có hạn hán lũ lụt gì, chỉ có điều là ăn nhiều thì chướng bụng, tàn độc lắm có ngày mang oán thù, dã man nhiều có ngày mang họa… Dường như người đời tổng kết rằng đó là quy luật rằng “Ăn mặn thì phải khát nước”. Xưa thì chờ đến đời con mới “khát nước” nhưng nay thì “Nhãn tiền”.  

Chuyện ở quán nước vỉa hè 

Tại một quán nước chè vỉa hè sáng nay, một ông trí thức về hưu đi bộ buổi sáng ghé vào thì thầm ra vẻ hiểu biết:
- Với hàm Thượng tướng, chức vụ Thứ Trưởng lại là Công an thì Dương Chí Dũng có dám mọc thêm đầu nữa để vu cáo ông ấy hay không? Cứ xem mấy tay công an Phường nó đi vơ ghế bàn, đồ dùng và hàng quán lên xe của bà con đây thì biết, cứ làm như cướp ngày có ai dám nói cái gì đâu. Mà không có lửa thì tự nhiên khói bay lên ùn ùn như cháy nhà thế được à”. 

 Một thanh niên đầu nhuộm đỏ choét cười hớn hở:  
- Phen này thì Ngọ cũng phải đi chăn Ngựa, vào tù thì đi chăn kiến ấy chứ được chăn ngựa đã phúc”.  

Một đứa khác đáp lại:  
- Được vào tù đã phúc bảy mươi đời. Nhận hối lộ cả ba chục tỷ thì còn mạng mà vào tù nữa không?.  

Thậm chí, một cô gái hỏi ngây thơ  

- Công an mà cũng vậy ư?”.  

Câu hỏi làm một thằng bé người quắt như củ khoai nóng mắt:  
- Đ.M không công an thì thằng nào dám nhận cả triệu đô. Xem thằng Lê Quốc Quân đó kìa, bảo nó trốn thuế có 400 triệu bạc, chưa bằng Dương Chí Dũng nó khai đưa một cái phong bì đến nhà tay công an điều tra, mà đã phải đi tù gần 3 năm lại còn phải đền gấp 3. Phen này phải xử chém hết”.  

Và họ cứ tưởng phen này thì hết lính đến tướng, hết mã đến xe, tất cả đua nhau vào tù như lời ông Trọng Lú nói “Chờ đó mà xem”. 

Nghe những lời ấy, chợt nghĩ có phải người dân mình đã quá ngấm bạo lực, nên hớn hở và phấn khởi trước những thông tin có kẻ sắp phải chết, kẻ có thể vào tù? Nhưng ngẫm lại, đa số dân chúng chỉ vì báo chí đã hướng họ đến suy nghĩ đó. Họ không biết rằng, trong canh bạc này, bên chẵn và bên lẻ, bên đỏ bên xanh ra sao, thế và lực thế nào.  

Tất cả, họ cũng chỉ được định hướng qua hệ thống tuyên truyền của đảng mà thôi. Các thông tin qua báo chí đã tạo nên trong người dân những lời đồn đoán về một kết cục không mấy sớm sủa cho ông Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an.  

Thế nhưng kết cục sẽ ra sao thì chưa mấy ai biết được. Bởi lẽ nó không phụ thuộc vào hành vi phạm tội, không bị chi phối bởi pháp luật mà nó chỉ phụ thuộc vào đối tượng phạm tội, thế và lực của đối tượng đó trên bàn cờ chính trị mà thôi.  

Hiện tượng Nguyễn Như Phong – Hiện tượng quái đản

Nếu như ở Việt Nam có đến 800 tờ báo và truyền hình, tạp chí đều do đảng điều khiển và giật dây, thì có nghĩa là cũng có chừng đó Tổng Biên tập. Nhưng, Nguyễn Như Phong là một Tổng Biên tập được coi là rất nổi tiếng và là hiện tượng cá biệt. Cá biệt đến nỗi, mỗi lần nhắc đến Nguyễn Như Phong, thì hầu như ngay lập tức từ “bồi bút” được đi kèm như một danh xưng danh dự.  

Nhưng nếu chỉ là bồi bút mà thôi, thì cũng chưa hẳn là đã nổi tiếng được đến thế. Bởi bồi bút ở đất nước này không hề thiếu, dạng bồi bút từ tâm khảm, từ não trạng và huyết quản ra đến hành động nhằm kiếm miếng cơm thì có mà “xe chở, đấu đong”. Nguyễn Như Phong còn nổi tiếng bởi Nguyễn Như Phong có biệt tài dùng ngòi bút làm phương tiện dựng chuyện, đâm chém và tàn sát không thương tiếc người lương thiện và đối thủ chính trị của mình. 

Nhưng, nếu chỉ đến vậy cũng chưa hẳn đã được nổi tiếng đến thế. Bởi “dưới sự lãnh đạo của đảng”, thì tờ báo nào chẳng dựng chuyện, bịa đặt và bóp méo sự thật bất chấp liêm sỉ. Không chỉ có tờ báo do Nguyễn Như Phong là TBT mà cả Truyền Hình Việt Nam, VOV, Nhân Dân, TTXVN hay hàng loạt tờ báo đảng khác cũng một duộc. Nguyễn Như Phong còn nổi tiếng bởi là một TBT đã hăng hái nhất, dũng cảm nhất, đâm những ngọn giáo đầu tiên vào tim những người công chính. Và hẳn nhiên, Nguyễn Như Phong cũng là kẻ nhận nhiều những lời oán thán nhất, nhiều sự căm hận nhất trên diễn đàn báo chí và nhất là trên mạng Internet.  

Bề dày kiếm ăn bằng cách chọc vào trái tim của những người yêu nước, đấu tranh cho một nền dân chủ ở đất nước này, vu cáo, đánh hội đồng, kết tội thay tòa án đối với họ của Nguyễn Như Phong quả là đáng nể. Trước đây, bằng tờ báo An Ninh thế giới, Nguyễn Như Phong cậy là một sĩ quan đông quân mạnh súng, đã bất chấp mọi tiếng gào thét của người dân, vu cáo những người lương thiện. Đến mức, lão tướng Cộng sản, ông Trần Độ , người từng phụ trách ban Tư tưởng Văn hóa trung ương phải nhận xét về Nguyễn Như Phong như sau: “Đó là Mặt Thật của cái thể chế đẻ ra những sự coi thường pháp luật, bất chấp pháp luật, trắng trợn, tùy tiện vu cáo, bịa đặt, tùy tiện hại dân thường, hại người lương thiện, coi thường và chế riễu lẽ phải… Cái đáng ghê sợ và ghê tởm hơn nữa, là đối với những người vắng mặt ở xa, mà cứ tùy tiện kể tội người ta chỉ căn cứ vào thư từ. Người ở xa không thể được nói lại một chút gì, như thế vừa không tử tế vừa ... lưu manh”. 

Tưởng rằng, theo thời gian khi tuổi trẻ qua đi, đến lúc điềm tĩnh lại, Nguyễn Như Phong sẽ bớt đi cái không tử tế, cái lưu manh của mình. Nhưng không. Cái không tử tế, cái lưu manh của Nguyễn Như Phong đã như một căn bệnh càng ngày càng phát tác nguy hiểm.  

Và càng ngày, Nguyễn Như Phong càng nổi tiếng, bởi tất cả những gì anh ta làm, nó khác thiên hạ - một thiên hạ có nhân tâm, có đạo đức và là xã hội loài người.  

Anh ta nổi tiếng đến mức, khi dùng tờ báo do anh ta làm TBT để PR việc anh ta dốt nát múc nước giếng cổ sa mạc để rửa mặt rồi “bị trừng phạt” – nói theo ngôn ngữ bạn đọc của anh ta – và anh ta kêu lên rằng: “Ước chi có ai chặt hộ cái đầu” thì trên khắp các diễn đàn mạng xã hội, không biết bao nhiêu người đã đồng loạt giơ tay xung phong.  

Điềm xấu từ cái dớp? 

Trong hiện tình đất nước mà ông tiến sỹ chuyên ngành xây dựng đảng Trọng Lú - Tổng Bí thư đảng Cộng sản -  đã xây dựng được đội ngũ cán bộ đảng viên đạt đến mức: “Tham nhũng thành đường dây, nó có tổ chức chứ không phải từng người ăn mảnh một mình” thì việc đánh đổ, bắt ra một con sâu chúa không phải là dễ dàng. Trong chế độ độc tài một cái lắc đầu của lãnh đạo đảng, thì mọi bộ luật đều là chuyện trẻ con. Bởi đơn giản là Đảng đứng ngoài luật lệ, trên Hiến pháp, ngồi trên đầu, trên cổ dân tộc này… Thì việc bắt bớ, truy tố một cán bộ lãnh đạo của đảng là không dễ dàng dù đã phạm tội tầy đình. Bởi đơn giản là “Trạng chết Chúa cũng băng hà. Dưa gang đỏ đít thì cà đỏ trôn”.  

Tuy nhiên, dù tôi vốn không nghĩ là mình mê tín dị đoan thì khi thấy bài viết của Nguyễn Như Phong, TBT tờ Petrotimes - tờ báo ngành dầu khí – thì tôi nghĩ rằng số phận ông Phạm Quý Ngọ thật mỏng manh, điềm xấu đã rõ ràng. Bởi thiên hạ vẫn thường kiêng, vẫn thường truyền cho nhau những kinh nghiệm về những “cái dớp” đen đủi, xấu xa mà người dân rất sợ gặp phải. Ở đây, cái dớp ông Phạm Quý Ngọ mắc phải chính là bài báo nâng bi, bào chữa, che chắn cho ông Thượng tướng Phạm Quý Ngọ của Nguyễn Như Phong.   

Điều muốn nói, là cái điềm gở đó đã hiển hiện ngay ở đầu vụ án - một vụ án hết sức nghiêm trọng mà lòng dân đã nổi, chỉ còn ý đảng mà thôi.  

Khỏi cần phải nhắc lại hoặc bàn về nội dung bài báo cho mất công. Nó mới ra đời được vài hôm đã có nhiều bài viết nêu lên ý đồ xấu, nêu lên những vô lý, những sự cù nhầy của Nguyễn Như Phong chỉ nhằm mục đích “dùng thịt chó làm tiệc chay nhà chùa” cho vụ việc của ông Phạm Quý Ngọ.  

Điềm gở, chỉ đơn giản là ở vụ án này, Nguyễn Như Phong đã ra tay, vung bút nhằm bảo vệ “thân chủ”.  

Bởi lẽ, nhìn lại những vụ án, những nhân vật mà Nguyễn Như Phong đã bênh vực, đã nâng bi, đã kiếm ăn bằng cách viết bài đánh đấm tả xung hữu đột… mà nhiều khi người ta tưởng ông ta có thể “liều mình như chẳng có” với những lời lẽ đanh thép, tha thiết… thì cuối cùng, nhân vật chính lại nhận một số phận hẩm hiu nhất và cái chết không thể tránh khỏi. 

Và điều Nguyễn Như Phong không biết lấy làm đau đớn, là những sự kết thúc cuộc đời hết sức thê thảm của các nhân vật anh ta tung hô đó, lại rất hợp lòng dân và làm nức lòng tất cả mọi người muốn trừng trị cái ác, cái hỗn loạn, cái vô lương, bất chính. Đó cũng là nguyện vọng của những người muốn làm cho thế giới sạch hơn, xã hội đẹp hơn.  

Hãy điểm qua vài ví dụ.

Ở ngoài nước, khi Gadhafi đang chìm trong cơn hận thù của nhân dân Libya bởi sự tàn bạo sau 42 năm cai trị nhằm đưa lại cuộc sống vương giả cho gia đình tên độc tài này. Lửa giận của người dân Libya đã bốc lên ngùn ngụt, cả thế giới quan tâm và vạch rõ những sự thối nát, tha hóa của chế độ độc tài ở Lybia, thì với bản chất cố hữu đi lội ngược dòng nước bẩn, Nguyễn Như Phong viết bài bênh vực Gadhafi. Bài viết “Sự thật về Libya và Kadhafi” trên tờ Petrotimes đã giúp Nguyễn Như Phong lột tả hoàn toàn bộ mặt của mình. Đó là sự trơ tráo, vô sỉ bằng sự bịa đặt và… bất chấp sự thật, bất chấp lòng người. Sự phản ứng đến mức buộc Nguyễn Như Phong phải gỡ xóa bài viết đó đi. Nhưng tác phẩm như một đứa con mang dòng máu của mình, Nguyễn Như Phong làm sao sạch sẽ được khi đã đẻ ra một đứa con độc địa và bẩn thỉu có hại trên đời.  



Kết quả là nhà độc tài Gadhafi  đã phải chui xuống ống cống vẫn không thoát khỏi cái chết nhục nhã, đau đớn bởi sự uấn hận của nhân dân Libya. 

Đến khi đó, ông bạn vàng Nguyễn Như Phong như đã biến mất trên đời.  
Còn ở trong nước thì sao?  

Ngoài là tên lính xung kích nhằm bảo vệ sự độc tài, độc ác, thì Nguyễn Như Phong là người chuyên viết vu cáo, đánh hôi chơi bẩn những người yêu đất nước, dân chủ, mong mỏi xã hội tiến bộ. Nếu chỉ có vậy thì coi như cũng thôi. Bởi tôi đánh giá rằng: Dù sao Nguyễn Như Phong vẫn còn dũng cảm hơn khối thằng ở báo Nhân Dân, QĐND, CAND, ANTĐ, VTV hoặc các tờ báo đảng không dám danh chính ngôn thuận, cứ rình núp trong bụi rậm bằng những bút danh, nặc danh, giả danh dù đã dựa thế chủ vẫn phải rình cắn trộm những người công chính. 

Ở đây, tôi khâm phục Nguyễn Như Phong ở độ lỳ, độ trơ và độ chịu chửi từ thiên hạ. Chỉ có điều hơi áy náy là mồ mả tổ tiên, ông cha bỗng nhiên được đem làm bia cho thiên hạ ngắm nhưng không biết xót mà thôi.  

Mười ba năm trước, vụ án Năm Cam khét tiếng với mô hình công an và tội phạm cùng đồng hành. Với 155 bị can có 21 người nguyên là cán bộ công chức nhà nước và cơ quan bảo vệ pháp luật (13 cán bộ công an, ba cán bộ Viện kiểm sát và 5 cán bộ cơ quan hành chính, 17 đảng viên). Băng nhóm tội phạm này gây biết bao tội ác với nhân dân Sài Gòn và các tỉnh phía Nam. Đến mức không thể để tồn tại thêm, chuyên án này được triệt phá đầy công phu.  

Mới đây, năm 2011 lợi dụng vai trò của một TBT, Nguyễn Như Phong viết một loạt bài viết lôi lại vụ án này nhằm trả nợ cá nhân tướng Nguyễn Việt Thành. Chỉ vì Nguyễn Như Phong đã bị ông tướng này bắt phải giải trình. Mối hận đó đến tận bây giờ, khi một bên đã cởi giáp thì Nguyễn Như Phong đưa giáo vào mạng sườn với cái gọi là “khẩu Phật” rằng: “cứu một người phúc đẳng hà sa”. Ở những bài báo đó, ông tiếp tục kêu oan và bao che cho các tội phạm. 

Thậm chí, một phóng viên còn nói rõ trên mạng rằng, ngay khi vụ Năm Cam đang diễn ra, Nguyễn Như Phong đã bị tờ một tờ báo lên án vì bảo kê cho Năm Cam. Nhà báo đó cho biết:“Ngày ấy, sau khi báo ra, mình lên tận phòng Phó TBT báo An ninh thế giới Nguyễn Như Phong đề nghị được phỏng vấn về nội dung bài báo nói trên của báo NTNN, có nhà báo XB cùng chứng kiến, vị này nhất định không trả lời...” . 

Thôi thì chuyện báo chí bảo kê cho tội phạm cũng không thiếu, nói cả ngày cũng chẳng hết. Trong xã hội này, khi mà mọi sự đảo điên, xã hội vô luân, vô luật, thì tội phạm hoành hành. Nhưng, không phải tất cả đều bị bắt. Phải chăng, những kẻ bị lộ, bị bắt… là do số đen vận xấu?  
Điều đáng nói ở đây, là các “thân chủ” của Nguyễn Như Phong, hầu hết phải đền tội nhục nhã và đau đớn dù đó là những kẻ ngồi trên vàng bạc, của cải.  

Hai ví dụ cụ thể, để nói lên cái điềm xấu đã báo là mối nguy cho ông Phạm Quý Ngọ.  

Cũng có thể cái dớp bắt nguồn từ việc vụng về, thô thiển khi bênh vực tội ác một các bất chấp, sống sượng và vô tình kéo thân chủ mình làm tiêu điểm chú ý của dư luận và cuối cùng thì luật pháp buộc phải ra tay.

Có thể cái dớp nó bắt nguồn từ việc Nguyễn Như Phong chỉ biết bênh vực cái ác, cái bất lương, đi ngược lại đường ngay lẽ chính nên đã thành thói quen khó bỏ. Và hậu quả khốc liệt là hiển nhiên. 

Cũng có thể vận xấu, điểm gở được thể hiện bằng bài viết của Nguyễn Như Phong, chỉ vì ông ta như một bác sĩ lĩnh lương và thành tích được tính sổ bởi Diêm Vương.

Dù sao, thì đó vẫn là một điềm xấu đầu năm mà ông Phạm Quý Ngọ khó vượt qua được. 

Vở kịch đã mở màn, “bà con hãy chờ xem” – Nguyễn Phú Trọng 

Hà Nội, ngày 10/1/2014 
 J.B Nguyễn Hữu Vinh


Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

J.B Nguyễn Hữu Vinh - Thế đảng, nhìn qua những đám tang




J.B Nguyễn Hữu Vinh - 

Có những nhân vật lịch sử gắn liền với một giai đoạn lịch sử. Họ hoặc là những người góp phần làm nên, hoặc là nạn nhân, hoặc nhiều khi là người chứng kiến giai đoạn lịch sử đó. Có những con người, vừa kết hợp cả ba vai trò nói trên.

Sẽ là oai hùng, vinh hoa cho những người làm nên và hưởng thành quả và cũng sẽ là đau đớn cho các nạn nhân của từng giai đoạn lịch sử. Đặc biệt, giai đoạn lịch sử Việt Nam thời Cộng sản, lịch sử sẽ ghi lại nhiều câu chuyện hiếm có. Ở đó có nhiều nhân vật, nhiều con người đã từng là những trụ cột làm nên triều đại Cộng sản, rồi chính họ trở thành nạn nhân của chế độ đó cho đến khi lìa đời.

Thậm chí, thông thường, lẽ đời thì chết là hết, song với chế độ Cộng sản, chết chưa phải là kết thúc. Tôi đã được đọc, nghe nói nhiều về những nhân vật như vậy, song gặp gỡ chưa được bao nhiêu.

Thật may mắn cho thời đại ngày nay, khi internet đã lan tràn mọi ngõ ngách, xóm làng thì các thông tin dù bưng bít kỹ đến đâu cũng không thể tuyệt đối. Và do đó, tôi có dịp hiểu nhiều hơn về những số phận, những con người trong chế độ này. Có thể không phải khi họ đang sống, mà khi họ đã lìa đời.

Từ tiếng vỗ tay trong đám tang cụ Trần Độ

Hơn 11 năm trước, khi Internet chưa phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam như hôm nay, tôi đọc được bài viết về một đám tang lạ, đám tang Trung Tướng Trần Độ vào ngày 14-8-2002.

Đám tang Trung tướng Trần Độ, J.B. Nguyễn Hữu Vinh (Diễn Đàn Thế Kỷ)
Đám tang Trung tướng Trần Độ

Ở đám tang đó có nhiều điều lạ. Đó là đám tang không được có chữ “Vô cùng thương tiếc”, không có chữ “Trung Tướng” là quân hàm ông Trần Độ đã được phong tặng sau khi góp công sức, xương máu cho Đảng bao nhiêu năm, không được tự do đến viếng, chia buồn hay đưa tiễn. Ở đó, có bản cáo trạng đọc trong lễ truy điệu kể lể những “tội” của người đã chết… Hẳn nhiên, đám tang đó vẫn được tiến hành trong sự quan sát, kiềm tỏa của lực lượng an ninh, công an. Nhưng, chi tiết cả đám tang đông đúc đồng loạt vỗ tay, khi người nhà cụ Trần Độ đã khảng khái khước từ bản “điếu văn kể tội” trước vong linh người đã mất do Vũ Mão thực hiện đã có tiếng vang rất xa và tiếng vọng rất lớn.

Và cụ Trần Độ cũng đã về với đất mẹ 11 năm qua, thời gian càng qua đi, thì những nội dung câu chuyện trên càng được chứng minh là hiện thực. Cụ đã về với đất mẹ, nhưng dư âm đám tang của cụ thì còn mãi với dân tộc Việt Nam như một điển hình của một thời khắc lịch sử đau thương của đất nước: Thời đại Cộng sản.
Ở thời đại đó, người ta không chỉ đểu với nhau khi sống, ác độc với nhau khi là đồng chí, hãm hại nhau khi là anh em mà ngay cả khi đã biến thành ma, đã về với cát bụi. Quả là mẫu hình của sự thù hận của con người được phát huy triệt để.

Tất cả tội ác, sự đểu cáng, sự táng tận lương tâm đó được giải thích là do “lệnh trên”, kể cả gần đây, Vũ Mão đã có thư phân trần về bản điếu văn là do “lệnh trên” chứ ông ta không muốn thế, ông ta đã đề nghị thay đổi nhưng “lệnh trên” là để nguyên.

Lệnh trên là cái gì? Là những tội ác được ngang nhiên thực hiện, bất chấp các nguyên tắc pháp luật, lương tâm, đạo đức làm người… trong những thời điểm nhất định.

Trên là ai? Thì đã bao năm nay, kể từ những cuộc thanh trừng trắng trợn trong Cải Cách ruộng đất, rồi Nhân văn giai phẩm, Cải tạo tư sản, cải tạo tù binh Việt Nam Cộng hòa, các sai lầm nặng nề về kinh tế, ngoại giao và nội trị đầy những sai lầm, tội ác, tham nhũng, phá hoại… Nhưng chẳng ai dám chỉ mặt, vạch tên nó ra cho thiên hạ biết mặt mũi cái “Trên” nó là cái gì mà gớm ghiếc, bất nhân, bất nghĩa đến vậy.

Những chiếc camera và cảnh sát, an ninh ở đám tang cụ Hoàng Minh Chính 

Viếng cụ Hoàng Minh Chính - J.B. Nguyễn Hữu Vinh (Diễn Đàn Thế Kỷ)
Viếng cụ Hoàng Minh Chính
Cụ Hoàng Minh Chính, một cựu quan chức công thần Cộng sản, đã từng là Chủ nhiệm Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, Viện trưởng Viện Triết học Mác-Lênin, Tổng thư ký Đảng Dân Chủ Việt Nam. Chính cụ cũng là người tuyên bố phục hoạt Đảng Dân Chủ Việt Nam thế kỷ 21. Mùa rét mướt năm 2008 đã ra đi sau một thời gian dài chịu khá nhiều sự khủng bố trắng trợn và cay đắng.

Tối 15/2/2008, chúng tôi đến nhà lạnh của Bệnh viện Thanh Nhàn vì có một cụ già người thân chết và được đưa vào đó. Khi vào đó, tôi nhận ra bức di ảnh cụ Hoàng Minh Chính trên bàn thờ. Chúng tôi thắp cho cụ nén hương lên đó để tiễn biệt một con người đã nghe đến nhiều nhưng chưa lần nào gặp mặt thì cụ đã ra đi, khi gặp nhau lại là nơi lạnh lẽo này.

Bước ra khỏi nhà xác, dù trời đã khá khuya, chúng tôi vẫn rất ngạc nhiên mà một đội quân cứ lầm lũi bắc thang, rải dây và gắn các thiết bị lên nhà tang lễ Thanh Nhàn. Chúng tôi chú ý mới biết họ chuẩn bị cho đám tang ngày mai của ông Hoàng Minh Chính.

Lễ tang cụ Hoàng Minh Chính - Ngày 16/2/2008 - J.B. Nguyễn Hữu Vinh (Diễn Đàn Thế Kỷ)
Lễ tang cụ Hoàng Minh Chính - Ngày 16/2/2008
Ngày 16/2/2008, lễ tang cụ Hoàng Minh Chính được tổ chức tại nhà tang lễ bệnh viện Thanh Nhàn sau khi có những cuộc giằng co giữa gia đình và nhà nước. Nhưng gia đình đã quyết định giành chủ động việc tự tổ chức lễ tang. Khi chúng tôi đến, đông đúc lực lượng công an, an ninh với đủ loại sắc phục… đã tề tựu đông đủ và có phần hùng hậu, lạnh lùng. Ngoài hệ thống camera bí mật mà tôi đã thấy tối qua, các Cameraman hùng hậu cầm máy quay chĩa vào mặt nhiều người hăm dọa, hùng hổ. Một vài nhân vật từ xa xôi đến dự lễ tang bị đã bị một vài người gây sự tạo nên vài việc lộn xộn nho nhỏ. Nhưng, nói chung không đến mức căng thẳng và có sự can thiệp tàn bạo như đám tang cụ Trần Độ mà tôi đã được nghe.

Khung cảnh đám tang cụ Hoàng Minh Chính- J.B. Nguyễn Hữu Vinh (Diễn Đàn Thế Kỷ)
Khung cảnh đám tang cụ Hoàng Minh Chính
Đám tang cụ Hoàng Minh Chính chỉ cách đám tang cụ Trần Độ hơn 5 năm, nhưng có nhiều khác biệt. Trong đám tang, tôi nhận ra nhiều người tranh đấu cho dân chủ, nhiều trí thức, nhân sĩ và nhiều người kính trọng cụ đến tiễn biệt người đã khuất. Tuy nhiên họ đến, họ tiễn biệt cụ và ra về âm thầm.

Đến đám tang ông Nguyễn Kiến Giang

Ông Nguyễn Kiến Giang, tên thật là Nguyễn Thanh Huyên, ra đi khi 73 tuổi. Cuộc đời ông là cuộc đời sớm tham gia mặt trận Việt Minh và khi 14 tuổi đã là đảng viên Cộng sản. Là một người theo đảng từ tấm bé, lớn lên nhiệt thành, thông minh và năng lực tràn đầy, để rồi ông trở thành nạn nhân của Đảng chính vì sự thông minh, can đảm của mình. Cuộc đời ông cũng như bao nạn nhân khác trong nhà nước Cộng sản, ông được “tặng” 6 năm tù không án và một số năm quản chế sau đó.

Đám tang ông Nguyễn Kiến Giang - J.B. Nguyễn Hữu Vinh (Diễn Đàn Thế Kỷ)
Đám tang ông Nguyễn Kiến Giang
Cuộc đời bị cầm tù, bị quản chế về thể xác, bị ngược đãi trả cho công lao của ông, nhưng ông đã chứng tỏ ý chí của mình và được nhiều người kính phục. Ngày 2/12/2013, ông từ biệt thế giới này. Chúng tôi đến đám tang của ông vào chiều ngày 4/12/2013 tại nhà tang lễ Phùng Hưng.

Khi chúng tôi đến, nhà tang lễ Phùng Hưng đang chật cứng người trong ngoài đến viếng ông. Không chỉ các cơ quan nhà nước, mà các bạn bè, nhân sĩ, trí thức đều đến viếng ông với lòng kính cẩn và ngưỡng mộ. Không chỉ những người đang phấn đấu cho nước nhà có nền dân chủ thật sự, mà ngay cả cơ quan công an, những người đã trực tiếp và gián tiếp tạo nên những đau đớn của cuộc đời ông, cũng đến viếng ông.

Đám tang ông Nguyễn Kiến Giang - nhà tang lễ Phùng Hưng - J.B. Nguyễn Hữu Vinh (Diễn Đàn Thế Kỷ)
Đám tang ông Nguyễn Kiến Giang - nhà tang lễ Phùng Hưng

Chứng kiến cảnh từng đoàn người đông đúc vào viếng một người đã từng có thời là “tên phản động của đảng” chúng ta mới thấy thực sự tầm vóc của ông ra sao.

Nếu như, trước đó không lâu, cả đất nước đã lên đồng trong một đám tang một thần tượng được bắt nguồn và là sản phẩm của truyền thông Cộng sản. Đám người trong cơn lên đồng đó do sự kích động của tuyên truyền, của truyền thông một chiều, thì đoàn người ở đây đến viếng ông với những nhịp đập của chính trái tim mình và bằng lý trí cảm phục nhân cách một con người đã từng là nạn nhân nhưng anh dũng, kiên cường vượt lên mọi gian lao, trở ngại để giữ vững khí tiết của mình.

Vị thế của đảng

 Nếu như với cụ Trần Độ, thì ông Vũ Mão đương chức ở quốc hội làm Trưởng ban lễ tang, để rồi có bài “điếu văn kết án bất hủ”, thì ở đám tang cụ Hoàng Minh Chính, gia đình đã kiên quyết giành thế chủ động đế tổ chức. Và đến đám tang ông Nguyễn Kiến Giang, thì chuyện gia đình tổ chức lễ tang, truy điệu hẳn nhiên là vậy không cần bàn cãi mà đảng không thể thò bàn tay vào điều khiển theo ý của mình.


Đoàn đại diện Diễn Đàn Xã hội Dân sự viếng ông Nguyễn Kiến Giang - J.B. Nguyễn Hữu Vinh (Diễn Đàn Thế Kỷ)
Đoàn đại diện Diễn Đàn Xã hội Dân sự viếng ông Nguyễn Kiến Giang

Nếu như ở đám tang cụ Trần Độ, lực lượng công an, an ninh ngang nhiên chặn, xét, cắt, xé băng rôn, ngay cả chữ “Vô cùng thương tiếc” có sẵn trong tường nhà tang lễ cũng bị gỡ đi, trên các băng tang bị cắt đi để thể hiện đến mức cao nhất sự hèn hạ, bủn xỉn đến độc ác của đảng đối với đồng đội và ân nhân mình, thì ở đám tang cụ Hoàng Minh Chính, điều đó chỉ là vài vụ lộn xộn nho nhỏ và nhanh chóng được giải tỏa. Và đến đám tang ông Nguyễn Kiến Giang, mọi sự diễn ra bình thường trong sự tiếc thương kính phục của bạn bè, anh em.

Nếu như ở đám tang cụ Trần Độ, những người đến viếng là những lão thành, những người từng có công với đảng, với chế độ nên có thể hiện diện mà không ngại va chạm, không sợ bị dòm ngó dọa dẫm… Thì ở đám tang cụ Hoàng Minh Chính, lực lượng anh em trẻ, những người đấu tranh cho nền dân chủ nước nhà đã có mặt, dù không rầm rộ. Rồi đến đám tang ông Nguyễn Kiến Giang, đầy đủ mọi thành phần đến tiễn đưa ông mà không hề e ngại những cặp mắt, cái nhìn dòm ngó, không có những chiếc camera dí vào mặt người khác dọa dẫm hung hăng.

Thậm chí, đoàn đại diện của Cục An ninh chính trị nội bộ A83 – Bộ Công an cũng đến viếng ông Nguyễn Kiến Giang. Khi nhìn thấy đoàn người này vào viếng, một vài người tỏ ý ngạc nhiên: “Lẽ nào, bây giờ lại có chuyện con sói thương tiếc cụ thỏ?” Một người giải thích: “Theo các nhà khoa học, con cá sấu sau khi ăn xong con mồi vẫn có nhu cầu thải các chất muối trong cơ thể nó vừa hấp thụ qua hai lỗ trên hốc mắt và người ta cứ tưởng là nước mắt của cá sấu”.

Những thay đổi đó, chắc hẳn không phải vì “đảng ta” đã thay đổi thái độ đối với các “nguyên đồng chí” của mình. Với bản chất bạo lực đấu tranh giai cấp, điều đó vẫn chỉ là câu chuyện huyễn hoặc.

Thực tế thì vẫn chưa có thay đổi kể cả trong nhận thức của “Trên”. Song điều kiện ngày nay, khi mọi thông tin đều gần như không thể giấu kín, mọi hành động bạo tàn, nhẫn tâm và bất chấp đạo đức, luật pháp càng không thể dễ dàng giấu kín. Do vậy, những bàn tay hành động cũng phải rón rén hơn.

Vào thời điểm đám tang cụ Trần Độ, nhiều người vẫn còn nghi ngờ rằng: Có lẽ nào một người có công lao to lớn như thế với đảng mà đảng để đàn em đối xử tệ bạc đến vậy? Chắc chỉ là bọn phản động thù địch bịa ra mà thôi. Còn nếu không do thù địch gây ra, thì hẳn nhiên là ông Trần Độ đã gây ra tội trạng nặng nề và xứng đáng bị như vậy, việc công an vây đám tang gây sự là hiển nhiên. Bởi lúc bấy giờ vị thế của đảng trong lòng dân còn chút gì đó là sự hăm dọa, hãi hùng, là bí hiểm bởi những thông tin thực chưa hề đến với dân chúng, dư âm món bánh vẽ còn đâu đó trong cuộc sống hàng ngày.

Thế rồi, qua đám tang cụ Hoàng Minh Chính đến đám tang ông Nguyễn Kiến Giang hôm nay, sự chủ động của gia đình, anh em bạn bè cũng như những người khát khao sự công chính, sự tiến bộ cho đất nước, cho dân tộc đã có thể bước đàng hoàng, vượt qua sự sợ hãi vô lý.



Cũng trong quá trình 11 năm giữa hai đám tang, “đảng ta” từ một tổ chức tự nhận là “đạo đức, văn minh, lương tâm thời đại” chuyển thành nơi chứa “một bầy sâu”.

Cho đến hôm nay, thì ngay cả Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phải thừa nhận: “Tham nhũng đã thành đường dây có tổ chức”.

Như vậy, có thể nói, đã thành một quy luật: Khi đảng càng suy yếu, thế đảng càng xuống dốc, thì những hành động độc ác càng bị hạn chế và xã hội ngày càng dễ thở hơn.

Liên tiếp mấy hôm nay thông tin về việc các đảng viên công khai từ bỏ đảng Cộng sản đã làm nóng cộng đồng mạng xã hội.

Như vậy là vẫn có những con người dù đã là đảng viên, vẫn còn lòng tự trọng và sự tỉnh táo cần thiết.

Và, người ta có quyền mơ đến một ngày người dân giành lấy quyền làm người tối thiểu của mình đã bị cướp đoạt hơn nửa thế kỷ qua.

Hà Nội, ngày 7/12/2013
J.B Nguyễn Hữu Vinh