Hiển thị các bài đăng có nhãn Hoa Kỳ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hoa Kỳ. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 9 tháng 8, 2017

VOA: Chính quyền Guam trấn an cư dân về mối đe dọa từ Bắc Hàn / Đức hối thúc TQ, Nga kiềm chế Bắc Hàn, TQ kêu gọi bình tĩnh

Căn cứ hải quân của Mỹ trên đảo Guam.

Các giới chức dân cử trên đảo Guam trấn an cư dân rằng vùng lãnh thổ này của Mỹ vẫn an toàn, sau khi Bắc Triều Tiên tuyên bố đang xem xét kế hoạch tấn công hòn đảo Thái Bình Dương có tầm quan trọng chiến lược này của Mỹ, và sẽ bao vây hòn đảo này ‘trong biển lửa’.

Trong tuyên bố đưa ra sớm hơn trong ngày thứ Tư 9/8, cơ quan thông tấn Trung ương của Bắc Triều Tiên nói các lực lượng vũ trang của họ đang "xem xét kỹ lưỡng" một kế hoạch tấn công tên lửa nhắm vào đảo Guam.

Động thái này diễn ra một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi tới Bắc Triều Tiên một thông điệp mạnh mẽ, cảnh cáo Bắc Hàn hãy ngưng những lời đe dọa đối với Hoa Kỳ, bằng không sẽ phải chịu hậu quả nghiêm trọng.

VOA: Trump: Bắc Triều Tiên sẽ đối mặt với ‘hỏa thịnh nộ’ nếu đe dọa Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Ba cảnh cáo rằng Bắc Triều Tiên 
sẽ đối mặt với "hỏa thịnh nộ" nếu đe dọa Mỹ.


Trước đó, Bình Nhưỡng tuyên bố sẵn sàng cho Washington một "bài học nghiêm khắc" bằng sức mạnh hạt nhân chiến lược của họ để đáp lại bất kỳ hành động quân sự nào của Mỹ.

Washington đã cảnh cáo rằng họ sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần thiết để ngăn chặn chương trình hạt nhân và phi đạn đạn đạo của Bắc Triều Tiên nhưng mong muốn có hành động ngoại giao toàn cầu, bao gồm các chế tài.

Hậu quả của những cuộc tấn công từ Mỹ có thể sẽ là thảm khốc đối với người dân Hàn Quốc, quân nhân Mỹ-Nhật nằm trong tầm tấn công trả đũa của Bắc Triều Tiên.

Thứ Ba, 11 tháng 4, 2017

Thanh Phương/RFI: Trump-Putin : Tuần trăng mật đã chấm dứt

Quan hệ Donald Trump và Vladimir Putin rạn nứt vì Syria
- REUTERS/Stevo Vasiljevic

Trong thời gian tranh cử, ông Donald Trump đã nhiều lần lên tiếng bênh vực tổng thống Nga Vladimir Putin trên báo chí Mỹ. Khi ông đắc cử tổng thống, báo chí chính thức ở Nga đã hết lời khen ngợi nhà tỷ phú New York.

Thế nhưng, sau vụ oanh kích của Hoa Kỳ vào Syria tuần trước, giọng điệu báo chí thân Putin đã thay đổi hẳn. Họ chỉ trích ông Trump « không có chút kinh nghiệm nào về chính trị quốc tế », « chỉ biết hành động theo cảm tính chứ chẳng biết suy xét gì ».

Đọc những lời chỉ trích nói trên, người ta có cảm tưởng là quan hệ Mỹ-Nga đang trở lại giống như thời tổng thống Obama. Sự thay đổi giọng điệu đó diễn ra vào lúc ngoại trưởng Rex Tillerson sẽ đến Matxcơva ngày 11/04, chủ yếu để bàn về hồ sơ Syria với đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov.

Lê Phan: Filibuster và giải pháp hạch nhân

Hôm Thứ Năm vừa qua, các thượng nghị sĩ Cộng Hòa đã thực hiện một điều được gọi là “một giải pháp hạch nhân” để thay đổi luật lệ của Thượng Viện để cho người được Tổng Thống Donald Trump cử làm thẩm phán Tối Cao Pháp Viện có thể được chuẩn thuận với chỉ cần có một đa số đơn giản 51 phiếu, thay vì đa số tuyệt đối cần đến 60 phiếu.

Luật lệ mới, hủy bỏ quyền của phe thiểu số, trong trường hợp lần này là đảng Dân Chủ, chặn lựa chọn của đảng đa số với một phương thức được gọi là filibuster (tức là quyền nói dai nói dài). Nhưng giải pháp “hạch nhân” này sẽ có hậu quả lâu dài, kể cả việc phá hủy tinh thần liên hệ lưỡng đảng ở Quốc Hội và sự hủy bỏ một trong những khả năng cuối cùng của một đảng thiểu số để ảnh hưởng đến quyết định của quốc hội. Nó rồi sẽ trở lại để ám ảnh đảng Cộng Hòa.

Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

Nguyễn Hưng Quốc - Thăm Trung tâm Việt Nam ở Lubbock, Texas


Nguyễn Hưng Quốc

Chuyến bay kéo dài dằng dặc hơn 15 tiếng từ Úc sang Dallas, Texas. Lại mất thêm gần một tiếng cho các thủ tục nhập cảnh. Và chờ thêm ba tiếng nữa mới được lên một chiếc máy bay nhỏ xíu hơn 50 ghế ngồi để đến thành phố Lubbock. Chuyến bay lần này khá ngắn, theo lời phi công trưởng, chỉ mất 47 phút, nhưng trên thực tế, từ lúc bước lên máy bay đến lúc ra khỏi phi trường, phải mất ít nhất một tiếng rưỡi. Tổng cộng, từ nhà ở Úc đến nơi đây, tôi mất hơn 20 tiếng. Để làm gì ư? – Để chỉ thăm Trung tâm Việt Nam (The Vietnam Center) thuộc trường Texas Tech University.


Tôi có ý định thăm Trung tâm Việt Nam đã lâu. Lâu lắm. Ít nhất từ cả 10 năm trước, lúc tôi mới mở một lớp mới tại Victoria University về chiến tranh Việt Nam với cái tên Many Vietnams: War, Culture and Memory (Nhiều nước Việt Nam: Văn hoá, chiến tranh và ký ức). Theo tôi, Trung tâm Việt Nam là nơi mà các nhà nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam hoặc xã hội Việt Nam trước năm 1975 không thể không tới. Biết thế, nhưng tôi cứ lần khân mãi. Một phần vì bận bịu. Phần khác vì ngại sự xa xôi và heo hút của cái thành phố nơi trung tâm toạ lạc.

Được xem là thành phố đông dân thứ 11 của tiểu bang Texas, nhưng thật ra, theo thống kê dân số năm 2010, Lubbock chỉ có 229.573 người, tức gần bằng dân số của một quận trung bình ở Sài Gòn, hoặc gần gấp đôi dân số ở thị xã Hội An. Dân ít, đất lại rộng, nhà cửa thưa thớt nên cái ít ấy càng có vẻ ít hơn nữa. Cái ít và cái thưa ấy làm Lubbock trở thành một nơi hiu quạnh và buồn chán. Đi trên một trong những con đường chính của thành phố dẫn đến Texas Tech University, tôi thấy nhiều nhất hình như là nhà thờ. Đủ loại nhà thờ. Nhà thờ nào cũng nguy nga và cao chót vót. Nhưng các trung tâm văn hoá, nghệ thuật và giải trí thì lại khá hiếm hoi.

Trước năm 2009, thậm chí, trong thành phố không có cả một tiệm bán rượu sỉ và lẻ (dù một số tiệm ăn có thể phục vụ rượu)! Một nơi như thế, đến, chủ yếu là để làm việc và để… đi tu.

Nếu không đi tu thì đi… học.

Nét nổi bật nhất của thành phố Lubbock là đại học. Có tổng cộng ba đại học: Lubock Christian University, Texas Tech Univeristy Health Sciences Center và Texas Tech University. Tổng cộng số sinh viên ở Lubbock lên đến khoảng 50.000 người, tức chiếm khoảng một phần năm dân số của thành phố. Trong ba trường, lớn nhất là Texas Tech University, được thành lập từ năm 1923, với hơn 30.000 sinh viên đến từ khắp nơi trên nước Mỹ và trên 100 quốc gia trên thế giới. Tại tiểu bang Texas, đó là trường đại học đông sinh viên hàng thứ bảy nhưng lại là trường đại học có diện tích lớn hàng thứ nhì tại Mỹ.

Trường cung cấp 150 chương trình học bậc cử nhân, 100 chương trình học bậc thạc sĩ, 50 chương trình học bậc tiến sĩ và 60 viện và trung tâm nghiên cứu. Tại trường Texas Tech University, một trong những điểm son nổi bật nhất chính là Trung tâm Việt Nam.

Không phải ở những lãnh vực khác, Texas Tech University không có thành tựu gì đáng kể. Có. Nhìn chung, Texas Tech University được nằm trong danh sách 500 trường đại học giỏi nhất thế giới (xê xích từ khoảng 160 đến 350, tuỳ từng trung tâm đánh giá). Năm 2010, ngành Kỹ sư được U.S. News & World Report xếp hạng thứ 76; đặc biệt ngành Kỹ sư dầu khí được xếp hạng thứ 10 trên toàn nước Mỹ. Lãnh vực Kinh doanh cũng được xếp hạng cao: năm 2009, đứng hàng 36 trong số 800 trường chuyên về kinh doanh ở Mỹ.

Trong các trung tâm nghiên cứu của Texas Tech University, có một số trung tâm rất nổi tiếng. Ví dụ, về y học, Texas Tech University đang hợp tác với đại học Harvard nghiên cứu cách trị liệu bệnh liệt kháng. Họ cũng tham gia nhiều dự án nghiên cứu về không gian trị giá cả hàng mấy trăm triệu Mỹ kim với NASA… So với các trung tâm ấy, Trung tâm Việt Nam thuộc loại nhỏ. Nhỏ xíu. Nó chỉ có khoảng 10 nhân viên toàn thời (cộng thêm khoảng 20 nhân viên bán thời – tất cả đều là sinh viên hoặc Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ làm thêm mỗi tuần năm, mười giờ).

Tuy nhiên, cái trung tâm nhỏ xíu này lại là điểm đặc thù của Texas Tech University. Các trung tâm khác, dù thành công đến mấy, vẫn có thể thấy ở những nơi khác. Còn Trung tâm Việt Nam thì không. Nó chỉ có ở Texas Tech University.

Được thành lập từ năm 1989, Trung tâm Việt Nam có nhiệm vụ sưu tập và bảo quản các tài liệu liên quan đến chiến tranh Việt Nam từ nhiều phía khác nhau: miền Bắc và miền Nam Việt Nam, Mỹ trong chiến tranh cũng như sau chiến tranh. Các tài liệu ấy bao gồm nhiều hình thức khác nhau: sách (không nhiều, chỉ khoảng trên 10.000 cuốn); báo (khá nhiều, đặc biệt báo chí chính trị ở cả hai miền Nam và Bắc Việt Nam trước 1975); nhưng quan trọng nhất, theo tôi, chính là các tài liệu cá nhân tịch thu được trong chiến tranh Việt Nam.

Các tài liệu được xem là cá nhân ấy bao gồm nhật ký, thư từ, sổ ghi chép hoặc các tài liệu học tập chính trị in bằng thạch bản nhem nhuốc hoặc, thậm chí, được chép tay. Có cả hàng triệu trang tài liệu như thế. Ở đây, tôi được nhìn thấy tận mắt bản gốc cuốn nhật ký của Đặng Thuỳ Trâm. Nhưng tôi thích hơn là những tài liệu chả có ý nghĩa chính trị hay văn học gì cả. Chúng giúp tôi hình dung ra không khí cuộc chiến tranh thời ấy. Ví dụ, nhân viên bảo quản phần thư khố của Trung tâm cho tôi xem một hồ sơ đựng trong một chiếc hộp riêng, trong đó, chỉ chứa 5,7 mẩu giấy vụn được xé ra từ một trang giấy vở học trò. Người ta ráp các mẩu vụn ấy lại với nhau, để trong một bọc nhựa; với lời ghi chú: nhặt được trên một chiếc phi cơ trao trả tù binh ra Hà Nội. Chữ viết chi chít, trên một tờ giấy vàng ố. Tôi cố gắng đọc. Chả có gì quan trọng cả. Đó chỉ là một trang ghi chép bài học về mâu thuẫn của Mao Trạch Đông. Thời ấy, trước 1975, tư tưởng Mao Trạch Đông được phát triển mạnh mẽ. Tất cả cán bộ và bộ đội miền Bắc đều phải học tập. Một anh tình báo Mỹ nào đó, nhặt được mảnh giấy xé vụn ấy, ngỡ nó chứa một bí mật gì quan trọng, đã nâng niu cất giữ. Và cuối cùng, nó lọt qua Mỹ; nằm ở Trung tâm Việt Nam thuộc Texas Tech University đến tận bây giờ.

Tôi thích nhìn những mẩu giấy như thế. Có những mẩu giấy làm tôi rợn người. Ví dụ mẩu án lệnh cho các phiên toà xét xử những người bị xem là “phản động”. Giấy xấu, chữ nhoè; phần chi tiết bỏ trống. Tôi tưởng tượng một số bộ đội, khi đến một làng nào đó, cứ việc bắt một người nào đó, ghi tên họ vào tờ án lệnh, rồi đọc to lên trong một phiên toà gọi là nhân dân; cuối cùng, phiên toà kết thúc bằng một loạt súng và những thây người tan nát.

Với tôi, đó là những tài liệu thuộc loại quý báu và không thể thay thế được.

Điều đáng quý nhất của Trung tâm Việt Nam là, từ năm 2000, họ bắt đầu xây dựng một Thư khố Việt Nam Ảo (Virtual Vietnam Archive) với nhiệm vụ chủ yếu là sao chụp các tài liệu có trong thư khố và đưa lên mạng để mọi người, ở bất cứ đâu trên thế giới, cũng có thể vào đọc được. Hiện nay, Thư khố ảo này đã có trên 3.2 triệu trang tài liệu từ trên 1.400 bộ sưu tập khác nhau; bao gồm cả mấy trăm cuộc phỏng vấn các cựu chiến binh thuộc nhiều phía trong Dự án Lịch sử Truyền khẩu (Oral History Project) của Trung tâm.

Bạn nào chưa có điều kiện đến Trung tâm Việt Nam, tôi nghĩ, cũng nên ghé thăm thư khố ảo này cho biết. Địa chỉ: Http://www.vietnam.ttu.edu/


Thứ Tư, 7 tháng 11, 2012

VOA - Tổng thống Obama tái đắc cử


VOA


Tổng thống Obama phát biểu trước các ủng hộ viên sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ 2.

WASHINGTON DC — Ông Barack Obama đã tái đắc cử tổng thống cho nhiệm kỳ thứ nhì. Vị tổng thống đương nhiệm thuộc đảng Dân chủ đã đánh bại cựu thống đốc Mitt Romney thuộc đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử hôm thứ ba.

Vị tổng thống gốc Phi châu đầu tiên của nước Mỹ đã thắng hơn 270 phiếu cử tri đoàn cần thiết để lưu lại Tòa Bạch Ốc thêm 4 năm nữa.

Sau khi giành được thắng lợi, ông Obama nói với đám đông gồm hàng vạn người ủng hộ ông tại Chicago rằng ông có quyết tâm và hứng khởi nhiều hơn bao giờ hết để khắc phục những thách thức của đất nước.

"Các bạn đã bỏ phiếu cho hành động, chứ không phải cho đấu đá chính trị. Các bạn đã bầu cho chúng tôi để chúng tôi chú tâm lo liệu vấn đề công ăn việc làm của các bạn, chứ không phải công ăn việc làm của chúng tôi. Và trong những tuần và những tháng tới đây, tôi muốn bắt tay làm việc với các nhà lãnh đạo của cả hai đảng để khắc phục những thách thức mà chỉ có làm việc chung với nhau chúng ta mới có thể giải quyết được".

Tổng thống Obama cho biết trong nhiệm kỳ thứ nhì ông sẽ giảm thiểu mức thâm hụt ngân sách của chính phủ Mỹ, cải cách luật lệ về thuế khóa, cải cách hệ thống di trú và giảm bớt sự lệ thuộc của nước Mỹ vào dầu lửa ở nước ngoài.
 Tổng thống Barack Obama cùng Ðệ nhất phu nhân Michelle Obama và con gái Malia và Sasha trong đêm bầu cử tại Chicago.

 ​​Ông Obama đã chúc mừng đối thủ ông về chiến dịch vận động tranh cử gay go và tán dương truyền thống phục vụ công chúng của ông Romney và gia đình ông. Ông Obama nói rằng ông sẽ chủ động tiếp xúc và hợp tác với phe Cộng hòa để giải quyết những vấn đề của đất nước.

"Trong những tuần lễ tới đây tôi cũng muốn ngồi xuống với Thống đốc Romney để bàn về những việc mà chúng tôi có thể làm việc chung với nhau để đưa đất nước tiến về phía trước".

Trước đó không lâu, ông Mitt Romney, cựu thống đốc tiểu bang Massachusetts, đã đọc bài diễn văn thừa nhận thất bại.

Ông Romney nói: "Tôi vừa gọi điện thoại cho Tổng thống Obama để chúc mừng chiến thắng của ông. Những người ủng hộ ông và ban vận động của ông cũng xứng đáng được chúc mừng. Tôi cầu chúc mọi sự tốt đẹp cho họ, nhưng đặc biệt là cho tổng thống cùng với đệ nhất phu nhân và hai cô con gái của họ".

Ông Romney nói rằng ông và người đứng chung liên danh, Dân biểu Paul Ryan, đã cố gắng hết sức mình cho cuộc vận động tranh cử. Ông đã ngỏ lời cám ơn những người ủng hộ.

"Tôi vô cùng ước ao là tôi có thể đáp ứng mối hy vọng của các bạn để lãnh đạo đất nước đi theo một chiều hướng khác. Nhưng đất nước đã chọn một nhà lãnh đạo khác, và vì vậy, nhà tôi và tôi muốn cùng với các bạn tha thiết cầu nguyện cho ông ấy và cho đất nước vĩ đại này. Cám ơn các bạn và cầu xin Thượng Đế ban phước lành cho nước Mỹ. Các bạn là những người tuyệt vời nhất. Cám ơn các bạn rất nhiều".

Ông Obama đã giành được thắng lợi tại hầu hết các tiểu bang được gọi là “tiểu bang dao động” mà ông và ông Romney cần thắng để đắc cử.
 Người ủng hộ Tổng thống Barack Obama ăn mừng bên ngoài Tòa Bạch Ốc ở thủ đô Washington, ngày 6/11/2011.

 ​​Các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ không được định đoạt bởi số phiếu phổ thông, mà bởi số phiếu của Cử tri đoàn, trong đó ảnh hưởng của mỗi tiểu bang đối với kết quả bầu cử tương xứng với dân số của tiểu bang.

Hôm qua, cả hai ứng cử viên đã thực hiện những nỗ lực vận động giờ chót, hầu như cho tới lúc các phòng phiếu đóng cửa. Tin tức cho biết tỉ lệ cử tri đi bầu ở mức cao tại nhiều nơi và một số cử tri đã phải xếp hàng nhiều giờ đồng hồ để bỏ phiếu, mặc dầu số người bỏ phiếu sớm lần này nằm ở mức cao kỷ lục.

Tuy kinh tế là vấn đề chính trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Obama là vị tổng thống đầu tiên trong vòng nhiều thập niên tái đắc cử trong lúc đất nước gặp nhiều khó khăn vì tỉ lệ thất nghiệp cao.

Trung Quốc chúc mừng ông Obama tái đắc cử tổng thống 

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã chúc mừng Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama về việc ông được tái đắc cử, giữa lúc Bắc Kinh đang dồn mọi nỗ lực cho cuộc chuyển giao quyền hành diễn ra trong tuần này.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho báo chí biết rằng Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và người sắp lên kế nhiệm là Phó Chủ tịch Tập Cận Bình, mong muốn được làm việc chung với ông Obama để thăng tiến các mối quan hệ Mỹ-Trung.

Ông Hồng Lỗi nói “Duy trì một sự phát triển lành mạnh và ổn định cho mối quan hệ Mỹ-Trung phù hợp với những quyền lợi cơ bản của hai nước và hai dân tộc, và có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực Á châu Thái bình dương và của thế giới. Trung Quốc sẵn sàng làm việc chung với Hoa Kỳ, cùng nhau hướng tới tương lai và tiếp tục thực hiện những nỗ lực để có thêm tiến bộ cho việc xây dựng các mối quan hệ hợp tác Mỹ-Trung, mang lại những lợi ích to lớn hơn cho nhân dân hai nước và nhân dân trên toàn thế giới.”

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã không công khai ủng hộ ông Obama hay đối thủ Mitt Romney của ông, trong lúc cả hai ứng cử viên này đều hứa sẽ có thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc nếu họ đắc cử.

Một bài bình luận hôm thứ ba trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc bày tỏ hy vọng là sự kết thúc của chiến dịch vận động tranh cử cũng chấm dứt điều mà họ gọi là “trò chơi bài xích Trung Quốc” của hai ứng cử viên tổng thống Mỹ.


Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

Đinh Xuân Quân - SAU TRANH LUẬN LẦN THỨ 3 CỬ TRI MỸ GỐC VIỆT SẼ QUYẾT ĐỊNH THẾ NÀO?


TS. Đinh Xuân Quân

Sau các cuộc tranh luận giữa hai ứng viên Tổng Thống, bây giờ cử tri Hoa Kỳ trong đó có người Mỹ gốc Việt đã thấy rõ lập trường hai bên. Thực ra các ứng cử viên đã đề cập tới quá nhiều vấn đề, về kinh tế, thất nghiệp, nợ công, hàng triệu nhà bị nhà băng xiết, chuyển hướng về Á châu, v.v... trong đó có khi họ nói sai hay thay đổi lập trường đã tuyên bố từ trước.

Vài ví dụ ông Obama nói sai: Về Lao động: “Sau 10 năm phải sa thải bớt công nhân, nước Mỹ đã tạo được nửa triệu việc làm cho các ngành kỹ nghệ.” Không đúng: từ năm 2009, nước Mỹ sa thải khoảng 1 triệu công nhân làm việc cho các nhà máy, bây giờ mới có một nửa có việc làm trở lại. Về Phá thai: “Cả hai ông Romney và Ryan đều muốn hủy bỏ luật cho phụ nữ được quyền phá thai, kể cả trường hợp mang thai vì bị hiếp hay loạn luân.” Không đúng: Ông Romney chấp nhận cho những phụ nữ bị hiếp hay loạn luân được quyền phá thai.

Vài ví dụ ông Romney nói sai: Kinh tế: “Chúng ta chỉ còn vài inch nữa là sẽ trở thành một quốc gia không có nền kinh tế tự do.” Không đúng: phúc trình do viện nghiên cứu The Heritage Foundation của phe Cộng Hòa cho biết Hoa Kỳ là một trong 10 quốc gia có nền kinh tế tự do vững chắc nhất thế giới, hơn cả những cường quốc kinh tế khác như Nhật, Ðức và Anh. Y tế: “Kế hoạch tốn cả ngàn tỉ đô la để chính phủ liên bang kiểm soát hệ thống y tế mà ông Obama thực hiện là kế hoạch gây thảm họa.” Không đúng: nhiều điều khoản trong đạo luật y tế “Obamacare” đang được tranh cãi, nhưng không hề có chuyện chính phủ liên bang kiểm soát hệ thống y tế. Thương mại: “Chúng ta phải mở rộng thị trường để bán hàng hóa. Ông Obama không mở rộng được thị trường cho nước Mỹ.” Không đúng: chính phủ Obama ký hiệp ước thương mại với Colombia, Panama và Nam Hàn.

Tham gia bầu cử là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi người dân, vậy người Mỹ gốc Việt sẽ bầu cho ai? Bài nầy sẽ cố gắng phân tích lập trường của hai ứng cử viên Thống Đốc Romney (CH) và Tổng Thống Obama (DC) hầu giúp cử tri sử dụng lá phiếu của mình một cách tốt nhất.

Tiêu chuẩn:

Các tiêu chuẩn chọn lựa cho các vấn đề quốc nội là kinh tế, thuế, an sinh xã hội, giáo dục, xem chủ trương nào giúp cộng đồng chúng ta nhiều hơn, trong khi về đối ngoại liệu chính sách ngoại giao sẽ thiên về Á châu hay thiên về Trung Đông?

Phân tích các vấn đề chính trong cuộc Bầu Cử tháng 11 


Phân Tích Đối Nội

Về kinh tế: TT Obama thừa hưởng nền kinh tế với quá nhiều khó khăn và đang cố gắng vượt qua những khó khăn. Ông đầu tư vào giáo dục, đào tạo, và cắt giảm thuế là con đường hữu hiệu nhất cần theo đuổi.

Phe Cộng Hòa - TĐ Mitt Romney nói rằng nước Mỹ phải chọn một con đường khác. Ông nói rằng các kế hoạch của ông bao gồm cả việc gia tăng sản xuất năng lượng, mở cửa hơn nữa cho giao thương quốc tế, đào tạo nhiều hơn nữa, cân bằng ngân sách và hỗ trợ cho sự phát triển doanh nghiệp nhỏ.(Xin xem bảng so sánh).

Về thuế trong một quốc gia tự do dân chủ và công bằng thì người giàu nên đóng góp nhiều và người nghèo đóng góp ít.

Lập trường DC về thuế là giảm thuế cho giới trung lưu và tăng thuế cho người giàu để giảm bội chi ngân sách (deficit). Đa số các gia đình Mỹ gốc Việt (theo census 2010) có lợi tức thấp hay trung bình thì chủ trương của DC có phần có lợi cho mình.

Lập trường CH ông Romney hứa không tăng thuế, hơn nữa có thể giảm, với tỷ lệ thuế ở mức 20%. Trung tâm “non-partisan Tax Policy Center” cho là như thế nhà giàu lợi nhiều hơn.

Về An sinh xã hội, ông Romney nay hứa không thay đổi chương trình an sinh XH (khác với khi tranh cử sơ khởi), hứa bỏ Obama care (ACA) và các thế hệ dưới 50 có quyền chọn. Theo census 2010 thì trên 20% gia đình Mỹ gốc Việt còn tùy thuộc và An sinh xã hội vì còn lợi tức thấp. Thành phần này được hưởng Housing, SSI, Medicare, Medical, v.v. tùy thuộc vào trợ cấp của chính phủ Liên Bang. Nhưng phải nói là còn nhiều lạm dụng về Housing, SSI, vv. và cộng đồng chúng ta cũng không ngoại lệ.

Tóm lại, về quốc nội Obama thiên về Giáo dục, An sinh xã hội, hạ tầng cơ sở trong khi Romney thiên về giảm thuế và chương trình của ông không rõ và không mấy thuyết phục và sẽ gây nợ công.

Phân Tích Đối Ngoại

Chính sách mới về ngoại giao/ [Chính sách này cho là Saddam Hussein, Ghadafi hay Assad là độc tài.  Nhưng cũng công nhận là các chế độ thay thế “chưa chắc là khá hơn” do đó Hoa Kỳ công nhận chính dân chúng của các nước liên hệ phải có trách nhiệm thay đổi, hoặc nếu cần chính các nước trong vùng phải can thiệp].  Các nước như Lybia hay tại Syria không đe dọa Mỹ cho nên không có lý do để Mỹ can thiệp trực tiếp, mà chỉ làm một cách gián tiếp qua NATO, (ủng hộ Pháp, Anh giải quyết Lybia), hay yểm trợ Thổ Nhĩ Kỳ và Arập về Syria.

Theo thuyết này thì khi Iran xây dựng vũ khí hạt nhân sẽ dọa Israel.  Hoa Kỳ sẽ không gây chiến đánh Iran hay giúp Israel đánh Iran. Mỹ chỉ dùng khí giới gián tiếp là kinh tế - cấm vận để áp lực Iran. Mỹ sẽ can thiệp quân sự trong trường hợp không làm gì khác được.

Với chính sách ngoại giao này, Mỹ đã chuyển về Á Châu và sẽ rút khỏi Âu Châu trong 10 năm tới.

Tại Á Châu, Mỹ “tuyên bố chuyển hướng.” Mỹ đã thay đổi chính sách đối với Trung Quốc trong việc tranh chấp tại Biển Đông và Hoa Đông, muốn nói “thẳng thừng” với Trung Quốc về các “giới hạn.” Quốc Hội Hoa kỳ đã ra một nghị quyết năm 2011, chỉ trích việc Trung Quốc sử dụng võ lực tại Biển Đông, kêu gọi giải pháp hòa bình, đa phương cho các tranh chấp ở Đông Nam Á.

Đầu năm 2012 Tổng thống Barack Obama đã công bố chiến lược quốc phòng mới của Hoa Kỳ. Hướng chủ đạo của chiến lược này là duy trì sức mạnh của quân đội Mỹ tại Á Châu –Thái Bình Dương. Bản phúc trình của Pentagon/ nêu các ưu tiên cho Á châu. Chiến lược quân sự của Hoa Kỳ nhắm vào Trung Quốc là nước đang thách thức vai trò siêu cường Hoa Kỳ đang nắm giữ. TT Obama nhắc Hoa Kỳ sẽ sử dụng tất cả các phương tiện quân sự, ngoại giao, phát triển kinh tế, tình báo và an ninh quốc nội cho mục tiêu này.

Hiện nay Hoa Kỳ đã để các đồng minh như Philippines, Nhật và Nam Hàn chơi quân cờ của họ trong các vùng biển trong khi hải quân Hoa Kỳ “có thể” can thiệp. Mỹ khuyến khích Philippines, Nhật và các nước trong vùng giúp đỡ nhau trong thế liên hoàn- và Mỹ đứng đàng sau. Ví dụ hiện nay Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ cho biết là hàng không mẫu hạm (HKMH) USS G. Washington đang ở Biển Đông trong khi một hàng không mẫu hạm USS John C. Stennis cũng đang tiến hành các hoạt động ở biển Hoa Đông. Hai HKMH này phô trương sức mạnh Hoa Kỳ trên các vùng biển đã trở thành một trọng điểm trong chính sách đối thủ chiến lược của Washington đối với Bắc Kinh.

Tại Virginia Military Institute/ Thống Đốc Romney chỉ trích chính quyền Obama, và đòi thay đổi chính sách ngoại giao tại Trung Đông nhưng không đưa ra nhiều chi tiết. Ông Romney cho là TT Obama thiếu lãnh đạo – không giúp phe nổi dậy Syria. [Hè 2012 Thống đốc Romney tuyên bố nghiêng về Israel. Nay thay đổi lập trường chấp nhận chính sách của chính phủ Mỹ công nhận hai nước Palestine và Israel sống chung hòa bình. Ông Romney muốn tăng cường quốc phòng.]

Trong tranh luận kỳ 3 / ông Romney thay lập trường, cho nên hiện nay chủ trương về Trung Đông hai bên gần giống như nhau.

Theo khảo cứu của Pew Research center / thì 45 % dân cho là chính sách của TT Obama đối với TQ không đủ mạnh trong khi đa số chuyên gia cho là đủ. TT Obama “mềm dẻo” dùng ngoại giao nhưng cũng không “ngần ngại sử dùng quân đội – sức mạnh” để bảo vệ lợi ích của Mỹ. Chính sách ngoại giao và quân sự của TT Obama cho thấy quan tâm đặc biệt của ông này đối với Á châu – một quan tâm mà các phe thân Israel đang chỉ trích trong bầu cử vào tháng 11 này.

Nói tóm về vấn đề quốc ngoại ông Obama thiên về Á châu, tránh chiến tranh (vì chi tiêu chiến tranh đã làm nước Mỹ kiệt quệ), nhưng có chính sách “bàn tay sắt bọc nhung”, trong khi ông Romney thiên về Trung Đông, nói tăng chi phí quốc phòng nhưng chưa thấy ông nói cụ thể sẽ làm gì.

Thượng nghị sĩ và Dân biểu Liên Bang hay Tiểu Bang

Dân Mỹ sẽ không những bầu TT mà còn đi bầu TNS và DB và các đại diện ở cấp tiểu bang và cấp quận hay thành phố. Các vị này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các luật lệ quốc nội và các chính sách quốc ngoại của chính phủ Mỹ.

Tiêu chuẩn đánh giá TNS và DB hay chính quyền địa phương sẽ dựa trên việc ủng hộ các ưu tư người Mỹ gốc Việt (các vấn đề về nhân quyền, dân chủ và Biển Đông). Ví dụ dân biểu Sanchez (DC) của quận Cam ủng hộ nhân quyền tại VN trong khi dân biểu Ed Royce (CH) ủng hộ đài Á châu Tự do – RFA hay nghị quyết về Biển Đông, vv. Yếu tố đảng phái không quan trọng bằng việc ủng hộ lập trường của cử tri người Việt.

Tạm kết

Theo tác giả các tiêu chuẩn quốc nội có thể là công ăn việc làm, giáo dục cho con em và an sinh xã hội trong khi về đối ngoại thì phải nhằm đến việc chú ý vào VN.

Đối với dân biểu ở cấp liên bang hay tiểu bang là các vị dân cử trực tiếp giúp đỡ như đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC (vì đàn áp tôn giáo) hoặc vận động Quốc Hội thông qua Dự Luật Nhân Quyền, hay về Biển Đông vv.), nếu họ giúp giải quyết các ưu tư của người Việt chúng ta sẽ dồn phiếu cho họ không phân biệt đảng phái.

Cử tri hãy chọn lựa theo lời hai ứng viên/: ông Obama - chấm dứt hai cuộc chiến tranh tốn kém, chuyển trọng tâm về Á châu và xây dựng trở lại nền kinh tế suy sụp từ thời tổng thống tiền nhiệm trong khi ông Romney muốn tranh đua, hứa xây dựng kinh tế và thiên về Israel nhiều hơn. Chúng ta sẽ dồn phiếu cho người nào giải quyết các ưu tư của chúng ta (Giáo dục, An sinh xã hội, Kinh tế, Chính sách ngoại giao).

Cuộc bầu cử này là cuộc bầu cử quan trọng nhất của thập niên và lá phiếu của cử tri Mỹ gốc Việt rất quan trọng.

Cần phải bầu - dùng lá phiếu một cách tối ưu. Phải suy nghĩ kỹ vì nó sẽ ảnh hưởng đến chúng ta và con cái chúng ta trong 4 năm tới.

TS. ĐXQ 


Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2012

Ngô Nhân Dụng - Một lá phiếu cứu Obamacare

Ngô Nhân Dụng



Người Mỹ chờ đợi phán quyết của Tối Cao Pháp Viện về Luật Cải tổ Y tế của Tổng thống Barack Obama cũng hồi hộp không khác gì người coi trận chung kết giải Euro 12. Hồi hộp tới phút chót; năm phút chót. Theo tin trong giới cá độ (InTrade) thì có 70% người ta tin là các Thẩm phán sẽ bác bỏ đạo luật vì nó vi hiến. Đơn thưa kiện của 26 tiểu bang nói rằng đạo luật Obama bắt buộc mọi người dân Mỹ phải mua bảo hiểm y tế (nếu không sẽ bị phạt tiền) là vi hiến. Phía chính quyền biện hộ rằng điều này nằm trong quyền của Quốc hội dựa theo Điều khoản Thương mại trong hiến pháp Mỹ; nó cho phép Quốc hội liên bang làm luật điều hành việc thương mại liên tiểu bang.

Trong phần đầu bản văn dài 59 trang được công bố Chủ tịch John Roberts đã nêu ý kiến nói rằng việc bắt buộc trên “không thể coi là phù hợp với Điều khoản Thương mại.” Những người chống đạo cười luật hân hoan. Phải năm phút sau Thẩm phán Roberts mới nêu ra ý kiến khác, nói rằng Quốc hội có quyền đánh thuế những người không mua bảo hiểm y tế; mà thứ tiền mà trong đạo luật gọi là tiền phạt chính là một thứ thuế, nằm trong thẩm quyền của Quốc hội! Những người ủng hộ đạo luật lúc đó mới bật lên mừng rỡ!

Có lẽ trong năm phút mong manh đó, các đài CNN và Fox News đã cố giành cái vinh dự loan tin sớm nhất. Họ cho tin lên đài: “Tối Cao Pháp Viện bác bỏ luật bắt cá nhân mua bảo hiểm y tế vì vi hiến!”

Từ hai năm nay cả hai bên, phe chống lẫn phe bênh đạo luật, không ai dùng đến lý luận về thuế má cả. Hồi Tháng Ba, mục Bình Luận này đã đặt câu hỏi tại sao hai năm trước Tổng thống Obama không mô tả việc đóng tiền phạt này là một thứ thuế, để tránh cho đạo luật khỏi bị kiện là vi hiến. Không ngờ chính Thẩm phán Roberts đã dùng lối giải thích này để giữ lại đạo luật.

Những người theo khuynh hướng bảo thủ ở Mỹ thường không muốn cho chính quyền liên bang nới rộng thêm quyền hành, lấn áp các tiểu bang hoặc xâm phạm vào quyền quyết định của các cá nhân. Bốn vị Thẩm phán bảo thủ (Kennedy, Scalia, Thomas và Alito), do các vị tổng thống Cộng Hòa đề cử, đều nói Điều khoản Thương mại không cho phép Quốc hội liên bang nhiều quyền như trong đạo luật Obamacare. Bốn vị có khuynh hướng cấp tiến (Ginsburg, Sonia Sotomayor, Stephen G. Breyer và Elena Kagan) nghĩ ngược lại. Cả hai bên đều dựa trên Điều khoản Thương mại; đưa ra những bản ý kiến riêng bổ túc cho phán quyết. Chánh thẩm John Roberts đồng ý là Điều khoản Thương mại không cho phép Quốc hội bắt dân mua bảo hiểm. Ông đã bỏ lá phiếu quyết định giữ đạo luật, nhưng dùng lý luận dựa trên quyền đánh thuế của Quốc hội Mỹ.
Ông John Roberts được cựu Tổng thống Gorges W. Bush (Cộng Hòa) đề cử làm Chánh thẩm Tối Cao Pháp Viện. Ông đã cứu một công trình lập pháp quan trọng nhất của đảng Dân Chủ trong vòng nửa thế kỷ nay; trong lúc toàn thể đảng Cộng Hòa chống lại đạo luật đó.

Bài học thứ nhất là khi các vị thẩm phán có vai trò độc lập thì quyền của họ rất lớn. Các thẩm phán cấp liên bang ở Mỹ đều được bổ nhiệm suốt đời (các thẩm phán cấp dưới thì do dân bỏ phiếu định kỳ). Đó là một cách bảo vệ tính độc lập của các thẩm phán; khiến họ không phải chiều theo ý kiến của đảng phái chính trị.
Tính độc lập của các thẩm phán đã bị nhiều người Mỹ nghi ngờ, vì khi các ông tổng thống đề cử ai thì cũng chọn những người cùng quan điểm với mình về các nguyên tắc pháp luật. Năm 2000, phán quyết 5 – 4 của Tối Cao Pháp Viện Mỹ chỉ kết luận là cuộc kiểm phiếu ở Florida là hợp pháp, có thể kết thúc. Nhưng lá phiếu thứ 5 trong phán quyết đó đã đưa tới hậu quả, là Tổng thống Gorges W. Bush đắc cử.

Lá phiếu thứ 5 của Chánh thẩm Roberts vừa rồi khiến người Mỹ thấy rõ tính độc lập của quyền tư pháp. Trước đây, các đơn kiện đạo luật Obamacare ở tòa án cấp dưới cũng đưa tới những kết quả bất ngờ. Ở cấp tòa địa hạt, các vị thẩm phán gốc Dân Chủ thường phán là đạo luật chỉ áp dụng Điều khoản Thương mại; trong khi các thẩm phán gốc Cộng Hòa thì thấy đạo luật vượt quá quyền hạn của điều khoản đó. Khi lên đến cấp tòa phá án, thì ngược lại, chính vị thẩm phán được ông tổng thống đảng Dân Chủ đề cử lại bác bỏ đạo luật này, còn một vị thẩm phán Cộng Hòa thì lại phán là nó đúng luật.

Cho nên có thể rút ra một bài học khác, là việc giải thích luật pháp và hiến pháp không giản dị, rất khó đoán. Trước khi toà án tối cao xét xử, nhiều luật gia đoán rằng Thẩm phán Kennedy sẽ ủng hộ Obamacare, vì trong quá khứ ông đã nhiều lần bỏ phiếu cho chính quyền liên bang thêm quyền hành dựa theo Điều khoản Thương mại. 


Ông Kennedy lại là người viết bản ý kiến dị biệt của các thẩm phán không đồng ý với phán quyết, với những lời lẽ rất cứng rắn và sắc bén. Nhưng Chánh thẩm Roberts đưa ra lý luận sắc bén nhất về vấn đề áp dụng Điều khoản Thương mại. Theo ông hiến pháp cho phép Quốc hội điều tiết các hoạt động mua bán liên bang, nhưng không có nghĩa là họ cũng có quyền trên những người không mua gì cả. “Nhân danh Điều khoản Thương mại để giữ lại đạo luật Y tế này tức là cho Quốc hội quyền viết luật trên những gì người dân không làm. Các nhà Lập hiến (nước Mỹ vào thế kỷ 18) biết phân biệt giữa hoạt động và không hoạt động gì cả. Họ cho Quốc hội quyền quy định về hoạt động thương mại, chứ không cho quyền bắt người dân phải dự vào các hoạt động thương mại. 


 Năm 2005, khi điều trần trước Thượng viện Mỹ để được phê chuẩn làm Chánh án Tối Cao Pháp Viện, ông Roberts đã ví: “Nhà thẩm phán cũng giống các trọng tài. Trọng tài không làm ra các luật giao đấu, họ chỉ áp dụng. Vai trò của một trọng tài, cũng như một thẩm phán là bảo đảm mọi người giao đấu theo đúng luật; một vai trò rất giới hạn. Không ai đến sân banh để xem ông trọng tài cả.” Nhưng trong trận đá bóng Luật Cải tổ Y tế vừa qua, Trọng tài John Roberts đã biểu diễn rất ngoạn mục. Một mặt, ông bác bỏ ý kiến của chính quyền Obama, nói đạo luật theo đúng Điều khoản Thương mại. Một mặt ông giữ nguyên đạo luật đó, dựa trên một lý luận mà chính quyền không nghĩ đến để dùng khi tự vệ: Quyền đánh thuế. Cuối cùng, có thể nói ông Roberts đã đá trái banh Cải tổ Y tế sang một sân chơi khác, cho các nhà chính trị hai đảng đấu với nhau trong năm tháng tới, bằng cuộc vận động tranh cử. Ứng cử viên Mitt Romney đã kêu gọi những người chống đạo luật hãy bầu cho ông làm tổng thống, ông hứa sẽ xin cho Quốc hội bãi bỏ đạo luật ngay khi nhậm chức. Đảng Cộng Hòa có thể dùng vấn đề này như một đề tài tranh cử Tổng thống và Quốc hội. Một cuộc nghiên cứu dư luận gần đây cho thấy chỉ có 24% dân Mỹ nghĩ là Tối Cao Pháp Viện nên giữ lại đạo luật; 27% nghĩ là nên xóa bỏ điều khoản bắt buộc mua bảo hiểm; và 41% cho là nên xóa tất cả đi. Sau khi Tòa Tối Cao công bố phán quyết, trong một giờ đảng Cộng Hòa đã nhận được 200,000 đô la tiền ủng hộ tranh cử. Trong vòng 24 giờ, Thống đốc Romney đã được 43,000 người ủng hộ qua internet đóng góp cho ông 4.3 triệu đô la để giành lấy ngôi vị Tổng thống! 


 Nhưng ông Romney cũng báo trước những người ủng hộ ông là không nên dồn hết sức vào việc tấn công đạo luật Cải tổ Y tế. Trong dư luận cử tri Mỹ, khi hỏi vấn đề nào là mối quan tâm lớn nhất, chỉ có 5% nói về đạo luật Cải tổ Y tế. Còn 50% các cử tri coi những vấn đề kinh tế, như công việc làm mới là quan trọng nhất.

Lá phiếu của Chánh thẩm John Roberts sẽ thay đổi đời sống của hàng chục triệu người dân Mỹ, hoặc nhiều hơn. Có tờ báo kể câu chuyện anh Eric Richter ở Ohio. Hai vợ chồng anh đi làm, lợi tức góp lại được 36,000 đô la một năm. Lợi tức đó khá cao, anh không được hưởng Medicaid; nhưng mua bảo hiểm y tế thì tốn kém nên anh quyết định không mua vì ở tuổi 39 không mấy khi bệnh tật. Tháng Tư vừa qua bác sĩ phòng cấp cứu cho biết anh phải mổ một cái bứu nguy hiểm. Vợ anh đi tìm mua bảo hiểm, không nơi nào bán vì anh đã có bệnh rồi. Bà vợ phải quyết định bỏ việc làm, để lợi tức xuống thấp, đủ điều kiện được hưởng Medicaid.

Phán quyết của Tối Cao Pháp Viện cho tiếp tục thi hành luật Obamacare. Điều khoản “Bắt buộc bảo hiểm” sẽ được áp dụng vào năm 2014. Sẽ có thêm trên 30 triệu người Mỹ được bảo hiểm y tế. Ai cũng phải mua bảo hiểm, nếu thiếu tiền sẽ được chính phủ trợ cấp. Người nào không mua sẽ phải đóng tiền phạt, bằng 1% lợi tức, đến năm 2016 sẽ tăng lên tới 2.5%. Các công ty bảo hiểm không được phép giới hạn số tiền chi cho mỗi bệnh nhân trong một đời. Những người đang bị bệnh cũng vẫn mua được bảo hiểm, các công ty không được từ chối. Eric Richters sẽ mua được bảo hiểm dù đang bị bệnh. Gia đình anh, với lợi tức $36,000 sẽ phải đóng khoảng 200 đô la bảo hiểm mỗi tháng. Từ năm 2015, các bác sĩ sẽ được trả thù lao dựa trên kết quả việc trị liệu bệnh nhân, thay vì được trả công từng hành động chẩn đoán hoặc chữa trị.

Người dân Mỹ bình thường sẽ không lo bị mất bảo hiểm y tế khi kinh tế suy yếu, hãng xưởng đóng cửa, bị mất việc làm. Không ai lo khi bị tai nạn, hay bất ngờ bị bệnh như Eric Richters, có thể sạt nghiệp vì chi phí chữa trị, hoặc phải tự giảm bớt lợi tức và tài sản để được hưởng Medicaid. Tòa án Tối cao đã bác bỏ một phần điều khoản về Medicaid (Medical ở California), không cho phép chính phủ liên bang “phạt” các tiểu bang bằng cách rút bớt tiền góp vào quỹ này. Nhưng chương trình Medicaid sẽ được mở rộng thêm trên toàn quốc. Điều kiện dễ dàng hơn sẽ giúp khoảng 5 triệu người Mỹ nghèo hoặc quá tật bệnh nhận được Medicaid. Các thống đốc tiểu bang có quyền thi hành điều khoản này theo tốc độ nhanh hay chậm. Dân chúng các tiểu bang sẽ quyết định họ muốn luật được thi hành nhanh hay chậm qua lá phiếu. Cũng như dân Mỹ sẽ bỏ phiếu vào tháng 11 tới; khi bầu cho Romney hay Obama, họ sẽ quyết định cả đạo luật Cải tổ Y tế có nên giữ hay không.

Trước khi Tòa Tối Cao công bố phán quyết, Tổng thống Barack Obama có lúc than phiền rằng những người không được dân bầu (các thẩm phán) có quyền bác bỏ một đạo luật do các vị dân cử (tổng thống và quốc hội) làm ra! Ông Obama từng làm giáo sư về Luật hiến pháp; lời tuyên bố trên khiến nhiều người kinh ngạc. Nếu hiến pháp nước Mỹ ấn định như vậy, tại sao một ông Tổng thống còn thắc mắc? Nay thì nhờ Thẩm phán Roberts, Tổng thống Obama không còn thắc mắc nữa! Chính trị là chuyện nhất thời. Quy tắc tam quyền phân lập có giá trị lâu dài hơn, nếu không nói là vĩnh viễn!

Thứ Năm, 26 tháng 5, 2011

Bão lốc, một 'đặc sản' Hoa Kỳ

Hà Tường Cát

Lúc 5 giờ 40 chiều Chủ Nhật, 22 Tháng Năm, một trận bão lốc cực mạnh quét ngang thành phố Joplin, tiểu bang Missouri. Vùng gió xoáy chiều ngang 0.75 dặm, có lúc lên gần 1 dặm, chạy dài 7 dặm với sức gió mạnh nhất lên tới 198 dặm/giờ.


Trận bão lốc khủng khiếp ở Joplin, Missouri, hôm Chủ Nhật, 22 Tháng Năm.
Ánh sáng dưới chân cột mây là những tia sét liên tục. (Hình từ video của AP)

Hậu quả trong vòng ít phút: 125 người thiệt mạng, hơn 500 bị thương, 75% kiến trúc ở thành phố bị hư hại trong số đó 2,000 căn nhà bị hủy diệt hoàn toàn.

Thứ Năm, 5 tháng 5, 2011

Quan hệ Mỹ-Pakistan khó khăn hơn sau vụ triệt hạ Ben Laden

Đức Tâm
 
Vụ lực lượng đặc nhiệm Mỹ triệt hạ trùm khủng bố Oussama Ben Laden ngay trên lãnh thổ Pakistan đã đặt chính quyền Islamabad vào tình thế lúng túng. Trong vụ trừ khử Ben Laden, Pakistan đã bị mất mặt. Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Pakistan, vốn đã phức tạp, nay lại càng có nguy cơ khó khăn thêm.

   
Tổng thống Obama và đồng nhiệm Asif Ali Zardari (RFI / P. Moussart)

Tình báo Mỹ 'bận rộn' với tài liệu tịch thu từ bin Laden

Người Việt Online

Ngay từ phút đầu tràn vào căn nhà nơi Osama bin Laden ẩn náu, hải kích Mỹ không chỉ nhắm vào việc tiêu diệt người được coi là tay khủng bố quan trọng nhất thế giới, nhưng cũng là là cơ hội thu thập tin tức tình báo lớn lao nhất từ sau cuộc tấn công 9-11 đến nay.


Ngôi biệt thự mà được coi là nơi ẩn náu của Osama bin Laden trong mấy năm qua.
Hôm Thứ Hai, lực lượng hải kích Mỹ đã hạ sát ông tại đây. (Hình: AP)

Thứ Tư, 4 tháng 5, 2011

Từ phòng họp tại toà Bạch Ốc… tới sàn bay hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson

Trùng Dương

 

Trái, phòng hội (Situation Room) tại Toà Bạch Ốc, chiều ngày 1 tháng 5, 2011, nơi Tổng thống Obama và các nhân vật trong ban an ninh quốc gia đã theo giõi, qua hệ thống Internet, cuộc hành quân chớp nhoáng của toán Navy SEAL Team Six nhằm thanh toán Osama bin Laden ở sào huyệt nằm trong lãnh thổ Pakistan. (Ảnh White House/flickr). Mặt, hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson, nơi xác của Osama Bin Laden đã được khâm liệm theo phong tục Hồi giáo và được thủy táng sáng ngày 2 tháng 5, 2011. (Ảnh Navy News Service, chụp ngày 22 tháng 1, 2011 tại Strait of Malacca)

Thứ Ba, 3 tháng 5, 2011

Thế giới sau Bin Laden, nguy cơ khủng bố có thể vẫn thế

HÀ TƯỜNG CÁT (tổng hợp)

Trong lúc toàn Hoa Kỳ và thế giới đều cảm thấy nhẹ nhõm trước cái tin Osama bin Laden đã bị giết, thì ngay lúc 9:30 sáng Thứ Hai, tại xa lộ 405, chỉ cách trung tâm Little Saigon trong vòng 3 dặm, xuất hiện một graffiti bày tỏ lòng tưởng niệm thủ lãnh khủng bố quốc tế này.

Trên bức tường ngăn tiếng động bên đường I-405, đoạn gần Springdale Street, thành phố Westminster, CA, người ta nhìn thấy hình vẽ một lá cờ Mỹ lộn ngược cùng với hàng chữ “R.I.P. Osama” và “Forever”, có nghĩa là “Cầu cho Osama yên giấc ngàn thu”. Nữ cảnh sát tiểu bang (CHP) Denise Quesada cho biết sẽ điều tra tìm kẻ vẽ bậy rồi dùng vòi phun nước rửa sạch hình vẽ ấy và sơn lại bức tường nếu cần.

Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

Osama Bin Laden bị hạ sát


Vũ Quí Hạo Nhiên (tổng hợp)

Thi thể trong tay quân đội Hoa Kỳ

WASHINGTON DC (NV) - Trùm khủng bố Osama bin Laden, chủ mưu vụ tấn công vào nước Mỹ ngày 11 tháng 9, 2001, bị hạ sát trong một cuộc hành quân của Hoa Kỳ tại Pakistan và thi thể ông bin Laden hiện đang trong tay quân đội Hoa Kỳ.

Thứ Ba, 8 tháng 3, 2011

MỘT THẾ GIỚI HẬU HOA KỲ (THE POST-AMERICAN WORLD)

Fareed Zakaria
Người dịch: Lê Quốc Tuấn

Mục Đích Của Hoa Kỳ

Kỳ 8

Cuộc tranh đua xem ai là người cứng rắn đã đẻ ra những ý tưởng mới - những ý tưởng đã đi từ dở đến mất trí. Romney, người tự xem mình là một thứ thông minh, một nhà quản trị tài giỏi xứng đáng, gần đây đã giải thích rằng dù "một số người từng nói rằng chúng ta nên đóng cửa trại Guantánamo, quan điểm của tôi là chúng ta cần phải nhân đôi diện tích của trại tù này", vào năm 2005 Romney đã từng hỏi "Chúng ta có đang theo dõi (các đền thờ Hồi giáo) không ? Chúng ta có cài máy nghe lén chúng không ?". Dĩ nhiên, những đề xuất này còn là nhẹ so với những gì dân biểu Tom Tancredo, một ứng viên tổng thống khác, trong cùng năm ấy từng đề nghị. Khi được hỏi về một cuộc tấn công bằng hạt nhân có thể xảy đến bởi những người Hồi giáo cực đoan ở Mỹ, ông đề nghị rằng quân đội Hoa Kỳ nên đe dọa "chiếm lấy" Mecca.

Thứ Hai, 28 tháng 2, 2011

MỘT THẾ GIỚI HẬU HOA KỲ (THE POST-AMERICAN WORLD)

Fareed Zakaria
Người dịch: Lê Quốc Tuấn

Mục Đích Của Hoa Kỳ

Kỳ 7

6. Tính chính đáng là sức mạnh: Ngày nay, Hoa Kỳ có tất cả các loại sức mạnh trong nguồn tiếp liệu phong phú trừ một thứ: tính chính đáng. Trong thế giới ngày nay, đây là một thiếu sót quan trọng. Tính chính đáng cho phép một đất nước thiết lập chương trình hành động, xác định một mối khủng hoảng và huy động sự ủng hộ cho các chính sách giữa các sức mạnh của cả nhà nước lẫn dân sự như các giới doanh thương tư nhân và các tổ chức đại chúng. Tính chính đáng là tính cách khiến đã cho phép ca sĩ ngôi sao nhạc Rock Bono, chẳng hạn, thay đổi được chính sách của chính phủ trong một vấn đề hệ trọng, giải trừ nợ nần. Sức mạnh của ông ta nằm trong khả năng nắm bắt được căn bản quan trọng của trí thức và đạo lý của mình.

Thứ Ba, 22 tháng 2, 2011

MỘT THẾ GIỚI HẬU HOA KỲ (THE POST-AMERICAN WORLD)

Fareed Zakaria
Người dịch: Lê Quốc Tuấn


Mục Đích Của Hoa Kỳ

Kỳ 6

3. Hãy là Bismark nhưng đừng là Anh Quốc : Josef Joffe từng lập luận rằng có hai điều tương tự của lịch sử Hoa kỳ có thể nhìn vào mà xây dựng chiến lược vĩ đại của mình: Anh Quốc và Bismark. Anh Quốc đã từng nỗ lực để cân bằng với các quyền lực đe dọa và đang nổi lên nhưng mặt khác vẫn giữ một vai trò thấp trong lục địa châu Âu. Ngược lại Bismark đã chọn lựa cách tham dự với tất cả các quyền lực lớn. Mục đích của ông là có những mối quan hệ với tất cả các quyền lực lớn tốt hơn là các quan hệ giữa họ với nhau - để trở thành một trung tâm cho cơ chế thế giới của Âu châu.

Thứ Tư, 16 tháng 2, 2011

Mỹ không sợ hỏa tiễn Trung Quốc

Hỏa tiễn nhằm tiêu diệt hàng không mẫu hạm, được coi là biểu tượng cho sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc, sẽ không khiến Hải Quân Mỹ phải thay đổi hoạt động của mình trong vùng Thái Bình Dương, theo tư lệnh Ðệ Thất Hạm Ðội Mỹ trong cuộc phỏng vấn mới đây.

MỘT THẾ GIỚI HẬU HOA KỲ (THE POST-AMERICAN WORLD)

Fareed Zakaria
Người dịch: Lê Quốc Tuấn

Mục Đích Của Hoa Kỳ

Kỳ 5

Để diễn tả các loại hoạt động nào trong thế giới mới này sẽ ra sao cụ thể hơn, tôi đặt ra sáu chỉ hướng đơn giản :

1. Lựa chọn: Quyền năng vô hạn của Mỹ đã khiến Washington tin rằng mình được miễn trừ khỏi nhu cầu có các quyền ưu tiên. Washington muốn có tất cả. Việc Hoa Kỳ trở nên kỷ luật hơn về chủ đề này rất là hệ trọng. Thí dụ như trong các vấn đề về Bắc Triều Tiên, Iran, chính quyền Bush đã không thể quyết định được mình muốn thay đổi chế độ hay là thay đổi chính sách (trong việc tạo nên một vùng không có vũ khí hạt nhân). Cả hai đều có hiệu quả chồng chéo nhau. Nếu ta đe dọa thay đổi chế độ tại một quốc gia, chỉ khiến thúc đẩy mong muốn hạt nhân của chính phủ nước ấy, nghĩa là một chính sách không an toàn cho chính trị thế giới.

Chủ Nhật, 13 tháng 2, 2011

MỘT THẾ GIỚI HẬU HOA KỲ (THE POST-AMERICAN WORLD)

Fareed Zakaria
Người dịch: Lê Quốc Tuấn


Mục Đích Của Hoa Kỳ

Kỳ 4

Những quy luật mới cho một Kỷ nguyên mới

Một số người Mỹ tin rằng chúng ta chỉ cần bắt chước chứ không cần phải học hỏi từ lịch sử. Nếu chúng ta đã có thể tìm được một chính quyền Truman khác để có thể thiết kế nên một tập hợp các định chế mới cho một kỷ nguyên mới, nhiều người Cộng hoà và Dân chủ có lẽ mong mỏi lắm. Nhưng điều này chỉ là nỗi luyến tiếc quá khứ chứ không phải là chiến lược. Khi Truman, Acheson và Marshall xây dựng trật tự hậu chiến, cả thế giới còn lại đang ở trong tình trạng tả tơi. Dân chúng đã nhìn thấy các hậu quả tàn hại của chủ nghĩa quốc gia, chiến tranh và chủ nghĩa bảo hộ kinh tế. Hậu quả là, đã có được một sự ủng hộ rộng rãi ở mọi nơi, đặc biệt là tại Hoa Kỳ, cho một nỗ lực rộng lớn và hào phóng nhằm dự phần vào thế giới, đưa thế giới ra khỏi nghèo đói, tạo nên các định chế toàn cầu và bảo đảm các hợp tác quốc tế - để một cuộc chiến tranh như thế không xảy ra nữa. Hoa Kỳ đã có một căn bản đạo lý cao có được từ việc đánh bại chủ nghĩa phát xít và đồng thời Hoa Kỳ cũng có được một sức mạnh không thể so sánh. GDP của Mỹ gần đạt đến 50 phần trăm của nên kinh tế toàn cầu. Bên ngoài quỹ đạo Xô Viết, vai trò lãnh đạo của Mỹ trong việc phát kiến ra các định chế mới không hề bị thử thách. Ngày nay, thế giới là khác biệt, và vai trò của Mỹ trong thế giới ngày nay cũng khác biệt. Nếu Truman, Marshall và Acheson còn sống, hẳn các vị đó đã phải đối diện với những thử thách hoàn toàn mới. Nhiệm vụ của ngày nay là phải thiết lập một lối tiếp cận mới đến một kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên sẽ giải quyết được một hệ thống toàn cầu mà trong đó quyền lực đã khuếch tán hơn nhiều so với trước đây, trong đó mọi người đều cảm thấy mình đang được tăng thêm sức mạnh.