Hiển thị các bài đăng có nhãn Cung Tích Biền. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Cung Tích Biền. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2023

Truyện ngắn Cung Tích Biền: Rừng Đom Đóm

Hình minh hoạ, Monicore - Pixabay

Người ta hiếm thấy một người đàn ông nào bội bạc, ngoài năm mươi tuổi; lúc vợ còn sống thì thờ ơ, hành hạ vợ tới độ tàn ác; lúc vợ qua đời lại ôm thi hài vợ khóc than thảm thiết như Mạnh. Khóc mưa bão suốt sáu tiếng đồng hồ, Mạnh mời cô Trâm, cô gái vốn thường sơn móng tay móng chân cho các bà các cô, đến làm sắc đẹp cho vợ mình.


Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2023

Cung Tích Biền: Mùi của gió mùa

Nhà văn Cung Tích Biền
Bảy mươi tuổi, hãy còn khoẻ mạnh, minh mẫn; từ bao năm, Cụ Gàn tiêu biểu cho niềm vui, lòng tận tụy với xã hội. Ngồi gần cụ, bên cốc cà phê, năm ba bè bạn, thì thật thú vị, vì sự dẫn dắt câu chuyện, lý giải các sự kiện lịch sử, văn chương, triết học.

Kiến thức sâu rộng, biết nhiều ngoại ngữ nên nguồn đọc của cụ không lệ thuộc vào sách nhập nội thông qua dịch thuật. Cách nói ngắn gọn, hàm súc, nhiều ẩn dụ, đậm chất hài hước. Giọng hiền hòa, hấp dẫn; không dạy đời, không cường điệu; rất chân tình, nhưng thẳng thắn vì tôn trọng sự thật.

Cụ là nguồn tư liệu phong phú cho các ký giả trẻ muốn tìm hiểu sinh hoạt của Sàigòn cũ, từ chuyện chính trường đến chỗ ăn chơi, nhà hàng vũ trường; từ tổ chức guồng máy hành chánh đến hệ thống quân đội. Cụ là cố vấn đặc trị thiếu hụt kiến thức nhiều mặt, cho quý vị thạc sĩ tiến sĩ nội địa có ngọn mà thiếu cái gốc, đang giảng dạy ở một số đại học hiện nay.

Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Cung Tích Biền: Tân Truyện - Một thời nên vắng mặt

“MỘT THỜI NÊN VẮNG MẶT”, 
Tân Truyện của nhà văn CUNG TÍCH BIỀN, VĂN HỌC PRESS xuất bản năm 2021.

Bạt:Nguyễn Vy Khanh – Đặng Thơ Thơ – Lê Hữu

Tranh bìa:Hoàng Thị Kim

Thiết kế bìa:Hubert Phan

Sách được bán trên BARNES & NOBLE

Diễn Đàn Thế Kỷ xin trích đăng 4 chương đầu của tác phẩm này.


MỘT THỜI  NÊN VẮNG MẶT

một

 Lời âm u khói núi


Hãy rộng lòng với tôi những điều tôi đã nói. 

Hãy hiểu cho tôi những điều tôi chưa nói.

CTB


Gọi rằng, tập thể những con người có-mặt-chúng-tôi, là một khu rừng. Rừng rú ấy non thế kỷ qua chỉ toàn cây trái độc. Cây này tỏa chất/khí độc làm tàn héo cây kia. Cây nọ rụng trái/giống độc xuống làm què quặt mầm non khác.


Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2021

Cung Tích Biền (Tùy bút): Thu đi, Cá trở về nguồn

Buổi sơ nguyên của lý luận mang hơi hướng triết học, có câu chuyện giữa hai triết gia Trang Tử và Huệ Tử. Đứng trên cầu, nhìn dòng nước sông Hào trong vắt, bầy cá lội tung tăng. Một này nói, Bầy cá bơi đùa, cá vui nhỉ. Kẻ kia bảo, Ông có là cá đâu mà biết cá vui buồn. Ông này trả lời, Ông có là tôi đâu mà biết tôi hiểu hay không hiểu, cá buồn hay vui.

Là, do liên tưởng, cái đầu tôi mông lung bá láp vầy thôi, khi chiều nay tôi cùng nhìn thấy cá. Tôi và Kim đến Seattle những ngày mùa thu, thăm bạn. Cùng là mơ màng với nắng gió nồng nàn, khi sắc thu đổi màu. Cây. Lá. Và rừng. Cả núi đồi. Nghìn màu. Nồng và lạnh. Ấy là trên mặt đất. Rất ngậm ngùi khi Nguyễn Đức Quang đưa tôi đi xem cá trong dòng sông Cedar. Một sông nước cá hồi. Sông thì có cá, đương nhiên. Nhưng cá này, đặc biệt, cùng nhau bơi ngược dòng. Chúng đang trở về nguồn. Sao mà cá biết nhớ nguồn?

Sông Cedar, tiểu bang Washington, tây bắc nước Mỹ, phát khởi từ vùng núi Cascade, không dài lắm, chừng 45 dặm [72 cây số] rồi hòa vào hồ Washington to lớn, vùng Seattle.

Một con sông nhỏ nhưng rất đẹp. So với núi non hung vĩ, biển cả ngoài kia, và hồ Washington tưởng như mênh mông, Cedar là một thiếu nữ, với bí ẩn lẫn hoang đường. Tôi đến với Renton Memorial Stadium. Đi qua Cedar River Trail, một lối đi bộ từ Maple Valley, qua Renton ra tới bờ hồ Washington. Sông hai bờ, nhiều nơi thẳng tắp, song song nhau như một kênh đào. Vừa đi, thơ thẩn nhìn, lòng thương nhớ những con kênh Nam Kỳ. Nhớ Châu Đốc, Hà Tiên, Vĩnh Long, Bạc Liêu, những con kinh đục màu phù sa. Nguồn nước Phương Nam quê nhà, không trong vắt như Cedar, nhưng phù sa nhiệm mầu đã bao đời nuôi dưỡng con người.

Renton, Tây Bắc Mỹ. Một sáng lạnh. Trời lúc nắng hoang, lúc sương mù. Mù sương biến những cây lá thu, bức tranh lắm màu kia trở nên một cảnh trí kỳ ảo. Là thoát thai từ một thiên nhiên lẽ ra được bày biện trung thực trong nắng hiện.

Thứ Sáu, 15 tháng 10, 2021

Cung Tích Biền: Một Thời Nên Vắng Mặt

một

Lời âm u khói núi

Hãy rộng lòng với tôi những điều tôi đã nói.
Hãy hiểu cho tôi những điều tôi chưa nói.
CTB

Gọi rằng, tập thể những con người có-mặt-chúng-tôi, là một khu rừng. Rừng rú ấy non thế kỷ qua chỉ toàn cây trái độc. Cây này tỏa chất/khí độc làm tàn héo cây kia. Cây nọ rụng trái/giống độc xuống làm què quặt mầm non khác.

Cuộc anh em choảng nhau kịch liệt đang tới hồi cực điểm. Vừa mấy tháng qua là cuộc chơi nhãn hiệu Tết Mậu Thân. Một cuộc nhang khói quanh co, lẫn ngậm ngùi.

Quanh co, vì suy tới nghĩ lui vẫn ngần ấy nội dung tranh chấp. Có khi tới trăm năm cũng chỉ vậy. Có khi rối mù, tàn tật trí não hơn.

Ngậm ngùi qua-về, vì cái nôi mẹ ru con có giới hạn quá hẻo. Mẹ ru tuổi thơ. Tuổi lớn, tụi con chúng tự tính sổ với nhau. Bên này bên kia một lũy tre, cách một bờ mép chiến hào, qua một màn sương bờ lau sậy, vẫn ngần ấy anh em.

Cha lăn đùng rồi, có anh con cầm dao găm thay. Cha già nua, có anh con thông minh hơn nói hộ. Vẫn ngần ấy nội dung, ông cao từng nói, ông cố đã nói, ông nội từng khẳng định, cha của mình có bổ sung, tới mình thay mặt Buổi-hôm-nay, nói, phải đúng bon vậy. “Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.

Tôi ngồi rất lâu trong đêm thâu. Nghĩ về khói hương một ngày đầu năm mới. Những đóa hoa sẽ nở trong mùa xuân tới.

Người ta đồn rằng có những bà mẹ còn ôm cuốn kinh Phật trong lòng tay, và nhiều em bé còn mang theo món đồ chơi quà tết cha mẹ cho trước khi tử nạn.

Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2020

Phạm Viêm Phương: Phỏng Vấn Nhà Văn Cung Tích Biền (Kỳ 4)

Kỳ IV.  Việc cầm bút, Cái-viết-ra, cũng là một Trả-Lời.


Sự cần thiết của việc nghiên cứu, phê bình trong văn học, tôi nghĩ rằng, “Một tác phẩm được một tác giả viết ra, mới là người đi... một chân rưởi, lúc được nhà phê bình ra tâm nghiên cứu, bình giải, là lúc đi đủ... cả hai chân. Độc giả đến với những tác phẩm lớn, cần một tầm cao tiếp cận, đều phải cần một ‘cây đèn bấm’. Đèn bấm ấy là nơi nhà phê bình”. 

- Phạm Viêm Phương: Riêng ông, mấy năm rời xa Việt Nam có khiến ông hụt hẫng như bị cắt khỏi nguồn chất liệu sống như nguyên liệu không thể thiếu cho sáng tác (như thần Antaeus mất sức mạnh khi rời khỏi mặt đất của mẹ hắn là nữ thần Đất Gaia) không? Nếu có thì ông vượt qua cảnh này như thế nào?

Cung Tích Biền: Hỏi rằng “...rời xa Việt Nam có khiến ông hụt hẫng như bị cắt khỏi nguồn chất liệu sống như nguyên liệu không thể thiếu cho sáng tác...”, thì tôi chưa hiểu hết, hoặc có thể hiểu lầm, giữa “chất liệu sống”, và chất liệu “sống”. 

Tôi hiểu, “chất liệu sống” là cái luôn xảy ra trong đời sống; chất liệu “sống”, cũng là những tương tác ấy, nhưng mình được trực tiếp tham dự không qua chế biến. Thịt sống là thịt chưa qua nấu nướng. Tiền tươi [sống], là tiền mặt đưa trực tiếp tay trao tay, không thông qua chi phiếu, hoặc chuyển qua trương mục ngân hàng của nhau. Chất lượng “sống”, là cái trực tiếp nhìn thấy, trực tiếp tham dự, không thông qua các hình thức kể lại, tường thuật hình ảnh.

Trong một thế giới “ảo” của hôm nay, mọi thông tin đều được toàn cầu chia sẻ trong từng phút giây, rất chi tiết, rất rõ thật qua từng lời nói, hình ảnh, từng con số. Tại Việt Nam, người hâm mộ có thể xem trực tiếp một trận bóng đá bên tận xứ Âu châu, Nam Mỹ, chỉ vài giây ngay sau khi trái bóng lăn trên sân. Bất kỳ một nơi nào trên trái đất cũng có thể theo dõi từng giờ con virút corona tác hành như thế nào, số người nhiễm bệnh, số người chết, thậm chí giá một cái khẩu trang nơi nào tăng cao nơi nào vẫn giữ nguyên giá bán. Bất cứ tình tiết, tình hình gì ở trong một nước, người nước ngoài vẫn có nhiều phương cách, phương tiện, kênh thông tin, để theo giỏi sát rạt. Như thế, người cầm bút chẳng mất đi đâu, “nguồn chất liệu sống, như nguyên liệu cho sáng tác...”. 

Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2020

Phạm Viêm Phương: Phỏng Vấn Nhà Văn Cung Tích Biền (Kỳ 3)

KỲ III


“Trên hành trình sáng tạo, nhà văn không chỉ thấy chiếc bóng của những thực thể hữu hình, sản phẩm của ánh sáng, mà là cả chiếc bóng vô hình, linh hồn của vạn vật”.

Phạm Viêm Phương: Sau biến cố 1975, phần lớn nhà văn đã thành danh thời Cộng Hòa ở lại trong nước đã bỏ bút. Riêng ông cầm bút trở lại, sức viết lại sung mãn hơn xưa. Xin ông cho biết vì lý do gì? 

Cung Tích Biền: Bất cứ vì lý do gì, một nhà văn khi còn sức viết mạnh mẽ, mà không thể viết được nữa là một bất hạnh. Khi “Không còn được viết nữa”, vì những lý do áp bức, cường quyền, vì chữ-nghĩa-bị-gông-cùm, ta phải cố mà thoát khỏi cái bất hạnh ấy. 

Trong hoàn cảnh một Việt Nam Hôm nay, một nhà văn khi còn sức viết mà không được viết, chỉ là bất hạnh thứ nhất. Nếu anh buông xuôi, chữ nghĩa anh sẽ chết, anh đành phải sống, trong thảm cảnh chết dần. Nếu anh viết tiếp với lòng trung thành, nhân văn, với cái gan nói ra sự thật, bất hạnh sẽ được nhân đôi. Đó là sự trừng trị từ phía nhà đương quyền.

Anh bảo rằng ngòi bút tôi sung mãn, sâu sắc, về sau?

Chính một giai đoạn lịch sử cuồng nghịch, xã hội con người dần biến ra một nhung nhúc tử thi, xú uế tối tăm, chính đó, đã tạo ra cho mỗi con người một sức bật mạnh mẽ để thoát ly. 

Mỗi thoát ly một tính cách biểu hiện. Có người dương khẩu hiệu, cầm đao kiếm. Tôi là nhà văn, tôi trút vào chữ nghĩa. Chữ nghĩa, cũng là một loại thuốc nhuộm màu cho tâm cảm, tâm thức con người.

Phạm Viêm Phương: Nhưng vì sao ông cầm bút trở lại vào năm 1987 mà không là sớm hơn hay muộn hơn? 

Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2020

Phạm Viêm Phương: Phỏng Vấn Nhà Văn Cung Tích Biền (Kỳ 2)

Kỳ II.  Tiếng Nói của Đời. Tiếng Nói của Chữ.


“Văn chương, gọi là sống, khi nó còn Tiếng Nói. Tiếng Nói cho hôm nay. Tiếng Nói vì mai sau”. 

Phạm Viêm Phương: Nhân nói về tác phẩm của ông, tôi muốn hỏi về bộ hồi ký. Đọc bài phỏng vấn ông trên trang mạng www.talawas.org năm 2007, tôi thấy Lý Đợi có đề cập tới bộ hồi ký của ông. Hồi ký cũng là thể loại độc giả luôn tìm đọc Trên một thập niên rồi hẳn ông đã hoàn thành? 

Cung Tích Biền: Chưa hoàn thành. Chỉ có thể hoàn thành khi chính tôi phải tuân thủ một số tiêu chí nghiêm ngặt khi viết hồi ký.

Hồi ký là một loại rất dễ viết, nhưng với tôi, lại rất khó. 

Phạm Viêm Phương: Vì sao lại trớ trêu, khó lẫn dễ trong thể loại này?

Cung Tích Biền: Hồi ký là một thể loại dễ viết nhất, mà cũng là khó viết nhất. Cả hai đều đúng bon cả. 

Dễ viết, là một người Việt Nam, sống qua một lịch sử khá kỳ lạ non thế kỷ nay, nếu muốn viết về cuộc đời từng trải của mình, thì bất cứ ai cũng có thể viết nên một quyển hồi ký. 

Một cô gái lớn lên vào thời chiến chinh, bỏ đồng quê làng mạc, chạy nạn vào thành phố, giàu có nói chi, tới bao nhiêu gian truân, có khi làm đĩ nuôi con; có khi lấy một lính Mỹ, theo chồng Mỹ qua Mỹ thời hậu chiến, bao nhiêu vật đổi sao dời. Một cô gái đẹp, phải nhà nghèo, đành lấy chồng người Hàn Quốc, cả người cà thọt, anh cà nhỏng; thu món tiền lo cho cha mẹ, già bệnh nợ nần; sống trên đất người, cho tới ngày luống tuổi, đêm hắt hiu, chiều tàn hương bên xứ người, thương cha nhớ mẹ, mái nhà bụi chuối, đám bèo trôi miền sông Tiền sông Hậu. 

Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2020

Phạm Viêm Phương: Phỏng Vấn Nhà Văn Cung Tích Biền (Kỳ 1)

Kỳ I. Một cách Ra-Đi. Một Đời viết.


“Cái đuôi con thằn lằn đứt lìa này
biết bao giờ ráp lại 
cái thân mình thương tật Việt Nam”
[Lời Nhà văn Cung Tích Biền trả lời phỏng vấn]

Phạm Viêm Phương: Thưa Nhà văn, ông đã qua xứ người được hơn ba năm rồi, và chắc mọi sinh hoạt đã đi vào nề nếp ổn định?

Cung Tích Biền: Thưa anh, nói về sự ổn định của một người cầm bút thì hơi khó, dù “ổn định” hiểu theo cái nghĩa thông thường nhất.

Tôi xin nói thật một điều. Tôi nguyện ở lại với quê nhà, và đã ở được hơn bốn mươi một [41] năm, kể từ tháng Tư năm 1975. Nay phải sang Mỹ định cư, vì vợ, các con và các cháu của tôi đã có quốc tịch từ lâu bên ấy; và, vì tuổi tác gia đình không đành để tôi sống một mình thiếu người chăm sóc tại Sàigòn; những điều kiện ấy buộc tôi phải đành lòng.

Tôi vốn thức ngủ, từ hơn ba mươi năm nay, với nhiều căn bệnh nan nguy lẫn những bệnh mãn tính cần thường trực phải có thuốc chữa trị hằng ngày tới suốt đời. Tôi là một bệnh-nhân-chuyên-nghiệp của nhiều khoa, mà tiêu biểu là hai khoa ung thư và tiểu đường, tại bệnh viện FV [Pháp Việt] Sàigòn, rất hao tiền tốn của. Tại Xứ người, tôi được cung cấp đầy đủ không sót một món thuốc trị bệnh và vật dụng y khoa nào. Có thể nói là được cấp thừa những thứ mình cần có. Bốn tháng bắt buộc xét nghiệm máu toàn bộ, và tái khám một lần. Tất cả chi phí khám bệnh, chăm sóc y tế, tiền thuốc men là do nhà nước cho không, tôi không phải chi trả một đồng cắc nào. Lại được sống trong một đất nước tương đối là có đủ các quyền tự do hành xử, một xã hội văn minh, mọi người luôn dành lòng thân ái cho nhau.

Tôi xin mở một dấu ngoặc. Tôi không có ý ca ngợi nước Mỹ, điều ấy là không cần thiết. Văn minh hay lạc hậu, giàu nghèo, xấu tốt, nơi đáng sống hay nơi đang bị cướp mất quyền sống của con người, đó là những hiện thực, cái đang-là, trên mỗi đất nước. Định mệnh đã sẵn vậy rồi. Khi trả lời,nếu những điều tôi nói có liên quan tới người Mỹ, nước Mỹ, đó chỉ là những cứ liệu cần thiết phải nêu ra, để minh chứng, khi trả lời câu hỏi, mà thôi. 

Thứ Năm, 30 tháng 4, 2020

Cung Tích Biền: Ba Mươi Tháng Tư Thế Võ Lật Bánh Tráng

1


Biến cố Ba mươi tháng Tư 1975 là một cuộc trần ai, Lật bánh tráng. Một này lật úp trọn vẹn. Một kia lật ngửa, trần trụi, phô bày toàn thể cái Không-thể-giấu-giếm, của nó. 

Có người nói rằng, “Cuộc chiến Bắc Nam chấm dứt, kẻ thắng người thua đều là kẻ bại trận”. Nói vậy e không đúng lúc, ra cái điều ngụy quân tử; nhất là câu phát ngôn ấy của người bên “Hốt hết nhà cửa tiền vàng của người thua trận; đốt trụi sách vở; lùa người đưa vào trại tù; triệt tiêu cái tình huynh đệ Bắc-Nam; không một tỏ ra cao thượng nào tìm thấy, nơi kẻ gọi rằng chiến thắng”.

Một cuộc thắng thông qua thuần vũ lực, không có lương tri nhân nghĩa nào có quyền chen vô can ngăn được; chỉ bằng áp đảo, xua cả thiếu niên ra trận, lót đường trùng trùng xương cốt xuôi dãy Trường Sơn; không thể ngay tức thì, ngày hôm trước xưng anh hùng, cờ xí mừng đại chiến thắng, chiều hôm sau nhún mình, trở bộ quân tử tàu, nói ngược lại mình cũng là kẻ bại trận; dù là câu nói ví von, hay ẩn dụ. 

Một cuộc xương máu hai mươi năm, “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn / vùi con đỏ xuống hầm sâu tai vạ” [*] không thể phán một câu là xong nợ, huề trất. Như cá độ bóng đá, tao với mày bắt tay, ra quán nhậu mần vài chai bia corona.

Ngay đó, chỗ “Tình nghĩa Bắc Nam”, lại một cuộc thua trận. Cũng chẳng thể nói càn, “Đù má, Tao thua hồi nào?” Nhận mình bại trận, cũng là một sòng phẳng, lương thiện; để rồi, sau đó, càng thương yêu nhau hơn, đùm bọc nhau, cùng chung chia nỗi đau định mệnh, cùng nhau tìm con đường Phục quốc. 

Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2019

Nguyễn Vy Khanh: Cung Tích Biền - Nhà Văn Việt Nam Hải Ngoại (Tiếp theo và hết)

Ở Hàn Chính Khúc phát triển thuyết lý “minh biện” về Mùi: “Có phải vì mùi mà có những cái chết kia không? Có phải vì thương yêu mà kẻ thân yêu bị tàn sát? Và muốn trọn vẹn nên phải nhai nuốt cái đau thương mang hình hài kia không?”. Nhân vật “tôi” thì nghĩ rằng: “Như thế, "không đành lòng" thì phải giết người sao? Tôi đồng ý rằng khác mùi thì khó thể hòa đồng, mùi vô sản hay tư bản? Tôi hiểu, tôi chia xẻ cái tang chế bất khả tư nghị của người cha giết vợ. Nhưng luân lý đã đóng đinh lên thuờng hằng, rắng anh có quyền tự hủy nhưng không có quyền hủy một con người. Cái quan điểm xem con người là phương tiện, hay giải pháp e rằng không nhân văn tí nào. Cứ lùa người vào chỗ chết hàng loạt, cứ cứu cánh biện minh cho phương tiện, cái đó chúng ta hình dung ra sức mạnh của một bọn dã thú” (tr. 164).

Theo Cung Tích Biền, “Nỗi đau đã biến thành Mùi”: “Mùi Mậu thân tre trúc che chắn. Nhưng chiếc mành thời gian không lọc được mùi. Tàn tật có thể hàn gắn. Chết chóc có thể giải thích. Mùi, nó nghìn thu”. Và “Mùi Tự do bị thiêu cháy” gây hoang mang “Tự do bị thiêu cháy. Nó là ánh-sáng-mùi tệ hại nhất trong vạn mùi. Nó ở mãi với bao la” (tr. 165, 167). 

Miền Nam đã trở thành “cái lồng cu ngột ngạt” và cuối chuyện thêm một xác người phân mảnh, được xem như một “cuộc trở về – không là tái sinh - của Nàng khá ly kỳ. Cái đầu, chỗ công viên, về trước. Hai cánh tay thiếu bàn tay về sau một chút. Một ngày rưỡi sau Nàng về tạm đủ nhưng còn thiếu quả tim. Hai bàn chân về sau cùng. Nàng chậm chạp và khiếm khuyết như Lịch sử. Cái được gọi là Lịch sử giống nòi tôi luôn là một bất toàn cho bất cứ ai, và luôn là một Mong Đợi Hạnh phúc cho tới giờ nhắm mắt mỗi đời người...” (tr. 180). 

Ở Cung Tích Biền, văn-chương về cái Chết là một thứ văn không yên ổn, vì con người bị bứng ra khỏi đất, từ một thế giới chuyển qua thế giới khác, cõi sống/cõi chết, từ một hiện hữu bình thường đổi sang một thể-trạng không thể định nghĩa, từ "to be" sang "not to be" ("đổi sang từ trần"). Cái Chết nói chung xưa nay vẫn là mối kinh hoàng, là nỗi sợ chính của con người : sợ cõi lạ, cõi hư vô không thể biết vì không thể có kinh nghiệm khi sống, khi còn ở một trạng thái trước, khác. Tuy từng được xem là một cấm-kỵ, nhưng tabou cái Chết không là một đối tượng, mà là một thứ trực giác, cảm nghiệm cá nhân. Cái Chết là một biểu tượng, là một chấm dứt; nhưng vì không phải là mục-đích tự thân, cái Chết không phải là hết, là kết thúc một cuộc đời hay cái gì, mà là một bắt đầu khác, một sự sống khác tùy theo cách cắt nghĩa của các tín ngưỡng, tin tưởng (Thiên đàng, Vương quốc trí tuệ, Trí huệ, Cõi sống đích thực!). 

Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2019

Nguyễn Vy Khanh: Cung Tích Biền - Nhà Văn Việt Nam Hải Ngoại

Tên thật Trần Ngọc Thao, sinh năm 1937 tại Thăng Bình, Quảng Nam. Động viên học Trường Sĩ quan Thủ Đức năm 1963, ra trường đồn trú ở Cần Thơ, Bạc Liêu, Hậu Nghĩa và Tây Ninh. Giải ngũ năm 1973, cấp bậc Đại úy. Từng ký Chương Dương, Việt Điểu, Uyên Linh và cuối cùng bút hiệu Cung Tích Biền - xuất hiện lần đầu trên tuần báo Nghệ Thuật tháng 3-1966 (truyện ngắn Ngoại Ô Dĩ An và Linh Hồn Tôi). 

Sau 1975, Cung Tích Biền ngưng viết 12 năm, năm 1987 ông sáng tác trở lại. Trong nước đăng truyện trên Cửa Việt, Sông Hương, và gửi ra ngoài nước đăng tác-phẩm đầu tiên với Hợp Lưu (Dị Mộng, Qua Sông, Thằng Bắt Quỷ 1991,..), rồi 20 truyện Xứ Động Vật đăng trên liên mạng Da Màu Văn chương Không Biên giới năm 2008, rồi Nhật báo Người Việt [California] tiểu thuyết Mùa Hạ đăng từng kỳ, 194 số nhật báo năm 2012, v.v. 

Từ 2007, lúc còn trong nước, trước khi dứt khoát định cư ở Hoa-Kỳ tháng 10-2016, ông đã tự xuất bản tác phẩm của mình - ông gọi là “đẻ chui”, qua hình thức in chụp dưới “bảng hiệu” Một Mình. 

Tác-phẩm đã xuất-bản sau 1975 và ở hải ngoại: Thằng Bắt Quỷ (Tân Thư, 1993), gồm 11 truyện ngắn trước và sau năm 1975; Xứ Động Vật “tân truyện” (Nhân Ảnh, 2018) và tập truyện ngắn Mùa Xuân Cô Mơ Bay (Thao Thao, 2019).

*

Cung Tích Biền, công dân của miền Nam với thân phận đi giữa hai lằn đạn - ông có hai người anh, một “anh là Cộng sản chết không mồ, em là Quốc gia chết không tìm ra xác” (người tập kết, người bị tù “cải tạo”, hai cái chết đều do Cộng sản Hà-Nội gây ra!). Trước 1975, ông từng bị nghi ngờ nếu không vì xuất thân từ vùng kháng chiến chống Pháp thì cũng vì gia đình ông, cũng như nhiều người khác có anh em ở chiến tuyến đối nghịch; đời sĩ quan của ông không hanh thông, từng bị chỉ định nơi cư trú và giải ngũ sớm. Nạn nhân cả sau biến cố 30-4-1975, ông đã phải chịu đựng và câm lặng hơn 30 năm. Nhưng dù muốn dù không, Cung Tích Biền cũng đã chứng kiến nhiều cảnh bạo lực, “nhân tình éo le” và chướng tai gai mắt. 

Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2019

Cung Tích Biền: Đời Ngửi Khói

I


Đầu tiên bà mẹ đẻ ra một anh con trai, ngoài tên khai sinh chính thức, tên gọi thân mật trong nhà là Tôm. Hai năm sau, cũng bà mẹ này đẻ ra một cô con gái, tên là Cua, chính tôi. 

Đương nhiên cha tôi là người tôi thương yêu nhất. Cái lẽ thường tình, vì ông, mẹ đẻ ra chúng tôi. Cũng vì ông, chúng tôi có những gốc rễ cùng nhau, dính liền những nỗi đời hân hoan, cùng nhớ nhung đau khổ, cùng một nhóm máu, một họ chung. Qua cái nhìn trí huệ, chúng tôi có những nối kết hiển linh đáng rùng mình, thiêng liêng hơn là việc vì cùng/chung nhau trên một bàn ăn. 

Có những khi, nỗi nghi hoặc đã âm ỉ lên khói trong hồn, của vài chục năm sau những tháng ngày chia biệt, Tôm ra biển, rồi biệt tích; tôi bơ vơ đi tìm anh; mới thấy chúng tôi có những “của cải chung” thuở ấu thơ. 

Chúng tôi có chung một căn phòng để ngủ chung, một căn nhà cha mẹ nhìn ra bãi biển qua một đường phố ven biển nhiều cây xanh; lá cây có thay đổi theo mùa xanh/rụng; bóng cây theo nắng sớm rực rỡ, hoặc chiều hoang buồn ngủ; mùa hè gió mùa thổi lộng; những mưa đầu đông chúng tôi đã tê cóng ôm lấy nhau tìm ấm. 

Chúng tôi có chung những vỏ sò hai anh em nhặt lên bỏ chung vào cái hộp thiếc rỗng; chung cùng ly kem, mút chung cây kẹo; những vì sao đêm chung nhìn, không ai giành nhau tia nắng; chung một con nhồng nhảy nhót trong lồng. Con nhồng láu cá biết nói một vài câu ngắn ngủi, vâng dạ, chào khách. Rồi con nhồng một ngày lạnh lẽo chết toi. Nó gầy nhom, bày nhiều mớ thịt xam xám như có ai thù ghét nó vặt trụi lông đêm qua. Lại có chung một con nhồng khác, trẻ trung yêu đời hơn con nhồng già vừa ngỏm. Cha tôi nói, để cho Tôm Cua có cái vui chung trong nhà.

Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2019

Cung Tích Biền: Du Tử Lê, Định Mệnh Của Tài Hoa

“Ở chỗ nhân gian không thể hiểu”. Vì, một người vẫn luôn là một cơn mộng một đời. “Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời / nói gì kiếp khác với đời sau”. Có một đời để sa đà vào cái nhớ, cũng là một hạnh phúc thần tiên. Một đời chỉ nhớ là chỉ mộng suốt một đời. Đúng rồi, nhân gian đâu thể hiểu thần tiên. 

Hôm nay, một sáng nắng ấm, trời thu, Nam California, chúng tôi ngậm ngùi đưa tiễn một Nhà thơ. Tạ từ Du Tử Lê, một đời thơ trong ngần, một đời người bàng bạc như trăng.

Có người, trong phút hiển linh, chợt thấy trước, một cái thấy mơ màng, cái cách trong giấc ngủ đầy nắng, ngày/lúc, “Mình đứng tần ngần nhớ nhung chỗ đầu đường Exit. Trụi trơn không va-ly hành lý. Rồi một mình ngồi trên chuyến bay. Vé một chiều. Đi. Không Trở lại”.

Đi xem bóng dá, xem hát ca thì phải bỏ tiền mua vé. Vé “Ta Đã Thoát Rồi” là được ông Thần Số mạng ổng vui vẻ cho không. Cho ngay khi vừa lọt lòng mẹ. Công bằng, mỗi người một vé. Hiếm khi, tỉ người may ra đôi người, may mắn cầm nhầm hai vé. 

Sướng thật. Cái vui là có thật. Du Tử Lê khá thanh thản. Sáng Thứ bảy dự tiệc ra mắt sách, có hoa có rượu, bạn bè. Chủ nhật, lại quán cà phê quen thuộc cùng anh em, có tâm sự, nụ cười vui. Chiều thứ hai có người mời ngồi nhà hàng. Ngồi lâu, tớ mệt. Bạn bè dìu Lê về nhà. Lên giường nằm, còn lơ mơ, “Anh ngủ chút nhé T.”. Hóa ra, là giấc Thiên thu.

Trước đó, Du Tử Lê cũng chân thật tỏ lòng: 

“dù tôi hiểu: sớm, muộn gì tôi cũng sẽ biến mất,
như những con gió nhỏ nhẹ và, những hứa hẹn êm đềm của những đọt nắng xanh, non.
đó là lúc chúng tôi sẽ gặp lại nhau ở một cõi nào khác. có thể đó là lúc tôi không kịp cảm ơn vợcon, bằng hữu và ruột thịt xa, gần”

Đoạn thơ trên trong bài thơ có tựa đề “không ai chọn được đúng đời mình” thi phẩm cuối cùng của Du Tử Lê, xuất bản năm 2019.

Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2019

Lê Hữu: Những cô Mơ Bay trong truyện Cung Tích Biền

Girl Floating in the Air by Corey Egbert

“Mơ là ngọn đèn, tôi là ánh sáng.” 
(Mùa xuân cô Mơ Bay, Cung Tích Biền) 

Nhân vật chính trong truyện là cô Mơ Bay. Tên thực cô là Mơ. Lúc nào cô cũng muốn bay nên nhà văn cho thêm chữ “Bay” vào sau tên cô. Cô là Mơ ngoài đời thực, là Mơ Bay trong những trang viết của nhà văn.

Mơ Bay, tên đẹp quá đi chứ. Mơ mộng quá, bay bổng quá. Cô là giấc mơ có cánh. 

Cô mộng mơ, cô bay lượn thế nào thì chỉ có đọc qua mới biết được.

Mơ là mơ Thoát, bay là bay Thoát


Tác giả, người kể lại câu chuyện, cho biết, “Mơ Bay còn trẻ, rất đẹp, học giỏi, trưởng thành trong một gia đình nền nếp, giàu gia hạnh.” Cô lại “quá thông minh, giàu mộng tưởng. Mộng ước của cô lớn lao, ngoài giới hạn”. Mơ Bay tin tưởng một cách mãnh liệt rằng loài người là hậu duệ của chim chứ chẳng phải của tinh tinh, đười ươi, khỉ vượn chi cả. 

Vì ham rong chơi trên mặt đất, ham suối trong, rừng xanh và thích tắm biển nên chim sa đà vào kiếp đi bộ. Đôi chân chim dần dà bự ra như chân người, và đôi cánh teo lại thành đôi tay. (Mùa Xuân Cô Mơ Bay) (1)

Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2019

Cung Tích Biền: Đêm Muôn Màu

“Con ai đem bỏ nơi đây,
Thế gian đâu chỉ một này mà thôi” [CTB]

1


Hồ sơ về Kỷ vật: 

Thư của Manh Manh:

“Chị Mành Mành thân yêu,

Kỷ vật là con của chị? Em biết.

Chị say đắm trong một tình thương hiếm có của tình mẹ con? Em biết.

Nhưng em phải viết ra/ghi lại những dòng này, vì quanh đây còn ánh mặt trời. Kỷ vật phải được soi sáng, rõ thực là từ đâu tới. 

Ngoài thương yêu, dâng hiến cho đứa con từ tình mẹ, chị không có một quyền năng gì để thay đổi được sinh mệnh của cháu.

Kỷ vật chỉ là một Hậu quả, không là một Tương lai. Hôm nay, xã hội người đã một mực đi tới tương lai, quên những gì đã tạo, và để lại, từ quá khứ. 

Có nên xem Quá Khứ là một cái hố sâu nay đã được sang bằng, để an nhiên trồng cây hái trái? Cây trái ngọt, hoa lá tươi, vì may mắn có quá khứ bón màu?

“Chị hãy nhớ bản kê khai này:

Bốn giờ sáng, một ngày của năm 1980, em đang say ngủ thì con chó Ung đánh thức em dậy, qua vài cái cào nhẹ vào cánh tay em.

Ung dẫn em ra cái gốc cây khô. Ai đã đặt vào chỗ đó một cái bọc vải. Nghe có tiếng khóc yếu ớt của một hài nhi trong đó.

“Thời này mọi thứ thiếu thốn. Thiếu điện nước gạo cơm. Trời đất hãy còn tối đen trong một khu vườn không đèn đóm. Em hoảng sợ. Nhìn con Ung, em liếc mắt ra dấu cho nó, là, Mày hãy vào nhà gọi thêm người.

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2019

Giới thiệu sách mới

Diễn Đàn Thế Kỷ vừa nhận được cuốn Mùa Xuân Cô Mơ Bay, tập truyện của nhà văn Cung Tích Biền, Thao Thao xuất bản tháng 6, 2019. Sách dày 270 trang, giá $20. Liên lạc : info@thaothao.net


Sau đây là những “Lời thưa của tác giả” để độc giả hiểu thêm về tác phẩm Mùa Xuân Cô Mơ Bay :

Tác giả Cung Tích Biền
Sau khi Miền Nam thất thủ; 1975; Tác giả đã ở lại trong nước nhiều thập kỷ trước khi ra nước ngoài định cư.

Sống trong nước dưới một chế độ độc tài; toàn trị, Tác giả, một thành phần Cộng Hòa, như mọi con người bình thường Miền Nam còn lại, bị rất nhiều rủi ro, thiệt thòi mọi mặt trong đời sống; nhưng trong vị thế một người Cầm bút, Tác giả lại được hưởng nhiều may mắn, về phần "thu gom thực tế".

Là, với một quê nhà dột nát, một lòng người ngổn ngang tâm sự, để mà Viết. Nhớ không xuể. Viết không hết. Trùng trùng một trần gian ngập ngụa những trái ngang, bất bằng.

Nước trôi hoa rụng đã yên,
Hay đâu địa ngục ở miền nhân gian.
[Nguyễn Du]

Cung Tích Biền: Gia Sản Dưới Ánh Trăng

1


Nhiều đêm không ngủ, nằm hoang trống trong bóng đêm, lòng buồn nhớ nổi trôi. Lá trong vườn cũ, cỏ may quanh bia mộ, nhớ ngọn gió đầu mùa gợi cho ta cái khang khác chờ mong một đổi mùa, nhớ đôi mắt một người điên, nhớ chuột. 

Thay vì dùng cái bẫy chuột cồng kềnh, lại tốn công lắp miếng mồi, ngày nay người dùng tấm keo dính chuột, để giết chuột.

Tôi từng ngồi rất lâu một sớm mai nhìn con chuột vùng vẫy trên tấm keo dính chuột, lúc nó còn sức vẫy vùng. Bi kịch ấy không quá một ngày, nhưng cực là dằn dai, đúng điệu nghệ của cách tạ từ. 

Buổi trưa, con chuột yếu dần, nó nằm im, hai con mắt tội nghiệp nhìn tôi, mong cứu rỗi. Không có gì chứa chan sự tuyệt vọng lẫn hy vọng bằng đôi mắt chuột này.

Qua xế chiều, đôi mắt hết mong chờ, đã nhắm tít, đã từa tựa một xác chết. Chọc cây que xem thử, còn thở. Kéo dài một cái chết chậm. Tối đến, là phải tính sổ. Con chuột còn thoi thóp thở cũng đành gói lại, cho vào thùng rác. Ấy là Bóng Đêm chan hòa, hầm rác là tụ họp mọi nẻo đời.

Trước khi gói cái thi thể còn thoi thóp tôi nhìn bên cạnh nó, trên tấm keo dính chuột có một cái chân của một con chuột khác. 

Vậy, không phải con chuột nào cũng “đầu hàng” cái mùi hương ma mị từ tấm keo dính chuột. Nhưng con chuột thoát chết kia phải để lại một cái chân bị đứt lìa. 

2


Phải nhiều năm lưu lạc tôi mới có dịp gặp lại Phiêu Thiền, người có hai con vật đáng nhớ là Đốm và Ung. 

Chúng tôi đã không còn tuổi trẻ. Đã tóc mây trắng, răng song cửa. Tâm ý chập chùng những nghi hoặc, tiêu dênh cái lưu linh mộng tưởng một thời, mất cái điên, cái liều, mất sự vô tâm trước hiểm nguy chết sống một thời. Tất cả chỉ là ngập ngừng, là đọng lại một lớp cặn thời gian. 

Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2019

Cung Tích Biền: Gia Sản Trong Bóng Đêm

Truyện ngắn dưới đây trong chùm 3 truyện liên hoàn, viết nhân 40 năm sau Biến cố Tháng 4-75, khi Tác giả sắp bước vào thềm của tuổi 80. Truyện, một cưu mang khí hậu của hiện thực huyền ảo, đứa con sinh đôi của một dòng thời sự dai dẳng, dài dặc, quái đản, được gọi chung, là lịch sử.

1


Bát tiên là tám vị tiên, trong đó có một tiên Bà. Mỗi người ở một động đá trong đảo Bồng Lai, nơi của trường sinh bất tử. Trương Quả Lão là một trong tám vị tiên. Trương có một cái trống cơm và một con lừa. Lúc cỡi lừa Lão tiên thường quay mặt về phía đuôi con lừa. Con lừa đi tới, Lão nhìn lui. Lúc không cỡi, Trương Quả Lão thu nhỏ con lừa bỏ vào cái bị cói, rồi mang kè kè.

Câu chuyện thần tiên ấy đã mấy nghìn năm trôi. Tôi thì hiểu theo một cách khác: “Phép thuật không do nơi Thuật sĩ Trương Quả Lão. Chỉ là do con lừa biết tự thu nhỏ để rúc vào cái bị cói mà thôi”.

** 

Con người cùng vịt chó, heo gà, ngựa bò, mèo trâu, cùng sống chung dưới một mái nhà, chung cùng khu vườn, làng xóm, thân ái như người với người. Đêm mùa đông mưa lạnh, cháu đắp thêm cho ông nội tấm chăn, người chủ ra chuồng trâu bò quầy bọc thêm một lớp màn nhựa chỗ phên mành, cho con vật nuôi của mình bớt run rẩy. Cả thảy là tình thân, mối âu lo giữa những thân hình còn máu chảy châu thân trên mặt đất.

Bốn mươi năm đi qua cây cầu số phận, cùng chung nhìn dòng nước bạc, cuộc đời chóng vánh đổi trắng thay đen, tôi yêu thương con Đốm với con Ung vô cùng, dù chúng không là “tài sản” của riêng tôi. Nó là của Bóng Đêm.

Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2019

Cung Tích Biền: Lời Quê Góp Nhặt [Tường trình tháng Tư]

“Quê nhà, nơi tôi đang sống, nhiều khi gặp những điều bất công, oan ức, dân chúng thường phải câm lặng. Khi quá sức chịu đựng, họ ra Lời kêu oan. Nhà đương quyền, trên hiện thực toàn trị, duy một chiều độc đảng, thường không lưu ý, để giải quyết tận tình cho kẻ bị oan. Cách tốt nhất của họ là đàn áp, bắt bớ, cho vào tù.
Bấy giờ dân chúng có một phản ứng khá quyết liệt nhưng rất ngậm ngùi. Đám đông cùng khiêng một chiếc quan tài bên trong có xác nạn nhân, hoặc một cái gọi là quan-tài-gió [bên trong không có xác người] đến đặt trước cơ quan công quyền. Chiếc quan tài này, xác Chết này, sẽ thay cho những người còn Sống. Nó cất lên Tiếng Nói”.

1


ChịTrăng cư trú nơimột làng quê, miền Nam Trung bộ. Dân chúng nghèo khó. Phần lớn đất đai khô cằn. Chồng chị, anh Ngày, là một thợ lặn chuyên nghiệp, làm việc cho một công ty nước ngoài. Anh luôn xa nhà. 

Cha mẹ để lại một khu đất vườn. Chị trồng rau quả, tới ngày thu nhặt, quảy gánh ra khu chợ quê cách đó vài cây số bán lấy chút tiền, phụ thêm phần lương ít ỏi chồng gởi về, để nuôi con. 

Năm nay thì chịu thôi. Nắng suốt chín tháng liền, đến những loài cây trời sinh ra để chịu nắng hạn cũng khô queo. Một rừng xương cốt, vươn ra những cành nhánh chờ cháy trên bãi hoang. 

Ngày này tháng nọ, một lòng trời rỗng trống, vô tâm. Nơi cao xanh, có khi, một cõi mờ mờ bóng khói, như muốn trút xuống một cơn mưa. Nhưng trời luôn bí đái. Tầng tầng mây xám ấy chẳng bao giờ bể ra, đổ xuống.

**

Nhà máy, nơi anh Ngày đang làm việc, là một vùng đất đai rộng lớn được nhà đương quyền cho người nước ngoài thuê trọn những bảy mươi năm, với tấm lòng kính ngưỡng tình huynh đệ. Trong hơn hai phần ba thế kỷ ấy, ngoại nhân sẽ có toàn quyền tự quản lý, tự do quy hoạch đất đai, là khu kinh tế, tự lập bản doanh cơ sở công nghiệp, hoàn tòan tùy nghi. Là vùng nhượng địa, xem như đất riêng của mình, bọn ngoại nhân tự do tạo ra tô giới, ngay cổng ra vào đề bảng hẳn hoi: “Cấm người Việt Nam đi vào”.