Hiển thị các bài đăng có nhãn Gió ViVu. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Gió ViVu. Hiển thị tất cả bài đăng
Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2022
Gió ViVu: Chuyện Ma Quỷ
Ở Bắc Mỹ, vào tháng Mười, trời đã chớm thu, lá đổi màu, rơi rụng bay bay theo làn gió se se lạnh. Không chỉ lá vàng mà những trái bí ngô vàng cũng xuất hiện, những đồ trang trí, hóa trang cho ngày lễ hội Halloween được bày bán khắp nơi.
Hàng năm cứ vào ngày cuối cùng của tháng Mười, có Halloween - ngày Lễ hội cho người cõi âm hay còn gọi là Lễ hội cho ma quỷ. Người sống nhớ đến những người đã chết mà mở hội để vui vẻ cùng nhau, âm dương không biên giới cách biệt. Vào ngày lễ hội này, "ma" hiện ra khắp nơi, vì "người ta" thường hóa trang thành những hình hài xấu xí, gớm ghê đi rểu rảo quanh các thành phố, công sở, chợ búa, trường học,... nhất là những đứa trẻ con thích giả dạng thành đủ loại ma quái, dị nhân đi đến từng nhà gõ cửa đòi Trick or Treat? Cho kẹo hay bị ghẹo? Đó cũng là lúc mà người sống đang hoan hỉ mở rộng lòng chiều đãi người đã "ra ma" mà không hề sợ hãi.
Gió ViVu: Oan Hồn
Có thể người ta thích viết, nghe, kể chuyện ma, đóng phim ma hay coi phim ma,... nhưng chưa ai được nhìn thấy ma "thật" đâu, mà đó chỉ là những "hồn ma, bóng quế" do hãi hùng tưởng tượng mà sợ quá hóa thật! Những người theo khoa học thì cho rằng ma là chuyện hoang đường, bịa đặt để hù dọa hay răn dạy người đời. Nhưng, trong cuộc sống đời thường lại có những hiện tượng "bất thường" thật mơ hồ, huyền hoặc mà khoa học đang tìm cách giải thích và chứng minh (!?) ... như những câu chuyện truyền khẩu trong dân gian về oan hồn, gọi hồn người xưa, ma hiện hình, quỷ ám,...
***
Trong gia đình, Mai Phương là đứa con duy nhất bị kẹt lại ở Sài Gòn sau khi miền Nam thất thủ. Mười anh chị em của Phương đã thoát ra nước ngoài, có người đi bảo lãnh có người đi tàu vượt biển. Phương từng đi vượt biên vài lần nhưng không thành, có lẽ cung thiên di của nàng bị "triệt". Phương đành ở lại Việt Nam, hủ hỉ với bà mẹ và lo đi thăm nuôi ông bố là đại tá VNCH bị tù cải tạo ở đất Bắc. Phương sống với bà mẹ trong căn biệt thự rộng lớn, xung quanh là vườn cây đầy hoa thơm cỏ lạ.
Thứ Sáu, 10 tháng 12, 2021
Gió ViVu: Mùa Giáng Sinh Buồn
Hình minh hoạ, Gerd Altmann, Pixabay |
Con người đã và đang điêu đứng khốn khổ vì đại dịch Covid - 19. Coronavirus bé tí tẻo tì teo đã và đang "xưng hùng, xưng bá" vì chưa ai diệt trừ được nó. Từ ngày nó xuất hiện rồi tung hoành làm cục diện toàn thế giới đã thay đổi một cách hoảng loạn, buồn thảm và đau thương. Virus thật nhỏ bé "siêu nhiên" này đã lặng lẽ tấn công không ngừng vào con người, không phân biệt tuổi tác, màu da, dân tộc, giới tính, tôn giáo, chính trị hay đảng phái,... Một kẻ thù không đội trời chung mà cả thế giới phải chung lưng chống trả suốt gần hai năm trời nay mà vẫn bất phân thắng bại.
Như những chuyện "thần thoại", người ta cho rằng đây là cuộc chiến tranh giữa các thần nhân mà thần vương đang ngồi trên ngai thưởng thức một trò chơi thật thú vị rồi cười khoái chí, hả hê! Chả là thần vương đang tức tối, ghét bỏ loài người vì khối óc và con tim có bé tí nhưng mang nhiều tham vọng muốn "đội đá vá trời", luôn ti toe, huênh hoang, khoác lác và đe dọa cho rằng mình sắp thay thế "quyền năng" của thượng đế! Thần vương và các thần nhân đang nổi giận, đang trừng phạt loài người chăng?!... Có lẽ, vì con người mang quá nhiều tham vọng, chỉ đem lòng thù ghét, mưu hại, giết chóc lẫn nhau mà không thương yêu đùm bọc lẫn nhau; để rồi không bao giờ thấy được - một nền hòa bình, an vui vĩnh cửu - trên cái cõi trần thế này?!
Chỉ vì cái con virus bé tí, người trần mắt thịt không dễ dàng nhìn thấy hình hài của nó hay sờ mó, nắm bắt được nó,... mà con người phải sống "cách xa" nhau, gặp nhau không còn âu yếm ôm hôn thắm thiết hay bắt tay thân thiện nữa. Dù cho giàu hay nghèo, vua chúa, lãnh tụ hay thường dân đều cũng như nhau, cùng chung "chiến tuyến". Người ta sống cách xa nhau vì sự lo âu và nỗi sợ hãi... nếu được ban tặng cho con Corona mà không được báo trước cũng như không có được tự do phản đối quyền "Bất khả xâm phạm". Thật là một "món quà" không bao giờ mơ, đặc biệt nhất là vào mùa Giáng Sinh - một mùa lễ hội được cho là vui tươi, an lành, hạnh phúc nhất trong năm với những món quà đầy ý nghĩa, chan chứa tình yêu thương, nhân ái - mà người người thường hân hoan mến tặng và chia sẻ cho nhau.
Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2021
James Thurber: Tuyệt Chiêu (The Catbird Seat - Gió ViVu phỏng dịch)
Lời người dịch:
Cổ nhân xưa có câu:
Họa hổ, họa bì, nan họa cốt.
Tri nhân, tri diện, bất tri tâm.
Có nghĩa là:
Vẽ hổ chỉ vẽ được da, khó vẽ được xương.
Biết người, biết mặt, nhưng không biết được lòng.
Câu nói của cổ nhân từ xa xưa nhưng cho đến nay vẫn đúng và vẫn còn được ứng dụng hằng ngày trong giao tế xã hội, trong đối nhân xử thế.
Dò sông, dò biển dễ dò.
Đố ai lấy thước mà đo lòng người.
Dù ở phương Đông hay phương Tây cũng giống nhau, con người thật đa dạng, đa tài, đa mưu túc kế,...!
Tiểu Sử Tác Giả:
Sinh tại Columbus - Ohio, James Thurber (1894 - 1961) thích lấy quê nhà làm bối cảnh cho những câu chuyện khôi hài của ông. Những mẫu nhân vật điển hình trong truyện thường là một người cha hiền lành, nhu nhược bị ăn hiếp, bắt nạt bởi một bà mẹ khôn lanh, đanh đá; và những cuộc chiến tranh hay sự ganh đua, xung đột xảy ra giữa hai phái nam và nữ trong xã hội. Thurber viết cho tờ báo The NewYorker vào năm 1972 và đã được nhiều độc giả biết đến với những bài văn, truyện, hoạt họa và những hí họa rất đặc sắc.
Sau Mark Twain, Thurber được công nhận là nhà văn hài hước nổi tiếng nhất nước Mỹ. Hầu hết những tác phẩm của ông viết về những hậu quả của những cuộc hôn nhân không êm ấm, không thuận buồm xuôi gió; những ảnh hưởng xấu của nền công nghệ, kỹ thuật; và sự tác hại của chủ nghĩa Phát- xít. Thurber ưa thích dùng những hình tượng thú vật trong truyện vì ông rất ngưỡng mộ và cho rằng đó là những hình ảnh đặc thù gây ấn tượng sâu sắc nhất.
Thurber đã viết rất nhiều tác phẩm hay, nổi tiếng và đoạt được một số giải thưởng, bao gồm: My Life and Hard Time (1933), The Middle-Aged Man on the Flying Trapeze (1935), Further Fables For Our Time (1940), The Thurber Carnival (1945), and Thurber's Dogs (1955).
TUYỆT CHIÊU
Gió ViVu phỏng dịch
Martin đã mua một gói thuốc lá hiệu Camels vào tối thứ Hai trong một tiệm bán Xi-ga rất đông khách ở đường Broadway. Đó là giờ người ta đi coi hát, nên có khoảng bảy hay tám người đến mua thuốc lá cùng lúc. Người bán hàng bận bịu đến nỗi không có thì giờ để ý nhìn mặt từng người khách, Martin lẹ làng đút gói thuốc lá vào túi áo khoác rồi bước nhanh ra cửa. Nếu có ai trong công ty F & S mà nhìn thấy Martin đi mua thuốc lá thì chắc hẳn họ sẽ ngạc nhiên lắm lắm vì ai cũng biết là hắn không hút thuốc và cũng chưa từng có ai thấy hắn phì phèo điếu thuốc bao giờ.
Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2021
Rick Steves : Lạc Giữa Rừng Xương (Boning Up On History - Gió ViVu dịch thuật)
![]() |
Lạc vào một lãnh địa toàn đầu lâu tại Paris sẽ là một kỳ thú dành cho những người "yêu thích" xương khô. Hình minh hoạ, By The original uploader was MykReeve at English Wikipedia. Transferred from en.wikipedia to Commons., CC BY-SA 3.0. |
Sâu dưới lòng thành phố Paris, một mình đi giữa rừng xương người - có cả hằng triệu triệu xương ống chân, xương ống tay, xương chậu, và đầu lâu - tất cả chất đống dọc theo địa đạo chằng chịt dài hơn 300 km - tôi đang đứng trong khu hầm mộ ngầm ở Paris (Paris Catacombs) ... Đã hơn 200 năm qua rồi, nhìn những đống xương sọ này, tôi nghĩ đến trước kia đó là những cái đầu với khuôn mặt người tràn đầy những hỉ, nộ, ái, ố,... Nhìn những xương sọ chất chồng lên nhau, tôi mường tượng đến Hamlet trong vở kịch của Shakespeare, còn lại một mình trên sân khấu với đầy những xác chết ngổn ngang, và rồi ... Hamlet cũng phải chết!!! Chỉ nghĩ đến ... ôm cái đầu lâu mà tôi cảm thấy rùng mình, sợ hãi ...!
Tôi cố trấn tĩnh nỗi sợ hãi hão huyền để có thể tham quan nơi hầm mộ ghê rợn này. Tôi muốn "trộm" một cái xương sọ rồi giấu vào túi xách và nghĩ nếu mang về một cái đầu lâu cổ từ thời Napoleon đại đế thì thật là một món quà lưu niệm đáng giá nhất. Nhưng tôi không thể trộm được đâu. Những cái đầu lâu này đều được cột vào với nhau và có cái bảng cảnh báo rằng du khách sẽ "được" khám xét trước khi ra cửa đó!
Paris Catacombs - hầm mộ ngầm nằm dưới lòng Paris - kinh đô của ánh sáng đèn màu - đã an táng khoảng 6 triệu cư dân thành phố. Vào năm 1786, chính phủ Pháp quyết định giải tỏa giao thông, cải thiện vệ sinh đường phố bằng cách dẹp bỏ những nghĩa trang ở chung quanh các nhà thờ. Chính phủ đã cho xây dựng những khu hầm mộ trong một mỏ đá vôi sau khi đã khai thác, nằm sâu dưới lòng đất và dài ngoằn ngoèo, chằng chịt như mạng nhện; thật là một vị trí tuyệt vời dành cho những "người thiên cổ". Bao thập niên qua, những tu sĩ ở Paris đã làm những buổi lễ với mạng che mặt màu đen, những xe đẩy chứa đầy xương đi vào khu mỏ đá vôi và chất lên cao khoảng 1m 50 (5 feet), dưới lòng đất sâu 24 m (80 feet), mỗi "người" đều có tấm bảng ghi danh tánh của nhà thờ và địa phận, ngày tháng được đem đến.
Thứ Sáu, 15 tháng 10, 2021
Gió ViVu: Abdulrazak Gurnah Được Trao Giải Nobel Văn Học - 2021
![]() |
Abdulrazak Gurnah, Hình PalFest - originally posted to Flickr as Abulrazak Gurnah on Hebron Panel, CC BY 2.0, Wikipedia |
Abdulrazak Gurnah - nhà văn Anh gốc Tanzanian - người da đen đầu tiên đoạt giải Nobel văn học sau gần hai thập niên (sau Toni Morrison 1993) - ông được vinh danh là người cương quyết vạch trần thực chất của chủ nghĩa thực dân và niềm cảm thông sâu sa với số phận của những người tỵ nạn vì sự khác biệt về văn hóa lẫn cuộc sống ở mỗi đại lục.
"Đánh mất một quê hương" rồi đau khổ, nhớ thương, hoài niệm về quê xưa đã tạo cho Gurnah những nguồn cảm hứng để viết lên những tác phẩm để đời của ông."
Abdukrazak Gurnah sinh ngày 20 tháng 12 năm 1948 tại Sultanate, Zanzibar - bây giờ gọi là Tanzania (thuộc phía Đông Phi Châu - Ấn Độ Dương). Ông là người tỵ nạn đến Anh quốc sau cuộc nổi dậy ở Zanzibar vào thập niên 1960. Ông theo học tại University of London, sau đó lấy bằng tiến sĩ tại University of Kent, và ông cũng giảng dạy tại trường đại học này cho đến khi về hưu.
Sinh ra và lớn lên tại Zanzibar, một quần đảo ngoài khơi của Tanzania, Châu Phi. Từ thuở nhỏ, Gurnah không bao giờ nghĩ đến ông sẽ trở thành một nhà văn, vậy mà nay ông đã trở thành một nhà văn nổi tiếng thế giới, đoạt giải Nobel văn học năm 2021.
Gió ViVu: Maria Ressa Được Trao Giải Nobel Hòa Bình - 2021
![]() |
Maria Ressa By Joshua Lim (Sky Harbor) - Own work, CC BY-SA 3.0 ph, Wikipedia |
Maria Ressa - một phụ nữ Mỹ gốc Philippine - một nhà báo - một nhà tranh đấu cho quyền tự do ngôn luận - đã được trao giải Nobel hòa bình. Bà Ressa là người đàn bà đầu tiên đoạt giải Nobel năm 2021. Cùng nhận giải với bà Ressa còn có nhà báo Dmitry Muratov, người đứng đầu tòa báo độc lập "Novays Gazeta"ở Nga.
Bà Maria Ressa sinh ngày 2 tháng 10 năm 1963 tại thủ đô Manila - Philippine. Cha mất lúc bà lên một tuổi. Bà theo mẹ đến Hoa Kỳ sống từ nhỏ. Bà tốt nghiệp tại Đại Học Princeton với hạng danh dự về tiếng Anh.
Đoạt giải Nobel về hòa bình là một vinh dự và cũng là một thắng lợi lớn lao của bà Ressa với sự tranh đấu không ngừng cho quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Philippine. Hội nhà báo hải ngoại của Philippine cũng hy vọng với giải thưởng danh dự này sẽ làm dư luận thế giới quan tâm đến sự đấu tranh đầy khó khăn, gian khổ của họ là hằng ngày luôn bị tấn công và đe dọa trên mạng thông tin xã hội. Những tòa báo trong nước bị kiểm duyệt, những nhà báo bị đánh đập, bắt bớ, tù đày và giết hại.
Philippine là một quốc gia thật đáng sợ đối với những nhà báo trên thế giới, vì những kẻ giết người rất ngang nhiên và không hề bị xét xử trước pháp luật.
Hội Nhà Báo Thế Giới đã xếp hạng: Philippine đứng hàng thứ ba trên thế giới là một quốc gia chuyên đàn áp, gây hại cho giới báo chí, chỉ thua sau Iraq và Mexico.
Trụ sở báo của Philippine ở Brussels, Bỉ đã đưa tin có 159 nhà báo đã bị giết ở trong nước Philippine từ năm 1990 đến 2020.
Đoạt giải Nobel về Hòa Bình - bà Maria Ressa đã thề quyết đấu tranh cho sự thật, cho quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận tại Philippine và cho nền hòa bình lâu dài. Đối với bà Maria, việc thu thập tin tức là quan trọng hàng đầu và những người đưa tin phải được tự do nói lên sự thật, được luật pháp bảo vệ, và không nhượng bộ trước mọi bạo lực chống đối hay ngăn chận của chính phủ đương quyền muốn bưng bít sự thật.
Chủ Nhật, 19 tháng 9, 2021
Kate Chopin: The Story Of An Hour ( Gió ViVu phỏng dịch )
Lời người dịch.-
Nhìn những phụ nữ Hồi giáo mặc trang phục và trùm khăn Burka tôi không khỏi rùng mình lo nghĩ dù đang sống ở Bắc Mỹ - ở một xứ tự do, độc lập - và trong một xã hội được xếp hạng là "Nhất trẻ em, nhì đàn bà, thứ ba là chó". Từ bao thế kỷ trước, người đàn ông luôn được xếp hàng cao "chót vót" ngay cả ở những xứ Bắc Mỹ; đàn ông là trụ cột và được quyền khống chế, điều khiển vợ con nhất thiết phải sống theo ý mình. Thật là một bất công, vì từ đó bao cảnh đau khổ, đắng cay, nhục nhằn mà phụ nữ đã phải gánh chịu khi bước vào cuộc sống hôn nhân. Thời gian qua với bao nhiêu tranh đấu phụ nữ đã đạt được sự tự do và quyền bình đẳng. Nhưng không phải tất cả phụ nữ trên thế giới đều được may mắn như nhau. Vì ở một số nơi, người phụ nữ vẫn còn sống dưới sự áp bức và cai quản của đàn ông, và hôn nhân coi như một sự áp đặt sẵn hoặc mua bán, trao đổi vì quyền lợi chính trị, kinh tế, giai cấp,...chứ không có tình yêu lãng mạn, hẹn hò của lứa đôi.
Dù đã hai thế kỷ qua, câu chuyện "Một Khoảnh Khắc Thần Tiên" (Story Of An Hour) của Kate Chopin như vừa mới viết hôm qua - để nói lên cuộc đời, thân phận và tâm tình của những người đàn bà, những người vợ phải sống dưới chế độ thống trị, áp bức của nam giới - đã và đang còn tồn tại ở một số nơi trên thế giới ngày nay (thế kỷ 21).
TIỂU SỬ TÁC GIẢ
![]() |
Bà Kate Chopin - 1894 |
Kate Chopin (1851 - 1904)
Kate Chopin (được biết với tên Catherine O'Flaherty trước khi lập gia đình với Oscar Chopin vào năm 1870) sinh tại St. Louis, Missouri (USA) - Mẹ là người gốc French-Creole, cha là người di dân gốc Ái Nhĩ Lan. Kate Chopin lớn lên trong "Chế độ phụ hệ" chứng kiến bao thế hệ phụ nữ bị "nam giới thống trị". Từ thời bà cố ngoại, Chopin đã nghe nhiều truyền thuyết về người Pháp đặt bước chân đầu tiên đến St. Louis. Những "thần thoại" này cũng đã ảnh hưởng nhiều đến truyện ngắn của bà với đầy đủ màu sắc, hương vị và âm thanh của dân Creole và Acadian.
Những câu chuyện của Kate Chopin viết hầu hết về những người phụ nữ đã miệt mài, buồn khổ đi tìm kiếm tự do dưới chế độ cai quản của "đàn ông", và bà được mệnh danh là người tiên phong dám viết lên tiếng nói và tâm tình của những người phụ nữ bị hà hiếp, thống trị thời đó. Bà đã viết hơn một trăm truyện ngắn, rất nhiều truyện đã được xuất bản hai lần như: Bayou Folk (1894) và A Night in Acadia (1897). Hai cuốn: At Fault (1890), và The Awakening (1899), đã gây tranh cãi gay gắt về vấn đề ly dị và ngoại tình. Bị bài bác như một kẻ vô luân, vô đạo đức, The Awakening đã làm dư luận sôi nổi, phản kháng kịch liệt khiến Kate Chopin rơi vào tâm trạng buồn chán, thất chí và viết rất ít vào khoảng năm năm cuối đời.
Thứ Ba, 24 tháng 8, 2021
Gió ViVu (từ Canada): Afghanistan Sẽ Đi Về Đâu?
Tổ chức khủng bố Hồi giáo luôn tin tưởng rằng họ được ủy thác một sứ mạng thiêng liêng của cuộc Thánh chiến là "tận diệt thế giới" (những ai không theo Hồi giáo), Bin Laden đã tuyên bố : "Những kẻ phản giáo sẽ không bao giờ được sống yên ổn!"
Ngày nay, toàn thế giới công nhận Taliban là hiện thân của tổ chức khủng bố Hồi giáo, chuyên áp đặt luật Hồi giáo (Sharia) hà khắc với phụ nữ và vi phạm nhân quyền. Sau vụ khủng bố tấn công Trung Tâm Thương Mại Thế Giới ở New York (9 /11 /2001), vào tháng 10 năm 2001 chính phủ Canada quyết định liên minh hợp tác với Hoa Kỳ để tiêu diệt quân Taliban ở Afghanistan. Vì nhóm khủng bố này đã tiếp tay ủng hộ và che giấu Bin Laden - một tội phạm đã tổ chức cuộc tấn công 9/11. Kể từ đó chính sách ngoại giao của Canada đã thay đổi từ nhiệm vụ của người đi gìn giữ hòa bình (peacekeeper), quân đội Canada đã tham gia liên minh với Hoa Kỳ và một số quốc gia trong khối NATO để chiến đấu, bảo vệ an ninh, chống khủng bố, và bảo vệ nhân quyền cho dân Afghan.
Afghanistan được mệnh danh là một xứ sở của cực đoan, một đất nước mà trước kia đã có một thời thịnh trị yên bình từ năm 1929 đến năm 1978. Trong suốt thời đệ nhị thế chiến, Afghanistan vẫn giữ được sự an bình trong và ngoài nước, không có sự xung đột nào dù rất nhỏ với những xứ láng giềng. Nhưng vào năm 1978, cuộc đảo chính của quân cộng sản đã khiến Afghanistan trở thành một xứ sở có nhiều biến động với những cuộc nổi dậy của nhiều phe nhóm khác chính kiến. Năm 1979, Liên Bang Xô Viết đã xâm lược vào Afghanistan, dấy lên cuộc chiến tranh với nhóm chống cộng sản. Cho đến năm 1989, quân Liên Xô mới rút khỏi Afghanistan và dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền cộng sản Afghan vào năm 1992. Sau khi chế độ cộng sản ở Afghanistan bị hủy diệt, những đảng phải chính trị đã tụ họp lại và cùng nhau lập một Hiệp Ước Peshawar. Thật ra, hiệp ước này chỉ là mặt ngoài thỏa thuận của những đảng phái đang tranh giành quyền lực trong nước. Cuộc nội chiến chấm dứt khi Taliban được sự hậu thuẫn quân sự của Pakistan, và ủng hộ tài chánh của Saudi Arabia. Taliban lên ngôi và thiết lập một Tiểu Vương Quốc Hồi Giáo của Afghanistan.
Chủ Nhật, 15 tháng 8, 2021
Gió ViVu: Người Tù Sơ Sinh
Tiếng cửa đóng sập lại, tiếng then cài, rồi tiếng khóa tra vào ổ... Tôi sợ điếng người! Thế là... tôi đã thật sự bị tống vào tù! Đèn vừa bật sáng choang trong phòng giam, dường như tất cả bọn họ đều ngồi bật dậy trong mùng, tò mò nhìn chằm chằm vào chúng tôi - mười nữ tù mới toe - can tội "Vượt biên trái phép". Chúng tôi tả tơi vì ăn ngủ bụi đời trên đường trốn chạy và cả ngày nay bị đuổi bắt trên sông, bị phơi héo trên chiếc ghe neo ở Bắc Cổ Chiên, rồi bị đưa vào Khám Lớn Vĩnh Long. Mão, chị "tù trưởng" đã khám xét chúng tôi và phân chia chỗ ngủ. Là tù mới nên khố rách áo ôm, không mùng, không chiếu, "người ngợm" lại lấm láp, dơ dáy. Tôi được cho ngủ chung mùng với hai mẹ con Kim Lanh. Mệt nhoài, tôi chui vào mùng, Lanh đưa cho tôi ly nước, tôi gật đầu, cám ơn và uống hết. Tôi nhìn thấy một thằng bé tí con đang ngủ say bên cạnh mẹ, tôi khe khẽ nằm xuống và thắc mắc tại sao trong tù lại có con nít?... Mệt mỏi tôi ngủ thiếp đi và đèn cũng vừa tắt...!
Cái ly nước sông mà Lanh đưa tôi uống đã làm cho "Tào Tháo" rượt tôi chạy có cờ mệt đừ gần cả tuần. May là tôi không bị lấy hết tiền nên còn chút để gởi ra ngoài mua thuốc đánh lại "Tào Tháo". Sau một tuần, tôi xơ xác, đã gầy sẵn, bây giờ còn tong teo hơn. Sáng nào tôi cũng báo một phần cháo trắng cho người bịnh để có được một ly nước đun sôi, và sống chết tôi cũng chỉ dám uống ly nước đó mà thôi. Lanh đã chỉ cho tôi khai như vậy, vì cháo sẽ để dành ăn sáng, buổi trưa và chiều thì chia phần cơm với mẹ con nàng. Tôi quá đuối sức nên không còn tâm trí để nghĩ đến chuyện "buồn vui đời tù" nữa, nhưng lúc gia đình tôi gởi đồ thăm nuôi, tôi lấy lại "phong độ" và mạnh mẽ hơn để sống còn! Tôi bắt đầu để ý đến những người tù quanh tôi, nhất là thằng bé Khôi, con trai của Kim Lanh.
Trong khám, cứ mỗi thứ Năm là tù được cử ra một người đi chợ, nấu món ăn cho những người tù trong phòng theo ý muốn (nếu có tiền riêng). Tôi mệt lả sau khi bị ly nước sông "rượt" nên tôi thèm ăn súp khoai tây và carot nấu với chút thịt nạc. Tôi đặt món đó và chị Thanh (cũng là tù nhân) đi chợ mua về, tôi tự cắt rửa rau củ và thịt rồi để sẵn sàng, sau đó chị Thanh mang xuống nhà bếp nấu. Bé Khôi nhìn củ khoai và carot hỏi mẹ nó: "cái này là cái gì dzậy?" Tôi hết sức ngạc nhiên, chưa kịp hỏi thì mẹ nó nói: "từ nhỏ tới giờ nó chưa thấy, chưa ăn đó!". Hôm đó, tôi và bé Khôi ăn món súp mà chưa bao giờ tôi thấy ngon như vậy!
Chủ Nhật, 8 tháng 8, 2021
Gió ViVu: Bú Nhờ
Tôi sinh ra trong cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn của quê hương đất Việt, và lớn lên trong buổi giao thời khi cuộc chiến vừa tan. Dù sao đi nữa, tôi cũng cám ơn trời đã cho tôi một tuổi thơ vui đẹp bên sự thương yêu của cha mẹ, anh chị em, bà con làng xóm và bè bạn. Tôi vẫn còn nhớ nhiều những kỷ niệm, những trò chơi thuở còn thơ, những người bạn nhỏ ở cùng xóm,... Nhưng có một chuyện tôi không bao giờ quên, dù nó xảy ra lúc tôi còn oe oe nằm nôi ôm tí mẹ. Câu chuyện của tôi vừa dễ thương, vừa dễ ghét mỗi khi lòng bâng khuâng nhớ lại "cái tôi" của thuở ấy...!
Nhà tôi ở khu xóm Đạo, gần nhà thờ lắm. Bố tôi mở một tiệm bán Tạp Hóa ở đầu ngõ. Bác Quang là khách hàng quen thuộc nhất trong xóm, nhà bác gần ngay sau nhà tôi. Tôi rất ít ra cửa hàng vì sợ quấy rầy sự buôn bán, nhưng vô phúc cho tôi, nếu ló mặt ra nhằm lúc bác Quang đến mua hàng là tôi sẽ bị bác chỉ mặt và la lớn lên: "A, con bé bú nhờ, đi về với bác nào!". Bố tôi thì cười cười không nói gì, nhưng đau khổ nhất là mẹ tôi lại nói: "Đấy, đúng rồi! con gái bác, cho bác đấy, bác đem về nuôi đi!". Tôi xấu hổ, sợ hãi bỏ chạy vào trong. Sau này khi tôi lớn lên, mẹ tôi kể rằng: "Lúc sinh tôi chưa đầy tháng, mẹ tôi bị cảm cúm nặng lắm phải đưa vào nhà thương cấp cứu. Tôi không chịu bú sữa chai nên vú Sáu phải ẵm tôi vào nhà bác Quang xin cho bú nhờ vì bác cũng mới sinh Bắc, lớn hơn tôi vài tháng". Nghe mẹ tôi kể, tôi rất biết ơn bác Quang gái - bác rất đẹp, người tròn trịa, trắng trẻo lại hiền lành, tốt bụng - gặp bác tôi hay cúi đầu chào, và hay lén ngắm nhìn khi bác đi ngang qua cửa sổ nhà tôi. Tôi rất quý mến bác Quang gái, tôi vẫn thường nghĩ đến lúc bác bế bồng tôi cho bú như con của bác. Nhưng... tôi ghét bác trai ghê lắm vì cảm thấy "nhục nhã" khi ông cứ trêu chọc bất cứ lúc nào ông gặp tôi. Tôi vẫn cứ ấm ức trong lòng vì rõ ràng mình là đứa đi "bú chực, bú nhờ" không chối vào đâu được.
Bắc, con trai bác Quang, học cùng lớp, cùng trường với tôi. Bắc cũng trắng trẻo, hiền lành giống mẹ lại thêm cái nhút nhát như con gái. Tôi không ghét Bắc, nhưng tôi không thích bố của Bắc. Một hôm, khi tôi ra cửa hàng chơi quanh quẩn, tôi tình cờ khám phá trong đống giấy báo dùng để gói hàng có vài cuốn tập vở cũ tên Lê Hoài Bắc. Tôi hí hửng lật ra coi và rất thích chí vì có cơ hội "trả đũa" bác Quang. Bắc học rất kém môn Văn và Toán. Thế là Bắc trở thành nạn nhân bị ăn hiếp vì cái tật "giận cá, chém thớt" hay "ghét cha, trêu con" của tôi.
Chủ Nhật, 25 tháng 7, 2021
Gió ViVu: Qúa Khứ Buồn...!
Một buổi chiều mùa đông lạnh lẽo, tôi đến xứ Lá Phong và nhận nơi này làm quê hương vì nó quá dễ thương! Và đây cũng là nơi chôn nhau, cắt rún của hai đứa con tôi. Cả gia đình chúng tôi sống tự do, hạnh phúc trên một xứ sở mà người Việt hay ví von là "xứ lạnh, tình nồng" - Canada là một xứ đầy tuyết lạnh, một xứ đa văn hóa, có những người dân hiền hòa và hiếu khách.
Thấm thoát, thời gian trôi..., tôi sống ở quê "nhờ" lâu hơn ở quê mẹ, nhưng vẫn bâng khuâng buồn vì tôi luôn ở một "ranh giới nhòe nhoẹt" giữa hai quê. Tôi luôn tự giới thiệu mình là "người Canada gốc Việt" và tự hỏi "phải chăng trong cái 'ngôn từ' này đã hàm chứa một sự phân biệt chủng tộc?". Tôi là công dân Canada, nhưng không phải người "da trắng" mà là da vàng, tóc đen; không thể dấu giếm gốc gác, cội nguồn là đến từ Việt Nam - Châu Á. Tôi cũng thường dí dỏm khoe khoang rằng "tui có tới hai quê lựn đó nghen!"- một quê để nhớ, để thương, và một quê để nương náu...!
Rồi... cái "xứ lạnh, tình nồng" của tôi cũng như toàn thế giới, đau đớn rơi vào trận Đai Dịch Covid -19, và từ đó phát sinh ra những biến cố đau thương với chết chóc và nhiễu nhương...! Mọi người đều lo sợ, tìm mọi cách lánh xa và tiêu diệt con Corona nguy hiểm. Nhưng không riêng con Corona độc địa, cuộc sống của tôi lại bị đe dọa bởi một loại "virus" mới mang tên "Ghét". Một loại virus gây cơn bịnh "trầm kha" bao năm qua đã bùng lên mạnh mẽ theo kèm với trận đại dịch Covid-19.
Vancouver, nơi tôi đang sống, là một thành phố xinh đẹp, sầm uất, và giàu có; đã từng được bầu là một trong 10 thành phố đáng sống nhất trên thế giới. Nhưng... Vancouver lại có những cái không giống với những thành phố khác. Tôi thấy, dường như nó đang sống và tự đấu tranh không ngừng với những đảng phái chính trị, đa tôn giáo, đa dân tộc và do đó có những cuộc "chiến tranh đa dạng".
Thứ Bảy, 10 tháng 7, 2021
Gió ViVu: Buồn Vui Đời Gấu!
(Video đính kèm)
Những tia nắng ấm của mùa xuân đã đánh thức những chú gấu ngủ đông miền Bắc Mỹ. Sau một giấc ngủ vùi mê mệt, những chú gấu thức giấc, vươn vai, khoan khoái hít thở cái không khí tươi mát của đầu xuân... thật là hạnh phúc! Nhưng rồi chợt thấy mình yếu đuối, tiều tụy, gầy ốm vì đã nhịn đói suốt một mùa đông...! Chầm chậm bước ra khỏi hang, gấu phải đi tìm thức ăn dù mặn hay chay. Vào đầu xuân, cây cối, hoa lá vừa đâm chồi nảy lộc lấy đâu ra hoa và trái mà ăn, còn đám thú nhỏ cũng biến đâu hết rồi, đói quá đi thôi! Những chú gấu bụng đói meo thường buồn bã lang thang trong rừng hay "mon men" đến khu nhà dân, lục lọi những thùng rác để tìm kiếm thức ăn. Những chú gấu háu đói nhưng gan dạ này rất thích "xâm nhập gia cư bất hợp pháp".
British Columbia, thuộc Canada là một vùng đồi núi và biển xanh được bao quanh bởi rặng núi Rocky hùng vĩ - còn được gọi là "xứ sở của gấu" - ở đây, dân số của gấu cao nhất thế giới khoảng 120,000 đến 150,000 con. Gấu là loài ăn tạp, kiếm ăn từ tháng 5 cho đến tháng 10, và ngủ đông. Trước khi ngủ đông, nếu khí hậu còn ấm áp, gấu vẫn lang thang trong rừng hay đến nhà dân kiếm ăn để dự trữ cho một "giấc mộng dài". Gấu là một loài thú có thể gây nguy hiểm chết người, nếu không may "ra ngõ gặp gấu" thì không thi triển "Lăng Ba Vi Bộ" được đâu, chạy không lại gấu, mà lỡ trúng phải "hùng chưởng" thì tay chưa kịp bắt chuồn chuồn, hồn đã mỉm cười nơi chín suối!!! Phải biết những "chiêu thức" lỡ khi gặp gấu: dừng lại, không nhúc nhích, rồi từ từ lùi lại, và đi hướng khác; nên mang theo cái "xịt gấu" (Bear Spray), đeo bên mình cái lục lạc hay "chuông báo khẩn cấp" (Panic Alarm). Nếu gặp gấu mẹ đi với gấu con là một tình huống xấu xí nhất, vì để bảo vệ con, gấu mẹ hung hăng hơn bao giờ hết - phải lùi lại, tránh xa, và lặng lẽ, khôn khéo tìm đường lẩn tránh, thoát thân. Quanh những nơi dân cư đi lại, thường có những bảng hay dấu hiệu cảnh báo có gấu lai vãng nên phải thận trọng dè chừng. Tuy gấu nguy hiểm nhưng cũng hiếm hoi xảy ra những vụ người bị gấu tấn công.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)