Hiển thị các bài đăng có nhãn Hà Tường Cát. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hà Tường Cát. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 11 tháng 8, 2020

Trần Văn Khởi: Đường về công trường… là đường vào quê hương  (ca khúc Nguyễn Đức Quang)

Một ngày khi đảm trách Công Trường Giới Tuyến, Hà Tường Cát rủ tôi đi Cam Lộ. Tôi đã quen Cát cùng nhiều anh em khác từ Chương Trình Hè 65 – bắt đầu thì anh em biết tôi là “em anh Ngô”. Tuy đang làm việc công chức, tôi cũng ráng dành thì giờ tham gia sinh hoạt thanh niên từ khi du học về cuối năm 1964.

Dạo đó, quân đội Mỹ muốn lập vùng oanh kích tự do ở ngay phía Nam giới tuyến. Đồng bào vùng đó phải tản cư, và Công Trường Giới Tuyến đã được anh em đề ra để phần nào giúp đỡ xây chỗ ở mới. Tầm mức công trường tương đối rất hạn chế, chỉ là một phần nhỏ so với Công Trường Thạnh Lộc Thôn trong Chương Trình Hè năm trước.

Tôi muốn đi, không phải để làm mà là cho biết. Dù sinh trưởng ở Huế, tôi chưa bao giờ có dịp đi vùng nào Bắc của Huế. Tôi xin nghỉ việc để đi với Cát, vào một ngày mùa hè năm 1966.

Nhờ Cát xoay xở, tụi tôi đi máy bay Air America, mang theo ít vật liệu, từ Saigon đi Đà Nẵng; nghỉ lại đêm ở Ty Thanh Niên, rồi hôm sau bay đi, cũng Air America, Quảng Trị, rồi từ đó đi đường bộ lên Đồng Hà.

Tại đây đã gặp nhiều anh chị em trong Công Trường. Trong cảnh nghèo nàn, đầy thiếu thốn, tôi cảm nhận ngay thiện chí cao độ của các anh chị em thanh niên, trong một chấp nhận và chia sẻ thầm lặng nổi khổ của đồng bào bó buộc phải bỏ nhà bỏ cửa ra đi.

Chúng tôi đi xe nhà binh, về phía Tây trên quốc lộ số 9, tới Cam Lộ. Tôi không còn nhớ nhiều về các công tác – có lẽ vì cũng chẳng xây cất được bao nhiêu. Ấn tượng còn lại sâu đậm trong tôi là hai đêm nằm ngoài trời, dọc quốc lộ số 9, suốt đêm thấy tia sáng rồi nghe tiếng súng đại bác bắn đi từ căn cứ Mỹ gần đó – chợp mắt ngủ, thức giấc, ngủ lại trong tiếng súng cả đêm, bắn nát vùng oanh kích tự do.

Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2020

Trần Văn Ngô: Coi Vậy Mà...Hà Tường Cát Là Tất Cả Thanh Niên Thiện Chí

D:\PhamPhuMinh\Pictures\Scanned\2020-08-08 Cat\Cat 001.jpg
Hà Tường Cát
Hồi đó, giữa thập niên 1950. Trại công tác mới bắt đầu bằng những công việc nhẹ nhàng, ít người. Ở Tân An, Gò Vấp rồi lên Ban Mê Thuột. Dọn dẹp, trồng cây, sơn trường học, lợp nhà...

Nhẹ nhàng mà vui. Tiếng lành đồn xa. Bành trướng nhanh để trở thành một phong trào trong giới trẻ. Phong trào trại công tác, workcamps movement, thật sự đã có nhiều nơi trên thế giới.

Khi trở thành phong trào rồi thì người đi trại đông hơn, ngược lại công việc tổ chức trại, phân định công tác phức tạp, khó khăn hơn. Chuyện khó khăn vẫn là tìm sao cho ra công tác thích hợp.

NGƯỜI TÌM CÔNG TÁC


Trên căn bản là trại sinh đóng góp một phần, phần còn lại là của nơi thực hiện công tác. Làm gì, mua những gì, vật liệu đâu, dụng cụ đâu, cho bao nhiêu công nhân tài tử tới từ thành phố xăn tay áo lên làm ? Làm việc trong bao nhiêu ngày ?

Ừ mà làm đàng hoàng để khi hết trại ra đi, người ta không phải mất công, tốn của... làm lại !

Người đi tìm công tác cho Hội như vậy thật là khó khăn và quyết định là mấu chốt thành công của trại. Chi li, tỉ mỉ nhưng phải có đầu óc tổ chức, phân công theo khoa học. Tất cả đều dựa trên những con số giả tưởng. Hay chẳng có con số gì cả.

Bao nhiêu thành tích của nhóm này, của hội này, hội Thanh Niên Thiện Chí, là tính theo bao nhiêu công tác đã làm, làm được gì và công tác được bao nhiêu nơi. Và ngày trở lại sẽ được đón tiếp niềm nở.

Kỷ Niệm Hà Tường Cát Qua Hình Ảnh

Chúng tôi vừa làm một cuộc sưu tầm cấp tốc để tìm một số hình ảnh của anh Hà Tường Cát, từ những ảnh xưa nhất có thể có được cho đến những ảnh gần đây. Mong là những hình ảnh này sẽ thành những cột mốc kỷ niệm của cuộc đời nhiều hoạt động và nhiều bạn bè của anh Cát.

- Xưa nhất là tấm hình lớp Sử Địa 3 Đại Học Sư Phạm mà anh Cát theo học, niên khóa 1961-1962.


Hình này có Gs Tăng Xuân An. Anh Hà Tường Cát thắt cà vạt, ngồi bìa phải. (Hình do anh Lâm Vĩnh Thế, bạn cùng lớp với anh HT Cát gửi cho DĐTK. Anh Thế là người đứng thứ hai, từ bên phải)


Thứ Ba, 4 tháng 8, 2020

Nhà giáo, nhà báo HÀ TƯỜNG CÁT đã qua đời

Tin từ gia đình cho hay,

Giáo sư HÀ TƯỜNG CÁT

Tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm ban Sử Địa tại Sài Gòn năm 1963 
Cựu Giáo sư trường Ngô Quyền ở Biên Hòa, và Chu Văn An tại Sài Gòn

Đã qua đời vào lúc 7 giờ 30 sáng ngày 3 tháng 8 năm 2020
Tại bệnh viện Fountain Valley, Nam California, Hoa Kỳ
sau một thời gian dài bị bệnh bướu trong thận

Hưởng thọ 80 tuổi.

Linh cữu được quàn tại Peek Funeral Home
7801 Bolsa Ave, Westminster CA 92683
Chương trình tang lễ (chưa đầy đủ chi tiết) :

- Thứ Hai 10 tháng Tám, 2020 : Lễ nhập quan, phát tang và cầu siêu
- Thứ Ba 11 tháng Tám, 2020 : Lễ di quan và hỏa thiêu.

*

NHỚ VỀ HÀ TƯỜNG CÁT


Phạm Phú Minh

Trước tin buồn này, chúng tôi Ban Biên Tập và văn hữu của Diễn Đàn Thế Kỷ xin thành kính gửi lời chia buồn đến chị Hà Tường Cát (nhũ danh Nguyễn Thị Kim Dung) và toàn thể tang quyến.

Tại nursing home, từ trái: Phạm Phú Minh, Hà Tường Cát, Đỗ Quý Toàn, Đỗ Anh Tài

Thứ Năm, 12 tháng 7, 2018

Hà Tường Cát/Người Việt: Brett Kavanaugh, người sắp vào Tối cao Pháp viện Mỹ


Nếu được Thượng viện chuẩn nhận, ông Brett Kavanaugh, người vừa được Tổng thống Donald Trump đề cử vào Tối Cao Pháp Viện Mỹ, sẽ tác động đến các chính sách của nước Mỹ trong nhiều năm tới.

Kananaugh sẽ thay thế cho thẩm phán Anthony Kennedy nghỉ hưu từ ngày 31 tháng 7 sắp tới. Kennedy là thẩm phán thâm niên nhất ở Tối cao Pháp viện, từ 1988, do Tổng thống Ronald Reagan chỉ định và là người có lập trường trung dung và là lá phiếu ‘swing vote’.

Tối cao Pháp viện là toà án liên bang cao nhất tại Mỹ, có thẩm quyền tối hậu trong việc giải thích Hiến pháp, và có tiếng nói quyết định trong các tranh tụng về luật liên bang. Tối cao Pháp viện nắm quyền tài phán chung thẩm, có quyền tuyên bố các đạo luật của Quốc hội liên bang hay Quốc hội tiểu bang và các hoạt động của Hành pháp liên bang hay tiểu bang là vi hiến.

Thứ Ba, 19 tháng 6, 2018

Hà Tường Cát/Người Việt: Cấm hay không cấm tin giả?

Một người sử dụng Internet ở quán cà phê ở Hà Nội. 
Quốc Hội CSVN vừa thông qua luật “An Ninh Mạng” 
với mục đích ngăn chặn và kiểm soát các thông tin bất lợi cho chế độ. 
(Hình: Getty Images)

Câu hỏi đặt ra có vẻ nghịch lý, nhưng để giải đáp không hề đơn giản. Trong lãnh vực thông tin, tin tức là loại sản phẩm đến với mọi người một cách gián tiếp, qua nhân sự và phương tiện truyền thông. Tin tức chỉ là sự tường trình với nhãn quan và nhận định của người làm truyền thông, không bao giờ tuyệt đối đầy đủ và độc lập.

Các cá nhân và chế độ độc tài tìm cách ngăn cấm những tin tức bất lợi cho mình và cáo buộc đó là tin giả. Điều đó chính là một hình thức vi phạm quyền tự do ngôn luận. Vì thế không nên đặt ra luật lệ ngăn cấm bất cứ thông tin gì, trong từng tình huống, nếu cần hãy phân xử bằng pháp luật.

Thứ Tư, 23 tháng 5, 2018

Hà Tường Cát/Người Việt: Độc tài gặp độc đoán

Hình ảnh Tổng Thống Trump và lãnh tụ độc tài Kim Jong Un 
trên truyền thông Nam Hàn. (Hình: Getty Images)

Bốn tuần lễ trước hội nghị thượng đỉnh với Mỹ ngày 12 Tháng Sáu tại Singapore, Bắc Hàn đột ngột thay đổi thái độ, hăm dọa sẽ hủy bỏ hội nghị vì họ không chấp nhận lập trường thương thuyết định sẵn của Mỹ như hiện nay.

Khởi đầu, Bắc Hàn đả kích Mỹ vẫn giữ ý đồ xâm lăng, thể hiện qua hành động diễn tập quân sự hỗn hợp với Nam Hàn. Tiếp đó, lần đầu tiên kể từ khi hai bên bước vào tiến trình hòa hoãn, Bình Nhưỡng (Pyongyang) nói thẳng là sẽ khó có thể thương lượng nếu Tòa Bạch Ốc đòi hỏi Bắc Hàn phải hủy bỏ hoàn toàn kho vũ khí nguyên tử.

Thông tấn xã Bắc Hàn KCNA dẫn lời đệ nhất thứ trưởng ngoại giao Kim Kye-gwan: “Nếu Mỹ cố đẩy chúng tôi vào góc tường và ép buộc phải đơn phương giải giới nguyên tử thì chúng tôi không mong muốn đàm phán như thế, và sẽ phải xét lại xem có nên chấp nhận cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên sắp tới hay không.”

Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2018

Hà Tường Cát/Người Việt: Kim Jong-un ‘vượt biên’ và chuyện Nam-Bắc Hàn

Lãnh Tụ Bắc Hàn Kim Jong-un (trái) 
đi cạnh Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in 
sau khi bắt tay nhau tại lằn ranh giới đình chiến Bàn Môn Điếm,
trước khi tham dự cuộc họp thượng đỉnh giữa hai miền Nam-Bắc 
hôm 27 Tháng Tư 2018. (Hình: Getty Images)

Thứ Sáu, 27 Tháng Tư, 2018, trở thành một ngày lịch sử của Triều Tiên khi lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un bước qua đường biên giới giữa hai miền, được đánh dấu bằng một bờ bê tông thấp, ở Panmunjom (Bàn Môn Điếm) để gặp Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in.

Đây là lần đầu tiên một nguyên thủ Bắc Hàn “vượt biên” vào lãnh thổ Nam Hàn kể từ sau năm 1953 khi hai miền ký hiệp định đình chiến nhưng chưa phải là kết thúc chiến tranh.

Sau khi bắt tay chào hỏi, ông Kim Jong-un đã mời ông Moon Jae-in bước qua gờ bê tông để đặt chân sang lãnh thổ Bắc Hàn. Hành động bất ngờ này của Kim Jong-un là để thể hiện lòng chân thành hòa giải nhưng cũng được coi như muốn khẳng định vai trò của ông trong việc đưa ra sáng kiến mở một chương mới về hòa bình trên bán đảo bằng sự cởi mở và hòa hợp.

Thứ Năm, 26 tháng 4, 2018

Hà Tường Cát/Người Việt:

Đàn bò gặm cỏ trên một khu đất công gần Mesquite, Nevada. 
(Hình: George Frey/Getty Images)

“Các cowboys thua cuộc trong trận chiến giành đất miền Tây Mỹ” là nội dung bài phóng sự của ký giả Jim Carlton đăng trên tờ Wall Street Journal cuối Tháng Ba. Theo tác giả, do hàng loạt các quy định, diện tích đất thuộc quyền sở hữu của liên bang, nơi mà những nhà chăn nuôi có thể thả bò cho ăn cỏ, đã giảm đi gần một nửa trong vòng bốn thập niên vừa qua.

Nông gia Wayne Hage, 42 tuổi, chủ nhân một trại bò tại thung lũng Monitor Valley, trong vùng bán sa mạc thuộc tiểu bang Nevada giữa Reno và Las Vegas, nói với ký giả Carlton: “Ở đây vẫn có thể ngồi trên lưng ngựa giống như John Wayne, nhưng đời sống thì khốn khổ hơn bao giờ hết, vì lúc nào cũng phải đối phó với các luật sư.”

Thứ Ba, 17 tháng 4, 2018

Hà Tường Cát/Người Việt: Loại hỏa tiễn làm thay đổi cục diện chiến tranh

Phi tiễn liên lục địa RS-28 Sarmat của Nga.
(Hình: nationalinterest.org)

Hai danh từ tiếng Anh “rocket” và “missile” vẫn được gọi chung trong tiếng Việt là hỏa tiễn, hay tên lửa nếu muốn tránh phải dùng từ Hán-Việt. Nhưng có sự khác biệt căn bản giữa hai loại ở chỗ rocket là phi đạn không điều khiển dùng động cơ hỏa tiễn; còn missile là một vật bay có điều khiển, dùng động cơ hỏa tiễn và động cơ khác.

Do đó để phần nào tránh lộn xộn lầm lẫn, trong bài này sẽ phân biệt các danh từ: “phi tiễn” để chỉ missile, “hỏa tiễn” để chỉ rocket, và cruise missile được gọi là phi tiễn bình phi (hay hành trình) chứ không phải hỏa tiễn bình phi.

Thứ Ba, 10 tháng 4, 2018

Hà Tường Cát/Người Việt: Vụ tai tiếng Stormy Daniels, chuyện khó xử nhất của TT Trump

TT Donald Trump và Stormy Daniels ngày xưa, năm 2010. 
(Hình: Wikipedia)

Những người mạnh mẽ ủng hộ Tổng Thống Donald Trump có lý khi phàn nàn truyền thông Mỹ liên tục khai thác quá nhiều chuyện để tấn công ông. Nhưng phụ họa với ông để tố cáo truyền thông toàn đưa tin giả (fake news) thì không đúng. Các cơ quan truyền thông chính dòng (mainstream) không thể nào dám bịa đặt tin tức vì  uy tín của họ và nhất là tổn hại pháp lý rất nặng nếu bị kiện.

Ở đây không bàn luận chuyện ủng hộ hay chống đối Tổng Thống Donald Trump,  chỉ nói về những chuyện rắc rối ông vô tình hay cố ý tạo ra mà hậu quả là qua hơn một năm chưa lúc nào ông được yên ổn để tập trung  vào nhiệm vụ lãnh đạo đất nước.

Thứ Ba, 6 tháng 3, 2018

Hà Tường Cát/Người Việt: USS Carl Vinson thăm Đà Nẵng: Những điều đáng chú ý

Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson neo đậu trên vịnh Đà Nẵng. 
(Hình: Đại Sứ Quán Mỹ tại Hà Nội)

Trưa Thứ Hai, giờ Việt Nam, hải đội Hàng Không Mẫu Hạm Tấn Công số 1 (Carrier Strike Group 1) của Hải Quân Mỹ gồm hàng không mẫu hạm Carl Vinson (CVN-70), tuần dương hạm USS Lake Champlain (CG-57) và khu trục hạm USS Wayne E. Meyer (DDG 108) đã vào vịnh Đà Nẵng khởi đầu chuyến thăm Việt Nam 4 ngày.

Các chiến hạm Mỹ nhỏ hơn đã nhiều lần đến Việt Nam trước cũng như sau 1975 nhưng đây là lần đầu tiên, một hàng không mẫu hạm chủ lực của Hải Quân Mỹ vào bến Việt Nam.

Thứ Tư, 21 tháng 2, 2018

Hà Tường Cát/Người Việt: Nhật báo Los Angeles Times thời cách mạng thông tin

Bác Sĩ tỷ phú Patrick Soon-Chiong, 
tân chủ nhân nhật báo Los Angeles Times. (Hình:Getty Images)

Sau hơn một thập niên thuộc quyền sở hữu của một công ty ngoài vùng Nam California, nhật báo Los Angeles Times lại trở về với chủ nhân là cư dân thành phố Los Angeles. Những biến chuyển trong nội bộ các tờ báo từ những năm gần đây là thể hiện sự khó khăn phức tạp của ngành báo in vì thu nhập suy giảm ở thời đại cách mạng kỹ thuật thông tin.

Hôm 8 Tháng Hai, công ty mẹ Tronc Inc. đã thỏa thuận bán hai tờ báo lớn ở Nam California, nhật báo Los Angeles Times và San Diego Union-Tribune, với giá tiền $500 triệu cho Bác Sĩ Patrick Soon-Shiong, di dân gốc Trung Hoa, sinh tại Nam Phi. Thỏa thuận với Nant Capital, công ty đầu tư tư nhân của Bác Sĩ Soon-Shion, cũng bao gồm những báo nhỏ hơn thuộc nhóm Caliornia News Group. Thương vụ dự trù sẽ hoàn tất trong ít tuần lễ tới.

Thứ Năm, 15 tháng 2, 2018

Hà Tường Cát/Người Việt: ‘Cuộc chiến’ kinh tế về các tấm thu năng lượng mặt trời

Các tấm mặt trời gắn trên mái một căn nhà. (Hình: Getty Images)

Hôm  22 Tháng Giêng, 2018, chính quyền Mỹ  tăng mức thuế nhập cảng đối với các tấm bảng thu năng lượng mặt trời và máy giặt.

Đại diện mậu dịch Mỹ Robert Lighthiser nói rằng sau khi tham khảo Liên Ủy Ban Mậu Dịch và Ủy Hội Lưỡng Đảng Mỹ về Thương Mại Quốc Tế, Tổng Thống Donald Trump đi đến quyết định như thế vì tin là “sự gia tăng nhập cảng hai mặt hàng này làm phương hại nặng nề đến sản xuất quốc nội Mỹ.” Hầu hết những hàng nhập cảng này là từ Trung Quốc và Nam Hàn.

Tấm năng lượng mặt trời và linh kiện sẽ phải chịu thuế 30% và giảm dần trong 4 năm xuống còn 15%. 1.2 triệu máy giặt nhập cảng đầu tiên đóng thuế 20%, hai năm sau đó sẽ phải chịu thuế 50%.

Thứ Ba, 30 tháng 1, 2018

Hà Tường Cát/Người Việt: Các quốc gia Đông Á chạy đua phát triển hỏa tiễn

Hỏa tiễn bình phi tấn công AGM-158 JASDSM 
phóng đi từ máy bay mà Nhật Bản muốn mua của Mỹ.
(Hình: USAF/via Wikipedia)


Kế hoạch vũ khí nguyên tử và hỏa tiễn của Bắc Hàn đã kéo theo một cuộc chạy đua phát triển lực lượng hỏa tiễn phòng thủ cũng như tấn công ở tất cả các nước Đông Á.

Bắc Hàn

Kể từ khi Kim Jong-un lên nắm quyền lực Tháng Mười Hai, năm 2011, Bắc Hàn đã đẩy mạnh chương trình phát triển hỏa tiễn và nhịp độ thử nghiệm tăng lên đáng kể so với thời ông bố là Kim Jong-il. Sau những lần thất bại năm 2016, hiện nay Bắc Hàn đạt nhiều tiến bộ kỹ thuật nhanh chóng và Bộ Quốc Phòng Mỹ cho rằng trong vòng năm 2018 có thể có được hệ thống hỏa tiễn đạn đạo mang đầu đạn nguyên tử nhắm tới lục địa Mỹ.

Số lượng hỏa tiễn mà Bắc Hàn hiện có vẫn còn là bí ẩn và nhiều loại mới chỉ thử nghiệm chưa tới giai đoạn sản xuất và sử dụng. Nhiều loại hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn và tầm trung có khả năng bắn tới tất cả mục tiêu trên lãnh thổ Nam Hàn và Nhât Bản. Hỏa tiễn tầm xa Hwasong-10 hay Musudan triển khai từ năm 2010, hiện nay được cải tiến, có tầm bắn 3,200 km đủ đe dọa tới Guam.

Thứ Hai, 29 tháng 1, 2018

Hà Tường Cát/Người Việt: Trung Quốc leo thang thách thức Mỹ ở Biển Đông

Khu trục hạm USS Hopper (DDG-70) vừa thực hiện chuyến hải hành FONOB 
đi ngang qua gần bãi san hô Scarborough Shoal ngày 17 Tháng Giêng, 2018. 
(Hình: US Navy)

Trong một chuyến hải hành được gọi là “để xác định quyền tự do hàng hải” FONOP (Freedom of Navigation Operation), hôm 17 Tháng Giêng, khu trục hạm USS Hopper trang bị hỏa tiễn đã đi vào vùng biển Trường Sa và đến cách bãi san hô Scarborough Shoal 12 hải lý.

Phát ngôn viên Lu Kang, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, nói rằng chiến hạm Mỹ vi phạm vùng biển 12 hải lý của đảo Huangyan và “Hải Quân Trung Quốc sau khi thi hành các thủ tục định dạng theo luật quốc tế, đã phái một chiến hạm đến yêu cầu tàu Mỹ phải ra khỏi vùng biển.”

Thứ Ba, 16 tháng 1, 2018

Hà Tường Cát/Người Việt: California, ‘vùng đất không yên’

Thảm họa đất truồi ở thành phố Montecito làm 20 người thiệt mạng, 
4 mất tích, 65 căn nhà bị hủy hoại hoàn toàn và 462 căn nhà khác hư hại. 
(Hình: Getty Images)

Do đặc tính về cấu tạo địa chất, California là nơi dễ bị đe dọa bởi những thiên tai xuất phát từ dưới lòng đất cũng như trên mặt đất.

Khoa học hiện nay chưa có khả năng biết trước những thiên tai do biến động dưới lòng đất như núi lửa, động đất. Các thiên tai xảy ra trên mặt đất liên quan đến khí tượng thì có thể dự đoán khá chính xác, tuy nhiên tác hại nhiều khi vượt ngoài mức tiên liệu như trường hợp nạn đất truồi vừa qua gần Santa Barbara.

Thứ Ba, 9 tháng 1, 2018

Hà Tường Cát/Người Việt: Tự do buôn bán cần sa còn rắc rối với luật liên bang


Các nhân viên cửa hàng MedMen ở West Hollywood, California, mang nước uống cho khách hàng đợi vào mua cần sa trong ngày khai trương tiệm hôm Hai Tháng Giêng, 2018. (Hình:Getty Images)
Cần sa là một dược thảo đã được nhiều dân tộc biết đến từ hàng ngàn năm trước, nhưng do đặc tính kích thích thần kinh nên trong thế kỷ 20 hầu hết các quốc gia đều xếp nó vào loại ma túy cấm sử dụng.

Tuy nhiên lợi ích hay độc hại là đề tài tranh luận còn kéo dài, vì thực tế trong những năm gần đây cần sa là chất được tiêu thụ bất hợp pháp, hầu hết bằng hình thức hút đối với khoảng 5% dân chúng trên thế giới tuổi từ 15 đến 65. Do đó nhiều tiểu bang ở Mỹ có khuynh hướng nới lỏng sự cấm đoán trong khi theo luật liên bang thì cần sa vẫn bất hợp pháp.

Thứ Tư, 18 tháng 10, 2017

Hà Tường Cát/Người Việt: Vì sao cháy rừng là ‘chuyện thường ngày’ ở California?

Một người lính cứu hỏa bất lực đứng nhìn đám cháy rừng 
ở Bắc California vào tuần qua. (Hình: Getty Images)


CALIFORNIA (NV) – Cháy rừng là chuyện mỗi năm xảy ra nhiều lần tại California, nhưng vụ cháy vừa qua ở các vùng thung lũng làm rượu chát miền Bắc tiểu bang là gây thiệt hại vật chất nặng nề và tổn thất nhân mạng nhiều bậc nhất từ trước đến nay.

Hỏa hoạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong năm, tuy nhiên mùa Thu (nhất là trong Tháng Mười và Mười Một) có những vụ cháy tàn hại nhất ở tiểu bang này. Đó là thời gian cây cỏ chết khô qua mùa Hè và gió mạnh tiếp sức cho ngọn lửa cháy.

Cháy rừng chỉ là cách quen gọi, thật ra hầu hết các khu vực xảy ra hỏa hoạn không hẳn là rừng cây mà là “chaparral” nghĩa là những đồng cỏ hoang với các lùm bụi thấp.

Thứ Ba, 3 tháng 10, 2017

Hà Tường Cát/Người Việt: Thảm sát ở Las Vegas lại gây chia rẽ nước Mỹ về sử dụng súng

Hiện trường sau vụ nổ súng chết 59 người 
và làm bị thương hơn 520 người đêm Chủ Nhật 
gần khách sạn/sòng bài Mandalay Bay. (Hình: AP/John Locher)

Một lần nữa tranh luận về quyền sử dụng súng của dân Mỹ lại nổi lên sau vụ thảm sát đêm Chủ Nhật ở Las Vegas. Nghi can duy nhất Stephen Paddock, từ một phòng ở tầng 32 khách sạn bắn nhiều loạt súng xuống khán giả đang tham dự một buổi nhạc hội ở cự ly 400 thước phía trước Mandalay Bay Resort and Casino, làm 59 người thiệt mạng và hơn 520 bị thương.

Cảnh sát Las Vegas cho biết tìm thấy hơn 17 khẩu súng trường tại phòng khách sạn nơi hung thủ nổ súng bắn người rồi sau đó tự sát.