Hiển thị các bài đăng có nhãn Diễn đàn Thế Kỷ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Diễn đàn Thế Kỷ. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 20 tháng 2, 2015

XUÂN ẤT MÙI, 2015: LỜI NÓI ĐẦU

Thưa quý độc giả,

Tết đến, chúng ta tạm gác lại những câu chuyện thời sự Việt Nam và thế giới để thảnh thơi đôi chút với một trang báo tạm gọi là Số Xuân. Đây không phải là một số Xuân in dày cộm mà độc giả có thể đọc suốt mùa xuân, số Xuân này chỉ dùng để đọc trong... một ngày. Chúng tôi cố ý đăng một số lượng vừa phải các sáng tác của những văn hữu đã gắn bó đã nhiều năm với tạp chí Thế Kỷ 21 rồi DĐTK, hầu quý độc giả có thể đọc một cách nhẹ nhàng thảnh thơi, để rồi còn đi tìm những thú vui xuân khác. Và số Xuân còn tiếp tục vào ngày mai, mồng hai Tết, và sau đó là cuối tuần, chuyện Xuân chuyện Tết có thể còn kéo dài.

Như thế, có thể nói năm nay chúng ta ăn Tết lớn...

Tranh: Họa sĩ Nguyễn Thị Hợp


Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

DÐTK - SÁCH BÁO NHỮNG NGÀY THÁNG CŨ



LTS. Bắt đầu từ kỳ này, trang Văn học Nghệ thuật của Diễn Đàn Thế Kỷ sẽ mở một mục mới với một nội dung rất cũ. Đó là chọn lựa để đăng lại các bài giới thiệu sách trên nguyệt san Thế Kỷ 21 trích từ một mục gọi là Sách Báo Trong Tháng do nhà văn Phạm Xuân Đài phụ trách trong quãng mươi năm, bắt đầu từ khoảng giữa thập niên 1990.
Các bài giới thiệu các cuốn sách mới xuất bản của một thời thì hẳn nhiên ít nhiều có tính cách thời sự, nhưng bản thân sách thì vượt thời sự, và hy vọng những bài giới thiệu sách cũng thế, có thể phản ảnh cho chúng ta những kết quả sáng tác của một quãng thời gian trong quá khứ.Trong mỗi bài giới thiệu, chúng tôi giữ lại nguyên phần nguồn gốc cuốn sách như tên nhà xuất bản, địa chỉ và số điện thoại liên lạc v.v..., có thể ngày nay không còn tồn tại nữa, nhưng cũng cần ghi ra như là căn cước của một ấn phẩm.

*

Sách Báo Trong Tháng
trích tạp chí Thế Kỷ 21 số 99, tháng Bảy, 1997


Đêm Giữa Ban Ngày

hồi ký của Vũ Thư Hiên, Văn Nghệ xuất bản, 767 trang, giá US$28, ngoài nước Mỹ $32. Liên lạc: Văn Nghệ, P.O. Box 2301, Westminster, CA 92683. Tel: (714) 527-5761.

Vũ Thư Hiên là nhà văn của miền Bắc, đã có nhiều tác phẩm được xuất bản ở trong nước trước và sau thời gian chín năm ông bị bắt (1967-1976), kể cả bản dịch từ Nga văn tác phẩm của Paoustovski. Hồi ký Đêm Giữa Ban Ngày là quyển sách đầu tiên của ông được ấn hành ở hải ngoại, và cũng là cuốn đầu tiên nói về chuyện mình bị bắt bớ giam cầm bởi nhà cầm quyền Hà Nội.


Ông là nạn nhân của vụ án "xét lại" do phe nhóm của Lê Đức Thọ dựng lên trong những năm 60 để tiêu diệt những người bị nghi là thân Liên Xô. Gọi là nạn nhân vì ông là người không hoạt động chính trị, bị dính vào một vụ án tưởng tượng ấy chỉ vì ông là con của ông Vũ Đình Huỳnh, một trong những đối tượng chính của Lê Đức Thọ trong vụ này. Chỉ có thế mà ông bị tù chín năm, và cũng chính vì những khổ ải lao lý vô cớ như vậy mà ông quyết định viết cuốn hồi ký này, quyết định ngay từ những ngày đầu tiên ở trong tù.

Ông đã ghi ngay bìa sách rằng đây là hồi ký chính trị của một người không làm chính trị, có lẽ chính vì thế ông đã đóng vai trò nhân chứng một cách khách quan, không bị các thiên kiến chính trị làm lệch lạc tác phẩm. Tính chất nhân chứng khách quan ấy là điều vô cùng quan trọng của tác phẩm này, nó làm nên giá trị, nó tạo chỗ đứng cho cuốn sách với các đóng góp về lịch sử của nó. Nhờ vị trí của mình trong xã hội miền Bắc trước đây, tác giả đã có nhiều cơ hội quan sát kề cận những khuôn mặt chính trị quan trọng nhất của chế độ, lề lối hoạt động của chế độ, những chuyện thuộc loại thâm cung bí sử... Nhờ vụ bắt bớ oan ức và đày đọa chín năm, tác giả lại được tiếp cận với hệ thống nhà tù cộng sản với tất cả tính chất vô nhân của nó... Với con mắt quan sát và nhận định của một nhà văn, ông đã thu vào tâm trí mình những nét đặc thù, những góc cạnh đặc biệt mà một người tù thường không nhận thấy. Và cũng nhờ là một nhà văn có tài, ông đã khéo léo đo lường dung lượng văn học cho một tập hồi ký, biến các sự kiện đã thành vô hồn của quá khứ thành sống động, hấp dẫn cho người đọc không kém tiểu thuyết, trong khi vẫn giữ được tính chất trung thực như là nền tảng chung cho cả cuốn sách.

Đêm Giữa Ban Ngày là cuốn hồi ký quan trọng nhất từ trước tới nay viết về thế giới chính trị miền Bắc, và có lẽ nó sẽ giữ nguyên vị trí ấy ít nhất cho đến đầu thế kỷ sau. Những sự thật mà nó mang trong nội dung không những cần cho tất cả mọi người Việt Nam trong và ngoài nước, mà còn cần cho thế giới. Vì thế những bản dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp và nhiều thứ tiếng khác sẽ là điều rất cần thiết.

Rong Biển

tập truyện của Trần Thị Diệu Tâm, An Hiên xuất bản, bìa do Phạm Tăng trình bày, 261 trang, giá 80 quan Pháp (US$16). Liên lạc: Bà Trần Thị Diệu Tâm - An Hiên, 158 Boulevard Masséna 75013, Paris, France.
Một người đàn bà có học vấn, ở lứa tuổi đã trưởng thành ở Việt Nam trước 1975, đã trải qua biến cố năm đó và những năm tiếp theo trong nước, rồi đi ra nước ngoài, sinh sống lập nghiệp, nhìn lại, và viết. Ba đoạn đời, ba thế giới riêng biệt, khác hẳn nhau, nhưng được sống, cảm nhận và kể lại bởi một người. Một khi đã trải qua những cuộc đổi đời, hình như ai có chút duyên với chữ nghĩa đều cảm thấy có nhu cầu - và có thể, bổn phận nữa - ghi nhận lại, bằng một cách nào đó, để tái hiện các hoàn cảnh hiếm hoi mà mình đã trải qua.
Rong Biển là một truyện vừa, 118 trang, bên cạnh một số truyện ngắn khác trong tập, đi từ thuở ấu thơ của nhân vật chính, từ một cô bé học tiểu học ở vùng quê thời còn chiến tranh với Pháp, đến một nữ sinh viên Văn Khoa thời Việt Nam Cộng Hòa, rồi ở vào cảnh một thiếu phụ góa chồng tị nạn tại đất Pháp... Mọi biến cố được nhìn qua con mắt của một nhân vật nữ, chính tính chất nữ ấy là cái đặc sắc của truyện, chứ không phải là tấm bích họa rộng lớn của thời đại mà có lẽ tác giả cũng không có ý định và có sức để vẽ lại hết các dáng vẻ của nó. Người đàn bà trung tâm câu truyện bộc lộ tính chất cố hữu của nữ tính qua các biến cố, tuy không phải với lời than dài mấy trăm câu thơ như Chinh Phụ Ngâm, nhưng nỗi niềm thì không khác. Trần Thị Diệu Tâm biết đâu là cái quan trọng nhất đối với người đàn bà. Bà diễn đạt rất giỏi cái điều rắc rối nhất mà thật ra rất đơn giản, vì căn bản nhất, là tình yêu nơi người nữ. Trong trường hợp Rong Biển, là tình yêu qua cơn ba đào của các loại thời cuộc.

"Tâm hồn con gái là vùng cấm địa, chỉ có một kẻ dám đặt chân vào, đó là bước chân của tình yêu. Tình yêu là kẻ trộm tài ba, có khả năng đột nhập vào cấm địa tâm hồn mà không cần xin phép, để lấy cắp tất cả những gì quý giá nhất và trao tặng một người xa lạ, có tên gọi là 'người yêu'.

... "Hai người yêu nhau, họ đã xây dựng một quốc gia riêng với một thứ luật lệ mà người thứ ba chưa hề hiểu nổi. Nó ở trên mặt đất nhưng không thuộc về đất. Nó ở trong thân xác mà không thuộc về thân xác. Nhưng nó nhờ thân xác để diễn tả được nó."

Nhân vật chính ấy được tác giả ví như nhánh rong biển, chập chờn theo con sóng, và bao giờ cũng bị nước nhấn chìm không thảnh thơi thở được không khí dưới ánh mặt trời. Cho đến một ngày kia, bỗng nhánh rong được trôi giạt vào nằm trên một bãi cát. Đó là đoạn kết có hậu một cách muộn màng. Nhưng nếu còn tình yêu, mọi sự rồi cũng chẳng bao giờ muộn...


Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2012

MỪNG NĂM MỚI


Trước thềm năm Nhâm Thìn, Diễn Đàn Thế Kỷ chân thành kính chúc quý Bạn Đọc và quý Văn Hữu một năm mới An Khang và Thịnh Vượng.

Thấm thoắt đã một năm rưỡi trôi qua kể từ ngày Diễn Đàn Thế Kỷ chào đời. Đây là cái Tết thứ nhì của Diễn đàn, và cũng là lần thứ hai số Xuân Diễn Đàn Thế Kỷ đến với quý vị. Chúng ta sẽ "vui xuân" trong hai ngày, hôm nay 29 tháng Chạp và ngày mai Mồng Một Tết Nhâm Thìn, để sau đó lại quay về cuộc sống thời sự với bao nỗi lo toan căng thẳng không bao giờ dứt.

Ước mong sự tin cậy đã có được giữa Diễn Đàn Thế Kỷ với Bạn Đọc và Văn Hữu sẽ ngày thêm bền vững, để Diễn đàn của chúng ta càng tiến xa hơn nữa trong tương lai.

Diễn Đàn Thế Kỷ

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2011

CHIA BUỒN CÙNG NHÀ VĂN DOÃN QUỐC SỸ

Được tin BÀ DOÃN QUỐC SỸ
Nhũ danh HOÀNG THỊ THẢO
Pháp danh DIỆU THẢO

Đã mãn phần vào lúc 5 giờ chiều
ngày 08 tháng 9 năm 2011
nhằm ngày 11 tháng 8 năm Tân Mão
tại Houston, Texas, USA

Hưởng thọ 86 tuổi

Thánh kính phân ưu với Nhà văn DOÃN QUỐC SỸ
 và tang quyến.

Diễn Đàn Thế Kỷ và thân hữu.



Chủ Nhật, 24 tháng 10, 2010

Lời Nhắn Tin

Ngày hôm qua 23 tháng 10, 2010, một độc giả của DĐTK đã gọi điện thoại đến Tòa soạn cho biết rằng loạt bài "Đừng Lặp Lại Kinh Nghiệm Chiến Tranh Việt Nam" (nguyên tác của Richard Nixon, Nường Lý chuyển ngữ) hiện đang đăng đến kỳ thứ 6, nhưng thiếu mất kỳ thứ 3.

Chúng tôi đã xem lại thì có kỳ thứ 3 chứ không thiếu. Độc giả có thể kiểm soát lại các kỳ đã đăng bằng cách bấm vào tên tác giả trong ô Danh Mục Tác Giả: toàn thể các bài đã đăng của tác giả ấy sẽ hiện ra. Trong trường hợp này xin bấm vào tên Nường Lý. Xin cám ơn quý vị.

DĐTK

Thứ Ba, 21 tháng 9, 2010

TƯỞNG NIỆM VŨ HOÀNG CHƯƠNG

Nhà thơ Vũ Hoàng Chương qua đời ngày 6 tháng 9 năm 1976 (ngày âm lịch là 13 tháng Tám).

Hôm nay Diễn Đàn Thế Kỷ tưởng niệm ông, một nhà thơ hàng đầu của Việt Nam trong thế kỷ 20, bằng một bảng tiểu sử chi tiết do nhà nghiên cứu văn học Đặng Tiến sưu tầm; hai bài viết về ông, một của Mai Thảo, một của Thanh Tâm Tuyền đăng trên báo Văn – Sài Gòn, ngày 14 tháng 2 năm 1975; một bức thư đề ngày 15-9-1999 của bà Vũ Hoàng Chương nhũ danh Đinh Thị Thục Oanh gửi cho nhà nghiên cứu Đặng Tiến ở Pháp; và sau cùng là một số bài thơ của nhà thơ Vũ Hoàng Chương làm sau tháng Tư 1975 vốn ít được phổ biến bằng các tác phẩm đã in của ông trong thời gian trước.

Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2010

Tưởng niệm Nhà văn Thảo Trường

Tin từ gia đình cho biết, nhà văn Thảo Trường vừa qua đời tại tư gia ở Huntington Beach vào lúc 3 giờ chiều ngày 26 tháng 8, 2010, hưởng thọ 74 tuổi. Từ nhiều tháng qua, nhà văn Thảo Trường bị bệnh ung thư gan, các bác sĩ đã cho biết không còn hy vọng gì có thể chạy chữa.

VĂN KHỐ, một mục mới của Diễn Đàn Thế Kỷ

Văn khố là nhà kho chứa sách vở. Ngoài bài vở hàng ngày vẫn được lưu theo thứ tự thời gian hay theo tên tác giả, ban Chủ trương của Diễn Đàn Thế Kỷ nay lập thêm một mục, đúng hơn là một “thư viện ảo”, để giới thiệu và lưu giữ các tác phẩm có giá trị của nền văn học Việt Nam mà cho đến nay, sự phổ biến vẫn còn bị hạn chế.

Thứ Hai, 2 tháng 8, 2010

BẠN ĐỌC VIẾT (2 tháng 8, 2010)

Góp Thêm Chút Ý Nghĩ Về Sách
“Hai Mươi Năm Miền Nam, 1955-1975”
của tác giả Nguyễn Văn Lục,
Nhà Xuất Bản “Tiếng Quê Hương”, 2010.

Phạm Thăng Long

Tôi viết để cám ơn anh Phạm Phú Minh, chủ bút tờ báo mạng “Diễn Đàn Thế Kỷ”, đã cho tôi dịp viết vài nhận xét ngắn về quyển sách biên khảo rất công phu mới ra của tác giả Nguyễn Văn Lục với tựa đề: “Hai Mươi Năm Miền Nam, 1955-1975” (HMNMN). Trong lúc tình cờ “tâm sự” về quyển sách qua email, ý anh Minh là sẽ trích vài nhận xét ngắn gọn của tôi cho bài nói chuyện của anh trong buổi lễ ra mắt sách anh N.V. Lục vào trưa chủ nhật 1/8 ở Tòa soạn báo Người Việt tại Quận Cam, California.

Thứ Tư, 21 tháng 7, 2010

Ghé Thăm Các Blog

“Ghé thăm các Blog” là một mục mới của Diễn Đàn Thế Kỷ, nhằm giới thiệu với bạn đọc những ý kiến đáng chú ý của anh chị em Blogger khắp nơi về những vấn đề thời sự, phần nhiều liên quan đến Việt Nam. Khi mạn phép các bạn Blogger đăng bài vở từ Blog các bạn, chúng tôi tin là các bạn không lấy làm phiền lòng, vì sẽ có nhiều người hơn được chia sẻ các ý kiến và thông tin độc đáo của các bạn. Sau đây mời quý độc giả của DĐTK theo dõi những bài đầu tiên...

http://dailyvnews.wordpress.com/2010/07/17/miệng-quan-tron-trẻ/
Miệng-quan-tron-trẻ - [ 17/07/2010VnDailyNews ]

Giấc mơ xanh

Đọc bài phỏng vấn ông Thạch Như Sỹ- Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội- mà tôi cứ buồn cười. Ông này phát biểu, giao thông tại các ngã tư ở Hà Nội nên “vừa mở, vừa bịt”, nghĩa là ban ngày đông người đi thì bịt lại, đêm vắng người thì mở ra. Chà, thật chí lý, chí lý!!!


Thứ Tư, 7 tháng 7, 2010

7-7: Tưởng Niệm Nhất Linh

Diễn Đàn Thế Kỷ

"Nhà văn Nhất Linh vẫn hồ nghi Lịch sử, vì con người ngàn năm vẫn không thay đổi. Và trần gian chỉ có một giá trị là cái đẹp."

(25.7.1906 - 7.7.1963)

Nhân ngày giỗ nhà văn Nhất Linh năm nay, mời quý độc giả theo dõi một bài viết đặc biệt của nhà nghiên cứu văn học Đặng Tiến, "Hạnh phúc trong tác phẩm Nhất Linh". Bên cạnh đó chúng tôi làm một cuộc triển lãm nho nhỏ những họa phẩm của Nhất Linh, với bài viết của Thụy Khuê liên quan đến một bức họa của Nhất Linh "Theo dấu Nhất Linh đến Bourges", và một bài viết của chính Nhất Linh nói về trường hợp nào ông đã vẽ bức Cúc Xưa.

Nhất Linh là một người đa tài. Ngoài sự nghiệp lẫy lừng của ông về báo chí, về văn chương và về chính trị, ông còn chơi nhạc (thổi clarinette), sưu tầm hoa lan và vẽ tranh. Khi còn trẻ, khoảng vào năm 1925, ông có theo học trường Mỹ Thuật, nhưng được một năm thì bỏ. Bỏ trường Mỹ Thuật nhưng Nhất Linh không bỏ vẽ, nhất là khi bước chân vào nghề báo, ông đã liên tục vẽ nhiều minh họa cho hai tờ Phong Hóa và Ngày Nay của nhóm Tự Lực Văn Đoàn với bút hiệu Đông Sơn. Rất tiếc chúng tôi không có phương tiện và thì giờ sưu tầm các tranh này, vì muốn thế phải tìm các số báo cách đây bảy tám mươi năm. Bức xưa nhất được "trưng bày" trên trang báo này là bức Chùa Cá được vẽ ngày 19 tháng 3 năm 1945, sau đó là một số ký họa vẽ trên đất Pháp khi ông phải đi chữa bệnh tại đó năm 1954. Ông có một số tranh vẽ tại Đà Lạt như bức lan Thanh Ngọc vào năm 1957, và cảnh đồi núi tại đây 1958. Và đợt sau cùng là thời gian ông trở lại nghiệp làm báo, ông vẽ bìa cho tờ Văn Hóa Ngày Nay, năm 1958.

Nhà nghiên cứu Đặng Tiến có viết: "Nhà văn Nhất Linh vẫn hồ nghi Lịch sử, vì con người ngàn năm vẫn không thay đổi. Và trần gian chỉ có một giá trị là cái đẹp." May mắn cho chúng ta là ngoài những vẻ đẹp trừu tượng được ông mô tả trong văn chương, ông còn đủ tài hoa để thể hiện vẻ đẹp hình thể trong các bức họa của ông.


Diễn Đàn Thế Kỷ


Thứ Năm, 1 tháng 7, 2010

Diễn đàn Thế Kỷ

  • Xây dựng đất nước trong thế kỷ 21
  • 7-7: Tưởng niệm Nhất Linh

Xây Dựng Đất Nước Trong Thế Kỷ 21

Hiện nay hơn một nửa dân số Việt Nam gồm những người từ 30 tuổi trở xuống. Thế hệ trẻ đó là những người, trong khi tìm một cuộc sống tốt đẹp cho chính mình, sẽ cùng nhau xây dựng đất nước trong thế kỷ này. Mạng lưới Diễn Đàn Thế Kỷ ước mong sẽ là nơi đóng góp và trao đổi ý kiến để cùng các bạn trẻ tiến tới một nước Việt Nam tốt lành hơn thế kỷ trước.

Đất nước chúng ta đang bước vào diễn trình Hiện Đại Hoá, thể hiện trên các mặt kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá. Trong mỗi lãnh vực này, công việc xây dựng của chúng ta phải học hỏi từ kho tàng kiến thức và kinh nghiệm của nhân loại. Làm sao cho thế hệ trẻ có dịp tiếp xúc và thu nhận được các kiến thức và kinh nghiệm quý giá mà loài người đã trải qua; cùng kiến tạo xã hội Việt Nam trong truyền thống và lịch sử; đó là mục tiêu của Diễn Đàn Thế Kỷ.

Một điều chắc chắn, trong thế kỷ này nước ta sẽ phải sống trong một xã hội dân chủ tự do. Trào lưu dân chủ hoá là hướng đi tự nhiên của nhân loại, đã bắt đầu từ mấy trăm năm nay, đã bùng lên mạnh mẽ trong mươi năm sau cùng của thế kỷ trước. Tự do dân chủ không phải chỉ gồm các hình thức tổ chức xã hội, như hiến pháp, luật pháp dân chủ. Chế độ Dân Chủ chỉ là cái khung quy định việc tổ chức xã hội; nội dung là những giá trị do dân tộc ta lựa chọn; mà mục tiêu sau cùng là cho mọi người được sống hạnh phúc. Dùng những cái khung pháp lý tiến bộ, các dân tộc tiên tiến đã xây dựng những định chế để thể hiện, phát huy và bảo vệ tinh thần dân chủ tự do. Một vấn đề chính trị mà con người sống trong xã hội phải luôn luôn suy nghĩ, đắn đo, thảo luận và lựa chọn là làm sao cân bằng những quyền hạn cùng trách nhiệm của nhà nước và của xã hội, gồm các công dân tự do. Dân Chủ là luôn luôn điều tiết để tìm thế cân bằng giữa nhà nước và xã hội, trong từng thời gian phù hợp với nhu cầu và trình độ phát triển chung. Chúng ta học hỏi được những gì trong kinh nghiệm các nước tiên tiến, và trong truyền thống văn hoá Việt Nam để thấy câu trả lời cho các câu hỏi đó?

Song song với nhu cầu hình thành một xã hội tự do dân chủ, đất nước chúng ta đang cố gắng đuổi kịp lân bang về trình độ phát triển kinh tế. Từ cuối thế kỷ 20, đường lối kinh tế hoạch định tập trung (thường gọi là xã hội chủ nghĩa) đã bị loài người gạt bỏ. Nhưng cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu trong mấy năm 2007, 2008 đã đang cho thấy mô hình kinh tế tư bản cũng phải thay đổi triệt để. Nhiều quốc gia đang theo kinh tế tư bản nhưng để cho nhà nước đóng vai trò chi phối, điều khiển, và họ đạt được những thành tích ngoạn mục trong giai đoạn kinh tế bắt đầu phát triển. Nhưng kinh tế tư bản nhà nước có bảo đảm được sự phát triển bền bỉ và lâu dài hay không, điều này còn bị nghi ngờ. Nước Việt Nam đang ở trong giai đoạn bắt đầu phát triển, chúng ta nên tổ chức đời sống kinh tế theo mô thức nào? Nhà nước sẽ đóng vai chủ động, hay giới doanh nghiệp tư sẽ là động lực chính cho việc phát triển kinh tế? Đây là một vấn đề cần suy nghĩ và thảo luận. Tựu chung, câu hỏi này dẫn chúng ta trở lại với vấn đề cuối cùng nêu lên trong lãnh vực chính trị: Cân đối giữa vai trò của guồng máy nhà nước và của xã hội, trong đó những công dân tự do làm việc kinh doanh.

Khi lựa chọn câu trả lời cho câu hỏi trên, trong lãnh vực kinh tế cũng như về chính trị, sự lựa chọn sau cùng sẽ phải dựa trên tiêu chuẩn nào? Tiêu chuẩn quan trọng nhất là phúc lợi của toàn dân. Rút kinh nghiệm của loài người trong thế kỷ trước, chúng ta có thể gạt bỏ giấc mơ xây dựng một xã hội phúc lợi bình quân hoàn toàn, như một thiên đường hạ giới. Nhưng chắc chắn chúng ta cũng không thể chấp nhận một xã hội bất công và bất bình đẳng, chỉ theo quy luật tự nhiên mạnh được yếu thua. Trong xã hội luôn luôn có những nhóm có quyền lợi xung khắc, quyền tự do của một số người này sẽ hạn chế quyền tự do của nhiều người khác. Loài người lúc nào cũng phải lựa chọn, cân nhắc, đổi chác giữa tự do và công bằng xã hội. Tổ chức kinh tế nào, trong từng giai đoạn, cũng phải lựa chọn giữa tư lợi và công ích. Mỗi quốc gia tùy theo mỗi thời điểm mà quyết định một thế cân bằng cụ thể, mà không có cách xếp đặt nào có thể làm vừa lòng tất cả mọi người. Người Việt Nam sẽ chọn lựa thế nào trong thế kỷ 21 này?

Những thế cân bằng về chính trị cũng như về kinh tế mà ta lựa chọn để xây dựng một xã hội công bằng và nhân ái phải phù hợp với truyền thống văn hoá Việt Nam. Văn hoá mỗi dân tộc là một thực thể sinh động, không cố định. Trong những thời kỳ một quốc gia đang hiện đại hoá, thế nào cuộc sống cũng bị xáo trộn vì được tiếp xúc với rất nhiều sản phẩm văn nghệ, mỹ thuật, giải trí khác nhau, mới mẻ hơn, quyến rũ hơn. Những lựa chọn tập thể sẽ diễn ra, chính xã hội sẽ quyết định qua những cuộc sàng lọc lâu dài. Nhưng dân tộc ta sẽ phải chủ động trong việc phê phán, lựa chọn đó. Nếp sống của mọi người sẽ thay đổi, chúng ta làm sao xây dựng một nếp sống mới để mọi người sống an lành, tươi đẹp và hạnh phúc hơn?

Những lựa chọn trong bốn lãnh vực trên đây là công việc lâu dài. Mặc dù bản chất việc lựa chọn là lâu dài, chúng ta cần thảo luận rốt ráo với nỗ lực khẩn cấp, với tốc độ nhanh chóng, càng sớm càng tốt. Vì tại mỗi khúc quanh trong lịch sử, hướng đi được chọn ở mỗi điểm khởi đầu mới sẽ ảnh hưởng mạnh và sâu xa tới các lựa chọn tương lai. Người Việt Nam sẽ sống ra sao, sẽ suy nghĩ thế nào trong vài thế kỷ nữa, chiều hướng mới có thể sẽ được quyết định trong một thời gian ngắn, trong mươi năm, hay vài chục năm sắp tới. Trong thế giới vật lý cũng như trong cuộc sống của xã hội, hướng đi lâu dài tuỳ thuộc vào bước khởi đầu; một khi nếp mới đã thành hình, thay đổi sẽ rất khó.

Diễn Đàn Thế Kỷ mong được làm nơi họp mặt, đóng góp và trao đổi ý kiến, và cống hiến các kinh nghiệm, các hiểu biết của nhân loại, của dân tộc, để xây dựng nước Việt Nam trong các lãnh vực kinh tế, chính trị. xã hội và văn hoá. Tinh thần Diễn Đàn Tự Do sẽ được thể hiện, không phân biệt mầu sắc, khuynh hướng. Chúng tôi ước mong quý vị độc giả cũng sẽ là những người tham dự và đóng góp.



Nguyễn Minh Cần; Song Chi; Đinh Xuân Quân; Phạm Phú Minh; Vũ Quý Hạo Nhiên; Đỗ Quý Toàn; Trần Mộng Tú