Hiển thị các bài đăng có nhãn Diễm Thi. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Diễm Thi. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2022

Diễm Thi, RFA: Hà Nội có thật lòng muốn “hoà hợp, hoà giải dân tộc” qua vụ ông Tô Văn Lai?

Ông Tô Văn Lai. Facebook Thuy Nga - Paris By Night


Chuyện không lạ?

“Tất cả các báo đều viết về ông Tô Văn Lai, chỉ có báo VietNamNet và báo Nhân Dân là không đăng thôi. Nhưng các báo kia đăng buổi sáng và đến buổi trưa là đồng loạt gỡ xuống hết. Theo tôi, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn nói hòa hợp, hòa giải dân tộc và không còn sự đố kỵ những người chế độ cũ, những người Việt ở nước ngoài…nhưng cách hành xử của họ thì khác hẳn."

Đó là nhận định của ông Thái Văn Đường, người thường xuyên theo dõi và đưa tin về những bất công trong xã hội Việt Nam, với RFA trong ngày 21 tháng 7 năm 2022, ba ngày sau khi ông chủ Trung tâm Thuý Nga qua đời tại Mỹ.

Hôm 19 tháng 7 năm 2022, sau khi ông Tô Văn Lai qua đời, các tờ báo lớn của Nhà nước Việt Nam như báo Thanh Niên, Pháp Luật, Người Lao Động, Dân Trí, Tiền Phong… đều có những bài viết về ông rất kịp thời. Tuy nhiên, chỉ vài tiếng sau, tất cả các tin, bài đã bị rút xuống, không còn có thể truy cập được mà không có lời giải thích.

Hai ngày sau đó, trên trang Facebook của báo Pháp Luật vẫn còn nội dung về sự qua đời của ông Tô Văn Lai và đường dẫn vào trang web nhưng hầu như không thể truy cập được.

Việc báo chí Nhà nước đồng loạt đăng tin rồi đồng loạt gỡ không phải là chuyện lạ.

Cách đây hai năm, báo chí Việt Nam đăng thông tin Thủ tướng lúc đó là ông Nguyễn Xuân Phúc khen ngợi bài thơ trong phong trào chống COVID-19 của cô giáo Chu Ngọc Thanh có tựa “Đất nước ở trong tim”. Nhưng chỉ sau vài tiếng, các bài viết trên đều đồng loạt bị gỡ bỏ. Có ý kiến cho rằng, do bài thơ có vần điệu hơi giống bài “Đất nước mình ngộ quá phải không anh?” của cô giáo Trần Thị Lam sáng tác năm 2016 và bị Công an Hà Tĩnh “nhắc nhở” không nên phát tán, tạo hiệu ứng xấu cho xã hội.


Thứ Năm, 5 tháng 8, 2021

Diễm Thi, RFA: Vì sao hầu hết dân phản đối tiêm vắc- xin của Trung Quốc?

Những quan điểm trái chiều


Hôm 31 tháng 7, thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận một triệu liều vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc trong tổng số năm triệu liều đặt mua của hãng này. Đây là lô vắc-xin nhập khẩu đầu tiên do Công ty TNHH một thành viên Dược Sài Gòn (Sapharco) đàm phán, thương thảo và ký hợp đồng mua của Sinopharm theo sự uỷ quyền của UBND thành phố Hồ Chí Minh.

Trong khi đó, các văn bản được lan truyền trên mạng xã hội có nội dung cho thấy lãnh đạo, cán bộ địa phương được phân loại chích vắc xin theo thứ tự Pfizer, Moderna, Astra Zeneca mà không hề thấy có Sinopharm. Điều này khiến người dân cho rằng, khi phía Nhà nước có sự phân biệt vắc- xin như thế thì làm sao thuyết phục người dân tiêm vắc- xin Trung Quốc?

Cách đây hai hôm, báo điện tử VietNamNet có thông tin về chất lượng vắc- xin COVID -19 của Trung Quốc cho hay, hai vắc- xin Sinopharm, Sinovac do Trung Quốc sản xuất, sử dụng công nghệ vi-rút bất hoạt truyền thống đã được WHO phê duyệt, và hiện là một trong những vắc-xin ngừa COVID-19 phổ biến nhất thế giới.

Là một nghiên cứu sinh chuyên ngành về truyền nhiễm và chống nhiễm khuẩn, Bác sĩ Phạm Ngọc Thắng cho rằng, số lượng vắc- xin về Việt Nam hiện nay như ‘muối bỏ bể’. Muốn có hiệu quả thì phải chích ngừa kết hợp với lây nhiễm cộng đồng. Ông nêu quan điểm về vắc- xin với RFA:

“Theo quan điểm của tôi, đã là vắc- xin thì Astra Zeneca, Sinopharm, Pfizer, Moderna hay Sputnik đều có hiệu quả. Tất nhiên mỗi loại có uy lực riêng, mỗi loại cũng có tai biến riêng. Cho y tế cộng đồng thì nếu có vắc- xin cộng với lây nhiễm tự nhiên, lây nhiễm bầy đàn thì nó sẽ tạo miễn dịch cộng đồng.”

Thứ Năm, 22 tháng 7, 2021

Diễm Thi, RFA: Đặng Hùng Võ - Phải định nghĩa “Sở hữu toàn dân về đất đai” trước khi sửa đổi Luật đất đai

Diễm Thi: Thưa tiến sĩ, Luật Đất đai từng được điều chỉnh nhiều lần trong quá khứ và bị lùi nhiều lần, đến nay vẫn chưa được Quốc hội thông qua. Vì sao lần này lại được Quốc hội nêu ra?

Đặng Hùng Võ: Đây là câu chuyện lớn vì đại hội 13 vừa rồi của Đảng đã đưa ra một tầm nhìn đến năm 2045 Việt Nam phải trở thành một nước phát triển. Tôi cho rằng điều đầu tiên là phải định hướng phát triển về đất đai. Chúng ta phải đi theo hướng đó vì dù sao đi nữa thì đó cũng là một cột mốc. Và để làm được điều đó thì chắc chắn việc đổi mới, theo ngôn ngữ Việt Nam, hoặc cải cách, theo ngôn ngữ thế giới, phải tạo ra được những động lực lớn, kể cả phải bắt đầu từ tư duy của con người, tư duy của lãnh đạo.

Phải chỉnh lại thể chế của Việt Nam, cách thức thực hiện như thế nào để đến năm 2045 Việt Nam có thể đạt được các tiêu chí của một đất nước phát triển. Hay nói thẳng là một đất nước có thu nhập cao.

Diễm Thi: Theo ông, nguồn lực đất đai có vai trò như thế nào trong kế hoạch phát triển thành nước công nghiệp theo đề án của Chính phủ?

Đặng Hùng Võ: Lúc này là lúc có nhiều việc phải làm về đất đai. Trên thế giới người ta quan niệm đất đai rất quan trọng vì nó là nguồn lực kép. Đầu vào, tức là nguồn lực để phát triển một nền kinh tế có ba nguồn lực chính. Một là đất đai và tài nguyên thiên nhiên; hai là tài chính; ba là con người và công nghệ. Con người gắn với công nghệ bởi nếu không có con người thì không phát triển được công nghệ.

Trong ba nguồn lực này thì đất đai là nguồn lực chính trong giai đoạn phát triển nông nghiệp. Tài chính là nguồn lực chính cho giai đoạn phát triển công nghiệp. Con người gắn với công nghiệp là nguồn lực chính cho giai đoạn hậu công nghiệp.

Hiện nay Việt Nam đang thực hiện công nghiệp hóa để trở thành một nước công nghiệp thì đất đai là nguồn lực chính cho giai đoạn nông nghiệp.

Thứ Tư, 30 tháng 6, 2021

Diễm Thi, RFA: Câu chữ mơ hồ lại xuất hiện trong văn bản Nhà nước

Những câu chữ, khái niệm khó hiểu lại xuất hiện trong các văn bản chính thức của Nhà nước khiến dư luận một lần nữa đặt câu hỏi về trình độ của các viên chức soạn thảo văn bản.

Định tính hay định lượng?


Sự việc mới đây nhất xảy ra hôm 23 tháng sáu năm 2021, khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ký Quyết định số 758/QĐ-BNV ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Nội vụ.

Mục đích Bộ quy tắc này được cho là nhằm nâng cao văn hóa công vụ, hình thành phong cách ứng xử chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Nội vụ. Đó cũng được coi là cơ sở để mỗi cá nhân cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tự điều chỉnh hành vi của mình nhằm đạt tới các giá trị văn hóa.

Tuy nhiên, ngoài quy định về trang phục, tác phong, lề lối, nơi làm việc, cũng như những quy định trong ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là phải ‘tâm huyết, tận tụy, gương mẫu làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao; không vướng vào tư duy nhiệm kỳ’, còn có cách ứng xử của công chức, viên chức và người lao động không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Với đối tượng này, bộ qui tắc qui định ‘không được lợi dụng việc phát biểu ý kiến, việc góp ý, phê bình làm tổn hại đến uy tín của cán bộ lãnh đạo, quản lý và đồng nghiệp; không nịnh bợ cấp trên lấy lòng vì động cơ không trong sáng’.

Lần này, trong quy định của công chức về cách ứng xử cũng mang tính định tính thôi chứ cũng chưa mang tính định lượng nên nó cũng chỉ mang tính nhắc nhở hoặc tạo nên dư luận để ngăn chặn, hạn chế những biểu hiện đó, chứ thực ra những vấn đề như ‘tư duy nhiệm kỳ’ hay ‘nịnh bợ cấp trên’ thì rất khó để phát hiện hay quy kết - Ông Lê Văn Cuông

Thứ Tư, 16 tháng 6, 2021

Diễm Thi, RFA: Thu phí trên đường do Nhà nước đầu tư có hợp lý hay là ‘móc túi’ dân?

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, ông Phạm Minh Chính vừa giao Bộ Giao thông- Vận tải nghiên cứu cơ chế Nhà nước thu phí đối với các tuyến đường Nhà nước đầu tư để tạo nguồn vốn tái đầu tư phát triển giao thông vận tải. Thủ tướng lưu ý Bộ lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp, địa phương để chủ động nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội trong bối cảnh nguồn lực ngân sách hạn chế; ngân sách Nhà nước chỉ đóng vai trò là vốn mồi, có tính chất hỗ trợ.

Ngành giao thông vận tải trong nước được coi là ngành kinh tế quan trọng, tạo điều kiện cho các ngành kinh tế đất nước phát triển. Thủ tướng yêu cầu mau chóng xây dựng các quy hoạch tầm quốc gia ngắn hạn và dài hạn trong lĩnh vực giao thông - vận tải, bảo đảm gắn kết, đồng bộ, hiệu quả trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải và đường thủy nội địa.

Một số chuyên gia cho rằng, việc thu phí sử dụng đường bộ do Nhà nước đầu tư dễ vấp phải phản ứng từ người dân, bởi hiện nay, tất cả các loại xe lưu hành đều phải đóng phí bảo trì đường bộ hàng năm.

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nêu quan điểm của ông với RFA:

“Vấn đề này thì Bộ Tài Chính cũng đã đề xuất ý kiến từ lâu rồi. Không phải tất cả các tuyến đường mà nhà nước đầu tư thì đều thu phí, mà chỉ có những tuyến đường cao tốc quan trọng thì Nhà nước mới thu.

Hiện nay cũng có hai nguồn ý kiến khác nhau mà vấn đề là tiền thuế của dân thì đã đóng rồi, bây giờ thu phí nữa thì phí chồng phí, thuế chồng thuế. Đó là lý do thứ nhất. Lý do thứ hai, ngoài khoản thuế mà người dân đóng để xây lên con đường ấy thì hiện nay đã có những loại phí đã thu của dân như phí đường bộ và rất nhiều loại phí nữa, do đó theo quan điểm của tôi là không nên thu thêm khoản phí nào nữa.”

Theo Tiến sĩ Ngô Trí Long, Bộ Tài chính cần xem lại việc sử dụng ngân sách, cắt giảm tối đa những nguồn chi bất hợp lý, lãng phí không chỉ trong giao thông mà trong tất cả mọi lĩnh vực.

Phí đường bộ, hay còn gọi là phí bảo trì đường bộ là loại phí mà chủ các phương tiện giao thông lưu thông trên đường bộ phải nộp để sử dụng cho mục đích bảo trì đường bộ. Phí đường bộ được thu theo năm, mức phí do Nhà nước quy định. Việc nâng cấp đường bộ là để phục vụ các phương tiện đã đóng phí lưu thông.

Anh Minh Đức, chủ một doanh nghiệp vận tải ở thành phố Thủ Đức cho rằng, dù ngân sách Nhà nước có cạn kiệt cũng không thể tính chuyện thu phí trên các tuyến đường Nhà nước đầu tư, vì đây là hình thức móc túi của dân. Ông nói thêm:

“Nếu trưng cầu dân ý vụ này thì tôi phản đối hai chân hai tay luôn. Không thể chấp nhận được. Tiền thuế của dân, tiền ngân sách quốc gia là dùng để chi vào các vấn đề an sinh, dân sinh phục vụ cho người dân, trong đó có giao thông.

Bây giờ lấy những khoản thuế thu được thuê người, thuê doanh nghiệp làm đường rồi lại tiếp tục thu phí, hóa ra dân làm giàu cho những doanh nghiệp được nhà nước chỉ định à? Tôi không hiểu nổi. Họ xem tiền của dân như vỏ hến, như lá mít vậy”.


Theo thông tin từ Bộ Tài chính, hiện nay số thu từ phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện rất thấp, chỉ đáp ứng khoảng 35-40% nhu cầu tối thiểu cho hoạt động bảo trì đường bộ. Hàng năm, ngân sách Nhà nước phải cấp bổ sung từ 3.000 đến 4.000 tỷ đồng cho việc bảo trì hệ thống đường bộ do Nhà nước quản lý. Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng cần phải nghiên cứu các cơ chế để tăng nguồn thu.

Phía Nhà nước cho rằng cần thu phí đối với các tuyến đường Nhà nước đầu tư để tạo nguồn vốn tái đầu tư phát triển giao thông vận tải. Phía người dân cho rằng việc này là vô lý vì dân đã đóng thuế rồi, Nhà nước sử dụng tiền thuế đó để xây dựng đường xá, không thể thu tiền lần nữa.

Liên quan việc thu phí các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, báo Nhà nước dẫn lời ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Thành phố Hà Nội rằng, Nhà nước đầu tư đường cao tốc mới, chất lượng, tốc độ cao thì cũng phải thu hồi lại vốn. Tuy nhiên, thu phí tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư phải cân nhắc kỹ lưỡng, phải đảm bảo công bằng vì nhà nước bỏ tiền ra đầu tư, nhưng tuyến này thu phí, tuyến khác lại không. Công tác tổ chức thu cũng cần đảm bảo minh bạch, mức thu hợp lý.

Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính Việt Nam, nhận định việc này:

“Tôi cho rằng đây là việc cần thiết phải làm. Thứ nhất là việc đầu tư ở Việt Nam nó hơi khác với các quốc gia khác. Thời gian qua, rất các doanh nghiệp tư nhân đầu tư các dự án theo kiểu ‘tay không bắt giặc’. Có nghĩa là họ chỉ có đâu đó khoảng 10% trên tổng vốn. Họ dùng vốn đó để thực hiện đấu thầu các dự án BOT và họ đi vay ngân hàng để đầu tư. Vì thế, nhiều người đặt câu hỏi là tại sao lại để tư nhân vay rồi Nhà nước đứng ra bảo đảm cho khoản vay và bảo đảm cho vốn họ làm mà Nhà nước không tự đứng ra vay vốn và làm?

Nếu Nhà nước đứng ra vay vốn thì Nhà nước cũng chịu các chi phí, thế thì để Chính phủ làm cho nó xong.”

Theo Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, người dân cũng có cái lý của họ nhưng xét về phương diện Nhà nước thì rõ ràng nên để Nhà nước đầu tư. Để tư nhân làm vừa đẻ ra tham nhũng, vừa xuất hiện nhiều vấn đề khác trong quá trình xây dựng khiến chi phí xây dựng một con đường đội giá lên rất cao.

Việc thu phí các tuyến đường cao tốc lâu nay là vấn đề gây nhiều xung đột giữa các chủ đầu tư và những người sử dụng dịch vụ vì những bất hợp lý.

Vì đại dịch COVID-19, đầu năm 2021, cử tri tỉnh Bình Định gửi kiến nghị đến Bộ Giao thông-Vận tải đề nghị các nhà đầu tư có phương án giảm giá vé qua trạm thu phí BOT để góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của dịch. Đáp lại, Bộ Giao thông -Vận tải cho biết Bộ không đồng ý giảm giá vé BOT vì nhà đầu tư rất khó khăn, đồng thời kêu gọi các chủ phương tiện, các doanh nghiệp vận tải chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp BOT.

Bộ này còn gửi văn bản tới Quốc hội với nội dung, các trạm BOT bị người dân phản đối hay giảm doanh thu thì Bộ sẽ dừng thu phí, xóa trạm và báo cáo Thủ tướng bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước để thanh toán cho các nhà đầu tư.

Thứ Sáu, 19 tháng 3, 2021

Diễm Thi, RFA: Thêm bất thường trong vụ án Đồng Tâm

Vụ án Đồng Tâm là một vụ án lớn với số người chết nhiều khuất tất và số bị cáo trong cùng gia đình, họ hàng thân tộc quá lớn. Theo những người quan tâm vụ án thì một phiên tòa sơ thẩm với 29 bị cáo, có đề nghị mức án cao nhất là tử hình, mà lại kết thúc chỉ sau bốn ngày xét xử là quá nhanh. Còn với phiên phúc thẩm, sáu bị cáo với hai án tử hình cũng chỉ diễn ra trong hai ngày rồi tuyên y án thì khó thuyết phục đây là vụ án đạt công lý cho dù các bị cáo nhận tội.

Bất thường sau phiên xử


Phiên phúc thẩm vụ án Đồng Tâm kết thúc vào tối ngày chín tháng Ba năm 2021, với các mức án được giữ nguyên cho sáu bị cáo có đơn kháng án sau phiên sơ thẩm diễn ra vào tháng Chín năm 2020.

Như vậy, ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức vẫn bị án tử hình (cả hai đều là con trai ông Lê Đình Kình), anh Lê Đình Doanh (cháu nội ông Kình) án chung thân, ông Bùi Viết Hiểu 16 năm tù, ông Nguyễn Quốc Tiến 13 năm tù về tội giết người; và bà Bùi Thị Nối 6 năm tù về tội chống người thi hành công vụ.

Chỉ hơn một tuần sau phiên phúc thẩm, các luật sư bào chữa đã nhận được bản án vụ án. Đây được cho là việc làm nhanh một cách bất thường, thậm chí đáng ngờ từ cơ quan chức năng.

Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc nói với RFA suy nghĩ của ông sau khi đọc Bản án số 69/2021/HS-PT ngày 08, 09/3/2021 của Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội mà ông nhận vào sáng ngày 17 tháng Ba:

“Chúng tôi nhận được bản án khá sớm và cũng khá bất ngờ. Và khi đọc bản án, như thường lệ, chúng tôi chú tâm vào các ý kiến của luật sư được ghi nhận thế nào. Trong phần gần cuối bản án, trang 33, 34 nêu ý kiến luật sư, chúng tôi thấy rất lạ lùng. Nó thể hiện sự bất thường ở chỗ Bản án phúc thẩm chỉ lược ghi các vấn đề chính do luật sư đưa ra mà không có nhận định đúng, sai để chấp nhận hay bác bỏ, họ chỉ viện lý do các vấn đề này đã được Bản án sơ thẩm nhận định và làm rõ, từ đó không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo.

Thứ Năm, 18 tháng 2, 2021

Diễm Thi, RFA: Phóng viên viết sai ý Đảng phải vào tù

Đưa tin trên mạng cũng bị bắt


Thêm một nhà báo chính thống trong nước bị bắt tạm giam hôm 10 tháng 2 năm 2021. Lý do bị cho là nói xấu lãnh đạo tỉnh. Đó là nhà báo Phan Bùi Bảo Thy, Trưởng văn phòng đại diện báo Giáo dục và Thời đại tại Đà Nẵng. Nhà báo này bị cáo buộc tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".

Ông Thy bị cho là đứng sau một số tài khoản ẩn danh trên mạng xã hội liên tục "đăng những bài viết và thông tin thất thiệt thiếu căn cứ và cố tình bôi nhọ một số cán bộ lãnh đạo tỉnh Quảng Trị" thời gian qua.

Tháng 8 năm 2020, tài khoản facebook cá nhân của nhà báo này có đăng tải bài viết phản ánh việc ông Lê Quang Thuận - Ủy viên Ban thường vụ huyện ủy, Phó chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị sử dụng văn bằng không đúng quy định.

Một nhà báo trong nước ẩn danh nói với RFA rằng, các nhà báo trong hệ thống báo quốc doanh phải viết theo định hướng của ban tuyên giáo trên báo. Họ chỉ có thể bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội như bao nhiêu người khác. Nhưng họ lại bị bắt vì họ là nhà báo, họ chịu sự kiểm soát chặt hơn từ chính quyền. Ông nói:

“Ở Việt Nam viết báo phải theo định hướng vì báo chí là công cụ tuyên truyền của Đảng. Bài viết phải theo chủ trương của họ chứ viết liên quan những vấn đề nhạy cảm thì tòa soạn họ sẽ không đăng. Tất cả các nhà báo đều nằm trong tầm kiểm soát của họ.”

Nhà báo này nói thêm rằng, bản thân ông từng bị chính quyền nhắc nhở nhiều lần, thậm chí đe dọa thông qua môi trường làm việc, do chia sẻ những bài viết về dân chủ, nhân quyền từ báo chí hải ngoại.

Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2021

Diễm Thi, RFA: Ông Nguyễn Phú Trọng có phạm tội ‘không tố giác tội phạm’ khi cho người hối lộ ra về?

Sáng 1 tháng 2 năm 2021, tại cuộc họp báo thông tin về kết quả Đại hội 13, Tổng bí thư ĐCSVN, ông Nguyễn Phú Trọng kể với báo chí rằng: “Có người hối lộ xách vali tiền đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương biếu xén, lấp liếm. Tôi nói với cán bộ kiểm tra anh mở vali ra để xem là cái gì, mở ra thì thấy tiền, đô la. Tôi bảo giờ anh khóa lại, lập biên bản, anh ký vào đây, rồi anh xách vali về”. Theo ông Trọng, việc đấu tranh tham nhũng khó khăn, phức tạp, nếu không có bản lĩnh, dũng khí, tình cảm chân chính thì không làm được.

Nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng bày tỏ quan điểm của mình với báo chí trong nước rằng, nhiệm vụ của những người đứng đầu là phải chọn được những cán bộ tử tế, còn nếu người đứng đầu là kẻ tham nhũng thì lại chọn quân cũng như thế. Kẻ đem cả vali đôla đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương biếu xén vô liêm sỉ đến trắng trợn.

Đối với câu chuyện mà ông Trọng kể như vừa nêu, có người cho là ông Trọng kể ra để lấy điểm chứ sự thật không thể có chuyện đó. Có người khẳng định chuyện này có thể xảy ra, vì nó đã từng xảy ra. Vì sao lại có chuyện một người dám mang cả vali tiền đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương - cơ quan tham mưu tối cao của Đảng về vấn đề kiểm tra và kỷ luật trong Đảng - để hối lộ, trước mặt ông Tổng bí thư?

Nhà báo Võ Văn Tạo nêu quan điểm của mình:

“Mặc dù nó có vẻ trắng trợn là đem đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, nhưng nó là thực tế chứ ông Trọng không dám bịa ra chuyện ấy đâu. Bởi vì chắc chắn chuyện này nhiều người khác làm trong ủy ban cũng biết chứ không chỉ ông Trọng. Nếu ổng bịa ra sẽ mất uy tín với thuộc hạ của ổng. Trước đây ông Lê Khả Phiêu cũng từng kể câu chuyện tương tự.

Là người từng làm công tác xét xử trong vai trò bồi thẩm đoàn khoảng chục năm, tôi thấy với sự việc như thế này mà ông Trọng và những người trong Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ yêu cầu người mang va li tiền đến để hối lộ ký vào biên bản chứ không thông báo để khởi tố, bắt giam. Như vậy là có dấu hiệu vi phạm tội ‘không tố giác tội phạm.’”

Thứ Năm, 8 tháng 10, 2020

Diễm Thi, RFA: Bắt người ngay sau đối thoại nhân quyền. Vì sao?

Nhà báo Phạm Đoan Trang trong video clip gần nhất trên trang cá nhân. (Hình chụp qua màn hình)


Đối thoại Nhân quyền Việt - Mỹ thường niên lần thứ 24 được tổ chức qua mạng vào ngày 6 tháng 10 năm 2020, kéo dài ba giờ đồng hồ. Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cuộc đối thoại đề cập đến nhiều vấn đề nhân quyền, bao gồm hợp tác song phương về pháp quyền, tự do ngôn luận và hội họp, tự do tôn giáo và quyền của người lao động. Phía Hoa Kỳ nhấn mạnh việc thúc đẩy nhân quyền và các quyền tự do căn bản vẫn là cốt lõi quan trọng trong chính sách ngoại giao của Mỹ.


Chỉ vài giờ sau khi cuộc đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ kết thúc, vào lúc khoảng 23:30 phút đêm 6 tháng 10 năm 2020, Cơ quan An ninh và tổ công tác thuộc Bộ Công an đã vào thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ Nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang và di lý ra Hà Nội vào hôm sau.


Nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang đồng thời là một nhà hoạt động nhân quyền. Cô đã viết nhiều cuốn sách về nhân quyền, chính trị được xuất bản ở nước ngoài. Cô cũng nhận được nhiều giải thưởng về nhân quyền như giải Tự do Báo chí 2019 của tổ chức Phóng viên Không Biên Giới, giải Homo Homini 2017 từ tổ chức People In Need.


Truyền thông Nhà nước Việt Nam sáng 7 tháng 10 năm 2020 cho biết, Phạm Đoan Trang bị khởi tố với cáo buộc ‘tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam’ theo điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999; và cáo buộc ‘làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam’ theo điều 117 Bộ luật Hình sự VN năm 2015.


Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2020

Diễm Thi: Tín hiệu gì khi VTV chiếu phim về cuộc chiến tranh biên giới năm 1979?

Ý đảng lòng dân hội tụ?


Tối 11 tháng 8 năm 2020, VTV1 chiếu bộ phim “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình: Năm 1979”. Phim do Báo Nhân dân sản xuất hoàn thành năm 2020.

Đứng đầu Ban chỉ đạo là Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng. Chỉ đạo nội dung là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Thuận Hữu.

Chuyện một đài truyền hình quốc gia chiếu một bộ phim nhắc lại việc tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc Đặng Tiểu Bình rằng, “Dạy cho Việt Nam một bài học” khiến các nhà nghiên cứu nhận ra có một sự thay đổi trong cách đưa tin của ban tuyên giáo.

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc cho biết, ông dường như không coi phim trên VTV bao giờ, nhưng không hiểu sao ông lại mở VTV vào tối 11 tháng 8 năm 2020 và sững sờ với những gì diễn ra trước mắt mình. Ông chia sẻ:

“Khi VTV1 bắt đầu phát bộ phim “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình: Năm 1979” thì tôi vẫn nghĩ đây là một bộ phim tuyên truyền. Nhưng khi xem, tất cả những thước phim tư liệu, tất cả những hình ảnh nó không mới nhưng tất cả những lời bình nó quá đanh thép. Nó làm cho chúng tôi khóc. Thời điểm 1979 chúng tôi là những người lính, những người bộ đội trực tiếp chiến đấu trên biên giới Tây Nam. Nó nhắc lại tất cả những cái khốn nạn của đất nước mình là do sự sắp xếp của các cường quốc trên thế giới và Trung Quốc lợi dụng để ép Việt Nam vào con đường phục vụ cho Trung Quốc.”

Thứ Tư, 15 tháng 7, 2020

Diễm Thi, RFA: Trung Quốc hăm dọa sự tồn vong của thể chế chính trị Việt Nam!

Chỉ trích Hoa Kỳ và hăm dọa Việt Nam


Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, phiên bản tiếng Anh của Nhân Dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận chính thức của đảng cộng sản Trung Quốc có bài viết nhan đề “Nói vài lời thật lòng với người Việt Nam” của tổng biên tập Hồ Tích Tiến. Bài báo xuất hiện vào dịp Việt Nam và Hoa Kỳ kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Tác giả “khuyên” Việt Nam cảnh giác trong mối quan hệ với Hoa Kỳ bởi mục đích lớn nhất của Mỹ khi phát triển quan hệ với Việt Nam là “lợi dụng Việt Nam”, “chia cắt mối quan hệ Việt Nam và Trung Quốc”.

Bên cạnh việc nhắc lại chuyện Mỹ đã ném hàng ngàn, hàng vạn tấn bom xuống miền Bắc Việt Nam thời chiến tranh, ông Hồ Tích Tiến ca ngợi chính sách láng giềng hữu nghị lâu dài của Trung Quốc với Việt Nam. Bài báo kết luận rằng thể chế chính trị Việt Nam khó trường tồn lâu dài nếu chính trị Trung Quốc không ổn định.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận định về bài báo này:

“Bài này là của một người theo trường phái “diều hâu mất dạy” ở bên Trung Quốc. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo là tờ báo đối ngoại của đảng cộng sản Trung Quốc, thế mà họ để cho một người như thế nói ra những nội dung càn rỡ và lại còn để sứ quán Trung Quốc ở Việt Nam đăng lại bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Trung. Đây là chuyện càn rỡ chưa từng thấy, giống như là cùng đường.

Thực tế thì Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia độc lập và hai đất nước có hai đảng cầm quyền có cùng tên là đảng cộng sản. Thế thôi!

Còn với quan hệ với Mỹ, nhìn lại chặng đường 25 năm qua thì thấy có nhiều bước tiến, thành tích, thành tựu rất tích cực và sự tích cực trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ là quan hệ song phương, chả ảnh hưởng gì đến Trung Quốc cả. Thế mà đảng cộng sản Trung Quốc để cho một học giả ăn nói càn rỡ như thế thì nó bộc lộ ra sự yếu kém, không ra thể thống gì của những người ở Bắc Kinh.”

Thứ Tư, 24 tháng 6, 2020

Diễm Thi, RFA: Báo chí Việt Nam thời Pháp bị ông Hồ Chí Minh đánh giá sai sự thật?

Tự do báo chí thời Pháp


Trong cuốn “Đây ‘công lý’ của thực dân Pháp ở Đông Dương!” của tác giả Nguyễn Ái Quốc được NXB Sự Thật phát hành ở Hà Nội năm 1962 có bài viết về ‘Chế độ báo chí’. Nguyễn Ái Quốc là tên ông Hồ Chí Minh sử dụng từ ngày 18 tháng 6 năm 1919 đến ngày 13 tháng 8 năm 1942.

Ở trang 81 tác giả viết rằng: “Giữa thế kỷ XX này, ở một nước có đến 20 triệu dân mà không có lấy một tờ báo! Các bạn có thể tưởng tượng được như thế không? Không có lấy một tờ báo bằng tiếng mẹ đẻ của chúng tôi…

Mãi đến bây giờ, chưa có người Việt Nam nào được phép xuất bản một tờ báo cả. Tôi gọi báo là một tờ báo về chính trị, về kinh tế hay văn học như ta thấy ở các nước Châu Âu hay Châu Á khác, chứ không phải là một tờ báo do chính quyền thành lập và giao cho bọn tay chân điều khiển, chỉ nói đến chuyện nắng mưa, tán dương những kẻ quyền thế đương thời, kể chuyện vớ vẩn, ca tụng công ơn của nền khai hóa và ru ngủ dân chúng. Báo đầu độc người ta như thế, thì ở Đông Dương cũng có ba hay bốn tờ đấy.”

Nhà báo độc lập Ngô Nhật Đăng nêu quan điểm của ông về phát biểu vừa nêu mà ông Hồ Chí Minh đề cập đến báo chí Việt Nam thời Pháp:

“Vấn đề này chúng ta phải nhìn lại lịch sử. Năm 1925 ở Pháp, ông Nguyễn Ái Quốc tố cáo chuyện ở Đông Dương không có tự do báo chí. Chuyện đó là hoàn toàn sai.

Báo chí Sài Gòn được hưởng chế độ như Pháp, hoàn toàn có thể tự do ra báo. Nếu báo bằng tiếng Việt Nam thì cần phải xin phép nhưng không bị kiểm duyệt. Đến năm 1915 thì báo chí tự do bắt đầu ra Bắc và tự do báo chí ngày đó rất dễ dàng. Điều này chúng ta có thể tìm hiểu qua lịch sử hoặc qua hồi ký của ông Vũ Bằng, cuốn “40 năm nói láo”. Qua đó chúng ta thấy thời Pháp thuộc Việt Nam hoàn toàn có tự do báo chí chứ không phải như ông Nguyễn Ái Quốc nói.”

Thứ Ba, 10 tháng 3, 2020

Diễm Thi, RFA: Vì sao Hà Nội hoảng loạn với ca nhiễm virus corona thứ 17?

Người dân đeo mặt nạ xếp hàng mua đồ dự trữ tại siêu thị ở Hà Nội, lo ngại về sự lây lan COVID-19. Ảnh chụp ngày 7 tháng 3 năm 2020

Dân hoảng loạn… 


Khoảng 10 giờ đêm 6 tháng 3 năm 2020, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Hà Nội triệu tập cuộc họp khẩn cấp cho báo chí tham gia để thông tin về sự việc liên quan đến dịch bệnh. Cuộc họp đã công bố xác nhận bệnh nhân thứ 17 dương tính với virus corona. Người dân lập tức đi mua lương thực tích trữ, vét sạch các kệ hàng trong siêu thị ngay trong đêm gây tâm lý hoảng loạn trong dân chúng. 

Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến của Bộ Y tế với 700 điểm cầu toàn quốc về phòng chống dịch COVID-19 hôm 25 tháng 2, Phó thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam tuyên bố tất cả 16 bệnh nhân nhiễm virus corona trước đó đã được chữa khỏi. Ông Vũ Đức Đam phát biểu: “Với sự khiêm tốn của người Việt, chúng tôi ít nói đến điều này, nhưng đến nay có thể đánh giá Việt Nam đã kiểm soát được dịch”. 

Thứ Năm, 5 tháng 3, 2020

Diễm Thi, RFA: Vợ góa cụ Lê Đình Kình chính thức gửi đơn tố giác vụ giết chồng bà

Ảnh cụ Lê Đình Kình . Ảnh từ trang gofund cho Đồng Tâm.

Chính thức tố giác 


Vào ngày 3 tháng 3 năm 2020, bà Dư Thị Thành, vợ góa của ông Lê Đình Kình chính thức làm Đơn Tố Giác Tội Phạm gửi đến một số cơ quan chức năng yêu cầu điều tra, làm rõ hành vi giết người theo Khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đối với chồng bà là ông Lê Đình Kình. 

Ông Lê Đình Kình, người được coi là thủ lĩnh tinh thần của người dân trong việc giữ đất Đồng Tâm, đã bị bắn chết vào ngày 9 tháng 1 năm 2020, khi hàng ngàn cảnh sát cơ động được điều đến làng Hoành, xã Đồng Tâm để bảo vệ các mục tiêu khi xây dựng hàng rào sân bay Miếu Môn cách đó khoảng hơn 3 km. 

Trong đơn, bà tả chi tiết những vết tích trên thân thể mà bà gọi là ‘tan nát’ của ông Lê Đình Kình khi gia đình nhận xác về, như: “Đầu bị bắn một viên đạn, ngực bị bắn một viên đạn, đầu gối bị bắn rất nhiều viên đạn khiến chân như gần đứt lìa, bụng và ngực ông bị mổ toang như để khám nghiệm dù không ai trong gia đình tôi được chứng kiến việc đó…”. Bà cũng trình bày rõ mọi việc diễn ra từ lúc 3 giờ sáng ngày 9 tháng 1 như thế nào ngay tại nhà bà. 

Thứ Tư, 26 tháng 2, 2020

Diễm Thi, RFA: Việt Nam sẽ bỏ hộ khẩu, thay bằng mã số định danh

Một bác tài xe ôm đang chờ khách ở Hà Nội. Ảnh chụp tháng 12/2019.

Bộ Công an đề xuất sửa đổi Luật cư trú theo hướng bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú để quản lý dân cư thông qua hình thức mã số định danh cá nhân qua Dự thảo lần 2 Luật Cư trú (sửa đổi). Dự thảo bắt đầu lấy ý kiến người dân từ ngày 19 tháng 2 đến ngày 19 tháng 4 năm 2020. 

Việc thay đổi này được Bộ Công an cho là sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân. 

Quản lý người dân bằng hộ khẩu được Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa áp dụng ở miền Bắc từ thập niên 1950. Đến sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, cách quản lý này được áp dụng trên toàn cõi Việt Nam. Cuốn sổ hộ khẩu do cơ quan công an cấp và liên quan đến hầu như mọi lĩnh vực cuộc sống của người dân. Mấy chục năm qua, hộ khẩu vẫn là cái “vòng kim cô” trên đầu người dân như nữ Luật sư Lê Thị Công Nhân từ Hà Nội từng nhận xét: 

“Sổ hộ khẩu thì luôn như một cái vòng kim cô treo lên đầu mỗi người dân Việt Nam. Bản thân tôi là một người học về luật nhưng cũng không hiểu ý nghĩa tích cực của hộ khẩu nằm ở chỗ nào, ngoài việc ràng buộc con người trong việc di chuyển không gian hay lãnh thổ thì đều phải báo cáo. Người công an luôn tự cho mình cái quyền rất lớn trong việc xâm nhập vào tư gia của người dân cũng như các công ty, xí nghiệp để kiểm tra xem có ai ở đó.” 

Thứ Tư, 19 tháng 2, 2020

Diễm Thi, RFA: Đối thoại nhân quyền và việc cải thiện thành tích nhân quyền của Việt Nam

Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, bà Federica Mogherini (trái) và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tại cuộc họp báo ở Hà Nội hôm 5/8/2019.

Một số đối tác của Việt Nam như Liên Minh Châu Âu, Hoa Kỳ, Australia …hàng năm đều tiến hành tổ chức các cuộc đối thoại về nhân quyền với chính phủ Hà Nội. Vậy đối thoại nhân quyền thực sự giúp gì cho tình hình mà các tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế đánh giá là không mấy sáng sủa tại Việt Nam? 

Việt Nam thiếu vắng nhân quyền! 


Sau Đối thoại Nhân quyền Liên Minh Châu Âu-Việt Nam lần thứ 8 diễn ra vào tháng 3 năm 2019, bà Maya Kocijancic, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Liên Âu về Chính sách An ninh nói với RFA: 

“Có những báo cáo cho biết các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền bị hăm doạ, tra tấn, bị kết án rất nặng chỉ vì họ sử dụng quyền tự do ngôn luận. Chúng tôi đã nêu bật các sự kiện này rất rõ ràng. Chúng tôi yêu sách trả tự do cho những nạn nhân này, chúng tôi đòi hỏi việc tiếp cận luật sư bào chữa, hay thân nhân được phép thăm nuôi là tối ư quan trọng. Chúng tôi cho Phái đoàn Việt Nam biết rằng chúng tôi trông chờ họ hành động, giải quyết ngay trên lãnh thổ Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi không chỉ đối thoại mà thôi, mà chúng tôi còn yêu sách áp lực cho nhân quyền tại Việt Nam.” 

Thứ Tư, 12 tháng 2, 2020

Diễm Thi, RFA: Công khai thông tin khi chính quyền cố ‘bịt miệng’ vụ Đồng Tâm!

Bìa bản Báo cáo về vụ tấn công Đồng Tâm.  NXB Tự Do

Nhóm “Hành Động Vì Đồng Tâm” do một số nhà báo, nhà hoạt động, nạn nhân mất đất… tại Việt Nam thành lập vừa ra bản báo cáo thứ hai về vụ công an tấn công Đồng Tâm rạng sáng ngáy 9 tháng 1 năm 2020. RFA phỏng vấn chị Phạm Đoan Trang, người viết bản báo cáo này. 

Diễm Thi: Xin chị cho biết mục đích của chị và các đồng sự khi đưa ra bản cáo lần hai về vụ tấn công Đồng Tâm? 

Phạm Đoan Trang: Báo cáo này cũng như báo cáo trước nhằm chia sẻ và thúc đẩy những thông tin. Chúng ta biết là với mọi chính quyền độc tài thì thông tin, sự hiểu biết, sự nhận thức của dân chúng là điều họ không chấp nhận được vì đó là tử huyệt của chế độ. 

Trong lịch sử cầm quyền, đảng cộng sản rất nhiều lần gây sức ép, gây ra nhiều vụ đàn áp đẫm máu nhưng rồi đều đi vào quên lãng. Gần như là giết người diệt khẩu, không để lại thông tin, không lưu trữ gì cả. 

Thứ Tư, 5 tháng 2, 2020

Diễm Thi, RFA: Vì sao Hà Nội không thể đóng cửa biên giới khi dịch bùng phát?

Khách du lịch mang khẩu trang bảo vệ tham quan Văn Miếu tại Hà Nội vào ngày 4 tháng 2 năm 2020

Chống dịch như chống giặc! 


Thủ tướng chính phủ Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Phúc, lên tiếng kêu gọi tại một cuộc họp về phòng chống virus corona vào cuối tháng 1 vừa qua rằng ‘với tinh thần chống dịch như chống giặc, các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, phải bảo đảm tính mạng, sức khỏe của người dân’. 

Lý do được cho là vì Việt Nam có đường biên dài với Trung Quốc, nơi phát tán dịch virus corona. Đây là chủng virus corona mới mà vào chiều tối ngày 30 tháng 1 Tổ chức Y tế Thế giới phải tuyên bố "tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu". 

Cũng vào chiều ngày 30 tháng 1, tại cuộc họp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, trả lời ý kiến về việc đóng cửa biên giới, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết: “Việt Nam và Trung Quốc có ký kết hiệp ước, nếu liên quan an ninh và dịch bệnh thì có thể đóng cửa nhưng phải có thỏa thuận giữa hai bên chứ Việt Nam không thể đơn phương”. 

Phát biểu của ông Phạm Bình Minh nhận được nhiều ý kiến phản hồi cả trên báo chí chính thống lẫn trên mạng xã hội. Đại đa số cho rằng việc đóng cửa biên giới là việc làm cần thiết để bảo vệ người dân. 

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2019

Diễm Thi, RFA: Đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng: Lại Trung Quốc được lợi?

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một bữa tiệc của do Nhà nước tổ chức tại Hà Nội vào ngày 12 tháng 11 năm 2017.


Chiều 25 tháng 11, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã chính thức có thông cáo báo chí về việc nghiên cứu, lập quy hoạch tuyến đường sắt mới khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Bộ GTVT cho rằng tuyến đường sắt này có vị trí rất quan trọng trong việc hình thành mạng lưới vận tải đường sắt ở phía Bắc sông Hồng, vì tuyến đường sắt chạy theo hành lang Đông - Tây nối liền vùng Tây Bắc với vùng đồng bằng và cảng biển Hải Phòng, một trong những cảng lớn của Việt Nam. 

Tuyến đường sắt này dài 392 km được quy hoạch đi qua 8 tỉnh, thành phố gồm Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng; kết thúc tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng). Tổng vốn đầu tư dự kiến 100.000 tỷ đồng, chưa kể chi phí giải phóng mặt bằng. Riêng chi phí nghiên cứu lập quy hoạch do chính phủ Trung Quốc tài trợ. 

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2019

Diễm Thi, RFA: Làm sao để ngăn “Đường lưỡi bò” vào Việt Nam?

Công an canh người dân Hà Nội biểu tình chống Trung Quốc trước đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội ngày 6 tháng 8 năm 2019.

Mới đây, bản đồ có “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc lại xuất hiện trong giáo trình trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Điều này một lần nữa cho thấy chính phủ Việt Nam bị động trong việc kiểm duyệt, quản lý toàn diện các ấn phẩm, sản phẩm, văn hóa phẩm nhập vào Việt Nam có liên quan đến Trung Quốc.

Lại “lọt lưới”


Liên tiếp những ngày gần đây, Việt Nam phát hiện khá nhiều sản phẩm từ du lịch, văn hóa phim ảnh đến bản đồ định vị của xe hơi nhập khẩu từ Trung Quốc đều có bản đồ “đường lưỡi bò”. Phát hiện và phạt rồi lại phát hiện và phạt, đó có phải là cách tốt nhất để ngăn chặn “đường lưỡi bò” vào Việt Nam?

Dư luận bắt đầu nản và không có niềm tin vào chính phủ thì cuối tuần qua, mọi người lại phát hiện trong giáo trình dạy và học tập dành cho sinh viên năm nhất khoa Trung - Nhật trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, tại cuốn Đọc sơ cấp 1 "Developing Chinese" có bản đồ mô tả lãnh thổ Trung Quốc với "đường lưỡi bò" được in to, rõ nét.

Theo Điều 13 thông tư ban hành quy định việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình giáo dục đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 28 tháng 1 năm 2011, Hội đồng Khoa học - Đào tạo Khoa đề xuất danh mục các giáo trình cần đưa vào giảng dạy, học tập theo chương trình đào tạo để trình Hiệu trưởng xem xét, tổ chức lựa chọn giáo trình phù hợp với chương trình đào tạo.