Hiển thị các bài đăng có nhãn Giới thiệu tác phẩm. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Giới thiệu tác phẩm. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 7 tháng 3, 2023

Đỗ Trường: Phạm Tín An Ninh: Con đường giải oan cho một cuộc bể dâu

Nhà văn Phạm Tín An Ninh và tác phẩm

Sau chiến tranh, tuy bị bức tử, nhưng Văn học miền Nam vẫn hồi sinh, phát triển, để bước sang một trang sử mới. Văn học Hải ngoại, một hình thức, hay tên gọi văn chương tị nạn, là sự nối dài của nền Văn học ấy. Và từ đó, ngoài các nhà văn tên tuổi, ta thấy, xuất hiện một loạt các cây viết mới. Họ xuất thân từ những người lính, tù nhân, thuyền nhân tị nạn, như: Cao Xuân Huy, Song Vũ, hay Phạm Tín An Ninh… Chiến tranh, con đường giải oan cho cuộc bể dâu ấy, là đề tài đã được các nhà văn đào sâu, tìm kiếm làm sáng tỏ một cách chân thực, sinh động. Và khi đi sâu vào nghiên cứu, ta có thể thấy, Phạm Tín An Ninh là một trong những nhà văn tiểu biểu nhất viết về đề tài này.

Vũ Hoàng Thư: Đọc thơ “Rằm” của Thi Vũ

Nhà thơ, nhà báo, nhà đấu tranh nhân quyền Thi Vũ Võ Văn Ái (1935–2023).  Nguồn: Quê Mẹ

chữ khơi, lời mở 

nguyên rằm,

ba nghìn thế giới

tơ tằm 

nguyệt gieo…


Rằm tháng giêng, ngày rằm đầu tiên của năm, tôi đọc thơ Rằm của Thi Vũ. Chỉ nội tên Rằm đã chất ngất uyên nguyên Việt tính. Không có ngôn ngữ nào khác trên thế giới có chữ rằm. Rằm gọi ngay thời điểm mặt trăng sáng nhất trong tháng, nói về trăng mà không nhắc đến tên trăng. Chỉ còn sự giao hòa giữa người và trăng, không cần đến ngón tay chỉ mặt trăng rắc rối thế gian cứ mãi vin vào. Rằm ngự trị đêm cho tình yêu hội tụ. Rằm lấp lánh tinh anh cho ta quên đi sự chói chang của mặt trời. Mọi ngày rằm trong năm là những ngày lễ, vía, những dấu mốc quan trọng trong đạo Phật. Rằm mở lối để nhìn vào một thế giới khác của con người, nơi đó tịch mịch, trầm tư và rộng lượng hơn là thế giới ồn động ban ngày.


Thứ Sáu, 3 tháng 3, 2023

Lê Hữu: Nhà thơ của trẻ thơ, thi sĩ Trần Trung Phương

Hình minh hoạ Inge Wallumrød

 Bữa nay lạnh, mặt trời đi ngủ sớm

(“Tương tư chiều”, Xuân Diệu)

Trăng nằm sóng soải trên cành liễu

Đợi gió đông về để lả lơi

(“Bẽn lẽn”, Hàn Mặc Tử)

Mặt trời mặt trăng trong những câu thơ trên được nhân cách hóa, sinh động. Mấy câu thơ bên dưới cũng mặt trời mặt trăng, cũng nhân cách hóa, cũng sinh động không kém.

Mặt trời ngủ gật đằng sau núi

Mấy bóng cây dừa ngã xuống ao

.  .  .  .  .

Trăng ngà tắm dưới cầu ao

Hạt trai đánh vãi vương vào lá sen

Nếu có khác, đấy là thơ trẻ em, không phải thơ người lớn như thơ Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử. Những câu thơ ấy ở trong tập thơ thiếu nhi Mấy Vần Tươi Sáng của Trần Trung Phương, Nxb Bình Minh, in lần thứ hai năm 1952 tại Hà Nội.

Thứ Ba, 17 tháng 1, 2023

Đào Trung Đạo: Đọc The Boat của Nam Lê

Nam Lê tên thực là Lê Hữu Phúc Nam, một nhà văn Việt Nam trẻ tuổi. Con Thuyền của Nam Lê do nhà xuất bản Knof ở Mỹ ấn hành đã được giới điểm sách đón nhận nồng nhiệt. Tiêu biểu là người điểm sách nổi tiếng “khó tính” của tờ The New York Times là Michiko Kakutani cũng đã có một bài giới thiệu sách đầy thiện cảm. 

Lê Nam sinh năm 1979, cùng gia đình vượt biển tỵ nạn năm anh mới 3 tháng tuổi. Cha anh, một sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa, sau khi ở tù cải tạo đã đem gia đình vượt biển đến Pulau Bidong, Malaysia và sau đó gia đình anh được định cư ở Melbourne, Úc Châu. Nam Lê tốt nghiệp luật sư, đi làm một thời gian nhưng sau đó bỏ nghề luật, sang Mỹ theo học lớp viết văn nổi tiếng Iowa Writer’s Workshop, tốt nghiệp và được học bổng Grace Paley Endowed Fellowship để hoàn tất việc học tại Trung Tâm Nghệ Thuật ở Provinetown, bang Massachusetts và tại Phillips Exeter Academy ở New Hampshire. Anh có truyện ngắn đăng trên những tạp chí văn chương thế giá như Conjunctions, Zoetrope, A Public Space, One Story, Best New American Voices, Best Australian Stories, Tuyển Tập Pushcart…và được trao những giải văn chương như giải Pushcart Award, Michener-Corpernicus Society Award. Nam Lê từng là chủ biên mảng tiểu thuyết của Harvard Review. 


Thứ Ba, 10 tháng 1, 2023

Nguyễn Thị Từ Huy: Những tình huống mới trong ngày cuối cùng của năm cũ

Ngày 31/12/2022 khép lại một năm với “Những tình huống mới”, bộ tranh mới của Bùi Chát, được trưng bày tại Lele Atelier, An Phú, Sài Gòn.

Đôi khi, tôi muốn đến sống ở một đô thị nhỏ, yên tĩnh hơn, trong lành hơn, hoặc cũng có thể về lại quê nhà. Nhưng tôi biết rằng, ít nhất là lúc này, tôi chưa thể rời xa Sài Gòn. Bởi, bên cạnh sự ồn ào, bụi bặm, quán nhậu, kẹt xe, ngập nước, đắt đỏ…, Sài Gòn căn bản được đặc trưng bởi sự giàu có về tinh thần, về các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, học thuật. Ngày tranh của Bùi Chát là một trong những biểu hiện của sự phong phú đó. Thành phố này luôn làm ta bất ngờ vì những bí ẩn và năng lực tạo tác của nó.

Chọn ngày cuối cùng của năm để mở ra “Những tình huống mới” hẳn không phải là một lựa chọn ngẫu nhiên của tác giả. Quả thực, thời gian được sử dụng như là một phần của cuộc trưng bày tác phẩm nghệ thuật. Đưa thời gian vào trong kết cấu của một triển lãm, không phải lúc nào cũng có thể làm được như vậy.

Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2022

Trần Trung Đạo: Bài thơ cuối năm hay nhất tôi được đọc

Khoảng đầu thập niên 1990, căn nhà của vợ chồng tôi ở Dorchester, Massachusetts, trở thành “trụ sở” không phải của một hội văn bút mà của cả một thế hệ cầm bút lưu vong đang định cư miền Đông Bắc Mỹ.

Gọi là thế hệ bởi vì đa số nhà văn nhà thơ cùng một tuổi. Họ là Trần Hoài Thư (1942), Lâm Chương (1942), Lê Mai Lĩnh (1942), Phạm Nhã Dự khoảng 1942, Trần Doãn Nho (1945) v.v… Trước 1975, họ biết nhau, chơi với nhau, viết chung một báo và nhiều trong số họ còn vào trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức cùng một khóa. Tổng cộng khoảng 30 chục người tính cả chúng tôi, những người cầm bút yêu mến họ thuộc thế hệ sau.

Họ mượn căn nhà của vợ chồng tôi để sinh hoạt chứ không phải tôi là một phần của họ. Tôi không biết nhiều về họ nên chỉ ngồi nghe. Những người họ gọi bằng tên, bằng “thằng”, bằng “nó” là những tên tuổi lớn mà tôi đọc và kính trọng từ Văn, Bách Khoa, Khởi Hành thời trước 1975.

Mỗi người trong số họ có vài “bí kíp” họ thích, có kỷ niệm và nhất là họ thuộc.


Thứ Ba, 27 tháng 12, 2022

Trần Thị Nguyệt Mai: Đỗ Hồng Ngọc với Áo Xưa Dù Nhàu...

Được biết những năm sau này, tác giả Đỗ Hồng Ngọc chọn “về thu xếp lại” khi một “chiều hôm thức dậy / ngồi ôm tóc dài / chập chờn lau trắng trong tay” (*). “Áo xưa dù nhàu...” là tựa tác phẩm mới nhất của ông do Phanbook.vn xuất bản với mười tám chân dung:

1. Nguyễn Hiến Lê, “… để cho người quân tử… hò ơ…”

2. Võ Hồng, “nỗi cô đơn uy nghi”

3. Cậu tôi, Ông Ngu Í Nguiễn Hữu Ngư, “người điên thứ thiệt”

4. Giáo Sư Trần Văn Khê, “Đời thường…”

5. Dương Cẩm Chương, “Kẻ lữ hành không mệt mỏi của đường dài” 

6. Thăm nhà văn Trang Thế Hy “… thì cứ hỏi cuộc đời” 

7. Thi sĩ Quách Tấn, “đọng bóng chiều” 

8. Gặp gỡ với Nhà thơ Huyền Chi của “Thuyền viễn xứ” 

9. Tôn Nữ Hỷ Khương, “Chỉ có tình thương để lại đời”


Đào Như: Phạm Xuân Tích - Suy tư và Ước mơ

Khi nhận được tập tiểu luận “ SUY TƯ VÀ ƯỚC MƠ” của tác giả Pham Xuân Tích, tôi liền điện thư cho tác giả với chân tình: “Tích ơi! Cuối năm bạn gửi đến tôi một quả bom tấn”. Tác giả, người bạn chí thân của tôi, trả lời “Anh Thể! Anh chịu khó đọc thật kỹ, đó là công trình suy tư của tôi trong nhiều năm tháng ’’. Tôi sực nhớ đây là tác phẩm của tác giả vừa bước vào tuổi tám mươi mốt. Chắc chắn phải là tiếng hót của con chim bị nhốt trong chiếc lồng hạn hẹp của không gian và thời gian còn lại...Chính tác giả đã viết trong phần “Lời Mở” của tập tiểu luận này: “Không có tuổi nào hạn định ước mơ, cũng không có ước mơ nào hạn định tuổi tác...”.

Có thể nói “Lời Mở” của tâp tiểu luận, thật sự nói lên nội dung của thiên tiểu luận mà tác giả Phạm Xuân Tích có tham vọng triển khai và phân tích khả năng trí tuệ của con người mà ông thu gọn trong 5 chữ “Suy Tư và Ước Mơ”. 


Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2022

Lê Hữu: Đêm rất thánh, đêm không cùng

Hát là cầu nguyện đến hai lần.

~ St. Augustine

Một anh bạn tôi, lấy cô vợ có đạo, nói với tôi là anh chỉ theo vợ đến nhà thờ hai lần trong một năm, vào ngày lễ Phục Sinh và lễ Giáng Sinh.  

“Vậy là anh lấy hết hai ngày lễ lớn nhất của người công giáo rồi còn gì,” tôi nói đùa. 

“Riêng lễ Giáng Sinh,” anh bạn nói, “không chỉ đi lễ nửa đêm, tôi còn hát theo được bài thánh ca nữa.”  

Tôi hỏi “Bài gì?”, anh nói “Đêm thánh vô cùng.” 


Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2022

Trần Thị Nguyệt Mai: Giới thiệu tuyển tập tiểu luận “Cõi chữ – Cõi người” của Trần Hữu Thục –Trần Doãn Nho



Nhà văn Trần Doãn Nho tên thật là Trần Hữu Thục. Ông dùng bút hiệu Trần Doãn Nho cho những sáng tác văn chương và lấy tên thật làm bút hiệu khi viết tiểu luận. Là một tác giả quen thuộc trên văn đàn miền Nam từ trước 1975 và cho đến hiện nay ở hải ngoại. Đã tốt nghiệp Đại học Huế ngành Triết năm 1968. Tiếp tục theo bậc cao học tại Đại học Văn Khoa Sài Gòn cho đến cuối năm 1969, ông được Đại học Huế mời về làm Phụ khảo Triết. Khi hết hạn hoãn dịch, thay vì xin gia hạn, ông chọn nhập ngũ, thuộc khóa 6/70 trường Bộ Binh Thủ Đức. Ra trường, chỉ vỏn vẹn làm Hành chánh Quân y 3 tháng, rồi được biệt phái trở về dạy Đại học Huế. Trước năm 1975, ông đã cộng tác với các tạp chí văn học ở Sài Gòn như Văn, Vấn Đề, Khởi Hành, Bách Khoa, Tân Văn, Đối Diện. Sau tháng Tư Đen, như tất cả các sĩ quan và viên chức chế độ VNCH, ông bị tù cải tạo cho đến năm 1981 và 12 năm sau, 1993, cùng gia đình định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. Trên mảnh đất dung thân mới, ông cầm bút trở lại và cộng tác với nhiều tạp chí văn học và website hải ngoại như Văn Học, Văn, Hợp Lưu, Việt, Thế Kỷ 21, Phố Văn, Gió Văn, Talawas, Gió O, Người Việt. Ông đã xuất bản các tác phẩm cả về văn, thơ, tạp bút, tiểu luận [1] và gần đây nhất là Tuyển tập Tiểu luận “Cõi Chữ Cõi Người” gồm hai tập:


Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2022

Nguyễn Đức Tùng: Giới Thiệu Thơ Dạ Thảo Phương

Đôi khi, một người như Dạ Thảo Phương làm cho tôi yêu Hà Nội.

 

đôi lúc thèm cuống quýt được chạy về Hà Nội

ngồi vỉa hè, ấp má một chén trà nóng

cho lòng lại được bình yên

Đó là một Hà Nội thanh bình, trang nhã. 

Đó cũng là một Hà Nội mục nát, tan hoang.

ước

một ngày thức dậy

ban công ngập rác thối

lá non rữa nát 

những hoa hồng teo quắt

con chim bên chùa Bà Đá thôi hót 

tốt nhất - đã chết 

bình nước trên bàn cũng cạn

chuông Nhà Thờ Lớn

câm 

 

Thơ chị khởi đi từ tự truyện và mơ màng (memoir and reveries). Đó là sự nối kết giữa quá khứ và hiện tại, sự soi chiếu một khoảnh khắc trong hiện tại bằng nguồn cảm xúc và suy tư từ những năm tháng bạn đã sống qua. Thơ xuất hiện trước sự viết. Trước khi chúng ta đọc một bài thơ như văn bản trên giấy, hay trên màn hình, thơ đến như một âm thanh. Chữ viết có tính cố định, khi bạn trở lại chúng vẫn nằm ở đó. Việc đọc lớn lên, làm cho bài thơ xuất hiện như âm nhạc, không cố định như vậy, chúng thay đổi theo thời gian. Thơ của Dạ Thảo Phương vang lên một thứ nhạc điệu riêng.

 

anh hỏi da thịt em ngát sen tự khi nào

anh ơi, từ những ngày tháng tuyệt mù em chưa biết anh

em đã là sen, từ trong bùn tối

 

Chị tra vấn ý nghĩa của đời sống, các mối quan hệ gia đình và xã hội, tình yêu và tình dục. Chúng có thể không phải là những câu hỏi trực tiếp nhưng xuất hiện bàng bạc, làm cho thơ chị trở thành không phải một bản tường trình về đời sống mà là những biểu hiện của đời sống ấy, tiếng nói của nó, sự vận động của nó, các thách thức của nó. Sinh ra ở một vùng văn hóa riêng biệt, đối với tôi là diễm lệ và mặc cảm, và yếu đuối trước sự dung tục vốn là bản chất của một xã hội áp đặt hoàn toàn xa lạ với dân tộc, tự mình thoát ra khỏi những ràng buộc của văn hóa ấy, vượt lên, phát hiện. Đó là nỗi buồn xuyên qua những số phận, sự đau đớn được nén lại tạm thời, sự ngã xuống và hồi phục. Chị không phải là người biết thua cuộc trước số phận, thường xuyên trở lại từ bên lề, đập cửa, kể lại câu chuyện đời mình.

 


Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2019

Phạm Xuân Đài: Hai Viên Sỏi

Buổi sáng chủ nhật 7 tháng 7, 2019 tòa soạn DĐTK nhận được bài thơ Viên Sỏi vừa sáng tác xong của nhà thơ Trần Mộng Tú. Đúng 24 tiếng đồng hồ sau, vào sáng ngày 8 tháng 7, lại được điện thư của tác giả, báo tin vừa tình cờ tìm ra và gửi đến DĐTK một bài thơ khác làm năm 2009 cách đây đúng 10 năm, cũng có tên là Viên Sỏi.

Tác giả ngạc nhiên trước sự trùng hợp này. Mười năm trước đã làm một bài thơ Viên Sỏi, đúng mười năm sau lại sáng tác một bài với tựa đề y hệt mà không hề ý thức sự trùng lặp ấy. Nghĩa là khi làm bài Viên Sỏi thứ hai tác giả hoàn toàn không nhớ gì về bài thơ cũ cùng tên. Nói cách khác người mẹ này đã quên đứt đứa con mình đã sinh ra trong quá khứ, nay đã lên mười. Ngày nay lại sinh thêm một đứa em, và đặt tên đúng tên anh hay chị nó sinh ra từ mười năm trước. 

Sự trùng lặp quả là hy hữu, khiến tác giả quyết định gửi luôn bài thứ hai đến DĐTK, để xem với cái nhìn khách quan, tòa soạn sẽ có ý kiến gì tạm gọi là giải thích sự kiện này không.

Điều làm cho kẻ viết bài này để ý trước tiên là hai chữ Viên Sỏi. Nó hẳn có nhân duyên nào đó trong tâm hồn thi nhân nên trong vòng mười năm, nó đã hai lần được đặt tên cho bài thơ. Sỏi là hòn đá nhỏ cỡ trái nhãn trái vải, nhẵn nhụi, có nơi như vùng miền Trung gọi là sạn, có người ở nơi khác còn gọi là đá cuội. Vì viên sỏi nhỏ nhắn và luôn luôn láng bóng nên nhiều người thích nó : bọn nhóc con tụi tôi ngày xưa đi tìm những viên sỏi cỡ trái nho để làm đạn bắn ná cao su; người lớn thì dùng để rải trên những lối đi trong vườn, gọi là lối đi rải sỏi; với những người xây cất công trình, nhà cửa thì sỏi được trộn với xi măng để làm bê tông… Kể ra thì quanh chúng ta ở đâu cũng có sỏi, và nó được dùng nhiều việc một cách phổ biến, không có giá trị gì đặc biệt.

Thế nhưng đối với những tâm hồn giàu cảm xúc và chiêm nghiệm thì viên sỏi có thể thành một đề tài. Trước tiên ai cũng thấy là ngoài thiên nhiên mọi vật đều thô nhám, những rừng cây rậm rạp, những hòn núi đá sừng sững cheo leo, những ghềnh thác, những bão bùng… nói chung là hoang dại. Trừ những viên sỏi. Đó như là những quà tặng mang dáng dấp đã được gọt dũa kỹ lưỡng của thiên nhiên, chúng nhỏ nhắn, chúng nhẵn nhụi, lắm khi có màu sắc đẹp, có hình thể tròn trịa hoặc ngộ nghĩnh. Nhưng chắc ai cũng biết sỏi không phải do trời sinh đã là như thế, những đặc tính của sỏi mà chúng ta nhìn thấy ngày nay là kết quả của sự đập vỡ và bào mòn qua vô lượng thời gian. Chúng ta có thể tưởng tượng từ hàng triệu năm trước những giao động mãnh liệt của quả đất tạo ra những va chạm kinh thiên động địa làm vỡ tan tành từng trái núi đá to. Những mảnh đá vỡ tung tóe khắp nơi, rồi những cơn hồng thủy đưa chúng về những con sông con suối, và hiện tượng nước chảy đá mòn từ từ hoàn tất từ thiên niên kỷ này qua thiên niên kỷ khác, có khi cả triệu năm mới cho chúng ta những viên sỏi như ngày nay.

Phạm Hồng Sơn: Đọc ‘Y Sĩ Tiền Tuyến Nghiêm Sỹ Tuấn…’

Bìa tác phẩm Y Sĩ Tiền Tuyến Nghiêm Sỹ Tuấn – Người Đi Tìm Mùa Xuân.

Đọc xong cuốn sách về một con người đã chết cách đây hơn nửa thế kỷ khi còn đương xuân, đương ởnhững năm tháng tiềm năng nhất về sức lực và trí lực, tự tôi dằn lòng nở một nụ cười lớn hạnh phúc cho riêng tôi.

Trầm mặc, bùi ngùi, thương xót, đau khổ, nhỏ lệ là một phản xạ nhân bản, hoặc, tệ hơn, một biểu hiện bề ngoài, rất đỗi tự nhiên của con người trước cái chết của con người. Cái tự nhiên đó dường như đã khiến chúng ta quên mất một điều, đối với con người sự hệ trọng nhất không phải sống hay chết mà là đã sống ra sao và được chết như thế nào. “Đã sống ra sao” là sự nỗ lực hay thiếu nỗ lực để sống cho xứng với tên gọi Con Người. “Được chết như thế nào” là “tử bất kỳ”, là điều không phụ thuộc vào ý muốn của chúng ta. Nhưng tư thế của người chết, tinh thần của người chết, bi tráng, lẫm liệt hay vật vã, bi lụy, luôn luôn khiến những kẻ đang sống phải suy nghĩ. Một con người có tầm vóc hiếm có, chỉ được sống một cuộc sống ngắn ngủi so với tha nhân, đã luôn trăn trở, nỗ lực, chịu đựng trong âm thầm cho tới tận lúc chết để bước và vươn cao hơn trên những bậc thang về cả trí tuệ lẫn nhân phẩm, được biết một Con Người như thế trong một cuộc đời còn nhiều ô trọc tại sao ta không hạnh phúc?

Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2017

Huy Phương: ‘Chết Dưới Tay Trung Quốc,’ một lời kêu gọi thực tế mạnh mẽ

Các sản phẩm như đồ chơi trẻ em bán trong Walmart 
cũng đều sản xuất tại Trung Quốc. (Hình: Getty Images)

Lâu nay, trong chừng mực nào, nhất là ở Việt Nam, chúng ta đã nghe nhiều về sự độc hại của thực phẩm phát xuất từ Trung Quốc, những hành vi ngang ngược lấn chiếm Biển Đông, bắn đuổi ngư dân ngay trong vùng biển của chúng ta, nhưng một cách quy mô, chúng ta chưa có cái nhìn tổng quát về sự hung hiểm ác độc của Trung Quốc về các phương diện kinh tế, chính trị, xã hội và quân sự đối với cả thế giới.

Thật sự Trung Quốc là một hiểm họa lớn ngay cả đối với Hoa Kỳ và các nước đồng minh thì kể gì một nước lạc hậu, nhỏ bé lại vô phúc nằm sát dưới nách và đã từng chịu ơn Trung Quốc như Việt Nam!

Trong đời sống thường, chúng ta có nghe đến chuyện một cái ghế nôi kẹp cổ một đứa bé đến chết, một cái điện thoại phát nổ làm nát bàn tay một người dùng hay ngôi nhà bốc cháy vì một mạch điện từ một cái quạt máy. Tất cả vật dụng này đều xuất phát từ Trung Quốc và chúng ta chỉ đơn giản nghĩ đây là lối làm ăn dối trá, tắc trách của những công ty vô đạo đức, và chỉ vì giá rẻ mà chúng ta mang mối họa về nhà. Ít người biết đến chuyện những viên thuốc bệnh chúng ta dùng hàng ngày, từ viên Tylenol, Aspirin đến viên Vitamin chứa đầy chất arsenic! Và thuốc giả Trung Quốc tràn ngập thế giới, Imanitib, một thứ thuốc trị bệnh ung thư, làm chết người ở Palestine, chỉ có nước, pha với một ít đường, phẩm màu và một tí aspirin.

Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2016

Bùi Bích Hà - Đọc Tình Yêu, Ngục Tù & Vượt biển


(Phát biểu trong buổi ra mắt sách Tình Yêu, Ngục Tù & Vượt Biển, vào ngày 17 tháng 7, 2016 tại Little Saigon)

Trước hết, chúng tôi xin được ngỏ lời cảm tạ anh chị Dương Phục-Vũ Thanh Thủy đã cho chúng tôi được vinh dự đọc và chia sẻ cảm nghĩ về tập hồi ký hết sức giá trị của anh chị, gắn liền sự nghiệp, tình yêu, quãng đời khổ nạn anh chị đã trải qua cùng với thời khoảng lịch sử đen tối của đất nước sau biến cố 30 tháng 4, 1975.
Viết về biến cố đau thương này, trước anh chị, đã có rất nhiều tác phẩm thuộc đủ mọi thể loại, nhiều nhất vẫn là hồi ký, đóng góp phần trải nghiệm của từng tác giả, làm nên bức vẽ toàn cảnh, cho tới nay, mô tả bằng máu, nước mắt, những mất mát vĩnh viễn của một Việt Nam tan tác, điêu linh, nhem nhếch suốt 40 năm qua dưới quyền sinh sát của một tập đoàn lãnh đạo mãi mãi vẫn còn là những tập sự viên mò mẫm với chủ nghĩa cọng sản què quặt, lạc hậu của họ. Và, càng đau đớn hơn, ngay dưới mắt một cộng đồng quốc tế có lúc đã hết kiên nhẫn nên đành ngoảnh mặt quay lưng với tất cả sự nghiệt ngã vượt ngoài tưởng tượng của một nhân loại bình thường.

Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2015

Uyên Nguyên - Tiếng cựa mình của những cánh hoa thơ…

NGUYEN-MAN-NHIEN-COVER-FINAL
Bài tựa cho tập thơ Dưới Rặng San Hô Bị Chôn Vùi, Tôi Tìm Thấy Biển, tác giả Nguyễn Man Nhiên, Lotus xuất bản, 2015
Giả định họa sĩ Salvador Dalí còn sống, luôn hăm hở sáng tạo, ông không cần nghĩ ngợi tìm kiếm đề tài, cứ vẽ lại y chang những hình tượng có trong tập thơ này, tuân thủ hay miễn chấp thứ tự xuất hiện, sự liên kết, vị trí, bố cục, màu sắc, thể dạng của chúng, biết đâu Salvador sẽ đẩy họa phẩm mới của ông vượt khỏi tầm siêu thực. Họa sĩ Hậu hiện đại.

Giả định thi sĩ Bùi Giáng sống dậy, xách đảy rách đi lang thang vô định trên bất cứ con đường Việt Nam hữu danh hay vô danh, đọc những bài thơ này với giọng khi râm ran, khi lầm bầm, khi ngặt nghẽo theo lối ngẫu nhĩ tương phùng, biết đâu tài danh, cá tính, cuộc đời ông được tán dương và được xưng tụng thêm một danh xưng mới. Thi sĩ Hậu hiện đại.

Giả định nhà hát Broadway nổi danh ở New York, Hoa Kỳ, dựng cảnh theo những gì được viết ra trong tập thơ này, cảnh trí phi thực hơn cơn mộng, vạn vật bất động hay hoạt động theo vô thức, ánh đèn loạn sắc hay tối om, tiếng động nhiễu âm hay vô thanh, nhân vật ẩn hiện, mờ ảo như ma quỷ, biết đâu khán giả sẽ dậy lên một cảm thức xa lạ, dị thường. Kịch nghệ Hậu hiện đại.

Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015

Bùi Vĩnh Phúc - Ẩn Dụ, một thế giới mở

Z
Giới thiệu sách mới: 
ẨN DỤ Cuộc phiêu lưu của chữ

Biên khảo của Trần Hữu Thục, Người Việt xuất bản tháng Năm, 2015, 358 trang, giá $17. Mua sách tại báo Người Việt hay Amazon, hoặc liên lạc với tác giả: trandoanho@yahoo.com Sau đây mời bạn đọc theo dõi bài giới thiệu cuốn sách nói trên, cũng là Lời Tựa của sách, do Giáo sư Bùi Vĩnh Phúc viết.  

Khi bắt đầu viết những dòng tựa này, tôi nhớ đến quyển truyện El cartero de Neruda (Neruda's Postman) của Antonio Skármeta, sau được chuyển thành phim (và khung cảnh truyện chuyển sang bên Ý) với tên Il Postino (The Postman), kể lại câu chuyện của một anh đưa thư, đặt trong bối cảnh chính trị xáo trộn của nước Chí Lợi (Chile) vào thập niên 1970s.  Khác bất cứ một người đàn ông nào trong làng mình, anh chàng Mario không thích trở thành một người đánh cá.  Hoàn cảnh đẩy đưa khiến anh lại trở nên một người đưa thư trên hòn đảo Isla Negra, cách xa đất liền đủ để anh cảm thấy mình không bị cuốn hút vào không gian buồn nản của cái nơi toàn những con người chài lưới kia.  Và, mặc dù trên đảo này có nhiều người sống, chàng Mario chỉ có một khách hàng là người nhận thư duy nhất, một người cư trú tại đây có học, biết đọc biết viết thực sự, đó là nhà thơ Pablo Neruda.  Nhà thơ được yêu mến nhất của Chí Lợi.  Và cũng là một nhà thơ rất được yêu mến của thi ca nhân loại.

Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2015

Hồ Như - NÓI VỀ KHẢ THỂ CỦA ĐẶNG THƠ THƠ


(Đã được tác giả trình bày trong buổi ra mắt cuốn sách Khả Thể của Đặng Thơ Thơ, vào ngày 15 tháng 2 năm 2015 tại hội trường nhật báo Việt Báo, Little Saigon)
 
Trước tiên, tôi xin khẳng định lập trường và vị thế của mình: tôi viết bài này không phải như một nhà phê bình, không phải như người ái mộ, cũng không phải như bạn bè của tác giả. Tôi muốn nói về Khả Thể với cương vị một người đọc, một trong số những người sẽ bỏ thì giờ kinh qua tập truyện và có ý kiến nhiều hơn là những nhận định chung chung kiểu “cũng được”, “cũng hay”.