Hiển thị các bài đăng có nhãn Hoài Hương. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hoài Hương. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 30 tháng 4, 2021

Hoài Hương-VOA: Đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin trong ngày cuối cùng của Sài Gòn

46 năm về trước, ngày 30/4/1975, hàng ngàn người Mỹ, quan chức, quân nhân Việt Nam Cộng Hòa cùng với thường dân di tản khỏi Sài gòn. Trong số những người cuối cùng rời Sài gòn trong chiến dịch mệnh danh là Gió Lốc – Operation Frequent Wind, có vị Đại sứ cuối cùng của Hoa Kỳ tại miền Nam Việt Nam: Đại sứ Graham Martin.

Chiến dịch Gió Lốc do Thủy quân Lục chiến Mỹ thực hiện, được xúc tiến vào giờ thứ 25 của cuộc chiến, diễn ra giữa cơn hoảng loạn, trong nỗi tuyệt vọng và kinh hoàng của người dân miền Nam trước viễn ảnh đen tối là nếu không rời Sài gòn, họ sẽ rơi lại sau bức màn sắt của một chế độ cộng sản. Đa số những người vào được khuôn viên tòa đại sứ là những quân dân cán chính Việt Nam ít nhiều có liên hệ với người Mỹ và thân nhân của những người này.

Chiến dịch Gió Lốc cũng được thực hiện trong khi vị đại sứ cuối cùng của Mỹ tại Sài Gòn nhất định từ chối bước lên máy bay di tản, và cố tìm cách kéo dài thời gian để có thể sơ tán càng nhiều người miền Nam chừng nào hay chừng ấy, bất chấp sự hối thúc và cả lệnh trực tiếp từ Phòng Bầu dục, Tòa Bạch Ốc.

Phi công lái trực thăng sơ tán Đại sứ Martin


Tháng tư năm 1975, Gerry Berry là viên phi công của Thủy quân Lục chiến Mỹ đã đáp chiếc trực thăng Sea Knight lên nóc Tòa Đại sứ Hoa Kỳ ở Sài gòn. Sứ mạng của chàng phi công trẻ là sơ tán ông đại sứ.

Ông kể lại với báo Des Moines Register:

“Tôi đáp máy bay và nói ‘tôi đến đây để sơ tán ông đại sứ’, một người trả lời, ‘Được, nhưng ông ấy chưa sẵn sàng’… Thế rồi họ đẩy nhiều người Việt và công dân các nước khác lên đầy chiếc trực thăng của tôi rồi bảo, anh đi đi!”

Thứ Tư, 4 tháng 11, 2020

Hoài Hương-VOA: Sức mạnh của lá phiếu Người Mỹ gốc Á trong cuộc bầu cử 2020

Chưa bao giờ tiếng nói của người Mỹ gốc Á và Dân đảo Thái Bình Dương (AAPI) lại có trọng lượng như trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020, vì sự lớn mạnh của các cộng đồng này tại các bang chiến trường trải dài từ vùng Trung-Tây, miền Nam và Tây-Nam nước Mỹ, nơi kết quả bầu cử sít sao năm 2016 khiến cho lá phiếu của thành phần cử tri này, dù là một thiểu số, nhưng có ảnh hưởng bất cân xứng đối với kết quả bầu cử năm nay.

Cộng đồng người Mỹ gốc Á-Thái Bình Dương đã tăng trưởng đáng kể trong 20 năm qua, theo phúc trình của Pew Research 2020 thì hiện nay tổng cộng có hơn 2 triệu cử tri thuộc thành phần này.

Cuộc khảo sát do Hiệp hội Giáo dục Quốc gia (NEA) bảo trợ được thực hiện từ tháng 7 tới tháng 9, phỏng vấn 875 người gốc Á, để tìm hiểu thêm về một thành phần cử tri mà trong các cuộc bầu cử trước ít khi được ngó ngàng tới.

Phúc trình nêu bật sự kiện gần 1/3 cử tri gốc Á và Thái Bình Dương (AAPI) đăng ký đi bầu sinh sống ở các bang Arizona, Florida, Georgia, Michigan, Minnesota, Nevada, North Carolina, Pennsylvania, Texas và Wisconsin.

Giám đốc chính trị của NEA Carrie Pugh lưu ý rằng nói tới các cuộc thăm dò về cộng đồng AAPI, các bang lớn như California, Texas, New York và New Jersey thường được chú trọng quá đáng trong khi các cộng đồng AAPI lớn nhất không cư ngụ tại các bang chiến trường. Bà nói các dữ liệu toàn quốc về bầu cử không có cái nhìn chính xác về các cộng đồng ít được chú ý, như cộng đồng người Việt ở bang Pennsylvania, chẳng hạn.

Cuộc khảo sát này là một trong các cuộc thăm dò đầu tiên để tìm hiểu các vấn đề chính trị nơi người Mỹ gốc Á cư ngụ tại các khu vực trọng điểm trong cuộc “chạy đua để đành 270 phiếu đại cử tri đoàn”, bà Pugh nói. Nếu tỷ lệ cử tri AAPI đi bầu đông đảo hơn vào năm 2016, thì ứng cử viên Hillary Clinton có thể đã chiến thắng tại nhiều bang chiến trường.

Tại Michigan, bà Clinton thua với cách biệt chỉ có 10.000 phiếu, trong khi hơn 50.000 cử tri AAPI hội đủ điều kiện, lại không đi bầu. Tại Pennsylvania, nơi khoảng cách biệt là 44.000 phiếu, gần 100.000 cử tri AAPI không đi đầu phiếu.

Ý thức chính trị trong cộng đồng AAPI


Thứ Năm, 30 tháng 7, 2020

Hoài Hương - VOA : Các tạp chí khoa học - Mặt trận mới trong tranh chấp Biển Đông


Các học giả Trung Quốc đã xuất bản hàng chục bài viết đăng trên các tạp chí khoa học được quốc tế công nhận, có in bản đồ đường 9 đoạn do Trung Quốc vẽ ra để khẳng định các yêu sách chủ quyền của nước này ở Biển Đông, một trung tâm nghiên cứu chiến lược của Hoa Kỳ cảnh giác trong tháng này.

Trong một bài viết cho Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế-CSIS ngày 15/7/2020, nhà nghiên cứu Nguyễn Thuy Anh thuộc Viện nghiên cứu Biển Đông/Học viện Ngoại giao Việt Nam, nói rằng Trung Quốckhông những tìm cách thay đổi hiện trạng tại hiện trường ở Biển Đông, mà còn tìm cách thay đổi nhận thức của thế giới về tuyên bố chủ quyền của họ.

Đường 9 đoạn hình chữ U, còn gọi là ‘đường lưỡi bò’, vạch ra một khu vực rộng lớn chiếm hầu hết diện tích Biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh hải thuộc chủ quyền của họ.

Nhiều nước, một số có tuyên bố chủ quyền chồng chéo với Trung Quốc như Việt Nam, Philippines và các nước khác như Indonesia, Úc, Hoa Kỳ, Nhật Bản … đều bác bỏ bản đồđường 9 đoạn.

Quan trọng hơn, tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc dựa trên bản đồ đường 9 đoạn đã bị Tòa án Trọng tài Quốc tế tại La Haye bác bỏ vào tháng 7/2016 với phán quyết trao phần thắng cho Philippines trong vụ kiện để phản đối đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc.

Bất chấp phán quyết của Tòa án Quốc tế rằng các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh là bất hợp pháp, Trung Quốc trong mấy năm qua đã phát động một mặt trận mới nhằm thuyết phục thếgiới thay đổi nhận thức và chấp nhận yêu sách chủ quyền của họ.

Chiến dịch tuyên truyền âm thầm đang tăng tốc


Chiến dịch này cổ vũ và phát tán rộng rãi bản đồ đường 9 đoạn ở mọi lúc mọi nơi, trên giấy thông hành, trên các quả cầu vẽ bản đồ thế giới, trên áo phông, trong phim ảnh và chương trình truyền hình, trong sách báo, trò chơi điện tử, trên quần áo, tờ rơi quảng cáo các địa điểm du lịch vv…

Thứ Năm, 26 tháng 3, 2020

Hoài Hương-VOA: COVID-19: Anthony Fauci là ai?

Bác sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Bệnh dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia của Hoa Kỳ trong một cuộc họp báo về vụ bộc phát dịch corona ở Washington ngày 28/1/2020. REUTERS/Amanda

Nổi tiếng trong giới khoa học và nghiên cứu y khoa từ nhiều thập niên nay, nhưng chỉ mới gần đây Bác sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Bệnh dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia của Hoa Kỳ, mới thường xuyên xuất hiện trước công chúng - tại cuộc họp báo hàng ngày của Tòa Bạch Ốc về dịch COVID-19, và trong các cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh và truyền hình Mỹ và quốc tế.

Lãnh đạo Viện Bệnh dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ từ năm 1984, ông và các cộng sự nghiên cứu và tìm cách ứng phó với các dịch bệnh mới kể cả Zika và Ebola, SARS, MERS, Antrhax, HIV/AIDS, bệnh lao, bệnh sốt rét, bệnh cúm v.v...

Từ đầu thập niên1980, ông là một trong số ít nhà khoa học đầu tiên nhận ra là thế giới đang ở bên bờ vực của một dịch bệnh mới, HIV-AIDS, và từ đó là người dẫn đầu nghiên cứu về bệnh này. Thoạt tiên bị các bệnh nhân AIDS chỉ trích dữ dội, Bác sĩ Fauci bây giờ được họ coi là một người hùng đã đóng góp lớn lao để kiềm chế bệnh AIDS, cho phép nhiều người sống với bệnh AIDS và tiếp tục cống hiến cho xã hội.

Ông là bác sĩ hàng đầu của Hoa Kỳ trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm, người đi tiên phong trong các công trình nghiên cứu cơ bản và lâm sàng về sinh bệnh học và các bệnh truyền nhiễm.

Trong cương vị đó, BS Anthony Fauci là cố vấn của 6 Tổng Thống Mỹ, Cộng hòa cũng như Dân chủ- từ TT Reagan cho tới TT Trump.

Thứ Năm, 7 tháng 11, 2019

Hoài Hương-VOA: Tranh chấp Biển Đông: VN cân nhắc giải pháp đưa TQ ra tòa

Tàu hải cảnh TQ (ở trên) trực diện với tàu cảnh sát biển Việt Nam ở Biển Đông, cách bờ biển VN 210 km, ngày 14/5/2014

Việt Nam có thể cân nhắc hành động pháp lý để giải quyết vụ tranh chấp biển đảo với Trung Quốc trong Biển Đông, một quan chức cấp cao Việt Nam cho biết hôm thứ Tư. Lên tiếng tại một hội nghị ở Hà Nội, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung nói Việt Nam sẽ ưu tiên chọn đàm phán, nhưng nếu đàm phán không mang lại kết quả, thì Việt Nam bắt buộc phải cân nhắc “những sự lựa chọn khác”. Một số nhà quan sát từ lâu đã hối thúc Việt Nam hãy đưa vụ tranh chấp với Trung Quốc ra trước tòa án trọng tài quốc tế. Giáo sư Tạ Văn Tài, từng giảng dạy môn luật tại Đại học Harvard, cho VOA-Việt ngữ biết ý kiến về giải pháp kiện Trung Quốc liên quan tới những động thái tại bãi Tư Chính.

Tọa đàm về Bãi Tư Chính ở Hà Nội ngày 6/10/2019

Căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Biển Đông âm ỉ từ lâu đã đột ngột leo thang từ tháng 7 năm 2019, sau khi Trung Quốc điều tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 cùng đoàn tàu hộ tống vào hoạt động trong vùng biển chung quanh bãi Tư Chính. 

Thứ Năm, 3 tháng 10, 2019

Hoài Hương-VOA: Anh-Đào Traxel, ‘người con gái thứ 3’ của cố TT Pháp Jacques Chirac

Anh Đào, con gái nuôi của cố Tổng Thống Pháp Jacques Chirac, ảnh chụp ngày 7/9/2011. AFP PHOTO FRANCOIS GUILLOT
Cựu Tổng Thống Pháp Jacques Chirac qua đời hôm 26/9/2019, hưởng thọ 86 tuổi. Sau 12 năm nắm chức vụ Tổng thống Pháp (1995-2007), và lâu hơn nữa trong cương vị Thị trưởng Paris, ông Jacques Chirac đã trở thành một khuôn mặt chính trị quen thuộc chiếm được chỗ đứng đặc biệt trong trái tim của người dân Pháp. Giữa lúc cả nước thương tiếc cố Tổng thống Chirac, nhà lãnh đạo được báo chí Pháp mô tả là vị Tổng thống giỏi nhất của nền Đệ ngũ Cộng hòa, thì ‘người con gái thứ ba’ của gia đình Chirac, không có mặt trong các nghi lễ riêng tư trong vòng gia đình hay trong quốc tang được cử hành hôm thứ Hai 30/9/2019. Người phụ nữ đó là người gốc Việt và từng là con nuôi của gia đình Chirac: bà Anh-Đào Traxel. 

Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2019

Hoài Hương-VOA: Biển Đông: Liệu Việt Nam có thể dựa vào Nga?

Một nhân viện Rosneft Vietnam trên giàn khoan Lan Tây ở ngoài khơi Vũng Tàu. Ảnh chụp ngày 29/4/2018. REUTERS/Maxim Shemetov
Một bài báo trên tạp chí Forbes hôm 7/8 cho rằng Việt Nam có một chiến lược “thông minh” để ngăn Trung Quốc chiếm trọn Biển Đông, khi hợp tác với Nga khai thác dầu khí trong Biển Đông, bởi vì Nga là một cường quốc mà Bắc Kinh không thể làm phật lòng tại thời điểm này. Nhưng liệu Việt Nam có thể trông cậy vào Nga để kiềm chế tham vọng bành trướng của Trung Quốc? Một nhà phân tích các vấn đề Việt Nam đồng ý rằng Hà nội đã ‘đi đúng nước cờ’ khi chọn Nga, một cường quốc ‘nặng ký hơn’ làm đối tác khai thác dầu khí trong Biển Đông, nhưng ông cảnh giác Việt Nam phải hết sức thận trọng. Một nhà quan sát khác nói nếu đụng độ quân sự diễn ra ở bãi Tư Chính hay nơi nào khác trên Biển Đông thì không có gì bảo đảm là Nga, hoặc Mỹ, sẽ can thiệp để giúp Việt Nam và như vậy sẽ làm phật lòng Trung Quốc, nếu Việt Nam không có thái độ dứt khoát. Hoài Hương phỏng vấn Giáo sư Tạ Văn Tài từng giảng dạy ở đại học Harvard, Hoa Kỳ và Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, từng dạy học ở đại học Paris 7. 

Theo bài báo trên tạp chí Forbes thì cho tới nay, Việt Nam đã tỏ ra can đảm khi cho triển khai các lực lượng của mình ra đối đầu với các tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam. Trước đó Hà nội đã hối thúc để có được một thỏa thuận nhằm bất hợp hóa một số hoạt động của Trung Quốc trong Biển Đông kể cả xây đảo nhân tạo, phong tỏa sự đi lại của tàu bè các nước, triển khai vũ khí, phi đạn vv.., Việt Nam cũng vận động để đưa ra một bộ Quy tắc Ứng xử trên biển. 

Thứ Tư, 24 tháng 7, 2019

Hoài Hương - VOA tiếng Việt: Mật ước Trung Quốc - Cambodia sẽ để lại hệ quả ‘nghiêm trọng’

Tiến sĩ Sophal Ear, Phó Giáo sư Occidental College, đọc tham luận tại Hội Heritage, Washington DC. Ảnh chụp ngày 13/9/2018. (Sreng Leakhena/VOA Khmer)
Báo Wall St. Journal (WSJ) đưa tin Phom Penh đã ký một thỏa thuận mật cho phép Trung Quốc độc quyền sử dụng một phần của căn cứ hải quân của Campuchia gần Sihanoukville, trong bối cảnh Trung Quốc đang vươn ra toàn cầu, và tận dụng sức mạnh kinh tế cũng như quân sự tích lũy bấy lâu để cố tìm cách thay đổi trật tự toàn cầu, đẩy Hoa Kỳ ra khỏi vị trí cường quốc số 1 hiện nay. VOA-Việt ngữ phỏng vấn Giáo sư Tiến sĩ Sophal Ear, một nhà khoa học chính trị của Đại học Occidental, một chuyên gia về kinh tế chính trị, ngoại giao, và các vấn đề quốc tế. 

WSJ hôm 21/7 tường thuật rằng theo thỏa thuận mật được ký kết vào mùa xuân năm nay và được cả hai nước giữ kín, Trung Quốc được độc quyền sử dụng một phần căn cứ hải quân Ream của Campuchia trên Vịnh Thái Lan, không xa một sân bay lớn đang được một công ty Trung Quốc xây dựng. 

Thủ Tướng Campuchia Hun Sen hôm 22/7 cực lực bác bỏ tin này.

Thứ Hai, 25 tháng 6, 2018

Hoài Hương-VOA: 'Đốt lò', chống tham nhũng hay nhắm vào 'củi phe kia'?

Tư liệu: TBT Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đọc diễn văn bế mạc 
Hội nghị Trung ương 7 khóa XII 12/5/2018.

Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng sáng ngày 25/6 điểm qua những thành tích của chiến dịch chống tham nhũng tại Việt Nam, và vạch ra hướng đi tương lai của công tác quan trọng này. Hội nghị lặp lại quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa chiến dịch ‘diệt giặc nội xâm’.

Vietnamnet dẫn lời phát biểu của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Tham nhũng, tại phiên khai mạc hội nghị:

“Cuộc chiến này còn khó khăn, phức tạp, gian khổ, lâu dài, đầy thử thách, chịu sức ép rất lớn từ rất nhiều phía”.

Giới hoạt động tại Việt Nam đặt nghi vấn về phát biểu này. Anh Lã Việt Dũng, một nhà hoạt động nhân quyền tại Hà Nội, thành viên nồng cốt của Câu lạc bộ Bóng đá No-U:

Các ông ấy vừa đốt lò, vừa ném chuột mà lại sợ vỡ bình, các ông muốn giữ lại chế độ của các ông ấy thì các ông ấy sẽ không đốt lò một cách rốt ráo được, mà chỉ chọn những đối thủ nào của ông ấy để ông ấy cho vào lò.” -- Lã Việt Dũng, nhà hoạt động dân chủ, thành viên Câu lạc bộ Bóng Đá NoU

“Thực ra nếu mà nhìn vào cái cuộc chiến gọi là chống tham nhũng như ông ấy nói, trong khi ông ấy là người hầu như nắm quyền lực cao nhất của đảng, thì tôi chẳng hiểu nổi tại sao mà nó lại khó khăn gian khổ tới như vậy, bởi vì mọi thứ đều sờ sờ ra. Tiền và tài sản tham nhũng không thể dấu giếm đi được. Các ông ấy vừa đốt lò, vừa ném chuột mà lại sợ vỡ bình, các ông muốn giữ lại chế độ của các ông ấy thì các ông ấy sẽ không đốt lò một cách rốt ráo được, mà chỉ chọn những đối thủ nào của ông ấy để ông ấy cho vào lò.”

Thứ Ba, 6 tháng 3, 2018

Hoài Hương/VOA: Việt Nam: Từ ‘mũi dùi của quốc tế cộng sản’ tới ‘lá chắn chống bành trướng TQ’

Một tàu chở khách Việt Nam chạy gần Hàng không mẫu hạm Carl Vinson 
đang neo ở cảng Tien Sa, Đà Nẵng ngày 5/3/2018. (AP Photo/ Hau Dinh)

Giữa lúc hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Hải quân Hoa Kỳ neo ở ngoài khơi Đà Nẵng để bắt đầu chuyến thăm 4 ngày thì Chủ tịch nước Việt Nam vừa kết thúc chuyến đi thăm Ấn Độ để dự đàm phán cấp cao với Thủ tướng nước chủ nhà. Hai nhà lãnh đạo tuyên bố quyết tâm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh. Thủ Tướng Narendra Modi và Chủ tịch Trần Đại Quang nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, đồng thời kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp trong khu vực, mà không sử dụng tới vũ lực. Giáo sư Tạ Văn Tài thuộc Đại học Harvard, tác giả của nhiều bài viết liên quan đến Việt Nam, trao đồi với VOA-Việt ngữ về sự hiện diện của ‘siêu tàu sân bay Mỹ’ tại Việt Nam, và tầm quan trọng của quan hệ Việt Nam-Ấn Độ.

Thứ Năm, 1 tháng 3, 2018

Hoài Hương-VOA: Miền Nam Việt Nam và những Cơ hội bỏ lỡ: The Road Not Taken

Ông Edward Lansdale (thứ ba bên phải) và TT Ngô Đình Diệm (phải)

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS) chiều ngày 27/2 vừa tổ chức một buổi hội thảo nhân dịp nhà nghiên cứu Max Boot giới thiệu tác phẩm mới nhất của ông mang tựa đề “The Road Not Taken: Edward Lansdale and the American Tragedy in Vietnam”. Tựa đề quyển sách, tạm dịch là “Con Đường Không chọn: Ed Lansdale và Tấn Bi kịch Mỹ tại Việt Nam”, tỏ ý hối tiếc về một cơ hội bị bỏ lỡ mà nếu theo đuổi, đã có thể dẫn tới một kết cuộc khác khả quan hơn, hoặc ít ra, ít đổ máu hơn, cho chiến tranh Việt Nam. Ông Max Boot là một nhà nghiên cứu cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York, tác giả của nhiều đầu sách về an ninh quốc tế, và trong vài năm trở lại đây, đã viết nhiều biên khảo về chiến tranh du kích. Hoài Hương phỏng vấn tác giả Max Boot tại buổi hội thảo và tường trình như sau:

Đối tượng của quyển sách “The Road not Taken” là Edward Lansdale, Cố vấn Mỹ và là một người bạn được Tổng thống Ngô Đình Diệm tin cậy. Có mặt tại miền Nam từ giữa thập niên 1950 trong giai đoạn đầu của nền Đệ nhất Cộng Hòa, ông Lansdale giữ một vai trò quan trọng, có tính cách quyết định đối với vận mệnh miền Nam Việt Nam. Với cấp bậc Đại tá Không quân, ông Lansdale là Trưởng Phái bộ Quân sự Đặc biệt của Mỹ (SMM) tại Saigon, người chủ trương tranh thủ “trái tim và khối óc” của người dân như một chiến lược để kiềm hãm sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản.

Thứ Tư, 15 tháng 11, 2017

Hoài Hương-VOA: Đón Trump, Việt Nam gặt hái được gì?

Tổng thống Mỹ Donald Trump 
và Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang.

Tổng thống Trump vừa khép lại chuyến công du châu Á dài nhất của một tổng thống Mỹ tính từ năm 1991, khi Tổng thống George H.W. Bush thực hiện chuyến Á du 12 ngày của ông. Một trọng tâm trong chuyến đi là hội nghị APEC, Diễn Đàn Hợp tác Kinh tế Á Châu-Thái Bình Dương, năm nay do Việt Nam chủ trì. Đánh giá thành quả của hội nghị APEC ở Đà Nẵng và chuyến thăm chính thức của nhà lãnh đạo Mỹ, Toà Bạch Ốc và các nhà quan sát tình hình Việt Nam trong và ngoài nước, nói chung đều cho rằng APEC là một hội nghị thành công, và Việt Nam đã làm tốt vai trò nước chủ nhà.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A:

“Tôi nghĩ rằng Việt Nam đã tổ chức thành công hội nghị APEC. Mọi sự diễn ra suôn sẻ, mời được rất là nhiều nguyên thủ quốc gia trong đó có ông Trump, rồi ông Tập Cận Bình, tôi nghĩ đấy cũng là một kết quả tốt, tuy nhiên đây là một diễn đàn quốc tế nó đã có truyền thống, chứ không phải là thành tích gì của Việt Nam cả. Tôi nghĩ là sự hiện diện của các vị đấy nó chứng tỏ Diễn đàn Kinh tế APEC là một diễn đàn được người ta coi trọng.”

Thứ Năm, 5 tháng 10, 2017

Hoài Hương/VOA: Người Việt tranh luận về quyền sử dụng súng sau thảm kịch Las Vega

Nhiều người lo ngại về sức mạnh không có gì kìm hãm 
của Hiệp hội Súng Trường Quốc gia của Mỹ (NRA)


Vụ xả súng bừa bãi ở Las Vegas đã cướp đi mạng sống của 59 người- tính cả hung thủ, và làm hàng trăm người bị thương lại khơi lên cuộc tranh luận về quyền sở hữu và sử dụng súng tại Hoa Kỳ. Trong khi tại Điện Capitol, trụ sở quốc hội Mỹ, các nhà lập pháp của cả hai Đảng, Dân chủ và Cộng hoà, tố cáo lẫn nhau là “chơi trò chính trị” với cuộc tranh luận về quyền sở hữu súng, thì trong trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt, cuộc tranh luận này cũng diễn ra với những ý kiến đối nghịch, người thì cho rằng quyền sở hữu súng là một quyền hiến định, người chống đối thì nói tu chính án thứ 2 về quyền sở hữu súng, viết cách đây hơn 200 năm, không còn phù hợp với xã hội hiện đại, khi mà cùng với những tiến bộ về công nghệ, súng ống trở nên nguy hiểm hơn xa, so với cách đây vài trăm năm trước. VOA-Việt ngữ thu thập ý kiến của một cựu thẩm phán, một luật sư đang hành nghề, và nhiều thành viên trong cộng đồng người Việt cư ngụ tại một số tiểu bang khác nhau về nghịch lý đã làm đau đầu nhiều thế hệ người Mỹ: cường quốc tự cho là dẫn đầu thế giới tự do vẫn bế tắc vì cái gọi là nền “văn hóa súng ống” đã ăn sâu bén rễ từ lâu, dẫn đến một cuộc tranh luận không lối thoát về quyền sở hữu súng, lại nổi lên sau vụ xả súng ở Las Vegas.

Thứ Hai, 18 tháng 9, 2017

Hoài Hương-VOA: Nhìn lại Chiến tranh Việt Nam qua phim "The Vietnam War"

Trong bức ảnh chụp ngày 28/4/1965, Thủy Quân Lục Chiến Mỹ 
tiến vào một ngôi làng tình nghi do Việt Cộng kiểm soát 
gần tp Đà Nẵng trong chiến tranh Việt Nam. Phim 
tài liệu10 tập của đạo diễn Ken Burns về cuộc chiến 
sẽ bắt đầu được công chiếu ngày 17/9/2017 trên đài PBS. 
(AP Photo/Eddie Adams)


Buổi ra mắt và thảo luận về phim “The Vietnam War” đêm thứ Ba 12/9 của hai đạo diễn Mỹ nổi tiếng về các phim tài liệu có giá trị lịch sử: Ken Burns và Lynn Novick diễn ra tại Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Kennedy ở thủ đô Washington. Dẫn đầu cuộc thảo luận, ngoài hai nhà đạo diễn và MC là ký giả Martha Raddatz của chương trình tin tức đài ABC, còn có 3 khách mời đặc biệt, Thượng nghị sĩ John McCain, cựu Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, cả 3 đều là cựu chiến binh từng tham chiến tại Việt Nam.

Trong cử tọa ngồi hầu như chật kín cả hội trường, người ta ghi nhận sự hiện diện của nhiều giới chức trong quân đội và chính phủ, các cựu chiến binh, lãnh đạo doanh nghiệp, các nhà lập pháp và nhân viên quốc hội, cũng như truyền thông báo chí. Mở đầu sự kiện, đạo diễn Ken Burns đã gây hào hứng lập tức khi ông mời các cựu chiến binh từng tham chiến tại Việt Nam có mặt trong cử tọa hãy đứng dậy. Nhiều người đàn ông tóc điểm sương đứng lên. Hội trường òa vỡ với những tiếng vỗ tay không dứt. Ngay sau đó nhà đạo diễn mời những người từng tham gia phong trào phản chiến chống chiến tranh Việt Nam đứng lên, một số người đã ôm chầm các cựu chiến binh, những người mà họ từng nguyền rủa và ruồng bỏ trong cao trào phản chiến. Cử tọa lại òa vỡ với nhiều tràng vỗ tay vang dội.

Thứ Hai, 21 tháng 8, 2017

Hoài Hương/VOA: VN đơn độc trong khi TQ đẩy mạnh chiến dịch ve vãn ASEAN?

Nơi diễn ra hội nghị của các nước ASEAN tại Manila, Philippines.

Trung Quốc đang sử dụng các công cụ quân sự, tài chính, thương mại và ngoại giao để gây chia rẽ trong khối ASEAN, khiến cho Việt Nam trở nên đơn độc hơn trước các hành động thể hiện chính sách bành trướng ngày một lộ liễu hơn của nước láng giềng phương Bắc. Việc Trung Quốc sẵn sàng mở hầu bao và áp dụng chiến dịch vừa áp lực vừa lấy lòng các nước ASEAN theo kiểu “cây gậy và củ cà rốt” đã chứng tỏ là hiệu quả, một số nước láng giềng Việt Nam đã có dấu hiệu thần phục, hoặc ít ra, hòa hoãn hơn nhiều với Trung Quốc trong khi Bắc Kinh tiếp tục theo đuổi ‘giấc mơ Trung Hoa’ trên Biển Đông và xa hơn nữa. Truyền thông khu vực và giới quan sát nói gì về lập trường cứng rắn hơn của Việt Nam liên quan tới Biển Đông và bộ Quy tắc Ứng xử đang được thương lượng giữa Trung Quốc và ASEAN?

Một bài báo đăng trên tờ Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) ngày 13/8 nói rằng giới lãnh đạo Việt Nam bị cô lập khi giữ lập trường và công khai chỉ trích Trung Quốc về những hành động lấn át trong Biển Đông.

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2016

Hoài Hương/VOA - Âm nhạc và Chính trị - Phần 1: Đại Hội Đảng Cộng Hòa

Ứng cử viên Tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump 
trong một buổi mít tinh tại Ohio, ngày 27 tháng 7 năm 2016.

Âm nhạc là một yếu tố không thể thiếu trong các cuộc tụ họp, ngay cả các cuộc tập hợp chính trị. Mới đây trong Đại Hội Toàn quốc Đảng Dân Chủ của Hoa Kỳ, ca sĩ Paul Simon, nổi danh trong tư cách là một thành viên của đôi song ca Simon & Garfunkel vang bóng một thời, đã lên sân khấu trình bày nhạc phẩm “Bridge Over Troubled Waters”, một trong những top hit và cũng là tác phẩm cuối cùng trước khi cặp song ca Simon & Garfunkel chia tay.
Về phía Đảng Cộng Hòa, âm nhạc cũng được sử dụng rộng rãi trong chiến dịch vận động chính trị, kể cả nhạc khúc Nessun Dorma- một tác phẩm của nhạc sĩ Giacomo Puccini do danh ca Luciano Pavarotti trình bày.

Thứ Tư, 8 tháng 7, 2015

Hoài Hương/VOA - Việt Nam đang tái cân bằng chiến lược, xoay sang Hoa Kỳ?


Một chuyên gia về Việt Nam đã đặt câu hỏi “Có phải Việt Nam đang tái cân bằng chiến lược, xoay trục sang Hoa Kỳ?” trong một bài viết đăng trên báo The Diplomat hôm 6/7, giữa lúc Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng khởi sự chuyến công du chính thức tới thăm Washington.
Giáo sư Carl Thayer trích các nguồn tin ngoại giao nói rằng Việt Nam đã dồn nỗ lực vận động để vượt qua được một số khó khăn về nghi thức, Hà Nội kiên trì vận động để dược Tổng Thống Barack Obama đón tiếp ông Nguyễn Phú Trọng tại Tòa Bạch Ốc, trong khi với tư cách Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Trọng không có người “tương nhiệm” trong hệ thống chính trị Mỹ.

Thứ Hai, 8 tháng 6, 2015

Hoài Hương/VOA - Những ‘ổ khoá tình yêu’ ở Paris: Rác hay Nghệ thuật?


Truyền thống các cặp tình nhân tới Paris - gài ổ khoá vào những cây cầu rồi ném chìa khoá xuống dòng sông thay cho lời ước thề sẽ yêu nhau mãi mãi - bị đả kích, khi số lượng các ổ khoá ngày càng trĩu nặng, đe doạ làm sập các cây cầu bắc qua sông Seine.
 
Paris thủ đô nước Pháp, thường được biết đến dưới tên gọi mỹ miều chẳng hạn như Kinh Đô Ánh Sáng, là điểm đến sáng giá đối với khách du lịch khắp nơi. Giòng sông Seine chảy qua thành phố là nơi hò hẹn lý tưởng của những cặp tình nhân.

Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

Hoài Hương/VOA - Việt Nam và Hiệp định TPP – Thách thức và Cơ hội

Hoài Hương/VOA

Nắm bắt các cơ hội kinh tế tại Á Châu trong thời gian tới, và tương lai lâu dài là một phần quan trọng trong chính sách xoay trục sang Châu Á của chính phủ Tổng Thống Obama. Việt Nam có lẽ là quốc gia kém phát triển nhất, có thể nói là nghèo nhất, được chọn làm một trong 12 nước có khả năng trở thành đối tác trong Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái bình dương - TPP. Một cựu chuyên viên kinh tế và tham vấn của Ngân hàng Thế giới bàn về những thách thức và cơ hội đối với Việt Nam. Mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn của phóng viên Ban Việt Ngữ VOA Hoài Hương và ông Nguyễn Quốc Khải (NQK), cựu chuyên viên kinh tế của Ngân hàng Thế giới. Ông từng thỉnh giảng tại  School of Advanced International Studies thuộc Johns Hopkins University.  


VOA: Xin ông cho biết, trước hết, vào TPP sẽ mang lại những lợi ích gì cho Việt Nam? Hỏi khác đi, nếu không vào TPP, Việt Nam sẽ thiệt thòi như thế nào, sẽ mất đi những cơ hội gì hay quyền lợi nào?

Ông NQK: “Như chúng ta đã biết mục tiêu chính của TPP là giảm thuế và những hàng rào cản hàng hóa và dịch vụ. Do đó, khi gia nhập TPP, Việt Nam sẽ có cơ hội tăng gia số lượng hàng xuất cảng đến các quốc gia TPP với dân số gần 800 triệu (11 % dân số thế giới) và tổng sản phẩm nội địa là khoảng 28 ngàn tỉ Mỹ kim (40% GDP của thế giới). Nhiều đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam đều đang tham gia vào cuộc đàm phán đa phương TPP. Đó là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Singapore, và Mã Lai.

Việt Nam là nước nghèo nhất trong 12 quốc gia TPP hiện nay. Các nước giàu sẽ là thị trường tiêu thụ hàng hóa Việt Nam.  Kinh nghiệm cho thấy là Việt Nam không buôn bán nhiều với các nước ASEAN bằng những nước  ngoài ASEAN.

Thách thức về lao động, nhân quyền, và doanh nghiệp nhà nước là quan trọng và khó khăn nhất đối với Việt Nam, đòi hỏi Việt Nam phải có những cải tiến cụ thể về chính trị.

Ngoài ra, những nước TPP sẽ là nguồn cung cấp vốn đầu tư nước ngoài cho Việt Nam. Với tình trạng kinh tế trì trệ như hiện nay, Việt Nam cần vốn đầu tư nước ngoài hơn bao giờ hết.  Nếu có một chính sách đầu tư nước ngoài khéo léo, Việt Nam có thể học hỏi và phát triển những ngành công nghiệp cao từ những nước TPP.

Việt Nam sẽ là một nước được hưởng nhiều nhất khi gia nhập TPP. Sự gia tăng thương mại với Hoa Kỳ, một thị trường lớn nhất trong số các nước TPP, sẽ là một yếu tố quan trọng nhất giúp kinh tế Việt Nam phát triển.  Đầu tư nước ngoài sẽ gia tăng và luôn luôn là yếu tố quan trọng cho việc phát triển kinh tế Việt Nam. Thứ ba là thuế nhập cảng của các nước TPP sẽ giảm đáng kể. Do đó Việt Nam sẽ gia tăng xuất khẩu quần áo, giầy dép, và hải sản. Việt Nam sẽ không phài cạnh tranh với Trung Quốc trong TPP.

Việc gia nhập TPP sẽ giúp tổng sản phẩm nội địa của Việt Nam tăng 46 tỉ Mỹ kim tức khoảng 13.6% theo kết quả một cuộc nghiên cứu của Peter A. Petri, Michael G. Plummer, và Fan Zhai vào cuối năm 2012.”

VOA: Thưa đó là những lợi ích của việc gia nhập TPP, nhưng có một số điều kiện Việt Nam cần phải thỏa mãn trước khi được chính thức thâu nhận vào TPP, xin ông cho biết một số điều kiện cụ thể, quan trọng mà Việt Nam phải thỏa đáng?

Ông NQK: “TPP nêu ra một số vấn đề nồng cốt mà Việt Nam sẽ phải thỏa mãn như là tài sản trí tuệ, lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, và công ty nhỏ và trung bình. Quyền lao động, bao gồm quyền thành lập nghiệp đoàn dộc lập, quyền tụ họp, quyền đình công, chỉ là một phần của vấn đề rộng lớn hơn là nhân quyền. Hoa Kỳ đã mạnh mẽ đặt vấn đề này với Việt Nam qua một số thành viên Quốc Hội và Đại Sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội. Trong cuộc họp với Chủ Tịch Trương Tấn Sang vừa qua tại Nhà Trắng, Tổng Thống Obama đã hai lần nhắc nhở đến vấn đề Nhân Quyền tại Việt Nam.

Việt Nam cần phải cải thiện vấn đề nhân quyền một cách cụ thể để được vào TPP và được Hoa Kỳ hủy bỏ cấm vận đối với những vũ khí sát thương mà Việt Nam nhiều lần lên tiếng muốn mua...
Vấn đề khó khăn lớn thứ hai mà Việt Nam phải vượt qua là việc cải tổ các doanh nghiệp nhà nước để loại bỏ sự cạnh tranh thiếu công bằng giữa nhà nước và tư nhân. Khu vực quốc doanh chiếm khoảng gần 40% tổng sản lượng nội địa mà lại luôn luôn  làm ăn lỗ lã, ngăn cản sự phát triển kinh tế, nhưng lại ưu tiên về vốn đầu tư của nhà nước, quỹ phát triển quốc tế ODA, và vay nợ ngân hàng.  Trên 50% nợ xấu của các ngân hàng là do các doanh nghiệp nhà nước. Hơn 10 năm nay, nhà nước bàn thảo việc cải tổ khu vực quốc doanh, nhưng không đạt được tiến bộ cụ thể đáng kể nào.

VOA: Thưa so với lúc Việt Nam vận động xin gia nhập WTO, thì tiến trình thương thuyết để vào TPP nó khác ở chỗ nào, và có những điểm gì mà Hà nội cần chú ý đến nếu muốn mọi sự được suôn sẻ?

Ông NQK: “Vâng, giữa TPP và WTO có một vài khác biệt. WTO có những điều kiện gia nhập rõ ràng. Trong khi đó, TPP dựa vào đàm phán và không có vấn đề nào phải loại trừ. TPP có tính cách toàn diện hơn WTO.  Nó bao trùm nhiều vấn đề WTO không đề cập đến hoặc chưa đào sâu như doanh nghiệp nhà nước, quyền sở hữu trí tuệ, và quyền lao động.  

Một khó khăn nghiêm trọng Việt Nam đang gặp phải trong cuộc đàm phán hiện nay liên quan đến luật lệ xuất xứ hàng hóa và ngành dệt may, một trong những công nghiệp quan trọng bậc nhất của Việt Nam.  Hoa Kỳ đòi hỏi rằng quần áo chỉ được coi là chế tạo ở Việt Nam nếu vải làm bằng tơ sợi cũng được chế tạo tại Việt Nam hay mua của Hoa Kỳ.

VOA: Có cơ chế nào để kiểm soát là Việt Nam không mua vải sợi của Trung Quốc?

Ông NQK: “Mua hàng hóa là phải có xuất xứ. Phải có chứng minh rất là khó khăn. Vì khó khăn cho nên những nước ở Châu Mỹ La Tinh đành phải trả thuế cao, để nước Mỹ có thể bảo vệ ngành dệt vải của họ."

VOA: Trong những thách thức vừa kể, theo ông thách thức nào là quan trọng nhất, khó khăn nhất, và vì sao lại khó khăn như vậy trong tình hình Việt Nam bây giờ?

Ông NQK: “Thách thức về lao động, nhân quyền, và doanh nghiệp nhà nước là quan trọng và khó khăn nhất đối với Việt Nam, đòi hỏi Việt Nam phải có những cải tiến cụ thể về chính trị. Từ 2008 đến nay, Hoa Kỳ vẫn từ chối không chấp thuận cho Việt Nam hưởng Quy Chế Ưu Đãi Phổ Quát (Generalized System of Preference - GSP) để có thể nhập cảng vào Hoa Kỳ cả ngàn món hàng miễn thuế. Lý do là Việt Nam chưa thỏa mãn điều kiện về quyền lao động.  

Quan trọng hơn, nội bộ chia rẽ của Đảng CSVN hiện nay sẽ làm cho những việc cải tiến cần thiết càng khó khăn thêm.  Theo nhận định của GS Carl Thayer và một số quan sát viên quốc tế, một số các nhà lãnh đạo Việt Nam muốn cải thiện mối bang giao với Hoa Kỳ. Một số khác chống lại. Nhóm thứ hai xem ra mạnh hơn. Trong năm 2013, chỉ trong vòng mấy tháng đầu tiên thôi mà Việt Nam đã bắt bớ 40 người, nhiều hơn so với cả năm 2012. Trong khi Việt Nam muốn gia nhập TPP và muốn mua võ khí của Hoa Kỳ, mà lại đi làm những chuyện bắt bớ vi phạm nhân quyền như vậy thì vấn đề trở nên rất là khó khăn.”

VOA: Trở lại với vấn đề kinh tế, nói tới kinh tế, nói tới Châu Á, mà không nói tới Trung Quốc là cả một sự thiếu sót lớn, xét Trung Quốc là một cường quốc đang lên, và là nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, có khả năng trở thành nền kinh tế lớn nhất không chừng! Thế mà Trung Quốc lại không được mời để thương thuyết gia nhập TPP. Rõ ràng “thiếu sót” ấy là có chủ ý. Ông nhận định như thế nào về yếu tố Trung Quốc liên quan tới thương thuyết TPP? Có phải Hoa Kỳ  và các đồng minh Châu Á muốn cô lập hóa, bao vây hay kiềm hãm Trung Quốc, như Bắc Kinh vẫn tố cáo?

Ông NQK: “Theo sự hiểu biết của tôi. Có hai dữ kiện khá rõ ràng. Một là Trung Quốc từng tuyên bố chống lại TPP, sau đó lại than phiền rằng Trung Quốc không được mời, và mới đây lại tuyên bố qua phát ngôn viên của Bộ Thương Mại rằng Trung Quốc sẽ nghiên cứu lợi và hại của TPP. Hai là Hành Pháp Hoa Kỳ chưa bao giờ tuyên bố chống lại Trung Quốc gia nhập TPP. Trái lại, Phụ Tá Bộ Trưởng Thương Mại Hoa Kỳ đặc trách Thương Mại quốc Tế nói rằng TPP không phải là một câu lạc bộ khép kín mà là một diễn đàn mở rộng. Hoa Kỳ hy vọng nhiều nước sẽ tham gia.

Việc gia nhập TPP của Trung Quốc nếu có sẽ gặp trở ngại là bởi những điều kiện như nhân quyền, lao động, doanh nghiệp nhà nước, minh bạch thị trường tương tự như trường hợp Việt Nam tuy nhiên ở mức độ to lớn hơn nhiều.  Những trở ngại này tự tạo bởi chính Trung Quốc và Việt Nam, không phải do Hoa Kỳ hay TPP.

VOA: Ông muốn nói gì thêm về các quan hệ giữa Việt Nam, Hoa Kỳ, hiệp định TPP, trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc?

Ông NQK: “Việt Nam cần phải cải thiện vấn đề nhân quyền một cách cụ thể để được vào TPP và được Hoa Kỳ hủy bỏ cấm vận đối với những vũ khí sát thương mà Việt Nam nhiều lần lên tiếng muốn mua của Hoa Kỳ.

Với tình trạng hiện nay, Trung Quốc không thể gia nhập TPP và trong tương lai gần có thể nhìn thấy. Điều này giúp Việt Nam một phần nào thoát ra khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc về kinh tế lẫn chánh trị, hai lãnh vực khó có thể tách rời.  Nếu những nhà lãnh đạo Việt Nam đặt quyền lợi của 90 triệu người dân lên trên hết, việc cải tổ đòi hỏi bởi TPP là việc phải làm.”

VOA: Tóm lại, TPP là một thách thức hay là một cơ hội đối với Việt Nam?

Ông NQK: “Tôi nghĩ TPP là một cơ hội rất là tốt đẹp đối với Việt Nam. Việt Nam là một nước nghèo nhất trong nhóm TPP, nhưng sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong nhóm. Thành ra Việt Nam không nên bỏ qua cái cơ hội tốt đẹp như thế này."


Thứ Tư, 12 tháng 6, 2013

Hoài Hương - Những thách thức đối với giới lãnh đạo Việt Nam


Hoài Hương 
- VOA
11.06.2013 

Giữa lúc Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ tiếp tục cuộc tuyệt thực trong một nhà tù ở Việt Nam, và các nhà đấu tranh cho dân chủ ở trong nước cũng như ở ngoài nước cũng tổ chức tuyệt thực để ủng hộ Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, và kêu gọi sự chú ý của quốc tế tới chính sách của nhà nước Việt Nam đàn áp những tiếng nói bất đồng, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc Phòng Australia, nhận định rằng chính sách cứng rắn hơn đối với giới bất đồng, một phần, là do những đấu đá trong nội bộ Đảng Cộng Sản Việt Nam. Ông nhận định là có bất mãn sâu xa trong công chúng, và giới lãnh đạo Việt Nam đang đương đầu với một “thách thức về mặt đạo đức” phải giải quyết, và “đáp ứng một cách thuận lợi, nếu không sẽ khó tránh khỏi những nghi vấn về tính chính đáng của chế độ”. Từ Australia, Giáo sư Thayer dành cho Ban Việt Ngữ cuộc phỏng vấn sau đây.

Từ trái: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng,
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

VOA: Thưa Giáo sư, trong những tháng gần đây, Việt Nam đã gia tăng nỗ lực nhằm bịt miệng giới bất đồng và tiếp tục các hành vi... có thể nói là truy bức một số người dân, chỉ vì họ đã nói lên lòng yêu nước trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có hành động lấn át hơn ở Biển Đông. Ngay cả các sinh viên trẻ tuổi như Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha chẳng hạn, và nhiều người khác nữa, cũng bị tuyên những bản án tù khắc nghiệt. Đấy có phải là những dấu hiệu để chứng tỏ là Hà Nội quyết tâm đàn áp những ý kiến bất đồng?

Giáo sư Thayer: “Vâng, rõ ràng tình hình tại Việt Nam ngày càng tệ hại hơn kể từ sau Đại Hội Đảng Cộng Sản mới nhất. Trong năm nay, không biết là bao nhiêu người đã bị bắt giữ. Sự thể này phản ánh hai điều: thứ nhất, có nhiều người bước qua giới hạn đỏ để đặt ra những vấn đề mà chế độ không muốn được nêu lên, nhưng quan trọng hơn, theo tôi, đó là kết quả của cuộc giằng co bên trong nội bộ Đảng Cộng Sản Việt Nam. Khi ông Nguyễn Tấn Dũng 'sống sót' qua cuộc biểu quyết đòi kỷ luật 'đồng chí X' hồi năm ngoái, ông đã cam kết sẽ xử lý các trang blog, và ông ấy đã thực hiện lời hứa của ông. Thế cho nên tôi tin rằng điều đó có thể được phản ánh trong cuộc biểu quyết tín nhiệm ông tại quốc hội.”

VOA: Thưa tại sao giới lãnh đạo Việt Nam lại nhắm nhiều nhất vào các blogger?

Giáo sư Thayer: “Bởi vì các blogger chỉ trích những lĩnh vực nhạy cảm đối với chính quyền, như lòng ái quốc của họ, tinh thần quốc gia của họ khi đối mặt với Trung Quốc, và một số blogger khác thì đặt ra những nghi vấn về tham nhũng và các mạng lưới gia đình của các quan chức, và một lĩnh vực vô cùng nhạy cảm là những đấu đá trong nội bộ Đảng Cộng Sản. Chính vì vậy mà các blogger, nhà báo và một số người khác đang phải trả một cái giá rất đắt.”
VOA: Thưa Giáo sư, những hành động mạnh tay hơn của nhà nước Việt Nam có phải là dấu hiệu của một chính quyền cảm thấy mình đang bị đẩy vào thế thủ trước cơn phẫn nộ ngày càng dâng cao trong công chúng, vì thành tích quản lý kinh tế yếu kém và những thất bại khác?

Giáo sư Thayer: “Đúng, bởi vì sự phẫn nộ ngày càng lan rộng, và nó đang len lỏi vào cuộc tranh luận vì cách quản lý nền kinh tế của ông Thủ Tướng bị những người khác bên trong Đảng Cộng Sản đả kích. Vấn đề này lại được nêu lên rộng rãi hơn trong những giới khác và lại liên quan tới những vấn đề khác nữa, khiến họ cảm thấy bất an. Họ muốn giữ kín tất cả mọi chuyện trong nội bộ đảng hơn là tiết lộ các vấn đề ấy ra bên ngoài.”
 Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà cầm bức tranh tự hoạ của TS Vũ 1 ngày trước khi ông tuyệt thực.

VOA: Thưa Giáo sư, Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ đang tuyệt thực ở trong tù, vợ ông rất lo lắng. Quan tâm về tình trạng của ông đã khiến một số người cả ở trong lẫn ở ngoài nước bắt đầu cuộc tuyệt thực của riêng họ để ủng hộ Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ. Mới hôm qua, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân -trước đây bị cầm tù tại Việt Nam, đã bắt đầu tuyệt thực, để góp sức biểu lộ sự ủng hộ đối với ông Cù Huy Hà Vũ, bên trong nước thì đã có bác sĩ Phạm Hồng Sơn cũng bắt đầu tuyệt thực 7 ngày. Những diễn tiến này nói lên điều gì về Việt Nam?

Giáo sư Thayer: “Những hành động như thế chưa từng xảy ra trong quá khứ, trước đây cũng có một vài người, thường là đang ở tù, tuyệt thực để phản đối các điều kiện trong nhà tù, nhưng điều mà chúng ta chứng kiến ở đây là ngày càng nhiều người hơn trong thành phần chính trị ưu tú, nhất là trong giới những cựu cố vấn của các Thủ Tướng tiền nhiệm, đã bị gạt sang bên lề, rồi các công dân khác theo chân họ, từ những người ký tên vào bản kiến nghị để sửa đổi Hiến Pháp cho đến những người khác...Ngoài ra cách đối phó với những sinh viên trẻ tuổi yêu nước có ý kiến bất đồng, những người tìm cách dùng pháp luật để chống lại chính phủ...Có một nỗi bực dọc là: sự thể rồi sẽ dẫn tới kết cuộc nào? Đâu là giải pháp để giải quyết vấn đề? Liệu Hiến Pháp có được sửa đổi để cho phép quyền tự do ngôn luận? Câu trả lời có thể là “Không”, rồi người ta sẽ chỉ đãi bôi cho có chuyện trong khi nỗi bất mãn đã âm ỉ từ năm 2008 tới nay, từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chánh thế giới. Tôi thực sự tin là có bất mãn sâu xa. Việt Nam không có một hệ thống đại nghị, không có một cách dễ dàng nào để có thể thay đổi chính phủ, hay ngay cả các Bộ trưởng, để giải quyết những khiếu nại của người dân.”

VOA: Giáo sư không tin tiến trình tham khảo ý dân để sửa đổi Hiến Pháp là một nỗ lực thành thực hướng tới dân chủ hóa, mà chỉ là một màn diễn mà thôi?

 Hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha đứng trước phiên tòa tỉnh Long An, ngày 16/5/2013.

Giáo sư Thayer: “Họ muốn đây là một cơ hội để tái khẳng định quyền cai trị của chế độ, rằng nhiều người dân đưa đề nghị là bởi vì họ ủng hộ tiến trình này, nhưng khi phải đối đầu với một bản Hiến Pháp thay thế, với những lời kêu gọi phải sửa đổi Điều 4 Hiến Pháp- về vai trò của Đảng Cộng Sản- thì chế độ cảm thấy rất là không thoải mái, đó không phải là điều mà họ muốn. Họ chỉ muốn mọi người hưởng ứng một cách qua loa, với một hai sự thay đổi hời hợt, nhưng tựu chung vẫn ủng hộ hệ thống cai trị, để rốt cuộc, họ có thể tuyên bố là họ đã lắng nghe tất cả các đề nghị, và quốc hội, với sự khôn ngoan chín chắn của mình, khi tới tháng 9, sẽ quyết định về một bản dự thảo Hiến Pháp. Tôi không tin là trong các điều kiện hiện nay, làm như thế là đủ, thời đó qua rồi.”

VOA: Thế thì tình hình này sẽ đi tới đâu?

Giáo sư Thayer: “Tôi không tin là nó sẽ dẫn tới một “mùa xuân Việt Nam” hay “mùa Xuân Ả Rập”, tôi không tin là điều đó xảy ra, nhưng nỗi bức xúc sẽ trào dâng. Tôi không tin là chế độ cầm quyền ở Việt Nam đoàn kết, như tôi đã nói có những đấu đá trong nội bộ, có bất đồng ý kiến rộng rãi trong các thành phần chính trị ưu tú về cách làm sao xử lý những vấn đề đó.

VOA: Thưa Giáo sư, những hành động hồi gần đây của nhà nước liên quan tới hai sinh viên trẻ tuổi đã gây phản ứng rất mạnh trong nhiều thành phần xã hội, kể cả trong giới trí thức và một số quan chức nhà nước. Rồi các cuộc tuyệt thực đang diễn ra. Theo Giáo sư, những hành động đặt ra thách thức như thế nào đối với các vị lãnh đạo đang cầm quyền tại Việt Nam trong bối cảnh lần đầu tiên, họ phải đương đầu với tiến trình bỏ phiếu tín nhiệm để duy trì chức vụ?

Giáo sư Thayer: “Đây là một thách thức về đạo đức mà chế độ phải đáp ứng, và đáp ứng một cách tích cực, nếu không muốn người ta đặt ra những nghi vấn về tính chính đáng của chế độ. Chúng ta phải chờ xem nó dẫn tới đâu, liệu các đại biểu quốc hội có đủ can trường, đủ can đảm về mặt đạo đức để biểu quyết “Không tín nhiệm ”hay không? Chúng ta còn phải chờ xem. ”