Hiển thị các bài đăng có nhãn Hoàng Văn Chí. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hoàng Văn Chí. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2019

Hoàng-Văn-Chí: Từ Thực-Dân Ðến Cộng-Sản (Nguyên tác Anh ngữ, Bản dịch của Mạc-Ðịnh)

LTS: Diễn Đàn Thế Kỷ xin mời độc giả đọc một chương trích từ quyển “Từ Thực Dân Đến Cộng Sản” của học giả Hoàng Văn Chí để hiểu trong quá khứ đảng Cộng sản Việt Nam đã có một chương trình nô dịch hóa con người như thế nào. Những tác hại của một quá trình dài nô dịch gọi là “cải tạo tư tưởng” ấy ngày nay đã hiện rõ khắp các mặt tiêu cực trong đảng, chính quyền và trong xã hội Việt Nam.

PHẦN 4
CẢI TẠO TƯ TƯỞNG 


"Thiên hạ thường tin những câu chuyện bịa đặt nhưng giản-dị, hơn là những câu chuyện có thực, nhưng rắc rối, khó hiểu".
DE TOCQUEVILLE

Chương 9
Công Tác Tư Tưởng


Giới trí-thức hợp tác với Việt-minh và tham gia kháng chiến không thể nào công nhận Pháp có gián điệp hoạt động trong khắp xóm làng, và chỉ có những kẻ ngớ ngẩn vào bậc nhất mới tin câu chuyện Pháp nhờ mấy ông sư vẽ bản đồ hướng dẫn phi công Pháp trong các vụ oanh-tạc. Trong cuộc "Ðấu chính trị" không ai là không thấy bàn tay Ðảng giật giây và mọi người đều xác định là Ðảng dùng cả phương tiện hợp pháp lẫn bất hợp pháp để loại trừ những người không Cộng-sản ra khỏi hàng ngũ kháng chiến. Vì tin có Trung-Cộng viện trợ để thắng Pháp nay mai, nên Việt Cộng cho rằng cơ hội Cộng-sản-hóa toàn cõi Việt Nam đã đến nơi, và muốn Cộng-sản-hóa thì việc đầu tiên là tiêu diệt những phần tử sau này sẽ chống đối. Có người cho rằng ông Hồ đã trở tay diệt trừ những người kháng-chiến có xu-hướng quốc-gia vì ông không quên kinh nghiệm bản thân hồi hai mươi bốn năm về trước Tưởng-giới-Thạch trở tay diệt Cộng.

Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2012

TỪ THỰC DÂN ĐẾN CỘNG SẢN

Nguyên bản Anh ngữ của Hoàng Văn Chí
Bản dịch: Mạc Định

Chương 12
NĂM BÀI HỌC

Khóa Chỉnh-huấn 1953-54 gồm có năm bài học :
Bài thứ nhất : Thái-độ học-tập.
Bài thứ hai : Lịch-sử Cách-mạng Việt-nam.
Bài thứ ba : Tình-hình mới, nhiệm-vụ mới.
Bài thứ tư : Tác-phong cán-bộ và đảng-viên.

Bài thứ năm : Cải-cách Ruộng-đất.

Thứ Tư, 28 tháng 12, 2011

CHỈNH-HUẤN

Nguyên tác Anh ngữ: Hoàng Văn Chí
Bản dịch: Mạc Định


 Chương 11

Người đầu tiên muốn mang phương-pháp Chỉnh-huấn của Trung-cộng áp-dụng tại Việt-nam là Thiếu-tướng Nguyễn-Sơn, hồi 1948, làm Khu-trưởng Khu 5 (từ Thanh-hóa đến Thừa-thiên). Trong khoảng hai mươi năm về trước, Nguyễn-Sơn là cán-bộ quân-sự cao cấp của Hồng Quân Trung-Hoa. Ông là người tính-khí rất đặc-biệt và đã sống một cuộc đời vô cùng gian lao. Nhờ vậy mà ông đã được Trung-cộng suy-tôn là “Anh-hùng Dân-tộc của Trung quốc” và xuýt nữa ông đã trở thành Tito của Việt-Nam.

Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2011

TỪ THỰC DÂN ĐẾN CỘNG SẢN

Nguyên tác Anh ngữ: Hoàng Văn Chí
Bản dịch: Mạc Định


Chương 10
KIỂM-THẢO

Từ năm 1946 đến năm 1950, Việt Cộng thường tổ chức những buổi "phê bình và tự phê bình" rất bí-mật và chỉ dành riêng cho đảng-viên. Hồi ấy Ðảng đã tự ý giải tán và rút lui vào bí-mật, bề ngoài vẫn có vẻ dân chủ. Vì chỉ giới hạn trong một số ít đảng-viên, và trước khi "phê và tự phê" bao giờ cũng điều-tra cặn kẽ, nên kết quả rất khả-quan. Nhiều khi đảng-viên bị "phê" thành thật nhận lỗi, không cần đến sự "bồi dưỡng" của tập thể. Nhưng từ 1950 trở đi, sau khi liên lạc trực tiếp với Trung Cộng, Việt Cộng thường tổ-chức những buổi kiểm-thảo cho cả đảng-viên lẫn cán-bộ ngoài đảng. Phương pháp này từ Hoa Nam, không phải từ Bắc-Kinh, tràn sang Việt-nam và "kịch-liệt" hơn phương-pháp "Phê và tự phê" nhiều lần. Người bị "phê" khoanh tay đứng trước hội-nghị trong khi mỗi người lần lượt đứng lên nêu khuyết-điểm của anh ta. Mọi người đã biên sẵn những khuyết-điểm nhận thấy nơi anh và dở sổ ra đọc. Sau đó hội-nghị phân tách và suy-luận để đạt tới kết luận là anh chàng bị "phê" quả có những tư-tưởng phản-động rồi dùng "áp-lực tập-thể" bắt anh ta phải thú-nhận khuyết điểm đã nêu ra.

Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

TỪ THỰC DÂN ĐẾN CỘNG SẢN

Nguyên tác Anh ngữ: Hoàng Văn Chí
Bản dịch: Mạc Định

Chương 8

DANH-SÁCH VIỆT-GIAN

Những người bị bắt và bị đấu tố trong cuộc "Ðấu tranh chính-trị" mà may mắn còn sống sót, thì bị đưa vào trại giam để công-an điều tra thêm. Vài tuần sau công-an tuyên bố là trong số những ngườI này quả có nhiều "Việt-gian" lợi hại, có chân trong một tổ chức bí mật, làm gián-điệp cho Pháp.

Trong năm 1951, nghĩa là hai năm về trước, Pháp có bỏ bom phá tan hệ thống dẫn-thủy nhập điền trong vùng Việt-minh kiểm-soát. Nhớ lại vụ oanh tạc này, Ðảng được dịp tuyên bố là chính những "Việt-gian" mà nhân dân đã "lột mặt" đã xui Pháp ném bom phá hủy các đập nông-giang. Ðảng còn nói rằng bọn họ đã vẽ địa-đồ các đập nước và các cầu cống và chuyển giao cho Pháp. Rõ ràng là một sự vô cùng phi-lý vì không có một người Việt-nam nào không hiểu rằng những cống và đập đó đều do Pháp xây-dựng và toàn bộ bản-đồ Việt-Nam và Ðông Dương đều do Pháp vẽ. Nói rằng Pháp quên không biết đập ngăn nước khổng lồ họ xây ngày trước bây giờ nằm vào chỗ nào và phải nhờ "Việt-gian" chỉ điểm mới nhớ ra thì cực kỳ khôi hài. Nhưng đối với cộng sản thì phi-lý không phải là một trở ngại cho tuyên truyền. Họ kinh nghiệm rằng đối với nông-dân chỉ việc nhắc đi nhắc lại một lý-luận thô sơ dễ hiểu thì dù phi-lý đến đâu cuối cùng nông dân cũng nhập tâm cho là thực. Ðặc biệt là nói về thực-dân Pháp và đế-quốc Mỹ thì kể hươu kể vượn thế nào cũng được, vì nhiều nông-dân suốt đời không hề thấy một người Pháp hoặc một người Mỹ. Một trung-đội trưởng Việt-Minh sau khi thắng trận Ðiện Biên Phủ về Hà-Nội hỏi dân thủ-đô có phải người Mỹ da đỏ hồng hào không. Ý hẳn anh ta chỉ nghe nói bên Mỹ có một chủng tộc thường gọi là Peaux Rouges. Ðối với trình độ kiến-thức như vậy thì dĩ-nhiên càng lý-luận giản-dị bao nhiêu, dân chúng càng ưa nghe bấy nhiêu.

Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2011

TỪ THỰC DÂN ĐẾN CỘNG SẢN

Nguyên tác tiếng Anh: Hoàng Văn Chí
Người dịch: Mạc Định

Chương 7

"ÐẤU CHÍNH TRỊ"


Giữa lúc bần dân thiên hạ đương thất điên bát đảo về thuế nông-nghiệp và công-thương-nghiệp, hai thứ thuế mà dân chúng gọi là "thuế thất-nghiệp" - thì Việt-cộng sửa soạn bí mật và bất thình-lình phát-động một chiến-dịch đại quy-mô chưa từng thấy trong lịch sử Việt-Nam. Bắt đầu vào giữa tối 23 tháng Chạp âm lịch, ngày lễ ông Táo lên chầu trời, vào đầu tháng Hai dương lịch năm 1953, cuộc khủng bố này có thể ví với cuộc tàn sát Saint Barthélémy trong lịch sử Pháp. Vì Việt Cộng sửa soạn rất bí mật, và phát động rất bất thình-lình nên ngoài đảng viên cao cấp không một ai biết trước kể cả viên chức ngạch trung-ương trong chính-quyền kháng-chiến. Vì cuộc khủng-bố này có tính cách hoàn toàn chính-trị, nên sau này được dân chúng mệnh danh là "đấu chính-trị". Chữ "đấu" bắt nguồn từ danh từ "đấu tranh", vì Việt Cộng giải thích đấy là một cuộc "đấu-tranh" của dân-chúng.


Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

TỪ THỰC DÂN ĐẾN CỘNG SẢN

Nguyên tác Anh ngữ: Hoàng Văn Chí
Người dịch: Mạc Định
(Tiếp theo)
Thuế Công Thương Nghiệp
Trong mấy năm đầu, Việt-Minh phong tỏa những vùng Pháp chiếm đóng, để ngăn cản không cho quân đội Pháp mua lương-thực và mua vật liệu để sửa chữa lại những nơi bị chiến tranh tàn phá. Vì vậy nên việc buôn lậu giữa hậu phương và vùng tề bị cấm ngặt, và hàng lậu bắt được bị tịch thu và đem đốt trước công chúng, trừ thuốc lá thơm và một vài xa-xí phẩm thì đem biếu cán-bộ cao cấp.

Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2011

TỪ THỰC DÂN ĐẾN CỘNG SẢN

Nguyên tác Anh ngữ của Hoàng Văn Chí
Người dịch: Mạc Định

PHẦN 3
CHUẨN BỊ THÀNH LẬP CHẾ ÐỘ ÐỘC TÀI

"Thà phụ người còn hơn để người phụ ta"
Phương-châm xử-thế của Tào Tháo trong Tam Quốc Chí.

Chương 6

BẦN-CÙNG-HÓA TOÀN DÂN

Hoàng Văn Chí

Sau khi ông Hồ vi hành sang Bắc-Kinh về thì hành động đầu tiên của ông là ban hành "Thuế Nông Nghiệp" một thứ thuế đã áp dụng ở Trung-Hoa từ hai năm trước. Cả Trung-Cộng lẫn Việt-Cộng đều khoe khoang rằng chính sách thuế khóa của họ vừa giản-dị vừa hợp tình hợp lý nhất, hơn tất cả mọi hình thức thuế từ xưa đến nay. Kể ra so với các thứ thuế của Pháp ở Ðông-Dương và của Quốc-dân-đảng ở Trung-hoa thì thuế của Cộng-sản quả có giản-dị thật, vì Cộng-sản chỉ đặt có năm thứ thuế: thuế nông-nghiệp, thuế công-thương-nghiệp, thuế sát-sinh, thuế lâm-thổ-sản và thuế xuất-nhập cảng.

Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011

TỪ THỰC DÂN ĐẾN CỘNG SẢN

Nguyên tác tiếng Anh: Hoàng Văn Chí
Người dịch: Mạc Định

Chương 5

 CÓ CÔNG MÀI SẮT, CÓ NGÀY NÊN KIM
 Việc Việt-cộng cướp được chính quyền ở Việt-Nam có thể coi là một hậu quả của Thế-chiến thứ Hai. Nhiều tác giả đã trình bày cặn kẽ về vụ này, nên trong cuốn sách nhỏ này chúng tôi chỉ lược kê lịch trình tổng quát, thay vì nghiên-cứu tỉ mỉ, vì chúng tôi muốn dành chỗ để nói nhiều hơn về một điểm mà chưa ai nói tới. Ấy là việc Việt-cộng áp-dụng chiến lược Mao-Trạch-Ðông để thành lập chế-độ vô-sản chuyên-chính tại Việt-Nam. Về một vài sự việc nào đó, sự trình bày của chúng tôi có thể khác với sự trình bày của một quan sát viên từ bên ngoài nhìn vào. Sở dĩ như vậy là vì chúng tôi chỉ căn cứ vào những sự tai nghe mắt thấy trong thời gian tham gia kháng chiến, không dựa vào những tài liệu của Cộng sản hoặc của Pháp, vì những tài liệu đó thường mâu thuẫn và nhiều khi không xác thực.

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

Từ Thực Dân Đến Cộng Sản

Nguyên tác tiếng Anh: Hoàng Văn Chí
Người dịch: Mạc Định

 Phong trào Mặt Trận Bình Dân

Chính sách dùng Cộng-sản "Mẫu-quốc" thay mặt Moscou điều-khiển Cộng-sản "Thuộc-quốc" bắt buộc Ðệ-tam Quốc-tế phải thay đổi chiến lược. Vì Cộng-sản thuộc-quốc từ nay phải tuân theo lệnh cộng-sản mẫu-quốc nên Ðệ-tam Quốc-tế không cho đề cao tinh-thần dân-tộc và bắt phải gác bỏ các khẩu hiệu chống thực-dân, thay thế bằng những khẩu-hiệu chống tư-bản. Từ đấy, tuyên truyền cộng-sản không đả kích chính-quyền thuộc-địa mà chỉ đả kích tư bản Pháp và Việt.

Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2011

TỪ THỰC DÂN ĐẾN CỘNG SẢN

Nguyên tác Anh ngữ: Hoàng Văn Chí
Người dịch: Mạc Định

Phong trào Sô-Viết Nghệ An
Về tới Moscou, ông Hồ được đệ-tam Quốc-tế phái sang Berlin hoạt-động cho Liên-hiệp Phản-Ðế, nhưng chẳng bao lâu, ông lại được phái sang Bangkok là nơi đệ-tam Quốc-tế mới đặt trụ-sở Nam-Hải Vụ. Ông Hồ làm việc dưới sự chỉ huy của một đảng-viên cộng-sản Pháp tên là Hilaire Noulens. Ông phụ-trách tuyên truyền và tổ chức Việt-kiều ở mấy tỉnh đông-bắc nước Xiêm, gần biên giới Lào. Việt-kiều ở Xiêm khá đông và gồm có hai loại. Một loại gọi là "An-nam cũ" là con cháu những người theo chúa Nguyễn chạy sang Xiêm từ cuối thế-kỷ thứ 18. Loại thứ hai là "An-nam mới" gồm những người buôn bán ở Lào, có dịp sang Xiêm, rồi thấy ở Xiêm dễ sinh nhai, nên ở luôn bên ấy. Ngoài ra còn một số cách mạng trốn Pháp, chạy sang Lào rồi qua Xiêm. Nhiều người đã quên tiếng Việt và đã sinh hoạt in hệt người Thái, nhưng họ vẫn tha-thiết với quê hương đất tổ. Ðối với họ, ông Hồ lại tái diễn chiến lược của ông đã áp-dụng với Việt-kiều ở Tàu.

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

TỪ THỰC DÂN ĐẾN CỘNG SẢN


Nguyên tác tiếng Anh của Hoàng Văn Chí
Người dịch: Mạc Định

Chương 4

CỘNG-SẢN XUẤT HIỆN

Lịch trình phát triển của Cộng-sản ở Việt-Nam, kể từ ngày có những tiểu tổ Cộng-sản đầu tiên trên đất Việt cho đến ngày toàn thể Bắc Việt nằm dưới chế độ vô sản chuyên chính, có thể tạm chia làm sáu giai đoạn, mỗi giai đoạn là một phong trào đấu tranh thuận theo hoàn cảnh và tình hình lúc bấy giờ.

Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011

TỪ THỰC DÂN ĐẾN CỘNG SẢN

Nguyên tác Anh ngữ của Hoàng Văn Chí 
Bản dịch của Mạc Định

(Tiếp theo)

Chương 2
 VIỆT-NAM TRONG LỊCH-SỬ HIỆN ÐẠI
 MẤT NƯỚC VÀO TAY THỰC DÂN PHÁP

Nghe theo mưu kế của một giáo-sĩ đạo gia-tô tên là Pigneau de Béhaine, thường gọi là Bá-Ða-Lộc, Pháp bắt đầu can-thiệp vào nội-tình Việt-Nam, năm 1787, dưới hình thức một giao-ước ký với vị giáo-sĩ này, đại-diện cho Nguyễn-Ánh, hứa viện-trợ cho Nguyễn-Ánh một số thuyền bè và võ-khí để kháng cự với Tây-sơn. Ðiều-kiện bắt buộc là nếu thắng, Nguyễn vương sẽ phải cống-hiến hàng năm, giúp Pháp khuếch trương buôn bán, chinh phục thêm đất đai ở Viễn-đông và nhường đứt cho Pháp cửa Hội-an và quần đảo Côn-lôn. Nhưng ngay sau khi ký, Pháp ngần-ngại không viện-trợ và chỉ hai năm sau cuộc Ðại Cách-mạng Pháp bùng nổ, Pháp-đình bị lật đổ nên tờ giao ước "bán nước" trở thành giấy lộn.

Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2011

TỪ THỰC-DÂN ÐẾN CỘNG-SẢN (FROM COLONIALISM TO COMMUNISM)

HOÀNG-VĂN-CHÍ

MỘT KINH-NGHIỆM LỊCH-SỬ CỦA VIỆT-NAM
Bản dịch của MẠC-ÐỊNH

Lời Tòa soạn Diễn Đàn Thế Kỷ: Thái độ lệ thuộc rất rõ rệt của chính quyền cộng sản Việt Nam hiện tại đối với Trung Quốc đang làm cho dân chúng Việt Nam trong nước và hải ngoại ngạc nhiên và phẫn nộ. Muốn hiểu thái độ ấy, cần phải khảo sát sự liên hệ của đảng cộng sản Việt Nam đối với đảng cộng sản Trung Quốc như thế nào, kể từ khi đảng CS TQ chiếm được toàn thể lục địa Trung Hoa (1949). Lịch sử sự lệ thuộc ấy đã được học giả Hoàng Văn Chí ghi lại trong cuốn sách “Từ Thực Dân Đến Cộng Sản” được xuất bản vào đầu thập niên 1960. Nguyên tác cuốn sách bằng Anh ngữ, kính mời bạn đọc theo dõi bản dịch Việt ngữ của Mạc Định sau đây.
GIỚI THIỆU TÁC-GIẢ VÀ TÁC-PHẨM

Tác giả Hoàng Văn Chí

Hoàng Văn Chí
Các bạn đọc có thể ngạc nhiên khi thấy một cuốn sách tiếng Việt, tác giả là người Việt, mà lại là bản dịch. Trường hợp có hơi bất thường nhưng lý do là tại tác giả, ông Hoàng-Văn-Chí đã viết nguyên bản bằng tiếng Anh, xuất bản ở ngoại quốc để trực tiếp trình bày vấn đề Việt-Nam với đọc giả quốc tế và phổ biến kinh nghiệm Việt-Nam rộng ra khắp thế giới tự do.

Ông Hoàng, hiện còn bôn ba ở hải ngoại, đã tự giao cho mình trọng trách này vì trước khi rời khỏi Bắc-Việt năm 1955, ông đã hứa với các bạn bè trong hàng ngũ trí thức kháng chiến là ông sẽ cố gắng nói lên tâm trạng đau thương của họ và của toàn thể nhân dân miền Bắc đương quằn quại dưới chế độ Cộng-sản. Sau mười năm cặm cụi theo đuổi một mục đích, ông Hoàng đã hoàn tất một phần lớn nhiệm vụ tinh thần kể trên vì như ông P.J. Honey, giáo sư Ðại-Học-Ðường Luân Ðôn đã công nhận, chính nhờ ở các tác phẩm của ông Hoàng mà thế giới bên ngoài đã biết nhiều về nội tình Bắc Việt và chiến thuật Mao-Trạch-Ðông. Thực sự, không một tác phẩm nào của ông không được phổ biến khắp thế giới tự do, dịch ra năm bảy thứ tiếng, từ tiếng Ðan-mạch đến các thổ ngữ Ấn-Ðộ, từ các tiếng Á-đông đến tiếng I-pha-nho ở Nam-Mỹ. Hiện nay ông là nhà văn Việt-Nam có nhiều đọc giả nhất ở ngoại quốc.