Hiển thị các bài đăng có nhãn Hoàng Giang. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hoàng Giang. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 28 tháng 3, 2017

Hoàng Giang/VOA: Đạo đức chìm xuồng


Trong blog của mình, tôi đã đề cập đến vấn đề lạm dụng trẻ em qua rất nhiều bài viết, đặc biệt trong khoảng thời gian có 2 sự kiện diễn ra song song, đó là vụ diễn viên hài Minh “béo” bị bắt giữ tại Mỹ do có hành vi ấu dâm với trẻ vị thành niên và một bé gái bị lạm dụng bởi ông Nguyễn Khắc Thủy (sinh năm 1940) tại Vũng Tàu. Cho đến nay, khi mà vụ án Minh “béo” được giải quyết xong xuôi, phạm nhân đã mãn hạn tù và quay trở lại Việt Nam thì vụ tại Vũng Tàu vẫn lửng lơ, chưa có quyết định xét xử từ phía tòa án chính quyền dù rất nhiều bằng chứng đã được cung cấp, thậm chí có nguy cơ bị đình chỉ. Chỉ duy nhất một thông tin được biết thêm: đó là kẻ xâm hại cháu bé từng là giám đốc ngân hàng nhà nước chi nhánh Vũng Tàu, kiêm Đảng viên lâu năm. Chi tiết tưởng chừng cỏn con nhưng lại là lời giải đáp cho sự chìm xuồng đáng ngờ của vụ này.

Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2017

Hoàng Giang: Việt Nam qua ống kính quốc tế

Tràng An, Ninh Bình.
Trên trang mạng điện tử nationageographic.com ngày 11 tháng 8 năm 2016 có đăng một bài viết với tựa đề “Behind the Curtain of Vietnam’s Oldest Circus” (Đằng sau tấm màn nhà xiếc lâu đời nhất Việt Nam). Bài viết là câu chuyện cùng chuỗi những tấm hình được chụp bởi nhiếp anh gia người Uruguay Christian Rodriguez tại 2 rạp xiếc tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Anh có đưa đầy đủ bộ ảnh mang tên “Xiec” trên trang web cá nhân christian-rodriguez.com cùng thông tin về những chuyến đi cũng như hành trình cụ thể về nguồn gốc của bộ ảnh này. Xiếc là một nghệ thuật lâu đời tại Việt Nam nhưng dần bị lãng quên bởi các loại hình nghệ thuật hiện đại hơn như điện ảnh. Thế hệ chúng tôi khi còn nhỏ vào những năm 90 vẫn thường được trường học tổ chức hoặc gia đình cho đi xem xiếc, xem rối. Đến nay thì những hoạt động như thế không còn phổ biến tại các thành phố lớn nữa.

Thứ Tư, 4 tháng 1, 2017

Hoàng Giang: Khi những mầm ươm nghệ thuật bị chết yểu


Sau đêm diễn thành công của mình, Nguyễn Thanh Nhật Minh bị loại ngay khỏi cuộc thi 'Sing My Song' vì bị cáo buộc là 'phản động' do trên trang Facebook cá nhân của anh thể hiện quan điểm 'chống phá nhà nước.'
Tháng 11/2016, một sân chơi ca nhạc mang tên Bài hát hay nhất - Sing My Song ra mắt khán giả Việt và được nhiều người yêu thích. Đây là chương trình dành cho các nhạc sĩ trẻ sáng tác và hát ca khúc của mình. Do tính chất thúc đẩy sự sáng tạo, “Sing My Song” đã đem lại một luồng gió mới cho nền âm nhạc Việt với rất nhiều ca khúc hay, độc đáo, thể hiện tinh thần dân tộc. Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng phát sóng, tập 5 mới ra mắt ngày Chủ nhật (17/12/2016) vừa rồi thì ngay lập tức bị gỡ xuống khỏi trang mạng Youtube, bởi có phần trình diễn của thí sinh Nguyễn Thanh Nhật Minh. Sau đêm diễn thành công của mình, chàng nhạc sĩ trẻ sinh năm 1988 này bị loại ngay khỏi cuộc thi vì bị cáo buộc là “phản động” do trên trang Facebook cá nhân của anh thể hiện quan điểm “chống phá nhà nước.” Cụ thể là Nhật Minh lên tiếng bảo vệ blogger Mẹ Nấm và Luật sư Lê Công Định sau khi những người này bị bắt vì có hành vi gọi là “tuyên truyền chống nhà nước” cũng như bày tỏ nỗi bất bình với các sự kiện chính trị trong nước. Trường hợp của Nhật Minh khiến toàn bộ ê kíp chương trình phải hoãn và duyệt lại hồ sơ của tất cả các thí sinh. Hiện nay, một thí sinh thứ hai cũng có nguy cơ bị loại khỏi chương trình với lý do tương tự.

Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2016

Hoàng Giang: Bàn chuyện học ngoại ngữ

Sinh viên trong một lớp học ở thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa)
Cách đây không lâu cả nước Việt nhốn nháo lên với thông tin về việc quyết định đưa vào chương trình giáo dục phổ thông hai ngoại ngữ mới là tiếng Trung và tiếng Nga vào năm tới. Hầu hết các ý kiến đưa ra tỏ ra bất bình với dự định này. Lý do phổ biến nhất là do dân Việt đang trong tình trạng ghét bỏ Trung Quốc và việc yêu cầu dân Việt học tiếng Trung như dự báo về việc thắt chặt hơn tình anh em giữa 2 chính phủ Việt - Trung trong tương lai gần. Mới đây tôi cũng vô tình đọc được một bài viết tâm sự của một người bạn kể về môi trường làm việc của mình cùng rất nhiều đồng nghiệp nước ngoài từ các nước trong khu vực Đông Nam Á. Bạn có sắp xếp đánh giá về khả năng tiếng Anh của đồng nghiệp, trong đó người Philippines đứng thứ nhất và Việt Nam xếp hạng chót. Nhìn loanh quanh trong phạm vi khu vực Đông Nam Á, Philippines, Singapore và Malaysia hầu như thành thạo ít nhất 2 thứ tiếng là tiếng mẹ đẻ như tiếng Trung và tiếng Anh. Tiếng Anh là ngôn ngữ người dân tại các nước này giao tiếp qua lại hàng ngày chứ không chỉ đơn thuần là tên một môn học trong chương trình chính quy để thi đại học.

Thứ Tư, 9 tháng 11, 2016

Hoàng Giang: Im lặng không làm chúng ta vô can


Chính trị luôn là một vấn đề phức tạp, một “lãnh địa” nhạy cảm mà hầu hết chúng ta thường từ chối đề cập hay đụng chạm tới nếu muốn đảm bảo một cuộc sống ổn định, yên bình. Nhất là tại những đất nước có một thể chế còn hơi hướng độc tài như Việt Nam. Lớp trẻ như chúng tôi, đáng nhẽ được kỳ vọng là nhân tố quan trọng để thay đổi tương lai của đất nước, thì hơn ai hết, chúng tôi lại càng muốn tạo một vỏ bọc bình an nhất có thể. Không phải bởi tuổi trẻ ngu ngơ và bị tẩy não. Sống ở các thành phố lớn, được cha mẹ tạo mọi điều kiện để được giáo dục đàng hoàng, thậm chí là đi đông đi tây khắp chốn và trở về với kiến thức đầy đủ và tân tiến, đa số người trẻ Việt vẫn có thái độ khá hờ hững với chính trị nước nhà. Chính trị chỉ là đôi ba câu chuyện vui vô thưởng vô phạt khi tụ tập bàn nhậu, tiệc tàn, tất cả lại lui sâu vào lớp vỏ yên bình.

Thứ Hai, 17 tháng 10, 2016

Hoàng Giang: Bởi người dân không có quyền lên tiếng

Người đàn ông chèo thuyền để vận chuyển hàng cứu trợ 
trong trận lụt ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, ngày 18/10/2010.

Tính đến thời điểm hiện tại, khoảng 70.000 ngôi nhà đã bị ngập tại Quảng Bình, hơn 24.000 ngôi nhà bị ngập tại Đà Nẵng. Mùa mưa đến, mùa lũ về, người dân miền Trung có thể đã quá quen với cuộc sống song hành cùng thiên tai. Nhưng nó trở nên khủng khiếp và đau lòng hơn khi chính chính quyền của dân “tiếp tay” cho dòng lũ thêm dữ bằng cách xả lũ từ nhà máy thủy điện mà không hề báo trước. Chúng ta bàng hoàng nhận ra đây như một phiên bản Việt của câu chuyện chính quyền Trung Quốc đột ngột xả đập gây lũ kinh hoàng khiến hàng trăm nghìn người dân thành phố Thiên Môn, tỉnh Hồ Bắc gặp nạn vào tháng 7 năm 2016. Trên các kênh truyền hình hay báo chí nhà nước, không một thông tin nào về việc xả đập được đề cập đến, người dân chỉ biết thông báo cho nhau qua các trang mạng xã hội khi nước đã tràn đến cách cửa nhà chỉ vài cây số. Trong cuộc họp báo trả lời những chất vấn của người dân, chính quyền thành phố Thiên Môn chối bay chối biến rằng không có vấn đề xả nước mà không thông báo trước cũng như không hề có người thiệt mạng.

Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

Hoàng Giang: Quyền của phụ nữ Việt


Chuyện đôi lứa nổi tiếng thế giới Angelina Jolie và Brad Pitt đã kết thúc sau khi Jolie ký giấy ly hôn, chấm dứt cuộc tình đẹp Brangelina khiến hàng triệu người hâm mộ phải tiếc nuối. Nhưng tôi không bàn nhiều về chuyện tình của họ cũng như lý do tại sao chuyện tình tưởng đẹp như cổ tích cuối cùng lại tan vỡ. Điều tôi để tâm là Jolie, cũng như phần lớn những người vợ Mỹ, luôn sẵn sàng tự đặt dấu chấm hết cho cuộc hôn nhân của mình. Đáng chú ý hơn, Jolie cũng tuyên bố với báo chí rằng cô không cần bất cứ sự hỗ trợ tài chính nào từ Brad Pitt và vẫn cho anh được quyền thăm con. Họ có 6 đứa con kể từ khi bắt đầu mối quan hệ chính thức.

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2016

Hoàng Giang - Những vinh quang đơn độc

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh trở thành vận động viên đầu tiên của Việt Nam giành huy chương vàng tại một kỳ Thế vận hội.
Sự kiện vận động viên Hoàng Xuân Vinh lần đầu tiên mang về cho Việt Nam huy chương vàng tại Olympic 2016 trong bộ môn thi bắn súng đã gây được nhiều chú ý trong tuần vừa qua. Không chỉ báo chí trong nước đưa tin bày tỏ sự tự hào về anh mà báo chí nước ngoài cũng có những bài viết về thành công này của vận động viên Việt Nam. Nhưng phải đến khi Hoàng Xuân Vinh đạt được thành tích này ở tuổi 41 chúng ta mới biết đến anh, mới dành sự quan tâm đến quãng đường thi đấu của anh với nhiều câu chuyện dở khóc dở cười. Anh đã từng phải đi mượn súng khi tham gia giải đấu ISSF World Cup dành cho súng trường và súng ngắn tại Đức vào năm ngoái. Việc đi mượn một khẩu súng với chất lượng tốt chỉ trong thời gian ngắn trước khi thi đấu là vô cùng hy hữu. Những cửa hàng anh Vinh đến mượn có lẽ cũng phải ngơ ngác khi có một vận động viên chuyên nghiệp đi mượn súng để thi đấu.

Thứ Tư, 29 tháng 6, 2016

Hoàng Giang - Các bạn trẻ, tại sao không tung cánh?

Tổng thống Mỹ Barack Obama chào đón các bạn trẻ 
trong cuộc gặp gỡ Các nhà Lãnh đạo trẻ Đông Nam Á tại Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam, 
ngày 25 tháng 5 năm 2016.

Thời còn đi học, hầu hết chúng tôi khi được hỏi có dự định gì khi ra trường đều nói muốn được làm công việc mình ưa thích, đúng chuyên ngành. Một cô bạn học báo truyền hình mong một ngày được đứng trên sân khấu làm MC chương trình ca nhạc sống động, hay anh chàng học tài chính ngân hàng thì muốn tìm hiểu cơ hội việc làm trong thị trường chứng khoán, buôn bán cổ phiếu… Có những mơ ước rất hay và thực tế, tuy nhiên sau tất cả, họ đều chọn cho mình một công việc nhà nước rất an vị. Và một điểm chung là những vị trí đó đều có được nhờ mối quan hệ của gia đình.
Mới đây, trưởng ban thành ủy Hà Nội đã xác nhận rằng huyện Mỹ Đức toàn cho con em, người thân, họ hàng vào cơ quan công tác tại huyện này là có thật. Việc cơ chế tuyển dụng đều “đúng quy trình, đúng thẩm quyền” đặt ra nhiều nghi vấn. Sự việc ông Vũ Quang Hải, 28 tuổi, con trai Bộ trưởng bộ Công Thương được bổ nhiệm vào vị trí quan trọng của bộ này, cũng như làm phó tổng CTCP Bia rượu Sài Gòn Sabeco cũng khiến dư luận chú ý. Một vài luồng thông tin ngoài lề còn cho biết thêm các vị trí lãnh đạo cấp cao của Sabeco cũng toàn do COCC (con ông cháu cha) nắm giữ.

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2016

Hoàng Giang - Người làm báo không có tiếng nói

Một phụ nữ đi ngang qua sạp bán báo trên đường phố
ở Hà Nội, ngày 13 tháng 4 năm 2015.
Không rõ từ bao giờ mà nghề làm báo ở Việt Nam bị coi như một thứ nghề mạt hạng đến vậy, bị cả phía dân lẫn phía chính quyền khinh khi. Ngay sau vụ một chai nước giải khát của Tân Hiệp Phát bị phát hiện có chứa 1 con ruồi, thì công ty TNHH URC bị tố cáo đã sử dụng gần 600 tấn acid citric nhiễm độc chì nặng trong hơn 1.500 lô sản phẩm, tương đương 1 tỉ chai nước trà xanh C2 và Rồng đỏ. Tuy nhiên, thông tin này không được dư luận biết đến và quan tâm cho đến khi có nguồn tin hàng loạt tờ báo có tiếng ở Việt Nam bị URC mua chuộc để viết bài theo ý của tập đoàn này. Theo thông tin được chia sẻ, số tiền mà URC dùng để đút lót lên tới hơn 10 tỷ đồng. Cho đến nay, các bài báo bênh vực, bào chữa cho tập đoàn này vẫn chưa được chỉnh sửa hoặc gỡ xuống. Và quan trọng hơn, số lượng sản phẩm của URC vẫn được bày bán trên thị thường Việt.

Thứ Tư, 22 tháng 6, 2016

Hoàng Giang - Người dân trong chế độ chủ nghĩa xã hội

Mảnh vỡ rúm ró, và biến dạng của chiếc máy bay tuần thám CASA 212 8983 
của cảnh sát biển Việt Nam.

Vụ 2 máy bay SU-30MK2 và CASA 212 bị rơi cũng như cái chết của anh Trần Quang Khải và 9 người lính vẫn còn đang mất tích trên những chuyến bay đó khiến cả nước bàng hoàng. Rất nhiều người đã gọi sự ra đi của những người lính không quân này là một “sự hy sinh” dù chưa hề biết nguyên nhân tại sao máy bay rơi, như một sự ám chỉ về một cuộc chiến mơ hồ đang diễn ra ngoài biển khơi.
Từ xưa đến nay, hình tượng người lính trong chế độ xã hội chủ nghĩa được xây dựng rất đẹp đẽ. Đài VTV có hẳn một chương trình Chúng tôi là chiến sĩ được tổ chức và lên sóng hàng tuần để khán giả được gặp gỡ và tiếp xúc với những người lính đang vất vả ngày đêm bảo vệ Tổ quốc. Hàng năm, các các bộ cấp cao nhà nước, các cơ quan báo chí đã qua kiểm duyệt được phép ra quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thăm viếng lính biển đảo như một niềm vinh dự lớn lao. “Người chiến sĩ công an”, “anh bộ đội cụ Hồ” cao cả đến mức trở thành ước mơ tuổi nhỏ của bất cứ đứa trẻ Việt Nam nào. Và cái chết của các anh, cũng đẹp và đáng trọng hơn người khác. Ngày 21/06, ngày nhà báo Việt Nam, một nhà báo đã chính thức bị tước mất thẻ nhà báo và đình chỉ chức vụ, chỉ vì lỡ sử dụng từ “tan xác” để miêu tả chiếc máy bay CASA, bị cho rằng quá tàn nhẫn và phản cảm trong không khí “quốc tang.”

Thứ Năm, 9 tháng 6, 2016

Hoàng Giang - Ngành du lịch Việt Nam đi về đâu?

Một khách du lịch đi dạo trên bãi biển Nha Trang. Hình minh họa. 
Một người bạn của tôi cùng gia đình vừa đi du lịch Nha Trang về quả quyết nói rằng sẽ không quay lại thành phố biển này nữa vì có cảm tưởng như “lạc đường sang Trung Quốc” trước cảnh quá nhiều khách du lịch Trung Quốc. Những tưởng việc du khách nước ngoài đến sẽ làm tăng thu nhập kinh tế cho người dân nơi đây, và ngành du lịch Việt nhưng ngược lại, phía hưởng lợi lại chính là Trung Quốc. Rất nhiều nhà hàng, khách sạn và các hoạt động du lịch khác hiện nay tại Nha Trang, Khánh Hòa do người Trung Quốc xây dựng, tổ chức và chỉ phục vụ cho khách Trung Quốc. Tất nhiên, những người chủ của các cơ sở kinh doanh đó núp bóng đằng sau người Việt Nam công khai đứng tên. Du khách Việt không thể đặt chỗ tại nhiều khách sạn và mua sắm ở một số cửa hàng trong khu vực du lịch.

Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2016

Hoàng Giang - Dân trí Việt có thấp?


Cuối năm 2015 Google Search công bố một loạt các “từ khóa” (key word) được tìm kiếm nhiều nhất trong năm tại mỗi nước. Dựa vào đó, dân tình Việt khẳng định rằng dân trí nước mình là vô cùng thấp, khi mà từ khóa đứng đầu là tên bài hát Vợ người ta, tiếp đến là hàng loạt các bài hát khác của ca sĩ trẻ Sơn Tùng MT-P và một số chương trình phim truyện truyền hình khác. Kết luận trên được rút ra vì đa số người so sánh với từ khóa tìm kiếm tại các nước khác như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản… và hầu hết dân chúng các nước đó tập trung vào các vấn đề thời sự nóng hổi như ISIS, MERS hoặc ô nhiễm môi trường đất, nước. Thực ra thì bản thân tôi cho rằng những kết quả công bố như vậy chỉ mang tính chất “cho vui” chứ khó có thể rút ra được kế luận dân trí các nước thấp hay cao. Bởi vì cao/thấp thế nào thì cứ nhìn tổng thể sự phát triển của mỗi đất nước là quyết định được liền, không cần đến Google.

Thứ Năm, 4 tháng 2, 2016

Hoàng Giang - Du học Việt Nam

Hình minh họa. 

Tôi vừa mới trở về từ một cuộc hội thảo quốc tế tại Hàn Quốc. Đây là một cuộc hội thảo nhỏ về các nghiên cứu di tích lịch sử văn hóa và sự tác động của các công cuộc phát triển đổi mới đối với truyền thống văn hóa. Với tư cách là một người tham dự, tôi nể phục cách thức tổ chức cũng như thái độ chuyên nghiệp của người Hàn cũng như thành viên đến từ các nước khác như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan.

Trước hết, tiếng Anh không hề phổ biến tại Hàn nhưng số lượng du học sinh hay nghiên cứu sinh cũng như giáo sư từ nhiều nước trên thế giới đến Hàn Quốc không hề nhỏ. Họ cũng sẵn sàng bỏ ra một khoảng thời gian từ 6 tháng đến 1 năm để giao tiếp được bằng tiếng Hàn và dành thời gian nghiên cứu tại đây. Chính phủ Hàn có một khoản đầu tư rất lớn dành cho việc nghiên cứu trong hầu hết mọi lĩnh vực từ khoa học tự nhiên đến các vấn đề xã hội. Và họ làm nghiên cứu cực kỳ nghiêm túc. Những cuộc hội thảo nhỏ như trên diễn ra gần như hàng tháng giữa các trường đại học trong nước, và hàng quý với các trường học quốc tế tại nhiều quốc gia. Học sinh đi tham dự các cuộc hội thảo dù có phải thuyết trình hay không đều ngồi lắng nghe và đóng góp ý kiến rất tích cực. Tôi thấy họ trân trọng từng cơ hội được giao lưu và học hỏi.

Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2016

Hoàng Giang - Trong lòng Hà Nội

Rùa Hồ Gươm được đưa lên bờ để chữa trị các vết thương ngày 3/4/2011.

Người ta thường nghĩ đến gì khi nhắc đến trong lòng Hà Nội? Hẳn là mặt Hồ Gươm màu xanh ngọc với Tháp Rùa nhỏ nhắn giữa lòng hồ, và bên dưới mặt hồ là linh vật trăm năm nằm lặng yên, chứng kiến biết bao sự kiện đổi thay của đất kinh kỳ. “Cụ” rùa – linh vật của đất Hà thành ngày 19/1/2016 đã mất. Tuy nhiên, thông tin “cụ” mất vừa được các báo đưa lên chưa đầy một giờ đồng hồ đã phải đồng loạt gỡ xuống vì nghe đâu đó việc dư luận xôn xao sẽ gây ảnh hưởng đến kỳ Đại hội XII vào ngày 20/1. Nghe quả thật ấu trĩ, nhưng ở Việt Nam thì những việc như thế kể ra vẫn thấy hợp lý vô cùng.

Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2016

Hoàng Giang - Học được gì từ truyện ngụ ngôn cổ tích?


Nói về kho tàng văn học dân gian Việt Nam với một số tác phẩm được in ấn trong sách truyện ngày nay, tôi ưa thích hơn cả là ca dao, vì nghe cũng vui tai và ít nhiều thể hiện được sự phong phú của ngôn từ, văn hóa vùng miền cũng như đất nước nói chung. Nhưng riêng về chuyện ngụ ngôn, đa số được viết ra để giải thích các sự kiện tự nhiên, và cổ tích thì quả thật có rất nhiều truyện khá phổ biến mà mỗi khi vô tình đọc được, tôi không hiểu sao đến giờ vẫn được đưa vào sách truyện thiếu nhi, thậm chí là sách giáo khoa để dạy học trên trường lớp. Tháng 12 vừa qua, trong một tờ tạp chí song ngữ “nằm kệ” trên nhiều chuyến bay hãng hàng không nội địa, truyện “Gốc tích cái nốt dưới cổ con trâu” đã được in và dịch sang tiếng Anh. Truyện có nội dung như sau:
Ngày đó trâu cùng nói một thứ tiếng với người. Nhờ thế người dùng lời nói để sai khiến con vật theo ý muốn của mình rất tiện. Cũng nhờ thế, những gã mục đồng đối với trâu không dám đánh đập tàn tệ hoặc cho ăn thiếu thốn vì sợ trâu mách chủ. Có một người làm ruộng thuê một cậu bé để chăn con trâu. Cậu bé này tính ham chơi, nhiều khi quên mất phận sự của mình làm cho trâu nhiều lúc chả được miếng gì vào bụng. Những lúc đó, để che mắt chủ, hắn đã dùng một mẹo là lấy mo cau áp một lớp vào bụng con vật, rồi trát đất bùn ra ngoài. Chủ nhà nhìn thấy bụng trâu căng lớn tướng thì tỏ ý hài lòng mà không căn vặn gì nữa. Nhờ thế, cậu ta đã lừa được chủ nhiều lần nhưng cũng nhiều lần làm cho trâu rất tức tối. Một buổi sáng, người chủ dắt trâu ra cày ruộng. Trâu mách. Sự giả dối của cậu bé chăn trâu vì thế bại lộ. Hôm đó người chủ vừa lột những cái mo đầy bùn dưới bụng trâu vừa đánh cho hắn một trận mê tơi. Cậu bé ngồi trên bờ ruộng giọt ngắn giọt dài. Bỗng dưng có một ông lão hiện ra sau lưng, hỏi cậu bé vì cớ gì mà khóc. Hắn chỉ vào trâu và kể cho ông nghe hết đầu đuôi. Ông lão nghe xong dỗ dành cậu bé và nói: "Ta rất thương con gặp phải chuyện không may. Bây giờ con muốn gì ta sẽ làm cho con vui lòng". Hắn đáp: "Vì nó biết nói làm cho con phải đòn. Bây giờ chỉ muốn làm thế nào cho nó không thể nói được nữa. Ông lão rút trong người ra một cây hương đốt lên thư phù vào trâu, rồi bất thình lình ông lấy cây hương đó gí vào dưới cổ con vật. Trâu cố giãy giụa nhưng không kịp. Trâu kêu lên oai oái khản cả cổ. Tiếng nói của trâu dần dần mất hẳn, chỉ còn phát ra có mỗi một tiếng "nghé ọ..." mà thôi. Chỗ bị thương sau thành một cái sẹo như cái nốt ruồi, từ đó trâu không nói được nữa.

Thứ Tư, 16 tháng 12, 2015

Hoàng Giang - Tuổi 25 và ước mong nhìn thấy biển


Tại bang Tennessee, Mỹ, bà Ruby Holt, 101 tuổi, đã kỷ niệm sinh nhật của mình trên bờ biển tại vịnh Mexico. Đó cũng là ước muốn của bà, “trước khi chết, hãy cho tôi được nhìn thấy biển” bởi suốt đời bà chỉ quanh quẩn nơi cánh đồng và rặng núi, cần cù làm lụng chịu khó nuôi 4 người con khôn lớn. Bà chưa bao giờ dành được cho bản thân mình một chuyến đi xa. Hình ảnh bà cụ ngồi trầm ngâm trước biển cả rộng lớn, trên chiếc xe lăn vừa cô đơn, vừa vĩ đại. Nó như một khoảnh khắc nở bung ra, tràn vào từng ngóc ngách nhỏ hẹp trong cuộc sống vốn bình yên của một người đã đi đến cuối cuộc đời.

Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2015

Hoàng Giang - Ước mơ xa xỉ về sự giản dị


Thời gian sau khi tốt nghiệp đại học và quyết định quay về Hà Nội đối với tôi là một quãng thời gian khá khó khăn. Điều tôi hoang mang nhất, và cho đến giờ vẫn là lý do khiến tôi xách va li rời xa khỏi nơi này, không phải là sợ nghèo, sợ bẩn, sợ thất nghiệp, mà là không “theo kịp” lối sống thủ đô.

Tôi có những người bạn bằng tuổi mà giàu khủng khiếp, hàng hiệu chất đầy tủ, du lịch khắp nẻo thế giới, ăn uống tại vô số nhà hàng sang chảnh, và đặc biệt thay xe như thay áo. Dù có thể rất cạn kiệt về tiền, sự sang chảnh luôn luôn được giữ vững. Tôi mới về, ít bạn bè, nên cố gắng tạo được mối quan hệ mới qua người này người khác – những mối quan hệ bắc cầu. Vô tình bữa ăn hôm đó là sinh nhật của một “người bạn bắc cầu”, trước khi đi tôi hỏi qua về sở thích của nàng kia để tiện mua quà. Bạn tôi nói “Thôi chẳng cần mua đâu, con bé đó phải hàng hiệu xịn nó mới dùng, không là nó vứt xó.” Tôi chưng hửng. Và gần như im lặng suốt quãng thời gian ngồi trên xe taxi trên đường đến điểm hẹn. Hà Nội những ngày đó lạnh và buồn. Tôi thấy rõ ràng một cảm giác bị tách biệt, dù chẳng một ai đẩy mình ra xa. Những người bạn vẫn í ới vô tư gọi mỗi khi tụ tập. Tôi với mái tóc không nhuộm, khuôn mặt chỉ đánh chút son, mặc áo hoodie dày yêu thích mua trong hiệu sách của trường mùa đông năm ngoái, đi con xe ga cũ xì của mẹ đứng giữa hội bạn xúng xính Gucci, Hermes, tán gẫu trong quán café đắt đỏ nhất thành phố… và thấy bản thân mình không thuộc về không khí sang trọng kiểu vậy.

Thứ Tư, 11 tháng 11, 2015

Hoàng Giang - Khi nào người Việt ngừng hại chính người Việt?


Những ngày này, mẹ tôi thường dặn tôi khi đi công tác ở nước ngoài về nếu tiện thì mua cho gia đình thuốc vitamin bổ sung hay các loại thuốc thực phẩm chức năng. Ở nhà, mẹ cũng năng đi tìm hiểu và mua các loại vitamin tốt để uống bồi bổ sức khỏe. Mẹ cứ hay tâm sự “bây giờ ăn uống cơm canh là phụ, ăn vừa đủ, bổ sung vitamin là chính, vì thức ăn thấy ở đâu cũng không đảm bảo, ăn gợn người lắm con ạ.” Mẹ tôi là bác sĩ, tánh hay lo, cứ luẩn quẩn chuyện thuốc thang ăn uống như thế từ mấy năm nay. Ấy thế mà mọi người trong nhà vẫn khỏe re, hiếm khi ốm đau nghiêm trọng.


Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

Hoàng Giang - Lan man chuyện học sử nước nhà

Lịch sử giống như một con đường xuyên suốt từ quá khứ, đến hiện tại,
và dẫn lối đến tương lai. Chính vì vậy, mọi chi tiết trong sách sử luôn cần được viết
và được học đến một cách khách quan, chân thực, thẳng thắn nhất.

Đã quá lâu kể từ lúc tôi tốt nghiệp trường cấp 3. Kể từ đó, tôi không còn bận tâm nhiều về những đổi mới giáo dục. Dạo gần đây có đọc được tin dân tình la ó về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đưa môn lịch sử vào danh sách các môn học tự chọn trong chương trình học trung học phổ thông (THPT). Để giải thích về vấn đề này, Bộ GD&ĐT nói rằng lịch sử là một nội dung được tích hợp trong nột chương trình bắt buộc khác có tên là “Công dân với Tổ quốc”. Tức là nếu một số học sinh không chọn học riêng biệt, chuyên tâm vào môn lịch sử thì vẫn được trang bị kiến thức trong môn học công dân kia. Về vấn đề này, rất nhiều chuyên gia, giáo viên lịch sử, hay thậm chí người già, cựu chiến binh cảm thấy rất bất bình. Một bài báo có  nhan đề “Sử không còn, Tổ quốc có còn không?” của một cựu chiến binh được chia sẻ khá rộng rãi trong thời gian gần đây, chia sẻ nỗi canh cánh về thế hệ mới sẽ chẳng còn quan tâm đến những sự kiện lịch sử của đất nước.